Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:46:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhà Tây Sơn  (Đọc 47383 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:06:06 pm »

Nguồn: http://vnthuquan.net/

LỜI ÐẦU SÁCH

... Kỷ niệm lần thứ 200 chiến thắng Ngọc Hồi Ðống Ða lịch sử, dân tộc ta nhớ lại chiến công oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn với Quang Trung bách chiến bách thắng, quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi, giữ vững độc lập và thống nhất Tổ quốc vừa được lập lại với sự nổi dậy bão táp của phong trào Tây Sơn. Kỷ niệm lần thứ 200 chiến thắng Ngọc Hồi Ðống Ða, không chỉ ôn lại cuộc tiến công thần tốc và chiến tích bình Thanh, mà còn làm sống dậy hùng khí Tây Sơn gắn liền với tên tuổi các lãnh tụ kiệt xuất Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và tên tuổi các tướng lĩnh anh hùng đã xây dựng phong trào từ trứng nước, cũng như các tướng lĩnh quy tụ với phong trào sau khi nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.

Trên tinh thần đó, tác phẩm Nhà Tây Sơn của nhà văn lão thành Quách Tấn và con trai là anh Quách Giao do Sở VHTT Bình Ðịnh xuất bản ra mắt bản đọc trong dịp này góp phần kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi Ðống Ða lịch sử. Tác phẩm này là kết quả của một tâm huyết lớn khao khát thể hiện lại sự thật lịch sử trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của tác giả: Những gì tôi được nghe, được thấy, được biết trong đời mà còn nhớ lại trong tuổi già, nếu không viết ra cho quê hương, con cháu, e rằng sẽ vĩnh viễn mang theo xuống ba tấc đất. Với nguyện vọng và niềm ưu tư đó, trong những năm cuối đời, tuy hay đau yếu, bị mất một mắt và mắt còn lại rất mờ, nhà văn lão thành Quách Tấn đã trên 80 tuổi vẫn làm việc mê say và nghiêm túc với sự giúp đỡ đắc lực của con trai để thực hiện tác phẩm Nhà Tây Sơn và tự mình mò mẫm viết nhiều tác phẩm giàu tính tư liệu khác về quê hương Bình Ðịnh.

Lịch sử nhà Tây Sơn là vấn đề lớn được giới nghiên cứu sử học và toàn thể nhân dân ta quan tâm tìm hiểu. Nhiều tác phẩm đã viết về thời đại Tây Sơn, viết về những anh hùng dân tộc thời Tây Sơn, tuy chưa thật đầy đủ, nhưng những gì đã được công bố và tổng kết trong các bộ sách là rất công phu và chính xác. Nhưng khi đọc Nhà Tây Sơn, bên cạnh những chi tiết mới và tỉ mỉ chỉ có ở tác phẩm này, còn có những chi tiết khác hẳn so với các tài liệu và sách báo đã có, về tên cha mẹ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, hay việc xác định quê quán của đô đốc Trần Quang Diệu, mối liên quan giữa các tướng lĩnh Tây Sơn như Bùi Thị Xuân và Ngô Văn Sở, đô đốc Ðặng Văn Long và đô đốc Ðặng Tiến Ðông...

Chúng tôi đã trực tiếp làm việc và trao đổi với tác giả trước khi in Nhà Tây Sơn. Nhà văn Quách Tấn cho biết rằng tác phẩm này đã được viết với phương châm ghi chép lại các sự kiện lịch sử chính xác theo sự phản ánh của nhân dân địa phương, cụ thể là theo lời truyền của các bậc trưởng thượng từng sống thời Tây Sơn ở đất Tây Sơn, và chính xác theo các tư liệu lịch sử đáng tin cậy gồm 12 bộ sử ký về Tây Sơn được nhân dân bảo tồn qua sự trả thù ghê gớm của triều đình nhà Nguyễn. Cùng với các tài liệu lịch sử trong và ngoài nước có liên quan tới phong trào Tây Sơn (xem bảng kê sách tham khảo). Nói như vậy, không có nghĩa Nhà Tây Sơn là một quyển sử ký. Ðây chỉ là, như ý kiến khiêm tốn của tác giả, một tập ghi chép chuyện đã xảy ra trong lịch sử về một thời đại vẻ vang của dân tộc với sự đầy đủ nhất định các chi tiết thật, con người thật cùng những huyền thoại mà ba anh em Tây Sơn dựng nên để thu phục nhân tâm buổi đầu dấy nghĩa. Ở đó, chi tiết thật và chuyện hoang đường không bị nhòa lẫn vào nhau, các sự việc được ngòi bút tác giả đảm bảo ở tính cụ thể và công bằng.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Nhà Tây Sơn với bạn đọc. Nhân đây, chúng tôi xin tỏ lòng chân thành biết ơn đối với tác giả và kính mong bạn đọc gần xa có ý kiến đóng góp về tác phẩm này.

HỒNG NHÂN
Nguyên Giám đốc sở VHTT Nghĩa Bình
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Ba, 2021, 01:13:00 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:08:29 pm »

LỜI NGƯỜI BIÊN SOẠN

Tập Nhà Tây Sơn này, tôi viết theo những tài liệu của cha tôi là Quách Tấn đã sưu tầm, tập hợp và ghi chép lại.

Trước khi viết, trong khi viết và sau khi viết xong, tôi đã được cha tôi hướng dẫn và uốn nắn sửa chữa những chỗ chưa phản ánh đúng, đầy đủ sự việc và tinh thần.Gia tộc tôi sinh cư lâu đời tại xứ Tây Sơn.

Từ nhỏ chúng tôi đã được nghe cha tôi và các thân sĩ kỳ cựu trong vùng trao đổi với nhau những chuyện về Tây Sơn. Và trong gia đình, cha tôi cũng thường kể cho con cháu nghe những chiến công oanh liệt của nhà Tây Sơn, gây lòng tự hào, kính phục.

Thời trung học, tôi cũng đã học sử Tây Sơn, cũng đã đọc nhiều sách về Tây Sơn. Nhưng tài liệu thì nghèo nàn và sự việc có nhiều điểm không giống những điều tôi đã được nghe truyền. Cha tôi đã nhiều lần giải thích sự sai biệt ấy, cho biết rằng:

A. Do ngòi bút kẻ viết sử thời ấy xuyên tạc, giấu bớt sự thật cho vừa lòng nhà Nguyễn Gia Miêu đang thống trị.

Do các sử gia thời ấy ở xa (miền Bắc nên không sát).

Do sự đàn áp của chính quyền rất khốc liệt, nhân dân địa phương có liên quan trực tiếp với Tây Sơn ngậm miệng không dám nói lại rõ sự thật.

B. Mà sự thật về Tây Sơn từ khi nhen nhóm cuộc đại nghĩa đến lúc bại vong rất phong phú, nhiều gia phả còn ghi, nhiều cháu con các danh tướng, danh thần còn nhớ biết và truyền lại. Các sách ghi chép của các nhà Nho yêu nước sống gần thời ấy về sau có ghi chép lại.

Cha tôi đã có ý muốn viết lại lịch sử Tây Sơn cho đủ hơn, đúng hơn, để lưu lại những điều hay, đẹp, cao cả của ông cha cho con cháu về sau biết mà tự hào, tự cường. Vì vậy, từ năm 1930 đến 1945, suốt 15 năm, cha tôi đã sưu tập, ghi lại, tiếp xúc và đi đến cả một số nơi xảy ra các sự kiện lịch sử ấy để quan sát để thông cảm với cổ nhân.

Số tài liệu khá phong phú. Nhưng đến năm 1945, gia đình về Bình Ðịnh, tài sản sách vở để lại nhà ở Nha Trang, bị giặc Pháp chiếm. Mãi đến năm 1954, hòa bình lập lại, trở về Nha Trang thì chỉ còn một cái nhà trống trơn, tài sản, sách vở, tài liệu đều mất cả!

Từ năm 1955 đến nay, cha tôi làm lại cuộc sưu tập, tiếp xúc, ghi chép... nhưng một số tài liệu chính thức nay không tìm lại được, nhiều người hiểu rõ sự việc (truyền lại trong gia đình) đã chết hoặc đi biệt tích...
Tuy nhiên số tài liệu mới thu thập trong thời gian này cũng khá phong phú. Lại một lần nữa bị mất mát trong cuộc tháo chạy tháng tư năm 1975. Tài liệu gom góp, sách vở ghi chép trong 20 năm trường, mười phần không còn được một.

Cha tôi nay đã già yếu - 76 tuổi rồi - tự thấy khó mà sưu tập được nữa, và sợ cũng không đủ sức ngồi viết lại những điều đã tìm, đã nghe, đã ghi chép suốt 50 năm nay, nên bảo tôi nghiên cứu các tài liệu còn sót lại theo sự bổ sung, hướng dẫn, giải thích của cha tôi, cố gắng viết kỹ lại cho con cháu biết được rõ hơn về nhà Tây Sơn.

Tôi ra công viết từ đầu 1983 và viết xong vào cuối xuân 1984.

Theo ý kiến của cha tôi, tập này không thể gọi là một cuốn lịch sử, vì tài liệu, một số chưa được phối kiểm chặt chẽ.

Ðây chỉ là một số tư liệu được chọn lọc, sắp xếp có hệ thống, những điều mà chúng tôi thấy nên chép, đáng chép. Nghe sao chép vậy, có nhiều sự việc chính xác, cũng có sự việc chỉ cắm một hoa tiêu để làm dấu cho những người sau tiếp tục khai tầm. Lại có cả những chuyện hoang đường theo kiểu Hán Cao Tổ chém rắn, kiểu sâu đục lá cây thành Lê Lợi vi vương Nguyễn Trãi vi thần trong sử sách cổ. Cha tôi bảo cần ghi lại, vì đó chỉ là những biện pháp tuyên truyền cổ động ngày xưa dựa vào thần quyền, dị đoan, và sự thực là nó cũng có ít nhiều tác dụng.

Các bộ sử trước viết về Tây Sơn thường chỉ chú trọng đến Vua Quang Trung. Ðúng. Vì chính Vua Quang Trung mới thật là người có công với dân tộc. Nhưng xét kỹ nếu không có Vua Thái Ðức đổ nền đắp móng, thì chắc gì một mình Vua Quang Trung đã có thể hoàn thành ngôi nhà Tây Sơn? Các sách cũng ít nói đến các tướng võ các quan văn đã giúp nhà Tây Sơn xây dựng sự nghiệp. Trong tập tư liệu này, chúng tôi mong lấp được phần nào những chỗ khuyết ấy.

Chúng tôi lại đưa ra một đôi chi tiết làm sáng tỏ nghĩa chữ Trung mà phần đông người Bình Ðịnh đã theo từ xưa đến nay: không phải trung với Vua, mà trung với Tổ Quốc, với Dân tộc, không phải trung với một người hay một nhà, mà trung với nghĩa vụ tận ngã nghĩa vụ, tức là TẬN KỶ theo Ðạo đức cổ truyền. Và thái độ không tranh quyền vị của các quan văn võ thời Thái Ðức, Quang Trung, thái độ không noi gương phần đông di thần của Vua Chiêu Thống khi nhà Lê mất, của các danh tướng danh thần của Tây Sơn còn sống sót sau khi Vua Cảnh Thịnh bị Gia Long giết, chứng tỏ rằng phần đông người Bình Ðịnh không bị cái học Trung Quân của Hán Nho nhồi sọ.

Ðó là mục đích viết tập Nhà Tây Sơn này.

Viết xong, vâng lời cha tôi, tôi trình lên cho hai bác là bác Lộc Ðình, bác Giản Chi, cùng hai chú là chú Nguyễn Ðồng, chú Quách Tạo nhã chính. Hai bác đã chỉ cho những chỗ sai lầm, hai chú đã thêm cho những điều thiếu sót, và ban cho những lời khuyến lệ. Tôi hết sức vui mừng. Ðể cho Nhà Tây Sơn được hoàn hảo, cúi mong thêm sự chỉ giáo của các bậc cao minh.

QUÁCH GIAO
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:24:44 pm gửi bởi TuongLinh » Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:10:28 pm »

ẤP TÂY SƠN

Ấp Tây Sơn là nơi phát tích của Bình Ðịnh tam hùng: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Ấp gồm phần đất An Khê và phần đất Bình Khê, tỉnh Bình Ðịnh.

Và chia làm ba phần: Tây Sơn thượng là vùng An Khê.

Tây Sơn Trung, từ chân đèo An Khê đến Hữu Giang, Tả Giang.

Tây Sơn Hạ, từ Trinh Tường, Phú Lạc đến Thọ Lộc, Lai Nghi, Thú Thiện, An Chánh, Văn Tường, Kỳ Sơn, Thuận Truyền, Thuận Hạnh...

Cụm tháp Bình Nghi (Phú Thiện) ở phía nam sông Côn và cụm tháp Dương Long ở phía bắc sông Côn là hai
trụ ranh giới phía đông của ấp.
Phía đông là đồng bằng phì nhiêu.

Phía tây và phía nam, núi non hiểm trở, điệp điệp trùng trùng.

Phía bắc, nửa trên là núi dính liền với dãy núi phía tây, nửa dưới là đồng bằng dính liền với đồng bằng phía
đông.

Dòng sông Côn phát nguyên trên dãy Trường sơn chạy xuống biển Thị Nại, chia ấp Tây Sơn ra làm hai, nửa phía nam nửa phía bắc, chạy dọc theo dòng sông, tứ mùa lúa dâu bắp đỗ thay nhau làm tăng vẻ giàu sang cho núi non hùng hiểm.

Núi có nhiều ngọn cao lớn, trông đồ sộ hiên ngang; được nhiều người chú ý là những ngọn có di tích lịch sử, như:

Ở vùng An Khê có núi Hiển Hách, tục gọi là Hảnh Hót, sử chép là Hinh Hốt. Ðó là một danh sơn có nhiều cây quý và chung quanh có nhiều ngọn núi quy triều. Núi vùng An Khê liên tiếp với vùng cao nguyên ở phía Tây, và phía đông đèo An Khê nối liền Tây Sơn Thượng với Tây Sơn Trung.

Ðèo An Khê, xưa gọi là đèo Vĩnh Viễn, cao 740 thước và dài trên 10 cây số, chạy từ Tây xuống Ðông đường đi rất hiểm trở. Trước kia, lúc Quốc lộ 19 chưa mở, hành khách qua lại phải chịu nhiều gay go. Dọc đèo có nhiều nơi dốc ngược, đá mọc lởm chởm, có khúc phải dãng hai chân mà leo mới khỏi té. Nơi này tục gọi là dốc Chàng Hảng. Dưới dốc Chàng Hảng về phía đông có một cái nghẹo, nơi nghẹo có một cây khế rất sai quả. Khách qua đèo thường dừng chân nơi gốc khế để nghỉ ngơi và giải khát. Nghẹo ấy gọi là Nghẹo cây khế. Cách nghẹo cây khế chừng vài trăm bước có hai cây cổ thụ, thân cao tàn cả. Một cây ké, một cây cầy. Ðó cũng là hai trạm nghỉ chân của hành khách.

Dưới chân đèo, thuộc Tây Sơn Trung, núi cũng cao chớm chở như vùng Tây Sơn Thượng. Ngọn núi có danh nhất là hòn Ông Bình. Núi tuy không cao lắm chỉ có 793 thước, song trông rất kỳ vĩ và có vẻ bí hiểm. Cây cối sầm uất, ngó mịt mờ thăm thẳm như không có đường lưu thông. Nhưng kỳ thật thì có nhiều nẻo vào ra, thông thương với các ngọn núi chung quanh cùng các con đường hẻo lánh trong vùng.

Ðối trĩ [1] cùng hòn Ông Bình, có hòn Ông Nhạc, khí thế cũng rất hùng hiểm.

Từ hòn Ông Nhạc núi chạy từng lớp, từng lớp, lớp chạy thẳng vào Nam, lớp chạy xiên xiên xuống hướng Ðông - Nam. Danh sơn đều nằm trong dãy Ðông Nam. Trước hết là hòn Tâm Phúc hình như chiếc nón lá, nhiều cổ thụ và heo rừng.

Ðồn rằng núi rất linh thiêng vì bà Thiên-Y-A-Na thường tới lui hào quang sáng chói. Trong núi, hễ lúc mặt trời gần lặn, người ta thường nghe tiếng ụt heo inh ỏi. Người địa phương bảo đó là tiếng của bộ hạ của bà Thiên-Y. Núi Tâm Phúc có tên nữa là núi Bà Phù.

Ðối trĩ cùng núi Bà Phù có núi Màn Lăng. Thầy địa lý gọi Màn Lăng là hòn Nhật, hòn Bà Phù là hòn Nguyệt.
Giữa Màn Lăng và Bà Phù có một thung lũng bằng phẳng và kín đáo, tục gọi là Hóc Yến.

Qua khỏi Hóc Yến đền núi Ðồng Phong tục gọi là hòn Lãnh Lương.

Ði xuống nữa, đến địa đầu Tây Sơn Hạ, thôn Trinh Tường, đến dãy Hoành Sơn tục gọi là núi Ngang.

Những ngọn núi từ hòn ông Nhạc chạy xuống đều chạy theo hàng dọc. Hòn Hoành Sơn lại chạy ngang.

Hoành Sơn chỉ cao 364 thước, nhưng dài và rộng. Phía tây và phía nam, dòng suối Ðộng Tre và chí lưu ôm sát bên chân. Sông Côn chạy dài ở phía bắc. Trước mặt đồng Trinh Tường tiếp đồng Phú Phong, mênh mông bát ngát.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #3 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:11:13 pm »

Hoành Sơn là đại địa, vì có nào bút, nào nghiên, nào ấn, nào kiếm, nào chung, nào cổ, ở bên tả bên hữu. Và trước mặt, trên ba nổng gò đất, đá mọc giăng hàng giống như những toán lính đứng hầu, xa xa có long bàn hổ phục.

Bút là hòn Trưng Sơn ở thôn Phú Lạc bên kia sông Côn, xa trông như ngòi bút chép mây.

Nghiên là hòn núi Hợi Sơn tục gọi Hòn Dũng, trong địa phận Trinh Tường về phía Nam, đứng đối trĩ cùng hòn Trưng Sơn ở phía bắc. Trên đầu núi có một vũng nước vừa rộng vừa sâu, quanh năm không bao giờ cạn. Dân hàn mặc [2] coi vũng nước là nghiên mực của trời nên gọi hòn Dũng là Nghiên Sơn tức hòn Nghiên.

Hòn Nghiêng và hòn Bút nằm bên tả bên hữu hòn núi ngang, trông rất cân đối. Ðứng xa mà ngắm thì hòn
núi Ngang là bức bình phong còn hòn Nghiên hòn Bút là hai trụ ba biểu [3].

- Sát bên chân và trước mặt núi Ngang, có hai hòn núi nhỏ là hòn Một và hòn Giải. Hòn Một giống hình cái chuông, nên cổ nhân gọi là Chung Sơn. Hòn Giải giống như cái trống chầu nên có tên gọi là Cổ Sơn. Nhìn chung, thật giống chuông và mõ đặt trước án thờ.

- Hòn Giải, đứng phía bắc trông vào thì giống cái trống. Nhưng đứng phía đông mà nhìn lại phảng phất một quả ấn. Vì vậy hòn Giải còn có tên nữa là Ấn Sơn.

Ðặt cho hòn Giải tên Ấn chẳng phải chỉ vì hình dáng, mà còn vì phía đông cách Hoành Sơn không xa có hòn núi thấp mà dài mệnh danh là Kiếm Sơn tức hòn Kiếm. Ðã có kiếm thì phải có Ấn mới đủ đôi.

- Phía trên hòn Kiếm cũng trong phần đất Trinh Tường có hòn ông Ðốc, hình thù giống như một con hổ phục, đầu ngó lên Hoành Sơn. Ðó là Hổ cứ như trên đã nói.

- Còn dòng sông Côn đến cuối Trinh Tường, đầu Phú Phong thì nhận nước con sông Ðá Hàng, một chi lưu từ Ðồng Le ở phía nam chảy ra. Hai ngả sông này tạo thế long bàn ôm choàng lấy cuộc đất núi Ngang.

Từ núi Ngang (Hoành Sơn) trở vô, càng vô trong, núi càng cao. Nhiều ngọn cao trên dưới nghìn thước, trừ các thợ rừng tuổi tác, người đồng bằng ít ai biết tên. Người ta gọi chung cả dãy là Núi Xanh vì đứng ngoài nhìn vào sắc núi xanh như nhuộm. Từ núi Ngang trở xuống Tây Sơn Hạ, càng xuống, núi càng chạy xiên vào nam, nhượng chỗ cho đồng bằng.

Ðó là núi non nằm phía nam sông Côn.

Phía bắc sông Côn, núi vùng Tây Sơn Trung cũng có nhiều ngọn cao lớn. Như hòn Ngăn, hòn Bong Bóng ở Vĩnh Thạnh, trông có vẻ ngang ngược như muốn ngăn lối chặn đường thiên hạ đi rừng. Bốn mặt lại có suối khe bao bọc. Thế rất hiểm. Phía đông hòn Ngăn, cách một dòng suối, có hai ngọn nút cao ngất, đứng song song như hai răng nanh. Ðó là hòn Vỏ Cá và hòn Da Két.

Núi càng đi xuống đông thì càng thấp dần.

Sau hòn Vỏ Cá, hòn Da Két, còn hòn Bạc Má và hòn Nước Ðỏ. Hai hòn này có thể coi là một, nếu không có đèo Bồ Bồ chạy ở giữa. Ðèo mở đường giao thông cho khách ở phía đông lên phía tây, ở phía tây xuống phía đông. Núi đèo đều có hình thù và sắc thái đặc biệt, không thể tả nổi.

Xuống đến Tây Sơn Hạ thì núi không còn liền dây. Hòn Trưng Sơn ở Phú Lạc là hòn núi cao nhất vùng.
Hòn Trưng chỉ cao 422 thước, nhưng trông rất khôi hùng. Trông gần thì mập mạp hung hăng như con bò đực sung sức lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Nên người địa phương gọi là hòn Sung. Ở xa thì giống như ngọn bút, cùng với hòn Nghiên bên kia sông Côn làm bạn văn chương như trên kia đã nói. Lưng núi thì nổi từng vồng u như bị đánh sưng. Nên nhiều người gọi là hòn Sưng thay Sung. Theo các phụ lão địa phương thì núi có tất cả chín cục u, gọi là Cửu diệu tinh. Hai u lớn nhất, một trông giống răng bò nghé, gọi là Ðốc Xỉ, một giống u bò nghé, gọi là độc nhũ. Trong các sách địa phương chí xưa, nhiều sách lấy tên hai cục này để gọi hòn Trưng Sơn: Ðộc Xỉ Sơn, Ðộc Nhũ Sơn.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #4 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:12:05 pm »

Trưng Sơn là Tổ sơn trong vùng núi ở bắc ngạn sông Côn. Mặt hướng về đông nam và lấy dãy Sơn Triều Sơn ở Cầu Gành thuộc An Nhơn, làm tiền án. Còn sơn mạch thì lại chạy thẳng xuống hướng đông, đến hòn Mạ Thiên Sơn, tục gọi là hòn Mò O

- ở giữa An Nhơn và Phù Cát - thì hồi cố. Phía trước mặt và hai bên tả hữu, gò đống nổi đầy, cuồn cuộn nhấp nhô như sóng biển. Và những ngọn núi ở xung quanh đều xây mặt về triều, cũng như các vị đại thần đứng chầu một đấng anh quân. Còn những gò đống kia là những quân lính dàn hầu.

Từ hòn Trưng Sơn trở xuống là đồng bằng. Nếu không có con sông Côn, thì cánh đồng này liền với cánh đồng phía nam.

Giữa cánh đồng, rải rác nổi lên những hòn núi đất, như hòn Hương Sơn, hòn Trà Sơn, hòn Khánh Long, hòn Chà Rang. Hòn Hương Sơn giống như con chó nằm ngủ. Hòn Trà Sơn và hòn Khánh Long thì giống như hai con cừu.

Ba hòn núi này là ba hòn núi trọc. Hòn Chà Rang không có hình dáng đặc biệt như ba hòn núi kia, nhưng có nhiều cây chà là, đến mùa trái chín thì người ta rủ nhau lên hái rất đông đảo, cho nên có tiếng.

Núi non vùng đất Tây Sơn đại khái là thế.

Nói tóm lại về hình thế và vùng đất Tây Sơn như sau:

Tây Sơn Thượng gồm trọn vùng An Khê, núi non trùng điệp, đất bằng ít. Tây Sơn Trung gồm phần đất từ chân đèo An Khê chạy xuống đến cuối Bình Giang. Hòn Núi Ngang làm mốc ranh giới cho hai vùng Trung, Hạ. Vùng Trung cũng như vùng Thượng, núi nhiều hơn đồng.

Tây Sơn Hạ bắt đầu từ Trinh Tường trở vô, Phú Lạc trở ra, và chạy xuống đến Thú Thiện. Thọ Lộc trở vô, An Chánh, Vân Tường trở ra. Ðồng bằng chiếm gần trọn vùng.

Dòng sông Côn làm sợi tim đèn cho hai vùng Trung Hạ.

Núi non thì hùng hiểm. Ðồng ruộng thì phì nhiêu. Rõ có thế dụng binh. Cho nên cuộc khởi nghĩa của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, trước kia và cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng thời Pháp sang Việt nam, đều phát xuất tại vùng Tây Sơn [4].

-----------------------------------------

Chú thích:
 
[1] Trĩ: có nghĩa là núi. Ðối trĩ: chỉ hai ngọn núi đối nhau.

[2] Hàn mặc: văn chương. 2 Trụ ba biểu: trụ vôi, có hình hoa sen trên đầu.

[3] Trong Nước non Bình Ðịnh đã nói kỹ càng về núi sông vùng Tây Sơn. Ở đây chỉ rút những nét đại cương
và chỉ đề cập đến những ngọn núi có để dấu hoặc nhiều hoặc ít của cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:25:33 pm gửi bởi TuongLinh » Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #5 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:14:46 pm »

NHÀ TÂY SƠN

Ấp Tây Sơn là nơi phát tích của ba anh em nhà anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, cho nên sử gọi ba anh em là Nhà Tây Sơn.

Tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ, ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tổ quán ở dưới chân hòn Thái Sơn, một hòn núi nhỏ đứng bên cạnh hòn Ðại Hải, một danh sơn tỉnh Nghệ.

Họ Hồ vào lập nghiệp ở Quy Nhơn [5], tức Bình Ðịnh thời Thịnh Ðức nhà Lê (1653-1657), ứng với đời Lê Thần Tông (1649-1662) ở Ðường Ngoài, đời Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ở Ðường Trong. Bắt đầu từ đời ông cố, đến Nguyễn Huệ là đời thứ bốn.

Ông cố tên là Hồ Phi Long, vào ở giúp việc nông trang cho nhà họ Ðinh thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn (tức An Nhơn). Thấy họ Hồ là người trung hậu cần mẫn, họ Ðinh cưới vợ cho (có thuyết bảo là gả con gái) và nuôi cả vợ chồng, coi như người thân quyến.

Họ Hồ sinh được một trai, đặt tên là Hồ Phi Tiễn. Lớn lên Hồ Phi Tiễn tỏ ra khôn ngoan lanh lợi, song sức yếu không thể làm nông. Họ Ðinh bèn giúp vốn để đi buôn.

Thời bấy giờ trầu nguồn rất có giá, song người đồng ruộng ít người chịu khó vượt suối đèo để đi kiếm lợi. Hồ lang bèn mang tiền lên ấp Tây Sơn buôn trầu. Ði buôn gặp người vừa ý mới kết nghĩa vợ chồng, và để tiện việc làm ăn Hồ lang cất nhà nơi quê vợ.

Bà vợ tên là Nguyễn Thị Ðồng ở thôn Phú Lạc thuộc Tây Sơn Hạ. Bà Ðồng là con duy nhất của một phú thương (buôn trầu) đất Phú Lạc. Ðể con mình hưởng trọn gia tài và đời đời giữ hương hỏa bên ngoại, bà Ðồng thương lượng cùng chồng cho con mang họ Nguyễn. Việc đổi họ đối với ông Hồ Phi Tiễn không có gì trở ngại vì chẳng những hợp tình mà cũng hợp lý do việc tiền nhân là Hồ Quý Ly đã từng mang họ Lê là họ của cha nuôi từ nhỏ cho đến khi lênngôi thay nhà Trần trị thiên hạ. Vì vậy con ông Hồ Phi Tiễn mang họ Nguyễn từ lúc sơ sanh: Nguyễn Phi Phúc.

Lớn lên ông Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và lập trường buôn trầu tại chợ Kiên Mỹ gần sông Côn [6]. Trầu trên nguồn chở xuống người ở miền dưới lên mua trầu đều đi đường thủy, theo dòng sông Côn. Chợ Kiên Mỹ mỗi tháng có sáu phiên, phiên nào cũng đông người mua bán. Ðến khi trường trầu của ông Phúc mở, chợ càng ngày càng thịnh vượng thêm. Trên bộ thì người chen chúc nhau, dưới sông thì thuyền lớp đậu lớp xuống lên chật cả bến. Kiên Mỹ trở thành một thị trấn và ông Phúc trở thành một phú thương có uy tín nhất trong vùng. Ông kết duyên cùng bà Mai Thị Hạnh [7]. Bà hạnh là cao cao tổ cô của anh hùng Mai Xuân Thưởng. Vì vậy nên trong bản án của Mai anh hùng do triều đình Huế buộc tội có câu: Dương vị Hàm Nghi khởi nghĩa, âm vị ngụy Nhạc phục thù.

Ông Phúc sanh ba người con trai:

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ tức Nguyễn Bình, Nguyễn Lữ.

Ngoài đời cũng như trong sách sử không nói rõ ba ông sinh năm nào.

Chỉ nghe các cụ phụ lão truyền rằng ông Nhạc lớn hơn ông Huệ đến 10 tuổi, và ông Huệ hơn ông Lữ 1 tuổi.

Nếu dựa năm băng hà của Vua Quang Trung mà tính thì chúng ta cũng có thể đoán được năm sinh của ba ông.

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, theo các sử Việt, băng năm Nhâm Tý (1792) hưởng dương 40 tuổi. Như vậy ông Huệ sanh năm Quý Dậu (1753) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14. Ông Nhạc lớn hơn 10 tuổi thì sanh năm 1743, tức năm Quý Hợi. Ông Lữ thua ông Huệ 1 tuổi, tức sanh năm Giáp Tuất (1754).

Ba anh em lớn lên đều thọ giáo ông Trương Văn Hiến tục gọi là Giáo Hiến ở An Thái (An Nhơn).

Trương Văn Hiến, người Hoan châu (Hà Tĩnh) anh em thúc bá cùng Trương Văn Hạnh.

Trương Văn Hạnh là một đại thần đời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, Vũ Vương mất năm Ất Dậu (1765), thế
tử cũng đã mất từ lâu, con thế tử còn nhỏ, nên tờ di chiếu để lại lập con thứ nhì của Vũ Vương, tức Nguyễn Phúc Luân (cha Nguyễn Phúc Ánh) lên nối ngôi, Quốc phó Trương Phúc Loan muốn chuyên quyền, thông đồng với tên hoạn quan Chừ Ðức và chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống mạo tờ di chiếu giả, lập người con thứ 16 của Vũ Vương là Nguyễn Phúc Thuần, lúc ấy mới 12 tuổi, lên làm Chúa. Trương Văn Hạnh phản đối, bị Trương Phúc Loan giết chết. Trương Văn Hiến sợ vạ lây bèn trốn vào An Thái mở trường dạy học.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #6 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:16:00 pm »

Ông Trương Văn Hiến dạy cả văn lẫn võ. Người đến xin học văn thì bắt buộc phải học thêm võ. Những người đến xin học võ thì bắt buộc phải học thêm văn. Bởi có văn không võ thì thường nhu nhược. Có võ không văn thì thường hay cường bạo. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững.

Cũng như mọi người, ba anh em họ Nguyễn Tây Sơn đều học cả văn lẫn võ, nhưng nặng bên võ hơn bên văn. Ông Nhạc chuyên học kiếm, ông Huệ chuyên học đao, ông Lữ chỉ học quyền, và vì sức yếu nên được truyền môn Miên quyền (quyền mềm dẻo như bông, đối lập với Ngạnh quyền là quyền cứng mạnh), là môn sở trường của Trương Công.

Ông Phúc qua đời, ông Nhạc nối nghiệp nhà. Ông Lữ xuất gia theo Minh giáo tục gọi là Ðạo Ma Ní, dùng phù phép để chữa bệnh, trừ tà như đạo phù thủy. Ðạo này thịnh hành ở Tây Sơn Thượng và các miền cao nguyên Trung phần. Chỉ có ông Huệ tiếp tục theo học thầy giáo Hiến.

Ðể tiện việc buôn bán, ông Nhạc dời nhà xuống Kiên Mỹ cạnh trường trầu. Nhà rộng để chứa bạn hàng.
Trước nhà lại mở sân rộng để luyện võ nghệ.

Nhà giàu, võ giỏi, ông Nhạc lại nổi tiếng phong nhã hào hoa nên những tay anh chị, những kẻ khá giả ở các vùng lân cận đều rất thích giao du. Uy thế của ông Nhạc ở địa phương còn hơn ông Phúc gấp bội. Ðể tỏ lòng kính mến, người đương thời gọi ông Nhạc là ông Hai Trầu. Ông Huệ là chú Ba Bình hay Ba Thơm. Ông
Lữ là thầy Tư Lữ.

Vì ông Nhạc kết duyên với bà Trần Thị Huệ nên để tránh trùng tên với chị dâu, gia đình mới gọi ông Huệ là Bình. Do đó người địa phương mới gọi thân mật là chú Ba Bình. Tên Bình là tên gọi ông Huệ lúc còn nhỏ. Còn tên Thơm là do nhân hoa huệ có hương thơm nên gọi thay cho tên kiêng cữ.

Nhà ông Nhạc từ khi dời xuống Kiên Mỹ, khách khứa mỗi ngày mỗi đông. Chẳng những khách người Việt mà cả khách người Hoa.

Có một người Hoa tới ở nhà ông Nhạc hàng tháng và ngày ngày cứ đi thơ thẩn nơi các vùng núi đồi Tây Sơn Hạ. Thường được người Hoa đó lui tới nhất là hòn núi Thơm ở Kiên Thạnh và dãy núi Ngang ở Trinh Tường. Ông Nhạc đoán biết là thầy địa đi tìm huyệt mả, mới cho người tâm phúc theo rình. Một hôm thầy địa đến núi Ngang, lấy hai cây trúc để nguyên cành lá đem cắm nơi triền phía đông, một cây bên nam một cây bên bắc cách nhau chừng vài chục thước, rồi bỏ đi thẳng. Ông Nhạc ngày ngày đến xem chừng. Mấy hôm sau, cây trúc phía bắc rụng hết lá và khô dần. Còn cây phía Nam, đến ba tháng rồi mà vẫn tươi xanh như lúc mới trồng. Biết đó là ứng chứng cho biết rằng long mạch nằm nơi cây trúc phía nam, ông Nhạc mừng lắm, bèn nhổ cây sống trồng vào ngay chỗ cây chết, và cây chết trồng vào chỗ cây sống. Sau ba tháng mười ngày kể từ ngày trồng hai cây trúc, thầy địa Tàu trở lại. Thấy hai cây trúc đều khô héo hết, thầy địa cho là giả cuộc, bỏ đi không thèm trở lại nữa. Ông Nhạc bèn bốc mộ ông thân đem táng nơi chân trúc phía nam.

Lại có thuyết: Ði lang thang trên vùng núi đồi Tây Sơn hạ ít lâu, thầy địa Tàu bỏ đi mất. Một năm sau mới trở lại. Lần này thầy mang một chiếc địa bàn và một chiếc tráp nhỏ. Ông Nhạc đoán biết rằng thầy Tàu đã tìm được huyệt mả đại phát ở vùng Tây Sơn, và chiếc tráp kia đựng hài cốt tiền nhân của thầy địa, bèn tìm cách đánh đổi. Ông đóng một chiếc tráp in hệt chiếc tráp của thầy địa và hốt cốt ông thân sinh đựng vào, rồi đợi... Coi được ngày lành, thầy địa mang địa bàn và tráp đi đến nơi huyệt mả ở núi ngang. Thầy vừa đến chân núi thì một con cọp to lớn ở trong bụi gầm một tiếng, nhảy ra vồ. Thầy địa hết hồn, quăng tráp và địa bàn mà chạy. Hồi lâu thấy cọp không đuổi theo liền quay lại chỗ cũ. Thấy chiếc tráp và địa bàn còn nằm lăn lóc đó, thầy mừng như chết đi sống lại, vội đi thẳng đến nơi long huyệt mà chỉ một mình thầy biết. Chôn cất xong, thầy hớn hở quay về Trung Hoa, tuyệt nhiên không ngờ rằng chiếc tráp thầy chôn đựng di cốt ông Nguyễn Phi Phúc chớ không phải di cốt của tổ tiên thầy và con cọp kia là con cọp giả do ông Nhạc đẻ ra.

Từ ngày ông Nhạc được huyệt mả, thì gia đình thường gặp nhiều việc may.

Một hôm ông Nhạc mua được một thanh cổ kiếm dài và rất bén. Nhớ ơn thầy cũ, bèn xuống An Thái dâng cho Trương công.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:17:15 pm »

Trông thấy Nhạc, Trương công giật mình. Vì trước kia, phong cách và tài năng của Nhạc đã làm cho Công thầm khen là người có thể làm được việc lớn. Lúc này thần thái lại tươi sáng hơn xưa thập phần. Nâng niu xem xét thanh kiếm, Công nói:

- Ðây là một thanh bảo kiếm, có đại phước mới vào tay. Tôi giữ hộ cho anh, ngày sau sẽ giao lại. Ðoạn bảo Nhạc:

- Lúc này là lúc kẻ anh hùng có thể dựng nên nghiệp cả. Anh không nên để lỡ thời cơ. Ý quật cường vốn đã nhen nhúm trong người, nhưng Nhạc từ tốn thưa:

- Con tự xét không đủ tài sức.

Công ôn tồn nói:

- Hán Cao Tổ, Lê Thái Tổ đâu có phải từ trên trời sa xuống. Người có chí hễ nắm được thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì đại sự thành công không mấy khó khăn. Hiện giờ Trương Phúc Loan chuyên quyền làm những việc gian ác, triều đình đảo điên, nhân tâm ly tán. Nếu có người phất cờ khởi nghĩa thì bốn phương thiên hạ đều hưởng ứng ngay. Ðất Tây Sơn núi non hiểm trở có cái thế bách nh
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:18:54 pm »

Nguyên để thu thuế vùng Tây Sơn, viên tuần phủ Quy Nhơn cho lập một đồn chính ở Trinh Tường và một đồn phó ở Hữu Giang, do một biện lại và một phó biện lại chỉ huy. Từ ngày Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa (1765), Trương Phúc Loan lộng hành, trong nước giặc cướp nổi dậy khắp nơi, người ấp Tây Sơn không chịu nạp thuế. Biện lại, phó biện lại luôn luôn bị cách chức vì bất lực. Không còn ai dám nhận chức biện lại. Ông Nhạc tình nguyện đảm đương. Ðồng bào trong vùng đã sẵn lòng mến mộ ông Nhạc, nên chỉ những người nghèo khổ không đủ khả năng mới trốn thuế. Những phần thuế bị thiếu, ông Nhạc xuất tiền nhà bù vào. Quan trên thấy ông Nhạc đắc lực bèn đem lòng tín nhiệm. Nhân dân thấy ông Nhạc biết thương kẻ nghèo, đã phục càng thêm phục. Trên được quan tin dưới được dân mến ông Nhạc được ung dung lo việc của mình, không còn sợ ai dòm ngó.

Tài chánh mỗi ngày mỗi thêm dồi dào, những tay văn hay, võ giỏi mỗi ngày tụ hội mỗi thêm đông, những tráng niên, thanh niên có gan có sức, đến với các tráng sĩ để học võ và khai khẩn đất hoang, mỗi ngày mỗi thêm tấp nập. Nguyễn Nhạc bèn xuống An Thái trình bày mọi việc cho thầy rõ. Trương công rất mừng, lấy
thanh kiếm cổ đem giao lại cho ông Nhạc:

- Ðã đến lúc dùng đến rồi. Cần phải lo củng cố nhân tâm và biểu dương thanh thế.

Nguyễn Nhạc lĩnh ý ra về.

Một hôm, người thôn Phú Lạc nghe trên hòn Trưng Sơn có tiếng chiêng trống và thấp thoáng có ánh lửa lập lòe. Ai nấy đều thất kinh! Hòn Trưng Sơn tuy ở gần thôn xóm, nhưng không mấy ai dám vào, vì trên hòn có mả mẹ chàng Lía rất linh thiêng và có nhiều cọp. Nghe tiếng chiêng tiếng trống và thấy ánh lửa, người thì bảo rằng hồn chàng Lía về thăm mẹ, người thì cho là quỷ thần mở hội vui. Kẻ bàn người tán, không mấy chốc đồn vang khắp vùng, khắp huyện, rồi khắp cả hai huyện ngoài. Một đồn mười, mười đồn trăm. Các thầy tướng số bảo rằng đó là tú khí của non sông xuất hiện, là điềm cho biết trước rằng trong vùng sẽ có chân chúa ra cứu đời.

Tin đồn khắp nơi. Nhân dân chịu đã không nổi ách chuyên chế của Vua chúa nhà Nguyễn, ai nấy đều hy vọng sớm có cuộc đổi thay và mọi người đều hướng tâm về nẻo Trưng Sơn.

Cách đó không lâu nhà Nguyễn Nhạc có kỵ. Khách khứa đông đúc. Cỗ bàn ăn xong thì trời đã khuya. Người ở gần thì lục tục ra về, khách ở xa đều phải nghỉ lại. Bỗng cảnh tượng hôm trước tái hiện nơi Trưng Sơn. Lần này tiếng chiêng tiếng trống lại rền trời, và ánh lửa lại sáng ngời cả núi. Tuy đã trông thấy cảnh tượng đó lần thứ hai, người trong vùng vẫn kinh sợ, và các tay võ sĩ tuy xem thường gươm giáo, nhưng lắm người cảm thấy ớn lạnh châu thân.

Nguyễn Nhạc rủ mọi người lên xem quỷ thần làm trò gì. Phần đông đều e ngại. Chỉ có chừng mười người xin theo.

Nai nịt gọn gàng, chân vũ hài, tay trường kiếm, trường côn, đoàn người mạnh dạn lên núi. Tiếng trống chiêng dứt, ánh lửa tắt dần. Khi lên gần tới đỉnh, thì trong ánh sáng chập chờn, thấy hiện ra một lão trượng mặc triều phục, râu tóc bạc phơ. Lão trượng phất tay áo, ra dấu bảo đoàn người dừng lại. Ai nấy đều ớn lạnh, đứng lại như cái máy. Lão trượng cất tiếng lanh lảnh hỏi:

- Trong anh em có ai là Nguyễn Nhạc chăng. Nếu có thì hãy đến gần đây nghe lệnh. Còn các người khác thì đứng yên.

Nguyễn Nhạc run sợ bước đến quỳ trước mặt lão trượng. Lão trượng lấy trong tay áo rộng một tờ chiếu rồi đọc lớn:

- Ngọc Hoàng sắc mạng Nguyễn Nhạc vi Quốc Vương .

Ðoạn trao tờ chiếu cho Nguyễn Nhạc rồi quay bước vào trong bóng tối.

Từ ấy muôn người như một, trừ cụ giáo Hiến và những người tâm huyết trong tổ chức, ai cũng tin rằng trời
đã cho Nguyễn Nhạc làm vua. Lòng mê tín không cho phép được nghi ngờ.

Ðã có chiếu Trời rồi, còn phải có ấn kiếm nữa mới lên ngôi được.

Một hôm Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ ở An Khê về, đến Hoành Sơn thì ngựa Nguyễn Nhạc lồng lên, rồi thẳng cổ chạy nước đại. Nhưng không chạy tẽ ra hướng bắc để về Kiên Mỹ, lại chạy về hướng đông nam. Ðến chân núi phía trong Gò Sặt, cương ngựa bị đứt. Nguyễn Nhạc té nhào xuống ngựa, trặc chân không đứng dậy được. Ðám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới bớt. Khi đứng dậy để ngựa trở về thì Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi. Sai người lên xem thì là một thanh kiếm xưa lưỡi sáng như nước. Ai nấy đều mừng là của Trời ban[10].

Về nhà Nguyễn Nhạc nói cùng hai em và các đồng chí:

- Ngọc Hoàng đã sắc phong ta làm Quốc Vương, lẽ tất nhiên là phải ban ấn kiếm. Nay kiếm đã có rồi, ta phải đi tìm ấn.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:19:43 pm »

Ðoạn tổ chức lễ cầu đảo tại chân núi Hoành Sơn.

Cầu đảo ba ngày đêm. Ðêm làm lễ, ngày cho người đi tìm khắp vùng trên núi và dưới núi. Ðã hai ngày đêm rồi mà không thấy chi cả. Ðêm thứ ba, lúc nửa đêm, chiêng trống hành lễ vừa dứt, thì một vòi lửa như một làn pháo thăng thiên, bay từ hòn Một xẹt đến hòn Giải thì rơi xuống. Tiếp đó một tiếng nổ nhỏ như tiếng pháo tre, rồi một tiếng nổ lớn có phần dữ dội như tiếng sét làm chấn động cả vùng. Ai nấy đều thất kinh. Sáng hôm sau, Nguyễn Nhạc dẫn người đến hòn Giải xem, thì thấy sườn núi phía nam có một vùng lở và nám đen như bị sét đánh. Trèo lên xem thì thấy một quả ấn vàng nằm trong kẻ đá nơi bị lở. Quả ấn vuông vức, mỗi cạnh dài độ ba lóng tay, nơi mặt khắc bốn chữ triện Sơn hà Xã tắc[11].

Ai nấy tin rằng Nguyễn Nhạc quả có chơn mạng.

Nguyễn Nhạc được các người cùng hợp tác và các nhân sĩ đồng bào địa phương tôn làm Tây Sơn Vương.

Ðó là vào năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32, Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần thứ 6, tức năm 1771.
Nguyễn Nhạc tổ chức lại cơ sở:

- Quân sự giao cho Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Ðình Tú.

- Kinh tế tài chánh giao cho Nguyễn Thung, Bùi Thị Xuân và Nguyễn Lữ.

- Dân sự (hành chánh, ngoại giao, tuyên truyền...) giao cho Võ Xuân Hoài và Trương Mỹ Ngọc.


Ðất Tây Sơn trở thành một nước nhỏ.

Mọi tổ chức được thực hiện trong im lặng.

Lòng dân địa phương lại hướng hoàn toàn về Nguyễn Nhạc. Viên tri huyện Tuy Viễn không hay biết chi cả. Nhưng vì biện lại đồn Tây Sơn (có tên là Vân Ðồn) không chịu nạp thuế trong hai năm liền, viên tri huyện sai Ðốc Trung Ðằng đem quân lên vấn tội. Quân của Ðằng bị quân Tây Sơn đánh bại [12].

Nhưng Nguyễn Nhạc và bộ tham mưu nhận thấy địa thế Tây Sơn Hạ không được an toàn, bèn dời tổng hành dinh và các cơ quan trọng yếu lên Tây Sơn Trung. Lấy dãy núi ở dưới đèo An Khê làm mật khu. Nguyễn Nhạc cùng bộ tham mưu đóng ở hòn núi cao nhất nằm phía nam chân đèo, Nguyễn Huệ cùng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đóng tại hòn núi phía bắc. Do đó mà hai ngọn núi này mang tên là núi Ông Bình và núi Ông Nhạc.

Khu kinh tế tài chính vẫn đóng ở Tây Sơn Hạ. Và những nơi đã được khai khẩn tiếp tục tăng gia sản xuất. Trường trầu vẫn phát triển đều đặn. Các phú gia ở khắp Tuy Viễn nhiệt liệt ủng hộ. Kho lẫm được canh coi
chu đáo. Tiền, lúa nhiều nhưng không hề bị thâm lạm.

Thanh thế của Tây Sơn Vương mỗi ngày mỗi thêm vững vàng vang dội. Kẻ sĩ gần xa được mời tham gia liền hưởng ứng. Bên văn có Triệu Ðình Tiệp người An Nhơn. Cao Tắc Tựu người Phù Mỹ, La Xuân Kiều người Phù Cát... bên võ thì có Nguyễn Văn Tuyết, người An Nhơn,

Nguyễn Văn Lộc người làng Kỳ Sơn (Tuy Phước), Lý Văn Bưu người Phù Cát, Lê Văn Hưng người Tuy Viễn... đều là những người có tài có chí.

Quân lính mộ thêm nhiều. Những người trước kia lo việc sản xuất, nếu tình nguyện, đều được đưa sang làm lính. Và tất cả quân sĩ, cứ sáu tháng ở trong quân đội, sáu tháng về các nông trại để vừa nghỉ ngơi vừa cày cuốc. Trong đám quân sĩ có một người, khi tập đã làm cho cấp chỉ huy thán phục là Lê Văn Hưng ở Kiên Dõng (Bình Khê). Ông này côn quyền đã tinh luyện, sức mạnh có thể nâng đá nhẹ nhàng như xách gàu nước, bưng nồi cơm. Nhập ngũ không bao lâu được làm đội trưởng.

Nghe tin Nguyễn Nhạc bị truy nã gắt gao vì thâm lạm công quỹ, chạy vào núi chiêu tập bọn vong mạng định làm giặc, viên tuần phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên cho quân lính đi lùng bắt. Nhưng nhiều lần quan quân đến Tây Sơn Hạ thấy nhân dân làm ăn yên ổn, không thấy dấu vết của giặc đâu cả, Tuyên cho là tin đồn nhảm, nên thôi đem quân càn quét vùng Tây Sơn.

Ðỡ tốn công đối phó với kẻ thù, Tây Sơn Vương lo phát triển lực lượng.

Nhận thấy người Thượng bắn ná giỏi, lại có sức mạnh và có đức tính chịu đựng bền bỉ, Nguyễn Nhạc quyết định dùng chính sách Thượng vận để lôi kéo các sắc tộc Xà Ðàng (Sédang), Rađê (Rhade), Giarai (Djarais) về với mình.

Vương đã được người miền núi biết đến qua chuyện được kiếm thần.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM