Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:55:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Điện Biên Phủ 20/11/1953 - 7/5/1954  (Đọc 367163 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
minhtit
Thành viên
*
Bài viết: 14


« Trả lời #50 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 01:01:51 am »

VI
Đêm hôm ấy mặt trận trên C1 trở nên tương đối yên tĩnh. Riêng bên A1 thì vẫn gay go. Một đơn vị của đại đoàn bạn đã được tung vào chiến đấu.
Sáng hôm sau, vẫn không thấy bọn Pháp đánh lên C1 nữa. Chúng tôi biết cuộc đánh phản xung phong của chúng tôi suốt ngày vừa qua đã gây cho bọn chúng những tổn thất nặng nề. Chúng chưa hồi phục, củng cố kịp lực lượng. Về phía chúng tôi, tranh thủ tình hình mặt trận tương đối yên tĩnh (chỉ có pháo cối của địch thỉnh thoảng bắn tới) kiên quyết chuẩn bị khẩn trương để tiếp tục đánh xuống C2.
Buổi tối hôm ấy tôi lên C1 để quan sát trận địa C2, đồng thời cũng muốn được tận mắt nhìn thấy cái cột cờ "sinh tử" của C1. Tội gọi đồng chí Quang, tác huấn cùng đi. Hai chúng tôi đi dọc theo giao thông hào từ sở chỉ huy trở ra. Tới cánh đồng hẹp dưới chân C1, đường hào cơ hồ không còn gì nữa. Quang cảnh đã đổi khác rất nhiều làm cho chúng tôi phải kinh ngạc. Tất cả các mặt ruộng đều như bị cày lật lên hết, những tảng đất lớn nhỏ nổi lên cuồn cuộn. Hố đại bác dày đặc như lỗ tổ ong. Những quả bom tạ cũng đã đào thành những cái giếng khổng lồ dọc theo đường hào, tới sát chân đồi C1.
Lên tới đồn địch, chúng tôi càng thấy rõ thêm tính chất dữ dội của trận đánh vừa qua. Hầm hố, chiến hào hầu như không còn gì nữa. Tôi bỗng liên tưởng tới Thượng-Cam-Lĩnh. Ở đây đất đá cũng đã bị nát vụn như cám. Chân bước ngập sâu xuống đất tới hai mươi phân, dù có đế giày mà chúng tôi vẫn cảm thấy những mảnh thép gang nhọn hoắt, đâm lên tua tủa. Trời tối lắm. Được cái bọn địch bên A1 thỉnh thoảng lại bắn vọt lên những quả pháo sáng rực. Trong những giây phút ấy quang cảnh tàn phá của chiến trường lại hiện lên lồ lộ trước mặt chúng tôi. Tôi biết rằng bộ đội của chúng tôi đã giáng cho bọn địch một đòn ác liệt.
Chúng tôi đi thẳng tới cột cờ. Nó không còn gì nữa. Cái trụ đã nát nhừ, chỉ còn sót lại những mảnh đá vụn trắng tinh. Mặt đất xung quanh bị xáo lộn. Máu đọng lại thành từng vũng, đã thâm đen. Một vài chiếc lưỡi lê gãy cong queo nằm rải rác gần đó. Tôi bỗng lại nghĩ đến Cải, và trái tim tôi lại đau nhói. Đồng chí trung đội trưởng của trung đội (thuộc thê đội 2 của trung đoàn) lên thay thế cho tất cả các lực lượng cũ của chúng tôi trên C1, phụ trách phòng ngự, dẫn chúng tôi đến hầm tên quan ba chỉ huy. Gọi là hầm nhưng thực ra cũng không còn gì nữa. Anh em phải moi đất mãi mới tạo lại được một cái hố trú ẩn chật hẹp. Tôi để ý thấy tất cả những cột gỗ, xà gỗ của cái hầm này đều rất cũ và giống như xà nhà, cột nhà. Thì ra bọn Pháp đã dỡ nhà đồng bào dưới các bản, lấy tre gỗ lên đây làm công sự. Tội bật đèn bấm soi bên trong: chỉ thấy những mảnh sắt nát của những chiếc máy bộ đàm, điện thoại. Tôi cùng mấy chiến sĩ đứng gác gần đấy nói chuyện, hướng dẫn cho các đồng chí ấy cách cải tạo công sự địch, và quan sát, cảnh giới. Riêng đối với đồng chí trung đội trưởng, tôi căn dặn rất kỹ về cách tổ chức trận địa phòng ngự, áp dụng kinh nghiệp của "Đồi xanh", "Đồi 75". Sau đó lại nhắc đi nhắc lại việc tiếp tục bới tìm tử sĩ, lấp lại cái hố chôn Tây cho kỹ, bảo đảm vệ sinh trận địa. Đồng chí trung đội trưởng tỏ ra rất lanh lợi và bình tĩnh. Tôi nắm lấy cánh tay đồng chí, nói: "Các cậu phải đánh như Thượng-Cam-Lĩnh mới được!". Đồng chí nhìn tôi bằng cặp mắt nâu nâu, gan góc và thành thật, khẻ mỉm cười. Nụ cười ấy có đầy đủ ý nghĩa của những lời hẹn nồng nàn, chắc chắn. Tôi hỏi về những khó khăn còn tồn tại. Đồng chí ấy nói chỉ gay nhất là nước uống. Suốt cả ngày hôm qua anh em rất khát. Tôi hứa sẽ bàn với tiểu đoàn, đại đội tổ chức lại việc tiếp tế cơm nước lên trên này. Trước khi trở xuống, tôi đi vòng trận địa một lượt nữa để tận mắt được nhìn hầu hết các chiến sĩ. Có bao nhiêu người đâu! Gọi là một trung đội, nhưng thực ra chỉ còn có mười tám người, mười tám dũng sĩ xứng đáng của trung đoàn chúng tôi. Trong lúc chúng tôi nói chuyện, súng cối từ C2 chốc chốc lại câu sang ùng oàng, lắm khi cắt đứt cả câu chuyện.
Tôi từ biệt các chiến sĩ mà lòng tràn ngập xúc động. Sáng hôm sau tôi về sở chỉ huy đại đoàn họp. Trời hôm ấy khá quang đãng, leo lên những mỏm núi cao phía sau, lại được thở hít không khí trong trẻo không vẩn một chút khói súng, lại được nhìn thấy những màu xanh vô tận của thiên nhiên, sự mệt mỏi của tôi giảm hẳn. Tuy nhiên, cái chuyện C2 vẫn như một hòn đá đeo nặng trĩu ở bên lòng. Càng gần tới sở chỉ huy, hòn đá đeo ấy càng nặng thêm lên. Tôi sẵn sàng nhận lỗi trước Bộ tư lệnh. C2 chưa xong, chiến sĩ bị thương vong một số, dầu sao đó cũng là lỗi ở tôi, vì tôi là người chỉ huy phụ trách chung. Tôi sẵn sàng nhận mọi lời quở trách, và sẽ không bào chữa một điểm nhỏ.
Nhưng mọi việc đã xảy ra khác với dự đoàn của tôi. Bộ tư lệnh không phê bình tôi mà chỉ có ý kiến rằng phải rút kinh nghiệm đánh phản xung phong, đánh nhanh giải quyết nhanh là tốt nhưng phải đi đôi với đánh chắc tiến chắc. Tôi vốn là người hay nóng nảy, nhưng đồng thời cũng dễ xúc cảm. Bởi vậy trước thái độ thương yêu của Bộ tư lệnh, tôi hết sức xúc động.
Sau khi ở sở chỉ huy đại đoàn trở về, tôi lại ra C1 lần nữa để động viên chiến sĩ, nghiên cứu thêm trận địa. Buổi chiều, trời bỗng đổ mưa rào, cho tới xẩm tối mới ngớt. Không khí lạnh hẳn xuống. Tuy nhiên, tôi hiểu: chính lúc này tôi càng cần phải ra với chiến sĩ. Chắc chắn lúc này tinh thần anh em rất căng thẳng. Con suối từ sở chỉ huy trung đoàn chạy ra cánh đồng, mọi khi vẫn cạn, nhưng lúc này đã đầy tràn. Nhiều quãng lội không được, tôi phải bơi. Ra tới cánh đồng, gặp những đoạn hào sâu, ngập nước cũng lại phải bơi nốt. Khi gặp những hố hom (lúc này đã thực sự trở thành những cái giếng lớn) càng phải ra sức mà bơi qua. Lên tới C1, người còn ướt lướt thướt, rét run lên, tôi đã nhận thấy ngay: trong ngày hôm nay địch lại bắn phá lên đây rất mạnh. Hầm hố do anh em đào tối qua đã bị phá sập mất khá nhiều. Đồng chí trung đội trưởng đưa tôi về ngay hầm của đồng chí ấy.
- Anh vất vả quá...
- Tình hình ra sao? - Tôi hỏi ngay.
Đồng chí trung đội trưởng báo cáo: hôm nay địch lại cho xe tăng lên C2, chĩa súng sang biên này bắn phá. Ta lập được ụ súng nào nhòm sang C2, nó bắn vỡ ụ súng ấy. Bên ta, hai chiến sĩ bị thương.
Tôi đi thẳng ra phía tiền duyên để quan sát. Bực lắm! Tôi quyết sẽ đưa ĐKZ lên đây. Rồi bọn Pháp sẽ hiểu rằng chúng nó không thể muốn làm gì thì làm. Tôi nhấn đi nhấn lại với đồng chí trung đội trưởng: "Phải săn xe tăng, cậu hiểu chứ!". Tôi lại dặn anh em chiến sĩ từ rày làm ụ súng phải làm thấp xuống, và nguỵ trang cho kín đáo. Trong lúc tôi đang nói thì bọn địch phía Hồng-cúm lại "đánh trống". Chúng tôi chỉ kịp cúi xuống thì một loạt đạn lựu pháo đã nổ tơi bời trên mặt đồi. Rồi tiếp những loạt khác. Tôi nhận thấy quả là pháo, cối địch có gây nhiều khó khăn trở ngại cho mình thật. Khi tiếng trọng pháo ngừng, tôi bèn dẫn đồng chí trung đội trưởng ra sườn đồi phía tay phải, giáp với D1, chỉ một chỗ và bảo phải cho anh em đào ngay một hầm trú ẩn lớn và kiên cố. Có như vậy mới tránh được thương vong, và mới có nơi nghỉ ngơi cho chiến sĩ, bảo đảm sức khoẻ để chiến đấu liên tục. Sau đó tôi hỏi về vấn đề cơm nước. Đồng chí trung đội trưởng báo cáo: nước đã có đầy đủ, cơm tuy không được nóng bỏng nhưng cũng còn âm ấm, anh em thoả mãn lắm rồi. Tôi dặn phải củng cố trận địa tốt hơn nữa, và hứa sẽ gửi "tu-lơ-khơ" và sách báo lên. Trời vẫn lất phất mưa, người rét cóng, hai chân tôi đã bết bùn trong giao thông hào, nặng như đeo cùm, đi lại rất vất vả.
Về tới sở chỉ huy phần vì bị lạnh quá, phần cũng mệt, tôi lên cơn sốt. Quần áo khô để thay không có. Tôi đành cởi trần, cuộn mình trong chiếc chăn, nằm ngủ thiếp đi. Giấc ngủ rất mê mệt.
VII
Ngày hôm sau, đồng chí trung đội trưởng báo cáo về sở chỉ huy trung đoàn: trận địa đã vững, hồi 12 giờ ĐKZ ta đã bắn hỏng một xe tăng địch. Từ lúc đó chúng không dám mò lên nữa. Cả ban chỉ huy chúng tôi đều mừng lắm.
Trong ngày hôm ấy một đồng chí cán bộ trên Bộ xuống phổ biến kinh nghiệm chiến đấu đánh giao thông hào, đường hầm. Chúng tôi bèn tổ chức một trận địa giả ở tuyến sau, gần giống như C1 để cho cán bộ và chiến sĩ tập luyện. Lối đánh này xem ra rất thích hợp và có hiệu lực, chủ yếu đánh bằng lựu đạn kết hợp với tiểu liên, súng trường. Kinh nghiệm làm những cự mã dây thép gai để bịt các ngách hào, cũng la những kinh nghiệm tốt có thể áp dụng được. Các cán bộ, chiến sĩ của chúng tôi đều rất phấn khởi, tin tưởng. Trong các hầm hố giả, anh em huỳnh huỵch tập luyện, gợi cho tôi nhớ lại tất cả những ngày luyện quân sôi nổi ở hậu phương, và cũng gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ về quyết tâm lớn lao của Đảng trong việc tiêu diệt cái tập đoàn cứ điểm Điện Biên này, cũng gợi cả cho tôi một hình ảnh rất mãnh liệt về tinh thần quật cường, gan góc của cả dân tộc Việt Nam ta.
Cũng trong ngày hôm ấy tôi nhận được điện thoại của anh Vương Thừa Vũ, tư lệnh trưởng đại đoàn bạn, người thủ trưởng kính mến cũ của tôi. Anh Vũ hiện đang chỉ huy một đơn vị đánh A1 (thay cho đơn vị đồng chí An đã rút về phía sau củng cố). Tôi mừng quá, cầm lấy máy nói. Tôi lại được nghe cái giọng nói quá quen thuộc của anh. Anh nói: " Vũ Lăng ơi! Đơn vị Z đang gặp khí khăn đấy, tiếp viện bên này chưa lên kịp. Vậy cậu xem có cái gì có thể giúp được nó không? Đơn vị Z là đơn vị cũ của cậy đấy!".
Đơn vị Z đúng là "quê hương", là "nơi chôn nhau cắt rốn" của tôi khi trước, từ những ngày đầu nổ súng. Do nhu cầu xây dựng quân đội, tôi đã phải xa nó từ mấy năm nay... Nghe tới mấy tiếng "đơn vị Z", lòng tôi đã dào dạt xúc động. Tôi không ngờ nó đang bị khó khăn đến thế, hơn nữa nghe những lời nói thiết tha, ruột thịt của đồng chí thủ trưởng kính mến cũ, tôi càng thêm cảm động. Tôi đáp: "Báo cáo anh, hết sức mình, bên này còn những gì tốt, những gì quý sẽ đưa ngay sang bên anh không tiếc. Nếu anh cần, tôi cũng xin sang để nhận nhiệm vụ do anh phân phối..."
Nói xong, một mặt tôi báo cáo về đại đoàn xin chỉ thị một mặt cấp tốc tập trung phần lớn những bộc phá tốt còn lại, tập trung cả một số cán bộ tiểu đội và chiến sĩ bộc phá giỏi của trung đoàn. Chúng tôi không phải chờ đợi lâu, chỉ trong phút chốc đã nhận được điện của đại đoàn: đồng ý phải tiếp sức ngay cho đơn vị bạn trên A1.
Logged
minhtit
Thành viên
*
Bài viết: 14


« Trả lời #51 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 01:03:09 am »

VIII
Tôi được lệnh về Bộ chỉ huy chiến dịch họp. Cũng như lần trước về đại đoàn, lần này tôi cũng mang một mối lo canh cánh bên lòng. Tôi vẫn sẵn sàng nhận lỗi về vụ C2. Tôi tin rằng ở đại đoàn, tôi còn được khoan nhượng, nhưng lên tới Bộ, có lẽ tôi sẽ không được ta thứ nữa.
Trong cuộc họp này anh Văn phê bình rất nghiêm khắc tư tưởng chủ quan của cán bộ. Chính vì tư tưởng chủ quan ấy mà có những trận đánh không gọn gàng, tuy thắng nhưng cán bộ, chiến sĩ thương vong nhiều.
Có thể nói chưa bao giờ tôi thấy anh nóng giận. Vậy mà lần ngày anh phải tỏ ra rất không hài lòng.
Sau cuộc họp, tôi được gọi đến hầm làm việc của anh. Đó là một căn hầm khá rộng, đủ chỗ bày cả một bộ bàn ghế. Tôi hồi hộp bước vào. Nhưng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy nét mặt anh đã trở lại bình tĩnh, tươi tắn như cũ. Anh chỉ gian hầm, vui vẻ hỏi:
- Cậu xem, chỗ này ở được đấy chứ?
Tuy vậy tôi vẫn chưa hết hồi hộp. Anh bảo tôi ngồi xuống, rót nước cho tôi uống, sau đó mới nhìn thẳng vào mặt tôi, ôn tồn nói:
- C1 tốt đấy! Nhưng C2 phải rút kinh nghiệm.
Chỉ mới có bằng ấy câu thôi, tôi đã ứa nước mắt vì thấy mình có khuyết điểm, thấy cấp trên đã hiểu mình, cấp trên rất độ lượng, khoan dung, mặt khác cũng sung sướng vì chiến sĩ đơn vị mình dầu sao cũng đã không đến nỗi hoàn toàn phụ lòng mong mỏi của Đảng.
Chỉ cần có bằng ấy câu thôi, tôi cũng đã thấm sâu tất cả những ý gì mà anh Văn muốn phê bình, và cũng muốn cổ vũ tôi, an ủi tôi, đồng thời chỉ thị cho tôi nữa. Quyết tâm của tôi càng thêm nung nấu.
Sang ngày hôm sau, tôi vẫn tiếp tục họp ở Bộ.
Đang giữa cuộc họp thi được tin một vị trí địch kéo cờ trắng ra hàng, nhưng đồng thời cũng nhận được một tin dữ đối với tôi: Địch lại cho hai xe tăng lên C2 bắn phá C1. Lần này chúng bắn phá rất ác. Ruột tôi như có lửa đốt. Thân thể ngồi họp ở đây mà tư tưởng đã bay về tới tận C1. Trăm câu hỏi quay cuồng trong óc tôi. Không hiểu anh em đã đào xong cái hầm trú ẩn ở sườn phải chưa? Không hiểu lần này anh em có diệt được xe tăng không?... Tôi bèn xé một mảnh giấy trong sổ tay viết gửi về cho đồng chí trung đoàn phó, đề nghị đồng chí ấy lên trận địa kiểm tra lại hấm hố, nhất là cái hầm sườn bên phải, kiểm tra cả nước uống nữa. Hôm sau (10 tháng 4 năm 1954) Bộ cho biết: quân phản kích lớn đã ra tới gần C2. Tôi được lệnh rời cuộc họp trở về tức khắc.
Càng về gần tới trận địa, càng nghe thấy tiếng súng nổi hỗn loạn, tôi càng sốt ruột, xẩm tối, tôi mới tới sở chỉ huy tiền phương (sở chỉ huy cơ bản đã rút sâu vào bên trong cách đây ít lâu, từ khi cuộc phòng ngự trên C1 đã tương đối ổn định). Tôi thở không ra hơi nữa. Cũng vừa lúc ngoài C1 báo về: địch phản kích lần này rất mạnh và đã chiếm được "cột cờ". Lại "cột cờ"!. Tin nghe gần như sét đánh mang tai, tôi "đau đầu" quá. Hỏi lại tình hình tỉ mỉ hơn thì biết: suốt ngày, cuộc chiến đấu trên C1 Đã diễn ra gần y như lần địch phản kích trước. Trước khi xung phong, bọn Pháp nã pháo, cối vào trận địa ta tơi bời, sau đó mới xông len. Xung phong không được, chúng lại rút sang C2 và lại bắn pháo, cối lên như mưa như bão... Lần này chúng còn đem theo hai súng phun lửa. Chiến sĩ ta chưa hề được nom thấy loại súng này bao gờ, chứ chưa nói tới việc hiểu được tính năng tác dụng của nó. Tuy vậy địch cũng đã phải xung phong rất nhiều lần nới lên được tới "cột cờ". Trong quá trình chiến đấu, ban chỉ huy trung đoàn chúng tôi ở nhà đã hết sức chú trọng tăng cường sinh lực cho bộ phận phòng ngự trên C1. Đồng chí trung đoàn phó đã nhiều lần cho bộ đội (của thê đội 2 trung đoàn) lên. Nhưng vì địch dùng pháo phong toả đường liên lạc về hậu tuyến rất ngặt, nên chỉ đưa "nhỏ giọt" lên được từng trung đội. Những trung đội ấy khi vượt qua được những lưới lửa lên tới C1 thì đã bị tiêu hao, chỉ còn đủ sức cản địch lại, không cho từ "cột cờ" đánh dốc xuống. Cần phải nói rằng làm được như vậy cũng đã làm một thắng lợi khá lớn vì bọn địch quyết đánh, ào ạt tấn công. Vậy mà chúng cũng chưa thực hiện được ý muốn: chiếm lại hoàn toàn C1. Tuy nhiên, bọn chúng cũng đã củng cố được "cột cờ", đặt ba ụ đại liên. Ba ụ đại liên ấy hết sức lợi hại. Chúng phong toả khắp mặt đồi, đẩy ta lâm vào một tình thế rất hiểm nghèo, dễ bị hất xuống khỏi C1 như chơi.
... Trong đêm ấy Bộ chỉ huy luôn luôn điện hỏi tình hình và quyết tâm của chúng tôi. Đại đoàn cũng vậy. Tôi không bao giờ dám báo cáo ẩu. Tình hình hiện nay rất phức tạp, khó xử trí: Tôi báo cáo lên cấp trên xin phép được ra trận địa quan sát, rồi sẽ báo cáo quyết tâm sau. Cấp trên đồng ý.
Mờ sáng, tôi chỉ thị cho hoả lực của trung đoàn tập trung nhằm sẵn tất cả vào khu "cột cờ", rồi bắt đầu leo lên C1. Buổi sáng ấy mặt trận tương đối yên tĩnh. Địch đang sửa soạn để đánh xuống, ta vẫn đang nghiến răng cố giữ mảnh trận địa còn lại, chuẩn bị để phản xung phong lên. Tới C1 như đêm qua báo cáo, mà đã mất tới hai phần ba. Quân hai bên đã giáp nhau lắm rồi, chỉ cách nhau có vài chục mét. Mà ta lại bị dồn xuống một thế thấp. Thật quả là nguy hiểm và đáng lo ngại. Hình thái chiến trường y như hai anh đô vật đã khoá chặt lấy cổ nhau, nhưng một anh đã bị nằm sấp. Kẻ tương đối thắng thế thì đang dốc toàn lực ra hòng lật ngửa bụng đối phương lên. Người đang bị uy hiếp cũng đang cố vận dụng hết gân cốt để chống đỡ lại, mong tiến tới vật ngã quân thù trở lại.
Những loạt đạn đại liên chốc chốc lại nổ xé. Trận địa quá chênh vênh. Tôi thầm nghĩ: "Rất có thể mình lên tới đây sẽ cùng tham gia đánh quân phản kích với anh em đây". Và tôi chuẩn bị sẵn sàng.
Tôi đi tới căn hầm trú ẩn ở sườn phải. Cái hầm đã méo mó hẳn. Đồng chí Vượng, tiểu đoàn trưởng thê đội 2 đã có mặt ở đó và đang họp cùng một số cán bộ. (Tiểu đoàn này đáng lẽ ra để đánh C2, nhưng vì tình hình C1 đã quá xấu, ban chỉ huy trung đoàn chúng tôi đã buộc phải đưa nó lên C1 tăng viện). Nom thấy tôi, Vượng và anh em mừng lắm. Chúng tôi cùng siết chặt lấy tay nhau, những cái siết tay bao hàm biết bao ý nghĩa. Qua một ngày chiến đấu căng thẳng, mặt mũi họ hốc hác hẳn, quần áo lấm láp, tơi tả. Tôi hỏi:
- Các cậu còn bao nhiêu lực lượng?
- Báo cáo, chỉ còn bốn mươi người
(Trong tay tôi cũng chỉ còn giữ lại được ở phía sau một đại đội dự bị). Tình hình quả là rất xấu. Tuy nhiên, sau khi trao đổi ý kiến, chúng tôi đều nhất trí: dù thế nào cũng phải chiếm lại "cột cờ", giành lại C1. Dù thế nào cũng phải tấn công. Lùi không được, mà ngồi tại chỗ cũng không xong. Mất C1 là có tội với chiến sĩ, với nhân dân, với Tổ quốc. Đồng chí Vượng và anh em cán bộ tuy đã mệt mỏi lắm, nhưng tinh thần họ vẫn rất mạnh. Họ kiên quyết xin cho đánh. Thái độ ấy đã cổ vũ và giữ vững được lòng tin của tôi nhiều lắm. Tôi bên vạch một kế hoạch: Tình hình này địch rất có thể đánh xuống bất cứ lúc nào, vậy trước hết hãy phải giữ bằng được trận địa còn lại, nghiến răng lại mà giữ. Hoả lực sẽ được đưa thêm lên. Công sự phải củng cố lại. Rút bớt những người không cần thiết, kể cả thương binh ở trên trận địa. Đến tối sẽ phản xung phong, như thế sẽ có lợi, vì tận dụng được yếu tố bí mật, bất ngờ. Lần này sẽ không dùng hoả lực pháo binh vì kinh nghiệm lần trước đã cho biết: bắn pháo nếu không có hiệu lực thì chỉ tổ "đánh thức" bọn địch dậy để chúng đối phó kịp thời. Nghe kế hoạch này, Vượng và anh em cũng xuôi xuôi nhưng xem ra vẫn còn ngại ba cái khẩu đại liên lợi hại ở "cột cờ" lắm.
- Nó gớm lắm anh ạ! Đấy nó lại rống lên đấy!
- Đây! Ho một tiếng là nó đã bắn rồi, chứ đừng nói tới gì khác...
Anh em xung quanh Vượng đề nghị với tôi: muốn thế nào cũng cứ xin "giọt" cho vài chục quả vào chỗ "cột cờ" ấy đã. Tôi bèn nói thật cho anh em biết: sơn pháo 75 còn có vài viên, đạn cối 120 cũng hết, còn trọng pháo của Bộ thì có lẽ phải tập trung vào A1, vì bên đó tình hình ngày càng gay hơn trước. Trong tay tôi chỉ còn có độc cối 81. Nhưng anh em sợ 81 sẽ "đám lưng" quân mình vì ta, địch ở giáp nhau thái quá. Tôi bèn bảo mọi người lấy lại đồng hồ cho thống nhất, và quy định đến một giờ đã vạch sẵn trong kế hoạch, Vượng sẽ cho bộ đội bí mật rút về phía sau một quãng để tôi cho 81 bắn ( như vậy sẽ bảo đảm được an toàn cho quân ta). Khi cối dứt, Vượng phải cho anh em xung phong ngay. Kế hoạch ấy được mọi người tán thành.
Tôi yên tâm một phần, quay trở về sở chỉ huy, gọi điện báo cáo lên Bộ. Tôi nghe thấy tiếng anh cán bộ Cục tác chiến nói: "Cứ báo cáo tiếp đi" và sau đó thấy anh nói nhỏ với người nào ngồi cạnh: "Thế là cậu ấy quyết tâm đánh đấy". Tôi đã mừng vì kế hoạch của mình không bị trên bác bỏ. Nhưng cuối cùng lại nghe thấy anh cán bộ Cục tác chiến nói: "Vũ Lăng, anh nghe đây! Bộ chỉ huy sẽ tăng cường cho các anh một tiểu đoàn của đại đoàn bạn. Họ sẽ sang cùng phối hợp với anh trong trận này. Các anh sẽ bàn bạc với nhau, rồi báo cáo lên đây. Bộ cũng sẽ bắn chi viện cho các anh hai mươi quả 105!".
Được lời như cởi tấm lòng, tôi mừng quá, về ngay, sở chỉ huy cơ bản, báo cho chính uỷ biết về cùng thảo luận, đoạn báo tin cho cả bọn đồng chí Vượng để họ đón đồng chí tiểu đoàn trưởng của đại đoàn bạn lên nghiên cứu trận địa.
Ngày hôm ấy đồng chí trung đoàn trưởng của đơn vị đó đến gặp tôi. Hai anh em đã quen biết nhau từ lâu nên thú lắm. Vốn là người bộc trực thẳng thắn, anh cười và nói luôn:
- Cậu không giải quyết được C1 thì cái cao điểm của mình tuy xong rồi nhưng cũng mệt với nó. Mình sang, tiếng là giúp cậu nhưng chính cũng là làm cho mình thôi. Môi hở thì răng lạnh.
Hai chúng tôi cùng thảo luận kế hoạch và ngay đêm hôm ấy bộ đội của hai đơn vị chúng tôi cùng phối hợp phản xung phong. Trận đánh đã diễn ra có thể coi như dữ dội, ác liệt nhất trong tất cả các đợt đánh phản xung phong của chúng tôi trên C1. Địch chống cự cũng hết sức dữ dội. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt đêm. Súng, lựu đạn nổ liên hồi không dứt. Và tới gần sáng chúng tôi chỉ lấn thêm được một ít đất. C1 vẫn bị chia đôi, ta, địch mỗi bên chiếm một nửa. Chúng tôi cùng dự đoán: sang ngày hôm sau nhất định sẽ còn phải tiếp tục chiến đấu nhiều đợt nữa.
Nhưng không ngờ, sáng hôm sau, chiến trường hoàn toàn như tan rã. Không thấy bọn địch tấn công. Qua ngày hôm sau nữa cũng vậy. Địch chỉ bắn lẻ tẻ và thỉnh thoảng xung phong lẻ tẻ từng tiểu đội. Bấy giờ chúng tôi mới hiểu rõ: qua những trận phản xung phong liên tục và cực kỳ mãnh liệt, bộ đội chúng tôi và tiểu đoàn bạn tăng cường đã đánh cho quân địch trơ trụi, chỉ còn đủ hơi thở để sống, chân không sao bước lên được nữa... (Về phía ta, chúng tôi cũng cần phải có thì giờ để củng cố lực lượng, chưa tiếp tục tấn công ngay hôm đó được).
Logged
minhtit
Thành viên
*
Bài viết: 14


« Trả lời #52 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 01:04:04 am »

IX
Thế là từ hôm ấy những trận đánh lớn trên C1 tạm chấm dứt. Cuộc chiến đấu chuyển sang hình thái giằng co. Địch vẫn chiếm già nửa rồi, ta giữ non nửa. Có lúc ta đánh lên được tới gần "cột cờ", nhưng cũng có lúc địch lại lấn sâu xuống trận địa ta mươi mét. Pháo địch thỉnh thoảng giội xuống trận địa ta vài chùm, thì pháo, cối ta cũng nã sang bọn chúng vài đợt. Cả hai bên vẫn còn phải chuẩn bị, còn phải "lấy lại hơi thở", chưa bên nào vật ngã được bên nào. Tình thế này cũng chịu ảnh hưởng một phần quan trọng của tình hình A1. Ở bên đó cuộc chiến đấu giữa ta và địch cũng đang "bất phân thắng bại".
Trong thời gian này, Bộ tư lệnh đại đoàn quyết định tăng cường cho chúng tôi một tiểu đoàn của trung đoàn M, mục đích để cho chúng tôi có thể rút tất cả binh lực của trung đoàn trở về củng cố, chuẩn bị cho những đợt chiến đấu về sau, mặt khác cũng nhân dịp này giúp cho bộ đội M, có cơ hội rèn luyện, xây dựng truyền thống.
Tuy có thêm một tiểu đoàn, nhưng chúng tôi chỉ đưa một đại đội lên phòng ngự ở C1, vì trận địa rất hẹp. Đại đội trưởng đại đội này là đồng chí Dị, một người tháo vát và táo bạo. Tuy nhiên cũng phải công nhận rằng bộ đội M. xưa nay chỉ quen tiểu phỉ, chưa có kinh nghiệm công kiên, phòng ngự. Đó là điều mà chúng tôi rất lo lắng. Sau khi đưa đại đội của đồng chí Dị lên C1 được vài ngày, tôi lên kiểm tra trận địa. Tới một đầu hào, gặp một đồng chí tiểu đội trưởng đang đứng gác, mặt mày hốc hác, có vẻ rất đói ngủ. Đồng chí này là người dân tộc Tây. Tôi hỏi:
- Đồng chí gác ở đây đã mấy tiếng rồi!
- Báo cáo, sáu đêm!
Tôi ngạc nhiên:
- Sáu đêm chưa ngủ à?
Anh ta cười, nụ cười rất hồn nhiên:
- Báo cáo, ngủ thế nào được! Tôi là tiểu đội trưởng mà!
Tôi hiểu ngay: anh em chưa có kinh nghiệm phòng ngự nên tinh thần họ rất căng thẳng. Tôi ôn tồn giải thích cho đồng chí ấy cách bố trí, tổ chức cảnh giới quan sát. Tôi lại dặn phải cho anh em làm nhiều cự mã nhỏ để chẹn các đầu hào không cho địch bất ngờ lấn vào. Sau đó tôi gặp Dị bàn với đồng chí ấy cách tổ chức phòng ngự chung, và bàn cả cách tranh thủ bắn tỉa tiêu hao địch, đồng thời tổ chức bình thường hoá sinh hoạt trận địa, làm cho tinh thần chiến sĩ được ổn định hơn. Dị tỏ ra tiếp thu rất mau và sau đó anh đã dần dần chỉnh đốn được mọi mặt công tác chiến đấu, cảnh giới, quan sát, cho đến việc ăn, ngủ, giải trí trên trận địa.
Thời kỳ này cũng là thời ký chúng tôi "tích luỹ" vốn. Bởi lẽ hình thái chung của chiến dịch đã chuyển sang siết chặt vòng vây, phát triển đánh lấn, mở rộng phong trào thi đua bắn tỉa, săn Tây, đoạt dù. Đơn vị chúng tôi bắn tỉa cũng khoẻ, mà đoạt dù cũng khoẻ. Nhiều nhất là dù đạn. Đủ các loại đạn nhưng chủ yếu là đạn 105 mi-li-mét và 81 mi-li-mét. Đạn pháo và cối đoạt được của địch, chúng tôi đem nộp lên trên một phần, còn một phần giữ lại làm "vốn riêng", định bụng khi nào lại mở những đợt tấn công mới, sẽ đưa cho anh em pháo binh, nhờ họ bắn thêm cho thật "hả".
Sau khi dặn dò Dị về mọi mặt, trở về, ít lâu sau tôi lại trở ra C1. Lần này anh em vừa nom thấy tôi đã tay bắt mặt mừng. Anh này khoe về chuyện bắn tỉa, anh kia khoe về chuyện đã lấn sang trận địa địch được thêm ba bốn đoạn hào... Nom anh nào cũng nhanh nhảu, tươi tỉnh khác hẳn với lần trước. Rõ ràng là các chiến sĩ của chúng tôi một mặt đã hồi sức, một mặt đã dày dạn, thích ứng với đời sống căng thẳng trên mảnh đất nguy hiểm này. Dị báo cáo tình hình xong, đưa tôi đi quan sát trận địa. Tôi mừng rỡ nhận thấy rõ thêm: tình hình đã có nhiều biến chuyển khác trước, do kết quả của việc củng cố vững trận địa, nhất là do tinh thần chiến sĩ được phục hồi và tăng tiến, do kết quả lớn lao của phong trào bắn tỉa, săn Tây... cho nên quân ta đã giành được thể chủ động trên cái trận địa kém lợi thế này. Tôi nhìn sang trận địa địch thấy chết lặng hẳn. Hầu như không có dấu vết gì của sự sống trong những hầm hố ấy. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một hai tên lính địch chạy vụt đi vụt lại trong giao thông hào, vẻ hốt hoảng và sợ hãi vô cùng. Chốc chốc lại có tiếng súng của các tay thiện xạ bên ta nổ vang. Các chiến sĩ cười đùa rúc rích, di chuyển từ góc nọ sang góc kia thách nhau "săn mồi" vui y như học trò đi bắn chim, câu cá vậy.
Những sự kiện nầy nói ra có thể có người khó tin: Tại sao hai bên ở "giáp trán" nhau như vậy, địch lại ở thế cao mà không thể đánh bật ta xuống? Nhưng sự việc đã diễn ra đúng như tôi vừa nói. Điều kỳ lạ ấy thực ra không có gì khó hiểu. Chủ yếu vì địch đã kiệt quệ, và chủ yếu vì chiến sĩ ta có một tinh thần gan góc, dũng cảm tuyệt vời, càng đánh, chiến sĩ ta càng có kinh nghiệm, và công sự càng được củng cố vững chắc!
Tôi trở về sở chỉ huy. Buổi sáng hôm ấy sao mà trong trẻo, và đó cũng là lần đầu tiên trong chiến dịch tôi cảm thấy tâm hồn mình hoàn toàn thư thái, vui vẻ. Ngẩng lên ngắm nhìn bầu trời mùa xuân xanh dịu bao la, quay sang nhìn những đợt núi lam trập trùng hùng vĩ, cùng những đoá hoa ban còn sót lại rải rác ở các dải rừng phía sau, tôi bỗng ước muốn làm được mấy câu thơ. Tôi yêu đời quá! Tôi tin rằng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp cả. Viễn ảnh của những ngày chiến thắng, ngày giải phóng.... phấp phới hiện ra trước mắt, càng làm cho tâm hồn tôi thêm rạng rỡ.
Về đến con suối dưới chân sở chỉ huy, tôi cúi xuống rửa mặt. Bỗng nhiên nghe "rắc" một tiếng trên đầu. Bản năng tự vệ thúc tôi nhảy vọt sang một bên, tuy chưa kịp suy nghĩ gì. Tiếp đó nghe "uỵch" một tiếng. Thì ra một chiếc dù tiếp tế không mở bay lạc vào trong này. Một bọc to tướng rơi đúng chỗ tôi vừa đứng. Anh em tác huấn từ trên sở chỉ huy chạy ồ xuống mở ra thì thấy toàn bánh mì vẫn còn âm ấm. Mọi người cười vang:
- Thật là không chết vì súng đạn, ban chỉ huy tí nữa lại chết vì bánh mì nhé!
X
Trong khi phòng ngự, chúng tôi vẫn chuẩn bị để phản xung phong giành lại C1. Lần này chúng tôi chuẩn bị tỉ mỉ lắm. Rất nhiều cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên đã từng chiến đấu ở C1 được triệu tập về họp. Chúng tôi yêu cầu anh em vẽ lại tất cả hầm hố, chiến hào, nhất là khu vực "cột cờ". Sau đó chúng tôi xây dựng một trận địa tương tự như vậy, và tổ chức tập đánh. Mục tiêu chủ yếu vẫn là cái "cột cờ". Chúng tôi nghiên cứu từng động tác xung phong, từng cánh ném lựu đạn... cho tới cách đặt cự mã, phá cự mã, cách đuổi địch, diệt địch trong giao thông hào... Mọi công việc đều dồn dập và đầy tin tưởng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn lo nhất cái C2 vì tình hình bên đó chúng tôi vẫn hoàn toàn chưa biết gì hết.
Kế hoạch tác chiến đã được đặt xong, chúng tôi đem ra cho chiến sĩ cùng tham gia ý kiến xây dựng thêm. Trong khi ấy, ngoài C1 tôi vẫn cho vận dụng kinh nghiệm đánh lấn của đại đoàn bạn để đánh địch không ngừng, đồng thời cho pháo, cối thỉnh thoảng lại bắn một chập, phá tất cả các qui luật cũ làm cho địch không hiểu lúc nào đánh thật lúc nào đánh giả, tạo điều kiện bất ngờ sau này cho đợt phản xung phong quyết định.
Sau khi kế hoạch đã được xây dựng hoàn chỉnh, ban chỉ huy chúng tôi cân nhắc việc sử dụng lực lượng. Nếu dùng đơn vị của Dị hay nên dùng quân của trung đoàn chúng tôi làm lực lượng chủ yếu đây? Đơn vị của Dị chưa có kinh nghiệm đánh công kiên nhưng đã ở C1 một thời gian, quen địa hình rồi, lại đang có đà tiến, nếu kéo xuống, đưa quân của chúng tôi lên e sẽ làm đảo lộn, không ổn. Cuối cùng chúng tôi quyết định cứ dùng đơn vị của Dị làm chủ công, nhưng để bảo đảm chắc thắng, sẽ đưa một đại đội của tiểu đoàn đồng chí Vượng lên. Như vậy hai đại đội sẽ đánh hai mũi ôm vòng lấy C1, và đồng thời thọc vào, cùng chiếm lấy "cột cờ", chia cắt địch ra làm bốn mảnh. Hai đồng chí đại đội trưởng đều là cán bộ tốt. Dị thì táo bạo, đồng chí đại đội trưởng của tiểu đoàn đồng chí Vượng thì gan lỳ tướng quân (anh là trung đội trưởng trinh sát mới được đề bạt hồi giữa chiến dịch). Hai anh cùng vui vẻ thách thức nhau chiếm "cột cờ" trước nhất. Anh nào cũng trở về chuẩn bị cho bộ đội mình ráo riết. Riêng đồng chí đại đội trưởng của tiểu đoàn đồng chí Vượng đặc biệt chăm lo tới tiểu đội dao nhọn. Tiểu đội này được trang bị hoàn hảo, và huấn luyện rất tinh thục. Càng gần đến ngày nổ súng phản xung phong giành lại "cột cờ" và C1, tinh thần bộ đội chúng tôi càng náo nức. Những mối lo lắng của anh em đã được giải quyết: chúng tôi đã bàn rất kỹ, bỏ hẳn nửa ngày để thảo luận về cách diệt những khẩu súng phun lửa của địch. Còn ba khẩu đại liên lợi hại trên "cột cờ" cũng không phải là không có thứ trị nó. Chúng tôi đã quyết định đưa hẳn pháo 75 mi-li-mét trên D1 bắn thúc vào gáy chúng nó (D1 cao hơn C1). Đạn trọng pháo, đạn cối lần này lại khá dư dật...
Đêm 30 tháng 4 năm 1954, theo đúng kế hoạch, bộ đội chúng tôi bắt đầu chuyển sang tấn công. Những loạt trọng pháo lại rền vang. Cả vị trí đồi C1 lại chìm ngập trong lửa khói. Trời đất như đổ vỡ tan tành... và chỉ một loáng sau tin chiếm được "cột cờ" đã bay về làm tưng bừng cả sở chỉ huy.
Cuộc chiến đấu đó đã được chuẩn bị tốt nên diễn ra hết sức mau lẹ. Những mũi tấn công tiến rất nhanh. Đại đội trưởng Dị luôn luôn giữ vững liên lạc được với chúng tôi. Nhưng nội dung báo cáo của anh cũng có lúc luôn luôn thay đổi. Khi anh báo cáo đã chiếm được những lô-cốt cuối cùng của địch, lúc anh báo cáo bị địch ở C2 cắt mất sườn, lúc lại bảo có quân phản kích ở Mường Thanh đánh ra... Thấy vậy chúng tôi lập tức ra quan sát để xác minh tình hình thực tế ra sao. Thì ra tất cả những tình huống khó khăn mà Dị báo cáo lên đều do những khẩu trọng liên bốn nòng quái ác ở bên bờ sông Nậm Rốm bắn tới...
Sau đó Dị liên tiếp báo cáo:
- Chiếm được "cột cờ" rồi!
- Chiếm lại được hoàn toàn C1 rồi!
- Đã bắt sống và tiêu diệt hoàn toàn quân địch!
Những tin tức bay về vang rộn như những hồi kèn chiến thắng. Thế là sau đúng ba mươi hai ngày đêm cực kỳ ác liệt, gian khổ, bây giờ C1 mới hoàn toàn về tay chúng tôi. Rất mau chóng, bộ đội chúng tôi theo như kế hoạch đã định quăng không biết bao nhiêu dây thép gai và mìn (gỡ được của địch) về phía "yên ngựa" tạo thành một bãi chướng ngại vật dày đặc, bảo vệ kín tất cả sườn đồi C1, phía quân địch vẫn thường tấn công lên.
Như tôi đã nói, do chuẩn bị kỹ, nên trận đánh đã diễn ra gần hoàn toàn như ý muốn, không có gì đang phải áy náy. Chỉ huy cái tin đồng chí đại đội trưởng của tiểu đoàn đồng chí Vượng đã hy sinh ở "cột cờ" là làm cho tôi và anh em trong đơn vị vô cùng thương tiếc. Đồng chí đại đội trưởng ấy đã dẫn đầu tiểu đội dao nhọn, lao vào rất nhanh. Những ụ đại liên đã bị bộ đội của anh phá nát trong chớp mắt...
Logged
minhtit
Thành viên
*
Bài viết: 14


« Trả lời #53 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 01:04:26 am »

XI
Sau khi đã tiêu diệt hoàn toàn bọn địch ở C1, chúng tôi một mặt tăng cường phòng ngự, một mặt gấp rút chuẩn bị đánh xuống C2.
Đáng lẽ, tôi cũng có thể tiếp tục kể tỉ mỉ về trận chiến đấu thứ hai này. Nhưng vì bài hồi ký đã dài, vả lại ở đây tôi cũng chỉ muốn kể lại những câu chuyện chung quanh cái "cột cờ" ở C1. Về trận đánh xuống C2, chỉ xin tóm tắt: mấy ngày sau, cùng một đêm với A1 đại tấn công, chúng tôi được cấp trên tăng cường cho một phân đội của đại đoàn bạn đánh thẳng xuống C2. Xuống tới đó mới thấy cái Châu Ún này (tên thường gọi của C2) quả là một vị trí cũng rất mạnh. Nó có trên ba mươi ụ súng lớn nhỏ. Cuộc chiến đấu cũng diễn ra hết sức quyết liệt. Hai bên cũng giành đi giật lại từng đoạn hào, ụ súng, gần như ở C1. Cho tới khi bên A1 đã vang động tin chiến thắng, chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được cái đồn bướng bỉnh này. Mất A1, bọn Pháp đã dốc toàn bộ lực lượng vào C2 để phản xung phong, hòng chiếm lại để đánh quật về A1. Do đó những đợt phản xung phong của địch rất liên tục và ác liệt hơn bao giờ hết. Chúng tôi phải liên lạc yêu cầu quân ta trên A1 bắn thốc vào sườn chúng và chặn quân tiếp viện từ Mường Thanh ra. Đơn vị bạn bên A1 đã theo yêu cầu, chi viện cho chúng tôi rất đắc lực.
Mặt khác, tôi điện về đại đoàn xin pháo. Đại đoàn trả lời: "Có thể được nhưng phải hỏi Bộ". Sau đó tôi được trực tiếp nói chuyện bằng điện thoại với Bộ chỉ huy Mặt trận. Tôi lại nghe thấy giọng nói quen thuộc của đồng chí cục phó Cúc tác chiến ở đầu dây nói bên kia: "Được, sẽ cho anh bảy mươi quả 105". Tôi mừng quá vì lúc đầu tôi cũng chỉ dám phỏng đoán là trên cho độ 30 quả là cùng, nào ngờ... Nhưng chưa hết ngạc nhiên và sung sướng, ngay sau đó mấy phút tôi lại nghe thấy đồng chí cục phó Cục tác chiến nói lại với một giọng hết sức vui vẻ: "Vũ Lăng này! Anh Văn đang đứng ở gần đây. Anh Văn nói: Đây là cơ hội rất tốt để tiêu diệt sinh lực địch, cho cậu hẳn hai trăm quả 105 đấy! Có sướng không? Anh Văn chỉ thị: Phải tích cực lợi dụng hoả lực pháo binh để tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch". Tôi chỉ còn thiếu reo to lên, trong bụng phấn khởi không sao nói hết. Tôi thầm nghĩ: lần này trên rất "hào phóng" về đạn dược. Về sau này tôi mới biết rõ: thực ra trong lúc đó tình hình đạn dược của Bộ cũng rất gay, tuy vậy trong giờ phút quan trọng ấy, trên đã kiên quyết tập trung chi viện cho chúng tôi để giành lấy thắng lợi.
Hai trăm quả 105 mi-li-mét dồn dập lao thẳng xuống đầu bọn địch ở C2 và đội hình của những phân đội tiếp ứng ở Mường Thanh kéo ra. Dứt tiếng đại bác, bộ đội chúng tôi tràn ngay qua "yên ngựa", xốc thẳng vào C2. Đợt xung phong tấn công vũ bão ấy đã kết thúc khá mau lẹ. Trừ những tên bị bắn chết, toàn bộ quân địch đã giơ tay xin hàng. Tù binh kéo ra ùn ùn làm cho chính chúng tôi cũng phải ngạc nhiên, đếm tới hơn bốn trăm tên (trong đó có cả hai ban chỉ huy tiểu đoàn), thành phần toàn là lê dương và quân thù. Đây là một con số tù binh lớn nhất của đơn vị chúng tôi trong chiến dịch.
*
* *
Khi đã toàn thắng, tôi lại lên C1, lên đúng chỗ "cột cờ". Tôi đứng trên mảnh đất đã bở tơi, lổn nhổn những vỏ đạn súng trường, mảnh đạn pháo, cối, dây mìn... và có cả những cục đất đã khô bón máu người. Tôi thầm nghĩ: Đất Điện Biên giành lại được quả là gay go nhưng khi ta đã giành lại được nó thì sẽ còn giành được những thắng lợi lớn lao hơn nhiều...
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #54 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2009, 08:17:21 pm »

31 ngày đêm giữ đồi C1

Ngày này cách đây 50 năm đã diễn ra cuộc chiến đấu chiếm giữ từng tấc đất trên đồi C1. Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc kể lại chiến thắng thông minh sáng tạo của bộ đội ta cuối tháng 4-1954

C1 là cứ điểm trọng yếu cùng với A1 và C2 nằm sát gần nhau, địch tổ chức thành khu phòng ngự then chốt ở cửa ngõ phía Đông khu trung tâm Mường Thanh. Đợt tiến công thứ hai vào cứ điểm này là đợt dài ngày, gay go, ác liệt nhất. Trung đoàn 98 thuộc Đại đoàn 316 trong đó có đại đội “bộ binh pháo” của chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm C1.

Đánh chiếm đồi C1

Tham gia đánh cứ điểm này đại đội “bộ binh pháo” tức là pháo nhỏ đi cùng bộ binh của chúng tôi có 1 trung đội với 3 khẩu pháo không giật ĐKZ 57 ly và 3 trung đội với 9 khẩu cối 81 ly. Với hỏa lực đó, 3 khẩu pháo không giật đã được điều đến phối thuộc với tiểu đoàn bộ binh chủ công. Còn 9 khẩu cối 81 ly đã tổ chức thành trận địa hỏa lực bố trí trên hướng tiến công chủ yếu của trung đoàn. Trận địa bố trí gần, phạm vi quan sát rộng, nên từ đây với thế mạnh của loại pháo cối 81 ly đi sát bộ binh, chúng tôi có thể trực tiếp chi viện hỏa lực cho trung đoàn đánh C1, đánh C2 và khi cần có thể hiệp đồng chi viện hỏa lực cho đơn vị bạn chiến đấu ở A1.

17 giờ ngày 30-3-1954, giai đoạn tiến công thứ hai của chiến dịch bắt đầu. Pháo binh ta bất thần bắn mạnh vào sở chỉ huy Đờ - Cát, các cứ  điểm A1, C1, D1 và đồi E, các trận địa pháo binh và quân cơ động của địch. Trên đồi C1 cùng với 30 trái đạn lựu pháo 105 ly của mặt trận và hàng trăm quả đạn cối 81 ly của đại đội tôi đã giáng đòn sấm sét vào quân địch, tạo điều kiện cho bộ binh của trung đoàn 98 nhanh chóng mở đột phá khẩu, xung phong tràn vào đánh địch, tiêu diệt và bắt sống 140 tên thuộc tiểu đoàn 1 lính Ma-rốc, chiếm được cứ điểm C1 sớm hơn 45 phút so với thời gian mà trung đoàn trưởng Vũ Lăng đã hứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bắn “ôm nòng” - Sáng kiến tạo bạo

Trong khi đó ở A1 cuộc chiến đấu giữa ta và địch vẫn đang diễn ra rất gay go ác liệt. Ngày 19-4-1954 được lực lượng nhảy dù tăng cường, có pháo binh, xe tăng và máy bay yểm hộ, địch tiến hành phản kích lớn từ C2 ngược qua “yên ngựa” đánh sang nhằm chiếm lại C1. Đã dự kiến trước tình huống đó nên trung đoàn đã có phương án chủ động đánh trả địch ngay từ đầu rất quyết liệt. Riêng hỏa lực súng cối 81 ly của đại đội chúng tôi phải hoàn thành 2 nhiệm vụ: Một mặt phải bắn tập trung mãnh liệt vào khu “yên ngựa” phá vỡ đội hình phản kích của địch, cùng với hỏa lực các loại của pháo binh, bộ binh tạo thành một lá chắn lửa trước tiền duyên phòng ngự của ta. Mặt khác phải sẵn sàng khi có lệnh hoặc yêu cầu của bộ binh, kịp thời di chuyển hỏa lực bắn vào cột cờ trên đỉnh đồi C1 chế áp, tiêu diệt địch khi chúng đột nhập vào trung tâm phòng ngự của ta.

Nhiệm vụ thứ hai này nan giải nhất. Phải làm sao cản diệt được địch mà không sát thương quân ta khi cả ta và địch đều rất gần nhau, địa hình hẹp, giao thông hào chật và nông không cho phép chúng tôi đặt cả chân và bàn cối bắn theo bài bản.

Chính trong lúc đó, cách “bắn ôm nòng” của chúng tôi đã phát huy được tối đa tính ưu việt của hỏa lực cầu vồng diệt địch ở địa hình có nhiều “góc chết”. Bằng cách này, tôi đã cho 2 khẩu 81 ly lên C1 bỏ hết bàn và chân lại để một pháo thủ vai đỡ và tay ôm lấy nòng cho một pháo thủ khác bắn với góc gần 90 độ, phóng đạn vào đội hình địch, chỉ cách bộ binh ta khoảng trên dưới 100 m.

Bằng cách “ôm nòng” trên, sau hai ngày khi trận địa cơ bản đã phát huy được hết thế mạnh, đại đội “bộ binh pháo” chúng tôi cùng với lựu pháo đã kịp thời chi viện rất hiệu quả cho bộ binh tiêu diệt nhiều sinh lực địch và đánh bại nhiều cuộc phản kích của chúng vào cứ điểm C1 mà ta đã làm chủ.

Tiết kiệm từng viên đạn

Trong những ngày đầu đánh địch phản kích, cũng đã có lần địch vào được trung tâm phòng ngự của ta và chiếm lại được cột cờ trên đỉnh đồi C1. Trong những hợp như vậy nhiều trận đánh giáp lá cà xảy ra rất ác liệt. Ta và địch quần nhau giành giật từng tấc đất, từng ụ súng, từng mét chiến hào. Có lúc bộ binh yêu cầu súng cối của chúng tôi bắn ngay vào cột cờ, nơi đó địch bố trí một khẩu đại liên rất lợi hại. Cột cờ cũng là cái mốc phân chia giới hạn: Địch chiếm một nửa đồi cao, ta chiếm một nửa đồi phía thấp, và cũng là một vật chuẩn cho hỏa lực pháo binh, súng cối. Theo lệnh của trung đoàn, đại đội chúng tôi phải vừa chế áp tiêu diệt địch ở khu vực cột cờ  vừa phải bảo đảm an toàn cho bộ binh. Đại đội dùng 3 khẩu bắn tiếp tục vào “yên ngựa”, còn tập trung 6 khẩu 81 ly bắn tập trung đồng loạt cả 6 khẩu, sau đó bắn từng khẩu một từ cột cờ lên phía cao cứ điểm để duy trì lúc nào cũng có tiếng nổ cối 81 để chế áp và tiêu diệt địch. Sau loạt đạn đầu và những đợt bắn tiếp theo nhờ có quan sát mắt hiệu chỉnh nên đại bộ phận đạn rơi trúng mục tiêu và bảo đảm an toàn cho bộ binh ta. Sở dĩ chúng tôi làm được như vậy là do cột cờ vật chuẩn đã qua nhiều lần bắn thử và bắn thật có phần tử rất chính xác và rất “tinh mật” cả về cự ly và về hướng.

Việc tiết kiệm đạn pháo là rất nghiêm ngặt. Bộ chỉ huy mặt trận quy định rất cụ thể: Cục trưởng cục tác chiến mặt trận được phép ra lệnh bắn 10 viên, đại đoàn trưởng được ra lệnh bắn 3 viên... Đạn cối 81 ly của đại đội tôi là do cấp trên cấp. Nhưng trong đợt tiến công này có đến gần 30% số đạn của đại đội là do chúng tôi hoặc do đơn vị bạn đoạt được từ những chiếc dù đạn của địch thả lạc vào trận địa của ta. Có lẽ nắm chắc được vấn đề này nên trung đoàn trưởng mới “nới” tay như vậy. Và với cách đánh quả cảm, sáng tạo, đại đội “bộ binh pháo” chúng tôi cùng các đơn vị phối thuộc đã chiến thắng trong 31 ngày đêm trên đồi C1.

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc

(http://www.nld.com.vn/43908P0C1010/31-ngay-dem-giu-doi-c1.htm)
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #55 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2009, 04:14:43 pm »

Còn đây là Hồi ức "ĐBP-Điểm hẹn lịch sử" của Đại tưởng Võ Nguyên Giáp, trích chương 10

Chương 10
Dãy cao điểm phía đông


Mười ngày sau khi về dự hội nghị sơ kết thắng lợi đợt 1, ngày 27 tháng 3, các cán bộ từ trung đoàn trở lên lại quay về sở chỉ huy Mường Phăng, nhận nhiệm vụ tác chiến đợt 2. Nhiệm vụ cụ thể trao cho từng đơn vị như sau:
- Đại đoàn 312, được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75, hai đại đội súng cối 120, một đại đội súng cối 82 có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E (Dominique 1), D1 (Dominique 2), D2 (Dominique 3) thuộc trung tâm đề kháng Đôminích, và dùng một đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí pháo binh địch ở cao điểm 210 (Dominique 6), và tiểu đoàn dù 5 hoặc tiểu đoàn dù 6 cơ động ở khu vực này.
- Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn), được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75, hai đại đội súng cối 120 ly có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm A1 (Eliane 2), C1 (Eliane 1), C2 (Eliane 4) thuộc trung tâm đề kháng Êlian, và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động.
- Đại đoàn 308 có nhiệm vụ dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở tây Mường Thanh, dùng bộ đội nhỏ tích cực dương công các cứ điểm 106 (Huguette 7) và 311 (trong cụm Huguette) ở phía tây, cử một tiểu đoàn tham gia bộ phận thọc sâu vào trung thâm khu đông, tiêu diệt tiểu đoàn ngụy Thái số 2, trận địa pháo binh, phối hợp với trung đoàn 98 của 316 tiêu diệt lực lượng dù cơ động.
- Trung đoàn 57 của đại đoàn 304, được phối thuộc tiểu đoàn 888 (đại đoàn 316), một đại đội lựu pháo 105, một đại đội súng cối 120, 18 khẩu trọng liên cao xạ 12,7 ly, có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, và đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía nam Hồng Cúm.
- Đại đoàn 351 trực tiếp yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm: A1, D1, C1, E, chế áp pháo binh địch, sát thương và tiêu diệt một lực lượng cơ động địch ở trung thâm phía đông Mường Thanh, kiềm chế pháo binh địch.
Riêng trung đoàn pháo cao xạ 367 yểm hộ đắc lực cho bộ binh và pháo binh chiến đấu cả ngày và đêm.
So sánh về bộ binh trong đợt tiến công này, địch: 1 ta: 3,6 (5/18 tiểu đoàn). Nếu so với đợt 1 thì mức huy động lực lượng của ta lần này cao hơn. Nhưng mục tiêu cũng nhiều hơn, ngoài năm mục tiêu chính là năm cao điểm phía đông, còn những mục tiêu thứ yếu khác: đánh lực lượng dù cơ động, trận địa pháo.
Đây là trận công kiên có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Khi mở đầu chiến dịch ta mới chỉ đánh từng trung tâm đề kháng, từng tiểu đoàn đóng riêng lẻ, lần này ta đánh vào một khu vực gồm nhiều trung tâm đề kháng với nhiều tiểu đoàn.
Hội nghị trao nhiệm vụ diễn ra trong không khí hào hứng. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn, các trung đoàn trưởng Hoàng Cầm, Quang Tuyến, Lê Thùy còn mang khí thế của những chiến thắng vừa qua, báo cáo kế hoạch đánh các cao điểm D và E với sự tin tưởng sẽ làm tròn nhiệm vụ. Riêng đồng chí Lê Trọng Tấn hơi băn khoăn cho các đơn vị làm nhiệm vụ thọc sâu.
Trước cuộc họp, đại đoàn trưởng 316 Lê Quảng Ba nói riêng với tôi: "Trung đoàn trưởng 98 Vũ Lăng đề nghị được đánh A1, nhưng đại đoàn phải trao cho Nguyễn Hữu An, vì trung đoàn 174 là đơn vị chủ công".
A1 được đánh giá là vị trí quan trọng nhất trong đợt tiến công này. Hai trung đoàn 174 và 98 mới bước vào chiến đấu đều còn sung sức. Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An đã hai lần tham gia tiêu diệt Đông Khê, trình bày phương án đánh A1, trả lời mọi câu hỏi một cách rõ ràng, chứng tỏ đã có nhiều kinh nghiệm công kiên. Cuối cùng, tôi hỏi:
- Đồng chí có gì đề nghị với Bộ chỉ huy chiến dịch không !
- A1 là vị trí rất cứng mà trên chi viện có 100 viên đạn pháo 105, như vậy ít quá.
Tôi nói vui:
- Được cho cậu thêm 5 viên nữa !
Mọi người cười ồ. Đạn pháo 105 đã thành vấn đề nan giải. Ta đang tính cách chuyển một số đạn chiến lợi phẩm từ mặt trận Trung Lào ra, nhưng đường quá xa, và cũng không được bao nhiêu.
Tôi muốn gặp các đồng chí chỉ huy trước lúc ra về. Anh em lần lượt tới căn lán nhỏ nơi tôi làm việc.
Nguyễn Hữu An và Vũ Lăng cùng bước vào. Vũ Lăng người bé nhỏ nhưng rắn chắc, có hàm râu quai nón và nụ cười tươi, từ trung đoàn Thủ đô của 308 mới chuyển sang 316. Cả hai đều là những cán bộ chiến đấu dày dạn, đã chỉ huy nhiều trận công kiên, có những trận thành công xuất sắc. Tôi nói:
- Các đồng chí báo cáo quyết tâm đi !
Hai người đều hứa sẽ kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Tôi hỏi tiếp tình hình tổ chức chiến đấu, tư tưởng bộ đội tình hình đoàn kết nội bộ, và đồng chí chỉ huy đại đội chủ công thế nào... Các anh đều trả lời rất tốt. Tôi lại hỏi:
- Các đồng chí có tin tưởng không!
Vũ Lăng nhanh nhảu:
- Báo cáo anh, tin tưởng là làm được.
- Đánh C1 trong bao lâu!
- Xin anh 45 phút.
- Có thể để hẳn cho đồng chí một tiếng.
Tôi quay sang Nguyễn Hữu An :
- Còn A1 ! Đồng chí cần bao nhiêu thời gian !
Mức thời gian Vũ Lăng đặt cho đơn vị mình làm cho Nguyễn Hữu An hơi lúng túng.
- A1 khó hơn, hai tiếng, đồng chí làm được không !
Nguyễn Hữu An vui vẻ đáp:
Báo cáo: Làm được.
Tôi nói thêm về tính chất quan trọng của A1, nhắc đơn vị chú ý hoàn thành việc xây dựng trận địa xuất phát xung phong cho tốt, và làm kế hoạnh phối hợp thật chu đáo.
Tôi nói với Vũ Lăng:
- C1 cũng rất quan trọng. Tiêu diệt được cứ điểm này trung đoàn 98 sẽ tiến một bước dài trong chiến đấu công kiên. Đồng chí còn điều gì băn khoăn không ?
Vũ Lăng đỏ mặt rồi nói:
- Kể ra, Bộ cho được "tí pháo" thì tốt.
Lần này đánh nhiều cứ điểm một lúc, pháo của ta không thể chia đều, trong kế hoạch đánh C1, đơn vị Vũ Lăng không có pháo yểm hộ.
Tôi cười vỗ vai Vũ Lăng:
- Đơn vị cậu sẽ có 2 khẩu 75 đi cùng, và 30 phát pháo 105 yểm hộ.
Vũ Lăng vui sướng:
- Thế thì xin cam đoan giữ đúng lời hứa với anh.
Sau đó, cơ quan tham mưu thông báo với Vũ Lăng, ngoài pháo 75, Bộ sẽ phối thuộc thêm cho 98 cả một số súng cối 120 ly.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #56 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2009, 04:16:14 pm »

MƯA dầm dề mấy ngày liền. Chúng tôi lo mùa mưa năm nay đến sớm. Tới ngày nổ súng thì mưa tạnh.
Lợi dụng trời còn nhiễu mây, từ sáng, trợ chiến các đơn vị đã ra chiếm lĩnh vị trí. Buổi trưa, bộ binh xuất phát.
Trận địa chiến hào của ta đã bò tới chân các cao điểm. Mặc dù quân địch những ngày gần đây đã nhiều lần dùng bom, đại bác đánh phá và đưa quân ra san lấp chiến hào, nhưng trận địa của ta vẫn được duy trì, và lúc này đã chứng tỏ giá trị của nó. Bộ đội ta vào gần đồn, địch vẫn chưa biết.
* 18 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu.
Các cao điểm phía đông, một số vị trí bảo vệ sân bay ở phía tây, các trận địa pháo và khu vực quân cơ động địch chìm trong khói lửa. Cũng như đợt tiến công thứ nhất, suốt nửa giờ đầu, pháo binh địch không thể lên tiếng.
Những giờ đầu cuộc chiến đấu tiến triển khá thuận lợi. Tại cao điểm C1, lần đầu ta mở rào bằng đạn phóng bộc lôi. Các pháo thủ bắn rất chính xác. Bộc lôi nổ phá tung từng đoạn rào. Khi pháo chuyển làn, các chiến sĩ bộc phá chỉ còn giải quyết nốt những đoạn sót lại. Sau 5 phút tiểu đoàn 215 của 98 đã dọn xong cửa mở qua bảy lần rào dây thép gai. Chớp thời cơ hỏa lực địch đang còn tê liệt tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán hạ lệnh xung phong. Đường dây điện thoại với trung đoàn bị đứt. Nghe tiếng súng bộ binh nổ trên cứ điểm, trung đoàn ra lệnh cho pháo chuyển làn. Chỉ bằng một đợt xung phong mạnh, trong 10 phút, đại đội 38 đã chiếm được chiếc lô cốt nằm trên mỏm đất cao nhất nhô lên trên đỉnh đồi, được anh em gọi là mỏm Cột Cờ. Tiểu đội trưởng mũi nhọn Nguyễn Thiện Cải cầm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lên nóc sở chỉ huy của địch. Quán địch dồn về những lô cốt ở khu vực phía tây, gọi pháo bắn vào trận địa ta. Các chiến sĩ xung kích dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà, đập tan ba đợt phản kích của địch.
Trận đánh diễn ra đúng 45 phút. Toàn bộ một đại đội 140 tên địch thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 Ma rốc bi tiêu diệt hoặc bắt sống. Số thương vong của ta là 10 người.
Trung đoàn trưởng Vũ Lăng báo cáo về đầu tiên: "98 đã chiếm hoàn toàn C1". Tôi gửi điện khen trung đoàn 98 và thưởng huân chương Quân công hạng ba cho tiểu đoàn 215 vì đã hoàn thành nhiệm vụ nhanh và gọn nhất mặt trận.
Phía đồi C1, tiểu đoàn 215 của 98 sau khi chiếm C1 đã quyết định điều đại đội 35 lên thay thế đại đội 38 vừa hoàn thành nhiệm vụ về phía sau làm lực lượng dự bị, tuy đại đội này mới thương vong có mười người còn rất sung sức. Ta đã để lỡ thời cơ khi quân địch ở C2 đang hoang mang vì mất C1. Giữa lúc ta đang điều chỉnh lực lượng, bộ đội ùn lại khá đông trên đồi thì pháo địch bắn dồn dập. C1 địa hình hẹp, công sự ít, nhiều anh em phải đứng ở giao thông hào nên số thương vong lên cao. Việc tổ chức tiến công C2 bị chậm lại. Mãi gần 21 giờ, tiểu đoàn mới triển khai chiến đấu.
Đồi C2 khá rộng nối với C1 bằng một yên ngựa, sườn đồi phía trong thoai thoải đổ xuống đường 41, rất tiện cho quân cơ động địch lên phản kích. Trên đồi có hệ thống chiến hào liên hoàn với nhiều lô cốt, ụ súng khá kiên cố, phía ngoài là nhiều lớp rào dây thép gai và bãi mìn. Đây là nơi Bigia đặt sở chỉ huy tạm thời.
23 giờ, một trung đội của đại đội 35, do đại đội phó và chính trị viên chỉ huy, vượt qua yên ngựa đột nhập được một đoạn hào của C2. Trung đội nhanh chóng phát triển chiếm liên tiếp 11 lô cốt và ụ súng. Nhưng lực lượng phía sau qua nhiều lần xung phong đều bị hỏa lực rất mạnh của địch cản lại. Tiểu đoàn 215 quyết định lui về C1 tiếp tục chuẩn bị tạo điều kiện tiến công C2 ban ngày. Phía đồi D1, tiểu đoàn 130 của 209 phát triển xuống D2 vấp phải hỏa lực bắn thẳng từ trận địa pháo trên cứ điểm 210 và hai cỗ trọng liên bốn nòng đặt bên kia sông Nậm Rốm, phải ngừng lại để củng cố.
Về khuya, đại bác địch càng hoạt động mạnh. Cuộc chiến đấu của bộ đội ta trên những cao điểm phía đông đã chững lại. Tôi nhận thấy đây chính là sự khác nhau giữa chiến đấu ở ngoại vi với khu trung tâm, địch không thể không đối phó quyết liệt. Sau này ta biết trong đêm 31 tháng 3, quân địch đã bắn 13.000 viên đạn 105, 855 viên đạn 155, 1.200 viên đạn súng cối 120.
Sở chỉ huy nhận định: Bộ đội đã hoàn thành phần quan trọng nhiệm vụ đợt 2, nhưng vẫn chưa chiếm được cao điểm phòng ngự then chốt A1. 174 đã sử dụng cả lực lượng dự bị, không còn khả năng giải quyết A1, 98 đánh xuống C2 không thành công, đã bị tiêu hao, cần điều một đơn vị khác tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt A1, và phòng ngự ở C1 ban ngày. Anh Thái đề nghị sử dụng trung đoàn 102 của 308. Vào đầu đợt 2, 308 vẫn phụ trách mặt trận phía tây, riêng 102 đã được chọn làm lực lượng dự bị cho khu đông.
Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định: Các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự trên các cao điểm C1, D1, E, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày, quyết không để địch chiếm lại. Đại đoàn 308 đưa trung đoàn 102 từ phía tây sang phía đông, tiếp tục tiến công tiêu diệt A1 và phòng ngự tại C1. Đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy trận đánh tại A1 và C1. Các trung đoàn 88, 36 của 308 chuyển từ nhiệm vụ dương công sang tiêu diệt các cứ điểm 106 và 311 ở phía tây, trung đoàn 165 của 312 đánh cứ điểm 105 (Huguette 6) ở phía bắc, uy hiếp mạnh quân địch tạo điều kiện cho các đơn vị ở khu đông hoàn thành nhiệm vụ.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #57 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2009, 04:19:54 pm »

MỜ sáng ngày 31, Đờ Cát họp với Lănggơle, Pagít và Bigia, bàn cách đối phó với tình hình. Lănggơle đề nghị tập trung toàn bộ binh đoàn không vận số 2, gồm tiểu đoàn dù 1, tiểu đoàn dù 8, một bộ phận của tiểu đoàn dù 5, cùng với tiểu đoàn lê dương số 3 và xe tăng từ Hồng Cúm tới để tiến hành phản kích. Toàn bộ lực lượng pháo cũng như xe tăng của tập đoàn cứ điểm sẽ được huy động vào cuộc phản kích.
7 giờ 45, tiểu đoàn lê dương số 3 với xe tăng dẫn đầu, từ Hồng Cúm tiến ra đường 41 đi về phía Mường Thanh.
Tới bản Long Nhai, cánh quân lọt vào trận địa của trung đoàn 57, lập tức bị bao vây. Những tên lính lê dương liên tiếp gục ngã trước hỏa lực dày đặc của ta. Một xe tăng trúng đạn ĐKZ bốc cháy. Lực lượng cứu nguy lại trở thành một gánh nặng cho Mường Thanh. Gần trưa, toàn bộ pháo của tập đoàn cứ điểm phải mở một đợt bắn chặn cho tiểu đoàn lê dương và xe tăng mở một đường máu quay trở lại Hồng Cúm, mang theo 15 xác chết và 50 binh lính bị thương.
Thời tiết tốt đã giúp không quân địch hoạt động trở lại. Những chiếc C.119 do phi công Mỹ lái, thả dù tiếp tế đạn dược, lương thực, những máy bay oanh tạc Bearcat, Helldiver lao xuống kết hợp với những trận địa pháo đánh phá dữ dội các cao điểm C1, D1, E và A1.
1 giờ 30 chiều, Bigia trực tiếp chỉ huy hai tiểu đoàn dù 6 và 5 tiến lên C1. Đại đội 273 của trung đoàn 102 đã có mặt trên cao điểm từ buổi sáng cùng với bộ phận còn lại của đại đội 35 trung đoàn 98 đánh lui nhiều đợt phản kích của địch từ C2 lên định đẩy quân ta ra khỏi đồi. Lần này quân địch đông lại có không quân, pháo binh yểm hộ và xe tăng mở đường. Mặc bom đạn giội quanh người, các chiến sĩ không hề nao núng, đợi những tên lính dù tới thật gần mới nổ súng đánh lui nhiều đợt tiến công. Hết lựu đạn, các chiến sĩ dùng bộc phá ống lắp thêm kíp nổ lao vào xe tăng và đội hình địch. Xạ thủ ĐKZ 57 ly Vũ Văn Kiểm vác nòng súng trên vai di chuyển trong giao thông hào, bắn vào những vị trí tập trung đông quân địch. Nòng súng cháy bỏng, Kiểm cởi áo trấn thủ lót vai, tiếp tục bắn. Địch lại cho đại bác bắn dữ dội rồi dùng súng phun lửa và xung phong lên đồi. Lần này chúng chiếm được điểm cao Cột Cờ, đẩy những chiến sĩ phòng ngự vào thế bất lợi. Pháo ta không thể tiếp tục yểm hộ vì không phân biệt được vị trí của địch và ta. Các chiến sĩ đã lấy vải dù trắng buộc lên đầu súng làm chuẩn cho pháo binh. Trong lúc pháo ta nổ dồn dập, trung đoàn đưa một bộ phận tăng viện theo đường hào mới đào phía đồi D, cùng với những người phòng ngự đánh bật quân địch khỏi Cột Cờ, khôi phục lại trận địa.
* 16 giờ, Bigia buộc phải ra lệnh rút lui, để lại trận địa gần trăm xác chết. Trong ngày, bộ đội ta đã đánh lui bảy đợt phản kích của hai tiểu đoàn dù. Chiến sĩ ĐKZ Vũ Văn Kiểm được tặng thưởng huân thương Chiến sĩ hạng nhất.
Những cuộc phản kích của địch ngày 31 tháng 3 đã hoàn toàn thất bại. 10 giờ tối, Lănggơle gọi điện thoại cho Bigia, hỏi có thể giữ được những gì còn lại của gian trong đêm nay không! Bigia trả lời: "Thưa đại tá, chừng nào còn một người sống sót, tôi sẽ không bỏ Êlian". Êlian lúc này có nghĩa là A1. A1 đã trở thành "thành luỹ cuối cùng" (demier rempart) của tập đoàn cứ điểm !
Logged
_new
Thành viên
*
Bài viết: 827



« Trả lời #58 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2009, 11:51:04 pm »

Chưa đúng bác Altus ạ.  Grin Chức toàn quyền không còn từ lâu. Cơ cấu của Pháp ở Đông Dương thường được nhắc đến với hai vị trí Cao ủy và Tổng chỉ huy (quân sự). Cao ủy to hơn và gồm cả một phần không nhỏ trách nhiệm về quân sự. Nhưng năm 52-53 đã đượct hay đổi.
Nhiệm vụ dân sự của ông Cao ủy được chuyển giao môt phần cho ông "Tổng ủy viên Pháp ở Đông Dương" (Commiscare general de France en Indochine) và một phần cho ba "ủy viên Công hòa Pháp" ở VN, Lào, CPC.
Không những thế, Tổng ủy viên còn là người chịu trách nhiệm trước chính phủ Pháp về phòng thủ và an ninh ở Đông Dương. Tổng chỉ huy quân sự là người điều hành các hoạt động quân sự trong khuôn khổ các kế hoạch chung mà Tổng ủy viên trình lên chính phủ.

Hé hé hé thế mà kế hoạch ĐBP lại do Navarre trình bày tực tiếp với BTTM quân đội và Chính phủ Pháp, được gật một phát là tự thi hành chứ không phải đi xin ý kiến Toàn Uỷ (Commissaire Géneral) đấy.   Shocked


Tôi dịch là Toàn quyền vì bọn Tây nó thay đổi xoành xoạch, còn ta thì trước nay cứ Toàn quyền với Cao ủy mà phang, gộp chung vào một khái niệm là Toàn quyềnRoll Eyes
Thông tin trên em lấy từ cuốn hồi ký của Navarre in năm 67. Cự nự gì thì bác liên hệ với ổng.  Grin
Trích dẫn
Trích dẫn
Câu 14: Câu Navarre là tướng cao cấp nhất của Pháp (tính theo quân hàm) đã từng chỉ huy ở VN?

Không. Còn ông Ngũ kim Tưóng quân, sau truy phong Nguyên soái, Đờ Lát nữa.
Còn một người nữa cũng là tướng 5 sao. Xin chờ bác Altus bổ sung tiếp đáp án.

Hỏi là Na-va có phải không chứ có hỏi là "những ai" đâu nào? Ba-rem điểm rắc rối quá.

Tính chi ly ra thì còn Leclerc (1945-1946) và Ely (1954-1955) nữa.


Bổ sung thêm Ely, bác Altus đã trả lời đúng câu 14 . Ngoài lề, theo em biết thì Leclerc năm sang Việt Nam mới là tướng 4 sao.
Logged
_new
Thành viên
*
Bài viết: 827



« Trả lời #59 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2009, 12:12:29 am »

Theo cuốn Lịch sử BTTM trong KCCP:
Quân đoàn Viễn chinh Pháp ở Viễn Đông (Corps Expéditionnaire Français en Extrême-Orient, CEFEO) là tên thời kỳ 1945.
Giai đoạn 46-49 thì có tên là Đội quân Pháp ở Viễn đông (Troupe Francaise en Extrême Orient, TFÈO)
Từ năm 49 cho đến năm 1954 và sau đó có tên là: Lực lượng ở Viễn đông (Force armée en Extrême Orient, FAEO)

Theo tôi tìm hiểu thì không phải là như thế.

CEFEO tồn tại đến tận năm 1956, và là tên chính thức cho lực lượng quân tác chiến Pháp tại Đông Dương.

TFEO và FA(F)EO là các tên gọi dành cho các cấu trúc theo khía cạnh khác của lực lượng Pháp tại Đông Dường, dành để chỉ các chức năng quản lý, quân lực, hậu cần, chính sách, nghĩa vụ v.v., kiểu quản lý theo ngành dọc. Mấy cái này đan xuyên, chồng chéo với CEFO nhưng không phải là tên mới của CEFEO.

Nói TFEO (hay FAFEO) là tên kế tiếp của CEFEO thì cũng na ná như nói từ năm X Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN đổi tên thành Bộ Quốc Phòng (đại khái thế).
Bài trả lời của bác Altus làm em đau đầu cả tháng nay.  Angry Em lấy thông tin chiều ta từ cuốn Lịch sử BTTM mà chưa đối chứng chiều phía Pháp. Thời gian qua em đã tham khảo nhiều nguồn, trong đó có những cuốn như Dictionaire de la Guerre D'Indochine nhưng là chủ yếu nói tới TFEO chứ không dùng FAEO. Tuy rằng vẫn có nhắc tới FAEO với hai nghĩa Forces  armees  d'Extreme OrientForces aerienes d'Extreme Orient.
Do trình độ còn hạn hẹp nên mới chỉ tìm hiểu được đến vậy. TFEO và FAEO có phải là một hay thế nào khác, mong các bác bổ sung giúp.  Smiley
Bổ sung ngoài lề, theo em biết, TFEO và FTEO là khác nhau. Cụ thể: TFEO là Troupe Francaise en Extreme Orient và FTEO là Forces terrestres d'Extreme Orient
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM