Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:25:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kế hoạch Anpha  (Đọc 77045 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #40 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2008, 04:48:03 pm »

Phần thứ hai


I



  Mấy ngày nay dư luận cả thành phố xôn xao về tin thương phế binh định làm loạn. Những chuyện có thật và không có thật đều được phóng to, tô vẽ thêm rồi lan rộng rất nhanh ra khắp các phố phường nội ngoại thành. Đâu đâu cũng thấy bàn tán chuyện về ba phế binh bị một thiếu tá biệt động quân say rượu bắn chết ngay trước cổng chợ Bến Thành, chuyện một thương binh tự thiêu ở ngã tư đường Gia Long, chuyện người ở phường X... trộn DDT vào cơm cho vợ và sáu đứa con cùng ăn để chết cho thoát cảnh đói khổ tủi nhục, chuyện thương phế binh có súng máy và lựu đạn đi cướp kho quân tiếp vụ, v.v.

  Những bài báo sặc mùi đe dọa đăng trên báo Công Luận, Chính Nghĩa... càng làm cho dân chúng vừa công phẫn, vừa lo sợ. Rồi những vụ đấu súng, đấu dao giữa thương phế binh với cảnh sát, quân cảnh... đã thật sự xảy ra ở một số nơi công cộng. Rồi những hoạt động đấu tranh đòi quyền lợi chính trị xã hội của sinh viên học sinh, của giới Phật tử, càng làm cho không khí căng thẳng thêm. Nhiều người lo xa đã tính chuyện tích trữ gạo, nước để phòng chuyện loạn lạc xảy ra ngay trong thành phố này.

  Chính phủ quốc gia liền đổi giọng. Báo chí và đài phát thanh lại tuôn ra những bài của ông này, ông nọ lên tiếng ca ngợi công đức của thương phế binh đối với sự nghiệp chống cộng, chê trách việc làm thất nhân tâm của người này người kia, ở nơi này nơi kia, rồi khẩn thiết kiến nghị chính phủ có phương sách giải quyết đời sống và công ăn việc làm cho thương phế binh... Cuối cùng là Phủ Tổng thống thông báo cho dân chúng được biết, một số quà tặng thương phế binh của chính phủ quốc gia và cơ quan viện trợ Mỹ USAID đã được đưa tới mười sáu điểm trong thành phố để trao cho thương phế binh trong một ngày tới...

  ... Tư Bình đang đứng làm việc trước quầy hàng thì thấy tiếng xe máy phành phạch kèm theo tiếng la ó chí chóe ở trước cửa tiệm. Anh ngửng đầu lên. Chiếc xe máy chạy trên hè phố, từ từ lượn qua những đám thúng mẹt của các hàng bán rong rồi tiến sát tới quầy hàng của anh. Một gã thành niên, áo ca rô, quần sọc bó sát đùi và mông, con dao găm lủng lẳng trên chiếc dây lưng to bản, ngồi trên xe, huơ huơ cái phong bì trước mặt anh:

  - Trời ơi! Trong giấy nói ông Tư Bình chủ tiệm An Lợi, cứ ngỡ là cửa cao nhà rộng ghê gớm lắm, ai dè nhỏ xíu như cái lỗ mũi! Làm cho người ta tìm nhọc thấy mồ! Nhận giấy đi, cha nội!

  Tư Bình tập tễnh bước ra. Anh đã nhận ra đó là thằng Liếng, thư ký hội đồng phường này nên làm bộ ân cần:

  - Mời cậu vô nhà xơi nước. Giấy tờ chi vậy cậu?

  Thằng Liếng lại huơ huơ cái phong bì làm như người rao bán thuốc cao đơn hoàn tán:

  - A! Chánh phủ quốc gia luôn nhớ công ơn các thương phế binh nên đưa giấy mời các cha nội tới lãnh quà đó! Quà của chánh phủ quốc gia nè, quà của chánh phủ Mỹ nè, quà các thương gia hảo tâm nè! Phen này phải đưa xe  lam đi nhận mới hết, ta! Các cha chớ bầy trò biểu tình đứng, biểu tình ngồi làm chi cho nhọc xác. Nghe nói còn có tiệc rượu nữa đó. Riêng cái phường nho nhỏ này mà cũng có tới hơn ba chục cha được giấy mời. Chỉ khổ thằng Liếng này chạy giấy nhọc thấy mồ! Nhớ đó! Đúng bảy giờ sáng mai, 26 tháng tám tới số nhà 125 đường Võ Tánh!

  Nó lẳng cái phong bì lên mặt quầy hàng rồi lại lượn vòng cho xe nhảy phịch từ trên hè xuống đường mặc cho những người bán hàng rong la thét chửi rủa.

  Tư Bình mở phong bì rút ra một tờ giấy đánh máy, chăm chú đọc. Nhìn thấy bác Tư đứng trước cửa tiệm hủ tiếu, anh nói to với mấy bà đứng quanh:

  - Vinh dự quá! Quốc gia gửi giấy mời tận nhà! ông Trần Bình tức Tư Bình, chủ tiệm An Lợi, phường Nguyễn Cảnh Chân. Bảy giờ sáng mai 26 tháng tám tới số nhà 125 đường Võ Tánh lãnh quà của chánh phủ. Khi đi mang theo tất cả các giấy tờ chứng chỉ thương phế binh và các chứng chỉ hành nghề khác, nếu có. Không thấy ghi có tiệc tùng chi hết. Tổ cha thằng Liếng nói láo!

  Tên thượng sĩ cảnh sát thấy nhiều người tụm lại trước nhà Tư Bình thì cũng lững thững bước tới. Anh lại đưa tờ giấy khoe với nó:

  - Giấy mời đi lãnh quà đó! Mấy năm nay mới lại được chánh phủ nhớ tới. Dẫu sao cũng là chuyện vinh dự, tôi què chân cũng cố cà nhắc tới đường Võ Tánh.

  - Cha Bảy Phùng ở đầu phố đằng kia cũng được giấy mời. Nhất định phải đi chớ, đi lãnh quà kia mà? Anh em cũng có phần chớ, bác Tư Bình?

  - Khỏi phải nói. Có khi các ổng lại xếp cho một chân nho nhỏ trong một công sở nào đó thì thiệt may. Cứ làm mãi nghề này cực sao mà cực!

  - Chẳng ăn nhằm chi đâu, chớ vội mừng. Không có đô la đút lót thì chẳng chui lọt nơi nào hết!

  Tên cảnh sát lại lững thững bước đi, tay ve vẩy cái dùi cui. Tư Bình cũng trở vào nhà...
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #41 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2008, 07:27:01 pm »

  Sáng hôm sau, anh dậy sớm nấu cơm ăn xong, mặc bộ quần áo mới nhất vào, ngồi ung dung uống nước hút thuốc. Chờ khi các hàng rong đã tới bày thúng bán mẹt kín cả vỉa hè, anh khóa cửa lại, lấy phấn viết lên cánh cửa hai chữ "đi vắng".

  - Cha! Bữa nay Tư Bình đi đâu sớm vậy?

  Anh vờ giật mình quay lại nhìn bác Tư rồi giơ cái giấy mời lên:

  - Bác Tư à! Tôi đi lãnh quà đây. Đi sớm một chút kẻo tới trễ các ổng phải chờ.

  - Ừ, đi sớm thì được lãnh sớm khi về khỏi nắng.

  - Nếu các ổng cho dự cơm rượu thì tôi phải ăn nhậu cho đã đời, chiều tối mời bò về cũng được.

  - Nhớ mang phần quà về cho bà con xóm giềng nghe!

  Anh gật đầu tập tễnh bước đi.

  Qua  mấy phố nhỏ ra tới đầu đường Võ Tánh anh đứng lại, đứng dựa lưng vào cây cột điện, duỗi chân ra nghỉ. Anh  đưa mắt tìm số nhà của ngôi nhà hai tầng gần nhất rồi nhẩm đếm ngược lên để tìm tới số 125, nhưng anh lại thôi không đếm nữa vì nhớ ra rằng có rất nhiều nhà cùng số chỉ khác có chữ A, B, C... đi theo. Anh cảm thấy tim mình đập mạnh và nhanh hơn. Không phải vì mệt mà vì hồi hộp. Giống như khi chờ lệnh nổ súng trong một trận phục kích cách đây hơn chục năm vậy. Cứ nổ súng là hết hồi hộp! Anh tin như vậy nên vẫn đứng nghỉ thêm một lát nữa.

  Một người đàn ông đứng tuổi mặc bộ quần áo bà ba đen chống gậy bước tới chỗ anh. Anh gật đầu chào và hỏi:

  - Bác cũng tới số nhà 125 đường này để lãnh quà?

  Người ấy gật đầu, móc túi áo lấy ra một cái giấy mời giống như của anh Tư Bình, đọc lại cẩn thận rồi mới nói trống không:

  - Đúng, số nhà 125 đường Võ Tánh. Chẳng biết nó ở phía nào, còn xa không?

  - Gần tới rồi. Ta cùng đi cho vui!

  Người ấy lại gật đầu, im lặng đi cạnh Tư Bình tới số nhà 125. Hai người đứng lại trước cửa, ngỡ ngàng nhìn ngôi nhà hai tầng, người nọ chờ người kia vào trước để mình theo sau. Từ trong nhà, một người chống nạng nhảy lò cò ra mấy bậc thềm, hai cái túi tết bằng dây ni lông đựng đầy những gói, bọc, đeo toòng teng trước ngực. Tư Bình vội chạy tới làm bộ vui mừng, hỏi dồn:

  - Sao? Được lãnh những gì vậy? Có tiền không?

  - Có hết! Nhiều lắm. Cứ trình đủ giấy tờ ra là họ cho phiếu lên phòng ở tầng trên lãnh quà. Lẹ thôi mà!

  Tư Bình lấy hết giấy tờ ra cầm tay rồi bước lên từng bậc thềm. Khi nghiêng người để bước vào cửa, anh liếc mắt nhìn về phía sau. Người đàn ông mặc bà ba đen đang ngửa mặt giơ cái giấy mời lên làm hiệu với một người nào đó ở tầng trên của ngôi nhà này!

  Anh thản nhiên đi tới trước cái bàn đặt ở chân thang gác, cúi đầu chào tên thiếu úy đeo băng tay chữ thập đỏ và đưa  tập giấy chứng chỉ của anh cho hắn. Hắn xem lướt vài cái giấy xong đưa trả lại anh, rồi ấn vào một nút điện trên bàn. Một đứa con gái độ hai bốn, hai lăm tuổi mặc áo lụa dài, tóc để xõa, tay có băng chữ thập đỏ từ trên gác nhún nhảy đi xuống. Tên thiếu úy đưa cho anh một tờ phiếu có ghi sẵn những thứ hàng được lãnh, rồi chỉ vào đứa con gái bảo anh:

  - Đi theo nó tới phòng số 4 lãnh quà!

  Đứa con gái khụy một chân xuống, liếc tình tên thiếu úy rồi vẫy tay ra hiệu cho anh theo nó lên gác. Mắt anh nhìn xuống các bậc thang, chân cố bước nhanh để theo kịp nó nhưng tai anh chăm chú nghe ngóng tiếng động ở phía trước. Lên hết thang gác, nó đưa anh vòng vèo qua ba lần cửa đến phòng thứ tư ở ngay đầu hành lang thì dừng lại, lùi một bước, chìa tay ra hiệu mời anh vào.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #42 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2008, 07:30:40 pm »

  Anh mở cửa thò đầu nhìn vào trong phòng. Một căn phòng rộng sáng sủa có đặt một cái bàn rộng và bốn cái ghế bọc da sang trọng. Một đại tá và một trung tá ngụy, quân phục chỉnh tề đủ cả ngù, dây thao, bội tinh ngồi trên bàn... Trên bàn có mấy đĩa bánh kẹo, hoa quả, vài chai rượu hoặc nước ngọt. ở góc bên phải là cái đi-văng bọc da. Một tấm rèm che kín một phần bức tường bên trái.

  Anh ngơ ngác quay lại nhìn đứa con gái. Nó toét đôi môi dày tô son rất đậm ra cười duyên với anh rồi gật đầu khuyến khích:

  - Cứ vô đi. Vô lãnh quà.

  Anh bước vào, kính cẩn cúi đầu:

  - Kính chào các ngài thượng cấp.

  - Trung sĩ Trần Bình tức Tư Bình phải không?

  - Dạ, thưa phải ạ.

  Tên đại tá vẫy tay ra hiệu cho anh tới gần rồi chỉ vào một cái ghế:

  - Ngồi xuống đây. Chân đau đi xa có nhọc lắm không?

  - Thưa ngài đại tá, không ạ.

  Nó mỉm cười, đẩy đĩa bánh kẹo tới trước mặt anh, rót một cốc nước ngọt pha thêm một chút rượu hồi vào, đưa tận tay anh cùng với bao thuốc Kêmơn(24)đã mở sẵn.

  Tư Bình đứng dậy lễ phép cám ơn rồi ngồi xuống uống nước, hút thuốc, ăn kẹo một cách đặc biệt "lính tráng". Tên trung tá hỏi anh, giọng giễu cợt:

  - Tên thật là Trần Bình à? Còn có tên khác nữa không?

  Anh nuốt xong miếng bánh mới trả lời:

  - Thưa ngài trung tá, tôi chỉ có một tên là Trần Bình thôi ạ. Tôi là thứ tư nên thường gọi là Tư Bình. Tất cả giấy tờ chứng chỉ của tôi có mang theo đầy đủ đây ạ.

  - Đưa coi thử.

  Tên Phong cầm lấy tập giấy tờ mà Tư Bình lễ phép đưa bằng hai tay cho nó, lật xem rất kỹ từng thứ một. Xem xong hắn vứt lên bàn, nhếch mép:

  - Giấy tờ của ông đều là thứ thiệt cả. Phải công nhận rằng các ông làm ăn thận trọng lắm. Nếu chỉ xét giấy tờ thôi thì không bao giờ tìm được dấu vết. Nhưng... nhưng tiếc rằng ông lại không phải Trần Bình, trung sĩ thông tin, trung đoàn 2, sư đoàn 7!

  - Thưa ngài trung tá, tất cả giấy tờ của tôi đều do Phòng nhân sự trung đoàn 2 cấp, có chữ ký của đại úy Hải Kình đó ạ.

  - Tôi đã nói rằng giấy tờ của ông đều là thứ thiệt, chỉ có Trần Bình mới là đồ giả mà thôi!

  Đại tá Vĩnh Hào nhìn Tư Bình, nhếch mép mỉm cười.

-------------------------------------------
24. Camel: Con lạc đà.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #43 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2008, 05:27:29 pm »

  Suốt ngày hôm qua, tới mười hai giờ khuya, bộ ba Xti-ven-xơn - Vĩnh Hào - Phong đã họp bàn tất cả mọi chi tiết của cuộc chạm trán hôm nay. Khi kết luận, Xti-ven-xơn đã căn dặn cụ thể và nghiêm khắc cho hai tên sĩ quan ngụy: "Trần Bình là một cán bộ tình báo có hạng của Hà Nội. Tôi muốn nói chuyện với nó một cách lịch sự. Tôi cấm các ông không được đụng chạm tới một sợi lông trên người nó. Chỉ được dùng lý lẽ phải trái để thuyết phục nó, nếu không thì "kế hoạch An Pha" sẽ bị vứt vào sọt rác. Các ông muốn cộng tác lâu dài với tôi thì phải bỏ ngay cung cách làm ăn thô bạo thời trung cổ của các ông đi! Tôi sẽ gắn lon trung tá cho Trần Bình nếu nó ưng thuận làm việc cho tôi. Từ cấp trung tá thăng cấp đại tá không khó khăn hơn từ cấp đại tá giáng xuống trung tá hoặc thiếu tá đâu! Điều này các ông hiểu rõ hơn tôi".


  Cho nên mỗi lần Vĩnh Hào muốn chồm lên cắn xé con mồi thì câu nói đầy ý đe dọa và bộ mặt lạnh như tiền của Xti-ven-xơn lại ghìm chặt hắn xuống ghế, làm cho hắn mất hết chủ động, buộc hắn phải cố mỉm cười một cách hết sức vô duyên.

  Tên Phong chăm chú nhìn bộ mặt ngơ ngác của Tư Bình rồi đứng dậy đi tới cạnh anh, ghé sát vào tai anh, hỏi dồn:

  - Ai đã cho ông những thứ giấy này? Tên thật của ông là gì? ông có biết rằng mạo nhận giấy tờ của một quân nhân tử trận để lãnh tiền của quốc gia thì sẽ bị trừng trị thế nào không? ông có muốn ngồi mục xương không?

  - Thưa ngài trung tá, tên thật của tôi là Trần Bình. Giấy tờ này do Phòng nhân sự trung đoàn 2 cấp. Nếu các ngài không tin xin cứ điện hỏi ông đại úy Hải Kình.

  - Đại úy Hải Kình tử trận gần ba năm nay rồi, cùng trong một trận với trung sĩ Trần Bình .

  - Thưa ngài, vậy thì xin các ngài hỏi ngài trung tá Thiết Trụ tham mưu trưởng trung đoàn 2.

  - Trung tá Thiết Trụ bị mất tích trước khi đại úy Hải Kình tử trận. Tóm lại không ai có thể giúp gì cho ông. Tất cả mọi chứng  cớ đều chống lại ông. ông phải nói thiệt: Ai cho ông những giấy này? Tên ông là gì?

  Vĩnh Hào cũng gật gù đế theo:

  - Nếu có vì túng đói quá mà phải làm bậy thì cứ khai cho thiệt, thượng cấp sẽ liệu bề ân giảm cho. Chẳng qua mỗi quý dính tay vài ngàn đồng của chánh phủ. Còn có nhiều thằng ăn lớn gấp trăm ngàn lần, khi đã nhận tội, cũng được tha bổng kia mà. Cứ khai cho thiệt, chớ dối trá thượng cấp.

  Tư Bình cúi đầu ngồi im, thỉnh thoảng lại sợ sệt nhìn trộm tên Phong rồi lại nhìn trộm Vĩnh Hào.

  - Rất có thể ông cũng là thương binh nhưng chưa được cấp giấy hoặc đã đánh mất giấy của mình nên phải liều mạo nhận giấy tờ của người khác để được lãnh mấy đồng lương còm, chứ tôi xem tướng mạo của ông thì chắc ông cũng không phải là con người bất lương đâu. Đúng vậy không?

  - Dạ, thưa các ngài thượng cấp - Tư Bình lập bập nói - Thưa các ngài, tôi trót dại làm liều, xin các ngài xét tình mà tha cho, tôi xin đội ơn các ngài suốt đời.

  - Thế tên ông là gì?

  - Dạ, tên tôi là Tạ Ân Bình. Khi các ông chức việc ở hội đồng phường Nguyễn Cảnh Chân nhận giấy đã trông lầm chữ Trần Bình thành chữ Tạ Ân Bình, nên đã gọi tôi tới và trao cho các giấy tờ này. Tôi cứ nhận liều cho xong việc ạ.

  Cả hai tên sĩ quan ngụy cùng cười ha hả. Tư Bình cũng cười theo một cách ngờ nghệch.

  - Giỏi lắm! ông đóng kịch giỏi lắm ông Tạ Ân Bình ạ! - Vĩnh Hào khoái trí nói lớn - ông nhận mà hóa ra không nhận chi hết. Nhưng dẫu sao sự thật vẫn là sự thật: giấy tờ này không phải của ông, ông không phải là Trần Bình. Bây giờ ông trung tá sẽ đưa ông coi mấy tấm ảnh rất tuyệt nhé. Cứ coi cho kỹ rồi cho biết cảm tưởng nhé!

  Tên Phong lấy trong cặp ra một tập ảnh. Hắn bày các tấm ảnh thành một hàng ngang trước mặt rồi vẫy tay ra hiệu cho Tư Bình tới xem. Hắn cầm cây bút chì, chỉ lần lượt vào từng cái ảnh:

  - Ai đây? Thiếu tá Hoàng, Phòng tình báo chiến lược. Biết không? Ai đây? Thằng Sáu, liên lạc viên, làm nghề đánh giày và bán cà rem cây. Biết không? Ai đây? Cộng nữ tên là Na, liên lạc viên làm nghề bán lông vịt, đồng nát. Biết không? Ai đây? Tư Bình chủ tiệm An Lợi, cán bộ tình báo chiến lược của Việt cộng. Biết không? Ai đây? Cộng nữ tên là Bảng, liên lạc viên, làm nghề bán quà rong. Biết không?

  Trong lúc hắn nói và hỏi liến thoắng thì mặt hắn chăm chú quan sát một nửa mặt phía bên trái của Tư Bình còn tên Vĩnh Hào thì quan sát phía chính diện.

  - Sao? Có biết những người đó không? - Vĩnh Hào hất hàm hỏi anh.

  - Thưa ngài đại tá, tôi chưa được gặp những người này bao giờ.

  - Sao? ông không nhận cả ông nữa ư? Trong đó có cả ảnh của ông kia mà?

  - Dạ có ạ. Tôi muốn nói là tôi chưa được gặp mấy người kia ạ.

  - À, nghĩa là ông nhận rằng ông là Tư Bình, chủ tiệm An Lợi, cán bộ tình báo chiến lược của Việt cộng?

  - Dạ, không phải như vậy ạ.

  - Ồ, "có ạ" rồi lại "không ạ", tôi không sao hiểu nổi nữa. ông cứ nói dứt khoát một tiếng "có" hoặc "không", vậy thôi.

  Tư Bình tỏ vẻ lúng túng rõ rệt, đứng im không trả lời. Tên Phong lại bày một hàng ảnh thứ hai dưới hàng thứ nhất rồi chỉ lần lượt vào từng tấm ảnh:

  - Đây là những bằng chứng không thể chối cãi được về tội hoạt động chống đối quốc gia của ông. ông thấy đó! Chúng tôi đã biết rất tường tận về những hoạt động của ông, về các đồng chí của ông...

  Tư Bình xoay người nhìn ra phía cửa.

  Vĩnh Hào bấm một nút điện giấu ở cạnh bàn. Cửa phòng bật mở rộng ra. Năm tên lực lưỡng mặc thường phục, mang kính mắt, thành một hàng ngang đứng trấn ngay phía ngoài cửa. Vĩnh Hào vẫy tay. Cửa lại nhẹ nhàng đóng lại.

  - Vô ích, ông Tư Bình ạ. Chúng ta là những người đồng nghiệp tuy ở hai phía đối nhau, nhưng vẫn có thể nói chuyện với nhau một cách lịch sự như trong các cuộc hội đàm quốc tế vậy. Chúng ta có thể thỏa thuận với nhau, bắt tay cộng tác với nhau trong một công việc xét thấy có lợi cho cả hai bên. Chúng tôi đã đối xử lịch sự với ông, mong ông hãy tỏ ra biết điều hơn. Nếu những tấm ảnh vừa rồi chưa đủ sức thuyết phục thì xin mời ông coi tiếp những thứ khác. Bao giờ chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ chứng cớ cụ thể rồi mới kết luận, ông Tư Bình ạ.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2008, 05:32:44 pm »

  Vĩnh Hào nhìn tên Phong hất hàm. Tên này thu các tấm ảnh lại. Động tác của hắn hết sức chậm chạp, cố tình làm cho Tư Bình phải nóng ruột chờ đợi. Hắn xếp cẩn thận các tấm ảnh vào một ngăn cặp, rồi bất thình lình vỗ tay hai cái thật mạnh. Tư Bình giật mình quay lại. Từ một cái cửa giấu kín sau tấm rèm ở phía bên phải anh người đàn ông mặc bộ bà ba đen mà Tư Bình đã gặp ở đầu đường Võ Tánh, lặng lẽ bước ra, đặt một gói được ràng buộc kỹ lưỡng lên trên bàn, lễ phép cúi đầu chào. Sau đó lặng lẽ quay trở về phía sau tấm rèm.

  Tên Phong lại hết sức chậm chạp tháo bỏ từng nút dây buộc trên cái gói đó. Vĩnh Hào rót một cốc nước ngọt đẩy về phía Tư Bình:

  - Trong khi chờ đợi, mời ông xơi nước hút thuốc.

  Anh lắc đầu từ chối:

  - Cám ơn ngài đại tá, tôi xin phép ạ.

  Vĩnh Hào nhếch mép cười thích thú:

  - Hồi nãy ông ăn bánh, uống nước, hút thuốc một cách tự nhiên vì lúc đó ông đang đóng vai trung sĩ Tư Bình. Bây giờ ông từ chối cốc nước của tôi vì ông đã xác định rằng chúng tôi là kẻ thù của ông. Chỉ riêng điều sơ hở ấy cũng đủ thành một chứng cớ cho chúng tôi kết luận rằng ông là đồng nghiệp, nhưng ở phía đối lại chúng tôi đó, ông Tư Bình ạ. Xin lỗi, tên thật của ông là gì nhỉ?

  - Thưa ngài đại tá, tên thật của tôi là Tạ Ân Bình tức Tư Bình ạ.

  - Tư Bình, chủ tiệm An Lợi, cán bộ tình báo chiến lược được Hà Nội phái vô đây đã ba năm rồi, có đúng không? - Thấy Tư Bình ngồi im lặng, Vĩnh Hào lại nói tiếp: - ông im lặng tức là ông đã thú nhận. Nào xin mời ông coi kỹ những thứ mà chúng tôi đã thu lượm được.

  Tên Phong lại làm tiếp công việc giới thiệu các vật trưng bày trên bàn:

  - Đây là gói bạc ngót bốn mươi ngàn giấu trong quầy hàng. Đây là những hộp băng từ giấu trong thùng gạo. Đây là hộp "cát-xét" để thu và phát những cuộn băng ấy. Đây là cuốn Thái ất tử vi. ông có nhận rằng những đồ vật này là của ông không?

  Tư Bình ngồi im không trả lời. Vĩnh Hào vừa hút thuốc vừa hỏi thêm:

  - Gói bạc ấy có phải là quỹ hoạt động của ông không? ông vừa nói vì ông túng đói lắm nên phải làm liều, cớ sao lại có món tiền lớn vậy? - Trong những hộp băng từ kia có băng nào còn ghi báo cáo của thiếu tá Hoàng gửi tới ông qua tên Sáu, tên Na không? Cuốn Thái ất tử vi có phải là bảng khóa mật mã của các ông không? ở nhà thiếu tá Hoàng cũng có một cuốn tương tự như vậy. Sáng nay khi ông vừa đi khỏi nhà thì chúng tôi đã mạn phép xét nhà ông. Chúng tôi làm rất kín đáo, cả phố không ai hay biết gì đâu. Nhưng chúng tôi vẫn lập được biên bản đường hoàng, có đại diện của hội đồng phường và đồn cảnh sát cũng ký tên. ông có muốn coi qua biên bản đó không?

  Tư Bình vẫn ngồi im, đầu cúi xuống, hai tay đặt trên đùi.

  - Tất cả những chứng cớ không thể chối cãi nổi ấy đã đủ để cho ông thấy rằng mọi cách dối trá đều vô ích. ông là người hiểu biết rộng lại làm nghề này nhiều năm, chắc ông cũng tin rằng trong thời chiến người ta không đưa ra những chứng cớ như vậy để làm trò vui với nhau. ít nhất năm người mà ông đã được nhìn thấy trong những tấm hình, sẽ bị đưa ra tòa án binh và từ đó đi thẳng tới pháp trường. ông chịu trách nhiệm hoàn toàn về cái chết của những người đó. Đó là điều mà ông cần suy nghĩ nhiều nhất.

  Tư Bình vẫn ngồi im phăng phắc.

  Vĩnh Hào dụi tắt điếu thuốc, đứng dậy. Tên Phong cũng đứng dậy theo.

  - Các ông có thói quen là sau một giờ làm việc căng thẳng lại nghỉ giải lao ít phút có phải không? Phép lịch sự dạy chúng tôi nên chiều theo thói quen của khách. Vậy chúng ta nghỉ một chút nhé. Đây là cửa vào buồng tắm và buồng vệ sinh, xin ông cứ tự nhiên. Còn các cửa khác thì, - Vĩnh Hào nháy mắt một cách đểu cáng. - ông đã biết đó, không nên đụng tới, ông bạn đồng nghiệp ạ!

  Hai thằng xách cặp đi ra để mặc Tư Bình ngồi một mình trong phòng.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #45 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2008, 06:45:18 pm »

II



  ... "Thế là đã xong phần mở đầu. Chúng nó cho rằng ta đã lâm vào thế bị động phải ngồi im, cho nên chúng nó sẽ tiến  công tập trung trực tiếp vào vấn đề "cộng tác" mà thằng Vĩnh Hào đã bóng gió gợi ta vừa rồi. Vì sợ lộ bí mật, hỏng kế hoạch nên chúng nó không muốn kéo dài thời gian. Vì muốn lợi dụng ta lâu dài nên chúng nó không muốn dùng những biện pháp cực đoan thô bạo. Ta cần lợi dụng hai chỗ yếu đó của đối phương để tiến công thật mạnh".

  Tư Bình vừa suy nghĩ vừa bước vào phòng tắm để rửa tay rồi lại ngồi vào chỗ cũ, điềm nhiên lấy thuốc châm hút.

  ... Cửa phòng bật mở, hai tên sĩ quan ngụy lại xách cặp đi vào.

  Vừa ngồi xuống ghế, Vĩnh Hào đã nói ngay:

  - Sao, ông Tư Bình? ông có suy nghĩ gì về những điều mắt thấy tai nghe vừa rồi?

  - Tôi nghĩ rằng tất cả những điều tôi được mắt thấy tai nghe vừa rồi đều do các ông bày đặt ra.

  Vĩnh Hào và Phong nhìn nhau. Tên Phong hỏi lại:

  - Còn những tấm hình chụp nhanh? Những thứ tịch thâu được tại nhà riêng của ông? Chẳng lẽ cũng do chúng tôi bày đặt ra sao?

  - Với những phương tiện kỹ thuật mà các ông hiện có trong tay, các ông có thể dựng được cả một bộ phim ly kỳ hấp dẫn hơn thế nhiều.

  - Ông quên rằng cách đây vài giờ ông đã thú nhận tội của ông.

  - Tôi không quên. Tôi đã thú nhận rằng giấy tờ đó không phải của tôi và tôi không phải là Trần Bình. Vậy thôi!

  - Vậy thôi ư? ông có biết rằng chỉ vậy thôi cũng đủ để kết án tử hình một người rồi ư?

  - Tôi biết rằng rôi có thể bị kết án vì vi phạm tội hình sự. Tôi không phải là quân nhân nên tôi không thuộc phạm vi xét xử của toàn án binh. Tôi yêu cầu được xử ở tòa án dân sự và được mượn luật sư để bào chữa cho tôi.

  Vĩnh Hào chồm dậy, mặt hắn tím lại, đôi mắt trắng dã xếch ngược lên. Giọng hắn run run:

  - Ông Tư Bình! ông nên nhớ rằng trên đời này cái gì cũng có giới hạn. Chúng tôi đã nhân nhượng quá nhiều. Những lời nói của ông không những khiếm nhã bất lịch sự mà còn có thể coi là hỗn xược nữa. ông chớ vượt qua giới hạn cho phép, chớ buộc chúng tôi phải nặng tay!

  Tên Phong nhẹ nhàng tiếp lời hắn:

  - Có thể là ông đã biết rồi nhưng tôi cũng cứ giới thiệu thêm. Ngài đại tá Vĩnh Hào đây là trưởng phòng tình báo chiến lược đã được ngài Tổng thống giao cho đặc quyền xét xử vụ này. Tôi là trung tá Phong giúp việc ngài về phương diện hình sự tố tụng. Theo luật pháp hiện hành, nhất là theo tinh thần và văn từ của luật 10/59, chúng tôi có quyền lập hồ sơ, phát lệnh bắt người, xét nhà, tịch thâu tang vật, lập phiên tòa, xét xử, quyết định án và thi hành án. Không một cơ quan nào được can thiệp vào công việc của chúng tôi. Tính chất hành động phạm pháp của ông thuộc về hình sự hay thuộc về chính trị là do chúng tôi xác định. Nhưng chúng tôi muốn chờ ở thái độ của ông. Nói một cách khác, chúng tôi khuyên ông nên biết điều hơn. Những lời nói và hành động của ông vừa rồi đã chứng tỏ rằng ông thật sự là một cán bộ tình báo của Việt cộng. ông thử nghĩ xem, có bao giờ một người dân thường, hơn nữa lại là người phạm pháp, mà dám ăn nói một cách... xin lỗi ông, một cách hỗn xược như vậy đối với một sĩ quan cao cấp của quân lực cộng hòa không?

  - Tôi biết rằng quyền hạn của các ông rất lớn. Không một cơ quan quốc gia nào - Tư Bình nhấn mạnh. - Không một cơ quan quốc gia nào dám can thiệp vào công việc của các ông. Nhưng nếu vụ này lại vượt quá quyền hạn của các ông thì sao? Ví dụ như có một đại sứ quán của một nước nào đó mà lúc này người Mỹ đang cần sự cộng tác, lại muốn can thiệp vào việc này thì sao? Tôi không phải là một dân thường, hơn nữa không phải là một người dân phạm pháp đâu, các ông bạn đồng nghiệp ạ!

  Vĩnh Hào và Phong lại nhìn nhau, không giấu nổi vẻ bối rối. Tên Phong hỏi một cách dè dặt:

  - Ông có thể nói rõ hơn được không?

  - Tôi không thể nói rõ hơn những điều mà tôi được phép nói với các ông.

  - Hình như ông muốn buộc chúng tôi phải hiểu ngầm rằng ông là một sĩ quan của cơ quan tình báo nước ngoài?

  Tư Bình ngồi im. Vĩnh Hào lại nói tiếp:

  - Chúng tôi có thể bắt và khai thác một trong số những nhân viên của ông và chúng tôi sẽ biết hết những điều mà ông muốn giấu.

  - Các ông có đủ quyền lực để làm việc đó nếu các ông nghĩ rằng việc đó giúp ích cho các ông.

  - Vì chúng tôi không nghĩ như vậy cho nên mới dùng nhiều thời gian để tiếp chuyện ông. Tiếc rằng ông đã không nói rõ ngay những điều mà ông được phép nói.

  - Xin lỗi, tôi nhớ rằng tôi đã nói rõ ba điều: một, những giấy tờ ấy không phải của tôi; hai, tôi không phải là Trần Bình; ba, tôi không phải là cán bộ tình báo chiến lược của Việt cộng.

  - Tiếc rằng ba điều đó chẳng làm cho chúng tôi rõ thêm được vấn đề gì cả?

  - Tiếc rằng tôi chỉ nói được với các ông ba điều đó thôi.

  Vĩnh Hào và Phong lại nhìn nhau. Tên Phong hỏi tiếp:

  - Ông có thể lấy gì làm bảo đảm cho những điều ông vừa nói?

  - Danh dự của một tình báo viên!
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #46 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2008, 07:27:17 pm »

  Cả hai tên cùng "ồ" một tiếng kéo dài. Tên Phong mỉm cười lắc đầu:

  - Ông quả là một nhà hài hước có tài!

  - Khi các ông mang danh dự của sĩ quan quân lực cộng hòa để đảm bảo rằng các ông là những người lịch sự, để đảm bảo rằng các ông sẽ không dùng tới những biện pháp cực đoan thì các ông đã tỏ ra có tài hài hước hơn tôi nhiều.

  Vĩnh Hào cố nặn mấy tiếng cười lớn rồi làm bộ đùa bỡn, suồng sã:

  - Thôi đi, cha nội ơi! Định dùng kế hoãn binh chớ gì? Để cho lũ con của cha nội có thời gian lẩn trốn chớ gì? Trốn đâu cho thoát? Bọn này ếm hết các ngóc ngách rồi! Coi tướng cha nội chẳng làm nổi tình báo viên nước ngoài đâu. Thôi, có chi cứ bày hết lên bàn này đi! Cho dễ nói chuyện. Cứ úp mở hú tim với nhau mãi mất thời giờ quá!

  - Tôi xin nói rõ thêm điều thứ tư: tôi không phải là tình báo viên nước ngoài.

  - Có nghĩa rằng ông là tình báo viên của Việt cộng?

  - Tôi không hề hiểu những điều tôi đã nói theo nghĩa như vậy. Tôi xin nói rõ thêm điều thứ năm: quyền hạn của các ông tuy rất lớn nhưng vẫn thua kém quyền hạn của thượng cấp của các ông. Thượng cấp của các ông có quyền xóa bỏ tất cả những điều mà các ông đã quyết định.

  Cả hai tên cùng lặng im, chăm chú nhìn vào mắt Tư Bình, cố đoán xem anh định dẫn dắt chúng tới đâu. Vài phút sau, tên Phong mới hỏi nhỏ:

  - Vậy thì ông muốn... ông muốn cái gì?

  - Tôi muốn có sự đảm bảo của thượng cấp của các ông!

  Lại mấy phút im lặng. Sau đó Vĩnh Hào xem đồng hồ rồi đứng dậy:

  - Gần mười một giờ rồi. ông không phải là nhân viên chánh phủ nên quen dùng cơm vào giờ này. Tôi mong rằng sau khi chúng ta đã cùng nhau ăn nhậu một cách thân tình thì tất sẽ cùng nhau giải quyết được mọi sự một cách êm thấm.

  - Xin lỗi. Tôi không có thói quen ăn cơm sáng vào giờ này. Hơn nữa tôi có thói quen là chưa ăn cơm nếu ý muốn của tôi chưa được thỏa mãn.

  Tên Vĩnh Hào nghiến răng, chống hai nắm tay lên bàn, chúi đầu về phía trước, nhìn xói vào mặt Tư Bình. Anh cũng thản nhiên nhìn thẳng vào mắt nó. Nó đấm mạnh một cái xuống mặt bàn làm cho cốc đĩa nảy lên leng keng, rồi ngồi phịch xuống ghế, đưa tay lên xoa xoa hai bên thái dương. Hắn nói rít qua kẽ răng:

  - Ông đừng dùng dao cạo cứa lên thần kinh của tôi nữa! Ông sẽ phải trả giá rất đắt vì trò chơi ngu ngốc đó! Ông nên nhớ rằng tính mạng của ông và của các nhân viên của ông hiện đang nằm gọn trong tay tôi!

  - Chính vì vậy mà tôi muốn có sự đảm bảo của thượng cấp của các ông.

  Hai bên lại im lặng hồi lâu. Tư Bình ngồi dựa lưng vào ghế, đầu hơi cúi xuống, mắt chăm chú nhìn vào hai bàn tay chai sạn đen đủi đặt trên đùi. Tên Phong ho khẽ một tiếng để chuẩn bị nói nhưng rồi lại nhún vai ngồi im, khi thấy Vĩnh Hào lừ mắt nhìn hắn.

  Đột nhiên cả hai đứa cùng đứng phắt dậy, tươi tỉnh nhìn ra phía cửa. Tư Bình cảm thấy có một người nào đó đang chăm chú nhìn vào gáy mình. Anh đoán ngay người đó là Xti-ven-xơn nhưng vẫn ngồi im không đụng cựa gì hết.

  Xti-ven-xơn dừng lại ở ngưỡng cửa mấy giây. Hắn hơi thất vọng vì sự xuất hiện rất đúng lúc nhưng lại rất bất ngờ của hắn đã không gây được ấn tượng gì đối với người bị bắt. Hắn rủa thầm những tên sĩ quan tình báo cộng hòa đã làm hỏng một pha tâm lý đặc sắc được chuẩn bị khá công phu. Hắn đoán rằng nếu người bị bắt đã không chịu đứng dậy khi hắn vào đây thì cũng sẽ không chịu đứng dậy khi bọn sĩ quan ngu ngốc kia làm thủ tục giới thiệu, cho nên hắn bước nhanh tới bàn và ngồi ngay xuống cái ghế đã dành sẵn cho hắn. Sau đó hắn phẩy tay ra hiệu cho Vĩnh Hào được ngồi xuống. Tên Phong lễ phép báo cáo với Xti-ven-xơn:

  - Thưa ngài cố vấn, đây là ông Tư Bình cán bộ tình báo chiến lược của Hà Nội đã hoạt động trong đô thành gần ba năm nay.

  Hắn quay sang phía Tư Bình:

  - Ông Tư Bình, lời thỉnh cầu của ông đã được chấp nhận. Ngài Xti-ven-xơn đã hạ cố tới đây cho ông được vinh dự gặp mặt.

  Hắn lại quay sang phía Xti-ven-xơn:

  - Thưa ngài cố vấn, chúng tôi đã thâu lượm được đầy đủ chứng cớ để buộc tội người này. Nhưng ngài tổng thống đã mở lượng hải hà khoan hồng cho tội nhân và những kẻ tòng phạm nếu họ hết lòng ăn năn hối lỗi quay về phụng sự quốc gia. Người này đã mạo nhận giấy tờ của trung sĩ Trần Bình đã tử trận, để dễ bề ẩn náu trong đô thành và hoạt động tình báo cho Việt cộng, làm phương hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Nhưng tội nhân vẫn tìm cách dối trá không chịu thật lòng quy chánh. Chúng tôi vẫn kiên nhẫn dùng chánh nghĩa quốc gia để mở mắt cho những người lầm đường lạc lối, ngõ hầu đưa họ tới nơi quang đãng...

  Trong lúc tên Phong nói thì Xti-ven-xơn làm bộ lắng nghe những lời ba hoa của hắn, thỉnh thoảng lại gật gật đầu, nhưng hắn vẫn không ngừng xem xét từng nét thay đổi nhỏ trên mặt Tư Bình.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #47 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2008, 07:12:01 pm »

  Xti-ven-xơn đã được nghiên cứu nhiều tấm hình của những cán bộ Việt cộng cùng những tài liệu chi tiết về thói quen và điểm mạnh yếu của từng người. Hắn cũng đã xem xét rất kỹ tấm hình chụp Tư Bình ở những góc độ khác nhau. Nhưng đây là lần đầu tiên hắn được trực tiếp trông thấy một người cán bộ cộng sản bằng xương bằng thịt, một cán bộ tình báo chiến lược của Việt cộng đã từng làm cho mấy thằng sĩ quan ngồi kia điêu đứng nhiều phen!
 
  "Không có gì đặc biệt. Đôi mắt đen thông minh lanh lợi của người Việt Nam. Cái miệng có lẽ hay cười và cười rất tươi của người Việt Nam. Mái tóc đen và thưa cắt theo kiểu của những người lao động đã đứng tuổi. Bộ mặt chẳng đẹp mà cũng chẳng xấu. Một tình báo viên chuyên nghiệp cần có một bề ngoài như vậy để có thể lẫn vào đám người Việt Nam đông đặc ở Sài Gòn này. Nhưng dù sao cũng phải có một cái gì đó làm lộ chân tướng chứ? Phải có một nét nghề nghiệp nào đó chứ?".

  Hắn rất khinh những chuyện bói toán tướng số, nhưng hắn tin rằng cái chất thật của một người thế nào cũng phải biểu hiện ra trên bộ mặt người đó.

  "Những người cộng sản thường nói rằng vì họ phục vụ dân chúng nên được dân chúng ủng hộ và đó là sức mạnh tuyệt đối của họ. Vô lý! Dân chúng chỉ là một đám đông mơ hồ đi theo những nhân tài kiệt xuất, như một cái đuôi khổng lồ đi theo một cái đầu sắc nhọn. Nếu Xti-ven-xơn này không có tài thì liệu thằng đại tá thích nhắm rượu với máu người kia, thằng trung tá thích đóng vai thống chế kia, chúng nó có chịu đi theo không hay là chúng lại tìm cách bóp mũi và trèo lên cổ ta?".

  Tên Phong đã ngừng nói mà Xti-ven-xơn và Tư Bình vẫn ngồi yên. Cả hai cùng chờ đợi đối phương đi nước cờ đầu tiên. Một lúc khá lâu sau, Xti-ven-xơn mới chậm rãi chỉ thị cho Vĩnh Hào:

  - Các ông hãy làm tất cả những gì mà các ông được phép làm để cứu vớt người này. Tôi không muốn mở đầu sự nghiệp của tôi trên đất Việt Nam này bằng một cuộc tàn sát đẫm máu. Dù sao thì các ông nói chuyện với người ấy cũng dễ dàng hơn tôi. Các ông là người Việt Nam, tôi là người nước ngoài. Những người cộng sản thường có đầu óc bài ngoại một cách cuồng tín, họ cho rằng bất cứ cái gì của nước ngoài đều xấu hết, của Mỹ lại càng xấu.

  Tư Bình ngửng đầu lên, nói thẳng vào mặt hắn:
- Người cộng sản cho rằng những người như ông là sản phẩm xấu xa nhất của chủ nghĩa đế quốc. Người cộng sản cho rằng những người lao động ở đâu cũng đáng quý trọng, kể cả ở Mỹ.

  - Hay lắm! Tôi tưởng rằng ông sẽ dùng chiến thuật im lặng để đối lại mọi lời nói và việc làm của chúng tôi, nào ngờ tôi mới nói khích một câu mà ông đã bật lò xo lên ngay. Xem chừng thần kinh của ông không được vững vàng lắm đâu, ông Tư Bình ạ!

  - Thần kinh của chúng tôi có vững vàng hay không, rồi ông sẽ biết. Bị lọt vào tay các ông thì chắc chắn phải chết. Vậy mà ông thấy đấy, - Tư Bình mỉm cười rất tươi - tôi vẫn dùng những giây phút cuối cùng của đời mình để bảo vệ sự thật, bảo vệ chính nghĩa.

  - Thế thì tôi lại rất cảm phục ông, ông Tư Bình ạ! Có điều là sự thật tùy thuộc vào góc nhìn của từng người. Cái mà ông cho là sự thật thì tôi lại không tin là sự thật. Với chính nghĩa cũng vậy.

  - Chính vì thế nên chúng tôi phải cầm súng để bảo vệ sự thật, bảo vệ chính nghĩa, không để cho các ông che giấu, xuyên tạc, lợi dụng nó.

  - Giả thiết rằng các ông là những người đại diện cho các lực lượng chính nghĩa, còn chúng tôi là những người đại diện cho các lực lượng không chính nghĩa...

  - Đó không phải là một giả thiết. - Tư Bình cướp lời - Đó là một sự thật không hề chối cãi nổi.

  Xti-ven-xơn mỉm cười, chăm chú quan sát Tư Bình một cách thích thú. Hắn nghĩ thầm: "Nếu người này không chịu hé răng thì mới đang lo. Cứ khích cho anh ta tranh luận thật nhiều thì mình mới có thể dùng lý lẽ để thuyết phục được. Xem chừng trình độ học vấn của anh ta cũng chẳng được là bao. Không thể cãi lý nổi với mình đâu". Hắn gật gù:

  - Các ông thường có thói quen là trước khi quyết định một vấn đề gì thuộc về đường lối chính sách thì phải làm xong một việc khá phức tạp gọi là phân tích tình hình. Tôi nghĩ rằng đó là một thói quen tốt, một cách làm ăn khoa học, có tầm xa. Tôi mới ở Mỹ sang đây được vài tháng. Tôi đã sưu tập được một ít tư liệu về cuộc chiến tranh này. ông có thể giúp tôi phân tích theo quan điểm của các ông được không? Tôi xin hết sức cảm tạ ông.

  - Những tư liệu do các cơ quan điều tra của các ông thu lượm và đã được máy tính điện tử tổng hợp? Những tư liệu ấy chỉ dẫn các ông đến những quyết định sai lầm tai hại mà các ông đã phạm phải trong hơn hai mươi năm qua.

  - Nhưng tôi không có tư liệu nào tốt hơn những thứ mà các cơ quan CIA, DIA đã cung cấp. Như người Việt Nam thường nói: "Méo mó có hơn không" có phải không, ông Tư Bình?

  - Cứ coi là như vậy.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #48 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2008, 07:15:21 pm »

  - Vậy thì tôi bắt đầu nhé. Các ông thường khẳng định rằng trong cuộc chiến tranh này các ông sẽ thắng lợi hoàn toàn, cả về chính trị và quân sự. Nhưng những tư liệu mà tôi sưu tầm được lại không thể làm cơ sở cho những lời khẳng định ấy. Trước hết, nói về sức mạnh toàn dân mà các ông thường tự hào là vô địch. Toàn dân Việt Nam có khoảng bốn mươi triệu theo các thống kê dân số năm 1967 này. ở miền Bắc các ông có thể nắm được khoảng chín mươi phần trăm còn mười phần trăm thì trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại các ông. ở miền nam có sáu triệu người không tán thành chủ nghĩa cộng sản, thuộc các lực lượng võ trang, nửa võ trang và các lực lượng chính trị, xã hội khác, có bốn triệu người lập lờ giữa hai dòng nước, các ông chỉ nắm được khoảng năm triệu người thôi. Miền Nam lại là nơi quyết định trực tiếp bước đi của chiến tranh. Sự có mặt của hơn nửa triệu quân Đồng minh tất  yếu sẽ làm cho thế và lực của các ông thua kém một cách rõ rệt. Các ông không thể làm thăng bằng cán cân bằng cách đưa sáu, bảy triệu quân nhân và nhân viên dân sự từ miền Bắc vào đây được. Liệu tôi có đủ cơ sở để nghĩ rằng những lời khẳng định của các ông chỉ dơn thuần là những khẩu hiệu để tuyên truyền không?

  - Đầu năm 1945, lực lượng chính trị - quân sự của chúng tôi rất nhỏ bé, vậy mà chỉ trong mấy tháng, lực lượng đó đã phát triển lên tới mức đủ cho chúng tôi giành chính quyền cả nước trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Năm 1954 chúng tôi giải phóng một nửa nước khi lực lượng quân sự của Pháp còn hơn bốn mươi vạn và đang được các ông hết lòng hết sức chi viện. Năm 1964 các ông đã phải từ bỏ chiến lược chiến tranh đặc biệt để chuyển sang chiến tranh cục bộ ở cả hai miền nước tôi với mức độ khác nhau. Các ông đã thua tuy lực lượng chính trị - quân sự của chúng tôi lúc đó còn  ít hơn bây giờ. Tôi tin rằng chỉ trong năm 1968 các ông lại phải từ  bỏ chiến lược chiến tranh cục bộ để chọn một chiến  lược chiến tranh khác, nghĩa là là các ông lại chịu thua lần thứ ba. "Tiếng kèn ngập ngừng" của đại chiến lược gia Mắc-xoen Tay-lo không thể kêu rít lên được nữa rồi! Các tư liệu mà ông sưu tầm được rõ ràng là sai lạc một cách nguy hiểm. Những người mà ông xếp vào diện không tán thành chủ nghĩa cộng sản hoặc đứng lập lờ giữa hai dòng nước, tới một lúc nào đó sẽ hiểu và sẽ tán thành chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản là cái Đẹp, cái Tốt, tập trung nhất, cao quý nhất nên đương nhiên nó được tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam tán thành và ủng hộ.

  - Những lời phân tích của ông thật đáng giá! Ở bên nước chúng tôi, một bài xã luận có giá trị như vậy có thể phải mua tới hai nghìn đô la đấy ông ạ. Lúc nào rỗi rãi, ông viết giúp cho một bài độ ba trang giấy đánh máy nhé. Không cần ký tên thật đâu ông ạ, chỉ ghi hai chữ T.B là đủ rồi. ông có phải là ủy viên Trung ương Cục miền Nam không? ít nhất ông cũng phải tham gia ban chấp hành Đảng bộ thành phố Sài Gòn chứ? Trong tổ chức của chính phủ Việt Nam cộng hòa thì cỡ như ông phải tương đương hàm đại tá hoặc chuẩn tướng đấy, ông Tư Bình ạ.

  - Ông đi ra ngoài đề nhiều quá, ông cố vấn Mỹ!

  - Xin lỗi ông, tôi có thói xấu là khi gặp được người tương đắc thì hay nói chuyện lan man. ở nước Mỹ, tôi ít khi được tiếp chuyện những người có tầm nhìn chiến lược, sang tới đây thì được gặp ông là người Việt Nam đầu tiên có thể cùng tôi bàn bạc việc lớn. Tôi mơ ước có được một người cộng tác nhiều tài năng như ông. Tôi xin hỏi tiếp nhé. Dân số nước Mỹ hơn hai trăm triệu, dân số cả nước các ông mới có bốn mươi triệu. Tổng thu nhập quốc dân hàng năm của nước Mỹ là một nghìn một trăm tỷ đô la, miền Bắc của các ông chỉ được khoảng một tỷ đô la, nếu kể tất cả các khoản viện trợ nữa thì có khoảng hai tỷ đô la. Chiến tranh là một cuộc thi thố khắc nghiệt về tiềm lực. Bên nào có tiềm lực lớn thì có thể tiến hành chiến tranh với quy mô lớn, thời gian dài làm cho đối phương phải kiệt sức và chịu thua. Các ông sẽ làm cách nào để khắc phục sự thua kém về tiềm lực ấy để "đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược" như các ông thường hô hào?

  - Nước Mỹ các ông mới có gần hai trăm năm lịch sử. Ngay trong thế kỷ mười chín người ta vẫn còn coi nước Mỹ là cái sọt rác của châu âu, nơi lắng đọng tất cả cặn bã của xã hội châu âu, nơi tập trung bọn đầu trộm đuôi cướp của các nước châu âu. Có thể vì vậy mà ông không thể hiểu nổi lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của chúng tôi. Chúng tôi đã dám chống chọi lại và cuối cùng đã đánh thắng hoàn toàn tất cả những thế lực rất lớn, lớn gấp nhiều lần cả về quân sự và kinh tế. Chúng tôi đã ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên - Mông trong khi nó đang ở thời kỳ cực thịnh, khi nó đã đánh chiếm gần hết châu âu và châu á. Chúng tôi đã nhiều lần đánh thắng những đạo quân rất lớn của các đế quốc phong kiến phương Bắc. Từ năm 1950 đến giờ chúng tôi thật sự đã đánh thắng các ông nhiều keo rồi. Tiềm lực đồ sộ của nước Mỹ không những đã không giúp được gì cho các ông trong bất kỳ một cuộc đụng độ lớn nhỏ nào, mà lại còn làm cho các ông thua thiệt sâu cay, nhục nhã hơn. Hậu quả của cuộc chiến tranh này đối với nước Mỹ sẽ còn nặng nề và kéo dài tới hết những năm cuối của thế kỷ hai mươi này.

  Nếu những thất bại ấy có thể giúp cho những người cầm đầu chính phủ Mỹ mở mắt ra thì ngay  bây giờ họ đã phải tính đến chuyện chuyển hướng chiến lược chiến tranh ở cả hai miền nước chúng tôi. Nghĩa là rút lui, xuống thang từng bước một, xóa bỏ cam kết, gạt bớt trách nhiệm từng bước một để  rốt cuộc ngậm ngùi vĩnh biệt mảnh đất lợi thế cờ, nhiều tài nguyên nhưng vô cùng nguy hiểm này.

  - Theo ý ông thì sau này, tức là khi chiến tranh kết thúc, cứ coi như là các ông đã chiến thắng, thì người Mỹ có thể lại đặt chân lên mảnh đất vô cùng nguy hiểm này nữa không?

  - Tùy theo danh nghĩa, cương vị, mục đích và hành động của từng người lúc đó mà chúng tôi sẽ có thái độ phân biệt.

  - Nếu những người Việt Nam lúc này cộng tác với người Mỹ, đến lúc đó lại theo người Mỹ tới đây thì có được không?

  - Tùy theo danh nghĩa, cương vị, mục đích và hành động của từng người lúc đó mà chúng tôi sẽ có thái độ phân biệt.

  - Ông Tư Bình ạ, trong gần một giờ qua, ông luôn luôn tìm cách chứng minh rằng các ông nhất định sẽ đánh thắng hoàn toàn chúng tôi. Những lý lẽ có sức thuyết phục rất mạnh của ông lại gây nguy hiểm cho chính ông đấy, ông biết không? Nếu chúng tôi còn tin rằng có thể thắng trong cuộc chiến tranh này thì chúng tôi mới cần đến những người cộng tác như ông. Nếu chúng tôi biết chắc là không thể nào thắng nổi thì chúng tôi chẳng cần đến những người như ông nữa. Tôi biết rằng không thể đem cái chết ra để đe dọa những người như ông, nhưng... sự thật là như vậy đấy, ông ạ!

  - Sự thật là như vậy. Làm sao một người như tôi lại có thể cộng tác với các ông được? Đối với chúng tôi cộng tác với các ông có nghĩa là phản bội Đảng của chúng tôi, phản bội Tổ quốc và nhân dân của chúng tôi, còn đáng sợ hơn cái chết gấp nhiều lần.

  - Ông nghĩ sao nếu chúng tôi mời ông xơi cơm trưa nay với chúng tôi? Một bữa cơm bình thường, không phục vụ cho một mục đích chính trị nào hết.

  - Tôi sống một mình, quen ăn cơm một mình. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng giữa tôi với các ông, bất cứ  một hành động bình thường nào, một cử chỉ nhỏ nào cũng đều phục vụ cho một mục đích chính trị rõ rệt.

  - Ông bị lệ thuộc vào nguyên tắc nhiều quá đấy, ông Tư Bình ạ.

  - Trong lúc này tôi không thể làm cách nào khác được.

  - Nghĩa là lúc khác thì ông có thể vui lòng xơi cơm với chúng tôi? ông có thể nói rõ thêm ý nghĩa của "lúc khác" là như thế nào không?

  - Có thể hiểu là lúc mà cương vị của chúng ta thay đổi trái ngược hẳn với lúc này. Cũng có thể hiểu là lúc mà chúng ta cùng ở vào thế ngang bằng với nhau cả về cương vị và thực lực.

  - Ra vậy đấy! Thôi được. Phép lịch sự dạy chúng tôi nên chiều theo ý muốn của khách. ông muốn dùng cơm theo thực đơn nào? Vào khoảng giờ nào thì chúng ta lại có thể bàn bạc tiếp với nhau về những vấn đề quan trọng mà cả hai bên cùng quan tâm.

  - Theo thực đơn của tù chính trị. Vào giờ mà các ông thấy cần hỏi cung tù chính trị, về những vấn đề mà chỉ có các ông quan tâm thôi!

  Xti-ven-xơn nhìn tên Phong, hất hàm rồi đứng dậy lịch sự cúi chào:

  - Chúc ông ngon miệng. Chúng ta sẽ lại gặp nhau vào hồi mười ba giờ tại đây.

  Hắn nhanh nhẹn bước ra, tên Vĩnh Hào xách cặp bám theo sau. Tên Phong đứng dậy chờ cho hai tên thượng cấp ra khỏi phòng mới vỗ tay hai cái thật mạnh. Cánh cửa giấu sau bức rèm nhẹ nhàng mở ra. Người đàn ông mặc bộ bà ba đen lặng lẽ bưng một mâm cơm, đặt lên bàn, kính cẩn cúi chào tên Phong, cúi chào Tư Bình rồi lại lặng lẽ lui về phía sau rèm.

  Tên Phong mỉm cười đưa tay về phía mâm cơm nói với Tư Bình:

  - Từ nay trở đi, tôi được vinh dự trông nom việc sinh hoạt hàng ngày của ông. Nếu ông cần thứ gì xin ông cứ cho tôi biết. Ngài Xti-ven-xơn đã ra lệnh cho tất cả mọi người ở nhà này phải coi ông như thượng khách của ngài.

  Hắn đứng im chờ câu trả lời của Tư Bình, nhưng thấy anh nhắm mắt ngả lưng vào ghế bành thì hắn nhún vai, bước ra khỏi phòng.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #49 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2008, 07:10:19 pm »

  - Ông Tư Bình à, tôi rất tán thành quan điểm của ông về những vấn đề thuộc về đường lối chung, nhưng tôi lại rất không tán thành quan điểm của ông về những vấn đề thuộc quan hệ cụ thể giữa chúng tôi với ông.

  - Ông có thể nói rõ hơn.

  - Tôi xin nói rõ: tôi cần một người cộng tác như ông. Nói rõ hơn nữa: tôi muốn ông cộng tác với tôi.

  Tư Bình im lặng lắc đầu. Xti-ven-xơn rót rượu vào cốc rồi bưng hai tay đến trước mặt anh:

  - Nếu ông không quen uống rượu thì chỉ xin ông chạm cốc với tôi để tỏ rõ cho tôi biết rằng ông không coi tôi như một kẻ thù.

  Tư Bình im lặng lắc đầu.

  Xti-ven-xơn đặt cốc rượu xuống bàn rồi cúi đầu đi đi lại lại trong phòng. Một phút sau hắn mới nhẹ nhàng nói:

  - Nếu tôi ở vào địa vị của ông lúc này thì nhất định tôi sẽ ưng thuận cộng tác.

  - Tôi khác với các ông chính là ở chỗ ấy đấy!

  - Ông để cho tôi nói hết những điều suy nghĩ của tôi nhé. Tôi nghĩ rằng cuộc chiến tranh này, chẳng mấy nữa sẽ kết thúc, các ông nhất định sẽ toàn thắng. Tất cả những việc tôi đang làm hiện nay chỉ là tạm thời, bất đắc dĩ. Nếu ông cộng tác với tôi thì cũng chỉ là tạm thời, bất đắc dĩ. Mọi hoạt động của chúng tôi cùng với sự cộng tác của ông nữa, cũng không thể làm cho cuộc chiến tranh này thay đổi được đường đi tất yếu của nó.

  Nếu ông không cộng tác với  chúng tôi thì trước hết sẽ có năm người bị chết, trong đó có ông. ông không sợ hy sinh tính mạng của ông, nhưng ông không có quyền hy sinh tính mạng của nhiều người khác. Không phải chỉ có bốn nhân viên của ông mà chúng tôi đã chụp được ảnh đâu. Chúng tôi sẽ lần theo mối để bắt và giết bằng hết những người nào có liên quan đến ông và bốn người đó, bắt hết và giết hết tất cả những người nào tình nghi, tôi nhắc lại, chỉ mới bị tình nghi có liên quan tới ông và bốn người đó. Đại tá Vĩnh Hào và trung tá Phong sẽ ra tay để tỏ lòng trung thành và tính mẫn cán trong việc này, do đó số người bị bắt và bị giết chắc chắn sẽ vượt xa con số 200! Hơn hai trăm người bị chết chỉ vì một quyết định không sáng suốt, thiếu thức thời của ông! Là một người cộng sản luôn luôn lo nghĩ đến đời sống của quần chúng, ông nên suy tính  cho kỹ, ông Tư Bình ạ.

  Tư Bình im lặng cúi đầu, đặt hai bàn tay lên đùi. Xti-ven-xơn tiếp tục:

  - Hiện nay chúng tôi đã nắm được những thứ cần thiết tối thiểu để tiến hành một chiến dịch tình báo không cần đến sự cộng tác của ông. Này nhé một nhân viên tình báo quan trọng + hai liên lạc viên nối từ nhân viên đó tới chỗ ông + một liên lạc viên nối từ chỗ ông lên thượng cấp của ông + một bộ khóa mật mã đơn giản giấu trong quyển Thái ất tử vi + ngày giờ địa điểm và phương thức liên lạc từ dưới lên và từ trong ra ngoài. Theo ý ông thì như vậy đã tạm đủ chưa? Với một chuyên viên tình báo quốc tế như tôi thì như vậy là thừa thãi rồi!
Chúng tôi sẽ làm gì? Chúng tôi sẽ mớm tin cho thiếu tá Hoàng. Tin đó sẽ qua hai liên lạc tới chỗ ông. Nhưng ông không chịu cộng tác với chúng tôi nên chúng tôi phải cho người khác thế chân ông. Chúng tôi đã chọn  được người giống hệt ông, giống đến nỗi các liên lạc viên cũng không phân biệt được ai là Tư Bình thật nữa. Vả lại cấp trên của ông đã ba năm nay chưa hề gặp mặt ông, nếu có muốn kiểm tra thì cũng chỉ dựa vào vài tấm ảnh cũ và một vài nét sơ lược về nhận dạng nên không thể phát hiện được trò ảo thuật không lấy gì làm tinh vi ấy. Thế là tin tức bịa đặt coi như vẫn qua tay ông để được chuyển lên trên. ông vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chuẩn xác  của những báo cáo ấy, mặc dù ông vẫn bị giam lỏng tại đây. Thượng cấp của ông sẽ phải nhắm mắt tiêu thụ những báo cáo ấy và sẽ có những quyết định sai lầm rất tai hại.

  Tất nhiên sau một thời gian nào đó, họ sẽ phát hiện ra là Tư Bình đã cố tình báo cáo những tin tức sai lạc để làm lợi cho đối phương. Lúc đó một mặt chúng tôi sẽ bắt hết, giết hết như tôi đã nói ở trên, khoảng hơn hai trăm người bị bắt và bị giết. Mặt khác chúng tôi sẽ đưa Tư Bình "giả" của chúng tôi lên màn ảnh vô tuyến truyền hình, lên các đài phát thanh... Những tấm hình thật hấp dẫn, những lời nói thật thối động, nhất định sẽ tới mắt, tới tai những đồng chí của ông ở ngay đây và ngoài kia. ông thử tưởng tượng xem phản ứng của họ sẽ như thế nào? Phong trào nội thành này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Lý lịch của ông sẽ bị bôi đen như thế nào? Vợ con bạn bè của ông sẽ nguyền rủa ông như thế nào?

  Khi thấy mọi sự đã được tiến hành đủ liều lượng rồi, chúng tôi sẽ thủ tiêu Tư Bình giả và trả lại tự do cho Tư Bình thật, để cho ông được thấm thía thật sự về nước cờ kém cỏi của mình. Chúng tôi không giết ông đâu, nhưng ông sống như vậy còn đau khổ gấp ngàn lần những người bị tra tấn đến chết kia! Ai dám thanh minh cho ông? Ai dám xóa vết nhơ trong lý lịch của ông?

  - Ông Tư Bình ạ. - Xti-ven-xơn hạ thấp giọng - chính ông đã từng nói rằng: "Trong cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt này không thể có người nào nổi lập lờ giữa hai dòng nước được. Hoặc là đi theo các ông hoặc là đi theo chúng tôi". Khi đã bị lâm vào cảnh khốn cùng như thế, ông không thể đi theo cộng sản được nữa thì ông có thể nổi lập lờ giữa hai dòng nước được không? Hay là ông sẽ đi theo chúng tôi. ông đã biết có một số cán bộ Việt cộng phải đi theo chúng tôi trong những hoàn cảnh tương tự như vậy. Họ phải đi theo chúng tôi nhưng chúng tôi lại ít cần đến họ, vì lúc đó họ chẳng còn tác dụng gì mấy, hơn nữa dùng những người như thế rất nguy hiểm: con ngựa mới vẫn còn chút ít lưu luyến con đường cũ, nếu gặp thời cơ thì nó lại quay cương ngay lập tức!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM