Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:27:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cờ thiêng đất Thánh  (Đọc 63547 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:28:29 pm »

Sách lấy tại: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmn3ntn0n31n343tq83a3q3m3237nvn

Mở đầu

MỤC LỤC

Mở đầu

Chương 1 : Mâu thuẫn                                                

Chương 2 : Làm thế nào được chén rượu                    

Chương 3 : Tại trấn Đan Hồng                                  

Chương 4 : Lựa chọn                                                  

Chương 5 : Cơn giận dữ của Lê Khắc Chinh              

Chương 6 : Ra đi                                                        

Chương 7 : Bạn đồng hành                                          

Chương 8 : Trong nhà họ Nguyễn                                

Chương 9 : Phóng lao                                                  

Chương 10 : Những câu truyện kể                              

Chương 11 : Theo lao tới cùng                                    

Chương 12 : Anh em nên nghĩa                                  

Chương 13 : Võ Thiên Nam                                        

Chương 14 : Rừng Khủng khiếp                                

Chương 15 : Bóng vượn vô hình                                

Chương 16 : Việt Nghĩa Đoàn  

Chương 17 : Thư gửi cha, thư  gửi Ngân và vài lá thư khác  

Chương 18 : Mùa xuân                                                                

Chương 19 : Quê hương                                                                

Chương 20 : Dương Đình Nghệ                                                  

Chương 21 : Hoa Hồng, Nỏ Thần và Kim Tiễn                          

Chương 22 : Thực hư, hư thực                                                    

Chương 23 : Vọng suy từ ranh giới thiện ác                              

Chương 24 : Rút một sợi dây                                                    

Chương 25 : Lộ diện

Chương 26 : Vượt Trường Châu

Chương 27 : Cờ thiêng vùng vẫy

Chương 28 : Lửa cháy chân thành

Chương 29 : Sau giữ là đến phá

Chương 30 : Đất thánh lưu danh

Chương 31 : Kết thúc một hành trình

Lời giao ước
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Ba, 2021, 01:15:42 pm gửi bởi ptlinh » Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:29:06 pm »

MỞ ĐẦU

Hà Nội, đêm mùng 2 tháng 9 năm 2005 im lặng và oi ả, tôi đặt lưng xuống giường trong cảm giác bải hoải toàn thân. Cơn buồn ngủ cùng sự êm đềm. Tích tắc, tích tắc...

Tiếng bước chân quyện trên đường, như dòng nước chảy dồn về một hướng. Tôi đang mơ về buổi mít tinh ban sáng, chắc rồi vì tiếng cười, tiếng nói râm ran. Có ai đó vỗ vào vai tôi và ai đó hát lên lanh lảnh “Em yêu bầu trời xanh, yêu bầu trời nước Việt. Em yêu nụ cười anh, nụ cười người trai Việt”. Nụ cười thân thuộc, nhưng có gì khang khác. Tôi ở đây nhưng cũng có gì khang khác. Tôi đang đi trên con đường đất bằng một đôi giày vải, mặc cái quần vải cứng màu nâu, cái áo không dài, không ngắn cũng màu nâu, mang một nụ cười rạng rỡ. Bên cạnh là dăm bác phu mạnh mẽ, mấy bà buôn vội vàng, ba cụ già râu tóc bạc khoan thai, các cô cậu trẻ trung kèm em nhỏ tung tăng và hai văn nhân ung dung rảo bước. Phía trước chật cứng người, phía sau chật cứng người, ta đi như bị đẩy. Cuộc diễu hành dài cả dặm. Khi những người phía trước dừng bước, những người phía sau nhanh chóng tản ra chọn cho mình một chỗ đứng thích hợp, đoàn chúng tôi tìm được một gò đất. Văn nhân bên trái mở đầu:

- Sắp đến giờ Tỵ rồi.

Văn nhân bên phải tiếp :

- Thật tuyệt vời! Tôi mong chờ thời khắc này lâu lắm rồi. Lúc đến lại tưởng còn mơ.

Ba ông già gật gù vuốt râu, mấy người kia cũng tỏ vẻ cảm thán. Riêng tôi chẳng hiểu gì. Chúng tôi đang
đứng trước một bức tường thành cao hơn hai trượng có cổng gỗ sơn đỏ mở toang, trông mồn một những hàng quân nai nịt chỉnh tề. Bên trong thành cũng người người tấp nập, tất thảy đều đang chờ đợi một điều trọng đại sắp diễn ra.

Tùng, tùng, tùng, tùng ...

Trống từng hồi mạnh mẽ. Có lẽ là trống trận bởi tiếng vang như sấm.

Tiếng trống ngưng. Trên mặt thành xuất hiện đoàn người ăn mặc theo kiểu tướng lĩnh, xếp thành hàng
ngang và người đứng giữa trang trọng bước lên. Không gian bỗng dưng im bặt tựa như thần đất mở chiếc
túi lớn của mình, hút hết tiếng ồn ào vào trong. Tôi nhẩn nha quan sát người trên thành. Ông ta tuổi độ năm mươi, vẻ mặt cương nghị, râu ba chòm, dáng người tầm thước, mặc áo chẽn màu vàng, vai khoác tấm bào đỏ, sườn đeo kiếm lệnh. Tôi cảm giác khí chất thủ lĩnh toát ra từ con người này.

Tùng, tùng, tùng...

Trống đánh một hồi.

Người thủ lĩnh ngưng thần. Bao lấy ông là những ánh mắt hướng lên biết ơn và chờ đợi trong, sự hạnh phúc
của tự do, niềm mơ ước bấy lâu theo đuổi. Ông cất giọng sang sảng:

 “Kính thưa các vị phụ lão, thưa bà con dân chúng và anh em binh sĩ.

Tất cả chúng ta là người Việt, thuộc dòng giống Con Rồng Cháu Tiên của Mẹ âu Cơ và Cha Lạc Long Quân.

Tổ quốc chúng ta là nước Nam, giang sơn trọn vẹn nhờ công lao tiên tổ Hùng Vương dựng lên và nhiều đời sau tiếp nối.

Người Việt nước Nam luôn sống thân thiện, nhân ái, yêu quê hương, yêu hòa bình

Người dân nước nào cũng thế, cùng chung lẽ an cư lạc nghiệp, chung bầu trời xanh,  chung dòng nước
mát.

Duy chỉ có những kẻ cầm quyền phương Bắc, mắt mờ bởi đất đai, máu sôi vì vàng ngọc cho nên tham vọng
tràn non mà dã tâm ngập bể.

Chúng xua đoàn quân hiếu chiến hòng cướp gọn nước ta, chém bao đầu rơi máu chảy

Chúng rải vó ngựa xâm lăng quyết đè bẹp dân ta, xéo từng gốc cây ngọn cỏ.

Chúng di người Hán ở lẫn nơi đây, lấy vợ Việt nhằm đồng hoá người Việt

Chúng cắt đất chia phần, đặt quan cai trị, biến nước Nam thành châu, thành huyện.

Chúng vơ vét của cải, đặt thuế tầm sưu, làm khắp nơi toàn xác không bình rỗng

Chúng giết người yêu nước, huỷ diệt lòng trung, khiến trẻ con phải mất cha mất mẹ.

Ôi tang thương, buồn bã, đau đớn, căm thù.

Một ngàn năm tối tăm, một ngàn năm rực lửa.

Xưa.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:29:48 pm »

Lửa cháy rực trong mắt Trưng Nữ Vương, Triệu Trinh Nương đốt tan xác cướp Đông Hán, giặc Đông Ngô.
Thanh thiên phán là ngàn năm có một!

Lửa bùng lên trên tay Lý Nam Đế, Bố Cái Vương thiêu tàn hồn quỷ nhà Lương, ma nhà Đường. Hoàng địa ca rằng muôn thuở không hai!

Triệu Việt Vương bền gan phục quốc, Dạ Trạch đầm sông Hồng tụ nghĩa.

Mai Hắc Đế nóng ruột cứu dân, Vạn An thành núi Đụn cất quân.

Lửa sáng ngời người nước Nam trung liệt.

Lửa diệt phăng kẻ đất Bắc tham tàn.

Nay.

Lưu Cung hoang tưởng, Nam Hán hung hăng.

Khúc gia suy vong, Đại La thất thủ.

Tám năm ròng có lẻ, mặt trời lặn phủ mờ lẽ sống

Hàng vạn người còn thiếu,  màn đêm buông rợp bóng oan hồn

Bắt phu, bắt lính, bắt tất cả những gì có thể, làm đầy lên đáy túi vô thiên 

Giết trẻ giết già, giết hoàn toàn ai người chống đối, vét cạn đi ý niệm sinh tồn. 

Tưởng đập tắt ngọn lửa tranh đấu

Hòng rửa trôi ý chí quật cường.

Đời loạn lạc lầm than, nhà tan hoang trống trải.

Nhưng.

Đốt gốc tre, măng non vẫn mọc

Xé tổ chim, trứng vẫn thành hình.

Lòng đồng lòng, nhất dạ dấy binh

Người bên người kết thành sóng cả.

Từng đợt, từng đợt, sóng nghĩa quân ào ạt, nhấn chìm quân giặc dưới đáy biển sâu

Dạt dào, dạt dào, cờ khởi nghĩa tung bay, quét sạch mây đen trên cao trời sáng.

Tôi, Dương Đình Nghệ, đứa con ái Châu, đâu dám sánh với bậc anh hùng, chỉ muốn cùng anh em lao tâm
dốc sức, quyết hi sinh giành độc lập giang sơn.

Đây, Đại La thành, trái tim đất Việt, sẽ đứng vững đến muôn ngàn đời, cứ mặc cho bão giông thét gào tàn
phá, đập mãnh liệt lời thống nhất non sông.

Ta kết thúc ngàn năm Bắc thuộc, sống cuộc đời hạnh phúc ấm no.

Ta huỷ bỏ sợi dây ràng buộc, bước con đường thông thoáng  tự do.

Thưa toàn thể: quá khứ đã qua, tương lai vừa tới.”

Dương nguyên soái vừa dứt lời, tiếng hò reo vang dội.

Tùng, tùng, tùng, tùng ...

Hàng quân trong thành tách làm đôi để cho đội áo vàng thắt lưng đỏ từ đằng sau tiến đến, lần lượt từng
người một. Khi cách cổng chừng hai chục trượng, họ chuyển bên trái, vẫn đều bước. Tiếng chân cao dần, chứng tỏ có những bậc đá lớn dựa lưng vào thành. Mất vài khắc, người lính đầu tiên lên tới mặt thành, anh nối vào hàng người đang đứng sẵn. Cả đoàn quân dừng bước, họ tạo ra một sợi dây nối từ dưới lên trên, nối đất với thành, nối chúng dân với lãnh tụ.

Tùng, tùng, tùng...

Đoàn quân xoay dọc người theo tiếng trống lệnh. Lúc này ai cũng thấy người lính cuối hàng, hai tay giữ
một lá cờ lớn, đỏ rực rỡ.

Tùng, tùng, tùng, tùng.

Trống đánh liên thanh, cờ bay phần phật, chuyển từ tay người sau lên tay người trước, lướt qua những
ánh mắt nhìn. Bóng cờ vẽ nên hình con rồng uốn khúc bay cao. Hết tay người lính đến tay tướng lĩnh, vào sinh ra tử không sờn, đều xao xuyến tự hào khi nhận được niềm vinh hạnh lớn lao. Lá cờ dừng lại nơi đầu rồng, vị trí của một tướng trẻ, tuổi ngoài ba mươi, khôi ngô tuấn tú, dáng vóc lạ thường.

- Ngô Quyền ở Đường Lâm. V ăn nhân bên phải thốt lên.

- Dáng đi như cọp, uy thế tựa rồng. V ăn nhân bên trái tấm tắc.

Tiếng trống ngưng, tiếng người im bặt, Ngô Quyền dõng dạc bước lên, trân trọng dâng lá cờ, Dương Đình
Nghệ đón lấy vững vàng cắm vào ụ. Gió thổi rất mạnh, mọi người đều nín thở, cán cờ vẫn thẳng tắp không
lung lay. Lá cờ bay phần phật trong gió. Gió càng mạnh cờ càng tung. Chữ Việt in đậm trên nền trời đỏ. Tiếng hò reo vang dậy núi sông.

Văn nhân bên trái cúi xuống nhặt một tảng đất trên gò, tảng đất bám đầy cỏ xanh, miệng lẩm bẩm hai chữ Đất thánh. V ăn nhân bên phải lặng người ngắm lá Cờ thiêng.

Tôi giật mình tỉnh giấc.

Lịch sử Việt Nam gần một ngàn năm Bắc thuộc, người phương Bắc biến nước thành châu, đặt là Giao Châu (trừ đời Lý Nam Đế tên nước là Vạn Xuân). Năm 618, nhà Đường làm chủ Trung Hoa thay nhà Tùy đã cai trị Giao Châu cay nghiệt nhất trong các chính quyền đô hộ, vơ vét hết sản vật quý giá đem về phương Bắc
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:30:24 pm »

Năm 767, Phùng Hưng người xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) khởi binh đánh thành, giành độc lập cho đất nước. Phùng Hưng trị vì được bảy năm thì mất. Dân chúng vô cùng thương tiếc, tôn ông là Bố Cái Đại Vương, "Bố" có nghĩa là cha, "Cái" có nghĩa là mẹ, ví công ơn của Phùng Hưng đối với Tổ quốc như công ơn của cha mẹ đối với con cái. Sau khi Phùng Hưng mất, con trai Phùng An lên nối nghiệp nhưng nội bộ bất hòa, ngoại bang dòm ngó. Chẳng bao lâu, nhà Đường sai Triệu Xương đem quân sang, vừa đánh vừa chiêu dụ. Thấy thế không chống được, Phùng An phải đầu hàng. Xứ Giao Châu lại lệ thuộc nhà Đường lần nữa kéo theo gần trăm năm vô cùng đen tối.

Quân Nam Chiếu lợi dụng sự bất lực của nhà Đường sang quấy nhiễu cướp bóc đất Giao Châu, dân chúng sống trong cảnh khổ cực, lầm than. Đến năm 865, nhà Đường sai Cao Biền sang đánh dẹp. Đánh suốt hai năm trời trên đất Giao Châu, Cao Biền mới diệt được quân Nam Chiếu. Cao Biền được phong làm Tiết độ sứ đã cho xây thành Đại La ở bên bờ sông Tô Lịch. Q

Nhà Đường phân ranh giới các châu huyện để dễ bề quản lý: An Nam đô hộ phủ đặt trên đất Giao Châu lấy thành Đại La làm tâm (ngày nay là Hà Nội và các vùng lân cận), Phong Châu (vùng xung quanh ngã ba Bạch Hạc, phần dưới các thung lũng sông Chảy, sông Đà, sông Lô), Trường Châu (đoán ở Ninh Bình), ái Châu (Thanh Hoá), Diễn Châu và Hoan Châu (Nghệ An)..

Năm 906, lợi dụng thời cơ nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ hào trưởng đất Chu Diên, Giao Châu (sau là Hồng Châu, nay thuộc Hải Dương) nổi lên tự xưng là Tiết độ sứ xây dựng chính quyền tự chủ, nhà Đương không khống chế được đành chấp nhận. Cùng lúc, Tiết độ sứ Lưu Nham cũng cát cứ lập ra nước Nam Hán tại Quảng Châu, phủ trị là Phiên Ngung. 

Họ Khúc duy trì đến đời thứ ba thì suy. Năm 923 vua Nam Hán bấy giờ là Lưu Cung, lấy cớ Khúc Thừa Mỹ, cháu nội Khúc Thừa Dụ bỏ giao hiếu với mình quay sang thuần phục nhà Lương, cho quân đến đánh Giao Châu và bắt Thừa Mỹ về nước. Lưu Cung cử Lý Tiến là thứ sử Giao Châu, Lê Khắc Chinh đem binh chiếm giữ, thống trị nước ta.

Dương Đình Nghệ người làng Ràng (Dương Xá), ái Châu, từng là nha tướng của họ Khúc, lập cứ mộ binh tiến hành nổi dậy. Đầu năm 931, quân khởi nghĩa hạ thành Đại La, Lý Tiến bỏ trốn rồi bị giết, Trần Bảo mang viện binh đến cũng rơi đầu. Dương Đình Nghệ nối nghiệp Khúc gia cắt đứt mọi ràng buộc với phương Bắc, khởi đầu nền độc lập nước nhà.

Buổi lễ chúng ta vừa theo dõi chính là buổi lễ khải hoàn đất Việt, khôi phục nước Nam, chấm dứt cả ngàn năm Bắc thuộc. Dương Nguyên soái cùng binh sĩ dựa vào nhân dân đã trải qua một chặng đường gian khổ, vượt bao đắng cay, vất vả để lại rất nhiều mồ hôi, máu và nước mắt đến đích vinh quang.

Cuốn tiểu thuyết coi như một bản “Ngoại sử tân thanh” này được bắt đầu năm 929 (năm Kỷ Sửu) khi tấm màn đen u tối đã che phủ trời Nam khá lâu, vạn vật  mịt mờ dù đã xuất hiện những vầng sáng nhỏ đang  tìm cách tụ lại. Truyện viết về cuộc chiến tuyệt vời của những con người dũng cảm nhằm giành lại ánh sáng mặt trời. Sẽ có bạn không mấy tin tưởng khi đọc nhiều đoạn mang nặng tính hư cấu. Mong các bạn chia sẻ quan điểm với tôi rằng quá khứ đã có thể diễn ra như vậy nhưng sử sách chưa kịp chiếu cố đến. Hay cũng sẽ có bạn cảm thấy băn khoăn khi ngôn ngữ, tình tiết trong truyện tương đối  hiện đại. Rất  mong các bạn hiểu chủ đích của tác giả là cố gắng thể hiện sự hiện đại đặt trên nền móng quá khứ, con người càng văn minh đồng nghĩa càng hướng về nguồn cội. Tâm hồn Việt dẫu mang tấm áo cũ hay mới, vẫn thuỷ chung trước sau như một.

Và vài vấn đề khác nữa chúng ta sẽ giải quyết dần dần.

Còn bây giờ khi mọi sự chuẩn bị đã kết thúc, tôi xin mời các bạn cùng bước ngay vào cuộc hành trình
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:31:24 pm »

CHƯƠNG 1
MÂU THUẪN

Cuối thu năm Kỷ Sửu (929) bão tố trên biển Đông tạm lắng xuống, những cơn mưa dai dẳng đến khó chịu đã qua đi, người ta chợt nhận thấy một bầu không khí êm ái lạ thường tại đất Giao Châu. Buổi chiều hôm ấy khi cánh cổng thành Đại La còn mở cho từng đoàn xe lái buôn, gánh hàng tiểu thương lục tục rời khỏi, con dân trong thành cùng những vị khách lỡ độ đường lặng lẽ tiến vào dưới sự kiểm tra chặt chẽ của đội lính gác thì cánh cổng Phủ Tiết độ sứ đã đóng im ỉm. Nắng vàng nhạt rải lất phất từ cổng dọc theo con đường nhỏ, vượt khoảng sân rộng vòng qua Hán Văn đường, nghị đường của Tiết Độ Sứ, nhảy múa trên thảm cây xanh xen lẫn những khóm hoa rực rỡ đầy màu sắc rồi dừng chân bên cạnh Tĩnh Tại Đình. Đình Tĩnh Tại là ngôi đình bát giác xoay về phương bắc được dựng bằng gỗ lim, chóp nhọn mái vểnh nằm cạnh cái hồ nhỏ trong vườn, giữa đình đặt chiếc bàn tròn với ba chiếc ghế dựng chân kiềng, góc đình đặt chiếc ghế tựa nhìn ra hồ. Mặt nước hồ u tịch cùng những cành liễu rủ lờ lững trong cái không gian cô đọng này thường khiến Tiết độ sứ cảm thấy bình an. Ngài là người Hán nhưng phải cai quản cả vùng đất Giao Châu rộng lớn đầy biến cố của người Việt. Ngài phải lo con dân sống sao cho sung sướng bằng cách đặt ra vô số loại sưu thuế, phải giúp cho mảnh đất này phát triển bằng cách yêu cầu người ta đi phu, đi lính, khai thác triệt để những mỏ vàng, mỏ bạc, phải thể hiện cho chủ của ngài, đức vua Nam Hán anh minh, luôn thấy ngài làm tốt công việc chẳng như những lời sàm tấu từ đám cận thần đố kỵ cho rằng ngài không hết lòng với triều đình. Tiết độ sứ cần mẫn tìm ra những vướng mắc và nhanh chóng giải quyết, để đưa Giao Châu đến sự ổn định, nhiệt tình giúp dân Việt hiểu được giá trị quý giá của lao động và thay mặt Hán Vương bóc hết những mảnh màu mỡ tại nơi đây. Ngài kín đáo làm gia sản bản thân phình ra bên trong mà vẫn giữ sự thanh bạch bên ngoài và.. nhiều nữa chẳng thể kể xiết. Nói chung thì khó tìm được người nào xuất sắc hơn trong cương vị này và Hán Vương phải ghi nhận với nhiều lần trọng thưởng. Tốt đẹp là thế nhưng chẳng hiểu sao gần đây người ta thường thấy Tiết độ sứ  tìm đến đình Tĩnh Tại?? 

Mọi chuyện xuất phát từ đám phản tặc đang mọc lên loạn xị như nấm sau mưa, cháy lan tràn như lửa gặp gió lan vào đám cỏ khô tháng sáu. Tiết độ sứ  dập chỗ này nó bùng chỗ khác, chặn dằng trước nó vòng đằng sau. Với những nỗ lực to lớn, ngài dẹp được hết các đám nhỏ rồi chúng lại tụ thành một đám lớn, ngài cho người đàn áp bọn phản loạn ở Hồng Châu, Trường Châu, Hoan Châu để chúng chạy cả về ái Châu, nơi ẩn náu của kẻ thù đáng ghét nhất cũng như nguy hiểm nhất xứ này.

Chiều nay, Tiết độ sứ  lại mệt mỏi ngồi vào chiếc ghế tựa trên đình. Đầu ngài còn hơi váng sau bữa tiệc rượu buổi sáng cùng tướng quân Lê Khắc Chinh, Tổng chỉ huy quân đội, kỷ niệm 6 năm ngày nhậm chức. Còn nhớ mùa thu năm Quý Mùi (923), lấy cớ họ Khúc tự ý hủy bỏ giao hiếu giữa hai nước, Nam Hán Vương sai tướng Lê Khắc Chinh dẫn tám vạn quân vượt qua biên giới đánh một mạch đến thành Đại La. Quân Giao Châu tan tác, Tiết độ sứ  Giao Châu là Khúc Thời Mỹ bị bắt sống giải về kinh. Hán Vương Lưu Cung ban chiếu thiết lập ách đô hộ. Trong triều có quan Đô uý Lý Tiến tuổi sắp tứ tuần vốn là người cơ biến, nhận thấy con đường hoạn lộ của mình đang gặp trở ngại vì Lưu Vương chỉ tin dùng người trong họ, đã dâng biểu xin tiếp nhận chức Tiết độ sứ  nơi đất Việt xa xôi. Lưu Vương chấp thuận và độ hơn tháng sau khi người Hán làm chủ Đại La thành, tân Tiết độ sứ  Giao Châu lên đường nhậm chức. Thời gian thấm thoát trôi qua, bàn tay khôn khéo của Tiết độ sứ  cầm cương con ngựa Việt cùng lưỡi gươm cương quyết của Lê tướng quân phá bỏ những trở ngại trên đường, đã đưa cỗ xe Giao Châu chạy theo ý muốn của Hán Vương, hay đúng hơn là theo ý muốn của ngài. Vượt qua những thủ đoạn từ đơn giản đến tinh vi, những đòn công trực tiếp cũng như gián tiếp của cả kẻ thù lộ mặt lẫn đối thủ giấu mặt, sự kết hợp hài hoà của bộ đôi thống soái một nhu một cương này luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến đi trong suốt quãng đường dài. Thành công ấy đáng để ăn mừng lắm chứ!
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:32:51 pm »

DÙ RẰNG THỬ THÁCH MỚI THỰC SỰ BẮT ĐẦU

Ngày trước, quân Nam Hán với sức mạnh vượt trội dễ dàng đè bẹp mọi sự kháng cự của người Việt, đám thân tướng của Khúc Thời Mỹ lớp bị bắt, lớp tử trận, chỉ còn sót hai người là Võ Thiên Nam và Dương Đình Nghệ. Năm ngoái, Võ Thiên Nam trỗi dậy ở Hồng Châu, căn cứ cũ của họ Khúc, Lê Khắc Chinh đích thân đem quân chinh phạt, giằng co mất nửa năm cuộc bạo loạn mới bị dập tắt. Nhưng trận chiến cuối cùng tại Thanh Yên trấn, Võ Thiên Nam không biết bằng cách nào thoát khỏi vòng vây khiến Tiết độ sứ  phải vào cuộc. Một tấm lưới được giăng ra chờ con cá cùng đường kết hợp với những kế hoạch được sắp đặt lâu nay nhằm xoá luôn mối đe dọa mang tên Dương Đình Nghệ, thủ lĩnh ái Châu. Kẻ cướp đường đáng sợ này sinh ra tại làng Ràng (Dương Xá) nổi tiếng với mưu trí cùng tài thao lược, sớm nhìn thấy tham vọng mở rộng bờ cõi của Hán Vương đã lập ra một chiến lược phong thủ Giao Châu, tiếc rằng Khúc Thời Mỹ không dùng. Khi Giao Châu thất thủ, họ Dương chạy về quê, Lê Khắc Chinh dồn lực đuổi theo quyết tâm chặt đứt mầm họa. Chẳng may đường đi ái Châu lại xa xôi hiểm trở, quân Nam Hán như mũi tên bay hết tầm không còn đủ sức xuyên phá và cái tin tàn quân Phong Châu tập kích Đại La thành đã cứu thoát Dương Đình Nghệ…

Chiều tàn dần, đám gió thu bắt đầu chơi những bản đàn lá quen thuộc, đèn đuốc trong phủ được thắp lên kéo Tiết độ sứ  khỏi sự mơ màng. Ngài lững thững rời đình. Gió thổi mạnh, vài chiếc lá tách khỏi cành lả lướt trên không, một trong số chúng khẽ đậu vào vai Tiết Độ Sứ. Trời đất chuyển mùa khiến lòng người nao nao. Cách đó vài bước chân, người làm vườn đang cắt tỉa mấy khóm mẫu đơn thấy Tiết độ sứ  vội bỏ con dao, cúi mình chào. Tiết độ sứ đến gần, hỏi :

- Bác Tần, độ chừng nào thì hoa nở?

- Thưa đại nhân, cỡ dăm hôm nữa khi trời chớm đông. Người làm vườn đáp lời.

Tiết độ sứ  phu nhân mất đã gần ba năm nay, để lại cho ngài hai đứa con. Công tử theo nghiệp văn, đang
học ở kinh thành, tiểu thư về thăm ông bà ngoại từ mùa xuân nên Tiết Độ phủ vốn rộng, càng mở theo chiều trống trải. Ngoài công việc, Tiết độ sứ đành tìm thú vui bên chén rượu, cuộc cờ, dồn sự quan tâm chăm sóc vào khu vườn. Ngài chuyển đá trên núi cao xây giả sơn, bứng gốc cổ thụ nơi rừng sâu tạo bóng mát, đốn gỗ lim dựng Tĩnh Tại đình và cho người lặn lội về Phúc Kiến tìm những khóm mẫu đơn quê hương trồng trong vườn. Nhưng do thủy thổ khác biệt, chúng không chịu nở hoa khiến Tiết độ sứ rất bứt rứt. Một bữa ngài đem chuyện kể với viên quân sư và ông này liền tiến cử bác quản gia họ Tần, cách nhật có mặt tại phủ Tiết độ sứ  trong vai trò của người làm vườn. Nhờ vậy, đám mẫu đơn được đưa vào khuôn khổ và đã sắp sửa ra hoa. Tiết độ sứ  hài lòng nhìn bác làm vườn, một ông già mặt xương mắt nhỏ có bộ râu thưa lốm đốm bạc, hỏi với giọng thân tình :

- Bác là người Sơn Đông?

- Vâng thưa, tôi sinh tại Tế Nam.

- Ngày trước ta cũng đã từng tới Sơn Đông. Mà lâu rồi chắc bác ít có dịp trở lại cố hương?

- Thưa, cũng đã hai chục năm.., từ ngày tệ nội qua đời.

- Ta rất tiếc, Tiết độ sứ bùi ngùi, bác có con cháu gì không?

Bác Tần se giọng :

- Tệ nội mất khi sinh cháu đầu lòng, thằng nhỏ chẳng sống được bao lâu. Tôi chẳng tục huyền và rời quê
hương khi loạn lạc nổ ra.

Tiết độ sứ  cúi xuống khóm mẫu đơn :

- Nguyên nhân làm sao mà bác theo hầu Dương quân sư?

- Tôi bị cướp trên đường xuống Giang Nam. May nhờ chủ nhân cứu sống nên nguyện đem thân già đền ơn
tái sinh.

- Nghe nói ngày xưa Dương quân sư vốn dĩ rất khỏe mạnh?

- Vâng, thưa đại nhân. Cũng chỉ bởi lúc còn trẻ, chủ nhân vì công việc phải qua lại rừng núi nhiều nên lam
chướng tích tụ trong người, giờ phát thành bệnh, phải bỏ dở việc làm ăn

- Ta cũng mong quân sư sớm tiêu trừ hết bệnh tật, mà này…

Tiết độ sứ  giơ tay đón lấy một chiếc lá vàng, nói tiếp :

- Bác về thu xếp ít vật dụng cần thiết rồi quay lại ngụ luôn trong phủ này tới lúc mẫu đơn nở. Ta sẽ cho
lão Tiền thay thế bên nhà.

- Vâng, thưa đại nhân.

Tiết độ sứ về thư phòng lấy giấy bút viết vài chữ rồi rung chuông gọi viên thư lại :

- Ngươi cùng lão Tiền sang mời Dương quân sư. Để lão Tiền ở lại đó mấy ngày.

Viên thư lại cung kính đón tờ giấy trong tay Tiết độ sứ, chạy đi tìm lão Tiền, phó quản gia phủ Tiết độ sứ ,
giúp lão chuẩn bị đồ đạc làm nhiệm vụ ngài giao.

Nằm trong ngõ nhỏ cách Tiết Độ phủ chỉ vài trăm bước chân có ngôi nhà cổng gạch với đôi cánh cửa gỗ sơn đen cùng người gác cổng vui vẻ và một hoa viên nhỏ hơn nhiều và thanh nhã hơn nhiều nơi chúng ta vừa rời khỏi. Bác Tần bước vội vã trên con đường lát đá trong cảm giác dễ chịu, đến cái giếng góc vườn, múc vài gầu nước mát lạnh rũ bỏ lớp bụi bám trên mặt mũi rồi sửa sang quần áo đi gặp chủ nhân.

Dương Phong, quân sư của Tiết độ sứ, năm nay bốn mươi tư tuổi, khổ người trung bình, dáng đi thâm trầm, nước da vàng ệch của người mắc bệnh mãn tính, giọng nói lạnh thỉnh thoảng bị ngắt quang bởi những tiếng ho. Trên khuôn mặt là cặp mắt tinh anh với hàng mi thanh tú, sống mũi thẳng, cái miệng nhỏ của người cương quyết, bộ ria mép xén kỹ và chòm râu dê để theo kiểu giảo hoạt. Ông ta ngồi trong thư phòng và đang suy tính chuyện gì đó.

- Thưa chủ nhân, tôi đã về. Người quản gia lên tiếng.

- Bác ngồi xuống đi. D ương Phong ngẩng đầu hỏi. Tình hình Tiết Độ phủ sao rồi?

- Thưa, mấy hôm nữa mẫu đơn sẽ nở, b ác Tần đáp, Tiết độ sứ  có vẻ rất hài lòng.

- Phải chăng ngài muốn giữ bác ở lại trong phủ dăm hôm?

- Vâng thưa.. lão Tiền đã qua rồi ạ? B ác Tần hơi ngạc nhiên.

- Chưa, là ta đoán thế.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:34:00 pm »

- Vậy xin phép chủ nhân cho tôi qua bên đó. B ác Tần nói.

- Được. Bác xuống nhà chuẩn bị đồ dùng, sau bữa tối thì  sang.

Người quản gia vâng lệnh cáo lui. Còn lại một mình, Dương Phong đến bên kệ sách. Ngăn thứ hai có đặt cái tráp nhỏ bọc nhung. Ông mang cái tráp lại bàn đọc, mở ra. Trong tráp chứa ít giấy tờ không quan trọng lắm, một con dao cán gỗ không chạm trổ và 1 lá thư màu xám được gửi đến từ chiều. Dương Phong chậm rãi đọc một lượt. Thư khá dài. Cửa thư phòng đã được bác Tần khép lúc ra, Dương Phong đọc thêm lượt nữa, khuôn mặt không hề biểu hiện chút cảm xúc nào. Rồi ông châm lá thư vào ngọn lửa của cây nến. Lá thư vừa cháy hết thì nghe có tiếng gọi cha. Cửa mở, một chàng trai trẻ có đôi mắt sáng bước vào. Đó là Vân nhi, đứa con trai độc nhất của ông.

- Con đi đâu cả buổi?

- Thưa cha hôm nay có phiên chợ Đông, con chỉ định đi một lát.

- Sao không lo học?

- Dạ con học rồi. Nhưng con không muốn suốt ngày ôm sách ê a như mấy ông đồ gàn dở.

- Không muốn thành đồ gàn thì bỏ học đi chơi sao? Người cha nghiêm giọng, hỏi.

- Dạ không phải, là con muốn học từ thực tế cuộc sống. Cậu con vội thanh minh.

- Lần thứ năm trong tháng. Người cha nhíu mày. Dường như con muốn nối nghiệp cha ngay từ bây giờ?


- Con vẫn chưa biết. Nhưng sự thật là con có ước muốn được xông pha đây đó, đi nam về bắc giống cha
ngày trước, hơn là ngồi nhà ninh nhừ kinh sử, nuôi mọt kiếm ăn. Mà ở đây có thi cử như bên Trung Nguyên đâu ạ.

- Cha muốn con học để hiểu lẽ sống chứ đâu cốt để đi thi. Con muốn giống cha cũng không nhất thiết theo
nghề buôn. Cần cân nhắc kỹ vì nếu nối nghiệp cha, con sẽ phải đi 1 quãng đường dài thừa trắc trở và cạm bẫy. Nơi mà những thay đổi làm con bất an, những toan tính làm con mệt mỏi và những thủ đoạn làm con đau đớn. ở đó, luôn có sự đam mê đáng sợ, khiến con không muốn ra khi đã bước chân vào, là họa là phúc còn tùy con quyết định.

- Con không ngại khó, cái chính là được làm nghề mình mong muốn!

- Chỉ có ý chí lẫn sở thích là không đủ. Người cha lạnh lùng. Con cần học nhiều, rất nhiều và liên tục. Con
có thể học từ cha lúc khởi đầu, có thể học từ bạn bè, từ cuộc sống cách phát triển và phải học từ thất bại kinh nghiệm để tồn tại.

Ông nói tiếp, ánh mắt sáng lên:

- Lúc này nếu con thấy hứng thú, ta có thể xem xét vài điểm cơ bản trong nghề như quan sát và nhận
định. Cụ thể, hôm nay con đã bỏ cả buổi vào phiên chợ để thu được những gì, ngoài thời gian bên cô hàng vải xinh đẹp ngồi gần cửa nam?

Chàng trai thoáng đỏ mặt, đáp tảng lờ :

- Con vào bằng cửa nam rồi ra bằng cửa bắc, con tìm hiểu các loại hàng hóa giá cả, xem cách người ta
trao đổi buôn bán. Theo quan sát thì phiên hôm nay diễn ra bình thường, duy chỉ có một điều lạ, gian hàng lớn của lái buôn Hà Tường, bán gạo, củi, dầu tại cửa Bắc, tăng giá gấp đôi bình thường dù vẫn bán loại hàng như trước.

- Ta nhận định là họ tính chuyện đuổi khách?

- Vâng, con cũng nghĩ như vậy. Nhưng theo quan sát có thể thấy cách đó rất dở, bởi nó lại làm người mua
đổ xô đến. Chàng trai nói đùa.

- Trong chợ có hàng nào khác không?

- Dạ, chỉ vài hàng nhỏ. Còn lại đều được Hà Tường mua trên giá trước phiên.

- Hay lắm! D ương Phong chợt có hứng thú. Con nhận định ra sao về phiên chợ Tây sẽ diễn ra sau 2 ngày
nữa?

- Lúc đó, giá sẽ còn hơn hôm nay nhiều, bởi có tin xe hàng của họ Hà bị quân khởi nghĩa cướp ngay tại
Tống Bình. Theo con ông ta là phải đánh bài liều vì sắp có binh biến.

- Con quan sát thấy hàng có bán hết không?

- Dạ có, hàng mở đầu giờ Mùi, bốn người bán cùng ông chủ không ngơi tay đến giữa giờ Dần thì hết.

- Chuyện hàng bị tấn công do phu khuân vác tiết lộ hả?

- Vâng, con nghe nói thế, có gì không ổn thưa cha?

- ừ, D ương Phong ôn tồn. Theo cha thì giá cả tại phiên chợ Tây sẽ rẻ hơn nhiều

- Con chỉ lờ mờ hiểu ý cha. D ương Vân bối rối nói.

Dương Phong vuốt râu, cắt nghĩa :

- Ngày ở Trung Nguyên, cha rất hiếm khi gặp thương vụ buôn chuyến bán phiên nào có thể trụ được 3 canh giờ với độ mua hàng cao như con kể, dù phiên chợ lớn gấp đôi, gấp ba. Bởi tích trữ quá nhiều hàng đồng nghĩa với tích trữ quá nhiều rủi ro. Gần đây dân chúng trong thành luôn lo sợ xảy ra binh biến nên Hà Tường muốn lợi dụng điều này để chơi một ván cờ. Ông ta tận mua gạo, củi, dầu ém ngoài thành rồi tung tin bị cướp, sau đó công khai mua lại của các nhà buôn khác với giá cao để tạo thế độc. Việc tăng giá gấp đôi chính là nước quyết định khiến người mua tin nỗi lo sợ là có thật. Họ không thể không tranh nhau tích trữ. Tất nhiên là hàng bán chạy, khi số lượng mua được lái buôn khác gần hết, Hà Tường cho người bí mật chuyển lượng hàng ém vào thành và kết thúc thắng lợi kế hoạch. Cha nhận định rằng ông ta chơi cờ rất giỏi và những thương nhân khác trong phiên chợ này đã gặp may.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:35:48 pm »

- Nhưng sẽ có nhiều người bắt chước dồn hàng, giá cả phiên tới làm sao giảm xuống được? D ương Vân hỏi lại.

- Thời điểm này, Tiết độ sứ không hề muốn lan tin phản loạn trong dân chúng nên sẽ sớm ra tay dẹp bỏ.
Cha nhận định hết ngày mai có thể giải quyết xong và lệnh cấm nâng giá sẽ được ban bố trong phiên chợ tới.

- Có khi nào Hà Tường bị cướp thật không cha?

Dương Phong lắc đầu:

- Không thể, Lê Khắc Chinh tướng quân rải binh bao quanh thành đến hai chục dặm, đừng nói việc cướp xe hàng mà chỉ cần có vẻ khả nghi thôi cũng đã kịp vào đại lao chơi rồi. Bọn phản loạn chỉ là một đám ô hợp ngu ngốc, gặp quan quân như đê yếu gặp lũ hung, sau vài đợt đã tan hoang thành quách. Lê Phương, Phan Tú bỏ mạng trên Phong Châu, Võ Thiên Nam hút chết tại Thanh Yên, lũ lâu nhâu Hoan, Trường tan tác tứ tung, còn 1 nhúm ái Châu chờ diệt nốt là vừa bình ổn cả dải giang sơn... Con đang nghĩ gì thế?

- Dạ không, con vẫn nghe cha nói. Dương Vân giật mình đáp.

Dương Phong cau màu, đã nhiều lần ông nhận thấy con trai tỏ ra khó chịu khi hai người bàn về việc dẹp trừ phản loạn.   

- Cha nghĩ là con có chuyện muốn nói với cha.

Dương Vân đắn đo, lòng tràn ngập suy tư, nhiều ngày nay chàng luôn bị ám ảnh bởi những mâu thuẫn.
Chàng nhìn cha, bắt gặp ánh mắt thôi thúc của ông, quyết định nói thẳng:

- Nhà Hán mang quân phi nghĩa chiếm đất Giao Châu, bóc lột, tàn sát dân chúng, nơi nơi căm phẫn. Đã bao người đứng lên sẵn sàng đánh đổi cả cuộc sống giành tự do cho dân tộc. Còn  chúng ta cũng là người Việt, tại làm sao..

- Cha bỏ nguồn cội làm tay sai cho giặc nhằm hưởng vinh hoa?

- Con không dám nghĩ thế, con chỉ thật sự chưa hiểu được những suy tính của cha.

- Con đang hy vọng cha ẩn mình dưới vỏ bọc này chờ thời cơ phải không. D ương Phong lắc đầu. Cha về
Đại La để dưỡng bệnh, do từng qua lại với Tiết độ sứ nên được ngài bổ nhiệm làm quan. Cha tự tin rằng mình đã làm được nhiều điều cho bá tánh. Con đang tự hỏi tại sao cha hết lòng giúp Tiết độ sứ bày mưu tính kế đàn áp những cuộc nổi loạn. Trả lời vì cha biết chiến tranh chỉ đem lại máu và nước mắt mà những kẻ nổi loạn chắc gì là không mang mộng bá vương vị kỷ. Đất Giao Châu vốn thuộc về phương bắc cả ngàn năm nay, chúng ta viết chữ Hán, sống theo phong tục Hán nên con đừng ngạc nhiên khi cha tin vào sự hòa trộn dòng máu giữa người Hán và người Việt. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp khi hai tộc người có thể sống hòa bình với nhau.

Dương Vân gần như bị thuyết phục. Chàng hiểu lòng cha nhưng vẫn không tán thành ý kiến của ông.

- Con muốn sống hoà bình nhưng chỉ khi được độc lập. Chỗ người Hán là phương bắc, còn đây là đất tổ của người Việt chúng ta, kẻ nào xâm phạm kẻ đó sẽ bị đánh đuổi, bị tiêu diệt.

Dương Phong lạnh lùng

- Con đã thấy sự phản kháng mỗi lần nổi lên là mỗi lần bị dìm xuống, mỗi lần bùng nổ là máu chảy đầu rơi,
nhà tan cửa nát. Để đánh đuổi, để tiêu diệt người Hán thì sức cha không làm được và sức con cũng không.

- Con tin riêng sức cha con ta không làm được thì chung sức của tất cả mọi người sẽ làm được, nếu bây giờ chúng ta không làm được thì con cháu sẽ tiếp bước cho đến khi đuổi hết bọn giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.

Dương Vân dướn thẳng người, bầu nhiệt huyết tuổi trẻ đang đốt nóng trái tim chàng..

Tiếng bước chân rảo trên sàn gỗ, bác Tần vào báo người của phủ Tiết độ sứ đang đợi ngoài khách sảnh rồi lui ra, Dương Phong nói với con :

- Cha sang phủ Tiết độ sứ  bàn công việc. Con ở nhà nếu có người mang lệnh tín đến thì bảo chờ cha. 
Hai cha con rời khỏi thư phòng. Dương Phong khóa cửa lại, bỏ chìa vào túi rồi đi ra khách sảnh. Dương Vân im lặng nhìn cha, ngọn nến trong phòng vẫn cháy.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:38:56 pm »

CHƯƠNG 2
LÀM THẾ NÀO ĐƯỢC CHÉN RƯỢU NGON

Đã là giờ Tuất, trời tối đen như mực, gió được thể hoành hành dữ dội.

Tiết Độ phủ được xây cất trên mảnh đất rộng hơn tám trăm trượng vuông với tường bao cao trượng tám, cổng dĩ nhiên quay về phương bắc lấy hai tòa Hán Văn đường và Hòa An đường làm chủ đạo. Hán Văn đường nằm bên ngoài, nổi bật với gian đại sảnh được xem là nghị đường quan trọng nhất tại An Nam đô hộ phủ. Nơi đây vài lần mỗi tháng, Tiết độ sứ cho triệu tập đám quan sở tại đến, cắt đặt công việc với khả năng điều hành không hề kém cạnh Lưu Hán Vương hay Hoàng đế Đường triều. Ngoài ra, khu đường còn có phòng cơ mật, phòng nghỉ trưa, phòng thư lại, phòng lính canh và một gian phòng trống. Hòa An đường được xây theo hình móng ngựa úp quanh dãy nhà bếp và khu phụ, là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của người trong phủ. Khách sảnh của phủ đặt giữa dãy nhà ngang, bên phải lần lượt là phòng vợ chồng lão quản gia, thư phòng, phòng ngủ của Tiết độ sứ, hai phòng bỏ không của công tử, tiểu thư. Bên trái khách sảnh là phòng thờ cúng, phòng phó quản gia, phòng ăn của Tiết độ sứ, còn lại là phòng gia nhân, phòng ngủ cho khách, v.v...

Trời đã sắp sang đông. Đi dọc hành lang nghe được tiếng rì rầm của vợ chồng lão quản gia, nhìn thấy cô người hầu đang dọn dẹp trong khách sảnh, rồi nhanh chân lọt vào phòng ăn tránh cơn gió hung hãn đang quật tới. Góc phòng dựng cây nến chân đồng lớn, một mâm cỗ nhỏ đã được bày trên bàn với dăm món thịt lạt, bát canh sâm và vài loại rau. Bữa ăn thật đạm bạc nếu biết 2 thực khách là những người giàu có và thế lực bậc nhất Giao Châu.

Lúc này Dương Phong tay cầm hồ rượu rót đầy hai cái chén vừa cạn, mùi thơm tỏa ngát. Tiết độ sứ với vẻ mặt hồng hào tươi tắn, đang khoái trá thưởng thức cảm giác rượu ngon lại có bạn hiền. Thật thú vị khi ngồi uống rượu trong thời tiết này, men rượu nồng nhấp trên môi, đốt cháy họng lâng lâng ngấm vào người, xóa nhòa mọi ranh giới. Dương Phong khẽ ngâm nga:

Thời gian như bóng câu qua cửa

Mười năm trôi vừa lật ngửa bàn tay.

Tiết độ sứ vui vẻ họa theo :

Ông khéo trách rằng ta keo kiệt,

Có rượu ngon mà giấu biệt lâu nay.

- Không dám, không dám. D ương Phong cười.

Chủ khách giao bôi. Tiết độ sứ lim dim mắt hồi tưởng. Thuở ấy ngài mới lên kinh, chức quan nhỏ cuộc sống
gò bó mà bổng lộc chẳng bao nhiêu. Đương cơn buồn ngủ thì gặp chiếu manh, Dương Phong không hiểu từ đâu tìm đến nhờ giúp đỡ, chuyến hàng ông dồn phần lớn tiền của đang kẹt giữa những thủ đoạn cạnh tranh khốc liệt. Tiết độ sứ, còn gì bằng, đồng ý ngay. Thời đó cánh quan lại có sở thích bắt tay với thương nhân để ăn lời lãi. Khi 2 cái đầu khôn ngoan gặp nhau, khúc mắc sẽ được giải quyết dễ dàng gấp đôi. Tuy nhiên, ngoài những khía cạnh vật chất cần thiết, một tình bạn bất ngờ nảy sinh trong sự đồng cảm và tôn trọng. Dương Phong lưu lại khá lâu và Lý đô uý, có người tâm giao từng trải cùng uống rượu luận văn bàn thế sự, đường đi nước bước chốn quan trường. Họ Lý có loại rượu gia truyền, khi rót tỏa mùi hương êm ái quyến luyến đến 3 đêm, ngửi vào người thư thái, tên gọi Tam dạ liên hương. Khi uống cảm nhận một mùi vị tuyệt vời lan khắp, giúp cơ thể sảng khoái xua tan mệt nhọc, càng uống càng ngon, đúng là loại Chân tửu trong thiên hạ. Rượu được pha chế rất phức tạp từ nhiều thứ nguyên liệu quý hiếm rồi niêm trong vò, chôn dưới đất đủ bảy năm bảy tháng bảy ngày và bảy canh giờ mới thành, nên ngay cả người trong nhà không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức. Bảo bối nhà họ Lý đã lưu truyền được bảy đời, có nhiều kẻ nghe tiếng tìm đến và số rất ít đạt được mục đích bằng cách đánh đổi tiền bạc, quyền lực hoặc một thứ khác có sự hấp dẫn tương tự. Ngày Dương Phong rời đi, tình cảm giữa hai người đã sâu sắc đến nỗi Lý Tiến không ngần ngại xuất địa vò cuối cùng cho bữa tiệc chia tay.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:39:55 pm »

Dương Phong ho khan vài tiếng, nhớ lại lúc chia tay bạn đi Giang Nam, trên đường có thu nhận bác Tần. ở Đó vài năm thì ông phát bệnh, chữa nhiều nơi nhưng không đỡ. Dần dà toàn thân nổi mụn bọc, đau vào tận xương tủy, sau hơn tháng thì kiệt sức hoàn toàn chỉ nằm chờ chết. Thật may Thần y Liễu Thanh có việc ngang qua Giang Nam. Cậu con trai Dương Vân cùng người quản gia trung thành chực trước cửa nhà liền 2 ngày đêm khiến Liễu thần y hết sức cảm động. Ông đến thăm bệnh thì cơ thể bệnh nhân đã bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dương Phong thoát khỏi bàn tay tử thần trong gang tấc. Vì cần tĩnh dưỡng nên ông quyết định đưa con trai và đôi ba thân tín trở về quê hương. Dừng chân nơi Đại La thành, ông gặp lại Tiết độ sứ đúng lúc ngài đang cần một trợ thủ đáng tin cậy, hiểu rõ Giao Châu nhằm thiết lập mạng lưới cai trị sâu rộng và hiệu quả. Ngài không chút đắn đo đặt ngay ông bạn cũ vào vị trí quân sư, tham mưu mọi hoạt động chính sự bất chấp điều tiếng của đám thuộc hạ. Thời gian qua đi, Dương Phong với bản lĩnh riêng của mình đã đáp trả đầy đủ vì lòng tin tưởng, hoàn cả vốn lẫn lãi cho sự hồ nghi. Hiện nay trong triều, ông chỉ ngồi dưới Tiết độ sứ và Đại tướng Tổng chỉ huy và được kính nể không thua kém hai vị thủ lãnh này.
Dương Phong mơ màng kể:

- Quê tôi ở Hải Châu, phụ thân là một thương nhân sống quanh năm suốt tháng với những đợt hàng và những chuyến đi xa còn mẫu thân ở nhà coi sóc vườn tược. Nhà chỉ có hai huynh đệ. Đại huynh hơn tôi hai tuổi. Từ nhỏ gia phụ đã mang chúng tôi theo, dạy những bài học đầu tiên về cuộc sống. Đến khi trưởng thành, theo truyền thống gia đình, chúng tôi tách ra và bắt đầu tự lập. Được 1 thời gian thì phụ mẫu lần lượt qua đời. Chịu tang xong, đại huynh tiếp quản đoàn buôn của cha, muốn tôi gánh nửa công việc. Nhưng tôi từ chối, sau đó rời quê hương đến Trung Nguyên sinh sống. Về Đại La, tôi tìm cách liên lạc mới hay phu phụ huynh ấy đều đã mất cả.

- Ta từ nhỏ đã mang chí lớn, khi đám bạn còn mải thích thú với những trò con trẻ, ta đã biết châm đèn đọc sách, trưởng thành mang lều chõng đi thi đến lần thứ hai thì đỗ. Ra làm quan, ta nỗ lực hết mình nhằm có thể thẳng tiến trong đường công danh. Nhưng ông trời thích bỡn cợt lòng người, lúc tạm thỏa chí lại là lúc thấy mình cô đơn. Từ ngày hiền thê ái Xuân không còn, căn phòng ấm cúng ngày trước bỗng lạnh lẽo biết bao. Ta chợt không hiểu mình tranh đấu để làm gì khi chỉ biết được hạnh phúc lúc nó tuột khỏi tay. Ta chợt nhận ra mình chưa bao giờ sống thực sự khoái hoạt của đời người. Ta chợt thèm được tung tăng như bè bạn, ta chợt thấy hối tiếc khi dành quá nhiều sức lực cho tham vọng. Cũng may ta còn được gặp ông, còn có rượu để uống.

- Bàn về rượu, tôi thấy mình nghiêm túc không thua ngài bao nhiêu. Tôi ỷ thế nghề nghiệp, dừng chân tại bất cứ đâu ngài sẽ thấy có con sâu rượu thường lang thang trong những tửu quán hay lần mò vào nhà người quen. Rượu từng nơi đều có sắc thái riêng và tôi chưa bao giờ nề hà khi lấy bản thân để trải nghiệm. Vì khoái sự mới mẻ nên tôi chấp nhận sướng miệng lắm mà đắng miệng cũng nhiều.

- Ông có bao giờ so sánh giữa các loại khác nhau không?

- Tất nhiên Tam dạ liên hương tửu của Lý Gia. Dương Phong ngắm khuôn mặt khiêm nhường có pha chút tự
hào của bạn. Là một trong ba loại rượu ngon nhất trần đời mà tôi từng được uống. Tiết độ sứ tò mò. Mỗi loại tôi được uống một lần duy nhất.

- Lần đầu tiên là chuyến buôn vải ở Phong Châu. Gia phụ rất bận nên gửi huynh đệ tôi cho Hòa thúc thuộc đội hộ vệ. Thúc là người tháo vát dễ gần và chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ cái khổ người to lớn, dáng vẻ phong trần của thúc. Trong suốt chuyến đi, thúc dạy chúng tôi võ nghệ, cách ứng biến, các bài thuốc trị thương và cả khả năng tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Công việc của đội hộ vệ vất vả và nguy hiểm, mỗi lần quá mệt mỏi thúc lại mở cái bầu luôn mang theo mình uống một hơi thứ nước nâu đỏ trong đó. Lúc vui, huynh đệ tôi có hỏi thì thúc bảo đấy là tiên dược. Qua rừng Nậm Bàn, khi tôi ra suối rửa mặt thì lũ về, nước đổ sầm sập. Nếu tôi không nhanh tay bám vào đám rễ leo chằng chịt bên bờ chắc đã phiêu du nơi hạ nguồn nào đó. Lơ mơ tỉnh, toàn thân lạnh toát, tôi run lên từng chặp. Có lẽ cha và mọi người đang ở đó. Dường như Hòa thúc đã mở cái bầu quen thuộc, vội trút tiên dược vào miệng tôi. Trong chốc lát, hơi ấm kỳ lạ len lỏi khắp người và tôi thấy mình lại nói được, cười được.

Hoà thúc rời đoàn trước khi kết thúc chuyến hàng vì lý do chỉ phụ thân tôi mới biết, thúc để lại cho huynh đệ tôi đôi dao cán gỗ mà chúng tôi rất thích. Thúc bảo phải giữ gìn cẩn thận vì thúc đã truyền tất cả tình yêu và sức mạnh vào đó, chúng sẽ bảo vệ 2 đứa thay thúc.

- Ta chắc đã nhìn thấy kỷ vật đó rồi? Tiết độ sứ cắt ngang.

- Nó hiện ở trong thư phòng của tôi. D ương Phong tiếp.

- Lần thứ hai tôi uống tại nhạc gia, vào ngày tiện nội sinh Vân nhi. Lúc ấy là tầm chính ngọ. Mọi người vội vã gọi bã đỡ đến. Chờ đợi và chờ đợi. Chưa bao giờ thời gian trôi chậm đến vậy, tôi bỏ về phòng để giấu vẻ nóng ruột của mình. Tôi đi đi lại lại, chốc chốc nhìn ra cửa, mãi chưa có chuyện gì sảy ra. Sự kiên nhẫn lạc đâu mất rồi. Tôi thử đoán xem là trai hay gái, chắc là con trai, tưởng tượng ra mặt đứa bé, nó khóc oe oe, vẫy vẫy hai bàn tay nhỏ xíu hồng hào. ước gì phụ thân còn sống để vụng về bế đích tôn trên tay như ngày xưa ông từng bế huynh đệ tôi. Rồi chân tôi đá phải cái bình trong góc phòng. Sao có bình rượu ở đây nhỉ, t ôi liền mở nắp, rót đầy bát. Mùi vị là lạ, nhất thời không thể đoán ra loại rượu gì thì bà vú chạy qua báo rằng tôi đã có con trai nối dõi. Không gì mừng hơn, tôi làm một hơi cạn sạch rồi chạy, trong lòng lâng lâng.
Vân nhi được hơn tháng, phu thê ngồi vui vẻ với nhau, tôi đem chuyện bình rượu ra kể. “T ướng công  uống rồi sao?”, nàng nguýt dài rồi cốc đầu tôi “Thiếp chịu thua tướng công, bạ thấy rượu là uống chẳng cân nhắc gì cả”. Tôi thanh minh rằng mình quá nóng ruột cần tìm thứ để hạ hỏa, nàng khúc khích “Lấy rượu để hạ hỏa trên đời duy có mình tướng công. Đấy là rượu mẫu thân ngâm riêng cho thiếp uống dưỡng thai”.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM