Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:41:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: TASS được quyền tuyên bố  (Đọc 49365 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #40 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 09:57:27 pm »

- Hiện giờ thì chưa có gì! Chị có nhớ chị đã cùng đi với anh ấy, khi anh ta bị cảnh sát bắt giữ không?
Người phụ nữ ngạc nhiên giơ cả hai tay lên:

- Ở đâu? Lại còn dính đến cả cảnh sát nữa?

- Ở Luy-xbua, trước khi về nước không lâu lắm…

- Có phải là cái hôm anh ấy không về nhà suốt đêm không? Rồi chạy lồng đi vay tiền, hử?...

- Vay tiền của ai?

- Lão ấy đến vay tiền ở nhà Prô-clốp; rồi của ai đó nữa, lão nói, cần tiền để mua quà biếu, mua đồ kỷ niệm, vì những của vô bổ ấy, lão đã phải bán rẻ nửa tiền cái máy ghi âm, vậy mà còn trợn mắt lên với tôi, nếu tôi có đi chợ mua đôi ba thứ rau cỏ, chỉ cho ăn cháo với mì ống mà sống thôi…

- Anh ta làm quen với Sác-ghin ở Luy-xbua?

- Cái ông tóc xoăn ấy à? Lúc nào cũng rảy nước hoa lên người ấy chứ gì? Quen nhau ở đấy đấy! Lão nhà
tôi luôn đưa ông ta đến các hãng đại lý hàng, ra bãi tắm. Trông như một chú ngỗng tốt mã, trước mặt với
ai cũng vui tính “tơ-la-la-la”, chỉ cần quay lưng đi, là hắn có thể hắt nước bẩn vào người ấy…

- Chị Cláp-đi-a, chị cho tôi xem cái máy ảnh với…

- Lão ấy cũng đã đem giúi vào cửa hàng đổ cũ rồi còn đâu, cái máy thật tiện quá! Chụp màu, ra ảnh ngay,
tha hồ mà ngắm…

- Thế còn cái máy ảnh con bỏ túi?

- Loại “Mi-nốc” ấy à? Không, chúng tôi không mua, vì ở ta không có loại phim cỡ ấy.

- Chị có nhớ anh ấy bắt đầu uống rượu từ bao giờ không?

- Khi lên phụ trách ga-ra - người phụ nữ trả lời chắc chắn. Trước kia, khi còn là thợ máy, còn phải chạy
đây chạy đó nên lão không uống, chỉ từ khi thay bộ quần áo lao động sang quần áo xanh khoác ngoài, ra
vẻ người phụ trách, ra giao dịch với khách hàng, thế là mới có dịp rượu chè. Khi thì với người này, khi thì với người khác. Nhưng tuy vậy lão cũng vẫn phân minh, sòng phẳng, anh đừng nghĩ có chuyện tư túi gì ở lão, được cái là lão ấy không chịu nhận thừa của ai cái gì, thà lão chịu thiệt phần mình còn hơn là phải làm hại đến người khác.

- Thế mắt anh ấy bị hỏng từ bao giờ vậy?

- Chính cũng từ rượu quá, hoá đâm mờ mắt. Lão uống suông không đồ nhắm. Mà cái rượu cồn chết tiệt ấy,
nó đốt ruột bào gan ra ấy chứ: người này thì bị loét dạ dày, người khác thì bị huyết áp cao, nên cái lão
ngốc nhà tôi mới bị mắt mũi cập kèm. Lão giấu ghê lắm! Lão bảo, nếu để người ta biết thì rồi đời, ai người ta còn cho làm việc này nữa, hết cả nghề ngỗng chuyên môn, vả lại ai còn cho thằng mù dở ra nước ngoài làm gì. Cuối cùng xoay xở mãi, lão mới cầu kỳ đi đặt được hai màng thấu kính, lắp thẳng vào mắt, bây giờ không còn lo sợ trước ủy ban kiểm tra sức khoẻ nữa, thế là qua được… Vậy là cứ chứng nào tật ấy.

- Chị đã thử gọi bác sĩ chữa cho anh ấy chưa?

- Tôi gọi bác sĩ ở đâu được? - Người phụ nữ bỗng nổi khùng lên - ở sứ quán chắc? Bảo là chồng tôi mắt mờ vì say rượu bét nhè chắc? Thế thì người ta tống lên máy bay mà về nước cho rồi. Rồi còn viết giấy đến báo ở cơ quan, rửa được tai tiếng còn là nhục. Chứ giá chỉ êm ả, nhẹ nhàng mà thoát được nạn rượu, thì tôi đã làm toáng lên rồi, đằng này đành phải ngậm tăm mà nuôi hy vọng…

- Hy vọng gì nữa kia?

- Mong cho bệnh loét dạ dày nó hành lão, để lão tỉnh ra. Hay là thận chẳng hạn. Ấy đấy cái anh chàng Xi-đô-rốp uống rượu đến nỗi phải đi cắt thận đấy, bây giờ cạch rồi, thế là gia đình lại đâm ra hạnh phúc trở lại! Không giọt nào dốc vào mồm nữa, là lại có cả một mảnh vườn, sắm cho vợ được cả áo choàng lông thú , lại mua được cả một căn nhà ba buồng ở Chéc-ta-nốp… Ôi chao, còn biết nói thế nào cho được, chẳng qua bây giờ cũng đã an cư lạc nghiệp, người ta mới rượu chè đổ đốn ra thế. No cơm ấm cật rồi mà, lương thì không thể dưới 150 rúp, muốn làm gì htì làm… Chứ cai hồi xưa ấy à…

- Cái hồi ấy thì có khác. – Gmư-ri-a đồng ý, - Còn cái máy thu thanh nhà chị? Anh ấy còn mua được cả máy thu thanh cực kỳ tốt kia mà?

- Bán rồi! Chà, cái đài ấy cái gì cũng bắt được; mua rẻ chỉ bằng nửa giá ngoài tiệm. Lão nhà tôi chả lắp hộ
bộ chế hoà khí cho một ông ở hãng buôn nào ấy mà, lại còn sửa thêm cái này cái kia, tiết kiệm hẳn chỉ số hao xăng, ông kia thích quá, mới để rẻ cho, gớm, cái đài tốt đến thế, thật đài ra đài…

- Anh ấy còn sửa chế hoà khí đại loại kiểu ấy cho ai nữa không, chị Cláp-đi-a? Chẳng hạn, sao không sửa hẳn cho một ông chủ nào người Mỹ?

- Không, cho dù họ có yêu cầu thì lão nhà tôi cũng tránh xa người Mỹ, chúng tôi cũng đã nghe phổ biến nhiều, biết tâm địa họ, lũ hiếu chiến ấy, khiêu khích ở khắp nơi trên thế giới, chúng tôi lại còn không biết ư, mà cái đó còn đáng sợ bằng mấy vốt-ca ấy chứ!...

Nhưng Gmư-ri-a vừa đứng dậy vừa nói:

- Trong trường hợp này thì vốt-ca đáng sợ hơn đấy, đáng sợ hơn nhiều kia, chị ạ!

*

* *

- Chào anh, tôi xin tự giới thiệu, tôi là Mi-kha-in I-va-nô-vích Prô-xcu-rin, cấp bậc trung tá. Tôi muốn nói chuyện với anh về quãng thời gian anh làm việc ở Luy-xbua.

- Xin cứ việc, đồng chí I-van Mi-khai-lô-vích ạ - Pa-ra-mô-nốp xun xoe trả lời.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #41 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 09:58:22 pm »

- Đúng hơn là Mi-kha-in I-va-nô-vích. Còn nếu anh thích tâng bốc tôi lên bằng cách ấy, thì cũng chả đáng giận anh, phải không? (1)

- Ấy chết, xin lỗi đồng chí, tôi hay lẫn tên lắm.

- Đấy cũng chưa phải tai hoạ lớn nhất đâu… Anh nói hộ nhé, anh đã gặp nhà kinh doanh mỹ Glép ở bên đó phải không?

- Đồng chí nghi ngờ tôi? Đây là cuộc hỏi cung sao?

- Không phải. Tôi chưa có quyền hỏi cung anh, vì anh chưa bị kết vào tội gì và cũng chưa bị bắt đến làm chứng. Đây chỉ mới là cuộc mạn đàm, anh cũng vẫn có quyền từ chối, nếu không thích trả lời những câu hỏi của tôi…

- Thế thì, thề có Chúa soi xét, tôi không nhớ gì về Glép, quả là tôi không nhớ.

- Đây là tấm ảnh ông ta.

Pa-ra-mô-nốp cầm lấy tấm ảnh nhỏ, đưa lại gần mắt, và hai mắt lại càng nheo lại hơn.

- Ảnh bé tí tẹo thế này thì nhìn làm sao cho rõ?

- Chết, thế anh vẫn lái xe ra làm sao?

Pa-ra-mô-nốp ngửng đầu lên, tái mặt đi:

- Khi lái xe, tôi vẫn phải lắp thấu kính vào mắt, thưa đồng chí Phê-đo I-va-nô-vích…

Prô-xcu-rin bật cười:

- Đấy là tên một Sa hoàng ngày trước đấy. Thôi được, mặc kệ Sa hoàng… Tôi chỉ muốn biết là sau khi anh bị cảnh sát bắt giữ ở bên đó, có ai đến bót cứu anh không?

- Không! Tôi có tội tình gì đâu! Tôi có say đâu! Chẳng ai việc gì phải cứu tôi cả!

- Quả thực hôm ấy anh không uống rượu?

- Không có lấy một giọt.

- Thế còn hôm trước đó?

- Cũng không mà.

- Chà, thật đúng như vậy chứ?

- Tôi thề đấy, không nhấp lấy một giọt! Tôi ít uống lắm! Qua cái cung cách mà Pa-ra-mô-nốp nói dối một cách đầy sợ hãi, giấu đầu hở đuôi, Prô-xcu-rin đã đoán định là anh ta không phải con người mình cần tìm. Đây chỉ là một kẻ bạc nhược, gian dối, say rượu đến mức phải lén lút, nhưng phần chắc là không phải tay sai CIA…

- Tôi đã phải nộp tiền cho họ thả - cuối cùng Pa-ra-mô-nốp nói khẽ với vẻ đau xót, - bọn chúng ở đấy tất cả đều là lũ ăn của đút và tống tiền, chúng bảo: không có kính là phải nộp bằng…

- Vậy anh phải xì ra cho họ bao nhiêu?

- Một trăm bảy lăm đô-la. Tôi chỉ có cả thảy 50, tôi phải lồng lên đi vay khắp nơi, lúc ấy viên cảnh sát mới
chịu xé toạc tờ biên bản xét nghiệm.

- Anh có nhớ viên bác sĩ không?

- Hơi sức đâu mà nhớ chứ? Một phụ nữ Phi đẹp, à mà cũng có đeo kính…

- Có thấy còn người nước ngoài nào đến giúp việc ở đó không?

- Nếu có thì tôi đã xin nói ngay, thưa đồng chí… Va-xi-li I-va-nô-vích.

- Thôi, anh cứ gọi tôi đơn giản là Pết-ca , thế nhé! Va-xi-li I-va-nô-vích là tên của Tra-pa-ép đấy (2)! Anh cứ gọi tôi là Pết-ca cho tiện đi!

- Xin đồng chí hiểu cho tình cảnh tôi! Pa-ra-mô-nốp van nài - Mất cái bằng ấy ở Châu Phi thì thật đi đứt
cả công danh!

- Đi đứt cái gì?

- Công việc ấy ạ, - Pa-ra-mô-nốp vội chữa lại - sẽ chẳng còn đi được tới đâu. Nóng lắm, ai mà đi bộ tới sở thuế quan được? Mà xếp hàng dài khủng khiếp! Tôi sẽ lỡ việc của tập thể! Mà anh em chỉ trông vào sự cơ động của tôi: chạy giúp đi đằng này, phóng giúp ra chỗ kia…

- Chắc họ còn chờ đợi hơn hết ở anh sự chân thật nữa. Chúng tôi đã hỏi và đã xác minh được sự việc. Nếu anh đã kể mọi điều thành thật, thì các luật gia của ta sẽ chứng minh cho nhà chức trách ở Luy-xbua biết rằng anh đã được Ủy ban kiểm tra sức khoẻ - có chân trong một công ước quốc tế - cho phép anh vẫn được lái xe và công tác bình thường, do đó sẽ không ai có quyền đòi hỏi gì ở anh và vô cớ buộc tội anh như vậy nữa. Được chứ?

=================================

(1) Nếu gọi Mi-kha-in I-va-nô-vích thì tên thật là Mi-kha-in, tên bố là I-van (do đó có đệm là I-va-nô-vích). Còn nếu gọi tên ngược lại, thì vô hình chung là gọi tên bố ra.

(2) Anh hùng thời Nội chiến ở Liên Xô. Nhân vật chính trong tiểu thuyết của Phuốc-ma-nốp (ND).

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #42 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 07:22:01 pm »

PHẦN 18

XLA-VIN

- Chào anh An-đrây An-đrây-ê-vích (1).

- Chào anh.

- Tôi có ý muốn nhờ anh giúp tôi nắm được tình hình ở đây, tôi là Xla-vin Vi-ta-li Vxê-vô-lô-đô-vích.

- Thế thì không phải nhiệm vụ của tôi rồi.

- Mọi người đều bảo anh cảm nhận tình hình ở đây tốt hơn cả, nhất là tình hình Na-gô-ni-a, việc cung cấp hàng của ta, chu kỳ cung cấp…

- Ấy cái ấy anh đều có thể đọc trong báo cáo. Chỉ có ý nghĩa của nó… Viết gì thì viết, nhưng hàng hoá vị tất đã chạy.

- Sao vậy?

- Tại chúng ta còn khờ quá.

- Cũng có thể thế - Xla-vin đồng ý – có điều, trong trường hợp này, nắm được cái mắt xích chính thì tốt.
Ta còn khờ ở chỗ nào? Làm sao loại bỏ cái khờ ấy? Tình hình Na-gô-ni-a thì lại rất đ áng phải quan tâm.

- Loại bỏ được cũng rất đơn giản thôi. Các cơ quan phục vụ ở cảng này nợ chúng ta 5 triệu đồng. Dĩ nhiên cũng chả đáng gì so với những cái đã bay theo gió, nhưng với quy mô ở đây thì cũng là một món tiền khá, mà ta cứ đằng thắng đòi, thì nếu họ chưa trả nổi, ít nhất họ cũng phải giữ phép lịch sự phục vụ chu đáo cho các chuyến tàu của ta đi Na-gô-ni-a, giải phóng chúng, ưu tiên, đừng có giữ lại mỗi tàu trung bình ba ngày đêm trên bến. Ta thì cứ mềm mỏng, sợ họ hiểu lầm, họ bực bội, trong khi trên tất cả các báo chí, bọn họ chửi ta thả cửa…

- Nhưng cách mềm mỏng ấy cũng là chứng minh của sức mạnh, An-đrây ạ, đúng thế không?

- Đồng ý. Rất đúng. Nhưng ta sẽ còn mặt mũi nào nhìn nhau nữa, nếu để cho bọn chúng bóp chết
Na-gô-ni-a? Chỉ riêng cái chuyện để hàng cung cấp chậm trễ, đã có bao kẻ lợi dụng để phao tin: “Người Nga hứa nhiều, nhưng không giữ lời hứa”, thời gian cứ bay vèo vèo, và ta thì chết cháy vì họ. Anh bảo sao nào?

- Tệ thật. Và sẽ còn tệ hơn nhiều nữa.

- Ở đây người ta thấy tôi nói vậy thì lại bảo rằng tại tôi hay bẳn tính và tẻ lạnh, khó chơi. Đâu phải thế,
chẳng qua tôi ra cảng nhiều hơn anh em, tôi đã gặp nhiều loại người, qua đó, tôi hiểu rõ là họ đang nghĩ gì
ta, họ bảo: “Bọn ấy thì có thể cứ cưỡi bừa lên cổ chúng cũng nhịn”.

- Thôi đượ, anh hãy gà cho tôi để tôi làm bài báo nhé, làm sao viết cho khéo hơn một chút là được. Hai giờ chiều nay, tôi ăn cơm với một người bạn đồng nghiệp người Mỹ, từ hồi vụ án Nuy-rem-be đến giờ mới gặp nhau…

- Pôn Đích à?

- Đúng thế. Anh cũng quen?

- Anh ấy chơi với một người bạn của tôi. Theo tôi, đó là một nhà báo có suy nghĩ, tuy bực một nỗi là uống rượu bét nhè.

- Bốn giờ, tôi sẽ gặp anh nhé?

- Không, bốn giờ tôi bận. Thôi ta hẹn vào quãng 9 giờ tối.

- Ở chỗ tôi nhé?

- Anh ở đâu nhỉ?

- Ở “Hin-tơn” phòng 607. Tầng 6. Hành lang bên phải.

- Tôi biết. Được rồi, tôi sẽ đến anh vào lúc 9 giờ.

*

* *

Pôn Đích ngồi xuống cạnh Xla-vin, chửi làu bàu:

- Anh đã bẫy tôi vào cái chuyện thổ tả này, I-van ạ. Bây giờ ta đến tiệm “Mắc Đô-nan” nào đây?

- Có cái hiệu ở cạnh toà nhà nơi lão Bê-liu đã sống ấy.

- Lão đã sống ở khu ổ chuột, tiệm”Mắc Đô-nan” ở đấy hôi như nước ráo ấy, tôi đã nhìn hết lượt rồi.

- Còn tôi lại muốn ngó qua một tý, xem nó thế nào?

- Thôi, anh đừng úp mở, I-van. Anh biết gì về bản thân lão Bê-liu ấy? – Pôn Đích chia ra 8 đô-la cho Xla-vin – Anh cầm lấy, để anh mua nhé, không thì tôi lại uống sạch hết.

- Tiền gì thế này?
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #43 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 07:23:11 pm »

- Đừng có làm bộ ngốc, tôi đã thua cuộc anh rồi mà. Anh đã linh cảm về Giôn thính hơn tôi, ông ta quả thực đã hỏi tôi về anh đúng như câu anh đã đoán. Anh giải thích rõ xem nào, anh đã biết được những gì trong vụ này?

- Chẳng biết gì cả. Tôi chỉ có thể dự đoán. Tôi nghe nói, Bê-liu ở thuê trong một căn phòng đâu đó gần ga.

- Gần cảng. Nhưng ầm ỹ lắm, cần trục làm việc suốt ngày đêm ngay dưới cửa sổ. Rồi sao nữa?

- Nghe nói trong phòng lão ta có cả sách tiếng Nga.

- Sách U-krai-na. Và bưu ảnh nữa, nhiều bưu ảnh cũ…

- Có phó-mát khô và nửa cái bánh mì trên bàn nữa, đúng không?

- Phó-mát ôi ấy mà, còn bánh mì thì không có, mà là thứ bánh bột đã khô queo. Vậy ra anh cũng ở trong
phòng lão ta rồi à?

- Pôn ạ, giá tôi mà đặt chân tới đó thì người ta đã đem tôi đi thẩm vấn rồi… Thế Bê-liu bị giết bằng cách
nào? Súng lục không kêu chăng?

- Không. Bị bắn lén bằng súng bắn tỉa, đặt từ một cái cần cẩu ở cảng chĩa sang cửa sổ. Lão đang tập thêu ren gì đó, xung quanh đầy khăn rải bàn, khăn ăn, những đường riềm. Rồi hình gà sống, gà mái… Nhưng này, anh biết những gì về lão ta? Lẽ nào các anh lại tự dưng đi tìm lão, hả I-van?

- Pôn ạ, anh hãy cho tôi biết, lão ta có những sách gì?

- Tôi quên rồi… Tôi có ghi đây, nhưng sổ đã để ở phòng. Thơ, chủ yếu là thơ thôi.

- Một cái buồng con, cần trục dưới cửa sổ, khăn rải bàn và khăn ăn có hình gà qué, và thơ…

- Bợm thật, anh phân loại các sự kiện rành rẽ lắm. Trước kia, chưa nhạy thế đâu, anh chỉ dồn dập tích
thật nhiều sự kiện, thông tin đơn thuần từ Nuy-rem-be thôi. Thời gian trôi qua, bây giờ trong anh đã thấy rõ tính độc lập suy nghĩ. Thật tuyệt, anh biết tổ chức một cách táo bạo các sự kiện rời rạc thành luồng ý nghĩ.

- Anh làm tôi phổng mũi đấy! Thế cảnh sát có nhiều không? Giới báo chí?

- Sau khi khám xét xong, họ mới được vào.

- Họ cần tìm cái gì?

- Có quỷ mà biết. Người ta nói ám chỉ rằng lão ta là gián điệp của các anh.

- Ám chỉ à, thì một con bé con cũng biết cạnh khoé được, những việc như thế này phải có chứng cớ hẳn hoi chứ!

- Chứng cớ, thì người ta nặn ra. Khắc được!

- Có nghĩa lý gì không chứ!

- Nghĩa lý à, thì đấy: lão ta sống gần cảng này, ở đó tàu bè của các anh đi Na-gô-ni-a; bây giờ ở đấy
đang dấy lên chiến dịch chống việc viện trợ ấy, thế còn Bê-liu thì đơn giản quá: soi ống nhòm và để tín hiệu.

Xla-vin bụm miệng cười to.

- Thì sao? – Pôn tiếp tục – Quan trọng là quẳng được đi một con mèo già không nuôi được nữa, ai muốn vơ
thì cứ vơ lấy. Và kẻ bị hắt phân vào người sẽ là kẻ có lỗi, dù cho rằng cuối cùng có rửa sạch đi được chăng nữa.

Trong quán “Mắc Đô-nan” cạnh cảng, cách cái nhà trọ hạng ba mà Bê-liu đã sống khoảng hai khối nhà, không khí rất ngột. Xla-vin sửng sốt thấy ruồi nhặng nhiều vô kể, bụng vằn xanh béo mập, chúng bay chậm chạp như những chiếc “Gioong-ke” quá tải, và phát ra những tiếng vo ve phát ớn.

- Ta uống cà-phê nhé – Xla-vin đề nghị - còn ăn trưa ta sẽ đi ăn ở đâu đó ngoài trời, được chứ?

- Này, nhưng có phần chắc là anh biết về lão Bê-liu này, hắn là nhân viên của các anh, hẳn thế, I-van ạ!

- Anh bạn già ơi, chúng tôi cần gì phải để một tay gián điệp như vậy ở chỗ này, tôi nói nghiêm túc đấy. Chúng tôi đã công khai nói rằng nếu xảy ra xâm lược vào Na-gô-ni-a thì chúng tôi sẽ giữ Gri-xô. Các con bài đều ngửa, chẳng có gì phải bí mật nữa. Nói chung trên thế giới bây giờ ít điều bí mật lắm, mọi cái đều có thể tính ra, chỉ cần có cái đầu làm việc.

Người da đen đang rót cà-phê vào các cốc giấy nói với Pôn:

- Hôm nay tôi đã được vinh dự thấy ông, thưa ông.

- Còn tao thì chưa thấy mày.

- Thưa ông, chính ông cũng đã trông thấy tôi. Ông đã đi từ căn phòng của tên I-van bị giết ra.

- Ai?! Pôn sửng sốt, - I-van?

- Bê-liu ấy. Tên thật lão chính là I-van, gọi theo kiểu Anh là Ai-ven. Lão là người Nga đấy.

- Tôi cũng là người Nga đây – Xla-vin nói.

- Ồ, xin lỗi ông, thưa ông, tôi không thể nào đoán ra ông là người Nga, tôi nghĩ ông là người Anh.

Xla-vin lấy ra bao thuốc “Ya-va” (2), rút điếu thuốc ra nhưng không hút, anh nói chung không hút, chỉ đôi khi ngậm điếu thuốc vào miệng, nhấm nhấm.

- Thế tại sao lão ta lại sống ở đây, hả anh bồi? Sao lại có người Nga ở Luy-xbua? Lão có nói gì với các anh về chuyện ấy không? – Xla-vin hỏi.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #44 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 07:24:27 pm »

- Không ạ. Lão chỉ hát khi nào đã uống rượu say mèm thôi.

- Lão thường xuyên say mèm thế à?

- Lão chỉ bắt đầu uống rượu nhiều từ khi thấy những chuyến tàu Nga ghé bến này, thuỷ thủ các ông thường hay uống bia ở chỗ tôi. Bê-liu luôn ngồi trong cái góc kia kìa, chỗ tối tối ấy, để nhìn họ. Khi họ đi rồi thì mới uống, uống chán lại hát những bài hát quê hương. Nhưng không ai đánh đập gì lão, người ta vẫn để cho lão ngồi như thế và hát, chỉ đuổi lão đi khi nào lão bắt đầu nói lảm nhảm…

- Người ta còn để cho lão hát, thế là rất nhân đạo rồi – Pôn Đích nói – còn cho phép lão được hát sau này ở trên trời, đến ngày phán xử, các người cũng còn được tính công nữa đấy! Nào đưa tiếp cho ta một cốc uýt-xky có đá nữa.

- Chúng tôi chỉ còn uýt-xky Tây Ban Nha thôi. Thưa ông, uýt-xky nhãn hiệu “Đích” người bên các ông không uống thứ đó.

- Chúng nó là một lũ đần độn, để ý đến bọn ấy làm gì. Nếu anh không nói với họ rằng đây là rượu “Đích”, cứ rót mạnh tay vào và đặt ngay dưới mũi họ ấy, gõ nhẹ vào đáy cốc cho bọt uýt-xky nó sóng sánh một chút, thế là ổn mà…

- Cám ơn ông đã chỉ bảo, tôi sẽ thử làm. Ông có thích chơi bi-a không ạ? Chúng tôi có cái bàn bi-a đáng mặt lắm, các viên bi-a cũng nặng.

- Anh này – Xla-vin hỏi - thế có lần nào Bê-liu hát khi có mặt các thuỷ thủ Nga không?

- Vâng, thưa ông, cũng có một lần, và lão vừa hát vừa khóc ròng, thế là các thuỷ thủ đem tặng lão phong
bì có in hoa và bưu ảnh…

- Hồi nào vậy?

- Tôi nhớ là vào tháng Chạp, thưa ông, nhưng không biết có thật đúng không. Sau đó, tôi thấy là lão có
vẻ sợ sệt thế nào ấy, như lúc nào cũng có ý chờ đợi cái gì đó, - Xla-vin bèn đặt các tấm bưu ảnh trước người phục vụ tiệm ăn.

- Anh lấy làm kỷ niệm, nhưng chớ để người ta lấy súng bắn tỉa mà giết oan đấy nhé?

- Cám ơn ông tặng quà, nhưng thưa ông, bây giờ tôi xin phép từ chối thì tốt hơn: Cảnh sát đang đi lùng
hỏi tất cả những ai quen biết Bê-liu, các nhân viên bưu điện bị đưa vào đồn, người ta kiểm tra thư từ, điện tín. Mọi sự đều có thể xảy ra, nên tôi xin đa tạ ông, chúng tôi đã quen sợ đến cả cái bóng của mình nữa.
“Tháng Chạp, các tàu đầu tiên đã đến đây – Xla-vin nghĩ – Và ông lão I-van của chúng ta lần đầu tiên lại được thấy những người Nga thực sự và viết lá thư cho ta. Loay hoay mãi, nhưng không dám gửi. Mọi sự đều đơn giản nhưng rõ ràng. Rồi thì có lẽ cảnh sát đã báo cho chúng việc Bê-liu đã đến gần sứ quán của ta. Glép đã tính toán cũng gần như mình đã tính, và đã khử Bê-liu. Bây giờ thì chỉ còn có một mình hắn, Giôn Glép, là có thể nhận diện đúng bức ảnh nào là kẻ mà chúng đã mộ được!”

…Khi Xla-vin dừng chiếc “Fi-át” cạnh tiệm ăn nhỏ kiểu Pô-li-nê-di – bàn ăn được đặt bên bờ biển, dưới những dãy ô dệt to rộng, tạo thành bóng râm – thì Pôn Đích vật người ra trước tiên, người đẫm mồ hôi.
-Gượm đã – Xla-vin nói – anh hãy quay lại mà ngắm chiếc “Méc-xê-đét” đang săn tôi kia kìa. Anh nhớ lấy số xe nhé, độc nhất vô nhị đấy; cái số ấy không có trong bảnh danh mục của cơ quan thanh tra ô-tô sở tại đâu.

- Chấm hết chuyện chán ngắt ấy đi thôi, Vít (3) ạ! – Pôn Đích rút cục đã gọi Xla-vin bằng tên thân mật - Chẳng nên quá nghi ngờ như thế.

- Thì đấy, chiếc “Pho” sẽ theo ta vào thành phố, và anh đừng cãi với tôi nữa, lần này tiền đánh cuộc sẽ gấp đôi số tiền tôi được cuộc ban sáng đấy.

- Thế ra là Giôn đích thị từ chỗ đó đến thực à? Pôn thở dài chán ngán. - Tôi có bảo anh thế đâu?

- Anh đừng có coi tôi là thằng già ngu ngốc, hiểu chưa?

===================================

(1) Tức Dô-tốp (ND).

(2) “Ya-va”: loại thuốc lá thơm phổ biến và có tiếng ở Liên Xô.

(3) Tên Xla-vin gọi theo kiểu Anh, Mỹ cho có vẻ thân mật (cả tên là Vi-ta-li) ND


Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #45 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 07:26:00 pm »

Phần 19

CÔN-XTAN-TI-NỐP

Tướng Phê-đô-rốp chuyển cái cặp tài liệu cho Côn-xtan-ti-nốp. Côn-xtan-ti-nốp chăm chú nhìn những cột chữ số và trầm ngâm nói:

- Chỗ chúng tôi cũng bị rì rì. Chẳng có gì đặc biệt hơn, may chăng chỉ có chuyện cô Vin-te đột ngột sửa soạn đi Pi-xun-đa nghỉ một tuần.

- Nghỉ phép thường kỳ?

- Không. Đi bằng tiền riêng của cô ta.

- Ở Viện họ, có cái lệ như thế à?

- Chúng tôi sẽ xác minh.

- Xác minh ngay được không?

- Nếu đồng chí cho phép tôi gọi điện cho Prô-xcu-rin ngay.

- Để tôi gọi được không? – Pi-ốt Phê-đô-rốp mỉm cười – Hay là đồng chí ấy chỉ thi hành mệnh lệnh của htủ
trưởng trực tiếp thôi?

Sau mười phút, Prô-xcu-rin báo là ở Viện nơi Vin-te làm việc, người ta thường cho các cộng tác viên khoa học bậc cao đi nghỉ phép theo kiểu tiền của mình. Anh còn thông báo là Sác-ghin đã bay đi Ô-đét-xa hôm nay, không phải đi nghỉ mà đi công tác, đi kiểm tra tại chỗ việc bốc xếp hàng cho các tàu sắp đi Na-gô-ni-a.

- Thôi nào – Phê-đô-rốp nói – ta hãy tạm kết luận: Thứ nhất Pa-ra-mô-nốp bị loại ra, anh ta không dính vào đây; chỉ là một anh chàng nghiện rượu bất hạnh.

- Giá tôi, thì tôi gọi đó là người bất hạnh số 2, anh Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ. Số một là I-van Bê-lốp, cũng chính là Ai-ven Bê-liu. Tôi đã nhờ anh em ở Sở công an Nô-vô-rốt-xcơ hỏi chuyện các thuỷ thủ thánh Chạp năm ngoái chủ yếu là thuỷ thủ Nô-vô-rốt-xcơ đã đến Luy-xbua. Hai người trong số được hỏi đã ở tiệm “Mắc Đô-nan” hồi tháng Chạp ấy, và đã nhớ rằng Bê-liu đã hát cho họ nghe bài “Gió cuốn” và “Ơi, cánh đồng, cánh đồng” (1). Lão hỏi, có thể được ra tàu họ chơi là leo lên thanh chống bão không, giá ra được, thì như lão nói, lão “có thể phớt hết sự đời, mặc cho bọn chúng kết tội hoặc bỏ tù…”

- Trong thời gian chiến tranh, Bê-liu bao nhiêu tuổi?

- Mười tám. Rời khỏi đất nước cùng với bọn Đức. Xla-vin báo là lão đã bị “làm phép tẩy lễ” mất hy vọng trở
về rồi.

- Còn tên gián điệp thì thực sự đang làm việc ở Mát-xcơ-va. Mọi hy vọng của ta, rằng đây chỉ là một trò nghi binh khiêu khích, một trò chơi trên làn sóng điện, đã tan biến hoàn toàn.

- Đáng tiếc, đúng như vậy! (2)

- Thế đó là Sác-ghin hay Vin-te?

- Những người còn lại đều nằm trong sơ đồ nghi vấn cả.

- Có bao nhiêu người còn lại?

- Tất cả những ai dính dáng đến cái mối Na-gô-ni-a. Tức là sáu người cả thảy.

- Và đồng chí muốn được phê chuẩn việc kiểm tra họ?

- Chưa có đủ cơ sở để xin một sự phê chuẩn như vậy. Đồng chí lại là người đầu tiên không hiểu tôi rồi!

- Cái cách nói mập mờ hay nhất bao giờ chả nằm trong cái câu “thiên hạ không hiểu mình”, đúng không?

- Dẫu sao, tôi cũng có thể đề nghị anh cho phê chuẩn công việc về Vin-te và Sác-ghin được rồi, còn về Dô-tốp thì Xla-vin ngay hôm nay phải đánh điện về, tôi sẽ đợi, có thể đến nửa đêm thì điện sẽ tới.

- Anh cứ đợi ở nhà nhé.

- Tôi vừa đợi vừa kết hợp làm việc. Anh em mới tìm được cho tôi một số tư liệu về vụ tai tiếng có Glép
tham dự, tôi nghĩ, đó cũng là một đầu mối có thể tóm được để rồi giật giật tung chỗ nút thắt ra.

- Được rồi. Tôi sẽ thức đến một giờ sáng. Anh cứ gọi điện nếu có gì quan trọng.

- Gmư-ri-a sẽ bay đến chỗ Sác-ghin, cứ để đồng chí ấy nắm Sác-ghin tại chỗ. Còn tôi, nếu anh đồng ý, thì ngày kia sẽ bay đi Pi-xun-đa, tới chỗ Vin-te.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #46 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 07:26:50 pm »

- Anh đi Pi-xun-đa à? – Phê-đô-rốp cau mày, ngồi lặng thinh giây lát, rồi cầm lấy một cặp giấy trong chồng cặp xếp cẩn thận trên bàn, xem các giấy tờ, lấy ra một tờ và chìa cho Côn-xtan-ti-nốp – May quá, anh làm tôi nhớ ra. Trong tờ tài liệu này có báo là tuỳ viên báo chí của sứ quán Mỹ Lun-xơ, mà cơ quan phản gián ta đã xác định được là nhân viên CIA, đã bay đi Pi-xun-đa, cũng ngày ấy và chuyến ấy với Ôn-ga Vin-te.

Vé đã đề tên Ôn-ga Vin-te quả thực đã được mua cho chuyến máy bay mà Lun-xơ đã bay. Nhưng chị ta lại không có trong máy bay, không thấy xuất hiện ở Pi-xun-đa ngày hôm sau và suốt thời gian tiếp đó, mà cũng không thấy trả lại vé. Còn ở nhà chị ta thì gọi điện đến không có ai trả lời, tuỳ cứ khoảng hai giờ một lần, người ta liên tiếp gọi cho chị.

Côn-xtan-ti-nốp hỏi Prô-xcu-rin:

- Đồng chí đã gọi điện đến chỗ chị ta làm việc chưa?

- Chúng tôi không muốn đánh động bằng những cây hỏi thừa. Chị ta là người giao thiệp rộng, duy trì quan
hệ tốt với mọi người, có thể có người sẽ báo cho chị ta biết, rằng chị ta đang bị để ý chăng?

- Thế ở chỗ ông bố chị ta?

- Cũng không thấy – Prô-xcu-rin nhăn mặt – Các chiến sĩ nói rằng “không ghi nhận được sự hiện diện thực tế”.

- Đã xem khu nhà chị ta ở, đã dò hỏi gì chưa?

- Chẳng ai biết gì cả. Căn hộ khoá chặt.

- Tóm lại, các đồng chí đã mất dấu Vin-te.

- Vâng. Có thể nói như vậy.

- Đồng chí có thể nói gì khác hơn không?

- Thực tình, không thể nói gì khác được nữa.

- Hãy huy động người của đồng chí tìm kiếm Vin-te hết sức kỹ lưỡng. Đồng chí nói đúng, không nên đánh
động bằng sự chý ý quá đáng, nhưng phải nhanh chóng tìm ra chị ta bằng bất cứ cách nào. Ta hãy lần theo tất cả các mối liên hệ của chị ta. Đồng chí có nói là trong “tổng số các dấu hiệu” của Vin-te, đặc biệt nổi bật tính quảng giao… Có thể ta tin cậy được ai nhất, trong tất cả những người chị ta quen biết?

- Tin cậy với ý nghĩa nào?

- Đồng chí hỏi vậy là tốt đấy – Côn-xtan-ti-nốp hài lòng nhận xét – Chúng ta vẫn phải nhất thiết tin tất cả mọi người trước khi có gì khác. Tôi chỉ muốn hỏi là: Ai sẽ không tiết lộ một lời nào về cuộc nói chuyện với
chúng ta?

- Người bạn gần gũi nhất của Vin-te là nữ tiến sĩ Rai-xa Ni-a-mê-tô-va, nhưng nhà Rai-xa không có điện thoại và cũng không đi làm, vì đang nghỉ ốm, chúng tôi đã hỏi rồi.

===============================================

(1) Hai bài dân ca U-krai-na (ND).

(2) Côn-xtan-ti-nốp nói như vậy vì ngay trong cặp của ông còn một bức điện bằng chữ số chưa đọc được.
Nội dung bức điện - về sau mới giải mã được – như sau:

“Bạn thân mến! Cám ơn vì tin của bạn cực kỳ hay. Chúng tôi không chỉ đệ trình lên lãnh đạo của chúng tôi,
mà cả lên Chính phủ chúng tôi. Chúng tôi muốn biết, hành động ngoại giao nào sẽ có thể ngăn chặn được Mát-xcơ-va giúp đỡ quân sự cho Na-gô-ni-a, nếu ở nước này xảy ra biến động. Đáng lo, là bạn và những người quen của bạn đã bắt đầu bị theo dõi, chúng tôi nghĩ rằng đó là hậu quả của sự mệt mỏi. Xin khuyên bạn đi nghỉ vài ngày ra biển. Trong lần liên lạc sau hãy gửi cho chúng tôi những phân tích của bạn… Chúng tôi vẫn đang nghĩ tới vấn đề bạn nêu về chiến dịch nghi binh. Có nên thực hiện chậm hơn đề nghị của bạn? Hay bạn cương quyết đòi tung ra trò chơi này để bịt đầu mối ngay? Chuyển lời chào từ người bạn P. của bạn. Xin báo là một phần tiền thưởng đã được P. gộp vào cổ phần các hãng “Iu-nai-tít Frút” và “Tơ-rết Co-pô-rây-sần” G. và L. của bạn (chú thích của tác giả).

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #47 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 07:27:51 pm »

Phần 20

TÌM KIẾM – III

…Nét chữ Côn-xtan-ti-nốp mạnh mẽ và rất hoạt. Nhưng trong thời gian gần đây, ông không thích viết, mà đánh máy ngay trên cái máy chữ cỡ nhỏ, vì chữ đánh máy khác hẳn chữ viết. Hon nữa, khi Côn-xtan-ti-nốp chuẩn bị đưa in bản luận án của mình (đề tài có tính chất công khai – “Những thủ đoạn chính trị của nước Đức Hít-le trước cuộc nổi loạn của Phran-cô”), ông thật sự ngạc nhiên thấy những trang đánh máy hoàn toàn có vẻ khác với những trang sắp chữ ở nhà in, y như thể chúng có hai nội dung khác nhau vậy! Khi ấy, ông chợt nghĩ ra rằng chuẩn mức để đo trách nhiệm của ý nghĩ con người phụ thuộc rất lớn vào việc nó sẽ được in trên giấy nào, với kiểu chữ nào. Ở đó, hình thức cũng đã là một phần biểu đạt nội dung, không thể khác.

…Côn-xtan-ti-nốp yêu cầu người thư ký đừng cho liên lạc điện thoại tới ông và cũng đừng cho ai vào phòng, chỉ trừ có việc khẩn cấp của Pa-nốp ở ban giải mã, hay của Tơ-ru-khin (đang tìm kiếm Vin-te), cũng như nếu có điện khẩn mới đến của Xla-vin (ngày hôm qua, kết quả khai triển chưa được mấy, Xla-vin báo là đang bắt tay vào xác minh giả thuyết về “Dô-tốp”, đồng thời yêu cầu gửi tài liệu về Glép, càng nhanh càng tốt). Quen biết Xla-vin đã mười năm, Côn-xtan-ti-nốp hiểu là không phải bỗng nhiên mà Xla-vin thúc giục. Ở địa vị anh, Côn-xtan-ti-nốp cũng sẽ phải hành động như thế: Người làm chứng duy nhất đã bị Glép thủ tiêu, và bây giờ không còn ai có thể nhận dạng được tên gián điệp CIA ở Mát-xcơ-va nữa, do đó phải dùng đến một đòn cốt tử, buộc chính Glép phải nói ra tên phản bội đó. Côn-xtan-ti-nốp biết được ý kiến mới ló ra này của Xla-vin sau khi Xla-vin vớ được câu nói của Pôn Đích về vụ “ma-phi-a Hồng Kông” và Glép cố tìm cách lấy câu này đi bằng hàng chục câu đánh trống lảng khác, với một vẻ sôi nổi thiếu tự nhiên.

Côn-xtan-ti-nốp làm việc đến khuya, ông đặc biệt xem kỹ năm cặp tài liệu có những đoạn cắt ở báo ra, được chuẩn bị ở các ban, trong những ngày gần đây.

- Tình huống hiện ra trước ông, đại thể như sau:

“Ở phi trường Hồng Kông, ngày 12 tháng Chạp 1966, quan chức sở thuế quan Ben-sơ đòi kiểm tra hành lý của ông Lưu làm việc ở nhà băng “Lâm-li-mi-tít”, và của cô Các-men Phéc-nan-đét, đi chuyến máy bay từ Xan Phran-xi-xcô tới. Đi cùng ông Lưu và cô Phéc-nan-đét, có phó chủ nhiệm phân xã USIA (1) ở Hồng Kông là Đ.G.Glép. Ông Glép đề nghị viên chức thuế quan Ben-sơ huỷ bỏ lệnh khám, vì như ông ta nói, “ông Lưu là người bạn chung thuỷ của ông ta, người mà ở Mỹ người ta tin tưởng vô hạn”, còn cô Phéc-nan-đét thì lại là “nhân viên Hội đồng tư vấn của hãng kim hoàn Mỹ “Cúc và các con”. Ben-sơ trả lời, đại ý là ông ta không hề đặt vấn đề nghi ngờ gì lòng tin của ông Glép vào ông Lưu và cô Phéc-nan-đét, nhưng không thể cho rút lệnh kiểm soát kia được, vì điều đó đặt ông vào một tình trạng khó xử với cấp dưới.

Tiếp đó, Ben-sơ được Glép mời vào phòng công vụ, tại đó, ông phó Chủ nhiệm phân xã thông tấn Mỹ tự giới thiệu với viên chức sở thuế rằng hắn là nhân viên CIA. Tuy nhiên, ngày hôm sau Ben-sơ từ chối không chịu lặp lại lời khẳng định đó, lại còn thề là đã không nói, mặc dù trong lúc xảy ra vụ tai tiếng, ông ta đã phun ra điều đó và phóng viên tờ báo “Thời sự” là Đô-nan Ghi đã ghi âm lại được. Chính dựa trên cuốn băng ghi âm này, anh ta đã đăng lên báo tài liệu giật gân của mình.

Vậy là dù bị phản kháng, chiếc va-ly vẫn được mở, và ở giữa lần đáy thứ hai, người ta đã khám phá ra một khối lượng hê-rô-in (bạch phiến) được đánh giá vào khoảng ba triệu đô-la , một vụ buôn lậu lớn chưa từng thấy hồi đó.

Mười phút sau khi khám xét ở phi trường, trạng sư của ông Lưu là ông Đỗ Tử Lý mới tới, và tuyên bố là chiếc va-ly mà cơ quan thuế quan đã mở không phải là của ông Lưu. Lúc đó, một trong ba thư ký của ông Lưu, ông Như Nghĩa, hai mươi bảy tuổi đã thừa nhận chiếc va-ly đó là của mình. Ông không cho biết thêm chi tiết nào nữa, và lập tức bị bắt ngay.

Khi nhà chức trách giải ông Như Nghĩa, tay bị còng tới chiếc xe của cảnh sát, phóng viên báo “Thời sự” Đô-nan Ghi đã nghe thấy viên thư ký thứ hai của ông Lưu nói với người bị bắt: “Ngày mai ông sẽ được thả, sau khi nộp tiền bảo đảm, nhưng ông nhớ hãy giữ thái độ sao cho đúng yêu cầu”. Thế nhưng trên đường giải về, chiếc xe cảnh sát đột nhiên bị một luồng đạn quét ngang, và ông Như Nghĩa đã chết trước khi đưa tới bệnh viện của trại giam.

Sau khi đăng bài báo ở tờ “Thời sự” và in lại ở tờ “Tạp chí phương Đông”, phóng viên Đô-nan Ghi đã bị buộc tội là xuyên tạc và vu khống, vì theo tuyên bố chính thức của viên lãnh sự Mỹ, ông Glép lúc đó đang có mặt tại phòng triển lãm đồ gốm I-rắc, ông Ben-sơ cũng từ chối không chịu khẳng định việc ông Glép có mặt tại sân bay trong lúc xảy ra vụ tai tiếng.

Ông Đô-nan Ghi bèn chuyển cho toà án cuộn băng ghi âm, mà theo kết luận của các chuyên viên giám định, thì rõ ràng có nghe thấy giọng nói của ông Glép trong đó. Thêm vào đó, Đô-nan Ghi còn xuất trình trườc toà ba tấm ảnh phụ nữ mà In-te-pôn (2) đang truy nã vì tội có liên quan đến việc “kinh doanh ma tuý”. Một trong ba tấm ảnh đó giống cô Các-men Phéc-nan-đét như đúc, và theo tư liệu đã ghi nhận được của “In-te-pôn” thì cô ta có nhiều tên: Ma-ri-a, Rô-xi-ta, Các-men.

Sau đó, ông Glép biến khỏi Hồng Kông, không đến Toà sơ thẩm với tư cách bên nguyên, và cả cô
Phéc-nan-đét cũng biến mất.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #48 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 07:28:58 pm »

Đô-nan Ghi thì bị triệu hồi khỏi Hồng Kông và được phái sang Thái Lan. Tại đó, anh ta bị một bọn khủng bố tấn công bất ngờ. Anh phải nằm viện bảy tháng, và khi trở về Niu Yoóc thì tờ báo từ chối không muốn anh ta tiếp tục cộng tác nữa. Đô-nan Ghi bèn kết luận rằng chính CIA đã dàn cảnh cho mọi hoạt động tấn công anh ta. Toà án đã không chịu thụ lý vụ kiện của Ghi, vì anh ta không thể có tài liệu gì chứng thực cho lời buộc tội của mình. Đô-nan Ghi bèn tuyên bố là anh sẽ bỏ hết tiền riêng vào cuộc điều tra do anh đích thân thực hiện và sẽ thu thập cho đủ những chứng cớ cần thiết.

Vụ “Đô-nan Ghi” được nhắc đến lần cuối cùng vào tháng Giêng năm 1970. Còn từ 1976, có thấy xuất hiện lại tên Đô-nan Ghi trên tờ báo cực hữu “Xtar” (Ngôi Sao) dưới các bài vở tin tức truyền về từ Na-gô-ni-a”.

“Điện gửi Trung tâm.

Xin cám ơn các thông tin về Glép, Phéc-nan-đét và Đô-nan Ghi. Có thể cho Đmi-tơ-ri Xtê-pa-nốp, nhà văn kiêm nhà báo Xô-viết ở đây, được biết về các tài liệu này không? Vì đồng chí ấy đã nghiên cứu về Hồng Kông, về ma tuý, những người của CIA và của Mao có dính dáng đến chuyện này.

Xla-vin”

*

* *

- Tôi nghĩ, đồng chí phải cấp tốc bay đi Na-gô-ni-a một đôi ngày, không cần lâu lắm. – Phê-đô-rốp nói, sau khi nghe báo cáo của Côn-xtan-ti-nốp vào lúc sáng sớm – Tuy nhiên, tôi thay đổi chút ít nhiệm vụ chuyến đi: Thứ nhất, đích thân nghiên cứu kỹ lưỡng khả năng những bệ phóng đạn đạo đã được sửa chữa đến đâu, những bệ phóng do khối NATO đã lắp đặt ở đó, từ thời thực dân, và sau đã bị phá huỷ. Thứ hai, đồng chí hãy nói chuyện với Xtê-pa-nốp và mời đồng chí ấy giúp cho công việc của chúng ta, vì cần phải hiểu Glép tận gốc kể cả “cái nút Hồng Kông”.

*

* *

Côn-xtan-ti-nốp bay đi Na-gô-ni-a bằng chuyến bay đêm: ông tới đó vào lúc sáng sớm, gặp gỡ Xtê-pa-nốp vào buổi trưa trước chuyến đi đến các công trình cũ của NATO, nơi trước kia đã đặt các tên lửa có vũ khí hạt nhân hướng về phía Liên Xô. Vé khứ hồi, định đăng ký vào chuyến bay chín giờ tối.

…Côn-xtan-ti-nốp trình bày cho Xtê-pa-nốp cốt lõi vấn đề một cách vắn tắt và kết thúc như sau:

- Tóm lại: Glép! Lưu! Nút Hồng Kông! Ma tuý! CIA! Tình báo Trung Quốc! Đồng chí có thể giúp gì chúng tôi trong việc tìm hiểu các vấn đề đó không?

- Lưu hẳn là người của tình báo Bắc Kinh ở Hồng Kông?

- Có lẽ thế.

- Đấy chưa phải câu trả lời, thưa đồng chí Côn-xtan-tin I-va-nô-vích! Hoặc là khẳng định, hoặc là phủ định
kia.

- Nhưng chúng tôi còn chưa biết! Nên tôi mới bay đến đây tìm đồng chí đấy, đồng chí Xtê-pa-nốp ạ! Còn bây giờ chúng tôi chú ý đến Glép hơn cả.

- Ở đây, ở Na-gô-ni-a hắn nguy hiểm đến mức độ nào đối với lợi ích của nước ta?

- Mức độ đáng kể! Có thể nói hắn là một mắt xích trong chuỗi xích nối CIA với tên gián điệp của chúng ở
Mát-xcơ-va.

- Gián điệp ở Mát-xcơ-va! Người Nga?

- Chúng tôi chưa biết. Ít ra là hiện giờ chưa biết.

- Đề tài phản bội hấp dẫn tôi đấy – Xtê-pa-nốp nói – Nhưng thế nghĩa là thế nào nhỉ, theo đồng chí?

- Cũng là một hiện tượng dị biệt thôi – Côn-xtan-ti-nốp trả lời tự tin. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng sự phản bội nói chung là một phạm trù bệnh lý, chứ không nằm trong thuộc tính một người bình thường.

- Đồng chí không đơn giản hoá sự giải thích đấy chứ?

- Ngược lại. Tôi còn làm phức tạp thêm, Đmi-tơ-ri Iu-rê-vích ạ! Nhưng tôi bày tỏ quan điểm riêng của mình, cần gì phải dựa theo những quan điểm khác phải không? Vậy là đồng chí đồng ý giúp chúng tôi chứ?

- Không có vấn đề gì khó, đồng chí Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ! Có điều tôi không thạo chụp ảnh bằng những máy ảnh bí mật và không biết bò trên mái nhà – Xtê-pa-nốp mỉm cười.

- Đồng chí quan niệm về công tác phản gián tài tử thật! – Côn-xtan-ti-nốp cũng mỉm cười – An ninh quốc
gia là công việc dính dáng đến những vấn đề Nhà nước, và công cụ chính phải là cái đầu suy nghĩ, chứ đâu phải những năng khiếu nhào lộn, làm xiếc…

- Vậy tôi có thể giúp vào việc gì, và giúp cách nào?

- Đồng chí Đmi-tơ-ri Iu-rê-vích ạ, công việc có thể cũng có mạo hiểm đấy. Còn chúng tôi xin cứ đối xử với đồng chí theo cách của người nhà. Sách báo và phim quay được của đồng chí cần cho đất nước đấy. Và đồng chí hãy cẩn thận hơn chút nhé! Vấn đề là ở chỗ, ở Na-gô-ni-a này có một nhà báo Mỹ tên là Đô-nan Ghi đang làm việc…

===================================

(1) USIA (United States Information Agency): Hãng thông tấn Hoa Kỳ (ND).

(2) In-te-pôn (Interppol) viết tắt từ chữ International Criminal Commission Police: Uỷ ban cảnh sát hình sự quốc tế, có trụ sở ở Pa-ri, nhằm phối hợp mọi hoạt động các nước thành viên, để cùng truy lùng tội phạm (ND).

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #49 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 07:31:06 pm »

Phần 21

NHỊP ĐỘ

“Bạn thân mến, chúng tôi sung sướng chuyển đến bạn lời chào của P. kiều diễm. Theo đề nghị của P. chúng tôi xin thông báo là công việc của bạn tiến triển rất tốt, và những cổ phần mà cô ấy kiếm được từ tiền thưởng của bạn đã được bỏ vào một công việc đáng tin cậy, có thể trông đợi 12 đến 13 phần trăm lãi cho mỗi khoản vốn. Xin báo là tiền thưởng của bạn gồm 32.772 đô-la 12 xu. Tuy nhiên, do bạn đã yêu cầu gửi thuốc men, những đồ vàng bạc, nên chúng tôi đã chi đi 641 đô-la 3 xu, do vậy, số tiền còn lại là 32.131 đô-la 09 xu. Theo đánh giá của người chỉ huy chúng tôi, bạn sẽ đóng góp một phần lớn lao vào sự nghiệp giải phóng Na-gô-ni-a khỏi chế độ cộng sản. Yêu cầu bạn tiếp tục thông tin thường xuyên. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chúng tôi quan tâm hơn hết là: Ở Mát-xcơ-va có biết gì về sự giúp đỡ của chúng ta cho các nhóm đối lập chánh phủ và nếu biết thì cụ thể biết những gì? Sẽ có sự mở rộng viện trợ cho chế độ Gri-xô không? Chúng tôi rất quý các tin báo kịp thời của bạn về thời gian và nơi xuất phát các đoàn tàu thuỷ. Nay mai, chúng tôi sẽ gửi cho bạn những hướng dẫn mới và tất cả những gì lần trước bạn yêu cầu. Chúng tôi rất vui mừng vì mọi lo ngại của bạn giờ đã có thể loại bỏ. Sắp tới có lẽ chúng tôi đề nghị tạm nghỉ liên lạc bằng vô tuyến một thời gian để bảo mật, và sẽ thảo luận những hình thức làm việc mới cho giai đoạn tiếp. Xin chân thành chúc mừng bạn. Các bạn L và G của bạn”.

*

* *

“Gửi Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ. Tối mật. Bộ phận vạch kế hoạch chiến lược.

Chiến dịch “Ngọn đuốc” đã bước vào giai đoạn cuối. Mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Cần liên lạc với lầu Năm góc về vấn đề cung cấp máy bay lên thẳng cho Ô-ga-nô vào thời gian gần nhất.

Các giai đoạn của kế hoạch:

Vào ngày N. (thứ bảy hoặc chủ nhật, rất…

thiếu trang 179,180,181,182

- Họ có đánh điện cho Dô-tốp không?

- Theo chỗ tôi biết thì không.

- Sao vậy?

- Trên thực tế, hai người đã ly dị rồi, họ sống mỗi người một nơi.

- Chị ta ốm khi nào?

- Ông già láng giềng của Đu-bốp kể là chị ấy bị quỵ từ buổi chiều. Đu-bốp xoa mù-tạt cho chị ấy, cho xông
bằng mù-tạt, vỗ vỗ chân cho ra mồ hôi, anh ta lóng nga lóng ngóng, ông già nói thế, nhưng đã làm đủ mọi cách. Sáng ra anh ấy gọi xe cấp cứu, nhưng đã muộn.

- Tôi chẳng hiểu gì cả - Côn-xtan-ti-nốp nhắc lại - Chẳng thể hiểu cái quái gì cả!

Và ông gọi điện cho ban giải mã.

Pa-nốp báo cáo là đã ba ngày trở lại đây - tức là sau cái chết của Vin-te, không thấy có các bức điện vô
tuyến đánh từ trung tâm tình báo CIA nữa.

- Vậy là chính chị ta đã thu những bức điện kia? – Côn-xtan-ti-nốp đăm chiêu hỏi, mắt nhìn sang Prô-xcu-rin.

- Chẳng thế, còn ai vào đây nữa!

- Ôi chao – Côn-xtan-ti-nốp lắc đầu, lấy điếu xì-gà ra, từ từ bóc lớp giấy bóng kính – Cho mọi người tập hợp, ta sẽ bàn bạc tình hình.

*

* *

Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, vào hồi 7h15, như trước kia, trung tâm tình báo ở A-ten của CIA đã đánh cho tên gián điệp ở Mát-xcơ-va bức điện ngắn (1).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM