Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:38:53 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: TASS được quyền tuyên bố  (Đọc 49352 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #60 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 08:09:58 pm »

Phần 25

TÌM KIẾM - V

Té ra Đô-nan Ghi là một người cao, trông còn trẻ, nhưng tóc lại đã bạc hết, một vết sẹo lằn đỏ rạch ngang trán, nên trong giới kí giả người ta gọi anh ta là “Ghi-hác-vy Xcoóc-zê-ni”(1)

Anh ta hẹn gặp Xtê-pa-nốp ở dưới tiền sảnh của khách sạn - vì máy điều hoà không khí trong phòng anh ta cũng như ở tất cả các phòng khác, đều không chạy được nữa. Bọn thực dân đã tháo dỡ các thiết bị, dù bọn chúng đã được hứa trả nhiều tiền nếu đồng ý huấn luyện các viên chức địa phương cách sử dụng các hệ thống cũng không lấy gì làm rối rắm này. Chỗ duy nhất trong khách sạn có thể thở được là tiền sảnh, ở đấy có gió lùa, vì tất cả các cửa đều thường xuyên mở, và từ đại dương, hơi mát toả vào, nhất là từ lúc xế chiều.

- Tôi là Đmi-tơ-ri Xtê-pa-nốp, phóng viên Mát-xcơ-va, cảm ơn ông đã dành chút thời gian cho tôi.

- Tôi vui thích được gặp ông, thành thực mà nói, tôi chưa lần nào nói chuyện đối diện với một người Nga cả. Ông có việc cần đến tôi?

- Vâng.

- Vậy xin mời ông đề xuất, ông Xtê-pa-nốp.

- Tôi quan tâm tới bản anh hùng ca của ông với Glép…

Mặt Đô-nan Ghi đờ ra, anh ta thò tay lấy thuốc lá, rút ra một bao “Che-xtơ-phin” nhàu nát, đưa mời Xtê-pa-nốp, rồi hít một hơi dài như để thoả cơn thèm, sau đó rụt đầu vào giữa đôi vai xương xẩu và trả lời:

- Tôi thật không muốn động đến đề tài này nữa!

- Ông đã thua cuộc?

- Không chỉ thua. Tôi đã kí bản đầu hàng vô điều kiện.

- Vì ông không đủ các chứng cứ à?

- Ông biết không, tôi đã đi du ngoạn ở châu Á mấy lần.

- Không chỉ vì thế. Tôi có những tư liệu về nhà băng của ông Lưu.

- Ông nhận được chúng một cách hợp pháp hay do tình báo đã cung cấp cho ông?

- Nếu như tình báo cung cấp cho tôi thì tôi rất khó in sách về ông Lưu - không cơ quan tình báo nào trên thế giới lại thích tài liệu của họ lọt ra trên báo chí, ấn phẩm. Ông đã gỡ việc này từ một đầu khác, ông Ghi ạ. Lẽ ra phải bắt đầu từ chỗ viên thư kí của ông Lưu đã bị giết theo lệnh của ai.

- Không tìm được hung thủ.

- Ông tin rằng bọn chúng bị truy tìm à?

- Vâng, tuy đây chỉ là hình thức… Nhưng điều đó làm sao có thể đạt được ở Hồng Kông!... Chắc ông có
đến đó rồi?

- Hồng Kông thì tôi chưa đến.

- Nếu ông quan tâm đến vấn đề ma tuý trên thế giới, tôi khuyên ông nên đến đó.

- Tôi định đến, nhưng người ta không làm thủ tục nhập cảnh cho tôi. Việc đi lại tự do đối với những ai họ
cho là “đỏ” bị hạn chế, còn khi đeo đuổi những mục tiêu vụ lợi của mình, thì họ lại làm rùm beng lên về vấn đề này… Cái tên họ San-xơ có gợi cho ông nhớ về chuyện gì không?

- Vin-hem San-xơ, người Đức ở Muy-ních phải không?

- Đúng thế.

- Lão ta đã từng làm việc ở đó với Glép.

- Ông biết tiểu sử lão ta chứ?

- Không. Một lão già Đức, nói thạo tiếng Anh, đi phổ cập những ấn phẩm của Mỹ.

- Chuyện lão ta đã từng là sĩ quan chỉ huy của SS, ông có biết không?

- Lại cũng nằm trong những trò tuyên truyền chứ gì?

- Chúng tôi đã in trên báo bản sao fắc-xi-mi-lê các lệnh xử bắn của hắn, ông Ghi ạ. Hắn đã được liệt vào
danh sách tội phạm chiến tranh.

- Thế thì các ông cứ việc đòi trao trả hắn đi.

- Chúng tôi đã đòi hắn ba lần. Và bây giờ hắn vẫn chỉ huy nhóm khủng bố ở Hồng Kông. Tôi nghĩ là cũng
chính San-xơ đã tập dượt việc tấn công ông, hắn biết làm việc đó, hắn đã làm như vậy đối với Xcoóc-zê-ni.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #61 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 08:10:48 pm »

- Do đâu mà ông biết chuyện này?

- Thì Xcoóc-zê-ni đã nói với tôi.

- Ông đưa thêm một kẻ lạ mặt vào sự việc của tôi để đem lại cái gì, ông Xtê-pa-nốp?

- Đem lại nhiều thứ chứ. Dù sao, đa số dân Mỹ cũng vẫn căm thù chủ nghĩa quốc xã. Nếu như ông chứng minh được rằng Glép đã che giấu cho San-xơ, ông sẽ thu hút được một sự chú ý hoàn toàn khác đối với sự việc của ông. Tôi sẵn sàng trao cho ông tài liệu của tôi về San-xơ. Còn ông hãy kể cho tôi nghe tại sao ông đã kí vào bản đầu hàng vô điều kiện thế?

- Ông muốn viết truyện này?

- Còn tuỳ thuộc ở ông.

- Tôi thì không muốn ông viết về truyện này.

- Ông sợ mất việc?

- Mất cả tính mạng nữa chứ. Mất việc chỉ là một nửa tai hoạ, tôi đã khắc phục bằng nghề rửa tàu thuỷ khi
tôi cố tâm định lật tẩy Glép. Nhưng bọn chúng sẽ bắn tôi thẳng tay ấy…

- Thế nếu như tôi thay đổi hết tên họ? Thay địa điểm đã xảy ra sự việc?

- Nếu vậy thì phải trả giá là 50 nghìn đô-la.

- Mỗi ngày ở đây tôi được lĩnh có 12 đô-la tiền tiêu thôi, ông Ghi ạ. Nếu tính rằng tôi còn phải ngồi vào đây
chí ít là một tháng nữa mới viết xong, thì có lẽ ta nên chia đôi, ông một nửa, tôi một nửa vậy.

- Một món hời đấy. - Khuôn mặt Ghi từ nãy đến giờ vẫn căng ra, có hơi thư giãn một chút. - Ông bạn đồng nghiệp này, ông hiểu cho, tôi đã bán tất cả tài liệu về Glép rồi. Bán sạch sành sanh, với giá 10 nghìn đô-la. Khi bọn chúng gửi thư cho tôi và bảo là mẹ tôi sẽ phải chết, và chúng sẽ còn bắt cóc chị tôi, thì tôi hiểu là chúng sẽ làm thật. Chúng dám làm qua đi chứ, ông hiểu không! Biết làm sao được? Chả lẽ phải chở cả mẹ và chị sang ở với các ông? Không đủ tiền, mà vé thì quá đắt! Vả lại, tôi yêu nước Mỹ của tôi, và hoàn toàn không thích chế độ của các ông.

- Thì cũng như tôi không thể thích gì chế độ các ông ấy.

- Tôi biết. Các đồng nghiệp của tôi vẫn đọc ông.

- Còn ông?

- Không. Nói chung, tôi chẳng đọc gì hết, ông Xtê-pa-nốp ạ. Tôi không tin một chữ nào in trên sách báo vì
tôi đã biết thừa là nó được tạo ra như thế nào. Tôi viết những gì người ta muốn ở tôi, tôi làm cho xong việc, ông Xtê-pa-nốp ạ. Tờ báo “Xtar” (Ngôi sao) đã mua tôi, mua theo yêu cầu của bọn Glép, tôi tin chắc như thế.

- Không hẳn! Glép đâu đủ sức làm điều đó. Theo yêu cầu của các ông chủ của Glép mới đúng.

Ghi lắc đầu, cười khẩy.

- Ông nghĩ thế nào, Glép chuyển bao nhiều phần trăm lợi nhuận vào tài khoản của các ông chủ, sau mỗi
chuyến áp-phe hê-rô-in? Không quá 3% đâu - bọn ấy rất thận trọng, chúng biết có thể lấy được bao nhiêu. Chẳng thà lấy ít một, mà lâu dài, còn hơn lấy cả một lần và bị mắc vạ.

- Còn phải xét xem cái “một lần” ấy nó như thế nào!

- Giá quy định thật đơn giản : mỗi chuyến áp-phe thành công, Glép phải chi 5% để bọc lót. Trong số 5% lợi
nhuận phải chi ấy, lão ta dành cho các ông chủ 3%.

- Nếu thế thì sao lão không ngồi chơi sưởi nắng ở Mai-a-mi cho khoẻ, lại còn phải sang Luy-xbua với vai trò
điếu đóm làm gì?

- Bởi vì tất cả số tiền lão có, lão lại dở hơi đem ném cả vào Na-gô-ni-a, ông Xtê-pa-nốp ạ. Khoảng 10% cổ
phần tất cả các khách sạn ở đấy là của lão. Nhưng lão chưa kịp hốt bạc triệu thì mọi thứ đều bị đảo lộn. Và lão phải tìm cách thu tiền về có gì là khó hiểu.

- Ông có chứng cớ gì không?

- Chứng cớ có ở Li-xbon và Pa-ri. Ở Béc-nơ cũng có, ở đấy có in những sách tra cứu tuyệt hảo cho những
ai định hùn vốn làm ăn. Glép không thể cứ giữ tiền bằng tài khoản. Ở nước chúng tôi hệ thống thuế khoá của bộ tài chính làm việc còn gắt gao hơn cả FBI…

- Nhưng lấy lại Na-gô-ni-a, lão không hiểu là điều đó phi thực tế hay sao?

- Tôi lại coi điều đó là hoàn toàn thực tế.

- Không ăn thua đâu!

Ghi lắc đầu:

- Ăn thua quá đi chứ!

- Mà có lẽ chính ông cũng không muốn để lão ta thu được tiền về cho lắm, đúng không, Đô-nan? -
Xtê-pa-nốp hạ giọng: - Ông rất không muốn để lão lại được bắt đầu sự nghiệp ở đây? Một sự nghiệp cho
phép lão ta bỏ túi hàng triệu bạc và ca khúc khải hoàn mà về nước Mỹ?

- Tôi rất không muốn điều đó, nhưng tôi còn không muốn hơn nữa việc lão ta sẽ bắn giết cả gia đình tôi.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #62 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 08:11:41 pm »

- À, nhưng làm việc đó phải có những kẻ thừa hành.

- Không, Glép biết tự tay làm tất cả.

- Hắn sợ nhân chứng chăng?

Ghi lại nhún vai.

- Sao lại sợ? Hắn đâu có sợ. Hắn khử cả nhân chứng ấy chứ, nếu cần thiết. Chẳng qua hắn thích công việc ấy. Hắn là dân “mũ nồi xanh” chính cống, lí tưởng của hắn là sức mạnh, những gì ông nói về San-xơ đều có thể áp dụng cho Glép trong ý nghĩa của tôi. Tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu như hắn treo ảnh
Hít-le trong nhà, bây giờ, tôi chẳng còn ngạc nhiên trước bất cứ điều gì nữa.

- Ông có thể nêu tên một vài người mà ông đã từng nói chuyện về hắn?

- Tôi đã nói là tôi bán hết các tài liệu rồi, hết nhẵn rồi, tôi muốn sống, vậy đấy. Ông hiểu chứ?

- Tôi hiểu. Nhưng vài tháng nữa tôi sẽ sang Mỹ. Ông chỉ cần cho tôi biết hai cái tên, không cần hơn, để
khởi đầu. Ông cho tôi tên vài người không ưa thích gì bọn quốc xã, tôi sẽ tự tiến hành điều tra, vì ở đó có khoản nhuận bút sách, tôi sẽ chi cho việc tìm kiếm tư liệu mà không dính dáng đến ông.

- Người ta không trả nhuận bút cho các ông ở nước ngoài đâu. Bên tôi đã có văn bản, viết rằng: gì chứ lợi nhuận của các ông thì họ lột hết.

- Ông bảo, ông không tin vào báo chí kia mà - Xtê-pa-nốp phá lên cười. - Tuy rằng về khoản này bọn họ viết cũng có phần đúng đắn.

- Ông nói với một kí giả cánh hữu như vậy là táo bạo đấy, ông Xtê-pa-nốp ạ.

- Đây là tôi nói với một kí giả phải làm việc cho tờ báo cánh hữu, ông Ghi ạ. Hai việc ấy đâu phải là một. Còn về việc đánh thuế nặng đối với tác phẩm của tôi in ở nước ngoài, tôi sẽ tìm dịp để kháng cáo lại…

- Ông hãy giải thích với tôi, vì sao ông căm thù chủ nghĩa quốc xã đến thế? Tất nhiên, tôi hiểu - bên các ông đã mất mười triệu sinh mạng.

- Hai mươi triệu, ông ạ.

- Thế cơ à?

- Vâng. Còn riêng tôi… Một khi chúng đã giết tới bảy anh chị em trong gia đình tôi, thì còn gì phải nói nữa…
Và bây giờ những tên như San-xơ ấy đang nhởn nhơ ở Hồng Kông và phổ biến các ấn phẩm loè loẹt, để tuyên truyền cho cái “dân chủ” và “công lí” của chúng…

- Tôi không uống rượu, ông Xtê-pa-nốp ạ, nhưng nếu ông xiết cổ được thằng Glép cho nó thấy giời đất thì lạy Chúa, tôi sẽ uống cạn một cốc rượu Ma-đê-ra(2) để mừng ông. Ông hãy thử nói chuyện với vợ cả của hắn xem, thường thì nằm ở nhà thương tâm thần, nhưng cũng đôi khi sống ở nhà. Nghe đồn là bà ta hoàn toàn khoẻ mạnh. Tất nhiên là người ta không tin bà ta, nhưng bà ta sẽ cung cấp được cho ông một vài sự kiện. Bà ta tên là Em-ma San-xơ, chính là con gái cái lão Vin-hem San-xơ, mà ông đã kể cho tôt khá nhiều chuyện và bằng một giọng thống thiết đến như thế. Nhưng ông cũng nên nhớ rằng Em-ma ra đời vào tháng Năm năm bốn mươi lăm - cái đó rất quan trọng để hiểu được bà ta yêu cái gì, ghét cái gì.

================================

(1) Skorzeny: sĩ quan của Hít-le có một vết sẹo ngang mặt, nổi tiếng trong Đại chiến II vì chiến dịch cứu thoát Mút-xô-li-ni.

(2) Madera : một loại rượu vang ngon có tiếng, thoạt tiên được sản xuất ở đảo Ma-đê-ra (Bồ Đào Nha).
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #63 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2010, 08:30:54 pm »

Phần 26
XLA-VIN

- Con người ở ta dần trở nên tốt hơn - Xla-vin nhắc lại, giọng tự tin, tay anh khoác chiếc áo véc-tông lên thành ghế - Anh cứ nghĩ mà xem, ở ta bây giờ rất phổ biến bài hát về chú cá sấu Ghê-na tốt bụng, còn trước kia, người ta vẫn đem cá sấu ra doạ trẻ con đấy.

- Ở đây, anh cứ thử ra sông mà ngụp lặn xem! Tha hồ có những chú Ghê-na “tốt bụng”! - Dô-tốp cười - Đây không phải là sự tốt bụng, đây chỉ là đưa kiến thức phổ cập cho quần chúng. Tôi muốn nói về chương trình vô tuyến: “Trong thế giới động vật”. Trên màn ảnh, những chú cá sấu trông cũng hiền lành, tốt bụng như thế. Con người ta dần trở nên đa cảm hơn, điều ấy thì đồng ý, chứ còn nói về sự tốt bụng, thì tôi xin giữ ý kiến mình. Loài người còn bao nhiêu lầm lỗi, Vi-ta-li ạ… Anh có hay cho ai vay tiền không?

- Cũng có cho.

- Và lần nào người ta cũng trả anh chứ?

- Hừm… Cũng tuỳ người.

- Cũng tuỳ người! Thế anh có hình dung ra rằng ở thế kỉ trước mà không trả nợ thì ra sao không? Chỉ cần
anh nói toáng ra trước mọi người, thì người vay nợ đó, nhất là lại ảnh hưởng kiểu nhân vật của Léc-môn-tốp, sẽ đi ngay sang phòng bên cạnh, rồi “đòm” - tự làm một phát vào tim tức thì! Còn bây giờ ấy à, anh cứ thử đòi xem, người ta sẽ mắng lại anh: “Đồ keo cú bủn xỉn, cứ đợi đấy đã, có gì ghê gớm đâu kia chứ.” Hoặc anh hãy nhớ lại các buổi họp đoàn thể thuở trẻ của chúng ta, người ta ngồi phát biểu, phân tích đạo đức. Nhờ trời, thế cũng là nhẹ chán, còn trước kia ấy à, người ta lộn mề anh ra ấy chứ, đưa lên giàn lửa mà sám hối ấy chứ. Không, không, Vi-ta-li ạ, chẳng qua là loài người mệt mỏi vì độc ác rồi, họ muốn quên đau khổ đi, và bây giờ họ sống lộn xộn như trong cái nhà bếp công cộng ấy, thế thôi.

Xla-vin bỗng hỏi:

- Anh có muốn về nhà không?

- Về nhà? Muốn chứ, miễn là tôi có nhà để về.

- Tôi cũng có được nghe kể về chuyện anh.

- Thì đấy… Vậy mà anh bảo là chúng ta tốt ra. Chân lí còn nằm đâu đó bên cạnh ông thánh tông đồ Pôn ấy
kia! Anh có nhớ không: “Dân Do Thái giáo thì cầu xin điều báo trước, còn người cổ Hy Lạp chỉ cầu xin sự sáng suốt”. Đúng thế! Người này cầu sự thần diệu, người kia lại cầu có kiến thức, một số khác say sưa muốn thành đạt, một số khác nữa thì cố học lấy sự khôn khéo, thế nhưng chẳng có ai lấy sự tốt bụng làm tín ngưỡng đâu!

- Anh làm ngụm rượu nhé!

- Rất vui lòng.

- Ồ, mà vốt-ca lại hết rồi.

- Tôi không chịu nổi vốt-ca. Tôi mê uýt-xky hơn. Còn Glép thì lại căm thù uýt-xky, chỉ thích vốt-ca.
“Nghe đi! Nghe đi! Glép” - Xla-vin nghĩ bụng. Lúc này anh tin chắc là mỗi một tiếng sột soạt trong phòng anh đều đang được ghi âm - Cứ nghe xem chúng tao đang nói gì đi, còn tao cũng rất muốn được nhìn thực mắt vào mi, khi mi say rượu, Glép ạ!”

- Không có gì nhắm à? - Dô-tốp hỏi.

- Còn bánh quy thôi. Anh ăn nhé?

- Vâng. Tôi đang đói.

- Ta đi làm tạm miếng gì nào?

- Tốt hơn hết là lại chỗ tôi vậy nhé. Cô tôi mới gửi cho giò, loại giò khô tuyệt lắm và pho-mát Xun-gu-ni.
Anh có thích pho-mát Xun-gu-ni không?

- Nhất rồi! Cảm ơn anh, tôi rất sẵn lòng. Chỉ có điều phải đợi điện thoại cái đã, một ông bạn hứa gọi điện cho tôi, rồi kéo đến chỗ Pi-la, mặc dù tôi đang không muốn đi.

- Một phụ nữ thú vị đấy. Cô ta có cách tư duy rất đàn ông, nhưng lại đi kèm với sự yêu cầu của phụ nữ. Biết cách xét đoán tỉnh táo đến mức ngạc nhiên.

- Kể ra, tôi lại rất có thiện cảm với khái niệm “xét đoán tỉnh táo”. Chúng ta hiểu biết được là nhờ có lí trí. Sự xét đoán của lí trí sẽ dẫn mọi ý kiến khác nhau tới thống nhất, - Xla-vin nói - Ý kiến chỉ là ý kiển thôi, dù dăm bảy ý kiến khác nhau cũng không làm thành một khái niệm - còn khái niệm thì như chiếc cầu thang đưa dần tới nhận thức, nó xếp đặt các ý kiến thành một sự xét đoán sử dụng vào đó trí tưởng tượng, nhận thức và trí nhớ. Pi-la có một trí nhớ thật mẫn tiệp, anh có thấy thế không?
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #64 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2010, 08:32:00 pm »

- Anh đừng có phân tích cô ta theo kiểu tách bạch, rạch ròi từng điểm như vậy. Đừng cho rằng lô-gích sẽ giúp ta hiểu được con người. Con người về bản chất rất phi lô-gích.

- Anh nói thế vì chuyện cô vợ anh chăng? - Xla-vin nói nhỏ.

Dô-tốp uống cạn chỗ uýt-xky, cầm bánh bích quy ngửi ngửi, bẻ một mẩu, nhai nhai một cách uể oải và đáp, giọng tư lự:

- Không đâu. Trong câu chuyện của tôi, mọi cái đều đúng lô-gích cả. Sự khác biệt về tuổi tác, tính khí, sở thích và cuối cùng cũng là do sự ngốc nghếch của chính tôi nữa.

- Tội gì anh phải rắc tro lên mặt mình như thế?

- Không đáng phải thế. Nhưng rắc tro và nhận định sự việc là hai chuyện khác nhau. Anh đã nói về chuyện này, có nghĩa là người ta đã thì thào với anh khắp chốn về chuyện gia đình tôi, hẳn tất cả đều chê cười Ôn-ga, như vậy là không chân thực. Cô ấy thông minh hơn tôi, cô ấy có tài, về mặt thiên bẩm, cô ấy là người sáng tạo, tức là con người tư duy và cô ta còn đẹp hơn nữa. Mà tôi lại muốn đẽo gọt cô ta thành một người giống như tôi. Thế là đi đứt. Chẳng nên tự biện bạch cho mình, rằng mình đã hết lòng, luôn hốt hoảng lo âu vì cô ta làm gì. Lo cô ấy sống (chữ này bị bẩn, không rõ có đúng không) ra sao? Ai đến với cô ấy? Ai bắt nạt cô ấy? Và người ta nghĩ gì về cô ấy?... Chỉ có cách hoặc là chấp nhận một cá tính bên cạnh anh, chấp nhận (thiếu hai chữ do bị bẩn), và sẽ diễn ra sự hoà hợp huyền diệu như tan hoà vào nhau, hoặc là không. Chứ chẳng có cách thứ ba nào nữa, đừng nên sống bằng ảo tưởng làm gì…

- Anh có đề nghị được về nước công tác không?

- Không, tôi đang cần ở lại đây. Tôi đã ghi tên đóng tiền cho hợp tác xã xây dựng(1), phải đợi một năm nữa kia. Chúng tôi có một tủ sách chung, cả cô ấy, cả tôi, đều không thể sống thiếu nó được, chứ chưa kể nhu cầu làm việc!... Mà nếu không có nhà, tôi biết tha các tập an-bom hội hoạ châu Phi về đâu bây giờ? Đến nửa tấn sách ấy! Mà về, nhìn thấy Ôn-ga thì tôi lại đau xót, cô ấy cũng biết thế. Và cô ấy cũng đâu có thanh thản trong lòng!...

- Cô ấy chưa định lấy chồng nữa chứ?

- Sẽ không lấy ai đâu.

- Sao vậy?

- Đấy lại không phải là chuyện giữa anh và tôi.

- Xin lỗi anh.

- Không có gì. Tôi chỉ cảm thấy là anh hỏi không phải vì tính tò mò hay thích nhòm qua lỗ khoá nhà khác…
Trước kia thì tôi không kéo dài những câu chuyện kiểu này, còn bây giờ, cắt ngang cũng chẳng để làm gì…

- Dô-tốp cười ngượng nghịu và lại đưa ly rượu ra. - Nào, anh rót thêm tí nữa! Làm thằng say kể cũng thích

- lúc ấy chẳng còn biết lo lắng nỗi gì, chỉ còn biết chuếnh choáng thôi…

- Thế sao anh lại không ưa những kẻ uống rượu?

- Ông bố tôi vốn nghiện ngập. Một người rất có năng khiếu, nhưng không biết tận dụng khả năng của mình.
Một người Hy Lạp.

- Nghĩa là sao? - Xla-vin không hiểu.

- Tức là, giống kiểu người Hy Lạp, nói rõ hơn, là không chịu tin vào sự sáng suốt ở những người gần gũi
mình. Những người A-ten chả thường thích sùng bái nước ngoài là gì?... Đến cả Pi-ta-go của họ, mà họ cũng tặc lưỡi : “Vâng, cũng là thiên tài đấy, nhưng được thế là nhờ công dạy dỗ của các thầy giáo tận nước ngoài…” Bố tôi vốn là nhà triết học. Nhưng một nhà triết học chân chính phải là người nghiên cứu tự nhiên, không thế, bọn họ chỉ là đồ láu cá. Bố tôi nghiên cứu hết mọi sự, thế rồi bắt đầu uống rượu. Trời ạ, sự xích gần đến kiến thức quả là nguy hiểm, thật rất nguy hiểm! anh có nhớ chuyện người ta hỏi Pi-ta-go rằng ông làm gì không?

- Có. Ông đã bảo: “Tôi chằng làm gì cả! Tôi là triết gia”.

- Đấy, bố tôi như vậy đấy!... Lúc đầu thì sống để thưởng ngoạn cảnh quan của thế giới, rồi sau đâm ra chán ngán, vả lại cũng thiếu nghị lực nữa. Không tin ở mình, cả những người gần gũi quanh mình, thế là hết, thở hắt ra, và chỗ ở của ông là ở thiên đàng… Này, sao ông bạn của anh vẫn chưa gọi điện nhỉ?

- Tôi chờ thêm dăm phút nữa vậy. Tay này thường vẫn đâu ra đấy lắm.

- Bọn họ nói chung đều biết sống đâu ra đấy - Dô-tốp cười khẩy - À mà không biết tại sao cái tay Glép tinh ma kia lại biết việc cung cấp hàng của ta cho Na-gô-ni-a nhỉ? Ở đây chỉ có một mình tôi được biết việc này, ngoài ra không có ai.

Xla-vin nhanh như cắt, dẫm nhẹ lên chân Dô-tốp ra hiệu, nhưng Dô-tốp phẩy ta phớt đều:

- Dào ôi, bọn họ không nghe trộm anh đâu! Giá anh làm đại sứ thì lại là chuyện khác!...

*

* *

…Nghe lại cuốn băng, tới những lời cuối cùng của Dô-tốp, Giôn Glép đứng phắt dậy khỏi bàn, đút cuộn băng chưa chỉnh lí lại vào túi, và đi đến chỗ Rô-bớt Lô-ren-xơ.

- Công việc đã xong cả. - Hắn nói. - Tôi rất yên tâm về “Ngọn đuốc”.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #65 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2010, 08:32:51 pm »

- Xin chúc mừng ông, ông sẽ nói thêm với tôi về chi tiết, hay là cái đầu của tôi không cần lắm trong chuyện này, đối với ông?

- Chính nhờ vào những chi tiết của tôi - Giôn Glép đáp, không giấu được vẻ mếch lòng, - mà ông sẽ được huân chương, còn tôi bất quá cũng chỉ được đi nghỉ hai tuần là cùng.

- Để trong thời gian đó, ông lại mộ thêm được một thằng cha cỡ như Tỉnh Táo nữa, và để rồi tôi lại được huân chương, còn ông thì lại được đi nghỉ nữa! Lô-ren-xơ cười to.

- Lấy đâu ra những tên như Tỉnh Táo nữa, ông trùm! Hiện giờ hắn đang đắc lực thì tôi với ông còn được lên voi, làm gì cũng được, ta đang ở trung tâm chú ý, tên tuổi ta được tổng thống biết đến, ta được bảo hiểm khỏi mọi công kích từ nội bộ. Thằng cha Tỉnh Táo ấy là sinh mạng của tôi với ông. Hắn cũng là niềm hi vọng của CIA. Na-gô-ni-a rốt cục sẽ chỉ là một giai đoạn trong hoạt động tương lai của hắn, chuyện vặt thôi mà, chúng ta đã thắng cuộc rồi! Tôi nghĩ rằng, hắn ta có phần bị thần hồn nát thần tính, chứ chưa kẻ nào có thể giải mã được về hắn. Chẳng qua hắn mệt mỏi, chúng ta phải cho hắn nghỉ một chút sau khi kết liễu Gri-xô. Đấy, theo các chi tiết của tôi, thì hãy để Dô-tốp khớp vào với vai Tỉnh Táo, nhưng phải để Dô-tốp nhập vai “trong bóng tối”. Tư duy của hắn cứng một chiều, hắn thuộc nòi các thánh tông đồ. Hắn đã nói với Xla-vin về việc cung cấp hàng mà Tỉnh Táo đã báo cho ta. Vậy là Mát-xcơ-va sẽ biết việc này. Họ sẽ tìm kiếm chỗ rò rỉ tin tức - và ta phải tổ chức cho ra chỗ rò ấy. Tại đây. Đó chính là trò chơi mà ta đã hứa để làm yên lòng Tỉnh Táo.

- Sẽ đem lại cho ta được gì? Chúng ta sẽ làm ra sao? Và cái giá sẽ là bao nhiêu?

- Cái giá vặt vãnh thôi, vài bữa cốc-tai. Bằng cách nào ư? Đó là việc của tôi, ông cứ việc điều hành đường
lối còn chiến thuật đánh gần, hãy để tôi. Ta sẽ được gì à? Được chiến thắng. Thứ nhất là bọn Nga sẽ thu được bằng chứng rằng Dô-tốp là gián điệp của ta. Thứ hai, để bọn chúng sẽ lấy được tin tức này, ta có dịp vu cho Xla-vin làm gián điệp. Ông hãy chuẩn bị cho cuộc đột kích, bọn kẻ cướp sẽ lấy ở két của ông các tên tuổi “những người bạn” của ta, trong số đó, hai năm rõ mười là phải có Dô-tốp. Thứ ba, việc kết tội làm gián điệp và hành động găng-xtơ sẽ buộc Luy-xbua trục xuất đa số bọn Nga đang làm việc ở đây. Việc cung cấp hàng cho Na-gô-ni-a sẽ giảm đi một nửa. Nửa kia sẽ bị các nhóm khủng bố của Ô-ga-nô tiêu diệt. Thứ tư, sau chiến dịch này, nhất là khi Xtau bắt Xla-vin, ở đây sẽ không còn những kẻ dòm dõi, tọc mạch nữa, và nếu còn, thì bọn chúng cũng phải đặc biệt thận trọng. Trước khi bắt đầu “Ngọn đuốc”, một hành động như thế sẽ cực kì bổ ích, mà lại ít ồn ào.

- Ông làm một chén chứ, Giôn?

- Tôi sẽ uống thoả thích khi nào người ta gọi điện từ Na-gô-ni-a cho tôi, báo rằng họ đang phái trực thăng đến đón tôi thăm dinh của Ô-ga-nô.

- Ông cứ gõ vào tủ gỗ ấy mà chờ.

- Suốt đêm đến sáng tôi chỉ chuyên tâm làm việc đó đấy, ông trùm ạ!

- Khi nào thì ông mới thôi dúng vào cái chữ “trùm” dễ lộ kia? Đã bao nhiêu lần tôi đã xin ông gọi tôi bằng tên!

- Tôi là người có những thích thú bệnh hoạn, ông trùm ạ, tôi rất lấy làm khoan khoái khi được tự hạ mình trước người khác.

- Ông đã nghĩ được cách nào đẩy được thông tin về Dô-tốp cho bọn chúng?

Glép vắt hai tay ra sau đầu, ngả người ra, phá lên cười mà không biết hắn cười cái gì. “Tôi hi vọng sẽ có dịp, thưa ông! Và tính tôi còn rất hay thù dai nữa đấy, không tha thứ cho một ai đâu. Không tha ai hết, ông ạ!”.

Lô-ren-xơ chăm chú nhìn Glép dưới hàng lông mày chổi xể đã đốm bạc, và nói một cách tư lự:

- Tính thù dai là một nét xấu, Giôn ạ, nhất là trong nghề chúng ta. Người tình báo phải yêu đến phát run lên đối thủ của mình, chỉ khi ấy anh ta mới bóp cổ được hắn.

======================================

(1) Ở Liên Xô có hình thức hợp tác xã xây dựng nhà ở cho công dân (JSK) . Hợp tác xã tiến hành xây dựng nhà trên cơ sở tiền đóng góp của người yêu cầu, có vay vốn ngân hàng dài hạn. Nhà được phân theo thứ tự yêu cầu, và trả tiền dần trong khi sử dụng.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #66 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2010, 08:34:06 pm »

Phần 27
TÌM KIẾM - VI

Đạo diễn ở Hô-li-út là I-út-gin Cu-dan-ni đã làm quen với Xtê-pa-nốp ba năm về trước trong kì đại hội điện ảnh Xanh Xê-bát-chiên(1). I-ut-gin mang đến dự thi cuốn phim tài liệu của mình về Nam Việt Nam, còn Xtê-pa-nốp cũng mới từ chỗ các chiến sĩ du kích Lào và Việt Nam trở về , được mời làm thành viên của Ban giám khảo.

Bộ phim của I-út-gin làm Xtê-pa-nốp thích thú. Anh chàng người Mỹ này quay chính xác và điềm tĩnh, không dùng các xảo thuật (kĩ xảo). Anh ta đã tập hợp vào phim những thứ trái ngược nhau tưởng không thể đứng cùng nhau được: cơn đau đẻ dưới bom đạn các “Con ma” và buổi học nhảy điệu “rốc” ở trường trung học, cái chết của một thanh niên Việt Nam bên cạnh bài giảng về các chỗ hổng trong vũ trụ của một giáo sư tóc dài, có cặp mắt ngây thơ như trẻ con; rồi buổi ca nhạc không chuyên của các chiến sĩ du kích bên cạnh buổi ca nhạc của các tay nghiền ma tuý theo triết học Bớc-cơ-ly.

Lần ấy trong quán “I-bê-ri-a”, - nơi tụ tập các khán giả xem phim cũng như những kẻ chuyên ngáp vặt, đến đó để xem mặt những diễn viên nổi tiếng, - có (thêm chữ này vào cho có nghĩa) người đã giới thiệu Xtê-pa-nốp với Cu-dan-ni.

- Thật bực mình, không phải vì họ sẽ đánh trượt tôi, - Cu-dan-ni nói, - cái đó tôi không nghi ngờ gì cả, mà tôi bực mình hơn vì người ta sẽ tặng cho Ơ-xê-bi-ô phần thưởng cao nhất, trong khi hắn là một tên phát-xít, đồ súc sinh!

- Ông muốn nói cuốn phim về Xan-chi-a-gô đê Com-pa-xtê-la? - Xtê-pa-nốp hỏi.

- Vâng. Một bộ phim cũng khá đấy, nhưng bực một nỗi là nó do một thằng mất dạy làm ra, tên này trước
nó đã cầm đầu “sư đoàn xanh” của phát-xít.

- Phim cũng chưa hay đến mức xứng đáng giải nhất - Xtê-pa-nốp nói.

I-út-gin phá lên cười:

- Đó là quan điểm cá nhân ông? Hay là với tư cách một thành viên Ban giám khảo?

- Tuỳ ông nghĩ - Xtê-pa-nốp lẩm bẩm.

Ngày hôm sau, khi gặp các đồng nghiệp ở hành lang, Xtê-pa-nốp quả nhiên đã thấy I-út-gin nói đúng. Ban
tổ chức đại hội đã chơi trò tâm lí chiến với các thành viên Ban giám khảo và nêu tên Ơ-xê-bi-ô như lăng-xê một người đáng trúng giải, trên báo chí ngày nào cũng xuất hiện các bài phỏng vấn hắn ta, bọn phê bình bồi bút viết những bài phê bình ca tụng hắn nức nở.

Nhưng Tây Ban Nha là một đất nước đặc biệt; Xtê-pa-nốp đã có lần nói đùa ở Tbi-li-xi(2): “Các anh thật đúng là anh em với Bát-xcơ, mà nói chung là với cả Tây Ban Nha. Bên nước họ cũng như ở đây, lời nâng cốc ở bên bàn tiệc đủ quyết định mọi vấn để!”.

Xtê-pa-nốp đã tập hợp số người làm báo quen biết lại.

- Các bạn ạ, tôi chăm lo không phải cho một người Nga, mà là cho một người Mỹ. Anh chàng Mỹ này nghèo
túng, anh ta mới làm được bộ phim đầu tiên, anh ta cũng không phải đảng viên cộng sản, chỉ là một chàng trai chính trực, thế thôi. Tôi muốn các bạn hãy xem cuốn phim của anh ta và viết lên sự thật về nó.

Rồi anh gặp gỡ chủ tịch cuộc Đại hội liên hoan vào buổi chiều, trong căn hộ của mình (người Tây Ban Nha trọng uy tín hơn hết, nếu anh là thành viên Ban giám khảo, anh phải được thuê cho cả một căn hộ để ở, chứ không chỉ ở có một buồng, còn trong tủ lạnh không chất đầy các hộp bia, mà phải là “uýt-xky”, “gin” và các chai “rô-xa-đô” chính cống, sản xuất từ Na-va-ra - cho hợp sở thích người ngoại quốc, bởi vì Hê-minh-uê đã từng ca tụng. Khi đã tạo nên vẻ uy nghi đáng trọng vọng như thế rồi, chính người Tây Ban Nha lại rơi vào sự mê hoặc của cái uy tín giả tạo ấy. Tức cười, nhưng mà thật thế). Khi đã làm một ngụm rượu vang lấy trong tủ ra mời - mà dân Tây Ban Nha là dân ít nghiện rượu nhất thế giới - Xtê-pa-nốp nói:

- Ông bạn thân mến, cuộc nói chuyện hôm nay có tính chất hết sức tin cậy.

- Tôi biết - Ông chủ tịch liên hoan phim đáp - ông muốn cho giải Cu-dan-ni, tôi cũng có người ở các báo, nên tin tức đến tai tôi ngay lập tức. Ông không giành được phần thắng đâu Xê-nho(3) Xtê-pa-nốp ạ, vì Xanh Xê-bát-chiên còn muốn sùng đạo hơn cả giáo hoàng La Mã. Chúng tôi không dám liều tặng thưởng cho một bộ phim, tuy là phim Mỹ, nhưng đứng trên quan điểm chống Mỹ.

- Ông không hoàn toàn chính xác đâu. - Khi ấy Xtê-pa-nốp lên tiếng - Cu-dan-ni đứng trên quan điểm chính cống của người Mỹ. Ông hãy tin lời tôi, chỉ sau một năm rưỡi nữa là cùng, anh ta sẽ được giải thưởng cỡ quốc gia của Mỹ.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #67 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2010, 08:35:03 pm »

- Ở Mỹ không có giải quốc gia cho các phim thời sự, tài liệu, còn giải Ô-xca, người ta chỉ dành cho phim truyện… Với lại, tôi không tin rằng một, hai năm nữa, chiến tranh ở Việt Nam sẽ kết thúc.

- Nó sẽ còn kết thúc sớm hơn ấy chứ!

- Tôi coi trọng ý kiến của ông, tôi muốn kết bạn với ông - tôi muốn nói, ông với tư cách đại diện của một nước, chứ không chỉ là Xê-nho Xtê-pa-nốp - tuy nhiên, ông đừng đặt tôi vào tư thế khó xử. Tôi không thể ủng hộ ông được, có quá nhiều người đã bị cuốn vào việc này. Ơ-xê-bi-ô sẽ được huy chương vàng, nhưng nếu Ban giám khảo bị chia rẽ thì điều đó thật không hay.

- Tôi sẽ kho mà chuẩn bị dư luận ở Mát-xcơ-va, - Xtê-pa-nốp vừa hút thuốc vừa nói, - trong kì Đại hội liên hoan phim sắp tới của chúng tôi, khi các ông đem phim của các ông đến. Một người Tây Ban Nha nhận được giải thưởng ở ngay Xanh Xê-bát-chiên là một chuyện, còn anh ta được Đại hội Mát-xcơ-va đánh giá thế nào, lại là một chuyện khác.

- Dù sao thì Mát-xcơ-va cũng sẽ không thể cho Ơ-xê-bi-ô ăn giải gì cả, vì anh ta đã quay phim về các cựu chiến binh của “sư đoàn xanh”.

- Béc-lan-ga cũng đã tham gia chiến tranh, anh ta cũng từng là lính của “sư đoàn xanh” vậy mà chúng tôi lại đã ca ngợi phim “Tên đao phủ” của anh ta đấy thôi.

Ông chủ tịch liên hoan phim thở dài.

- Xê-nho Xtê-pa-nốp ạ, tham gia chiến tranh là một chuyện, còn ca ngợi nó bằng các phương tiện nghệ
thuật lại là chuyện khác. Được rồi, nếu tôi đem ba cuốn phim của các nhà làm phim tài liệu trẻ tuổi đến, ông sẽ đảm bảo cho tôi giải vàng chứ? Hay ít ra là hai huy chương bạc?
Xtê-pa-nốp lắc đầu:

- Cho dù bên chúng tôi cũng lắm điều kì quặc, nhưng dẫu sao giải vàng ở Đại hội liên hoan chúng tôi vẫn cho phim nước ngoài, có điều, tôi chưa thể bảo đảm được.

Ông chủ tịch xích lại gần Xtê-pa-nốp, kéo anh sát lại và ghé vào tai:

- Tôi không tin ông.

Và ông ta đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng, ra ngoài cửa căn hộ mà ban phụ trách đã thuê cho
Xtê-pa-nốp, nhìn vào phòng tắm hỏi giá thuê. Rồi cũng chính ông tự trả lời là không dưới 50 đô-la một
ngày, cuối cùng ông quay về chỗ ngồi và nói:

- Va-mô-xơ a-ve-rơ(4). Tôi đảm bảo cho anh chàng Mỹ kia được giải báo chí đấy.

- Ít quá.

- Ông mất trí à! Tôi có thể phải trả bằng máu đấy! Ông tưởng rằng khuyên nhủ bọn quan liêu ở Bộ thông tin và du lịch, cái bọn quyết định mọi thứ ấy, là dễ lắm à?

- Đáng lẽ phải cho I-út-gin giải vàng, nhưng vì sợ phản ứng của Oa-sinh-tơn thì ông phải dành cho giải bạc

- Và mọi người sẽ hiểu là ông không thể hành động thật công bằng được. Còn nếu ông cho anh ta giải báo chí thì sau đó - tất nhiên không phải ở Tây Ban Nha - sẽ nổi lên tiếng đàm tiếu ồn ào: giải này bị áp lực của chính quyền Phran-cô…

- Suỵt! - Ông chủ tịch lại chồm lên khỏi ghế. - Xê-nho Xtê-pa-nốp, sao ông lại… Thống chế là người cha của mọi người dân Tây Ban Nha, và ở nước tôi không hề có sự lộng hành của kiểm duyệt.

- Vâng, tôi hiểu, - Xtê-pa-nốp đồng ý, - tôi đã nói là làng báo nước ngoài người ta sẽ viết, chứ không phải nước tôi. Người Pháp sẽ bắt đầu trước tiên cho mà xem…

Rút cục, I-út-gin được giải thưởng đồng, và điều đó đã mở đường cho anh bước vào ngưỡng cửa lớn của điện ảnh. Người Mỹ cũng trọng uy tín như người Tây Ban Nha, và đối với họ, cái căn bản nhất là sự thừa nhận ở nước ngoài. Dân tộc Mỹ cũng như bất kì một dân tộc trẻ nào, có phần kém tinh tường trong việc nhìn nhận các nhà tiên tri ở ngay tổ quốc của mình.

Từ đó, mỗi khi Xtê-pa-nốp có dịp sang Mỹ, I-út-gin lại bỏ dở công việc và phóng lên Oa-sinh-tơn để giúp Xtê-pa-nốp kiếm được thị thực (thường anh không được phép đi thăm miền bờ biển phía Tây và miền Nam nước Mỹ). I-út-gin cũng hay đi du lịch với Xtê-pa-nốp, nhường cả ô tô của mình và chìa khoá căn hộ độc thân ở Grin-uýt Vi-li-giơ cho anh.

I-út-gin hai lần vào Đảng Cộng sản rồi lại xin ra, có hồi anh ta tích cực ủng hộ Ken-nơ-đi; có những vấn đề, hai người loại ra khỏi phạm vi tranh cãi - bởi vì tranh cãi cũng vô nghĩa, không ai thuyết phục được ai. Nhưng họ tin chắc rằng có thể hoàn toàn tin cậy nhau, nhất là trong những việc liên quan đến sự nghiệp làm hai dân tộc xích gần lại nhau.

Và thế là Xtê-pa-nốp đã đánh điện từ Na-gô-ni-a cho chính anh ta: I-út-gin Cu-dan-ni…

*

* *

- Bà Glép, bác sĩ đã cho phép tôi được nói chuyện với bà nửa giờ, - Cu-dan-ni nói.

- Ồ! Bệnh tôi đã giảm nhiều thế cơ à? Tôi vẫn tưởng mình hoàn toàn bất bình thường, bây giờ thế là ổn cả, chắc hẳn sắp tới người ta sẽ cho tôi được về nhà. - Người phụ nữ phá lên cười với vẻ lạ lùng.

- Bà Glép, tôi muốn nói chuyện với bà về Giôn.

- À, chính là lão Giôn đã tống tôi vào đây để tôi không còn dịp nói hở gì ra với bọn mật vụ ở FBI! Lão ta trả
rất nhiều tiền cho bác sĩ để bọn họ nói với mọi người, rằng tôi là kẻ mắc bệnh tâm thần, không cho các tay FBI động đến tôi - Người đàn bà cúi gập người về phía I-út-gin. - Tôi van ông, xin ông cho tôi làm một hơi, được chứ?
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #68 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2010, 08:35:50 pm »

- Bà hút hê-rô-in à?

- Khẽ chứ… Cái gì cũng được. Lúc nào tôi cũng mơ ước được làm một hơi. Một hơi dài, khô giòn, cho đã!
Ông cứu tôi với nào.

- Tôi không có… Tôi không đem gì theo, bà ạ… chưa có lúc này đâu, bà hiểu chứ?... Nếu bà kể cho tôi nghe điều tôi muốn biết, thì tôi cũng sẽ cố gắng giúp bà.

- Ông lại phỉnh tôi… Người ta không cho ông vào đây nữa đâu. Mỗi năm, tôi chỉ được phép ba hoa một lần thôi, lão Giôn nó muốn biết xem tôi còn nhớ những gì… Cũng đã có một thằng cha mật vụ FBI đến đây và để lại một véo thuốc, rồi sau đó cả năm, tôi không còn được phép gặp ai nữa.

- Thằng cha ấy tên là gì?

- Thế còn ông tên gì?

- Tôi là I-út-gin Cu-dan-ni, đạo diễn điện ảnh.

Người đàn bà lại bật lên cười, cái cười khô khốc không thành tiếng của mình:

- Nếu thế tôi phải là Grê-ta Ga-bô(5). Ồ mà không, cô ta đã yên giấc dưới suối vàng rồi, hãy coi tôi là
Mê-ri-lin Môn-rô(6), thế thì chính xác hơn.

- Bằng lái xe của tôi đây, thưa bà Glép.

- Hà! Thằng cha kia cũng chìa cho tôi một cái bằng như thế! Ông tưởng là tôi tin hắn à?

- Hắn có nói với bà là hắn từ đâu đến không?

- Không. Chỉ nói tên là Rô-bớt So. Thì tôi đã nói với ông, là từ FBI đến mà! Hình như hắn có nói thì phải. Ừ không, hắn quả có nói thật. Rô-bớt So, từ FBI đến.

- Hắn hỏi bà về vụ bê bối ở Hồng Kông?

- Không. Hắn hỏi chuyện về Pi-la, ả đã bay đi Bắc Kinh ra sao và ả lấy đâu ra hộ chiếu ngoại giao. Bọn họ
không dám chọc vào các vị ngoại giao, cái bọn mật vụ khốn khổ ấy, lần mò theo dấu vết rồi cuối cùng chạm trán phải cái thẻ xanh: thẻ nhà ngoại giao… Rồi hắn hỏi Giôn đã đưa ả ta từ Hồng Kông đi đâu?

- Pi-la là ai vậy?

- Một con đĩ ấy mà. Đồ đĩ rạc bẩn thỉu.

- Ả ta sống ở đâu?

- Còn ở đâu nữa? Lão Giôn ở đâu thì nó ở đấy. Lão kéo ả theo khắp mọi nơi. Lão lấy ả làm cái nệm, rồi sau
lại kì cọ cho sạch trong buồng tắm. Lão còn dùng ả để lót cho mấy gã khốn kiếp ở Béc-lin, khi lão cho bọn
kia tiền, thông qua Pi-la. Còn ả thì lại làm ra bộ nữ chiến sĩ cách mạng theo Mao. Ả huấn thị cho bọn trẻ ranh ở Béc-lin kia biết phải nhắm bắn vào ai. Chính lão Giôn đã vạch mặt chỉ tên những bạn bè cũ của lão ra cho ả khử… Đúng hơn, là bạn bè của bố tôi… Bố tôi cần khử kẻ nào đó trong số lũ kẻ cướp cũ, thì Giôn làm liền… Mà tôi nói ông cũng đừng có tin, đừng trố mắt lên như thế, tôi điên đấy… Điên thì nói gì chả được. Ông có thực mang ít bột thuốc đến không đấy? Pi-la thường hay cho tôi hút lắm, nói chung, ả cũng tốt.

- Ả là kẻ đầu tiên cho bà hút hê-rô-in?

- Không. Đầu tiên là lão Giôn. Lão không biết chất lượng hàng hoá ra sao, thế là lão muốn lấy tôi để thử. Kẻ khác thì đã nện vào mồm tôi, còn lão thì lão cứ nhìn trân trân vào mắt tôi, khi tôi rướn người lên sát vào mặt lão… Giống như ông anh tôi vẫn nhìn vào mắt các chú thỏ bị cưa cẳng làm thí nghiệm ấy mà. - Bằng một cái cưa tay ấy… Ông có biết lũ thỏ nó rít lên thế nào không? Ồ, phải nghe lũ thỏ mắt đỏ ấy nó rít lên thì mới hiểu được… Bố tôi thì bảo tôi, đừng có làm phiền anh Dép, bố tôi bảo, đường vào khoa học phải đi qua sự tàn nhẫn… Còn anh Dép, cuối cùng nhổ bọt vào khoa học để trở thành một chính khách cỡ bự, lẽ nào, chính trị lại là một khoa học? Cái đó cũng giống như khi ông anh tôi cưa chân thỏ mà không gây tê.

- Thế ông anh bà hiện giờ đâu rồi?

- Giôn giúp cho anh Dép trở thành bí thư của “Đảng nước Đức mới”, bây giờ, Dép đang bảo vệ cho cái lợi ích ấy của người Đức. Tôi cũng là người Đức đây, phải, tất cả nhà tôi, cả Glép cũng một nửa là người Đức. Có điều lão không thích người ta nhắc đến điều ấy, vi có một người bà con của lão đã làm việc ở Ngân hàng đế chế cho Hít-le, một người rất là trí thức, rất là kín đáo, thầm lặng, lão ấy chỉ biết đến số răng vàng nhổ được ở trại tập trung Au-sơ-vít, số nhẫn cướp được ở trại tập trung Đa-khao… - Người đàn bà lại cười - Nếu ông muốn nạt Glép, thì cứ gặp lão mà hỏi thăm sức khoẻ bác Dích-phrít. Hãy bảo lão rằng ông đang muốn kiện Dích-phrít San-xơ về việc bà con của ông bị thiêu ở cái lò thiêu người. Có điều là sau đó, ông phải lo mà giữ lấy cái mạng - Giôn không tha thứ cho ai về những câu hỏi kiểu ấy đâu. Đến tôi, lão cũng không tha thứ vì kiểu hỏi như vậy, cho nên tôi mới phải vào đây.

- Và bà cũng đã kể hết cho Rô-bớt So?

- Hắn ta là một thằng ngốc, cái gã So ấy mà! Hắn y như cái máy chữ ấy, lạch cạch, lạch cạch, lúc nào
cũng muốn làm rối trí tôi lên… - Hình như hắn ta chẳng thèm biết rằng ở trên đời này có một nước gọi là nước Đức, nơi có những người Đức đang sống nữa. Khi tôi tìm thấy trong đống giấy tờ của cha tôi những bức thư của Giôn và vỡ lẽ ra rằng tôi với lão ta cùng một ổ, khi ấy mọi chuyện giữa tôi và lão ta mới bắt đầu - Trước đó, tôi là một con người khác. Tôi đang hoạt động. Tôi đã từng biết công việc xoay xoả ra sao, cho ai và khối lượng bao nhiêu, tôi đã từng biết người ta khử ai, ở đâu và khi nào, tôi đã là một yếu nhân, Đê-vít Hiu là người giúp việc cho Giôn, sau này bị đuổi đi, đã bảo là tôi sẽ trở thành một Ma-ta Ha-ri mới(7).
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #69 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2010, 08:36:41 pm »

- Thế Hiu bây giờ ở đâu?

- Không rõ, có lẽ ở Muy-ních. Cần quái gì đến hắn nữa.

- Này thôi, ông có thể cởi quần áo ra được chứ? Người ta cho ông vào gặp tôi trong bao lâu? Tôi rất thích được yêu…

Người đàn bà đứng dậy, bỏ áo ngoài ra, I-út-gin trông thấy những vết thâm trên vai, và nước da vàng ợt, nhăn nheo. “Ngốc thật - Anh nghĩ bụng - lẽ ra phải mang máy ghi âm theo. Chao, giá chụp được cảnh này nhỉ?”.

- Bây giờ thì không nên, anh nói, người ta có thể vào đây, còn ít thời gian lắm. Mai tôi sẽ đến, được không? Tôi sẽ đến với bà hai giờ đồng hồ liền.

- Người ta không cho ông vào gặp nữa đâu. Không ai vào gặp tôi đến lần thứ hai cả…

- Thôi được, bà hãy khoác áo vào, ta nói chuyện lát nữa, rồi chuyển sang khoản tình yêu cũng chưa muộn…

“Ý chí cô ta bị tê liệt - I-út-gin nghĩ, khi thấy Em-ma ngoan ngoãn cầm áo lại và choàng lên đôi vai vàng khè, xương xẩu. - Bao giờ cũng vậy đấy, thoạt đầu là hê-rô-in, sau đó thì khủng khiếp thế này đây. Mà Xtê-pa-nốp cần những chuyện này làm gì nhỉ? Chẳng ai tin được cô ta đâu!”.

- Thế hiện nay bác Dích-phrít ở đâu?

- Tôi đang cầu Chúa cho lão chết đi, khi ấy tôi mới không phải sống hổ thẹn dường này… - Bà ta lại bật cười - Sống… Tôi vẫn sống đấy chứ, phải không? Tôi đang sống đây, - bà ta nhắc lại rất tự tin, - bởi vì tôi đang thở, tôi ăn và thải bã ra ngoài. Đúng hơn là tôi đang tồn tại. Chứ cũng không phải sống. Sống phải khác kia. Tôi đã từng sống khi có Giôn. Khi lão bỏ tôi rồi, tôi còn ít thuốc bột và rồi thuốc hút cũng hết, lúc ấy tôi mới chỉ ăn, uống và thải bã một cách chán ngán thế này.

- Anh Dép của bà hiện ở đâu nhỉ, - I-út-gin tiếp tục, trong thâm tâm cảm thấy những câu hỏi đơn điệu của anh làm người đàn bà khó chịu. Anh biết nên nói với Em-ma thế nào, vì không thể nào đoán định được trước câu trả lời của bà ta - Dép cũng chết rồi à?

- Ồ, không! Dép đang phái những người Đức chính trực sang châu Phi để bảo vệ tự do; anh ấy hoạt động ở biên giới, tập hợp bè bạn ở Muy-ních. Chả lẽ ông không biết Dép San-xơ sao?

- Ông ấy đúng là sống ở Muy-ních à?

- Ông nghĩ là tôi bịa phỏng! Ông cũng là So! Ông là đồ chó săn, mật vụ! Hắn cũng không tin tôi như ông! Mà tôi thì nói thật!

Người đàn bà kêu la mỗi lúc một to. Cửa mở ra, hai người mặc áo choàng đi vào, nhìn I-út-gin vẻ trách móc, rồi đưa Em-ma đang la hét đi, trong khi tiếng kêu tuyệt vọng của bà ta còn vọng lại bên tai anh: “Ô hay, ông cho tôi là điên phỏng?”.

… Xtê-pa-nốp gọi điện cho anh em làng báo ở Muy-ních, người ta cho anh địa chỉ của “Đảng nước Đức mới” của Dép San-xơ ngay, không cần phải tra cứu…

=====================================

(1) San Sebastian : thành phố biển ở Tây Ban Nha, đa số là dân Bat-xcơ ở, một trong các địa điểm tổ chức Đại hội điện ảnh quốc tế thường kì.

(2) Tbi-li-xi : thủ đô nước cộng hoà Gru-di-a, miền Nam Liên Xô (cũ)

(3) Ông, ngài (tiếng Tây Ban Nha)

(4) Nào ta tiếp tục (tiếng Tây Ban Nha)

(5) (6) Tên các nữ diễn viên Mỹ, các ngôi sao điện ảnh Mỹ hiện đại

(7) Nữ điệp viên rất lừng lẫy trong lịch sử tình báo
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM