Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:08:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tụi mình là lính e55 ( e732 ) - phần 3  (Đọc 311986 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2010, 10:50:02 pm »

Thời điểm bác Châu đi phép về thăm gia đình chắc cũng vào năm 1980 chứ tribeco, lúc đó e55 mình đang đóng chốt ở đâu nhỉ? Bài báo này viết thật lắm, chúng tôi soi thì không thấy có điều gì vô lý để bắt bẻ cả. Grin

Bác Châu thì tôi chưa gặp ngoài đời nhưng đã thấy hình bác ấy trong trang web nhà minh rồi. Ngày nay trông bác ấy phong độ lắm, lục thum cấp quận mà. Hì

Logged
haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #31 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2010, 11:20:12 pm »

hehe sao lúc đó các bác sướng quá , HSQ cũng được đi phép  Grin
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
tribeco
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 973



« Trả lời #32 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2010, 11:42:40 pm »

Thời điểm bác Châu đi phép về thăm gia đình chắc cũng vào năm 1980 chứ tribeco, lúc đó e55 mình đang đóng chốt ở đâu nhỉ?


   Giai đoạn đó E55 hoạt động khu vực Kongpong Cham, E bộ hình như ở huyện Boc knor.
   còn... tribeco lúc đó mới thi tốt nghiệp cấp 3  Grin

hehe sao lúc đó các bác sướng quá , HSQ cũng được đi phép  Grin

   hehe... hôm rồi tribeco có gặp một bác ở Ban chính trị (anh 3 Đỡn) có nhắc trường hợp của bác minhchau, rất đặc biệt mà bác ấy chưa thấy có tiền lệ trong thời chiến: cho phép lính tranh thủ theo xe cứu thương về thành phố giải quyết việc gia đình. Cái đặc biệt ở chỗ, dù nghĩ rằng với hoàn cảnh ngặt nghèo đó, 100% lính mình một đi sẽ không trở lại nhưng Chỉ huy vẫn chủ động gọi lên cấp phép cho đi. Kết cục, không như suy đoán, minhchau đã trở về đơn vị đúng hẹn.
   Tình cảm của bác Vi Văn Miễn, Chính ủy Trung đoàn lúc đó  dành cho lính của mình rất đáng khâm phục  Grin
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Mười Một, 2010, 12:01:12 am gửi bởi tribeco » Logged

như chưa hề cầm súng...
tribeco
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 973



« Trả lời #33 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 12:10:50 am »

   Trong khi chờ đợi phumtarop và minhchau lên tiếng;
   tribeco xin trích lại một đoạn hồi ức của bác minhchau đã viết trong phần 1 của topic này:
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

     Tình yêu của lính

....Mùa hè năm 1978, chiến sự trên biên giới Tây Nam Tổ quốc ngày càng trở nên ác liệt, quân Khơme đỏ đã đưa nhiều Sư đoàn chủ lực với pháo hạng nặng, ngày đêm xua quân lấn chiếm biên giới nước ta, chúng tàn phá ruộng vườn, đốt nhà, tàn sát người già, phụ nữ, trẻ con bằng những công cụ và hình thức giết người man rợ chỉ có ở thời trung cổ.
   Nhận lệnh của Quân khu, Trung đoàn 55 đã sẳn sàng hành quân ra biên giới. Để chiến sỉ có thể thích nghi với điều kiện chiến đấu ở chiến trường rừng núi, đã hơn 10 ngày qua, ngày nào cũng vậy cả đơn vị thực hành luyện tập những cuộc hành quân mang vác nặng, vượt qua những quảng đường dài nhiều đồi dốc. Suốt cả tuần, đêm nào chúng tôi phải thức giấc nhiều lần để rèn luyện phản ứng nhanh nhẹn với các bài tập báo động chiến đấu.
Đã mấy hôm rồi, ngoài trời mưa không dứt, ngồi nhìn những hạt mưa, bay giăng giăng che mờ ngọn núi Thị Vãi, trong lòng tôi lại dậy lên một nổi nhớ ! Tôi nhớ không khí đầm ấm của gia đình, nhớ những người thân thương của tôi. Ngày hành quân ra trận đã đến gần, tôi nôn nao chờ đợi Mai đến với tôi, để tôi được căn dặn đôi điều trước lúc tôi ra mặt trận. Tôi muốn được bế trên tay đứa con trai chưa tròn 3 tháng tuổi, một chú nhóc dễ thương có khuôn mặt giống hệt mẹ nó. Nhưng, Mai đã không đến !
   Đoàn xe quân sự đưa những đoàn quân tình nguyện ra đi trong đêm, những người lính trẻ hành quân về phía biên giới, để lại sau lưng thành phố thân thương đang chìm trong giấc ngủ thanh bình. Ngày tháng cứ trôi đi, theo bước tiến của đoàn quân anh hùng, tôi, người lính trẻ hôm nào nay đã dạn dày với gian khổ, không còn giật mình khi nghe pháo dội, không còn cảm giác bồn chồn, hồi hộp khi tiếp cận mục tiêu chờ trận đánh sáng mai. Người lính ấy giờ đã có đủ bản lĩnh và nghị lực để vượt qua nổi nhớ quê hương và cuộc sống với nhiều hy sinh, gian khổ ở chiến trường.
   Hạnh phúc mà tôi nâng niu gìn giữ bấy lâu, nay đã trở thành bi kịch . Trận đánh đẹp kết thúc chiến dịch ngày 09/01/1979 đã mang đến cho chúng tôi niềm vui chiến thắng, tôi muốn được chia sẻ niềm vui của tôi với đồng đội, với bạn bè khi tôi được đơn vị đề nghị tặng thưởng huân chương chiến công và danh hiệu chiến sĩ thi đua, tôi muốn dâng tặng chiến công ấy cho mẹ tôi, cho Mai và các con tôi, nhưng niềm mong ước ấy đã không còn trọn vẹn .
Mùa khô năm 1978, để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng PhnomPênh, cùng các cánh quân khác,Trung đoàn 55 đã liên tục mở ra các trận đánh lớn với Quân Khơ me đỏ trên Quốc lộ 13, và như một qui luật của chiến tranh, cứ sau mỗi trận đánh chúng tôi lại chất chồng thêm nổi đau về những mất mát hy sinh của đồng đội. Chỉ mới qua đợt 1 của chiến dịch tôi đã mất hai thằng bạn thân cùng xóm, Hoàng và Hoằng đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt ở Sông T, ít lâu sau đó Hà, Luận, Giáo cũng rời quân ngũ trở về với gia đình với một phần thân thể để lại chiến trường. Phải chăng khi đối diện với những mất mát ấy Mai đã nghĩ tới viễn cảnh về một điều không may nào đó rồi cũng sẽ đến với tôi ?
Tôi nhận được thư Mai giữa lúc đơn vị đang chuẩn bị bước vào chiến dịch. Sau những năm tháng xa nhau, cô ấy đã hoàn toàn xa lạ với cuộc sống thực tại của tôi. Trong thư cô ấy nói, cô không thể thay tôi để gánh vác cuộc sống gia đình vốn đã có quá nhiều khó khăn, cô mong muốn tôi trở về để xây dựng một hạnh phúc thực tế, cô không chấp nhận bất kỳ sự bất trắc nào nếu xảy đến với tôi. Thế là tôi đã hiểu, hạnh phúc mà tôi đang ấp ủ đã trở nên mong manh. Hai tháng sau tôi lại nhận được thư nhà, lần này là thư của mẹ tôi, trong thư bà báo cho tôi biết Mai đã lặng lẽ rời bỏ gia đình để đi tìm hạnh phúc với một người đàn ông khác, hai đứa bé đã bị chính mẹ chúng bỏ rơi, khi cha chúng còn đang ở ngoài mặt trận! Kể từ hôm ấy các con tôi sống trong tình thương yêu, đùm bọc của bà nội và các cô, chú trong UBND Phường. Mẹ tôi vì nhớ thương  và lo lắng cho tôi nên sức khoẻ ngày thêm suy sụp, lại phải cưu mang 2 đứa cháu nội tuổi hãy còn thơ dại ! Trong  tình cảnh ấy tôi tưởng chừng như mình  không thể vượt qua nổi, cả đơn vị như cùng chia sẻ với nổi buồn riêng của tôi.
   Một buổi chiều cuối năm 1979, sau trận tập kích của Tiểu đoàn 2 vào một đơn vị của bọn PônPốt tôi cùng các đồng chí trinh sát đưa thương binh về Trạm xá Trung đoàn, đến nơi tôi được gọi vào Trung đoàn bộ, đến Ban chính trị tôi nhìn thấy vị chính ủy của Trung đoàn đang đợi tôi, ân cần bảo tôi ngồi xuống rồi ông nói với tôi bằng giọng nói trìu mến như một người cha đang quan tâm đến những đứa con của mình, Ông nói: “Tôi đã nghe kể rất nhiều về hoàn cảnh gia đình của đồng chí, tôi luôn muốn làm một điều gì đó để giảm bớt những mất mát của hai đứa trẻ, tôi cũng như đồng chí không ai trong chúng ta biết trước điều gì sẽ xảy ra ngày mai cho những người lính ở mặt trận, tôi không muốn hai đứa trẻ đang thiếu tình thương của mẹ lại phải mất cha nếu không may đồng chí hy sinh, nhưng tôi không thể làm gì được vì chiến trường đang cần chúng ta và tôi tin đồng chí sẽ vượt qua được thử thách này! Ngay chiều nay đồng chí hãy theo xe tải thương về nước, rồi tranh thủ mà về thăm mẹ và hai đứa nhỏ, hãy chuẩn bị nhanh rồi đi đi.”
   Đưa tôi về đến tận nhà, đồng đội tôi ai cũng cảm thấy ái ngại cho hoàn cảnh của tôi lúc này, tuy không ai nói ra nhưng tôi biết, mọi người đã nghĩ đến chuyện tôi sẽ không trở lại. Sự trở về bất ngờ của tôi đã mang đến cho mẹ tôi nổi vui mừng khôn tả,  con trai tôi cứ nhìn tôi lạ lẫm vì ngày tôi đi nó chỉ mới tròn 3 tháng tuổi nào đã biết gì đâu. Rồi ngày trở lại đơn vị cũng đã đến, trước hôm về đơn vị, tôi đã thức suốt đêm để an ủi mẹ tôi, bà không nói gì chỉ ôm chặt đứa cháu nội trong lòng và lặng lẽ khóc !
   Chiếc xe Quân sự đang chờ tôi ngoài ngõ, tôi xúc động nói lời từ biệt mẹ và các em tôi, tôi ôm hôn hai đứa con nhỏ rồi khoác nhanh Balô lên vai bước vội ra xe, con gái tôi cất tiếng gọi: “Ba”, rồi ôm chân tôi khóc ngất, tôi phân vân với nổi lòng nặng trỉu, nhưng không, tôi không thể quên lời hứa với đồng đội, rằng tôi nhất định sẽ trở lại, nén xúc động tôi hôn lên khuôn mặt ướt đẩm nước mắt của con gái rồi quay mặt bước nhanh ra xe không ngoảnh nhìn lại, vì tôi biết mình sẽ không kềm được sự xúc động trào dâng. Sau lưng tôi, tôi biết mẹ tôi đang khóc, lần thứ hai mẹ tôi lại tiển con ra trận.   
   Về đến Trung đoàn tôi đi ngay đến Ban chính trị, đồng chí chính ủy  đang chờ tôi ở đó, tôi báo cáo với ông rằng tôi đã trở lại đơn vị như đã hứa, ông bước đến cầm tay tôi hồi lâu rồi xúc động nói: “Chú sợ con không vượt qua được thử thách khắc nghiệt này...”, nói đến đây dường như không kềm được xúc động ông dang tay ôm lấy tôi mà nói: “Con giỏi lắm, đơn vị rất tự hào có một chiến sỹ như con, chú thật sự xúc động, khi biết con quyết định trở lại nơi này”. Tôi cảm nhận được giọt nước mắt yêu thương của ông đang nóng ấm trên vai áo của tôi. Ôi! người đồng chí đáng kính của tôi, người cha tinh thần của những đứa con lính chiến! Tôi thật sự hạnh phúc trước tình cảm thiêng liêng ấy, kỷ niệm ấy đến nay tôi vẫn giữ mãi trong lòng như  giữ một tình yêu .
    Trong cuộc sống hôm nay, dù ở cương vị nào tôi cũng tự hứa với lòng mình, sẽ không bao giờ quên tình yêu ấy, tình yêu của người lính, tôi luôn tin vào những điều tốt đẹp của con người, và tôi tin rằng mọi người sẽ lại  tìm thấy những tình yêu như thế trong cuộc sống hôm nay.
                                                                                                                                                                           
                         Phan Minh Châu
Logged

như chưa hề cầm súng...
Hai Kinh Tế
Thành viên
*
Bài viết: 102


« Trả lời #34 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 02:57:30 am »

Đoạn hồi ức viết hay quá, đọc mà thấy mủi mình cay cay...
Logged
phumtarop
Thành viên
*
Bài viết: 221


1978 - một thời để nhớ...


« Trả lời #35 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 08:04:26 am »

Thời điểm bác Châu đi phép về thăm gia đình chắc cũng vào năm 1980 chứ tribeco, lúc đó e55 mình đang đóng chốt ở đâu nhỉ?


   Giai đoạn đó E55 hoạt động khu vực Kongpong Cham, E bộ hình như ở huyện Boc knor.
   còn... tribeco lúc đó mới thi tốt nghiệp cấp 3  Grin

hehe sao lúc đó các bác sướng quá , HSQ cũng được đi phép  Grin

  

   Bác tribeco nói đúng rồi vào năm 1979 sau trận giải vây cho E33 ở phum chùa ( quên mất tên ),E55 được F303 chỉ định đứng chân tại xã Boskhanor ( lộ 71 ) cho đến cuối năm 1980,lúc ấy tiểu đoàn 2 của bác Minh Châu đồn trú tại phum Chamkar Caoutchouc,tiểu đoàn 1 do thượng úy Nguyễn Đình Giãng chỉ huy đóng tại ngã 3 Skun ( lộ 6 ),tiểu đoàn 3 do trung úy Dương Kim Hồng chỉ huy đóng tại thi trấn Chamkarlue ( đường vào phum chùa ) . Trận phum chùa Đại đội của mình và tiểu đoàn 1 vào trước bị tụi Pot phản ứng quyết liệt trong phum không tiến được,sau đó trung đoàn đã tung tiểu đoàn 2 vào mới giải tỏa được cho E33,trận này dưới sự chỉ huy trực tiếp của F303. Bác Minh Châu chắc chắn có tham gia trận đánh này vì sau đó trong đại hội mừng công của E tại Boskhanor ,bác Châu được tuyên dương và ưu tiên được đi phép.

  Hình như thời điểm này chỉ huy D2 là trung úy Nguyễn Hồng Quang thì phải,nhờ bác Minh châu xác định hộ nhé  Huh Grin
Logged
minhchau_d2e551978
Thành viên
*
Bài viết: 46



« Trả lời #36 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 01:57:35 pm »

         Thân chào đồng đội e55!

          Để các bạn không phải suy luận về thời điểm bài báo được thực hiện khi mà các đơn vị tình guyện quân Việt Nam không hề có chính sách giải quyết phép cho hạ sỹ quan binh sỹ đang làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường K.
          Bài viết được phóng viên Nguyễn Phan thực hiện sau khi mình vừa kết thúc câu chuyện kể trong Đại hội mừng công năm 1979 của Quân khu 7, đó là câu chuyện về một người lính trẻ phải tự đấu tranh với chính bản thân mình khi đứng trước tình cảnh khó khăn của mẹ già, con thơ với trách nhiệm thiêng liêng đối với Tổ quốc và đồng đội đang ngày đêm băng mình trong lữa đạn chiến tranh ở bên kia biên giới.
         Thời điểm diễn ra Đại hội mừng công của QK đó là lúc d2 đang đảm trách một vùng trách nhiệm rộng lớn trên một địa hình rừng núi rậm rạp thuộc khu vực sông Chinic huyện Stueng Trang - Kampong Cham.
         Bài viết này minhchau chỉ được biết sau khi ra quân vào tháng 7/1982 do mẹ minh chau trao lại...
         Mình sẽ gửi ngay đến các bạn về những lời tâm sự đầy cảm xúc ngay sau đây, hãy đọc và tiếp tục ủng hộ minhchau nhé!

                                                         Thân chào các bạn đồng đội e55.
Logged
phumtarop
Thành viên
*
Bài viết: 221


1978 - một thời để nhớ...


« Trả lời #37 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 05:08:33 pm »

         Thân chào đồng đội e55!

          Để các bạn không phải suy luận về thời điểm bài báo được thực hiện khi mà các đơn vị tình guyện quân Việt Nam không hề có chính sách giải quyết phép cho hạ sỹ quan binh sỹ đang làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường K.
          ...d2 đang đảm trách một vùng trách nhiệm rộng lớn trên một địa hình rừng núi rậm rạp thuộc khu vực sông Chinic huyện Stueng Trang - Kampong Cham.
         Bài viết này minhchau chỉ được biết sau khi ra quân vào tháng 7/1982 do mẹ minh chau trao lại...
         Mình sẽ gửi ngay đến các bạn về những lời tâm sự đầy cảm xúc ngay sau đây, hãy đọc và tiếp tục ủng hộ minhchau nhé!

                                                       

        BácMinh Châu cứ an tâm. Việc bác được cấp trên giải quyết tranh thủ và ngày phép là chính đáng.Qua các bài viết các bác CCB hiểu rõ hoàn cảnh của bác lúc ấy,hơn nữa theo mình một chiến binh có thành tích được chỉ huy ân thưởng một vài ngày phép là chuyện bình thường,bác đừng ấy nấy gì.
        Địa bàn khu vực sông Chinit khá phức tạp,là địa bàn hoạt động của tiểu đoàn 2 và của cả tiểu đoàn 3 e55,tụi Pot củng khá lì và lủi như chuột ,K21 đã có lần bất ngờ tập kích một toán Pot đang dừng quân nấu cơm bên bờ sông Chinit và thịt được 2 thằng.
Logged
minhchau_d2e551978
Thành viên
*
Bài viết: 46



« Trả lời #38 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 05:20:18 pm »

      Thân chào các chiến binh e55, những người đồng đội thân thương của tôi! xin được cảm ơn các bạn đã truyền cho tôi nguồn cảm xúc để viết tiếp những dòng tự truyện của một người lính.

       Tôi chia sẻ và có cùng cảm nhận với thượng tá  haanh và H3 Hùng về những quan điểm mà các bạn đã thể hiện đối với nội dung một số bài viết “ca ngợi” những người lính của chúng ta trong một tờ tuần báo đã phát hành cách đây hơn 30 năm.
       Trong cuộc sống thực tại, tôi cũng như các bạn thật khó để tìm thấy sự hài lòng với những gì đang diễn ra trong cuộc sống, trong số các bài viết của một tờ báo cũ được tribeco trích giới thiệu trên trang “Tụi mình là lính E55” đã có những bài viết mà tác giả của nó vì muốn tô hồng cho một cá nhân “anh hùng” nên đã phạm phải sai lầm khi cường điệu câu chuyện đến mức phi thực tế… nhưng dù sao thì báo chí cũng có vai trò nhất định trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống đấy các bạn ạ! Nhờ nó mà những “hình tượng chân chính” của những người chiến sĩ cách mạng luôn đẹp và là niềm tự hào của những ai đã từng cầm súng chiến đấu cho lý tưởng cao cả.

      Nói về điều này, vì tôi muốn được các bạn thông cảm và chia sẻ với tribeco về những điều anh không hề mong muốn, khi có những bài viết do anh giới thiệu không thể hiện đúng với bản chất sự việc. Về phần mình, tôi trân trọng ý tưởng của tribeco về việc thay đổi chủ đề của topic “Tụi mình là lính E55” phần 3 theo hướng tôn vinh những giá trị lịch sử đã được phản ảnh trên các diễn đàn và văn đàn. Từ ý tưởng này tribeco hy vọng sẽ đón nhận được sự hưởng ứng của nhiều đồng chí cựu chiến binh e55 qua các giai đoạn, cho dù họ xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, nhưng tất cả đều xứng đáng để được xem là những người con ưu tú của thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả trên chiến trường K, một chiến trường chứa đựng trong nó đầy đủ sự khốc liệt và tàn bạo của một cuộc chiến phi nhân tính do tập đoàn PolPot - Iêng Xary phát động …
     Theo đề nghị của tribeco tôi đã trao cho anh một trong những kỷ vật đã được tôi gìn giữ hơn 30 năm qua, những kỷ vật ấy đã được tôi giữ lại vì nó gắn liền với những kỷ niệm đẹp của một thời được sống và chiến đấu cho lý tưởng của tuổi trẻ của chúng ta… một bài viết trên một trang báo cũ chính là nguồn cảm hứng để tôi giới thiệu với các bạn một phần cuộc sống tình cảm của tôi qua tự truyện dưới đây… hãy xem và góp ý cho tôi nhé !
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Mười Một, 2010, 05:42:39 pm gửi bởi minhchau_d2e551978 » Logged
minhchau_d2e551978
Thành viên
*
Bài viết: 46



« Trả lời #39 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 05:22:17 pm »

 
        HOÀI NIỆM VỀ MỘT NGƯỜI ĐÃ ĐI XA !

   Suốt 30 năm qua, dù đã trải qua nhiều biến đổi trong cuộc sống  và môi trường  công tác, nhưng một trong những di vật mà tôi vẫn luôn trân trọng lưu giữ chính là những bài viết đã được đăng trên tờ tuần báo tuổi trẻ phát hành ngày 15 tháng 6 năm 1980, những bài viết nói về cuộc sống, chiến đấu và lẽ sống của những người lính trên tuyến đầu biên giới Tây Nam, những chiến sĩ tình nguyện quân trên chiến trường K, một chiến trường mang trong nó đầy đủ tính chất khốc liệt và tàn bạo của một cuộc chiến tranh phi nhân tính do tập đoàn PolPot – Iêng Xary lãnh đạo.
   Trao tận tay Phan Văn Trí một người đồng đội cũ ở trung đoàn 55 Quân khu 7 một tờ báo đã vàng ố và nhàu nát theo thời gian, tôi cẩn thận căn dặn : “Hãy giúp tôi gìn giữ nó cẩn thận và cũng đừng vì bất kỳ lý do gì mà để nó bị thất lạc Trí nhé!”. Một tờ báo cũ phát hành cách nay vừa đúng 30 năm với mọi người nó chẳng có một chút giá trị gì, nhưng với tôi đó là một kỷ vật gắn liền một câu chuyện bi thương đã theo tôi suốt hơn 30 năm qua và chắc rằng nó sẽ còn tiếp tục theo tôi chưa biết đến bao giờ?
   Cùng với các phóng viên của đài truyền hình, đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và anh Trần Thế Tuyển phóng viên Báo Quân đội nhân dân… Nguyễn Phan tác giả của bài viết “Anh trung đội trưởng rất tình cảm” đã gặp chúng tôi vào ngày cuối cùng tại Đại hội chiến sỹ thi đua Quân khu 7 năm 1979. Trong lúc tiếp chuyện cùng tôi Nguyễn Phan đặc biệt chia sẻ cùng tôi về chuyện đổ vỡ hạnh phúc của gia đình tôi, về tình cảnh nheo nhóc của hai đứa trẻ đang chờ cha của chúng trở về từ mặt trận.
   Các thiên phóng sự và bài viết của các phóng viên báo chí về Đoàn anh hùng chiến sỹ thi đua của Mặt trận Tây Nam chưa kịp phát hành thì những người lính của trung đoàn 55 đã âm thầm giã biệt thành phố thân thương để trở về với mặt trận ngay trong buổi chiều ngày làm việc cuối cùng của Đại hội mừng công toàn Quân khu năm 1980.

   Một tháng sau tôi nhận được thư nhà, mẹ tôi cho biết gần đây bà nhận được khá nhiều lời thăm hỏi của các bạn đoàn viên trẻ đến từ các Trường Đại học trong thành phố, trong đó bà đặc biệt nhắc nhiều đến tên của một cô gái, người tôi muốn nhắc đến trong câu chuyện này đó là Trần Ánh Lâm - sinh viên năm thứ 4 của Trường đại học Nông Lâm 4.

      Theo những gì Phan Minh Vũ, cậu em trai út của tôi mô tả thì trường hợp Ánh Lâm đến với gia đình tôi là rất đặc biệt, khác với những người bạn trẻ khác khi đến chỉ là để thăm hỏi và động viên mẹ tôi rồi từ biệt để trở về với giảng đường đại học của mình. Riêng với Ánh Lâm kể từ buổi chiều đầu tiên ấy cho đến tận những ngày tháng còn lại của tôi trong quân ngũ không có buổi chiều thứ bảy nào gia đình tôi vắng bóng cô sinh viên Trường Đại học Nông Lâm. Với mẹ tôi, Ánh Lâm đã trở nên gần gũi và thân thiết như một cô con gái đảm đang trong gia đình. Còn với hai đứa trẻ con tôi, Ánh Lâm chính là điểm tựa tình cảm, là chổ dựa tinh thần từ khi chúng không còn có mẹ bên cạnh.
       Câu chuyện bắt đầu từ một buổi chiều thứ bảy, lúc cả nhà đang chuẩn bị cho bửa cơm chiều thì gia đình bất ngờ đón một người khách lạ… một cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn, trắng trẻo...mang trên vai một chiếc bòng bằng vải dù… theo lời giới thiệu của đồng chí cán bộ phụ trách công tác thương binh - xã hội của Ủy ban nhân dân phường 3, cô rụt rè gỡ chiếc nón tai bèo trên đầu xuống rồi nhỏ nhẹ hỏi mẹ tôi : “Thưa bác, đây có phải là nhà của anh Phan Minh Châu không hả bác”… mọi người trong nhà như linh cảm đã có điều gì không may đã xảy đến với tôi … mẹ tôi run rẩy hỏi “Chú và cô đây đến để báo tin về con tôi phải không…” nói đến đây bà không còn giữ được bình tỉnh, quay sang ôm lấy đứa cháu nội gái đang đứng ngơ ngác bên cạnh rồi bật khóc. Người cán bộ đi cùng với cô gái vội lên tiếng trấn an cả nhà : “Dì ba hiểu lầm rồi, cô đây là sinh viên, được biết gia đình của anh Châu đang gặp khó khăn, do anh còn phải làm nghĩa vụ ở chiến trường, nên tìm đến thăm và tặng quà cho hai đứa nhỏ con của anh Châu, vì không tìm được nhà nên cô đã đến phường nhờ cháu chỉ đường tìm nhà chứ không có tin gì đâu dì ba!”
   …Gạt vội giọt nước mắt mừng vui trên đôi gò má nhăn nheo, mẹ tôi yên lòng đón khách vào nhà. Sau bữa cơm tương rau cùng ăn với gia đình tôi, đêm đó Ánh Lâm ngỏ ý xin phép mẹ tôi được nghỉ lại qua đêm ở nhà tôi, vì cô muốn biết nhiều hơn nữa tình cảnh của mẹ tôi và những đứa trẻ con tôi, khi không có tôi người lao động chủ yếu của cả nhà bên cạnh.
      Tối đến, lúc các em và hai đứa con của tôi đã vào giường ngủ, bên ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu Ánh Lâm lục tìm trong chiếc túi xách cũ mang theo bên mình một tờ báo rồi nói với mẹ tôi : “Bác có biết vì sao đêm nay con ở lại đây với bác không? con đến vì câu chuyện cảm động có thật mà con vừa đọc được trên trang báo này trong buổi sinh hoạt đầu tuần của Đoàn trường Đại học Nông Lâm, nơi con đang theo học năm cuối cùng…” rồi cô đọc cho mẹ tôi nghe nội dung của bài viết ấy…
Sáng sớm hôm sau, cô giả biệt mẹ tôi để về trường cho kịp giờ lên giảng đường, trước lúc ra xe cô trao cho mẹ tôi tờ báo và dặn : “Bác hãy thay con giữ nó và trao lại cho anh Châu khi nào ảnh có dịp về thăm nhà, vì nhờ có nó mà con mới được biết gia đình mình”.
        Thời gian cứ trôi đi, không biết từ bao giờ mẹ và hai đứa con của tôi đã có thói quen chờ đợi một người không họ hàng, không ruột thịt nhưng từ lâu đã trở thành một người không thể thiếu khi cả nhà nhớ đến tôi!

       Tháng 9 năm 1980 tôi nhận được bức thư đầu tiên của Ánh Lâm với lời mở đầu khá hóm hỉnh : “Thương chào chú bộ đội Phan Minh Châu…” qua thư tôi được biết hai chị em cô, là con của một cán bộ quân giới miền đã hy sinh năm 1967 trong một mật khu ở Cà Mau, sau đó không lâu mẹ cô cũng hy sinh trên đường công tác vào nội thành, chị gái duy nhất của cô được gửi ra miền Bắc vào trường học sinh miền Nam và thời điểm cô viết thư cho tôi vào cuối năm 1980 chị cô lúc ấy đã là một cán bộ lãnh đạo của Ban Tổ chức Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh...
                                                  ( còn tiếp 1 kỳ )
                          

        
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Mười Một, 2010, 05:34:12 pm gửi bởi minhchau_d2e551978 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM