Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:22:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân  (Đọc 21337 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #80 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2022, 07:36:41 am »

Sơ-tiếc-lít lại nhìn đồng hồ: Muyn-lơ rời khòi xà-lim đã hơn hai tiếng rồi.

"Cô bé không khai, - Sơ-tiếc-lít hiểu. - Hay là chúng đưa Kết đi đối chất với Pờ-lây-sơ-ne? Điều đó không đáng sợ, vì họ có biết gì về nhau đâu. Nhưng hẳn là hắn gặp chuyện gì bất trắc rồi. Có chuyện gì đó đã xẩy ra, mình còn có thời gian trống ở giữa và mình phải lợi dụng thời gian trống đó".


Anh thong thả đi đi lại lại trong xà-lim, cân nhắc mọi cách giải quyết có thể áp dụng. Anh đã điểm lại trong óc tất cả những gì liên quan tới chiếc va-li kia. Phải rồi, đúng là anh đã đỡ lấy chiếc va-li ở trong rừng, khi Ê-rơ-vin bị trượt chân suýt ngã. Chuyện đó xẩy ra trong đêm trước khi gia đình Kết bị trúng bom. Chỉ một lần thôi.


"Hượm đãi - Sơ-tiếc-lít tự ngăn mình lại. - Đúng là trước trận ném bom... Sáng hôm sau mình đã đi xe đến phố ấy... Ở đấy xe cộ ùn lại rất nhiều... Đường bị nghẽn vì các đội cứu hỏa đang làm việc. Tại sao mình lại có mặt ở đó. Mình có mặt ở đó là vì con đường mình đi về phía đại lộ Cư-đam bị tắc. Mình sẽ đòi Muyn-lơ phải gọi tốp cảnh sát gác đường sáng hôm ấy đến đây xác nhận. Nghĩa là sở dĩ mình có mặt tại dãy phố Kết ở là vì cảnh sát bắt mình đi vòng. Trong hồ sơ có bức ảnh chụp mấy chiếc va-li còn nguyên vẹn sau trận bom. Mình đã nói chuyện với tên cảnh sát, mình còn nhớ mặt hắn, còn hắn thì hắn phải nhớ tấm thẻ của mình... Mình đã giúp người ta chuyển mấy chiếc va-li - tên kia có phủ nhận việc đó cũng không sao. Hắn sẽ không phủ nhận việc đó, mình sẽ đòi Muyn-lơ đưa tên cảnh sát đến đối chất. Mình sẽ nói rằng mình đã đẩy hộ một người phụ nữ đang khóc chiếc giường trẻ con: chị ta sẽ xác nhận, bởi vì đó là việc làm có thật, khó mà quên được".


Sơ-tiếc-lít đấm hai nắm tay vào cửa thình thình, và cửa mở ra ngay: nó không bị khóa, nhưng có hai tên hộ pháp đứng gác bên ngoài. Tên thứ ba lúc ấy điệu qua cửa xà-lim của Sơ-tiếc-lít một người bị trói giật cánh khuỷu. Mặt người ấy bị biến đạng hẳn đi, nhưng chỉ cần một khoảnh khắc Sơ-tiếc-lít cũng đủ nhận ra trong mớ da thịt lùng nhùng ấy khuôn mặt tên lái xe riêng của Boóc-man, kẻ đã không chịu làm việc cho cơ quan ghét-xta-pô, kẻ đã lái xe cho Boóc-man hôm anh nói chuyện với hắn.


Sơ-tiếc-lít cảm thầy toàn bộ cơ thể anh căng lên. Đừng bỏ lỡ thời cơ.

- Này, anh bạn ơi, anh hãy gọi điện ngay cho thượng tướng Muyn-lơ. Bảo ông ấy rằng tôi đã nhớ ra! Tôi đã nhớ ra tất cả! Anh hãy mời ông ấy xuồng gặp tôi ngay lập tức!

"Pờ-lây-sơ-ne vẫn chưa bị giải về. Một, việc khai thác Kết không ăn thua gì. Hai, mình chỉ còn một khả năng thoát khỏi nơi này - đó là thời gian. Thời gian và Boóc-man. Nếu mình chậm trễ, Muyn-lơ sẽ thắng."

- Được rồi, - tên lính gác nói, - thưa đại tá, tôi sẽ gọi điện lên chỗ ngài thượng tướng ngay.


Bên cổng trại trẻ mồ côi nuôi dưỡng những em bé còn đang bú, có một người lính cao lớn đang đứng. Người ấy đứng trước một chiếc cửa sổ sơn trắng, miệng day day điếu thuốc lá chưa châm lửa. Rõ ràng người ấy đang nóng ruột, bời vì chốc chốc lại thấy anh ta xem đồng hồ. Khi chiếc cửa sổ mở ra, anh ta rụt rè ngó vào bên trong và nói:

- Xin lỗi, tôi muốn đề nghị chị một điều...

- Bây giờ chúng tôi không thể chấp nhận được đề nghị của ông, - người phụ nữ có tấm băng buộc tóc mầu trắng trả lời anh ta. - Bây giờ đang là lúc cho trẻ ăn, tất cả mọi người đều bận...

- Vâng, nhưng tôi từ mặt trận về đây chỉ được nửa ngày. Tôi phải đi ngay lập tức.

- Thưa ông, nhưng rất tiếc là bây giờ tất cả các cháu...

- Chị có thể cho tôi gặp một vị nào đó trong ban phụ trách trại được không ạ?

- Trại chúng tôi chẳng còn vị phụ trách nào rỗi cả, người thì ra trận, người thì đang săn sóc các cháu. Một lần nữa xin ông tha lỗi cho tôi, - và người phụ nữ sập cảnh cửa xuống ngay trước mũi anh lính.

- Thế bao giờ thì các cháu ăn xong, hở chị?

Người phụ nữ không mở cửa, trả lời:

- Nửa tiếng nữa. Mời ông nửa tiếng nữa quay lại đây, chúng tôi mới có thể giúp ông được...

Người lính bước ra, sang bên kia đường và đi xuống tầng hầm của một ngôi nhà đồ. Ở đó, Kết đang ngồi cho con bú trên một chiếc hòm bẹp gí.

- Thế nào, anh? - chị hỏi.

- Dở quá, - Ghen-mút đáp. - Phải đợi nửa tiếng đống hồ nữa.

- Chúng ta sẽ đợi, - Kết an ủi anh ta. - Chúng ta sẽ đợi... Bởi vì bây giờ chẳng sợ gì cả. Làm sao chúng nó biết tôi với anh đang ở đâu?

- Nói chung thì như thế, nhưng phải nhanh nhanh rời khỏi thành phố, kẻo chúng nó tìm ra chúng ta mất. Tôi biết chúng nó lùng người giỏi như thế nào rồi. Hay là chị cứ đi trước? Còn tôi nếu thuận lợi, tôi sẽ đuổi kịp chị sau, có được không? Chúng ta hãy thỏa thuận với nhau: chị sẽ đợi tôi ở đâu nào?

- Không, - Kết lắc đầu, - không nên thế. Tôi sẽ đợi anh... Tôi biết đi đâu giữa thành phố này được, hở anh...


Sôn-xơ gọi điện tới phòng thông tin vô tuyến - nơi Muyn-lơ đang có mặt đề báo tin:

- Sơ-tiếc-lít yêu cầu nói với ngài rằng anh ta đã nhớ ra tất cả.

- Thế hả? - Muyn-lơ sôi nổi hẳn lên và đưa tay ra hiệu cho hai lão già đừng cười to. - Bao giờ?

- Vừa xong ạ.

- Tốt lắm. Bảo anh ta là tôi sẽ về ngay. Không có tin gì mới à?

- Không có tin gì đáng kể ạ.

- Chưa biết thêm gì về tên lính bảo vệ hay sao?

- Chưa, toàn những điều vụn vặt thôi ạ...

- Cụ thể là gì? - Muyn-lơ hỏi như một cái máy, hỏi đề mà hỏi, và vừa hỏi vừa với tay lấy áo bành-tô trên chiếc ghế bên cạnh.

- Thưa ngài, mới biết về vợ con và họ hàng của nó thôi ạ.

- Sao lại bảo là vụn vặt, - Muyn-lơ giận dữ. - Điều đó chẳng vụn vặt chút nào. Hoàn toàn không vụn vặt trong vụ này đâu, anh bạn Sôn-xơ ạ. Bây giờ tôi sẽ về và cùng anh phân tích điều vụn vặt đó... Đã phái người tới chỗ vợ nó chưa?

- Vợ nó đã bỏ nó cách đây hai tháng.

- Sao, cái gì?!

- Nó nằm quân y viện vì bị chấn thương, thế là vợ nó bỏ nó để đi theo một gã lái buôn tới Muyn-khen.

- Còn con nó?

- Xin ngài đợi cho một phút, - Sôn-xơ trả lời, tay giở hồ sơ, - bây giờ tôi sẽ xem con nó ở đâu... À, đây rồi... Tôi tìm thấy rồi...

- Anh nói in ít thôi, Sôn-xơ ạ. Nói ít đi và hãy làm nhiều hơn.

- Nó có một đứa con bốn tháng. Vợ nó đã gửi con vào trại trẻ mồ côi.

"Cô ả người Nga cũng đang cho con bú, - Muyn-lơ sực nhớ. - Tên lính cần có một người vú em! Thằng cha Rôn-phơ chắc đã quá tay với đứa con của cô ả!"

- Tên trại trẻ ấy là gì?

- Không có tên. Chỉ biết ở khu Pan-cốp, phố Sin-le, số bẩy. Bây giờ đến mẹ của tên lính ấy...

Muyn-lơ không để ý nghe các tư liệu về người mẹ của Ghen-mút nữa. Y quẳng ống nói xuống bàn, sự chậm chạp của y biến mất, y mặc áo bành-tô và nói:

- Các cậu ạ, bây giờ có thể sẽ phải bắn nhau ra trò đấy, bởi vậy các cậu hãy chuẩn bị súng đạn cho cẩn thận. Có cậu nào biết trại trẻ mồ côi ở khu Pan-cốp không?

- Phố Sin-le, số nhà tám thì phải. - Tên tóc bạc nói.

- Cậu lại lẫn lộn rồi, - Muyn-lơ vừa nói vừa bước ra khỏi phòng, - Bao giờ cậu cũng lẫn số lẻ với số chẵn. Nhà số bảy.

- Một phố bình thường thôi, - lão già tóc bạc nói, - ở phố ấy không có gì đặc biệt. Chơi nhau ở đấy tha hồ mà đẹp: phố ấy yên tĩnh lắm, sẽ chẳng ai làm phiền chúng ta. Còn chuyện tôi nhầm lẫn chữ số thì đúng đấy. Từ bé đã thế. Tôi chả bị ốm vào hôm ở lớp học bài số lẻ số chẵn mà.

Và lão ta phá lên cười, Muyn-lơ và tên kia cũng cười theo. Và cả ba tên lúc này trông như một bọn thợ săn đã vây kín được một con hươu.
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #81 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2022, 07:41:52 am »

Không, Ghen-mút Côn-đe không có mối liên hệ gì với Sơ-tiếc-lít. Đường đi của họ không gặp nhau ở nơi nào cả. Ghen-mút ra trận từ năm 1940. Anh ta tin rằng anh ta đi chiến đấu cho Tổ quốc, cho đời sống của mẹ, của ba đứa em trai và một đứa em gái của mình. Anh ta tin rằng anh ta đi chiến đấu cho tương lai của đất nước, chống bọn Xla-vơ hèn mọn dám cướp đoạt những vùng đất mênh mông, trong khi chúng không hề biết cách làm ăn; chống bọn Anh và bọn Pháp đã bị bán rẻ cho bọn thống trị ở bên kia đại dương; chống bọn Do Thái áp bức dân lành và đầu cơ trục lợi trên nỗi đau khổ của người khác. Anh ta tưởng rằng thiên tài của Quốc trưởng, người đã nhận mang gánh nặng ghê gớm là đem lại hạnh phúc cho dân tộc Đức, sẽ chói chang muôn thuở.


Cứ thế cho đến mùa thu năm 1941, khi quân Đức ca vang hành khúc diễu binh trên thế giới và không khí chiến thắng làm cho anh ta và các bạn anh ta trong đơn vị xe tăng SS say sưa, mê mẩn, đôi khi giống những kẻ dạo chơi mà đầu óc chẳng mảy may vẩn nghĩ. Nhưng sau một trận đánh ở vùng ngoại vi Mát-xcơ-va, khi bắt đầu phải đối phó với du kích và có lệnh giết chết tất cả các con tin, Ghen-mút hơi lúng túng. Anh ta vốn là một nông dân, và anh ta tôn thờ người mẹ cao hơn mọi thứ đáng tôn thờ khác. Người mẹ đã nuôi dậy Ghen-mút cùng mấy đứa em của anh ta. Sau ngày bố anh ta chết, bà mẹ làm quần quật từ sáng đến đêm và không cho phép anh ta bỏ học, ngày nào bệnh tật chưa quật ngã được bà.


Lần đầu tiên khi trung đội của Ghen-mút được lệnh bắn chết bốn mươi người bị bắt làm con tin ở gần Xơ-mô-len-xcơ - nơi một đoàn tàu của quân Đức bị lật đổ - thì Ghen-mút bắt đầu uống rượu: trước mắt anh ta là các cụ già và những người phụ nữ bế con. Những người phụ nữ ấy ôm chặt con vào lòng, bịt mắt con lại và yêu cầu bọn lính hãy giết chết họ thật nhanh...


Sau đó, anh ta nhận thấy rằng các bà mẹ ở nước Nga cũng giống các bà mẹ Đức, thường nhường cho con khẩu phần khoai tây cuối cùng của mình và khi họ nhìn con cái họ ăn uống, mặt họ đẫm nước mắt.

Sau lần xử bắn thứ nhất, Ghen-mút không tài nào tĩnh trí lại được. Không phải một mình anh ta uống rượu: nhiều người bạn của anh ta lặng lẽ tu rượu cả chai, và không một ai kể chuyện tiếu lâm, cũng không một ai chơi ắc-coóc-đê-ông nữa. Rồi cả bọn lại lao vào đánh nhau với những người lính Nga để cơn giận dữ làm cho chúng quên đi cơn ác mộng nọ.


Khi Ghen-mút về phép, hai mẹ con cô gái láng giềng sang chơi hỏi thăm anh ta. Tên cô gái là Lu-i-da. Trông cô xinh xắn, ngoan ngoãn và trắng trẻo. Đêm nào Ghen-mút cũng nằm mơ thấy Lu-i-da. Anh ta mời cô gái đi xem phim, xem xong họ đi chơi với nhau cho đến sáng. Ghen-mút nhiều hơn Lu-i-da tới mười tuổi, bởi vậy, anh ta rất âu yếm cô gái. Anh ta nghĩ đến lúc cô trở thành một người vợ và người mẹ đảm đang. Ghen-mút luôn luôn mơ ước trong nhà anh ta có thật nhiều giày dép của trẻ con ở bên cạnh mắc áo: anh ta rất yêu trẻ. Làm sao anh ta lại có thể không yêu trẻ, một khi anh ta chiến đấu cho hạnh phúc và tương lai của chúng kia chứ?


Đến lần nghỉ phép năm sau, Lu-i-da trở thành vợ anh ta. Khi anh ta ra trận. Lu-i-da buồn nhớ anh ta tới hai tháng. Và khi hiểu rằng mình đã có mang, Lu-i-da cảm thấy buồn bã và sợ hãi. Cô ta bỏ ra thành phố và ngay trong đêm đầu tiên - vì không thuê được phòng ở khách sạn, còn nhà người quen của Ghen-mút thì đã bị bom phá sập, - cô ta đi ngủ với một tên sĩ quan không quân.


Sau khi đẻ, Lu-i-da mang con đến trại trè mồ côi. Thời gian ấy Ghen-mút đang nằm viện vì bị chấn thương nặng. Khi được ra viện và trở về nhà, anh ta được mọi người cho biết là Lu-i-da đã đi theo kẻ khác. Ghen-mút nhớ đến những người phụ nữ Nga: có lần bạn anh ta đã đổi năm hộp thịt để được ngủ với một cô giáo Nga ba mươi tuổi - người phụ nữ ấy có một đứa con gái nhỏ, nhưng chẳng còn gì để cho con ăn nữa. Sáng hôm sau, chị ta thắt cổ tự tử, để lại cho mấy người láng giềng đứa con gái, một gói quần áo trong có bọc tầm ảnh cha em và năm hộp thịt nọ. Thế mà Lu-i-da, một đội viên Hội thanh niên Hít-le, một người Đức chính cống, chứ không phải một người phụ nữ Xla-vơ mọi rợ, lại ném con vào trại trẻ mồ côi như một ả gái điếm mạt hạng.


Mỗi tuần Ghen-mút tới trại thăm con một lần, và đôi khi người ta cho phép anh ta bế con đi chơi. Anh ta đùa với con, hát cho con nghe, và lòng yêu con của anh ta có một vẻ gì điên dại và đáng thương. Anh ta đã nhìn thấy cô nhân viên điện đài Nga nựng con như thế nào và lúc ấy anh ta tự hỏi: "Tất cả chúng ta đã làm những trò gì? Sao tất cả chúng ta lại tàn ác đến như vậy! Họ cũng là người như chúng ta, cũng yêu thương con cái và sẵn sàng chết vì con như chúng ta kia mà!"


Bởi vậy, khi Ghen-mút nhìn thấy cảnh Rôn-phơ hành hạ cháu bé, quyết định đã đến với anh ta xuất phát từ tình cảm, chứ không phải từ lý trí. Anh ta thấy Rôn-phơ và Bác-ba-ra, kẻ đứng nhìn cảnh cháu bé hai tuần tuổi sắp bị giết chết một cách thản nhiên, giống hệt ả Lu-i-da, kẻ mà anh coi là tượng trưng cho sự phản bội.


Nửa giờ sau, Ghen-mút quay lại chỗ trại trẻ theo lời hứa của người phụ nữ nọ. Anh ta đứng bên chiếc cửa sổ gỗ sơn trắng và mất dần cái cảm giác căng thẳng đáng sợ, xa lạ, cảm giác căng thẳng đó đã trở thành bản tính thứ hai của anh ta, khi anh ta nhìn thấy tấm thân đỏ hỏn của đứa bé Nga trong tay Rôn-phơ. Anh ta cảm thấy có một cái gì đổ vỡ trong lòng, người anh ta cứ mỗi lúc một run thêm vì rét và toàn bộ nửa người bên trái - vốn bị chấn thương - lạnh hẳn đi và lúc đó anh không cảm thấy cái lạnh bên ngoài nữa.

- Chào chị, - Ghen-mút chào người phụ nữ nhìn ra ngoài cửa sổ. - Cháu Uốc-xu-la Côn-đe... con gái tôi... Người ta đã cho phép...

- Tôi biết rồi. Nhưng bây giờ đến lúc cháu phải đi ngủ...

- Tôi phải ra mặt trận ngay. Tôi sẽ bế cháu đi chơi một lát, và cháu sẽ ngủ trên tay tôi... Đến giờ thay tã, tôi sẽ trả cháu lại cho các chị...

- Thưa ông, tôi sợ bác sĩ không cho phép...

- Tôi phải ra trận ngay, - Ghen-mút nhắc lại, - chị không thể cấm tôi được nhìn thấy cháu.

- Vâng... Tôi hiểu... Tôi sẽ cố gắng. Xin ông đợi cho một phút.

Ghen-mút phải đợi không phải một, mà là mười phút, và cả người anh ta run lên bần bật, răng đánh cầm cập.

Cửa sổ mở, và người ta chìa ra cho anh ta một cái bọc trắng. Khuôn mặt đứa con gái được che bằng một miếng vải trắng tinh.

- Ông muốn đi ra phố phải không?

- Chị bảo sao? - Ghen-mút không hiểu.
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #82 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2022, 07:42:44 am »

Lời nói bây giờ vọng đến tai anh ta như từ một nơi rất xa, qua một chiếc cửa khép chặt. Anh ta thường cảm thấy như thế từ sau khi bị thương, mỗi lần xúc động mạnh. Anh ta từng bị ngạt ở ngoài phố mấy bận, khi nhìn thấy những bệnh viện và trại trẻ bị bom phá sập.

- Nếu ông muốn cho cháu ra choi ngoài phố, chúng tôi sẽ đưa xe nôi cho ông.

- Để làm gì?

- Để khỏi phải bế cháu.

- Không, cám ơn chị, tôi chỉ thích được ẵm cháu thôi.

- Tốt nhất là ông nên bế cháu vào chơi trong vườn hoa của trại chúng tôi - ở đấy yên tĩnh lắm và nếu có báo động máy bay, ông có thể nhanh chóng xuồng hầm trú ẩn.

- Được rồi. Tôi chỉ ngó xem chiếc xe buýt đã đến đón tôi chưa, rồi tôi sẽ đi vào nhà...

- Vào nhà nào?

- Vào vườn hoa, xin lỗi, vào vườn hoa...

- Ông không quá mệt mỏi đấy chứ?

- Không. Nhưng sao chị hỏi thế?

- Trông mặt ông tái hẳn đi...

- Không, không sao, - Ghen-mút nói và bước ra đường. Anh ta bước xuống lòng đường và nghe thấy tiếng phanh rít ngay sau lưng mình. Một chiếc xe quân sự đỗ lại cách Ghen-mút hai bước và người lái xe thò đầu ra cửa, quát:

- Mù hả? Không nhìn thấy xe đang phóng hay sao!! Ghen-mút ôm chặt đứa con gái vào ngực, lẩm bẩm gì đó rồi chạy về phía tầng hầm. Kết đang đứng bên cửa đợi anh ta. Đứa con của chị đang nằm trên chiếc hòm. Thằng bé đang ngủ, thỉnh thoảng lại cựa quậy trong mơ.

Ghen-mút trao đứa con gái cho Kết và nó:

- Bây giờ chị bế hộ cháu một lát, để tôi chạy ra bến xe. Đứng ở đấy có thể nhìn rõ lúc nào có chuyến xe buýt từ chỗ đường vòng hiện ra. Lúc đó, tôi chạy về đón chị ra vẫn kịp.

Anh ta nhìn Kết trân trọng đỡ lấy đứa con gái của anh ta, thế là nước mắt anh ta lại ứa ra. Anh ta bèn chạy ra đường.

- Tốt nhất là chúng ta cùng đi với nhau, - Kết nói, - tốt nhất là tôi cùng đi với anh.

- Không sao, tôi quay về ngay thôi, - Ghen-mút dừng lại nói. - Dẫu sao thì chúng nó cũng đã có ảnh của chị, còn tôi trước khi bị thương trông khác bây giờ nhiều lắm. Chị chờ một lát, tôi sẽ quay về ngay.

Ghen-mút khập khiễng đi vội ra bến xe. Đường phố vắng tanh vắng ngắt.

"May mà trại trẻ chưa tản cư, không thì mình mất đứa con. Sau này làm sao còn tìm được nó. Nếu có chết bom thì tốt nhất là cùng chết với nhau. Người phụ nữ ấy có thể nuôi con cho mình được - người ta vẫn cho hai đứa trẻ sinh đôi cùng bú đấy thôi... Vì việc cứu hai mẹ con chị ta, thượng đế sẽ tha thứ tất cả cho mình. Hay ít ra là tha thứ cho cái ngày bắn người ở gần Xơ-mô-len-xcơ".


Trời bắt đầu mưa phùn nên đã lạnh lại càng lạnh thêm. Nhưng Ghen-mút nghĩ rằng, dầu sao thì mưa xuân cũng chứng tò trời sắp ấm lên.

"Chỉ cốt sao mấy bà phụ nữ ở trại trẻ mồ côi không nhìn thấy mình và chị ta lên xe buýt. Ta sẽ đi đến thảo cầm viên, rồi sẽ lên tàu ở đó. Hoặc sẽ đi bộ lẫn với những người chạy loạn. Trà trộn vào đám người ấy không phải là chuyện khó. Và chị ta sẽ cho con mình bú trên đường từ đây đến Muyn-khen. Đến đó, mẹ mình sẽ lo liệu giúp. Ở đấy có thể thuê một người vú em. Tuy rằng nhất định chúng sẽ lùng bắt mình... Không thể đến chỗ mẹ mình được... Nguy hiểm lắm. Chỉ nên rời bỏ thành phố này thôi. Chỉ cần ra đến thảo nguyên và lánh vào rừng, tất cả sẽ thay đổi. Mà cũng có thể đi lên phía bắc, tới vùng bờ biển. Đến chỗ Han-xơ, rốt cuộc, ai có thể ngờ rằng, mình lại đến chơi nhà một người chiến hữu?"


Ghen-mút kéo sụp chiếc mũ lông xuống che tai. Anh ta đã thấy hết rét. Nửa người bên trái ấm dần lên.

"Mưa thế này lại hóa hay, - anh ta nghĩ, - cứ phải có một cái gì đó xảy ra. Khi người ta chờ đợi mà mọi vật xung quanh đều im lặng thì khổ lắm, thần kinh sẽ hết sức căng thẳng. Nếu lúc ấy trời mưa hay tuyết rơi, người ta sẽ bớt cô đơn".


Mưa vẫn rơi như cũ, nhưng mây đen đột nhiên tan dần, rồi cao tít trên đầu hé ra một khoảng trời xanh và một góc mặt trời mầu trắng.

"Mùa xuân đây rồi, - Ghen-mút nghĩ. - Chẳng bao lâu nữa cỏ non sẽ mọc..."

Anh ta nhìn thấy ở chỗ đường vòng ló ra cái đầu xe buýt. Anh ta đã định quay người chạy về ngôi nhà đổ, nơi Kết đang đợi, nhưng thấy có hai chiếc xe đen vọt lên trước chiếc xe buýt và phóng thẳng về phía trại trẻ, bất chấp mọi luật lệ giao thông, Ghen-mút lại cảm thấy chân anh ta bùn rủn và nửa người bên trái lạnh hẳn đi, - đấy là hai chiếc xe của bọn ghét-xta-pô. Ý muốn đầu tiên của anh ta là bỏ chạy, nhưng anh ta hiểu rằng, chúng sẽ nghi ngờ người chạy, sẽ lập tức tóm gọn chị phụ nữ Nga với con gái của anh ta và điệu về chỗ chúng; anh ta còn kịp nghĩ rằng, tốt nhất là anh ta đứng nguyên tại chỗ và khi hai chiếc xe chạy qua, thì anh sẽ lẩn đi theo một ngõ hẻm". Người ta sẽ bảo chúng rằng, mình vừa đón con ra, chúng sẽ đi tìm khu vực xung quanh và sẽ tìm thấy chị phụ nữ Nga ở trong tầng hầm. Nhưng chị ấy sẽ không nói rằng, đó là con gái của mình. Lúc trước, chị ấy có chịu khai gì với chúng nó đâu".


Anh ta chưa hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra sau đó với đứa con gái của anh ta. Anh ta sợ rằng, bây giờ anh sẽ lại bị sốc mà ngất đi. Rồi chúng nó sẽ bắt được con gái anh ta, sẽ cởi bộ quần áo của nó ra và đặt bên cạnh cửa sổ để ngỏ, khi mùa xuân chỉ vừa mới bắt đầu và còn ít lâu nữa trời mới ấm... "Nếu mình... thì chị phụ nữ Nga ấy sẽ nghe tiếng và sẽ hiểu tất cả. Chị ấy không thể quên ơn. Chị ấy không bao giờ quên..."


Ghen-mút bước xuống lòng đường, chĩa khẩu pa-ra-ben-lom ra, bắn liền mằy phát vào kính chắn gió của chiếc xe thứ nhất. Và ý nghĩ cuối cùng của anh ta sau khi nghe một loạt súng tiểu liên và trước khi cảm thấy cái đau cuối cùng trong đời mình, là: "Mình quên chưa nói tên con gái cho chị ấy biết..."


Và ý nghĩ đó làm cho anh ta đau khổ trong một khoảnh khắc trước khi anh ta chết.
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #83 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2022, 07:43:39 am »

- Không, thưa ông, mới chỉ cách đây mười phút chứ không hơn, - người nữ y tá đã trao con gái Ghen-mút cho anh ta, nói.

- Thế đứa con gái đâu? - lão già tóc bạc cau có hỏi, cố không nhìn cái xác thằng bạn nhuộm tóc của lão ta. Tên kia nằm trên sàn nhà, ngay cạnh cửa và người ta thấy rõ hắn đã già như thế nào: rõ ràng là lần hắn nhuộm tóc cuối cùng cách đây đã lâu, nên bộ tóc của hắn có hai màu: màu trắng ở chân tóc và màu nâu sáng ở phần còn lại.

- Tôi cho rằng, hai người ấy đã lên xe đi khỏi đây, - người phụ nữ thứ hai nói, - tôi thấy có một chiếc ô tô đỗ lại bên anh ta.

- Sao, đứa bé tự leo lên xe được à?

- Không, - người phụ nữ trả lời nghiêm trang, - nó chưa thể tự mình leo lên xe được. Bởi vì nó còn đang bú...

Muyn-lơ nói:

- Các anh hãy xem xét toàn bộ khu vực này cẩn thận, bây giờ tôi phải về cơ quan. Chiếc xe thứ hai đã lên đường; nó sắp chạy đến đây... Nhưng làm sao đứa con gái lại lên ô tô được nhỉ? - y quay ra cửa và hỏi. - Đó là loại xe gì?

- Xe to.

- Xe vận tải à?

- Không. Xe hơi. Màu xanh lá cây...

- Chắc chị không nhớ số xe?

- Tôi không để ý.

- Chuyện này có điều gì không bình thường, - Muyn-lơ nói và mở cửa. - Các anh hãy tìm kiếm trong các nhà quanh đây xem... Lạ thật!

- Xung quanh toàn là những ngôi nhà đổ nát.

- Thì tìm trong cái đống đổ nát ấy, - y nói, - nói chung, toàn bộ vụ này ngớ ngẩn và trái khoáy đến mức chẳng còn biết đằng nào mà lần. Chúng ta không thể hiểu lô-gích của một kẻ không chuyên nghiệp.

- Có thể hẳn là một nhà chuyên nghiệp khôn ngoan thì sao? - lão già tóc bạc vừa châm thuốc vừa nói.

- Một nhà chuyên nghiệp sẽ không mò đến trại trẻ, - Muyn-lơ nói và bước ra. Vừa rồi, khi y gọi điện về chỗ Sôn-xơ, tên kia có báo tin cho y biết rằng, căn phòng bí mật ở Béc-nơ đã lộ tẩy và người của y ở đó đã bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt giữ, bởi vì người liên lạc Nga mang bức thư mật mã sang đó đã nhẩy qua cửa sổ tự tử.
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #84 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2022, 07:44:24 am »

Sau khi gửi về Béc Lanh cho Sơ-tiếc-lít một tấm bưu ảnh chụp cảnh bờ sông Lô-dan-na theo đúng lời dặn dò, giám mục Sơ-lắc quay về nhà: ông đang sống ở khu vực nhà thờ Thánh La-vơ-ren-ti. Khi kể ra những nơi có thể trú chân, Sơ-tiếc-lít đã nói với ông rằng bọn ghét-xta-pô sẽ không mò đến chỗ này. Căn phòng ông đang ở rộng vừa phải, trần nhà cao, hình vòm cuốn. Chỉ có cái trần nhà hình vòm cuốn màu trắng, quá trắng, ấy là thứ duy nhất mang tính chất tu viện trong căn phòng này. Các thứ đồ gỗ ở đây đều sang trọng và đều được bọc bằng loại vải màu đỏ tươi.


Người ta giải thích với Sơ-lắc rằng, căn phòng này dành cho những người ngoại quốc vì lý do nào đó không thể hay không muốn trú chân ở các khách sạn, Những người tiếp chuyện vị giám mục nhấn mạnh rằng, những người ngoại quốc ấy đến đây với sứ mệnh tìm kiếm hòa bình, nhằm cứu nhân dân châu Âu khỏi cảnh chém giết lẫn nhau.


Sơ-lắc ngồi bên cửa sổ ngắm thành phố một hồi lâu: ở đây không phải ngụy trang che ánh sáng, các tủ kính bày hàng và cửa ra vào các rạp chiếu bóng được trang trí bằng các loại đèn đủ màu sắc. Sơ-lắc nhìn mọi người không chán mắt; vì đã bao năm ông không được thấy nhiều khuôn mặt trẻ trung đến thế. Bởi vậy, trong thời gian cuối cùng ở Đức, ông có cảm tưởng thế giới già cỗi hẳn đi.

Có tiếng gõ cửa.

- Mời vào.

- Ngài có dùng cà-phê không ạ? - người đầy tớ già hồi.

- Cám ơn ông, tôi không dùng.

- Lúc nào ngài muốn dùng cà-phê, trà hay nước trắng, xin ngài cứ gọi tôi.

- Cám ơn.

- Tôi xin phép cáo lui. Chúc đức giám mục ngủ ngon...

- Chúc ông ngù ngon. Tôi muốn hỏi ông: ở đây có thuốc luy-mi-nan hay brôm không? Tôi không tài nào ngủ được...

- Tôi xin đi hỏi và quay lại ngay.

Sau câu chuyện hôm nay giữa ông với cựu thủ tướng Đức Bơ-ruy-ninh, người mà giám mục biết rõ trong những năm hai mươi, giám mục cảm thấy rằng, không dùng thuốc thì ông không thể ngủ được. Ông không thể ngồi ngay vào bàn để ghi lại các ấn tượng trong ngày. Các ấn tượng bất ngờ và đáng sợ tới mức, trước tiên, giám mục phải cố trấn tĩnh đề đánh giá lại tất cả những điều ông đã nghe từ miệng Bơ-ruy-ninh, sau đó mới dám viết chúng ra giấy.


"Bắt đầu cuộc nói chuyện, - giám mục bắt đầu viết một cách chậm rãi, sau mỗi từ lại dừng bút, - cựu thủ tướng Bơ-ruy-ninh quan tâm đến số phận của những người mà tôi và ông ta cùng quen biết, ông ta tỏ thái độ khâm phục lòng dũng cảm của người đã giúp tôi chạy ra nước ngoài mà không đặt bất cứ điều kiện trước và sau gì về sự mạo hiểm đó, ông ta hỏi cặn kẽ về những người mà tôi đã gặp ở nhà tù và ở trại tập trung. Khi tôi lái câu chuyện sang vấn đề mà chúng ta quan tâm, Bơ-ruy-ninh nói: "Những người không có mặt bao giờ cũng hết quyền lực. Nhà trắng hay Oai-tơ-hôn không còn chú ý đến tôi nữa, bởi vì họ là những chính khách thực tế, có thế lực, còn tôi chỉ là một cựu chính khách đã mất ảnh hưởng thực tế. Tôi với họ bất đồng ý kiến với nhau, và hiển nhiên là họ coi tôi như một người hoạt động không chuyên nghiệp: không ai quên nghề nghiệp nhanh bằng một nhà chính trị đã mất chính quyền". Khi tôi hỏi: "Trong trường hợp ấy, có thể coi ai là nhân vật chính trị quan trọng ở Đức sau khi Him-le thủ tiêu các đại biểu ưu tú của phe đối lập?" Bơ-ruy-ninh trả lời: "Him-le". Khi tôi bác bỏ lời ông ta và nói rằng, ý kiến khẳng định vừa rồi chỉ thể hiện thái độ tự ái, sự mệt mỏi, thái độ hoài nghi và sự xa rời tổ quốc, Bơ-ruy-ninh bèn mời tôi xem một tài liệu. Hơn thế nữa, sau đó ông ta còn cho phép tôi ghi lại một số đoạn. Lúc đầu, tôi kinh ngạc về nội dung của tài liệu ấy, tuy nhiên, sau đó tôi nêu lên giả thuyết rằng, đấy có thể là tài liệu giả của bọn quốc xã. Bơ-ruy-ninh trả lời rằng, ông ta sẽ vui lòng đồng ý với tôi, giá như ông ta không tin rằng, đó là tài liệu thật. Tôi hỏi, theo ý ông ta, có thể coi bọn đại diện cho phía Đức trong cuộc đàm phán có thẩm quyền tới mức nào, Bơ-ruy-ninh đáp rằng, một câu trả lời quả quyết nhiều hay ít sẽ mang tính chất thông tin giả ở mức nhất định, bởi vì trong điều kiện chuyên chính của Hít-le, người quyết định chỉ có thể là Quốc trưởng hoặc một trong những trợ thù thân cận nhất của Quốc trưởng dám lật đổ Hít-le để giành toàn bộ quyền lực về tay mình. Bơ-ruy-ninh cho rằng, người đó trước hết có thể là thống chế Gơ-rinh hoặc Boóc-man. Ông ta nói rằng, ông ta không tin vào khả năng đưa Him-le lên địa vị thứ nhất. "Một vài giới có thế lực ờ phương Tây muốn dùng Him-le, nhưng chắc chắn dư luận xã hội rộng rãi không bao giờ tán thành việc lực lượng dân chủ ngồi bàn đàm phán với Him-le, kẻ tượng trưng cho tội ác của đảng Quốc xã. Và mặc dù chính Him-le là nhân vật có thế lực nhất ở nước Đức hiện nay, song rất khó nghĩ rằng, có khả năng thực tế tiến hành đàm phán với y". Tôi hỏi, các ý định tìm kiếm giải pháp hòa bình với nước Đức của phe đồng minh nghiêm túc tới mức nào, thì Bơ-ruy-ninh trả lời rằng, ông ta không thể thông báo cho tôi biết những cuộc đàm phán ấy đang diễn ra ở đâu và với ai, bởi vì hiện nay hoặc là chúng đã lên tới thời điểm cao nhất, hoặc là sắp đến thời điểm đó. Tôi hỏi, ông ta có những tư liệu chính xác đến mức nào? Bơ-ruy-ninh trả lời rằng, một chính khách lưu vong thường được nghe những tin đồn đã có sự thẩm tra kỹ. Khi tôi bảo ông ta rằng, những người bạn của tôi ở bên Đức giao cho tôi nhiệm vụ tìm hiểu khả năng đàm phán nghiêm túc với phe đồng minh để chấm dứt cảnh đổ máu và đem lại một nền hòa bình mong muốn cho loài người, Bơ-ruy-ninh hỏi những người ấy là ai. Không nhận được câu trả lời cụ thể của tôi, ông ta liền đề nghị tôi nghe lại một lần nữa băng ghi âm câu chuyện giữa một người Mỹ với một người Đức để, trong những tìm kiếm giải pháp hòa bình sau này của tôi, tôi chuẩn bị tinh thần nghe những quan điểm khác nhau. Dưới đây tôi xin dẫn ra băng ghi âm buổi nói chuyện đó...".
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #85 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2022, 07:45:43 am »

Sớm hôm ấy, từ nhóm nghiên cứu hồ sơ lưu trữ cướp được của Boóc-man, người ta gọi điện tới cho Sê-len-béc.

- Có hiện tượng đáng chú ý. Nếu ngài thiếu tướng tới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với ngài một vài tài liệu quan trọng.

- Tôi sẽ đến ngay bây giờ, - Sê-len-béc đáp lại gọn lỏn.

Y đến nơi, không cởi áo khoác, tiến ngay lại bàn và cầm lấy mấy tờ giấy.

Đưa mắt lướt qua mấy tờ giấy đó, y rướn mày ngạc nhiên, y cởi áo khoác vắt lên thành ghế, ngồi xuống và co chân trái lên. Mấy tài liệu này quả là rất đáng chú ý. Tài liệu thứ nhất viết như sau:

"Đến ngày X sẽ tiến hành cách ly Can-ten-bơ-ru-ne, Pô-li, Sê-len-béc, Muyn-lơ". Tên Muyn-lơ được gạch đi bằng chì đỏ, và Sê-len-béc đánh một dấu hỏi to tướng vào tấm bìa các-tông nhỏ - y thường bỏ túi hoặc để trên bàn mình một số tấm bìa như thề, để khi cần sẽ đánh dấu những điểm đảng chú ý vào đó. Tài liệu không có chữ ký và không đề người nhận ấy viết tiếp: "Cần nhớ rằng, việc cách ly các nhân vật lãnh đạo của cơ quan ghét-xta-pô và SĐ kể trên là một hành động đặc biệt đề đánh lạc hướng chú ý. Việc tìm kiếm những nhân vật lãnh đạo từng chịu trách nhiệm về các vấn đề cụ thể sẽ làm hao tổn tâm sức của những ai có lợi trong việc tìm kiếm đó, xét về quan điểm tác chiến cũng như về ý đồ chiến lược".


Tiếp đó, trong tài liệu có liệt kê một danh sách bao gồm 176 người.

"Các sĩ quan ghét-xta-pô và SĐ ấy có thể làm sáng tỏ những vấn đề mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Đế chế không phải thông qua các luận điểm cơ bản mà là thông qua các chi tiết thứ yếu. Hiển nhiên là mỗi sĩ quan nói trên không biết rằng, mình là một bức tranh chắp hình vô nghĩa về mặt giá trị cá nhân, nhưng lại vô giá trong việc lựa chọn mọi bức tranh chắp hình khác. Do đó, các sĩ quan ấy có thể phục vụ cho những kẻ thù của Đế chế muốn lên án các lý tưởng của đảng Quốc xã bằng cách vạch trần hoạt động thực tế của đảng. Trên quan điểm đó, các chiến dịch của mỗi sĩ quan kể trên khi gộp lại sẽ tạo thành một bức tranh bất lợi cho Đế chế. Tiếc rằng, trong trường hợp này không thể phân định ranh giới rõ rệt giữa kỷ cương của đảng với hoạt động thực tế của lực lượng SS, bởi vì, tất cả các sĩ quan ấy đều là các chiến sĩ kỳ cựu của phong trào, họ đã gia nhập đảng Quốc xã trong thời kỳ từ 1927 đến 1935. Bởi vậy, việc cách ly những người ấy cũng là việc làm hợp lý và hợp pháp".


"Rõ rồi, - Sê-len-béc chợt hiểu. - Cái thằng cha thủ lĩnh của đảng rào đón màu mè khéo chưa. Bọn mình thì cứ gọi thẳng là "thủ tiêu". Lão ta dùng hai chữ "cách ly". Nghĩa là mình sẽ bị thủ tiêu, còn Muyn-lơ thì được giữ lại. Kể ra, chính mình cũng chờ đợi ngày đó, thật nực cười nếu hy vọng vào cách đối xử khác. Đáng chú ý là họ vẫn để Can-ten-bơ-ru-ne lại trong danh sách. Tuy rằng cũng dễ hiểu điều sau đây: Muyn-lơ bao giờ cũng nấp trong bóng tối, chỉ có giới hoạt động chuyên nghiệp mới biết hắn, còn Can-ten-bơ-ru-ne thì đang đung đưa trên bộ đèn chùm, bây giờ cả thế giới biết tiếng ông ta. Lòng tự ái giết chết ông ta - mình luôn luôn nghĩ như vậy. Còn cái giết chết mình là mình cứ thích làm một người cần thiết cho Đế chế. Và mình đã có thể làm người cần thiết cho Đế chế thật, bởi vì mình biết rõ các bí mật ở trong nước và ở ngoài nước. Cái sự ngược đời của nhà nước chúng ta là ở chỗ: anh càng muốn làm người cần thiết cho nhà nước bao nhiêu, anh càng mạo hiểm bấy nhiêu; những người như mình không có quyền mang theo xuống mộ những bí mật quốc gia đã trở thành các bí mật cá nhân. Giữa cuộc sống và cái chết, tự nhiên sẽ có một khe hở thời gian, khi mình có thể nói những bí mật ấy với người khác. Những người như mình cần phải bị loại ra khỏi cuộc sống một cách nhanh chóng và bất ngờ... Như với Hây-đơ-rích vậy...".


Sê-len-béc chăm chú xem họ tên những người bị đưa vào danh sách cần "cách ly". Y tìm thấy rất nhiều cộng sự viên của mình. Đứng ở số 142 là đại tá SS Sơ-tiếc-lít.

Việc Muyn-lơ được gạt ra khỏi danh sách, còn Sơ-tiếc-lít phải nằm lại trong đó, chứng tỏ sự vội vàng và hỗn loạn khủng khiếp bao trùm thời gian di chuyền hồ sơ lưu trữ của đảng Quốc xã. Boóc-man đã chỉ thị phải điều chỉnh lại bản danh sách hai ngày trước khi di chuyển, song rõ ràng là vì vội vã mà người ta đã bỏ quên cái tên Sơ-tiếc-lít, hoặc có thể là người ta chỉ kịp xem một hai trang đầu của bản danh sách, nơi ghi tên những nhân vật nổi tiếng nhất. Cái đó đã cứu Sơ-tiếc-lít không phải khỏi bị người của Boóc-man tiến hành "cách ly" sau này, mà khỏi bị người của Sê-len-béc "thủ tiêu": người của Sê-len-béc làm việc ấy cừ hơn và nhanh hơn vì đó chính là nghề của chúng...
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #86 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2022, 07:46:55 am »

- Có chuyện gì vậy, thưa ngài? - Sơ-tiếc-lít hỏi, khi Muyn-lơ quay xuống xà-lim. - Không hiểu sao tôi cứ lo lo...

- Thế là đúng, - Muyn-lơ tán thành, - Tôi cũng thầy lo lo như anh.

- Tôi nhớ lại rồi, - Sơ-tiếc-lít nói.

- Cụ thể là gì?

- Vì sao trên chiếc va-li của mụ đàn bà Nga lại có dấu tay của tôi... Mụ ta đâu rồi? Tôi cứ tưởng ngài sẽ đưa mụ ta đến... đối chất với tôi kia đấy...

- Mụ ấy đang nằm ở nhà thương. Người ta sắp đưa mụ ấy đến.

- Có chuyện gì xảy ra với mụ ta thế?

- Với mụ ấy thì không có chuyện gì cả... Chẳng qua là vì, muốn mụ ấy khai, mà Rôn-phơ đã quá tay với đứa bé.

"Nói láo, - Sơ-tiếc-lít nghĩ. - Nếu Kết khai, hắn đã chẳng giam mình vào đây. Hắn mới loanh quanh gần sự thật thôi".

- Được rồi, tạm thời không việc gì phải vội vàng...

- Tại sao lại "tạm thời". Nói chung là không làm gì phải vội vàng chứ?

- Tạm thời không làm gì phải vội vàng, - Sơ-tiếc-lít nhắc lại. - Nếu quả thực ngài quan tâm đến cái dấu tay rắc rối trên chiếc va-li, thì tôi đã nhớ ra rồi. Việc ấy làm cho tôi bạc thêm mấy sợi tóc, nhưng sự thật bao giờ cũng chiến thắng - đó là niềm tin của tôi.

- Một sự trùng hợp đáng mừng về niềm tin giữa anh và tôi. Anh hãy kể đi.

- Ngài phải cho gọi tất cả tốp cảnh sát canh gác khu vực phố Bai-ô-rê-te đến đây. Tôi phải dừng xe ở khu vực ấy và người ta không cho phép tôi đi qua, ngay cả khi tôi đã chìa tấm thẻ SĐ. Lúc ấy, tôi liền đi vòng qua phố Kê-pê-ni-cơ. Ở đó người ta cũng ngăn tôi lại, thế là tôi bị nghẽn. Tôi xuống xe xem có chuyện gì xảy ra và cảnh sát không cho phép tôi đi đến trạm điện thoại tự động để gọi về cho Sê-len-béc. Trong đám cảnh sát ấy có hai người - một còn trẻ, nhưng ốm yếu, chắc là mắc bệnh lao phổi, còn người thứ hai, tôi không nhớ lắm, vì mặt anh ta bị dính bụi tro đen nhẻm. Tôi chìa tấm thẻ SĐ cho họ và đi đến chỗ gọi điện thoại. Ở đấy có một người phụ nữ bế con, tôi đã mang giúp chị ta chiếc xe nôi ra khỏi chỗ ngôi nhà đó. Sau đó tôi bê mấy chiếc va-li ra xa khu vực đang cháy. Xin ngài hãy nhớ lại bức ảnh để ở trong hồ sơ chụp chiếc va-li tìm thấy sau trận bom. Một. Đối chiếu việc tìm ra chiếc va-li ấy với địa chỉ mà mụ đàn bà Nga đã sống, - hai. Cho gọi đến đây tốp cảnh sát đã nhìn thấy tôi bê va-li giúp mấy người bất hạnh, - ba. Nếu chỉ một trong số các bằng chứng mà tôi vừa nêu ra sai sự thật, xin ngài cho tôi khẩu súng và một viên đạn - tôi không còn lối thoát nào khác, không còn bằng chứng vô tội nào khác.

- Hừm, - Muyn-lơ cười. - Ừ, thì ta hãy thử xem. Tất cả có vẻ lô-gích lắm. Đầu tiên ta hãy nghe những người Đức của chúng ta nói, sau đó sẽ nói chuyện với cô gái Nga của anh.

- Với cô gái Nga của chúng ta chứ, - Sơ-tiếc-lít cũng mỉm cười, - hay ngài định coi tôi là gián điệp Nga thì bảo?

- Thôi, thôi mà, - Muyn-lơ đáp, - anh đừng có tóm lấy câu nói lỡ lời của tôi* (Nguyên văn: đừng có tóm lấy lưỡi tôi) nữa...

Y bước ra để gọi điện cho viên giám đốc trường đào tạo cảnh sát - trung tá SS, tiến sĩ Khen-vi-gơ sống ở hẻm Sác-lô, phố Sơ-lốt, ngay trong khu vực của trường... Còn Sơ-tiếc-lít lại tiếp tục phân tích tình huống: "Nếu chúng nó hành hạ bé gái - anh muốn ám chỉ đứa con trai của Kết - chúng có thể hành hạ đứa bé lắm, và Kết sẽ không chịu đựng nổi, nhưng hẳn là có sự gì đã xảy ra; chúng đã chẳng chở Kết đến bệnh viện, mà sẽ đưa thẳng đến đây, nếu sự việc diễn biến theo đúng ý đồ của chúng... Nhưng ngay cả khi Kết khai rằng, cô ấy có biết mình, thì cô ấy cũng không biết bất cứ sự việc cụ thể nào cả: cô ấy không nhìn thấy xe mình, không biết tên thật của mình, còn việc mình nằm ở trong lực lượng SS thì khó gì mà cô ấy không biết, một khi cô ấy đã có mặt trong phòng làm việc của mình. Không biết chuyện ấy thì mới là điều tức cười. Mình sống ở đâu? Cô ấy biết. Nhưng mình có thể nói với cô ấy điều đó lắm chứ. Cô ấy biết địa chỉ, nhưng chưa lần nào đến nhà mình. Nghĩa là lúc ấy mình sẽ tung con bài Boóc-man ra. Nếu Pờ-lây-sơ-ne đã ở trong tay chúng - chúng cũng chẳng chịu chờ đợi đâu - trong trường hợp này chậm trễ là ngu ngốc, là mất quyền chủ động..."

- Người ta cho anh ăn chưa? - Muyn-lơ hỏi, khi quay lại, - Có lẽ ta ăn chút gì chăng!

- Vâng, đến giờ rồi đấy, - Sơ-tiếc-lít đồng ý.

- Tôi đã yêu cầu người ta mang thức ăn xuống cho chúng ta.

- Cám ơn. Ngài đã cho gọi cảnh sát đến chưa? 

- Gọi rồi.

- Trông ngài mệt mỏi lắm...

- Ôi dào, - Muyn-lơ phủi tay. - Còn sống là tốt rồi. Mà lúc nẫy anh bảo "tạm thời" là có ẩn ý gì?.. Anh thử nói tôi nghe xem nào...

- Tôi sẽ nói ngay sau khi đối chứng, - Sơ-tiếc-lít trả lời.

- Bây giờ nói thì không có ý nghĩa gì. Nếu người ta không xác nhận rằng, tôi nói đúng, thì hai chữ "tạm thời" còn có giá trị gì nữa.

Cửa mở và tên lính gác bưng vào một cái khay phủ một chiếc khăn ăn mầu trắng. Trên khay có đĩa thịt hầm, bánh mì, bơ và hai quả trứng trên hai kệ xanh.

- Ở trong cái nơi vừa là nhà tù vừa là nơi trú ẩn chắc chắn như thế này, tôi sẵn sàng ngủ một giấc suốt ngày nọ sang ngày kia. Thậm chí, ngồi ở đây, đến tiếng bom cũng không nghe thấy.

- Sẽ còn có thời gian để ngủ...

- Cám ơn... - Sơ-tiếc-lít cười to,

- Có sao đâu? - Muyn-lơ cười. - Tôi nói thật đấy... Tôi rất thích phong thái ung dung của anh. Tôi đã nói chuyện với mấy người của mình ở đây, họ cứ líu cả lưỡi lại. Anh muốn uống rượu không?

- Cám ơn ngài, không ạ.

- Anh không nghiện rượu à?

- Tôi sợ rằng, ngài đã biết đến cả loại cô-nhắc mà tôi yêu thích.

- Anh đừng có đặt mình ngang với Sớc-sin. Về ông ta, tôi chỉ biết được rằng, ông ta thích cô-nhắc của bọn Nga hơn cả. Được... Anh không thích thì thôi, tôi cứ uống. Tôi cảm thấy mệt mỏi thật rồi.
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #87 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2022, 07:48:12 am »

Nghe tiếng súng, Kết hiểu ngay rằng, điều đáng sợ nhất đã xảy ra. Chị chạy ra cửa ngó. Chị nhìn thấy hai chiếc xe đen và thấy Ghen-mút đang lảo đảo ngã xuống vỉa hè. Chị chạy vội trở vào: con trai chị đang nằm giãy mạnh trên mặt hòm. Cháu gái mà chị đang bế trên tay thì ít cựa quậy hơn - cháu chép miệng trong giấc mơ. Kết đặt cháu gái xuống bên đứa con trai. Động tác của chị trở nên vội vã, hai tay run lên, và chị tự nhủ mình: "Thôi, khẽ chứ nào! Tại sao lại "khẽ chứ"? - chị nghĩ khi chạy sâu vào phía trong tầng hầm. - Mình có kêu thét gì đâu"...


... Cô bé ấy bước đi, hai tay giơ ra phía trước, trong bóng tối như bưng lấy mắt, chân vấp vào gạch đá và các dầm sắt. Đây là cảnh đánh trận giả hồi Kết còn nhỏ ở nhà. Bọn con trai rủ cô cùng chơi, vì Ca-chi-a - tức Kết - nổi tiếng là một cô bé táo bạo. Lúc đầu, Ca-chi-a được giao làm nhiệm vụ cứu thương, nhưng sau đó cậu bé Tan-ca Tu-te ở ngõ số 6, người chuyên môn giữ cương vị chỉ huy bên quân Đỏ, rất thích cô nên phong cho cô chức y tá, rồi lại ra lệnh cho mọi người gọi cô là bác sĩ quân y bậc ba. Ban tham mưu của quân Đỏ được bố trí trong tầng hầm của một ngôi nhà ở phố Xơ-pa-xô-na-líp. Một lần, đèn điện trong tầng hầm bị tắt. Mà tầng hầm thì rộng và ngoằn ngoèo uốn khúc. Tham mưu trưởng khóc òa lên vì sợ hãi. Tên cậu ta là I-go. Tan-ca Tu-te tuyển cậu ta vào đội chỉ vì cậu ta rất giỏi. "Để người ta khỏi gọi bọn mình là bọn vô chính phủ, - Tan-ca giải thích quyết định của mình, - đội chúng ta cần có một học sinh gương mẫu. Hơn nữa, tớ cử cậu ấy làm tham mưu trường, tức là một chức vị chẳng có ý nghĩa gì trong trò chơi của chúng ta. Cậu ấy sẽ ngồi trong tầng hầm viết mệnh lệnh do tớ thảo ra, Bên quân Trắng mới cần một sĩ quan tham mưu, chứ quân Đỏ chúng ta chỉ coi trọng một người - đó là chính ủy". Lúc I-go khóc, tầng hầm trở nên yên ắng lạ thường, và Ca-chi-a cảm thấy Tan-ca lúng túng, cô cảm thấy thế, vì nghe rõ tiếng cậu ta khịt mũi. Trong khi đó, tiếng khóc của I-go mỗi lúc một thảm thiết hơn, rồi tiếp đó lại thêm một sĩ quan tham mưu nữa sụt sịt. "Thôi, khẽ chứ nào !.. - Tan-ca lúc ấy quát lên. - Rồi tôi sẽ đưa các đồng chí thoát khỏi đây. Bây giờ ai ngồi yên chỗ ấy đã, không được chạy tán loạn!" Mười phút sau, cậu ta quay lại, khi đèn điện đã bật sáng. Người cậu ta đầy bụi bậm, mũi bị dập, chảy cả máu. "Tắt đèn đi, - Tan-ca nói. - Chúng ta sẽ tập lần ra ngoài phố trong bóng tối, như thế chúng ta sẽ biết cách hành động khi chiến tranh thật xảy ra". "Khi chiến tranh thật xảy ra, - tham mưu trưởng I-go nói, - chúng ta sẽ đánh nhau ngoài phố, chứ không phải trong các hầm nhà". "Cậu im đi. Cậu bị cách chức. - Tan-ca trả lời. - Khóc lóc ở ngoài mặt trận tức là phản bội dân tộc! Cậu hiểu chưa? Cậu là một thằng hèn, đúng là một thẳng hèn!" Nói rồi Tan-ca leo lên chiếc bàn cũ được khiêng từ nhà đến đây và tháo bóng điện ra. Cậu ta dẫn tất cả lũ trẻ từ trong tầng hầm tối om ra bên ngoài, và lúc ấy Ca-chi-a lần đầu tiên đã hôn Tan-ca một cái.


"Cậu ta dẫn bọn mình lần tường mà đi, - Kết nghĩ, - cậu ta luôn luôn đưa tay lần tường. Nhưng trong tay cậu ta có diêm. Không. Cậu ta không có diêm. Cậu ta đào đâu ra diêm cơ chứ? Hồi ấy cậu ta mới lên chín, đã biết hút thuốc lá đâu".


Kết ngoái lại: chị không nhìn thấy chiếc hòm bẹp, nơi chị đặt hai đứa trẻ nữa. Đằng trước mặt vẫn là bóng tối dày đặc. Chị sợ bị lạc đường, không tìm được lối quay trở lại chỗ chiếc hòm, và con trai chị sẽ khóc thét lên vì có lẽ nó đã đái ướt hết tã lót, nó sẽ đánh thức cả cháu gái kia dạy, lập tức tiếng khóc của cả hai đứa sẽ vọng ra tận ngoài đường. Chị phát khóc vì cảm giác bất lực, vì cảm thấy mình xa lạ, và không làm được việc gì cần thiết trong thế giới này. Chị quay đầu đi ngược lại, người luôn luôn áp sát vào tường. Vì vội vàng, nên khi vấp chân vào một đoạn ống nào đó, chị bị mất thăng bằng. Hai tay chới với về phía trước, mắt nhắm lại, chị ngã vật xuống. Trong khoảnh khắc, chị thấy mắt mình nổ đom đóm, rồi chị ngất đi vì cảm giác đau nhói trên đầu.


... Kết không nhớ chị nằm dưới đất bao nhiêu lâu: một phút hay một giờ? Mở mắt ra, chị kinh ngạc khi nghe thấy một tiếng rì rào lạ lùng. Tai trái của chị áp lên một tấm sắt có gờ, lạnh như băng, và nó phát ra một âm thanh lạ lùng như cái âm thanh mà Kết từng nghe thấy ở trong khe núi, nơi có một dòng suối xanh trong lầp lánh chảy mạnh. Kết nghĩ rằng, có lẽ đầu chị bị thương nên chị mới có cảm giác như thế chăng. Chị ngẩng mặt lên, tiếng rì rào biến mất. Đúng hơn là nó khác đi. Kết định đứng dậy và chị bỗng hiểu rằng, khi ngã, đầu chị đã đập xuống chiếc nắp đậy một khoang cống ngầm. Chị đưa hai tay sờ tấm sắt có gờ và tin rằng, mình nghĩ đúng. Ê-rơ-vin có nói với chị về hệ thống cống ngầm rộng lớn của Béc Lanh. Kết nâng chiếc nắp lên, nó không suy suyển. Chị đưa tay sờ xung quanh chiếc nắp và chạm phải một thanh sắt có lẽ đã gỉ. Chị đút thanh sắt vào cạnh chiếc nẳp và nâng nó sang một bên. Tiếng động bị chiếc nắp sắt che kín lúc trước nghe xa xôi là thế, bây giờ từ dưới lòng đất sâu giội lên ùng ục...


... Hôm ấy, họ cùng nhau dạo chơi trong khe núi xanh xanh... bọn họ gồm có Ghê-ra Xơ-mê-tan-kin, Mi-sa Vê-li-cốp-xki, Ê-rơ-vin và Kết. Dạo đó, họ vẫn còn luôn miệng hát bài: "Bên kia đại dương có một xứ sở diệu huyền".
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #88 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2022, 07:49:19 am »

Lúc đầu, ở trong khe núi rất nóng và sực mùi lá kim: rừng ở đây toàn một loại cây lá kim màu xanh. Mọi người rất khát nước, vì vừa phải leo một cái dốc dựng đứng, đầy đá cuội to và nhọn. Nước không có và mọi người lấy làm ngạc nhiên tại sao lại không có nước. Ra khỏi khe núi này, họ sẽ leo lên một núi tuyết cao, nghĩa là phải có một dòng nước chảy trong khe núi này. Nhưng ở đây không thấy nước, chỉ có gió rì rào trên các ngọn cây thông, và tiếng rì rào ấy càng tăng thêm cảnh im vắng... Sau đó lớp đá cuội mất màu trắng vì được sưởi ánh mặt trời, nó sạm đen dần và mười phút sau thì mọi người nhìn thấy một con suối nhỏ róc rách trong khe đá và họ nghe rõ tiếng nước chảy mạnh xa xa. Rồi họ đi đến chỗ dòng suối chảy ào ào, và họ cảm thấy mát lạnh dưới chân. Tiếp đó họ nhìn thấy tuyết, và khi họ leo lên núi tuyết, thì vạn vật xung quanh lại trở nên yên tĩnh, bởi vì dòng nước do tuyết tan ra đang chảy ngầm ở bên dưới. Họ cứ đi mãi, leo lên mãi mỗi lúc một lắng sâu vào sự im ắng của núi tuyết, và một cảm giác chiến thắng cao cả, lạ lùng xâm chiếm lòng họ giữa cảnh núi tuyết vời vợi, không một bóng người...


Tên mật thám tóc bạc bấm đèn pin, và tia sáng lóa mắt của nó rọi vào tầng hầm.

- Các cậu nghe đây, cái tay sĩ quan SS bị bắn chết ở đằng ấy bằng một tay súng hay bằng cả hai tay súng, - lão ta hỏi mấy tên đi cùng.

Một tên trả lời:

- Tôi đã gọi điện tới phòng xét nghiệm, vẫn chưa có kết quả.

- Thế mà người ta bảo mọi việc ở cơ quan ghét-xta-pô chỉ nháy mắt là xong. Rặt một lũ khoác lác. Các cậu nhìn xem. Mắt tớ kém lắm rồi, không rõ ở đây có dấu vết gì không?

- Ít bụi quá... Giá như bây giờ là mùa hè, thì...

- Giá bây giờ là mùa hè, và giá như chúng ta có một con chó săn thật giỏi, và giá như con chó săn đó được ngửi chiếc găng tay của mụ đàn bà chạy trốn ấy, thì nó sẽ lần ra dấu vết ngay lập tức... Này, mẩu thuốc hút dở kia của ai thế?

- Cũ rồi. Trông như một mảnh đá.

- Cậu sờ thử xem nào. Bởi vì rõ ràng là, trong nghề của chúng ta, cái gì cũng cứ phải sờ tận tay... May mà Hun-te sống độc thân, chứ nếu tớ có mệnh hệ nào, thì không hiểu các cậu sẽ báo tin cho Ma-ri-a nhà tớ ra sao đấy?

Thêm một tên mật thám nữa bước vào ngó nghiêng khắp tầng hầm xem có lối nào thoát ra ngoài hay không.

- Thế nào? - lão già tóc bạc hỏi.

- Ở đằng kia có hai lối ra, nhưng chúng bị bịt kín rồi,

- Bịt bằng gì?

- Bằng gạch đá.

- Có nhiều bụi không?

- Không, ở đằng ấy cũng như ở đây, toàn một thứ đá vỡ vụn, lấy đâu ra bụi ở trên mặt?

- Nghĩa là không có dấu vết gì?

- Dấu vết gì trên mặt lớp đá vụn...

- Chúng ta hãy đi xem lại một lần nữa cho chu đáo. Lũ quỷ sứ ấy khôn ngoan lắm.

Cả mấy tên cùng đi với nhau, vừa đi vừa nói chuyện nho nhỏ, thỉnh thoảng lại bấm đèn pin soi vào những góc hiểm hóc, tối tăm, ngổn ngang gạch đá và dầm sắt của tầng hầm. Lão già tóc bạc dừng bước, rút thuốc lá từ trong túi ra.

- Chờ tớ châm điếu thuốc cái đã, - lão ta nói.

Lão ta đang đứng ngay trên chiếc nắp sắt có gờ.

Kết nghe rõ tiếng chân bọn mật thám ở phía trên đầu mình. Chị nghe thấy cả tiếng chúng nói chuyện với nhau. Chị không phân biệt được từng tiếng, bởi vì ở sâu bên dưới chân chị, nước chảy ùng ục. Chị đứng trên hai cái móc treo, hai tay ôm hai đứa bé, lúc nào cũng chỉ cố giữ thăng bằng để khỏi ngã xuống đám nước bẩn thỉu đang chảy ùng ục ở bên dưới. Khi nghe thấy tiếng nói ngay trên đầu mình, chị quyết định: "Nếu chúng mở nắp ra, mình sẽ bước xuống bên dưới. Đó là lối thoát tốt nhất cho tất cả mọi người". Chị cảm thấy chú bẻ con đang cựa quậy: nó sắp khóc đến nơi mất. Chị không thể đung đưa nó trên tay cho nó khỏi khóc, vì như thế chị sẽ bị mất thăng bằng ngay.

- Khỉ quá, - lão già tóc bạc nói. - Diêm bị ẩm hết rồi!

- Tôi có bật lửa đây.

- Cám ơn, chiếc bật lửa của tớ bị vướng viên đá lửa ở chỗ bánh xe mà tớ không tài nào nậy ra được, mắt tớ kém rồi.

- Nên đưa thợ họ chữa cho.

- Tớ tìm mãi khắp Béc Lanh mà không thấy người thợ nào? - lão già tóc bạc trả bật lửa cho tên kia, nói, - Họ ra trận hết cả rồi.

- Đưa tôi chữa giúp cho vậy.

- Cám ơn anh bạn... quý hóa quá!

- Ta đi tiếp chứ?

- Nhất định rồi. Ta nên xem xét đến cùng, để sau này lương tâm khỏi cắn rứt.

Và cả bọn đi tiếp.


Chú bé bắt đầu khóc. Lúc đầu chú chỉ ọ ọe khe khẽ, nhưng Kết tưởng như chú bé hét to đến mức khắp bốn phía xung quanh người ta đều nghe thấy. Chị cúi xuống phía con thật khéo léo để khỏi mất thăng bằng và khẽ mấp máy môi hát một bài ru con. Nhưng chú bé mỗi lúc một khóc to hơn.

- Nín đi con! - Kết thì thầm, - nín đi, con ơi...

"Nó đòi bú đây mà, - Kết hiểu, - Và nó sẽ còn khóc cho đến khi mình cho nó bú mới thôi. Nhưng làm thế nào cho nó bú được bây giờ?"

May mà cháu gái vẫn ngù yên như cũ. Ở phía dưới, sâu trong bóng tối, nước vẫn chảy ùng ục.

"Bao giờ chúng mới cút khỏi tầng hầm? - Kết nghĩ. - Trời ơi, có ai giúp tôi với không?"
Logged
Stirlitz
Thành viên
*
Bài viết: 77



« Trả lời #89 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2022, 06:54:59 am »

Chương 16


Muyn-lơ, Sôn-xơ và Sơ-tiếc-lít ngồi trong phòng làm việc đã bỏ không của viên dự thẩm Khôn-tốp, trên ba chiếc ghế kê cạnh tường. Trung tướng Ai-xơ-man mở cửa và dẫn một tên cảnh sát mặc sắc phục bước vào.

- Hai-lơ Hít-le! - tên cảnh sát chào to khi nhìn thấy bộ sắc phục cấp tướng của Muyn-lơ.

Muyn-lơ không đáp lại, chỉ khẽ nhếch mép cười. Để tiến hành thực nghiệm nhận mặt, bây giờ chưa thể mời các cộng sự viên khác trong cơ quan ghét-xta-pô tới, để chúng khỏi nghi ngờ Sơ-tiếc-lít quá sớm. Bởi vậy, y giao việc đối chứng, hay nói đúng hơn việc nhận mặt này, cho ba người đã biết rõ diễn biến sự việc, phụ trách.

- Anh có biết ai trong số ba người ngồi ở đây không? - Ai-xơ-man hỏi tên cảnh sát.

- Không ạ, - tên cảnh sát trả lời, sợ hãi liếc nhìn chiếc dải đeo đầy cuống huân chương và dấu thập hiệp sĩ trên ngực áo Muyn-lơ.

- Anh chưa gặp ai trong số ba người này à?

- Theo như tôi nhớ, thì tôi chưa gặp ai cả.

- Có thể anh chỉ gặp thoáng qua, trong lúc địch ném bom, khi anh đang đứng gác ớ khu nhà đổ, chẳng hạn.

- Có rất nhiều người bận sắc phục đi xe đến xem khu nhà đổ. Bởi vậy, tôi không thể nhớ cụ thể được ạ, - tên cảnh sát trả lời.

- Cám ơn anh, - Ai-xơ-man nói, - Anh mời hộ người thứ hai vào đây.

Khi tên cảnh sát bước ra, Sơ-tiếc-lít nói:

- Làm theo kiểu này, thì họ chỉ có thể nhận ra ngài thống chế của chúng ta được thôi. Bộ sắc phục của ngài làm cho họ mất vía.

- Không sao, - Muyn-lơ đáp. - Chẳng lẽ tôi cởi quần áo ra à?

- Vậy thì ít nhất cũng phải gợi cho họ nhớ lại một địa điểm cụ - Sơ-tiếc-lít đề nghị. - Nếu không, họ khó mà nhớ lại được, bởi lẽ họ phải đứng gác ngoài phố mười tiếng đồng hồ một ngày, họ thấy mặt người nào cũng giống nhau cả thôi.

- Thôi được, - Muyn-lơ đồng ý, - anh hãy giúp họ... Anh không nhớ tay cảnh sát vừa rồi chứ?

- Không, tay cảnh sát vừa rồi thì tôi chưa gặp. Tôi sẽ nhớ những người tôi đã gặp.

Tên cảnh sát thứ hai cũng không nhận được ai. Mãi đến tên thứ bảy mới là tên cảnh sát tuy trẻ nhưng có vẻ mặt ốm yếu, xanh xao như bị bệnh lao phổi.

"Nếu Muyn-lơ có lợi trong việc đánh gục mình hay nếu như hắn có bằng chứng trực tiếp, cụ thể - qua Kết và Pờ-lây-sơ-ne, - thì hắn đã đối xử khác với mình. Hắn đang lưỡng lự. Hắn đang tìm kiếm. Hắn không có kế hoạch định trước - thế là lại thêm một khả năng thắng lợi nghiêng về phía mình".

- Anh có nhìn thầy ai trong số ba người này không? - Ai-xơ-man hỏi.

- Không, tôi nghĩ là không ạ...

- Anh có đứng gác ở phố Kê-pê-ni-cơ không?

- A, có, có, - tên cảnh sát vui mừng, - ông này đã chìa tấm thẻ của mình cho tôi xem. Tôi đã để cho ông ấy đi lại chỗ đám cháy.

- Ông ấy đề nghị anh để ông ta đi lại chỗ đó à?

- Không ạ... Ông ấy đi xe qua, mà tôi thì không cho xe nào chạy qua cả... ông ấy chìa tấm thẻ của mình ra... Và ông ấy đã đi bộ lại bên đám cháy... Nhưng sao kia ạ? - tên cảnh sát bỗng hoảng hốt. - Hay là ông ấy không có quyền làm như vậy ạ?.. Tôi biết rằng, đã có lệnh để cho người của cơ quan SĐ và ghét-xta-pô được phép đến tất cả mọi nơi.

- Ông ta có quyền, - Muyn-lơ đứng dậy, nói. - Ông ta không phải là kẻ thù, đừng có nghĩ như thế... Tất cả chúng ta đều làm chung một việc. Vậy ông ấy làm gì ở đó, đi tìm một sản phụ trong đám cháy à?

- Không ạ... Người sản phụ đã được chở đi từ hồi đêm, còn ông ấy sáng hôm sau mới tới.

- Ông ta đi tìm đồ đạc của người phụ nữ không may ấy... Và anh đã giúp ông ta?

- Không ạ, - tên cảnh sát nhăn trán, - tôi nhớ là ở đó ông ấy có đẩy chiếc xe nôi giúp một người đàn bà nào đấy... Không phải tôi giúp ông ấy, tôi chỉ đứng bên cạnh thôi...

- Người đàn bà ấy có đứng cạnh mấy chiếc va-li không?

- Ai cơ ạ? Chiếc xe nôi phải không ạ?

- Không! Người đàn bà cơ.

- Chuyện ấy thì tôi không nhớ kỹ. Theo tôi, ở đó có mấy chiếc va-li thật, nhưng tôi không để ý đến, tôi nhớ kỹ chiếc xe nôi, bởi vì nó bị vứt chỏng chơ, và ông này đã gấp lại để mang sang vỉa hè bên kia đường.

- Để làm gì? - Muyn-lơ hồi.

- Ở bên ấy an toàn hơn, vả lại lính cứu hỏa đứng đầy ở phía bên này. Họ đang kéo các ống cao-su dẫn nước. Chúng có thể làm gãy chiếc xe nôi, lúc ấy cháu bé sẽ không có gì để nằm; sau đó người đàn bà đem chiếc xe nôi vào trong hầm trú ẩn cho con bà ta ngủ - tôi nhìn thấy rõ ràng...

- Cám ơn, - Muyn-lơ nói. - Anh đã giúp chúng tôi rất nhiều. Anh có thể ra về...

Khi tên cảnh sát đi khỏi, Muyn-lơ bảo Ai-xơ-man:

- Cho những người còn lại về.

- Còn một người đứng tuổi nữa cư, - Sơ-tiếc-iít nói. - Anh ta cũng sẽ xác nhận cho tôi.

- Thôi, thế là đủ rồi, - Muyn-lơ cau mặt. - Đủ rồi.

- Tại sao lại không mời những người đứng ở góc phố, chỗ tôi phải lái xe đi vòng?

- Chúng tôi đã xác minh điều đó, - Muyn-lơ nói. - Sôn-xơ, người ta đã xác nhận với anh đúng như thế phải không?

- Thưa ngài thượng tướng, đúng như thế ạ. Ông Khen-vích, người hôm ấy ra lệnh bố trí các tốp cảnh sát và liên lạc với cơ quan phụ trách giao thông, đã gửi các tài liệu xác nhận tới.

- Cám ơn, - Muyn-lơ nói, - tất cả các anh có thể về nghỉ.

Sôn-xơ và Ai-xơ-man đi ra cửa. Sơ-tiếc-lít theo ngay sau họ.

- Anh Sơ-tiếc-lít ở lại gặp tôi một lát nữa, - Muyn-lơ ngăn anh.

Đợi lúc Ai-xơ-man và Sôn-xơ đi khỏi, Muyn-lơ châm thuốc và đi lại bàn. Y ngồi xuống mép bàn - tất cả các nhân viên trong cơ quan ghét-xta-pô đều bắt chước kiểu ngồi đó của y - và hỏi:

- Được, các chi tiết như thế là khớp với nhau và tôi rất tin vào các chi tiết. Bây giờ anh hãy trả lời tôi một câu hỏi này nữa: giám mục Sơ-lắc hiện nay ở đâu, hở anh bạn Sơ-tiếc-lít thân mến?

Sơ-tiếc-lít vờ làm bộ ngạc nhiên. Anh quay ngoắt về phía Muyn-lơ và nói:

- Lẽ ra ngài nên bắt đầu từ câu hỏi đó!

- Tôi biết rõ hơn anh là nên bắt đầu từ câu hỏi nào, Sơ-tiếc-lít ạ. Tôi hiểu rằng, anh rất lo lắng, song anh cũng đừng quên sự lịch thiệp...

- Thưa ngài thượng tướng, tôi sẽ cho phép mình nói chuyện thẳng thắn với ngài.

- Cho phép mình à? Thế còn tôi thì sao?

- Thưa ngài thượng tướng, tôi hiểu rằng, nội dung tất cả các buổi nói chuyện điện thoại của Boóc-man đều nằm trên bàn của ngài thống chế SS Him-le sau khi Sê-len-béc đã xem qua. Tôi hiểu rằng, ngài không thể không thi hành mệnh lệnh của ngài thống chế. Ngay cả khi các mệnh lệnh ấy xuất phát từ gợi ý của ông bạn ngài và ông sếp của tôi. Tôi muốn tin rằng, người lái xe của Boóc-man bị bên cơ quan ghét-xta-pô bắt giữ theo mệnh lệnh trực tiếp từ trên đưa xuống. Tôi tin rằng, người ta đã ra lệnh cho ngài bắt giữ tay lái xe đó.

Muyn-lơ uể oải nhìn vào mắt Sơ-tiếc-lít và cảm thấy cả người y căng lên, - y chờ đợi tất cả, trừ một việc này.

- Tại sao anh lại cho rằng... - định nói, nhưng Sơ-tiếc-lít liền ngắt lời y. - Ngài thượng tướng, người ta đã ra lệnh cho ngài tố giác tôi bằng mọi biện pháp, qua mọi con người, trong mọi quan hệ - để tôi không thể tiếp tục gặp ngài Boóc-man. Tôi đã thấy ngài bố trí công việc ngày hôm nay như thế nào, - ngài vẫn có đầy đủ đức tính như mọi khi, nhưng hôm nay ngài không có hứng làm việc, bởi vì ngài đã hiểu ai có lợi và ai không có lợi trong việc chấm dứt các cuộc gặp gỡ giữa tôi với Boóc-man. Tại sao thì tôi chỉ có thể nói điều đó với ngài, sau khi tôi đi gặp ngài Boóc-man về. Bây giờ tôi không còn thời gian nữa. Ngài Boóc-man hẹn gặp tôi vào lúc năm giờ chiều. Tôi nghĩ rằng, ngài sẽ chẳng được lợi gì nếu thủ tiêu tôi.

- Anh sẽ gặp Boóc-man ở đâu?

- Cạnh viện bảo tàng Tự nhiên học.

- Ai sẽ lái xe? Tên tài xế thứ hai à?

- Không. Chúng tôi biết rằng, hắn đã bị Sê-len-béc mua chuộc qua cơ quan ghét-xta-pô.

- Chúng tôi là những ai?

- Chúng tôi là những người yêu nước Đức và Quốc trưởng.

- Anh sẽ đi gặp Boóc-man bằng xe của tôi, - Muyn-lơ nói, - điều đó sẽ bảo đảm an toàn cho anh.

- Cám ơn ngài.

- Anh hãy nhét máy ghi âm vào trong cặp để ghi lại toàn bộ buổi trao đổi với Boóc-man và anh nhớ để cập đến số phận của tên lái xe với ông ấy. Anh nói đúng: người ta đã buộc tôi phải bắt giữ hắn và áp dụng kiểu hỏi cung thứ ba để hắn phải sợ. Sau đó anh hãy quay về đây, và chúng ta sẽ cùng nghe băng ghi âm với nhau. Xe của tôi sẽ đợi anh ở cạnh viện bảo tàng.

- Nhưng thế là không khôn ngoan, - Sơ-tiếc-lít trả lời. Anh đã nhanh chóng cân nhắc trong óc mọi diễn biến tình thế có thể xảy ra. - Tôi sống ở trong rừng. Chìa khóa phòng của tôi đây. Ngài hãy đi xe đến đó. Lần trước, Boóc-man đã tiễn chân tôi về tận nhà bằng xe của ông ta. Giá tên lái xe thú nhận điều đó, tôi tin rằng, ngài đã không hành hạ tôi suốt bảy tiếng đồng hồ vừa qua.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM