Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:10:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những mảng tối trong chiến tranh  (Đọc 45746 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lehuychieu1959
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #40 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2017, 12:49:43 pm »

Hồi ký chiến trường K (tiếp theo)
Trung đoàn bộ, C21 và các đại đội trực thuộc khác được lệnh di chuyển vị trí đóng quân. Vị trí đóng quân mới là chân chùa Preahvihiar và một bộ phận E bộ cùng với D10 lập căn cứ tại khu vực Cầu cháy bên bờ sông StưngSen thuộc huyện KuLen, tỉnh Preahvihia. Chiếc cầu làm bằng gỗ, khi Pôn Pốt rút chạy đã đốt cháy để cản bước tiến của quân ta nên được bộ đội đặt tên luôn là Cầu cháy. Tháng 1/79 khi hành tiến qua đây (Gồm Lữ đoàn Đặc công 198, E95 bộ binh và D11 Pháo binh) để tiến về giải phóng Choamkhsan và ngôi chùa Preavihia cổ kính thì trên cầu đang còn nghi ngút khói. Công binh 270 của QK bắc phà dã chiến để đoàn quân đi qua. Hiện tại D10 đã đóng quân ở đây từ tháng 2/79. Khi chiến đấu hành tiến tôi là B phó B Trinh sát Kế toán thuộc C21 trinh sát, cánh quân chúng tôi đi theo trợ chiến là E29, cánh quân này đi theo đường biên giới giáp Lào, qua Rô Bênh lên ngã ba biên giới vòng về Choamkhsan vừa được E95 giải phóng, lộn về Cầu cháy rồi xuôi xuống giải phóng thị xã Rô Viêng giáp Công Pông Thom.
Đoàn chúng tôi lên đường. Trung đoàn trưởng đích danh chỉ định anh Vượng làm chỉ huy trưởng, tôi chỉ huy phó đoàn trinh sát đo đạc. Chúng tôi được ưu tiên một chiếc Gát ghẻ do Nguyễn Văn Tiêm, quê Thái Bình lái (Sau này năm 1983 Tiêm hy sinh trong một trận chiến không cân sức tại ngay thị trấn Choamkhsan, ăn nguyên một quả B40 của Pốt, lúc đó Tiêm là C trưởng C15 công binh). Chúng tôi đi độc lập, khẩn trương. Lúc đi qua Cầu cháy là nơi D10 đóng quân mà cũng không được vào, xe qua phà Công binh 270 và đi thẳng luôn.
Chúng tôi trở lại con đường mà đại quân hành tiến đánh địch cách đây 10 tháng. Con đường vẫn nguyên như cũ, gập gềnh ổ trâu, ổ gà. Hai bên đường toàn là rừng khộp. Đầu mùa khô tán rừng đang còn dầy lá, Có những cây lá đỏ au đang chờ ngày rụng xuống. Ở cái xứ này quạ đen sao mà nhiều thế, chúng bay hàng đàn, mồm la quàng quạc. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy nhiều quạ đen đến thế. Đầu mùa khô nhưng con đường đã tung bụi mù mịt, thằng nào thằng nấy bị phủ trên người một lớp bụi đỏ, nhìn không ra hồn người. Nắng chói chang trên đỉnh đầu khiến đám lính chúng tôi như teo tóp lại.
 
Rừng khộp mùa thay lá
Xe đi qua thị trấn Choamkhsan, thị trấn hôm nay vẫn vậy, hoang tàn và đổ nát. Những con người đen đúa, gầy guộc. Chỉ có những vườn xoài, vườn vú sữa đang mùa quả chín căng mọng. Tuy nhiên chúng tôi không được phép dừng ở đây mà đi thẳng. Có ai ngờ rằng từ đầu năm 1981 đến cuối năm 1984 nơi đây lại là nơi đóng quân, Đại bản doanh của E576 và đã để lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm. Khoan hãy kể chuyện này mà tiếp chuyện của ngày hôm nay.
Hiện tại Choamkhsan đang là nơi đóng quân của d208 và E bộ E20 CAVT, Trung đoàn này được điều sang PreahVihiar vào tháng 3/79 sau khi tỉnh này được giải phóng hoàn toàn và chiến đấu trong đội hình F307. E20 có 3 tiểu đoàn vũ trang là d210, d216 , d208 và các đơn vị trợ chiến trực thuộc. Đây là đơn vị Biên phòng vũ trang nên tác chiến kém, sau này đơn vị phải di chuyển quân nhiều nơi, thậm chí phải thay đổi cả phiên hiệu mà vẫn bị địch đeo bám đánh cả ngày cho đến khi rút quân về nước.
Xe qua thị trấn khoảng hơn cây số thì dừng lại, mọi người xuống xe. Chiếc Gát ghẻ  quay đầu chạy về hướng cũ, tự dưng tôi thấy lòng nao nao buồn bã. Anh em lục tục chuyển đồ đoàn vào bìa rừng. Anh Vượng quyết định qua đêm đầu tiên tại đây bên mé con suối nhỏ.
Tuy đã đầu mùa khô nhưng suối còn nhiều nước, dòng nước trong xanh róc rách chảy qua các gềnh đá. Cá nhiều vô kể, chúng tôi thằng lo cảnh giới bảo vệ, thằng nấu cơm, còn lại lao xuống suối tắm táp sau một ngày hành quân mệt mỏi. Nhìn đàn cá bơi lội mà phát thèm, không có lưới, mà đánh bằng bộc phá thì cấm hẵn. Có rất nhiều MK3 mà không làm gì được. Bữa cơm của bộ đội vẫn vậy, bài ca muôn thuở: thịt hộp nấu lá giang, mắm cô mặn chát.
Ban đêm trời trong xanh, sao sáng đầy trời. Thằng Vân khẽ hát bài: Ánh sao đêm nhưng anh Vượng đã lên tiếng cấm tiệt. Đường biên giới xa xăm địch ta biết thế nào mà lần. Từ đây đến D bộ D216, E20 khoảng 19-20km. Tiếng mang tác đâu đây, con vật này mà bắn được thì phải biết. Tuy nhỏ nhưng thịt thơm ngon đáo để. Tắc kè kêu đinh tai, có con kêu ngay đầu võng. Sau này khi đã ở lâu bộ đội bắt tắc kè ngâm rượu, mấy ông lính cũ chúa thích loại này. Các ông ấy bảo bổ dương bổ khí gì đấy nhưng tôi uống nhiều mà chẳng thấy có gì khác biệt. Nhiều ông còn phơi khô mang về làm quà ngoài quê miền Bắc.
 

Logged
lehuychieu1959
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #41 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2017, 06:53:51 pm »

Hồi ký chiến trường K (tiếp theo)
Đêm đầu tiên rồi cũng qua đi an toàn, bộ đội thức dậy khi trời mờ sáng. Hôm nay  toàn đội họp bàn thống nhất phương án đo đạc, phân công nhiệm vụ cho từng người. Anh Vượng chỉ huy chung, lo kế hoach tác chiến. Tôi là đội phó chịu trách nhiệm tổ chức đo đạc ghi chép tính toán bảng tọa độ trong hệ thống. Thằng Quốc và thằng Chắn đo hai máy ở hai đầu dây bằng máy piapo2. Thằng Mai, thằng Thuật quản lý thước dây, hai thằng cọc tiêu, còn lại làm dự bị, cảnh giới và hậu cần. Thằng Vân khỏe nhất dược giao làm mốc tọa độ. Gọi là mốc cho oai chứ thực ra nếu đúng là phải làm bằng trụ bê tông cốt thép có đánh dấu mã số, trong mã số có tọa độ X, Y và cao độ. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi làm gì có những thứ ấy. Mốc của chúng tôi đơn giản là gốc cây to, hơi độc lập một tí cho dễ nhận ra, trên đó thằng Vân sẽ vạt một mảng vỏ sâu vào thân một chút sau đó khắc mã số vào. Nếu gặp phải loại cây nhanh tái tạo vỏ thì coi như công cốc. Về công tác sẵn sàng chiến đấu trong các tình huống gặp địch, ngoài những thằng tập trung đo đạc còn lại luôn cảnh giới và sẵn sàng chiến đấu cao. Thằng Quốc và thằng Mai ngoài đeo hai chiếc máy Piapơ2 ra còn phải đeo thêm hai khẩu M72 là loại súng chống tăng của Mỹ. Anh Vượng phụ trách thêm khẩu súng phóng lựu M79 với hai dây đạn vàng chóe. Còn lại hầu hết là AK47 với 5 băng đạn đầy ắp. Thằng Rôm anh nuôi cũng phải khoác thêm khẩu AK Tiệp cho yên tâm.
Đất rừng Campuchia rộng mênh mông nhưng không hề thấy có một cột mốc quốc gia nào, thời đấy cũng không có định vị vệ tinh (GPS) như bây giờ nên việc xác định mốc chuẩn phải làm thủ công. Sau khi nghiên cứu bản đồ địa hình loại 1/50 000 UTM của Mỹ tôi và anh Vượng thống nhất bóc tọa độ tại chiếc cầu gỗ bắc ngang qua suối, sau đó kiểm nghiệm tọa độ tại chiếc cầu tiếp theo gần d bộ d 216.
Cuộc họp đang hăng hái bàn cãi phương án này nọ thì bất chợt có thằng hét to: Có địch trên đường... Tất cả lao vội vào hai bên bìa rừng gương súng sẵn sàng nhả đạn. Tôi còn đang quan sát xem địch ở đâu thì thằng Quốc đã kêu lên: Không phải địch, là bộ đội... Đúng là bộ đội thật, phía xa thấp thoáng hàng quân khoảng hơn chục người. May phúc chưa ai nổ súng. Đó là đoàn cán bộ của d216 ra trung đoàn dự hội nghị quân chính. Mọi người ào ra tay bắt mặt mừng, anh Vượng cẩn thận hơn khi nắm bắt thêm tình hình hoạt động của địch để có thêm phương án đối phó dọc đường.
Ngày đầu tiên đội làm việc suôn sẻ, chúng tôi đo được 3km, lập 5 mốc tọa độ. Buổi chiều tôi tranh thủ tính toán và hoàn thành chỉ số tọa độ. Anh Vượng bảo cứ tính toán rồi sau khi hoàn thành sẽ hiệu chỉnh sau. Tôi đồng ý phương án của anh Vượng nhưng sau này mỗi khi hoàn thành một đoạn đường dài thì tôi vẫn tiến hành kểm tra độ chính xác và hiệu chỉnh nếu cần. Mọi việc tính toán số liệu của tôi phải hoàn thành trước khi trời tối bởi vì ban đêm cấm đốt lửa đề phòng địch tập kích.
Đêm yên tĩnh, chỉ có tiếng côn trùng kêu rỉ rả, thỉnh thoảng lại có tiếng mang tác. Gió từ dẫy Đăng rếch, từ bên Thái lan thổi về lành lạnh. Cả đội chia ra ba khu vực để mắc võng và có ba vọng gác. Anh Vượng nằm với tổ 1 hướng về phía phum ChaEhTemple, tôi nằm với tổ 2 hướng về phía thị trấn Choamkhsan. Tôi bị lạnh lưng không ngủ được cứ trằn trọc suốt, võng được cấp là võng đơn chỉ có một lớp, lại không có chăn đắp. Hơn 2g sáng dậy kiểm tra gác xong rồi cứ thao thức mãi. Nhớ quê, nhớ mẹ, dáng mẹ lầm lũi đi trong mưa nắng cuộc đời. Không biết bây giờ mẹ có ngủ được không hay lại cũng thao thức như tôi. Làng tôi có cái tên do Bình Định Vương Lê Lợi đặt cho khi ông dẫn quân đi qua, đó là làng Bàn Thạch. Kỳ lạ một cái làng mà có tới ba cái lăng vua của thời Hậu Lê. Con kênh uốn lượn quanh làng bốn mùa nước chảy nặng phù sa về tưới cho đồng ruộng. Nước sạch đến độ khi đi học qua cả bọn đều xuống vụm tay muc nước uống. Kỷ niệm giăng đầy đưa tôi vào giấc ngủ từ lúc nào.
Do háo hức kết quả của ngày hôm trước nên sáng hôm sau đội dậy sớm hơn. Ăn sáng xong anh nuôi phát cho mỗi người một vắt cơm và một chút mắm kem, vẫn loại mặn chát đến ghê răng ấy. Buổi trưa bộ đội ăn cơm vắt dọc đường đo đạc, ăn xong làm việc ngay. Anh nuôi cùng tổ tiền trạm sẽ đi trước tìm chỗ nghỉ qua đêm và nấu cơm chiều. Rừng đầu mùa khô lá khộp vàng rực bắt đầu rơi rụng đầy gốc, ba tháng nữa nó sẽ bốc cháy dữ dội. Lá giang vẫn còn tuy đã già nhưng còn ăn được. Chiều về mệt nhọc mà có bát canh giang nấu với thịt hộp ăn cũng được. Thời buổi chiến tranh thế là tốt lắm rồi. Ngày thứ hai cũng đạt 3km và 5 mốc tọa độ. Khoảng 6g chiều thông tin mở máy phiên làm việc đầu tiên báo cáo kết quả về Sở chỉ huy trung đoàn.
Một chuyện kỳ lạ xẩy ra vào ngày hôm sau. Khi đang lúi húi ghi chép thì Quốc giật giọng bảo tôi hình như có địch Chiêu ơi. Theo phản xạ vừa nép vào gốc cây vừa nhìn theo  hướng tay nó chỉ. Thằng Thuật đã ném cái cọc tiêu vào bìa rừng tay lăm lăm AK chĩa về phía trước. Vừa ra hiệu cho anh Vượng tôi vừa di chuyển lên chỗ thằng Thuật. Phía xa khoảng 500m có một bóng người mặc áo đen đi về hướng chúng tôi. Phán đoán là địch, tất cả căng mắt theo dõi và sẵn sàng nổ súng. Với tốc độ đi bộ thì sau khoảng 5-6 phút người đó phải tiếp cận đến chỗ chúng tôi. Tuy nhiên sau 1 phút thì bóng áo đen biến mất dạng. Anh Vượng, tôi và thằng Thuật nhanh chóng cơ động lên và không thấy bóng dáng người áo đen đâu cả. Lạ kỳ, phía trước là tổ tiền trạm và khoảng 7 km nữa là D216, E20 CAVT, phía sau là chúng tôi, vậy địch ở đâu ra, nếu là dân thì sao họ phải trốn chạy. Chắc tên này mới về để móc nối với đồng bọn còn đang lẩn khuất trong các phum. Có thể tên địch trông thấy chúng tôi nhưng nó đã rất bình tĩnh rẽ vào bìa rừng rồi biến mất dạng. Toàn đội tạm dừng để phổ biến tình hình địch và nhắc lại các phương án chiến đấu.
Chuyện gì đến rồi nó cũng phải đến, ngày hôm sau trong lúc chúng tôi đang vừa canh chừng vừa đo thì tổ tiền trạm kiêm anh nuôi gặp chuyện. Một nhóm Pôn Pốt đã phát hiện ra họ và dùng B40 tấn công ngay. Do bị bất ngờ nên thằng Củng ăn ngay quả B40 vào giữa ngực hy sinh. Hai thằng còn lại ngã dúi vào gốc cây ven rừng. Sau phút bất ngờ hai chiến sỹ đã bình tĩnh bắn trả vào đội hình địch. Khi chúng tôi cơ động đến thì địch đã rút chạy. Chỗ này chỉ cách d216 khoảng 4 km, vậy mà chúng vẫn dám tấn công chứng tỏ công tác truy lùng bảo vệ hậu cứ của E20 không được tốt lắm. Thằng Củng ngực nát bươm, đôi mắt mở trừng trừng. Anh Vượng nhẹ nhàng vuốt mắt cho nó. Thằng Cơ, thằng Hải khuôn mặt xám xịt vì thuốc súng. Khoảng 30 phút sau thì một trung đội của d216 cũng cơ động đến, sau khi nắm bắt tình hình thì họ tiến sâu vào rừng thực hiện truy quét. Cả đội dừng đo tập trung về một chỗ. Máy thông tin 2w lên phiên làm việc sớm hơn thường lệ thông báo sự việc về Chỉ huy sở trung đoàn. Tổ đo đạc trực tiếp làm việc với trung đoàn mà không qua ban chỉ huy tiểu đoàn.
Xe chở tử sỹ là xe của d11 đang đóng quân tại chân chùa Preahvihiar. Thằng Củng nghe nói sẽ được chôn cất tại nghĩa trang sư đoàn, vì đi qua sư đoàn bộ và qua cả Ebộ E95 rồi mới về đến E bộ E576. Tất cả lẳng lặng tiễn đưa đồng đội lên xe về hậu cứ F bộ và vĩnh viễn về bên kia cõi vĩnh hằng. Các khuôn mặt ai nấy như sắt lại.
Ban đêm vẫn chia 3 tổ gác như thường lệ, nhưng đêm nay hình như không mấy ai ngủ được. Tiếng rọ rạy trên võng, tiếng bẻ ngón tay răng rắc. Buổi chiều nhiều người bỏ cơm. Tôi cũng trệu trạo nhai được vài miếng, cổ họng đắng ngắt, nghẹn cứng lại. Anh Vượng bảo chúng mày không ăn làm sao hoàn thành nhiệm vụ, cuộc chiến còn dài lắm. Nói vậy nhưng anh cũng không hết nửa bát cơm. Ăn xong anh lẳng lặng về võng của mình không nói thêm lời nào nữa. Cách đây một năm khi còn đang chiến đấu ở Đức Cơ việc trong ngày hy sinh một hai đồng đội, hoặc có khi hơn chục đồng đội là bình thường. Tôi đi đài tiền tiến cùng bộ binh thấy họ hy sinh và bị thương đến cả hàng trăm người, sau trận đánh nhìn đi nhìn lại chả còn mấy người, nghĩa trang sư đoàn dọc đường 19 rộng bát ngát mênh mông. Một năm nay bọn Pôn Pốt tứ tán khắp nơi, bọn chúng chưa có điều kiện để tổ chức các trận đánh lớn, bộ đội Việt nam cũng được xả hơi thoải mái nên quen. Việc thằng Củng chết đã làm xáo trộn tâm lý bộ đội. Sự lo lắng đã biểu hiện trên nhiều khuôn mặt. Đêm nay hình như dài hơn mọi đêm, tiếng côn trùng vẫn rỉ rả, đàn muỗi cứ vo ve bên võng tôi suốt, những con muỗi đói to tướng, mỗi lần bị nó chọc vào là y như nổi sần nổi tát.
Ngày hôm sau lại xẩy ra chuyện: Thằng Chắn trong lúc dùng búa phạt vào thân cây để làm mốc chẳng hiểu run tay run chân thế nào mà thân cây chẳng phạt mà lại phạt thẳng vào chân mình. May chỉ bị phần mềm, xương không việc gì cả. Máu chảy ròng ròng, mặt nó tái mét. Thằng Vân dịt tay vào chỗ đứt cầm máu rồi băng bó sơ bộ. Mất ba thằng cáng nó vào tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 216 nhờ quân y băng bó lại, rồi chờ xe trung đoàn vào chở đi.
Logged
lehuychieu1959
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #42 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 04:21:37 pm »

Hồi ký chiến trường K (tiếp theo)
Sau tám ngày rồi chúng tôi cũng đo được đến vị trí của d216 đóng quân (sau này là vị trí đứng chân của E bộ E20 CAVT, còn d216 lại chuyển vào khu vực Tram Preal Temple gần ngã ba biên giới hơn). Tối đó chúng tôi ở nhờ đơn vị bạn, và cũng là đêm duy nhất chúng tôi không phân công gác. Cảm giác bình yên nên giấc ngủ cũng đến sớm hơn thường lệ.
Ngày hôm sau bộ đội tạm nghỉ tại chỗ một ngày, tôi và anh Vượng ra cầu gỗ (gọi là cầu nhưng nó đã bị hỏng không đi qua được, giai đoạn Sư đoàn hành tiến khi đi qua đây phải đi qua ngầm phía trên cầu khoảng chục mét) xác định lại tọa độ rồi hiệu chỉnh ngay giai đoạn một. Phần đo đạc rất tốt, tọa độ chỉ chênh cột x: 0,20m, cột y: 0,15m. Kết quả giai đoạn một như thế là xong, vì đây là mạng khống chế địa phương cấp chiến dịch, chiến thuật nên sự sai lệch cho phép đến một phần vạn. Giai đoạn hai chúng tôi bắt đầu từ cầu (ngầm) 216 đo dọc biên giới đến ngã ba, một hướng về Rô bênh, một hướng đi vườn xoài. Sau khi đo đạc qua vườn xoài nơi có C5-d216 đóng quân khoảng 5km thì tạm dừng rồi từ C6 đo vòng về Rô bênh sau đó từ Rô bênh đo vòng theo đường khác quay lại đúng cầu (ngầm) 216. Như vậy cầu 216 là điểm đầu và cũng là điểm cuối của chặng đường đo đạc. Từ Rô bênh còn một đường khác đi thẳng về thị trấn Chep, chính là con đường hành tiến của sư đoàn hồi đầu năm.
Như vậy quân số thiếu hụt mất hai người, cả tổ lại phải căng ra đảm nhiệm. Hôm chuyển thương binh, trung đoàn cho bổ sung thêm lương thực và nhu yếu phẩm. Lần này toàn gạo sấy và mắm kem, tất cả chất lên vai người lính. Anh Vượng, tôi, thằng đo máy, thằng thước dây, thằng cọc chuẩn, thằng làm mốc, thằng cảnh giới ai cũng như ai. Vừa đeo ba lô, vừa làm việc lại phải vừa sẵn sàng chiến đấu. Cũng may giai đoạn này Pôn Pốt chưa kịp rải mìn và phục kích trên các tuyến đường. Nếu không chỉ với 19 thằng nhỏ nhoi như thế này có mà làm mồi ngon cho địch.
Họa vô đơn chí, tối hôm đó một chiến sỹ lên cơn sốt rét, thằng này tôi không nhớ tên mặc dù vắt óc suy nghĩ mãi mà chẳng nhớ ra, chỉ biết nó ở huyện Thường Xuân. Thế là lại phải gửi nó lại Quân y D216. Quân y sỹ 216 là thằng Lâm, người xã Phú yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nó nhập ngũ cùng ngày và cùng đơn vị huấn luyện với tôi là d1, e36. Nó được cử đi học Quân y trên Quân khu, trường ở quận 3, thành phố Đà Nẵng. Ra trường được bổ sung vào E20 CAVT. Sau này khi trung đoàn PB576 đưa C2, D10 vào đứng chân cạnh D216 tôi mới gặp lại và biết nó ở đơn vị này. Thế mới nói quả đất xoay tròn.
Một chuyện cười ra nước mắt, vừa bực lại vừa buồn cười, buổi chiều hôm ấy tổ dừng chân bên bờ một con suối nhỏ. Trừ những thằng lo nấu cơm, lo gác cảnh giới, còn lại tất cả cứ tồng ngồng xuống suối tắm. Con suối nhỏ hẹp nhưng lại có một cái vụng rộng khoảng trăm mét vuông toàn đá. Đầu mùa khô nên dòng nước chảy bé tí nhưng rất trong. Vụng nước sâu chừng ngang ngực mát lạnh có nhiều cá, những con cá cỡ cân ki lô cứ lượn lòng vòng quanh chân. Mấy thằng Quan Hóa thật đại tài khi bắt cá bằng tay không. Không lưới, không chài thế mà chúng nó cũng bắt được 7 con to nhỏ. Hai thằng tắm xong trước rẽ vào rừng hái lá giang, thế là chiều nay có món cá kho và canh cá lá giang, thật là tuyệt, chỉ nghĩ đến thôi là đã chảy nước dãi. Cơm nước đã chuẩn bị xong xuôi, ai nấy đều háo hức khi mùi cá kho mắm kem, mùi canh chua dậy lên nức mũi. Điểm danh còn thiếu hai thằng, gọi mãi mới thấy. Hóa ra hai thằng còn tranh thủ tắm thêm cho thỏa thích, bù cho những ngày nắng nóng nung người. Chợt có tiếng thét lên thất thanh phía bờ suối, ai nấy giật mình vơ vội súng lao ra bờ suối nghĩ rằng có Pôn Pốt tập kích chăng. Một cảnh tượng lạ lùng hiện ra trước mắt toàn đội. Thằng Rôm mặt mày nhăn nhó, tay khư khư ôm lấy cái của quý của nó, máu tươi từ đó chảy ra ròng ròng xuống tận bắp chân. Thăng Đậu hắn bảo cá cắn đứt đúng vào đầu ch....thằng Rôm rồi. Cả đội được một phen cười bò. Đây là loài cá cóc nổi tiếng ở Campuchia, có rất nhiều ở sông Mê kông, không hiểu sao nó lại có mặt ở cái dòng suối nhỏ xíu này. Loài cá này không to nhưng có đôi hàm răng cực sắc, lần đầu tiên bộ đội xuống sông Mê kông tắm nhiều chiến sỹ đã bị loài cá này đớp cho nhớ đời. Chỉ nghe bụp một tiếng thế là xong, anh đã bị mất một miếng thịt, vết cắn to bằng đồng một xu, sâu khoảng ba ly tròn vành vạnh. Mọi người xúm vào băng bó cho thằng Rôm nhưng không cách nào băng được. Cái đầu ch....bị thương cứ thun hết cả lại. Thế là lại mất thêm một chiến sỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu. Anh Vượng quàu quạu cả buổi, anh chửi thằng Rôm sao không lên bờ sớm hơn để đến nông nỗi như thế này. Anh vặc cả thằng Đậu là đồ ăn hại. Hai thằng đã đành, đến cả tôi cũng im thin thít không dám lên tiếng. Thằng Rôm chắc đau lắm nhưng nó không dám rên la gì, chỉ nằm bó gối trên võng. Anh Vượng lo không biết báo cáo như thế nào với Sở chỉ huy, chả nhẽ lại báo cáo cá cắn mất ch....của chiến sỹ. Nhiều thằng không nhịn được, cứ cười khùng khục làm rung cả cánh võng. Phiên gác của tổ hai tối ấy khuyết mất một ca, tôi nhận gác thay thằng Rôm và vẫn thức dậy hai lần để kiểm tra gác.
Sáng hôm sau đội cử bốn chiến sỹ đưa thằng Rôm về nằm điều trị tạm tại Quân y 216, chờ xe đưa về trung đoàn sau. Số còn lại tạm nghỉ tại chỗ và tiến hành lùng sục sang hai bên đường. Anh Vượng vẫn chưa hết giận, mặt lúc nào cũng khó đăm đăm. Cứ mỗi lần hao người là đội lại gánh thêm bội phần khó khăn. Tôi tranh thủ kiểm tra số liệu tính toán để báo cáo về Sở chỉ huy, tôi rất tin tưởng vào số liệu tính toán này, bởi tất cả các mốc tọa độ khi áp vào bản đồ đều nằm trên đúng trục đường mòn mà đội vừa đi qua.
Logged
lehuychieu1959
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #43 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2017, 01:11:42 pm »

Hồi ký chiến trường K (tiếp theo)
Một sai sót của hai thằng đo máy khiến cả tổ mất đứt hai ngày không công. Buổi chiều về tính toán đến mốc thứ tư thì tọa độ mốc bật ra khỏi đường mòn, mốc thứ năm xa hơn và mốc cuối cùng thì đã nằm ở đâu đó nơi rừng sâu núi thẳm. Anh Vượng bắt tôi tính lại đến lần thứ ba, kết quả vẫn vậy, tôi kết luận do đọc sai góc hướng. Thằng Quốc và thằng Mai mặt nghệt như ngỗng ỉa, chúng nó cũng không biết là sai từ khi nào, Hai thằng chỉ biết vò đầu bứt tóc mà không nói được câu nào.
Anh Vượng quyết định nghỉ một ngày họp rút kinh nghiệm. Ngoài ba thằng gác cảnh giới còn lại tập trung dưới một gốc cây to có tán rất lớn. Khác hẵn với thái độ bực dọc lúc đêm, giọng anh Vượng ôn tồn, nhẹ nhàng, anh phân tích từng công việc nhỏ một, nguyên nhân cũng như sai sót mà bộ đội mắc phải. Tôi phân tích về nguyên nhân kỹ thuật của hai đồng chí phụ trách đo máy, những sai lầm dễ mắc, kể cả thước dây và đơn giản hơn là chiến sỹ cọc chuẩn. Tôi nhấn mạnh rằng đây là do sơ xuất trong quá trình thao tác máy chứ nó không thuộc về bản chất hay nặng hơn là bản lĩnh người lính chiến trường. Vừa nói tôi vừa đánh mắt thăm dò, khuôn mặt anh Vượng như giản ra, có lẽ anh thấy phân tích của tôi là hợp lý. Anh trở nên tươi vui như ngày thường, như vậy anh cũng không cần phải gửi báo cáo kiểm điểm về Chỉ huy sở trung đoàn nữa. Thằng Quốc và thằng Mai thì khỏi nói, chúng nó thi nhau phát biểu ý kiến, tự giác nhận khuyết điểm về mình và hứa sẽ sửa chữa ngay trong ngày mai. Chúng nó nói vậy vì biết chắc chẳng ai bắt tội và bắt viết kiểm điểm cả. Cả đội giải tán và nhanh chóng quên ngay chuyện họp hành.
Anh Vượng cho đội nghỉ hết ngày. Thằng Vân dẫn một nhóm gồm năm thằng vào rừng cải thiện. Nó định kiếm con mang hay con nai gì đó, săn bắn vẫn là bản lĩnh của nó mà. Thằng Mai dẫn ba thằng đi bắt cá, còn tôi cùng hai thằng nữa đi hái lá giang chua về nấu canh. Chúng tôi đi theo nhóm mang đầy đủ vũ khí sẵn sàng chiến đấu vì cũng chưa biết sẽ gặp cái gì ở phía trước, Pôn Pốt vốn rất giỏi tác chiến trong rừng sâu. Tuy đã chuyển hẵn sang mùa khô nhưng rừng còn rất dầy lá, những cụm lá đỏ au đang chực chờ ngày rụng xuống. Những cụm cây giang cuối cùng cũng đã xác xơ. Tôi dặn hai thằng đồng hương lấy nhiều nhiều một chút vì ngày mai, ngày kia sẽ không còn cơ hội đi lấy lá nữa đâu. Cả đội còn phải tập trung cho công việc.
Ba thằng chúng tôi ra đến một trảng rừng rộng, cảnh tượng ngoài trảng làm cả ba thằng tròn mắt mà lặng nhìn. Cả một trảng rừng đầy hoa, mà gọi là thảm hoa thì đúng hơn Đủ loại mầu sắc, đỏ, hồng, tím, lam, trắng, chúng tôi như bị bỏ bùa mê trước thiên nhiên. Tôi ngồi sụp xuống rờ tay vào từng đóa hoa nhỏ, những bông hoa nhỏ xíu lắc lư trong gió. Loài hoa rừng thật lạ, nó không cao, chỉ cao khoảng ba, bốn mươi phân nhưng dầy đặc, tạo ra những thảm hoa diệu kỳ. Hoa rừng có nhược điểm là không thơm, đẹp như mơ mà chẳng có mùi mè gì. Thằng Lam vơ hoa thành một bó to tướng, tôi cười rũ bảo mày định tặng ông Vượng bó hoa ấy đấy à, ông ấy lại sạc cho bây giờ. Thăng Lam thấy tôi nói có lý, nó tần ngần một lúc rồi nhẹ nhàng bỏ hoa xuống đất, chắc là nó tiếc lắm.
Đội chúng tôi hôm nay có đại tiệc. Nhóm thằng Vân bắn được một con mang nhỏ, mỗi con nặng chừng hơn chục cân gì đó. Khi nhóm tôi về thì anh em đang lột da. Khi đó bộ đội không biết làm thịt thú rừng như bây giờ. Bây giờ người ta cắt tiết rồi dội nước sôi, nhổ sạch lông xong còn dùng đèn khò để thui, sau khi lấy nội tạng ra thì nhồi lá thơm vào đầy bụng và quay trên than hồng. Thịt thú rừng quay vừa thơm vừa mềm rất ngon. Nhóm thằng Mai bắt được năm con cá, mỗi con nặng chừng hơn cân. Anh Vượng cứ xuýt xoa giá như có chai rượu cuốc lủi thì tốt quá, tôi không thích rượu, có lẽ chưa phải tuổi uống, nên cũng chẳng thèm khát gì.
Ngày hôm sau cả tổ đi đo trong im lặng, ai nấy chú tâm vào công việc của mình. Thằng Quốc, thằng Mai đo ba lần mỗi góc như đã học. Giọng chúng nó dõng dạc như đang chuẩn bị cho trận chiến thật sự. Thằng Thuật vẫn đi trước cắm cọc chuẩn (thằng Thuật đã có quyết định làm B trưởng B chỉ huy C3 là C của anh Vượng), hôm nay có thêm anh Trung, anh Trung lính tháng 10/76 cùng với bọn tôi, nhưng năm sinh những 1954, nghe đâu thời đánh Mỹ anh ấy được hoãn đi bộ đội, đến năm 76 thực hiện đợt nghĩa vụ đầu tiên thì anh ấy mới phải nhập ngũ (anh Trung cũng được bổ nhiệm B trưởng B chỉ huy D10. Đoàn đo đạc lần này có tới 3 đồng chí là B trưởng). Anh Trung khoác khẩu AK47 lo cảnh giới phía trước. Buổi đo đạc hôm ấy suôn sẻ, tọa độ đều nằm trên trục đường mòn. Tôi cho tăng thêm một mốc, mốc này nằm ngay rìa một con suối cạn, con suối này có thể hiện trên bản đồ. Điểm mốc cuối cùng này trùng khớp ngay giao cắt giữa con suối và đường mòn. Thấy kết quả đạt ngoài mong đợi anh em trong đội ai cũng vui mừng. Trời đang còn nắng chang chang nhưng anh Vượng đồng ý cho toàn đội nghỉ sớm.
Buổi trưa ngày hôm sau cả đội đang tạm nghỉ ăn uống thì đột nhiên phía chân núi Đăng Rêck có tiếng súng rộ lên. Tiếng AK47 xen lẫn B40, B41, cự ly từ chỗ chúng tôi đến chỗ có tiếng nổ khoảng 2km, đó chính là biên giới phân chia lãnh thổ giữa Campuchia và Thái Lan. Các tham mưu con có dịp trổ tài phán đoán, Thằng Hải choắt le te bảo, có khi nào cả một trung đoàn của Pôn Pốt đã quay lại không. Cả đội bò lăn ra cười, Anh Vượng cười chảy cả nước mắt bảo hôm nào về sẽ đề nghị trung đoàn cho mày về ban Tham mưu làm nó đỏ cả mặt.
Khoảng 45 phút sau, tổ cảnh giới thông báo có lực lượng bạn đi ngược chiều. Chúng tôi ngừng đo đứng chờ ở bên đường. Đó là lực lượng C6, D216. Tổ tuần tra biên giới vừa gặp một nhóm nhỏ địch tại chân núi và hai bên đã nổ súng. Phía địch thương vong không rõ nhưng C6 đã có thương vong, hy sinh 1 bị thương 1. Thì tôi đã nói rồi, E20 là đơn vị biên phòng, nghiệp vụ của họ là tuần tra biên giới chứ không phải là vác súng chiến đấu trực diện như bộ đội nên mỗi lần gặp địch thì y như rằng có đổ máu, có thương vong. Sau này năm 1981-1982 ngay chính tại nơi này C5 và C6 của d216 đã bị Pôn Pốt chia cắt vây hãm suốt hai năm trời. Hai năm đó bộ đội phải ăn hầm, ngủ hầm không ngóc cổ lên nổi, ngay cả đồng chí C trưởng C6 cũng bị tin ngay một phát 12ly7 vào giữa mặt. Tử không đưa ra được sình lên phải chôn cất tại chỗ, thương binh không có thuốc kháng sinh bị hoại thư sinh hơi vô số đến nỗi thằng Lâm chỉ là Quân y sỹ mà cũng phải mổ, phải cắt cụt chi cho họ. Sau này có lần tôi bảo nó khi nào cuộc chiến này chấm dứt có lẽ mày sẽ thành bác sỹ ngoại khoa giỏi đấy. Đến lúc C2, D10, E576 được điều vào đứng chân cạnh D216, E20 CAVT tôi mới thán phục tầm nhìn chiến lược của Ban chỉ huy trung đoàn khi triển khai đo đạc trước đoạn đường này. Tôi sẽ kể lại giai đoạn này vào dịp khác.
Thấm thoắt đã một tháng trôi qua, điểm mốc cuối cùng trong ngày hôm nay chỉ còn cách C6, d216 khoảng 3km. Lương thực, thực phẩm đã gần cạn kiệt, mấy hôm nay tập trung đo đạc nên đội không còn cơ hội tăng gia, cải thiện được nữa. Anh em ăn cơm ba bữa với mắm kem, dền dã mấy ngày nay. Thời tiết nắng nóng, sức khỏe bộ đội có phần xuống cấp. Trong đội có ba chiến sỹ dính phải sốt rét, thuốc men thiếu thốn, thằng Mai đo máy khỏe như vâm mà còn dính chưởng. Những cơn sốt tai ác hành hạ bộ đội, trời nắng nóng là vậy mà thằng nào thằng nấy cứ run lên cầm cập, cặp nhiệt kế thì nhiệt kế chỉ 40-41 độ C. Tôi bị sốt lần đầu tiên vào khoảng tháng 8/1978 khi tham gia cùng E94 trong chiến dịch đánh tại bình độ 300 gần khu Xa-Xb của khu Nam đường 19, từ đó tôi biết sốt rét là gì và nó khốn khổ, khốn nạn ra sao.
Chỉ còn khoảng 3km nên hôm nay anh Vượng cho ba thằng khỏe trong đó có thằng Vân hộ tống ba thằng ốm đi trước vào C6 nằm chờ. Thế là may lắm rồi, có đơn vị bạn ở gần nên cũng đỡ phải khiêng chúng nó về d bộ d216 cách mấy chục cây số. Cứ đưa chúng nó về đấy tạm điều trị rồi tính sau vậy. Cả đội chỉ còn hơn chục thằng trong đó có cả anh Vượng nên tất cả cần nỗ lực hết mình. Anh Vượng nhận phần cảnh giới thay cho thằng Hải choắt vào kéo thước dây. Kiểu gì thì hôm nay cả đội cũng phải đo đến C6, đây là điểm mốc quan trọng bởi nó nằm ngay ngã ba, một tuyến đi vườn xoài nơi C5 đang đứng chân, từ đó đi thẳng lên ngã ba biên giới, một tuyến đi Rô bênh và vòng lại cầu D216. Chúng tôi sẽ đặt ngay ngã ba đường một mốc để so sánh với tọa độ được bóc trên bản đồ.
Khi chỉ còn cách C6 khoảng 500m thì anh em C6 đã ra đón chúng tôi. Tuy lạ lẫm nhưng khi đang ở chiến trường cách xa quê hương thì tất cả trở thành thân quen. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm thân thiết, tất cả đều xưng hô ĐỒNG HƯƠNG. Mặc dù mỗi thằng mỗi quê, Thằng Thanh Hóa, Thằng Hà Tây, Thằng Quảng Nam, thằng Nghĩa Bình đều đồng hương tuốt.
Vì còn những 500m nên phải dừng cuộc vui mà tập trung công việc. Anh em C6 giành lấy ba lô của chúng tôi để mang hộ về đơn vị trước. Một vài anh em nán lại xem chúng tôi làm. Họ vô cùng ngac nhiên khi thấy vũ khí của chúng tôi là máy móc, là thước dây, là cọc chuẩn. Anh Trung thay thằng Mai đo máy, giọng anh to, khỏe khiến anh em C6 lại càng thán phục.
Anh C trưởng C6 mà tôi không nhớ tên tận tình chỉ cho chúng tôi chính xác ngã ba đường. Hóa ra nó nằm ngay chính giữa sân đơn vị. Tuy sân đã được dọn dẹp quang lâng, sạch sẽ nhưng nhưng bằng con mắt nhà nghề tôi và anh Vượng đã xác định ngay tâm ngã ba, xây dựng điểm mốc quan trọng nhất. Tọa độ mốc đo đạc và tọa độ bóc theo bản đồ trùng khớp nhau một cách kỳ lạ. Như vậy chúng tôi đã hoàn thành gần một nửa chặng đường. Điều cả đội vui nhất là kết quả của một tháng lao động cật lực đã vô cùng mỹ mãn. Thông tin 2w nhanh nhẹn chuyển điện báo về Sở chỉ huy.
Bữa cơm chiều đơn vị bạn chiêu đãi bằng thịt gà hộp, rau muống luộc do anh em trồng được chấm với mắm kem. Anh Vượng và tôi được ban chỉ huy C6 mời ăn chung. Xong bữa chúng tôi xin phép về ngủ chung cùng anh em trong đội. Tối hôm đó cả đội được ưu tiên không phải gác. Đây là đêm thứ hai kể từ ngày rời C13 tại thị trấn Chi Sen chúng tôi không phải gác.
Logged
lehuychieu1959
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #44 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2017, 07:14:43 pm »

Hồi ký chiến trường K (tiếp theo)
Cuối cùng cũng có tin vui, trung đoàn đã cho xe chở lương thực, nhu yếu phẩm vào tập kết tại D216, cùng đi theo trung đoàn bổ sung cho năm chiến sỹ trinh sát đo đạc cũng thuộc D10. Anh Vượng quyết định tạm nghỉ đo để tập trung đi lĩnh lương thực và nhu yếu phẩm. Anh phân công tôi ở lại với lý do kiểm tra toàn bộ số liệu đo đạc những ngày qua, nhưng tôi biết anh có ý ưu tiên cho tôi được nghỉ ngơi. Anh Vượng trực tiếp dẫn bộ đội quay về D216. Cùng đi có ba thằng sốt rét để theo xe về trung đoàn.
Sau khi được nghỉ tại chỗ ba ngày lấy sức, bổ sung hậu cần, lại thêm năm thằng nữa nên anh em ai cũng phấn khởi cứ như ngày đầu mới ra quân. Hướng tuyến đo đạc lần này từ ngã ba đi vườn xoài (nơi có C5, D216 đứng chân) khoảng 8km, và chạy thẳng lên biên giới, tuy nhiên chỉ đo cách C5 khoảng 5km là dừng lại. Do đã có kinh nghiệm nên tiến độ đo đạc nhanh hơn rất nhiều, ngày đầu chúng tôi đo được đến hơn 4km.
Sau hai ngày đội đã đo đến vị trí đứng chân của C5 nơi có vườn xoài đang mùa quả chín. Đây thực chất là một phum cũ có tên là phum Trapeang Kul, phum này không có dân sinh sống, có lẽ họ đã bị Pôn Pốt dồn đi nơi khác. Trong phum có nhiều tàn tích của một phum có lẽ là rất trù phú, ngoài xoài còn có rất nhiều dừa, vú sữa, cây thốt nốt. Điều đặc biệt là còn có cả cây ca cao. Từ đây hướng biên giới lại vếch ngược lên phía bắc. Từ ngã ba có một con đường đi qua phum Trapeang Kul đi ngược lên biên giới. Trách nhiệm của đội là đo kéo dài thêm khoảng 5km nữa là dừng tùy theo điều kiện cụ thể. Bên kia biên giới là tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan, còn phía Lào là tỉnh Chămpasăck.
Anh em C5 đón tiếp chúng tôi nồng hậu chẳng kém C6. Chiều hôm ấy họ đãi toàn đội ngoài thịt hộp, rau muống xào còn có cả gà luộc do đơn vị tăng gia. Đặc biệt hơn nữa là món gỏi xoài xanh. Anh em được bữa no phưỡn bụng đã thế ban đêm còn được ngủ chỏng gọng mà không phải lo gác xách.
Ngày hôm sau Ban chỉ huy C5 cho một tiểu đội bảy đồng chí mang đầy đủ vũ khí đi theo bảo vệ. Vùng này là vùng do bọn Sê rê ka hoạt động. Lần này chúng tôi vớ phải một kiểu địa hình khá đặc biệt. Rừng khộp biến mất, trước mắt mọi người là rừng cỏ tranh rộng mênh mông. Cỏ tranh tốt quá đầu người, có lẽ phải dài đến 2m chứ không ít. Con đường mòn trên bản đồ ngoài thực địa cũng biến mất, nếu không có mấy đồng chí C5 thì chúng tôi khó mà dò ra được hình dong con đường này. Việc đo đạc trở nên khó khăn hơn vì tầm nhìn xa của máy rất hạn chế, kéo thước dây cũng vô cùng vất vả. Sau một ngày cả đội chỉ đo được chưa đầy 2km, đã thế số lượng mốc rất ít vì không có cây to để làm.
Sau ba ngày cật lực cũng chỉ đo được 5km đúng theo kế hoạch của Chỉ huy sở. Điểm mốc cuối cùng là một cây dầu đứng độc lập. Từ đây nhìn lên biên giới Thái Lan chỉ khoảng 2km nhưng lên đến ngã ba biên thì còn khoảng 5km nữa. Anh Vượng sau khi báo cáo về Trung đoàn đã được Chỉ huy sở trung đoàn lệnh cho dừng lại. Sau một ngày dừng nghỉ ngơi và tính toán, theo lệnh trung đoàn chúng tôi cất máy tiến hành trinh sát khu vực ngã ba biên giới.
Logged
lehuychieu1959
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #45 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2017, 09:05:40 pm »

Hồi ký chiến trường K (tiếp theo)
Ban chỉ huy C5 rất nhiệt tình ủng hộ chúng tôi khi cử hẵn năm đồng chí trinh sát của đại đội dẫn đường, đỡ hẵn được khâu cắt góc phương vị. Buổi sáng toàn đội dậy sớm hơn thường lệ. Sau khi ăn sáng xong mỗi người nhận thêm hai vắt cơm cùng mắm kem, thịt hộp, kèm theo hai ngày lương khô. Gọi lương khô cho oai thôi chứ vẫn là gạo sấy mắm kem và... thịt hộp. Đội hình hành quân gồm Trinh sát Pháo binh 18 người, trinh sát C5 có 5 đồng chí, như vậy tổng quân số 23 nhân mạng, tất cả mang vũ khí nhẹ M79, M72 và AK47.
Đội hình trinh sát đi theo hàng dọc. Năm đồng chí trinh sát C5 dẫn đầu, tiếp theo là anh Trung B trưởng, kế đến là tôi, anh Vượng đi giữa. Rừng cỏ tranh trải rộng ngút tầm mắt, do đã mùa khô nên cỏ đã ngã mầu vàng, loại này chỉ cần một que diêm là cháy cả tháng. Các đơn vị bạn ngoài việc tuần tra biên giới và phục kích ra thì còn lo việc chống hỏa, họ phát quang cây cối, dọn dẹp cỏ lá cách hàng rào cả trăm mét thế mà vẫn lo nơm nớp. Bài học này nhiều đơn vị tởn đến già. Nhìn lên biên giới Thái dẫy Đăng rêch đứng sừng sững như một bức tường thành. Đỉnh núi cao nhất khu vực này là cao điểm 702, nó nằm chênh chếch về phía Thái Lan. Phía Cam pu chia vách núi dựng đứng toàn đá tai mèo lởm chởm. Thằng Trung lính 78 người Nghĩa Bình le te chạy lên trước hàng quân, chả hiểu nó định làm gì, vừa vượt qua anh Trung thì vấp phải nhánh cây ngã sóng xoài, nó lồm cồm bò dậy và đi ngay trước anh Trung, sau mấy đồng chí trinh sát C5. Vụ này sau đó anh Vượng đã xạc cho nó một trận, vào chiến trường không phải cứ đi trước là tốt, quan trọng nhất là giữ kỷ luật, chấp hành nghiêm điều lệnh chiến đấu.
Nắng chiếu xiên khoai vào gáy thật khó chịu, mỗi người chỉ mang 20-25kg mà mồ hôi cứ vã ra. Sau khoảng hai giờ toàn đội đã đến chân núi. Chúng tôi ngồi nghỉ dưới tán một vạt rừng nguyên sinh. Tán rừng này có lẽ chưa chịu ảnh hưởng mấy của mùa khô khắc nghiệt nên tán của nó còn xanh, mầu xanh của cây rừng thật là mát mắt. Trên triền núi thỉnh thoảng có vài cây đang đổi mầu lá từ xanh sang đỏ thẫm để chuẩn bị cho một mùa thay lá mới. Cảnh rừng núi hoang vu nhưng cũng thật hùng vĩ. Ngoài bộ đội Việt Nam ra thì có lẽ người dân Cam pu chia chưa hề bước chân vào khu vực này, rừng núi vô cùng hoang dã. Tiếng mang tác, tiếng vượn hú, tiếng chim hót trên các tán rừng cùng tiếng nước suối chảy, tiếng gió hú ào ào tạo ra một bản nhạc của rừng xanh làm mê mẩn những người lính xa nhà. Dấu chân mang nai chi chít, thỉnh thoảng phát hiện dấu chân voi. May mắn khu vực này không có vắt, vắt là kẻ thù truyền kiếp của lính, nếu gặp vắt thì ôi thôi, chỉ nghĩ đến đã phát khiếp. Có lẽ do gần núi nên nước từ trên cao ngấm xuống tạo thành các khe nước nhỏ, chúng len lỏi qua các gềnh đá, đủ để chúng tôi lấy vào bình đông và nghịch ngợm sau chặng đường hành quân dưới bầu trời nóng bỏng. Toàn đội ngồi hứng ngọn gió mát mà quên đi những mệt nhọc, quên đi đây đang là chiến trường, quên đi phía trước là quân Pôn Pốt, quân Sê rê ca. Bọn chúng đang chờ để lấy mạng sống của những người lính Việt Nam chúng tôi. Vài thằng lang thang tìm dâu gia đất, loại cây có quả khi chín chua chua ngòn ngọt, loại quả này khi hành quân giải khát rất tốt. Giai đoạn này quân địch chưa được viện trợ mìn nên việc đi lại của bộ đội khá thoải mái. Khoảng giữa năm 1980 trở đi mìn do Trung Quốc sản xuất được rải nhiều như đá cuội ngoài suối, và chúng đã gây ra nhiều cái chết thương tâm cho bộ đội Việt Nam. Ký ức kinh hoàng đó còn mãi ám ảnh người lính kể cả sau khi giải ngũ về quê hương.
Cuôc hành quân tiếp theo mới là sự thử thách những người lính. Dẫy Đăng rêch nhìn xa trông cũng không cao lắm, ngọn núi cao nhất cũng chỉ khoảng 700m, còn lại sàn sàn trên dưới 600m. Đến khi lừng lững trước mặt mới thấy nó thật là hùng vĩ, vách núi dựng đứng, lởm chởm sắc nhọn. Những thân cây giống như cây đa của ta bám vào vách núi thả bộ rễ dài cả hàng vài chục mét. Toàn đội súng đeo trên lưng và bắt đầu trèo, nhìn xa chắc không khác lũ khỉ là mấy. Trong lúc đang bám cành cây để đu người lên khẩu AK của anh Trung vướng vào một bụi le làm anh tuột tay, khẩu súng rớt xuống còn anh may mắn ôm được cái rễ cây nhô ra ngoài, nếu không cùng rơi xuống như khẩu súng thì anh đã tan xác pháo. Tôi cùng hai thằng nữa và một đồng chí trinh sát bạn tình nguyện leo xuống nhặt súng. Đoạn trèo lên tuy chưa cao lắm mà trèo xuống đã thấy quá vất vả. Hì hục hơn một giờ đồng hồ mới đem khẩu súng lên cho anh Trung. Sau cú ngã hụt anh có vẻ lo lắng, nhà anh ở huyện miền núi nhưng là dân Kinh di cư nên việc leo trèo có vẻ không thạo lắm. Một đồng chí trinh sát bạn rơi quả US may không nổ. Khu vực núi Đăng rếch rừng còn khá hoang sơ, nhiều cây cao cả vài chục mét trở lên, nhiều cây to cỡ vài ba người ôm không xuể. Trên các tán cây khỉ nhiều vô kể, thấy chúng tôi trèo lên chúng gọi nhau cheng chéc, chuyền từ cây nọ sang cây kia nhanh như chảo chớp. Thằng Vân đưa khẩu AK lên định tỉa thì anh Vượng đã kịp thời ngăn lại. Cái thằng ngu thật, đã ngay trên đất Thái rồi mà còn mất cảnh giác đến thế là cùng. Khi chúng tôi đã leo lên đến đỉnh thì cũng đồng nghĩa với việc đang xâm phạm lãnh thổ nước khác, nên từ đây mọi hoạt động của cả đội phải hết sức thận trọng. Sơ xẩy Việt Nam có thể bị tố ra Liên hợp quốc chứ chẳng chơi. Bây giờ ngoài việc chạm trán với quân Pôn Pốt, quân Sê rê ca còn có cả lính biên phòng Thái Lan. Sau khi nghiên cứu giữa bản đồ và địa hình thực tế chúng tôi tiếp tục trèo lên điểm cao 655 nằm sâu trong đất Thái khoảng gần một ki lô mét. Trên đỉnh cao điểm tầm nhìn không hạn chế, tại đây có thể  quan sát sâu vào trong đất Thái.
Cả đội đi theo hàng dọc, năm trinh sát C5 vẫn dẫn đầu đội hình. Tư thế luôn sẵn sàng chiến đấu cao, tuy nhiên đội lấy hoàn thành nhiệm vụ là chính, chỉ nổ súng khi điều kiện bắt buộc. Rừng Thái Lan rậm rạp khác hẵn rừng Cam pu chia, rừng Thái có nhiều cây to tán cây rộng, cây dây leo chằng chịt, đồi núi mấp mô. Ngược lại rừng Cam pu chia bằng phẳng, rừng chủ yếu là cây khộp thưa thớt xen kẽ cây gỗ dầu lá to như cái nón lá của Việt Nam.
Đang đi đồng chí trinh sát C5 (các đồng chí này tôi đã quên hết tên, cũng không nhớ là người tỉnh nào nữa) ra dấu hiệu dừng lại, tôi và anh Trung B trưởng vội lách lên. Một cảnh tượng hiếm thấy đang diễn ra giữa cánh rừng đại ngàn của tỉnh Ubon Ratchathani. Hai con công trống đang mãi mê múa may phô diễn bộ cánh sặc sỡ trước một con công mái. Hai con công trống có hai bộ đuôi xòe rộng óng ánh trong nằng. Con nào cũng cố khoe mẽ trước bạn gái. Con công mái thì có vẻ như không quan tâm lắm, hoặc làm ra vẻ vậy thôi với hai chàng, nó nghênh đầu nhìn bên nọ dòm bên kia rồi thong thả mổ hạt cây rừng. Có lẽ nó đang chờ bên nào thắng cuộc sẽ kết duyên cùng. Anh Vượng đã lên đến nơi, sau khi quan sát một lúc anh phẩy tay ra hiệu đi tiếp. Ba con công hoảng sợ bỏ ngay màn khiêu vũ luồn vào bụi cây chạy mất đất.
Logged
lehuychieu1959
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #46 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2017, 12:03:11 pm »

Hồi ký chiến trường K (tiếp theo)
Một lần nữa đội hình bị khựng lại, trinh sát C5 ra hiệu lùi về phía sau. Mọi người lui vài bước rồi ngồi thụp xuống. Biết có chuyện chẳng lành, tôi và anh Trung B trưởng bò lên đầu đội hình. Từ trong lùm cây nhìn ra chúng tôi phát hiện có một con đường mòn, cách một đoạn có tiếng người nói lao xao. Một tốp khoảng năm sáu tên mặc quần áo đen, ba tên đeo súng AK, hai tên còn lại mang B41, một tên đi không tay cầm một con dao, giống dao quắm của đồng bào dân tộc Tây nguyên. Chúng vừa đi vừa nói chuyện ồn ã, vừa hút thuốc rê, mùi thuốc khét lẹt xông vào tận chỗ chúng tôi ngồi. Không biết bọn này thuộc quân của Pôn Pốt hay Sê rê ca mà nói, bởi trang phục đều mầu đen giống nhau. Có lẽ chúng không ngờ có trinh sát Việt nam lên tận đây nên chúng đi rất tự tin và thoải mái và cũng chẳng phát hiện ra chúng tôi.
Lên đến đỉnh núi nơi lập đài quan sát thì trời đã đứng bóng, bụng ai nấy đều đói cồn cào. Mọi người tạm nghỉ giở cơm nắm ra ăn. Gọi là đỉnh núi nhưng cây cối rậm rạp nên cũng chưa nhìn thấy gì. Giữa trưa tiếng cu rừng cuc cu đây đó gợi nhớ những buổi trưa hè ở quê hương. Rừng ở đường biên Thái Lan na ná rừng Tây Nguyên ở Việt Nam. Những cây gỗ dầu cao khoảng 20-25m, thân thẳng gỗ của nó vô cùng tốt, gỗ lim Việt Nam còn thua xa. Cống thủy lợi, cửa điều tiết ở các đập hồ chứa nước của Campuchia đều được làm bằng loại gỗ này, mối mọt không làm gì được bởi gỗ của nó cứng như sắt. Lá cây rụng xuống tạo thành một lớp thảm dầy êm ái. Rừng ở đây xanh mát quanh năm nên không có nạn cháy như bên đất Cam pu chia. Đất Cam pu chia cách đây hàng triệu năm có lẽ là đáy biển, dù cách xa biển hàng ngàn kilomet nhưng vỏ ốc, vỏ sò thì nhiều vô kể. Nếu không phải là đáy biển thì không lẽ ốc sò tự nhiên chạy đến.
Do rừng cây khá rậm rạp, tôi bảo anh Vượng có lẽ phải trèo lên cây mà quan sát thôi. Thằng Chắn, thằng Pét dân huyện miền núi Quan Hóa xung phong đầu tiên. Thằng Chắn ở xã Tén Tằn giáp Lào, thằng Pét ở Tam Trung hay Quang Chiểu gì đó, hai thằng này quen đi rừng nên thoắt cái đã trèo lên tận ngọn của một cây cao chót vót. Sau một hồi ngó nghiêng, kể cả dùng ống nhòm quan sát. Cả hai thằng đều không phát hiện ra được gì. Tôi muốn rèo lên đó nhưng cái cây vừa to vừa trơn nên chả thể làm gì được. Anh Vượng định vào sâu hơn nhưng theo các đồng chí trinh sát C5 nên tạm dừng tại đây vì muốn đi tiếp phải có lệnh của Sư đoàn hay ít nhất là của Trung đoàn, lính biên phòng Thái mà phát hiện ra thì lôi thôi to.
Sau khi bàn bạc cả đội thống nhất đi dọc theo biên giới về hướng Đông vòng về đất Lào thuộc tỉnh Chămpasăck. Vẫn năm đồng chí trinh sát C5 dẫn đầu, tiếp đến là thằng Quân A trưởng, anh Trung B trưởng, kế nữa là tôi. Thằng Trung Nghĩa Bình không hiểu thế nào lại đi sau chót, anh Vượng cũng chẳng nói gì. Đường rừng rậm rạp không có một lối mòn nhỏ, có ai ngờ cuối năm 1980 tại khu vực này lại là nơi đứng chân của Sư đoàn 801 và Sư đoàn 802 của Pôn Pốt do chính Tà Mốc chỉ huy, hắn nguyên là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Cam pu chia dân chủ. Tội ác của Tà Mốc không kém Pôn Pốt hay Iêng xa ry là mấy. Chiến dịch Ngã ba biên cuối năm 1981 bản thân tôi lại được dịp dùng ngay kết quả đo đạc hôm nay để chỉ huy bắn pháo vào căn cứ  của địch.
Sau khi đi được khoảng 7km thì chúng tôi bắt đầu xuống núi, trời lúc này đã về chiều nên toàn đội phải xuống thật nhanh nếu không sẽ không kịp. Như tôi đã nói, lúc lên đã khó khi xuống còn khó hơn. Đứng trên núi nhìn xuống cứ sâu thăm thẳm khiến nhiều thằng rùng mình. Cả đội lại như một đàn khỉ bám đá, bám dây mà trèo xuống. May mắn lần xuống này diễn ra an toàn, không thằng nào để rơi vũ khí hặc tự đánh rơi mình từ độ cao bốn năm trăm mét. Xuống đến chân núi thì trời đã nhá nhem nhưng anh em C5 bảo gắng đi thêm vài cây số nữa để dùng màn đêm xóa dấu vết, sợ rằng có Pôn Pốt phát hiện bám theo.
Khi toàn đội dừng lại thì tời đã tối, trăng hạ tuần như chiếc võng treo chênh chếch trên đầu. Sau khi chia tổ và hướng cảnh giới ngoài thằng thực hiện ca gác đầu ra thì số còn lại lo tìm chỗ mắc võng và ăn tối. Suất cơm tối vẫn là nắm cơm vắt mang theo từ sáng ăn với mắm kem cùng bình tông nước suối. Vắt cơm khô không khốc, vừa cứng vừa hơi hơi... có mùi. Do tuổi còn trẻ, đang sức ăn no vác nặng nên chuyện sinh hoạt này không gây khó được cho đám lính chúng tôi. Ăn vừa xong thì anh Vượng lại ghé ngồi vào võng tôi, anh bảo đêm nay chú cứ ngủ việc kiểm tra gác anh sẽ lo. Có lẽ anh ấy thương tôi nên nói vậy, vốn dĩ tôi thể lực không đươc tốt bằng anh em khác, cao 1,63m nhưng cân nặng chỉ có 48kg. Cùng hành quân nhưng tôi lúc nào cũng phải hết sức cố gắng. Tôi và anh Vượng mới ở với nhau 6 tháng trong lớp tập huấn kỹ thuật, anh là B trưởng, tôi B phó  mới cùng tham gia đánh dăm trận nhưng anh rất hiểu tâm ý của tôi. Tuy sức không bằng ai nhưng tôi vốn năng nổ, đặc biệt dẫn bộ đội đi tác chiến thì không ai bằng tôi. Sự dũng cảm đến gan lì của tôi khiến ai cũng phải nể phục. Trước khi về C13 tham gia khóa tập huấn anh Vượng là trung úy, trợ lý tác chiến của trung đoàn, nên anh rất quý những thằng như tôi.
Đêm ngã ba biên giữa rừng sâu thẳm, một nhúm con người không đèn đóm, không củi lửa, lặng lẽ đi vào giấc ngủ say sau một ngày vất vả trèo lên trèo xuống trên vách đá tai mèo, dây leo dựng đứng. Trăng hạ tuần đã khuất sau rặng núi, bầu trời đêm chìm vào bóng tối. Tiếng mang tác, tiếng côn trùng kêu rỉ rả, tiếng gió xạc xào, tiếng một con chim đi ăn đêm kêu keng kéc giữa trời. Suy nghĩ vẫn vơ tôi không sao ngủ được, muốn viết nhật ký nhưng không dám, một tý ánh sáng bây giờ có thể để lại hậu quả khôn lường. Muỗi ở đây nhiều vô kể, lúc chập tối là lúc nó hành động mạnh mẽ nhất, nó kêu ong ong như một đàn ong vỡ tổ. Lọ thuốc chống muỗi tôi xoa hết sạch phải sang xin thằng Pét. Cái thằng được cái dễ ngủ, vừa mới thấy thì thầm to nhỏ với ai đó mà khi tôi sang nó đã ngủ say phải vỗ mãi mới thức dậy. Cầm lọ thuốc chưa về tới võng đã thấy nó ngáy khò khò.
Về khuya gió từ Thái Lan thổi sang se se lạnh. Cái xứ xở này thật lạ kỳ, đầu mùa khô ban ngày nóng như đổ lửa mà về đêm vẫn se lạnh. Có lẽ tại sức tôi yếu chứ anh em ai cũng ăn cũng ngủ tốt. Khi còn ở nhà đi học do là con út nên ít phải lao động nặng, việc đống áng đã có mẹ, tôi chỉ lo mỗi việc nấu cơm rửa bát quét nhà. Đông vụ chí kỳ tôi cũng tham gia đánh cỏ lúa, đập kẹp tại sân kho Hợp tác xã, làm thủy lợi và cũng không nhiều. Võng bên thằng Quân đang ú ớ, chắc nó lại mơ thấy cái gì đó. Và rồi tôi cũng chìm vào giấc ngủ.
Cả đội bị đánh thức bởi hai loạt AK phía dẫy Đăng rếch, mọi người bừng tỉnh ôm súng sẵn sàng chiến đấu. Tôi lao ra vọng gác, đang phiên đồng chí trinh sát C5, anh bảo chưa phát hiện được gì ngoài tiếng nổ phía chân núi. Màn đêm yên tĩnh trở lại, anh Vượng cho anh em quay vào ngủ tiếp.
Logged
lehuychieu1959
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #47 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2017, 06:20:52 pm »

Hồi ký chiến trường K (tiếp theo)
Sau một đêm căng thẳng. Buổi sáng dậy khó khăn đầu tiên đến với toàn đội là nước uống, mỗi thằng một bình tông nước suối, đêm qua đã hết sạch. Lương khô là gạo sấy mà không có nước đành chịu nhịn đói mà hành quân. Thằng nọ nhìn thằng kia và rồi cũng phải xốc ba lô mà lên đường. Trinh sát C5 vẫn dẫn đầu, đây là địa bàn của E20 nên họ thông thuộc hơn. Hôm nay đội sẽ đi vòng sâu sang Lào khoảng dăm cây số tiếp tục xuôi về phía đông nam theo đường biên giới rồi cắt về lại Campuchia. Sau khi chỉnh đốn đội hình chuẩn bị hành quân thì bất chợt thằng Vân kêu lên thằng Trung đâu. Ai nấy dớn dác dòm kỹ thì thấy thiếu mất thằng Trung thật. Kiểm tra quân số lại lần nữa thì vẫn thấy thiếu thằng Trung, vậy tối qua nó đi đâu, nó ngủ ở đâu, liệu cọp có vồ nó không, hay Pôn Pốt đã bắt nó rồi. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra. Sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của anh Vượng. Hôm qua khi dừng chân thì trời đã tối nên ai nấy cũng chủ quan không kiểm quân số. Cái thằng chó này lại làm khổ anh em, ai bảo nó le te đi cuối đội hình làm chi. Người khác đi cuối thì không sao, đến nó đi cuối thì lại dính chưởng. Hai loạt AK đêm qua chắc chắn là của nó rồi, chả biết có bị làm sao không nữa.
Quyết định toàn đội quay lại tìm thằng Trung. Lần này chúng tôi chia làm hai tổ, anh Vượng một tổ tôi một tổ thẳng hướng Đăng rếch, ám hiệu vẫn là bắn AK cộng bằng 5. Gần hai giờ đồng hồ nhóm của tôi đã đến chân núi, nơi chiều qua vừa tụt xuống, vừa đi vừa quan sát xem có dấu vết gì khác lạ không. Cả buổi sáng quần nát khu vực dưới chân núi không phát hiện được gì. Vừa mệt, vừa đói nên khi được nghỉ  giải lao không thằng nào muốn đứng dậy nữa. Hướng anh Vượng cũng không thấy động tĩnh gì. Tôi bảo thằng Quốc bắn súng gọi, nó đứng dậy bắn liền ba phát. Một lát sau nghe hai phát gọi lại của nhóm anh Vượng cự ly có vẻ rất gần. Đột nhiên hướng bên Lào có ba phát AK dội lại, tôi bật dậy hướng súng về đó bắn liền hai phát. Chờ nhóm anh Vượng tới chúng tôi cùng xuất phát về hướng biên giới Lào.
Khi gặp được thằng Trung thì nằng đã ở trên đỉnh đầu. Lúc này anh em trong đội mệt, khát và đói thật sự. Mọi người như lả đi, duy có tôi và anh Vượng thì cái vui đã làm chúng tôi quên đi cái mệt mỏi và đói khát. Nếu gặp địch choảng nhau thất lạc đã đành, đằng này chỉ là hành quân bình thường, lại là lính trinh sát pháo binh, thật xấu hổ với các đồng chí C5.
Theo lời thằng Trung kể thì sau khi xuống núi, nó bị trượt chân đánh ống quyển vào hòn đá ven suối cạn. Đau quá nó ngồi nghỉ, vì nó đi sau nên không ai biết việc này. Thấy đội hình đi xa, thằng Trung định gọi nhưng nghĩ mình là trinh sát giỏi không sợ lạc vả lại nó cũng sợ anh Vượng chửi cho nên tự mình chịu trận. Đến lúc một mình trong rừng, trời lại tối om không biết lối nào mà lần thằng Trung mới bắn hai loạt AK ngắn để báo cho toàn đội biết. Nó bảo bắn để báo cho đội biết vậy thôi chứ nó dư sức trở về đơn vị cho dù không tìm thấy đội. Ban đêm nó không dám mắc võng mà ôm súng ngồi dựa vào gốc cây bằng lăng mà ngủ. Giấc ngủ chập chờn, thỉnh thoảng thú rừng loạt soạt chạy qua, một con lợn rừng dẫn đàn con đi qua làm nó không dám cựa quậy, nó bảo biết là đàn lợn vì đàn con kêu ẹc ẹc, con lợn mẹ với đôi răng nanh dài mà thúc vào người thì chỉ có chết. Do không ngủ nên chưa sáng hẵn nó đã lọ mọ cắt rừng sang Lào, đó cũng là lý do toàn đội đi tìm mà không thấy.
Mất đứt một buổi sáng chẳng được việc gì, anh em lại đang trong cơn đói khát nhưng anh Vượng chẳng nói gì bởi lúc này nước mới là điều quan trọng nhất. Thằng Trung được dịp đoái công chuộc tội khi thông báo rằng nó phát hiện ra một vũng nước nhỏ nằm cách đường biên giới Thái khoảng 3km. Nghe nói có nước anh em phấn chấn hẵn lên và hăng hái lên đường. Trinh sát C5 quán triệt đây vẫn là khu vực không an toàn, quân Pôn Pôt và Sê rê ca thường xuyên qua lại hoạt động, mà bội đội biên phòng Lào lại không thấy tuần tra, yêu cầu toàn đội nâng cao cảnh giác.
Cái vũng nước mà thằng Trung nói hóa ra là một cái lạch suối cạn, lạch suối này nằm dọc theo đường phân cách biên giới giữa Lào và Campuchia mà sau này lính đặt tên cho là suối Lào. Dòng suối khô khốc trơ toàn đá, tuy nhiên sau một gộp đá là vũng nước nhỏ trong vắt xen lẫn các gộp đá khác. Vũng nước rộng khoảng vài mét vuông, sâu vài chục phân cũng đủ cho toàn đội lấy nước. Anh em tranh thủ đong nước vào bình tông, san nước vào các túi gạo sấy. Một chút nước đọng nhưng đã cứu toàn đội tránh khỏi phải thảm họa (tuy nhiên không ngờ sau này khát nước lại là thảm cảnh thực sự của sư đoàn 307-Đặc biệt tại chiến dịch X2-83 đầu năm 1983 hay còn gọi là chiến dịch 547 lần thứ 2)
Chờ cho gạo sấy trương nở, mà cái giống gạo sấy khi dùng nước lạnh thì nó rất lâu nở và ăn xong thì trời đã sang chiều. Thấy anh em ai cũng mệt mỏi, khả năng hành quân tiếp không đạt hiệu quả nên tôi liền quân sư quạt mo cho anh Vượng nghỉ tại đây mai sáng ta đi một vòng bên Lào rồi về hậu cứ C5 là vừa. Sau khi đắn đo một lúc rồi anh cũng đồng ý với phương án này. Vẫn chia ba tổ vừa cảnh giới vừa nghỉ ngơi. Tối hôm ấy anh Trung lên cơn sốt rét, chiếc võng anh nằm cứ rung lên bần bật, chúng tôi dồn mấy cái màn để đắp mà anh vẫn cứ rên hừ hừ. Thuốc mang theo ngoài mấy viên phòng ba, mấy cuộn băng gạc cá nhân ra thì chả còn gì. Uống thuốc rồi mà anh Trung không đỡ, cả đêm sốt hầm hập.
Sáng sớm đành phải trích bốn thằng và một trinh sát C5 đưa anh Trung về cứ. Đội còn chưa đến hai chục thằng kể cả bốn trinh sát C5. Theo phương án đã thống nhất trinh sát C5 sẽ dẫn đi vào đất Lào khoảng chừng dăm cây số, rồi xuôi theo đường biên khoảng 10km sau đó cắt về lại hậu cứ C5. Đội hình vẫn như cũ, trinh sát C5 rồi đến trinh sát 576. Thằng Trung Nghĩa Bình thế chỗ anh Trung B trưởng, thằng Quân, tôi rồi đến anh Vượng. Hôm nay anh Vượng không đi giữa đội hình nữa mà dâng lên sát chỗ tôi. Thằng Thuật B trưởng đi đoạn hậu. Nhiệm vụ hôm nay của đội là thăm dò bên đất Lào xem có động tĩnh gì không, nếu gặp địch phải giấu kín đội hình lấy hoàn thành nhiệm vụ là chính, trường hợp bị lộ mới được nổ súng. Trường hợp này phải tìm hiểu kỹ xem địch từ đâu tới, chúng đang đi đâu và sẽ tập kết ở đâu, số lượng bao nhiêu và quan trọng hơn cả là nắm bắt ý đồ của chúng. Nếu gặp bộ đội biên phòng Lào thì hai bên trao đổi và lên lịch để lên lạc với nhau, hỗ trợ cho nhau khi cần thiết. Sau khi quán triệt nhiệm vụ xong toàn đội lên đường.
Gọi là biên giới cho oai chứ thực ra đường biên chạy dọc theo một con suối nhỏ mà sau này lính ta đặt tên cho là suối Lào. Chỉ cách nhau một con suối thôi mà rừng hai nước có vẻ cũng khác nhau. Bên Campuchia là rừng khộp, cỏ tranh và bằng phẳng, bên Lào nhiều le và xen kẽ là cây gỗ dầu, đất không bằng nữa mà có nhiều đồi thấp. Thật may đi trong rừng le vào mùa khô nên không khó khăn lắm chứ nếu gặp mùa mưa thì nhục hết chỗ nói. Lính tráng có câu (Ranh ngôn) là Nắng trưa rừng khộp, mưa dầy rừng le để miêu tả nỗi thống khổ của lính khi hành quân trong rừng vào những mùa như thế. Một cái may nữa dịp này Pôn Pốt chưa kịp gài mìn, có lẽ chúng còn bận rộn thu quân, chỉnh đốn đội hình nên chúng tôi hành quân không phải lo lắng lắm. Kể từ giữa năm 1980 thì mìn do địch gài đúng là một cơn ác mộng và là thảm họa với bộ đội Việt Nam.
Logged
lehuychieu1959
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #48 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2017, 06:45:32 pm »

Hồi ký chiến trường K (tiếp theo)
Đang cắm mặt đi thì bỗng qua...qua...qua, phạch...phạch...phạch...một đàn quạ đen chừng dăm chục con bất chợt ở đâu đó bay lên cất tiếng kêu rầm rĩ. Lũ quạ này chắc vớ được một cái xác thối nào đó đang đánh chén bị chúng tôi đánh động nên giật mình bay lên. Hồi đầu năm đi chiến dịch xác địch chết nhiều nên lũ quạ tập trung với số lượng vô cùng đông đảo, mỗi đàn hàng trăm con. Tôi chúa ghét lũ quạ, có lẽ bởi ám ảnh khi thấy chúng ăn xác chết quá nhiều. Cứ tưởng tượng đàn quạ đang rỉa thịt, moi gan, móc mắt người là tôi cảm thấy buồn nôn không chịu được. Thực tế quạ là nhân viên vệ sinh hoàn hảo nhất, nếu không có lũ này thì xác địch nhiều thế làm sao phân hủy nhanh cho được. Bệnh tật phát sinh là điều không tránh khỏi, bản tính xấu ăn của quạ cũng không phải là điều gì xấu xa cho lắm, nó là động vật hoang dã mà. Khí hậu Nam Lào và Đông Bắc Campuchia na ná như nhau, bây giờ cũng đang là mùa khô, không khí nóng và khô đúng như tên gọi, ngày dài hơn đêm.
Đã vào sâu trong đất Lào chừng dăm sáu km nhưng không phát hiện được gì, rừng núi mênh mông. Trên bản đồ cũng không có ký hiệu làng bản gì cả. Không ai ngờ rằng tại chính nơi đây cuối năm 1980-1981 quân Pôn Pốt đã thiết lập căn cứ liên tục quấy nhiễu hai đơn vị mà chúng tôi vừa đi qua đó là C5 và C6 thuộc Tiểu đoàn 216,  E20 CAVT. Mức độ khốc liệt đến độ cả hai đơn vị này để tồn tại phải làm nhà hầm, ăn uống ngủ nghỉ đều diễn ra trong hầm. Số lượng thương tử tăng lên hàng ngày hàng giờ, E20 từng tổ chức tấn công nhiều lần mà không làm gì được. Cuối năm 1981 sư đoàn phải điều E94 và hai tiểu đoàn còn lại của E20 là d208 và d210 do ông Quang Tư lệnh phó Mặt trận (hay Quân khu gì đó mà tôi không còn nhớ ) làm tư lệnh và Ngô Đức Tấn Trung đoàn trưởng 94 làm phó, tấn công giải phóng khu vực ngã ba biên này. Trận này E576 cử C2, D10 tham chiến với 4 khẩu 105mm. Trung đoàn lệnh cho anh Tỉnh D phó D10 và tôi vào trực tiếp chỉ huy C2. Không hiểu vì lý do gì nhưng anh Tỉnh cùng anh Tô C phó C2 tự lập Chỉ huy sở ngay tại trận địa và phái tôi lên tiền duyên ngay sát Sở chỉ huy chiến dịch, anh Hòa C trưởng C2 đi đài Tiền tiến cùng bộ binh. Trận này tôi đã trực tiếp chỉ huy bắn hơn 200 quả đạn pháo và được anh em bộ binh E94 công nhận bắn trúng đội hình tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Và cũng không ai ngờ rằng cũng chính nơi đây năm 1983-1984 trong lúc toàn Sư đoàn đang tập trung trong hai chiến dịch tấn công vào căn cứ địch tại điểm cao 547 thì hai Sư đoàn địch là F801 và F802 đã nhanh chóng thiết lập lại căn cứ, mở rộng vùng kiểm soát đến mức độ E20 phải dịch chuyển nơi đóng quân xuống tận Rô bênh cách đó mấy chục cây số. Năm 1985 Quân khu 5 phải điều động F2 từ An Khê và F315 từ Ban lung cộng với E95 của F307 (các đơn vị còn lại là E29, E94, E20 và E576 đang có nhiệm vụ tổ chức phòng ngự tại căn cứ 547 nên không tham chiến) và đặc công Quân khu tập trung mới dứt điểm được toàn bộ khu vực này. Như vậy giai đoạn này đội trinh sát E576 với 5 trinh sát C5, một nhúm quân dám xông pha vào đây mà không gặp chuyện gì thì đó là sự vô cùng may mắn  cho chúng tôi.
Gần chiều thì toàn đội đã cắt về đến suối Lào, từ đây về đến C5 còn khoảng 7-8km gì đó và cũng khá an toàn. Đây là địa hình quen thuộc của anh em C5 nên chúng tôi đi chậm lại và không căng thẳng như khi còn bên đất bạn. Sang bên đất Campuchia là trở lại rừng cỏ tranh bạt ngàn, tất cả đã khô héo một mầu vàng ệch. Vào giữa mùa khô những cánh rừng Campuchia bốc cháy dữ dội trơ lại mặt đất đen xì một lớp tro dầy.
Rời khỏi C5 về C6 toàn đội lại bắt tay vào nhiệm vụ đo đạc, hướng tuyến lần này nhằm thẳng Rô bênh. Rô bênh, trên bản đồ UTM 1/50.000 là một phum nhỏ có dăm chấm đen. Tuy nhiên trên thực tế căn cứ vào số lượng nhà bị cháy và cây cối thì đây là một phum khá sầm uất. Các căn nhà bị cháy dở dang, nhưng những hàng cột chưa cháy hết rất to và trước kia chắc chắn là những ngôi nhà rất đẹp. Cây cối trong phum um tùm tỏa bóng mát rượi, xoài là loại cây khá phổ biến, hồng xiêm, dừa và có cả đào lộn hột.
Cây đào lộn hột, miền Nam gọi là cây điều. Theo Wikipedia đào lộn hột là một loại cây công nghiệp dài ngày thuộc họ Xoài. Cây này có nguồn gốc từ đông bắc Brasil.  Ngày nay nó được trồng khắp các khu vực khí hậu nhiệt đới để lấy nhân hạt chế biến làm thực phẩm.
Cây cao từ khoảng 4-5m. Quả khô, không tự mở, hình thận, dài 2–3 cm, vỏ ngoài cứng, mặt hõm vào, cuống quả phình to thành hình trái lê hay đào, màu đỏ, vàng hay trắng. Do vậy người ta thường có cảm tưởng phần cuống quả phình ra là quả, còn quả thật đính vào là hạt, do dó mà có tên đào lộn hột. Nhiều người thường nhầm đào lộn hột là thực vật hạt trần, nhưng đào lộn hột chính xác là thực vật hạt kín. Hạt hình thận, có chứa dầu béo. Đám lính Thanh Hóa chúng tôi ban đầu thấy quả chín tưởng ăn được nên vặt nhai cả quả sau bỏng hết miệng, thằng nào thằng nấy kêu oai oái hơn cha chết làm mấy thằng Nghĩa Bình ôm bụng mà cười lăn cười lộn. Sau này chúng tôi mới biết muốn ăn được thì phải nướng hoặc rang chín hạt và ăn rất ngon.
Chúng tôi ở Rô bênh ba ngày, lính chia nhau đi hái rau rừng và hoa quả sẵn có ở trong phum. Ban đêm vẫn chia làm ba tổ gác sách cẩn thận. Dạo này Pôn Pốt chưa nống ra nhiều và cũng chưa rải mìn như năm 1980 nên đội vẫn được an toàn, duy chỉ thỉnh thoảng có vài thằng lên cơn sốt rét. Tại phum Rô Bênh này năm 1980-1981 là nơi đứng chân của D210 và cuối năm 1982 là nơi đứng chân của E bộ E20 CAVT. Như vậy đội đã hoàn thành được hai phần ba chặng đường, hướng tuyến lần này trực chỉ cầu 216 (sau này khi E bộ E20 đứng chân thì tại đây gọi là ngầm E20), tức là quay về điểm xuất phát. Nói thêm một chút về cái ngầm này, khi tôi ngồi viết hồi ký tháng 11/2016 (tròn 37 năm) thì ngầm đã được nước bạn cho xây cầu bê tông vĩnh cửu, phía trên cầu khoảng vài chục mét là một con đập nhỏ chắn nước, có lẽ giữ nước sinh hoạt cho khu dân cư bên cạnh là chính chứ không phải canh tác lúa má gì cả. Số dân ở đây có lẽ phải trên 200 hộ.
Logged
lehuychieu1959
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #49 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2017, 06:49:19 pm »

Hồi ký chiến trường K (tiếp theo và hết)
Mới đó mà đã hai tháng trôi qua, quân nhu, lương thực của đội đã cạn. Trung đoàn cho xe đưa gạo và nhu yếu phẩm vào đến D bộ D216, lệnh cho chúng tôi ra gùi vào. Quân số toàn đội có 21 thằng kể cả chỉ huy trong đó có ba thằng sốt rét chưa lại sức. Lại phải chia  đôi, anh Vượng vẫn giành phần khó khăn nhất chỉ huy 15 thằng ra D216 gùi gạo. Tôi chỉ huy 6 thằng còn lại bảo vệ hậu cứ. Tôi đòi đi gùi gạo nhưng anh Vượng không cho đi, có lẽ do tôi là trụ cột của toàn đội nên anh bắt tôi phải ở lại.
Khi ở Rô Bênh thằng Vân tìm ra được một món rau mới lạ, đó là mầm non của ngọn cây dừa mà ta thường ăn quả. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng ăn  ngọn cây này. Nhà tôi ở quê có khoảng bảy tám cây dừa trồng ven bờ ao nhưng là để lấy quả ăn chứ chưa từng chặt ra để lấy ngọn, vì mỗi cây chỉ có một ngọn nếu chặt thì coi như vứt luôn. Đầu phum có một cây dừa xiêm thấp lè tè, quả của nó đã bị chúng tôi vặt hết. Thằng Vân chặt trụi lá rồi chẻ ngọn lấy ra một cục nõn dừa trắng phau, thấy nó cắn ăn chúng tôi cũng làm mỗi thằng một miếng ăn thử. Hóa ra phần non của ngọn cây dừa ăn được mà ngon không kém cùi dừa. Thế là đồng loạt ba bốn cây bị đốn hạ không thương tiếc, anh Vượng xót xa ra lệnh đình chỉ cấm chặt thêm, nhưng rồi vẫn thêm hai cây nữa bị khai tử. Món này anh nuôi thái mỏng xào với mỡ hóa học, lạ miệng nên lính ta đánh bay cả xoong to cơm.
Đoạn đường về D bộ D216 theo hướng này ít có cây to, rừng cơ bản là cây khộp tái sinh đường kính khoảng hai ba mươi phân, gỗ mềm không giống như cây dầu, nên rất khó chọn cây làm mốc tọa độ. Hai cái thước dây vải thì đã hỏng mất một cái, còn một cái dùng tạm, hai cái thước dây sắt tuy lành nhưng mòn vẹt và mờ hết chữ số, thành thử đo rất chậm. Anh Trung B trưởng loay hoay cải tiến cách đo thước dây sao cho vừa nhanh vừa chính xác nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Sau tôi triển khai cách đo nếu đoạn dài thì đo nằng dây sắt và đo nguyên dây bằng 50m, đoạn ngắn thì đo bằng dây vải cho dễ đọc, công việc khả dĩ tốt lên được một chút.
Khi còn cách ngầm 216 khoảng 4 km thì có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Tổ tiền trạm kiêm anh nuôi khi đang nấu cơm chiều thì phát hiện tiếng động lạ, giống như có người vội báo ngay cho thằng Hưng cọc chuẩn đi đầu. Anh Vượng, tôi, thằng Vân, thằng Thuật và năm chiến sỹ nữa vội vàng cơ động lên. Anh Trung và nhóm còn lại giữ nguyên vị trí chờ lệnh. Khi được dẫn vào khu vực khả nghi thì quả có nhiều tiếng động lạ. Anh Vượng ra hiệu chia ba nhóm tiếp cận địch. Lúc đã đến gần và tiếp cận được khe suối thì một cảnh tượng lạ lùng diễn ra trước mắt chúng tôi. Một con trăn dài chừng ba bốn mét đang tát nước bắt cá. Cái đầu con trăn quấn vào một thân cây và cái đuôi quấn vào thân cây khác bên kia suối, nó đu đưa đánh võng vào vũng nước còn sót lại, cá mắc cạn nhảy tung tóe lên bờ và con trăn ung dung chén từng con một. Từ nhỏ cho đến lớn tôi mới được chứng kiến cảnh trăn bắt cá hài hước như thế này. Thằng Vân gương súng găm ba viên AK vào đầu con trăn, tôi vội ngăn mà không kịp. Con trăn trúng đạn lăn lộn trong bùn đất, anh Vượng bảo thằng Quả anh nuôi xách về làm thịt.
Khoảng ba bốn mươi phút gì đó thì tổ Trinh sát D216 cũng có mặt. Họ bảo nghe tiếng AK nên Tiểu đoàn triển khai đi nắm tình hình. Thằng Vân thuận miệng kể lại chuyện con trăn, họ nghe xong chào chúng tôi rồi ra về. Chuyện nhỏ có thế mà cuối cùng lại thành to tát. Chả biết D216 báo cáo lên E thế nào mà E20 lại báo cáo về Sư đoàn cứ như chúng tôi là địch không bằng. Kết thúc đợt công tác anh Vượng bị Trung đoàn xạc cho một trận rồi điều về làm trợ lý tác chiến E chứ không cho về làm C trưởng C3 nữa, thay vào đó là anh Thịnh quê Tĩnh Gia Thanh Hóa trên ban Quân lương trung đoàn chuyển xuống. Vì chuyện này mà anh Vượng ấm ức đến tận bây giờ.
Con trăn khá to, chỗ bụng lớn nhất của nó có lẽ bằng bụng chân người lớn. Bọn anh nuôi không biết xử lý sao, chúng nó lột da con trăn chặt thành từng khúc rồi đem luộc. Khi chín bóc thịt ra xào với mỡ hóa học còn xương và da thì vứt hết. Thịt con trăn ngai ngái tin tỉn khó nuốt.
Điểm mốc cuối cùng cũng đến được cầu 216. Anh Vượng cho toàn đội nghỉ tại chỗ bên ngoài D216. Tôi tranh thủ tính toán và hiệu chỉnh số liệu. Rất mừng khi tọa độ cuối cùng  và tọa độ ban đầu tại điểm cầu 216 chênh nhau không đáng kể, chỉ vài ba chục phân. Đây là chênh từ Rô Bênh về cầu 216. Như vậy hệ thống mốc tọa độ đã hoàn thành và chính xác cao, vượt qua cả tiêu chuẩn của Liên Xô mà chúng tôi từng được học.
Sau ba tháng ròng rã kết thúc đợt công tác đi đo đạc, toàn đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, duy chỉ có chuyện con trăn kể trên. Chúng tôi được lệnh trở về Trung đoàn, tại đây trung đoàn đã làm riêng cho đội một căn lán bốn gian bên cạnh ban Tham mưu. Sau một tuần thì đội chính thức giải tán, anh em cũng chính thức trở về đơn vị của mình để chuẩn bị đón tết Canh Thân 1980, cái tết thứ 2 trên đất Campuchia.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM