Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:04:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Điện Biên Phủ 20/11/1953 - 7/5/1954  (Đọc 367123 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #410 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 11:24:09 pm »

Đố các bác, đoạn này là đoạn nào?  Smiley

Hầm Đờ Cát nằm đâu đó khoảng chỗ khoanh đỏ.

Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
vo quoc tuan
Thành viên
*
Bài viết: 121



« Trả lời #411 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 11:59:53 pm »

Chỗ đó gần sân bay, có lẽ là kho bom chăng. Còn hầm Đờ Cát ở đây.  Smiley
Logged

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình ...
vo quoc tuan
Thành viên
*
Bài viết: 121



« Trả lời #412 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2011, 07:45:02 pm »

Về việc xác định vị trí của sân bay và cứ điểm 206 trên thực địa là một vấn đề hay. Sân bay có nằm đúng vị trí như năm 1954? Kích cỡ trước đây thế nào? Bia ghi dấu 206, 106 hiện nay có nằm đúng vị trí cứ điểm xưa?

Các lần lên ĐBP, phải nói là rất ngỡ ngàng, khi 105 đáng ra nằm ở đầu sân bay (1954) thì nay ở khoảng giữa. Như hình sau:

(chụp ở Bia ghi dấu cứ điểm 105, cồn đất màu xanh ở xa xa là 106)
Chi tiết hơn về nghi vấn này của chúng tôi có thể xem ở đây: http://www.quansuvn.net/index.php/topic,1389.250.html
Và cũng xin nói luôn: nghi vấn của chúng tôi là không chính xác và vị trí Bia ghi nhớ hiện nay của 105 cũng không chính xác.

Chúng tôi xác định như sau:

Đây là ảnh về 105 (trái) và 106 (phải, cứ điểm được xây dựng theo hình mũi tên):

Các bác chú ý đường đất xiên xiên với sân bay.

Lấy giao điểm giữa đường sân bay và đường xiên này, ta có điểm màu vàng. Điểm này cũng là kết thúc sân bay và bắt đầu của cứ điểm 105.


Tiếp theo, lấy hình Điện Biên Phủ ngày nay:


Chúng tôi áp hình DBP1954 lên, kết quả cho thấy hướng của sân bay không thay đổi:


Và xác định hướng của đường sân bay và đường xiên ở ảnh trước trong mới:


Kết quả, có thể xác định:
- Sân bay đã được cải tạo kéo dài ở đầu phía bắc. Với công cụ đo wikimapia cho ra kết quả: chiều dài sau khi kéo dài là 2,2 km, chiều dài sân bay 1954 là 836m.
- Cứ điểm 206 không ở xa như chúng tôi hình dung nhưng cũng không đúng so với Bia ghi dấu hiện nay, cách xa 222m, để tránh đường băng, đảm bảo lưu không thì vị trí đúng cũng cách vị trí hiện nay 132m.

Hết nghiên cứu.

Nói nghiêm trọng thế thôi, chứ vui vẻ là chính và xác định của bọn em còn cần kiểm định thêm. Các bác có thông tin gì, xin bổ trợ.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tư, 2011, 07:54:15 pm gửi bởi vo quoc tuan » Logged

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình ...
vo quoc tuan
Thành viên
*
Bài viết: 121



« Trả lời #413 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2011, 07:52:19 pm »

À, lúc ghép ảnh 1954 và 2008 có thể khẳng định kịch liệt rằng đoạn sông Nậm Rốm đi nội thành thành phố Điện Biên Phủ đã đổi dòng nghiêm trọng. Trước đây biết sông có biến đổi nhiều, không ngờ là quá nhiều.  Grin

Đường chấm đỏ là con sông ngày nay:


Đường chấm xanh là con sông hồi 1954


May mà đoạn có cầu Mường Thanh được bảo vệ không thì cũng bay rồi.
Logged

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình ...
vo quoc tuan
Thành viên
*
Bài viết: 121



« Trả lời #414 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2011, 09:11:18 pm »

Càng xem clip này của bác Sairagon càng thấy hay. Những hình ảnh bộ đội khiêng pháo trên đôi vai, những con thuyền lao về phía trước được kết hợp với nhạc thật tuyệt vời. Xem thực sự là sởn gai ốc vì xúc động và tự hào. Rồi cả đoạn cuối nữa, tiếp ngay sau hình ảnh những đoàn tù binh lủi thủi khổng lồ thẳng tắp được những chiến sỹ Việt Minh nhỏ bé dẫn giải giữa rừng âm lạnh đối lập hoàn toàn với đoàn quân chiến thắng bước những bước đi oai dũng trở về giải phóng Thủ đô giữa rừng người, rừng cờ và rừng hoa.
Càng xem càng thấy hay. Một lần nữa cám ơn bác Sairagon.  Smiley
Logged

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình ...
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #415 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2011, 11:02:57 am »

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/296/296/296/145135/Default.aspx


Gặp lại người cùng bắt sống tướng Đờ Cát – Xtơ ri (kỳ 1)


Kỳ 1: Đi bộ đội sau trận đòn “thừa sống thiếu chết”

QĐND Online - Gần 60 năm nay, ngôi nhà của ông đã trở nên quen thuộc với phóng viên các báo, đài và những người muốn hiểu hơn về thời khắc lịch sử của cả dân tộc trong ngày 7-5-1954, ngày đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Ông là Đại tá Hoàng Đăng Vinh, người bắt sống tướng Đờ-Cát năm nào…

Từ trận đòn thù đến đêm bỏ làng theo bộ đội

Đến ga Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh), hỏi nhà ông Vinh bắt tướng Đờ-Cát, chị chủ quán may quần áo, đối diện với ga, vanh vách chỉ chúng tôi đường về nhà ông:

- Nhà ông Vinh bắt tướng Đờ-Cát à? Các chú đi tới ngã ba trước mặt, rẽ trái, chạy men theo đường tàu chừng hai trăm mét là đến khu tập thể Trường tập huấn cán bộ công binh, nhà ông ấy ở đó.


Chăm sóc cây cảnh, thú vui tuổi già của ông Hoàng Đăng Vinh

Như đã hẹn, Đại tá Hoàng Đăng Vinh mở cổng đón chúng tôi với nụ cười niềm nở. Nhìn tác phong nhanh nhẹn của ông, ít ai nghĩ rằng ông đã bước vào tuổi 76. Ông Vinh sinh năm 1935, trong một gia đình có cả thảy 7 anh chị em, ở xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

- Quả thật, ngày ấy tôi trốn gia đình theo bộ đội cũng vì uất hận, vì đói- ông Vinh bắt đầu câu chuyện.

Như chợt nhớ ra điều gì, ông nhấc chiếc mũ bê-rê ra khỏi đầu, xoa xoa mái tóc bạc trắng, rồi cười lớn:

- Tóc tôi cắt ba phân như thế này kể từ cái ngày tôi bị quân Pháp và lũ tay sai túm tóc, đánh đập dã man. Cũng từ trận đòn thập tử nhất sinh ấy mà tôi thêm quyết tâm đi đánh Pháp.

Năm ông 17 tuổi, cũng là lúc bóng giặc Pháp “nhan nhản” ở làng. Ngày ngày chúng càn quét, cướp phá, giết chóc. Một đêm khi đang trong lều vó bè, thấy tiếng xì xồ, biết địch lại đi càn, ông liền thục mạng “phóng” từ lều ra ngoài ruộng lúa để trốn.

- Khi vừa chạy ra khỏi lều, tôi đã thấy mấy thằng hô to “Bô-cu Việt Minh”. Rồi chúng nhào đến giật tóc, đánh đấm liên hồi cho đến khi tôi bất tỉnh, ông Hoàng Đăng Vinh nhớ lại.

Sau đó ông bị chúng nhốt vào bốt La Tiến. 3 ngày 3 đêm đầu, ông bị bỏ đói. Đến ngày thứ 4 chúng mới cho ông bát cháo loãng. Ăn xong chúng bắt ông đi gánh cát sửa đồn.

Nghe dân làng mách nước, mẹ ông vay mượn được ít tiền, tất tả tìm xuống bốt La Tiến “lót tay” bọn cai, chúng mới cho hai mẹ con ông gặp nhau. Ngồi bên đống gạch, vừa xì xụp húp bát bánh đa mẹ mang đến, ông vừa khóc vì tủi nhục.

- Khi tôi đang ăn dở bát bánh đa thì một thằng đội bất thần xuất hiện. Nó vung chân đá thẳng vào chiếc bát khiến bánh đa bắn tung tóe đầy mặt tôi. Ngay sau đó hắn đuổi mẹ tôi ra khỏi đồn, ông Vinh nhớ lại.

Sự căm phẫn quân Pháp và bè lũ tay sai đã bén rễ trong suy nghĩ của ông từ cái ngày tủi nhục ấy. Sau này được thả khỏi bốt La Tiến, đêm đêm đi kéo vó, thi thoảng ông lại gặp du kích và bộ đội, khi họ vào lều vó xin lửa hút thuốc.

- Họ nói với tôi rằng, dân ta hành khất khắp nơi, đói kém, chết chóc cũng vì bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp, muốn hết khổ không còn cách nào khác là phải theo cách mạng để diệt thù.

“Mưa dầm thấm lâu”, thế rồi vào một đêm tháng 9-1952, ông trốn khỏi làng, vượt đường 39, đường 5, đường 1, tìm về Nho Quan, Ninh Bình – nơi tiếp nhận chiến sĩ gia nhập Đại đoàn 312.

Cái đêm đáng nhớ ấy đã mở ra những ngày gian khổ nhưng đầy vinh quang trong quân ngũ của Đại tá Hoàng Đăng Vinh…

Lần đầu tiên được…đón chào

Từ Nho Quan, ông cùng các chiến sĩ mới hành quân về Phú Thọ. Đến đơn vị mới, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông là chiếc cổng chào được tết bằng lá cọ rất đẹp, trên có khẩu hiệu “Nhiệt liệt hoan nghênh các chiến sĩ mới về xây dựng đơn vị”. Khi ông cùng các chiến sĩ mới tiến vào sân đại đội thì đã thấy các chiến sĩ cũ đứng xếp hàng ở sân vỗ tay hoan hô.

- Ngày ở quê, sống dưới ách kìm kẹp của bè lũ tay sai và thực dân, chỉ…được “ăn” chửi, “ăn” đấm đá. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được hoan nghênh, đón chào như thế. Đúng là về với cách mạng, thân phận mình khác hẳn. Cuộc đời quân ngũ của tôi bắt đầu bằng những kỉ niệm đẹp như thế, Đại tá Vinh hồi tưởng lại.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp mặt thân mật các cựu chiến binh (người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay là ông Hoàng Đăng Vinh) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976). Ảnh chụp lại.

Bữa trưa hôm ấy, lần đầu tiên trong đời ông được thưởng thức món ăn lạ- thịt trâu nấu sắn. Các chiến sĩ cũ thay nhau xúc món ăn này mời các chiến sĩ mới. Đại tá Hoàng Đăng Vinh nheo mắt nhớ lại bữa cơm đầu tiên ấy:

- Mức sống của dân mình ngày càng được nâng cao, vì thế tôi cũng được thưởng thức nhiều món ăn ngon, song quả thật chưa có món ăn nào ngon như món thịt trâu nấu sắn hôm ấy.

Khi ấy ông được biên chế vào Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209. Ông còn nhớ rõ Tiểu đội trưởng đầu tiên của ông khi đó là đồng chí Bộ. Tổ 3 người có ông, ông Chí và ông Thảo. Ông được cán bộ các cấp hướng dẫn từ cách lấy củi, lấy măng đến huấn luyện kỹ, chiến thuật chiến đấu bộ binh, được dạy đọc, dạy viết. Chính nhờ được cán bộ các cấp huấn luyện sâu sát, nhiệt tình, cộng với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân nên Hoàng Đăng Vinh và các chiến sĩ mới trưởng thành từng ngày. Từ anh trai làng “một chữ cắn đôi” không biết, ông Vinh đã có thể đọc sách để dần “vỡ” ra vì sao dân ta khổ, muốn hết khổ thì phải làm gì? Rồi ông cùng đồng đội được trang bị các kỹ năng chiến đấu với quân thù.

Tất cả đều háo hức chờ ngày giết giặc lập công...

 Bài và ảnh: Phạm Hoàng Hà
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #416 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2011, 11:04:14 am »

http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/296/296/296/145875/Default.aspx


Gặp lại người cùng bắt sống tướng Đờ Cát – Xtơ ri (kỳ 2)


Kỳ 2: Trận đánh đầu tiên của “lính mới”


QĐND Online – Khoảng một năm sau cái đêm bỏ làng theo bộ đội, ông Hoàng Đăng Vinh đã tham gia trận đánh đầu tiên trong đời quân ngũ. Trong trận đánh “nghẹt thở” ấy, ông đã bắn đến viên đạn cuối cùng, phải dùng lưỡi lê tiêu diệt địch…Sau trận đánh, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba…

Đường ra trận vui như hội

Cuối năm 1953, Hoàng Đăng Vinh cùng đồng đội hành quân về Điện Biên.

Với chất giọng bồi hồi, ông nhớ lại những cảm xúc cách đây đã 58 năm:

- Giai đoạn đầu chúng tôi đi theo đường rừng, sau đó ra đường 41. Mới đầu cứ tưởng chỉ có mình và đồng đội đi đánh trận, ai ngờ ra đến đường 41, chúng tôi gặp từng đoàn bộ đội, dân công nối tiếp nhau hừng hực khí thế tiến về phía trước, vừa đi vừa hò hát vui như đi hội vậy. Bởi thế nên chúng tôi ai nấy đều phấn chấn, quyết tâm hơn.

Khi còn cách cứ điểm đầu tiên của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 10 cây số, đơn vị ông được lệnh dừng lại, bắt đầu đào công sự và làm đường chuẩn bị kéo pháo vào trận địa.

- Mới hôm trước còn là rừng rậm, ấy vậy mà hôm sau đã thấy rừng “biến” thành đường. Mà ngày ấy đâu có máy móc như bây giờ, tất cả chỉ là cuốc, xẻng cộng với sức người, ông Vinh tâm sự.

Nhiều sáng kiến hay được bộ đội, dân công nghĩ ra nhằm đẩy nhanh tiến độ làm đường kéo pháo như đào rãnh một bên mép đường, sau đó đóng cọc, bẩy đất lật sang phía rãnh. Tiếp đó sử dụng bừa gỗ, kéo đất tạo độ phẳng cho mặt đường.

- Chắc hẳn chuyện giữ bí mật để tránh bị địch đánh phá cũng là một kỳ công của bộ đội ta ngày ấy?

Trước câu hỏi của chúng tôi, người lính Điện Biên năm nào nheo nheo đôi mắt, cười hóm hỉnh:

- Đúng thế, để tránh địch trinh sát, phát hiện đường kéo pháo của ta, đường làm đến đâu được ta đào lỗ, chôn ống bương đến đó. Cành cây tươi được đút vào lỗ ống bương, thành thử đường cũng … xanh như rừng vậy.

Sáng hôm sau, cành cây lại được thay mới, vậy nên mặc vè vè bay lượn phía trên song máy bay trinh sát của địch cũng không thể phát hiện ra rằng, ngay phía dưới chúng, một con đường mới đang được hình thành, chuẩn bị đưa pháo vào tiêu diệt quân Pháp tại nơi mà chúng gọi là “pháo đài bất khả xâm phạm”…


Đại tá Hoàng Đăng Vinh (người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay) trong một lần cùng đồng đội đến thăm Đại tướng. Ảnh chụp lại

Trận đánh đầu tiên của “lính mới”

Một ngày đầu tháng 3-1954, đơn vị của Hoàng Đăng Vinh đã đào công sự vây lấn, cách cứ điểm Him Lam chừng một cây số. Trưa hôm đó, ông được Trung đội trưởng Định giao nhiệm vụ lên quả đồi cạnh đó đào công sự, cảnh giới địch, đề phòng chúng cho lực lượng ra san lấp giao thông hào. Số anh em còn lại tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức.

- Đêm trước đã tham gia đào hào nên tôi vừa cảnh giới vừa buồn ngủ rũ mắt nên phải lấy nước táp vào mắt để chống chọi lại cơn buồn ngủ, ông Vinh kể.

Đang mơ màng, ông chợt nghe thấy tiếng cành cạch ngày càng rõ. Ông tức tốc chạy về báo cáo với Phó trung đội trưởng Thụ:

- Báo cáo trung đội phó, em nghe thấy tiếng gì cành cạch to lắm.

- Tiếng xe tăng địch chứ còn tiếng gì nữa, Phó trung đội trưởng Thụ hô to.

Toàn trung đội được lệnh chiến đấu. Phía dưới chân đồi, 4 chiếc xe tăng địch bắn lên, yểm trợ cho bộ binh xung phong, khiến cây trên đồi đổ rầm rầm. Lần xung phong thứ nhất, bộ binh địch bị ta bắn và ném lựu đạn quyết liệt vào đội hình, buộc phải quay lại chân đồi để củng cố đội hình. Lần xung phong thứ hai, chúng tràn lên khoảng 1/3 đồi. Khi thấy lực lượng của ta thương vong nhiều, đồng chí Thận, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, lúc đó cũng đã bị thương, ra lệnh:

- Đồng chí Vinh lên báo cáo Trung đội trưởng là Tiểu đội 2 bị thương vong nhiều.

Chạy lên vị trí trung đội trưởng, Hoàng Đăng Vinh thấy anh Định đã bất tỉnh vì đầu trúng đạn. Chạy về vị trí của Trung đội phó Thụ, ông Vinh cũng thấy anh Thụ đã bị mảnh đạn xuyên qua má, máu thấm đẫm chiếc khăn bông. Một tay giữ khăn cầm máu, tay kia anh Thụ vẫn cầm chắc súng.

- Báo cáo anh Thụ, ta bị thương vong nhiều, Hoàng Đăng Vinh nói như hét.

Vì không thể nói được nữa nên đồng chí Thụ kéo chiếc sổ ra, cắn răng cố viết: “Đồng chí động viên anh em dù chỉ còn một người vẫn phải giữ trận địa”.

Nhìn dòng chữ ấy, ông thấy như có luồng xung điện chạy giần giật trong huyết quản. Ông tức tốc lao về vị trí chiến đấu, tiếp tục nã đạn về phía địch. Khi ném nốt quả lựu đạn cuối cùng, ông ngồi thụp xuống giao thông hào tránh đạn. Ngay sau đó ông thấy tiếng Phó tiểu đội trưởng Chi hô to:

- Đồng chí Vinh chú ý 2 thằng bên trái.

Ngồi bật dậy, ông đã thấy 2 tên lính Pháp lù lù ngay trước mặt. Khẩu súng trường đang trong tư thế giương lê, lợi thế trên cao, ông phóng ngay lê vào cổ tên đi trước, hắn đổ kềnh xuống, kéo ngã cả thằng đi sau.

- Đạn đâu? Lựu đạn đâu? Anh Chi hỏi to.

- Của tôi hết rồi, ông Vinh đáp lại.

- Sao không lấy của anh em đã hi sinh mà tiêu diệt địch?

Dừng kể giây lát, ông Hoàng Đăng Vinh thật thà:

- Đấy, lính mới mà, lúc đó tôi mới tự mắng sao mình … dốt thế.

Ngay sau đó, ông Vinh lấy vũ khí của đồng đội đã hy sinh, bắn kiềm chế địch. Chừng 5 phút sau, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn quân từ phía sau lên yểm trợ. Trước sức tiến công ồ ạt của ta, địch buộc phải tháo chạy.

Sau trận đánh “đầu đời” ấy, Hoàng Đăng Vinh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba…

Bài và ảnh: Phạm Hoàng Hà
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #417 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2011, 11:06:23 am »

http://qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/296/296/296/147053/Default.aspx


Gặp lại người cùng bắt sống tướng Đờ Cát – Xtơ ri (kỳ 3)


Kỳ 3: Hai lần đối mặt với Đờ Cát-Xtơ ri


QĐND Online – Chuyện Đại tá Hoàng Đăng Vinh cùng các đồng đội xông vào hầm, bắt sống tướng Đờ Cát- Xtơ ri và toàn bộ bộ tham mưu của địch-điều đó hẳn đã có nhiều người biết đến. Đấy là lần thứ nhất ông đối mặt với Đờ Cát. Và chỉ nửa tháng sau, còn có lần đối mặt khá thú vị giữa Hoàng Đăng Vinh và vị bại tướng này. Trò chuyện cùng ông chúng tôi mới biết, có khá nhiều tình tiết thú vị đã diễn ra trong cuộc gặp lần thứ hai này…

Những bước chân của 56 năm về trước

Khi dòng hồi tưởng đưa Đại tá Hoàng Đăng Vinh trở lại ngày 7-5-1954 lịch sử, đôi mắt người chiến sĩ Điện Biên năm nào chợt ngấn lệ. Nhấp thêm ngụm trà như để kìm nén cảm xúc đang trào dâng, ông bồi hồi kể tiếp:

- Sau khi giải quyết xong cao điểm 507, chúng tôi tiến đánh các cao điểm 508, 509. Trên đường tiến công, tôi và anh Nhỏ gặp một đồng chí của ta bị mảnh đạn pháo cắt cụt cả hai ống chân, ống tay, đang lết trên mặt đất.

Thấy vậy, Hoàng Đăng Vinh và đồng chí Nhỏ vội ngồi thụp xuống, định băng bó cho chiến sĩ nọ, nhưng anh hét lớn: “Đằng nào tôi cũng chết, các anh tiến lên đi, thời cơ đến rồi!”.

- Tôi và anh Nhỏ đành gạt nước mắt, xốc súng tiếp tục băng lên phía trước, giọng ông Vinh nghẹn lại, rồi ông nói tiếp - chính những người đồng đội dũng cảm như thế đã tiếp thêm ý chí, nghị lực cho tôi thêm quyết tâm tiêu diệt địch.



Ông Vinh vui vầy cùng cháu nội.

Theo đà phát triển của chiến dịch, ngày 7-5, ông Vinh cùng đồng đội tiến vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Khi tiến vào cây cầu sắt dẫn vào trung tâm, đại liên của địch vẫn bắn ra như mưa. Bộ đội ta phải dừng lại trước cầu để củng cố đội hình rồi sử dụng hỏa lực “dập tắt” ổ đại liên.

Khi đánh vào đến khu trung tâm, Hoàng Đăng Vinh và đồng đội thấy phía trước mặt có một ụ đất nhô lên khá cao, 4 chiếc xe tăng đang chạy vòng quanh ụ đất. Đang tự hỏi không biết ụ đất đó là cái gì thì ông và đồng đội bắt được một tên địch. Tra hỏi, hắn khai đó là hầm của tướng Đờ Cát – Xtơ ri.

Ngay sau đó, tổ Vinh, Nhỏ, Hiếu liền dùng thủ pháo hất một chiếc xe tăng địch rơi xuống giao thông hào. Cùng thời điểm đó, một chiếc xe tăng khác bị đơn vị bạn tiêu diệt, hai chiếc còn lại liền tháo chạy.

Cơ động về phía cửa hầm, các ông thấy bên dưới khá im ắng. Khi ném lựu đạn và xả súng xuống, liền có tiếng xì xào phát ra bên dưới. Hoàng Đăng Vinh liền nhắc Nhỏ:

- Anh Nhỏ, ném thủ pháo đi, nhưng ném phía ngoài cửa hầm để dọa thôi, cố gắng bắt sống chúng.

Sau tiếng nổ của thủ pháo, đất đá, khói xộc xuống miệng hầm. Không lâu sau, một tên sĩ quan Pháp tay phất phất miếng vải trắng, nhô lên miệng hầm, lắp bắp: “Bẩm bẩm, mời sĩ quan Việt Minh vào hầm để bộ chỉ huy Điện Biên Phủ đầu hàng”.

Ngay lúc đó, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cũng xuất hiện, anh ra lệnh toàn bộ đơn vị bao vây quanh hầm; các đồng chí Hiếu, Nam bịt cửa hầm bên kia; các đồng chí Vinh, Nhỏ theo anh vào hầm bắt Đờ Cát đầu hàng.

Ông Vinh nhớ lại:

- Khi chúng tôi tiến đến đâu, bọn sĩ quan Pháp lùi lại đến đó. Khi đến giữa hầm thì chúng “vón cục” lại, có tên chui vào gầm bàn.

Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dùng tiếng Pháp, hô cả bọn đầu hàng, tất cả đều giơ tay, riêng tướng Đờ Cát vẫn ngồi im lặng, không giơ tay.

- Đồng chí Vinh bắt Đờ Cát phải đầu hàng, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh.

Tay đặt vào cò súng, Hoàng Đăng Vinh tiến về phía Đờ Cát. Khi Vinh đến gần, Đờ Cát vội bật dậy, giơ tay ra định bắt.

“Hô-lê-manh” – miệng hô, tay Hoàng Đăng Vinh thúc mạnh khẩu súng tôm-sơn vào bụng Đờ Cát. Vị bại tướng lùi lại hai bước, toàn thân run rẩy, miệng xổ ra một tràng tiếng Pháp.

- Sau đó anh Luật có nói với chúng tôi rằng, khi đó Đờ Cát nói “xin các ông đừng bắn, chúng tôi đầu hàng”, ông Vinh bộc bạch.

Toàn bộ bộ chỉ huy của Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và các chiến sĩ Vinh, Nhỏ cùng một số chiến sĩ nữa dẫn giải về đồi E, giao cho cấp trên.

Chưa đầy nửa tháng sau đó, ông Hoàng Đăng Vinh lại có cuộc gặp gỡ thú vị với người mình đã từng đối mặt tại hầm bộ chỉ huy của địch ở chiến trường Điện Biên Phủ…

Lần thứ hai, mặt đối mặt

Ngày 19-5-1954, ông Vinh cùng đoàn đại biểu là cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên vinh dự được về gặp Bác Hồ, chúc mừng sinh nhật Người và báo cáo với Người về kết quả chiến dịch.


Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn huy hiệu cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh, người bắt sống tướng Đờ Cát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh chụp lại.

Hôm sau, ngày 20-5, theo đề nghị từ đoàn làm phim của đạo diễn Các-Men (thuộc Liên Xô cũ), Hoàng Đăng Vinh đã có cuộc đối mặt với tướng Đờ-Cát lần thứ hai, trong một khu rừng thuộc tỉnh Thái Nguyên.

- Trong chiếc lán được lợp bằng lá cọ, giữa kê mấy chiếc bàn mộc to, xung quanh là ghế băng, tôi được bố trí ngồi đối diện với Đờ Cát, ông Vinh nhớ lại.

Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, một đồng chí cán bộ của Cục Điện ảnh chỉ vào Hoàng Đăng Vinh và quay sang hỏi Đờ Cát:

- Ông có biết người thanh niên này là ai không?

- Nếu không nhầm thì tôi đã gặp người thanh niên này rồi, Đờ Cát đáp.

Ngay tức thì, người cán bộ của Cục Điện ảnh nói lớn:

- Tôi khen ông có trí nhớ rất tốt. Chính người chiến sĩ này đã vào hầm tóm cổ ông.

Sau một thoáng suy nghĩ, nhìn về ông Vinh, Đờ Cát nói với thái độ trịnh thượng:

- Tôi rất hân hạnh nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh.

Ngay sau khi lời nói của Đờ Cát được dịch ra tiếng Việt, máu trong người Hoàng Đăng Vinh như sôi lên sùng sục.

- Vậy khi đó bác đã đối đáp lại với Đờ Cát ra sao? Chúng tôi sốt ruột gặng hỏi.

Ông Vinh chậm rãi:

- Khi đó các cán bộ trong đoàn làm phim của Liên Xô (cũ) và các cán bộ của ta cũng giục tôi rằng, đồng chí Vinh đáp lại Đờ Cát đi chứ. Đang nóng tiết, tôi nhìn thẳng vào mặt Đờ Cát đanh giọng: Ông chỉ khoác lác, kẻ bại trận như ông sao có thể chỉ huy được tôi, bởi chính tôi và các đồng đội tôi đã vào hầm lôi cổ ông ra cơ mà.

Ngay sau câu trả lời đanh thép của người lính chiến Hoàng Đăng Vinh, các bạn trong đoàn làm phim quốc tế cùng cán bộ của ta ôm hôn ông và nhiệt liệt hoan hô. Phía đối diện chỗ ngồi của Hoàng Đăng Vinh, bại tướng ngồi im lặng…

Khi sắc nắng cuối ngày dần nhạt, cũng là lúc chúng tôi lưu luyến chia tay người chiến sĩ quả cảm năm nào. Lúc này, giọng ông nhỏ nhẹ, khi nói lên những lời gan ruột, rằng gần 60 năm qua, rất nhiều người đã khen ông dũng cảm khi xộc vào hầm, bắt Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu của địch phải đầu hàng. Song ông xin dành những lời khen ấy cho bao đồng đội đã ngã xuống hoặc hi sinh một phần xương máu trong chiến dịch Điện Biên. Chính sự hy sinh cao cả của họ đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, nâng bước chân ông và bao đồng đội khác tiến thẳng vào sào huyệt của địch, làm nên một Điện Biên sáng chói, “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”…

Bài và ảnh: Phạm Hoàng Hà
Logged
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #418 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2011, 11:21:31 am »

Phim hay quá nhỉ Wink! Lâu lắm rồi mới coi lại một phim lịch sử kiểu này. Grin
À hình như bạn dùng tư liệu trong phim "Việt Nam trên đường thắng lợi" phải không?.
Có thể cho mình xin link coi hoặc link down toàn bộ được không?
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #419 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2011, 09:23:02 pm »

Đang xem trực tiếp vở kịch nói về chiến dịch Điện Biên Phủ trên VTV1, đoạn mô tả chuyển từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc thắng chắc" xem ra không thuyết phục lắm, chủ yếu như là do bị lộ mà TTL của ta đã quyết định như vậy?! Rồi thì bộ đội ta gọi nhau là "mày, tao", chẳng biết xưng hô như thế có đúng vậy không?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM