Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:39:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười ngày rung chuyển thế giới  (Đọc 62461 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #90 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2010, 09:54:24 pm »

* *
*

Bị bỏ lại, chúng tôi tìm cách đến ga Xác-côi-ê Xê-lô. Đi ngược đại lộ Nép-xki, chúng tôi thấy các đội xích vệ vũ trang, có người súng có lưỡi lê, có người không có. Hoàng hôn mùa đông xuống nhanh chóng. Đầu ngẩng cao, xếp hàng tư cũng không được đều lắm, họ bước đi trong bùn giá lạnh, không kèn không trống. Trên đầu họ, phấp phới một lá cờ đỏ, có mấy dòng chữ vàng nguệch ngoạc: "Hoà bình! Ruộng đất!". Họ đều rất trẻ. Mặt họ rõ là vẻ mặt của những người biết mình sắp phải hi sinh... Những kẻ đứng trên vỉa hè, với vẻ mặt vừa sợ sệt, vừa dè bỉu, căm hờn lặng lẽ nhìn họ đi qua.

Tại nhà ga, không ai biết Kê-ren-xki đang ở đâu và mặt trận ở đâu. Tàu không chạy quá Xác-côi-ê Xê-lô... Toa chúng tôi đầy những nông dân trở về quê, tay xách nách mang, nào hành lý, nào các báo buổi chiều. Chỉ thấy nói chuyện về cuộc cách mạng Bôn-sê-vích, nhưng ngoài ra thì khó mà biết rằng, nước Nga to lớn đang bị cuộc nội chiến cắt làm hai và đoàn tàu của chúng tôi đang đi về phía có chiến sự. Qua cửa sổ, chúng tôi nhìn thấy trong bóng tối mỗi lúc một dày đặc, những đám binh lính đang tiến về thành phố trên đường bùn lầy, vung tay vung chân tranh luận sôi nổi. Một đoàn tàu hàng, đầy ắp những lính, ánh lửa chiếu vào sáng rực, đang đỗ trên một khúc đường dồn tàu. Chỉ có thế. Sau lưng chúng tôi, phía chân trời, ánh đèn của thủ đô mờ dần trong đêm tối. Một chuyến tàu điện ì ạch đi về một chốn ngoại ô xa xăm.

Nhà ga ở Xác-côi-ê Xê-lô yên tĩnh, nhưng đây đó từng tốp binh lính thì thầm và nhìn một cách lo ngại về phía con đường sắt vắng ngắt đi về Gát-xi-na. Tôi hỏi họ thuộc đảng phái nào. Một người trả lời: "Chúng tôi chưa biết sự thực thế nào... Đúng rồi, Kê-ren-xki là một tên khiêu khích, nhưng chúng tôi cho việc người Nga lại bắn vào người Nga là không phải".

Ngồi ở văn phòng của uỷ viên nhà ga là một người lính trơn, to béo, vui tính và rậm râu, tay đeo băng đỏ của một uỷ ban trung đoàn. Giấy tờ của chúng tôi do Xmon-ni cấp có ngay hiệu quả đối với anh ta. Rõ ràng anh ta ủng hộ các Xô-viết, nhưng lại rất hoang mang. Anh bảo chúng tôi:

- Cách đây hai giờ, các đội xích vệ còn ở đây, nhưng họ lại đi rồi. Sáng nay, có một uỷ viên tới, nhưng khi bọn Cô-dắc đến thì ông ta lại quay trở về Pê-tơ-rô-gơ-rát.

Chúng tôi hỏi:

- Bọn Cô-dắc đến đây à?

Anh lính gật đầu buồn bã:

- Đã đánh nhau một trận. Bọn Cô-dắc đến đây lúc sáng sớm. Chúng bắt hai ba trăm người của chúng tôi làm
tù binh và giết mất khoảng hai mươi nhăm người.

- Bọn Cô-dắc bây giờ ở đâu?

- Có lẽ chúng cũng chẳng đi xa đâu. Không biết đích xác giờ chúng ở đâu. Chúng đi về phía này... Anh ta
vừa nói vừa chỉ về phía Tây.

Chúng tôi ăn một bữa thật ngon ở quán ăn nhà ga, vừa ngon vừa rẻ hơn ở Pê-tơ-rô-gơ-rát. Ngồi cạnh chúng tôi có một sĩ quan Pháp, vừa đi bộ từ Gát-si-na đến. Hắn ta bảo ở đó yên tĩnh lắm. Kê-ren-xki đóng chắc ở thành phố ấy.

Anh ta lại nói tiếp: "Dân Nga này lạ thật! Thật là một cuộc nội chiến lạ lùng! Đủ hết mọi trò trừ có đánh nhau!".

Chúng tôi đi vào thành phố. Ở cửa ga có hai người lính đứng, súng lắp lưỡi lê, đang bị chừng một trăm thương gia, công chức và sinh viên vây quanh chửi rủa. Hai người lính coi bộ ngượng ngập và sượng sùng như hai đứa trẻ bị mắng oan. Đứng đầu cuộc tấn công là một thanh niên cao lớn, mặc đồng phục sinh viên, mặt mũi kiêu căng. Y nói bằng một giọng láo xược: "Chắc các anh hiểu là khi các anh cầm súng đánh lại anh em trong nhà tức là các anh làm tay sai cho bọn sát nhân và bọn phản bội".

Anh lính nghiêm trang đáp:

- Không phải thế, người anh em ơi, anh không hiểu. Có hai giai cấp, giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Chúng tôi...

Tên sinh viên ngắt lời: "Biết rồi, nhàm tai lắm rồi! Bọn nhà quê ngu dốt các anh chỉ cần nghe thấy vài công thức là lắp lại như vẹt chẳng cần hiểu gì cả". Đám đông phá lên cười. Y nói tiếp: "Tôi là một sinh viên mác-xít. Tôi nói cho anh biết là không phải các anh chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội đâu, làm cho sự hỗn loạn, có lợi cho bọn Đức!".
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #91 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2010, 09:55:01 pm »

Mặt người lính mồ hôi nhỏ giọt. Anh trả lời: "Tôi biết anh là một người học thức. Cái đó rõ ràng rồi. Còn tôi, tôi chỉ là một người bình thường. Nhưng theo tôi...".

Tên sinh viên ngắt lời với vẻ mặt khinh bỉ: "Chắc anh cho Lê-nin là bạn của vô sản?".

Người lính trả lời với vẻ mặt đau khổ: "Đúng, tôi nghĩ như vậy".

- Này anh ơi, anh có biết Lê-nin đã đi qua nước Đức trong một toa xe hoả niêm phong không? Anh có biết Lê-nin đã nhận tiền của Đức không?

Người lính khăng khăng trả lời:

- Tôi không biết rõ những cái ấy lắm, nhưng tôi thấy rằng điều gì ông ấy nói cũng đều đúng là những điều mà tôi và các người bình thường khác muốn được nghe. Anh thấy không, có hai giai cấp: vô sản và tư sản...

- Anh điên à, anh bạn! Tôi đã ở tù hai năm ở Sơ-lút-xen-bua vì hoạt động cách mạng. Khi đó thì các anh bắn vào các người cách mạng và hát "Cầu chúa bảo vệ cho Nga hoàng". Tên tôi là Vát-xi-li Gioóc-giơ-vich Pa-nin. Anh có nghe thấy tên tôi bao giờ không?

Anh lính kính cẩn trả lời:

- Rất tiếc là tôi không biết. Nhưng tôi chỉ là một kẻ dốt nát. Chắc anh là một vị đại anh hùng.

Tên sinh viên trả lời chắc chắn như đinh đóng cột:

- Hẳn đi chứ. Và tôi chiến đấu chống bọn Bôn-sê-vích đang phá hoại nước Nga của chúng ta và cuộc cách
mạng cho tự do của chúng ta. Thế thì anh cắt nghĩa việc đó ra làm sao?

Anh lính gãi đầu:

- Tôi không biết cắt nghĩa ra sao cả.

Anh ta nhăn mặt nhăn mũi có vẻ suy nghĩ gay lắm:

- Đối với tôi thì mọi việc rõ lắm. Đúng rồi, tôi là một kẻ ít học thức. Nhưng tôi thấy chỉ có hai giai cấp: vô
sản và tư sản...

Tên sinh viên kêu lên:

- Đấy, anh lại trở về cái công thức ngu xuẩn...

Anh lính cứ một mực tiếp tục:

- Chỉ có hai giai cấp, và kẻ nào không đi với giai cấp nọ thì đi với giai cấp kia...

Chúng tôi ngược phố đi lên. Đèn vừa ít, vừa cách xa, và người qua lại cũng thưa thớt. Một sự yên lặng đầy đe doạ bao trùm thành phố. Người ta cảm thấy như ở một nơi rửa tội, giữa âm phủ và thiên đường, một khu phi chiến địa chính trị. Chỉ các hiệu cắt tóc là đèn sáng choang và đầy ắp những người. Người ta xếp hàng trước các hiệu tắm; hôm đó là ngày thứ bảy, ngày mà khắp nước Nga tắm rửa và xức nước hoa. Tôi tin chắc rằng ở những nơi đang tiến hành những nghi thức đó, có lẫn lộn cả bộ đội Xô-viết và Cô-dắc.

Càng đi tới gần vườn ngự uyển thì phố xá càng vắng vẻ. Một thầy tu vừa run vừa chỉ cho chúng tôi đại bản doanh Xô-viết rồi lủi thẳng. Xô-viết đóng ở một cánh lâu đài của quận công, đối diện với vườn hoa. Cửa sổ tối đen. Cửa chính đóng. Một người lính, tay xỏ vào thắt lưng nhìn chúng tôi với một vẻ nghi ngờ. Anh ta nói: "Xô-viết đi rồi, cách đây hai ngày". Hỏi đi đâu thì anh nhún vai: "Không biết".

Đi quá một chút tới một toà nhà to đèn sáng choang, nghe bên trong có tiếng búa gõ. Chúng tôi đang ngần ngừ thì thấy một người lính và một chàng thuỷ thuỷ khoác tay nhau đi tới. Tôi đưa cho họ xem giấy thông hành của Xmon-ni và hỏi họ:

- Các anh ủng hộ Xô-viết chứ?

Họ không trả lời và nhìn nhau với vẻ lo ngại. Người lính thuỷ thủ trỏ tay vào toà nhà hỏi:

- Trong ấy có chuyện gì thế?

- Tôi không biết.

Người lính rụt rè đưa tay mở cửa. Chúng tôi thấy một gian phòng rộng, căng vải và có chậu cây, với nhiều hàng ghế và một cái sân khấu đang dựng dở.

Một người đàn bà đẫy đà, tay cầm búa, miệng ngậm đầy đanh đi ra hỏi:

- Các anh muốn gì?

Người lính thủy vẻ ấp úng hỏi:

- Tối nay có diễn không?
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #92 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2010, 09:55:48 pm »

Người đàn bà sầm mặt trả lời:

- Tối chủ nhật sẽ có một ban nghiệp dư biểu diễn. Thôi các anh đi đi.

Chúng tôi định bắt chuyện với anh lính và anh thủy thủ, nhưng họ trả lời với một giọng vừa nghi ngại vừa ngượng ngùng, rồi đi mất vào bóng tối.

Chúng tôi tiếp tục đi về phía cung điện nhà vua, dọc theo vườn hoa rộng lớn tối om với những tòa nhà kỳ quái, những chiếc cầu kiểu Nhật lờ mờ trong đêm tối, và tiếng nước róc rách ở các bể nước. Khi chúng tôi tới gần một cái động nhân tạo, có một con thiên nga bằng sắt hình dáng nực cười phun một dòng nước bất tận, chúng tôi có cảm tưởng có người đang theo dõi mình. Ngẩng mặt lên, chúng tôi gặp những con mắt nghi ngờ và thiếu thiện cảm của chừng năm sáu người to lớn vũ trang , đứng trên một chỗ đất cao.

Tôi trèo lên hỏi họ:

- Các anh là ai?

Họ trả lời:

- Chúng tôi là đội gác.

Họ đều có vẻ mỏi mệt. Điều này không có gì lạ, sau những tuần lễ tranh luận ngày đêm như vậy.

Tôi lại hỏi:

- Các anh thuộc bộ đội Kê-ren-xki hay bộ đội của các Xô viết?

Họ nín lặng giờ lâu, nhìn nhau có vẻ bối rối, rồi trả lời.

- Chúng tôi trung lập.

Qua cửa bán nguyệt tòa lâu đài đồ sộ của Hoàng hậu Ca-tơ-rin, chúng tôi vào đến sân trong, và hỏi trụ sở đại bản doanh. Một người lính đứng gác ở cửa một cánh lâu đài hình vòng cung, bảo chúng tôi là viên chỉ huy đang ở trong đó.

Trong một căn phòng lịch sự trang trí kiểu Giooc-Giơ đệ tam, được một lò sưởi hai mặt ngăn làm hai phần không đều, một nhóm sĩ quan đang trò chuyện với vẻ lo ngại. Trông họ đều nhợt nhạt, thiếu bình tĩnh và rõ ràng là thiếu ngủ.. Chúng tôi trình giấy mà bôn-sê-vích của chúng tôi cho một người trong bọn mà người ta giới thiệu với tôi là đại tá, một sĩ quan đã có tuổi, râu bạc, đeo nhiều huân chương. Ông ta có vẻ ngạc nhiên, và hỏi chúng tôi một cách lễ độ:

- Làm sao các ông đến được đây an toàn tính mạng nhỉ? Phố xá bây giờ nguy hiểm lắm. Ở Xác-côi-ê Xê-lô, những vấn đề chính trị đang gay go lắm. Sáng nay đã đánh nhau, và sáng mai sẽ lại đánh nhau nữa. Khoảng 8 giờ, Kê-ren-xki sẽ vào thành phố.

Chúng tôi hỏi:

- Quân Cô-dắc đâu?

Ông ta chỉ tay:

- Khoảng một nghìn năm trăm thước về phía này.

Chúng tôi lại hỏi:

- Ông đang chuẩn bị bảo vệ thành phố chống lại chúng à?

Ông ta mỉm cười:

- Không đâu. Chúng tôi giữ thành phố cho Kê-ren-xki đó.

Chúng tôi lạnh cả người vì theo như giấy má của chúng tôi giới thiệu thì chúng tôi toàn là những tay cách mạng trung kiên cả.

Viên đại tá hắng giọng nói tiếp:

- Với những giấy má mà người ta cho các ông thì tính mạng của các ông khó toàn được nếu bị bắt. Nếu các ông muốn xem trận đánh thì tôi sẽ ra lệnh cấp cho các ông buồng ở khách sạn các sĩ quan, và nếu sáng mai các ông qua đây lúc bảy giờ sáng, tôi sẽ cấp giấy tờ khác.

- Thế tức là các ông ủng hộ Kê-ren-xki?

- Nghĩa là…..cũng không hoàn toàn ủng hộ Kê-ren-xki.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #93 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2010, 09:56:40 pm »

Viên đại tá ngập ngừng:

- Phần lớn binh lính đều là bôn-xê-vích. Sáng nay, sau trận đánh, họ đều đi về phía Pê-tơ-rô-gơ-rát, mang theo các khẩu pháo. Thật ra chẳng có người lính nào ủng hộ Kê-ren-xki , nhưng có một số người không muốn đánh chác gì cả. Các sĩ quan thì hầu hết đã sang phe Kê-ren-xki hoặc đã biến mất. Các ông xem đấy, địa vị chúng tôi rất khó xử….

Chúng tôi rút ra kết luận là như vậy sẽ không có đánh nhau….Rất lịch sự, viên đại tá cho quan hầu dẫn chúng tôi trở lại nhà ga. Viên quan hầu là người miền Nam, bố mẹ là người Pháp di cư sang Bét-xa-ra-bi. Ông ta nói luôn mồm:” Mệt nhọc, nguy hiểm, tôi chẳng ngại, nhưng có điều gay là đã ba năm nay tôi chưa được gặp mẹ tôi….”.

Tàu trở về Pê-tơ-rô-gơ-rát trong đêm tối lạnh buốt. Qua cửa sổ, tôi thấy từng đám đông binh lính hoa tay múa chân cạnh những đống lửa sưởi, và ở các ngả đường có những xe thiết giáp vướng vào nhau, người lái xe chui ra khỏi ụ súng gọi nhau ơi ới….

Trong cái đêm hỗn loạn ấy, có từng tóan binh lính và xích vệ không có người chỉ huy đi lang thang trên cánh đồng không chỗ trú, trong cảnh rối ren vô trật tự, còn các ủy viên của ủy ban quân sự cách mạng thì chạy từ tóan này sang toán kia, cố gắng tổ chức sự phòng vệ.

Khi quay trở về thành phố, chúng tôi thấy quần chúng bị kích thích dâng lên như sóng triều ở đại lộ Nep-xki. Trong không khí có một cái gì khác thường. Từ ở nhà ga Vac-xô-vi nghe vọng đằng xa có tiếng đại bác.
Trong các trường học sĩ quan, không khí sôi nổi. Các nhân viên Viện Đu-ma đi hết trại lính này đến trại lính khác để diễn thuyết và kể những chuyện hãi hùng về sự tàn ác bôn-xê-vích: nào là giết học sinh sĩ quan ở Cung điện Mùa Đông, nào là hiếp nữ binh, giết một cô gái ngay trước viện Đu-ma, giết hoàng thân Tu-ma-nốp….

Ở Viện Đu Ma, Ủy ban Cứu quốc và Cứu cách mạng họp phiên bất thường ở phòng họp A-lếch-xăng, các ủy viên chạy tứ phía…..Tất cả các nhà báo bị tống cổ khỏi viện Xmon-ni đều có mặt tại đó, coi bộ phấn khởi. Khi chúng tôi kể tình hình Xác-côi-ê Xê-lô thì họ không tin. Sao? Ai chẳng biết rằng Xác-côi-ê đã ở trong tay Kê-ren-xki và quân Cô-dắc đã tiến đến tận Pun-cô-vô rồi. Người ta hình như đang bầu một ủy ban để ra ga đón Kê-xen-xki ngày mai…

Một nhà báo với vẻ tối ư bí mật thầm thì cho biết là cuộc phản cách mạng sẽ bắt đầu lúc nửa đêm. Hắn đưa cho tôi xem hai bản tuyên cáo: một bản do Gốt và Pôn-cốp-ni-cốp ký, hạ lệnh động viên ra chiến đấu dưới lệnh của Ủy ban Cứu quốc, những học sinh sĩ quan, những binh lính đang dưỡng bệnh, và các người trong hội Huân chương Thánh Giooc-giơ; bản tuyên cáo kia thì của chính Ủy ban Cứu quốc, nguyên văn như sau:

Gửi nhân dân Pê-tơ-rô-gơ-rát

Các đồng chí công nhân, binh lính và công dân của Pê-tơ-rô-gơ-rát cách mạng!

Bọn bôn-sê-vích, trong lúc kêu gọi đòi hòa bình ngoài mặt trận, thì lại xúi giục huynh đệ tương tàn ở hậu phương.

Đừng nghe theo lời kêu gọi khiêu khích của chúng!

Đừng đào chiến hào!

Hãy hạ khí giới xuống!

Phá bỏ những chướng ngại vật phản bội!

Hỡi các binh lính, hãy quay về trại!

Tàn sát nhau ở Pê-tơ-rô-gơ-rát là giết cách mạng!

Nhân danh tự do, hòa bình và ruộng đất, hãy đoàn kết quanh Ủy ban cứu quốc và Cứu cách mạng.


Lúc chúng tôi rời Viện Đu-ma, một tóan xích vệ, với nét mặt rắn đanh của những người bị dồn vào thế cùng, giải đi trong phố âm u vắng ngắt chừng một tá tù binh đều là ủy viên trong ban địa phương của Hội đồng Cô-dắc, bị bắt quả tang đang âm mưu phản cách mạngtại bản doanh của chúng….
Một người lính, theo sau có một cậu bé xách một thùng hồ đi dán những cáo thị lớn:
….Sắc lệnh này tuyên bố thiết quân luật tại thành phố Pê-tơ-rô-gơ-rát và các ngoại ô. Tất cả các hội nghị và các cuộc họp ngoài trời đều cấm cho đến khi có lệnh mới.
N. PỐT-VÔI-XKI
Chủ tịch Ủy ban quân sự cách mạng.

Không khí huyên náo những tiếng không rõ rệt, tiếng còi xe, tiếng kêu, tiếng súng nổ đằng xa. Thành phhó không ngủ, lo ngại và căng thẳng.

Sáng sớm, một tóan học sinh sĩ quan,ngụy trang làm lính của trung đoàn Xê-mê-nốp-xki , tới nhà điện thoại Trung ương ngay trước giờ đổi gác. Chúng có khẩu lệnh bôn-xê-vích nên đổi gác không ai nghi kị gì cả. Vài phút sau, An-tô-nốp đến kiểm tra thì bị chúng bắt ngay và giam vào một phòng nhỏ. Khi tóan lính chính thức đến đổi gác thì chúng nổ súng; một số người bị chết.
Cuộc phản cách mạng bắt đầu.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #94 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2010, 10:55:50 pm »

CHƯƠNG VIII

Phản cách mạng

Sáng chủ nhật 11 tháng 11, bọn Cô-dắc tiến vào Xác-côi-ê Xê-lô. Kê-ren-xki cưỡi ngựa bạch. Chuông nhà thờ kéo inh ỏi. Đứng trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ ngoài thành phố, y có thể nhìn thấy những gác chuông thếp vàng, những nóc khum sặc sỡ, và cả cái cảnh mênh mông xám ngắt của thủ đô, nằm trên cánh đồng buồn lặng, và đằng sau là vịn Phần –lan , màu ánh thép.

Không có trận giao chiến nào. Nhưng Kê-ren-xki đi nhầm một nước cờ tai hại. Bảy giờ sáng, y gửi lệnh đến đòan bộ binh thứ hai của Xác-côi-ê Xê-lô đòi hạ vũ khí. Binh lính trả lời rằng họ đồng ý nhưng đứng trung lập, nhưng không chịu hạ vũ khí. Kê-ren-xki cho họ mười phút đẻ tuân lệnh. Binh lính nổi giận; từ tám tháng nay họ đã quen với việc tự quản bằng các ủy ban, và các lối ra lệnh này sặc mùi chế độ cũ….Vài phút sau, pháo binh Cô-dắc nã vào các trại lính, làm chết tám người….Thế là từ nay, ở Xác-côi-ê Xê-lô sẽ chẳng có ai đứng trung lập nữa….

Tiếng súng và tiếng chân bộ đội thình thịch đánh thức nhân dân Pê-tơ-rô-gơ-rát dậy. Trời quang mây nhưng còn tối, gió thổi giá lạnh, mang theo mùi tuyết. Sáng sớm, khác sạn quân đội và Sở điện báo bị những lực lượng quan trọng học sinh sĩ quan chiếm đóng, rồi lại lấy lại được sau một trận huyết chiến. Trung ương điện thoại bị thủy thủ bao vây. Họ dựng chướng ngại vật ngay giữa phố Moóc-xcai-a bằng hòm, thùng và những tấm tôn, hoặc nấp ở góc phố Gơ-rô-khô-vai-a và quảng trường Thánh I-dắc, cứ thấy cái gì động đậy là nổ súng. Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe hơi mang cờ Hồng thập tự tiến đến và được các toán thủy thủ để cho đi qua...

Bạn đồng nghiệp An-bớt Rít-xơ Uy-li-am(1) của chúng tôi, lúc đó đang ở trong nhà Trung ương điện thoại, đi nhờ chiếc xe Hồng thập tự bề ngoài có vẻ như chở đầy thương binh ra khỏi nhà đó. Nhưng anh thấy sau khi đi loanh quanh trong thành phố, chiếc xe đi thẳng tời trường võ bị Mi-khai-lốp, đại bản doanh của bọn phản cách mạng. Trong sân, một sĩ quan Pháp hình như đứng chỉ huy mọi việc... Đó là cách chúng dùng để tiếp tế đạn dược lương thực cho Trung ương điện thoại. Rất nhiều xe Hồng thập tự giả mạo kiểu ấy chỉ dùng để liên lạc và tiếp tế cho bọn học sinh sĩ quan.

Bọn này có năm sáu chiếc xe ô tô bọc sắt, nguyên là của sư đoàn thiết giáp Anh cũ. Lúc qua quảng trường Thánh I-dắc, Lu-i-dơ Bơ-rai-ân(2) thấy một chiếc đi từ phía Bộ Tư lệnh Hải Quân tới và tiến về phía Trung ương điện thoại. Tới góc phố Gô-gôn, xe dừng lại. Vài thủy thủ, đứng nấp sau những đống gỗ, chĩa súng bắn. Ụ súng của chiếc xe quay ngay lại và súng máy bắn xả vào đống gỗ và đám đông. Ngay trong cái cổng mà bà Bơ-rai-ân đứng nấp, chết mất bảy người, trong số có hai em nhỏ. Thấy thế, những người thủy thủ thét to lên, xông ra khỏi chỗ nấp dưới làn mưa đạn; họ vây quanh con quái vật bằng sắt và xỉa lưỡi lê vào những lỗ châu mai, vừa xỉa vừa thét lên những tiếng ghê gớm... Tên lái xe kêu lên là đã bị thương. Họ bèn thả hắn ra; hắn lập tức chạy đến Viện Đu-ma để tố cáo bằng chứng mới mẻ này của sự “tàn ác” bôn-sê-vích... Trong đó những tên bị chết, có một sĩ quan Anh.

Sau đó, báo chí có nói đến một sĩ quan Pháp bị tóm trên một chiếc xe thiết giáp và bị đưa đến giam ở pháo đài Pi-tơ Pôn. Sứ quán Pháp vội vã cải chính, nhưng một ủy viên Hội đồng thành phố đã nói với tôi rằng chính ông ta đã cho thả tên sĩ quan đó.

Mặc dù thái độ chính thức của các sứ quán các nước đồng minh thế nào chăng nữa, nhưng chắc chắn rằng cá nhân các sĩ quan Anh và Pháp đã hoạt động mạnh; họ đến dự cả các buổi họp của ủy ban Cứu quốc và đóng vai quân sư.

Suốt ngày, trong nhiều khu xảy ra những cuộc giao chiến nhỏ giữa học sinh sĩ quan và xích vệ, và những trận đánh giữa các xe thiết giáp. Xa, gần, khắp mọi chỗ đều có tiếng súng nổ hàng loại, hoặc lẻ tẻ, và tiếng súng liên thanh. Các cửa hiệu đều hạ những mành sắt xuống, nhưng công việc buôn bán vẫn tiếp tục. Các rạp chiếu bóng ngoài cửa không thắp đèn nhưng trong thì chật ních. Xe điện vẫn chạy. Điện thoại vẫn gọi được, và khi gọi đến Trung ương điện thoại thì nghe rõ ràng tiếng súng nổ... Viện Xmon-ni bị cắt ra khỏi hệ thống điện thoại, nhưng Viện Đu-ma và ủy ban Cứu quốc vẫn luôn luôn liên lạc được với các trường học sinh sĩ quan và với Kê-ren-xki ở Xác-côi-ê Xê-lô.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #95 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2010, 10:56:22 pm »

Bảy giờ sáng, một đội tuần tra gồm binh lính, thủy thủ và xích vệ đến trường Vơ-la-đi-mia và cho bọn học sinh sĩ quan hai mươi phút để hạ khí giới. Tối hậu thư này bị bác bỏ. Một giờ sau, bọn học sinh sĩ quan định kéo quân ra, nhưng bị một loạt súng dữ dội từ góc phố Gơ-rê-bét-xcai-a và phố lớn bắn lui. Bộ đội Xô-viết vây chặt trường và nổ sung. Hai xe thiết giáp đi đi lại lại, quét vào trường hàng loạt súng máy. Bọn học sinh sĩ quan gọi điện thoại xin tiếp viện nhưng bọn Cô-dắc trả lời là không dám ra vì thước trại của chúng có những lực lượng thủy thủ quan trọng với hai khẩu đại bác. Trường Páp-lốp bị vây chặt. Còn học sinh sĩ quan trường Mi-khai-lốp phần lớn đã phải chiến đấu ở ngoài phố rồi...

Mười một giờ rưỡi có ba khẩu pháo kéo đến. Bức tối hậu thư thứ hai được bọn học sinh sĩ quan trả lời bằng cách giết hại sứ giả Xô-viết mang cờ trắng trong tay. Thế là lập tức các khẩu pháo nổ thật sự. Tường nhà trường thủng từng mảng lớn. Bọn học sinh sĩ quan chiến đấu một cách tuyệt vọng. Những đợt xích vệ hò hét tiến lên xung phong bị bắn ngã rạp... Kê-ren-xki trước đó đã gọi điện thoại từ Xác-côi-ê đến để cấm không được đàm phán với ủy ban quân sự cách mạng.

Tức giận vì sự thất bại và số thương vong, bộ đội Xô-viết giáng vào trường một trận bão lửa. Ngay các sĩ quan Xô-viết cũng không cản nổi trận bão thép ghê gớm đó. Một ủy viên Xmon-ni tên là Ki-ri-lốp định bắt ngừng bắn, nhưng xuýt nữa anh ta bị đập chết. Máu xích vệ đã sôi lên.

Lúc hai rưỡi, bọn học sinh sĩ quan kéo cờ trắng: chúng chịu hàng nếu được bảo đảm tính mạng. Bên này đồng ý. Hàng nghìn binh lính và xích vệ xông vào qua cửa sổ và các mạng tường thủng. Chưa ai kịp can thiệp thì năm học sinh sĩ quan đã bị đâm chết bằng lưỡi lê. Còn lại chừng hai trăm tên được dẫn đến pháo đài Pi-tơ Pôn, bằng từng toán nhỏ để tránh công chúng để ý. Dọc đường một toán bị quần chúng xông vào giết mất tám tên nữa... Trận này chết mất hơn một trăm lính và xích vệ...

Hai giờ sau, Viện Đu-ma nhận được tin điện thoại là toán quân chiến thắng ấy đang tiến về Trường kỹ sư. Chừng mười hai đại biểu Đu-ma mang những bản tuyên cáo mới nhất của ủy ban Cứu quốc tới gặp họ. Một số đại biểu đi không về... Các trường khác đều ra hàng không kháng cự gì và bọn học sinh sĩ quan ở đó đều được yên ổn dẫn về Pi-tơ Pôn hoặc Cơ-rông-xtát.

Trung ương điện thoại kháng cự đến chiều. Nhưng rút cục các thủy thủ cũng chiếm được, dưới sự yểm hộ của một chiếc xe thiết giáp. Các cô điện thoại viên sợ hết vía, vừa chạy tán loạn vừa kêu la inh ỏi. Bọn học sinh sĩ quan rứt hết quân hàm vứt đi để khỏi bị lội, và một tên để nghị với Uy-li-am đổi cho y chiếc áo choàng, muốn lấy cái gì cũng được. “phen này thì chúng giết hết chúng tôi mất!”, chúng kêu lên như vậy, vì số lớn trong bọn chúng trước đây ở Cung điện Mùa Đông đã thề trên danh dự là sẽ không cầm vũ khí chống lại nhân dân nữa. Uy-li-am đề nghị đứng trung gian đàm phán hộ nếu chúng tha An-tô-nốp. Chúng đồng ý, An-tô-nốp và Uy-li-am đứng lên nói chuyện với anh em thủy thủ chiến thắng đang tức điên lên vì những tổn thất của họ. Lại một lần nữa, bọn học sinh sĩ quan được tự do rút lui... Nhưng cũng có một vài tên, trong lúc hốt hoảng định trèo lên mái trốn hoặc chui vào nấp ở tầng thượng bị tóm cổ và ném xuống đường.

Mệt nhừ và máu me đầy mình, nhưng chiến thắng, các thủy thủ và công nhân tiến vào phòng máy. Khi thấy các cô điện thoại viên xinh đẹp tụ tập ở đấy, họ đứng dừng lại, ngượng ngập và vụng về. Không một ai hành hạ hoặc làm nhục các cô gái đó. Thoạt tiên các cô hốt hoảng chạy trốn vào các xó xỉnh, nhưng đến khi thấy không ai làm gì, các cô lại lên giọng : “Gớm chưa, quân bẩn thỉu! quân ngu dốt! quân vũ phu!...” Thủy thủ và xích vệ rất lúng túng không biết xử trí ra sao. Các ả lại càng được thể, vừa vùng vằng mặc áo đội mũ vừa cất giọng chua như giấm : “Đồ vũ phu! đồ lợn!” Đưa đạn và băng bó cho các học sinh sĩ quan hào hoa phong nhã nên thơ biết bao! Toàn là con nhà dòng dõi quyền quý, lại chiến đấu để láy lại ngôi báu cho Nga Hoàng yêu dấu! Còn cái bọn này? Rặt những thợ thuyền thô lỗ, bọn nhà quê, bọn dân đen vô học...

Vít-sơ-ni-ác, ủy viên ủy ban quân sự cách mạng, cố thuyết phục các cô điện thoại viên ở lại. Anh ta tận dụng mọi phép lịch sự: “Cho tới nay họ đối đãi với các cô chẳng ra cái gì. Sở điện thoại thuộc quyền Viện Đu-ma thành phố. Họ trả cho các cô 60 rúp một tháng thì bắt làm việc tới mười giờ một ngày, có khi còn hơn thế... Bắt đầu từ nay mọi sự sẽ thay đổi. Chính phủ có ý định sáp nhập Sở điện thoại vào bộ Bưu điện. Lương các cô sẽ lập tức tăng lên 150 rúp và số giờ làm việc sẽ giảm. Các cô thuộc giai cấp cần lao, các cô có quyền sung sướng...”
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #96 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2010, 10:57:48 pm »

Một liên lạc đến báo là phái đoàn được cử ra ga để đón Kê-ren-xki đã bị bắt. Ngoài phố nghe thấy tiếng đại bác ầm ĩ xa xa về phía Tây và Tây-Nam. Vẫn chưa thấy Kê-ren-xki tới.

Chỉ mới có ba tờ báo xuất bản : tờ Sự Thật, tờ Sự nghiệp nhân dân và tờ Đời mới. Cả ba tờ dành rất nhiều chỗ cho chính phủ liên hiệp mới. Cơ quan của đảng xã hội cách mạng muốn có một chính phủ không có cả đảng viên K.Đ lẫn đảng viên Bôn-sê-vích. Goóc-ki thì lạc quan: Xmon-ni đã nhượng bộ, như thế tức là sẽ có một chính phủ thuần túy xã hội, gồm đủ mọi thành phần, trừ bọn tư sản. Còn tờ Sự Thật thì mỉa mai:
Thật chỉ đáng tức cười trước một cuộc liên minh giữa những đảng phái chính trị phần lớn gồm những nhóm nhà báo nhỏ thân tư sản và có một quá khứ bẩn thỉu, mà cả công nhân lẫn nông dân đã bỏ rơi. Liên minh của chúng ta là liên minh mà chúng ta đã tự thành lập lấy, liên minh của đảng cách mạng của giai cấp vô sản với quân đội cách mạng và nông dân nghèo.

Trên một bản cáo thị kiêu căng, Công đoàn đường sắt dọa sẽ đình công nếu không có một sự thỏa hiệp :
Những người chiến thắng thật sự trong những trận đấu tranh này, những người cứu vớt những gì còn lại của tổ quốc, sẽ không phải là nhóm bôn-sê-vích, không phải ủy ban Cứu quốc, cũng không phải quân đội của Kê-ren-xki, mà là chúng tôi, Công đoàn đường sắt...

Xích vệ sẽ không đủ khả năng quản lý một công việc phức tạp như công việc của ngành đường sắt; còn chính phủ lâm thời thì đã tỏ ra hoàn toàn thể nền dân chủ...

Viện Xmon-ni vẫn hừng hực sinh khí, đầy nghị lực vô tận của con người.

Ở trụ sở các công đoàn, Lô-dốp-xki giới thiệu tôi với một đại biểu công nhân xe lửa đường Ni-cô-lai. Anh này nói với tôi là công nhân đã họp những mít tinh khổng lồ để lên án hành động của những lãnh tụ của họ. Anh đập tay xuống bàn nói lớn: “Tất cả chính quyền về tay các Xô-viết! Bọn theo chủ nghĩa “đến cùng” ở ủy ban trung ương nối giáo cho Coóc-ni-lốp. Họ định gửi một phái đoàn tới bộ Tổng tham mưu quân đội nhưng chúng tôi đã chặn phái đoàn lại ở Min-xơ-cơ... Bộ phận chúng tôi đòi triệu tập một hội nghị toàn Nga, nhưng bọn họ không chịu...”.

Trong các Xô-viết và các ủy ban quân đội, tình trạng cũng như vậy. Trong khắp nước Nga, các tổ chức dân chủ theo nhau rạn nứt và thay đổi. Các hợp tác xã cũng bị giằng xé bởi những cuộc đấu tranh nội bộ. Ủy ban chấp hành các đại biểu nông dân phải ngừng họp giữa những cuộc tranh luận giông bão. Ngay cả đến bọn Cô-dắc cũng bắt đầu lục đục...

Trên tầng thượng của Viện Xmon-ni, ủy ban quân sự cách mạng ra sức làm việc, không lúc nào nghỉ. Khi đến ai cũng tươi tỉnh khỏe khoắn; nhưng đêm lại ngày, ngày lại đêm, họ lao mình vào bộ máy ghê gớm đó, và khi dời ủy ban, ai nấy đầu váng mắt hoa, nói không ra tiếng, người ngợm bẩn thỉu, chỉ kịp lăn ra sân ngủ thiếp đi, ủy ban Cứu quốc đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trên sân Viện đầy những chồng tuyên cáo:

... Bọn âm mưu lâm loạn, vì chẳng được ai ủng hộ trong quân đội cũng như trong giai cấp công nhân, chỉ trông cậy vào một cuộc tấn công thình lình. Nhưng chuẩn ủy Bơ-la-gông-ra-vốp, ủy viên pháo đài Pi-tơ Pôn, đã kịp thời khám phá kế hoạch của chúng, nhờ sự cảnh giác cách mạng của một xích vệ hiện đang điều tra để rõ tên. Đầu mối cuộc âm mưu này là ủy ban Cứu quốc. Tên đại tá Pôn-cốp-ni-cốp đã nhận quyền chỉ huy quân đội, và các lệnh đều do tên Gốt, trước đây là ủy viên ủy ban trung ương Xô -viết toàn Nga cũ, được ta thả ra sau khi đã thề danh dự.

Ủy ban quân sự cách mạng đưa những sự việc này ra để nhân dân Pê-tô-rô-rát rõ, và ra lệnh bắt những kẻ dính líu đến âm mưu đó và đưa chúng ra trước tòa án quân sự cách mạng...

Từ Mát-xcơ-va có tin đến là bọn học sinh sĩ quan và bọn Cô-dắc đã vây điện Crem-li và đòi quân đội xô-viết hạ vũ khí. Các lực lượng xô-viết đã đồng ý, nhưng lúc ra khỏi điện Crem-li thì bị chúng đánh úp và tiêu diệt. Những lực lượng bôn-sê-vích nhỏ hơn bị đánh bật ra khỏi Trung ương điện thoại và điện báo, bọn học sinh sĩ quan hiện giữ được trung tâm thành phố... Nhưng quanh chúng, bộ đội xô-viết đã tập hợp lại. Các cuộc giao tranh trong phố phát triển mạnh; mọi cố gắng thỏa hiệp đã thất bại... Các Xô-viết có chừng một vạn lính trong quân đội thường trú và một số xích vệ; chính phủ có sáu nghìn học sinh sĩ quan, hai nghìn rưởi Cô-dắc và hai nghìn bạch vệ.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #97 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2010, 10:58:21 pm »

Xô-viết Pê-tơ-rô-gơ-rát đang họp, và ở phòng gần đấy là ủy ban trung ương Xô-viết toàn Nga mới đang nghiên cứu những sắc lệnh và mệnh lệnh của Hội đồng ủy viên nhân dân tới tấp gửi từ trên gác xuống. Trong số những sắc lệnh đó, có những sắc lệnh về ngày làm việc tám giờ, và “dự án một nền giáo dục nhân dân” của Lu-nát-sác-xki. Chỉ có chừng vài trăm đại biểu tham dự hai hội nghị này, phần lớn đều võ trang. Viện Xmon-ni hầu như vắng ngắt, trừ những bộ đội canh gác đang đặt súng máy ở các khe cửa sổ hai bên sườn Viện.

Một đại biểu công đoàn đường sắt phát biểu ở ủy ban xô-viết toàn Nga: “Chúng tôi không chuyên chở quân đội cho đảng phái nào cả... Chúng tôi đã cử một phái đoàn tới gặp Kê-ren-xki để báo cho hắn biết là nếu hắn cứ tiếp tục tiến về Pê-tơ-rô-gơ-rát, chúng tôi sẽ cắt đứt đường giao thông của hắn”. Anh ta kết luận bằng cái luận điệu quen thuộc, là đề nghị họp hội nghị các đảng phái xã hội để thành lập chính phủ mới.
Ca-mê-ni-ép trả lời thận trọng. Nhóm bôn-sê-vích rất vui lòng tham dự một hội nghị như vậy. Nhưng trọng tâm vấn đề không phải là thành phân một chính phủ mới, mà là nó có công nhận chương trình của Đại hội Xô-viết hay không... ủy ban trung ương Xô-viết toàn Nga đã thảo luận về bản tuyên ngôn của nhóm xã hội cách mạng cảnh tả và nhóm xã hội dân chủ quốc tế chủ nghĩa và đã đồng ý với một đề nghị đại diện theo tỷ lệ ở hội nghị, ngay cả đối với những đại biểu các ủy ban quân đội và các Xô-viết nông dân...

Trong phòng họp lớn, Tơ-rốt-xki điểm lại các việc đã xảy ra trong ngày: “chúng ta đã đề nghị bọn học sinh sĩ quan ở trường Vơ-la-đi-mia ra hàng. Chúng ta muốn tránh đổ máu. Nhưng nay máu đã đổ rồi thì chỉ còn một con đường là đấu tranh đến cùng. Nếu nghĩ rằng chúng ta có thể thắng được bằng một con đường khác thì thật là trẻ con... Giờ phút quyết liệt đã tới. Mọi người đều phải cộng tác với ủy ban quân sự cách mạng, phát giác những kho chứa dây thép gai, dầu xăng, khi giới... Chúng ta đã nắm chính quyền, phải giữ lấy nó”.
Tên men-sê-vích I-óp-phê định đọc một bản tuyên bố của đảng y, nhưng Tơ-rốt-xki không chịu để mở ra một “cuộc thảo luận về nguyên tắc”. ông nói: “Bây giờ các cuộc tranh luận sẽ được quyết định ở ngoài đường phố. Bước quyết liệt đã đi rồi. Tất cả chúng tôi, và đặc biệt là tôi, chịu trách nhiệm về những việc đang xảy ra”.

Có những binh lính từ mặt trận và từ Gát-si-na trở về phát biểu ý kiến. Một người lính trong tiểu đoàn xung phong của sư đoàn pháo binh 481 nói: “Khi binh lính ngoài chiến hào biết những tin này, họ sẽ hô to : Đây đúng là chính phủ của chúng tôi!”.

Một học sinh sĩ quan ở Pê-te-hốp tuyên bố rằng anh ta và hai người bạn đã từ chối không tấn công các Xô-viết; và khi các bạn của anh từ Cung điện Mùa Đông trở về, họ đã cử anh là ủy viên của họ, và phái anh tới Xmon-ni để đề nghị cho họ ủng hộ cách mạng “chân chính”...

Rồi Tơ-rốt-xki lại đứng lên, hết ra lệnh lại trả lời các câu hỏi, sôi nổi và không biết mỏi mệt. Ông ta nói : “Để đè bẹp công nông binh, giai cấp tư sản hèn hạ sẵn sàng liên minh với cả quỷ sứ! Trong hai ngày nay; đã xảy ra nhiều vụ say sưa be bét. Các đồng chí, đừng uống rượu! Sau tám giờ tối, đừng ai ra đường, trừ những đội tuần tra. Sẽ cho khám xét những chỗ khả nghi, và đâu thấy rượu sẽ hủy. Phải thẳng tay với bọn lái rượu...”.
Lúc đó, ủy ban quân sự cách mạng ra lệnh triệu tập phái đoàn khu Vi-bo, rồi phái đoàn công nhân xưởng Pu-ti-lốp. Cả hai đều đến ngay. Tơ-rốt-xki lại nói: “Mỗi cán bộ cách mạng bị giết sẽ có năm tên phản cách mạng phải đền mạng!”.

Chúng tôi quay trở lại thành phố. Viện Đu-ma đèn sáng choang, người lũ lượt kéo vào, ở hành lang lớn tầng dưới vang tiếng than vãn rền rĩ; người ta chen chúc nhau trước tấm bảng thông cáo lớn, trên đó dán danh sách những học sinh sĩ quan chết trong ngày hôm đó, hay nói cho đúng hơn là bị người ta cho là chết, vì phần lớn những người chết lại thấy xuất hiện ra, hoàn toàn khỏe mạnh, ở phòng A-lếch-xăng, trên từng trên, ủy ban Cứu quốc vẫn họp. Có mặt nào là sĩ quan đeo ngù vai vàng đỏ, nào những bộ mặt trí thức quen thuộc của nhóm men-sê-vích và xã hội cách mạng, nào các nhà ngoại giao và các chủ nhà băng mắt sắc và bụng phệ, nào các công chức của chế độ cũ, nào các bà áo quần sang trọng...
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #98 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2010, 10:59:06 pm »

Các cô điện thoại viên đến kể lại những việc xảy ra. Trông các cô nối đuôi nhau lên diễn đàn mà thương hại: ăn mặc cố làm ra vẻ lịch sự, nhưng chân đi giày thủng và mặt mũi hốc hác. Cô nào cố nấy được nghe tiếng vỗ tay của giới thượng lưu Pê-tơ-rô-gơ-rát (nào là sĩ quan, nào bọn nhà giàu, nào bọn tai to mặt lớn trong giới chính trị) đều sung sướng đến đỏ mặt, cố mà tả những nỗi đau khổ mà giai cấp vô sản đã bắt các cô phải chịu, và giãi bày tấm lòng trung thành với chế độ cũ, với trật tự sẵn có, với sức mạnh...

Viện Đu-ma lại họp trong phòng Ni-cô-lai. Viện thị trưởng tuyên bố một cách lạc quan là các trung đoàn của Pê-tơ-rô-gơ-rát đã bắt đầu hối hận về những hành động của họ; công cuộc tuyên truyền tiến triển tốt... Bọn phái viên đi đi về về, khi đưa tin vè những hành động tàn hốc của những người bôn-sê-vích, khi đi điều đình cho bọn học sinh sĩ quan, khi đi điều tra. Tơ-rúp nói: “Thắng được bọn bô-sê-vích là do sức mạnh tinh thần chứ không phải lưỡi lê.”.

Trong khi đó, trên mặt trận cách mạng, không phải mọi việc đều tốt đẹp. Kẻ thù đã đưa đến những đoàn xe lửa bọc sắt, có đại bác. Các lực lượng Xô-viết, phần lớn gồm những xích vệ không có kinh nghiệm chiến đấu, không có sĩ quan, mà cũng chẳng có kế hoạch. Chỉ mới thêm được có năm nghìn lính chính quy; phần còn lại của bộ đội thường trú hoặc còn bận dẹp cuộc nổi loạn của bọn học sinh sĩ quan, hoặc phải canh gác, hoặc còn chần chừ. Mười giờ tối, Lê-nin phát biểu ở một cuộc mít tinh các đại biểu các trung đoàn của thành phố: Tuyệt đại đa số biểu quyết chiến đấu. Một ủy ban gồm năm người lĩnh được bầu ra để làm bộ tham mưu và sáng tinh sương, các trung đoàn dời khỏi doanh trại, sẵn sàng chiến đấu... Trên đường về nhà, tôi thấy họ đi qua các phố vắng ngắt của thành phố đã được chinh phục, chân lính lão luyện bước đều, lưỡi lê sắp hàng thẳng tắp.

Đồng thời, ở đại bản doanh Công đoàn đường sắt, ở phố Xa-đô-vai-a, hội nghị các đảng xã hội họp để thành lập chính phủ mới. Nhân danh nhóm giữa các men-sê-vích, A-bơ-ra-mô-vích tuyên bố rằng nên xí xóa những việc đã qua, không có ai thắng ai bại. Tất cả những nhóm phái tả đồng ý. Nhân danh cánh hữu men-sê-vích, Đan đề nghị với nhóm bôn-sê-vích hoãn chiến theo những điều kiện sau đây : Tước vũ khí của xích vệ. Đặt bộ đội thường trú của Pê-tơ-rô-rơ-rát dưới quyền Viện Đu-ma, cấm bộ đội Kê-ren-xki không được bắn một phát súng hoặc bắt bớ một ai, thành lập chính phủ gồm tất cả các đảng phái xã hội trừ nhóm bôn-sê-vích. Nhân danh Xmon-ni, Ri-a-da-nốp và Ca-mê-ni-ép trả lời rằng có thể nhận được một chính phủ liên hiệp tất cả mọi đảng phái, những phản đối những đề nghị của Đan. Nhóm xã hội cách mạng không thống nhất ý kiến, nhưng còn ủy ban chấp hành các Xô-viết nông dân và nhóm xã hội binh dân thì khăng khăng không chịu nhận cho nhóm bôn-sê-vích tham gia... Sau một cuộc tranh luận kịch liệt, đành giao cho một ủy ban nhiệm vụ thảo một kế hoạch có thể đứng vững được.

Ủy ban cãi cọ suốt đêm, suốt ngày hôm sau, rồi cả suốt đêm hôm sau. Trước đây, đã có một lần, vào ngày 9 tháng 11, Mác-tốp và Goóc-ki cũng đã cố gắng hòa giải như vậy; nhưng lần đó vì Kê-en-xki tới gần và ủy ban Cứu quốc hoạt động mạnh, nên cánh hữu men-sê-vích, bọn xã hội cách mạng và bọn xã hội bình dân đã thình lình bỏ họp. Lần này thấy bọn học sinh sĩ quan bị đè bẹp, chúng run sợ...

Ngày thứ hai, 12 là một ngày chờ đợi. Toàn thể nước Nga chăm chú nhìn vào cánh đồng màu xám ở cửa ngõ Pê-tơ-rô-gơ-rát, nơi mà toàn thể lực lượng có thể huy động được của chế độ cũ chạm trán với sức mạnh chưa được tổ chức của chế độ mới, mà chưa ai từng biết. ở Mat-xcơ-va, đã tạm hoãn chiến; hai bên đàm phán và chờ đợi kết quả của ván cờ đánh ở thủ đô. Những đại biểu dự Đại hội Xô-viết lao mình vào những chiếc tàu tốc hành đưa họ đi tới tận biên giới châu á, về địa phương của họ, mang theo cái thập tự lửa của cách mạng. Tin tức về sự kỳ diệu mới xảy ra lan đi như những làn sóng, ngày càng rộng, đi khắp nước; các tỉnh thành, làng mạc, các thôn xóm xa xăm bắt đầu rộn rịp nổi lên; khắp mọi nơi, những Xô-viết và ủy ban cách mạng đứng lên chống các Đu-ma, các dem-xtơ-vô và các ủy viên chính phủ; xích vẹ đứng lên chống bạch vệ; người ta đánh nhau ngoài phố, người ta cãi cọ sôi nổi... Kết quả là tùy thuộc ở Pê-tơ-rô-gơ-rát.
Xmon-ni hầu như rỗng tuyếch, nhưng Viện Đu-ma lại đầy ắp những người và ồn ào, nhộn nhịp. Lão thị trưởng già lúc nào cũng trịnh trọng, lên tiếng phản đối bản tuyên ngôn của các thành viên bôn-sê-vích của hội đồng thành phố: “Viện Đu-ma không phải là một trung tâm phản cách mạng. Viện Đu-ma không tham gia vào việc đấu tranh giữa các đảng phái. Trong lúc nước Nga không có chính quyền hợp pháp, thì chỗ dựa độc nhất của trật tự là chính quyền tự trị của thành phố. Dân lành công nhận nó; các sứ quán ngoại quốc chỉ công nhận những văn kiện mang chữ ký của thị trưởng thành phố. Tâm lý chung châu Âu không công nhận một tình trạng nào khác, vì chính quyền tự trị của thành phố là cơ quan duy nhất có thể bảo vệ quyền lợi của các công dân. Thành phố có nhiệm vụ phải dung nạp tất cả mọi tổ chức muốn được dung nạp. Vậy thì Viện Đu-ma không thể cấm phát hành bất cứ tờ báo nào trong phạm vi tòa nhà của Viện. Phạm vi hoạt động của chúng ta đang mở rộng và chúng ta cần được hoàn toàn tự do hành động; cả hai phe đều phải kính trọng quyền lợi của chúng ta... Chúng ta tuyệt đối trung lập! Khi các học sinh sĩ quan chiếm được Trung ương điện thoại, đại tá Pôn-cốp-ni-cốp ra lệnh cắt mọi đường dây tới Xmon-ni, nhưng vì tôi phản đối nên điện thoại vẫn hoạt động...”.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #99 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2010, 10:59:42 pm »

Có tiếng cười chế giễu từ các hàng ghế bôn-sê-vích, và tiếng nguyền rủa từ các hàng ghế phía hữu. Thị trưởng Sơ-rai-đơ nói tiếp : “ấy thế mà họ lại coi chúng ta là phản cách mạng và tố cáo với dân chúng như vậy. Họ lấy của chúng ta những phương tiện vận tải bằng cách cướp những chiếc xe hơi cuối cùng của chúng ta. Nếu thành phố bị nạn đói thì đó sẽ không phải lỗi ở chúng ta. Những lời phản kháng của chúng ta không đi tới đâu...”.

Cô-bô-dép, thành viên bôn-sê-vích của Hội đồng thành phố, tỏ vẻ không tin việc ủy ban quân sự cách mạng trưng dụng xe hơi của thành phố là có thật; ngay giả dụ có thật chăng nữa thì cũng chỉ là do một vài cá nhân không có thẩm quyền và do trường hợp cấp thiết. Ông nói tiếp : “Vị thị trưởng nói rằng chúng ta không nên biến những phiên họp của Viện Đu-ma thành những cuộc mít tinh chính trị. Nhưng nhóm men-sê-vích và nhóm xã hội cách mạng chẳng làm gì khác hơn ở đây là tuyên truyền đảng phái; ở cửa vào họ phát những báo chí hợp pháp của họ, tờ Tia sáng, tờ tiếng nói binh lính, tờ Báo công nhân, toàn một giọng xúi giục nổi loạn. Nếu chúng tôi, những người bôn-sê-vích, cũng đem phát báo ở đây thì sẽ ra sao? Nhưng chúng tôi sẽ không làm thế, vì chúng tôi kính trọng Viện Đu-ma. Chúng tôi đã và không công kích chính quyền tự trị của thành phố. Nhưng nếu các ông đã làm một bản kêu gọi nhân dân thì chúng tôi cũng có quyền làm như thế...”.

Sau đó là tên K. Đ. Sin-ga-ri-ốp lên diễn đàn. Y tuyên bố không thể tranh luận được với những kẻ đáng lẽ phải đem ra xử về tội phản nghịch. Và y đề nghị trục xuất mọi thành viên bôn-sê-vích ra khỏi Viện Đu-ma.
Nhưng đề nghị này phải hoãn biểu quyết vì không tìm ra được lỗi nào của các thành viên bôn-sê-vích, và vì họ đều có chức vụ trong chính quyền thành phố.

Lúc đó, hai tên men-sê-vích quốc tế chủ nghĩa tuyên bố rằng bản tuyên ngôn của các thành viên bôn-sê-vích là một sự trực tiếp xui giục chém giết. Pin-ki-ê-vích nói: “Nếu mọi hành động chống lại nhóm bôn-sê-vích đều bị gọi là phản cách mạng thì tôi không thấy cách mạng và vô chính phủ kháu nhau ở chỗ nào...
Nhóm bôn-sê-vích trông mong ở sức mạnh tinh thần của chúng ta. Chúng ta phản đối mọi hành vi bạo lực bất cứ từ đâu đến, vì nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra một lối thoát hòa bình:”.

Na-da-ri-ép nói: “Bản cáo thị dán ngoài phố dưới đầu đề Vạch mặt chúng ra xúi giục dân chúng tàn sát những người men-sê-vích và xã hội cách mạng, là một những người men-sê-vích và xã hội cách mạng, là một tội ác mà bọn bôn-sê-vích các anh không đời nào gột rửa sạch. Những việc thảm khốc đã qua chỉ là mở đầu cho những cuộc thảm sát khác mà các anh chuẩn bị bằng bản cáo thị ấy... Trước đây tôi vẫn cố gắng hòa giải các anh với các đảng phái khác, nhưng giờ đây đối với các anh tôi chỉ còn lòng khinh bỉ!”.

Bị nhục mạ, những thành viên bôn-sê-vích của hội đồng thành phố đứng phắt dậy và đối đáp dữ dội lại với những lời nói căm thù và bộ điệu đe dọa của đối phương...

Lúc bước ra khỏi phòng họp, tôi gặp tên men-sê-vích Gom-béc, kỹ sư trưởng của thành phố, và ba bốn nhà báo. Họ đều có vẻ phấn khởi lắm, và bảo tôi : “Ông xem đấy, bọn nhát gan này sợ chúng tôi. Chúng không dám bắt Viện Đu-ma. Cái ủy ban quân sự cách mạng của chúng không dám cử một tên ủy viên nào đến đây. Hôm nay ở góc phố Xa-đô-vai-a, tôi thấy một tên xích vệ định cấm một chú bé dán tờ Tiếng nói binh lính. Thằng bé cười vào mũi nó, còn đám đông thì định đập chết thằng kẻ cướp ấy. Lúc này chỉ còn là vấn đề một vài giờ nữa thôi. Giả thử Kê-ren-xki không tới chăng nữa, chúng cũng không thể có đủ người để lập nổi chính phủ. Thật là một bọn ấm ớ! Nghe nói chúng đang đánh lẫn nhau ở Xmon-ni!”.

Một anh bạn thuộc đảng xã hội cách mạng nói riêng với tôi: “Tôi biết chỗ ẩn nấp của ủy ban Cứu quốc. Anh có muốn gặp họ không?.

Hoàng hôn đã xuống. Thành phố đã trở lại vẻ mặt bình thường; các cửa hàng đều mở, đèn thắp sáng: ở ngoài phố, người ta đi dạo chơi bàn tán...

Tới số 86 phố Nép-xki, chúng tôi qua một cái cổng dẫn vào sân một tòa nhà rất to. Tới buồng 229, ông bạn tôi gõ cửa với một lối gõ đặc biệt. Nghe tiếng chân người, tiếng cửa sập, rồi cửa vào hé mở, một khuôn mặt đàn bà thò ra, ngắm nghía chúng tôi một phút, rồi để chúng tôi vào. Người đàn bà coi bộ trầm tĩnh, tuổi thì trẻ đã qua, già chưa tới. Bà ta nói to : “Ki-rin, anh cứ ở lại!”
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM