Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:12:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân  (Đọc 21335 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #100 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 07:04:42 am »

Đêm ấy Kết đưa hai đứa bé đi Pa-ri. Chị mang theo thư mật mã của Sơ-tiếc-lít. Nhà ga vắng vẻ và yên tĩnh. Kết đã chia tay với Sơ-tiếc-lít ở trong khách sạn: anh không đám đưa tiễn chị, vì sợ những cặp mắt theo dõi của bọn ghét-xta-pô. Chị nhìn sân ga vắng tanh. Mưa rơi. Đầu máy xì hơi nước như buồn ngủ. Mặt đường nhựa ướt át phản chiếu ánh đèn điện loang loáng, ngoằn ngoèo, trông như những cái vòng hạt cườm của người Ấn Độ. Kết khóc như mưa, bởi vì lúc này, khi những ngày căng thẳng khủng khiếp đã trôi qua hoàn toàn, trước mắt chị lúc nào cũng hiện lên hình ảnh Ê-rơ-vin. Chị như nhìn thấy anh đang ngồi trong góc nhà, cạnh chiếc dương cầm, bên một đống máy thu thanh quay đĩa mà anh rất thích sửa chữa vào những lúc anh không bận liên lạc điện đài với Mát-xcơ-va...


Sơ-tiếc-lít không đừng được: anh đã đi ra ga. Anh muốn nhìn dù chỉ từ phía xa đoàn tàu chuyển bánh, đưa Kết đi tới một đất nước hoa lệ - tới nước Pháp, nơi chị sẽ được an toàn tuyệt đối với hai đứa trẻ của mình, rồi đường dây liên lạc đáng tin cậy sẽ từ đó nối tới đây và có lẽ anh cũng sẽ có thể đi sang bên ấy.


Sơ-tiếc-lít bước vào một quán cà-phê nhỏ trong khu vực nhà ga. Anh ngồi cạnh chiếc cửa sổ lớn: từ đây có thể nhìn rõ toàn bộ đoàn tàu.

- Xin chào ngài, - cô hầu bàn béo mập mỉm cười chào anh

- Cho tôi món kem sữa và một cốc cà-phê nhé.

- Cà-phê sữa ạ?

- Không, tôi thích cà-phê đen thôi.

Cô hầu bàn mang cho anh món kem sữa xốp và một cốc cà-phê.

- Cô ơi, - Sơ-tiếc-lít mỉm cười như người có lỗi, nói. - Tôi không ăn món kem sữa xốp đâu. Từ bé tôi đã không ưa món này. Cô cho tôi loại kem sữa thông thường, độ lưng cốc thôi.

Cô hầu bàn đáp:

- Ồ, xin ngài tha lỗi...

Cô ta mở bảng giá và giở nhanh mấy tờ.

- Cửa hàng em có tám loại kem sữa, có loại xốp, có loại ăn với mứt quả, pho-mát, chứ không có loại thông thường. Xin ông bỏ quá cho em. Em sẽ đề nghị bác đầu bếp làm hầu ông món kem sữa như ông thích... Người dân ở đây không ăn món kem sữa thông thường, nhưng em sẽ cố gắng chiều lòng ông...


"Họ không ăn món kem sữa thông thường, - Sơ-tiếc-lít nghĩ bụng. - Trong khi ở nước ta, mọi người chỉ mơ ước được ăn một mẩu bánh mì thông thường. "Ở nước ta" hình như Sơ-tiếc-lít muốn nghĩ đến cả nước Nga lẫn nước Đức. Ở cả hai nước ấy, người ta cũng đói như nhau. Còn đây là nước trung lập. Tám loại kem sữa, và người ta thích xài loại kem sữa xốp. Làm một nước trung lập dễ chịu quá chỉ? Dễ chịu đối với con người và đối với quốc gia... Nhưng năm tháng trôi qua và rất có thể trong khi người giữ thái độ trung lập và chén món kem sữa xốp, thì ngươi đã bỏ qua những điều cốt yếu. Không, thật đáng sợ nếu ngươi luôn luôn giữ thái độ trung lập. Hừ, trung với chả lập! Nếu như chúng tôi không đánh gục Hít-le ở Xta-lin-gơ-rát, hắn sẽ xâm chiếm cả Thụy Sĩ - lúc ấy thì còn khối kem sữa với chế độ trung lập của ngươi".

- Thưa ngài, món kem sữa của ngài đây. Nó sẽ đắt hơn một chút, bởi vì không phải là món ghi trong bảng giá.

Sơ-tiếc-lít bỗng cười to.

- Được rồi, - anh nói, - Điều đó không quan trọng. Cám ơn cô.

Đoàn tàu từ từ chuyển bánh. Anh nhìn khắp các cửa sổ, nhưng không thấy mặt Kết đâu: có lẽ chị đã lánh vào bên trong cu-pê với hai đứa bé của chị và ngồi ở đó cho tới lúc gặp được người của mình...

Sơ-tiếc-lít đưa mắt tiễn đoàn tàu chạy đi và đứng dậy khỏi bàn. Anh chỉ uống cà-phê, còn món kem sữa thề là anh vẫn chưa đụng đến.


Đồng chí Mô-lô-tốp cho gọi viên đại sứ Anh, ngài Ác-tri-ban Kê-rơ, tới điện Cờ-rem-li vào lúc tám giờ tối, Mô-lô-tốp không mời đại sứ Mỹ Ha-ri-man, vì đồng chí biết rằng, Kê-rơ là một tay tình báo lõi đời và có thể nói chuyện với gã mà không phải nghe cái giọng mang mầu sắc tình cảm thừa thãi khiến đồng chí khó chịu của Ha-ri-man.


Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp lại ba lần cái đầu lọc của điếu thuốc "Ca-dơ-bếch", Mô-lô-tốp mới châm lửa: đồng chí nổi tiếng là một người nghiện thuốc rất nặng, tuy cũng giống như Xta-lin, đồng chí không bao giờ hít những hơi thuốc dài.


Đồng chí cố tỏ thái độ lạnh lùng với Kê-rơ và cặp mắt đen sắc sảo của đồng chí ánh lên rầu rĩ và cảnh giác dưới chiếc kính kẹp mũi.

Buổi nói chuyện diễn ra ngắn ngủi: sau khi xem bản thông điệp do đồng chí Páp-lốp, phiên dịch của Bộ trưởng Mô-lô-tốp, trao cho gã, Kê-rơ nói rằng, gã sẽ thông báo ngay cho Chính phủ Anh biết nội dung thông điệp đó.


"Cùng với việc xác nhận rằng, tôi đã nhận được thư của Ngài nói về cuộc thương lượng ở Béc-nơ giữa viên tướng Đức Vôn-phơ với các sĩ quan trong bộ tham mưu của thống chế A-lếch-xăng-đe, tôi cần phải nói rằng, chính phủ Liên Xô thấy đây không phải là sự hiểu lầm, mà là một cái gì còn tệ hại hơn.

Viên tướng Đức Vôn-phơ cùng đám sĩ quan tùy tùng của hắn đã tới Béc-nơ để thương lượng với các đại diện của Bộ chỉ huy Anh - Mỹ về sự đầu hàng của quân đội Đức tại miền Bắc Ý. Khi chính phủ Liên Xô tuyên bố về sự cần thiết phải có đại diện của Bộ chỉ huy Liên Xô tham gia cuộc thương lượng đó, chính phủ Liên Xô đã bị khước từ.

Như vậy là, tại Béc-nơ trong khoảng thời gian hai tuần, sau lưng Chính phủ Liên Xô, người phải mang gánh nặng chủ yếu của cuộc chiến tranh chống nước Đức phát-xít, đã diễn ra cuộc thương lượng giữa một bên là các đại diện của Bộ chỉ huy quân sự Đức với một bên là các đại diện của Bộ chỉ huy quân sự Anh và Mỹ. Chính phủ Liên Xô coi đó là việc làm tuyệt đối không thể chấp nhận được.
V. MÔ-LÔ-TÔP".
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #101 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 07:05:41 am »

Phản ứng của Boóc-man khi nghe Sơ-tiếc-lít báo cáo về các chi tiết trong cuộc hội đàm giữa Vôn-phơ và Đa-lét thật là bất ngờ: y lấy làm mừng rỡ. Thậm chí chính y cũng ngạc nhiên về phản ứng đó của mình: Béc Lanh đang bị quân Anh ném bom liên tục, đại bác Nga đã nổ ầm ầm ở Phờ-răng-phua, mọi trật tự của Đế chế đều hỗn loạn, thế mà y lại vui mừng như được trả thù. Vốn có đầu óc phân tích, y thừa hiểu rằng, niềm vui của y giống như niềm vui của những người phụ nữ luống tuổi hay ghen tị.


"Cứ để mình biết tất cả về mình, biết sự thật tàn nhẫn nhất, - y nghĩ thầm, - như thế sẽ dễ phòng ngự và tấn công hơn, vì mình đã biết những chỗ yếu của mình".

Boóc-man tin vào liệu pháp tâm thần. Hầu như chưa bao giờ y chịu uống thuốc. Y cởi gần như tất cả quần áo ra, buộc mình phải lắng vào trạng thái trầm tĩnh và dồn toàn bộ sức mạnh ý chí vào bộ phận đau ốm của cơ thể. Y có thể chữa khỏi bệnh viêm họng trong một ngày, dù bị cảm sốt, y vẫn không phải nằm xuống giường. Y biết cách chữa khỏi bệnh ghen tị, xua tan nỗi buồn phiền trong lòng - không ai biết rằng, từ hồi trẻ y đã bị những cơn bệnh tưởng khủng khiếp. Bây giờ y cũng biết cách chạy chữa khỏi cái niềm vui không xứng đáng vừa bùng lên tha thiết kia.


Y dập tắt ý định cầm ống nghe lên gọi điện tới chỗ Him-le.

Y hình dung cảnh viên thống chế SS sẽ lúng túng hoảng sợ ra sao.

"Nhưng trong cơn hoảng sợ của hắn, - Boóc-man ngăn mình lại, - nhất định hắn sẽ chạy đến chỗ Sê-len-béc. Khó mà tưởng tượng thằng cha trí thức khốn kiếp kia có thể nghĩ ra những trò gì..."

- Boóc-man đây, - tên chủ tịch đảng Quốc xã nói vào ống nghe, - chào ông Can-ten-bơ-ru-ne. Tôi đề nghị ông đến gặp tôi ngay bây giờ.

"Đúng, - Boóc-man nghĩ tiếp, - cần phải hành động thận trọng, thông qua Can-ten-bơ-ru-ne. Và ngay với Can-ten-bơ-ru-ne, mình cũng sẽ không nói gì cả. Mình sẽ chỉ yêu cầu ông ta một lần nữa gọi Vôn-phơ về Béc Lanh. Mình sẽ bảo Can-ten-bơ-ru-ne rằng, theo tài liệu của mình, Vôn-phơ đã phản bội sự nghiệp của thống chế SS. Mình sẽ yêu cầu ông ta đừng nói gì với ông bạn Him-le của mình, để khỏi đầu độc ông bạn một cách vô ích. Nhưng mình sẽ ra lệnh cho ông ta bắt giữ Vôn-phơ và bắt hắn cung khai toàn bộ sự thật. Nếu bọn họ đã biết làm việc đó với người ngoài, thì cứ để bọn họ làm việc đó với chính người của họ xem sao. Khi Vôn-phơ đã cung khai và lời lẽ của y được ghi vào biên bản hỏi cung và được Can-ten-bơ-ru-ne đích thân đệ lên bàn của mình, thì mình sẽ đưa cho Quốc trưởng xem, và Him-le sẽ đi đời nhà ma. Lúc ấy, bên cạnh Hít-le chỉ còn một mình mình. Gơ-ben là thẳng cha mắc bệnh tâm thần, không đáng kể, hơn nữa, hắn không biết những điều gì mình biết. Hắn có nhiều tư tưởng lớn, nhưng lại không có tiền. Còn mình thì vừa có tư tưởng của họ, vừa có tiền của đảng. Mình sẽ không lắp lại những sai lầm của họ - và mình sẽ là người chiến thắng. Còn bao giờ thắng lợi thì không phải là điều quan trọng: cuộc tranh giành tự nó đã là hạnh phúc, và thắng lợi là kết cục của cuộc tranh giành".


Cũng như tất cả những kẻ điều khiển bộ máy nhà nước "phục vụ" Hít-le nhiều năm, Boóc-man, trong các lập luận nói chung rất chính xác của mình, chỉ phạm một sai lầm: y cho rằng, có thể làm được tất cả mọi việc, y biết cách làm tất cả mọi việc và y hiểu tất cả mọi việc nhiều hơn là các chiến hữu của y. Vì cho mình là nhà tổ chức tư tưởng của đảng Quốc xã, Boóc-man đã coi thường mọi chi tiết và những nét riêng, tóm lại là coi thường tất cả những gì hợp thành khái niệm "trình độ nghề nghiệp chuyên sâu".


Tất cả đều sợ y và đều phải tính đến y - cả Ríp-ben-tơ-rốp, Gơ-rinh lẫn Him-le. Nhưng các quan chức tép riu ở Bộ Ngoại giao, bộ Hàng không hoặc bọn nhân viên phản gián thì lại chế giễu các chỉ thị của viên chủ tịch đảng. Chỉ có bọn họ mới biết tất cả những động cơ thúc đẩy* (Nguyên văn: các đai dẫn động) các bộ máy của mình hoạt động, bọn họ mới là người chuẩn bị mọi chiến dịch: trong công tác ngoại giao cũng như trong hoạt động tình báo, trong lĩnh vực công nghiệp cũng như trong quân đội. Loại nhân vật không chuyên nghiệp, cái gì cũng biết như Boóc-man, chỉ khiến bọn họ ngầm phản đối lúc đầu và khinh thường một cách châm chước về sau.
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #102 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 07:06:14 am »

Chính trình độ không chuyên nghiệp ấy đã dẫn Boóc-man tới thất bại. Can-ten-bơ-ru-ne dĩ nhiên không nói gì với Him-le: tên chù tịch đảng đã chỉ thị như vậy. Hắn ra lệnh một lần nữa cho Các-lơ Vôn-phơ phải lập tức từ Ý trở về. Trong bộ máy khổng lồ của cơ quan an ninh Đế chế, có việc gì lại có thể lọt qua tai mắt của hai kẻ cạnh tranh đầy uy lực là Muyn-lơ và Sê-len-béc. Tên nhân viên điện đài trong hành dinh của Can-ten-bơ-ru-ne, kẻ đã bị người của Sê-len-béc tuyển mộ làm việc cho chúng, đã báo cho ông chủ bí mật của mình - cho Sê-len-béc - được biết bức điện tuyệt mật gửi sang Ý: "Theo dõi chặt chẽ chuyến bay của Vôn-phơ về Béc Lanh". Sê-len-béc lập tức hiểu rằng, đó là hiệu lệnh báo động! Tiếp đó, công việc đơn giản hơn: không cần khó nhọc gì lắm, cơ quan tình báo cũng biết được ngày giờ chính xác mà Vôn-phơ sẽ về đến sân bay. Tại sân bay Tem-pen-hốp có hai xe đỗ: một chiếc xe bọc thép với ba tên ác ôn trong đội bảo vệ nhà tù ngầm dưới đất của cơ quan ghét-xta-pô ngồi bên trong, còn trong xe kia là thiếu tướng SS Van-te Sê-len-béc, Cục trưởng Cục tình báo chính trị. Cùng tiến lại cầu thang máy bay có ba tên cai ngục chuyên nghiệp bận quần áo đen, mặt mày xấu xí và một nhà trí thức điển trai, thắng bộ sắc phục cấp tướng lộng lẫy được dành riêng cho trường hợp này - nhà trí thức ấy là Sê-len-béc. Vôn-phơ từ trên cầu thang máy bay "Đoóc-ni-e" bước xuống và những ngón tay khỏe mạnh của Sê-len-béc - chứ không phải chiếc khóa tay - bóp chặt hai bàn tay lạnh giá của Vôn-phơ.


Ba tên cai ngục không dám bắt Vôn-phơ: chúng chỉ dám theo dõi chiếc xe của Sê-len-béc. Thiếu tướng SS đưa thượng tướng Vôn-phơ về nhà riêng của thượng tướng Phê-ga-lai, đặc phái viên của Him-le tại tổng hành dinh của Quốc trưởng. Việc Him-le đã ngồi chờ ở đấy không làm cho Boóc-man chùn tay. Cái làm cho y chùn tay là chuyện khác kia: Phê-ga-lai là kẻ lấy chị gái của E-va Bơ-ra-un* (E-va Bơ-ra-un là vợ Hít-le) và, do đó, là người ruột thịt gần gũi của Hít-le. Quốc trưởng thậm chí vẫn gọi Phê-ga-lai là "người anh em đồng hao đáng yêu của tôi" trong lúc uống trà.


Sau khi mở ra-đi-ô cho kêu hết cỡ, Him-le thét mắng Vôn-phơ:

- Ông đã làm hỏng toàn bộ chiến dịch và đưa tôi ra hứng đòn, ông hiểu chưa? Tại sao Boóc-man và Can-ten-bơ-ru-ne lại biết được các cuộc thương lượng của chúng ta? Làm thế nào mà lũ chó săn của thằng Muyn-lơ đê tiện lại có thể đánh hơi được việc đó?!

Sê-len-béc chờ đến lúc Him-le thét mắng xong, mới thản nhiên nói nhỏ:

- Thưa Thống chế, chắc ngài còn nhớ rằng, mọi chi tiết của chiến dịch này đều do tôi chuẩn bị, có phải thế không ạ? Chiến dịch che đỡ của tôi vẫn đâu vào đấy. Tôi đã chuẩn bị cho Vôn-phơ câu chuyện huyền thoại, làm như chúng ta gài ông ấy vào nhóm âm mưu phản loạn đang thực sự tìm kiếm con đường hòa bình riêng rẽ ở Béc-nơ. Bây giờ, chúng ta sẽ thỏa thuận nốt những chi tiết còn lại. Và ngay ở đây, tôi sẽ đọc cho ông Vôn-phơ viết một bản báo cáo về cuộc thương lượng với bọn Mỹ do cơ quan tình báo SS chúng ta phát hiện được. Bản cáo ấy sẽ đề gửi cho Ngài.


Sê-len-béc có thể bố trí một tai nạn máy bay với Vôn-phơ. Nhưng y không rõ Can-ten-bơ-ru-ne đã biết những gì, có lẽ hẳn mới chỉ nắm được những nét đại thể nhất, nếu không, hắn đã bắt giữ Vôn-phơ ngay ở Ý rồi, - nếu vậy thì tai nạn máy bay sẽ không còn hợp lý nữa: thông qua Can-ten-bơ-ru-ne, Boóc-man sẽ có thể sử dụng những tài liệu tố giác Him-le, tuy là những tài liệu rất chung chung.


Các tin tức về cuộc đàm phán giữa Sơ-lắc với các nước đồng minh phương Tây đo Sơ-tiếc-lít thu lượm được ở Béc-nơ gửi về và câu chuyện thương lượng do anh bịa ra kèm theo tên tuổi rất nhiều người đã cho phép Sê-len-béc báo cáo về một âm mưu khiến Hít-le lo ngại.


Và nếu như Các-lơ Vôn-phơ, "người lính trung thành của Quốc trưởng, người đã được lực lượng SS và Him-le đào tạo", không có quá nhiều sáng kiến thương lượng trong khi thực hiện nhiệm vụ của cấp chỉ huy, mà chính ông ta đã báo cáo với thống chế SS về thương lượng đó, thì không rõ rồi các sự kiện sau đó sẽ thay đổi như thế nào.


Boóc-man hiểu rằng, y đã thua cuộc, khi Him-le cùng với Sê-len-béc và Vôn-phơ bước ra khồi hầm ngầm của Quốc trường. Trong lúc bắt tay Vôn-phơ và "bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất về sự trung thành và dũng cảm" của hắn, Boóc-man nghĩ bụng: "Có nên gọi Sơ-tiếc-lít đến đây đối chứng với tên đê tiện mặt búng ra sữa này, cái tên đã bán rẻ Quốc trưởng ở Béc-nơ, hay không?" Y vẫn nghĩ tiếp chuyện đó, sau khi Him-le đã dẫn mấy tên tay chân của hắn bước ra với vẻ mặt bình tĩnh, vì đã chiến thắng y, chiến thắng Boóc-man.


Y chưa thể đi đến một quyết định rõ ràng. Và lúc đó y nhớ đến Muyn-lơ.

"Đúng rồi, - y nghĩ, - mình phải gọi người ấy đến. Không nên hy vọng vào các biện pháp nửa vời. Hoặc là thế này, hoặc là thế kia. Mình cần có một người của mình ở cương vị cao hơn Sơ-tiếc-lít. Người của mình phải ở cương vị lãnh đạo cao cấp. Nếu không, mình khó có thể đánh gục Him-le. Với Muyn-lơ, mình sẽ bàn đến tất cả các khả năng, và mình cũng sẽ bàn với ông ta về Sơ-tiếc-lít. Dầu sao mình cũng còn có khả năng chiến thắng: đó là các tài liệu của Sơ-tiếc-lít. Chúng sẽ vang lên tại tòa án của đảng xét xử Vôn-phơ".

- Boóc-man đây, - y nói thấp giọng với nhân viên trực điện thoại. - Hãy gọi Muyn-lơ đến gặp tôi.
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #103 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 07:06:53 am »

CÔNG HÀM RIÊNG VÀ TỐI MẬT
CỦA THỦ TƯỚNG SỚC-SIN GỬI NGUYÊN SOÁI XTA-LIN


1. Tổng thống có chuyển cho tôi những bức thư Ngài gửi cho Tổng thống để trao đổi về cuộc đàm phán ở Thụy Sĩ giữa một sĩ quan Anh và một sĩ quan Mỹ trong Bộ chỉ huy của Thống chế A-lếch-xăng-đe với viên tướng Đức Vôn-phơ, về khả năng đầu hàng của quân đội dưới quyền Két-xen-rinh, tại miền Bắc nước Ý. Bởi vậy, tôi thấy nên gửi công hàm cho ngài trình bày rõ ràng những sự việc liên quan tới hành động của Chính phủ Hoa Kỳ. Khi chúng tôi vừa được biết về cuộc đàm phán đó, ngày 13 tháng ba, chúng tôi đã lập tức báo tin cho Chính phủ Liên Xô biết, hơn nữa, chúng tôi và Chính phủ Hoa Kỳ đã thành thật thông báo cho Ngài rõ tất cả những gì đã xảy ra, Toàn bộ sự việc ở Thụy Sĩ, mà người ta đã nhắc đến hoặc đề cập tới theo một khía cạnh nào đó, chỉ tựu trung ở chỗ kiểm tra mức độ quyền lực của tên đặc phái viên đại điện cho phía Đức và cố gắng tổ chức cuộc gặp mặt giữa viên toàn quyền của Két-xen-rinh với thống chế A-lếch-xăng-đe tại hành dinh của ông ta hoặc tại một nơi nào đó thuận lợi ở miền Bắc nước Ý. Tại Thụy Sĩ không hề có bất cứ cuộc thương lượng nào, ngay cả việc thương lượng về sự đầu hàng của quân đội dưới quyền Két-xen-rinh. Hơn nữa, các ý đồ chính trị của việc thương lượng hoàn toàn không mang tính chất nhục nhã như người ta nghĩ và không có mưu đồ chỉnh trị - quân sự như lời khẳng định của Ngài trong bức điện gửi Tổng thống.


2. Các đại diện của Ngài sẽ được mời ngay tới dự cuộc gặp mặt mà chúng tôi muốn tổ chức ở Ý. Nếu cuộc gặp mặt đó được tổ chức và nếu các đại điện của Ngài tới dự, hẳn là họ sẽ nghe rõ từng lời phát biểu.


3. Chúng tôi cho rằng, Thống chế A-lếch-xăng-đe có toàn quyền tiếp nhận tại mặt trận của mình ở Ý sự đầu hàng của đội quân Đức, bao gồm 25 sư đoàn và thảo luận các vấn đề đầu hàng với những viên đại diện của phía Đức có toàn quyền thỏa thuận về các điều kiện đầu hàng. Hơn nữa, chúng tôi đã dự kiến sẽ mời các vị đại diện của Ngài tới tham dự các cuộc thương lượng thuần túy quân sự đó tại hành dinh của A-lếch-xăng-đe, nếu các cuộc thương lượng đó được tổ chức. Song thực tế là mọi sự tiếp xúc ở Thụy Sĩ đều chưa dẫn tới kết quả gì. Các sĩ quan của chúng tôi đã từ Thụy Sĩ trở về, vì không đạt được kềt quả trong việc tổ chức cuộc gặp mặt với các đại diện của Két-xen-rinh tại Ý. Về toàn bộ tình hình đó, chính phủ Liên Xô đã được lần lượt thông báo đầy đủ qua thống chế A-lếch-xăng-đe hoặc A. Cơ-lác Kê-rơ, cũng như qua các giới hữu quan của Hoa Kỳ. Tôi nhắc lại rằng, chúng tôi chưa hề tiến hành, thậm chí chưa hề bắt đầu, bất cứ cuộc đàm phán chính thức hoặc không chính thức nào tại Thụy Sĩ.


4. Tuy nhiên, có thể toàn bộ đề nghị đàm phán mà tướng Đức Vôn-phơ đưa ra chỉ là một trong nhiều mưu toan mà kẻ thù sử dụng nhằm gieo rắc sự nghi ngờ giữa các nước đồng minh. Thống chế A-lếch-xăng-đe đã đặc biệt nhấn mạnh điều đó trong bức điện đề ngày 11 tháng ba như sau:

"Tôi xin lưu ý rằng, việc hai nhân vật chỉ huy lại là người của lực lượng SS và Him-le, khiến cho tôi hết sức nghi ngờ". Bản sao bức điện ấy đã được gửi tớỉ đại sứ Anh tại Mát-xcơ-va, ngày 12 tháng ba, để chuyển cho Chính phủ Liên Xô. Nếu bọn Đức định gieo rắc sự thiếu tin cậy giữa chúng ta, thì chúng đã đạt được mục đích của chúng trong một thời gian.


5. A. Cơ-lác Kê-rơ đã được ngài I-đen giao nhiệm vụ giải thích toàn bộ sự việc cho ngài Mô-lô-tốp rõ. Trong thư trả lời mà ngài Mô-lô-tốp gửi cho ông ta, có câu "Chính phủ Liên Xô thấy đây không phải là sự hiểu lầm, mà là một cái gì còn tệ hại hơn". Bức thư ấy cũng biểu lộ sự không vừa lòng về việc "tại Béc-nơ trong khoảng thời gian hai tuần, sau lưng Chính phủ Liên Xô, người phải mang gánh nặng chủ yếu của cuộc chiến tranh chống nước Đức phát xít, đã diễn ra cuộc thương lượng giữa một bên là các đại diện của Bộ chỉ huy quân sư Đức với một bên là các đại diện của Bộ chỉ huy quân sự Anh và Mỹ". Vì lợi ích của quan hệ Anh - Xô, Chính phủ nước tôi đã quyết định không trả lời sự buộc tội vô căn cứ và hàm ý lăng nhục đó, mà quyết định coi thường nó. Đó là lý do khiến trong thông điệp gửi Tổng thống, Ngài gọi là "sự im lặng của người Anh". Chúng tôi cho rằng, im lặng sẽ tốt hơn là trả lời một bức thư như bức thư mà ngài Mô-lô-tồp đã gửi. Nhưng Ngài có thể tin rằng, chúng tôi rất ngạc nhiên về bức thư đó và thấy bị xúc phạm trước lời buộc tội vô căn cứ của ngài Mô-lô-tốp. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới những chỉ thị của chúng tôi cho thống chế A-lếch-xăng-đe là phải thông tin đầy đủ cho Ngài rõ.


6. Cũng sẽ không đúng, nếu cho rằng, sáng kiến trong việc này hoàn toàn xuất phát từ phía Chính phủ Anh, như Ngài tuyên bố với Tổng thống. Thực ra, chính một cơ quan Hoa Kỳ đã báo tin cho thống chế A-lếch-xăng-đe biết rằng, viên tướng Đức Vôn-phơ muốn tiến hành cuộc thương lượng tại Thụy Sĩ.


7. Giữa cuộc thương lượng tại Béc-nơ, hay ở bất cứ nơi nào khác, và thất bại hoàn toàn của quân đội Đức ở mặt trận phía Tây không liên quan gì với nhau. Thực tế là quân đội Đức vẫn chiến đấu rất hùng hổ và từ đầu cuộc tấn công tháng hai của chúng tôi đến hết ngày 28 tháng ba đã làm cho quân đội chúng tôi và quân đội Hoa Kỳ tổn thất trên 87 ngàn người. Tuy nhiên, trước lực lượng lục quân trội hơn hẳn của chúng tôi về số lượng, thế nhưng lại bị đè bẹp trước ưu thế của lực lượng không quân Anh - Mỹ, chỉ trong tháng ba không quân Anh - Mỹ đã ném xuống đất Đức hơn 200 ngàn tấn bom, - quân đội Đức ở mặt trận phía Tây đã bị đánh cho tan tác. Việc trước mắt chúng có lực lượng lục quân trội hơn về số lượng ở mặt trận phía Tây là do quân đội Liên Xô đã giáng những đòn mạnh mẽ.


8. Còn về những lời buộc tội mà Ngài nêu lên trong thông điệp gửi Tổng thống mà những lời buộc tội đó bôi nhọ cả Chính phù Anh nữa, thì tôi và các đồng sự của tôi hoàn toàn nhất trí với câu cuối cùng trong thư trả lời của Tổng thống".
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #104 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 07:07:23 am »

THƯ RIÊNG VÀ MẬT CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
I. V. XTA-LIN GỬI NGÀI TỔNG THỐNG Ph. RU-DƠ-VEN.


1. Trong thông điệp của tôi... vấn đề không phải là lòng thành thật hay sự tin cậy. Tôi không bao giờ nghi ngờ lòng thành thật và mức độ đáng tin cậy của Ngài, cũng như lòng thành thật và mức độ đáng tin cậy của ngài Sớc-sin. Vấn đề tôi muốn đề cập đến là: trong quá trình trao đổi thư từ giữa chúng ta, đã lộ ra những quan điểm khác nhau về việc một nước đồng minh có thể cho phép mình làm những gì đối với nước đồng minh kia và không được phép làm những gì. Người Nga chúng tôi nghĩ rằng, trong tình hình hiện nay trên các mặt trận, khi quân thù đứng trước sự tất yếu phải đầu hàng, bất kỳ cuộc gặp gỡ nào giữa đại diện của một nước đồng minh với bọn Đức để bàn về vấn đề đầu hàng cũng phải bảo đảm có sự tham gia của đại điện nước đồng minh kia trong cuộc gặp gỡ ấy. Trong mọi trường hợp, đó là điều tối cần thiết, nếu nước đồng minh đó muốn được tham gia cuộc gặp gỡ như thế. Thế nhưng, phía Mỹ và phía Anh lại nghĩ khác: họ cho rằng, quan điểm của người Nga không đúng. Xuất phát từ đó, họ đã không chấp nhận quyền tham gia của người Nga trong cuộc đàm phán với bọn Đức ở Thụy Sĩ. Tôi đã viết cho Ngài và thấy sẽ không thừa, nếu nhắc lại rằng, gặp trường hợp tương tự, người Nga sẽ không bao giờ bác bỏ quyển tham gia của người Mỹ và người Anh trong một cuộc đàm phán như thế. Tôi vẫn tiếp tục coi quan điểm của người Nga là quan điểm duy nhất đúng, bởi vì, nó loại trừ mọi khả năng dẫn tới sự nghi ngờ lẫn nhau và không cho phép kẻ thù gieo rắc sự nghi ngờ giữa chúng ta.


2. Khó mà tán thành ý kiến cho rằng, sở dĩ quân Đức ở mặt trận phía Tây chống cự yếu ớt chỉ là vì chúng đã bị đánh tan. Bọn Đức có 147 sư đoàn ở mặt trận phía Đông. Chúng có thể rút bớt 15 - 20 sư đoàn từ mặt trận phía Đông mà không thiệt hại gì tới chiến cục và ném sang phía Tây giúp các đơn vị của mình. Song bọn Đức không làm như vậy. Chúng vẫn tiếp tục điên cuồng chồng trả quân đội Nga đề bảo vệ cái nhà ga Dem-li-a-nít-xa ít ai biết đến ở Tiệp Khắc, một vị trí cần thiết đối với chúng không hơn gì thứ thuốc đắp đối với người chết, thế nhưng chúng lại rút bỏ không hề kháng cự khỏi những thành phố quan trọng ở trung tâm nước Đức như Ô-xơ-na-bơ-rúc, Man-gây-mơ, Cát-xen. Chắc Ngài phải đồng ý với tôi rằng, hành động đó của bọn Đức là hiện tượng không chỉ lạ lùng và khó hiểu.


3. Còn về những người đưa tin của tôi, thì tôi xin khẳng định với Ngài rằng, họ là những người hết sức trung thực và khiêm tốn, họ thi hành nhiệm vụ của họ một cách nghiêm túc và không có ý định làm nhục bất cứ ai. Những người ấy đã được chúng tôi kiểm tra nhiều lần qua thực tế..."
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #105 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2022, 07:07:59 am »

Sơ-tiếc-lít nhận được lệnh của Sê-len-béc phải về Đức ngay: anh cần phải báo cáo riêng với Quốc trưởng về công tác mà anh đã tiến hành nhằm phá vỡ "các cuộc thương lượng bội phản của những tên phản bội kiểu Sơ-lắc" ở Béc-nơ.


Sơ-tiếc-lít chưa thể về Béc Lanh ngay, bởi vì anh đang từng ngày chờ đợi người liên lạc do Trung tâm phái đến, anh không thể tiếp tục hoạt động, nếu không có đường dây liên lạc đáng tin cậy. Anh mua các tờ báo của Liên Xô và ngạc nhiên thấy ở nhà mọi người cứ tưởng rằng, với nước Đức thế là tất cả tai họa đã chấm dứt và sẽ không có điều gì bất ngờ được nữa.


Nhưng anh, hơn ai hết, nhất là sau khi đi sâu vào bí mật của các cuộc thương lượng giữa bọn quốc xã với phương Tây và nắm được tiềm lực quân sự và công nghiệp của nước Đức, càng ngày anh càng lo ngại những sự bất ngờ. Anh không biết các bức điện mật mã mà anh gửi Kết chuyển đi đã tới Trung tâm, tới Hội đồng Quốc phòng Nhà nước hay chưa.


Anh hiểu rằng, nếu Him-le biết rõ vai trò của anh trong việc phá vỡ các cuộc thương lượng, nếu Boóc-man biết được trò chơi hai mặt của anh, nếu bọn chúng chỉ cần biết một phần nghìn sự thật về anh - thì cuộc sống của anh sẽ tính bằng giờ phút...


Anh hiểu rằng, với việc trở lại Béc Lanh, anh sẽ chui đầu vào thòng lọng. Quay về đó một mình để nhận lấy cái chết một cách đơn giản thì thật là vô nghĩa. Sơ-tiếc-lít đã biết cách từ bên ngoài phân tích cuộc sống của anh như xét đoán một phạm trù nào đó tồn tại biệt lập đối với anh. Việc quay lại Béc Lanh sẽ có ý nghĩa, nếu anh bắt được liên lạc chắc chắn với Mát-xcơ-va, - anh cần đến đường dây liên lạc nhanh chóng và đáng tin cậy với Mát-xcơ-va biết chừng nào! Nếu không, anh có thể từ bỏ cuộc chơi được rồi: anh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Lương tâm anh trong sạch. Anh đã hết sức mệt mỏi, nhưng đó không phải là điều quan trọng. Cái chính là anh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.


Họ gặp nhau trong một tiệm khiêu vũ chỉ mở cửa ban đêm, như đã quy định từ trước. Một cô gái tinh quái vừa thi đỗ khoa Toán trường Đại học Tổng hợp cứ bám riết lấy Sơ-tiếc-lít không chịu rời anh nửa bước. Cô ta đẫy đà, đẹp một cách trơ trẽn và say rượu bí tỉ. Cô ta luôn miệng thì thầm bên tai anh: "Người ta cứ bảo các nhà toán học chúng em là bọn người khô khan! Láo toét! Chúng em là những nhà phát minh cả trong lĩnh vực yêu đương! Trong tình yêu, em là một Anh - xtanh! Em vừa tương đối vừa tuyệt đối! Em thích anh lắm, chàng trai tóc bạc của em!"


Sơ-tiếc-lít không tài nào gỡ khỏi cô ta được. Anh đã nhận ra người liên lạc qua chiếc tẩu, cái cặp và chiếc ví của người đó, anh phải bắt liên lạc, nhưng cô ả sinh viên khoa Toán cứ bám riết lấy anh, mà anh thì không muốn gây chuyện ầm ĩ, nhất là vào lúc này.

- Em hãy ra ngoài xe của anh và chờ anh ở đó, Anh-xtanh yêu quý, -  Sơ-tiếc-lít nói. - Anh sẽ ra ngay bây giờ.

- Thật không anh?

- Thật, thật!

- Anh thề đi!

- Xin thề... - Sơ-tiếc-lít cười. - Anh sẽ ra ngay... thật đấy! Em ra trước đi và hãy vẽ một cặp công thức trong ca-bin cho anh xem.

Đồng chí liên lạc nói với anh rằng, Trung tâm không thể nài ép anh trở về bên Đức vì hiểu rằng, trong tình hình hiện nay, việc đó rất phức tạp và nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu Uy-xơ-tác cảm thấy còn sức lực thì Trung tâm dĩ nhiên mong anh trở về Béc Lanh. Trung tâm để cho đồng chí Uy-xơ-tác được quyền quyết định hoàn toàn vấn đề đó, đồng thời báo tin rằng, Bộ chỉ huy đã đề nghị Hội đồng Quốc phòng Nhà nước và Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao tặng anh danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì công lao phát hiện chiến dịch "Trò xếp ô chữ". Nếu đồng chí Uy-xơ-tác thấy có thể quay về bên Đức, thì anh sẽ nhận được liên lạc: hai chiến sĩ điện đài - ở Pốt-xđam và Vét-đinh - sẽ chuyển sang hoạt động dưới sự chỉ huy của anh.


Động cơ chiếc "Khô-rếch" nổ rất giòn và đều. Chiếc cột số đen-xanh bên đường ô-tô chỉ rằng từ đây đến Béc Lanh còn 247 ki-lô-mét nữa. Giữa những đám mây bay thấp rách nát lộ ra những mảng trời màu xanh. Tuyết đã tan hết, khắp nơi đâu đâu cũng thấy các lá sồi mầu nâu thẫm. Không khí trong rừng yên tĩnh, nặng nề và nồng mùi ẩm mốc.


"Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, - đài phát thanh đang truyền đi bài hát của Ma-ri-ca Rốc-cơ, - sẽ đọng lại trong trái tim anh. Em tin rằng, xung quanh chúng ta mãi mãi sẽ là tiếng nhạc, lời ca, và cây cỏ sẽ quay tròn trong điệu vũ uyển chuyển, chỉ có con hải âu bị cơn sóng lừng chộp lấy là sẽ chìm xuống và anh sẽ không thể giúp gì được nó..."


Sơ-tiếc-lít phanh xe lại đột ngột. Trên đường không một bóng xe cộ hay người qua lại. Anh để xe ngay trên mặt đường chứ không lái sang vệ đường. Anh vào rừng thông và ngồi xuống đất. Những mầm lá xanh tươi đàu tiên đang nhú ra dè dặt. Sơ-tiếc-lít cẩn thận lấy hai tay xoa mặt đất. Anh ngồi thật lâu trên lớp đất và lấy tay xoa đất. Anh biết mình sẽ gặp những khó khăn gì khi đồng ý quay lại Béc Lanh. Bởi vậy, anh có quyền ngồi thật lâu trên lớp đất xuân lành lạnh và đưa tay ve vuốt nó...

Mát-xcơ-va - Béc Lanh - Niu Y-Oóc. 1968
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM