Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:28:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười ngày rung chuyển thế giới  (Đọc 62462 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #130 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 07:57:20 pm »

Đồng thời, những người bôn-sê-vích đã tiến hành tiêu hao quyền lực của Công đoàn đường sắt. Xô viết Pê-tơ-rô-gơ-rat ra một bản kêu gọi hô hào tất cả công nhân đường sắt buộc Công đoàn đường sắt phải trao lại các quyền hành. Ngày 15, Uỷ ban trung ương Xô-viết toàn Nga, áp dụng sách lược đã dùng trước đây đối với nông dân, triệu tập một Đại hội công nhân đường sắt toàn Nga vào ngày 1 tháng 12; Công đoàn đường sắt trả lời lại bằng cách triệu tập đại hội riêng vào hai tuần lễ sau. Ngày 16 tháng 11, các ủy viên chấp hành Công đoàn đường sắt đến nhận những ghế của họ tại Uỷ ban trung ương Xô-viết toàn Nga. Trong đêm mồng 1 rạng ngày mồng 2 tháng 12 tại phiên họp khai mạc Đại hội công nhân đường sắt toàn Nga, Uỷ ban trung ương Xô-viết toàn Nga chính thức đề nghị Công đoàn đường sắt nhận bộ Cầu đường và Giao thông; Công đoàn đường sắt nhận…

Giải quyết vấn đề chính quyền xong rồi, những người bôn-sê-vích quay sang những vấn đề thực tế. Trước tiên là phải tiếp tế thành phố, toàn quốc, quân đội. Từng toán thủy thủ và xích vệ tới xem xét các kho, các nhà ga, đi thăm thuyền bè trên các kênh, đào lên và tịch thu hàng ngàn pút (một pút bằng khoảng 16 ki-lô) thực phẩm do bọn đầu cơ vơ vét. Các phái viên được cử về các tỉnh và với sự giúp đỡ của các Uỷ ban ruộng đất địa phương, tịch thu các kho của các nhà buôn ngũ cốc lớn. Từng đoàn năm nghìn người một gồm lính thủy có vũ khí đầy đủ, được cử xuống phía Nam và đi Xi-bê-ri với nhiệm vụ chiếm lấy các tỉnh còn do bọn bạch vệ giữ, lập lại trật tự và tìm kiếm thực phẩm. Việc chuyên chở hành khách trên con đường xuyên Xi-bê-ri phải ngừng lại trong hai tuần lễ và mười ba đoàn tàu, mỗi đoàn tàu do một ủy viên lãnh đạo, được phái về phía Đông, chứa đầy những tấm dạ và những thanh sắt do các Uỷ ban xí nghiệp thu nhập được để đổi cho nông dân ở Xi-bê-ri lấy lúa mì và khoai tây.

Do Ca-lê-đin nắm các mỏ than miền Đô-nét nên vấn đề nhiên liệu trở nên cấp bách. Xmon-ni cắt điện trong các rạp hát, hiệu buôn và tiệm ăn, rút bớt những chuyến xe điện và tịch thu những kho củi dự trữ của các nhà buôn… Khi các nhà máy ở Pê-tơ-rô-gơ-rát sắp phải đóng cửa vì thiếu than thì những thủy thủ Hạm đội Ban tích gửi đến cho công nhân 200.000 pút than lấy ở hầm than của các chiến hạm…

Khoảng cuối tháng 11, xảy ra những vụ cướp phá các hầm rượu, bắt đầu từ những hầm rượu của Cung điện Mùa Đông. Trong nhiều ngày liền, phố xá đầy những binh lính say nhè. Trong việc này, người ta thấy rõ ngay bàn tay của bọn phản cách mạng; bọn chúng phát trong các trung đoàn những bản đồ chỉ rõ địa điểm các kho chứa rượu. Lúc đầu, các ủy viên ở Xmon-ni còn dùng lời lẽ kêu gọi họ nghe điều phải, nhưng biện pháp đó không có kết quả: tình trạng mất trật tự tăng lên và biến thành những cuộc đánh nhau to giữa binh lính và xích vệ. Cuối cùng, Uỷ ban quân sự cách mạng phải phái các đại đội thủy thủ có súng liên thanh đến và ra lệnh bắn thẳng tay vào bọn gây lộn; một số đông bị chết. Sau đó, những đội quân đặc biệt được lệnh mang rìu tới các hầm rượu và đập vỡ các chai rượu hoặc dùng thuốc nổ phá các hầm rượu…

Các đại đội xích vệ, có kỷ luật và được trả lương cao, ngày đêm thường trực trong các trụ sở của các Xô-viết khu, thay thế dân vệ cũ. Trong khắp các khu, công nhân và binh lính đã bầu ra các tòa án cách mạng nhỏ để xử những vụ phạm pháp nhẹ…

Xích vệ bao vây các khách sạn lớn tại đó bọn đầu cơ vẫn tiếp tục kiếm chác bẫm, và bắt giam chúng lại…

Luôn luôn tỉnh táo và cảnh giác, giai cấp công nhân tự tổ chức thành một hệ thống kiểm sát rộng lớn, dò xét nhà cửa bọn tư sản qua những người hầu và chuyển tất cả những tin tức thu lượm được tới Uỷ ban quân sự cách mạng. Uỷ ban này luôn luôn giáng những đòn bằng bàn tay sắt. Nhờ đó mà khám phá ra vụ âm mưu bảo hoàng do Pu-rích-ki-ê-vích, nguyên ủy viên Viện Đu–ma, cùng một nhóm quý tộc và sĩ quan tổ chức; chúng chuẩn bị một cuộc nổi loạn của các sĩ quan và đã viết thư cho Ca-lê-đin để mời hắn về Pê-tơ-rô-gơ-rát. Cũng bằng cách đó đã khám phá ra vụ âm mưu của bọn K.Đ ở Pê-tơ-rô-gơ-rát; bọn này gửi tiền và người cho Ca-lê-đin…
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #131 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 07:57:55 pm »

Nê-ra-tốp, hoảng sợ trước sự tức giận của nhân dân do việc hắn đi trốn gây ra, trở về nộp những hiệp ước cho Tơ-rốt-xki. Tơ-rốt-xki bèn cho công bố ngay những hiệp ước đó trên báo Sự thật khiến cả thế giới phẫn nộ.

Một sắc lệnh được ban hành tăng cường thêm những hạn chế về tự do báo chí, tuyên bố rằng các cơ quan chính thức của chính phủ giữ độc quyền làm quảng cáo. Để phản đối lại, các báo khác đình chỉ. Mãi ba tuần sau, các báo đó mới chịu tuân theo.

Trong các bộ, những cuộc bãi công của viên chức những hành động phá hoại và cản trở đời sống kinh tế bình thường vẫn tiếp diễn. Làm hậu thuẫn cho Xmon-ni chỉ có ý chí của quần chúng, lớn lao nhưng chưa được tổ chức; chính nhờ có sự ủng hộ của quần chúng mà Hội đồng ủy viên nhân dân đã lãnh đạo thắng lợi hoạt động cách mạng quần chúng chống kẻ thù. Bằng những tuyên ngôn hùng hồn tung đi khắp nước Nga, Lê-nin dùng những lời giản dị giải thích cho nhân dân về cách mạng; ông hô hào nhân dân tự mình nắm lấy chính quyền trong tay, dùng vũ lực đập tan sức kháng cự của các giai cấp hữu sản, dùng vũ lực nắm lấy các cơ quan chính quyền. Trật tự cách mạng! Kỷ luật cách mạng! Kế toán chặt chẽ và kiểm sát gắt gao! Không đình công! Không lãn công!.

Ngày 2- tháng 11, Uỷ ban quân sự cách mạng ra bản cảnh cáo sau đây:

Các giai cấp giàu có chống lại Chính phủ Xô-viết mới, chống lại chính phủ công nông binh. Bè lũ của chúng cản trở công việc của các viên chức, kêu gọi nhân viên ngân hàng ngừng làm việc, tìm cách cắt đứt liên lạc bằng đường sắt và bằng bưu điện.

Chúng tôi cảnh cáo chúng là chúng chơi với lửa. Nước nhà và quân đội bị nạn đói đe dọa. Để chống nạn đói, điều cần thiết là các cơ quan phải làm việc đều đặn. Chính phủ công nông đang áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết để đảm bảo những nhu cầu của nước nhà và của quân đội.

Chống lại những biện pháp đó tức là phạm một trọng tội đối với nhân dân. Chúng tôi cảnh cáo các giai cấp giàu có và bè lũ của chúng rằng nếu sự phá hoại không ngừng và nếu việc tiếp tế bị gián đoạn thì chúng sẽ là những kẻ đầu tiên phải chịu đựng.

Các giai cấp giàu có và bọn đồng lõa sẽ bị tước quyền được lĩnh thực phẩm. Tất cả những kho dự tữ của chúng sẽ bị trưng thu và tài sản của những thủ phạm chính sẽ bị tịch thu.

Chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ khi báo trước cho những kẻ chơi với lửa biết.

Chúng tôi tin rằng nếu những biện pháp gắt gao đó trở nên cần thiết, chúng tôi sẽ được toàn thể công nhân, binh lính và nông dân hoàn toàn tán thành.

Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #132 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 07:58:44 pm »

Ngày 22 tháng 11, trên các tường thành phố thấy dán đầy tờ yết thị dưới đây:

•   THÔNG CÁO ĐẶC BIỆT
Hội đồng ủy viên nhân dân đã nhận được của ban tham mưu mặt trận Bắc điện văn khẩn sau đây:

“Không thể tri hoãn được lâu hơn nữa; đừng để chúng tôi chết đói. Từ mấy ngày hôm nay, quân đội mặt trận Bắc không còn một mẩu bánh mì nào; số lương khô dự trữ tới nay vẫn để nguyên, nay phải đem ra phân phát, và chỉ trong hai ba ngày nữa sẽ hết. Các đại biểu của các quân đoàn đã phải tuyên bố rằng nhất thiết phải chuyển một cách có kế hoạch một phần binh lính về hậu phương, đề phòng trong vài ngày nữa sẽ bắt đầu có một sự tan rã hoàn toàn trong quân đội, vì binh lính đang chết đói, kiệt sức sau ba năm chiến tranh trong chiến hào, ốm đau, thiếu quần áo, không có giày, mất trí vì những thiếu thốn vượt quá sức con người.”

Uỷ ban quân sự cách mạng loan báo cho quân đội thường trú và công nhân Pê-tơ-rô-gơ-rát biết tình hình đó. Phải thi hành ngay những biện pháp kiên quyết nhất. Tuy nhiên, những viên chức cao cấp trong các cơ quan chính phủ, các nhà ngân hàng, kho bạc, ngành đường sắt, bưu điện phá hoại sự hoạt động của chính phủ hiện đang cố gắng tiếp tế cho mặt trận.

Uỷ ban quân sự cách mạng cảnh cáo những kẻ phạm tội đó một lần cuối cùng. Nếu chúng kháng cự hoặc chống đối, những biện pháp gắt gao sẽ được áp dụng, tương xứng với tội lỗi của chúng.


Quần chúng công nhân và binh lính sôi sục căm thù làm rung chuyển khắp nước Nga. Tại thủ đô, công chức và nhân viên nhà ngân hàng tung ra hàng trăm bản tuyên bố và kêu gọi để phản đối và tự bào chữa. Dưới đây là một bản:

Toàn thể đồng bào chú ý!

Ngân hàng Quốc gia đóng cửa.

Vì sao?

Vì những hành động cường bạo của bọn bôn-sê-vích đối với Ngân hàng Quốc gia đã làm cho không thể tiến hành được công việc. Lần đầu tiên, các ủy viên nhân dân đến yêu cầu đưa mười triệu rúp, ngày 27 tháng 11, họ lại đòi những hai mươi nhăm triệu, mà không hề đưa một lý do nào về việc sử dụng số tiền đó…

Chúng tôi, những viên chức của Ngân hàng Quốc gia, chúng tôi không hề tham gia vộêc cướp phá tài sản của quốc gia được. Chúng tôi đã ngừng làm việc…

HỠI ĐỒNG BÀO! Tiền của Ngân hàng Quốc gia là tiền của đồng bào, là tiền mà đồng bào đã kiếm được bằng công sức, mồ hôi và máu.

HỠI ĐỒNG BÀO! Đừng để tài sản của Quốc gia bị cướp phá. Hãy bảo vệ chúng tôi chống lại những hành động cường bạo rồi chúng tôi sẽ trở lại làm việc ngay tức khắc.

•   Các nhân viên Ngân hàng Quốc gia.

Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #133 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 07:59:20 pm »

Liên tiếp xuất hiện các bản tuyên bố của bộ Tiếp tế, bộ Tài chính, Uỷ ban tiếp tế đặc biệt. Tất cả các bản tuyên bố đều viện cớ rằng vì Uỷ ban quân sự cách mạng mà các viên chức không sao làm việc được, và kêu gọi dân chúng ủng hộ họ chống lại Xmon-ni. Nhưng quần chúng công nhân và binh lính không tin những lời đó; nhân dân tự xác định rõ rằng chính các viên chức phá hoại, làm cho quân đội và dân chúng đói. Ngoài đường phố giá lạnh, những dãy người xếp hàng mua bánh mì ngày một dài thêm, nhưng người ta không nguyền rủa chính phủ như dưới thời Kê-ren-xki nữa, mà nguyền rủa bọn công chức, bọn phá hoại; là vì chính phủ ngày nay là chính phủ của họ, là các Xô-viết của họ, mà các viên chức ở trong các bộ chống đối lại…

Trung tâm của sự chống đối là Viện Đu-ma với cơ quan chiến đấu của nó là Uỷ ban Cứu Quốc và Cứu cách mạng; ủy ban này phản đối tất cả các sắc lệnh của Hội đồng ủy viên nhân dân, luôn luôn biểu quyết đòi không công nhận Chính phủ Xô-viết, và công khai hợp tác với các chính phủ giả mạo phản cách mạng ở Mô-hi-lép… Ngày 17 tháng 11, Uỷ ban Cứu Quốc và Cứu Cách mạng gửi tới “tất cả các Hội đồng thành phố, các dem-xtơ-vô, các tổ chức dân chủ và cách mạng của nông dân, công nhân, binh lính và các công dân khác” lời kêu gọi sau đây:

1- Đừng công nhận chính phủ bôn-sê-vích và hãy đấu tranh chống lại nó.

2- Hãy thành lập các Uỷ ban Cứu Quốc và Cứu Cách mạng toàn Nga bằng cách đoàn kết tất cả các lực lượng dân chủ, và hãy giữ liên lạc chặt chẽ với nhau và với Uỷ ban toàn Nga
.

Trong lúc đó, trong các cuộc bầu cử vào hội nghị lập hiến ở Pê-tơ-rô-gơ-rát, những người bôn-sê-vích quốc tế chủ nghĩa cũng phải tuyên bố là phải bầu một Viện Đu-ma mới vì Viện Đu-ma cũ đã không còn đại diện cho thành phần chính trị của dân nhân Pê-tơ-rô-gơ-rát nữa… Các tổ chức công nhân, các đơn vị quân đội và cả nông dân ở các vùng lân cận trút lên đầu Viện Đu-ma hàng mớ quyết nghị tuyên bố rằng Viện Đu-ma là phản cách mạng, là coóc-ni-lô-vít, và đòi nó phải từ chức. Trong những ngày cuối cùng của Viện Đu-ma đã diễn ra những cuộc tranh luận giông bão gây nên bởi những yêu cầu của công nhân thành phố đòi trả lương tử tế và bởi những sự đe dọa đình công.

Ngày 23, Uỷ ban quân sự cách mạng ra một sắc lệnh tuyên bố giải tán Uỷ ban Cứu Quốc và Cứu Cách mạng. Ngày 29, Hội đồng ủy viên nhân dân ra lệnh giải tán và bầu lại Viện Đu-ma thành phố Pê-tơ-rô-gơ-rát.

Vì rằng Viện Đu-ma thành phố Pê-tơ-rô-gơ-rát bầu ra ngày 2 tháng 9 trước vụ Coóc-ni-lốp, đã hiển nhiên và dứt khoát mất quyền đại diện nhân dân Pê-tơ-rô-gơ-rát, hoàn toàn đi ngược lại tâm lý và những nguyện vọng của nhân dân; vì rằng các ủy viên của phe đa số trong Viện Đu-ma, tuy không còn một chút tín nhiệm chính trị nào, vấn tiếp tục sử dụng những đặc quyền của họ để âm mưu phản cách mạng chống lại ý chí của công nông binh và phá hoại hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Hội đồng ủy viên nhân dân thấy rằng cần phải kêu gọi nhân dân thủ đô tỏ thái độ đối với chính sách của Chính quyền tự trị thành phố.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #134 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 07:59:56 pm »

Bởi vậy, Hội đồng ủy viên nhân dân ra sắc lệnh:

1- Viện Đu-ma thành phố bị giải tán kể từ ngày 30 tháng 11 năm 1917.

2- Những viên chức do Viện Đu-ma hiện tại cử ra sẽ giữ nguyên chức vụ của họ và sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ cho tới khi Viện Đu-ma mới chọn được những người thay thế.

3- Tất cả các viên chức của thành phố sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ của họ. Người nào bỏ việc sẽ coi như bị thải hồi.

4- Cuộc bầu cử mới vào Viện Đu-ma Pê-tơ-rô-gơ-rát sẽ tiến hành vào ngày 9 tháng 12 năm 1917 và sẽ theo đúng những điều quy định của “Sắc lệnh về bầu cử các ủy viên Viện Đu-ma thành phố Pê-tơ-rô-gơ-rát ngày 9 tháng 12 năm 1917” đồng thời công bố với sắc lệnh này.

5- Viện Đu-ma thành phố mới sẽ họp phiên đầu tiên vào ngày 11 tháng 12, hồi 2 giờ.

6- Kẻ nào vi phạm sắc lệnh này hoặc kẻ nào cố tình gây tổn thất hoặc phá hoại những tài sản của thành phố sẽ lập tức bị bắc và đưa ra trước Tòa án quân sự cách mạng.


Viện Đu-ma bèn họp lại và thông qua những nghị quyết lời lẽ huênh hoang nói rằng “sẽ bảo vệ vị trí của mình tới giọt máu cuối cùng” và kêu gọi một cách tuyệt vọng nhân dân hãy cứu vãn lấy “chính quyền thành phố được bầu ra một cách tự do”. Nhưng nhân dân tỏ thái độ thờ ơ hoặc ác cảm. Ngày 30, viên thị trưởng Sơ-rai-đơ và nhiều ủy viên Đu-ma bị bắt và bị thẩm vấn, rồi lại được tha. Cũng ngày hôm đó và hôm sau, Viện Đu-ma tiếp tục họp; cuộc họp luôn luôn bị ngừng vì có các xích vệ và thuỷ thủ lễ phép đến yêu cầu hội nghị giải tán. Trong phiêm họp ngày 2 tháng 12, một sĩ quan và vài thuỷ thủ vào phòng Ni-cô-la giữa lúc một diễn giả đang phát biểu, và ra lệnh cho các đại biểu đi ra, nếu không họ sẽ dùng vũ lực. Hội nghị phải tuân theo, tuy vẫn phản đối đến cùng rút cục lại thì cũng vẫn phải ô nhượng bộ trước bạo lực ”.

Viện Đu-ma mới được bầu ra mười ngày sau ; bọn xã hội ‘ôn hoà’ từ chối không tham gia và Viện hầu hết gồm những người Bô-sê-vích...

Nhưng hãy còn một số trung tâm chống đối nguy hiểm ; trong số này, có các nước ‘cộng hoà’ U-cơ-ren và Phần-lan biểu thị những xu hướng chống Xô-viết rất rõ rệt. Cùng một lúc, ở Hen-xinh-pho và Ki-ép, các chính phủ tập hợp những quân đội tin cẩn nhất để tiêu diệt chủ nghĩa bôn-sê-vích, đồng thời tước vũ khí và đuổi quân đội Nga ra. Viện Ra-da ở U-cơ-ren, vẫn thống trị được miền Nam nước Nga từ trước, cung cấp viện binh và lương thực cho Ca-lê-đin. Phần-lan và U-cơ-ren mở những cuộc thương lượng bí mật với bọn Đức và được các chính phủ đồng minh công nhận và được cho vay những món tiền kếch xù, liên kết với các giai cấp hữu sản nhằm gây những cơ sở phản cách mạng tấn công vào nước Nga Xô-viết. Cuối cùng, khi chủ nghĩa Bôn-sê-vích đã thắng ở hai nước đó, giai cấp tư sản thất thế kêu gọi bọn Đức đưa chúng trở lại nắm chính quyền...

Những sự đe doạ ghê gớm nhất đối với chính phủ Xô-viết lại phát sinh từ trong nước; nó gồm có hai mặt; phong trào của Ca-lê-đin và bộ Tổng tham mức ở mô-hi-lép đứng đầu là tướng Đu-khô-nin.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #135 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:01:21 pm »

Mu-ra-vi-ốp, hình như có tài có mặt khắp mọi nơi cùng một lúc, được cử giữ chức chỉ huy tác chiến chống quân Cô-dắc, và tiến hành mộ một đạo hồng quân trong hàng ngũ công nhân xí nghiệp. Hàng trăm người làm công tác tuyên truyền được phái tới miền Đông. Trong một bản tuyên bố gửi những người Cô-dắc, Hội đồng uỷ viên nhân dân giải thích cho họ hiểu Chính phủ Xô-viết là gì, và các giai cấp hữu sản, công chức, địa chủ, chủ nhà băng cũng như bọn chúa đất và thượng tá Cô-dắc âm mưu tiêu diệt cách mạng như thế nào để tránh khỏi bị nhân dân tịch thu những tài sản của chúng.

Ngày 27 tháng 11, một uỷ ban Cô-dắc đến Viện Xmon-ni để gặp Tơ-rốt-xki và Lê–nin. Họ hỏi xem có thật là Chính phủ Xô-viết không có ý định chia đất đai Cô-dắc cho nông dân nước Đại Nga không. Tơ-rốt-xki trả lời :

- Không.

Những người Cô-dắc thảo luận với nhau một lúc rồi lại hỏi :

- Được, nhưng Chính phủ Xô-viết có ý định tịch thu đất của bọn địa chủ Cô-dắc và chia cho những người lao động Cô-dắc không ?

Lê-nin trả lời :

- Việc này chính các anh phải làm. Chúng tôi sẽ ủng hộ những người lao động Cô-dắc trong mọi hành động của họ. Phương pháp tốt nhất là trước tiên các anh hãy thành lập các Xô-viết Cô-dắc. Lúc đó, các anh sẽ được đại diện trong Uỷ ban trung ương Xô-viết toàn Nga và Chính phủ Xô-viết sẽ là chính phủ của các anh....

Những người Cô-dắc trở về vẫn nghĩ kỹ lưỡng về những lời tuyên bố đó. Hai tuần sau, tướng Ca-lê-đin tiếp một đoàn đại biểu quân đội của y. Đoàn đại biểu hỏi y :

- Ông có hứa với chúng tôi là chia tài sản của bọn chúa đất Cô-dắc cho những người lao động Cô-dắc không ?

Ca-lê-đin đáp :

- Thà chết còn hơn !

Một tháng sau, nhìn thấy quân đội của y tan rã, Ca-lê-đin tự bắn vỡ sọ chết. Phong trào Cô-dắc thế là đi đời....

(Tác giả khi viết quyển này không phân biệt tới sự phát triển về sau của phong trào phản cách mạng Cô-dắc – ghi chú theo bản dịch Pháp)

Trong khi đó ở Mô-hi-lép, Uỷ ban trung ương Xô-viết toàn Nga cứ tập hợp lại, cùng với lãnh tụ xã hội “ôn hoà” – từ Áp-xen-ti-ép đến Tréc-nốp bọn lãnh tụ hoạt động của những Uỷ ban quân đội cũ và bọn sĩ quan phản động. Bộ tham mưu một mực không công nhận Hội đồng uỷ viên nhân dân. Bộ tham mưu đã tập họp quanh nó những Tiểu đoàn quyết tử, những Hiệp sĩ của Thánh Gióoc-giơ và quân Cô-dắc ở mặt trận, và bí mật liên lạc chặt chẽ với các uỷ viên quân sự của Đồng minh, với phong trào Ca-lê-đin và Viện Ra-đa U-cơ-ren.

Các nước đồng minh không hề trả lời Sắc lệnh hoà bình ngày 8 tháng 11, trong đó Đại hội các Xô-viết đề nghị một cuộc tổng đình chiến.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #136 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:02:24 pm »

Ngày 20 tháng 11, Tơ-rốt-xki gửi một công hàm cho các đại sứ đồng minh:

Thưa ngài Đại sứ,

Tôi hân hạnh báo để ngài biết là Đại hội Xô-viết toàn Nga các đại biểu công nhân và binh lính… ngày 8 tháng 11 đã thành lập một chính phủ mới của nước Cộng hoà Nga, dưới hình thức Hội đồng uỷ viên nhân dân. Chủ tịch chính phủ là Vơ-la-đi-mia I-lích Lê-nin. Việc lãnh đạo công tác ngoại giao đã được trao cho tôi, Uỷ viên nhân dân phụ trách ngoại giao...

Trong khi lưu ý Ngài tới bản đề nghị đình chiến và hoà bình dân chủ không xâm chiếm đất đai hoặc bồi thường, trên cơ sở quyền tự quyết của các dân tộc – bản đề nghị đó đã được Đại hội toàn Nga thông qua – tôi trân trọng đề nghị ngài coi văn kiện này như một lời đề nghị chính thức đình chiến lập tức trên mọi mặt trận, và mở ngay những cuộc thương thuyết hoà bình; chính phủ nước Cộng hoà Nga đồng thời gửi đề nghị này tới mọi dân tộc tham chiến và chính phủ của họ.

Tôi xin đoan chắc với ngài Đại sứ sự quý trọng sâu xa của chính phủ Xô-viết đối với nhân dân nước ngài, hiện cũng mong mỏi hoà bình như nhân dân mọi nước khác đã bị kiệt lực bởi cuộc chém giết chưa từng có này…


Cùng đêm hôm đó, Hội đồng uỷ viên nhân dân điện cho tướng Đu-khô-nin như sau:

Hội đồng uỷ viên nhân dân thấy cần thiết đề nghị đình chiến ngay với mọi dân tộc tham chiến, địch cũng như đồng minh. Một bản công hàm phù hợp với quyết định đó đã được Uỷ viên phụ trách ngoại giao gửi tới các đại diện của các cường quốc đồng minh ở Pê-tơ-rô-gơ-rát.

Hội đồng uỷ viên nhân dân ra lệnh cho ông là Tổng chỉ huy quân đội, ngay sau khi nhận được điện này, phải thi hành nghị quyết của Đại hội Xô-viết toàn Nga của các đại biểu công nhân và binh lính, và đề nghị với các nhà cầm quyền quân sự của địch lập tức ngưng chiến và mở rộng những cuộc thương thuyết hoà bình. Hội đồng uỷ viên nhân uỷ cho ông phụ trách tiến hành những cuộc thương thuyết sơ bộ và ra lệnh cho ông:

1- Phải dùng đường dây trực tiếp báo cáo thường xuyên trước Hội đồng sự tiến hành của những cuộc thương thuyết với các đại biểu toàn quyền của quân đội địch.

2- Chỉ ký hiệp ước đình chiến sau khi được Hội đồng uỷ viên nhân dân thông qua.


Các đại sứ đồng minh nhận công hàm của Tơ-rốt-xki với một sự im lặng khinh bỉ, tiếp sau đó là những bài phỏng vấn vô danh trong các báo đầy lời lẽ chế giễu cay độc. Lệnh gửi cho Đu-khô-nin bị công khai coi như một hành vi phản bội…

Còn về phần Đu-khô-nin thì chẳng thấy động tĩnh gì. Đêm 22 tháng 11, Hội đồng uỷ viên nhân dân gọi điện thoại trực tiếp cho y, hỏi y có tuân lệnh không. Y trả lời là không thể tuân lệnh được, trừ phi lệnh là do một “Chính phủ được quân đội và cả nước ủng hộ”
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #137 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:03:09 pm »

Lập tức, y nhận được điện cất chức Chỉ huy tối cao, và Cơ-ri-len-cô được cử giữ chức đó. Theo đúng sách lược của ông là kêu gọi quần chúng, Lê-nin gửi vô tuyến điện văn cho mọi Uỷ ban trung đoàn, sư đoàn và quân đoàn, cho mọi binh lính và thuỷ thủ trong quân đội và hạm đội, để báo cho họ biết lời từ chối của Đu-khô-nin và ra lệnh cho “các trung đoàn ngoài mặt trận cử đại biểu mở những cuộc thương thuyết với những đơn vị địch đối diện với vị trí của mình…”

Ngày 23, các tùy viên quân sự các nước đồng minh, tuân theo chỉ thị của chính phủ họ, gửi công hàm cho Đu-khô-nin, trịnh trọng cảnh cáo y không được “vi phạm điều khoản của những hiệp ước đã được ký kết giữa các cường quốc có chân trong khối đồng minh chống Đức”. Bức công hàm lại nói tiếp là nếu ký kết đình chiến riêng rẽ với Đức thì “hành động đó sẽ mang lại những hậu quả tối nghiêm trọng” cho nước Nga. Đu-khô-nin lập tức thông tri bức công hàm này đi khắp các Uỷ ban binh lính…

Sáng hôm sau, Tơ-rốt-xki lại gửi lại một bản kêu gọi binh lính trong đó ông cho bức công hàm của các đại diện đồng minh là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của nước Nga, một âm mưu láo xược “dùng thủ đoạn đe dọa bắt buộc quân đội và nhân dân Nga phải tiếp tục chiến tranh để thi hành những hiệp ước do Nga hoàng đã ký kết….”

Từ Viện Xmon-ni cuồn cuộn tuôn ra hết tuyên ngôn này đến tuyên ngôn khác tố cáo Đu-khô-nin và bọn sĩ quan phản cách mạng quanh hắn ta, tố cáo bọn chính khách phản động tụ tập ở Mô-hi-lép, làm nổi dậy trên khắp mặt trận dài một ngàn dặm hàng triệu binh lính ngờ vực và giận dữ. Đồng thời, Cơ-ri-len-cô cùng với ba đơn vị thủy thủ gồm toàn những người tuyệt đối trung thành, lên đường đi tới Đại bản doanh quân đội vừa đivừa đe dọa trả thù, và tới đâu cũng được binh lính hoan hô nhiệt liệt. Thật đúng là một cuộc hành quân thắng lợi. Uỷ ban quân đội trung ương vừa ra một bản tuyên bố bênh vực Đu-khô-nin thì lập tức một vạn binh lính tiến về Mô-hi-lép….

Ngày 2 tháng 12, quân đội thường trú ở Mô-hi-lép nổi dậy chiếm thành phố, bắt giam Đu-khô-nin và Uỷ ban quân đội, và trương cờ đỏ thắng lợi tiến ra ngoài thành phố để đón vị chỉ huy tối cao mới. Sáng hôm sau. Cơ-ri-len-cô vào thành phố, và thấy một đám đông quần chúng hò hét tụ tập quanh chiếc toa xe lửa trên đó Đu-khô-nin bị giam. Cơ-ri-len-cô phát biểu yêu cầu quần chúng binh lính đừng phạm đến Đu-khô-nin, vì y sẽ bị đưa đi Pê-tơ-rô-gơ-rát và xét xử trước Tòa án cách mạng. Khi Cơ-ri-len-cô nói xong, thình lình Đu-khô-nin đứng ra cửa sổ, hình như có ý định nói với đám đông. Thế là quần chúng gầm lên xô đến toa xe, lôi tên tướng già ra đánh chết ngay trên thềm ga….

Thế là cuộc nổi loạn của Đại bản doanh chấm dứt….

Thành lũy cuối cùng của chính quyền quân sự đối lập ở Nga sụp đổ khiến chính phủ Xô-viết được củng cố mạnh mẽ, và bắt tay vào công cuộc tổ chức nhà nước với lòng nhiệt thành tin tưởng. Nhiều công chức cũ xô nhau đến đứng dưới cờ, và nhiều Đảng viên các đảng phái khác cũng vào làm việc trong các cơ quan chính quyền. Những kẻ có tham vọng tiền tài bị ngăn chặn ngay bởi sắc lệnh về lương của nhân viên Chính phủ; Lương các ủy viên nhân dân – lương cao nhất - được quy định là 500 rúp (khoảng 50 đô-la) một tháng. Cuộc đình công của các viên chức nhà nước, do Liên hiệp các Liên hiệp lãnh đạo, đã sụp đổ vì bị các nhóm tài chính và thương mại bỏ rơi. Nhân viên nhà ngân hàng cũng quay lại làm việc

Cùng với sắc lệnh về việc quốc hữu hóa các nhà ngân hàng, sự thành lập các Hội đồng kinh tế nhân dân tối cao, sự thi hành sắc lệnh nhà đất ở các thôn xã, sự tổ chức lại quân đội theo nguyên tắc dân chủ, và sự thay đổi tận gốc trong mọi ngành của chính quyền và của đời sống (Tất cả những việc này chỉ có thể thực hiện được do ý muốn của đông đảo quần chúng công nông binh), sự hình thành của Nhà nước Nga vô sản từ từ bắt đầu, trải qua nhiều lầm lẫn và khó khăn....

Những người bôn-sê-vích đã giành được chính quyền, không phải bằng cách thỏa hiệp với những giai cấp hữu sản hoặc với những lãnh tụ chính trị khác, không phải bằng cách tranh thủ bộ máy chính quyền cũ. Và cũng không phải do hành vi bạo lực có tổ chức của một tập đoàn nhỏ. Nếu đông đảo quần chúng trong khắp nước Nga đã không sẵn sàng khởi nghĩa thì cuộc khởi nghĩa ắt đã thất bại. Lý do độc nhât của sự thắng lợi của những người bôn-sê-vích là đã thực hiện những nguyện vọng rộng lớn và giản đơn của các tầng lớp cơ bản nhất trong nhân dân, kêu gọi họ phá tan cái cũ và sau đó, trong khói bụi của sự sụp đổ này, cộng tác với họ để dựng lên cái mới....
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #138 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:25:29 pm »

Chương XII

Đại hội nông dân
[/b]

Tuyết bắt đầu rơi ngày 18 tháng 11. Khi chúng tôi thức dậy thì các rìa cửa sổ đã phủ một lượt tuyết trắng và các bông tuyết bay dày đến nỗi chỉ cách ba thước là chẳng nhìn thấy gi. Bùn đã biến hết; chỉ trong nháy mắt, cái thành phố buồn tẻ và xám xịt đã trắng trẻo, nõn nà. Xe ngựa với các anh xà ích áo mũ tùm hum đã đổi thành những xe trượt tuyết đi nhanh vun vút trên những chỗ mấp mô ngoài phố, người đánh xe thì băng đóng cứng cả râu cằm... Mặc dầu cách mạng, mặc dầu cái nhảy ghê gớm của cả nước Nga vào khoảng không mịt mù, thành phố tràn ngập niềm vui mừng khi thấy tuyết đến. Ai nấy đều tươi cười hớn hở: người ta ra ngoài phố chìa tay đón những bông tuyết dịu như tơ. Màu xám đã đi hết. Chỉ còn lại ánh vàng và những màu sắc rực rỡ của các tháp chuông và vòm mái nổi bật trên ánh tuyết trắng ngần, và vẻ huy hoàng phương Đông của chúng lại càng được tăng thêm.

Đến trưa thì cả mặt trời cũng hiện ra, một mặt trời nhợt nhạt và như vừa rửa sạch, thế là hết những cơn rức đầu sổ mũi, đau xương đau cốt của những tháng mưa dầm. Đời sống ở thành phố nhộn nhịp hẳn lên, và ngay cả cách mạng cũng như rảo bước.

Một buổi tối, tôi ngồi trong một quán ăn nhỏ trước cổng Viện Xmon-ni. Đây là một nơi ồn ào, trần thấp, lấy tên là "Cái lều của chú Tôm" , luôn luôn có các xích vệ lui tới. Họ ngồi chen chúc qquanh những bàn nhỏ có phủ khăn hoen ố, trước mặt có những ấm trà bằng sứ to tướng, nhả khói thuốc lá mù mịt, trong khi những người phục vụ vừa chạy tới tấp vừa nói to: "Có ngay! Có ngay!".

Ở một góc có một người mặc quân phục đại úy ngồi. Anh ta cố gắng nói với mọi người xung quanh, nhưng luôn luôn bị ngắt lời. Anh kêu to:

- Các anh thực chẳng hơn gì quân giết người! Ở ngoài phố, các anh bắn cả vào đồng bào ruột thịt!

Một người thợ hỏi:

- Bao giờ nào?

- Chủ nhật trước ấy, khi những học sinh sĩ quan…

Một người chìa ngay ra cánh tay buộc băng:

- Thế thì dễ chúng nó không bắn vào chúng tôi đấy hẳn? Tôi còn giữ kỷ niệm của bọn kẻ cướp ấy đây

Thế là viên đại úy phồng mang trợn mép:

- Các anh phải đứng trung lập! Các anh phải đứng trung lập! Các anh lấy quyền gì mà phá chính phủ hợp pháp? Lê-nin là ai? Là một tên Đức …

Mọi người hét lên:

- Còn anh là một thằng phản cách mạng, một thằng khiêu khích.

Khi đã êm êm, viên đại úy đứng dậy:

- Được. Các anh tự xưng là nhân dân Nga. Nhưng nhân dân Nga không phải là các anh. Nhân dân Nga là nông dân. Các anh hãy chờ xem nông dân…
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #139 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:26:11 pm »

Mọi người trả lời:

- Đúng, hãy chờ nông dân lên tiếng! Chúng tôi biết họ sẽ nói gì. Họ chẳng là những người lao động như chúng tôi sao?

Thực vậy, đứng về lâu dài thì mọi sự đều tùy thuộc ở nông dân. Mặc dầu họ lạc hậu về chính trị, nhưng họ cũng có ý kiến của họ, và học chiếm hơn 80 phần trăm dân số. Những người bôn-sê-vích có tương đối ít người ủng hộ trong nông dân, và không thể chỉ thiết lập một nền chuyên chế của riêng công nhân công nghiệp… Đảng truyền thống của nông dân là đảng xã hội cách mạng; trong số tất cả các đảng ủng hộ chính phủ Xô-viết thì đảng xã hội cách mạng cánh tả đương nhiên kế thừa nhiệm vụ lãnh đạo nông dân, và cũng vì họ bị lệ thuộc vào giai cấp vô sản được tổ chức ở thành thị nên họ càng cần được nông dân ủng hộ hơn hết cả.

Về phía Xmon-ni thì cũng không quên nông dân. Sau Sắc lệnh ruộng đất, một trong những việc làm đầu tiên của Ủy ban trung ương Xô-viết toàn Nga mới là phớt Ủy ban chấp hành Xô-viết nông dân mà triệu tập một Đại hội nông dân. Vài ngày sau thì ban hành điều lệ về các Ủy ban ruộng đất hàng tổng, và sau đó là huấn thị của Lê-nin gửi cho nông dân, dùng lời lẽ giản dị giải thích cho họ hiểu thế nào là cuộc cách mạng bôn-sê-vích và chính phủ mới. Ngày 16 tháng 11, Lê-nin và Mi-li-u-tin công bố bản "Chỉ thị cho các đặc phái viên về các tỉnh", bản chỉ thị này đã được phát hàng ngàn bản về các làng:

1- Khi về tỉnh, đặc phái viên phải họp ngay Ban Chấp hành xô-viết công nông binh trình bày luật ruộng đất và đề nghị triệu tập phiên họp toàn thể các xô-viết quận và tỉnh;

2- Đặc phái viên phải tìm hiểu tình hình ruộng đất trong tỉnh:

a) Ruộng đất của bọn chúa đất đã bị tịch thu chưa? Ở đâu, trong quận nào?

b) Ai quản lý những ruộng đất bị tịch thu, các Ủy ban ruộng đất hay bọn chủ cũ?

c) Nông cụ và gia súc ra sao?

3- Diện tích do nông dân cày cấy có tăng không?

4- Tỉnh đã đạt được tỷ lệ nào trong năng suất toàn diện quy định?

5- Đặc phái viên phải giải thích rõ là hiện nay ruộng đất đã về tay nông dân nên cần phải cố gắng tăng
năng suất và tiếp tế lúa mì cho các thành phố vì đó là phương pháp duy nhất để tránh nạn đói;

6- Đã thi hành hoặc định thi hành những biện pháp nào để hoàn thành việc chuyển giao ruộng đất cho các Ủy ban ruộng đất tổng và quận và cho các Xô-viết đại biểu công nông binh?

7- Nên giao những tài sản được quản lý và trang bị tốt cho các Xô- viết công nhân nông nghiệp dưới sự lãnh đạo của những chuyên viên nông nghiệp có năng lực.


Làng xã nơi nơi đều sôi sục. Đó không phải là riêng kết quả của Sắc lệnh ruộng đất với tác động như một luồng điện mà cũng là do hàng ngàn nông dân đi lính trở về làng mang theo tinh thần cách mạng của tiền tuyến… Đặc biệt là những người đó hoan nghênh nhiệt liệt việc triệu tập Đại hội nông dân.

Hành động y hệt Ủy ban Trung ương Xô-viết toàn Nga cũ đối với Đại hội thứ hai các Xô-viết công nhân và binh lính, Ủy ban chấp hành các Xô-viết nông dân cố gắng ngăn trở việc Xmon-ni triệu tập Đại hội nông dân. Và cũng như Ủy ban Trung ương Xô-viết toàn Nga cũ, khi thấy hành động này thế nào cũng thất bại, Ủy ban chấp hành các Xô-viết nông dân gửi điện khắp nơi ra lệnh phải bầu những đại biểu bảo thủ đi dự. Lại còn phao tin đồn là Đại hội sẽ họp ở Mô-hi-lép, và có một số đại biểu thực sự đi tới thành phố đó; tuy nhiên ngày 23 tháng 11 cũng có khoảng 400 đại biểu tới Pê-tô-rô-gơ-rát và những cuộc họp sơ bộ giữa các đảng phải đã bắt đầu…
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM