Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:20:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bão táp cung đình  (Đọc 42628 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #70 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2010, 08:51:43 pm »

Cái nắng đầu hạ tuy chưa nồng, nhưng cũng đủ làm cho khách đường xa phải vã mồ hôi. Mượn cớ trời nắng, và cũng để cho khách qua đường khỏi chú mục vào mình, khi xuống đò, nhà vua lấy vạt áo che đầu, trùm gần kín hết khuôn mặt. Từ đây, đường bằng phẳng rộng rãi, nhiều người qua lại, nhà vua liền bảo Khuê Kình:

- Ta muốn đi xuyên rừng, để tránh tai mắt lính viễn thám của triều đình.

Thân vệ tướng quân dừng lại xem xét địa thế. Trời trong vắt. Nhìn lên Yên Tử rõ mồn một. Lút một màu xanh. Chỉ trên chóp đỉnh có một ít mây mù. Khuê Kình rẽ cương ngựa ngoắt sang phía bìa rừng. Vua tôi vạch lá tìm đường, trèo non lội suối thật là cực nhọc. Mãi khi mặt trời gác núi, vẫn còn quanh quẩn trong chốn rừng sâu. May thay ở đâu đó có tiếng chuông chùa vang vọng. Lần theo tiếng chuông, thầy trò tìm được đến chùa. Hỏi ra mới biết đây là chùa Giác Hạnh. Trụ trì ngôi chùa này là thuyền sư Giác Hải. Vua tôi tới chùa giữa lúc thuyền sư đang tụng niệm. May được mấy người nhà chùa sửa soạn cho bữa cơm chay. Đi đường mỏi mệt, lại được cảnh chùa thanh tĩnh, u trầm, mọi người ăn uống thật là ngon miệng.

Trong khi uống nước chờ đợi để được tiếp kiến thuyền sư, Trần Thiêm liền hỏi Thái tôn:

- Tâu bệ hạ.

Thái tôn bèn “suỵt”:

- Ta đã bảo gọi ta là “anh Hai”.

Trần Thiêm lại nói:

- Tâu “anh Hai”.

Cả ba vừa chợt hiểu, cùng cười khúc khích. Sợ tiếng cười loang ra, ai nấy bưng miệng mà cười. Khi tiếng cười đã im bặt, chỉ còn tiếng mõ, tiếng chuông đều đều từ phía chùa trên vọng lại, Trần Thiêm khẽ hỏi:

- Hôm qua Người nói: “Lên Yên Tử tìm đường giải thoát”. Nếu vậy thì “bệ hạ” (lại bệ hạ) chỉ giải thoát được bản thân thôi. Còn hàng triệu con dân trong nước, ai giải thoát cho họ?. Đúng như anh Khuê Kình nói: “Bậc quân trưởng không thể chỉ làm theo ý thích riêng mình mà bỏ mặc muôn dân”. Đêm nay thư thả xin bệ hạ nghĩ lại.

Thái tôn nhìn quanh quẩn trong ngôi nhà phương trượng, thấy không có gì đáng nghi ngại liền nói:

- Ta biết, việc giải thoát không phải chỉ lên Yên Tử mới làm được. Phàm con người nếu đã biết minh tâm,
kiến tính thì ở đâu cũng có thể tự giải thoát được mình. Giải thoát, nghĩa là mình phải thoát được ra khỏi nanh vuốt của những tên giặc vô hình, nó ẩn náu trong nơi sâu kín nhất của con người mình, đó là dục vọng.

Dừng lại giây lát, nhà vua nói:

- Ta chưa làm được gì đáng kể cho đám lê dân, mà lẽ ra phải làm nhiều hơn thế. Nhưng các khanh thử nghĩ
xem, ở lại Thăng Long, ta sẽ làm được gì? Ta đi, là cốt để không vướng vào vòng tội lỗi mà thái sư áp đặt. Việc xảy ra ở kinh thành bấy lâu nay, chắc các ngươi đều biết cả? Ta không muốn dân nước nhìn ta như nhìn một kẻ vô luân. Thái tôn buồn bã thở dài. Một lát lâu sau, nhà vua mới lại nói:

- Qua đám tang sáng nay, ta thấy hổ thẹn biết chừng nào.

Trần Khuê Kình vội an ủi:

- Bệ hạ suy xét sâu xa quá, rồi cứ vận vào mình để chuốc lấy sự phiền não làm gì.

- Chuyện đời đâu phải thế, Khuê Kình cứ ngẫm mà xem. Một đứa võ phu trót lỡ lầm ruồng rẫy người đã sinh hạ ra nó. Dân làng đuổi đi. Nhưng cả làng lại nuôi dưỡng lão bà như nuôi dưỡng mẹ mình suốt năm chục năm trời. Chỉ qua một việc đó, dân làng đã biến cải được phong tục. Kẻ bất hiếu, bất mục kia, nếu không có người ngăn lại, tấm gương xấu đó chỉ được treo ở trong nhà nó. Bất quá, trong làng có kẻ nọ, kẻ kia nhiễm cái thói ô trọc của nó mà thôi. Chớ một vị quốc vương mà làm điều xấu, ta không biết sự thể rồi sẽ dẫn tới đâu. Các ngươi khuyên ta trở về, là việc của các ngươi. Ta ra đi là việc của ta. Bởi ta không muốn trở thành một hoàng đế vô sỉ đầu tiên của Đại Việt. Mong các ngươi thấu hiểu cho ta.

Chợt tiếng mõ, tiếng chuông trên chùa im bặt, rồi có tiếng chân người bước về phía nhà phương trượng.
Thuyền sư ló vào:

- A di đà Phật. Các vị khách ở đâu ghé cửa Tam bảo?

- A di đà Phật! Bạch thuyền sư, chúng tôi nhỡ độ đường, xin vào nương cửa Tam bảo qua đêm. Trần Thiêm
lễ phép nói.

Thuyền sư hỏi:

- Có phải các tráng sĩ đi tìm thầy học võ hay đi tỉ thí ở đâu về qua đây?

- Bạch thuyền sư, Khuê Kình nói - chúng tôi quê tại vùng An Bang. Ông anh tôi đây, Khuê Kình chỉ vào
Trần Cảnh - đang học tại Quốc học viện trên Thăng Long. Chẳng may bác gái tôi bị bệnh nặng, khó qua
khỏi. Anh em chúng tôi vội lên kinh đón anh ấy về. Đường xa, lại không quen thung thổ, nên càng khó đi. Thành thử trời ập tối lúc nào cũng không hay. May quá, nếu không có tiếng chuông chùa ở đây, thì anh em chúng tôi khó mà ra được khỏi rừng. Chúng tôi cứ men theo tiếng chuông mà đi. Cứ như là có người dẫn lối chỉ đường. Ơn nhờ Phật tổ, anh em chúng tôi đã tới được chùa.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #71 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2010, 08:52:38 pm »

Nhà sư nhìn mãi người nói là đang theo học ở Quốc học viện. Đúng là một người tao nhã. Nhưng không phải chỉ là một nho sinh. Cứ như con mắt của thuyền sư thì người này có phong độ thánh thần, uy nghi như một vị hoàng đế. Nhẩm tính tuổi Trần Cảnh từ dạo lên ngôi, có dễ cũng ngang với tuổi tráng sĩ này. Tuy vậy, thuyền sư lại gạt đi ngay. Vì không có lẽ nào nhà vua lại ra đi mạo hiểm như thế. Dù có đi vi hành, cũng chỉ vào lúc ban ngày, ở đâu đó quanh kinh thành. Đã lâu, Giác Hải thuyền sư không về Thăng Long, nên cũng không am tường các việc đã xảy ra ở đế đô, nên chẳng có gì làm thuyền sư phải nghi hoặc. Song thuyền sư nghĩ tới một điều khác. Chậm rãi, Giác Hải thuyền sư bèn hỏi:

- A di đà Phật, xin các tráng sĩ cho bần tăng rõ một việc, không phải kẻ tu hành này tò mò mà chuyện cả nước đang để tâm tới.

Nghe thuyền sư nói tới đây, cả ba cùng giật mình. Vì ai cũng nghĩ rằng nhà sư đã biết việc xảy ra mới đây trong điện Thiên An. Thái tôn vội lên tiếng:

- Bạch thuyền sư, chẳng hay có điều gì cả nước đang để tâm tới mà nhà chùa muốn hỏi. Nếu bọn tiểu sinh
được biết, thật không dám giấu giếm.

- A di đà Phật! - Giác Hải thuyền sư chậm rãi nói. - Bần tăng cứ mạo muội cho rằng các tráng sĩ là người của triều đình, vừa đi viễn thám vùng biên ải về. Bần tăng chỉ muốn biết hiện tình người Tống, người Thát như thế nào. Ta lo phòng bị giữ nhà ra sao, liệu có chắc không?

Nhà vua lấy làm cảm kích, ngay đến kẻ đã xuất gia vẫn còn quan tâm đến vận nước. Hoàng thượng đã toan phủ phục trước cửa Tam bảo, trước vị đại thuyền sư đây mà sám hối, vì đã để xảy ra các việc lộn xộn trong hoàng gia. Ngay cả việc tự ý bỏ triều đình ra đi, nhà vua cũng tự thấy: “tình thì thuận, mà lý thật chẳng thông”. Nhà vua nén giấu một tiếng thở dài và tự nhủ: “cách xử thế của ta, vẫn còn điều gì xem như là bất ổn”. Chợt nhớ vẫn chưa trả lời cho thuyền sư, nhà vua liền đáp:

- Bạch thuyền sư, theo như chỗ bọn tiểu sinh được biết, hiện thời người Tống suy yếu lắm. Cái chính vẫn là lòng dân Trung Hoa nản quá rồi. Bởi từ khi triều đình chuyển về phương nam, họ khuấy lên cả một trào lưu hưởng lạc bằng đủ các thứ nghệ thuật. Từ triết lý, thi văn, hội hoạ, đồ gốm, sứ, đến các thú tiêu dao sơn thuỷ và các thứ sa đọa khác, mà bỏ mặc đất nước cứ rơi dần vào tay bọn Thát – đát tàn bạo.

- A di đà Phật! Vậy là thiên triều có nguy cơ bị diệt vong? - Thuyền sư hỏi.

- Bạch thuyền sư, cái cớ bị diệt vong của nhà Tống đã sờ sờ ra đó. Có điều là nước Trung Hoa văn hiến vào bậc nhất thiên hạ này, hẳn không thể nào mất được. Vả lại người dân Trung Hoa dễ gì quỳ gối trước ngoại bang. Suy như dân Đại Việt ta thì đủ rõ.

Nghe khách dẫn dụ, nhà sư gật gù tán thưởng.

Giác Hải thuyền sư lại hỏi:

- Cứ như ý các tráng sĩ, họa nhà Tống không đáng ngại. Nhưng họa Thát-đát thì sao? Liệu mình có giữ nổi
nhà không?

Thấy lão hoà thượng cứ chú mục mãi vào bọn xâm lăng, không kìm lòng được, thân vệ tướng quân Trần
Khuê Kình bèn lên tiếng:

- Bạch hòa thượng. Nước là của dân. Nếu dân quyết giữ thì không giặc nào vào được. Hoà thượng thử nghĩ xem, dăm ba đạo quân với vài chục viên tướng của triều đình, thử hỏi cầm chân giặc dữ được mấy nả? Hòa thượng ở sát nơi thôn ấp, cứ nghe lòng dân thì đoán ra vận nước. Nhân đây xin hoà thượng chỉ cho bọn tiểu sinh được biết. Nhà Trần mở nghiệp, kể đã ngoại mười năm, chẳng biết lòng dân đã hướng về chưa, hay vẫn còn nhớ vua cũ.

Thấy tráng sĩ ăn nói gẫy gọn, rõ ra con nhà võ, mà lại có cốt cách của đám nho sinh. Giác Hải thuyền sư đem lòng yêu mến cả ba người. Nhà sư bèn nói:

- Tráng sĩ quả là người thông tuệ. Đúng như tráng sĩ nói: “Cứ xem lòng dân thì đoán ra vận nước”. Bần tăng xin nói thêm một điều người xưa đã nói: “Vua lấy dân làm trời. Dân lấy miếng ăn làm trời”. Dăm bảy năm nay, bần tăng đi lại nơi thôn âùp, không thấy cảnh ăn mày ăn xin. Cũng chẳng làm gì có người chết đói, chết rét nơi đầu đường xó chợ. Vậy là dân đã tìm thấy Trời của họ rồi. Ai tìm giúp họ? Nhà Trần. Chính nhà Trần mở nghiệp bằng cách dẹp yên nội loạn. Khuyến nông. Tha bớt tô thuế. Giảm nhẹ lao dịch. Lại lo việc đắp đêâ chống lụt, giữ nước từ đầu nguồn tới biển, ấy là việc khiến người dân không thể không nhớ đến, không thể không biết ơn triều đình. Vậy thời người ta còn hoài hơi đâu mà nghĩ về cái thời đói khổ, loạn lạc làm gì. Nhưng bần tăng lại nghĩ, thời nào người dân chẳng phải làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được miếng ăn. Sự cực nhọc, người dân đâu có sợ. Họ sợ nhất là đã cực nhọc rồi, lại còn không có gì để ăn nữa. Đến nước ấy, dẫu vua chứ trời họ cũng quật đổ. Lại xét cho cùng, việc tha bớt tô thuế cho dân, triều đình có mất gì. Ngay cả việc thu tô thuế ở mức vừa phải, người dân còn chấp nhận được. Nhà nước cũng vì đó mà giàu thêm. Nhưng nếu quá mức, tức là sự cướp bóc đê mạt. Do đó người dân chán nản không muốn làm ăn nữa. Nhà nước lấy gì mà thu? Các bậc chăn dân phải biết: Của cải không nằm trong kho nhà nước, thì nằm trong các nhà dân. Dân giàu nước mạnh, nước mạnh, đi đâu mà thiệt. Ngay cả việc đắp đê, là việc to lớn chưa từng thấy trong lịch sử khuyến nông của Đại Việt, thì cũng người dân nai lưng ra làm, chứ triều đình nào làm, vua chúa nào làm? Có dễ chú cháu ông Trần Thủ Độ đi đắp đê chắc?

Thuyền sư có vẻ đắc ý, ông cười ha hả. Lại hỏi:

- Bần tăng nói thế có đúng không, các tráng sĩ? Suy cho cùng vẫn là chính sách. Chính sách của triều đình thương dân thì dân tin; miệt dân thì dân ghét. Hiện thời theo thiển ý của bần tăng, không có một kẻ ngu khờ nào lại còn hướng về cái ông vua điên của nhà Lý, đã biến cả dân tộc thành một đám ma đói, một lũ ăn mày!

Cuộc đàm đạo giữa chủ khách đang say thì nghe thấy ba tiếng chuông, ấy là chú tiểu nhắc hòa thượng đã đến buổi tọa thiền. Nhà sư đi rồi, vua tôi lăn ra ngủ để sớm hôm sau có sức tiếp tục cuộc hành trình.

========================

1. Lời nói của Mạnh Tử: Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên. Nghĩa là: ba người cùng đi, tất có một người có thể làm thầy ta.

2. Thiên tục khả phúng nghĩa là: tục tốt đáng khen

Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #72 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2010, 08:54:15 pm »

CHƯƠNG 24

Liền năm chinh chiến, đương đầu với biết bao đối thủ hùm sói, Trần Thủ Độ chưa bao giờ thoái chí! Trong cuộc đời ông, cho tới lúc này, chưa kẻ thù nào ông không khuất phục được. Thế mà đến cái việc này, ông bắt đầu ngán. Ông buồn nhất là quan thừa chỉ bỏ đi. Không ngờ sự việc xảy ra lại lớn đến thế. Việc quan thừa chỉ bỏ đi này, cũng giống như việc đức Khổng Tử từ bỏ nước Lỗ1 mà đi. Té ra việc ông làm, lại phạm vào nhân nghĩa. Ông vẫn tưởng đối xử với quan thừa chỉ như vậy, là ông quá độ lượng, nếu không nói là rộng lượng. Hóa ra ông đã nhầm.

Việc trước đây ông không giết quan thừa chỉ là nhân. Vì vậy ông ta đã ở lại với triều đình, đã tận tâm báo đáp. Chỉ riêng việc ông ta tâm phục được Nguyễn Nộn theo về vua mới, tránh cái hoạ nồi da xáo thịt; công ấy lớn lắm, không gì so sánh được.

Quan thừa chỉ bỏ đi có nghĩa là việc ông làm mới đây là bất nhân. Vì bất nhân, nên người hiền mới bỏ đi. “Người hiền bỏ đi!” Đó là điều Trần Thủ Độ lo sợ nhất. Ông đã cho người đi tìm các ngả vẫn không thấy tăm hơi gì. Người nhà cũng không biết quan thừa chỉ đi đâu. Ông lại cho hỏi cả chỗ thị nữ Trịnh Huyền, Huyền cũng không có tin tức gì về quan thừa chỉ.

Trần Thủ Độ buồn đến nẫu ruột. Ông tự thấy hổ thẹn. Đây là việc đầu tiên ông làm trái với lời dạy của Hoàng Tiên Sinh. Ông cảm thấy, như chính ông phản lại người thầy đã chỉ dẫn cho ông, những điều quan
yếu nhất trong đạo lý làm người.

Trần Thủ Độ đang băn khoăn day dứt thì Lê Tần bước vào. Nét mặt tướng quân thản nhiên như không. Chẳng biết tướng quân đem đến tin lành hay tin dữ. Vái Trần Thủ Độ xong, Lê Tần nói:

- Trình Thái sư. Hiện thời chưa biết hoàng thượng ở đâu. Dò tìm mãi mới biết, sau khi chia tay đám quan ở nội hầu phía bắc, nhà vua đã cùng với thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình và chi hậu cục Trần Thiêm đi về hướng đông. Nhưng mất hút không tìm thấy dấu vết. Còn Hoài vương Liễu hiện đã về ở trong thái ấp. Nghe nói ông ta cũng đang gấp rút đôn đám dân binh lên làm tinh binh.

Đắn đo giây lâu, Trần Thủ Độ nói:

- Theo ta ước đoán, hoàng thượng lên Yên Tử. Ngay từ nhỏ, nhà vua đã có chí hướng tu Phật. Có nhẽ
ngày mai thiết triều, ta phải bố các việc này cho bá quan văn võ cùng thấy. Rồi các quan chọn cử ít người cùng ta lên Yên Tử đón xa giá.

Có một việc ta muốn nhờ tướng quân. Phi tướng quân không ai làm nổi. Tức khi ta đi đón xa giá, thì tướng quân thống lĩnh việc cai quản kinh thành. Lê Tần nhìn vào gương mặt đau khổ của Trần Thủ Độ, hỏi:

- Bẩm… thái sư đi vắng bao lâu?

Ta đi nhanh nhất là năm ngày, chậm nhất là mười ngày sẽ lại có mặt ở Thăng Long.

- Trình thái sư, nếu Hoài vương đem binh vào kinh sư thì làm thế nào?

- Trước hết nó không thể họp binh nhanh như thế được. Nhưng nếu nó họp được binh mà kéo về kinh sư,
tức là nó làm giặc. Tướng quân phải ra tay diệt. Ta cầu mong điều đó không bao giờ xảy ra. Nếu tướng
quân nhận lời đảm trách việc cai quản kinh thành, ta đi mới thực yên tâm.

- Dạ… bẩm đức ông, nếu trong mười ngày thì tiểu tướng xin nhận… Ngoài mười ngày, tiểu tướng không dám nhận. Xin đức ông xét cho.

- Được. Ta chỉ cần mười ngày thôi. Giã ơn tướng quân. Ngày mai thiết triều, ta sẽ trao binh phù cho tướng quân, để tiện việc sai khiến.

Lại nói đến việc vua tôi Thái tôn từ chùa Giác Hải ra đi từ lúc mờ sáng. Cứ men theo sườn núi, băng rừng, nhưng rồi phải bỏ ngựa để vịn cây chuyền cành mà đi. Lần mò mãi xế chiều mới tới chân núi Yên Tử. Mệt nhọc quá, vua tôi phải nghỉ lại đó, sáng hôm sau mới đi tiếp. Tính ra từ giã Thăng Long từ giờ hợi ngày mồng ba tháng tư, mãi đến giờ thìn ngày mồng sáu mới tới đỉnh núi Yên Tử.

Vua tôi vào chùa xin được gặp vị đại Sa Môn.

Vừa trông thấy Thái tôn. Phù Vân quốc sư đã vội reo lên:

- Lão tăng có lời chào bệ hạ! Lâu quá, lâu quá không có dịp về kinh. Nói xong, quốc sư dắt tay Thái tôn và dẫn cả đoàn vào nhà phương trượng.

Chú tiểu bê ra một cơi trầu, và rót mời mỗi người một bát nước vối.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #73 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2010, 08:55:15 pm »

Thái tôn còn chưa hết bàng hoàng trước cảnh u nhã của núi rừng Yên Tử. Trời vẫn nắng một màu nắng tươi trong. Từ đây phóng tầm mắt có thể bao quát suốt một vùng biển bao la, tận tít tắp phía chân trời. Hoặc nhìn ngược lên, thấy cả vùng ải bắc quanh co. Nhìn xuống chân, hiện lên nào rừng trúc, rừng thông… Những cây thông cao vút, tán xoè như chiếc lọng, đan nhau xếp hàng suốt từ chân lên tới đỉnh núi, như mới mọc, như dẫn lối chỉ đường cho khách hành hương về Yên Tử. Nhà vua nhìn quanh đây đó thấy gió vẫn thổi hiu hiu làm cho các tán rừng lay động. Nhưng lạ thay, nơi nhà vua ngồi quanh ngôi nhà phương trượng là cả một vùng chùa tháp, mây trắng cứ bồng bềnh trôi. Những tảng mây sà xuống thấp rồi vút bay đi. Mây tiếp mây cứ đùn bốc lên, làm cho riêng chóp đỉnh này mang một màu trắng trong cao khiết, khiến nhà vua liên tưởng như mình đang sống trong thế giới của Phật, tiên. Hỏi ra mới biết, đây là ngọn Tử Phong. Có nghĩa là “gió chết”. Bởi vậy nơi đây tuy thật cao mà thoáng, nhưng dường như quang năm lặng gió. Và chỉ có mây. Thuần một thứ mây trắng nổi lên bềnh bồng. Có nhẽ vì thế, nên quốc sư mới lấy hiệu là “Phù Vân”.

Thái tôn vẫn miên viễn phiêu bồng trong thế giới lặng câm suy tưởng giữa tiếng ồn ào thăm hỏi. Một thoáng sau, nhà vua mới sực nhớ ra cảnh ngộ, liền ân cần, niềm nở với quốc sư. Nhà vua nói:

- Bạch quốc sư, đã lâu lắm không thấy quốc sư về triều, trẫm vẫn có lòng luyến nhớ, bèn rủ mấy người thân tín trèo non lội suối đến thăm quốc sư.

- Quí hoá! Quí hoá! Nhà sư cảm động không kém Thái tôn. Đoạn quốc sư hỏi:

- Lão tăng lòng ngay, tâm thẳng, cứ xin hỏi thật. Nhà vua thực tình đến thăm ta hay có việc riêng tư gì
Đó? Vì ta thấy, nhà vua đi: từ tuỳ tùng đến áo xiêm mũ miện, đều không hợp lễ đế vương. Còn như nói rằng nhà vua vi hành trong chốn rừng Nho biển Phật, thì thật là không đúng chỗ. Bởi lão tăng đây với nhà vua có lạ gì nhau.

Lời nói thẳng của quốc sư không làm nhà vua phật ý, nhưng quả có làm Thái tôn lúng túng.

Quốc sư lại nói:

- Lão tăng đã lánh trốn bụi trần, không màng tưởng đến cả chức quốc sư mà các triều trước họ Lý đã ban.
Lão đã quen cảnh thân khô, tâm lạnh, sương rắn, mặt gầy; quen uống nước suối, chơi cảnh rừng, lòng nhẹ như đám mây nổi. Lão tự biết các cảnh khoe văn đấu võ trước sau gì cũng bị đào thải, nên lánh mình vào chốn lâm tuyền, ích chi mà phải phơi mặt ra hí trường, nhảy múa ngông cuồng, đánh trống gõ mõ, tựu trung chẳng đi đến một kết cục nào, chỉ làm trò cười cho thiên hạ, mất hết nhân cách một con người.
Phần lão tăng đã dứt đi một nhẽ. Còn nhà vua, sao lại tự nhiên đi bỏ cái thế nhân chủ, tìm đến sự quê hèn của núi rừng? Chẳng hay nhà vua muốn kiếm tìm điều chi mới lạ, muốn cầu điều chi cao quý hơn cả ngôi vua mà quá gót tới đây?

Nghe quốc sư hỏi, và cũng là sự dãi bầy tâm huyết của Phù Vân, nhà vua lấy làm cảm động, tự nhiên hai hàng nước mắt cứ ứa ra. Một lát sau nhà vua mới nói được:

- Trẫm lên ngôi báu, từ khi còn là một đứa trẻ chưa ý thức được. Thế rồi hai thân sớm vội bỏ đi. Nhờ có
Trần Công2 giúp rập, việc lớn đang hình thành. Nay đã lớn khôn, trẫm ý thức được những điều như Quốc sư đã thấy và sớm lìa bỏ. Thử hỏi, ngôi báu mà làm chi? Quyền bính mà làm chi? Rốt cục cũng chỉ là “vạn pháp qui không”3. Nay trẫm vào núi này chỉ cầu làm Phật, chứ không cầu vinh hiển, hoặc một điều gì khác.
Nhà vua giấu biệt tâm trạng mình, và các sự kiện vừa xảy ra trong hoàng cung. Thành thử quốc sư cũng không hay biết gì về chuyện riêng tư của hoàng thượng. Phù vân tự nghĩ: “Một người dám bỏ ngôi báu mà đi. Giũ quyền thế như vứt bỏ một chiếc áo tơi rách. Việc đó xưa nay ngoại trừ thái tử Tất-đạt-đa4, chưa ai làm được. Quý thay tấm lòng thanh sạch của đức vua”.

Mặc dù vậy, Phù vân vẫn nói lại với nhà vua cho minh bạch:

- Lòng bệ hạ trắng trong chẳng có gì đáng phải ngờ. Song lão tăng cũng phải nói để bệ hạ rõ: “Trong núi vốn không có Phật” Vậy Phật ở đâu? Phật ở ngay trong lòng ta. Nay nhà vua ở ngôi cao mà thuần mưu việc thiện, để cứu vớt muôn dân. Lại giữ cho tâm, thân lúc nào cũng hồn nhiên vô trược, con người luôn luôn thể nhập với vạn vật mà không bị đắm chìm trong cảnh vật, tức là đã giữ cho cái tâm được trong lặng. Giác ngộ được cái tâm ấy, tức thị nhà vua đã liễu ngộ rồi, đã là Phật rồi, hà cớ gì phải đi cầu Phật ở đâu cho phí sức.

Nghe quốc sư nói, Thái tôn thấy như mình đã được giải thoát. Trong mấy ngày nghỉ ngơi, nhà vua thường được quốc sư thù tiếp sau những buổi đèn nhang kinh kệ. Hai người đàm đạo thật là tâm đắc. Thực tình, nhà vua không còn nghĩ gì đến Thăng Long, không nghĩ tới chuyện trở lại với ngai vàng nữa. Nhà vua cũng không để ý đến việc ai sẽ thay mình lên ngôi quân trưởng. Trong khi nhà vua muốn an trụ với cảnh vật Yên Tử thì Trần Khuê Kình, Trần Thiêm lại vô cùng ngao ngán. Thiêm vốn quen cảnh sống nhàn tản trong nội cung còn đỡ, chứ Khuê Kình là một võ tướng quen nghề kiếm, kích, không thôi luyện rèn, mà nay phải ăn không ngồi rỗi, tưởng không kém chuyện bị cầm tù.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #74 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2010, 08:56:17 pm »

May thay tới giờ ngọ ngày mùng chín, thì thấy tiếng người ồn ào lên núi. Một lát sau, Trần Thủ Độ và tả hữu rầm rập kéo vào nhà phương trượng. Nghe tiếng chân rậm rịch, Thái tôn đã đoán ngay điều gì sắp xảy ra. Tâm trạng nhà vua mênh mênh buồn. Cảnh Thăng Long lập tức hiện ra với bộ mặt đau khổ của Chiêu Thánh, với nỗi uất giận của Hoài vương, với lời đồn đại và sự khinh ghét của kẻ sĩ và dân chúng kinh kỳ, khiến nhà vua chán ngán đến rã rời. Trái với nhà vua, Khuê Kình mừng như mở cờ trong bụng. Dù có là chỗ thân tình và nể trọng đức vua, Khuê Kình cũng không thể náu mình ở chốn sơn lâm heo hút này được.

Thái sư dẫn tả hữu vào quì lạy đức vua và ra mắt Quốc sư.

Thủ Độ và các quan ra sức khuyên mời đức vua sớm trở lại triều đình. Nhà vua buồn rầu nói:

- Chí ta đã quyết ở nơi cửa Phật. Xin quốc phụ cùng bá quan chọn lấy người hiền để tôn phù lên ngôi quân trưởng.

Thái sư nói:

- Tôi chắc bệ hạ nhiều lần đi kinh lí, đi vi hành đều thấy lòng dân từ trẻ nhỏ đến các vị long lão5, không
một ai không trông đợi ở bệ hạ. Từ các vị cố lão trong triều đến các sĩ thứ trong nước, không ai là không hướng về bệ hạ. Thế mà nhà vua lại bỏ đi để mong thoả cái chí hướng riêng mình thì trăm họ bỏ cho ai, giang sơn rốt cuộc rồi sẽ ra sao?.

Tại sao bệ hạ lại bỏ muôn dân để vào trong núi tu Phật, mà không nghĩ rằng, có vì chúng sinh nên Phật mới trở thành Phật. Vả lại Phật là ở nơi tâm bệ hạ, chứ còn phải cầu tìm ở đâu?

Các quan cũng hết lời khuyên mời. Nhà vua vẫn một mực chối từ.

- Trẫm còn trẻ dại, không xứng ở ngôi để làm nhục xã tắc.

Thái sư cũng tỏ ra quyết liệt, ông nói:

- Nếu bệ hạ đã quyết ở lại đây, thì hạ thần xin đoan quyết rằng - Xa giá ở đâu, triều đình ở đấy. Nói rồi
ông xăm xăm cùng tả hữu đi chọn các nơi trong núi: chỗ này xây điện Thiên An, chỗ này xây các Đoan Minh, chỗ kia là Tiện Điện… rồi sai người gấp gáp xây dựng.

Quốc sư thấy vua tôi căng thẳng bèn nói:

- Xin bệ hạ gấp trở lại kinh sư, chớ nấn ná ở đây làm hại đến cảnh núi rừng của lão tăng.

Thái tôn gượng phải vâng lời quốc sư. Trước lúc chia tay, Phù Vân quốc sư nắm lấy tay nhà vua nói:

- Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm của thiên hạ làm
tâm của mình. Nếu bệ hạ thực lòng hiếu Phật, thì không gì bằng lo cho hạnh phúc của bách tính, giảm nhẹ hình án, chăm lo cây đức của mọi nhà mãi mãi sum xuê. Và nữa, sự tìm hiểu về nội điển, xin bệ hạ chớ nguôi quên.

Kể từ bữa ra đi tới ngày đón được xa giá về tới kinh sư, Trần Thủ Độ và tả hữu đã đi về mất đúng bảy ngày đêm.

Quan thái sư vừa về tới nhà, chưa kịp cởi khăn áo, Lê Tần đã có thư cấp báo:

“…Hoài vương Liễu họp một vạn quân ở phía ngoài sông Cái từ giờ tuất đêm qua. Tiểu tướng đã cho chẹn các ngã. Đánh hay giữ, xin chờ lệnh thái sư”.

============================

1. Khổng Tử làm tướng quốc nước Lỗ. Nước Lỗ mạnh, Tề sợ Lỗ mạnh sẽ chinh phục mình, bèn chọn gái đẹp dâng vua Lỗ. Mỹ nhân múa hát, Lỗ Định Công xem cả ngày không chán.

Tử Lộ bảo Khổng Tử: “Thầy nên đi thôi”, Khổng Tử nói: “Vua Lỗ sắp làm lễ tế giao, nếu nhà vua đem thịt tế đến cho các quan đại phu thì ta còn có thể ở lại”. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Khổng Tử bỏ nước Lỗ mà đi.

2. Trần Thủ Độ.

3. Nghĩa là vạn sự, vạn vật đều trở về với hư không - chữ của nhà phật.

4. Tức Phật Thích-ca.

5. Theo qui chế nhà Trần, con trai 18 tuổi gọi là “Hoàng nam”. 20 tuổi gọi là “Đại hoàng nam”. Người già
trên 60 tuổi gọi “Long lão” trên 70 tuổi, gọi là “Đại long lão”.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #75 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2010, 08:57:28 pm »

CHƯƠNG 25

Phu nhân dọn một tiệc rượu tẩy trần, nhưng thái sư không cho mời ai. Đức ông đang để tâm đến việc dẹp cho êm Trần Liễu mà không kinh động đến thiên hạ.

Rượu được vài tuần, phu nhân mới lựa lời hỏi:

- Vậy là ông đoán đúng hướng đi của nhà vua. Chả trách người ta bảo ông xét công việc như thần.

Trần Thủ Độ vẫn lặng yên suy nghĩ.

Phu nhân lại hỏi:

- Quan ông tới đó hoàng thượng có chịu về ngay không?

“Hừm” một tiếng, Trần Thủ Độ nói:

- Không định về. Nhà vua muốn ở lại Yên Tử để làm Phật. Thái sư bật cười khách khách. Điệu cười tỉnh táo
nghe như có cái hồn ma quái. Dứt tiếng cười, ông lại nói: - Bọn nhãi ranh thời nay có cái bệnh thích đi vào cõi bất tử!

Nhìn phu nhân với vẻ cảm thông, Trần Thủ Độ nói như là khuyên nhủ:

- Nhà vua đã trở lại điện Thiên An rồi. Mọi việc đâu lại vào đấy như cũ. Bà xem lựa lời an ủi nhà vua. Dù là vua, nhưng nó vẫn thích được an ủi. Mẹ nó mất sớm. Nó khao khát tình mẫu tử. Bà khéo chiều con, việc trong nhà nên làm thế nào bà cứ làm, để tôi còn rảnh tay lo việ bên ngoài. Con Thuận Thiên thế nào? Vẫn ở bên ấy chờ hoàng thượng, hay lại bỏ về bên này rồi?

Phu nhân nhìn chồng với vẻ biết ơn. Bà nói:

- Tôi đã hai ba lần đến tìm con Chiêu Thánh, nó đều lánh mặt không gặp. Tội nghiệp, tôi thương con bé quá.

- Ơ hay, tôi đã bảo cứ để cho nó ở tạm đấy. Gần nơi thờ phụng cha nó, nó yên được cái tâm. Với nó lúc này không xẵng được. Phải lựa để cho nó hồi cái tâm lại, không thì con bé điên mất. Nó giận bà lắm đấy. Nó cũng căm ghét cả tôi nữa. Thôi đừng chấp với trẻ nhỏ làm gì. À, nhưng tôi muốn hỏi bà về con Thuận Thiên kia mà.

- Vâng, con Thuận Thiên thì nói làm gì. Chịu rồi. Cũng hai ba lần cô ấy bỏ về bên này khóc lóc. Tôi giảng giải, nó đã nghe ra. Nó là một đứa con có hiếu. Mấy lại hồi ta ép nó phải lấy lẽ Phụng càn vương1 nó cứ ca cẩm mãi. Bây giờ ông biết nó lo cái gì không. Nó lo đức vua ghét bỏ ruồng rẫy nó.

- Ôi thôi, cái phần ấy thuộc về mẹ con bà. Trần Thủ Độ có ý không muốn nghe tiếp câu chuyện nữa.

Ngay đêm ấy, thái sư sai người đem hỏa lệnh tới châu Hồng, và vùng Bắc Giang thượng hạ, điều quân các lộ, chẹn đường rút của Trần Liễu ở phía bắc, phía đông.

Lại sai quân ở lộ Trường Yên chẹn phía Nam. Trần Thủ Độ quyết khóa chặt đội quân của Trần Liễu, không
cho tiến lui nửa bước. Ông cũng định phen này phải lột da Trần Liễu, để cho thằng cháu bất trị này biết tay ông.

Điều quân các ngả về vây chặt quân Trần Liễu xong đâu đấy, Trần Thủ Độ cho vời Lê Tần vào trong trướng, ông nói:

- Ta có lời khen ngợi tướng quân. Đất nước sẽ còn phải trông cậy ở những người như tướng quân nhiều lắm.

- Bẩm đức ông, tiểu tướng còn ít am tường về binh pháp.

- Cứ làm rồi khắc biết. Tướng quân còn trẻ, nếu có chí lo gì việc không thông hiểu. Nhưng thiếu gì kẻ lầu
thông binh pháp, nghe họ nói về kế sách cướp lương, đánh thành, diệt viện, dụng gián, phản gián dễ như trở bàn tay. Tưởng như phải liệt xếp họ vào hàng những danh tướng cổ kim. Ấy vậy mà cứ hễ cầm quân ra trận là thua, vì không bao giờ lừa được địch, dù chỉ là một mẹo nhỏ.

- Bẩm đức ông, Lê Tần hỏi – Bí quyết của nghề làm tướng là ở chỗ nào?

Trần Thủ Độ cười khẩy:

- Tướng quân thừa biết. Làm gì có bí quyết. Người ta đã viết sách dạy đến từng việc nhỏ nhất của người
cầm quân. Vậy mà tướng giỏi qua các đời, còn thưa vắng lắm; tướng quân có biết vì sao không? Là vì người làm tướng mà chỉ có dũng không thôi, là tướng ngu, hùng hục như trâu thúc đầu vào đá. Người làm tướng lại chỉ có trí không thôi là tướng hèn, suốt đời ba hoa cái lỗ miệng, chứ chẳng dám làm một việc gì. Loại đó, binh sĩ thường tôn làm bậc tướng đánh giặc mồm.

Bẩm thái sư, nếu có cả trí và dũng thì đã đủ chưa? Lê Tần mạnh dạn hỏi lại.

- Chưa đủ. Trần Thủ Độ khoan thai nói – Có cả trí và dũng mới chỉ đảm bảo cho viên tướng ấy không thua, chứ khó thắng, đại sự khó thành. Vì sao vậy? Là bởi nếu chỉ có trí và dũng thôi, người làm tướng dễ khắc bạc. Mà khắc bạc thì không được lòng binh sĩ. Đã không được lòng binh sĩ thì sao họ có thể tận tâm, có thể xả thân cho nghĩa lớn. Thành thử, một tướng giỏi phải hội đủ ba điều: nhân - trí - dũng. Trong đó nhân là điều quan yếu nhất.

Lê Tần định liều hỏi thêm một điều nữa cho rõ nhưng lại ngần ngại. Đoán biết ý Lê Tần, thái sư nói:

- Nếu có điều gì băn khoăn, tướng quân cứ hỏi. Ta không bao giờ để tâm đến những lời nói thẳng.

Được cổ vũ, Lê Tần định liều hỏi thêm một điều gì nữa cho rõ nhưng lại ngần ngại. Đoán biết ý Lê Tần, thái sư nói:

Nếu còn điều gì băn khoăn, tướng quân cứ hỏi. Ta không bao giờ để tâm đến những lời nói thẳng.

Được cổ vũ, Lê Tần mạnh dạn:

- Bẩm ….như đức ông đã gọi là đủ cả nhân - trí - dũng chưa?
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #76 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2010, 08:58:45 pm »

Chưa. Thái sư cười vui. Ta chưa đủ. Trí và dũng ở ta còn tạm được. Chứ nhân, ta còn thiếu. Còn phải tu chính nhiều lắm mới đạt tới cõi nhân.

Lê Tần buông một tiếng thở dài:

- Khó thật! Nghề làm tướng thật là khó.

Chợt nhớ mục đích của mình tới gặp thái sư là để hỏi cho rõ đối sách với Hoài vương Liễu, Lê Tần bèn thưa:

- Bẩm đức ông, tới lúc này chắc Hoài Vương tự biết không đủ lực chống lại triều đình, sao đức ông không
nới rộng vòng vây để Vương rút cho êm thuận?

Trần Thủ Độ cau vầng trán, khiến cho cặp lông mi xếch hẳn lên, mặt đỏ phừng phừng, ông dằn giọng nói:

- Các việc xảy ra trong điện Thiên An chắc tướng quân đã rõ. Việc ấy ta có lỗi. Đó là việc trong nhà. Nếu không thuận, Liễu cự lại ta. Đằng này Liễu bậy, biến việc nhà thành việc nước. Dẫu quốc vương cũng không được phép làm thế. Liễu đem quân áp sát kinh sư, là Liễu chống lại triều đình chớ đâu phải chống lại riêng ta. Thành thử, ta là tướng của triều đình, ta phải dẹp. Không. Không thể cho qua việc này được. Nếu dung túng như vậy, thì đâu còn là phép nước nữa.

Lê Tần thấy thái sư đang giận Hoài vương đến sôi máu, trong lòng cũng muốn giàn xếp việc này cho Trần Liễu nhẹ tội. Tần nói:

- Bẩm thái sư, cũng có phần là do triều đình cho các vương hầu được lập binh riêng… Lê tần không dám nói hết ý.

- Vậy thì tội của nó càng nặng. Nhà nước cho lập binh riêng là để các nhà quản lý, vừa làm ruộng vừa tập luyện cho tiện. Bớt phần đóng góp của dân. Dân càng sốt sắng cả việc nông lẫn việc binh. Khuyến khích như vậy, là phòng nước có hoạ xâm lăng, thì dùng đến. Chớ đâu phải cho các vương hầu lập thân binh, dân binh để làm loạn. Xin thề với tướng quân, nếu ta không lột da Hoài vương Liễu chuyến này để làm gương cho kẻ khác, thời ta sẽ ném bộ hình luật san định năm Canh dần (1230) vào lửa.

Cảnh ngộ của Hoài vương Liễu lúc này thật bi thảm. Gần một vạn quân ô hợp nằm chết dí ở ngoài sông Cái. Tiến lên nửa bước không được, lùi một bước cũng không xong. Đã hơn một tuần qua đi, tình trạng cứ mỗi ngày một xấu thêm. Nhất là lương thực cho binh linh. Cứ thế này kéo dài thêm một tuần nữa, binh lính đến chết đói mất. Nếu không, cũng phải giết thịt lẫn nhau mà ăn.

Hoài vương là một người thiển cận. Nghĩ gì lập tức làm ngay mà không xét đến hậu quả. Liễu thấy nhà vua bỏ kinh sư ra đi. Lại thái sư thống quốc cũng đi nốt. Tưởng đâu việc phòng bị sẽ sơ hở. Chỉ cần đem một đội binh nhỏ, là chiếm ngay được khu nội điện. Và tự lập làm vua. Ngôi quân trưởng trả về dòng đích. Thế là hợp lẽ.

Nhưng không ngờ, việc ra khỏi kinh thành của thái sư lại là một cái bẫy. Tả hữu đang cùng Hoài vương tính kế thoát thân. Liễu cũng tự biết, nếu ông chú đã ra tay, tức là sấm sét giáng xuống. Tới lúc này, không còn có thể nói chuyện gì với ông ta được nữa. Chỉ có hai con đường: một là quyết sống mái một trận, muốn ra sao thì ra. Hai là, tự trói mình ra hàng. Cân nhắc mãi, Liễu thấy cả hai đường dẫn tới chỗ chết. Nhất định ông chú sẽ không tha, không cho hàng.

Viên tì tướng hiến kế:

- Người duy nhất có thể cứu được chúa công lúc này là nhà vua. Tại sao chúa công lại không cầu cứu đức
vua. Nhà vua là một người khoan hậu, nỡ nào lại đi giết anh em trong nhà.

Trần Liễu “à” lên một tiếng như người ngủ mê vừa sực tỉnh. Chợt lại thấy khó, Liễu nói:

- Bốn mặt quân triều đình bủa vây không còn một khe hở. Có mọc cánh cũng chưa dễ gì bay đi được. Mà
dẫu có thoát, chưa chắc đã lọt được vào điện Thiên An.

Viên tì tướng lại nói:

- Tôi có một kế có thể dùng được. Xin chúa công thử xét.

- Người nói mau ta nghe.

- Trong quân tôi có một tên vốn làm nghề chài lưới, lặn cực giỏi. Y có thể ở lâu dưới nước tới nửa ngày.

Nhà nó ở ngay phường Yên Hoa, giáp với hoàng thành. Nó lại có ông bác ruột làm chân giám mã cho nhà vua. Tôi nghĩ, chúa công nên có một bức biểu cho đức vua. Tôi sẽ sai nó, nội trong đêm nay phải ngầm đi dưới nước, lọt được vào hồ Dâm Đàm. Rồi từ hồ Dâm Đàm nó tìm đường về nhà, không phải là chuyện khó. Nó sẽ đưa lá thư của chúa công, nhờ ông bác chuyển cho nhà vua. Việc hẹn hò thế nào tuỳ ý chúa công. Tình thế gấp lắm rồi đấy. Nếu không khéo thì chết cả lũ.

Trần Liễu thấy không còn diệu kế nào khác, bèn chấp thuận. Ông nói nhiều đến tình máu mủ ruột rà. Nỗi thác cô lại nhằm vào ông chú họ, tính tình khắc nghiệt, thô bạo. Nhất là việc ép duyên. Việc chia uyên rẽ thuý này làm cho tình cốt nhục phải tương tàn. Liễu nhắc khéo: “Hiền đệ phải lo xa. Phải có kế sách phòng bị ngay từ bây giờ. Kẻo mai đây …”

Hẹn ngày giờ, địa điểm và nhận dạng xong, Trần Liễu hạ bút viết: “Chúc Thánh thượng vạn an. Chúng thần khóc chờ bệ hạ rỏ máu mắt!”.

Quẳng bút ra, thở phào, Trần Liễu tự lấy làm bằng lòng với lời lẽ trong thư. Ông biết rõ người em của mình lắm. Bây giờ chỉ còn lo làm sao thư đến được tay Thái tôn, chứ không lo nhà vua bỏ ông. Nhìn viên tì tướng giây lâu, Liễu nói:

- Số phận ta với tướng quân là tùy thuộc ở người đưa bức thư này. Liệu tướng quân có tin rằng tên lính kia không phản lại chúng ta không? Nếu thay vì nhờ người giám mã, mà nó tự đem đến phủ thái sư thì sao?
Sau vài giây đắn đo, viên tì tướng nói:

- Bẩm vương, tôi không dám đoan chắc, vì lòng dạ con người lường sao hết được. Nhưng theo tôi nghĩ, lúc này cứ ngồi vẽ cọp ra mà sợ, thì chi bằng tự trói tay xin hàng là xong. Sự tráo trở là có đấy, nhưng tôi thiển nghĩ, nó thường xảy ra ở các bậc quyền cao chức trọng, hay tính toán đến sự mất còn. Chứ tên lính tốt kia, ở với vương hay ở với thái sư, thì nó vẫn là tên lính tốt, có gì mà nó phải so đo tính toán?
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #77 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2010, 09:00:53 pm »

Liễu dằn giọng:

- Thôi thì ta cũng liều với số phận …

Đọc thư xong, Thái tôn sững sờ. Nhà vua không còn giận Liễu nữa, mà chỉ thấy thương.

Nhà vua băn khoăn: “Bốn mặt quân bủa, làm cách nào huynh thoát khỏi trùng vây mà đến được nơi huynh hẹn. Lại nữa từ bữa ta ở Yên Tử về tới nay, nghe Khuê Kình nói, thái sư ngầm cho người giám sát ta. Hoặc là sợ ta lại bỏ đi. Hoặc là sợ ta về hùa với huynh trưởng chống lại Thái sư. Ôi, cái thân ta, trên đe dưới búa!”

Nhưng rồi nhà vua quyết: Tự ta sẽ làm việc này. Thân hoàng đế mà không cứu mạng được cho anh mình, còn sống làm gì nữa. Nói rồi Thái tôn xăm xăm đi đến cung phu nhân.

Thấy nhà vua đến đột ngột, phu nhân đon đả hỏi:

- Hoàng thượng đến thăm ta hay có việc gì vậy? Thái tôn hỏi luôn:

- Thưa lệnh bà, quốc phụ có nhà hay ở bên cung Thủy Tĩnh?

Nét mặt phu nhân thay đổi hẳn. Giọng bà thì thào:

- Không biết có việc gì cơ mật, mà mấy bữa nay ông ấy cứ sùng sục suốt ngày đêm. Đảo qua về nhà một
lát, lại đi ngay. Nhiều khi bỏ cả ăn. Ta xem, ông ấy có điều gì uất hận lắm. Sợ chú cháu lại bất hoà chăng? Không có chuyện gì chứ, phải không con? Bà thở dài – Mà chẳng biết anh cả dạo này đi đâu. Đã mấy lần ta sang bên phủ Hoài vương, thấy nói vương về thái ấp, chưa lên. Ta cũng cố khuyên can ông ấy quên các chuyện vặt đi, để tình chú cháu êm hoà. Giời ơi, sao ruột tôi cứ nóng sôi lên thế này. Lại nhìn sâu vào mắt nhà vua, phu nhân gặng hỏi:

- Có chuyện gì nguy ngập không con? Ta linh cảm … Ôi khốn khổ cái thân ta, suốt cuộc đời chưa lúc nào được yên ổn thân tâm. Nước mắt bà nhểu ra.

Thái tôn lựa lời để an ủi phu nhân:

- Thưa lệnh bà. Tôi đến đây là vì việc lệnh bà đang băn khoăn lo lắng. Hoài vương đang bị quốc phụ vây
chặt ở ngoài sông Cái. Tính mệnh của vương chỉ còn trong phút chốc. Lệnh bà chưa hay biết thật sao?

- Giời ơi, lại còn đến nông nỗi này nữa ư? Phu nhân nói chẳng ra lời - Vừa thoát được cái hoạ nội chiến, lại đến cảnh chú cháu trong nhà giết nhau!

- Chưa. Chưa giết nhau đâu. Nhưng nếu không ngăn lại kịp thì sẽ giết nhau. Thái tôn nói với vẻ đau lòng -
Thưa lệnh bà, nhà vua nói tiếp - Có một việc, tôi tha thiết nhờ lệnh bà hãy giúp tôi một tay. May ra tôi có thể hoá giải được nỗi lo của lệnh bà, và của chính tôi nữa. Ngày mai, tôi có việc phải đi khỏi kinh thành. Chỉ xin lệnh bà giữ dùm thái sư ở nhà từ giờ ngọ qua hết giờ mùi. Được như thế, việc cứu Hoài vương mới thực sự êm xuôi.

- Nhà vua nói thật, hay lại kiếm cớ xuất gia? Vương thượng ơi, ta van con, lúc này còn phải lo cứu lấy Hoài vương đã. Ôi ta sợ cảnh đầu rơi máu chảy lắm rồi.

- Xin lệnh bà yên tâm. Tôi đâu phải kẻ lòng lang dạ sói, chỉ biết sống lấy một mình.

Suy ngẫm một lát, phu nhân lại nói:

- Ta sẽ nghĩ kế để giữ ông ấy lại nhà. Nhưng con biết tính chú con rồi đấy. Phải lựa lời, và nhớ dặn Liễu đừng có căng với chú. Tính Hoài vương cứng lắm chứ không được như con đâu. Lúc này, cương lên là hỏng việc. Thôi con đi đi. Các việc khác, ta khắc lo được.

Sớm hôm sau, nhà vua đem theo thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình xuống lâu thuyền, để làm một cuộc nhàn du trên mặt sông Cái. Khuê Kình đã được lệnh sửa soạn thuyền bè và các đồ ăn uống cần thiết trong mười ngày. Lần này nhà vua đi trên chiếc Kim Phượng nho nhỏ. Chỉ có vài người tháp tùng đức vua, cùng hai chục tay chèo trải cứng cáp. Để tránh vùng hạ lưu gần kinh sư đang có biến, nhà vua cho thuyền ngược thượng lưu.

Mặc dù Khuê Kình là người thân cận, nhưng nhà vua cũng không hé lộ cho biết một điều gì trong chuyến đi bất chợt này.

Trong khi Thái tôn làm một cuộc nhàn du ngược sông Cái, thì thái sư thống quốc lại về nằm khàn ở nhà.
Phu nhân cũng chẳng phải mất công bày đặt trò này chuyện khác để kìm chân thái sư.

Ngay từ sáng sớm, Trần Thủ Độ đã nói với phu nhân:

- Đầu óc căng thẳng mệt mỏi quá. Bữa nay tôi nghỉ ở nhà. Bà xem nấu cho tôi một bát cháo lươn.
Phu nhân đã mừng thầm. Bà cho rằng phúc đức của nhà Trần còn vượng, nên trời không nỡ để cho người trong họ tàn sát lẫn nhau. Bà thầm khẩn tổ tiên nội ngoại phù hộ độ trì cho chồng bà thuần tính lại. Lúc đi ngang qua nhà bếp, bà còn giục bọn gia nhân nấu xong sớm để cho ông ăn, ông còn đi nghỉû. Bà thắp ba nén hương lên bàn thờ Thiên2! Bà xin Trời, Phật phù hộ cho chồng bà ngủ thật say từ giờ Ngọ, qua giờ Mùi tới tận giờ Thân để cho các cháu bà thu xếp mọi việc xong xuôi.

Khoảng đầu giờ tị, đám nội nhân đã làm xong các món ăn dâng thái sư. Đủ các kiểu nấu về lươn. Nào lươn
om củ chuối. Lươn tần với nước hầm gà, hạt sen, nấm hương, hoài sơn. Thịt lươn lóc ra ướp hành, tiêu, bóp nhuyễn với lòng đỏ trứng gà rán nhỏ lửa. Và cuối cùng là cháo lươn. Khác với mọi bữa, thái sư không uống một giọt rượu nào. Bữa nay, thái sư uống hết một nậm rượu thạch xương bồ. Nhìn chồng ăn uống ngon lành, phu nhân thấy lòng ấm lại. Bà tự nhủ: “Có nhẽ lâu lắm, ông ấy mới lại được ăn một bữa cơm thư thái”. Bà trách mình ít săn sóc tới ông. Đúng là ông ấy thích ăn lươn và một số đồ bể. Nhưng bà cứ phó mặc cho đám nội nhân. Ăn uống xong, Trần Thủ Độ lăn ra ngủ. ÔÂng ngáy, tiếng ngáy ran như sấm chuyển. Nghe tiếng ngáy của chồng, phu nhân hết đỗi yên tâm. Bà chắc là Trời, Phật đã chứng nghiệm. Cứ điệu ngáy này - Bà nhẩm tính - Ông ấy phải ngủ qua giờ Tuất chứ giờ Mùi giờ Thân đã dậy làm sao được.
Tiếng ngáy lúc đầu nghe lọc khọc khó chịu. Nhưng nghe lâu rồi quen. Như một nhịp ru toàn vần trắc. Quen tai, bà ríp mắt lại. Phu nhân vào phòng trong, và bà thiếp đi lúc nào không biết. Cũng khoảng thái sư vào bữa ăn trưa, Thái tôn khẽ vỗ vai Khuê Kình nói:

- Khanh cho thuyền quay lại. Ta không muốn đi nữa.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #78 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2010, 09:02:18 pm »

Khuê Kình răm rắp làm theo. Xuôi nước thuyền đi nhanh như chạy. Trước đây, Khuê Kình cứ tưởng Thái tôn là người cởi mở, nhân hậu, dễ gần. Nhưng từ mấy hôm nay sự thể lại khác, Khuê Kình có cảm giác, tâm sự nhà vua kín như một khúc gỗ. Thật là một con người khó hiểu. Chợt nhà vua đứng thẳng lên, bóng lùn tịt xuống dưới chân. Thái tôn tự biết lúc này đã chính ngọ. Thuyền đang đi vào điểm hẹn. Nhà vua bèn gọi thân vệ tướng quân lên mui thuyền, hỏi:

- Khanh có biết hôm nay ta đi vì việc gì không?

- Tâu bệ hạ, thần chỉ thấy bứt rứt ở trong lòng. Bởi không biết bệ hạ đi đâu, làm gì. Hình như bệ hạ đang lo tính một chuyện gì đấy. Thần chỉ cảm được chứ không thấy được.

- Đến nước này, ta cũng chẳng giấu khanh làm gì nữa. Số là huynh trưởng ta khởi binh làm loạn phía ngoài sông Cái, khanh biết cả rồi chứ?

- Dạ, biết. Không cứ gì hạ thần, mà người trong nước đều biết cả.

- Hiện thời thái sư vây ráo riết lắm. Tính mệnh của huynh trưởng muôn chết một sống. Huynh có đưa thư
cầu hoà. Nhờ ta dàn xếp. Huynh hẹn từ giờ ngọ đến giờ mùi, sẽ đón ta trên khúc sông này. Huynh đi bằng chiếc thuyền nan nhỏ, giả làm người đánh cá. Huynh sẽ chờ ta trong chiếc lều vịt bên tả ngạn. Từ đây, khanh nhìn kỹ giúp ta, xem có thấy chiếc thuyền nan và cái lều vịt.

- Phụng mệnh! Khuê Kình đáp gọn lỏn và căng mắt nhìn về hai bờ tả hữu dòng sông.

Phủ thái sư yên tĩnh lạ lùng. Chỉ có tiếng ngáy vang vọng. Tiếng ngáy cưa miết vào không gian. Bỗng im
bặt. Trời đầu hạ, cao vòi vọi. Nắng óng vàng như mật. Thái sư bừng tỉnh. Ông đưa mắt nhìn khắp nhà không thấy ai. Vội nhỏm dậy, thuận tay với thanh trường kiếm treo giá đeo vào người. Thái sư đi thẳng ra cổng ngoài. Ở đó đã có một mã phu với con tía mật đang chờ. Thái sư thoắt đã nhảy lên mình ngựa ra roi phi nước đại. Ra tới bờ sông Cái, sẵn có một đội thuyền đang chờ. Thái sư vừa leo lên thì cả đoàn thuyền hối hả lao đi. Ngồi trên thuyền, thái sư thầm khen Lê Tần là một tướng giỏi. Y điều hành công việc đâu vào đấy. Thuỷ, bộ phận minh. Quân cơ nghiêm chỉnh. Đi đứng kỷ cương. Tiến lui nhịp nhàng. Thật chẳng khác gì một viên đại tướng đã dạn dầy chiến trận. Thái sư vẫn áy náy, chưa có dịp nào thuận tiện, để đưa Lê Tần vào cương vị cao hơn, cho xứng với tài đức của Lê.

Trần Phủ Độ nhắc viên tì tướng phải quan sát thật kỹ phía thượng lưu, thấy dấu hiệu gì khả nghi phải báo ngay cho ông. Chẳng mấy chốc, quân vào bẩm: “Đã trông thấy thuyền ngự”. Thái sư lấy làm hài lòng, bảo tả hữu truyền cho ba quân phải đi nhanh về phía thuyền ngự.

Thuyền thái sư và thuyền ngự đi ngược chiều, nên khoảng cách thu ngắn lại rất nhanh. Có người đã nhìn thấy cánh thuyền nan, bơi từ phía lều vịt bên bờ tả ngạn, về phía thuyền ngự. Trần Phủ Độ đứng oai nghiêm trước mũi thuyền. Ông ra lệnh phải theo sát chiếc thuyền con, không cho trốn chạy. Chỉ còn non một dặm nữa là tới thuyền ngự. Nhà vua cho dừng thuyền lại chờ chiếc thuyền nan, chứ không đi về phía hạ lưu nữa. Tới lúc chỉ còn vài chục trượng thì chiếc thuyền nan đã áp sát thuyền ngự. Một người dong dỏng cao, đội nón lá, vận quần áo dân chài leo lên thuyền ngự. Vừa lúc thuyền của Trần Thủ Độ cũng áp sát thuyền vua. Ông hô lớn:

- Giết chết thằng giặc Liễu! Vừa nói, Trần Thủ Độ vừa rút kiếm nhảy lên thuyền vua, toan xông vào chém Liễu.

Thái tôn vội đẩy Trần Liễu vào trong khoang, rồi lấy thân mình che cửa, đỡ cho Liễu. Vua hổn hển nói với thái sư:

- Thưa chú, Phụng càn vương đến hàng đó.

Thủ Độ mặt đỏ phừng phừng đầy căm tức, quẳng thanh kiếm xuống sông, mắng:

- “Ta không phải con chó săn của anh em nhà ngươi. Các ngươi dám cả gan khinh nhờn phép nước”.

Thái tôn trong lòng chưa hết lo sợ. Vội nói giải hoà cho thái sư nguôi giận. Nhà vua hứa:

- Cháu sẽ đuổi Liễu về ấp Yên Phụ. Và không cho tham gia chính sự. Không cho lập các đội dân binh nữa.

Trần Thủ Độ vẫn bừng bừng lửa giận, không nói một lời nào. ÔÂng trở lại thuyền mình và cho quân lui về
kinh sư.

Trần Liễu đã về hàng. Đại quân của Liễu tự tan. Trần Thủ Độ cho đón bắt các ngả, giết không biết bao
nhiêu mà kể.

Từ đấy Liễu an phận thủ thường nơi thôn ấp, chứ không dám hầm hè tranh đoạt gì nữa.

=========================

1. Chức quan của Trần Liễu dưới thời Lý Huệ tôn.

2. Bàn thờ lộ ngoài trời. Thờ thần Trời.

Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #79 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2010, 08:34:09 pm »

CHƯƠNG 26

Từ ngày lui về ở mấy gian nhà tuềnh toàng cùng khoảnh vườn nhỏ cạnh ngôi chùa cổ, Chiêu Thánh thấy lòng dịu lại. Nàng tu niệm chẳng khác gì kẻ đã xuất gia. Cũng áo nâu sồng, khăn nâu trùm kín cả mái đầu. Sớm sớm thức dậy đọc kinh, chiều chiều lại kinh kệ chuông mõ, đủ lệ bộ y hệt một đệ tử Phật. Ngoài hai buổi kinh kệ, Chiêu Thánh và Trịnh Huyền còn cuốc đất trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa.

Sống ngay cạnh kinh kỳ, nhưng Chiêu Thánh không bao giờ để ý hoặc tới lui, thăm viếng hoàng cung. Đôi khi thái sư phu nhân có cho người đến thăm hỏi, nàng cũng không tiếp. Gởi quà cáp cho, nàng cũng không nhận.

Một sớm Chiêu Thánh đang hái dâu, Trịnh Huyền đi chợ về, chạy ùa vào nhà với dáng vẻ hớt hơ hớt hải, mặt mày tái mét:

- Hoàng hậu ! Hoàng hậu! Trịnh Huyền gọi, giọng lạc hẳn đi.

Nghe tiếng gọi hốt hoảng, Chiêu Thánh vội buông cành dâu hái dở chạy về sân:

- Gì vậy, Huyền ơi! Chị đây mà! Chị đây, Huyền ơi.

- Giời ơi, khiếp quá, thưa hoàng hậu.

- Trịnh Huyền, chị đã nói với em bao lâu nay rồi. Rằng không có hoàng hậu nào ở đây cả. Chỉ có hai chị em
mình, mà em cứ thủ lễ quá đáng. Chị đã bảo là đừng có gọi chị là hoàng hậu nữa, nhớ chưa?

- Dạ, em nhớ rồi ạ. Nhưng bỗng dưng thay bậc đổi ngôi, em thấy nó thế nào ấy.

- Tâu … À quên, thưa chị Chiêu Thánh, người ta giết, bêu không biết bao nhiêu là thủ cấp ở chợ Cầu Đông.

- Cái gì, Chiêu Thánh sợ thót người, hỏi lại - Em nói cái gì ở chợ Cầu Đông?

- Đã bảo họ giết người, eo ơi khủng khiếp lắm chị Chiêu Thánh ơi.

- Giời ơi, em nghe ở đâu những chuyện ghê rợn thế ?

- Không phải em nghe, mà em thấy cơ man nào đầu lâu người, bêu la liệt ở chợ Cầu Đông ấy.

Chiêu Thánh rùng mình bưng mặt, hỏi thêm:

- Vậy chớ em có biết sự thể ra sao không?

- Đúng là chị em mình ở đây như ở trong một cái hủ đậy nút kín, chị Chiêu Thánh ạ. Ngoài đời náo loạn thế,
mà chị em mình chẳng biết gì cả. Em nghe nói nhân lúc nhà vua bỏ kinh thành đi, thái sư cũng theo đi tìm
nhà vua, thế là ông cả Liễu họp hương binh gần một vạn đứa, kéo về sông Cái, định đánh úp kinh sư. Tướng Lê Tần chặn lại. Đến lúc thái sư về, ngài mới xiết chặt vòng vây. Hoài vương phải lẻn trốn ra hàng. Thái sư định đâm chết, may có nhà vua che đỡ cho.

- Ừ, những chuyện ấy chị cũng đã biết.

- Làm sao mà chị biết được? Chị biết mà chị lại giấu em à?

- Chả là bữa trước chị sang chùa dâng hương, hoà thượng cho chị biết tin như em nói đấy. Chị còn được
biết là ông Cả đã bị giáng chức đuổi về ấp Yên Phụ. Được thêm các ấp Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Bang gì đó để làm thực ấp. Em trách chị làm gì. Chị chẳng có bụng nào lại giấu em. Bởi nó có phải là tin vui, tin lành gì đâu. Nói làm em thêm buồn. Chị thì chị chán ngấy những cái chuyện nhàn cư sinh nhảm ở trong cung lắm rồi. À, vừa rồi em nói chuyện gì chết chóc ấy nhỉ?

- Chị mà trông thấy cảnh đầu lâu bêu ngoài chợ, chị phải chết khiếp. Eo ôi, đầy một chợ, chỉ có quạ mấy đầu lâu thôi. Lính nhan nhản đầy đường. Em sợ quá, phải chạy vào chùa Cầu Đông. Sư cụ bảo đấy là lính của ông Cả làm loạn, đức ông Trần Thủ Độ bắt về giết bêu đầu để răn kẻ khác. Sư cụ nói, nước mắt chảy ròng ròng. Cụ đang lo làm lễ cầu siêu cho những người lính bị chết oan.

- Nam mô A-di-đà-Phật! Chiêu Thánh chắp tay niệm Phật, mắt nhắm lại như cố tránh không muốn nhìn lại cảnh đời tàn ác.

- Nhưng mà chị Chiêu Thánh ơi, làm sao con người lại ác với nhau đến thế? Em cứ nghĩ, đến loài vật nó cũng không giết nhau như vậy. Thuở nhỏ, ở nhà em có đàn gà đen mới xuống ổ, mấy con cuốc con mất mẹ, theo lẫn cả trong đám gà con, gà mẹ bao dung nuôi hết. Lớn lên, cuốc lại lủi ra bụi, ra bờ sinh sống. Trâu, bò, chó, gà đều có hục hặc nhau, húc nhau, cắn nhau, chọi nhau chí choé một lúc xong rồi thôi. Em chưa thấy chúng đánh nhau đến chết bao giờ. Khác với loài vật, con người cứ rình rập nhau đến cùng để giết nhau, ghê tởm quá, chị Chiêu Thánh ạ.

- Nhiều lúc chị cũng muốn bỏ quách chốn này mà đi lên núi ở ẩn. Sống đời trong lặng với cỏ cây, muông thú.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM