Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:29:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bão táp cung đình  (Đọc 42530 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2010, 10:45:44 pm »

Chiêu Hoàng vẫn ngồi rầu rĩ với vẻ mặt cầu khẩn Thuận Thiên, thái hậu bèn dỗ:

- Nếu con đau chân chưa đi được, ta sẽ xin với quan điện tiền cho con nghỉ thiết triều ít ngày. Việc triều đình sẽ nhờ cậu con cáng đáng.

- Nếu khỏi chân rồi, con không ra thiết triều nữa có được không, mẫu hậu?

Thái hậu nghiêm mặt nói:

- Đây là việc lớn của quốc gia. Phụ hoàng con chẳng may lâm bệnh, ta lại không sinh đặng hoàng nam, con phải thay phụ hoàng giữ gìn ngôi báu, sao cho dòng họ Lý nhà ta muôn năm trường trị. Nay con còn nhỏ chưa hiểu được nhẽ lý ở đời, chưa tự mình quyết được việc gì. Cho nên các việc bên trong hoàng gia và hoàng tộc, từ nay sẽ tự ta quyết định lấy. Còn các việc bên ngoài, ta phó mặc cho quốc cữu điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ trông coi. Vì quốc cữu, vừa là quan đầu triều, lại vừa là người thân tín trong nhà.

Mặc dù thái hậu có coi Chiêu Hoàng như một người thông tuệ, một đấng quân chủ, mà giáo huấn những điều trọng yếu nhất, có quan hệ đến sự mất còn của nhà Lý, và sự thịnh suy của nước nhà, cũng không vì thế mà vị vua trẻ này có thể hiểu được, và khuây lãng được nỗi ấm ức thường ngày của một đứa bé tám tuổi. Nét mặt con bà vẫn nhăn nhó, rầu héo như một cái cây có sâu. Bà âu yếm kéo Chiêu Thánh vào lòng, dỗ dành, trò chuyện. Mãi một lúc lâu sau, khi thấy thái hậu sai lũ nô tì đi kiếm bộ que chuyền về, để bà dạy vua nhỏ chơi cái trò chơi của lũ trẻ con dân dã, Chiêu Thánh mới he hé cười. Khi lũ thị nữ lấy về một bó que trúc đằng ngà, chúng cắt cắt xén xén cho các que thật bằng bặn, và chọn lấy mười que đẹp nhất cùng một viên đất rắn gọt tròn, to bằng trái chanh dâng lên thái hậu, Chiêu Hoàng ngơ ngác không biết đó là trò chơi gì.

Để con gái ngồi đối diện với mình, xung quanh là bọn thị nữ quây quần, thái hậu bắt đầu chơi chuyền. Khi bàn tay với những ngón tay búp măng thon dài, trắng đẹp của bà rải que chuyền vàng óng, que nọ cách que kia đều tăm tắp, mắt Chiêu Thánh vụt sáng, tròng mắt mở to ra như chờ đón một điều gì vui lắm sắp đến gần. Thật ra không phải chỉ có Chiêu Thánh vui mừng, mà khi quả cầu đất tung lên, chính thái hậu cũng thấy lòng mình reo vui. Hình ảnh cô gái làng Ngừ(3) cái thuở mười lăm mười sáu tuổi, chiều chiều thường tha thẩn chơi với đám trẻ chăn trâu cùng tuổi đánh chắt đánh chuyền trên những gò, bãi xanh ngắt vụt thức dậy trong bà. Mặt thái hậu hơi ửng hồng, thoắt bà đã leo qua từ bàn một đến bàn mười và đang chuyền. Quả cầu tung lên, bó que chuyền nằm gọn trong tay, đôi mắt sáng như hai viên ngọc long lanh, bà vừa xoay trở hai đầu bó que vừa bắt lại quả cầu và lại tung, lại xoay, lại đập đập hai đầu bó que xuống đất nhịp với lời hát:

Đập xuống đất.

Cất tay lên.

Xoay ống nhổ.

Đổ tay chuyền.

Chuyền chuyền một

Đủ một đôi.

Chuyền chuyền….

Lời hát như không bao giờ ngừng. Trò chơi thu hút Chiêu Thánh ngay lập tức. Vua sà vào lòng mẹ, bắt lấy
quả cầu đất, vơ lấy bó que chuyền và rải ra một cách vụng về. Bà thái hậu đỡ lấy bó que, dạy con chơi từ từ. Chiêu Thánh lúc đầu còn lóng ngóng, tới khi vừa tung cầu vừa bắt được một que, liền thích thú tung cả bó và quả cầu lên rồi reo hò ầm ĩ. Bó que tản mác tung tóe, riêng hòn cái vỡ tan vụn như ai cầm chiếc chén sành ném thật mạnh vào bức tường đá. Cặp má Chiêu Thánh đỏ nhừ, mắt anh ánh chớp. Đám thị nữ tranh nhau đi làm hòn cái khác. Một loáng đã có hai ba hòn đất mài gọt nhẵn nhụi. Mặt Chiêu Thánh lại tươi tỉnh mỉm cười. Chẳng mấy chốc Chiêu Thánh đã đánh xong bàn một, và đang lõm bõm tập bàn hai. Nắm tay nhỏ nhắn rải bó que còn lộn xộn, ríu lại vào nhau, nên chỉ chọn được một, hai que là đã bắt cặp nhíp tới ba, bốn que. Trò chơi hấp dẫn đã tạo cho Chiêu Thánh một đức kiên nhẫn đến lạ lùng. Bà Thái hậu nhìn con chơi mà lòng vui chấp chới. Nhớ cái thuở cách đây chừng mười ba, mười bốn năm, bọn con gái cũng túm tụm chơi với nhau ngoài bãi thả trâu như thế này. Ngày ấy, nhà vua còn là hoàng thái tử Sảm, lánh giặc về vùng Long Hưng. Một bữa thái tử rình xem bọn con gái làng Ngừ đánh chuyền. Rồi thái tử nhất quyết chọn cô Trần Thị Dung con nhà Trần Lý, phú hào của vùng đất anh kiệt này để đưa về triều hầu thái tử. Thái hậu đưa hai bàn tay lên che mặt, khẽ rùng mình. Như nỗi sợ hãi từ cái thuở tiến kinh vẫn còn ám ảnh bà. Thái hậu vui hẳn lên khi thấy các con bà túm tụm chơi với bọn tì nữ. Chiêu Thánh mải miết tập đánh chuyền. Bà nghe rõ con gái bà đếm …

Que mốt.

Que mai.

Con trai.

Con hến.

Con nhện.

Giăng tơ.

Quả mơ.

Quả táo.

Cái gáo.

Lên đôi …

====================

1. Đoàn Thượng chiếm giữ vùng châu Hồng (mạn Hưng Yên, Hải Dương ngày nay) chống lại triều đình.

2. Nguyễn Nộn chiếm cứ vùng Bắc Giang (gồm cả Bắc Ninh - Bắc Giang ngày nay) kình chống nhà Lý.
1. Làng Ngừ có tên chữ là Phù Ngừ, thời Trần nằm trong tổng Tống Sinh huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng. Phù Ngừ xưa, nay thuộc đất các làng Ngừ, Lại (thuộc xã Liên Hiệp) và làng Tề (nay thuộc xã Phúc Khánh) huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #11 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 08:28:01 pm »

CHƯƠNG 4

Vào một buổi sớm tháng Chạp, Thăng Long còn uể oải như người ốm lâu ngày chưa hồi sức, lại bị dìm trong bể mù dày đặc, khiến nó có bộ mặt hư ảo. Trần Thủ Độ xúng xính trong bộ áo thụng ngồi trước nhà bái đường trong dinh phủ của ông, chờ Hoàng tiên sinh thức giấc. Thủ Độ là một quan võ. Uy ông trùm lên cả triều đình. Nhưng ông là người biết giữ lễ với kẻ sĩ. Khó khăn lắm ông mới mời được Hoàng tiên sinh về làm môn khách nhà ông. Ông trọng tiên sinh như một bậc quốc sĩ, bậc thầy, một vị quân sư tin cậy.

Tiên sinh không phải là người xuất thân từ khoa bảng. Nhưng sức học của ông đến các bậc tôn trưởng, bậc tăng thống cũng phải ngưỡng mộ. Sinh ra và lớn lên vào thời buổi nhố nhăng, ông quyết giữ mình, giữ đạo cho trong sạch. Thương dân, ông đã đôi lần dâng sớ hạch tội bọn dối vua hại nước, và cả kế sách chấn hưng quốc gia dân tộc, nhưng không được nhà vua đáp ứng. Cao tôn vô đạo, ngày càng dấn sâu vào các thú vui đọa lạc. Cuộc sống của nhà vua cực kỳ xa phí. Trong khi liền mấy năm mất mùa, dân đói chết ngợp đường, nhưng mức thuế, sưu không hề khoan giảm. Giận bởi bậc quân trưởng ngu dốt, tham bẩn, và cũng biết vận số nhà Lý đã hết, ông lên núi dựng lều đọc sách. Sống chung lẫn với lâm tuyền, thảo mộc và muông thú, ông thấy yên tâm hơn là sống giữa cái xã hội nhầy nhụa với bầy thú đội lớp người.

Bữa nọ, Trần Thủ Độ cải dạng làm một người đi hái thuốc, đột ngột ra mắt ông. Sau một hồi quanh co về những phương thuốc trường sinh, và những kiến thức kém cỏi về Đạo đức kinh của Lão Tử, mà ông không mấy hiểu biết. Hoàng tiên sinh nhìn thẳng vào mắt Trần Thủ Độ hỏi:

- Có phải ông đang có một âm mưu lớn? Ông đang cần một vị quân sư?

Trần Thủ Độ lặng lẽ sụp lễ tiên sinh hai lễ, thú nhận:

- Quả là tiên sinh có con mắt xét đời của các bậc thánh. Từ ngày lệnh huynh tôi: Thái úy phụ chính Trần
Tự Khánh mất đi, nhà vua liền đặt trọng trách đó lên vai tôi. Tự thấy bất tài, kém đức mà ngồi trên thiên hạ có khác nào ngồi trên tổ kiến lửa. Sớm tối chưa biết ra sao. Mà trong nước giặc giã, trộm cướp, đói kém làm cho người dân trăm bề điêu háo, không biết làm thế nào để ổn cố được tình hình. Phạm vào chốn rừng sâu, làm kinh động đến cuộc sống yên bình của tiên sinh, kẻ phàm tục này vô cùng đắc tội. Xin tiên sinh rộng lòng tha thứ. Mà nếu tiên sinh không chê kẻ này là hèn kém, bỉ lậu xin tiên sinh xuống núi giúp đời, trị nước, chỉ bảo cho lũ chúng tôi thấy đường sáng, bỏ đường tối.

Khách vừa dứt lời, chủ cười khanh khách mà rằng:

- Thì ra núi thái sơn ở trước mặt mà tôi không biết. Ông chính là quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ? Chắc quan ông đang đi tìm một cao sĩ nào lạc bước tới chốn lều tranh của kẻ tiều phu này, dám xin quan ông tha tội.

Lời qua tiếng lại, chủ khách đều tỏ ra khiêm nhường.

Trần Thủ Độ hết lòng cung kính, nài gạn mãi, Hoàng tiên sinh mới chịu nói:

- Tôi trộm được ít kiến thức của thiên hạ, sao dám lạm dụng vào việc lớn quốc gia. Vả lại trước quan ông, Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn cũng có qua đây mời gọi. (Nghe nói cả Thượng và Nộn tới cầu trước mình, Trần Thủ Độ hơi biến sắc mặt). Tiên sinh lại chậm rãi tiếp lời: - Cũng may các ông ấy đã sớm nhận ra tôi là kẻ bất tài, yếm thế nên bỏ đi ngay. Gia dĩ tôi đã tự hẹn với mình, thà cùng mục nát với cỏ cây còn hơn là thờ một đức vua điên. Huệ tôn vô học, lại mất trí từ năm hăm ba tuổi tới nay, vì thế ngài đã biến cả quốc gia này thành một lũ ăn mày, một lũ ma đói, nay mai hẳn Đại Việt ta sẽ trở thành một quốc gia điên. Ha ha ha…!

Cuộc hội kiến lần đầu giữa Trần Thủ Độ với Hoàng tiên sinh không dẫn đến một kết cục nào. Nhưng tiên sinh cũng chỉ dẫn cho quan điện tiền vài đối sách, mà Trần Thủ Độ cho là những lời chỉ giáo sâu sắc. Ông vẫn giữ tấm lòng ái mộ tiên sinh, và đi lại tới non nửa năm trời, tiên sinh mới chịu xuống núi về làm môn khách của họ Trần. Tiên sinh khảng khái từ chối mọi chức tước của triều đình mà Trần Thủ Độ có đôi lần ngỏ ý.

Trần Thủ Độ, từ khi được Hoàng tiên sinh như hổ mọc thêm cánh, nên càng kính trọng tiên sinh và thờ ông như một bậc thầy. Thường thì tiên sinh nghiên cứu về y lý, dược lý. Có khi tiên sinh đi chữa bệnh, hái thuốc dăm ba ngày với một tên tiểu đồng. Các công việc mà Trần Thủ Độ nhờ ông giúp chỉ là những việc gay cấn ở trong triều, ngoài các trấn, lỵ, sở và vùng biên ải. Khi không quyết được, hoặc đã quyết như thế nào, ông điều hỏi ý tiên sinh.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 08:28:54 pm »

Sương mù nhạt dần rồi loãng ra, đã trông rõ cả hàng cột và mái ngói dãy xuyên đường. Trong nhà, tiên sinh vẫn còn ngon giấc. Cả tiểu đồng cũng chưa dậy quạt lò pha trà sớm cho tiên sinh. Chừng sốt ruột, Trần Thủ Độ dấn thêm vài bước nữa vào phía nhà hậu đường. Ngay trước cửa ra vào, đôi câu đối giấy mà tiên sinh treo còn khi ở lều tranh, nay được treo vào hai cột bức bàn của gian giữa. Quan điện tiền đã đôi ba lần ngỏ ý xin tiên sinh cho khảm đôi câu đối ấy, đều bị từ chối. Tiên sinh nói:

- Tôi như cánh chim trời, nay đây mai đó, không thích tính chuyện lâu bền. Vả lại cứ để thế cho tiện. Lỡ khi tôi không còn ưa nữa, lật mặt sau viết được đôi khác, thích hơn, lại đỡ tốn phí.

Trần Thủ Độ lẩm nhẩm đọc một vế:

CHU ĐẠI NHO MỖI TẦM KHỔNG, NHAN LẠC XỨ

Và vế bên kia:

ĐÀO XỬ SĨ TẠI VỊ HY - HOÀNG THƯỢNG NHÂN (1)

Thật ra thì quan điện tiền không hiểu nghĩa câu đối này. Nhưng ông cảm nhận được nó là một biểu hiện cao thượng, nếu không nói là khinh bạc của bậc cư sĩ (2).

Mãi tới lúc trời sáng rõ, Trần Thủ Độ mới nhận ra nơi cửa ngách đã mở. Ở đây có lối thông ra vườn thuốc. Đúng lúc có tiếng thầy trò Hoàng tiên sinh í ới phía ngoài vườn. Quan điện tiền vừa định đi ra lối vườn thuốc, đã thấy tiên sinh đi về phía cầu ao, ngài còn ngoái lại dặn tiểu đồng: “Con nhớ múc nước tới rửa hết sương cho mấy luống tam thất”.

Rửa chân tay xong, ông vào nhà thay áo, rồi ra mở cửa chính. Chợt trông thấy Trần Thủ Độ ngồi chờ trên kỷ phía nhà bái đường, ông giật mình lên tiếng:

- Chẳng hay có điều gì mà quan ông ghé chơi sớm thế?

Tiến lại phía nhà hậu đường, Thủ Độ nghiêng mình xá Hoàng tiên sinh rồi hai người cùng vào nhà. Hoàng tiên sinh vừa gọi tiểu đồng pha trà vừa nói:

- Có mấy luống tam thất, tôi đã dặn thằng nhỏ từ mấy bữa trước trời sắp có sương muối, phải che chắn. Nó che sơ sài quá. Đêm qua sương xuống nặng. Sớm nay thầy trò phải che lại, rồi tưới để rửa lá, không thì hỏng hết.

- Thưa tiên sinh, chẳng hay loài thuốc này công dụng thế nào mà tiên sinh phải nhọc sức làm vậy?

- Đây là một loại thuốc cực quí. Tôi trồng thử không chắc đã được. Loài cây này khó tính lắm. Nó ưa ẩm thoáng nhưng phải râm mát. Vả lại cũng lâu được thu hoạch lắm.

- Liệu có tới một vài năm không, thưa tiên sinh?

- Một vài năm là thế nào. Bảy năm đấy, quan ông ạ. Tam thất, tức là tam chi thất diệp. Nghĩa là mỗi cây đều có ba nhánh. Mỗi nhánh một năm rụng một lá. Bảy lần rụng lá được một lứa.

- Kỳ công quá, thưa tiên sinh. Vậy chứ ở nước ta vùng nào sản được loại cây này?

- Nhiều nhất vẫn là vùng Quảng Nguyên. Trước đây khi còn ở trong rừng, tôi đã trồng thử. Củ cũng to,
đanh. Phẩm lượng tốt không kém tam thất Quảng Nguyên. Dạ tốt hơn của Trung Quốc nhiều chứ ạ. Chỉ
tiếc rằng người mình không chịu trồng.

Thấy nói bảy năm mới thu hoạch một lứa, Trần Thủ Độ đã khấp khởi mừng thầm. Vậy là ít nhất tiên sinh cũng dừng chân tại soái phủ của ông qua một vụ tam thất. Và như vậy, ông sẽ cậy nhờ nơi tiên sinh biết bao công việc. Ông biết, kẻ sĩ không gì có thể kìm giữ họ được. Uy vũ ư, không bao giờ khuất phục nổi họ. Danh vọng, phú quí chăng, họ coi không bằng chiếc dép cỏ. Điều bọn người này khả dĩ chấp nhận, ấy là lòng chân thực và sự tôn kính đối với họ. Trần Thủ Độ rất biết chỗ mạnh yếu của kẻ sĩ, cũng như ông biết khá rõ sự lố bịch của những kẻ nắm quyền lực trong tay. Cho nên mối quan hệ của ông với Hoàng tiên sinh, là mối quan hệ trong sáng như một tòa lâu đài dựng thuần bằng kính. Phải giữ gìn cẩn trọng lắm mới được, nếu không sẽ tan vỡ như chơi. Mà những mảnh kính khi vỡ không phải không gây chết người.

Ông đến gặp tiên sinh hôm nay không có chuyện gì gấp gáp. Nhưng thật khó nói. Vì đã hai mươi tháng chạp rồi, ông muốn biện một cái lễ để đưa về gia hương của tiên sinh, gọi là chút ơn tri ngộ.

Cầm chén nước nóng trong tay, do đích thân Hoàng tiên sinh đưa mời, Trần Thủ Độ thoáng thấy mùi thơm của kim cúc vương trong hương trà. Ông từ tốn hụm từng hụm nhỏ, trong chiếc chén vốn đã nhỏ như cái hạt mít. Ngay cả việc nhỏ ấy, ông cũng phải tự kiềm chế để tiên sinh khỏi phật ý. Xuất thân từ nghề chài lưới, sông nước, quen ăn sóng nói gió thô cằn. Học hành ít. Vốn liếng chữ nghĩa không đủ để được bài văn khấn. Nay lại nghiễm nhiên giữ chức quan đầu triều, Trần Thủ Độ biết mình chỉ có sở trường cầm quân đánh dẹp, còn mưu lược trị nước, sai khiến thiên hạ, thu phục kẻ sĩ ông lại rất lơ mơ, giống như một kẻ mù lòa nghênh ngang đi giữa chợ. Vừa toan cất tiếng nói với tiên sinh một điều gì đấy, quan điện tiền chợt dừng cặp mắt của mình nơi đôi liễn viết chữ rất chân phương, treo trên cột áp tường ngay phía sau chiếc tủ chè. Quan ông lẩm nhẩm đọc từng chữ:

TRI TÚC TÂM THƯỜNG LẠC

VÔ CẦU TỰ PHẨM CAO(3)

Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #13 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 08:29:43 pm »

Trần Thủ Độ hiểu được nội dung của các chữ trên. Ông có cảm giác như mỗi chữ kia đều là một cái khóa, khóa miệng ông lại. Nhưng con người quyết đoán của ông, không dễ chùn bước. Ông nói liền một thôi, Hoàng tiên sinh cười đáp lễ:

- Quan ông chu đáo quá, tôi vốn quen sống trong thanh bạch. Vả lại hai thân tôi đều khuất núi. Nội tướng tôi cũng là người cần kiệm lại giữ nếp nhà, nên tư biện cũng sơ sài, không dám phiền đến quan ông.

Trần Thủ Độ cứ gặng đi gặng lại mãi, cuối cùng Hoàng tiên sinh miễn cưỡng chấp thuận, nhưng ông đòi xem những thứ mà quan điện tiền có nhã ý biếu tặng ông, nhân sắp đón tân niên. Trần Thủ Độ bèn mời tiên sinh sang “Cung Thủy tĩnh”, nơi chỉ dành riêng cho ông nghỉ ngơi, sau những giờ phút làm việc căng thẳng ở triều đình. Trước cửa cung đã chực sẵn năm cỗ xe song mã và một tốp lính áp tải.

Trần Thủ Độ mở những vuông nhiều điều phủ kín các mâm lễ. Thoạt đầu là mâm bánh dầy, bánh cốm. Mâm thứ hai gồm có năm tấm vóc, năm tấm gấm. Mâm thứ ba có năm tấm vải, năm tấn lụa sồi. Mâm thứ tư, chất đầy tiền đồng. Mâm thứ năm gồm một trăm đĩnh bạc, hai chục nén vàng.

Sau khi xem xong lễ vật, Hoàng tiên sinh không hề lộ nét vui buồn trên sắc mặt. Ông quay lại vái Trần Thủ Độ hai vái, gọi là đáp lễ. Trần Thủ Độ toan cho gia nhân bê ra xe, chở đi. Nhưng tiên sinh đã kịp ngăn lại.

- Quan ông đối với tôi thật là ưu hậu. Một kẻ sĩ như tôi, không bằng cấp, không chức tước, mà được một người thay mặt triều đình cư xử như một bậc quốc sĩ. Tôi dù có lấy da ngựa bọc thây, cũng không trả được cái ơn tri ngộ này. Lễ vật, coi như tôi đã nhận đủ, chỉ xin gửi lại quan ông số tiền cùng vàng bạc kia vào kho của nhà nước, để chi dùng các việc khác. Tôi biết, của cải đây là của riêng quan ông, nhưng tôi muốn được góp phần mình vào công quỹ quốc gia, trong lúc ngân khố nhà nước đang cạn kiệt. Cả cái mâm gấm vóc kia, cũng xin gởi lại quan ông. Không, tôi không dám chê gấm vóc. Ở đời có ai không thích ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng như người xưa đã dạy: “Y phục xứng kỳ đức”. Có nghĩa rằng quần áo phải tương xứng với đức độ mà con người đó có được. Quan ông đừng ép tôi phải nhận, cái thứ mà tôi cũng như gia nhân tôi không có quyền được hưởng. Tôi hiểu, luật pháp đều do nơi tay quan ông quyết định. Nhưng nên nhớ rằng, ta còn đang sống dưới triều đại nhà Lý, phải tuân theo luật pháp nhà Lý. Từ năm Canh thìn (1040), Lý Thái tôn đã ban hành luật: các quan từ ngũ phẩm trở lên mới được mặc gấm, còn vóc từ tứ phẩm trở lên mới được mặc. Lại cái màu tía kia, phải là các bậc từ tước hầu trở lên mới được mặc.
Nhìn gương mặt Trần Thủ Độ đanh lại, rõ ràng trong bụng ông ta đang suy nghĩ một điều gì gay cấn. Tiên sinh lựa lời nói thêm:

- Trong buổi nhiễu nhương giao thời này, luật pháp cần phải nghiêm từ người đứng đầu nhà nước trở đi, ngõ hầu mới khôi phục lại được kỷ cương, lễ luật.

Đành phải nhượng bộ tiên sinh, nhưng Trần Thủ Độ hậm hực cho rằng “bọn sĩ phu thuần là một lũ ngốc, đói rách mặc kệ, cứ khư khư giữ lấy cái thứ đạo lý ương gàn”.

Dường như nhìn thấu cả gan ruột Trần Thủ Độ, một con người độc đoán đến tàn bạo mà phải nhất nhất nhượng bộ, Hoàng tiên sinh ôn tồn nói:

- Nếu sớm nay, quan ông không có việc gì cần kíp lắm, tôi muốn được hầu chuyện. Cũng là dịp ta gặp nhau cuối năm, trước khi tôi về cúng gia tiên.

Một cơ may nằm ngoài ý muốn của Trần Thủ Độ, vì chính ông cũng đang có đôi điều muốn bày tỏ với tiên sinh. Tuy hai người cùng ở trong một dinh phủ, nhưng không lẽ chốc chốc lại gặp nhau, lại hỏi han bộc bạch. Tiên sinh vừa là người cao tuổi, học rộng, lại nhất định không chịu nhận một chức tước gì của triều đình, làm sao có thể sai khiến được. Cho nên tiên sinh chỉ ưng thuận làm môn khách chứ không làm chính khách. Đã gọi là khách thì khi ở khi đi, lấy gì ràng buộc được người ta?

===========================

(1) Đại ý cao sĩ tự ví mình như bậc đại nho đời nhà Chu đi tìm Khổng Tử, Nhan Uyên lạc tới xứ này. Lại ví mình như Đào Tiềm đời Tấn từ quan đi ở ẩn và tự coi mình như người của thời Phục Hy, Hoàng Đế.

(2) Cư sĩ: người có học thức không ra làm quan.

(3) Tự lấy làm đầy đủ thì trong lòng được yên vui.

Không cầu cạnh ai điều gì, tự nhiên phẩm giá mình đã là cao trọng.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #14 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 08:30:27 pm »

CHƯƠNG 5

Quan Điện Tiền liền sai dọn dẹp cung Thủy Tĩnh bầy hương án, đốt lò trầm, hâm rượu thạch xương bồ. Rồi ông đi thay mũ áo đại thần. Bữa nay ông đội mũ tiến hiền, áo thụng dài màu tía biếc. Với khổ người cao lớn, thân hình vạm vỡ, chân tay thô cứng, vụng về, chỉ quen đường cung kiếm, nhưng được phủ lên người bằng thứ mũ áo đó, nom ông lại có dáng một văn nhân hơn là một võ tướng.

Trần Thủ Độ cung kính mời Hoàng tiên sinh an tọa trên bộ ván sơn then, có vẽ hình chim phượng múa. Hoàng tiên sinh mặc áo đạo sĩ, búi tóc, quấn khăn vành dây màu huyết dụ. Tiên sinh có khuôn mặt xương xương, vầng trán cao, ấn đường rộng, tròng mắt trắng đen phân biệt, lóng lánh như có thần nhãn, lông mi rậm dài hơi xếch, mũi thẳng, hai cánh mũi và chuẩn đầu đầy đặn. Miệng rộng, hai khóe miệng hơi cong lên, cặp môi dày vừa phải, màu sắc tươi nhuần, lại được chiếc cằm vuông vức, nước da sáng sủa hồng hào và bộ râu dài rậm bạc trắng như cước, tiên sinh có vẻ ung dung siêu thoát như một nhà tu đắc đạo.

Vừa phân ngôi chủ khách xong thì lão bộc dâng hầu một tuần rượu. Rượu hâm nóng rót vào hai chiếc chén có nắp đậy tỏa hương thơm. Chén dâng rượu là một loại gốm cực quí men độc sắc màu tiết dê, trong lòng láng men trắng ngả xanh. Rượu được ba tuần, Trần Thủ Độ mới nhập đề bằng câu chuyện vừa bắt được một thị nữ, đem chiếu của Huệ tôn sai khiến Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn mang quân về kinh diệt trừ gian
đảng, khôi phục lại kỷ cương của nhà Lý.

Việc tầy trời thế mà Trần Thủ Độ nói như chuyện chơi, khiến tiên sinh hơi ngạc nhiên. Ông thầm nghĩ: “Vậy là viên tướng này đã rèn được bản lĩnh”. Tiên sinh không khỏi mừng thầm về những lời khuyên nhủ của ông, đã được Trần Thủ Độ tiêu hóa một cách ngoạn mục đến thế. Hoàng tiên sinh bèn hỏi:

- Vậy chớ quan ông đã xử như thế nào rồi?

- Bẩm tiên sinh, chưa có xét xử gì cả. Tôi chỉ thu giữ tờ chiếu, còn con thị tì lại cho về cung thái hậu, ngầm sai người giám sát, vẫn coi như không có chuyện gì.

- Trong việc này quan ông có nghi cho ai không? Đây chỉ là một hai người vì lòng tức giận nhất thời, hay họ đã hợp nhau thành bè, đảng? Quan ông đã cứu xét đến những điều tôi vừa nói chưa?

Trần Thủ Độ bậm môi nén giấu một điều gì bực bội, thoắt ông đã lại bình thản đáp:

- Thưa tiên sinh, cứ theo như sự suy ngẫm của tôi, thì việc công chúa Chiêu Thánh lên ngôi có làm cho
một số người an tâm, nhưng một số khác lại nghi ngại. Trong số những người khắc khoải lo âu về vận mệnh nhà Lý, tôi thấy có quan thừa chỉ là người đáng lưu tâm hơn cả. Dạ bẩm tiên sinh, quan thừa chỉ là người trung hậu, nghĩa khí, dám xả thân vì nước. Cứ như lời văn trong tờ chiếu, tôi ngờ rằng quan thừa chỉ là người thủ bút. Kẻ úy tử tham sinh, ngu hèn, bần tiện không thể viết ra được lời văn hào sảng như thế. Thưa tiên sinh, tôi đồ rằng quan thừa chỉ bất bình vì thế lực họ Trần quá lớn, nên muốn nhờ sức Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn chặt bớt vây cánh. Việc này quan thừa chỉ có dự mưu, nhưng không cố kết với ai. Vì xét ra, còn ai là người có nhân cách lớn để mà cố kết. Dạ không, không có chuyện đích thân nhà vua thảo được. Bao nhiêu năm chầu chực bên ngai vàng tôi biết, nhà vua mỗi khi cầm bút chỉ viết không qua ba chữ tên mình. Nói xong quan điện tiền buông một tiếng thở dài.

Càng gần trưa, trời càng buốt giá, lão bộc gầy thêm một chiếc hỏa lò, đặt gần nơi chủ khách hội kiến. Hoàng tiên sinh không thể nén giấu nụ cười vui. Vì cách xét đoán bình tĩnh và sáng suốt của Trần Thủ Độ, khiến tiên sinh tin ông ta có thể làm được nhiều việc lớn có ích cho quốc gia. Tiên sinh vuốt chòm râu dài tới hai ba lần, dấu hiệu chứng tỏ trong lòng tiên sinh vui lắm. Nhìn thẳng vào khuôn mặt dạn dày sương gió của vị quan lớn đầu triều mới ngoài ba chục tuổi, tiên sinh lại hỏi:

- Quan ông liệu định việc này ra sao?

- Bẩm tiên sinh, lòng tôi thật phân vân. Nếu ở vào vị thế của quan thừa chỉ, hẳn tôi cũng không thể làm
khác được.

- Nhưng còn đối sách của quan ông với quan thừa chỉ?

Như nhìn thấu cả gan ruột Trần Thủ Độ, Hoàng tiên sinh vuốt nhẹ chòm râu rồi một tay che miệng, một tay cầm cả chén rượu đã nguội ngắt ngửa cổ uống một hơi cạn. Khẽ dằn chiếc chén xuống lòng khay, tiên sinh nói:

- Người hiền là tài sản vô giá của quốc gia. Nước không có người hiền để treo gương đạo hạnh là nước suy. Biết chùn tay trước khi đụng đến người hiền, ấy là dấu hiệu tốt của lương tri. Thu phục được nhiều người hiền quy tụ, ấy là khả năng trì quốc đã ló rạng.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #15 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 08:31:04 pm »

- Trị quốc, Trần Thủ Độ khẽ mấp máy miệng như có ý nhắc nhở Hoàng tiên sinh. Tiên sinh dừng lời tắp lự, ông nhìn thẳng vào khuôn mặt đầy phách lực của Trần Thủ Độ, với giọng trầm hẳn xuống, như có ý răn dặn:

- Tôi nói trì quốc. Vẫn biết tình hình nước sôi lửa bỏng như bây giờ, kỷ cương mục nát, rương mối rối rắm, cương thường đảo lộn, sự hung bạo tràn lan, con giết cha, tôi giết vua, cái ác nghiễm nhiên ở ngôi thì phải lấy việc trị quốc làm đầu. Ngay việc con giết cha, tôi giết vua không phải một sớm một chiều đã xảy ra. Nó giống như cái ung, cái nhọt đã tích tụ các khí chất độc từ lâu rồi. Bởi những kẻ lèo lái con thuyền quốc gia không những không lo phòng bị những việc ấy mà không tự biết. Nhưng nước yên rồi thì phải chuyển từ “trị” sang “trì”, nếu không sẽ thay thế cái ác cũ bằng cái ác mới. Hiện nay nói đến “trì” là hơi sớm. Song vì đã chớm thấy cái mầm thiện trong quan ông ló ra, tôi phải kịp khơi lên để cho nó tỏ sáng. Thấy tiện, tôi nói luôn để quan ông có dự liệu về sau.

Quan ông làm những việc như thế này là một sự nghiệp chính trị lớn. Việc làm chính trị là cốt ở dùng người hiền tài.

- Làm thế nào để dùng được người hiền tài, thưa tiên sinh? Trần Thủ Độ vội vã chen lời.

- Sửa mình. Có sửa mình thì mới dùng được người hiền tài.

- Lấy gì để sửa mình vậy?

- Lấy đạo mà sửa mình.

- Đạo là thế nào?

- Đạo là cái vừa cao minh vừa thiết thực. Người trí thì nhìn thấy được, kẻ ngu thì sờ thấy được. Đạo là cái
mà người ta tâm cảm và trực cảm được. Người hành đạo phải hội đủ các đức nhân, nghĩa, lễ, trí tín.

- Thưa tiên sinh, trong năm điều ấy có thể bỏ được điều nào không ạ? Trần Thủ Độ hỏi, vì ông chợt nghĩ trong lúc nhiễu nhương như vậy, làm sao mà giữ được đủ các thứ tín điều kia.

- Không. Không thể bỏ được điều nào, Hoàng tiên sinh nghiêm giọng trả lời.

Trần Thủ Độ lại hỏi:

- Vậy chớ trong năm điều ấy, thì điều nào là quan yếu hơn cả.

- Năm điều đó hợp lại mới thành cái đức của người hành đạo. Cho nên điều nào cũng quan yếu. Nhưng suy
cho cùng, thì nhân là gốc của đạo, cũng là gốc của việc chính trị. Người thức giả sửa mình cho đến bậc nhân, rồi mới đem đạo của mình ra thi hành khắp thiên hạ. Có sửa được mình cho ngay chính, thì người hiền tài mới theo mà giúp mình. Nhiều người hiền tài giúp mình thì việc chính trị mới có cơ thành tựu. Ở đời, mọi hành động của con người, không gì bằng việc chính trị. Vì chính trị quan hệ đến sự hay dở của nhân quần, sự trị loạn của thiên hạ.

- Thưa tiên sinh, kẻ thô lậu quê mùa như tôi có làm chính trị được không? Vì chính trị là phải có đức qui tụ được người hiền.

Hoàng tiên sinh cười khà khà. Giọng ông trở nên khoan hòa:

- Các việc quan ông đang làm, chẳng phải làm chính trị sao? Quan ông có phong độ của một nhà chính trị
lớn. Công nghiệp của quan ông có thể lưu dấu cho đời sau. Nhưng đúng là quan ông còn phải sửa mình nhiều lắm, nếu không, việc lớn sẽ hỏng từ những tiểu tiết.

- Thưa tiên sinh, từ khi tiên sinh nhận lời xuống núi, nghe chỉ dẫn của tiên sinh, anh em họ Trần nhà chúng tôi điều hành công việc trong triều, đã làm cho đường lối ngày một tỏ sáng thêm. Đi đến đâu dân chúng cũng theo về, hào kiệt bốn phương lác đác đã tìm đến. Song có một điều tôi vẫn cứ băn khoăn. Trong khi thế lực của họ Trần lớn, thì thế lực của Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng cũng lớn. Lại còn châu Đại Hoàng, các vùng Quảng Oai cùng mấy động, sách người Man đánh dẹp mãi không xong. Tôi luôn luôn lo sợ, tự răn mình không được làm điều gì xằng bậy. Nhưng đối với các bậc hiền giả, các bậc thức giả, nho sĩ, tôi không biết cư xử thế nào cho phải đạo. Vì rằng tôi xuất thân quê mùa, lại dốt nát, chữ nghĩa hầu như chẳng biết được là bao. Dám xin tiên sinh vì sự nghiệp lớn của Đại Việt ta, hết lòng chỉ bảo. Tôi hứa sớm tối sửa mình để làm việc nghĩa cho thiên hạ, quyết không phụ lòng dạy bảo của tiên sinh.

Hoàng tiên sinh gật đầu, như một sự hài lòng về các lời nói khiêm nhường của quan điện tiền chỉ huy sứ. Tiên sinh chậm rãi nói:

- Quan ông danh thì là điện tiền chỉ huy sứ, thâu tóm hết thảy quân cấm vệ, nhưng thực ra, quan ông nắm giữ trọn quyền lực của triều đình để sai khiến thiên hạ. Phàm người đã ở ngôi cao, quyền lớn là những người dễ tự mãn. Tưởng mình ngồi trên thiên hạ, là mình giỏi hơn thiên hạ. Nên không chịu nghe, hoặc không thể nghe được những lời chỉ trích mình. Chừng nào quan ông còn muốn nghe lời chỉ trích không chỉ ở miệng bọn học giả, mà ngay từ miệng đám lê dân, chừng ấy quan ông còn sáng suốt. Vừa đây, tôi mới nghe Đoàn Thượng giết một viên tướng giỏi. Chỉ vì viên tướng kia không chịu tiến binh theo ý Thượng.
Trước tôi còn ngờ Thượng có thể đối địch được với quan ông. Là vì y chiếm giữ suốt một dải châu Hồng giàu có, đất rộng, dân đông, y lại có sức khỏe hơn đời như Lã Bố, Trương Phi. Nay thì rõ rồi. Y chỉ là giặc cỏ, với lũ quân ô hợp, sớm tối tự tan. Tôi nói thế là vì, các việc làm của Đoàn Thượng, bộc lộ kiến thức của y, không hơn gì lũ thất phu. Bởi chưng, mở rộng đất đai là nghiệp lớn, là thuộc về kế sách lâu dài của một vị chủ soái. Nhưng chiếm được thành kia, lấy được đất nọ vào lúc nào, việc ấy lại do ở các viên tướng. Trong lúc còn đang tranh đoạt với bên ngoài, mà giết tướng giỏi của mình, thế có khác gì tự chặt tay chân mình. Đoàn Thượng là kẻ tự tiêu diệt mình gấp trăm lần các thế lực của triều đình, và phe phái khác đánh dẹp hoặc tranh đoạt với y. Quan ông cứ ngẫm lời tôi nói, xem có đúng vậy không. Đoàn Thượng đã treo một tấm gương xấu rực sáng của kẻ thất phu, quan ông không thể xem đó là bài học quí, để tự sửa mình.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #16 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 08:31:40 pm »

Được, được, để tôi sẽ nói những điều mạnh, yếu nhất trong nhân cách của quan ông, là những điều quyết định thành bại của một sự nghiệp chính trị, sự nghiệp của một tể thần, chứ không phải sự nghiệp của một anh ngư phủ.

Sắp nói ra những điều hệ trọng trong sự nghiệp của một quan lớn đầu triều. Sự nghiệp ấy sẽ dẫn dắt cả quốc gia Đại Việt này tới đâu, không phải là chuyện vui trong tiệc rượu. Hoàng tiên sinh đưa hai tay lên sửa nắn lại vành khăn, vuốt lại nếp áo, rồi dùng mười đầu ngón tay chải lại chòm râu rậm.

Trần Thủ Độ vẫn ngồi nghiêm chỉnh lắng nghe. Lúc này, ông như cũng ý thức được các điều hệ trọng từ người mà ông tôn làm thầy sắp nói về mình. Tự nhiên, ông cũng làm theo tiên sinh; sửa lại mũ áo, và nếp ngồi cho ngay chính.

Lão bộc, lặng lẽ tiếp thêm trầm vào lò, rồi khẽ đặt bình rượu vừa hâm và xế góc quan điện tiền đang ngồi. Xong đâu đó, lão bước ra ngoài nhà như một cái bóng.

Hoàng tiên sinh nhận chén rượu nóng từ tay Trần Thủ Độ, nhẹ nhàng đặt về phía mình, rồi ông nói:

- Từ bấy lâu ăn ở với quan ông, xét các việc quan ông đã thi hành ở trong nhà cũng như ngoài cung đình, hoặc trong dân chúng, xét những việc hiển nhiên cũng như những suy tư và các chủ trương mai hậu của quan ông, tôi tạm qui quan ông có bảy cái mạnh đáng được giữ gìn để làm gương sáng cho đời:

Cái mạnh thứ nhất của quan ông là tính quyết đoán. Người có tính quyết đoán là người dám chịu trách nhiệm về công việc mình làm, và cũng là người có khả năng đón định được thời cơ làm việc lớn. Việc đáng quyết mà chần chừ không quyết, tức là bỏ mất thời cơ, và đã chuyển từ cái nhân chiến thắng thành cái quả thất bại. Vì như việc sách lập Chiêu Thánh kế vị. Việc ấy, biết bao người đã xui quan ông phế truất Lý Huệ tôn để lên ngôi hoàng đế, nhưng quan ông nhất quyết gạt đi. Cái khôn ngoan là ở chỗ đó. Một đứa bé tám tuổi thì biết gì mà chấp chính, thành ra quyền hành vẫn thuộc về quan ông. Làm việc này quan ông có hai cái lợi. Lợi thứ nhất là quan ông giữ được tiếng tôi trung, trước sau vẫn khuông phò nhà Lý. Cái lợi thứ hai là trên danh nghĩa nhà Lý, quan ông sai khiến thiên hạ. Triều đình không bắt bẻ vào đâu được, các thế lực kình chống với quan ông cũng không lấy cớ gì để tiến binh. Nói đâu xa, dạo Chiêu Thánh kế nghiệp, Nguyễn Nộn tưởng quan ông tức vị(1) đem quân về kinh hỏi tội. Nhưng quân đến Bồ Đề, y thấy bố cáo của triều đình, bèn tự ý lui quân. Vì rằng y không còn danh nghĩa gì để đem quân về kinh sư nữa.

- Thưa tiên sinh, Trần Thủ Độ nói xen vào - Việc sách lập Chiêu Thánh làm hoàng thái tử để nhường ngôi, là ý của tiên sinh chứ đâu phải ý của tôi. Tôi chỉ biết nghe lời tiên sinh.

Hoàng tiên sinh cười rạng rỡ. Ông quơ lấy chén rượu uống một hơi can sạch, như để tự thưởng cho cái mưu của ông đã được người học trò dũng lược đem ra thi thố thập phần hoàn hảo. Tiên sinh nói, giọng hồ hởi:

- Một bên là “tôi xui” quan ông, một bên là cả “triều đình xui” quan ông. Nếu quan ông không có bản lĩnh chắc là phải nghe triều đình chứ. Tôi nói thì dễ, chứ quan ông làm khó lắm. Sự phản trắc đầy triều. Lúc nào cũng có kẻ rình rập. Không phải là tay trí dũng hơn đời, không thể làm nổi các mưu sâu chước lạ. Vả lại nếu không dẹp bỏ được lòng tham vô lối, tức là coi ngai vàng hơn xã tắc(2) để hướng về cái cao đẹp hơn, dễ gì quan ông đã nghe tôi. Tôi chỉ lý giải một trong bảy đức tính quí báu đó của quan ông, để tự xét mình mà thôi.

- Dạ được, tôi sẽ lần lượt nói cho đủ bảy đức tốt của quan ông:

- Một là quyết đoán.

- Hai là không thiên kiến.

- Ba là trọng người hiền.

- Bốn là không tham lợi nhỏ.

- Năm là không nghe lời gièm.

- Sáu là dũng lược.

- Bảy là biết đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết thảy.

Có bảy đức tính đó, lo gì việc kiêm tính thiên hạ.

Thấy Hoàng tiên sinh nói đến việc kiêm tính thiên hạ, Trần Thủ Độ giật mình lạnh toát cả sống lưng. Ông
phải lấy việc gọi lão bộc vào pha trà để tự trấn tĩnh. Giây lâu, ông mới cất tiếng hỏi:

- Bẩm tiên sinh, quả là tiên sinh quá yêu, nên tiên sinh đã cho kẻ quê mùa này nhiều thiện đức của các bậc kỳ tài trong thiên hạ.

- Quan ông điện tiền chỉ huy sứ, xin hãy cứ bình tâm. Không phải quan ông chỉ có thiện đức cao quí, mà quan ông cũng có nhiều điều bất thiện, còn ẩn náu kỹ càng dưới chiếc mũ tiến hiền và trong bộ tử phục(3) hầu kia.

- Dạ, thưa tiên sinh, nếu tiên sinh dạy cho kẻ hậu sinh này biết được những điều bất tiếu, còn tiềm ẩn trong nhân cách, để sớm tối lo việc sửa mình, ngõ hầu mới có thể gần gũi được các bậc tài đức trong thiên hạ, cùng lo việc nước.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #17 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 08:32:26 pm »

Tiên sinh chậm rãi:

- Nói về những đức tốt của người là điều cực dễ. Nhưng nói về những điều xấu, những điều ác độc còn chất chứa trong họ mới thực là khó. Khó hơn nữa, người nghe lại là người quyền cao chức trọng, kẻ nói mất đầu như chơi. Song, tôi vì đại nghĩa, còn vì tình tri kỷ với quan ông, nên tôi nói mà không sợ quan ông đổi dạ.

Trên kia tôi đã nói về bảy điều thiện đức của quan ông, bây giờ tôi nói về bảy điều bất thiện trong quan ông:

- Một là nhỡn quan hẹp.

- Hai là tri thức hẹp.

- Ba là chưa có lòng bao dung.

- Bốn là chưa thật bụng tin người.

- Năm là nặng bè đảng, nhẹ hợp quần.

- Sáu là tàn bạo.

- Bảy là chưa hết lòng thương dân. Nhiều vùng qui phụ triều đình lâu rồi mà vẫn để dân lưu tán, đói khổ.

Cứ sau mỗi điều, Hoàng tiên sinh lại khéo để ý xem quan điện tiền chỉ huy sứ có còn muốn nghe nữa không.
Tiên sinh thấy dù Trần Thủ Độ có là bậc thánh, cũng không thể không gai người khi nghe đủ bảy điều xấu hoàn hảo của mình. Cho nên mặt quan ông cứ tái dần, tái dần cho tới lúc sạm đen như người say xỉn. Và bỗng nhiên, mồ hôi trán vã ra như người bị trúng độc.

Hoàng tiên sinh trầm hẳn giọng xuống gặng hỏi:

- Thưa quan ông, liệu tôi có quá lời chăng?

Trần Thủ Độ vụt đã tươi tỉnh hẳn lên. Ông sụp lễ Hoàng tiên sinh hai lễ. Hoàng tiên sinh vội vàng nâng
quan điện tiền dậy:

- Quan ông làm thế, tôi khó nghĩ quá. Tôi đâu dám nhận lễ của quan ông.

- Bẩm tiên sinh, quả là tiên sinh vừa cho tôi uống một liều thuốc tróc độc. Mà đã tróc được đôïc, thì cơ
thể không khỏi mỏi mệt. Tôi toát hết cả mồ hôi, lạnh buốt cả xương sống sau mỗi điều tiên sinh nói. Nếu
không có tiên sinh là người sáng suốt và thẳng thắn vạch cho, tôi vẫn cứ ngỡ rằng mình thập phần hoàn hảo. Bẩm tiên sinh, về bảy điều thiện đức mà tiên sinh chỉ ra, tôi cũng lờ mờ cảm thấy như mình có cả. Còn như bảy điều bất thiện, thì lần đầu tiên nhờ có tiên sinh tôi mới nhận thấy. Và xét các việc đã làm, quả tôi còn nhiều điều dở quá. Dở quá. Từ nay tiên sinh không những là thầy tôi, mà tôi còn thờ tiên sinh như một bậc quốc phụ. Xin cam kết với tiên sinh, tôi quyết đổi lỗi chứ không đổi dạ thờ tiên sinh. Mong tiên sinh chỉ giáo, nếu chẳng may có một điều nào trong bảy điều trên, nó trở thành cố tật rồi thì có hại gì cho sự nghiệp không?

- Những điều bất thiện kia ai mà chẳng có. Nhưng ở người thường, nó không tác hại nhiều lắm. Còn như ở người cầm cân nảy mực quốc gia, chỉ cần một trong bảy điều trên được bành trướng ra như một thế lực, cũng đủ tiêu tan cả nghiệp lớn.

- Nhỡn quan hẹp ư? Nhìn sao thấu được thiên hạ. Biết trong nước thế nào, ngoài nước thế nào để sắp đặt then máy quốc gia?

- Tri thức hẹp ư? Sao có thể ngồi trên được kẻ sĩ?

- Hẹp lượng bao dung ư? Sao có thể ôm trùm được thiên hạ.

- Chưa thật bụng tin người ư? Còn ai dám tận tâm làm việc lớn?

- Nặng bè đảng ư? Làm sao mà cố kết được toàn dân?

- Tàn bạo ư? Kẻ sĩ quay mặt, người hiền bỏ đi.

- Không thương dân sao? Dân sẽ rủ nhau làm loạn.

Nghe Hoàng tiên sinh nói, Trần Thủ Độ như người ngủ mê chợt tỉnh. Oâng tiếp lời:

- Bẩm tiên sinh, nhờ tiên sinh tận tâm chỉ bảo, tôi như người mù vừa thấy lại mặt trời. Mong tiên sinh từ nay đừng coi tôi như một bậc tể thần, mà hãy coi tôi như một lũ “ấu ấu tu tri” để dạy dỗ.

Hoàng tiên sinh gật gật, ông lại đưa tay lên vuốt nhẹ chòm râu. Ông vuốt như thế mãi một lúc lâu, cứ như là ông đang kéo dài, dài mãi những sợi râu để biến nó thành những sợi tơ trời. Bất chợt ông lại nói:

- Cái khó không phải là con người ta còn làm điều bất thiện, mà khó là ở chỗ, con người có tận tâm đổi lỗi để đạt tới cõi thiện?

Mới nửa chiều, sương đã giăng trắng cả kinh thành. Giá buốt lùa vào đại sảnh. Lò than đã tàn. Chỉ có hương trầm như còn đọng lại, còn đông kết lại cùng với những lời nói tâm huyết của hai vĩ nhân trong một chiều sương giá. Phải chăng đây là khởi đầu buổi bình minh của một triều đại mới?

============================

(1) Tức vị: lên ngôi vua.

(2) Theo sách Chu lễ: Xã: là nơi thờ thần Thổ địa. Tắc: là nơi thờ thần Bách cốc. Dân trong một nước cần thiết nhất là ruộng đất và thóc lúa, nên đời xưa dùng chữ Xã tắc để tượng trưng cho quốc gia.

(3) Tử phục: quần áo màu tía. Theo chế độ các nhà Lý - Trần, các quan có tước vương, tước hầu mới được mặc áo màu tía.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #18 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 08:33:14 pm »

CHƯƠNG 6

Để hưng thịnh triều đại mới của Lý Chiêu Hoàng, một bà vua tám tuổi, quan phụ quốc thái úy(1) Trần Thừa bèn hoạch định một số chính sách. Trước hết, lấy danh nghĩa của đấng quân vương, xuống chiếu chọn con em của quan viên trong ngoài, sung vào các sắc dịch ở nội cung. Tức là các chức như chi hậu(2), nội nhân(3), thị nội(4). Mở đầu cho công cuộc cải cách này, quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ được thăng làm tri thành nội cung chư quân sự. Nghĩa là trước kia, quan ông chỉ thống lĩnh quân cấm vệ trong kinh thành, nay thâu tóm hết thảy cả quân tứ sương và quân các lộ, các đạo, các trấn trong toàn quốc. Và các người cháu gọi Trần Thủ Độ bằng chú, bác như Trần Bất Cập được bổ làm cận thị thực lục cục chi hậu(5). Trần Thiêm làm chi hậu cục(6). Trần Cảnh (con nhỏ của thái uý Trần Thừa mới tám tuổi) cũng được bổ làm chánh thủ(7).

Từ ngày Trần Cảnh vào cung, nhà vua có bạn, cảm thấy đỡ buồn hơn. Trần Cảnh cũng bằng tuổi với vua. Cảnh có dáng người phổng phao. Mặt mũi khôi ngô. Đôi mắt sáng như sao. Da trắng hồng, cặp môi đỏ mọng như môi Phật. Cảnh tính nết thuần hậu, ít nói. Tư chất thông tuệ, nhân cách đàng hoàng. Thường chơi với đám trẻ con các nhà dân dã. Chơi trò gì Cảnh cũng chóng bắt chước được chúng, rồi chẳng mấy chốc lại vượt lên bọn chúng. Khi thắng, Cảnh bắt chúng vòng tay làm kiệu rước. Một hôm Chiêu Hoàng đi qua, thấy thế thích lắm, sà vào chơi. Đám trẻ có đứa biết Chiêu Hoàng là vua. Chúng hét lên: “Vua đấy! - Vua đấy!”. Lũ trẻ sợ quá, chạy tán loạn. Chỉ còn trơ lại Trần Cảnh đứng một mình. Chiêu Hoàng bèn nắm lấy chéo áo Trần Cảnh:

- Tại sao thấy ta, chúng nó bỏ chạy?

- Tâu, bệ hạ là vua. Chúng nó sợ.

- Ta có làm gì đâu mà chúng nó sợ?

- Phép nước là thế. Dân chúng không được nhìn mặt thiên tử, nói gì chơi.

- Thế sao ngươi không chạy, ngươi không sợ ta chứ gì?

- Tâu, thần còn chạy đi đâu được nữa. Ngày nào bệ hạ cũng bắt vào chầu. Bây giờ lại đang nắm áo.
Chiêu Hoàng lại túm chặt vạt áo Trần Cảnh hơn nữa lôi xềnh xệch vào tận phía trong tiện điện(Cool. Nhà vua vừa buông áo Trần Cảnh, liền chạy vòng về phía sau bức bình phong lấy ra một chiếc hộp. Chiêu Hoàng mở hộp tung lên một nắm que chuyền bằng ngà, và hòn cái bọc gấm có nhồi bông, độn sỏi. Nhà vua ra hiệu cho Trần Cảnh ngồi xuống cạnh mình, mặt tươi hớn hở hỏi:

- Chơi nhá. Ngươi có biết chơi không?

Cảnh lắc đầu. Và nói lí nhí trong cổ họng:

- Trò chơi con gái.

- Sao, ngươi không biết chơi à? Ta dạy. Người xuống. Trông đây này.

Chiêu Hoàng thoăn thoắt rải que, tung hòn cái, đánh một mạch từ bàn một đến bàn ba mới hỏng. Chợt dừng, thấy Trần Cảnh lơ đãng nhìn ra ngoài sân. Nữ chúa bực lắm, hỏi:

- Vậy chớ ngươi biết chơi những trò gì?

- Tâu bệ hạ, thần biết đánh đáo, đá cầu, đi kheo, kéo co, bơi trải, chèo thuyền, đánh cờ, chơi ô ăn quan…
Nhiều trò chơi lắm. Nhưng phải ở ngoài hoàng thành mới có người biết chơi.

- Vậy chớ có trò gì chơi một mình được, ngươi chơi thử, ta coi.

- Dạ, tâu bệ hạ, chỉ có chèo thuyền, đi kheo thì chơi một mình được. Nhưng phải ở ngoài sông, hồ hoặc bãi cát cơ.

- Còn trò gì khác nữa, ngươi chơi một mình được?

Ngẫm nghĩ một lát, bỗng mặt Trần Cảnh bừng sáng lên như chợt nhớ ra. Cảnh thưa:

- Tâu bệ hạ, thần có thể đá cầu một mình được.

- Vậy ngươi đá cầu, ta coi.

Lần trong túi có đồng tiền đồng, lại có cả mảnh giấy bản, tập viết bẩn quá. Cảnh xé đi, tiện tay đút luôn
vào túi. Trần Cảnh hý hoáy gói một lát được quả cầu be bé, xinh xinh. Cảnh bèn đá với cả hai bàn chân, nom dẻo quẹo. Hai bàn chân cứ nhịp nhàng đưa lên đặt xuống. Quả cầu cứ nảy lên theo nhịp đá của chân, nom nó như mọc lên từ giữa hai bàn chân của Trần Cảnh. Chiêu Hoàng thích quá reo to:

- Ôi, giỏi quá! Ngươi giỏi quá!

Trần Cảnh giật mình ngoái nhìn Chiêu Hoàng, quả cầu rơi nhẹ xuống thềm nhà. Chiêu Hoàng nhặt quả cầu lên xem, rồi đá thử. Nữ chúa vừa buông quả cầu ra khỏi tay, chưa kịp giơ chân lên, nó đã rơi xuống đất. Làm lại tới cả chục lần, lần nào cũng dúi dụi suýt ngã, không sao bắt chước Trần Cảnh để chân có thể đón được cầu.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #19 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 08:34:10 pm »

Thấy nữ chúa chơi với Trần Cảnh, đám nội nhân không dám vào, chỉ đứng từ xa ngó lại. Nhờ có những trò chơi đó mà Chiêu Hoàng đâm quyến luyến Trần Cảnh. Chiêu Hoàng tính tinh nghịch, có khi Trần Cảnh bưng chậu nước đứng hầu cho nữ chúa rửa tay. Với các nội nhân khác, nữ chúa rửa tay mà không thèm nhìn mặt. Nhưng với Trần Cảnh thì Chiêu Hoàng vừa rửa tay vừa trêu chọc. Hai tay nữ chúa cứ ngâm chìm vào chậu, có khi còn ấn xuống, làm Trần Cảnh phải đỏ mặt tía tai, gắng gượng lắm mới giữ cho chậu nước khỏi đổ vào người Chiêu Hoàng. Có khi Chiêu Hoàng còn té cả nước vào mặt quan chánh thủ. Trần Cảnh vẫn cứ ngậm tăm không dám nói năng gì. Được thể, Chiêu Hoàng càng trêu. Có lần Cảnh bê khăn trầu, Chiêu Hoàng lấy cả khăn ném cho Cảnh. Cảnh sợ quá bèn lạy: “Bệ hạ tha tội cho thần”. Chiêu Hoàng cười sằng sặc: “Tha tội cho ngươi!”.

Ở mãi trong chốn cung cấm tẻ buồn, nay được Trần Cảnh chầu hầu, cũng như là chuyện có bầu có bạn. Vì thế Chiêu Hoàng cũng bớt được cái tính cáu gắt, đăm chiêu. Nhưng Cảnh chỉ hầu cận ban ngày. Tối đến không có người chơi, nữ chúa lại càng buồn. Thuận Thiên lớn tuổi hơn, lại ham mải các việc dung công ngôn hạnh, nên không còn hợp với Chiêu Hoàng nữa. Bởi vậy, có khi tối đêm còn cho gọi Trần Cảnh vào hầu. Trần Cảnh tuy gần gũi đức vua, song vẫn còn bẽn lẽn lắm, thường bị đức vua bắt nạt. Có lần đi chơi đêm, Cảnh giả vờ trốn đứng vào bóng tối, Chiêu Hoàng tìm được, nắm lấy tóc Cảnh kéo ra chỗ sáng. Trần Cảnh đứng ngoài sáng, Chiêu Hoàng lại giẫm vào bóng Cảnh. Cứ chơi mãi cái trò ấy có khi tới khuya, nội nhân phải ra mời tới hai ba lần, nữ chúa mới chịu về nghỉ.

Đôi trẻ quyến luyến nhau như thế, không qua được mắt bà thái hậu Trần Thị Dung, và đức ông Trần Thủ Độ .

===========================

1.Thái uý: Chức quan trong hàng tam công - quan lớn nhất trong triều: Thái uý - Tư Đồ - Tư Không. Trước nhà Tống thường gọi: Thái sư, thái bảo. Sau này nhà Lê gọi: Thiếu sư - Thiếu phó - Thiếu bảo. Đại khái đều rập theo nhà Tống hoặc nhà Minh.

2. Chi hậu: chức quan hầu bên vua, giữ việc truyền lệnh và dẫn người vào, ra.

3. Nội nhân: chức quan để sai bảo ở trong cung.

4. Thị nội: chức quan chầu hầu trong cung.

5. Cận thị thự lục cục chi hậu: chức chi hậu ở sáu cục của Cận thị thự là giữ việc hầu gần bên vua.

6. Chi hậu cục: Cục phụ trách truyền lệnh và dẫn người ra, vào cung vua.

7. Chánh thủ: chức quan hầu cận để sai bảo.

8. Tiện điện: nhà riêng để nghỉ ngơi của vua.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM