Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:20:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây tiễn viễn chinh  (Đọc 52415 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2008, 07:18:18 pm »

19-9-1979

Do mấy ngày đi truy quét vừa qua bị lâm (thấm) nước mưa vào người, nên tôi mắc bệnh cảm cúm, đau rã rời từng khớp xương. Sáng qua tưởng đã dứt. Đi đào giếng cho anh nuôi, trưa về đau lại còn nặng hơn mấy ngày trước. Cảm cúm đã đừ người lại cộng thêm cơn rét. Tôi cố dậy đun nồi nước để xông và vào ngồi gần sát bếp lửa để sưởi. Mồ hôi bên ngoài cứ tuôn thấm ướt cả áo nhưng sức nóng của lửa cũng không làm tôi ấm được như mong muốn.


Xông xong, cơn rét biến mất, cơn sốt lại mò đến như chờ sẵn. Tuy vậy tôi vẫn đắp chăn kín người cho nó ra hết mồ hôi. Tôi thiếp đi lúc nào không biết, tỉnh dậy cơn sốt cũng giảm, nhường chỗ cho cái đau đầu quái ác. Đầu tôi như đang bị đè bởi một trọng lượng quá nặng, sắp sửa bị nứt đôi. Tôi lắc nhẹ đầu, tưởng chừng khối óc tôi không còn cái gì giữ lại nữa. Nó lỏng lẻo và quay tròn, mỗi một cử động nhỏ đều làm cho tôi đau nhức không sao chịu được. Tôi nằm im hai tay ôm cứng lấy đầu như sợ nó vỡ. Tôi chả muốn rên một tiếng, nhưng sao cái miệng cứ "hừ hừ” mãi, làm cậu Quang ngủ không được, quát om lên!


Đau cái đầu cả buổi chiều qua đến sáng hôm nay mới bớt nhưng chưa hết hẳn. Tôi cố gắng dậy, làm mấy việc lặt vặt cho bản thân và giúp mấy đứa bạn đang còn sốt như xếp mền, mùng, nấu nước uống, nấu lá xông v.v.. Cái bệnh sốt rét đã ghé thăm đơn vị tôi khá nhiều riêng tiểu đội tôi ở có năm anh em đã nằm hết bốn. Thương nhất là cậu Đại Bảng, sốt đến độ bỏ cơm bỏ cháo và nằm liệt cả ngày.


Hôm qua lúc trưa tôi cũng sốt, đắp mền nằm tôi suy nghĩ thật nhiều. Giá như bây giờ mình đang sống bên mẹ, mình sẽ không hiu vắng đến thế này. Mẹ sẽ săn sóc, cháo cơm. Mẹ sẽ ép mình ăn cho bằng được những thứ mà mẹ nấu: "Cố ăn đi con! Ăn cho chóng khỏi?". Ôi tình mẫu tử sao thiêng liêng quá, bây giờ tôi mới thấy thương mẹ hơn lúc nào hết!


Tôi suy nghĩ qua Bảng. Nếu Bảng ở nhà thì cũng chả khác gì tôi. Tôi thấy thương Bảng ghê. Tôi sợ trong cơn sốt Bảng sẽ suy nghĩ và tủi thân sẽ tăng thêm bệnh trạng, trở thành sốt ác tính mất. Lúc còn học ở trường Hạ sĩ quan, có một đồng chí ở cùng trung đội với tôi bị sốt, nằm một mình vì buổi sáng anh em phải ra thao trường, trưa về mệt anh em lại ngủ. Nói chung vì điều kiện, hơn nữa lúc mới vào trường kẻ xa người lạ chưa quen thân nên anh em ít thăm hỏi qua lại. Đồng chí đó trở nên suy nghĩ và tủi thân, bệnh tình do đó tăng lên trở thành sốt rét ác tính. Buổi trưa mọi người đang ngủ, đồng chí bật khóc và gọi "Mẹ ơi!" Ai tới hỏi han và dỗ dành đều bị một cú đấm hay một vật gì quanh đó bay vào người. Tôi sợ Bảng cũng vậy, đã một ngày không ăn gì rồi. Tôi ngồi dậy lấy cháo khuấy đường cho Bảng. Cậu ấy không ăn được. Tôi khuyên mãi, cố vận dụng đầu óc tìm những câu văn mềm mại, trìu mến và chí lý như lời một người mẹ hiền từ, nhưng không thành công. Bảng gọi tôi hoà ít nước đường để uống. Muốn cho Bảng uống được nhiều tôi hoà đầy chén. Không đồng ý, Bảng sừng sộ với tôi.


Lúc đó tôi ức lắm, nước mắt muốn trào ra, nghĩ mình cũng đã hết sức với bạn như vậy mà bạn còn sừng sộ mình nữa. Nhưng tôi vẫn cố nhịn, chỉ khuyên Bảng một câu để Bảng hiểu và tươi cười như không có gì xảy ra (giá như lúc bình thường như mọi ngày tôi không chịu nhịn đâu). Bảng bưng chén uống không được, tôi tự tay bón từng thìa. Chẳng hạn lúc ấy Bảng ói ra trên chiếu hay giải bây ra, tôi cũng sẵn sàng lau chùi sạch sẽ cho bạn. Săn sóc một người bạn lúc đau yếu, để họ không thấy mình bị lẻ loi giữa lúc xa vắng người thân là điều nên làm mà.


Hôm nay mặc dù cái đầu chưa hết giày vò, nhưng tôi không đắp mền nằm nữa. Tôi dậy để làm giúp mấy đứa bạn còn đang nằm, nấu lá xông, cạo gió v.v… Tôi nghĩ rằng tình bạn, tình đồng hương, tình đồng chí đều thể hiện ở những lúc này. Lúc khỏe mạnh, lúc có đồ ăn thì quấn quít. Nếu đồng hương mà lúc gặp khó khăn thì lảng tránh, lúc đau yếu thì giả lơ, thì đó là điều tồi bại nhất? Con người ấy đáng phỉ nhổ và ghê gớm hơn thứ đồ mà người ta ghê gớm nhất trên đời.


Không phải là tôi làm giúp được chút ít việc cho bạn, rồi tôi sinh ra chê bai những kẻ ấy. Tôi xin thề là tôi không bao giờ như thế. Cái đẹp tôi thật lòng khen, cái ơn lúc nào tôi cũng nhớ. Tôi làm hộ bạn chẳng mong muốn bạn trả ơn lại tôi. Nhưng tôi làm đó là trách nhiệm của lương tâm tôi, trách nhiệm của một người khỏe đối với một người đau và đó là tình đồng chí. Nghĩ vậy nên tôi sẵn sàng làm giúp bạn.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2008, 07:19:01 pm »

25-9-1979

Không hiểu sao mà cơn sốt cứ ám ảnh tôi mãi. Sốt vừa dứt, cái đầu còn nặng trĩu lại chuyển qua nhức đầu rồi lại sốt... Cứ thế, nó xoay vần khiến tôi phải bỏ cơm cháo mấy ngày liền. Đến hôm nay tuy đã bớt bớt, nhưng tôi vẫn chưa ăn được cơm và cái đầu còn nặng trĩu, cộng thêm cái mông đau nhức vì cậu y tá vừa tiêm mũi kí ninh...

Khí hậu ở đây độc quá, cả đại đội tôi đều nằm liệt chỉ còn vài ba người là cơn sốt chưa "hỏi thăm".

Nhớ lại mấy lần lên cơn sốt rét mà tôi ớn mãi. Nó lạnh như không có gì làm cho ấm được. Tôi chui vào bếp sưởi, mồ hôi bên ngoài vã ra như tắm nhưng chẳng thấy ấm. Có lúc lên cơn sốt giữa đêm, tôi mặc hai chiếc áo, đắp lên mình cả tăng, võng, mùng... thế nhưng vẫn nằm run suốt đêm không ngủ được. Lần này là lần sốt nặng nhất của tôi và nó cũng kéo dài trên mười ngày. Quần áo nhớp nhúa tôi thay ra còn để nguyên một đống. Thân hình hôi hám, nhưng mệt quá tôi chưa thể đi tắm được.

Lúc này đây tôi mới thấy thương mẹ tôi hơn bao giờ hết. Giá như có mẹ bên cạnh những khi tôi sốt như vầy mẹ sẽ lo âu ghê gớm. Tôi sẽ có người cơm cháo, thuốc thang. Bây giờ khi tôi nằm xuống chẳng ai nấu cho tôi nồi nước lá xông. Có hôm tôi khát nước quá mấy cái bình tông lại khô ran... Mấy đứa bạn đi chơi đâu hết, tôi chẳng biết làm sao để có miếng nước uống cho đỡ khát. Tôi đâm ra tủi thân ghê.


30-9-1979

Mấy ngày qua trời cứ mưa hoài. Mưa cả ngày lẫn đêm, đến hôm nay vẫn chưa dứt. Cả con đồi đơn vị tôi chết bị ngập trong mưa. Trời bên ngoài không lạnh lắm, nhưng tôi chả buồn đi đâu. Đến việc đi xuống nhà bếp bưng cơm về ăn cũng là mấy thằng bạn giúp. Đơn vị tôi đặt chân đến đây gần một tháng rồi, chưa đầy một tháng mà sao tôi thấy nó lâu quá. Bây giờ mới tháng 9 mà tôi cứ ngỡ đang sống trong tháng 10.

Tôi chính thức hết sốt đâu hôm 27-9. Đến hôm nay thì cả đơn vị tôi cũng chẳng còn ai sốt nữa. Cơn sốt có lẽ đã đi qua. Từ hôm lên đây đến nay có lẽ do khí hậu, thời tiết khác thường, người tôi đâm biếng ăn
ghê. Nói chung thì trong A tôi ai cũng thế, bữa cơm nào cũng thừa rất nhiều. Đâu phải là không có đồ ăn, đơn vị vừa phát cho mỗi người 1 kg mì, trứng, 3 hộp cá, 1 kg đường, 1 hộp sữa, 6 người là 6 kg mì trứng, 18 hộp cá. Bữa ăn nào cũng có mì xào với cá hộp, thế nhưng ăn cũng chả được cơm bao nhiêu. Mỗi bữa tôi chỉ ăn được vài chén lưng lưng, ăn tiếp không vào nữa. Lúc còn ở Mung, cũng tiêu chuẩn như vấy, lại chỉ ăn với nước muối mà bữa nào ăn tôi thấy nó ngon là ngon sao, ăn xong lại đói. Chẳng bù lại với bây giờ là gì.

Không hiểu địch hiện nay hoạt động ra sao? Tôi nghe đơn vị quán triệt dữ lắm, nào là đào hầm tránh máy bay, nấp pháo lớn, v.v… Địch đã đưa về vị trí đứng chân của E tôi một sư đoàn, hiện đã áp sát quân ta, v.v... Địch tập kích K3 có cối 82, v.v…

Những tin tức không mấy hiền lành đã ùa đến, khiến tôi lo lo. Đêm đêm ngồi gác, cặp mắt, đôi tai tôi lại căng thẳng hơn những đêm trước. Đầu óc cứ nghĩ suy mông lung. Tôi lại dựng lên những tình huống quá phức tạp đến với đơn vị tôi. Nếu như địch dùng một lực lượng mạnh đánh vào chốt tôi, sẽ như thế nào? Tôi suy nghĩ rồi cũng tìm ra phương pháp cho tôi: sẽ cùng anh em chống cự đến cùng rồi sẽ hay. Nghĩ như vậy nhưng tôi cũng đăm chiêu và hồi hộp không ít, vì từ

khí tôi đến và ở đây địch chưa đánh vào đơn vị tôi lần nào. Rồi đây sẽ ra sao? Thôi kệ, ra sao thì ra, ta cũng phải đánh. Chỉ có thắng, mất chốt là chết. Đất của địch biết chạy đường nào?

Hôm qua, mất một ngày quên ăn quên ngủ, mới nới rộng thêm ra được khúc nhà. Bây giờ cũng thoải mái đôi chút, có đâu như mấy hôm trước, 7 đứa ở cái nhà tí xíu không chỗ chen chân, mưa xuống là bực bội không chịu được. Nhất là tối ngủ chỉ được treo chiếc mùng vừa bằng con người, khổ không chịu được
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #42 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2008, 07:19:47 pm »

5-10-1979

Buổi chiều, mệt đừ người vì phải đào cho xong cái hầm chữ A một cách khó nhọc. Đôi tay tôi đã nổi lên mấy cái bọng nước, khiến mỗi lần cầm cái cúp để đào nỗi đau đớn khiến tôi nhăn nhó khó chịu. Thế nhưng bây giờ thì tôi cũng vui vui đôi chút rồi, đã xong một cái hầm, chỉ còn một cái nữa. Cái hầm này khiến tôi lo nhất, đất trên đồi cứng quá, mỗi lần cái mỏ chim nhọn hoắt mổ xuống lại tạo nên những âm thanh cong... cong... như va vào sắt, ê tai.

Không hiểu Nhà nước ta nhận định quân địch này như thế nào, mà ổng triển khai nghe cũng ớn lắm. Địch có thể dùng các cỡ pháo lớn, đôi khi còn có máy bay để tấn công ta? Đơn vị ta chốt giữ nơi đây dù tình huống thế nào đi nữa cũng phải đứng vững? Muốn được như vậy các đồng chi phải đào hầm kèo toàn bộ, phải đào giao thông hào liên hoàn, v.v… Nghe qua cũng ớn, bây giờ có cái hầm rồi thấy đôi chút yên tâm.

Tối tối, ngồi gác nghe con le le đánh ven bờ rừng chẳng hiểu thế nào. Tôi đã đi qua nhiều nơi trong rừng, rút ra được kinh nghiệm là: Hễ con le le đánh nơi đâu, là nơi ấy có cái gì động đậy, khiến chúng giật mình bay lên kêu inh ỏi. Nên mỗi khi nghe tiếng le le kêu ngoài bìa rừng, là tôi có cảm giác như địch đang áp sát vào chết. Đang chuẩn bị để đánh chốt tôi. Tôi lại ngồi im hơn, đôi mắt nhìn căng và đôi tai cố nghe có tiếng động gì khác chăng? Thằng địch có liều mạng bò vào gần đây không? Suốt phiên gác cứ suy nghĩ vu vơ, để hết một giờ ba mươi phút gác, tôi lại vào ngủ ngon. Quên đi hết mọi việc.

Đời lính chiến ngoài cái gian khổ, sống chết ra, còn có cái hồi hộp và lo âu, có khi quá độ làm mất ăn mất ngủ, nhưng ở đây thì chưa đến nỗi như vậy. Thằng địch ở đây còn yếu. Tôi đâu ngán. Nếu nó vào, tôi sẵn sàng đánh trả. Nhưng tôi cứ lo lo mãi, ngày nào nó sẽ đánh tôi phá giấc ngủ ngon lành của tôi?


6-10-1979

Trên chốt Tà-nghèn.
Kỷ niệm ngày tròn tuổi quân?

Hôm nay ngày 6-10-1979, tôi ghi vội vài dòng để kỷ niệm cái ngày tôi vừa tròn một tuổi quân hay nói cách khác là một năm dài của lính.

Cũng vào cái ngày này năm ngoái, tôi nói tiếng giã từ mẹ, giã từ bạn bè, giã từ thành phố, giã từ tất cả những kỷ niệm của tuổi thơ, những giọt nước mắt rơi rơi, những lời nói thân yêu đầy xúc động và quyến luyến. Để rồi tôi bước chân ra đi, chia xa với cảnh vật, chiếc áo chiếc quần và những đêm trăng mơ mộng.
Ngày ấy, tôi trở thành người lính trong cặp đồ xanh màu lá, cái ngỡ ngàng bước đầu rồi cũng xa dần với tôi. Tôi dạn dĩ và quen thuộc, núi rừng, súng đạn, không còn là kẻ xa lạ với tôi. Tôi dần quen với tháng ngày xa nhớ, quen với quân trường nắng đất, với bài học chính trị, bài học quân sự, những bài chiến thuật bộ binh...
Thời gian lại âm thầm trôi qua, những ngày tháng nơi quân trường cũng không còn nữa, tôi bắt đầu đi xa, tạm biệt phố cảng.

Tôi đến thị xã Buôn Mê chuột, cuộc chiến bùng dậy, đất nước bạn nhuộm màu tang, Cam-pu-chia ngập tràn máu lửa. Vì hòa bình và hạnh phúc của mọi người, tôi đã sang đây. Từ đó, đôi chân tôi bước theo tiếng súng, đôi mắt tôi được nhìn cảnh lạ, người lạ. Tôi lại tiếp bước... Cho đến một hôm, tôi về lại trên đất nước có dáng hình chữ S. Tôi qua Thanh An, qua Pleiku. Tôi dừng lại Phú Tài, Quy Nhơn, Nha Trang rồi đến Biên Hòa... Tôi rong chơi mặc sức cho thỏa thích những ngày tháng nơi rừng núi thâm u, cho quên đi tháng ngày sắp đến.

Những ngày rong chơi nó ngắn ngủi quá. Tôi phải từ giã nó, phải ra đi mang theo cả bầu trời quyến luyến. Sài Gòn xa dần trong mơ, tôi bước sang Trung đoàn 812 đi về hướng Bat-tam-băng-nơi có nhiều nỗi đau khổ của người dân ở đó. Từ đấy, tiếng súng quen dần tai tôi. Đường hành quân nối tiếp những cánh rừng dài thăm thẳm, chiều mưa rơi ướt đẫm chiến y, giọt mồ hôi mặn rơi dài theo bước hành quân. Tôi biết khổ biết rất nhiều những gì gian nan của đời lính.

Đôi mắt tôi dần quen với cảnh vật lạ mắt người, một bãi xương người trong ừng sâu, thằng địch đầu hàng với gương mặt nhợt nhạt. Đôi tai tôi dạn dĩ với những tiếng nổ ghê hồn và còn đôi chân đã in dấu trên nhiều chặn đường dài gian khổ. Vai tôi đã chai dần và quằn xuống với khẩu cối 60. Bộ chiến y ngày nào còn thắm xanh màu lá bây giờ đã đổi màu, sờn rách đôi vai và hiện lên nhiều mảnh vải lạ.

Một tuổi quân của tôi là một chặng đường tôi đi bằng gian khổ và mồ hôi.

Hôm nay tôi dừng chân lại nơi đây, đất Tà-nghèn có màu đỏ như máu. Tôi đang giữ chết và chiến đấu Ngày kỷ niệm của tuổi quân tôi chợt đến nơi tiền đồn hoang vắng, khiến tôi có nhiều suy nghĩ và cảm tưởng lúc chưn lúc nổi, chính tôi cũng khó hiểu về tôi.

Tuổi quân tôi đã tròn, một đoạn đường ngắn đời lính của tôi đã đi qua. Tôi tự hãnh diện cho tôi, cho đôi gót nhỏ bong nước, thay da và rắn chắc hơn, chưa chùn bước lần nào trước đoạn đường dài.

Một tuổi quân đã tròn, tôi sẽ cầu mong cho tôi dạn dĩ, cứng cáp hơn, bước đi những bước quân hành vững chắc.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #43 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2008, 07:20:27 pm »

10-10-1979

Kỷ niệm để không quên ngày tôi cất tiếng khóc chào đời, không có quà bánh, không có ly rượu nồng hay tấm thiệp mời vàng, xanh, đỏ, tím. Trên điểm cao biên giới nghèo nàn, buồn tẻ. Ngày sinh nhật của một thằng con trai sinh ra từ đất Quảng, mang cái tên Chiến, chợt đến bất ngờ làm nó càng buồn thấm thía hơn.
Đêm nay, trăng hạ tuần còn mải mê nơi thành đô vui nhộn. Đã hơn tám giờ, con đồi vắng còn chìm đắm trong màn đêm. Tụi bạn của nó đã vào màn hết, chỉ còn có nó đang thức bên quyển nhật ký và cây viết quen thân. Nó đang dồn hết suy tư, cố ôn lại, cố nhớ lại những gì của nó.

Ven đồi, tiếng côn trùng đang gào thét, rên rĩ...

Tôi viết vào trang nhật ký này mấy dòng đề lưu niệm ngày tôi cất tiếng khóc chào đời. Gọi là kỷ niệm ngày sinh nhật của tôi. Nhưng không hiểu bây giờ tôi đang vui hay là buồn? Nên vui thì đúng hơn. Ở thành phố mọi người đều kỷ niệm ngày sinh nhật của mình bằng những bông hoa hồng, bằng những nụ cười và lời chúc tụng đẹp đẽ nhất. Ngày sinh nhật là niềm vui của một người được sinh ra dưới bầu trời, được sống và hưởng thụ những gì của con người trên thế gian. Thế nhưng có ai là kẻ sinh ra không cất tiếng khóc chào đời? Mà sao lại là khóc chào đời? Rõ oái ăm thay, chắc lại có điều gì uẩn khúc lắm đây! Tôi không hiểu vì sự suy nghĩ của tôi quá bé thơ. Tôi không biết vì không ai bảo để tôi biết...


Ngày ấy, đất trời và loài người chẳng có gì đổi thay, cậu bé con cất tiếng khóc chào đời. 30 ngày trôi qua, cha mẹ cậu theo lệ cổ xưa cũng tạ lễ ông bà bằng đĩa xôi, nải chuối. Cậu có thêm cái tên "Chiến" đẹp đẽ và oai hùng không kém gì những cái tên khác. Ngày tháng trôi qua, cậu lớn dần, biết gọi mẹ, biết đi, biết hờn dỗi để đòi quà.


Xuân nói tiếp xuân, chả mấy chốc 5 mùa xuân trôi nhanh qua, cậu bắt đầu làm quen với sách vở. Tuổi học trò dìu cậu đến trường, vui cùng bạn bè lứa tuổi với những trò chơi vui nhộn, nghịch ngợm, phá phách, vô tư.

Mùa hè qua mau, xác phượng rơi đầy sân trường át tiếng ve than. Màu áo trắng thư sinh vấy mực vì đùa nghịch với bạn bè cũng dần trôi qua. Tủ sách ngày thêm nhiều, cậu đã lớn, cậu nhìn xác phượng rơi sân trường không là những cánh hoa màu đỏ tiếng ve than không là thú vui tai. Cậu biết buồn vào những đêm mưa, nụ cười nở trên môi cũng giấu thêm một chút gì e thẹn. Cậu biết ngại ngùng mỗi khi đứng trước mặt người con gái cùng lứa tuổi. Ôi cái tuổi đáng yêu, cậu thấy trái tim rộn ràng từ đó...


Mùa hè qua mau, cậu từ giã sân trường, từ giã màu áo thư sinh, chập chững bước vào đời với con mắt ngỡ ngàng. Cậu đã đổi thay để phù hợp với cuộc sống, cặp đồ xanh công nhân đã nhuộm màu đời, cậu dạn dĩ hơn lên. Cậu biết yêu, cậu yêu một người con gái có đôi môi mọng chín, nụ cười dễ yêu làm sao bên đôi má lúm đồng tiền. Người con gái không đẹp như bao người con gái khác, nhưng cậu đã yêu. Yêu say đắm, cậu yêu trăng, yêu những buổi chiều cùng người tình dệt mộng, vì đời không là dòng nước phẳng lặng. Cung đàn lạc lõng, người ta đã phụ bạc cậu, cậu buồn, nhớ và chán như chưa bao giờ chán.


Tuổi đời chồng chất suy tư thêm nhiều, gương mặt cậu cằn khô, hằn học. Cậu giận đời nhiều và buồn đời cũng không ít. Tổ quốc gọi, cậu lại ra đi.

Tôi viết kỷ niệm cái ngày tôi sinh ra để nhớ và nhớ mãi. Trăng hạ tuần quên lãng, núi đồi vắng vẻ, chỉ có mình tôi và tôi. Chốt Tà-nghèn không là thành đô rộn rịp, không có quà bánh cho tôi mua sắm để cùng anh em vui vầy. Giờ đây chỉ có tôi âm thầm an ủi cho số phận của tôi.

Ngày sinh nhật của tôi chỉ có vậy!
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #44 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2008, 07:21:20 pm »

11-10-1979

Vừa được tin đi tác chiến, lại nhận được thư bạn Thanh. Mừng quá, tranh thủ gửi thư cho bạn:
Trường Thanh xa nhớ!

Đêm tiền đồn mưa bay lạnh, cái lạnh cuốl mùa nghe như buột xương. Phiên gác dài buồn xa xăm, những kỷ mềm của một thời tưởng đã chìm sâu vào quên lãng, đêm nay lại hiện về khiên mình xao xuyên nghe dư hương còn thoang thoảng trong từng hạt rơi.

Trường Thanh thương! Thư bạn đền giữa núi rừng vắng lặng vào một buổi chiều mình sắp lên đường đi tác chiên. Mình vui tràn ngập, đọc thư bạn mà ngỡ mình đang tâm sự cùng bạn, sau phiên gác vào bên ngọn đèn hồi âm cho bạn đây!

Thời gian làm một chuỗi ngày mà người lính đêm bằng mồ hôi và máu. Mới đó, đã là một mùa lá rụng. Nhớ thương chất đầy, Đà Thành và con đường ngày xưa tụi mình lang thang, giờ chỉ còn là dư hương trong tiềm thức xa vời của một người lính. Bây giờ cảnh vật và con người nơi phố cảng có đổi thay? Riêng người con trai bước chân ra đi từ ấy, đã đổi thay rất nhiều trong tiềm thức. Tương lai là một dải mù khơi xa vời...

Bạn có cái may mắn hơn mình, chắc trời đã sắp sẵn. Thượng đê không ban phước lành cho một kẻ bất hạnh, mình phải chấp nhận. Oán cho đời, đời vẫn tự nhiên. Chỉ biên thương cho số kiếp không may, chấp nhận để ngày tháng trôi qua . Cuộc chiến bây giờ sẽ là hạnh phúc cho mai sau.

Bi lụy và bâng quơ quá Thanh nhỉ! Thông cảm nhé! Lính buồn, lính nói vậy thôi.

Bây giờ mình kể về cái đất nước có ngọn tháp Ăng-ko cho bạn rõ đôi chút. Bạn có khi nào ao ước được đặt chân đền không? Chiếc xe bò bánh gỗ niềng sắt người con gái da mun không dễ yêu như trong lời ca, thỉnh thoảng cũng gặp được vài bông hoa trong làng cỏ dại...

Mình đã trực tiếp nắm tay vào cổ súng, lao mình vào gian khổ, tai nghe rồi tiếng nổ, lòng hồi hộp lo âu khi xung trận và đôi chân đã dạn dày những bước quân hành. Cuộc sống hiện tại mình khát khao một đêm yên lành trong mộng. Mấy bạn Hải, Chinh, Thanh số phận được may mắn hơn mình, bây giờ đang ung dung nơi Sư đoàn Bộ, làm linh thông tin.

Mấy cô ả Thôi, Trường, Hà bây giờ chắc vui lắm nhỉ. Cả bạn nữa, đừng dối mình nhé! Một văn hào đã nói "Dưới ánh sáng của mặt trời không có gì là bí mật". Cái chuyện của mình ngày xưa ấy, bạn đừng nhắc làm gì nữa. Nó là một kỷ mềm xa vời trong tiềm thức của mình.

Hiện nay mình vẫn khỏe.

Mình dừng bút, chúc bạn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống hiện tại!

Xiết chặt tay bạn!


16-10-1979

Mới đi truy quét bốn ngày vừa qua, mệt thật nhưng lại có nhiều cái vui, trong đó đơn vị C5 của tôi thật là gặp may. Chả có ai bị sây sát gì cả, lại thu được nhiều chiến lợi phẩm. Người ta nói gặp con mang là xui lắm, nhưng tôi chả thấy đơn vị tôi xui xẻo một chút gì.

Ngày đầu đơn vị hành quân, gặp một con trăn đang riết con mang to bằng con bò con. Con trăn cái đầu chỉ bằng nắm tay thế mà đi ăn thịt một con mang to. Đi ngang thấy, đơn vị dừng lại, con trăn sợ bỏ con mang rồi bò tuất lên ngọn tre. Dịp may hiếm có, cả đơn vị dừng lại làm thịt con mang đem theo, tối đến làm một chầu ngon ghê. Lần đầu tiên tôi ăn thịt mang, ngon và thơm quá.

Ngày thứ hai đi tiếp. Mặc dù tôi không mê tín nhưng tôi áy náy rất nhiều. Cái gì sẽ đến với đơn vị? Buổi trưa trèo lên trên một đỉnh đồi cao ngồi ăn cơm, bọn "K" lại mò lên, gặp đơn vị tôi, súng nổ một hồi, địch rút. Một đồng chí trinh sát của ta bị thương, địch không việc gì.

Ngày thứ ba, không có việc gì xảy ra.

Ngày thứ tư, buổi sáng nấu cơm vừa ăn xong, thì C6 gặp địch đánh mạnh. D điều C tôi chi viện. Đến nơi mới bắn 3 phát, địch đã rút toàn bộ, bỏ lại súng đạn rất nhiều, đồ cổ cũng nhiều. Tôi thu được 1 quần tây và 1 bút Pi-lot. Giờ đang viết.

Tối thứ 4, vào bãi mìn ngủ, C6 bị dậm 1 trái, 6 đồng chí bị thương, C5 an toàn.

Xui cái gì đâu tôi chả thấy, chỉ thấy toàn là gặp hên. Ăn một bữa thịt rừng, thu nhiều chiến lợi phẩm và đồ cổ.

Lúc lội qua sông ớn thiệt, một tí nữa là tôi uống nước đầy bụng, nếu không có mấy đồng chí bơi ra kéo tôi vào.

Buổi sáng hành quân đánh địch gấp quá, bỏ quên cái khăn trên nhành cây. Đánh địch xong mới biết, khi vác súng về để chuyển qua sông, đi ngang chỗ cũ gặp lại khăn tôi mừng quá, thế là có để lau mồ hôi trong chặng đường hành quân rồi.

(Tháng 10-1979, theo yêu cầu của nhiệm vụ, Trung đoàn 812 rời khỏi Tà-sanh, giao lại đia bàn này cho đơn vl khác, cơ động lên Pai-lin làm nhiệm vụ phòng giữ. Tại đây, đơn vị của Trần Duy Chiến đã hoạt động trong một thời gian khá dài-Chú thích của Đại tá Nguyễn Văn Hồng).
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #45 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2008, 07:02:36 pm »

Phần thứ mười một
Pai-lin, miền đất chết đầy mìn và đạn cối 82

"Tôi bước lên, thấy Lâm bị mìn KP2 ngã nằm trên đường. Mảnh xuyên vào vai và đầu rất nhiều, cái xoong và mấy túi cóc chung quanh bị trái mìn thổi đi đâu mất. Chưa kịp hoàn hồn thì lại "ầm… ình..."-một trái KP2 vừa nổ cách tối 5 mét. Tôi không bị gì cả. hơi ép xô tôi ngã xuống đất trong lúc tôi đang ngồi trên chiếc ba lô. Trái mìn thứ hai đã làm đồng chí Thọ bị mất cả đôi chân và cũng chết liền sau đó. Ngồi bên tôi, đồng chí Lộc bị thương. Thiệt là ớn cho những con đường Ơû Pai-lin…".
(Trần Duy Chiến, 21-10-1979).


21-10-1979

Giữa đường hành quân, tôi ghi vội vào đây vài dòng nhật ký. Đất mới Pai-lin-nơi có rất nhiều kim cương và cũng là nơi thấm đẫm máu những người lính đã ngã xuống, cây cỏ tốt phủ đầu.

Ầm... ình...

Một tiếng nổ, cùng làn hơi mạnh hất tôi té xuống ven đường, khẩu cối 60 đè lên cổ, tay tôi rát rát. Tôi lật vội khẩu cối sang bên, ngồi dậy, đưa tay phải coi. Một miếng mảnh nhỏ ghim vào còn lú ra, coi quanh người không thấy gì, tôi hoàn hồn cất tiếng hỏi:

-Mìn gì?

-"Ka pê hai" (KP2).

-Mấy đứa bị thương?

-Bốn đứa.

-Có đứa nào chết không?

-Thằng Lâm chết, ba thằng Tuất, Ngọc, Được bị thương-Đồng chí Nhu trả lời tôi.

Tôi bước lên, thấy Lâm bị mìn KP2 ngã nằm trên đường. Mảnh xuyên vào vai và đầu rất nhiều, cái xoong và mấy túi cóc chung quanh bị trái mìn thổi đi đâu mất. Chưa kịp hoàn hồn thì lại “ầm... ình..."-một trái KP2 vừa nổ cách tôi 5 mét. Tôi không bị gì cả, hơi ép xô tôi ngã xuống đất trong lúc tôi đang ngồi trên chiếc ba lô. Trái mìn thứ hai đã làm đồng chí Thọ bị mất cả đôi chân và cũng chết liền sau đó. Ngồi bên tôi, đồng chí Lộc bị thương. Thiệt là ớn cho những con đường ở Pai-lin...

Chiều hôm qua cũng vậy, đơn vị tôi vừa đến nơi đây tạm dừng để nấu cơm ăn, B1 được qua bên kia suối để ngủ, ngờ' đâu bên ấy đầy mìn. Mới qua chưa đầy 10 phút là đã đụng một trái. Một đồng chí chết, 3 người nữa bị thương.

(Mìn là đặc trưng của chiến trường Cam-pu-chia. Trên thế giới có nhiều nước cũng sừ dụng mìn trong chiến tranh để sát thương đối phương. Nhưng ở chiến trường Cam-pu-chia mìn được sử dụng với nhiều chủng loại (mìn đạp, mìn nhảy cao, mìn nhảy thấp, mìn chống bộ binh, mìn chống tăng...). Bọn lính Pôn-pốt đã tiến hành chiến tranh du kích với nhiều thủ đoạn bố trí mìn rất nham hiểm. Hàng triệu quả mìn đã được rải khắp nơi, dọc tuyến biên giới Cam-pu-chia-Thái Lan. Tập trung nhiều nhất là khu vực Tà-sanh-Pai-lin-Cao-mê-lai... Các lực lượng của ta và bạn đã chịu thương vong rất lớn vì mìn-Đại tá NVH).

Mìn và mìn... ở đây mìn giăng đầy, nhiều lắm. Của địch gài, ta gài. Đến sáng nay đơn vị đã chết mất 4, bị thương 6 người, khiếp thiệt. Cả đơn vị có đâu 50 người bị sốt, bị này nọ nằm viện mất 20 người. Bây giờ lại bị 10, còn đâu 20.

Tối đến nghe mà ghê, khi đêm ngủ chả được, đầu óc cứ chập chờn mãi. Mình mới đến đây chưa rõ địa hình, nếu địch tập kích vào thì thế nào, vận động lên có mìn không? Nghe tiếng sột soạt của lá tôi hất mền ra coi thử, ớn quá!

Đất Pai-lin kim cương nhiều đâu chẳng thấy, chỉ thấy máu đổ. Ở trường Hạ sĩ quan ông Thịnh ra ba đứa: Tôi, Tuất và Cư. Về cái C5 này hôm nay chỉ còn lại mình tôi. Tuất thì chắc về nhà, vì bị hư một mắt, còn Cư chắc là không trở lại đơn vị. Chỉ còn một mình tôi, rồi đến ngày nào đây tôi lại phải rời cái C5 này? Cầu mong sao bình an trong cuộc chiến.


5-10-1979

Đào hầm hố chưa xong, anh em khoẻ mạnh phải đi truy quét cả. Ở nhà chỉ còn lại mấy mống sốt nằm cục cục rên hừ hừ, chán thật! Từ hôm lên đây đến giờ, tôi cũng sốt liên miên, đến nay vẫn chưa dứt. Viết mấy chữ vào nhật ký mà như con gà cào. Địch thỉnh thoảng làm cho bộ đội ta giật mình đôi chút thôi, cứ ở xa bắn cối vào. Sáng điểm tâm, chiều thể thao, đủ lại. Còn nghe tiếng xe bên đất Thái Lan chạy nữa chứ, cách đâu đó 2 cây số mà.

Không viết nữa, run quá...


8-10-1979

Thị trấn Pai-lin nằm sát biên giới Thái Lan (cách 8 km). Thị trấn đẹp, có nhà cao 4 tầng, có quán ăn, rạp xiếc, rạp xi nê rất lớn. Đặc biệt là có ngôi chùa kiến trúc rất công phu, có thể thu hút được nhiều du khách. Tôi không biết tại sao người ta đặt nơi đây là Pai-lin. Ở đây không có dân nên tôi không biết hỏi ai, chữ "pai" đứng đầu tôi không hiểu nghĩa, còn chữ "lin" nghĩa là chơi. Chắc thị trấn này trước chế độ Pôn-pốt, người ta sung sướng và ăn chơi nhiều lắm thì phải?!

Theo con đường 10 cứ đi vào hướng tây, cách thành phố Bát-tam-băng khoảng đâu 40 km sẽ đến Pai-lin. Nhà cửa, phố xá hiện ra đẹp nhưng vắng vẻ và tiêu điều. Có cái bị pháo sụp xuống, cháy đen, qua bao mưa nắng nhưng vẫn giữ nguyên được hình thu kỳ dị của nó.

(Pai-lin là một thị trấn thuộc huyện Pai-lin, tỉnh Bát-tam-băng, giáp giới với Thái Lan. Đó là một trung tâm thương mại của vùng. Trong phạm vi khoảng hơn 1 km2 nhà cửa xây dựng san sát theo kiểu Tàu, cao 3-4 tầng, đường xá chia từng ô như bàn cờ được rải nhựa. Phía Bắc th! trấn là đồn điền cà phê bị bỏ hoang, phía nam là rừng núi liên hoàn với Tà-sanh. Nơi đây có mỏ kim cương và đá quý... Dưới chế độ Pôn-pốt, thị trấn Pai-lin gần như hoang phế. Với đặc điểm đia hình phức tạp, địch có nhiều lợi thế đánh du kích, gây rất nhiều thương vong cho lực lượng của ta-Chú thích của Đại tá Nguyễn Văn Hồng).

Cứ tiếp tục đi về hướng biên giới Thái Lan, nhà cửa thưa dần, nghèo dần, bị bỏ hoang cả năm nay rêu cỏ đã phủ kín. Dừa, mít, chuối thì nhiều lắm, ăn thoả thích. Nhưng ớn “ông Địa” quá nên chả dám lội sâu vào để hái. Mấy hôm đầu mới lên ở cái đồi này, ăn chuối thoải mái. Bây giờ thì hết rồi, muốn ăn phải đi kiếm nơi khác xa hơn.

Phải nói rằng đời lính là chịu đựng mọi thứ thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Thí dụ hôm trước tôi sốt, cơm ăn chỉ là trách nhiệm của cái miệng, nhai và nuốt, thế thôi. Nhìn nước mắm là phát ớn, thế mà phải ăn, biết ngon lành gì đâu. Nếu ở nhà tôi cũng sốt như vầy, chắc là mau khỏi hơn vì tôi sẽ có những món ăn dễ nuốt hơn. Còn ở đây, cái điều kiện như vầy phải chịu. Bây giờ đây tôi thèm một tô bún thịt nướng lắm, nếu có dịp về nước, tôi sẽ ăn một trận bún thịt nướng cho thoả thích.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #46 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2008, 07:04:10 pm »

19-11-1979

Chiều này trời đổ mưa, trên chốt trở nên buồn tẻ và hoang vắng. Đi truy quét địch 5 ngày vừa về, mệt thì tất nhiên rồi, nhưng lại ngứa, thân hình tôi nổi lên các hạt đỏ, ngứa không thể tả, đêm ngủ không được.
Địch ở đây đâu có nhiều thế, nhưng đi truỳ quét phải gờm bọn nó. Nó đứng một chỗ thấy ta rục rịch là “cạch” cối 82. Lính ta thì chả dám vận động, vì hở chút là dính mìn. Hôm đầu vừa đi lên các đồi tre đã phải mất đứt một đồng chí trinh sát, một đồng chí nữa bị thương.


Tính ra cái đồi tre ấy đã lấp kín 3 đồng chí của K2 rồi (mật danh của đơn vị tôi). Từ ngày K2 chuyển sang nơi đây làm nhiệm vụ, tính đi tính lại phải mất đến vài chục, kể cả bị thương, nhưng có diệt được thằng nào đâu. Chả bù lại với ở Long-cóp là gì. Địch ở đây nhiều đạn thật, hễ nghi nghi là đã “cạch” cối 82. Cái đồi tre nơi tôi ở hôm trước, rồi đơn vị rút đi nơi khác. Thế mà địch chả dám qua, cứ dứng bên kia suối mà “cạch” cối, suốt mấy ngày liền.  Ở Long-cóp, bí mật là để vào sát địch mà đánh, nếu không địch sẽ chạy mất. Còn ở đây bí mật để địch không biết, nếu không sẽ bị “cạch” cối 82 thì ớn lắm.


Ở đây còn cái nỗi thèm thuốc nữa. Từ trước đến nay chưa lần nào mà tôi thèm thuốc như thế. Ở cách xa dân khoaản năm mươi cây số, tìm đâu ra thuốc? Đành phải hút thuốc “cộng sản” cho qua ngày (một thứ cây dại người ta đặt cho cái tên là “cộng sản”, mọc rất nhiều, nơi đâu cũng có).

Thèm quá, đêm ngủ cứ mơ thấy mình hút thuốc mới lạ. Hỡi Nhà nước khi nào mới bán cho tôi 1 bao thuốc để tôi phì phà cho đỡ cơn ghiền?!

Đi cõng thực phẩm bên trung đoàn, luôn tiện theo cậu Ngọc vào vệ binh chơi, không ngờ lại tìm được đồng hương vui quá. Đồng hương tên là Hoan, ở sát bên nhà mình, lại là con ông Sáu Hỷ nữa. Hoan cũng tốt, gặp được mình Hoan cũng mưừn lắm. Buổi chiều lẽ ra mình về, nhưng cơn sốt lại ùa vào, khiến mình phải ở lại nhà đồng hương. Hai đứa tâm sự cả đêm. Từ bữa mình sang E812, mình chả có thằng đồng hương nào cả. Bữa nay mới biết được một đồng hương ở sát bên nhà, vui không chịu được.


Kể từ hôm tôi rời B1 lên A cối, cũng có nhiều cái vui nhưng cũng có nhiều cái bực tức không chịu được. Bực nhất phải nói đến cậu Quang ở Phú Khánh (tức Phú Yên và Khánh Hoà ngày nay-ĐVH). Con người chỉ biết cho mình, lại thâm hiểm nữa. Mình làm cái thằng A phó A cối là cái gì đâu, thế mà hắn moi móc, nói mèo nói chuột. Mình có khuyết điểm nó chả thèm đóng góp, lại đem ra nói móc, khiến mình tức điên không chịu được. Lại còn cái cậu A trưởng nữa, cậu này tên Đại Bảng tính nóng, con người luôn phấn đấu, nhưng có cái chi xấu là đề người khác xuống để mình được nổi. Mình đã kìm với Bảng mấy lần, cũng vì cái kiểu phấn đấu chết người đó. Hồi ở hướng Tà-sanh, mình đã cùng Bảng tâm sự rồi, thế nhưng cậu ta chả bỏ. Nhưng được một cái là Bảng mau quên. Hai đứa la nhau một hồi, chút sau lại ngồi nói chuyện như bình thường.


Lại có tin đồn là Trung đoàn 812 sắp về nước, E812 đổi đi nơi khác trong tháng 12 này. Hồi hộp thiệt nhưng sao chỉ huy lại bắt chở gạo, chở đạn, lên xe thật nhiều. Mình không thể đoán ra được. Cứ mỗi lần di chuyển đi nơi khác, thế là đơn vị lại vào chỗ ác liệt hơn.


Hồi tháng 4, E đóng tại Mung, nhàn quán. Sau chuyển qua hướng Tà-sanh ác liệt hơn Mung. Đi đường bị phục dài dài, bây giờ lại ở cái thị trấn Pai-lin vầy mới thấy là ớn. Địch bắn cối liên tục, gài mìn lung tung. Mỗi lần đi truy quét hay đi cải thiện phải gờm. Bây giờ nghe tin E sắp chuyển đi, chắc là lại lên cái nơi ác liệt gấp hơn ở đây, buồn quá chả thèm gì! Nhưng thiên hạ sống được, mình cũng sống được chứ lo chi. Mong cho E lãnh thuốc về phát mấy gói hút, thèm quá!
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #47 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2008, 07:05:51 pm »

1-12-1979

Mới nằm bệnh xá có 3 ngày mà nghe cũng đã chan chán rồi. Ăn uống ở đây cũng chả tốt lành hơn đơn vị tí nào. Đã 3 ngày rồi mình phải ăn cháo muối, ớn không thể tả. Giận cậu Tân y tá quá chừng, không biết cậu giữ mình ở lại đơn vị để làm gì, trong khi bệnh đau kiết của mình đã đến cấp cao rồi (đi ngoài ra máu). Mình xin đi bệnh xá, cậu chỉ lặng yên, đến khi đi tác chiến, cậu Dung mới đưa mình đi. Mình giận cậu Tân quá!


2-12-1979

Buổi chiều buồn buồn, ra bờ đường ngồi nhìn mấy cụm mây trắng dật dờ trôi uể oải về phía tây càng làm tôi buồn hơn. Vào nằm giở mấy lá thư cũ ra xem, mình thấy thương Dũng ghê. Lúc còn ở nhà mình, có lúc mình giận, mình đánh nó dữ lắm, vậy mà khi đi xa nó viết thư thật tội: “Anh Hai, sao anh không về? Em nhớ anh nhiều lắm!”... Ngày nào mình về lại nhà để thăm mấy đứa em? Trong khi cuộc chiến càng ngày càng gay cấn, thanh niên lại khoác ba lô ra chiến trường nhiều hơn.

Bà tôi chắc giờ đã yếu đi nhiều. Mẹ tôi, nghe em Dũng viết thư lên bảo cũng già đi, tôi nhớ lắm nhưng biết làm sao bây giờ?

(Người em trai tên Dùng mà Trần Duy Chiến nhắc đến trong nhật ký tên đầy đủ là Trần Duy Dũng. Là em thứ tư của Chiến, hiện gia đình anh trú tại tổ 29b, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. ĐT: 0511.922836/090511495-ĐVH)

Nằm ở bệnh xá sao tôi thèm đủ thứ. Khi sáng tôi cùng cậu Ba lội xuống dưới hậu C “mần” một mữa me chín. Mặc dù bịnh kiết của tôi chưa khỏi, nhưng vẫn ăn, cái miệng nó thèm nhiều thứ linh tinh quá.


5-12-1979

Thèm thuốc quá, thấy thiên hạ đi ngang hút phì phà mà tôi như muốn nhỏ rãi. Khi sáng, tôi tà tà vào hai chiếc nhà bỏ trống ven đường nhặt dế, được đâu vài chục con chút chút, tôi gom lại được hai điếu, phì phà một cách thoải mái. Sau đó, nghe chúng bạn bảo hai nhà đó là 2 nhà chứa xác, tôi hơi dợn người một tí rồi cũng qua đi, lính mà sợ gì.

Lần đầu tiên nằm bệnh xá, mới đâu hơn 5 hôm sao mà chán dễ sợ. Suốt ngày chả làm gì, chỉ chờ đến bữa, chờ uống thuốc, chờ chích kim thế là hết nhiệm vụ. Cứ thế cứ thế thời gian trôi, cái bệnh kiết ác nghiệt bắt tôi phải ăn cháo dài ngày, bây giờ cái đầu gối quá mỏi, chả muốn đi đâu nửa bước.


7-12-1979

Vui quá, chưa có lần nào tôi vui hơn lần này. Tôi vừa gặp lại thằng bạn thân nhất đời tôi vào lúc sáng. Cũng may cho tôi, viết hai lá thư xong tôi tà tà lôi lên Trung đoàn bỏ vào hòm. Lẽ ra phải đi con đường kia, lại gặp vệ binh bảo tôi đi con đường này, có thế tôi mới gặp được.

Mừng quá, tay tôi quàng cổ Chính tôi như muốn hôn tới tấp thằng bạn. Trời ơi! Xa nhau từ hôm tháng 3 đến bây giờ rồi còn gì. Tôi trông nó, nhớ nó để rôồ bây giờ giữa đoạn đường của lính tôi lại gặp nó trong một hoàn cảnh không mấy thuận lợi.

Chính ơi? Tình thương tao dành cho mấy như quả núi lớn kia. Nghe phong phanh mấy chuyển qua trinh sát quân khu, tao lo quá, nhưng không mấy vẫn còn ở lại cái D17 tao mừng quá. Ngày hai đứa mình chưa khoác lên tấm thân bộ chiến y màu lá, tao với mấy quấn quít như vợ chồng. Giờ đây mỗi đứa một nơi, mỗi đứa một phương trời cách biệt làm sao tao không nhớ hở mấy! Trong cuộc đời tao chỉ có mấy là thằng bạn mà tao thân nhất.

Gặp lại Chính, hai đứa tâm sự thật nhiều. Những kỷ niệm của một thời tưởng đã chôn sâu bây giờ lại trào ra. Những đêm dài hai đứa lang thang trên con đường nhựa, rồi lại rúc vào quán chè, quán cà phê ven đường. Hiện ra sần sần trước mặt những kỷ niệm đáng yêu của hai đứa vào một thời làm hai đứa xúc động rất nhiều.


13-12-1979

Buồn buồn chi lạ, ngủ cũng chả yên, tôi bật dậy đi thơ thẩn. Nghĩ đến sáng mai phải khăn gói vê lại đơn vị xa mấy đứa bạn thân (Chính, Tươi), tôi đâm chán một cách dễ sợ. Tôi muốn ở lại nơi đây thật dài ngày nhưng không được. Anh em trong đại đội và cậu quản lí đã biết tôi ra viện rồi vì thế tôi ở lại đây dài ngày để vui với hai đứa bạn không được nữa. Cuộc sống là một cái gì khắc nghiệt "hợp rồi phải tan". Giá như cái ngày hôm đó tôi không gặp cậu Chính, cậu Tươi thì đâu có cái ngày mai quyến luyến không muốn rời.

Âu đấy cũng là số phận, mà số phận thì có lúc nào lại đi chiều chuộng mình đâu. Sao mấy cái lúc này tôi hay tin vào hai chữ số phận và định mệnh? Có lẽ tôi không còn đủ nghị lực như cái lúc trước chăng? Riêng tôi phải làm gì đây, buông xuôi theo số phận đẩy đưa ư? Có lẽ vậy tự nhiên tôi thấy mình trở nên yếu ớt một cách lạ thường trước mọi cảnh vật to lớn của thiên nhiên. Có lúc chính tôi cũng không sao hiểu được tôi.

Ngày mai xa rồi, chúng nó về đơn vị, lại đào hầm, làm nhà âm, rồi đi truy quét, khát nước, đói cơm… Cuộc đời người lính chiến lại phải khổ, băng rừng, trèo núi, lội sông, qua suốl, cơm vắt, muối rang...

Hỡi những kẻ sống bình an nơi thành phố! Sáng chiều ung dung nơi quán nhậu, được vợ đẹp con ngoan, có khi nào nghĩ về, hiểu về và thương về những người cầm súng nơi chiến trường ngày đêm lửa khói?

Chắc là không bao giờ có đâu, và có chăng chỉ những người đã bước vào cuộc chiến, đã ghi dấu kỷ niệm trong lửa khói.

Còn tôi, người lính trận xa nhà ắt là sẽ thương hoài những người cầm súng.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2008, 07:07:56 pm »

20-12-1979

Sáng mai lại xa cái chết không mấy cảm tình này rồi. Nhưng tôi lại thích ở nơi đây vì nó có phần hiền hoà hơn nơi mà sáng mai đây tôi phải đến. Nghe mấy cậu trinh sát D bảo ở làm 3 bộ phận, mỗi trung đội ở một nơi cách nhau cây rưỡi số, lại còn phải ở trên đồi mà phát ớn. Cái chốt này cao đâu hơn trăm rưỡi mét, thế mà mỗi lần tôi gánh đôi nước lên thì cả mệt lẫn mồ hôi. Còn cái chốt kia thì thế nào đây-565 mét-cái số và đoạn đường khổng lồ tôi phải gánh nước lên.


Còn nữa chớ đâu hết, đoạn đường 5 km có mìn, có địch phục. Mà đơn vị tôi thỉnh thoảng có một số đồng chí phải về lấy gạo lấy thực phẩm, đạn dược.

Vẫn ớn nhất là chuyện đào hầm, làm nhà âm. Tính đi tính lại từ ngày đơn vị tôi lên đây tới nay được 2 tháng đúng, mà cái nhà âm đang che chở cho tôi bây giờ, trong A mới ở có đâu 25 ngày lại phải đi tiếp, đào hầm tiếp. Đôi tay mới vừa xẹp cái bọng nước cũ, nay lại nổi lên cái bọng nước mới và có ai hiểu cho đâu.


Lại ghi tiếp về Đại Bảng, cái tên nghe qua rộng rãi và dễ mến, cộng với cái dáng đạo mạo nhìn bề ngoài, quê xứ Quảng, nhập ngũ năm 76, nay là Trung sĩ A trưởng A hỏa lực của tôi.

Trong A tôi thương Bảng nhất, vì là đồng hương cùng tỉnh với tôi cộng cái tính không giận ai lâu (nhìn bề ngoài), có lúc tôi với Đại Bảng la lộn

xong vào nhà ngồi nói chuyện bình thường như không có sự gì xảy ra giữa hai đứa. Nhưng đâu chỉ có thế, càng sống gần Bảng càng lâu những tính xấu trong người Bảng bộc lộ ra mới biết. 

1.Cái tính thứ nhất của Bảng là mình phấn đấu, nhưng không tự mình dựng nên những thành tích, chỉ muốn chờ người ta sơ hở là chận người xuống cho mình nối.

2.Lánh nặng tìm nhẹ (cái này thỉnh thoảng hay xảy ra).

3.Mình làm sai, đồng đội phê bình đóng góp ra vẻ khó chịu, luôn tìm những khuyết điểm dù nhỏ để chống chế.

4.Hay cãi bướng với người đã biết.

5.Đua nịnh cấp trên: anh em có khuyết điểm hay lên cấp trên tâu, khi đã ghét ai Bảng sẽ dựng lên những chuyện không có để tâu với Đại đội, hoặc có ít thêm nhiều.

6.Miệng nói tốt, nói giỏi nhưng làm không được: Trong A, tôi thấy Bảng là người nhát và lười nhất nhưng miệng cứ ba hoa là mình siêng, sợ chết nhưng cứ nói ta đây dạn nhiều.

7.Nói càn, nói ẩu, nói không có suy nghĩ khi nóng giận. Riêng Bảng đã nói cùng tôi một câu mà khiến cho tôi nhớ suất đời: "Mày chỉ vì lon thịt mà mày về, thế thôi?".


Câu chuyện xảy ra như vầy, hôm 15-12, tôi cùng đồng chí Thanh trong A đi cõng nước. Tôi có nhiệm vụ cõng muối cho CT, đồng chí T. cõng nước đến D-C8-C7. Không có muốl, tôi quay về trinh sát D chơi, đến trưa thì sực nhớ đến cục cơm đồng chí T. còn ở hộc ba lô tôi, cả mấy lát thịt bò khi sáng tôi đem đi. Tôi ăn cơm tại trinh sát trước đó với thịt bò.


Đến lúc tôi về lại xảy ra chuyện to nhỏ với đồng chí Non B3 vì tôi hiểu lầm qua câu nói. Hết đồng chí Non, đồng chí Bảng lại xen vào, qua một lúc cãi vã đồng chí Bảng lại kết luận cho tôi một câu: "Mày vì lon thịt mà mày về!" .


Tôi lúc đó như khúc gỗ, đứng trân người nhìn anh em trong đơn vị. Biết nói lại và làm gì bây giờ Bảng đã chạm vào tự ái tôi một cách mãnh liệt. Giây lát lấy lại chút bình tĩnh, tôi suy nghĩ vội vàng-"Nên làm gì bây giờ đối với một kẻ đã bôi nhọ mình đến mức ấy? Đánh cho nó một trận ư? Sẽ đánh bằng cây trước nếu không lại nó, ta sẽ chơi súng!".


Tôi liếc mắt vội khúc đòn gánh bên thùng nước kia-"Nó sẽ bị một gậy trước khi nó có thể", lại tiếp cái suy nghĩ khác ào ra: "Nhịn đi Chiến? Một cái nhịn là chín cái lành! Ai xấu sẽ có anh em biết lo gì. Không nên gây mất đoàn kết trong A. Tối đến mấy sẽ phân tích đóng góp trong A, nó sẽ quê nhiều! "-nghĩ vậy nên tôi lặng thinh.


Tối đến, tưởng đâu là nó sẽ nhận ngay những điều sai trái khi nóng giận làm càn. Phê bình Bảng, Bảng tìm những điều vặt vãnh nhất của mình nói lại. Có chịu nhận đâu cái thẳng ỷ quyền (mới là A trưởng cũng bày đặt dùng quyền lực, quyền hành). Là A trưởng mà chỉ biết đi "bằng hai đầu gối và học được một câu nghi lễ của triều đình thời xưa: muôn tâu…  muôn tâu... cái gì đó và cái gì đó bí mật lắm. Thế mà mình đây cũng khen cho nó, cái lưng cong cong, lại đi bằng hai đầu gối mỗi khi đến trước cửa thiên triều. Nhưng nó lại đi nhanh không chịu được. Mới 76 đến 78 đã được kết nạp Đảng-cũng oai người lắm chứ”.


Đã có nhiều lần tôi gọi Bảng ra nói nhỏ với Bảng để hai đứa sẽ không to tiếng với nhau. Thế nhưng Đại Bảng tính nào vẫn tật ấy chả sửa tí nào và càng tăng mức độ dần lên khi bắt đầu "cái Đảng viên" treo gần trước mặt.

Trong A đâu có ai là mến Bảng, chẳng qua anh em là lính mới, họ sợ và nể. Chỉ có tôi tính nóng mới dám cãi những khi Bảng nói sai, hay vu cáo cho tôi một cái gì đó. Đại Bảng cho là tôi bướng, lên tâu Đại đội.
Đại Bảng ghét tôi, riêng tôi tôi chả ghét ai nếu kẻ đó không động đến tự ái tôi lần thứ ba.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2008, 07:08:49 pm »

21-12-1979

Buồn ghê, cái buồn không do ngoại cảnh lôi kéo và lại còn giận thật nhiều nữa kể từ khi đơn vị đổi lên Pai-lin này. Lúc mới về A cối, khi đơn vị còn ở Mung thật là vui và hài hoà, mặc dù trong A có lúc còn to tiếng với nhau. Lên Tà-sanh cũng thế, nhưng khi lên đến đây thì cái đoàn kết cũng giảm dần, nhất là khi Bảng bước tập tò vào Đảng, còn cu Quang nghe đâu sẽ lên làm A phó A cối.

Tính tình từng người trong A tôi đều hiểu hết. Riêng cái tính qua loa cứ nhập mãi vào người, tôi cố bỏ nhưng nó cứ thò cái đầu ra. Chẳng hạn ăn cơm xong quên rửa cái xoong, quên cái ca muối nơi đất v.v… những cái vặt vãnh này thì tôi vấp phải nhiều hơn anh em trong A. Được dịp, mấy ông thần núi nói xiên nói xỏ, có lúc còn la to để đại đội nghe, (A tôi ở gần đại đội) để lập công chút ít. Đại đội tin tưởng sẽ mau lên cán bộ.

Nhưng họ đâu phải đã hoàn toàn làm đúng! Cũng bầy hấy đâu kém, nhưng tôi bỏ qua. Nếu mấy đứa chưa rửa thì tôi rửa có gì, đã là lính chiến "sống nay thác mai", ta phải thông cảm cho nhau để sống là hơn.

Tức giận cho những người nói cái mồm toác toác rằng ta không sợ. Nghĩa lí gì, thế mà khi gặp khó khăn lại cong đầu chạy trước. Bây giờ tôi nhìn trong A với một suy nghĩ là cặp mắt khang khác. Hình như tôi đã tìm ra cái sự chia rẽ trong ấy.


30-12-1979

Dưới chiếc hầm cá nhân tôi ghi vội vài dòng nhật ký. Khói lửa ngút ngàn. Đơn vị tôi bắt đầu hành quân hôm 23-12, nhưng đến hôm nay vẫn còn nằm nơi chiếc đồi nhỏ dưới chân 505 này. Địch mạnh quá không lên được, phải chờ mũi chi viện.

Từ hôm mấy đến nay, đều đều ngày nào địch cũng cạch cối, bắn đủ các loại súng xuống cái đồi con này. Trung bình ngày phải đến 4-5 lần, phải nói là tôi ghê cho mấy trái B40-B41 nổ rát quá.

Chiếc hầm của tôi là loại hầm nằm, mỗi lần địch bắn tôi thấy ớn ớn làm sao. Nằm dưới hầm mà con mắt cứ ngó trân trân trên ngọn cây, mong sao đừng có trái nào trúng nơi đó. Tôi sợ lắm thứ súng đạn ghê hồn, ôi thằng lính bộ binh gian khổ nhiều quá? Có lúc tôi đang bưng 1 chén cơm ăn, nghe tiếng "cạch cạch", thế là bỏ cả cơm mà nhảy xuống hố cá nhân. Bất cứ lúc nào đôi tai và đôi chân cũng chuẩn bị sẵn sàng. Địch ở đây nhiều đạn quá bắn đâu tiếc. Cứ mỗi lần nổ súng thì tệ lắm cũng được 20 quả cối.

Vừa ghi đến đây thì địch lại nổ súng vào chốt. Tôi phải tránh đạn xong mới ghi tiếp.

Không có việc gì cho ai cả, chỉ nhớp bộ đồ tí thôi nhưng áo quần thì khỏi phải nói. Cặp đồ tôi mặc trong người hôm nay đã thành màu đất rồi. Không biết khi nào tôi mới giặt được đây, chắc là đợi đủ tháng? Nước ở đây hiếm quá, đi lấy được nước cũng không phải là chuyện dễ. Đường xa 1,5 km, thường có địch phục. Mỗi lần đi lấy nước phải tổ chức đàng hoàng, xuống đến nơi mạnh người nào thì giục cho xong mà về, có đâu thời gian mà còn giặt đồ tắm rửa!

(Cao điểm 505-cao 505 mét so với mực nước biển-nằm sát đường biên giới với Thái Lan, phía tây th! trấn Pai-lin. Đơn vi của Trần Duy Chiến được giao nhiệm vụ chốt giữ điểm cao này. Hàng ngày, các chiến sĩ phải thay nhau xuống suối cõng nước. Đường từ điểm chốt xuống đến nguồn nước dài gần 2 km, thường xuyên bị địch phục kích, gài mìn và bắn cối. Mỗi chuyến đi lấy nước, một người cõng được 20 lít, phải mất thời gian nửa ngày. Nếu gặp tình huống xấu, có khi phải 1 -2 ngày mới mang được nước lên. Nhiều lít nước đã phải đổi bằng máu. Nước uống không đủ, nói gì đến chuyện tắm giặt-Chú thích của Đại tá Nguyễn Văn Hồng).
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM