Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:12:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Huyền Trân Công chúa  (Đọc 35313 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #20 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 10:09:04 pm »

Chương 7

Thuyền vừa cập bến đông bộ đầu, Huyền Trân đã nom thấy mấy nữ tì với chiếc kiệu chờ sẵn ở trên bờ. Đám nữ tì lao xao ríu rít như một bầy chim vỡ tổ. Họ chạy túa ra mạn thuyền, đón chiếc ván lao từ thuyền xuống đặt cho chắc chắn, để rước công chúa lên bờ. Mới xa kinh thành có nửa tuần trăng, trở về cảnh đã đổi khác rồi. Rặng muỗm ven đê hôm đi mới bật lên vài chiếc lá non tim tím, nay đã trổ trắng một trời hoa. Hương hoa muỗm có mùi thơm ngai ngái. Bãi ngô bữa trước cây còn thấp lè tè thưa thoáng, nay đã cao vổng chấm lưng người, ngăn ngắt một màu xanh. Cả Thăng Long như vừa thay áo mới. Nhìn vào đâu, nhìn về hướng nào Huyền Trân cũng thấy sức sống mùa xuân đang trỗi dậy. Công chúa còn thấy như mùa xuân đang len lỏi trong huyết quản. Dưới lớp da mịn mỡ, và cả trong lồng ngực, Huyền Trân cảm nhận mơ hồ như có tới cả ngàn ngàn con kiến gió đang bò mơn man, khiến nàng lâng lâng như chính cơ thể mình đang giãn nở - đang lớn. Ôi tạo hóa thật là kỳ diệu, thật là bí ẩn khôn lường.

Còn đang ngỡ ngàng trước cảnh vật, công chúa thoáng thấy bóng một cô bé núp dưới gốc muỗm ở chéo cung đường, như đang tìm ai, đang chờ ai. Thấy có người để ý, cô bé không dám thấp thỏm nhìn về bến nữa.

Bích Huệ, Thúy Quỳnh, hai tì nữ thân cận nhất nài nỉ mời công chúa lên kiệu về cung. Khi kiệu vừa đi hết chéo đường, có tiếng gọi giật giọng phía sau:

- Chị Gái, chị Gái ơi!

Đám nữ tì vừa đi vừa nói chuyện ầm ĩ, không ai nghe thấy tiếng cô bé gọi phía sau.

Tiếng gọi lại vang lên tha thiết như giận dỗi, như trách móc:

- Chị Gái! Chị Gái ơi! Sao chị tệ thế?

Đến lúc này đám nữ tì mới nghe thấy và dừng lại. Bích Huệ hốt hoảng ngoái nhìn về phía tiếng gọi. Thoáng
thấy bóng người lấp ló sau gốc cây muỗm, Huệ chạy lại:

- Tẹo! Huệ reo lên - Em đến từ bao giờ? Sao biết chị qua đây mà chờ? Trời ơi con Tẹo, sao mày gầy thế em? Thầy ốm hử? Mẹ có ra cùng em không?

Thấy chị hỏi vồn vã, cô gái có tên là Tẹo ấy ý chừng đã bớt hờn dỗi, bèn lững thững từ sau gốc muỗm bước ra chào:

- Chị gái!.

Hai chị em đang bá vai nhau thì kiệu của công chúa quay lại. Huyền Trân xuống kiệu đi về phía hai chị em
Bích Huệ. Cả đám nữ tì, đứng im phăng phắc, nhìn về phía chị em Bích Huệ, tỏ ý thương cảm, và cầu mong công chúa rủ lòng độ lượng. Họ sợ hãi thay cho Bích Huệ bởi triều đình có lệnh:”Các nô, tì đã hầu hạ trong cung vua hoặc các nhà quan, không được tự tiện gặp gỡ, hoặc tiếp đãi người thân thích ruột thịt của mình. Tội đó khép ngang với tội nô, tì bỏ chủ trốn đi. Bắt được đều xử theo ngũ hình ”. Bích Huệ tái mặt sụp lạy Huyền Trân xin tha tội.

(Ngũ hình:Năm cực hình: Xuy, trượng, đồ, lưu, tử.

1). Xuy hình: Đánh bằng roi, có 5 bực (chung cho cả đàn ông, đàn bà): 10 roi, 20 roi, 30 roi, 40 roi, 50 roi.

2). Trượng hình: Đánh bằng gậy (chỉ dành cho đàn ông). Có 5 bậc: 60 trượng, 70 trượng, 80 trượng, 90
trượng, 100 trượng.

3) Đồ hình: Đầy làm khổ dịch. Có 3 bậc: a) Dịch đinh. b) Tượng phương binh. c) Thực điền binh.

4) Lưu hình: Đầy phát vãng, có 3 bậc: a) Lưu cận châu. b) Lưu ngoại châu. c) Lưu viễn châu.

5) Tử hình: Giết chết, có 3 bậc: a) Giảo: Thắt cổ. b) Trảm: chém đầu. Chém bêu đầu gọi là khiêu. c) Lăng trì: Chặt chân tay, xẻo thịt làm cho chết dần.)
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #21 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 10:09:46 pm »

Công chúa ngơ ngác hỏi:

- Vậy chớ em có tội gì Bích Huệ? Em bé này là em của em à?

Bích Huệ gạt nước mắt tâu lại cùng công chúa về lệ triều đình cấm đoán. Công chúa cườii cảm thông và xua tay:

- Ta là người của triều đình đây. Ta không thấy chị em em có tội tình gì hết. Thôi, hãy theo ta về cung.

Nói xong, công chúa vẫy cả bé Tẹo cùng đi theo. Khi cả đám nữ tì đã xúm xít quanh kiệu, công chúa mới căn dặn:

- Ta cấm các em không được để lọt chuyện này ra khỏi cung. Nếu đã là lệ của triều đình, ai ai cũng phải tuân phục. Riêng ta, ta muốn gia ân cho các em. Khi biết là lệ của triều đình, Huyền Trân thấy mình không được phép cưỡng lại, nên mới cấm đoán tì nữ không được phép hớt lẻo. Tuy vậy, trong thâm tâm, công chúa vẫn lấy làm hậm hực. Lệ luật gì quái ác đến nỗi con cái không được gặp lại cha mẹ, chị em không được gặp lại nhau. Nàng tự nhủ:Nếu ta có quyền lực, ta quyết bãi bỏ ngay lập tức những điều cấm kỵ bất công này.

Về phòng riêng của Bích Huệ, bé Tẹo thấy cái gì cũng lạ, cũng nhìn ngó, hỏi han. Điều làm Tẹo kinh ngạc là ở đây cái gì cũng đẹp cũng quí mà ở chốn dân dã quê mùa, Tẹo chưa bao giờ nhìn thấy.

Vừa hoàn hồn, Bích Huệ vội dặn em đôi điều. Nào không được nghịch ngợm sờ mó đồ vật. Không được tò mò đi lại. Tất cả những gì cấm kỵ, Huệ đã nhắc nhở dặn em kỹ lưỡng. Kể cả việc không được gọi cô là Gái. Cái tên cha mẹ đặt cho ấy đâu có hợp với chốn cung cấm đài các này. Lúc này Huệ mới chợt nhớ ra: Vậy chớ con bé lên đây có việc gì? Cô hỏi em:

- Ở nhà thầy bu có khỏe không em?

Dường như chỉ chờ có dịp chị hỏi đến, cô bé tủi thân òa khóc nức nở. Nó càng ấm ức khi thấy ở đây, chị
nó sống sung sướng. Cái gì cũng thỏa thuê, thừa mứa. Thế mà chị nó chẳng nghĩ gì đến bố mẹ và chị em nó ở nhà, quanh năm đói rách. Bố thì từ khi quan bắt phải đi lao dịch trở về, không ngày nào không ốm. Ngã nước, bố phải hai lần nuốt giun đất, bệnh lại càng tăng. Mẹ ngày nào cũng lùi lũi đi làm ruộng cho nhà quan. Ruộng nhà, chỉ có mấy chị em bé bỏng, làm được đến đâu hay đến đó. Lúa xấu như cỏ may. Bao nhiêu nỗi đói khổ, tủi sầu, cái Tẹo định bụng gặp được chị thì phải kể lể hết mọi khúc thôi. Nhưng giờ đây, nó lại không muốn nói một tí gì. Nó cứ ôm mặt khóc tức tưởi. Cho mãi tới khuya, chị nó mới tỉ tê dỗ được nó nói. Giờ lại đến lượt chị nó khóc. Nó ngạc nhiên không hiểu tại sao chị nó lại khóc.

Nó liền hỏi:

- Chị Gái ơi, chị ở đây sướng thế, sao chị còn phải khóc?

Bích Huệ thấy tủi thẹn vô cùng. Ngay đến nỗi khổ của mình, người thân cũng đâu có hiểu để mà chia sẻ. Đúng là Huệ ở đây sung sướng thật. Nhưng đó là nỗi sung sướng của một con lợn, được người ta nhốt vào chuồng chăm sóc. Còn phận con hầu vẫn cứ là con hầu, chứ có gì thay đổi. Đến nỗi cha mẹ yếu đau đói rét, không làm sao có được lấy một xu quà bánh thăm hỏi, còn nói gì đến việc báo hiếu, phụng dưỡng. Ngay cái quyền được đi lại, thăm nom người thân thích ruột thịt của mình, cũng không có nữa. May được bà chúa này là người nhân hậu che chở cho, nếu không, cả hai chị em, cả cha mẹ lại vướng vào tội lưu đầy. Mai đây cái Tẹo về quê, lấy gì cho nó đem về kính mẹ biếu cha? Nhũ mẫu là ngườii quản lý khắt khe. Bà không cho phép ai có cái gì thừa. Quần áo, năm vài ba bộ. Khi được may bộ mới, phải trả lại bộ cũ để nhập vào kho chẩn cấp cho người nghèo. Bích Huệ cứ loay hoay không biết xử sự thế nào trong hoàn cảnh éo le này cho phải lẽ, Mãi tới gà gáy sang canh, Huệ mới chợp mắt được.

Lại tiếp đến một giấc mơ hãi hùng. Huệ mơ thấy có một người đội mũ trụ vàng, tay cầm bảo kiếm chỉ vào mặt cô, bắt cô phải xuống thuyền. Khi bước xuống thuyền đã thấy công chúa Huyền Trân ở đó, mặt rầu rầu, mắt đau đáu nhìn lại phố xá kinh thành, còn phía sau là biển cả. Thuyền giương lên chín lá buồm đỏ thắm. Những cánh buồm no gió kéo con thuyền lao đi vun vút. Bích Huệ sợ quá hét lên. Mồ hôi toát đầm người. Huệ không làm sao lý giải được, cứ trằn trọc mãi tới khi nghe tiếng tù và báo thức của trại cấm binh, cô liền vùng dậy ra cửa ngó nhìn tứ phía, xem có gì khang khác không. Thực tình Bích Huệ sợ người
ta ập đến bắt chị em cô, mà giấc mơ như một điềm báo trước.

Buổi sáng, cơm nước vừa xong, công chúa cho gọi Bích Huệ lên thư phòng có việc. Huệ lo lắng vô cùng.
Thư phòng là nơi công chúa học hành, đọc sách, chỉ có nhũ mẫu được phép ra vào, hoặc giả một đôi khi có thù tiếp với khách văn chương. Cớ sao Huệ lại được gọi lên đây? Bích Huệ lo lắng đến bồn chồn.

Trước khi lên gặp công chúa, Huệ dặn em:

- Em ơi, nếu công nương có quở phạt, chị một mình chịu tội. Chị ráng xin để em được trở về nhà.

Nói rồi, nàng lủi thủi bước lên thềm. Mỗi bước đi như lê theo cả một sợi xích dài nặng trĩu.

Thấy Bích Huệ vào, công chúa tươi cười nắm lấy cánh tay Huệ lắc lắc:

- Em cảm thông cho ta nhé. Dẫu sao cũng không thể để cho em của em ở lại trong cung được. Ta e việc này lộ ra, có kẻ đàn hặc thì nguy hại cho em, chớ ta sợ gì.  Mọi việc ta đã nhờ nhũ mẫu thu xếp. Em vào trong này cho nhũ mẫu căn dặn.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #22 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 10:10:23 pm »

Bích Huệ đi vào phòng trong, thấy nhũ mẫu vẻ mặt đăm đăm đang ngồi bên một đống những gói cùng bọc.
Bà chỉ cho Bích Huệ ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Bà nói:

- Thân phận ta với em chẳng có khác gì nhau cả. Ta cũng thương em như thương ta thôi. Không có việc gì em phải khép nép sợ sệt ta. Các em thấy ta nghiêm quá phải không? Ta biết vậy. Nhưng ta nghĩ lại, dù ở vị thế nào cũng phải hoàn thành trách vụ tới mức cao nhất, để không ai có thể chê trách được mình. Việc của em, công chúa trao cho ta lo liệu. Mấy bọc này là quần áo cũ sửa lại đem về cho các em. Bọc này là hai tấm lụa, đem về cho bố, mẹ em. Còn đây là hai nén vàng ròng.

Nhũ mẫu vừa nói vừa đặt mấy nén vàng vào tay Bích Huệ.

Sực nhớ đến bà lão ăn xin ngoài chợ bữa trước ở Thiên Trường, cô vội rụt tay lại. Nhũ mẫu nhìn Bích Huệ
cười:

- Em cứ cầm lấy. Tất cả là của công chúa cho em. Để tránh phiền phức, công chúa còn viết cả tờ bảo chứng nữa, phòng khi ra cổng hoàng thành gặp lính canh xét hỏi. Hoặc khi về nhà, xã quan, phủ quan ra vào hoạnh họe.

Tay nắm chặt nén vàng, mắt nhìn nhũ mẫu mà Bích Huệ vẫn cứ tưởng mình nằm mơ, bay lên chín tầng trời được bà tiên cho của.

Phút mơ màng của Bích Huệ chưa qua, nhũ mẫu lại nói:

- Em còn được công nương cho phép về quê thăm cha mẹ, họ hàng mười ngày nữa. Vậy là công nương biệt đãi em nhiều lắm đó. Ráng mà tận tâm với người.

Bích Huệ vái dài nhũ mẫu hai vái rồi trở ra sụp lạy Huyền Trân. Công chúa đỡ Bích Huệ dậy, an ủi vài lời, khuyên Huệ nên thu xếp đi ngay.

Xách mấy bọc gói và hai nén vàng về phòng riêng, Bích Huệ vội gọi em:

- Tẹo! Tẹo ơi! Lại đây chị bảo.

Đang nằm quay mặt vào tường đùa với con mèo trước tấm gương, chợt nhìn thấy Bích Huệ bước vào, lại nghe giọng nói như reo của Huệ, biết là có chuyện gì vui lắm, Tẹo vùng dậy đón lấy mấy bọc gói từ tay Huệ và hỏi:

- Chị Gái!… Suỵt em quên, chị Huệ ơi, chị lấy đâu ra những thứ này.

- Đây là những váy áo cũ của người hầu như bọn chị thải ra, công chúa ban cho chị đem về quê đấy.

- Thật ư chị Huệ, chị cho em một chiếc váy lành nhá. Váy em rách hết cả rồi.

- Được! Được! Cứ đem về, cái nào em thích, em mặc vừa là của em. Vừa nói, Huệ vừa mở tay đẫy lôi ra cho Tẹo xem.

- Ối giờ, cơ man nào là váy đẹp. Mắt Tẹo bừng sáng lên. Hết ướm bộ này, Tẹo lại ướm sang bộ khác, tới cả chục bộ mầu sắc lộng lẫy làm Tẹo hoa cả mắt. Tẹo đứng ngắm đống váy áo mà không dám tin đây là sự thật, bèn quay lại hỏi chị.

- Chị Huệ ơi, có đúng là công chúa cho chị đem về nhà mình, hay đây là xiêm áo công chúa ban cho chị mặc khi hầu hạ người.

- Chị nói thật mà, đây là những thứ bọn chị thải bỏ, nhũ mẫu thu lấy để chẩn cấp cho người nghèo mỗi khi công chúa đi thăm viếng các miền quê. Chị không nói dối em đâu.

Chợt nhận ra điều gì, mặt Tẹo buồn thiu, nhìn chị với vẻ thất vọng - Cơ mà đây là những thứ xiêm y sang
trọng, chỉ có thể mặc đi chơi hội hoặc mặc vào ngày tết thôi, chứ không mặc đi làm đồng được đâu chị Huệ.

Huệ khẽ tát yêu vào má em gái - Sao em ngốc thế, chỉ để lại vài bộ mặc ngày hội thôi, còn thì nhuộm nâu, nhuộm chàm, nhuộm đen đi mà mặc.

Tẹo cười hớn hở - Ừ, em ngốc thật.

- Thôi đi ngủ, Huệ bảo em - Mai chị em mình về sớm kẻo thầy u mong.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #23 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 10:11:13 pm »

Chương 8

Huyền Trân về tới kinh thì được tin phụ hoàng đã lên đường đi thăm Chiêm quốc từ mấy bữa trước. Vua Nhân tôn có để lại cho con gái mấy dòng viết trên nền giấy long tiên, do đích thân Đặng Dương đem từ cung Thánh Từ (Tên đặt cho cung điện, nơi thượng hoàng sau khi đã truyền ngôi cho con, lui về ở đó) sang trao tận tay cho công chúa. Huyền Trân cứ đọc đi đọc lại và ngắm nghía nét chữ của vua cha viết rất chân phương trên tờ giấy nền vàng, có điểm vết bạc lưa thưa và có vẽ hình rồng óng ánh kim nhũ.

Lão Dương dâng bức thư cho công chúa xong chắp tay đứng chờ. Không hiểu công chúa mải xem thư cha, hay còn muốn lưu lão lại hỏi chuyện, nên chưa có lệnh lui. Cũng vì chưa có lệnh nên lão Dương vẫn cứ phải chắp tay đứng hầu. Trong khi đó nơi xương sống lão cứ đau sụn xuống, như có hàng trăm con rết đốt cùng một lúc, buốt tận óc. Lão cắn răng, oằn người chịu đau, chứ lão không tự ý xin lui. Đời lão chưa mở miệng xin xỏ ai một tí gì. Công chúa mải đọc thư cha, hết suy nghĩ về những điều vua khuyên nhủ, lại tưởng tượng ra cảnh non sông thành quách của Chiêm quốc - nơi vua cha sẽ tới. Chợt công chúa quay ra thấy lão Dương vẫn đứng chắp tay với vẻ nhăn nhó. Nàng kinh ngạc hỏi:

- Lão chưa về ư? Có chuyện gì nữa đấy lão Dương?.

- Ôi ta vô ý quá. Tại ta mải đọc thư của phụ hoàng để lão phải đứng chờ mãi. Xin lão bỏ lỗi cho ta. Nếu lão
không có việc gì bận lắm, mời lão hãy nán lại giây lâu. Lão ngồi vào bàn kỷ này cho đỡ mỏi.

Gượng ngồi vào mép kỷ, lão Dương chậm chạp thưa:

- Bẩm công nương, chẳng hay công nương có điều gì sai bảo?

- Lão dạy quá lời. Ta đâu dám lạm quyền. Dẫu sao lão vẫn là ân nhân của thượng phụ ta.

- Trước sau tôi cũng chỉ là một tên nô bộc. Công nương cứ tự tiện sai bảo.

- Ta chỉ phiền lão kể giùm cho nghe một vài chuyện, hồi lão và các bậc tiền bối của ta đánh giặc Thát. Về
chuyện lão cõng thượng phụ ta từ thuyền phi thân vào bờ, ta đã được nghe phụ hoàng kể lại. Ta cứ cho việc ấy phải có thần giúp rập, chứ sức người làm sao nổi. Có đúng vậy không lão Dương?

- Dạ, đúng như công nương dậy đấy ạ. Sức người thường sao làm nổi. Nhưng theo ngu ý của kẻ tôi tớ này, nếu có thần linh giúp sức, sao lão còn bị sụn xương sống, hỏng cả một đời người?

- Ờ, ờ… tội nghiệp cho lão. Vậy lão kể lại chuyện ấy đi!.

- Thưa công nương, chuyện của lão, công nương đã nghe rồi. Bây giờ kể lại nó vô duyên quá. Nhưng còn
nhiều chuyện khác mà lão biết, lão xin kể hầu để công nương nghe. Chẳng hạn như chuyện bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng đã thét vào mặt giặc khi chúng dụ hàng:”Ta thà làm quỉ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”.

- Đa tạ lão phu. Truyện đó ta đã có nghe đôi ba lần.

- Vậy chớ còn chuyện quan đương kim đại an phủ sứ của kinh sư vào trại giặc cầu hòa, công nương đã nghe chưa?.

- Dạ, chuyện đó ta mới chỉ nghe loáng thoáng, chưa có ai kể được tường tận. Có đôi lần ta nài nỉ chính quan đại an phủ sứ kể cho nghe, nhưng lần nào ông cũng tìm cớ thoái thác. May ra lần này…

Công chúa đang nói, gương mặt bỗng ửng hường, nàng có ý hơi thèn thẹn.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #24 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 10:11:52 pm »

Lão Dương vội đỡ lời.

- Bẩm công nương, ấy là vào khoảng năm Ất dậu (1285), vua Nguyên sai thái tử là Thoát-hoan thống lĩnh năm chục vạn quân, lấy cớ là mượn đường đi đánh Chiêm Thành để xâm lấn bờ cõi bờ ta…

- Giống như chuyện đồ Ngu diệt Quắc - công chúa nói xen vào.

(Nước Sở muốn đánh nước Ngu phải qua nước Quắc. Vua Sở hẹn với nước Quắc xin mượn đường đem quân qua Quắc để diệt Ngu. Và hứa khi nào diệt xong Ngu sẽ chia đôi công quả. Quắc bằng lòng. Khi quân Sở vào đất Quắc rồi bèn diệt luôn Quắc sau đó mới diệt nốt nước Ngu. Qua chuyện này ý muốn nói đến sự tráo trở của người Nguyên.)

- Dạ, công nương nói chí phải. Sau gần ba chục năm thái bình. Ấy là kể từ khi quân Nguyên lấn vào cõi bờ ta ở quãng năm Đinh tị (1257), chúng bị bại phải rút về. Nay chúng lại sang. Sức giặc cường lắm. Quân kỵ của chúng nếu thả sức ra ngày đi tới trên trăm dặm. Chúng thoắt tiến thoắt lui chớp nhoáng, biến ảo khôn lường.

Để địch lại với chúng, triều đình ta cử đức Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương thống lĩnh chư quân sự. Vào đầu cuộc chiến, quân Nguyên tiến binh ào ạt như nước chảy, mây bay.

Thế giặc lớn lắm. Nhiều nơi quân ta bị vỡ. Tình hình nguy cấp. Ngày mồng sáu tháng giêng. Ấy là lão vẫn nói về năm Ất dậu đó. Chính cái năm đức Khâm từ sinh hạ công nương trên đường chạy loạn. Công nương sinh ra giữa gan bàn chân trái có một nốt ruồi son đỏ chót.

Thấy lão Dương nói có nốt ruồi son nơi gan bàn chân, Huyền Trân vội rút chân khỏi hài, kín đáo nhìn, quả đúng như lời lão. Nàng vẫn thấy người ta nói, nốt ruồi son ở chỗ kín, là biểu hiện của quí tướng, nên cảm thấy vui vui.

Lão Dương vẫn chậm rãi nhả ra từng tiếng chắc nịch:

- Quan thái bốc xem tử vi nói công nương có tướng cực quí. Nhưng chỉ phát ở ngoài cõi… A mà miên man quá, lão nói đến chỗ nào rồi thưa công nương?.

Công chúa lòng còn đang muốn nghe cái đoạn quan thái bốc nói về số phận mình, lão Dương đột ngột
dừng. Song nàng không tiện hỏi thêm. Vả lại nàng còn muốn biết việc đi cầu hòa của Khắc Chung, nên lại vui vẻ nhắc:

- Vừa giờ lão nói đến ngày mùng sáu tháng giêng.

- Dạ, dạ, thưa công nương cái năm ấy, kể như không có tết. Vì quân Thát đánh vào ải Nội Bàng từ cuối tháng chạp. Tới mùng sáu tháng giêng Ô-mã-nhi đánh tan quan quân ở Vạn Kiếp. Ngày mười hai, giặc đã tới Vũ Ninh, Đông Ngàn, Gia Lâm. Thế ta núng lắm. Hai vua buộc phải đem An Tư công chúa, em gái út của thái thượng hoàng ta bây giờ dâng cho Thoát-hoan. Nhưng sức má hồng sao cản nổi vó ngựa quân Nguyên. Thế nước ngàn cân treo sợi tóc. Trong lúc ấy thì thượng vị Chương Hiến hầu Trần Kiện, con của Tĩnh Quốc đại vương và liêu thuộc, là bọn Lê Tắc đem cả nhà cùng với một vạn quân đầu hàng giặc. Rồi thượng vị Văn Chiêu hầu Trần Lộng tới hàng tại dinh Thoát-hoan. Ngay cả đến Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, một người văn học lẫy lừng được thái thượng hoàng yêu quí cũng hàng giặc. Tiếp đến là bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đều đem cả nhà theo giặc. Thăng Long sắp mất. Trước tình thế đó, vua cần một người đi dò la thế giặc, đưa thư xin hòa. Là cốt để làm chậm bước tiến của quân Nguyên. Vua còn đang phân vân chưa biết sai ai, thì chi hậu cục thủ là Đỗ Khắc Chung, liền chạy đến tâu rằng: “Tôi là kẻ ti tiện không có tài cán gì, xin đi”. Vua mừng lắm, nói rằng:”Biết đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại chẳng có ngựa kỳ ngựa ký”. Bèn sai Khắc Chung đem thư tới trại giặc xin giảng hòa.

Ô-mã-nhi đập án quát mắng:

- “Vua nước ngươi vô lễ, sai người thích chữ”Sát Thát”, khinh nhờn quân thiên triều, tội ấy to lắm”.

Chả là trong quân, vì lòng căm ghét giặc, thảy mọi người đều thích hai chữ “SÁT THÁT” vào cánh tay. Tỏ ý giết giặc Thát đến cùng. Khi mặt trận Đông Ngàn, Vũ Ninh vỡ, giặc bắt được quân ta, người nào trên cánh tay cũng có hai chữ đó. Chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Ô-mã-nhi mắt đỏ sọc hết nhìn vào mặt quan chi hậu cục lại nhìn vào thanh gươm để trước mặt, có ý hù dọa rằng “Ta sẽ cắt đầu ngươi bằng thanh gươm này”.

Quan chi hậu cục thủ mặt không biến sắc, thản nhiên đáp:

- Sự thường chó trong nhà cắn người lạ, vì không phải là chủ nó. Đây hẳn là do lòng trung thành tức giận, sĩ tốt họ tự thích mực lấy, quốc vương tôi có biết đâu.

- Ngươi còn già mồm cãi nữa, ta sẽ cắt lưỡi. Đây không phải nơi dùng lưỡi của Tô Tần, Trương Nghi mà khua khoắng. Ô-mã-nhi vẫn quát mắng thô lỗ tục tằn. Rồi y gõ ba tiếng vào chiếc chậu đồng để trên giá. Lập tức có hai tên lính khiêng vào một chục mâm thau phủ nhiễu đỏ. Chúng đặt ngay trước mặt Khắc Chung. Ô-mã-nhi đứng dậy giật tung vuông khăn phủ, lộ ra một mâm đầy những chiếc cánh tay có thích hai chữ “SÁT THÁT” màu chàm.

Quan chi hậu cục bèn đứng dậy nói:

- Tướng quân quả là tàn bạo. Tôi đã nói quốc vương tôi không biết tới việc này. Nếu không, tôi là kẻ hầu
cận, sao việc ấy lại không có. Nói xong, bèn vén cả hai cánh tay áo lên.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #25 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 10:12:29 pm »

Ô-mã-nhi đuối lý nói lảng sang chuyện khác:

- Đại quân ta ở xa đến đây, nước ngươi sao không trở ngược giáo cùng đến ra mắt, mà còn chống cự mệnh lệnh? Vua tôi nước ngươi lớn mật, dám lấy càng con bọ ngựa chống lại bánh xe. Ngươi có biết sự thể rồi sẽ ra sao không?. Ô-mã-nhi chìa hai bàn tay ra bóp vào không khí rồi nắm lại xoắn xoắn, kiểu như người bóp một quả trứng.

Vị sứ giả của nhà vua vẫn tỏ ra ôn nhu trước viên tướng giặc. Y cứ lồng lên như một con sư tử vừa vướng bẫy. Khắc Chung trả lời:

- Hiền tướng không theo kế sách của Hàn Tín bình nước Yên ngày xưa đóng quân ở địa giới, đưa thư tín trước, nếu không chịu hòa hiếu mới có lỗi; nay đem quân bức nhau, tức như người ta nói “muông cùng phải đánh lại, chim cùng phải mổ lại, huống chi là người”.(Hàn Tín là tướng của Hán Cao tổ, muốn đánh nước Yên hỏi Lý Tả Xá. Tả Xá bàn nên viết thư đưa cho nước Yên để dụ. Hàn Tín theo kế, đưa thư cho nước Yên, quả nhiên nước Yên đầu hàng không phải đánh.)

Vẫn cái giọng dọa dẫm, Ô-mã-nhi nói:

- Đại quân của ta mượn đường nước ngươi để đi đánh Chiêm Thành, vua nước ngươii nếu đến gặp nhau thì
trong  cõi yên ổn, không xâm phạm mảy may, nếu cứ chấp mê thì trong khoảng giây phút, núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ mục.

Khắc Chung liền đáp:

- Tướng quân lấy gì bảo đảm để chúng tôi khỏi ngờ rằng đây không phải là kế đồ Ngu diệt Quắc?

- Nói rồi Khắc Chung cáo từ ra về.

Lão Dương dừng lại giây lâu. Công chúa đang háo hức nghe như uống lấy từng lời, cảm thấy sốt ruột, bèn giục:

- Lão kể tiếp đi.

Vẫn cái giọng đều đều chắc nịch, lão tiếp:

- Nghe đâu khi quan chi hậu cục thủ về rồi. Ô-mã-nhi nói với các tì tướng rằng:”Người ấy đương lúc bị uy
lực áp chế mà lời nói, sắc mặt vẫn tự nhiên, không hạ thấp chủ nó làm Chích, không nịnh hót ta làm Nghiêu, nước nó có người giỏi, chưa dễ đánh lấy được”.

Rồi Ô-mã-nhi sai người đuổi theo bắt lấy, nhưng không kịp. Quan ta ra cản, hai bên đánh nhau.

“ Quả là một vị anh hùng! Huyền Trân thầm nghĩ - Tranh biện hơn thua ở chốn muôn chết mà vẫn giữ được khí tiết, là việc không phải xưa nay ai cũng làm được”. Công chúa hít vào một hơi thở sâu, như muốn chôn chặt vào lòng các sự tích kỳ diệu của một con người, mà bấy lâu nay nàng ngưỡng mộ. Đoạn Huyền Trân quay ra nhìn lão bộc với ánh mắt dịu hiền như thầm biết ơn lão. Một lát, nàng nói:

- Cảm ơn lão phu.

- Không dám! Không dám! Lão Dương giẫy nẩy lên - Xin công nương đừng xếp nhầm tôi vào hàng các đấng
bậc. Thân phận tôi suốt đời chỉ là kẻ nô bộc.

- Lão phu nhìn nhận như thế nào về phẩm cách quan đại an? Ấy là tôi muốn hỏi ý lão về ông ta ngay cả trong thời bình.

Với vẻ khó chịu, nhưng rồi lão Dương cũng ép lòng mình thuận theo những đòi hỏi tò mò của một cô bé mới mười lăm mười sáu tuổi.

- Mong công nương bỏ lỗi cho, phận nô bộc như lão, nhân danh gì để thẩm định phẩm cách một vị đại thần? Nhưng lão trộm nghĩ, con người ông ta, có gì đã bộc bạch hết cả ra ngoài rồi đấy. Lúc có giặc thì xả thân vì nước. Lúc thái bình lo giúp rập vua, chứ không đua đòi vét của dân xây dinh lập phủ. Công chúa thử xem các quan giữ chức đại an phủ sứ ở kinh này từ trước tới nay, có ai là người không có phủ đệ nguy nga, hay chỉ có quan lớn Trần Khắc Chung? Một người trong sáng như thế, còn gì nữa để phẩm bình? Nhưng thưa công nương, cuộc đời cũng như nắng sớm mưa chiều, biết  thế nào mà nói trước. Có khi hôm nay là người thiện, mai đã thành kẻ ác. Cũng ví như Chiêu Quốc vương Ích Tắc, nếu không có chuyện quân Thát vào cõi, thì sao biết được bụng bán nước cầu vinh của ông ta. Ông ta đủ các điều đạo lý để răn dạy thiên hạ. Lại ví như không có quân Thát vào, thì sao Bình Trọng tỏ được cái bụng trung dũng ngất trời của một vị Bảo nghĩa vương?.

Công chúa cúi xuống với vẻ suy tư, một lát nàng ngửng nhìn lão bộc, nói:

- Cảm tạ lão lắm lắm. Chỉ nghe lão kể ít giờ, ta hiểu thêm được bao điều rõ ràng khúc triết, mà trước đây những việc ấy ta được nghe, cũng giống như ta trông vào đám sương mù dày đặc. Quả thật hơn nhiều lắm so với sách của vài nhà soạn gần đây, nói về cuộc chiến. Bởi các tác giả chỉ thiên về việc  múa bút khoe văn, mà ít chú trọng đến thân phận con người, còn công trạng thì phẩm bình thiên lệch. Ta ước sao thi thoảng lão ghé qua chơi, lão lại kể cho nghe đôi điều hữu ích. Còn bây giờ ta không dám lưu lão nữa. Chắc hẳn lão đã mỏi:

Lão Dương chống hai tay vào đầu gối đứng dậy vái chào công chúa, rồi bước ra. Ông đi với cái dáng khom khom, tập tễnh.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #26 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 10:13:36 pm »

Chương 9

Từ buổi nghe lão bộc nói rõ lai lịch việc đi cầu hòa của Đỗ Khắc Chung. Trải đến việc Khắc Chung được ban quốc tính. Bỗng nhiên trở thành người đồng tông với mình, trong lòng Huyền Trân dấy lên sự kiêu hãnh. Lạ thay, công chúa thấy có cái gì đáng muôn ngàn lần cảm phục ở con người này. Nàng chỉ muốn gần gũi, muốn trò chuyện, muốn khám phá xem trong đầu óc con người ấy có gì khác với người thường. Như lão Dương nói, thì rõ ràng là ông ta không bon chen danh vọng, không tham lam của cải, không úy tử tham sinh. Đích thị là một anh hùng chân chính. Nếu như quan đại an phủ sứ không có được đầy đủ những đức tính đó, thì ít ra cũng là sự đắp điếm thêm vào của công chúa, để con người hùng nàng vẽ ra mà phục, mà cảm cho riêng nàng đó được toàn bích.

Đã bao lần nàng toan mượn cớ thăm đông cung thái tử, họa may có cơ hội được diện yết quan đại an phủ sứ. Đông cung thái tử với Huyền Trân là chỗ cô cháu ruột, nàng có ghé thì cũng là chuyện trong nhà, chẳng có điều chi đáng ngại. Tuy vậy, nàng cũng vẫn chưa dám đường đột xông pha. Một phần e bà kế mẫu Tuyên từ là người hết đỗi nghiêm khắc, đến quan gia cũng không dám cưỡng lời bà. Nhưng người mà công chúa cho là khó vượt qua được lại chính là nhũ mẫu. Nhũ mẫu nuôi nấng, săn sóc nàng từ khi mới lọt lòng. Về vị thế trong cung cấm, bà chỉ là một kẻ hầu hạ. Song về tình thương, bà ngầm xem công chúa như con ruột bà. Ấy là bà mạo muội nghĩ vậy. Kể cũng đúng thôi. Trong cuộc đời bà, ngoài công chúa ra, bà còn có ai để mà yêu, mà thương, mà hờn giận. Tủi cho bà là tất cả tình cảm chân thực của bà dành cho công chúa, lại chỉ được bày tỏ một cách thầm lén. Còn về phía công chúa, nàng coi sự săn sóc, tình yêu và cả lòng tôn kính của nhũ mẫu đối với nàng là bổn phận. Công chúa phải nể trọng nhũ mẫu là bởi có lời thác của bà Khâm từ thái hậu, mẹ đẻ của nàng, trước giờ lâm chung. Và cả lời ủy của thượng hoàng trước khi nhà vua xuất gia. Cũng bởi sự tin cậy đó, nhũ mẫu càng thấy mình có trách nhiệm lớn lao, đôi khi bà mơ hồ cảm thấy, dường như bà có cả chút uy quyền nào đó đối với nàng. Song chưa bao giờ bà dám vượt quá khuôn khổ cho phép của một nhũ mẫu.

Ít bữa nay nhũ mẫu thấy cô chủ của mình có gì hơi khang khác. Biếng ăn, biếng học, biếng cả đọc sách nữa. Khác hẳn với trước, không lúc nào nàng có thể dời được quyển sách ra. Đến nỗi bà phải lo sợ về sự ham mải đọc sách và học hành của công chúa. Đêm khuya, giật mình tỉnh giấc, các chuyện yêu quái nghe từ đời nảo đời nào, bỗng dưng hiện về, sợ đến lạnh buốt cả sống lưng. Lẩn thẩn, có lúc bà sợ cô chủ lại biến thành một cuốn sách, nằm lăn lóc, lẫn lộn với hàng trăm ngàn cuốn khác. Và tới một lúc nào đó, cô lại từ cuốn sách chui ra như kiểu các cô tiên trong chuyện cổ. Nhũ mẫu lấy làm lo lắng hỏi công chúa. Nàng nói là không có bệnh tật gì. Không yên tâm, nhũ mẫu thốc tháo chạy sang gặp trung quan (danh xưng của quan hoạn thời Lý-Trần) Nguyễn Hoán bên nội cung. Nhũ mẫu còn đứng ngoài rèm chưa kịp lên tiếng, đã nghe thấy giọng nói the thé:

- Ai đấy! Ai hỏi gì đấy?

Nghe cái giọng nói rất khó chịu ấy, bà cũng đã biết là ai rồi?

Một người gầy đét, có khuôn mặt choắt như mặt khỉ. Mũi quặp, sống mũi gẫy, lông mày thưa gần như trụi. Nước da xanh mét như chàm, ló ra nhìn nhìn ngó ngó. Biết trung quan vốn là người khó tính, hách dịch, lại hay đòi quà cáp. Nhưng là đối với các hàng phi, tần người ta cần cầu cạnh, chứ nhũ mẫu có cầu chi, nên bà bình tĩnh chắp tay vái:

- Bẩm trung quan!.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #27 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 10:14:24 pm »

Nguyễn Hoán gật gật cái đầu nhỏ thó, cả chiếc mũ bình thiên khá rộng cũng gật gật xoay xoay, nom như một con rối. Trung quan tóp tép nhai trầu, vừa nhai vừa nói, nước trầu phun cả vào mặt nhũ mẫu:

- Vậy chớ ngươi có việc gì sang bẩm đấy?

- Trình quan, mấy bữa nay công chúa biếng ăn, biếng ngủ, chẳng biết bệnh tật thế nào, xin ngài bẩm giúp vào đức Tuyên từ.

- Hí, hí… Lão quan hoạn đổi giọng cười. Đột nhiên lão ngừng. Nói như gắt – Có việc gì lớn mà phải bẩm lên đức Tuyên từ. Để đó, ta báo sang viện thái y. Về đi!.

Lão nói như người đuổi. Không thêm một lời nào, nhũ mẫu quay ngoắt về cung. Bà không có cảm giác gì buồn, vui hoặc mất mát. Nhưng sao bà lại thấy trong lòng có gì như hụt hẫng.

Nhũ mẫu về cung hồi lâu thì có quan thái y đến. Công chúa nói chuyện vui vẻ với quan thái y, khiến ngài cũng phải thừa nhận rằng nàng không có bệnh tật gì. Trước khi quan thái y về viện, công chúa ngỏ lời:

- Phiền quan thái y cho ta xin vài ba đồng cân “A ngùy”. Để ta gọi tì nữ theo ông về bên đó lấy.

Quan thái y trợn tròn mắt kinh ngạc:

- Thưa công nương, chẳng hay công nương dùng vị thuốc đó làm chi?. Rồi ông mỉm cười.

Công chúa đỏ mặt, trả lời bằng một câu hỏi:

- Vậy chớ ông có biết ta dùng nó vào việc gì không?. Rồi nàng quay ra truyền Bích Huệ lên hầu.
Bích Huệ từ bữa được công chúa gia ân, lại cho tiền bạc về quê thăm nhà, tỏ ra một người mẫn cán, tận tụy hết mức. Bích Huệ thường nói với bạn bè:

- Không những công chúa cứu sống tôi mà còn cứu sống cả gia đình tôi. Ơn cứu tử đó, ngoài tấm thân tôi ra, còn biết lấy gì đền đáp.

Bích Huệ được quan thái y trao vị thuốc cho và dặn:

- Người về thưa lại với công chúa, dùng vị thuốc này phải cẩn trọng lắm, nghe chưa?.

Bích Huệ nói lại điều quan thái y dặn. Huyền Trân chỉ tủm tỉm cười:

- Ta đoán chắc là quan thái y không biết ta dùng vào việc gì, nên chỉ đoán già đoán non đó thôi. Rồi Bích
Huệ và Thúy Quỳnh đem sao, tán nhỏ để dùng có việc.

Từ lúc quan thái y sang chẩn bệnh, tự nhiên công chúa nảy ra một ý nghĩ tinh nghịch. Tâm trí nàng bị hút vào một trò chơi, nên nàng hết cả buồn, hết cả ốm. Không khí trong cung lại đầm ấm trở lại. Nhũ mẫu thấy nàng tươi tỉnh, hoạt bát cũng hết lo hết buồn. Nỗi vui buồn của bà cũng hồn nhiên như công chúa, song nó phụ thuộc vào công chúa.

Bích Huệ, Thúy Quỳnh hì hụi sao sao tán tán. Bột thuốc với mùi thơm hắc của nó làm cả hai cô ho sặc sụa. Công chúa tưởng có chuyện gì do vị thuốc gây nên, bèn chạy lại. Nàng kéo ghế nhích lại gần hai tì nữ thân cận mà nàng tin yêu nhất. Mỗi đứa một tính một nết. Thúy Quỳnh thùy mị, ít nói, siêng học. Bích Huệ hoạt bát, linh lợi, gặp việc xử trí rất nhanh. Huệ có tật lười học, nhưng lại là một đứa tì nữ thông minh nhất trong đám nữ tì của công chúa.

Ngồi cạnh mấy nàng hầu, công chúa cảm thấy giữa mình với họ có gì thân thiết ràng buộc. Thực tình công chúa là người có lòng bao dung, độ lượng, không chấp nhặt, nên các nàng hầu cũng dễ ăn ở. Đột nhiên nàng hỏi Bích Huệ:

- Ngươi về nhà thế nào mà không thấy nói lại với ta điều gì nhỉ?.

- Bẩm công nương, từ hôm con lên kinh, thấy công nương có vẻ ủ ê tư lự, nên con chưa dám trình lại với
công nương.

- Ngươi kể đi. Làng quê ngươi có đẹp không? So với quê ta ở Thiên Trường thế nào? Cha mẹ ngươi có mạnh khỏe không? Các em thế nào? Số tiền ta cho có chi tiêu được việc gì không? Ở quê ngươi có bị bọn xã quan nhũng nhiễu lắm không? Công chúa liên tiếp đặt ra những câu hỏi.

Bích Huệ đang sắp xếp ở trong đầu để trả lời, nhưng sao khó quá. Công chúa lại hỏi quê mình có đẹp không?Ôi, cuộc sống của ta từ đời này qua đời khác đã gắn bó với mảnh đất quê hương. Biết bao vui buồn, khổ đau, hoạn nạn cũng xảy ra trên mảnh đất quê hương. Nhưng lại so với quê hương của công nương ở nơi phủ Thiên Trường, thì sao mà so được? Dù ở nơi phủ Thiên Trường thì cũng có phải là quê mình đâu.
Dẫu có đẹp cũng là cái đẹp của người, quê người. Thấy Bích Huệ băn khoăn, công chúa lại hỏi:

- Sao, ngươi không cho ta nghe được điều gì sau chuyến thăm quê ư?

- Thưa công nương, vì có nhiều điều muốn tâu với công nương quá, nó cứ bề bộn lên ở trong đầu, con phải sắp xếp lại đã. Bẩm công nương, trước hết là cha mẹ con và các em con, nếu không nhờ có số tiền của công nương ban cho, chắc là hôm nay đã chết cả.

- Sao vậy? – Công chúa ngạc nhiên hỏi.

- Dạ, bẩm công nương, chả là ở quê con mất mùa. Đói to. Làng con không mấy nhà không có người chết đói. Có nhà chết hết không còn một người nào. Khu bãi tha ma ở cánh đồng làng con, mả mới cỏ chưa kịp mọc, xếp liền nhau như bát úp. Cha mẹ con cùng mấy đứa em con đã nhịn đói trong, mất hai ngày. Cả nhà đang lả dần. May thay, đi đường con lại mua được gói xôi, hai chị em mệt quá chẳng ăn được miếng nào. Mẹ con chỉ còn thoi thóp thở, gắng gượng bảo em con đem xôi nấu cháo. Nấu xong, con đổ cho mỗi người một bát, hồi lâu mới tỉnh.

Con Tẹo, em con, bữa nó gặp công nương mới ở phủ Thiên Trường về ngoài bến Đông bộ đầu ấy, là nó liều lĩnh trốn nhà đi tìm con. Chứ ở nhà có ai biết nó đi đâu. Mẹ con thường răn dạy nó: “Không được lên kinh quấy quả công nương”. Lệ vua cũng đã cấm:”Con nhà dân không được bén mảng đến chốn kinh kỳ”. Con hỏi nó:”Sao em liều vậy?”. Nó bảo:”Đằng nào mà chẳng thế. Nếu bố mẹ cùng chúng em chết hết, chị cũng chẳng sống được. Mấy lại em nhớ chị lắm. Dẫu trước lúc chết, em được nhìn thấy chị, còn hơn ở nhà chết đói nhăn răng mà chị em vẫn muôn trùng cách biệt”.

Công chúa thở dài não nuột:

- Ôi cái đạo cốt nhục sâu dầy vậy thay! Chị em ngươi con nhà bần bách mà trọng nghĩa lắm thay! Đáng quí. Đáng quí! Công chúa không nén nổi xúc động, bèn quay mặt đi.

Bích Huệ lại dẽ dàng nói:

- Bẩm công nương, hai nén vàng công nương cho. Con để một nén lại cho cha mẹ độ thân. Còn một nén con cúng vào chùa, để nhà chùa mua gạo về bố thí cho dân làng. Sư cụ, người cũng tận tâm lắm. Con thưa thật tình với sư cụ về tấm lòng độ lượng của công nương. Con vừa được tha tội chết, lại được ban phát vàng bạc cho trở lại thăm quê. Sư cụ tỏ lòng ngưỡng mộ công nương. Người đã mở cửa chùa bố thí ba ngày liền. Lại lập một tiểu đàn tràng để làm lễ cầu mát cho công nương.

- Đa tạ - Công chúa nói với giọng cảm kích chân thành.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #28 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 10:14:56 pm »

Ngừng tay giã. Thúy Quỳnh nhón một chút xíu bột A ngùy lên hai đầu ngón tay, rồi bóp ra xem. Bột nhuyễn mịn. Nàng đem đến trước công chúa:

- Bẩm công nương, con giã như thế này được chưa ạ? Công chúa gật, và dặn:

- Hai người bỏ bột này vào một chiếc lọ, miệng nhỏ, rót thêm một chén tống rượu, nút thật khít lại, lắc một lúc cho rượu ngấm đều vào thuốc rồi cất đi, khi nào dùng đến, ta sai lấy.

Hai tì nữ răm rắp làm theo, lòng tự hỏi: Không biết công chúa dùng thứ thuốc này làm gì?

Đoạn công chúa truyền Bích Huệ vào hầu. Nàng bảo Bích Huệ:

- Em vào xẻ lấy một ít thứ thuốc vừa rồi, tẩm trong một miếng vải, đi vào viện thái y, bôi thật kỹ lên tấm cửa thứ ba bên hữu. Nhớ phải xoa thật lâu vào một chỗ, rồi đem miếng vải về cho ta.

Bích Huệ ngẫm nghĩ: Không biết công chúa chơi trò nghịch ngợm gì đây. Từ trước, người có thế đâu.

Trong lòng Bích Huệ không khỏi lo lắng.

Huyền Trân lại hỏi:

- Em có dám làm điều ta sai bảo không?

- Dạ, con làm được. Nhưng thưa công nương làm thế để làm gì ạ?

- Hãy làm điều ta muốn. Không nên biết việc em làm.

- Dạ, thưa công nương, nếu như con đang làm mà quan thái y bắt được thì sao ạ?.

- Chính là điều ta cần hỏi em. Vì em đi làm việc đó chứ không phải ta.

Ngẫm nghĩ một lát, Bích Huệ đáp:

- Bẩm công nương, con sẽ nói:”Trình quan thái y, con trông thấy vết bẩn trên cánh cửa, con lau đấy ạ”.

- Giỏi. Em biện bác khá hay. Nhưng nếu quan thái y hỏi em tới đó có việc gì thì em nói sao?

Bích Huệ đáp luôn:

- Con sẽ nói:”Bẩm quan thái y, công nương sai con cảm tạ quan thái y đã cho vị thuốc”.

Trần Huyền Trân cười sung sướng:

- Em quả là sáng dạ hơn người. Ta chắc, em sẽ còn giúp ta được nhiều việc. Ngừng một lát, như để đắn đo
cân nhắc thêm, công chúa lại nói:

- Em vào thư phòng của ta, có phong thư viết sẵn để trên án. Em đem sang bên Đông cung cho thái tử. Ta không giấu em. Đây là thư ta nói thái tử hẹn với quan giáo thụ, để ta sang nghe ngài giảng kinh sách.
Em nhớ, sang Đông cung xong, lúc về mới ghé viện thái y.

- Dạ. Con xin làm tròn phận sự công nương giao phó.

Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #29 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 10:16:47 pm »

Chương 10

Sớm dậy công chúa đã vào phòng trang điểm. Nàng không dùng phấn son lòe loẹt, áo quần sặc sỡ. Công chúa mặc chiếc áo dài màu tía cổ thêu đôi chim phượng bằng chỉ kim tuyến, đai ngọc thắt hở. Hai cửa tay thụng viền chỉ bạc, quần màu xanh nõn chuối, chân giận hài cong màu cánh chả, và xức một thứ nước trầm hương lên làn tóc mây đen nhức, buông xõa tới ngang lưng.

Đầu đội chiếc mũ bằng lông điêu trắng muốt.

Công chúa có đôi mắt đen huyền, hàng mi cong như chiếc lá liễu rũ trên cành. Chiếc mũi thanh tú hòa hợp với khuôn mặt trái xoan được nước da mịn mỡ trắng hồng tôn lên, nom nàng đẹp như một cô tiên lạc bước xuống trần. Và bao giờ ra khỏi nhà, công chúa cũng ngụm một hớp nước trầm, xúc miệng thật lâu.

Huyền Trân vừa toan bước xuống bậc thềm, thì hai tì nữ ùa tới. Cả hai cùng reo lên:

- Công nương đẹp quá! Công nương đẹp quá!

Huyền Trân mỉm cười, đôi má ửng hồng như một trái đào khoe mã. Nàng dắt tì nữ ra dạo ngoài khuôn viên.
Chiếc hồ bán nguyệt nước trong tới đáy. Rặng liễu quanh hồ rũ bông xuống nước buồn hiu. Mấy cây hoa lan, hoa mộc kín đáo tỏa hương dìu dịu. Lại kia khóm bạch trà nở muộn khoe sắc trắng phau. Lấp ló vài bông hải đường còn sót sau tết Nguyên tiêu, rã cánh chỉ còn trơ lại đám nhụy vàng xơ rơ. Nắng xuân tỏa sắc vàng mơ. Công chúa đi dạo quanh vườn, tà áo nhè nhẹ đung đưa theo nhịp bước khoan thai, cứ dập dờn như cánh bướm thoắt đậu thoắt bay.

Chợt có người bên Đông cung sang đệ trình công chúa một bức thư.Nàng vén tay áo mở thư đọc. Khóe mắt ánh lên như cười. Gấp thư lại, nàng ném cái nhìn bâng khuâng vào vòm trời xanh nhạt. Dạo thêm vài bước, như chợt nhớ ra, công chúa quay về phía ngườii nô bộc bên phủ Đông cung, bèn hất hàm nói:

- Ngươi về thưa lại với thái tử, ta sẽ sang ngay. 

Rồi sai bọn tì nữ đi lấy kiệu, để nàng sang phủ Đông cung nghe quan giáo thụ giảng kinh sách.

Thái tử còn nhỏ, mới theo học được vài năm, phải có người phụ giúp để kèm cặp. Mấy quan giáo thụ trước đây, việc dậy, giảng nghiêm khắc, nên không hợp ý thái tử. đều phải thay cả. Nhà vua dù có tôn sư trọng đạo, dù có nghiêm đến mấy cũng vẫn là một người cha, không thể không chiều con. Thái tử được người phụ giảng dẫn ra lạy chào hoàng cô. Trần Huyền Trân hỏi han sự học hành của thái tử.Có đôi lần nàng hỏi về quan giáo thụ Trần Khắc Chung. Thái tử cười tủm tỉm, đáp:

-Thưa hoàng cô, cái ông thầy này vui tính lắm. Dể tính lắm. Ông không bắt học thuộc như mấy ông thầy trước. Ông còn kể chuyện vui cho cháu nghe nữa.

Công chúa xem sách học của thái tử, thấy quan giáo thụ dạy không chuyên theo một sách nào. Tứ thư,
Ngũ kinh đều có trích dạy cả. Nàng hỏi lại thái tử đôi chỗ, xét ra sự hiểu nghĩa cũng còn lơ mơ, có khi không hiểu nghĩa hoặc quên lời thầy giảng mà nói sai. Lật trang cuối cùng trong sách học, thấy chép một đoạn trong sách Trung dung, công chúa bèn bảo thái tử đọc.

(Tứ thư: bốn pho sách kinh điển của đạo nho học: Đại học, Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung.Ngũ kinh: Tức năm bộ kinh sách cơ bản của đạo nho: Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân thu. Vậy là sáu kinh nhưng Tần Thủy Hoàng đốt mất Kinh hạc, không sưu tầm được, chỉ còn năm Kinh lưu truyền tới tận ngày nay. Nên gọi là Ngũ kinh.)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM