Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 03:43:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười ngày rung chuyển thế giới  (Đọc 62638 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #60 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 10:41:15 pm »

Đúng tám giờ bốn mươi, tiếng hoan hô như sấm dậy báo tin chủ tịch đoàn đã tới, trong đó có Lê nin – Lê nin vĩ đại. Đó là một người thấp lùn, đầu to, tròn, hói, cổ rụt, mắt bé, mũi ngắn và tẹt, mồm rộng và lộ vẻ khoan hậu, cằm to. Mặt tuy lúc đó cạo nhẵn, nhưng bộ râu trước kia nổi tiếng và từ nay sẽ trở thành bất hủ, đã bắt đầu mọc lởm chởm. Quần áo đã sờn và quần thì dài quá. Trông hình thức bề ngoài không có gì để cho quần chúng tôn sùng; vậy mà trong lịch sử, ít có lãnh tụ được yêu mến và kính phục như ông. Một lãnh tụ nhân dân kỳ lạ, được suy tôn hoàn toàn nhờ trí tuệ của mình, không bóng bẩy, không hài hước, không khoan nhượng, tư thái ung dung, không có nét gì đặc biệt nổi bật, nhưng có tài giải thích những ý kiến sâu sắc bằng những lời lẽ giản dị, phân tích tình hình một cách cụ thể và kết hợp sự khôn ngoan sáng suốt với sự táo bạo nhất về trí năng.

Ca-mê-ni-ép đọc bản báo cáo hoạt động của Ủy ban quân sự cách mạng: hủy bỏ tội tử hình trong quân đội, khôi phục quyền tự do tuyên truyền, trả lại tự do cho các sĩ quan và binh lính bị bắt về tội chính trị, ra lệnh bắt Kê-ren-xki và tịch thu lương thực trong các kho tư nhân. Tiếng hoan hô vang dậy.

Tiếp đến đại diện đảng xã hội Do thái phát biểu: thái độ không khoan nhượng của những người bôn-sê-vich có nghĩa là đưa cách mạng đến chỗ tiêu diệt, cho nên các đại biểu xã hội Do thái bắt buộc không tham gia Đại hội được nữa. Trong phòng họp có những tiếng hò la: “Tưởng các anh đã rút ra từ đêm qua rồi! Các anh còn định rút bao nhiêu lần như thế nữa?”

Rồi đến đại diện men-sê-vich quốc tế chủ nghĩa lên diễn đàn. Có tiếng hét “Thế nào, vẫn còn ở đây à?” Diễn giả giải thích rằng chỉ có một phần men-sê-vich quốc tế chủ nghĩa rời bỏ đại hội; những người khác quyết định ở lại.

- Chúng tôi nghĩ rằng việc chính quyền chuyển vào tay Xô-viết sẽ nguy hiểm cho cách mạng, thậm chí có thể đưa cách mạng đến chỗ tiêu diệt..(Bị ngắt lời)..nhưng chúng tôi cho rằng nhiệm vụ của chúng tôi là phải ở lại Đại hội và bỏ phiếu chống lại việc đó!

Một số diễn giả khác lên phát biểu, chẳng có trật tự gì cả. Một đại diện công nhân mỏ than khu mỏ Đô-net đề nghị Đại hội có những biện pháp chống lại Ca-lê-đin vì tên này có thể cắt đứt việc tiếp tế than và lương thực cho thủ đô. Có nhiều binh lính vừa ở mặt trận về mang tới Đại hội lời chào mừng phấn khởi của các trung đoàn. Lê nin đứng dậy, hai tay nắm chặt lấy rìa bàn; ông đưa đôi mắt nhỏ chớp chớp nhìn khắp một lượt, nét mặt bình thản giữa những tiếng hoan hô vang dậy hồi lâu. Khi tiếng hoan hô chấm dứt, ông nói:

- Bây giờ chúng ta bắt tay vào việc xây dựng trật tự xã hội chủ nghĩa.

Tiếng hoan hô lại nổi lên ầm ầm.

- Việc trước tiên là phải áp dụng những biện pháp thiết thực để thực hiện hòa bình.. Chúng ta sẽ đề nghị
hòa bình với nhân dân các nước đang tham chiến trên cơ sở những điều kiện xô-viết sau đây: không thôn tính đất đai, không bồi thường, quyền dân tộc tự quyết. Đồng thời, theo lời hứa, chúng ta sẽ công bố và hủy bỏ các hiệp ước mật…Vấn đề chiến tranh và hòa bình đã rõ ràng như vậy nên tôi nghĩ rằng tôi có thể, không cần phải phi lộ, đọc bản dự thảo tuyên ngôn gửi nhân dân tất cả các nước tham chiến.

Khi Lê nin nói, cái miệng rộng của ông như mỉm cười, giọng nói ồ ồ, nhưng nghe không thấy khó chịu mà hình như nó đã rắn lại như vậy sau bao nhiêu năm diễn thuyết; giọng nói đều đều và dường như có thể vang lên mãi mãi…Khi muốn nhấn mạnh vào một ý nào, ông hơi ngả người ra đằng trước. Khi nói, ông không dùng điệu bộ. Và trước mặt ông là một ngàn khuôn mặt giản dị đang nhìn lên với một vẻ ngưỡng mộ nhiệt thành.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #61 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 10:41:59 pm »

TUYÊN NGÔN

Gửi nhân dân và chính phủ tất cả các nước tham chiến

Chính phủ công nông do cách mạng ngày 7 tháng 11 lập ra, dựa vào các Xô-viết đại biểu công nông binh, đề nghị với tất cả nhân dân các nước đang tham chiến và chính phủ của họ mở ngay những cuộc thương lượng để lập lại một nền hòa bình dân chủ, công bằng.

Chính phủ cho rằng hòa bình công bằng và dân chủ, như lòng mong ước của quảng đại quần chúng công nhân và giai cấp cần lao ở các nước tham chiến, đã bị chiến tranh làm cho kiệt sức, khổ sở, đau đớn, nền hòa bình mà công nhân và nông dân Nga đòi hỏi một cách triệt để và kiên quyết nhất sau khi chế độ Nga hoàng bị lật đổ - là hòa bình tức khắc, không thôn tính đất đai (tức là không chiếm đoạt đất đai những nước khác) và không bồi thường.

Đó là hòa bình mà Chính phủ Nga đề nghị với tất cả nhân dân các nước đang tham chiến ký kết ngay. Chính phủ tuyên bố sẵn sàng làm ngay tất cả những cuộc vận động cần thiết để đi đến việc các hội nghị đại diện nhân dân có thẩm quyền của các nước và các dân tộc chuẩn y một lần cuối cùng tất cả các điều kiện ký kết nền hòa bình ấy.

Theo tinh thần của pháp lý, tức là tinh thần của nền dân chủ nói chung và của các giai cấp cần lao nói riêng. Chính phủ cho rằng việc sáp nhập hay chiếm đoạt đất đai nước khác có nghĩa là sáp nhập một dân tộc nhỏ hay yếu vào một quốc gia lớn hay mạnh mà không có sự thỏa thuận hay mong muốn do dân tộc đó tự do bày tỏ một cách rõ ràng, chính thức, mặc dù việc sáp nhập bằng vũ lực đó đã xảy ra lúc nào, mặc dù trình độ phát triển cao hay thấp của dân tộc bị sáp nhập hoặc bị kìm giữ bằng vũ lực trong giới hạn quốc gia nói trên và cuối cùng, mặc dù dân tộc đó ở đâu, ở châu Âu hoặc ở những nước hải ngoại xa xôi.

Nếu một dân tộc nào bị kìm giữ bằng vũ lực trong giới hạn của một quốc gia, mặc dù đã bày tỏ nguyện vọng – hoặc trên báo chí, trong các hội nghị nhân dân, trong các nghị quyết của các đảng, hoặc bằng những cuộc nổi loạn và khởi nghĩa chống đàn áp dân tộc – nếu dân tộc ấy không được quyền quyết định bằng bỏ phiếu tự do sau khi quân đội của quốc gia xâm lược hay nói chung, của quốc gia mạnh hơn, đã hoàn toàn rút khỏi, không được quyền tự do quyết định vấn đề hình thức tổ chức chính trị của nước mình, thì sự sáp nhập dân tộc đó vào quốc gia nói trên là một sự thôn tính, nghĩa là một sự xâm lược và một hành động bạo lực.

Chính phủ cho rằng tiếp tục chiến tranh để giải quyết vấn đề phân chia các nước nhỏ yếu đã bị xâm chiếm giữa các nước giàu mạnh là phạm một tội lớn nhất đối với nhân loại, và chính phủ trịnh trọng tuyên bố ý muốn ký ngay một hòa ước để chấm dứt cuộc chiến tranh đó với những điều kiện đã đề ra, công bằng đối với mọi dân tộc, không trừ một nước nào.

Đồng thời, Chính phủ tuyên bố không hề coi những điều kiện hòa bình đề ra trên đây như một tối hậu thư: Chính phủ đồng ý nghiên cứu tất cả những điều kiện hòa bình khác, chỉ nhấn mạnh rằng điều kiện đó cần được một nước tham chiến nào đó đề ra càng sớm càng hay, với lời lẽ rõ ràng, không điều gì tối nghĩa hoặc bí mật.

Chính phủ hủy bỏ chính sách ngoại giao bí mật, về phía mình tỏ ý kiên quyết mở những cuộc đàm phán hoàn toàn công khai trước toàn dân, và tiến hành ngay việc công bố toàn văn những hiệp ước bí mật đã được chính phủ của bọn đại địa chủ và bọn tư bản xác nhận hoặc ký kết từ tháng 2 đến 25 tháng 10 năm 1917. Chính phủ công bố hủy bỏ hoàn toàn và tức khắc những điều khoản đó – như trong hầu hết các trường hợp nhằm mang lại đặc quyền đặc lợi cho bọn đại địa chủ và tư bản Nga, nhằm bảo đảm và phát triển những cuộc xâm chiếm đất đai của dân Đại Nga.

Trong khi đề nghị chính phủ và nhân dân tất cả các nước mở ngay những cuộc đàm phán công khai để ký kết hòa bình, Chính phủ tuyên bố về phía mình sẵn sàng đàm phán hoặc bằng thư, điện tín, hoặc bằng những cuộc gặp gỡ giữa những đại diện các nước, hay bằng một cuộc hội nghị của các đại diện đó. Để cho những cuộc thương lượng đó được dễ dàng, Chính phủ chỉ định vị đại diện toàn quyền của mình tại các nước trung lập.

Chính phủ đề nghị chính phủ và nhân dân tất cả các nước tham chiến ký kết đình chiến ngay. Về phía mình, Chính phủ cho rằng thời gian đình chiến tối thiểu là ba tháng: trong thời gian đó, có thể giải quyết hoàn toàn những cuộc đàm phán về hòa bình với sự tham dự của các đại diện tất cả các dân tộc và các nước đã tham chiến hoặc bị bắt buộc tham gia, đồng thời triệu tập những cuộc hội nghị có thẩm quyền của các đại diện nhân dân các nước để dứt khoát thông qua những điều kiện về hòa bình.

Trong khi gửi đề nghị hòa bình này cho chính phủ và nhân dân tất cả các nước tham chiến, Chính phủ lâm thời công nông Nga đồng thời cũng đặc biệt gửi tới các công nhân giác ngộ của ba nước tiến bộ nhất của nhân loại, ba quốc gia lớn nhất đang tham gia cuộc chiến tranh hiện tại, là công nhân Anh, Pháp và Đức.
Những công nhân các nước này đã làm được việc lớn nhất cho sự nghiệp của tiến bộ và xã hội chủ nghĩa, chứng cớ là: những gương lớn về phong trào hiến chương ở Anh, những cuộc cách mạng có một tầm lịch sử quốc tế do giai cấp vô sản Pháp làm; cuối cùng là cuộc đấu tranh anh dũng chống luật ngoại lệ ở Đức và cả cái công việc lâu dài, gay go và có kỷ luật để thành lập ra trong nước đó những tổ chức quần chúng vô sản, một việc có thể nêu làm gương cho công nhân toàn thế giới. Tất cả những bằng chứng về sự anh dũng vô sản và trí sáng kiến lịch sử đó đối với chúng ta là một bảo đảm rằng công nhân các nước đó sẽ hiểu rõ nhiệm vụ giao phó cho họ trong lúc này: cứu nhân loại thoát khỏi những tàn khốc của chiến tranh và những hậu quả của nó; bằng nhiều hành động kiên quyết và đầy nghị lực và hy sinh, những người công nhân đó sẽ giúp chúng ta đấu tranh đến cùng cho tới thắng lợi, cho sự nghiệp hòa bình và đồng thời cho sự nghiệp giải phóng quần chúng cần lao và bị bóc lột thoát khỏi mọi ách nô lệ và bóc lột.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #62 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 10:43:12 pm »

Khi tiếng hoan hô như sấm đã ngừng, Lê nin nói tiếp:

- Chúng tôi đề nghị Đại hội phê chuẩn bản tuyên ngôn này. Chúng tôi gửi bản này tới chính phủ cũng như nhân dân các nước, bởi vì nếu chỉ gửi riêng cho nhân dân các nước tham chiến thì có thể làm chậm việc ký kết hòa bình. Những điều kiện về hòa bình được thảo ra trong thời gian đình chiến sẽ được Hội nghị lập hiến phê chuẩn. Khi định ra thời gian đình chiến là ba tháng, chúng tôi có ý muốn để cho nhân dân các nước được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt sau cuộc chém giết đẫm máu này, và có đầy đủ thời giờ để bầu ra các đại diện của họ. Đề nghị hòa bình này sẽ vấp phải sức đối kháng của các chính phủ đế quốc, chúng tôi không hề có ảo tưởng gì về điểm này. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng cách mạng sẽ sắp nổ ra tại các nước tham chiến, cho nên chúng tôi đặc biệt gửi bản này tới công nhân ở Pháp, Anh và Đức..

Rồi Lê nin kết luận:

- Cách mạng ngày 6 và 7 tháng 11 đã mở ra kỷ nguyên Cách mạng xã hội.. Phong trào công nhân, nhân danh hòa bình và chủ nghĩa xã hội, sẽ thắng và hoàn thành sứ mệnh của nó..

Trong những câu nói đó có một cái gì bình tĩnh và mạnh mẽ làm xúc động tâm hồn. Người ta hiểu tại sao khi Lê nin nói thì quần chúng tin tưởng..

Bằng cách bầu giơ tay, Đại hội quyết định nhanh chóng là chỉ có các đại diện của các nhóm chính trị được phép phát biểu về bản dự thảo tuyên ngôn, và các diễn giả chỉ được nói trong khoảng 15 phút.

Đầu tiên là Ca-rê-lin, đại diện nhóm xã hội cách mạng cánh tả phát biểu.

- Nhóm chúng tôi không có dịp nào đề nghị sửa đổi bản dự thảo tuyên ngôn, vì nó là của riêng đảng bôn-sê-vich. Nhưng chúng tôi sẽ bỏ phiếu thuận vì chúng tôi đồng ý với tinh thần bản đó…

Đại diện nhóm xã hội dân chủ quốc tế chủ nghĩa là Kha-ma-rôp, người cao, lưng gù, mắt cận thị, sau này cũng được nổi tiếng đôi chút và được coi như chú hề của phe đối lập. Y phát biểu rằng chỉ có một chính phủ gồm tất cả các đảng phái xã hội mới có đủ uy quyền để làm một việc quan trọng như vậy. Nếu có một sự liên minh giữa các đảng phái xã hội thì nhóm của y sẽ ủng hộ toàn bản chương trình, nếu không sẽ chỉ ủng hộ một phần. Còn về bản tuyên ngôn thì nhóm quốc tế chủ nghĩa tán thành những điểm chính..

Lần lượt các diễn giả lên phát biểu giữa bầu không khí phấn khởi, sôi nổi. Nhóm xã hội dân chủ U-cơ-ren: tán thành; nhóm xã hội dân chủ Li-tu-a-ni: tán thành; nhóm xã hội bình dân: tán thành; nhóm xã hội dân chủ Ba-lan: tán thành; nhóm xã hội Ba-lan: tán thành nhưng muốn có một sự liên minh giữa các đảng xã hội; nhóm xã hội dân chủ Lét-tô-ni: tán thành..Có một cái gì nhen lên trong những con người này. Có người nói tới “cách mạng thế giới đang tiến bước mà chúng ta là bộ phận tiền phong”; một người khác nói tới “thời đại mới của hữu nghị và nhân dân toàn thế giới sẽ trở thành một đại gia đình..” Một đại biểu, nhân danh cá nhân, nhận xét:

- Có một sự mâu thuẫn. Trước tiên, các ông đề nghị hòa bình không xâm chiếm đất đai và không bồi thường, sau đó các ông lại nói là sẽ chú ý tới tất cả những đề nghị hòa bình khác. Chú ý có nghĩa là nhận..

Lê nin đứng phắt dậy:

- Chúng ta mong muốn hòa bình công bằng, nhưng chúng ta không sợ một cuộc chiến tranh cách mạng. Rất có thể là các chính phủ đế quốc sẽ không trả lời bản kêu gọi của chúng ta, nhưng chúng ta không gửi tối hậu thư vì làm như vậy, chúng sẽ có cơ hội dễ dàng để trả lời không đồng ý…Nếu giai cấp vô sản Đức nhìn thấy rằng chúng ta sẵn sàng chú ý tới tất cả các đề nghị hòa bình thì có lẽ đó là giọt nước cuối cùng làm cho bát nước tràn ra – cách mạng sẽ nổ ra ở Đức..

“Chúng ta vui lòng nghiên cứu tất cả các điều kiện hòa bình, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta sẽ nhận những điều kiện đó. Chúng ta sẽ tranh đấu đến cùng cho một số điều kiện mà chúng ta đề ra, nhưng có những điều kiện khác xét ra có lẽ không cần tranh đấu đến mức phải tiếp tục chiến tranh làm gì…Điều trên hết là chúng ta muốn kết liễu chiến tranh.”

Đúng 10h35, Ca-mê-ni-ép đề nghị tất cả những ai tán thành bản tuyên ngôn thì giơ thẻ lên. Chỉ có một đại biểu dám cả gan giơ tay chống, nhưng trước sức phản kháng mãnh liệt của mọi người xung quanh, y phải rút tay ngay xuống. Đại hội nhất trí thông qua.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #63 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 10:46:12 pm »

Vladimir Ilich Lenin (1870 - 1924)
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #64 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 10:47:19 pm »

Đột nhiên, cùng bị một sức mạnh đẩy lên, chúng tôi nhất tề đứng cả dậy và đồng thanh cất tiếng cao dần hát bài Quốc tế ca. Một người lính già tóc đã hoa râm khóc nức nở như một đứa nhỏ. Bà A-lêch-xăng-đơ-ra Cô-lông-tai vội chớp chớp đôi mắt ướt lệ. Bài ca vang lừng khắp phòng, làm rung chuyển cửa nhà và hòa vào khoảng trời mây yên lặng. Một anh công nhân trẻ tuổi đứng cạnh tôi, mặt mày tươi tỉnh nói: “Chiến tranh đã chấm dứt! Chiến tranh đã chấm dứt!” Hát xong, mọi người còn đang đứng yên chưa biết làm gì thì có tiếng người từ cuối phòng kêu lên:

- Các đồng chí! Hãy tưởng nhớ tới những người đã bỏ mình vì tự do!

Thế là chúng tôi hát bài Tang lễ hành khúc, một điệu nhạc chậm, buồn và đồng thời đầy vẻ chiến thắng, một bài hát đặc biệt Nga và cảm động xiết bao. Bài Quốc tế ca dù sao cũng là một bài ngoại quốc. BàiTang lễ hành khúc dường như chính là linh hồn của quần chúng lao khổ mà đại diện là những người ngồi trong phòng họp này, đang xây dựng một nước Nga mới – và có lẽ còn hơn thế nữa- bằng những mộng tưởng của
họ.

Các anh đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu sinh tử

Nặng mối tình thiêng liêng đối với nhân dân

Các anh đã hy sinh tất cả

Cho sự sống còn, cho danh dự, cho tự do của nhân dân..

Các anh đã chịu đựng đau khổ trong những ngục tù ẩm ướt

Bị bọn đao phủ tàn bạo kết tội.

Các anh phải sống cảnh đi đày với những xiềng xích đè nặng trên mình..

Vĩnh biệt các anh, các anh đã chọn con đường cao quý…

Sẽ có ngày nhân dân vùng dậy,

Vĩ đại, hoành tráng và tự do..

Vĩnh biệt các anh..


Chính vì sự nghiệp vĩ đại đó mà các chiến sĩ tháng Ba đã yên nghỉ trong nấm mồ chung ở Diễn võ trường, mà hàng ngàn, hàng vạn người đã chết trong ngục tù, trong cảnh đi đày, trong những hầm mỏ ở Xi-bê-ri. Sự việc đã xảy ra không như họ chờ đợi, cũng không như giới trí thức mong muốn, cũng không như giới trí thức mong muốn, nó đã xảy ra tàn nhẫn, mãnh liệt không theo một công thức nào và cũng không theo một tình cảm chủ nghĩa nào, nó đã xảy ra theo đúng thực tế..

Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #65 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 10:48:01 pm »

Lê nin đọc Sắc lệnh ruộng đất:

1 – Quyền chiếm hữu ruộng đất của đại địa chủ bị xóa bỏ tức khắc không bồi thường.

2 – Các đất đai của đại địa chủ, cũng như ruộng đất của hoàng gia, nhà tu, nhà thờ, cùng với gia súc sống hay chết, nhà cửa và những nhà phụ thuộc sẽ thuộc quyền sử dụng của các Ủy ban ruộng đất hàng tổng và các Xô –viết đại biểu nông dân quận, cho tới khi vấn đề được Hội nghị lập hiến giải quyết.

3 - Mọi hành động gây tổn thất tới những tài sản đã tịch thu – những tài sản đó từ nay thuộc về toàn dân- sẽ bị coi như một trọng tội thuộc thẩm quyền tòa án cách mạng. Các Xô viết đại biểu nông dân quận áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết để đảm bảo trật tự triệt để trong khi tịch thu đất đai của đại địa chủ, quy định và chỉ định diện tích ruộng đất tịch thu một cách chính xác, lập một bản tổng kê những tài sản tịch thu và đảm bảo canh giữ nghiêm ngặt theo tinh thần cách mạng tất cả những trang trại , nhà cửa, dụng cụ, gia súc, lương thực..Những thứ đó từ nay thuộc về nhân dân.

4 - Bản chỉ thị nông dân dưới dây, do ban biên tập tờ Những tin tức của Xô viết đại biểu nông dân Nga soạn ra, dựa vào 242 bản chỉ thị nông dân địa phương, và đăng trong số 88 (Pê-tơ-rô-gơ-rát số 88, 19/8/1917) phải được coi là bản hướng dẫn trong việc thực hiện những thay đổi lớn về ruộng đất cho tới khi Hội nghị lập hiến tối hậu thư quyết định.

5- Ruộng đất của nông dân thường và Cô dắc thường không bị tịch thu.


Lê nin giải thích:

- Đây không phải là bản dự thảo của cựu Bộ trưởng Tréc–nôp và trong đó ông ta nói tới “xây dựng một cái khung” và định thực hiện những cải cách từ trên xuống. Vấn đề chia ruộng đất sẽ phải giải quyết từ dưới và tại chỗ. Phần ruộng chia cho mỗi nông dân tùy theo địa phương..

“Dưới chính phủ lâm thời, bọn đại địa chủ dứt khoát không chịu tuân lệnh các Ủy ban ruộng đất, những Ủy ban ruộng đất do Lơ–vốp đề xướng ra, do Sing-ga-ri-ôp tổ chức và do Kê-ren-xki quản lý”

Trước khi cuộc tranh luận bắt đầu, thấy có một người len lỏi xô đẩy đám đông và leo lên diễn đàn. Đó là Pi-a-nich, ủy viên Ủy ban chấp hành Xô viết nông dân, dáng điệu rất là giận dữ; y nói độp vào mặt cả hội
nghị:

- Ủy ban chấp hành Xô viết đại biểu nông dân toàn Nga phản đối việc bắt giam các đồng chí của chúng tôi là hai bộ trưởng Xa-la-dơ-kin và Mát-xơ-lốp. Chúng tôi đòi phải thả họ ngay. Hiện giờ họ nằm trong pháo đài Pi-tơ Pôn. Không được chậm trễ một phút!

Tiếp theo là một người lính có bộ râu xồm và cặp mắt nảy lửa:

- Các anh ngồi đây và bàn về việc trao ruộng đất cho nông dân nhưng chính các anh hành động như bọn bạo chúa và bọn tiếm quyền đối với các đại diện do nông dân lựa chọn. Y giơ quả đấm lên và nói tiếp: “Tôi báo trước cho các anh biết là nếu đụng vào một sợi tóc của họ thì sẽ nổi loạn đấy!’

Hội nghị xôn xao, Tơ-rốt-ki bèn đứng lên, bình tĩnh và cay độc, tin tưởng vào sức mạnh của mình. Hội nghị hoan hô ầm ĩ.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #66 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 10:48:45 pm »

Ông nói:

- Hôm qua, Ủy ban quân sự cách mạng đã quyết định về nguyên tắc thả các bộ trưởng xã hội cách mạng và men-sê-vich Ma-xơ-lốp, Xa-la-dơ-kin, Gơ-vốt-đi-ốp và Ma-li-ăng-tô-vích. Sở dĩ họ hãy còn ở trong pháo đài Pi-tơ Pôn là vì chúng ta bận nhiều việc quá…Tuy nhiên, họ sẽ bị quản chế trong nhà họ cho tới khi chúng ta xét tội đồng lõa của họ trong những hành động phản bội của Kê-ren-xki trong vụ Cooc-ni-lốp!

Pi-a-nich hét lên: “Chưa thấy trong cuộc cách mạng nào mà lại làm ăn như thế này!”

Tơ-rốt-xki đáp lại: “Nhầm rồi. Ngay trong cuộc cách mạng này cũng làm ăn như thế đấy. Hàng trăm đồng chí của chúng tôi đã bị bắt giam trong những ngày tháng 7…. Khi nữ đồng chí Cô-lông-tai được thả ra theo đề nghị bác sĩ, thì Áp-xen-ti-ép đã cử hai tên nhân viên cũ của tổ chức mật thám Nga hoàng canh trước cửa nhà bà!”

Đám nông dân rút lui, vừa đi vừa càu nhàu, theo sau là những tiếng hò la chế giễu.

Đại diện xã hội cách mạng cánh tả lên phát biểu về Sắc lệnh ruộng đất: tuy đồng ý về nguyên tắc, nhóm của y chỉ có thể bỏ phiếu sau khi đã thảo luận; cần phải hỏi ý kiến các Xô-viết nông dân..

Nhóm men-sê-vich quốc tế chủ nghĩa cũng muốn họp riêng trước.

Lãnh tụ nhóm Tối đa, cánh vô chính phủ của nông dân, phát biểu:

- Chúng ta phải tỏ lòng thán phục một đảng chính trị đã áp dụng một biện pháp như vậy ngay từ ngày đầu
và không nói tràng giang đại hải gì cả.

Một nông dân điển hình, tóc dài, đi ủng, mặc áo da cừu, lên diễn đàn. Bác ta chào khắp phòng rồi nói: “Xin chào các đồng chí và đồng bào. Có vài tên K.Đ lảng vảng ngoài kia. Các anh đã bắt các nông dân xã hội của chúng tôi, sao không bắt nốt cả bọn chúng?”

Thế là bắt đầu một cuộc tranh luận sôi nổi giữa nông dân, hệt như một cuộc tranh luận đêm hôm trước giữa binh lính. Đây mới thật là những người vô sản nông thôn..

- Áp-xen-ti-ép và những tên khác, ủy viên trong Ủy ban chấp hành của chúng ta, mà chúng ta cứ tưởng là ân nhân của nông dân, cũng chỉ là bọn K.Đ cả! Tóm cổ chúng lại! Tóm cổ chúng lại!

Một người khác nói:

- Bọn Pi-a-nich, Áp-xen-ti-ep là ai? Chúng không phải là nông dân! Chúng chỉ giỏi ngoe nguẩy cái đuôi thôi!
Hội nghị nhận ra họ cũng là anh em cả và hoan hô họ nhiệt liệt.

Nhóm xã hội cách mạng cánh tả đề nghị nghỉ nửa giờ. Thấy các đại biểu ùn ùn kéo ra ngoài, Lê nin đứng dậy nói:

- Các đồng chí! Chúng ta không nên bỏ phí thì giờ. Những tin tức quan trọng bậc nhất cho nước Nga phải được đăng lên báo sáng mai. Không nên trì hoãn.

Giữa cuộc thảo luận sôi nổi, giữa những tiếng chân bước trên sàn, vang lên tiếng hô của một phái viên của Ủy ban quân sự cách mạng:

- Cần ngay mười lăm cán bộ làm công tác tuyên truyền cổ động quần chúng tới phòng 17! Để ra mặt trận!...

Mãi gần hai tiếng rưỡi sau, các đại biểu mới lục tục kéo về. Chủ tịch đoàn trở về chỗ và phiên họp lại tiếp tục, mở đầu là phần đọc các bức điện báo tin các trung đoàn gia nhập Ủy ban quân sự cách mạng.
Không khí phiên họp lại dần dần trở nên sôi nổi. Một đại biểu bộ đội Nga ở mặt trận Ma-xê-đoan chua chát thuật lại tình hình ngoài đó:

- Chúng tôi khổ về tình hữu nghị của các bạn “đồng minh” của chúng ta hơn là khổ về quân thù.

Các đại diện các đạo quân thứ mười và thứ mười hai vừa mới tới, báo cáo:

- Chúng tôi triệt để ủng hộ các đồng chí!
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #67 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 10:51:43 pm »

Một anh lính nông dân phản đối việc thả “các tên xã hội phản bội” Ma-xơ-lốp và Xa-la-dơ-kin; còn đối với Ủy ban chấp hành các Xô viết nông dân thì đòi hỏi phải bắt sạch. Thật là đúng tiếng nói cách mạng….Một đại biểu quân đội Nga ở Ba-tư tuyên bố là anh ta được chỉ thị đòi trao tất cả chính quyền cho các Xô –viết…Một sĩ quan người U-cơ-ren phát biểu bằng tiếng mẹ đẻ:

- Không có chủ nghĩa dân tộc trong cuộc khủng hoảng này..Chuyên chính vô sản trên khắp các nước muôn năm!

Thật là toàn những ý kiến cao cả và sôi sục. Chắc chắn là không bao giờ có thể bắt nước Nga phải im lặng được nữa.

Sau khi nhận xét là hiện có những lực lượng phản bôn-sê-vích đang âm mưu gây rối loạn khắp nơi, Ca-mê-ni-ép đọc bản kêu gọi của Đại hội gửi các Xô-viết Nga:

Đại hội Xô viết toàn Nga đề nghị Hội đồng bộ trưởng áp dụng những biện pháp kiên quyết chống lại những âm mưu phản cách mạng và những cuộc tàn sát người Do-thái..Vì danh dự của cách mạng công nông binh, không được để xảy ra một cuộc tàn sát nào.

Đội Xích vệ Pê-tơ-rô-gơ-rát, quân đội thường trú cách mạng và các thủy thủ đã giữ được trật tự thật hoàn hảo tại thủ đô.

Hỡi công nhân, binh lính, nông dân! Hãy noi gương công nhân và binh lính Pê-tơ-rô-gơ-rát.

Hỡi các đồng chí binh lính và Cô dắc! Chính các đồng chí có nhiệm vụ giữ gìn trật tự cách mạng thực sự.

Tất cả nước Nga cách mạng và thế giới đang chăm chú nhìn vào các bạn!

Khoảng hai giờ, bỏ phiếu Sắc lệnh ruộng đất; chỉ có một phiếu chống và các đại biểu nông dân sung sướng như người điên… Những người bôn-sê-vich lao mình vào hành động như thế đấy, vượt mọi do dự và chống đối. Họ là những người duy nhất ở Nga có một chương trình hành động cụ thể trong lúc những người khác ngồi tán róc từ tám tháng nay.

Một người lính gầy gò, quần áo rách tả tơi, đứng lên hùng hồn phản đối một điều khoản trong “Bản chỉ thị nông dân”*; theo điều khoản đó thì quân nhân đào ngũ không được chia ruộng đất. Thoạt đầu anh bị mọi người la ó, huýt còi, nhưng rồi những lời nói giản dị và cảm động của anh đã làm cho tất cả phải lắng tai nghe. Anh nói:

- Bị cưỡng bức ném vào cuộc chém giết ngoài chiến hào, một cuộc chém giết mà chính các anh cũng đã công nhận là phi lý và quái gở trong Sắc lệnh hòa bình, người lính đã chào mừng cuộc cách mạng và hy vọng rằng sẽ có hòa bình và tự do. Hòa bình ư? Chính phủ Kê-ren-xki đã tống anh ta sang Ga-li-xi để giết người và để bị người ta giết; còn Tê-rê-sen-cô thì chỉ cười trừ khi nghe anh kêu gào hòa bình… Tự do ư? Dưới thời Kê-ren-xki, những ủy ban của anh đã bị thủ tiêu, báo chí bị cấm, các diễn giả của đảng anh bị bỏ tù.. Ở trong làng anh thì bọn đại địa chủ chẳng coi các Ủy ban ruộng đất ra gì và bỏ tù các đồng chí của anh… Ở Pê-tơ-rô-gơ-rát, giai cấp tư sản kết liên với bọn Đức phá việc tiếp tế lương thực và đạn dược cho quân đội, trong khi đó thì anh không có giày dép và quần áo. Ai đã dồn người lính vào thế phải đào ngũ? Chính là Chính phủ Kê-ren-xki mà các anh đã lật đổ.

*(Đó là bản chỉ thị do Đại hội bỏ phiếu chấp thuận cùng với Sắc lệnh ruộng đất – ghi chú theo bản dịch Pháp)
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #68 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 10:53:11 pm »

Cuối cùng, diễn giả đã làm cho mọi người phải hoan hô; nhưng một người lính khác đứng phắt lên phản đối:

- Chính phủ Kê-ren-xki không phải là cái bình phong để che đậy những hành động xấu xa như đào ngũ. Bọn đào ngũ là bọn hèn hạ, bỏ rơi các đồng chí ở ngoài chiến hào để chuồn về nhà. Tất cả những tên đào ngũ là quân phản bội và phải bị trừng phạt. (Ồn ào, tiếng hô: Thôi im đi!)

Ca-mê-ni –ep vội đề nghị vấn đề đó để chính phủ quyết định.

Hai giờ rưỡi sáng. Phòng họp yên lặng và nghiêm trang. Ca-mê-ni-ép bắt đầu đọc Sắc lệnh thành lập chính phủ:

Trong khi chờ đợi họp Hội nghị lập hiến. Đại hội Xô viết đại biểu công nông binh toàn Nga quyết định thành lập một chính phủ công nông lâm thời lấy tên là Hội đồng ủy viên nhân dân.

Các cơ quan Nhà nước sẽ do các Ủy ban điều khiển; các Ủy ban này có nhiệm vụ đảm bảo việc thực hiện chương trình của Đại hội, kết hợp chặt chẽ với các tổ chức của công nhân nam và nữ, thủy thủ, binh lính, nông dân và viên chức.

Điều khiển công việc của chính phủ có một tập thể gồm các chủ tịch Ủy ban nói trên, tức là Hội đồng ủy viên nhân dân.

Đại hội toàn Nga và Ủy ban chấp hành trung ương của Đại hội kiểm sát các hoạt động của ủy viên và có quyền bãi chức họ.

Phòng họp vẫn yên lặng; nhưng khi đọc đến tên từng ủy viên một thì những tiếng hoan hô vang dậy, nhất là khi đọc đến tên Lê nin và Tơ-rốt-xki:

Chủ tịch Hội đồng : Vơ-la-đi-mia U-LI-A-NỐP(Lê nin)

Nội vụ : A. I. RI- CÔP

Nông nghiệp :V.P.MI-LI- U- TIN

Lao động :A.G.SƠ-LI-ÁP-NI- CỐP

Chiến tranh và hải quân: Một ủy ban gồm có V.A.ỐP- XÂY- EN – CÔ (An- tô- nốp). N.V. CƠ- RI –LEN – CÔ
và P. E. ĐI- BEN –CÔ

Công thương nghiệp: V.P. NÔ- GHIN

Giáo dục : A.V. LU- NAT- SAC- XKI

Tài chính : I.I. XCO- VOOC – XỐP (Stê- pa- nôp)

Ngoại giao : L.D. BƠ – RÔNG – STAI – NƠ (Tơ- rốt –xki)

Tư pháp : G. I. ỐP – PÔ- CỐP (Lô- mốp)

Tiếp tế : I. A. TÊ- Ô- ĐÔ- RÔ- VICH

Bưu điện : N. P. A- VI- LỐP (Gơ- li- ê- bốp)

Phụ trách các dân tộc : I. V. GIU- GÁT- SƠ- VI- LI (Xta-lin)


Phòng họp tua tủa những lưỡi lê; Ủy ban quân sự cách mạng vũ trang tất cả mọi người; chủ nghĩa bôn-sê-
vich đang vũ trang để quyết chiến với Kê-ren-xki; gió Tây Nam vọng lại tiếng kèn trận của quân đội Kê- ren- xki…Không một ai trở về nhà; trái lại, có hàng trăm người mới đến, đứng chật ních cả phòng họp; binh lính và công nhân nét mặt rắn đanh, đứng nghe diễn thuyết hàng giờ không biết mỏi. Không khí sặc khói thuốc lá, hơi người, mùi quần áo và mùi mồ hôi.

A-vi-lốp, trong ban biên tập tờ Đời mới, phát biểu nhân danh những người xã hội dân chủ quốc tế chủ nghĩa và men-sê-vich chủ nghĩa còn ở lại dự họp Đại hội; khuôn mặt trẻ măng và thông minh, anh ta mặc một chiếc áo đuôi tôm lịch sự trông không hợp chỗ.

- Chúng ta phải tự hỏi xem chúng ta đang đi đâu? Sở dĩ chính phủ liên hiệp bị lật đổ một cách dễ dàng không phải là do sức mạnh của nền dân chủ mà là do sức mạnh của cánh tả của nền dân chủ mà là do chính phủ đó bất lực không đem lại được hòa bình và bánh mì cho nhân dân. Chỉ trừ khi cánh tả giải quyết được những vấn đề đó thì mới đứng vững được.

“Cánh tả có thể mang lại cho nhân dân bánh mì không? Thóc thì hiếm. Đa số nông dân sẽ không đi theo các anh vì các anh không cung cấp được cho họ máy móc mà họ cần. Nhiên liệu và những nhu yếu phẩm khác gần như không đào đâu ra…”

“Còn nói tới hòa bình thì lại càng khó nữa. Trước đây, các nước đồng minh đã từ chối không nói chuyện với Xcô-bê-li-ép. Họ sẽ không bao giờ chấp nhận đề nghị triệu tập một hội nghị hòa bình do các anh đưa ra. Tại Luân- đôn, Pa- ri cũng như tại Béc- lanh, các anh sẽ không được công nhận đâu..

“Các anh không thể trông mong vào sự giúp đỡ thiết thực của vô sản ở các nước đồng minh, bởi vì trong hầu hết các nước, giai cấp vô sản còn cách rất xa cuộc đấu tranh cách mạng; nên nhớ rằng ngay nền dân chủ đồng minh cũng không triệu tập nổi Hội nghị Xtoc-khôm; các đại biểu của cánh cực tả đã cho đồng chí đó hay rằng cách mạng ở Đức không thể nổ ra được chừng nào còn chiến tranh…”
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #69 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 10:54:24 pm »

Từ lúc này trở đi thì A-vi-lôp luôn luôn bị ngắt lời nhưng anh ta vẫn nói tiếp:

- Việc nước Nga bị cô lập sẽ đưa tới một trong hai kết quả sau đây: một là quân đội Nga sẽ bị quân Đức đánh bại và một hòa ước có hại cho nước Nga sẽ được ký kết một cách qua loa giữa hai khối liên minh Ao - Đức và Pháp-Anh, hai là một hòa ước sẽ được ký kết riêng với nước Đức..

“Tôi vừa được tin rằng đại sứ các nước đồng minh ở đây đang chuẩn bị dời đi và các Ủy ban Cứu Quốc và
Cứu cách mạng đang được thành lập tại khắp các thành phố trong nước..

“Không một đảng nào có thể thắng nổi những khó khăn tày trời đó. Chỉ có một chính phủ liên hiệp xã hội dựa vào đại đa số nhân dân mới có thể hoàn thành được cách mạng..”


Rồi anh ta đọc bản nghị quyết của hai nhóm:

Nhận thấy rằng muốn bảo vệ những thành quả của cách mạng, nhất thiết phải thành lập một chính phủ dựa vào nền dân chủ cách mạng có tổ chức dưới hình thức các Xô- viết đại biểu công nông binh, mặt khác nhận thấy rằng nhiệm vụ của chính phủ này là phải thực hiện được một nền hòa bình dân chủ càng sớm càng hay, trao ruộng đất cho các Ủy ban ruộng đất, tổ chức việc kiểm sát sản xuất nông nghiệp và triệu tập Hội nghị lập hiến đúng thời gian đã định. Đại hội cử ra một ủy ban chấp hành có trách nhiệm thành lập ra một chính phủ sau khi đã có sự thỏa thuận với các nhóm dân chủ có chân trong Đại hội.

Mặc dù hội nghị đang say sưa phấn khởi trước thắng lợi, những lời lẽ hợp lý và khách quan của A-vi-lôp cũng đã làm cho mọi người phải suy nghĩ. Cuối cùng thì những tiếng hò la, huýt còi ngừng bặt và khi A-vi-lốp nói xong thì có cả vài tiếng vỗ tay.

Tiếp theo là Ca-rê-lin, một thanh niên dũng cảm và được mọi người công nhận là thẳng thắn. Anh ta phát biểu nhân danh nhóm xã hội cách mạng cánh tả, đảng của Ma-ri-a Xpi-ri-đô-nô-va; đảng này gần như là đảng duy nhất đi theo những người bôn-sê-vich và là đảng đại diện cho nông dân cách mạng. (Chỉ có một số nông dân có xu hướng cách mạng đi theo những người xã hội cách mạng cánh tả)

- Đảng của chúng tôi đã không gia nhập Hội đồng Ủy viên nhân dân bởi vì chúng tôi không muốn mãi mãi tách rời khỏi phần quân đội cách mạng đã bỏ họp Đại hội. Nếu chúng tôi tự tách ra như vậy thì sẽ không thể đứng làm trung gian giữa nhóm bôn-sê-vich và các nhóm dân chủ khác. Mà hiện nay, việc đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thể ủng hộ một Chính phủ liên hiệp xã hội.

“Chúng tôi phản đối hành động độc đoán của những người bôn-sê-vich. Các ủy viên của chúng tôi đã bị truất quyền. Cơ quan duy nhất của chúng tôi là tờ Lá cờ Lao động đã bị cấm ngày hôm qua…

“ Để chống lại bọn các anh, Viện Đu-ma trung ương đang thành lập một Ủy ban Cứu quốc và Cứu Cách mạng. Các anh đã bị cô lập rồi và chính phủ của các anh không được một nhóm dân chủ nào khác ủng hộ..”


Tơ-rôt-xki bước lên diễn đàn, đầy tự tin, dáng điệu thống ngự, nhếch mép một cách mai mỉa hình như là cười khẩy. Ông cất giọng sang sảng nói và mọi người đứng cả dậy hoan hô.

- Những ý kiến về nguy cơ đảng ta bị cô lập không có gì là mới mẻ. Ngay trước ngày khởi nghĩa, người ta cũng tiên đoán là chúng ta nhất định sẽ thất bại. Tất cả mọi người chống lại chúng ta, chỉ có một bộ phận trong nhóm xã hội cách mạng cánh tả là tham gia Ủy ban quân sự cách mạng với chúng ta. Thế tại sao chúng ta đã lật đổ được chính phủ mà gần như không xảy ra đổ máu? Điều đó là bằng chứng rõ rệt nhất rằng chúng ta sẽ không bị cô lập. Thực ra thì chính Chính phủ lâm thời mới bị cô lập. Chính những đảng phái dân chủ chống lại chúng ta mới bị cô lập, trước kia cũng như ngày nay, và mãi mãi tách rời giai cấp vô sản.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM