Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:35:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.  (Đọc 100748 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #60 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2008, 07:56:14 pm »

  Điện và điện thoại liên tục từ Berlin gửi đến Thuỵ Sĩ thúc giục Rogie Marson và Maudere hành động. Chẳng trốn đâu cho thoát được: Moscva và London thì xa còn Berlin ngay bên cạnh, hơn nữa, quân đội Đức đóng ngay trên biên giới. Tháng 9 năm 1943, Marson và Maudere tổ chức một nhóm săn lùng điện đài lưu động. Các thiết bị săn lùng điện đài đặt trong các thùng xe liên tục bắt được tín hiệu đánh đi của các nhân viên điện đài bí mật. Đêm 13 rạng ngày 14 tháng 10 năm 1943, Etmon và Olga Hameli bị bắt ngay trong lúc đang phát tin. Cảnh sát lặng lẽ bước vào và bắt quả tang họ đang hoạt động. Mật mã, các chương trình liên lạc, các bức điện bị tịch thu. Cùng ngày hôm đó, Margarita Bonli (tức "Rola") bị bắt tại căn hộ của người tình Peter. Khi bị hỏi cung, tất cả những người bị bắt đều kiên quyết phủ nhận mối liên hệ với tình báo Xô Viết, và khi thấy bức ảnh chụp Rado thì tất cả đều tuyên bố rằng không hề hay biết người này.

  Sau khi biết tin các nhân viên điện đài bị bắt, Rado đã kịp báo cho ban lãnh đạo nhóm "Pacbo" rồi cùng vợ lẩn tránh tại nhà một người bạn đáng tin cậy là tiến sĩ Bianki. Giờ đây, chỉ còn một nhân viên điện đài duy nhất là Fut và Fut cũng chính là người liên lạc giữa "Pacbo" và Rado. Fut thường xuyên phải phát sóng và sóng của ông cũng bị thiết bị săn lùng điện đài bắt được. Đêm 19 rạng ngày 20 tháng 11 năm 1943, ông bị bắt trong lúc đang nhận điện của Trung Tâm. Trong lúc cảnh sát phá cửa, ông dã kịp dùng búa phá tan điện đài và đốt các bức điện trên lửa nến. Khi bị hỏi cung, Fut không phủ nhận việc ông là nhân viên điện đài bí mật, nhưng ông khẳng định là ông làm việc cho tình báo Anh, ông chỉ chuyển tin về tình hình nước Đức, ông không có tòng phạm ở Thuỵ Sĩ, và ông không biết Rado, Margarita và hai vợ chồng Hamen.

  Sau khi bắt được Fut, tình báo Thuỵ Sĩ mưu toan chơi "trò chơi điện đài" với Trung Tâm, nhưng họ chơi khá vụng về nên bị Trung Tâm phát hiện ngay. Trung Tâm gửi đi những "mệnh lệnh" và "chỉ thị" đánh lừa tình báo Thuỵ Sĩ. Mãi đến bốn tháng sau, tình báo Thuỵ Sĩ mới đoán ra được là mình bị lừa và quyết định tiếp tục các vụ bắt giữ. Ngày 19 tháng 4 năm 1944, một số thành viên của "Bộ ba đỏ" bị bắt, trong số đó có Duybendorf. Để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, Duybendorf "thú nhận" mình làm việc cho cơ quan tình báo Anh. Cả Ressler cũng bị bắt. Sở dĩ người ta để Ressler bị bắt là vì khi ấy ông sẽ "được" ngồi tù, tức là ông sẽ thoát khỏi bọn Gestapo, những kẻ có thể bắt cóc ông và buộc ông phải thừa nhận làm việc cho cơ quan tình báo Thuỵ Sĩ và do đó có thể phát hiện ra những nguồn tin của ông. "Pacbo" và một số điệp viên khác vẫn tự do ở ngoài, nhưng một khi không có phương tiện liên lạc thì sự tồn tại của mạng lưới điệp viên là vô nghĩa. Bởi vậy, ngày 16 tháng 9 năm 1944, Rado và Lena nhờ sự giúp đỡ của các du kích quân người Pháp, đã bí mật vượt biên giới Pháp - Thuỵ Sĩ và ẩn tránh tại thành phố Anixi là nơi chính quyền thuộc về những người cộng sản. Tiếp đó, họ đến thủ đô Paris đã được giải phóng và tại đây, ngày 26 tháng 10 năm 1944, Rado tiếp xúc với các nhân viên tình báo Xô Viết và thông báo tỉ mỉ về việc nhóm điệp viên của ông bị tiêu diệt. Ngay khi ấy, vào tháng 9 năm 1944, nhà cầm quyền Thuỵ Sĩ không còn e sợ sức mạnh của nước Đức phát xít nữa nên đã trả tự do cho tất cả các thành viên của "Bộ ba đỏ". Fut, rồi tiếp đó là Duybendorf và Betkher lần lượt đến Paris.

  Ngay sau chiến tranh, vào tháng 10 năm 1945, ở Thuỵ Sĩ đã diễn ra phiên toà xét xử Rado, vợ của Rado là Lena, Duybendorf, Betkher, Fut, Ressler, Snayde, Bonli, hai vợ chồng Hamen. Họ bị buộc tội là đã hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Liên bang Thuỵ Sĩ. Tất cả đều phải chịu những án tù khác nhau, riêng Ressler được trắng án. Nhưng không một ai phải ngồi tù. Năm người đầu tiên bị kết án vắng mặt, hai vợ chồng Hamen và Bonli được hưởng án treo, còn Snayde được phóng thích vì ông đã ở trong tù quá thời hạn.

  Nhưng số phận bi kịch của Rado không kết thúc ở đây. Ngày mồng 5 tháng 1 năm 1945, Rado, Fut, Trepper và một số điệp viên khác đáp máy bay của Liên Xô sang Moscva. Trepper nói với Rado: "Trung Tâm sẽ trừng phạt nghiêm khắc về những vụ thất bại, và khi đến Moscva, chắc gì ông sẽ có thể trở về Paris". Rado đang trong tình trạng trầm uất. Ông vừa nhận được tin tất cả những người thân của ông đã chết trong trại tập trung phát xít. Ông cảm thấy có lỗi trong việc mạng lưới điệp viên của ông tan vỡ. Cả một thời gian dài - gần một năm - trong tình trạng tự nguyện giam cầm, khi ông hoạt động bất hợp pháp, cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của ông. Có lẽ vì thế mà khi dừng chân ở Cairo, Rado chạy trốn khỏi khách sạn và đến sứ quán Anh yêu cầu được tị nạn chính trị. Người Anh cho rằng cựu tù binh Xô Viết Kulise (Rado hoạt động dưới tên giả này) không phải là nhân vật họ quan tâm và do đó bác bỏ đề nghị của ông. Ông định tự sát nhưng được cứu thoát và đưa vào trại nội trú.

  Phía Liên Xô hết sức lo lắng thấy điệp viên của mình biến mất và thi hành những biện pháp khẩn cấp. Đại sứ Liên Xô trao công hàm cho chính quyền sở tại, nói rằng Kulise đang bị truy nã về tội giết người và yêu cầu trao trả cho phía Liên Xô. Tháng 8 năm 1945, Rado được trao trả cho nhà cầm quyền Xô Viết, được đưa về Moscva và chuyển cho cơ quan phản gián quân sự. Tháng 12 năm 1946, Hội đồng đặc biệt kết án Rado 10 năm tù về tội làm gián điệp. Ông bị buộc cho những tội danh sau: làm tan vỡ mạng lưới điệp viên ở Thuỵ Sĩ do thái độ tắc trách trong việc bảo quản mật mã cũng như các tài liệu tác chiến và do không thực hiện những biện pháp bảo mật cần thiết; để lọt vào hàng ngũ của mình những điệp viên hai mang là những điệp viên đồng thời làm việc cho một vài cơ quan tình báo; bản thân ông cũng là điệp viên hai mang mà bằng chứng là vụ ông chạy trốn ở Cairo. Vào năm 1954, tất cả những lời buộc tội này đều bị coi là hoàn toàn bịa đặt. Tháng 5 năm 1954, ông và Trepper được phục hồi danh dự và được trả tự do. Tháng 6 năm 1955, Rado trở về Hungari, nơi vợ ông là Lena suốt mười năm trời bặt tin ông đang chờ đợi ông.
 
  Đoạn đời tiếp theo của ông diễn ra thuận buồm xuôi gió. Ông làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực địa lý và bản đồ, trở thành tiến sĩ khoa học và viện sĩ viện hàn lâm. Chính phủ Xô Viết tặng thưởng ông huân chương "Vì tình hữu nghị giữa các dân tộc" và huân chương "Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất". Ông viết cuốn hồi ký "Dưới bí danh Dora" và cuốn này được xuất bản năm 1973.
 
  Ông mất năm 1980 ở tuổi tám mốt.
 
  Và dưới đây là đôi điều về những bạn chiến đấu của ông.
 
  Duybendorf bị kết án về tội làm gián điệp (bằng chứng là ở Thuỵ Sĩ bà đã thừa nhận là điệp viên Anh!). Vào tháng 2 năm 1956 bà được trả tự do và trở về Cộng hòa dân chủ Đức. Mười ba năm sau, vào năm 1969 bà được tặng thưởng huân chương "Sao Đỏ".

  Alecxandr Fut, người cuối cùng trong số các nhân viên điện đài bị bắt và là điệp viên Anh thực sự, không bị đàn áp mà ngược lại, lại được lấy vào làm công tác tình báo. Nhưng khi ra nước ngoài, ông lại liên lạc với cơ quan phản gián Anh, cung cấp cho cơ quan này những tài liệu chi tiết về tất cả những gì ông được biết. Về sau, ông viết cuốn sách "Nhật ký của người điệp viên".

  Người điệp viên kỳ lạ nhất và bí ẩn nhất trong nhóm "Dora" là Rudolf Ressler thì sống cho đến năm 94 tuổi và đem theo xuống mồ nhiều bí ẩn chưa được khám phá, trong số đó có tên tuổi của những nhân vật đã cấp tin cho ông.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #61 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2008, 05:39:34 pm »

48 - NAUM EITINGON (1899 - 1981)
Những tấm huân chương


  Naum Isaacovich (những người xung quanh thường gọi ông là Leonid Alecxandrovic) Eitingon thuộc lớp những điệp viên tình báo mà tựa hồ như chúng ta biết rất nhiều về họ nhưng đó là phần nổi của tảng băng chìm. Toàn bộ sự thật của tất cả những gì được giữ kín trong thẳm sâu của lịch sử thế kỷ XX vừa qua chúng ta sẽ không bao giờ biết được.

  Naum Eitingon sinh ngày 6 tháng 12 năm 1899, ở thành phố tỉnh lẻ Sklov gần Moghilev trong một gia đình viên thư ký của nhà máy giấy. Học trường trung cấp thương mại, sau Cách mạng tháng hai năm 1917 gia nhập Đảng Xã hội cách mạng. Đảng này huấn luyện cho các đảng viên "nghiệp vụ" khủng bố và phá hoại. Nhưng vì bất đồng với chính sách của đảng nên chẳng bao lâu sau Naum Eitingon ra khỏi đảng. Ngay sau đó Naum Eitingon bắt đầu làm công nhân nhà máy bê tông, làm văn thư rồi cán bộ của Phòng lương thực của nhà máy. ở Moscva, Naum Eitingon học lớp Hợp tác xã công nhân, sau đó làm công việc trưng thu mua lương thực thừa. Tháng 9 năm 1919, Naum Eitingon công tác ở Công đoàn tỉnh Gomel, trong thời gian này anh gia nhập Đảng Cộng sản Nga (bolsevich). Tháng 5 năm 1920, chuyển sang công tác ở ngành an ninh Treca. Anh được tham gia vào chiến dịch truy quét các nhóm khủng bố của Savincov trong tỉnh Gomel xâm nhập từ lãnh thổ Ba Lan. Trong trận chiến đấu với bọn biệt kích xâm nhập, Naum Eitingon bị thương ở chân. Mặc dù thể trạng của anh không khoẻ lắm nhưng trong chiến đấu anh rất gan dạ và kinh qua công tác anh đã trưởng thành nhanh chóng. Năm 21 tuổi anh là nhân vật thứ hai trong Cơ quan Treca tỉnh Gomel, sau đó là chủ tịch Treca của tỉnh Smolensk rồi chủ tịch Tổng cục chính trị quốc gia của tỉnh Baskiria trực thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô. Năm 1925, Eitingon bắt đầu làm công tác tình báo. Anh chuyển sang công tác ở Ban đối ngoại của Tổng cục chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân uỷ Liên Xô. Trong thời gian này anh học ở khoa Đông phương Học viện quân sự, nhưng anh chỉ học hàm thụ vì anh sắp được cử sang công tác ở Trung Quốc. Năm 1925 - 1927, Naum Eitingon là phó lãnh sự Liên Xô ở Bắc Kinh, và từ cuối năm 1927, anh chuyển sang hoạt động bí mật. Rất tiếc là thời gian hoạt động từ cuối năm 1927 đến khi nào, nguyên nhân chuyển công tác và những chi tiết công tác trong thời gian hoạt động bí mật cho đến nay không ai được rõ. Hơn nữa sự việc này còn liên quan đến các vụ tấn công các Lãnh sự quán Liên Xô, đến việc đóng cửa các Lãnh sự quán này và việc cần thiết phải tiếp tục công tác tình báo.

  Sau đó Naum Eitingon một thời gian làm công sứ ở Kharbin. Sau vụ cảnh sát Trung Hoa tấn công Lãnh sự quán Liên Xô, vào mùa xuân 1929, Naum Eitingon được gọi về Moscva và ngay sau đó được cử đi Ancara nhận chức vụ tùy viên báo chí của Đại sứ quán Liên Xô ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây lần đầu tiên đã có sự đụng độ giữa hai con đường Eitingon với đối thủ tương lai và nạn nhân của Eitingon là Troski. Thay thế vị trí của Iacov Bliumkin, người đã giết Đại sứ Đức Mirbakh năm 1918, Naum Eitingon được giao nhiệm vụ tổ chức việc theo dõi Troski, Bliumkin bị triệu hồi về Moscva, bị bắt giữ và xử bắn vì đã tuỳ tiện tiếp xúc với Troski. Eitingon đảm đương công việc một cách có hiệu quả. Troski được tình báo theo dõi kỹ lưỡng, nhưng một thời gian không lâu sau đó Troski rời Thổ Nhĩ Kỳ đi Na Uy, còn Eitingon thì trở về Moscva.

  Giữ chức vụ tổ phó tổ đặc biệt "Chú Iasa" của Iacov Serebrianski, nhưng Eitingon phần lớn thời gian lại đi công tác ở nước ngoài. ở nước ngoài, Eitingon hoạt động bí mật và được giao thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt ở Pháp và ở Bỉ.  Eitingon cũng được giao nhiệm vụ thành lập mạng lưới tình báo để áp dụng vào những công trình có ý nghĩa quân sự chiến lược trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Một thời gian Eitingon đứng đầu Ban đối ngoại có nhiệm vụ phối hợp công việc đang làm của các điệp viên nước ngoài. Eitingon cũng thành lập một tổ chức làm hộ chiếu giả cho những chiến dịch bí mật. Trong tổ có một người Áo tên là Miller rất khéo tay đã làm nên những điều tuyệt vời: đó là những tấm hộ chiếu "không xuyên thủng được".

  Năm 1936, ở Tây Ban Nha xảy ra nội chiến. Eitingon được phái sang Tây Ban Nha dưới họ tên là Leonid Kotov chính thức nhận chức vụ phó cố vấn bên cạnh Chính phủ cộng hòa, trên thực tế là phó công sứ Bộ Dân uỷ Nội vụ của Alecxandr Orlov. Sau khi Orlov bỏ chạy, Eitingon đứng đầu cơ quan này ở Tây Ban Nha. Dưới sự lãnh đạo của Eitingon, nhiều người đã chiến đấu anh dũng và sau này trở thành Anh hùng Liên Xô như Prokopink, Vaupshasov, Orlovski, thành viên tham gia chiến dịch "Sindicat" và "Tơrớt" Sưroezkin, cũng như các thành viên sau này tham gia chiến dịch "Con vịt" David Sikeiros, Ramon Merkader và những người khác. Eitingon chịu trách nhiệm về công việc tình báo, việc tiến hành những chiến dịch du kích trong hậu phương quân đội của Franco và công việc phản tình báo. Eitingon cũng là người chỉ đạo việc gửi về Moscva một số lượng vàng Tây Ban Nha có trị giá hơn nửa tỉ đô la.

  Năm 1939, khi nội chiến kết thúc với thắng lợi của tướng Franco, Eitingon chuyển cơ sở sang Pháp. Tại Pháp, Eitingon khôi phục lại mạng lưới điệp viên. Một thời gian Eitingon giữ mối liên hệ với Kim Philby và Guy Burgess.

  Tháng 3 năm 1939, Stalin ra lệnh tiêu diệt Troski. Để thực hiện lệnh của Stalin ngày 9 tháng 7 năm 1939, đã soạn thảo ra "Kế hoạch hành động tình báo theo hồ sơ chiến dịch "Con vịt", dưới ký tên P.M.Phitin, trưởng ban tình báo đối ngoại; P.A.Sudoplatov, phó ban tình báo đối ngoại và N.I.Eitingon (tức "Tom") không ghi chức vụ và quân hàm. Trong bản kế hoạch viết rằng "Tom" là "người tổ chức và lãnh đạo tại chỗ". Có khá nhiều thành viên được thu hút tham gia chiến dịch, trong đó có Ramon Merkader ("Raimond") và mẹ của Merkader là Karidad ("Bà mẹ") và những người khác.

  Đầu tháng 8 năm 1939 "Tom" đến Mexico dưới vỏ bọc là nhà doanh nghiệp Canada. Lúc này ở Mexico đã có mặt "Bà mẹ", "Raimond" và những người khác. Nhưng công việc chuẩn bị tiến hành chậm hơn so với dự tính. Mãi sau chín tháng mới xảy ra cuộc ám sát đầu tiên đối với Troski. Những người tấn công đột nhập vào trong nhà và nổ súng vào phòng ngủ Troski. Nhưng Troski và vợ đã kịp trốn dưới giường nên không bị thương. Những người tấn công rời khỏi nhà Troski mà không biết là Troski không hề hấn gì.
Tuy nhiên Eitingon không phải nhận kỷ luật vì cuộc ám sát thất bại, hơn thế nữa trong công văn nhận được từ Moscva có đoạn ghi thêm bày tỏ sự đồng tình: "Đồng chí Beria gửi lời chào".

  Bắt tay vào truy tìm, cảnh sát Mexico sau đó không lâu đã phát hiện ra người lãnh đạo cuộc ám sát bất thành. Cảnh sát Mexico cảm thấy hình như đó là họa sĩ tài danh Mexico David Alpharo Sikeiros. Cảnh sát Mexico cũng xác định được những người khác tham gia chiến dịch ám sát này. Trong mạng lưới điệp viên Liên Xô không có ai có tên trong danh sách này. Phần lớn điệp viên Liên Xô đã trốn thoát.
Một cuộc chuẩn bị cho giai đoạn mới của chiến dịch "Con vịt" bắt đầu. Việc chuẩn bị lần này không vấp phải khó khăn đặc biệt nào là nhờ có "Raimond" thường hay lui tới nhà Troski (20 lần) như người tâm phúc. Ngày 20 tháng 8 năm 1940, tức là chưa đầy 3 tháng sau vụ ám sát lần thứ nhất, vụ ám sát lần thứ hai được tiến hành. "Raimond" đem theo mình một cái cuốc đào băng, con dao và súng lục đến nhà Troski đề nghị viết nhận xét cho bài báo của mình. Khi Troski đọc bài báo, "Raimond" dùng chiếc cuốc bổ vào sau gáy ông ta. Troski ngã gục và kêu toáng lên. Nhân viên bảo vệ kịp thời xuất hiện đánh đập "Raimond" rất dã man, sau đó giao "Raimond" cho cảnh sát. Ngày hôm sau Troski chết trong bệnh viện. Còn "Raimond" mạo nhận là người Bỉ tên là Gian Mornar nguyên là người ủng hộ Troski bị tù 19 năm 8 tháng 14 ngày. Năm 1960 "Raimond" đến Moscva, tại đây ông được nhận Huy chương vàng Anh hùng Liên Xô. Đây là một trong những điệp viên hoạt động bí mật được nhận danh hiệu cao quý này.

  Vào ngày Troski bị giết Eitingon và "Bà mẹ" rời khỏi Mexico. Eitingon với hộ chiếu người Iraq bay sang Cu Ba. Đến Cu Ba Eitingon nhận hộ chiếu người Bungari và bay về châu Âu. Về đến Moscva đích thân Eitingon báo cáo miệng toàn bộ sự việc cho Merkulov và Beria, chứ không viết một báo cáo nào bằng văn bản.
 
  Eitingon vừa mới kịp nghỉ ngơi lấy lại sức và bắt tay với công việc mới (tổ trưởng tổ Đặc biệt trực thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ) thì chiến tranh đã nổ ra. Eitingon nhận nhiệm vụ lữ đoàn phó (lữ đoàn trưởng là Sudoplatov) lữ đoàn bộ binh cơ động đặc nhiệm là lữ đoàn huyền thoại trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại đã lập được nhiều chiến công vang dội khi mở các chiến dịch trong lòng địch. Lữ đoàn đặc nhiệm chỉ thu nhận những người tình nguyện đã qua một lớp tập huấn đặc biệt dành cho công việc phá hoại đặc công và thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Lữ đoàn đặc nhiệm này được phiên vào thành phần Cục 4 thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ - Bộ Dân uỷ An ninh do Sudoplatov và Eitingon đứng đầu trong suốt thời gian từ khi nổ ra đến khi kết thúc cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đây là Trung Tâm đầu mối tổ chức công tác tình báo phá hoại ở vùng bị chiếm đóng. Ngoài những chiến dịch do Cục 4 tự tiến hành, Cục còn ủng hộ những điệp vụ biệt kích, thực hiện gần 80 điệp vụ, trong đó có những điệp vụ nổi tiếng như "Tu viện", "Beredino".

  Đặc biệt trong số các nhà hoạt động tình báo Liên Xô chỉ có hai người được phong tặng Huân chương Suvorov: đó là hai vị tướng an ninh Sudoplatov và Eitingon.

  Trong thời gian chiến tranh, vào năm 1942 Eitingon đã đến Thổ Nhĩ Kỳ dưới vỏ bọc Leonid Naumov nhận sứ mệnh chuẩn bị cuộc ám sát đại sứ Đức Fon Papen. Sở dĩ phải khử Fon Papen vì trong trường hợp các tướng lĩnh Đức Quốc xã loại trừ Hitler khỏi chính quyền thì Fon Papen sẽ phải lãnh đạo Chính phủ Đức, điều này sẽ đưa Chính phủ Đức vào thế giới phân lập với Mỹ và Anh. Tuy nhiên vụ ám sát bất thành: mìn nổ ngay trên tay Aphanasev người Bungari là kẻ mưu sát. Chính Aphanasev bị chết, còn Papen thì chỉ bị thương nhẹ.

  Eitingon còn để lại dấu ấn nữa trong cuộc đời hoạt động tình báo của mình - đó là "hoạt động tình báo nguyên tử". Ngay từ những năm 1939 - 1941, khi ở Mỹ Eitingon đã được "toàn quyền lựa chọn và tuyển dụng người cộng tác mà không cần có sự chuẩn y của Trung Tâm đồng thời được sử dụng cả mối quan hệ thân thích họ hàng", như tướng Sudoplatov viết trong hồi ký của mình. Ngay thời gian trước đó vào đầu những năm 30, Eitingon đã công khai hóa hoạt động ở vùng duyên hải phía Tây nước Mỹ hai điệp viên tình báo, trong đó có bác sĩ nha khoa "Shakhmatis", cơ sở mà nữ tình báo Kitti Harris nối lại được quan hệ. Dưới sự bảo trợ của tình báo một tổ chuyên môn nghiên cứu các vấn đề "hoạt động tình báo nguyên tử" được thành lập thì Sudoplatov và Eitingon được cử làm tổ trưởng và tổ phó lãnh đạo tổ. Một trong những công lao của Eitingon là tổ chức được việc phối hợp hành động giữa các ban chuyên môn của Trung Tâm với các nhà nguyên tử học.

  Còn một chiến dịch nữa có sự tham gia của Eitingon, đó là việc kiểm tra các mỏ uranium ở Bungari. Số là ngay từ tháng 2 năm 1945 đã có thông tin về lượng dự trữ uranium chất lượng cao ở vùng núi Roodovski. Quặng khai thác từ các mỏ này đã được sử dụng để khởi động lò phản ứng nguyên tử đầu tiên của Liên Xô. Công việc được tiến hành bí mật, tuy nhiên chẳng bao lâu sau người Mỹ đã biết và họ bắt đầu thi hành những biện pháp chống lại. Họ phái đến những điệp viên tình báo trong số đó có cả những điệp viên biệt kích. Trong tình hình đó Eitingon dự tính tuyển dụng lại những điệp viên người Mỹ và vợ của họ nhưng bất thành.

  Trong thời gian đó thì ở Liên Xô người ta phát hiện ra những mỏ lớn hơn và chất lượng cao. Để che giấu thực tế này và khiến ở người Mỹ tin là Liên Xô rất cần uranium của Bungari, Eitingon tiến hành những hoạt động rộng rãi tung ra những thông tin sai lạc nên một thời gian khá dài đã đánh lạc hướng được người Mỹ.

  Đồng thời Eitingon vẫn tiếp tục nghiên cứu công việc có tính chất tình báo thuần túy. Chẳng hạn vào năm 1946 - 1947, Eitingon lãnh đạo công việc chuẩn bị trục xuất V.G.Fisher (tức Rudolf Abel). Ngoài ra cho đến tận ngày bị bắt lần đầu tiên 28 tháng 10 năm 1951, Eitingon là cấp phó của tướng Sudoplatov, và là cục trưởng Cục Tình báo Đặc công ở nước ngoài. Tuy nhiên hoạt động tình báo trên thực tế không có gì bộc lộ ra bên ngoài, có điều may mắn là "chiến tranh lạnh" không chuyển thành nóng, nên hoạt động tình báo của Eitingon có vai trò riêng của nó trong việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Liên Xô trong trường hợp phải đối phó với các nước trong khối NATO.
Khi Eitingon bị bắt người ta đã buộc tội ông có chân trong các tổ chức theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Sionit). Ngày 20 tháng 3 năm 1953, sau khi Stalin mất, Eitingon được trả lại tự do và khôi phục quân hàm cho ông, nhưng đến ngày 21 tháng 8 năm 1953, ông lại bị bắt, lần này ông bị buộc tội là kẻ tòng phạm với Beria. Eitingon bị kết án 12 năm tù và mãi đến năm 1964 mới được trả lại tự do. Sau đó Eitingon làm biên tập nhà xuất bản "Sách ngoại văn" nhiều năm.

  Eitingon mất ngày 3 tháng 5 năm 1981 - nhưng mãi đến 10 năm sau, năm 1991, ông mới được khôi phục danh dự. Trước ngày lễ Chiến thắng phát xít, ngày 9 tháng 5 năm 2000, các con ông mới nhận lại những huân chương của nhà tình báo Eitingon: 2 huân chương Lenin, 2 huân chương Cờ Đỏ, huân chương Suvorov, huân chương Chiến tranh Giữ nước hạng nhất và huân chương Sao Đỏ.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #62 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2008, 05:48:32 pm »

49 - REINHARD  GEHLEN (1902-1979)
Kế hoạch gia đình trị hoạt động tình báo


  Có thời gian ông ta gần như được coi là một nhân vật huyền thoại gắn với tên gọi của OG (tổ chức Gehlen). Không ai nhìn thấy, không xuất đầu lộ diện ở đâu và không bao giờ trả lời phỏng vấn nhưng con người này có thực và sự ra đời của OG gắn liền với ông ta.

  Reinhard Gehlen sinh tại Erfurt ngày 2 tháng 4 năm 1902. Ông ta chọn cho mình con đường binh nghiệp và từ đầu Thế chiến thứ nhất đã có chức vụ trong Bộ tổng tham mưu. Đứng đầu nhóm phương Đông của Ban nghiệp vụ Bộ tổng tham mưu, ông ta nổi bật trong vai trò người hình thành các kế hoạch quân sự chống Liên Xô. Từ tháng 10 năm 1940, Gehlen chịu trách nhiệm về "các vấn đề chung trong chỉ đạo cuộc chiến ở phía Đông". Từ ngày 1 tháng 4 năm 1942, ông ta là đại tá chỉ huy Cục 12 thuộc Bộ tổng tham mưu, ngoài khu vực Liên Xô còn chịu trách nhiệm về hoạt động các vùng Scandinavia và Balcan. Cục 12 trước đây hoạt động yếu được Gehlen biến thành bộ máy vận hành trơn tru và có tên gọi mới là "FHO" - Cục "Quân đội nước ngoài ở phía Đông", chuyên xử lí các tư liệu nhận từ Abver (Cơ quan Tình báo Quân sự Đức), lập báo cáo và đưa ra dự báo. Công việc không dễ dàng, hơn nữa kết quả làm việc được trình lên Hitler thường xuyên khiến gã này tức giận và không hài lòng, vì tình hình không khớp với hình dung của gã về tiến trình các sự kiện. Vì thông tin có chất lượng từ Abver bị ngừng trệ nên Gehlen thiết lập quan hệ tiếp xúc với các cơ quan tình báo khác như: Cục Tình báo mặt trận "Ost-I-II-III", cơ quan thông tin liên lạc bí mật, đài phát thanh, tình báo không quân và mặt trận. Ông ta cũng sử dụng nguồn tin khai thác từ tù binh chiến tranh. Chính Gehlen đã đồng ý hợp tác với tướng Vlasov.

  Gehlen cũng hợp tác chặt chẽ với Cục IV của Cơ quan An ninh Đế chế. Ông ta tham gia vào hoạt động chuẩn bị chiến dịch "Seppelin" tung gián điệp qua bên kia chiến tuyến, vạch kế hoạch chỉ đạo chiến thuật trong sử dụng các nhóm và tổ chức phá hoại ở hậu cứ của đối phương. Là một kẻ nắm được thông tin đáng tin cậy về cục diện chiến tranh và sự thất bại chắc chắn của nước Đức phát xít, nhưng có tư tưởng chống cộng hiếu chiến, Gehlen đã thực hiện sự chọn lựa: dành bản thân và những hiểu biết cũng như cơ quan dưới quyền chỉ huy của mình phục vụ cho đối tác nào trong số phe Đồng minh sẵn sàng thu dụng và trả thù lao cao cho sự phục vụ đó.

  Gehlen giữ khoảng cách khá xa với những kẻ mưu loạn ngày 20 tháng 4 năm 1944, còn nếu có duy trì quan hệ quen biết với ai đó thì phải là người như ông ta, có khuynh hướng dựa vào phương Tây. Trước khi Đệ Tam Đế chế sụp đổ, Gehlen không tán thành ý định thành lập các nhóm "Vervolf" và tiến hành cuộc chiến tranh bí mật của bộ sậu cầm quyền Hitler.

  Ngày 5 tháng 4 năm 1945, Gehlen bí mật thỏa thuận với trợ lí của mình là Gerherd Vessel và chỉ huy cũ của Ban nước Nga trong Abver là German Baun đồng tình chạy sang với người Mỹ cùng món "lễ vật" là những tài liệu lưu trữ và danh sách những nhân viên xuất sắc có tư tưởng chống cộng, chống Liên Xô và theo Mỹ. Trong tình hình náo loạn những ngày cuối cuộc chiến tranh, Gehlen đã rời nhiệm sở cùng Vessel và những người tin cẩn khác của mình lẩn trốn trên miền đồng cỏ Anpes gần Elendzalm, nơi theo lệnh ông ta kho lưu trữ của FHO đã được chôn giấu dưới lòng đất. Khi vùng đất châu Âu này rơi vào tay quân đội Mỹ, Gehlen không muốn giao nộp cho ai đó bất kì, mà yêu cầu gặp được đích thân chỉ huy cơ quan tình báo hoặc phản gián. Nhưng người mà ông ta gặp gỡ đầu tiên lại là một viên đại úy trẻ tuổi thuộc Cục Phản gián Mỹ. Anh ta đã chuyển Gehlen vào một trại tù binh chiến tranh. Tại đó may mắn cho Gehlen là ông ta đã gặp được tướng chỉ huy G-2 (Cơ quan Tình báo Quân sự) tại vùng chiếm đóng của Mỹ trên đất Đức là Edvin Luther Sibert. Gehlen chia sẻ với ông này những ý tưởng phối hợp chống Liên Xô. Điều đó cũng trùng hợp với tư tưởng của tướng Sibert. Ông ta giới thiệu Gehlen với người đứng đầu ban tham mưu của Eisenhower là tướng Walter Bedell Smith là người nổi tiếng có tinh thần chống Liên Xô mạnh mẽ. Hai người gặp gỡ đối thoại lâu và hết sức tâm đầu ý hợp. Kết quả là tháng 9 năm 1945, Gehlen cùng với sáu trợ thủ đã bay sang Mỹ. Tại đây họ gặp thiếu tướng giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ là George V. Strongo. Trước tháng 7 năm 1946, tại Washington đã diễn ra các cuộc đàm phán và một hoạt động chuẩn bị khác. Trong khi đó, "đồng minh" cũ của Gehlen là German Baun dưới sự kiểm soát của tướng Sibert đã giấu Gehlen bí mật lập một nhóm nhỏ hoạt động tình báo - phản gián. Tổng hành dinh của nó được đặt ở vùng núi Taunus. Nhóm hoạt động tích cực bắt đầu từ tháng 3 năm 1946.

  Tháng 7 năm 1946, Gehlen trở về Đức. Lúc này người Mỹ đã được phê chuẩn và đồng ý tài trợ cho tổ chức tình báo dưới sự chỉ huy của Gehlen. Baun và Vessel được chỉ định là trợ lí của Gehlen. OG đã ra đời như vậy. Người Anh cũng tìm cách xây dựng một tổ chức như vậy. Nhưng họ không thành công. Người đứng đầu tổ chức này là Adolf Vikht cùng những người dưới quyền đã chuyển sang gia nhập OG đầu năm 1947.

  OG được thành lập với nhiều điều kiện, ví dụ như:

  1. Cục Tình báo Đức thực hiện hoạt động tình báo ở phương Đông... trên cơ sở mối quan tâm chung đối với vấn đề ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản...

  ... 4. Tổ chức được phía Mỹ cung cấp tài chính... Đổi lại tổ chức này sẽ cung cấp tất cả các kết quả hoạt động tình báo cho người Mỹ...
Ban đầu OG hoạt động ở Taunus, tháng 12 năm 1947, tổng hành dinh của nó chuyển về trang ấp của Rudolf Hess tại Pullache, cách Munchen không xa. Gehlen loại bỏ đối thủ của mình là German Baun vào tháng 12 năm 1951 với lí do vi phạm tài chính. Dần dần trang ấp của Hess không chứa nổi cơ quan đã khuếch trương lớn của Gehlen. Tổ chức tình báo cũ của Martin Borman ("gián điệp của người Nga" theo định nghĩa của Gehlen) được sáp nhập vào OG. Sau đó người ta đã xây hàng loạt công trình làm công sở và nơi ở cho nhân viên OG. Khu làng có tên gọi là "trại Thánh Nicolaus" vì bắt đầu có người dọn đến ở vào ngày 6 tháng 12 năm 1947, ngày Thánh Nicolaus. Nhận được lương thực thực phẩm là thứ khan hiếm thời đó, cũng như dollar bị cấm lưu hành giữa người Đức, nhiều nhân viên OG và vợ của họ bắt đầu hoạt động đầu cơ. Họ thông đồng với cảnh binh, khi có người mua hàng của một kẻ đầu cơ và trả bằng dollar. Cảnh binh sẽ bắt giữ kẻ đầu cơ và thu dollar rồi lại trả về cho người này (sau khi đã lấy phần của mình). Đám này đầu cơ cà phê ở chợ đen và buôn lậu. Năm 1953 xảy ra vụ án lớn nhưng tướng Gehlen cũng như tổ chức của ông ta không hề bị triệu ra tòa. Điều đó đã được trả giá bằng một khoản tiền lớn, nhưng OG bảo vệ được danh tiếng của mình. Đương nhiên nhân viên OG không chỉ hoạt động đầu cơ. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là chống Liên Xô, chủ yếu phát triển hoạt động gián điệp quân sự chống quân đội chiếm đóng Liên Xô trên đất Đức, và hoạt động phản gián. Tổ chức cũng tiến hành hoạt động tình báo chính trị và sử dụng các gián điệp hai mang. Từ thời điểm thành lập của mình, OG luôn duy trì quan hệ chặt chẽ với Cục Tình báo Trung ương Mỹ, cung cấp chi tiết thông tin về Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa mà việc thu thập là khó khăn đối với người Mỹ. Từ năm 1950, Gehlen bắt đầu tuyển mộ vào tổ chức của mình những tên quốc xã vốn thuộc Cơ quan An ninh Đế chế trước đây. Trong những năm "chiến tranh lạnh" đó là những sự trợ giúp quan trọng. Ông ta còn thiết lập những mối tiếp xúc chặt chẽ với các tổ chức lưu vong chống Liên Xô như: "Liên minh Lao động Dân tộc", "Nghĩa quân Ucraina" và các tổ chức khác.

  Sau sự ra đời vào năm 1949 của nước Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR), tổ chức của Gehlen lại càng trở nên quan trọng đối với người Mỹ. Theo nhiệm vụ của người Mỹ giao phó, Gehlen tuyển lựa gián điệp trong nhóm thân cận của thủ tướng DDR Otto Grotewohl, bộ trưởng giao thông DDR, bộ trưởng tương lai Bộ Nội vụ Ernest Vollveber và ở những điểm trọng yếu khác. OG lôi kéo chạy sang phương Tây một số nhân vật tầm cỡ: ví dụ như vào tháng 4 năm 1953 là Johann Krauss - một viên chức cấp cao trong của cơ quan Tình báo Đối ngoại DDR, còn vào tháng 9 năm 1955 là thứ trưởng Herman Castner. Ngày 11 tháng 7 năm 1955, OG đổi thành Cục Tình báo Liên bang (BND), Reinhard Gehlen trở thành giám đốc. Bây giờ nguồn tài chính cho Cục không còn do người Mỹ cấp mà từ ngân sách liên bang của Cộng hòa Liên bang Đức (LBĐ) và Cục trở thành cơ quan hoạt động gần như độc lập. Gehlen đặc biệt chú trọng củng cố ảnh hưởng của mình trong quân đội LBĐ. Không phải ngẫu nhiên mà những kẻ như con trai người đứng đầu Bộ tổng tham mưu cũ là trung tá Hains Gunter Guderian, cháu một tướng bảo hoàng là đại tá Ludendorf, cựu tướng quân đội Đức phát xít Adolf Hoyzinger, người về sau trở thành tổng thanh tra thứ nhất trong quân đội và nhiều kẻ khác đã tìm được nơi nương náu trong tổ chức của Gehlen. Bên cạnh đó Gehlen cũng chỉ đạo hoạt động phản gián trong nội bộ nước Đức, và càng làm tăng ảnh hưởng của bản thân, đặc biệt trong thời kì "săn phù thủy", và được quyền tự do tiếp cận thủ tướng thứ nhất chính phủ LBĐ Conrad Adenauer.

  OG, dù là với tên gọi nào, cũng có số lượng điệp viên khổng lồ. Chỉ riêng cơ quan tổng đại diện của nó ở Karlsrua đã có bốn mươi hai nguồn cung cấp tin tình báo hoạt động trực tiếp ở Đông Berlin và vùng cai quản của Liên Xô. Nó cũng có những nguồn tin, cơ sở chỉ điểm, các tùy viên và nhiều đơn vị tình báo ở các nước trung lập Áo và Thụy Sỹ, tại Pháp và Nam Tư. Ngoài ra điệp viên cũng được tuyển mộ trong các khu vực chính trị và kinh tế trong nội địa BRD, ở Tây Berlin, trong các bộ chức năng và cơ quan chính quyền, cơ quan cảnh sát và lính biên phòng, trong các đảng phái chính trị, các công đoàn, các tổ chức đại diện ngoại giao của chính phủ Bonn ở nước ngoài.

  Ảnh hưởng và ý nghĩa hoạt động tăng lên, Gehlen càng thể hiện thói cục bộ gia đình của mình. Tất cả những chức vụ lãnh đạo chủ chốt ông ta chỉ tin cậy giao cho các chiến hữu của mình, chủ yếu là cựu sĩ quan của Bộ tổng tham mưu và Cơ quan Tình báo Quân sự cũ của nước Đức phát xít. Những kẻ này lãnh đạo các đơn vị trong Cục, đôi khi có sự thay đổi vị trí lẫn nhau. Tính cục bộ càng biểu hiện rõ hơn sau sự thành lập Cục Tình báo Liên bang. Trong Cục, Gehlen tạo thành một bè cánh gia đình thực sự ảnh hưởng đến đường lối hoạt động của Cục. Các nhà văn Đức G. Gene và G. Solling nhận xét trong cuốn Nội bộ Pullach: "Vô số quan hệ chằng chịt gắn kết các thành viên của tổ chức với nhau. Gehlen với tư tưởng gia đình trị cố hữu của mình đã đưa vào bộ máy ở Pullach những quan hệ chéo. Ông ta đã tạo điều kiện cho cuộc hôn nhân của cô thư kí của mình với một trong các nhân viên cao cấp về sau trở thành người đứng đầu cơ quan mật vụ". Gehlen gả con gái Catharina của mình cho đại tá Durrvanger, chính là nhân vật có biệt danh "Ustus" và đặt con rể vào vị trí trưởng ban liên lạc của Cục Tình báo Liên bang tại Bonn, có nghĩa là chỉ định vào một vị trí có khả năng tìm kiếm được những mối quan hệ tiếp xúc ở mọi lĩnh vực hoạt động của bộ máy chính phủ. Trong biệt thự của Gehlen, bè cánh gia đình này thường xuyên tụ họp, gồm ba cô con gái, các chàng rể, bạn bè và cô thư kí của "Ustus" Durrvanger là Veronica, con gái người bạn thân Wolf của Gehlen. Người trở thành chồng Veronica là Lenkait cũng làm việc cho Cục Tình báo Liên bang. Ngoài Catharina, Gehlen còn có hai cô con gái nữa cũng lấy chồng là nhân viên Cục Tình báo Liên bang. Em trai Gehlen, có biệt hiệu "Don Juan" là điệp viên của Cục tại Rome. Ông này nổi bật với những kế hoạch kì quặc xâm nhập Vatican và những hành vi phù hợp với biệt hiệu bị gán cho đó. Anh vợ Gehlen là Fon Seidlips-Kursbach, đứng đầu ban Nhân sự của Cục và giữ riệt trong tay vị trí quan trọng nhất đối với "gia đình" đó. Một trong các anh em họ của Gehlen là Slemel, biệt danh là "Tiến sĩ" là bác sĩ chính thức của Cục. Hoạt động quan trọng nhất trong "cảnh điền viên gia đình" đó là trong thời gian họp mặt ở biệt thự của Gehlen họ cùng nhau vạch lí thuyết hoạt động tình báo, lập và phân chia nhiệm vụ.

  Ngoài thành viên gia đình mình, Gehlen cũng ưu ái cho gia đình các ông bạn cùng cánh và đồng nghiệp cũ. Con trai đám bạn bè đó được sắp xếp vào những vị trí ngồi mát ăn bát vàng. Họ đi học bằng tiền của Cục và đi làm việc nặc danh nên có thể che giấu được việc là thân thích của những nhân viên cao cấp trong Cục. Điệp viên Liên Xô Felfe, người làm việc cùng Gehlen, nhớ lại rằng có một người trong đám con cháu đó được điều đi làm nhiệm vụ rất quan trọng và bí mật. Nhưng trong chương trình truyền hình về Thế vận hội Olimpic tại Rome người ta lại thấy mặt anh ta được quay rõ ràng trên khán đài sân vận động, là nơi anh ta không thể nào được phép lộ diện.

  Từ năm 1960, bắt đầu giai đoạn xế chiều của thời đại Gehlen. Hoàn toàn bất ngờ với Gehlen và Cục của ông ta là việc xây dựng bức tường Berlin. Điều này không chỉ là đòn giáng mang tính chất tinh thần vào thanh danh của Cục mà còn làm mất đi điểm hoạt động liên lạc nối với các gián điệp đang hoạt động trên đất Cộng hòa Dân chủ Đức. Đòn giáng thứ hai là vụ bắt giữ và xét xử điệp viên Liên Xô Felfe, người nắm giữ chức vụ cao trong Cục. Ông này xuất thân từ Cục An ninh Đế chế và tổ chức SS, nhờ đó mà trở thành nhân viên của OG, và sau đó là Cục Tình báo Liên bang. Sự kiện bắt giữ ông đã gây làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong xã hội Tây Đức về việc sử dụng trong các cơ quan đặc vụ những sĩ quan quốc xã cũ. Mà đặc biệt là chính tổ chức của Gehlen đã phạm sai lầm này.

  Cũng trong năm 1963 này thủ tướng Erhard lên thay ông Adenauer. Thủ tướng mới là người ít trọng thị Gehlen. Việc thủ tướng Kurt George Kisinger lên nắm quyền và sự kiện thành lập "Đại Liên minh" (Liên minh các đảng phái Tây Đức và Đảng Xã hội Dân chủ Đức), ở Tây Đức đã diễn ra những thay đổi - đường lối của chính phủ lúc này theo xu thế phát triển xã hội dân sự và hạn chế hoạt động phi pháp của Cục Tình báo Liên bang ở bên trong đất nước.

  Đến tuổi hưu (66 tuổi), tháng 5 năm 1968, Gehlen được miễn nhiệm. Năm 1972 viên tướng này cho xuất bản tập hồi kí nhan đề Công vụ, hồi ức 1942-1971.

  Năm 1979, tướng Gehlen mất ở tuổi 77.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #63 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2008, 04:09:06 pm »

50 - MORIS  BUKMASTER (sinh năm 1902)
Chiến dịch "Pháp hóa" các điệp viên "Ban nước Pháp" của tình báo Anh


  Tháng 7 năm 1940, Cục Đặc vụ Anh ra đời. Trong bị vong lục trình lên Nội các quốc phòng, thủ tướng Churchill nói rằng Cục được thành lập "nhằm phối hợp các hoạt động phá hoại trên lãnh thổ đối phương", hoặc như về sau ông ta tuyên bố là để "thiêu hủy châu Âu". Đơn vị chủ lực của Cục là Ban phụ trách khu vực nước Pháp - cũng như các ban khác của Cục - nằm trên Bake Street là đường phố nổi tiếng có thời thám tử Sherlock Holmes lừng danh và bạn của ông là bác sĩ Watson "cư ngụ".

  Đại úy (ít lâu sau được thăng cấp trung tá) Moris Bukmaster lần đầu đặt chân lên Bake Street vào một ngày tháng 3 năm 1941, khi công tác của Ban nước Pháp đang rối tung. Ông đến thay chân đại tá Marriot vừa từ nhiệm.

  Moris Bukmaster lãnh đạo Ban nước Pháp - ban lớn nhất và quan trọng nhất trong Cục Đặc vụ - trong vòng bốn năm. Dưới sự chỉ huy của ông, đã có bốn trăm tám mươi người, cả đàn ông lẫn đàn bà được tung vào nước Pháp bằng đường nhảy dù, từ các máy bay nhỏ hiệu "Laizender", bằng tàu ngầm và tàu đánh cá nhỏ. Nhiều năm trôi qua, sau chiến tranh, có vài người buộc tội đại tá Bukmaster cố ý giao nộp một số điệp viên cho Gestapo để đánh lạc hướng chú ý của chúng khỏi những điệp vụ và điệp viên quan trọng khác. Thực ra không thể phủ nhận rằng Ban nước Pháp cũng như Cục Đặc vụ đã có một số sai lầm và tội lỗi. Nhưng cũng không nên quên rằng Bukmaster và các đồng sự của ông đã hết sức nỗ lực tiến hành một hoạt động cực kì khó khăn vượt quá sức người. Bản thân ông biết rõ từng điệp viên được tung vào nước Pháp, hết lòng lo lắng cho họ. Có thể với tính cách mềm yếu của mình ông không nên nắm giữ chức vụ buộc phải đưa người đến chỗ gần như chắc chắn phải chết. Mỗi điệp viên lên đường ông đều đích thân đưa tiễn, trước phút chia tay còn hỏi lại một lần xem người đó đã sẵn sàng bay vào hậu cứ của quân thù chưa, và nói trước việc từ chối sẽ không gây hậu quả xấu hoặc thậm chí chỉ là phản ứng khó chịu. Toàn bộ ba trăm bảy mươi lăm điệp viên còn sống sót (trong đó có hai mươi lăm người đã trải qua nhà tù và các trại tập trung của phát xít Đức) đều có tình cảm hết sức nồng ấm đối với ông.

  Bukmaster sinh năm 1902. Sau tốt nghiệp đại học tổng hợp Oxford, ông đã học tập và sinh sống tại Pháp, trở thành phóng viên báo Maten tại Paris, sau đó là nhân viên quản lí của hãng "Ford" tại Pháp và Anh. Năm 1938, ông được ghi danh vào lực lượng quân dự bị, còn khi chiến tranh xảy ra vào năm 1939 thì chính thức nhập ngũ. Kết thúc mấy khóa đào tạo tình báo, ông được phong hàm đại úy và mùa xuân năm 1940 được điều sang Pháp, tham gia chiến đấu bảo vệ hành lang Dunkirk, nơi từ đó quân Anh rút lui. Bản thân ông rời Dunkirk ngày 2 tháng 6 năm 1940 với một nhóm thương binh.

  Ngày 17 tháng 3 năm 1941, đại úy Moris Bukmaster xuất hiện trên Bake Street. Khi Bukmaster bắt đầu công việc ở Ban nước Pháp, biên chế dưới quyền ông có tám người. Trong vòng một năm con số đó tăng lên thành hai mươi tư. Các trợ thủ của ông không phải là "lũ chuột ở ban tham mưu", có người đã ở mặt trận, ở hậu cứ của quân Đức trên đất Pháp, và không chỉ một lần; có những người đã bị thương hoặc trốn thoát từ các nhà tù phát xít. Trong số các cộng sự của ông có nhân viên chính phụ trách việc tuyển mộ là đại úy Lewis Jelgood, trước và sau thời gian công tác tại Cục Đặc vụ đã làm việc trong tổ chức "Hồng thập tự", còn về sau này, trước năm 1955, là lãnh đạo nhân sự của UNESCO. Ông này đã tuyển mộ phần lớn những điệp viên xuất sắc cho Cục. Những nhân viên tuyển mộ tài năng khác có thể kể đến là đại úy Calvin Jackson, tác giả của nhiều cuốn sách bestseller trinh thám. Nicolas Bodington, cựu phóng viên của tờ Daily Express (Paris), là người nhiều lần xâm nhập nước Pháp khi cần giải quyết những vụ vỡ lở và khắc phục hậu quả. Thiếu tá Born-Paterson nhớ nằm lòng không chỉ bất kì một làng quê trên bản đồ nước Pháp, mà toàn bộ những địa điểm đã tung điệp viên và hàng hóa, tất cả những hầm trú ẩn và các căn nhà bí mật, là "cây tự điển" sống của Ban nước Pháp.

  Thiếu tá Jerer Morel là nhân vật huyền thoại trong ban tham mưu của Bukmaster. Mùa xuân năm 1940 ông là sĩ quan thông tin trong quân đội Pháp. Ông bị ốm nặng và rơi vào tay quân Đức ở Dunkirk. Được cứu thoát khỏi trại tù binh trong tình trạng mạng sống vô phương hi vọng. May mắn sống sót, ông sang Tây Ban Nha, từ đó xuyên Brazil đến Bồ Đào Nha, bắt liên lạc với tình báo Anh và gia nhập Cục Đặc vụ. Ngày 4 tháng 9 năm 1941, ông là người đầu tiên trong hàng ngũ sĩ quan tình báo được tung vào nước Pháp không qua đường nhảy dù (do tình trạng sức khỏe) mà từ chiếc phi cơ nhỏ "Laizender" (đó là cuộc đổ bộ đầu tiên của máy bay Anh xuống nước Pháp sau cuộc chiến ở Dunkirk). Morel đã nối lại liên lạc của nhóm tình báo với Ban tham mưu, nhưng do một vụ phản bội ông bị bắt sau đó sáu tuần. Vì tuyệt thực nên ông ốm nặng. Tại bệnh xá của nhà tù người ta mổ cho ông: với khoang bụng chưa liền sẹo ông trốn thoát và đến được Tây Ban Nha. Rơi vào tay quân biên phòng Tây Ban Nha, ông bị đưa vào trại tù binh. Ông lại trốn thoát và về được London với tình trạng sức khỏe lúc đó hết sức tồi tệ, chỉ ăn được bánh mì khô và uống sữa. Morel đã triển khai hàng trăm điệp vụ. Tháng 2 năm 1944, ông trở về Pháp với nhiệm vụ không mấy dễ chịu là bắt một điệp viên đang bị nghi ngờ. Morel đã hoàn thành công việc được giao và dẫn điệp viên nọ về London.

  "Thiên thần tốt bụng" là biệt danh dành cho nhà nữ tình báo của Ban nước Pháp Vera Atkins.

  Vì số lượng người Pháp để tung vào hậu cứ của quân Đức không đủ nên người ta buộc phải tạo ra "người Pháp" từ những người Anh và người Canada. Tạo ra một Jacques Dupon từ một John Smith là chuyện không dễ dàng, và toàn bộ hoạt động này do Vera Atkins trẻ tuổi, trí thức và tài năng chỉ đạo. Những người quen biết đều gọi bà là người phụ nữ "lạnh lùng, đặc biệt thông minh am hiểu, với óc phân tích sắc sảo", là "bộ não và trái tim" của Ban nước Pháp. Gần năm năm của cuộc đời mình bà cống hiến cho Ban nước Pháp. Vera Atkins thu lượm từng mẩu thông tin về cuộc sống trong nước Pháp chiếm đóng, nắm lượng kiến thức bách khoa về tất cả các vấn đề có thể liên quan đến cuộc sống của điệp viên được tung vào hậu cứ của kẻ thù như công việc, cách thức di chuyển, giờ giới nghiêm, tiêu chuẩn lương thực, thủ tục đăng kí ở cảnh sát... Giấy tờ giả được làm trong một phòng thí nghiệm đặc biệt của Cục Đặc Vụ, nhưng Vera biết bổ sung thêm những chi tiết hết sức quan trọng như những bức ảnh "gia đình", những tấm danh thiếp cũ, thư của bạn gái hay người yêu cũ... nói chung là bất kì những thứ lặt vặt có thể khẳng định nhân thân của một người. Bà khai thác tất cả những thứ đó từ các nguồn bí mật riêng, và ngoài ra còn có nhãn mác các nhà may của Pháp, vé tàu điện ngầm, diêm Pháp và những đồ phụ tùng lặt vặt khác... Bên cạnh đó, bà trực tiếp tham gia huấn luyện điệp viên ngay trước khi họ được tung vào hậu cứ của quân thù. Mỗi điệp viên đều có một sĩ quan chịu trách nhiệm về việc đào tạo và chỉ dẫn trong những ngày cuối cùng trước chuyến bay, nhưng các đợt huấn luyện đó đều nhất thiết phải có sự tham gia cố vấn của Vera. Điệp viên phải cư xử ra sao trong bữa ăn? Theo phong cách của người Anh hay người Pháp? Cách đặt dao và dĩa? Cách uống bia? Thường thường "giờ học" được tiến hành tại nhà hàng Pháp "Kokil" ở Soho, nơi bất kể đang là thời chiến vẫn duy trì được nhà bếp và các truyền thống Pháp. Buổi tối tiễn đưa diễn ra trong phòng làm việc bài trí theo lối Pháp của người đứng đầu Ban nước Pháp Moris Bukmaster. Tất thảy đều phải tập trung cho mục đích tạo bầu không khí thân thiện, tin cậy và hi vọng, tin tưởng vào thành công.

  Vera Atkins hiểu vai trò của nhân tố con người nên luôn khéo léo tìm cách để báo tin qua mạng liên lạc điện tín rộng lớn cho những điệp viên cụ thể về tình hình cuộc sống, sức khỏe của các thành viên trong gia đình họ, về cha mẹ già, về chuyện con cái được sinh ra, về chuyện một người anh của điệp viên đang trong quân ngũ vẫn sống mạnh khỏe và công tác tốt. Còn người thân của họ thì không hay biết gì về nơi ở của con trai hay chồng mình mà chỉ hiểu họ "đang đi làm nhiệm vụ".

  Bukmaster còn phải đương đầu gay gắt với ủy ban Dân tộc Giải phóng Pháp (gọi cách khác là "Nước Pháp Tự do"), do tướng De Gaulle đứng đầu. Ban nước Pháp và "Nước Pháp Tự do" là những đối thủ cạnh tranh không khoan nhượng không chỉ trong cuộc đấu tranh về "số lượng tuyển mộ", mà cả trong hàng loạt các vấn đề nguyên tắc khác. Về mặt lí thuyết, Bukmaster không phải sử dụng công dân Pháp. Tướng De Gaulle khăng khăng (và có được lời cam đoan của thủ tướng Churchill) rằng tất cả người Pháp đến nước Anh sẽ được thu hút hoạt động chỉ với tổ chức của ông. Trên thực tế lại có rất nhiều công dân Pháp, đặc biệt những người đến từ các thuộc địa trở thành điệp viên trong biên chế của Cục Đặc vụ.

  Vì sao De Gaulle lại phản đối điều này? Thứ nhất, ông ta sợ sau chiến tranh tất cả những điệp viên của Anh này sẽ ở lại nước Pháp và hoạt động cho người Anh. Thứ hai, ông ta không mong muốn để các điệp viên của Cục Đặc vụ tiến hành hoạt động phá hoại ngầm bởi vì điều đó có thể kích động những biện pháp trả đũa của quân Đức và khiến dân Pháp tức giận chống lại cả những người đang lãnh đạo cuộc chiến chống quân Đức, kể cả chống lại tổ chức "Nước Pháp Tự do". Ông ta cho rằng Ban nước Pháp chỉ được phép hoạt động tình báo. Trong cuộc đối thoại với thủ tướng Churchill, ông De Gaulle tuyên bố rằng những hoạt động của các điệp viên Anh trên nước Pháp "vi phạm chủ quyền của nó".

  Giữa Ban nước Pháp và tổ chức "Nước Pháp Tự do" luôn xảy ra mâu thuẫn về việc sử dụng hàng không, các vụ cung cấp vũ khí do điệp viên người Pháp khai thác được. Người Anh đối xử với người Pháp như với những người họ hàng nghèo khổ.

  Đã có thời kì Anh và Mỹ nói chung không muốn công nhận De Gaulle là người lãnh đạo phong trào giải phóng nước Pháp. Cục Đặc vụ không can dự vào những cuộc tranh cãi chính trị, nhưng với các ban đặc biệt của De Gaulle họ cũng không hợp tác. Về phần mình, De Gaulle cũng không công nhận Cục Đặc vụ, nhưng các đơn vị trong tổ chức của ông ta thì rất sẵn lòng hợp tác với tình báo Anh.

  Bất chấp các nỗ lực của Bukmaster, năm 1942 được đánh giá là không thành công đối với Ban nước Pháp. Mặc dù có một số lượng lớn điệp viên được tung ra nhưng đa phần trong số họ đã bị bắt. Liên lạc với những người còn lại thường xuyên bị đứt mạch trong hàng tuần lễ dài, các chuyến cung cấp vũ khí cho những nhóm Kháng chiến bị ngưng trệ. Tình trạng thiếu hụt chỉ đạo viên và vũ trang đã gây thất vọng cho những thành viên của phong trào Kháng chiến hoạt động dưới sự hỗ trợ của Cục Đặc vụ. Vì thiếu phương tiện giao thông, nên năm 1942 nước Pháp chỉ được cung cấp hai tấn thuốc nổ, hai trăm sáu mươi chín súng máy, ba trăm tám mươi tám súng lục, tám trăm năm mươi sáu trái bom cháy. Hoạt động trong những năm 1943-1945 diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn khác. Số lượng nhóm và điệp viên riêng lẻ được tung đi tăng lên đáng kể mặc dù tổn thất vẫn rất lớn. Trong nửa đầu năm 1944, người Anh thả xuống nước Pháp bốn mươi lăm nghìn súng máy, mười bảy nghìn súng lục... Các điệp viên của Cục Đặc vụ hoạt động cả theo hình thức riêng lẻ lẫn kết hợp với các thành viên người Pháp của phong trào Kháng chiến. Sau khi mặt trận thứ hai được mở họ liên kết với quân Đồng minh.

  Theo tổng kết của Ban nước Pháp, trong thời kì chiến tranh đã có bốn trăm tám mươi điệp viên được tung vào Pháp. Trong số đó có một trăm ba mươi người rơi vào tay quân Đức, hai mươi sáu người sống sót và được giải thoát. Một số người hi sinh trong chiến đấu. Tại Pháp đã có từ bảy mươi đến tám mươi cơ sở tình báo của Cục Đặc Vụ, ba mươi nhóm và cơ sở sở tại hoạt động.

  Sau chiến tranh, tại Pháp và Đức có bốn mươi câu lạc bộ "Chiến hữu Bukmaster" được thành lập. Đó là nơi các cựu chiến binh Ban nước Pháp của Cục Đặc vụ gặp gỡ với nhau.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #64 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2008, 04:12:58 pm »

51 - ANNA VOLCOVA (1902 - 1970)
Lòng thù hận chủng tộc và cộng sản



  Đối với một quốc gia, hơn nữa lại là một quốc gia đang lâm vào thời điểm nguy kịch, thì còn có bí mật nào cần được giữ kín hơn là những lá thư tuyệt mật trao đổi giữa người lãnh đạo quốc gia đó với người lãnh đạo một quốc gia khác, vừa hùng mạnh lại vừa thân hữu?

  Anna Volcova, người phụ nữ quý tộc Nga đã xâm nhập được vào bí mật này, là một tấm gương hiếm hoi về sự tận tuỵ với ý tưởng - không phải ý tưởng nhà nước, ý tưởng chính trị hay ái quốc, mà là ý tưởng cá nhân, dựa trên lòng căm thù mang tính chất chủng tộc và dân tộc. Bà đã trở thành một điệp viên khác thường.

  Anna Volcova sinh năm 1902 ở Saint Petersburg, nơi mà gia đình bà chiếm một địa vị cao trong triều đình Nga hoàng. Một người bác của bà được đích thân Nga hoàng Alecxandr dạy dỗ, một người bác khác là tướng chỉ huy trung đoàn cận vệ của Nga hoàng. Ông Voncov bố bà là một thuỷ binh, phục vụ cho đến cấp phó thuỷ sư đô đốc và đã từng là tuỳ viên hải quân tại một loạt quốc gia châu Âu. Hai người con của ông - cô con gái Anna và người con trai Alecxandr - lớn lên trong môi trường ngoại giao nên cảm thấy hết sức thoải mái khi tiếp xúc với những nhân vật thuộc các quốc tịch khác nhau ở Paris, Berlin, Roma, Copenhaghen. Trong thời gian Thế chiến thứ nhất, khi làm tuỳ viên hải quân ở London, phó thuỷ sư đô đốc Voncov đã được vua George tặng cho danh hiệu quý tộc Anh. Năm 1917, khi cách mạng tháng mười lật đổ Nga hoàng, gia đình Voncov chạy ra nước ngoài. Ngôi nhà của họ ở Petersburg và lãnh địa của họ ở miền Nam nước Nga bị cướp phá, tất cả tài sản của họ bị tịch thu.

  Đô đốc cùng gia đình sang Anh cư trú và chẳng bao lâu, họ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của những kiều dân Nga gặp may hơn, họ mở một tiệm cà phê nhỏ ở Kentsington. Khi bố mẹ Anna mất toàn bộ tài sản và chỉ còn sở hữu một tiệm cà phê nhỏ thì Anna mới mười bốn tuổi. Anna tỏ ra có năng khiếu ngôn ngữ, cô nói tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức cũng thông thạo như tiếng Nga. Cô còn học nhạc, tỏ ra là một họa sĩ có tài và những bức tranh thuốc nước của cô đã nhiều lần được trưng bầy tại các cuộc triển lãm nghiệp dư. Do đọc nhiều và am hiểu nghệ thuật, cô là vị khách mong đợi trong các gia đình thuộc tầng lớp cầm quyền ở Anh. Vào những lúc các kiều dân Nga lưu vong tụ họp lại tại "tiệm trà Nga" trên phố Harrington, nơi yêu thích của mọi Nga kiều sống ở London, các câu chuyện đương nhiên là xoay quanh tình hình ở Nga. Những kẻ tứ cố vô thân này mà giờ đây phải làm những nghề thấp kém như bán hàng, hầu bàn, gác đêm, công nhân, không thể cam chịu với ý nghĩ là tại Nga đã xẩy ra một cuộc cách mạng có ảnh hưởng lớn lao đến lịch sử nhân loại. Nhiều người trong số họ buộc tội Troski và những người Do Thái khác là đã gây ra cuộc cách mạng khiến họ phải lâm vào cuộc sống thiếu thốn.  Anna Volcova lớn lên trong bầu không khí đó.

  Từ hồi trẻ, bà đã nung nấu lòng căm thù bệnh hoạn đối với người Do Thái và chủ nghĩa cộng sản. Nhiều họ hàng và bạn bè của bà cũng chia sẻ những quan điểm của bà nhưng họ giữ kín trong lòng. Còn Anna thì dành cả cuộc đời cho một mục tiêu là đấu tranh với những người Do Thái và dân tộc Do Thái. Điều đáng chú ý là về tất cả các mặt khác thì bà là một phụ nữ bình thường, thậm chí còn khả ái nữa. Vậy mà bà đã mưu toan thực hiện những ý tưởng điên rồ của mình vào những ngày nguy kịch nhất đối với nước Anh trong cuộc chiến tranh với nước Đức phát xít.

  Bà là một điệp viên tinh tế, nhưng không phải là điệp viên của bất kỳ ai, không phục vụ cho bất kỳ ai, không nhận tiền của bất kỳ ai. Nhưng đồng thời, bà đã trở thành kẻ phản bội nước Anh là nước đã cho bà trú ngụ và đưa bà vào tầng lớp cầm quyền. Bà cũng đã trở thành công cụ chuyển giao cho bọn quốc xã Đức những tin tức chính xác về các lực lượng vũ trang Anh, về những kế hoạch chống trả cuộc xâm lược của Đức và về sự giúp đỡ của người Mỹ cho nước Anh trong những giờ phút ảm đạm trước và sau khi nước Pháp thua trận.

  Vào một buổi đêm tháng 6 năm 1940, thủ tướng Anh Winston Churchill buộc phải tạm ngừng phiên họp của nội các chiến tranh Anh quốc - tên gọi của chính phủ Anh trong những năm Thế chiến thứ hai. Ông vừa nhận được một tin khẩn cần phản ứng ngay lập tức. Ông bước ra khỏi phòng làm việc và đi sang phòng bên cạnh. Tại đây, cục trưởng Cục Tình báo đang chờ ông và lập tức bắt đầu báo cáo.

  - Cục phản gián MI-5 đã phát hiện ra một điệp viên quốc xã trong sứ quán Mỹ, y thông thạo loại mật mã mà đại sứ Josef Kentedy vẫn sử dụng trong thư từ trao đổi với tổng thống Mỹ Roosevelt và Bộ Ngoại giao Mỹ, - cục trưởng Cục Tình báo ngừng một chút rồi nói tiếp:

  - Ngoài ra, y còn biết hết về những bức thông điệp của ngài gửi cho tổng thống Roosevelt. Cùng với một phụ nữ đồng phạm, y có khả năng chuyển cho người Đức tất cả những bức điện mà ngài, cũng như bộ trưởng ngoại giao Halifax và cựu thủ tướng Chamberlin, đã và đang gửi đi thông qua sứ quán Mỹ. Có những tài liệu cho thấy những bức điện đó đã an toàn đến Berlin.

  Churchill yên lặng lắng nghe. Ông nhớ lại những bức thông điệp khẩn cầu gần đây nhất mà ông gửi cho tổng thống Roosevelt và giờ đây, chắc hẳn những kẻ nào đó ở Berlin đang vừa đọc vừa mỉm cười giễu cợt. 

  "Churchill gửi Roosevelt. Tôi yêu cầu ngài giúp đỡ. Tôi tha thiết yêu cầu ngài giúp tất cả những gì ngài có thể giúp được. Trước hết, chúng tôi cần từ bốn mươi đến năm mươi tàu phóng ngư lôi cũ. Thứ hai, chúng tôi cần vài trăm chiếc máy bay. Thứ ba, chúng tôi cần có đủ pháo phòng không và đạn dược cho sang năm... nếu chúng tôi còn sống sót để được thấy những thứ ấy..."

  Trong một bức thư khác, Churchill viết: "Tình hình ngày càng xấu đi... Sau thảm họa ở Pháp, chúng tôi chờ đợi bị tấn công từ trên không và cuộc đổ bộ đường không trong tương lai sắp tới, và chúng tôi đã sẵn sàng đương đầu... Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh một mình và chúng tôi không sợ..."

  Vài phút sau cuộc trò chuyện nói trên giữa cục trưởng Cục Tình báo với thủ tướng Churchill, bộ trưởng ngoại giao Halifax gọi điện đánh thức đại sứ Mỹ Kentedy dậy và kể tóm tắt cho ông ta biết thực chất sự việc. Đại sứ Kentedy đồng ý thu lại quyền miễn trừ ngoại giao của một nhân viên sứ quán Mỹ. Sau đó vài phút, các sĩ quan phòng đặc nhiệm của cơ quan tình báo Anh đến một căn hộ trên phố Gloyster và bắt giữ một nhà ngoại giao Mỹ trẻ tuổi. Đó là Tailor Kent, xuất thân trong một gia đình quý tộc Mỹ ở bang New England, cùng bang với đại sứ Josef Kentedy, bố của tổng thống Mỹ tương lai John Kentedy. Hai ngày sau, việc bắt giữ Tailor được đích thân tổng thống Roosevelt phê chuẩn. Tailor chính là người tình của Anna Volcova. Quá trình thẩm vấn cho thấy anh ta là công cụ trong tay Volcova. Ít nhất là hơn một ngàn rưởi tài liệu tuyệt mật của sứ quán Mỹ đã được Tailor sao chép lại rồi chuyển cho Volcova. Ngoài ra còn một loạt những tài liệu khác gửi cho ngoại trưởng Mỹ Cordell Hell và đại sứ của tất cả các nước châu Âu. Nhiều tài liệu chứa đựng những đoạn trích quan trọng từ những mệnh lệnh và báo cáo tuyệt mật. Những tài liệu đó được gửi qua London bởi vì Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng chỉ sứ quán Mỹ ở London là có loại mật mã "bất khả xâm phạm". Rất có thể loại mật mã ấy là "bất khả xâm phạm" đối với các cơ quan giải mã của kẻ thù, nhưng không một loại mật mã nào giữ kín được đối với kẻ biết rõ và làm việc với mật mã đó. Tailor Kent chính là kẻ như vậy bởi vì anh ta là trưởng phòng mật mã của sứ quán Mỹ tại Anh. Điều này đã cho phép người Đức không những biết rõ mối quan hệ Mỹ - Anh mà còn tiết kiệm được tiền bạc chi vào việc tổ chức do thám người Mỹ tại các nước khác ở châu Âu. Vậy lý do gì đã đẩy Tailor Kent đi đến chỗ phản bội?

  Anh ta làm việc này không phải vì tiền bạc. Anh ta không nhận được của bất kỳ ai một xu nào và tại toà án anh ta khẳng định rằng thậm chí anh ta không biết là những tài liệu đó lại đến tay Hitler. Vào lúc bị bắt giữ, Tailor vừa tròn hai mươi tám tuổi. Bố anh ta đã từng phục vụ trong ngành ngoại giao Mỹ. Năm 1911, khi Tailor ra đời, bố anh ta là tổng lãnh sự Mỹ ở Trung Quốc. Tailor là đứa con duy nhất trong gia đình và bố mẹ anh ta làm tất cả mọi việc để anh ta có được bước khởi đầu tốt đẹp trong cuộc đời. Anh ta theo học những trường phổ thông và đại học danh giá nhất châu Âu và Mỹ, anh ta thông thạo vài thứ tiếng châu Âu, trong đó có tiếng Pháp và tiếng Đức, anh ta được đào tạo cẩn thận để hoạt động trong ngành ngoại giao và triển vọng của anh ta xem ra hết sức sáng sủa. Một chàng thanh niên dễ mến, một cầu thủ bóng bầu dục xuất sắc, một chàng trai dễ kết bạn và nổi tiếng là nhanh trí và thông minh. Tuy quả thật là anh ta rất hay bối rối ngượng ngùng khi gặp những phụ nữ đẹp. Tại London, Tailor gặp Anna Volcova. Những người biết Volcova đều khẳng định rằng không một nữ điệp viên hiện đại nào, kể cả Mata Hari lừng danh, lại thích hợp với định nghĩa "người phụ nữ định mệnh" như Volcova, chí ít thì cũng là đối với Tailor Kent. Khi họ lần đầu tiên gặp nhau ở London thì Tailor hai mươi bảy tuổi, còn Volcova ba mươi tám tuổi. Nhưng thật bất công nếu trút mọi tội lỗi về việc Tailor "sa ngã" lên đầu Volcova hoặc thậm chí coi ảnh hưởng của Volcova có ý nghĩa quyết định. Những nguyên nhân chính trị đã tác động một cách cơ bản đến cách xử sự của Tailor ngay từ trước khi anh ta được cử đến London.

  Chỉ ít lâu sau khi Tailor tròn hai mươi ba tuổi và tốt nghiệp xuất sắc đại học, anh ta được nhận vào làm trong ngành ngoại giao Mỹ và được cử đến công tác tại sứ quán Mỹ ở Moscva. Anh ta đặt chân đến Moscva vào tháng 2 năm 1934. Thời gian Tailor làm nhiệm vụ ở Moscva trùng với thời gian diễn ra những cuộc thanh trừng dữ dội của Stalin. Vốn xuất thân trong một gia đình quý tộc Mỹ và được giáo dục theo tinh thần chống cộng, Tailor không chỉ căm thù chủ nghĩa cộng sản mà khi rời khỏi Moscva, anh ta còn trở thành một phần tử bài Do Thái quyết liệt. Trước kia, cho đến năm mười tám tuổi, anh ta chưa hề gặp một người Do Thái nào. Trong xã hội mà anh ta là một thành viên, những người Do Thái cho dù có giàu chăng nữa, cũng chỉ là những kẻ xa lạ. Anh ta chưa bao giờ nhìn thấy họ trong các trường tư danh giá. Cả trong giới sinh viên trường đại học Prinston cũng có rất ít người Do Thái. Nhưng đa số họ là những người có tài và đầy tham vọng. Rất có thể việc anh ta ít khi tiếp xúc với họ đã khiến một thanh niên chưa trưởng thành như anh ta cảm thấy xa cách họ. Khi đến Moscva, Tailor có dịp gặp nhiều nhân vật chính thức của Bộ Ngoại giao Liên Xô. Và mặc dù vào quãng thời gian đó, nhiều người Do Thái đã bị gạt khỏi những cương vị cao cấp nhưng phần lớn những nhân viên bình thường mà Tailor tiếp xúc đều là người Do Thái. Nói chung, họ tỏ ra thờ ơ với những cuộc thanh trừng của Stalin, những cuộc thanh trừng mà Tailor cho là "tàn bạo" và cũng theo ý kiến anh ta, lẽ ra khiến họ phải công phẫn mới đúng, bởi vậy anh ta rút cuộc đi đến kết luận rằng tất cả người Do Thái đều tàn ác, phản trắc và vô đạo đức. Đó không chỉ là sai lầm bi thảm của anh ta mà còn là nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã của anh ta.

  Khi Tailor đi sang Đức nghỉ phép ở Berlin và dãy Anpes vùng Bavari thì Hitler đã cầm quyền ở Đức được hai năm. Anh ta gặp gỡ nhiều đảng viên quốc xã, nhiều nhân viên Bộ Ngoại giao Đức và cảm thấy ngạc nhiên một cách dễ chịu trước phong thái có văn hoá và khả ái của người Đức. Người Đức mau chóng nhận thấy mối thiện cảm đó của Tailor đối với họ. Không phải ngẫu nhiên mà Tailor được đón nhận vào nhóm của giáo sư Hawsholfe, nhà tiên tri độc đáo của thuyết "địa chính trị chủng tộc Aryan". Thông qua ông ta, Tailor làm quen với một "triết gia" quốc xã là Afred Rodenberg và được giới thiệu với bộ trưởng tuyên truyền Herbben và được mời đến dự một buổi chiêu đãi xa hoa của Hering, một nhân vật đầy thế lực của nước Đức phát xít. Sau khi được đi thăm những "tủ kính" của nhà nước quốc xã, Tailor trở về với niềm tin chắc chắn rằng "triết thuyết Aryan" sẽ thống trị thế giới trong thiên kỷ mới. Dưới ảnh hưởng của bọn quốc xã, Tailor trở thành một phần tử bài Do Thái quyết liệt. Trong tâm trạng như vậy, anh ta được cử đến làm việc tại sứ quán Mỹ ở London ngay trước Thế chiến thứ hai. Lúc đó, anh ta đã mang hàm bí thư thứ ba và chờ đợi được đề bạt cao hơn nữa.

  Hồi ở Moscva, Tailor đã đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng mật mã của sứ quán Mỹ và tỏ ra có năng lực đến nỗi Bộ Ngoại giao Mỹ khuyên đại sứ Kentedy bổ nhiệm anh ta vào chức vụ tương tự ở London. Trong những sứ quán quan trọng như sứ quán Mỹ ở London, chức vụ này thường trao cho một nhà ngoại giao có hàm cao hơn. Nhưng trình độ chuyên môn vững vàng của Tailor cũng như ấn tượng tốt đẹp mà anh ta gây ra được đối với đại sứ Kentedy cùng quá khứ không một vết nhơ của anh ta đã ảnh hưởng đến quyết định của đại sứ. Anh ta được trao phòng mật mã của sứ quán Mỹ ở London. Và như vậy, anh ta có điều kiện tiếp xúc với phần lớn những bí mật có tầm quan trọng sống còn của sứ quán Mỹ: những cuốn sổ chứa đựng loại mật mã "bất khả xâm phạm" mà chỉ riêng đại sứ mới có quyền sử dụng để trao đổi công văn thư từ với tổng thống và bộ trưởng ngoại giao Mỹ.

  Thủ tướng Anh Churchill có thói quen làm việc vào ban đêm. Đôi khi, các liên lạc viên có các sĩ quan vũ trang thuộc phân đội đặc nhiệm đi kèm, đem thư từ của Churchill đến sứ quán Mỹ vào lúc trời còn chưa sáng, và Tailor xung phong tự tay gửi tất cả những bức thư ấy cho tổng thống Mỹ và chờ trả lời, cho dù có phải thức trắng đêm chăng nữa. Anh ta làm việc đến kiệt sức. Đại sứ Kentedy lưu ý đến anh ta và tỏ ra quan ngại đến sức khoẻ của anh ta, khuyên anh ta nên giữ gìn sức khoẻ. Nhưng anh ta đáp:
- Tôi có nghĩa vụ làm tất cả những gì tôi có thể làm.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2008, 04:15:11 pm gửi bởi maibennhau » Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #65 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2008, 04:14:43 pm »

  Không ai có thể xác định được Tailor và Volcova đã gặp nhau ở đâu và khi nào. Rất có thể Tailor đã để mắt đến Volcova trong ngày hội của câu lạc bộ Đức - Anh có tên là "Ling". Một trong những người sáng lập ra câu lạc bộ này là huân trước Lodesday, bố vợ của Osvan Mosli, viên thủ lĩnh khá nổi tiếng của phong trào thân phát xít ở Anh. Cũng rất có thể là Anna Volcova, một phụ nữ cao, cân đối và hấp dẫn, đã đích thân tổ chức cuộc gặp gỡ này...

  Hồi đó, vào tháng 4 năm 1939, sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật và đang dần dần lành bệnh, Volcova đi nghỉ ở vùng Sudeten là vùng bị Hitler chiếm đóng sau hoà ước Munich năm 1938. Tại đây và ở Đức, bà gặp gỡ nhiều viên thủ lãnh quốc xã. Sau khi trở về Anh, bà đưa cho thành viên của "Câu lạc bộ hữu phái" một bản ghi nhớ để biện minh cho những hành động của chế độ phát xít.

  Đương nhiên là hoạt động của Volcova, đặc biệt là từ khi chiến tranh bùng nổ, không thể không bị để ý. Cơ quan phản gián Anh quyết định theo dõi bà và những bạn bè của bà và khi cơ quan này biết được những cuộc gặp gỡ của bà với nhân viên các sứ quán Đức và Italia thì việc theo dõi được tăng cường, và Volcova trở thành đối tượng của một cuộc điều tra nghiêm túc. Cơ quan phản gián Anh quyết định thu lượm tin tức từ những nguồn trực tiếp, tức là  từ "Câu lạc bộ hữu phái", nơi mà hiện giờ Volcova dùng phần lớn thời gian ở đây. Hai cô gái trẻ - "miss A" và "miss B" - được huy động vào công việc này. Là người lãnh đạo "Câu lạc bộ hữu phái", Volcova rất cần có cộng tác viên mới và bà dang cả hai tay đón nhận "miss A" khi cô đến xin việc thông qua sự giới thiệu của vài ba người mà Volcova biết rằng họ ủng hộ phong trào bài Do Thái; "miss A" được nhận vào làm thư ký đánh máy. Vài ngày sau thì cả "miss B" cũng xuất hiện. Volcova rất sung sướng vì hai cô chia sẻ những quan điểm chính trị của mình. Chỉ sau mấy tuần lễ, cả hai cô đã chiếm được lòng tin trọn vẹn của Volcova. "Miss B" được biết rằng Volcova hy vọng là trong ban lãnh đạo tương lai của nước Anh, bà sẽ nhận được chức vụ giám đốc bộ phận phụ trách việc tiêu diệt những người Do Thái ở Anh. Bà hứa với "miss B" là sẽ chọn cô làm trợ lý. Đó chính là thời gian Volcova thường xuyên gặp gỡ nhà ngoại giao Mỹ trẻ tuổi Tailor Kent. Anh ta thấy ở bà một người mẹ, một người tình và một người cha tinh thần. Tailor báo cho Volcova biết rằng anh ta biết rõ những thư từ trao đổi giữa Churchill và Roosevelt. Volcova giao cho Tailor những chỉ thị hết sức tỷ mỉ. Anh ta phải ở lại chỗ làm của mình sau khi tất cả các nhân viên khác ra về để sao chép mọi tài liệu đi và đến đã được mã hoá rồi chuyển chúng cho bà. Anh ta dần dần táo bạo lên và chẳng bao lâu sau đã bắt đầu đem đến cho Volcova từng tập tài liệu dầy, họ cùng nhau sao chép suốt đêm, đôi khi tạm ngừng để dành cho những trò chơi yêu đương. Công việc tiến triển hết sức thuận lợi mà tài liệu thì ngày càng nhiều nên chỉ ít lâu sau, Volcova phải thuê một thợ ảnh chuyên nghiệp để chụp micrô phim.

  Các thám tử của cơ quan tình báo Anh và các nhân viên phản gián Anh bám sát hoạt động của Volcova. Họ tiến hành bắt giữ và hỏi cung người thợ ảnh làm việc cho bà, người này vẫn cho rằng mình làm một công việc hoàn toàn hợp pháp khi chụp những tài liệu nào đó cho một quý bà thuộc sứ quán Mỹ. Các sĩ quan phản gián kinh hoàng nhìn tấm ảnh mà người thợ ảnh cho chiếu lên màn hình. Bên trên là dấu "Tuyệt mật". Bên dưới là dòng chữ "Cựu thuỷ binh Winston Churchill" - tên gọi mà thủ tướng Anh thường dùng để ký những thư từ riêng của ông gửi tổng thống Mỹ Roosevelt. Người thợ ảnh cùng những cuộn phim của anh ta được gửi đến cơ quan tình báo Anh. Vài phút sau, chánh thanh tra Canninh trao đổi qua điện thoại với trưởng phòng phản gián đại tá Hinli Cook...

  Không phải mọi thông tin mà "miss A" và "miss B" cung cấp về sau đều được đem ra trình toà. Nhưng nhiều thứ tìm thấy trong văn phòng của Volcova đã được đưa ra trước toà làm vật chứng. Người ta xác định được rằng Volcova đã sử dụng những chiếc cặp ngoại giao của sứ quán Italia và những cuộc tiếp xúc với các nhà ngoại giao Rumani để gửi những tài liệu sao chụp được đến Berlin. Volcova cũng duy trì mối quan hệ với William Joys tức "huân trước Haw-Haw" nổi tiếng là kẻ đã thực hiện những cuộc tuyên truyền hướng tới đất Anh qua đài phát thanh Đức. Bà còn gửi đến Joys và các ông chủ thuộc bộ tuyên truyền của Herbben những đề xuất nhằm cải tiến những buổi phát thanh tuyên truyền này. Đồng thời bà thông báo cho chúng biết tần số và mã số cần sử dụng để liên lạc. Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để kết án bà tù dài hạn. Nhưng vai trò của bà với tư cách một kẻ chỉ đạo việc đánh cắp những tài liệu tuyệt mật của sứ quán Mỹ đã khiến bà có nguy cơ phải chịu hình phạt nặng nề hơn nhiều, kể cả án tử hình.

  Sau khi chiến tranh kết thúc, đại sứ Kentedy đã bình luận toàn bộ vụ việc này như sau: "Tailor Kent phụ trách công việc sử dụng loại mã "bất khả xâm phạm". Do sự phản bội của anh ta mà toàn bộ thông tin ngoại giao về chính sách đối ngoại của Mỹ đã bị huỷ hoại vào thời điểm nguy kịch nhất trong lịch sử - vào thời điểm diễn ra trận Dunkirt và nước Pháp sụp đổ. Sự cố ngoại giao liên quan đến sứ quán Mỹ và các phái đoàn ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới kéo dài từ hai đến sáu tuần, cho tới khi liên lạc viên từ Washington đem đến bộ mã mới. Đó là một trọng tội ghê gớm. Tailor Kent luôn luôn có bên mình bộ mã "bất khả xâm phạm". Và điều này đã gây ra mối tai hại khôn lường. Trong những tháng chiến tranh đầu tiên, ngài Churchill có tôi làm trung gian đã trao đổi toàn bộ sự thật với tổng thống Roosevelt, bỏ qua mọi ước lệ ngoại giao. Ngài Churchill và những thành viên khác trong nội các Anh đã giới thiệu cho tôi biết một bức tranh đầy đủ: những số liệu chính xác về số lượng các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển, cách bố trí các đơn vị quân đội Anh và những kế hoạch cơ bản phòng thủ nước Anh... Những tin tức đó hết tuần này sang tuần khác đến tay tổng thống Roosevelt. Và chúng ta có thể tin rằng những tin tức đó cũng hết tuần này sang tuần khác đã đến Berlin thông qua Tailor Kent và Volcova..."

  Anna Volcova tự bào chữa trước toà hết sức khôn khéo nhưng vẫn bị buộc tội về tất cả các điểm của cáo trạng. Về tội danh tiếp tay cho kẻ thù, bà chịu mức án mười năm tù. Về những tội danh khác, kể cả tội trao đổi thư từ với William Joys ("huân tước Haw - Haw"), bà chịu mức án năm năm tù. Mức án cao nhất là mười năm tù. Vào tháng 6 năm 1946, bà được phóng thích và qua đời vào năm 1970.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #66 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2008, 07:47:52 pm »

52 - WILLIAM  FISHER-RUDOLF  ABEL (1903-1971)
Những hoạt động sống sau tên một người chết


  Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, không hiểu duyên số thế nào mà Henrik Fisher vốn là người Đức mà lại trở thành cư dân thành phố Saratov. Anh lấy cô gái Nga Lyuba. Vì hoạt động cách mạng anh bị trục xuất. Sang Đức thì không thể được, bên đó anh đã có án, gia đình nhỏ này đành sinh sống ở Anh, ở những nơi Shakespear đã sống. Ngày 11 tháng 7 năm 1903, Lyuba sinh hạ một cậu con trai, để kỷ niệm kịch tác gia vĩ đại họ đặt tên là William.

  Henrik Fisher tiếp tục hoạt động cách mạng, đứng về phía những người bolsevich, đã gặp gỡ Lenin và Krzizanovxki. Năm 16 tuổi William vào đại học, nhưng không được học lâu: năm 1920 gia đình Henrik Fisher trở về Nga và nhập quốc tịch Xô Viết. Năm 17 tuổi William bắt đầu yêu mến nước Nga và trở thành một nhà ái quốc nồng nàn. Anh không được tham gia Nội chiến, nhưng tự giác gia nhập Hồng quân. Anh học nghề điện báo viên và sau này rất phù hợp với anh.

  Một người thanh niên thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh, đồng thời biết tiếng Đức và tiếng Pháp, hơn nữa lại có nghề vô tuyến và có lý lịch trong sạch thì không thể không bị cơ quan mật vụ để mắt đến. Năm 1927 anh được đưa vào cơ quan an ninh quốc gia do Artuzov lãnh đạo. Có một thời gian William Fisher làm việc ở cơ quan trung ương. Nhưng theo một số tư liệu, thời gian này anh hay đi công tác bí mật sang Ba Lan. Tuy nhiên cảnh sát không cho kéo dài thời hạn cư trú, nên anh chỉ ở bên đó ít ngày. Năm 1931, anh đi công tác dài ngày hơn, cũng có thể gọi là "bán hợp pháp", bởi vì anh đã mang họ tên của mình. Tháng 2 năm 1931 anh đến Tổng lãnh sự Anh ở Moscva yêu cầu xin cấp hộ chiếu Anh. Nguyên nhân anh là người gốc Anh, anh sang Nga là theo ý của bố mẹ, bây giờ anh đã cãi lộn với họ và có nguyện vọng đưa vợ và con gái về nước. Họ đã cấp hộ chiếu và cặp vợ chồng William Fisher ra nước ngoài, có giả thuyết cho rằng là sang Trung Quốc, tại đó William mở một xưởng radio. Chuyến công tác kết thúc vào tháng 2 năm 1935. Nhưng đến tháng 6 năm đó gia đình này lại có mặt ở nước ngoài. Lần này William sử dụng chuyên môn thứ hai - nghề họa sĩ tự do. Có thể là anh cũng có vẽ một cái gì đó mà không được lòng cơ quan mật vụ địa phương, cũng có thể vì một lý do khác mà đợt công tác kéo dài 11 tháng.

  Tháng 5 năm 1936, William Fisher trở về Moscva và tham gia đào tạo những cán bộ bất hợp pháp. Một trong những cô học trò của anh là Kitti Harris, làm liên lạc cho nhiều điệp viên Liên Xô xuất sắc, trong đó có Vaxili Zarubin và Donald Maclean.

  Còn "Abel R.I. là ai?"

  Đây là những dòng trong lý lịch tự thuật:

  "Tôi sinh ngày 23.09.1900 ở Riga. Bố tôi là thợ ống khói (ở Latvia nghề này được coi trọng, gặp một người thợ ống khói ngoài phố là điềm may mắn), mẹ tôi là nội trợ. Tôi sống với bố mẹ đến năm 14 tuổi, học hết lớp 4 trường tiểu học... tôi làm nghề bán báo. Đến năm 1915 tôi chuyển về Petrograd".

  Chẳng bao lâu sau cách mạng nổ ra, cũng như hàng trăm trẻ em khác, chàng thanh niên Latvia đứng về phía chính quyền Xô Viết. Là thợ đốt lò, Rudolf Ivanovich Abel chiến đấu ở vùng Volga và ở Kam, tham gia chiến dịch trong vùng địch hậu của quân Bạch vệ trên tàu ngư lôi "Retivy". Sau đó là những cuộc chiến đấu ở Sarisưn, là lớp đào tạo điện tín viên ở Kronshtadt và hoạt động điện tín viên ở quần đảo xa xôi Komandor và đảo Bering. Từ tháng 7 năm 1926 làm quản lý lãnh sự quán Thượng Hải, sau đó làm điện tín viên của đại sứ quán Xô Viết ở Bắc Kinh. Từ 1927 là cán bộ Phòng ngoại vụ Cục Chính trị quốc gia. Hai năm sau, "năm 1929, được điều sang công tác bí mật ngoài biên phòng. Làm việc này đến hết mùa thu năm 1936". Trong lý lịch của Abel không có những chi tiết về đợt công tác này. Nhưng đáng chú ý là thời gian trở về - 1936, tức là gần như đồng thời với W. Fisher. Có phải đó là sự trùng hợp đầu tiên trong hoạt động của hai người, hay là hai người đã quen nhau và chơi với nhau từ trước? Có lẽ điều thứ hai đúng hơn. Trong bất kỳ trường hợp nào thì từ thời gian đó, theo tài liệu dẫn ra ở trên, họ đã làm việc với nhau. Việc họ không rời xa nhau đã được viết rõ trong các hồi ký của các cộng sự. Khi hai người vào nhà ăn, những người cộng sự này thường nói: "Kìa, anh em nhà Abel đã đến". Họ còn chơi với nhau bằng cả gia đình nữa. Con gái của V.G. Fisher là Evelin viết rằng chú Rudolf thường đến nhà luôn, lúc nào cũng bình thản, yêu đời, hay chơi với trẻ... Abel không có con. Vợ anh, Alecxandra Antonovna, là con nhà quý tộc, điều đó rõ ràng đã làm cản bước đường công danh của anh. Tệ hơn nữa, anh ruột anh là Voldemar Abel, trưởng ban chính trị ngành tàu biển, năm 1937 lại là "thành viên âm mưu phản cách mạng dân tộc chủ nghĩa Latvia và vì tội gián điệp phá hoại tay sai cho Đức ở Latvia mà bị xử tội nặng". Khi anh trai bị bắt thì tháng 3 năm 1938, R.I. Abel cũng bị thải hồi khỏi các cơ quan nội vụ. Abel đi làm xạ thủ cảnh vệ, tháng 12 năm 1941 được quay về Bộ Nội vụ. Trong lý lịch của anh có ghi rằng từ tháng 8 năm 1942 đến hết tháng 1 năm 1943 anh ở trong đội tác chiến bảo vệ vùng núi Kavkaz xung yếu. Trong lý lịch còn ghi: "Trong thời kỳ chiến tranh Vệ quốc nhiều lần đi thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt... về đào tạo và đưa điệp viên của chúng ta vào hậu phương địch". Khi chiến tranh kết thúc được nhận huân chương Cờ Đỏ và hai huân chương Sao Đỏ. Năm 46 tuổi rời khỏi các cơ quan an ninh quốc gia với quân hàm thượng tá.

  Tình bạn của nhóm "Abel" vẫn được tiếp tục. Rudolf biết về chuyến công tác của William sang Mỹ. Họ gặp nhau khi William đi nghỉ. Nhưng về việc thất bại của Fisher và về việc anh giả danh Abel thì Rudolf không hề biết gì cả. Rudolf Ivanovich Abel chết đột tử năm 1955 mà không hề biết rằng tên tuổi của anh đã đi vào lịch sử tình báo.

  Số phận trước chiến tranh cũng không mỉm cười với William Hendrikhovich Fisher. Ngày 31 tháng 12 năm 1938, anh bị sa thải khỏi Bộ Nội vụ. Nguyên nhân không rõ. May là chưa bị tù và bị xử bắn. Hai năm rưỡi trời anh sống cuộc đời "dân sự", đến tháng 9 năm 1941 mới được quay về đội ngũ. Trong những năm 41-46, Fisher làm ở cơ quan tình báo trung ương. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là suốt ngày anh ngồi bàn giấy. Anh còn làm nhiệm vụ đào tạo và tung điệp viên vào hậu phương địch. Ngày 7 tháng 11 năm 1941, với tư cách là thủ trưởng đơn vị liên lạc, Fisher cùng với anh em điệp viên làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cuộc duyệt binh trên Hồng trường. Người ta biết chắc rằng năm 44-45 anh đã tham gia vào trò chơi điện đài "Berezino" và đã lãnh đạo nhóm nhân viên điện đài Xô Viết và Đức. Năm 1946, Fisher được đưa vào đội dự bị đặc biệt và được chuẩn bị đi công tác dài ngày ở nước ngoài

  Fisher được đào tạo toàn diện cho hoạt động bí mật, anh rất sành về thiết bị điện tử, có chuyên môn là kỹ sư điện, am hiểu hoá học và vật lý hạt nhân. Về hội họa anh đạt trình độ chuyên nghiệp, mặc dù không học ở đâu cả.

 
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #67 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2008, 07:48:08 pm »

  Đầu năm 1948, ở Bruclin thuộc New York xuất hiện một họa sĩ và nhiếp ảnh gia tự do là Emil R. Goldfus, đó chính là William Fisher, cũng chính là Mark. Xưởng của anh ở số 252 phố Fulton. Đây là thời kỳ khó khăn đối với ngành tình báo Xô Viết. Tại Mỹ chủ nghĩa Makkarti, chủ nghĩa bài Xô Viết, nạn "săn đuổi phù thuỷ" và nghề điệp viên đang hoành hành. Các nhà tình báo hoạt động "hợp pháp" trong các cơ quan Xô Viết đều bị thường xuyên theo dõi, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị khiêu khích. Quan hệ với tình báo cũng rất khó khăn. Thế nhưng họ vẫn cung cấp được những tin tức quan trọng về việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Việc tiếp xúc với các điệp viên trực tiếp làm việc trong các công trình nguyên tử bí mật là Persey và những người khác được duy trì thông qua Louise (Koen) và thông qua nhóm "Tình nguyện viên" do anh lãnh đạo. Họ nằm trong dây liên lạc của Klod (Yu.S. Sokolov), nhưng tình hình lúc này là anh không thể nào liên hệ với họ được nữa. Chỉ thị từ Moscva nói rằng Mark phải nắm quyền lãnh đạo nhóm "Tình nguyện viên".

  Ngày 12 tháng 12 năm 1948 lần đầu tiên Mark gặp Lesli và thường xuyên làm việc với cô, qua cô nhận những thông tin quan trọng về chất plutonium để làm vũ khí và các dự án nguyên tử khác. Đồng thời, Mark cũng có quan hệ với cộng tác viên tình báo Mỹ "Gerbert". Từ chỗ anh qua Lesli mà có được dự án luật của Schuman về việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia và tổ chức trực thuộc của nó là CIA. Gerbert đã trao cho họ bản Điều khoản chung về CIA trong đó thống kê các nhiệm vụ được trao cho tổ chức này. Kèm theo đó có cả dự  thảo Chỉ thị của tổng thống về việc giao cho Văn phòng điều tra liên bang thuộc Cơ quan Tình báo Quân sự trách nhiệm bảo vệ việc sản xuất các vũ khí bí mật - bom nguyên tử, máy bay phản lực, tàu ngầm, v.v... Qua những văn bản ấy người ta thấy rõ rằng mục đích cải tạo lại các cơ quan mật vụ của Mỹ là nhằm tăng cường hoạt động phá hoại chống Liên Xô và tích cực khai thác các công dân Xô Viết. Các "tình nguyện viên" rất lo lắng và sốt ruột trước tình hình gia tăng nạn "săn đuổi phù thuỷ" nên cố gắng thường xuyên liên hệ với người lãnh đạo mình là Louis, gây nguy hiểm cho cả mình, cả anh và cả Mark. Trong trường hợp đó cần quyết định cắt đứt quan hệ của Louis và Lesli với anh ta và đưa họ ra nước ngoài. Tháng 9 năm 1950 vợ chồng Koen rời Mỹ. Biện pháp này giúp cho William Fisher trụ lại ở Mỹ 7 năm liền.

  Sự nghiệp tình báo của Fisher kết thúc khi nhân viên liên lạc và điện đài Reyno Heyhannen tố cáo anh. Khi biết rằng Reyno nghiện ngập và trác táng, ban lãnh đạo tình báo quyết định triệu hồi anh ta về nước, nhưng đã không kịp. Anh ta nợ nần nhiều quá và trở thành kẻ phản bội.

  Đêm 24 rạng ngày 25 tháng 6 năm 1957, Fisher dưới cái tên Martin Kollins nghỉ đêm trong khách sạn New York "Latam", tại đó anh có buổi liên lạc điện đài. Gần sáng có 3 người mặc thường phục vào phòng. Một tên nói: "Thưa đại tá! Chúng tôi biết ngài là đại tá và những gì ngài đang làm trên đất nước chúng tôi. Chúng tôi là nhân viên Văn phòng điều tra liên bang. Trong tay chúng tôi có thông tin chính xác rằng ngài là ai và đang làm gì. Tốt nhất là ngài hợp tác với chúng tôi. Nếu không ngài sẽ bị bắt". Fisher thẳng thừng cự tuyệt hợp tác. Lúc đó các nhân viên Cục Nhập cư vào phòng và bắt anh vì visa nhập cảnh giả mạo vào đất Mỹ. Fisher đã kịp vào toalet huỷ bộ mật mã và bức điện mới nhận đêm qua. Nhưng bọn chúng đã tìm được những văn bản khác và các vật dụng làm bằng cho công tác tình báo. Anh cùng các tang vật được đưa ngay về bang Tezcat, vào trại nhập cư.

  Fisher đoán ngay ra rằng kẻ phản anh là Heyhannen, nhưng hắn lại không biết tên thật của anh. Anh quyết định xưng tên người bạn quá cố Abel và cho rằng nếu ở nhà biết tin Abel bị bắt thì biết ngay là ai. Anh sợ rằng bọn Mỹ sẽ chơi trò chơi điện đài. Khi nhận cái tên mà Trung Tâm đã biết anh muốn thông báo rằng anh đang bị tù... Anh tuyên bố với bọn Mỹ: "Tôi sẽ khai hết với điều kiện là tôi được viết thư về cho Đại sứ quán Xô Viết". Họ đồng ý, và quả thật bức thư đã đến được Phòng lãnh sự. Nhưng ông lãnh sự lại không hiểu chuyện gì. Ông ghim bức thư lại để "điều tra", và trả lời cho người Mỹ rằng không có công dân nào như vậy. Nhưng ông cũng không có ý định thông báo cho Trung Tâm biết. Vì thế chúng ta chỉ biết về việc Mark bị bắt qua báo chí mà thôi.

  Chính vì người Mỹ cho phép viết thư, nên Abel buộc phải cung khai. Anh tuyên bố: "Tôi, Rudolf Ivanovich Abel, công dân Liên Xô, tình cờ sau chiến tranh nhặt được trong một nhà kho cũ một số lớn dollar Mỹ, tôi liền đi sang Đan Mạch. Tại đó tôi mua hộ chiếu giả, năm 1948 tôi qua Canada rồi qua Mỹ". Cách nói ấy không thuyết phục được bọn Mỹ. Ngày 7 tháng 8 năm 1957, Abel bị buộc vào 3 tội: 1) âm mưu chuyển về Liên Xô những thông tin về nguyên tử và về quân sự (dự kiến tử hình); 2) mưu đồ thu thập những thông tin trên (10 năm tù); 3) sống không đăng ký trên đất Mỹ với tư cách điệp viên cho nước ngoài (5 năm tù). Ngày 14 tháng 10 tại toà án liên bang quân khu phía Đông New York bắt đầu bản án số 54094 "Nước Mỹ chống lại Rudolf Ivanovich Abel".

  Về hành vi của Abel trên toà, nhà báo Mỹ I. Esten trong cuốn "Cơ quan mật vụ Mỹ làm việc thế nào" đã viết: "Trong vòng ba tuần người ta định chiêu mộ lại Abel, khi hứa hẹn với anh đủ mọi nguồn lợi cuộc sống... Khi việc đó không thành, người ta bắt đầu đe dọa bằng ghế điện... Nhưng điều đó cũng không làm con người Nga đó xiêu lòng. Toà án hỏi anh có thấy mình lầm lỗi không, anh không do dự trả lời: "Không!" Abel từ chối mọi lời cung khai". Cần nói thêm rằng người ta hứa hẹn và dọa nạt không những trong thời gian phiên toà mà là trước đó và sau đó. Nhưng kết quả vẫn như vậy. Luật sư của Abel, ông James Britt Donovan, một người hiểu biết và có lương tâm, đã làm nhiều việc để bảo vệ anh, cũng như là để trao đổi. Ngày 24 tháng 10 năm 1957 ông đã đọc lời bào chữa hùng hồn, có ảnh hưởng nhiều mặt đến quyết định của "các ông lớn, bà lớn hội thẩm".

  Nhưng các hội thẩm viên vẫn phán quyết Abel có tội. Theo luật Mỹ bản án được dành cho quan toà. Giữa phán quyết của các hội thẩm viên với việc kết tội đôi khi có một thời gian dài.

  Ngày 15 tháng 11 năm 1957, Donovan gặp quan toà yêu cầu không kết án tử hình, bởi vì ngoài các nguyên nhân khác, "hoàn toàn có thể là trong một tương lai gần nước Nga Xô Viết hoặc một nước liên bang cũng có thể chộp được một người Mỹ cùng đẳng cấp, trong trường hợp đó việc trao đổi tù binh theo các kênh ngoại giao có thể được công nhận là phù hợp với quyền lợi quốc gia của nước Mỹ". Cả Donovan, cả quan toà - người kết án Abel 30 năm tù - đều là những người có tầm nhìn xa. Khó khăn lớn nhất đối với anh trong nhà tù là không được trao đổi thư từ với gia đình. Việc này mãi mới được chấp thuận (với điều kiện kiểm duyệt ngặt nghèo) sau khi Abel được gặp giám đốc Cục Tình báo trung ương Allen Dulles. Ông này, khi chia tay với Abel và nói chuyện với luật sư Donovan, đã nói một câu mơ mộng:"Tôi mong sao chúng ta có được ba, bốn người ở Moscva như Abel".

  Bắt đầu cuộc đấu tranh giải phóng Abel. Tại Drezden các cộng sự tình báo tìm được một người phụ nữ hình như là bà con với Abel. Mark đã viết thư gửi từ nhà tù ra theo địa chỉ của bà, nhưng bỗng nhiên, không nói lý do, người Mỹ không cho anh trao đổi thư từ nữa. Lúc này "ông anh họ của R.I. Abel", một chàng Yu. Drivs nào đó, một viên chức nhỏ sống ở Cộng hoà dân chủ Đức phải nhập cuộc. Đóng vai trò của anh ta là một nhân viên tình báo nước ngoài Yu. I. Drozdov, người lãnh đạo tương lai của tình báo bất hợp pháp. Công việc kéo dài mấy năm vất vả. Drivs đã trao đổi thư từ với ông Donovan thông qua một luật sư ở Đông Berlin, mọi người trong gia đình Abel cũng viết thư từ. Người Mỹ rất thận trọng, họ kiểm tra địa chỉ của "ông anh họ" và của luật sư.

  Mọi việc được thúc đẩy nhanh hơn sau ngày 1 tháng 5 năm 1960, khi ở vùng Sverlovsk bắn hạ được chiếc máy bay do thám U-2 và bắt được tên phi công Frensis Harri Pauers. Liên Xô cáo buộc Mỹ là có hành động gián điệp, tổng thống Eisenhower đã trả lời bằng cách nhắc nhở người Nga nhớ đến vụ Abel. Tờ "Thời báo New York" là tờ báo đầu tiên trong bài xã luận của mình đã đề nghị đánh đổi hai người. Như vậy là tên tuổi Abel lại một lần nữa là tâm điểm chú ý. Tổng thống Mỹ chịu sức ép của cả gia đình Pauers và của cả dư luận xã hội. Các luật sư hoạt động sôi nổi. Kết quả là hai bên đi đến thoả thuận.

  Ngày 10 tháng 2 năm 1962, có mấy chiếc xe đi từ hai phía Đông và Tây Berlin tiến tới chân cầu Alt Glinica. Abel xuống xe của Mỹ, còn Pauers xuống xe Liên Xô. Họ đi về phía nhau, trong một giây họ dừng lại nhìn nhau rồi rảo bước đi về phía xe nước mình. Những người chứng kiến nhớ lại rằng khi Pauers được trao cho người Mỹ anh được mặc chiếc áo bành tô đẹp, đội mũ lông tuần lộc, thân hình cường tráng, khoẻ mạnh, còn Abel thì mặc bộ quần áo mũ tù màu xanh xám, và theo lời Donovan, "trông gầy còm, mệt mỏi và già xọm đi". Một giờ sau tại Berlin Abel gặp vợ con, sáng hôm sau cả gia đình hạnh phúc bay về Moscva.

  Những năm cuối đời William Hendrikhovich Fisher, cũng là Rudolf Ivanovich Abel, và là Mark, làm việc trong ngành tình báo nước ngoài. Anh đã sang cộng hòa dân chủ Đức, Rumani, Hungari, thường nói chuyện với các cán bộ trẻ, tham gia đào tạo kèm cặp. Năm 1971, anh qua đời ở tuổi 68.

  Về việc mai táng, con gái anh là Evelina kể lại cho nhà báo N. Dolgopolov: "Đây là việc phức tạp khi phải quyết định là mai táng ở đâu. Nếu ở nghĩa trang Novodevichye thì phải mang tên Abel. Mẹ tôi phản đối: "Không!". Tôi cũng lên tiếng như vậy. Và chúng tôi đòi phải chôn cất bố tôi với chính tên của ông ở nghĩa trang Donskoe... Tôi nghĩ rằng tôi mãi mãi có thể tự hào với cái tên William Hendrikhovich Fisher".
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #68 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2008, 07:47:27 pm »

53 - LEOPOLD TREPPER (1904  -  1982)
"Sếp lớn"  của  "Dàn đồng ca đỏ"


  Ông thường được gọi là "sếp lớn" của "Dàn đồng ca đỏ". Nhưng bản thân "Dàn đồng ca đỏ" là gì? Không hề có một mạng lưới điệp viên Xô Viết nào có tên gọi như vậy mà chỉ có những nhóm điệp viên hoạt động độc lập của Cục An ninh Quốc gia và Bộ Nội vụ Liên Xô bị cơ quan phản gián Đức khám phá ra. Còn "Dàn đồng ca đỏ" lúc đầu là tên gọi của một nhóm do thám Đức thuộc lực lượng xung kích phát xít SS, nhóm này chuyên lùng bắt điện đài của các lực lượng chống phát xít tại các lãnh thổ ở Tây Âu bị phát xít chiếm đóng. Mãi đến sau chiến tranh, những sách báo nói về cuộc đấu tranh chống phát xít mới bắt đầu dùng tên "Dàn đồng ca đỏ" đặt cho những nhóm chống phát xít có quan hệ với cơ quan tình báo Xô Viết.

  Leopold Trepper sinh ngày 23 tháng 2 năm 1904 ở thành phố Niva Tac tại vùng Galixia, trong gia đình một người Do Thái làm nghề chào hàng. Năm 14 tuổi, Leopold gia nhập tổ chức thanh niên Do Thái "Hasome Hasai" là tổ chức hợp tác với Đảng Cộng sản Ba Lan. Vào tháng 4 năm 1924, Leopold di cư sang Palestine và tại đây, ông tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Anh. Ông bị bắt rồi bí mật chạy sang Pháp và tham gia hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp. Vì có nguy cơ bị bắt ở Pháp nên ông được cử sang Moscva theo học trường Đại học cộng sản của các dân tộc thiểu số Tây Âu. Năm 1936, theo chỉ thị của cục trưởng Cục Tình báo Liên Xô Berdin, ông sang Pháp để điều tra một vụ thất bại. Sau khi xác định được thủ phạm gây ra vụ thất bại đó là Robert Gordon, ông quay trở lại Moscva. Năm 1937, ông trở thành nhân viên của Cơ quan Tình báo Quân sự Xô Viết và được trao nhiệm vụ tổ chức ở Bỉ một hệ thống liên lạc bí mật để hoạt động trong thời chiến. Người phó của ông là Grosfoghen do chính ông tuyển mộ, người phụ trách bộ phận thông hành là Raiman cũng do chính ông lấy vào làm. Năm 1938, Leopold Trepper mở một công ty ở Brussel mà giám đốc là Julem Jaspar, em trai của cựu thủ tướng Bỉ, đồng thời ông thành lập một mạng lưới chi nhánh của công ty này có bố trí những căn phòng bí mật tại các nước vùng Scandinavi. Vào tháng 4 năm 1939, hai điệp viên có hạng của Trung Tâm là Gurevich ("Kent") và Macarov ("Hemnit") được cử đến hỗ trợ cho Leopold.

  Nhiệm vụ chủ yếu của nhóm điệp viên Leopold là khai thác tài liệu và tổ chức liên lạc, bởi vậy, nhóm này không hoạt động tình báo trực tiếp.

  Năm 1938, Raiman bị bắt lần thứ nhất và đến năm 1939 bị bắt lần thứ hai vì là kẻ cư trú bất hợp pháp ở Bỉ. Thật sơ suất là sau khi Raiman được trả lại tự do, Leopold lại dùng Raiman để liên lạc với các thành viên khác của nhóm. Vì vậy, Raiman quen biết Gurevich, Macarov, Idơbuski, Grosfoghen. Sai lầm này về sau sẽ phải trả giá đắt.

  Tháng 5 năm 1940, Bỉ bị phát xít Đức chiếm đóng. Cảm thấy nguy cơ bị bắt, Leopold bỏ vợ con đến trú ẩn tại nhà người tình của mình là Jora de Vinte. Vợ con ông được Gurevich gửi sang Liên Xô.

  Ngày 16 tháng 8 năm 1940, sau khi chuyển được sang Paris ba trăm ngàn phrăng thuộc công ty, Leopold nhờ xe của sứ quán Xô Viết và sử dụng giấy tờ mang tên Ginbe chạy sang Paris. Sau đó ít lâu, Grosfoghen cũng sang Paris.

  Như Gurevich về sau chỉ rõ, sai lầm của Leopold là ở chỗ đã dựa vào phân bộ Do Thái của Đảng Cộng sản Bỉ để tuyển mộ nhân viên. Điều đó đã dẫn đến thất bại, nhất là trong hoàn cảnh phát xít Đức chiếm đóng.

  Gurevich ở lại Brussel và gánh trách nhiệm lãnh đạo nhóm. Ngoài ra, ông còn tổ chức được một công ty mới là công ty "Simesco" có chi nhánh ở Paris, Marseille và nhiều thành phố châu Âu khác. Về thực chất, Gurevich đã thành lập được một mạng lưới điệp viên mới, tổ chức được những căn phòng bí mật và nhờ địa vị của mình, khai thác được những tin tức hết sức quan trọng. Những "người cấp tin vô tình" của ông là những sĩ quan hậu cần Đức chuyên đặt mua hàng qua công ty "Simesco". Gurevich cũng thường đi sang Thuỵ Sĩ để liên lạc với nhóm điệp viên "Dora".
 
  Cũng trong thời gian đó, còn một nhóm điệp viên nữa hoạt động ở Bỉ, đó là nhóm "Pascan" do đại uý Cục Tình báo Liên Xô là Efremov đứng đầu.

  Sau khi chiến tranh bùng nổ, ngoài việc liên lạc với rất nhiều nhóm điệp viên, Gurevich còn được trao nhiệm vụ đến Berlin tiếp xúc với một số nhóm hoạt động tại đây như nhóm "Anta". Gurevich tận tâm thực hiện những nhiệm vụ này và chuyển về Moscva không chỉ những tin tức của mình mà còn tin tức của các nhóm khác như nhóm "Anta", nhóm "Starsina", nhóm "Corsicanes". Điện đài của Gurevich hoạt động không ngừng vào các ngày 21, 23, 25, 26, 27 và 28 tháng 11 năm 1941 là những ngày phát xít Đức tiến đến cửa ngõ Moscva. Tình hình tương tự cũng diễn ra cả vào tháng 12 năm 1941. Tin tức được Trung Tâm đánh giá cao. Nhưng cơ quan phản gián và phòng săn lùng điện đài của Đức không lơi là cảnh giác. Một đội săn lùng điện đài mật được thành lập dưới sự chỉ huy của hai viên tướng phát xít là Pansiger và Hering. Trong khi ấy, Trung Tâm yêu cầu các điện đài phải hoạt động liên tục, điều này đã làm dễ dàng cho phát xít Đức trong việc săn lùng và tiêu diệt các điện đài.

  Và điều không tránh khỏi đã xẩy ra. Vào tháng 12 năm 1941, đội săn lùng điện đài tổ chức một cuộc vây ráp các địa chỉ mà chúng xác định được. Một vài nhân viên điện đài, nhân viên giải mã và người chủ căn hộ có chứa một trong những đài phát, bị bắt giữ. Về sau, cả Macarov cũng bị bắt. Trepper rơi vào ổ mai phục nhưng thoát thân được nhờ xuất trình giấy chứng minh của "Tổ chức Tốt" là một tổ chức của Đức. Ông lập tức cảnh báo về việc nhóm Gurevich có thể bị thất bại. Toàn bộ mạng lưới rút vào bí mật. Trepper, Gurevich cùng vợ là Barsa lẩn trốn ở Paris và Marseille.

  Trong tay Gestapo có những bức điện mật mã chuyển qua máy phát đặt ở Brussel. Việc giải mã những bức điện này đã gây tổn thất nặng nề cho các nhóm hoạt động ở Berlin như nhóm "Starsina", nhóm "Anta", nhóm "Corsicanes". Thực tế là từ thời gian ấy, không còn một nhóm điệp viên Xô Viết nào ở Berlin nữa. Còn về phần các điệp viên hoạt động ở Bỉ thì số phận của họ cũng không tốt đẹp hơn. Raiman bị bắt cùng nhiều người khác, và ngay trong buổi thẩm vấn đầu tiên, y đã đồng ý hợp tác với người Đức. Kết quả việc phản bội của y là những điệp viên chịu trách nhiệm liên lạc với Hà Lan cũng bị bắt, tất cả là mười bảy người. Một nhân viên điện đài đầu hàng và ngay từ ngày 22 tháng 9 năm 1942, điện đài của y đã bắt đầu gửi tin về Moscva dưới sự giám sát của Gestapo. Tuy nhiên, những điệp viên không bị bắt đã kịp báo tin cho Trung Tâm và Trung Tâm bắt đầu "trò chơi điện đài" với người Đức. Một vài nhân viên điện đài và điệp viên khác bị Gestapo buộc phải hợp tác với chúng. Họ đã lồng vào các bức điện những dấu hiệu quy ước ngụ ý họ đang làm việc dưới sự giám sát của Gestapo, nhưng không phải dấu hiệu quy ước nào cũng được hiểu đúng.

  Sau khi bị tra tấn dã man, đa số các điệp viên của "Dàn đồng ca đỏ" ở Bỉ bị hành quyết. Nhưng điều đáng sợ nhất là nhiều người bị gán cho vết nhơ phản bội, chẳng hạn như Efremov và Macarov. Trong chuyện này có phần trách nhiệm lớn của Trepper. Trong các hồi ký của mình sau chiến tranh và trong cuốn sách "Trò chơi lớn", Trepper đã vu oan cho Gurevich, Efremov, Macarov và một số người khác.

  Ngay từ tháng 8 năm 1940, Trepper đã sinh sống ở Paris. Ông ta bắt tay vào việc tổ chức hoạt động của một nhóm điệp viên mới, có một vỏ bọc chắc chắn là công ty thương mại "Simesco". Công ty này về sau trở thành một trong những công ty chuyên cung cấp hàng cho "Tổ chức Tốt" ở Pháp là tổ chức thực hiện mọi công việc xây dựng và gia cố theo đơn đặt hàng của nước Đức phát xít. Nhờ vậy, Trepper có khả năng xin được giấy phép vào Bỉ, Hà Lan và những vùng bị chiếm đóng ở Pháp, và dĩ nhiên, ông có điều kiện thu thập những tin tức về các vấn đề kinh tế quân sự. Là một nhà tuyển mộ tài năng, Trepper đã xây dựng được một mạng lưới điệp viên gồm nhiều nguồn tin quý giá. Ông còn được phép liên lạc với những điệp viên được tuyển mộ bởi một điệp viên nằm vùng hợp pháp của Cục Tình báo Xô Viết là tướng Susloparov, tuỳ viên quân sự của Liên Xô bên cạnh chính phủ Visi. Vì vậy, Trepper bắt đầu chuyển qua tướng Susloparov cho Trung Tâm nhiều tài liệu về số lượng và cách phân bố các đơn vị quân đội phát xít ở Pháp. Vào giữa tháng 5 năm 1941, Trepper chuyển cho Trung Tâm một tin tức đặc biệt quan trọng về việc quân Đức đã chuyển qua Thuỵ Điển và Na Uy tới Phần Lan gần năm trăm ngàn lính, còn toàn bộ ban lãnh đạo cao nhất của "Tổ chức Tốt" đã chuyển đến Ba Lan. Ông cũng thông báo về việc quân Đức di chuyển từ Pháp về phía biên giới Liên Xô và nêu dự kiến ngày quân Đức có thể tấn công Liên Xô sẽ trong khoảng từ 20 đến 25 tháng 5 năm 1941. Còn thông báo về ngày tháng chính xác chiến tranh bùng nổ được Trepper chuyển qua tướng Susloparov vào ngày 21 tháng 6 năm 1941. Sau khi Susloparov về nước, Trepper và mạng lưới điệp viên của ông không còn liên lạc được với Moscva nữa.

  Tháng 6 năm 1941, Cục Tình báo Xô Viết đi một nước cờ miễn cưỡng là giao cho một nhân viên điện đài của Efremov là Venxen nhiệm vụ thiết lập mối tiếp xúc với Gurevich và giúp đỡ cả Gurevich lẫn Trepper. Tất cả những sự việc ấy rút cuộc đã dẫn đến thảm họa. Do Trepper quá tự tin và đánh giá quá cao khả năng của mình, cả ba điệp viên ấy đã liên kết với nhau và tổ chức ra một mạng lưới lỏng lẻo, một hệ thống sơ hở, lộ liễu mà trong đó, Trepper mưu toan đóng vai "sếp lớn" .

  Mặc dù cơ quan phản gián Đức thu được thành công ở Bỉ và Hà Lan nhưng nhiệm vụ chủ yếu của chúng vẫn là lùng bắt Trepper và Gurevich. Vào khoảng tháng 11 năm 1942, phản gián Đức đã có đủ điều kiện tiêu diệt mạng lưới điệp viên nằm vùng của Trepper ở Pháp. Chúng đã giải mã được phần lớn những thư từ trao đổi giữa Trung Tâm và Gurevich. Trong quá trình hỏi cung những điệp viên bị bắt giữ, chúng đã thu được những tin tức cần thiết về mạng lưới điệp viên ở Pháp. Đến tháng 11 năm 1942, tại Paris và Marseille, chúng bắt được Gurevich, Barsa và toàn bộ nhân viên của công ty  "Simesco".

  Để tránh bị Gestapo săn lùng, Trepper tìm cách dàn dựng "vở kịch" về việc Jan Jinbert (tên giả của ông) qua đời. Nhưng "vở kịch" đó không thành. Ngày 24 tháng 11 năm 1942, Trepper bị bắt giữ tại một phòng chữa răng ở Paris. Cho đến tháng 1 năm 1943, tất cả các trợ tá và nhân viên mạng lưới bí mật của ông đều bị bắt. Số người bị bắt ở Pháp, Bỉ và Hà Lan lên tới con số hơn một trăm, trong đó bảy mươi người làm việc cho cơ quan tình báo Xô Viết.

  Bộ chỉ huy Đức quyết định thông qua hệ thống đài phát của Venxen, Gurevich và Trepper để chơi "trò chơi điện đài" với các cơ quan an ninh Xô Viết. Sáu trong số tám đài phát bị chúng tịch thu nay được sử dụng vào "trò chơi" này. Nhằm cứu vãn không những chính bản thân mình mà còn có thể có ích cho công việc, Trepper và Gurevich buộc phải giả vờ hợp tác với bọn Đức. Vào tháng 6 năm 1943, qua một liên lạc viên của mình trong Đảng Cộng sản Pháp, Trepper đã thông báo được cho Trung Tâm về việc các đài phát của các nhóm điệp viên ở Pháp, Bỉ và Hà Lan đang hoạt động dưới sự giám sát của Gestapo. Điện đài bí mật của Quốc tế Cộng sản đã chuyển tin này về Moscva ngày mồng 7 tháng 7 năm 1943. Nhưng thật ra, những tin tức về các vụ bắt bớ cũng như việc các đài phát hoạt động dưới sự giám sát của tình báo Đức đã được chuyển từ đi trước đó rồi. Chẳng hạn, ngày 15 tháng 7 năm 1942, Efremov đã báo tin về vụ bắt giữ nhân viên điện đài của ông là Venxen, tiếp đó, ngày 25 tháng 9 năm 1942, Robinson báo tin về việc Efremov và Venxen bị bắt giữ. Bản thân Trepper thì ngay từ ngày 1 tháng 11 năm 1942 đã báo tin về việc nhóm điệp viên của Efremov bị bắt giữ, rồi đến ngày 20 tháng 11 năm 1942 thì xác nhận vụ bắt giữ Venxen ngày 29 tháng 6 và vụ bắt giữ Efremov ngày mồng 7 tháng 8. Từ tháng 6 năm 1943, Trung Tâm bắt đầu tiến hành "trò chơi điện đài" trên quy mô lớn với tình báo Đức.

  Ngày 13 tháng 9 năm 1943, Trepper lợi dụng cơ hội thuận lợi chạy trốn khỏi đội bảo vệ phát xít. Bọn Đức tiến hành săn lùng ông. Nhưng ông lẩn trốn tại nhà bạn bè của mình ở Paris cho đến khi Paris được giải phóng vào tháng 8 năm 1944. Ngày 18 tháng 11 năm 1943, Venxen cũng trốn thoát sau khi dùng ghế đập vào đầu tên lính gác. Ông lẩn trốn ở Brussel cho đến ngày nước Bỉ được giải phóng.
Gurevich bị giam giữ cho đến khi kết thúc chiến tranh. Nhưng ông đã lập được một chiến công chưa từng có trong lịch sử tình báo là tuyển mộ được một nhân viên phản gián Đức tên là Pannvis. Ngay trước khi quân đội Đồng minh tiến sát đến Paris, Gurevich, Pannvis, nhân viên điện đài và người nữ thư ký của ông đã chạy trốn được vào dãy Anpes, mang theo nhiều tài liệu lưu trữ của đội săn lùng "Dàn đồng ca đỏ".

  Sau khi chiến tranh chấm dứt, Trepper cùng các điệp viên Xô Viết khác trở về Moscva. Không thể nói rằng tại Moscva, ông được đón tiếp như người anh hùng. Ông buộc phải chịu trách nhiệm không chỉ về những sai lầm thực sự của bản thân ông mà còn về những thất bại xảy ra do lỗi của Trung Tâm. Ông bị đàn áp và 9 năm sau, tức là năm 1954 mới được phóng thích. Từ năm 1957, ông sống ở Ba Lan rồi đến năm 1973, ông từ Ba Lan di cư sang Israel. Ông qua đời tại Israel vào năm 1982.

  Cuộc sống sau chiến tranh của Gurevich cũng rất khó khăn. Mặc dù đưa được về Moscva những "chiến lợi phẩm" quý giá như nhân viên tình báo Đức Pannvis và tập tài liệu lưu trữ của "Dàn đồng ca đỏ", nhưng ông vẫn bị quy trách nhiệm về vụ thất bại của "Dàn đồng ca đỏ" ở Berlin và nhiều lỗi lầm khác. Ông phải ngồi tù một thời gian dài trước khi được trả tự do, nhưng mãi gần đây ông mới được phục hồi danh dự.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #69 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2008, 05:51:14 pm »

54 - ARNOLD DEITCH - STEPHAN LANG (1904 - 1942)
Người tạo dựng  "bộ ngũ Cambridge"


  Tên tuổi ông được giữ kín một thời gian dài, hồ sơ lưu trữ của ông bị bao phủ bởi một lớp bụi cho đến năm 1991. Công lao to lớn của Stephan Lang (tên mà bạn bè thường gọi cũng như tên ông thường ký dưới các bức thư) là chính ông đã tạo dựng ra nhóm "bộ ngũ điệp viên nổi tiếng" hoạt động nhiều năm trong các vị trí quan trọng ở nước Anh. Họ đã bước vào nghề tình báo dưới sự dẫn dắt của ông.
Deitch sinh ra trong một gia đình tiểu thương, cha làm thầy giáo làng ở Slovakia. Ông tham gia cách mạng từ năm 1920. Năm 1932, ông tới Moscva theo con đường Quốc tế Cộng sản. Vài năm sau ông bắt đầu hoạt động cho cơ quan tình báo Liên Xô dưới cái tên Stephan Lang. Ông có kinh nghiệm hoạt động bí mật, biết vài ngoại ngữ vì vậy không mất nhiều thời gian để trở thành điệp viên. Tháng 10 năm 1933, ông nhận nhiệm vụ tới London hoạt động. Cùng hoạt động với ông có ba người từ Áo tới. Đó là "John" người Anh, thực hiện nhiệm vụ Deitch giao, cụ thể là giúp điệp viên thứ hai "Strela" gây dựng ở London. Cô tốt nghiệp khoá học chụp ảnh, là nhà nhiếp ảnh giỏi, căn hộ của cô được sử dụng để chụp và rửa các tài liệu tình báo. Người thứ ba là "Edit" (Edit Tudor Hart), lấy chồng là bác sĩ người Anh, sau đó nhập quốc tịch Anh, có mối quan hệ với giới thượng lưu Anh. Nhiệm vụ của cô là tìm hiểu những thanh niên có triển vọng và những người làm việc tại các cơ quan tình báo Liên Xô quan tâm. Chính cô là người đã giới thiệu Philby với Deitch.

  Năm 1934, Stephan nhập học tại trường Đại học London, ông nghiên cứu tâm lý học. Đó là cơ hội để ông làm quen với giới học sinh, sinh viên. Ông chú ý tới các sinh viên có khả năng và triển vọng giúp ông trong công tác tình báo. Ông thường tìm kiếm những người xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, nhưng thực tế ở trường Đại học London không có những người như vậy. Stephan tìm hiểu kỹ lưỡng hệ thống tuyển chọn các chuyên gia và quan chức vào các cơ quan quan trọng của nhà nước. Ông hiểu rằng ứng cử viên vào các chức vụ đó là sinh viên của các trường Đại học Cambridge và Oxford. Và ông chú ý nhiều tới hướng đó. Trong lúc đó tư tưởng XHCN ở Liên Xô được nhiều người khá giả trong xã hội Anh, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ủng hộ. Nước Nga Xô Viết là nước duy nhất phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa phát xít Đức. Vì vậy ở các trường như Cambridge và Oxford có những người sẵn sàng đấu tranh vì tư tưởng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Nhưng cần phải phát hiện ra họ, đánh giá được khả năng hoạt động của họ, hướng dẫn các quy tắc hoạt động bí mật cũng như chiến thuật ứng xử.

  Để mang lại kết quả cần có sự thận trọng và lý lẽ sắc bén. Stephan không phải là điệp viên "đao búa" hoặc thích dùng tiền, ông không có kế hoạch đe dọa hay mua chuộc để lôi kéo mọi người. Chỉ có tư tưởng, đó là điều có thể làm được mọi thứ.
Trong thời gian hoạt động tại London, Deitch Stephan đã gây dựng được hơn hai mươi cơ sở cung cấp thông tin. Những điệp viên do Deitch đào tạo mà hiện nay chúng ta biết, đều là sinh viên của trường Đại học Cambridge. Nhưng trong số những người do ông tuyển mộ cũng có những người là sinh viên của Oxford và họ tỏ ra không kém tài năng và trung thành. Khác với các sinh viên của Cambridge, không ai trong số họ bị phát hiện. Nhà nghiên cứu người Anh Kostelo đã viết: "Những chú chuột Oxford" của Stalin hẳn đã đào được đường hầm tới chính phủ Anh như các đồng nghiệp ở Cambridge, nhưng phần đông họ đã mang theo các hoạt động bí mật của mình cho Moscva xuống mộ. Có thể thấy họ đã giành được địa vị cao và nắm giữ nhiều bí mật quốc gia như thế nào."

  Nhưng chính "bộ ngũ Cambridge" là Kim Philby, Donald Maclean, Guy Burgess, Anthony Blunt và John Caincross đã đem lại vinh quang cho Arnold Deitch.

  Nhân vật thứ hai trong "bộ ngũ" là Donald Maclean. Ông sinh ngày 25 tháng 5 năm 1913 tại London, là con trai của nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, đồng thời là một nghị sĩ. Khi trở thành sinh viên trường Đại học Cambridge, Donald lập tức bị lôi cuốn vào các cuộc tranh luận chính trị, gia nhập hiệp hội XHCN của sinh viên. Ông mơ ước tới nước Nga để làm nghề kéo lái máy kéo bình dị hoặc làm nghề giáo viên. Cũng như Philby và các thành viên khác của "bộ ngũ", ông đã từ bỏ những quan điểm cánh tả sau khi được Philby giác ngộ vào tháng 8 năm 1934 theo yêu cầu của Deitch. Sau khi tốt nghiệp đại học, Donald Maclean làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh. Từ đó tới lúc ông thôi không làm tại đại sứ quán Anh và rời nước Pháp vào năm 1940 ông đã cung cấp cho cơ quan phản gián Liên Xô một số lượng tài liệu lên đến bốn nhăm tập, mỗi tập hơn ba trăm trang. Công việc của ông vào những năm sau đó cũng không kém phần sôi động cho tới ngày có nguy cơ bị lộ và phải chuyển tới Moscva năm 1951 (lúc đó ông là trưởng phòng phụ trách quan hệ với Mỹ của Bộ Ngoại giao Anh). Chính ông là người đã thông báo vào tháng 9 năm 1941 rằng chính phủ Anh đã ra chỉ thị triển khai dự án "luyện ống" - dự án chế tạo bom nguyên tử. Những ngày cuối đời Maclean sống tại Moscva. Có thể nói bên cạnh công việc tình báo ông còn là một nhà khoa học có tiếng tăm, một tiến sĩ khoa học.

  Nhân vật thứ ba trong "bộ ngũ" là Guy Francis de Moncy Burgess, sinh năm 1911 trong một gia đình sĩ quan hàng hải. Sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge ông làm việc cho BBC và tuân theo nhiệm vụ do Deitch giao và đã lọt được vào cơ quan an ninh. Năm 1938, ông là nhân viên vụ chiến lược tình báo Anh. Ông là điệp viên xuất sắc đã gây dựng được nhiều cơ sở cho cơ quan phản gián Liên Xô. Năm 1944, ông là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, năm 1950 được cử sang Mỹ làm cán bộ ngoại giao. Những tài liệu của ông về chiến thuật quân sự của Anh và về hoạt động gián điệp của Anh và Mỹ có giá trị đặc biệt quan trọng. Năm 1951 ông sang Liên Xô cư trú vì có nguy cơ bị lộ. Ông mất tại Moscva năm 1963.

  Nếu như tên tuổi của Philby, Maclean, Burgess được biết đến đã hơn ba mươi năm thì tên tuổi của hai thành viên còn lại mới được biết đến trong những năm gần đây.

  John Caincross sinh năm 1913 tại Scotland trong một gia đình buôn bán nhỏ. Nhờ giỏi giang và thông minh ông đã đỗ vào Đại học Cambridge. Sau khi tốt nghiệp đại học ông được nhận vào Bộ Ngoại giao và từ năm 1940 là thư ký riêng của nghị sĩ Henki, người có quan hệ trực tiếp với cơ quan tình báo Anh. Caincross đã cung cấp nhiều thông tin liên quan tới việc quân Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô. Tháng 9 năm 1941 ông gửi cho Nga báo cáo của Churchill về việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Từ năm 1942, Caincross làm việc ở đơn vị thu sóng và giải mã. Ông đã chụp cho Liên Xô những tài liệu tối mật mà chỉ có ba bản dành cho Churchill, bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cục trưởng SIS, và cả những tài liệu có liên quan tới nước Đức và mặt trận Xô-Đức. Caincross đã chuyển những thông tin quan trọng về việc Đức chuẩn bị tấn công vành đai Kursk mà London đã lờ đi không thông báo cho đồng minh của mình. Như vậy Caincross đã cứu mạng sống cho hàng chục nghìn lính Xô Viết. Sau đó ông làm việc tại SIS về vấn đề tình báo ở Liên Xô và các nước Balcan. Nhờ ông mà Liên Xô đã có một danh sách các điệp viên của Đức và Anh. Vì sức khoẻ yếu nên ông đã phải thôi công việc tình báo và ngừng mọi liên lạc. Ông mất năm 1995 ở tuổi 82.

  Và cuối cùng, thành viên thứ năm của "bộ ngũ" là Anthony Blunt, nhà nghiên cứu nghệ thuật nổi tiếng. Ông sinh tháng 9 năm 1907 trong một gia đình linh mục. Bà mẹ xuất thân từ gia đình quý tộc quyền quý và điều này có ảnh hưởng quyết định tới tương lai của ông, trong đó đặc biệt là việc theo học tại Cambridge. Trong thời gian chiến tranh ông làm việc tại cơ quan tình báo Anh. Ông đã cung cấp thông tin về các hoạt động chống lại tình báo Liên Xô và các cuộc đàm phán bí mật riêng rẽ giữa Anh-Mỹ và đại diện của Đức trong những năm 1944-1945. Sau chiến tranh Blunt giữ chức vụ bảo quản các bức tranh của Hoàng gia và điều này giúp ông tiếp cận với các nhân vật chính trị cao cấp của Anh. Ông đã cung cấp những thông tin quan trọng cho Liên Xô, nhưng theo thỏa thuận trước đó với tình báo Nga là không liên quan tới Hoàng gia. Từ năm 1952 ông làm cố vấn cho Nữ hoàng về nghệ thuật. Ngày 26 tháng 5 năm 1983 Anthony Blunt qua đời.

  Đó là tiểu sử tóm tắt của các thành viên trong "bộ ngũ". Chỉ trong thời gian chiến tranh họ đã cung cấp cho Moscva hơn hai mươi nghìn tài liệu bí mật. Ngoài những tin tức chính trị, quân sự còn có các báo cáo về ngày giờ và địa điểm tung gián điệp vào Liên Xô có giá trị quan trọng để kịp thời vô hiệu hoá chúng.

  Tháng 9 năm 1937, Arnold Deitch bị gọi về Moscva. Ông may mắn không chịu số phận bi thảm như những điệp viên khác là bị thanh trừng và xử tử. Ông thậm chí còn được phép quay về London để phát triển mạng lưới điệp viên. Deitch đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao kỹ thuật nghiệp vụ. Vừa tìm kiếm các quan hệ mới, gặp gỡ các cộng sự, lên kế hoạch thực hiện các công việc phức tạp, ông còn làm được nhiều việc khác. Riêng ở Anh ông đã có sáu sáng kiến. Là một người tìm tòi, ông cải tiến phương pháp chụp các tài liệu tình báo và gửi về Trung Tâm, chú ý áp dụng các phát minh khoa học, kỹ thuật, cụ thể là sử dụng tia cực tím để chụp ảnh trong bóng tối, đề ra một số cách ghi chép mới bằng mật mã. Nhưng khi trở về London ông không hoạt động được. Ý định đưa ông sang Mỹ cũng không thành. Thực tế ông trở nên thất nghiệp. Cuối năm 1938, Deitch hợp tác với Viện Kinh tế Thế giới và Chính trị Thế giới của Viện Hàn lâm Liên Xô. Sau ngày 22 tháng 6 năm 1941, ban lãnh đạo tình báo quyết định đưa Deitch đi Argentina, một đất nước duy trì quan hệ chính trị và kinh tế với nước Đức phát xít.

  Nhóm điệp viên của ông dự định vòng qua Iran, ấn Độ và các nước Đông Nam Á, nhưng sau ngày mùng 7 tháng 12 năm 1941 (trận Trân Châu Cảng), thì con đường này trở nên nguy hiểm. Cuối tháng 6 năm 1942, nhóm của ông đã tới Teheran. Từ đây ông đã gửi cho lãnh đạo tình báo bức thư riêng bày tỏ tấm lòng trăn trở của một người ăn không ngồi rồi khi vận mệnh của đất nước đang lâm nguy. Bức thư đó như sau:

  "Đồng chí Phichin thân mến! Tôi viết thư cho anh như cho một người lãnh đạo và cũng là như cho một người bạn. Tôi cùng các đồng chí khác đã lên đường được tám tháng, nhưng vẫn như lúc bắt đầu, chúng tôi vẫn còn cách xa mục tiêu. Chúng tôi đã không gặp may. Tám tháng đã trôi qua, tám tháng qua người dân Xô Viết cống hiến sức lực ngoài mặt trận và trong lao động. Nếu không tính ba tháng trên tàu thuỷ ở ấn Độ, nơi tôi  làm được vài điều cho sự nghiệp chung, thì tôi chưa làm được điều gì có ích cho cuộc chiến. Hơn khi nào hết, thời gian hiện nay là quý giá. Tôi thấy xấu hổ về "kỷ lục lao động" của mình trong thời gian chiến tranh Vệ quốc. Việc tôi không có lỗi gì cũng không thể nào an ủi được tôi.

  Chúng tôi không biết sẽ phải đợi đến bao giờ. Điều đó làm lương tâm tôi bứt rứt. Tình hình ở các nước nằm trong nhiệm vụ của chúng ta đã thay đổi nhiều kể từ khi chúng tôi rời Moscva. Những nhiệm vụ chúng ta đặt ra khi đó, theo tôi nghĩ, khó mà thành hiện thực. Sớm nhất cũng phải ba, bốn tháng nữa chúng tôi mới tới nơi. Đến lúc đó chiến tranh sẽ kết thúc hoặc gần đến hồi kết.
Mục đích của bức thư này là bày tỏ những suy nghĩ của tôi và đề nghị anh như một người lãnh đạo và một người bạn giúp tôi chuyển sang công việc hữu ích khác và lấy lại quãng thời gian đã mất.

  Xin lỗi vì đã làm phiền anh, nhưng tôi không có cơ hội trực tiếp trò chuyện cùng anh và hoàn cảnh của chúng tôi hiện nay không cho phép.

  Hãy cho tôi trở về Liên Xô và trực tiếp ra mặt trận chiến đấu. Anh nhớ là tôi được cử đi từ Cục Chính trị của Bộ tổng tham mưu (RKKA). Tôi có thể làm việc cho các anh, nhưng rất mong là không phải ở hậu phương. Vả lại, khi quân đội Xô Viết vượt qua biên giới Đức tiến vào Đức hoặc Áo thì sẽ có nhiều việc cho tôi làm.

  Nếu cần, hãy giao cho tôi nhiệm vụ hoạt động bí mật ở đâu cũng được để tôi có cảm giác rằng mình đang trực tiếp chiến đấu, góp phần giành thắng lợi.

  Chiến tranh đang diễn ra, là một đảng viên cộng sản, tôi hiểu rằng phải chấp hành mọi mệnh lệnh của anh. Thế nhưng tám tháng đã trôi đi, và việc sẽ còn phải tiếp tục ăn không ngồi rồi buộc tôi viết thư cho anh và đề nghị anh sớm giải quyết.

  Gửi anh lời chào thân ái. Stephan".

  Vài ngày sau, một bức điện được gửi tới Teheran gọi Stephan và nhóm của ông về Moscva. Một kế hoạch mới lên Phương Bắc được vạch ra. Tháng 10 năm 1942, Stephan lên đường tới bờ biển Đông của nước Mỹ trên con tàu "Donbass". Ngày 7 tháng 10, tàu bị máy bay Đức và sau đó là tàu "Đô đốc Seer" tấn công. Con tàu bị cắt đôi và chìm xuống biển. Toàn bộ hành khách được coi là đã hi sinh. Nhưng thực ra, một số thuỷ thủ của "Donbass" được cứu sống và bị Đức bắt làm tù binh. Thuyền trưởng Silke sau này trở về tiếp tục làm việc trong hạm đội Hắc Hải. Ông quả quyết rằng, đã thấy Stephan bị thương nặng, cụt hai chân và chìm xuống biển cùng con tàu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM