Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:15:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chim én bay  (Đọc 42609 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 09:54:26 am »

Tôi báo cho ông biết, nếu nó đi theo vết con Hảo, nó sẽ phải chết khổ, chết sở. Ông nên kêu nó về. Tôi sẽ lấy cái nghĩa cũ với ông bảo lãnh hoàn toàn cho nó.
Cha chị ngồi im không nhúc nhắc trên bộ ghế, thản nhiên như không nghe tiếng gì rồi giở túi thuốc rê ra hút. Chính cái túi thuốc ấy, trước đây thằng Tuân, mỗi lần đi hoạt động với con trai ông trở về, vẫn thọc tay vô moi vét đến sợi thuốc cuối cùng.
Thằng giám Tuân ngồi xuống bộ ghế:
Tôi trọng cái nghĩa khí của gia đình ông - Nó nói - Nhưng ông coi, vài đứa trẻ ranh, dăm thằng du kích nằm bờ, ngủ bụi làm sao chọi nổ với bom đạn Mỹ?
Cha chị đứng phắt dậy, với vẻ mặt đầy căm phẫn và ghê tởm. Không tự chủ nổi, ông nhổ thẳng một bãi nước bọt xuống mặt nó rồi bước ra ngoài. “Đập bể sọ thằng già cho tao, bay”. Thằng giám Tuân gầm lên. Hai thằng dân vệ xô ngay đến và một trận mưa báng súng quật ông ngã sấp xuống mé đồi. Sau lưng ông căn nhà bén lửa bốc cháy giần giật. Ông cứ nằm như vậy, bất động cho đến lúc tỉnh dậy thì ngôi nhà chỉ còn là một đống tro. Nhiều bóng người đanh hấp tấp chạy chữa, khuôn mặt họ nhoè nhoẹt than bụi. Ông gắng gượng đứng lên để rồi lại đổ gục xuống. “Cất giùm tôi tấm hình thằng Hai, con Hảo”. Ông kêu lên, nhưng không ai nghe được tiếng của ông. Lúc ấy trời đã tối. Gió từ biển thổi vào làm đỏ rực những đống than còn chưa lụi hẳn.
Ngày hôm sau, bà con lối xóm, mỗi người một tay dựng tạm cho ông một căn lều. Ông nằm liệt giường từ bữa đó.
Anh biết bác bệnh quá trễ - Anh Cường thở dài nói với chị - Thôi đứng dậy đi em. Ngày mai anh sẽ giao việc cho em. Phải tìm cách diệt nó thôi. Không thể để nó sống thêm ngày nào nữa.
Chị biết anh đang nói về thằng giám Tuân. Chị lau nước mắt, đứng dậy lẳng lặng theo anh và các bạn đi xuống đồi.
Chương hai
1.
Hồi đó, con đường số 1, đoạn từ chợ Bộng đi Tam Quan, nhà cửa dựng thành từng chòm thưa thớt. Nhưng những chốt điểm, những trạm kiểm soát thì mọc lên dày đặc, nhằm ngăn chặn sự di chuyển của du kích, bộ đội chủ lực từ tây đường xuống đông đường và ngược lại, từ đông đường lên phía tây đường. Vùng đồng quê chị hầu như bị cô lập hoàn toàn bởi con đường đó.
Nhà thằng giám Tuân nằm ở ven đường, bên kia một con lạch, cạnh một tiệm nước mía. Chị và Thêm đã ngồi ở cái tiệm nước mía đó không biết bao nhiêu lần để theo dõi sự đi lại càng ngày càng trở nên thất thường của nó.
Giờ đây tiệm nước mía không còn nữa. Thay vào đó là một cửa hàng ăn uống và giải khát của huyện.
Duy ngôi nhà cũ của thằng giám Tuân bên kia con lạch thì vẫn còn đó. Hầu như nó không thay đổi gì ngoài màu vôi đã tróc lở và hồi nhà lỗ chỗ các vết đạn, dấu tích của những trận đánh lớn năm 1972.
Đã nhiều lần, chị đạp xe từ huyện đi Hoài Châu, Tam Quan Bắc, mỗi khi sắp đến ngôi nhà ấy, lòng chị lại ngộp lên một cảm giác thật khó tả, vừa muốn đạp xe đi thật nhanh, vừa tò mò muốn nhìn thấy một bóng dáng nào đấy trong ngôi nhà, sau hàng bông bụt cằn cỗi và xơ xác. Một đôi lần, chị nghe nói vợ con thằng giám Tuân vẫn còn ở ngôi nhà ấy. Chị vợ trước đây cũng là du kích thôn, cũng đã vô hợp tác xã. Ba đứa con chị ta, đứa lớn nghe đâu đang đi làm thuê ở Cao Nguyên, trở thành một thằng đầu trộm đuôi cướp. Hai đứa nhỏ thì vẫn đang đi học ở trường phổ thông cơ sở trong xã.
“Không biết chính quyền địa phương đối xử với ba mẹ con chị ta như thế nào?”. Mỗi lần đi qua ngôi nhà, chị lại thầm hỏi như vậy. Cũng có lần, chị định hỏi chú Tư Nhơn, bí thư đảng uỷ xã, nhưng câu hỏi vừa định bật ra cửa miệng lại vụt biến đi ngay. Còn vì sao không hỏi được, thì chính bản thân chị cũng ngơ ngác, không tự giải thích nổi.
Một bữa, ở cuộc họp ngành tiểu thủ công nghiệp toàn huyện, chị tình cờ nghe được một câu chuyện của hai người phụ nữ, một già, một trẻ ở hành lang hội trường, trong giờ nghỉ.
Nè cô Ba, việc chị vợ giám Tuân xin vô tổ hợp làm kẹo mè xửng, cô tính sao? – Người phụ nữ có tuổi hỏi.
Con đã nhận được đơn của chỉ. Làm ruộng khoán chị ta đâu đủ sức. Nhưng mấy chủ ở xã bảo, nhà chị ta là nhà có nợ máu nặng với cách mạng, cứ để đó đã, phải xét những gia đình có công trước.
Không kìm được tò mò, chị bước tới gần hai người, giả đò rót nước ở bình nước công cộng.
Nghĩ chị ta cũng thật tội đó cô Ba. Trước đâu cũng là du kích thôn, đi hoạt động tối ngày. Từ khi chồng hồi chánh, chị ta đổ bệnh thần kinh cứ nói cười lảm nhảm, lúc say, lúc tỉnh. Ngày đó ai cũng bảo chị giả đò cho đỡ dị mặt. Nhưng từ khi thằng giám Tuân bị giết chết, chị ta khỏi bệnh liền, khỏi cho tới bây giờ. cô Ba tính lại coi. Nhà chị ta đang rất túng bấn. Thằng con lớn nghe nói mới bị bắt vì tội định vượt biên sang Thái. Hai đứa nhỏ cũng phải bỏ học. Chính sách mình đâu có đánh vào những người bần cùng như chỉ. Hơn nữa, cha đẻ của chị lại là liệt sĩ từ thời chín năm.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 09:56:16 am »

Con hiểu, để con thưa lại với mấy chú ý kiến của thím.
Thời gian còn lại của cuộc họp, chị không nghĩ  được gì. Câu chuyện nghe lỏm được ở hành lang hội trường ám ảnh chị. Chị thấy cần phải tìm hiểu cho thật ngọn ngành. Phải giúp đỡ chị ta nếu như chị ta đang cần giúp đỡ.
Sau cuộc họp, chị không trở về khu tập thể mà đến thẳng nhà anh Cường, chủ tịch huyện. Nhưng khi tới gần cổng nhà anh, chị lại do dự. Vợ anh Cường vốn là người nổi tiếng vì chuyện ghen tuông, chị ta sẽ nghĩ thế nào về chị, nhất là khi chị ta đã biết quá rõ mối quan hệ trước đây giữa anh Cường và chị? Rất may, hôm đó chị ta không có nhà. Chị tính sẽ gặp anh Cường thật nhanh, trước khi vợ anh đi làm về. Thực ra gặp anh tại cơ quan là tiện hơn cả, nhưng chị vẫn không kiềm chế được. Tưởng chừng, việc chị vợ thằng giám Tuân chỉ là một cái cớ để chị có thể được gặp anh, được thấy anh đang sống với cô vợ trẻ măng như thế nào.
Có chuyện chi mà coi bộ hấp hoảng dữ vậy Tư?
Anh Cường nhìn chị lóng ngóng dựng chiếc xe đạp ở ngoài sân, bước lên hiên nhà với một dáng vẻ không tự nhiên lắm. Đây là lần đầu tiên chị đến nhà anh, kể từ ngày anh cưới vợ và dọn đến ở chỗ ở mới.
Tới thăm anh thôi! – Chị nói như người hụt hơi, cố che giấu sự xúc động của mình – Cũng có chút công chuyện muốn thưa với đồng chí chủ tịch.
Ờ, chắc chuyện đó mới là công việc chính. Tư ngồi xuống đi!
Không riêng chị mà cả anh Cường cũng trở nên lúng túng. Chị ngồi xuống bộ ghế, vần thấy ngần ngại, nhỏ bé như ngày nào. Hồi này anh mập đẫy, tóc bắt đầu có những sợi bạc. Ngày ấy anh ngoài ba mươi, chị mười lăm. Không ít lần anh mắng chị té tát vì một viên đạn bắn trật, một cuộc hiệp đồng bị lỡ. Chính vì sợ anh mà nhiều việc chị làm gần như không ý thức gì cả. Chị nhìn nhanh gian phòng. Nó được thông với phòng ngủ bằng một chiếc rèm trúc. Lòng chị hơi se lại khi gặp hai chiếc gối trắng đặt bên nhau trên chiếc giường gỗ mới.
Chị trình bày ý nghĩ của mình một cách lộn xộn. Đại thể, chị thấy cần phải có chính sách cụ thể đối với gia đình những tên ác ôn, công chức, sĩ quan ngụy, bởi họ cũng đang cần được sống.
Không nên có chính sách riêng – Hình như anh Cường hơi thất vọng trước đề nghị của chị – Tại sao phải có chính sách riêng? Như thế, vô tình chúng ta đã tách họ ra khỏi cuộc sống chung. Tư coi, từ hồi giải phóng đã xảy ra cuộc trả thù nào đâu?
Không trả thù nhưng nhiều tên ấp trưởng đi cải tạo về, bị bà con vác cuốc rượt chạy cùng đường. Rốt cuộc phải bán xới lên rừng để ở.
Cái ác phải trả giá mãi mãi Tư à. Anh không muốn nói đến những loại người ấy. Nhân dân phán xử việc này công bằng hơn pháp luật. Anh chỉ nói tới vợ con họ. Mà sao Tư quan tâm dữ tới chuyện này vậy. Tư cũng không thèm hỏi thăm anh sống ra sao nữa?
Anh sống rất hạnh phúc, em biết – Giọng chị thoảng một vẻ chì chiết. Câu nói khiến anh Cường thở dài, cúi xuống. Chị bỗng thấy mình có lỗi. Cả hai đều thấy cần phải thoát nhanh ra khỏi bầu không khí căng thẳng vừa mới nhóm lên đó. Anh cảm thấy Tư có vẻ quan tâm tới gia đình những tên ác ôn Tư đã giết chết nhiều hơn thì phải – Anh Cường vội trở lại chuyện cũ – Ví dụ thằng giám Tuân, thằng phó cảnh sát quận, thằng Đích … Tư còn có vẻ hối hận vì đã giết chúng nữa!
Sao lại hối hận, anh! – Chị nói giọng gay gắt – Em không thể làm khác vì cách mạng khi đó đòi hỏi em phải làm như vậy. Nhưng đúng là tự nhiên em cứ bứt rứt, thấy mình phải có trách nhiệm với vợ con chúng nó …
Cũng vẫn là một ý nghĩ sám hối thôi. Nhưng không sao, anh ủng hộ Tư. Bây giờ thế này, Tư nên xuống dưới đó xem cụ thể ra sao. Cần thiết thì nên gặp thẳng chị ta. Chắc họ hiểu phận sự và vị thế của họ – Anh nói và nhìn rất nhanh ra phía cổng.
Chị trở về, lòng buồn vô cùng. Huyện của chị có hơn một vạn liệt sĩ thì cũng có ngót nghét một vạn tên lính nguỵ, công chức làm việc dưới thời chính quyền ngụy. Những gia đình có công đã dược đãi ngộ, còn những gia đình có tội, không lẽ cứ ruồng bỏ họ mãi mãi?
Ngày hôm sau, chị đạp xe đi Tam Quan Bắc, nhưng khi đến gần nhà thằng giám Tuân chị lại ngập ngừng trước cây cầu gỗ bắc qua con lạch rối dắt xe quay về. Liệu chị ta có nhận ra mình không, bởi đã mười hai năm, kể từ sau lần bắn hụt đó?
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 09:56:49 am »

2.
 Đi hết con đường đất đỏ, hai chị em leo lên một chiếc xe lam đi Tam Quan Bắc. Chuyến xe chật ních. Nóc xe, thành xe, phía sau xe lỉnh kỉnh quang sọt của các bà thím đi bán cá trở về. Mùi tanh của cá ươn trộn với mùi dầu nhớt xộc vào mũi làm bụng chị cồn cào. Chị lại nhớ tới cái đống bầy nhầy, đo đỏ, vấy bụi của thằng cố vấn Mỹ hôm nào. Chị cố kìm nén cơn buồn nôn nhưng vẫn cứ cảm giác như có ai đó, đang thò những ngón tay nhớp nhúa móc móc trong họng chị.
Chiếc xe chạy chậm, ì  ạch bò lên con dốc vượt qua căn cứ Đệ Đức. Đến một ngã ba, chị nhận thấy hai thằng lính dù say rượu lảo đảo đi ra giữa đường. Một thằng giơ chai rượu ra trước mũi xe ngoắc ngoắc, thằng đứng sau lăm lăm khẩu AR.15, ngón tay trỏ đặt nhẹ vào cò súng vẻ hăm doạ. Người chủ xe buộc phải dừng lại, móc trong cốp xe một xấp tiền giấy bẩn thỉu đưa cho thằng lính. Mấy bà thím ngồi nép vào nhau, lo sợ nghĩ tới bọc tiền bán cá của mình.
Khi thằng lính cầm xấp tiền loạng choạng trở lại quán rượu, chị nghe thấy tiếng cười hô hố của bọn ngồi trong quán. Mọi người ngồi trên xe, gần như đã trở thành thông lệ, lặng lẽ quyên tiền, trả thêm cho người chủ xe.
Gần tới Tam Quan Bắc, hành khách xuống thưa dần. Cơn buồn nôn tưởng đã qua khỏi lại ập đến. Chị đưa tay bụm chặt lấy miệng, cố nhịn. Giữa lúc đó, chiếc xe đột ngột thắng gấp. Bốn năm thằng dân vệ chĩa súng vào xe, bắt hết mọi người xuống đường. Chị xách chiếc làn cùng cái Thêm nhảy xuống. Chị chạy vội ra vệ cỏ, nôn thốc nôn tháo. Trong khi đó một thằng dân vệ nhảy lên xe lục lọi, moi móc, sờ nắn các gói đồ. Những thằng đứng dưới hoạnh hoẹ từng người. Chúng vòi tiền, văng tục, doạ bắn bỏ những ai dám cưỡng lại chúng. Một thằng quay về phía chị đang ngồi, xăm xoi nhìn chiếc làn để bên cạnh. Nhưng mùi nước ói xộc lên đã làm nó vội quay đi ngay. Rất nhanh, cái Thêm vội chạy theo nó.
- Mấy chú có dầu Thanh Lạc làm ơn cho con xin một chút. Con nhỏ này cứ đi xe là ói liền. Bảo ở nhà, nó đâu có chịu.
Mấy thằng dân vệ nhìn đống nước ói, nhổ bọt rồi cho xe chạy tiếp. Cái Thêm dìu chị lên xe. Người lái xe thở dài, cau có. Thật hú vía. Cơn nôn ọe đã cứu thoát chị.
Hai chị em xuống xe ở quán nước mía. Từ đây đi theo một con đường nhỏ, qua một chiếc cầu gỗ, bắc ngang một con lạch đầy rong đuôi chó là đến nhà thằng giám Tuân. Ngôi nhà mái bằng mới xây sau ngày thằng Tuân ra hồi chánh. Xung quanh nhà là hàng rào bông bụt xén tỉa gọn ghẽ. Hai cánh cổng sắt có hình bông thị suốt ngày đóng im ỉm. Đã nhiều lần, chị và Thêm ngồi trong quán nước mía quan sát ngôi nhà. Ông chủ quán như biết ý hai chị em, hôm nào cũng dành cho một chiếc bàn kê cạnh cửa sổ, kề liền phía đầu cây cầu gỗ.
Hầu như ngôi nhà im lìm suốt ngày, giống một ngôi nhà bỏ hoang không có người ở. Thảng hoặc mới có một vài tiếng động vọng ra từ bên trong. Ba đứa con thằng giám Tuân cũng rất ít ra ngoài, chị vợ thì chỉ xách giỏ đi chợ vào buổi sáng sớm. Trông chị ta phờ phạc như người mới ốm dậy. Còn thằng giám Tuân thì đi về thất thường. Chiếc  hon đa 67 tháo ống xả gầm rú như tiếng xe bọc sắt.
Hôm ấy là ngày chủ nhật. Ngày hoạt động đầu tiên trong cuộc đời chị. Dưới đáy chiếc làn nhựa lỉnh khỉnh chai lọ, vài chiếc bánh ít, dăm gói bún tôm là khẩu K.54 đã lên đạn sẵn. Theo nguồn tin cơ sở cho biết, hôm đó, vào khoảng chín giờ thằng giám Tuân cùng vợ con sẽ đi thị trấn Bồng Sơn ăn giỗ. Bởi vậy, địa điểm diệt nó thuận tiện nhất là ngay tại đầu cây gỗ, vì đường rút cũng thuận tiện. Đánh xong, chỉ cần vượt qua một xóm nhỏ là tới những vạt đồi trồng mì nối tiếp nhau. Hết những vạt đồi trồng mì có thể coi như an toàn, bởi dưới đó là vùng hoạt động của du kích. Bọn dân vệ rất ít khi dám rượt theo, sợ lao vào các ổ mìn bố phòng.
Theo kế hoạch, chị đảm nhận việc thanh toán thằng giám Tuân. Còn Thêm sẽ đón chị ở đầu vạt mì. Đoạn đường này Thêm đi nhiều nên quen thuộc. Nếu có chuyện không hay xảy ra, Thêm sẽ đáp lựu đạn chi viện cho chị.
Biết trời còn sớm, hai chị em lại bước vô quán nước mía. “Cho con hai ly, chú Ba”. Thêm gọi vẻ chững chạc rồi  đi tới chiếc bàn bên cửa sổ. Chủ tiệm nước mía là một người có tuổi, khuôn mặt phúc hậu. Ông đặt hai ly nước mía xuống chiếc bàn của hai chị em, mắt cũng ngó rất nhanh về ngôi nhà nằm ở bên kia con lạch.
Cùng ngồi trong quán nước mía bữa đó còn có ba cô gái, mười sáu, mười bảy tuổi, chắc là học sinh trường trung học dưới quận. Ba cô đều xinh xắn, dễ thương. Các cô vừa uống nước mía vừa nói chuyện, thỉnh thoảng lại chúi vào nhau cười rúc rích.
- Hắn bám riết tao như con đỉa. – Một cô nói – Có bữa hắn đến nhà tao, say mèm, tay cầm lăm lăm trái lựu đạn, bảo không thương hắn, hắn chọi lựu đạn cùng chết. Má tao thấy vậy sụp xuống lạy, còn tao thì điếng hồn đành nói “có” nên giờ hắn cứ bám riết.
- Mày hèn đó, Năm. Tao á, tao sẽ nói thẳng vô mặt hắn giỏi thì cứ chọi chơi. Tụi nó, ngó vậy, chớ đứa nào cũng sợ chết.
Câu chuyện của ba cô gái phần nào làm loãng đi nỗi lo đang đập bồn chồn trong ngực chị. Chị đưa mắt nhìn hàng bông bụt, ước chi có thể lọt ngay vô trong đó, đến trước mặt hắn. “Quỳ xuống”, chị sẽ bảo hắn như ba thằng Dũng bảo hai thằng lính súng cối. Thế nào hắn cũng lăn lộn, kêu khóc. Nhưng chị không thể tha thứ cho hắn được. Diệt xong, chị sẽ xin anh Cường cho đi thoát ly làm một việc gì đó ở trên rừng. Chị sẽ nấu cơm cho mấy chú hoặc làm giao liên. Việc gì cũng được, miễn là không phải cầm súng rình rập như bây giờ. Việc này không hợp với chị. Chị thấy mình không bình tĩnh được như Thêm, như Dũng, như chị Hảo … Nhưng chừng nào chưa diệt được hắn, chị chưa thể xin đi đâu hết …
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 09:57:22 am »

Từ ngoài đường, thêm hai người đàn ông bước vô quán. Cả hai ngồi ngay ở chiếc bàn ngoài cùng. “Dùng ly lớn hay ly nhỏ, hai chú?” Ông chủ quán hỏi. “Cho tụi tôi ly lớn – Một người nói – Ở dưới quận, cảnh sát vừa đập chết  một con cộng sản con, rất xinh gái, tóc xoáy dữ lắm”. “Làm sao biết nó là cộng sản, chú hai?”. “Trong người nó có cây Ru-lô. Nó định ám sát ông quận phó ở ngay cửa nhà ổng. Thời này đến trẻ con cũng giết người. Thật dễ sợ”.
Nói xong người đàn ông chúi đầu vô ly nước. “Ông chết cũng đáng, ăn chặn của dân dữ quá mà”. Một cô gái từ bàn bên nói xen vào. Người đàn ông ngẩng lên, mép còn dính đầy những đám bọt mía đùng đục. Ông ta chằm chằm nhìn cô gái:
- Nói năng giữ mồm giữ miệng, dễ mất mạng như giỡn đó cô!
Cô gái “xí” một tiếng khẽ rồi quay lại với hai cô bạn.
- Con nhỏ lớn chừng nào chú hai? - Ông chủ tiệm hỏi, không giấu được vẻ lo lắng.
- Chừng cùng sắp với hai con nhỏ đây – Ông ta hất cằm về phía chị và Thêm, khiến chị giật thột, bàn tay để trên đầu gối run bần bật, không sao tự chủ được.
Uống cạn hai ly nước, hai người đàn ông đứng dậy trả tiền rồi đi ra ngoài. Người đi sau không quên liếc xéo về phía ba cô gai. “Quốc gia nuôi cho tụi bay ăn học, để mồm miệng tụi bây tiếp tay cho cộng sản”. Ông ta càu nhàu. Không có ai đáp lại lời ông ta thành thử, giống như ông ta nói với mấy cái lỗ thủng trên vách. Khi ông ta vừa đi khuất, ba cô gái cười phá lên. “Chả làm ở ty chiêu hồi đó, chú”. Vẫn cô gái ban nãy. Ông chủ tiệm không đáp mà lẳng lặng thu dọn những chiếc ly hai người đàn ông vừa để lại, như thu dọn một thứ đồ bẩn. Một lần nữa, chị lại thấy ông liếc nhanh qua cửa sổ, về phía ngôi nhà nằm ở bên kia con lạch.
 
3.
Đúng vào lúc ba cô gái vừa đứng dậy, mở bóp trả tiền thì có tiếng xe máy thắng gấp ngoài cửa tiệm. Một thằng dân vệ lảo đảo bước vào, tay nó cầm một chai rượu có cạnh, màu xanh nhạt. Cả ba cô gái đều sững lại khi nhìn thấy nó. Một cô kêu thét lên rồi ngồi bệt xuống chiếc ghế cô vừa đứng dậy. “Ngồi xăm kỳ quái. Nó đặt mạnh chai rượu xuống bàn:
- Cho mượn chiếc ly, ông chủ!
Hình như đã quen thuộc với loại khách “bất đắc dĩ ” như vậy, ông chủ quán nhẹ nhàng đặt một chiếc ly xuống cạnh chai rượu.
- Thầy hai dùng nước mía, tôi dọn. Mấy em đây uống rồi, cho tụi nó về chứ thầy hai.
Thằng lính lắc đầu. Nó nhìn ba cô gái, cười mỉa. Mùi rượu từ hơi thở của nó phả ra nồng nặc.
Cô em tưởng trốn được thằng này. Trời, thằng này đâu có ngán tìm – Nó nói với cô gái đang ngồi trên chiếc ghế. Đôi mắt cô nhìn nó chòng chọc, đầy vẻ kinh tởm và căm phẫn.
- Hồi hôm thằng này thấy cô em đi với một thằng bồ khác. Thôi, giờ uống chia tay với thằng này một ly rồi muốn đi đâu thì đi, thằng này đâu có giữ.
Nó thọc tay vô túi quần lấy ra một trái mỏ vịt rồi rút chốt. Ba cô gái thất đảm lùi cả lại, luống cuống chạy trốn. Ông chủ tiệm cũng vội vã lẩn ra phía sau chiếc máy ép mía. Mọi người còn chưa biết xử lý ra sao thì thằng lính đã run run thả trái mỏ vịt vào chiếc ly để trên bàn. Chốt an toàn đã được mở. Chỉ cần chiếc mỏ vịt bật lên khỏi miệng ly là trái lựu đạn sẽ nổ.
Thấy ngồi trong quán quá nguy hiểm, Thêm bấm chị  đứng dậy, nhưng cả hai vừa rời khỏi bàn, thằng dân vệ đã trừng mắt, ngăn lại:
- Ngồi xuống! Tất cả phải ngồi xuống chứng kiến cuộc chia ly của thằng này – Nó rót rượu vào chiếc ly, tràn ngập cả lên trái mỏ vịt – Nào cô em. Uống với thằng này một ly rồi đi đâu thì đi – Nó tiến về phía cô gái, cô cứ lùi dần, lùi dần vào vách tường, hai bàn tay huơ lên chới với “Đừng, đừng anh, tui thương anh … xin anh, đừng, đừng”… Miệng cô lắp bắp, khuôn mặt trắng bợt trong một nỗi sợ hãi cuống cuồng. Cuối cùng khi không còn đường để lui nữa, cô rú lên một tiếng ngắn rồi từ từ trụt xuống, té xỉu dưới chân vách.
Thằng dân vệ dừng lại.  Nó chăm chăm ngó cô gái, đoạn ngửa cổ cười sằng sặc. Nó loạng choạng bước ra khỏi quán, tay vẫn cầm ly rượu có trái mỏ vịt, leo lên xe nổ máy, phóng vụt đi như một cơn lốc. Chính thằng dân vệ này, hơn một tháng sau đã lao vào chị điên dại như một con quỷ dữ ở phòng giam của hội đồng xã.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #14 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 09:57:53 am »

Không khí trong quán trở lại bình thường khi cô gái được hai bạn dìu lên xe lam chở về quận. “Nó làm tàn vậy thôi, chớ nó đâu có dám để trái lựu đạn nổ”. Ông chủ quán vừa nói vừa lấy khăn lau mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, trên cổ.
Chị và Thêm cũng thở phào, hoàn hồn. Nhưng sự nhẹ nhõm mất đi rất nhanh khi cả hai chợt nhớ tới nhiệm vụ chưa thực hiện được. Giữa lúc chị còn đang bối rối không biết nên tiếp tục ngồi lại trong quán hay đi ra ngoài thì chợt nghe ông chủ tiệm hắng giọng. Chị ngẩng phắt lên: Trong sân nhà thằng giám Tuân loáng thoáng có bóng người. Chị đã nhìn thấy cái chỏm đầu đội mũ phớt và từ lúc ấy cái nhìn của chị như bị hút chặt vào nó.
Bên cạnh, Thêm cúi xuống xách chiếc làn giấu mấy trái lựu đạn bước ra trước. Nó thoăn thoắt đi qua cây cầu gỗ. Thấy chị vẫn ngồi yên. Ông chủ tiệm hắng giọng. Về sau chị mới biết ông là cơ sở của xã. Chị đứng dậy, hấp tấp đi theo hướng Thêm vừa đi khỏi. Khi bước tới bên kia đầu cây cầu gỗ, chị đặt chiếc giỏ xuống đất, giả đò tìm chiếc lược, thực tình lấy khẩu K.54 đặt lên trốc rồi thản nhiên bới lại mái tóc. Chị bỗng cảm thấy ngạc nhiên không hiểu sao, trước đó, lúc ngồi trong quán nước mía, người chị cứ run bắn lên khi nghĩ tới việc mình sắp làm mà lúc này lại tỉnh táo và bình tĩnh đến kỳ lạ.
Chỉ còn vài phút nữa, chị sẽ trút tất cả nổi căm uất của mình vào nó. Sau đấy chị có thể sẽ bị bắt, bị giết. Nhưng điều đó không cần thiết nữa. Miễn là chị đã trả thù được cho cha, anh Dương, cho chị Hảo. Người chị thoắt nóng rực lên, ngực và thái dương đập dồn dập như trống thúc. Có tiếng rít ken két của cánh cửa sắt. Tiếng xích va loảng xoảng vào song cửa. Chị vợ thằng giám Tuân ra trước, trông vẫn phờ phạc và ủ rũ như mọi bữa. Tay chị ta xách một chiếc giỏ, thấy thò lên mấy thẻ nhang và một cái cổ chai, giống y sì cái chai thằng dân vệ vừa bỏ trong quán nước. Thằng giám Tuân bước ra sau. Hình như nó còn quay lại loay hoay làm việc gì đó giữa hai khe cổng; chị cúi xuống, chộp rất nhanh lấy khẩu súng giơ lên khi cái thân người thằng giám Tuân vừa hiện ra trọn vẹn bên ngoài cánh cổng sắt. Nhưng chị vẫn sững sờ vì trên tay thằng Tuân đang bồng đứa con út của nó. Một thằng bé hết sức kháu khỉnh. Chị lúng túng, ngón tay trỏ như cứng lại không sao siết được vào vòng cò. Nếu như lúc đó, chị cứ nhắm mắt nổ súng thì có thể đã chấm dứt được bao nhiêu đau đớn trong cuộc đời của chị. Nhưng chị sẽ bị giày vò, sẽ không thể yên ổn khi nghĩ tới thằng bé. Nó không hề có tội, tại sao chị lại nhằm bắn vào nó? Cái khoảnh khắc trớ trêu, không lường trước ấy đã dắt theo bao nỗi bất hạnh mà cho đến giờ chị vẫn phải chịu một cách cay đắng.
Theo sau thằng giám Tuân là hai đứa nhỏ, suýt soát tuổi nhau. Chúng vừa lách ra cửa vừa tranh cãi một chuyện gì đấy. Chị vẫn đứng ở tư thế cũ, trân trối nhìn thằng nhỏ, bàn tay cầm súng chùng hẳn xuống. Chị vợ thằng giám Tuân nhìn thấy chị trước. Chị ta há hốc miệng rồi kêu rú lên. Nghe tiếng kêu của vợ, thằng Tuân đang loay hoay với ổ khoá vội day mặt lại, ngơ ngác dòm khẩu súng trên tay chị. Khuôn mặt nó thoắt đổ chàm. Nó lập cập xô cánh cửa, ôm chặt lấy thằng nhỏ, ngã lăn vào trong sân, còn chị thì vẫn đứng ngây ra, bất động như một cây cọc đã bị đóng sâu xuống đất.
- Chạy đi, chạy đi!
Chị vợ thằng giám Tuân chợt hét lên. Như sực tỉnh, chị hốt hoảng nhét khẩu K.54 vào bụng, chạy nhào vô trong xóm. Tai chị ù đặc, như vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra đối với mình.
Đến ruộng mì đầu tiên, chị dừng lại khi thấy Thêm đứng chờ ở một bờ thổ.
- Sao vậy Tư, súng nghẹt à?
Chị lắt đầu, thở hổn hởn. Cả hai cùng chạy lao vào bãi mì vì đã nghe tiếng chó sủa và tiếng chân chạy rầm rập trong ấp. Chị chạy gằn theo Thêm, ruột muốn dứt ra từng khúc. Chị thấy lạ vì tại sao chị vợ thằng giám Tuân lại giục chị chạy mà không la hét kêu bọn dân vệ tới bắt chị. Cái tiếng thét “Chạy đi” ấy cứ vang lên mãi, day dứt, nhức nhối trong đầu chị. Khi đã tới vùng an toàn, Thêm dừng lại chờ. Chị ngồi vật xuống bờ cỏ nói tiếng được, tiếng mất:
- Nó bế thằng nhỏ … không bắn được!
Thêm nhìn chị, lắc đầu, khuôn mặt nó đỏ gay. Đôi má bầu bĩnh ngang dọc những vết xước. Chắc nó nghĩ tới chuyện tối về, sẽ không ăn nói với anh Cường cách sao!
 
4.
Càng về gần đến nhà, chị  càng thấy hết cái hậu quả tai hại do việc làm của mình gây ra. Thằng Dũng chạy ra đón hai đứa ở vườn dừa mồ côi, gọi vườn dừa mồ côi vì chủ nó đã bán xới đi nơi khác. Nhìn dáng đi thất thểu của chị và Thêm, chắc thằng Dũng biết, nó thở dài bảo:
- Chắc tụi bây không gặp nó phải không?
Không ai trả lời.
- Lúc nãy anh Cường bật hầm lên, hỏi miết tụi mày về chưa. Xem chừng ảnh sốt ruột lắm.
Người chị run lên vì sợ hãi. Từ bữa về đội, chị chưa hề bị anh Cường la, nhưng đã thấy anh làm dữ với thằng Dũng, mặc dù nó không có lỗi. “Ảnh sẽ không giao nó cho mày nữa đâu”. Thằng Dũng nói khi nghe Thêm kể: “Mắc chi mày không bắn? Bộ mày tưởng để thằng nhỏ sống, lớn lên nó không tìm mày trả thù sao? Rồi mày chết với ảnh”.
Thằng Dũng không doạ chị. Chỉ dăm phút sau, một cơn giận dữ ghê gớm đã trút đầu chị:
- Đồ ngu xuẩn. Cô không biết để nó sống thêm một ngày bao nhiêu người như anh cô, chị cô, cha cô sẽ phải chết sao? Thôi, ngày mai mời cô về. Đội không chứa những kẻ hèn nhát!
Anh Cường gầm lên. Chị ngồi tê dại, đầu cúi gằm. Chị thấy mình có lỗi … Nhưng giết cả thằng nhỏ thì chị không thể. Nó đâu có tội. Chị muốn cãi, muốn thanh minh nhưng không sao cất tiếng nổi và đành ngồi im, hứng chịu cơn giận dữ của anh Cường.
Chị cứ ngồi như thế qua chiều cho đến giữa đêm. Cái Thêm, thằng Dũng dỗ ăn, ngủ, chị đều không nghe và vẫn ngồi đó, im lìm như hoá đá.
Gần sáng, anh Cường tới. Chắc anh mới đi đâu về nên vai áo sương ướt đẫm. Anh ngồi xuống bên chị:
- Thôi đi ngủ đi. Hồi hôm anh hơi quá lời. Em xử lý vậy là phải. Mình giết nó để cứu con nó chớ đâu phải giết tất cả. Bác chủ tiệm nước mía bị bắt rồi. Thôi nghe anh, đi ngủ đi.
Lúc ấy, người chị như mềm lại, nước mắt trào ra. Không ghìm được, chị gục vào cánh tay anh oà lên khóc. Có một cái gì vỡ ra, thay đổi trong cái cơ thể đang tuổi lớn của chị. Hình như hiểu điều đó, anh Cường để yên, bàn tay thô cứng khe khẽ vuốt lên mái tóc chị. Lát sau, chị ngủ thiếp đi, đầu vẫn gục lên cánh tay của anh như một đứa trẻ.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 09:58:17 am »

5.
“Không biết chị ta có nhận ra mình không?” – Chị thầm nghĩ khi tần ngần đứng trước hai cánh cổng sắt đóng im ỉm. Sau lưng chị vẫn là cây cầu gỗ. Chị ngó vào đàng trong. Sân nhà đầy lá rụng. Ở một góc sân phơi những lát mì, mới được thái khi đêm, còn ướt nhựa bắt nắng lấp lánh như những mảnh gương vỡ. Một con mèo gầy còm, rụng hết lông ở lưng uể oải kéo lê cái đuôi nham nhở đi qua sân, vừa đi vừa kêu những tiếng ngắn, lạc lõng.
Chị nhớ rằng, chính ở chỗ này đây, thằng giám Tuân đã ôm thằng nhỏ té nhào vào trong sân khi bất chợt nhìn thấy họng súng của chị. Còn vợ nó thì kêu thét lên hai tiếng “chạy đi” mà không hô hoán kêu bọn dân vệ tới. Hai tiếng “chạy đi” ấy đã bám riết lấy chị đến bây giờ, khiến chị không thể dửng dưng trước những khó khăn mà chị ta đáng phải chịu đựng.
Ngập ngừng một lát, chị gõ vào cánh cổng sắt. Từ trong nhà, một cái đầu bù xù ló qua khe cửa rồi một thằng bé gầy gò bước ra sân.
- Cô hỏi mẹ cháu?
- Ừ.
- Mẹ cháu đi vắng rồi!
Thằng bé bỗng lùi vội vào trong nhà, đóng ập cửa lại. Liền đó là một trận mưa gạch đá đáp rầm rầm lên mái nhà, lên tấm cửa. Chị giật mình quay lại. Năm sáu đứa trẻ đứng sau lưng chị từ bao giờ. Tay chúng lăm lăm những viên gạch, súng cao su và những cây gậy đầu vót nhọn.
- Các cháu làm gì thế? Tại sao lại đáp bạn ấy? – Chị hỏi gay gắt.
- Nó là con thằng ác ôn. Vậy mà bữa qua nó còn dám chửi tụi cháu.
- Cha nó đã treo cổ cha cháu.
- Cha nó đáp mẹ cháu xuống giếng.
- Cha nó cột anh cháu sau xe GMC…
 Chị thấy choáng váng. Trước mặt chị lại hiện lên khuôn mặt lạnh tanh của giám Tuân. Khuôn mặt cho đến bây giờ vẫn không buông tha chị. Nhiều đêm nằm ngủ, chị đã choàng tỉnh dậy, giật đứt dây màn, hét lên những tiếng kinh hoàng, làm náo động cả khu nhà vì khuôn mặt của nó…
…. Mười bảy ngày, sau cái buổi sáng nghiệt ngã ấy, chị bị bắt ở chợ Bộng trong lúc đi trinh sát chuẩn bị giết thằng Linh ấp trưởng ấp 5, đúng vào ngày thằng Linh đang xẻ heo ăn mừng vì đã hai lần thoát chết. Một lần nó vấp lựu đạn gài, nhưng lựu đạn thúi, không nổ. Lần mới đây, nó đang ngồi ăn cơm thì bị lựu đạn liệng đúng mâm cơm và cũng thúi không nổ. Mọi  người trong ấp thường gọi nó là Linh “Cọp chụp trật”. Nghe đâu trước đây nó vào rừng, gặp cọp và cũng may mắn thoát chết, chỉ để lại một cái thẹo lớn trên má.
Hôm ấy, chị đang giả đò mua cá, để quan sát đường đi lối lại nhà thằng Linh ở đầu chợ thì bị một cái đầu gối thúc đột ngột vào lưng đẩy chị ngã chúi xuống thúng cá. Chị chống tay đứng dậy, toan nổi sùng với một người vô ý nào đó thì điếng người khi nhìn thấy khuôn mặt lạnh tanh của thằng giám Tuân đứng kề ngay bên cạnh. Sau đó là hai thằng dân vệ. Nó đứng im lặng, chòng chọc nhìn chị. Chị cúi xuống lúng túng lau những vết bẩn trên quần rồi bất ngờ, lao gọn qua khe hở giữa hai thằng dân vệ, nhảy đại qua một thúng cá. “Đứng lại không tao bắn”. Một thằng hét. Nhưng chị  thừa biết nó không dám bắn, nên tiếp tục luồn lách giữa dòng người mua bán đông nghẹt. Chị nghe thấy tiếng thằng dân vệ la lớn: “Bắt giùm tôi con ăn cắp!” Vừa la ó nó vừa bám riết sau lưng chị. Chị cứ chạy lộn qua, lộn lại trong chợ. Mọi người như đã hiểu thực chất chuyện gì đang xảy ra nên tách lối cho chị chạy và không ai giữ chị lại. Cũng có lần thằng dân vệ chộp trượt đầu chị ở dãy hàng thịt. Nó thở hồng hộc. Chị cũng đã thấm mệt, đứng lại trừng trừng nhìn nó. Và khi nó nhào đến, chị đã len sang một dãy hàng khác. Khu chợ náo loạn nhớn nhác vì cuộc săn đuổi. Cuối cùng chị cũng thoát ra được đầu chợ. Nhưng khi đang chạy vào một con hẻm thì vấp phải một thằng dân vệ khác. Nó đứng dạng chân giữa đường chờ chị chạy đi tới. Chị giật mình khi nhìn thấy những hình xăm kỳ quái trên khuôn ngực để trần của nó. Chị nhận ra thằng dân vệ với trái lựu đạn bỏ trong chiếc ly ở quán nước mía hôm trước. Từ phía sau, thằng dân vệ đang rượt theo cũng đã bám sát lưng chị. “Bắt lấy con nhỏ”. Nó hổn hển bảo thằng đứng trước mặt chị. Không còn lối thoát, chị đành đứng lại. Một cái báng súng dộng thẳng vào lưng làm chị ngã nhào xuống vệ đường, máu miệng đổ ộc ra trên bãi cỏ. Sau đó, chúng dựng chị dậy, túm lấy tóc chị lôi xềnh xệch vào giữa chợ nơi thằng giám Tuân đang đứng.
- Đưa nó về. Con cộng sản nòi đó – Thằng giám Tuân nói. Chị thoáng nhìn thấy Dũng ở dãy hàng thịt. Dũng đang nhìn chị. Mặt nó nhăn nhó, khổ sở, và khi bị dẫn về trụ sở hội đồng xã, chị vẫn thấy Dũng đi lẫn vào đám trẻ đang tò mò bám theo. Chắt nó đang tìm cách cứu chị. Chị sợ Dũng bị bắt nốt, nhưng không có cách nào để nói với Dũng vì trụ sở hội đồng xã đã hiện ra trước mặt.
Hai thằng dân vệ lôi chị đi qua khoảng sân trống hoang của nhà hội đồng, đẩy chị vào một gian phòng rồi đóng sập cửa lại. Chị bám vào song cửa nhìn ra, vẫn thấy Dũng lảng vảng cùng đám trẻ ở bên ngoài hàng rào kẽm gai. Một người dân vệ có tuổi đến bên cửa sổ: “Đừng có khai bậy khai bạ, nghe con, ráng chịu ”. Ông nói nhỏ rồi quát lớn khi có một thằng khác đi tới: “Vô trỏng đứng ngó cái chi, muốn chết hả”. Đoạn ông đóng ập hai cánh cửa sổ lại.
Chị thấy thật kỳ. Cũng là lính mà có người đánh, có người thương, chị đưa mắt nhìn gian phòng. Không có gì ngoài một chiếc bàn kê sát tường và một chiếc ghế nhựa. Nhưng nhìn kỹ, chị thấy có nhiều vết máu đã khô đen, còn bám trên tường vôi trắng. “Không, nó đánh cho có. Có, nó đánh cho khai. Khai, nó đánh cho chừa”. Chị nói lại lời anh Cường nói hôm vô nhập đội. Chị cảm thấy lo lắng, không biết nó sẽ đánh mình bằng cái gì. Hay cứ khai bậy, khai bạ cho nó khỏi đánh? Chị thầm nghĩ. Nhưng nếu nó bắt dẫn đi thì sao? Trong những tính toán non nớt của chị bắt đầu nhen lên một nổi sợ hãi. Chị ngồi co lại ở một góc phòng, thấp thỏm chờ đợi. Chị biết trước rằng mình sẽ chết. Chết như anh Dương, như chị Hảo. Người ta bảo, không người nào bị thằng giám Tuân bắt có thể thoát chết. Đối với chị điều đó là cầm chắt rồi. Ít nhất cũng đã có một lần chị dám dí súng nhằm bắn vào nó.
Có tiếng giày đi trên hành lang rồi cánh cửa bật mở. Thằng giám Tuân bước vào. Nó ngồi ở chiếc ghế dựa, chòng chọc dòm chị. Những giọt mồ hôi đổ ra nhớp nhúa trên trán, trên cổ. Chị cúi xuống tránh cái nhìn của nó.
- Ra mày đã trở thành một cô gái rồi – Nó cười khẩy – Năm nay mày mười mấy, Tư?
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #16 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 09:58:38 am »

Chị không đáp, nhưng cũng không dám ngẩng lên nhìn vào mặt nó.
- Nè tao hỏi. Tại sao bữa trước mày không bắn? Súng nghẹt à? – Giọng nó hơi ngập ngừng. Hình như nó cũng ngài ngại điều gì khi đặt câu hỏi đó.
- Tại ông bế thằng nhỏ – Chị đáp lí nhí và vẫn không ngẩng lên.
Im lặng một lút lâu. Thằng giám Tuân đứng dậy:
- Thế thì kỳ quặc thật. Mà thôi, tao sẽ bỏ qua hết cho mày nếu mày chỉ khai một điều: Thằng Cường đang ở đâu? Sau đó mày sẽ được gửi vô Quy Nhơn học, lớn có nghề nghiệp đàng hoàng. Còn không nói … Mày coi anh mày, chị mày đó.
Nó nói rồi đóng ập cửa lại, bỏ đi.
 
6.
 
Buổi chiều thằng giám Tuân trở lại cùng với hai thằng dân vệ đã bắt chị hồi sáng. Nó đi lại lồng lộn như một con thú dữ trong gian phòng. Chị thì vẫn ngồi ở chỗ cũ, cố thu người lại cho thật nhỏ. Nó sắp sửa đánh rồi, chị nghĩ. Người nổi gai. Chị luống cuống đưa mắt tìm một lối thoát và chỉ muốn kêu thét lên. Chị sợ mình sẽ khai ra hết, sẽ phản bội anh Cường, phản bội Dũng, Thêm và chị òa lên khóc.
- Đứng dậy! Đừng có giả đò – Thằng giám Tuân quát.
Chị đứng lên, đôi đầu gối run bắn, chỉ muốn quỵ xuống.
- Nghe tao hỏi đây? Đứa nào giết ông Linh ấp trưởng. Hả? Đứa nào?
Câu hỏi như một ngọn roi quất thẳng vào mặt làm chị sực tỉnh. Cái trạng thái run rẩy, sợ hãi tự nhiên biến mất. “Dũng!”. Chị thầm kêu lên, như đã tìm được một lối thoát, một chỗ dựa. Sau này, chị được biết khi thấy bám miết theo chị đến trụ sở hội đồng xã không mang lại kết quả, Dũng đã lộn lại chợ, vào thẳng nhà thằng Linh, lúc đó khách khứa vẫn chưa về hết. Hôm ấy, chị và thằng Dũng chỉ được giao nhiệm vụ đi chuẩn bị chớ không diệt, nhưng thằng Dũng vẫn lén mang một trái lựu đạn. Nó giấu cách sao đó, chính chị cũng không hề thấy. Trong lúc bám theo hai thằng lính dẫn chị về nhà hội đồng, Dũng lăm le tìm cách diệt hai thằng dân vệ, nhưng vì hai thằng này bám bén gót chị nên nó đành chịu và quay về nhà thằng Linh, tính diệt thằng giám Tuân ở đó. Biết bọn này rượu vào hay đi tiểu vặt, Dũng liền chui vô vườn sau, đứng nép cạnh hố tiêu. Thật vô phước cho thằng Linh. Dũng chờ một chặp thì thấy nó lảo đảo ra sau nhà. Chưa tới hố tiểu, nó đã vạch quần đái. Dũng thấy ngon ăn quá và không chờ thằng giám Tuân nổi, liện liệng trái lựu đạn vô đúng ngực nó. Thằng Linh bể cả khoang bụng đổ gục xuống vườn. Cái chết đột ngột của thằng Linh đã khiến thằng giám Tuân trút tất cả nỗi sợ hãi và căm uất lên đầu chị.
- Đứa nào? Mày không nói, tao sẽ vặn cổ mày như vặn cổ một con chó!
- Ông hỏi thiệt kỳ, làm sao tôi biết đứa nào đã giết chết ổng?
Thằng Tuân đứng lại, ngớ ra mất một lúc. Chắc nó không hiểu được vì sao chị vừa òa lên khóc vì sợ hãi mà giờ trả lời cứng cỏi và bướng bỉnh đến như vậy. Nó ngồi xuống chiếc ghế dựa, bàn tay để trên mép bàn run run. “Mày sợ rồi”. Chị nhìn thẳng vào mặt nó, đầy vẻ thách thức.
- Mày không chịu nói, giết mày tao sẽ giết bằng hai cách: chặt đầu bêu ngoài chợ, hoặc cột đá thả mày xuống giếng. Nhưng trước khi giết, tao sẽ tàn phá đời mày, để lỡ mày còn được sống, cũng không bao giờ thành người được.
Thằng giám Tuân nói, chị biết nó không dọa. Chị nhớ tới chị Hảo và một cách tự nhiên, chị ngẩng đầu, hất mái tóc bết máu đang xòa xuống vầng trán.
- Chúng mày giết tao thì giết đi. Tao không biết gì hết – Chị nói.
- Đúng là không thể moi được gì ở mày. Con nhà nòi mà – Thằng giám Tuân quay lại phía hai thằng dân vệ – Hãy cho nó biết mùi đàn ông trước khi giết chết nó!
Nói xong, nó hầm hầm quay trở ra, khuôn mặt xám ngoét.
Thoạt đầu, chị chưa hiểu mùi đàn ông là ngón đòn gì, nhưng khi thằng dân vệ gặp chị ở tiệm nước mía bữa trước cởi quần áo thì chị vụt hiểu. Một cơn sợ hãi làm chị co rúm người lại. Một thằng bước đến túm lấy chị, chị điên cuồng giãy đạp, cắn vào tay nó. Nhưng nó không buông tha chị. Nó quật chị ra đất một cách dễ dàng, vì cho đến lúc ấy, chị vẫn là một cô bé mười bốn tuổi. Cái tuổi đã chấm dứt thời thơ ấu nhưng cuộc sống của một cô gái thì vẫn chưa hề đến với chị.
Sau đấy chị khôngv còn biết gì, ngoài những cơn đau nhức nhối, dồn dập ở bụng. Hình như thằng dân vệ này đã trả thù mối tình tuyệt vọng của nó với cô gái nọ lên cái cơ thể bắt đầu phổng phao của chị một cách điên dại. Chị ngất đi, nằm co quắp ở giữa nền nhà như một miếng giẻ ướt sũng. Ngày đó, bởi chưa trở thành một cô gái nên sự giày vò của hai thằng đàn ông đối với chị, cũng giống như một sự tra tấn độc ác ở những chỗ khác trên cơ thể. Chị chưa ý thức được về sự làm nhục mà chỉ thấy đau đớn. Khi tỉnh lại, chị không sao ngồi dậy nổi.
Càng lớn lên, sự thâm độc của đòn tra tấn đầu tiên đó càng ngấm sâu vào cơ thể chị. Chị thường xuyên đau nhoi nhói ở phần bụng dưới. Cho tới năm ngoài hai mươi tuổi, cùng với những tháng ngày lê lết ở các nhà giam, chị hoàn toàn mất hết khả năng làm một người phụ nữ bình thường, cũng như khả năng làm một người mẹ.
Đêm, chị nằm một mình trong phòng giam, không có ý nghĩ gì khác ngoài ý nghĩ về cái chết. Chị thấy ân hận đến cay đắng vì đã không nổ súng giết chết nó. Thế là mối thù mà chị ôm ấp hơn một năm ròng vẫn chưa trả được. Chị nghĩ tới anh Cường và không hiểu sao, thấy thương anh da diết. Chị có cảm giác mơ hồ, như vừa làm mất một cái gì đó của anh, còn mất gì, vì sao lúc anỳ chị chỉ nghĩ tới anh, thì chính tự bản thân, chị cũng không sao giải thích được. Những năm về sau, nhớ lại, chị mới biết rằng, chị đã thương anh từ ngày ấy. Một tình yêu âm thầm không ý thức, luôn luôn bị dồn nén và cả bây giờ đây, khi anh đã có gia đình, tình yêu ấy như một con chim bị nhốt đêm đêm vẫn đập cánh lồng lên trong ngực chị.
Chừng nửa đêm hôm ấy, cánh cửa phòng giam bỗng hé mở và một bóng người cao lớn lẻn vào. Tưởng rằng sẽ lại xảy ra đòn tra tấn ác nghiệt khi chiều, chị toan kêu thét lên, cố lết nhanh vào góc phòng để chạy trốn, để tìm cách chống trả, thì một tiếng nói nhỏ, quen quen đã vang khẽ bên tai chị.
- Đừng la, con. Chú sẽ đưa con ra khỏi đây!
Chị dừng lại ngờ vực. Người đàn ông ấy cúi xuống, chị lờ mờ nhận thấy khuôn mặt người dân vệ già đã khuyên chị ráng chịu, đừng khai bậy khai bạ hồi sáng. Chị liền bám vào cổ ông.  Ông nhẹ nhàng bế chị lên, lách qua cánh cửa đi rất nhanh ra phía hồi nhà, ở đó, bên kia hàng rào kẽm gai có hai ba người chờ sẵn, tất cả đều mặc đồ lính, mang súng AR.15. Họ đưa chị ra khỏi nhà giam của hội đồng xã đơn giản như khi chị bị bắt.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 09:59:05 am »

Mấy ngày sau, chị được biết, người đàn ông đưa chị ra là chú Tư Nhơn, bí thư xã Tam Quan Bắc bấy giờ. Ông là một cơ sở cài cắm rất công phu ở hội đồng xã. Nghe tin chị bị bắt, anh Cường đã đề nghị xã tổ chức một cuộc giải thoát cho chị gấp gáp, thậm chí anh tính đến cả việc đánh thẳng vào nhà hội đồng để cứu chị. Đếm ấy, trước khi đi đến phiên gác, ông Tư Nhơn bỏ tiền mua rượu và đồ nhậu chuốc cho bọn dân vệ say mềm đến nỗi, trời sáng bạch, thằng giám Tuân đã đi xe máy tới mà bọn chúng vẫn không đứa nào mở mắt nổi.
 
7.
- Các cháu không được làm như vậy. Cha nó có tội chớ đâu phải nó? – Chị nói với lũ trẻ.
- Nhưng anh cháu mắc tội gì mà cha nó cũng giết. Cô là ai mà lại đến đây bênh nó?
- Cô là cán bộ huyện. Thôi được, nghe cô hỏi, các cháu học ở trường nào?
Lũ trẻ ngơ ngác nhìn nhau và như thể thấy trước một điều gì đấy không hay sẽ xảy ra, chúng vội lảng đi để chị đứng một mình, do dự trước hai cánh cửa sắt đã han gỉ.
Thấy xung quanh đã trở nên im ắng, từ trong nhà thằng bé len lén chạy ra.
- Cô cần gặp mẹ con hả cô. Để con mở cửa.
Nó chạy trở vô, lát sau quay ra với một chiếc chìa khóa. Chị đi theo nó bước vào trong nhà. Ngôi nhà trống huơ trống hoác, có lẽ đồ đạc trong nhà đã phải bán dần bán mòn để kiếm sống, hoặc đã bị tịch thâu, bị cướp phá thời kỳ giải phóng.
Chị chằm chặm nhìn thằng bé, thở phào vì không tìm thấy nét hao hao nào của thằng giám Tuân in lại trên đó. Thằng bé có mái tóc mềm mại, hoe vàng. Sống mũi cao, hơi gồ và đôi mắt thật linh lợi luôn luôn hoạt động. Liệu có phải nó chính là thằng nhỏ mà thằng Tuân đã ẵm trên tay hồi đó không?
- Cháu mấy tuổi rồi? – Chị hỏi thằng bé.
- Dạ, con mười một.
- Cháu học lớp mấy?
- Dạ, lớp hai – Thằng bé đáp ngượng nghịu – Nhưng con nghỉ từ lâu rồi.
- Tại sao nghỉ? – Chị biết nhưng vẫn hỏi.
- Tụi nó không đứa nào chịu ngồi với con. Giờ ra chơi chúng nó lấy mực bôi bẩn vở của con – Mắt thằng bé chợt ánh lên vẻ căm hờn làm chị ớn lạnh dọc sống lưng vì bỗng thấy nó giống cái nhìn của thằng giám Tuân quá – Con mà lớn con sẽ chơi đến cùng với tụi nó.
- Để cô nói với thầy giáo cho cháu đi học lại – Chị nói – Cháu không có lỗi gì cả.
Mặt thằng bé dịu xuống và đôi mắt nó chợt long lanh nước. Có lẽ từ rất lâu, không có ai nói được với nó dịu dàng như vậy. Nó vội chạy vô trong buồng, lục lọi một hồi rồi lấy ra mấy cuốn vở phủ đầy bụi. Nó lau bìa vở vào quần, vuốt mép vở rồi đưa cho chị.
- Cô coi, con được rất nhiều điểm mười. Thầy ra bài toán khó mấy con cũng làm được.
Chị cầm quyển vở lên. Nét chữ thằng bé tròn, hơi ẻo lả như chữ con gái. “Một thằng bé cục tính nhưng đa cảm”. Chị đoán, tay lần mở từng tờ một. Thằng bé bước lại gần kiêu hãnh nhìn lên khuôn mặt đang cúi xuống của chị. Chị chợt cảm thấy ghê ghê và hơi né tránh theo một phản ý tự nhiên, khi thằng bé sán đến gần sát người chị. Đúng là thằng bé học rất giỏi. Vở nó sạch, rất ít tẩy xóa. Chị khen nó vài câu khô khan rồi đưa lại quyển vở cho nó.
- Cháu học tốt lắm. Rồi cô sẽ gặp thầy giáo, gặp ácc bạn của cháu – Chị nhắc lại đoạn đứng dậy, chị không thể chờ mẹ nó về được. Liệu cuộc gặp gỡ có giúp được gì cho chị ta hay không? Chị ta sẽ phản ứng cách sao nếu nhận ra chị chính là người đã đẩy chị ta vào cảnh góa bụa.
- Cô không chờ mẹ con hả cô? – Thằng bé hốt hoảng hỏi. Rõ ràng nó rất muốn chị ngồi lại.
- Cô bận, bữa khác cô sẽ đến.
Ra đến sân, lúc bước qua đám mì lát, chị quay lại nhìn dáng người gầy quắt cảu thằng bé.
- Nhà cháu ăn cơm mấy bữa?
- Dạ, hai. Nhưng ba hôm nay chỉ ăn một bữa, còn một bữa ăn mì luộc – Thằng bé chợt nói nhỏ, vẻ tin cậy – Con nói cô đừng nói lại với ai nghe. Mẹ con bảo nhà con sắp dọn đi nơi khác rồi. Mẹ nói ở đây không sống nổi.
- Đi đâu? – Chị  hỏi tiếp, cảm thấy hụt hẫng.
- Con không biết. Chắc là đi xa lắm – Mắt thằng bé ánh lên một vẻ ranh mãnh – Nhưng con và anh con sẽ trốn ở lại. Anh con nói chưa trả thù được thì chưa đi đâu hết!
- Trả thù cái gì? – Chị quay ngoắt lại, khuôn mặt biến sắc và đôi mắt của chị quắc lên. Thằng bé không để ý tới sự thay đổi đột ngột đó, nó vẫn nói vẻ nghiêm trọng.
- Trả thù kẻ đã giết chết ba con chớ ai!
Chị đứng lặng. Những lời nói hầu như không có ý thức, cùng với vẻ chân thành trên khuôn mặt thằng bé, xác nhận ý định trả thù của hai anh em nó là có thực. Cách đây đã lâu, hồi mới về nước, chị có được nghe anh Cường kể lại một câu chuyện về sự trả thù. Một thanh niên, là đoàn viên, cán bộ của một công ty dịch vụ nào đó của tỉnh. Anh ta là con một liệt sĩ nổi tiếng hồi chống Mỹ. Một bữa, nghe tin kẻ giết chết cha mình mới đi cải tạo trở về, anh thanh niên nọ đã lặng lẽ mở hòm, lấy cây súng của cha để lại. Anh ta tìm đến nhà tên ác ôn nọ, nói chuyện một cách sòng phẳng rồi nổ súng, bắn chết tên xã trưởng cũ. Sau đó anh ta đến công an quận, nói: “Cha tôi mất hồi tôi mới lên mười. Trước khi chết, cha tôi dặn tôi phải trả thù. Hôm nay tôi đã làm trọn được lời dặn đó” …
Dĩ nhiên anh thanh niên đó đã bị xử theo pháp luật. Câu chuyện trên khiến chị suy nghĩ nhiều. Sự trả thù, đôi khi bất chấp cả lý trí. Bên cạnh đạo lý, lẽ phải và sự công bằng, vẫn còn một điều gì đó âm thầm chảy, như nước đổ xuống bờ vực trong huyết quản những người cùng mang chung một dòng máu.
Chị bỗng cảm thấy buồn bã, giống như người đã phải đi qua một con đường lầy lội, và đã cố gắng quên quãng đường ấy đi, nhưng có kẻ vẫn buộc chịu phải đi trở lại con đường ấy.
Chị muốn nói một vài lời với thằng bé về cha nó, kẻ mà cho đến giờ, chỉ nhắc đến tên thôi, khắp người chị đã run lên vì căm uất. Kẻ đã đẩy chị vào sự cô đơn vĩnh viễn, không gì có thể bù đắp được.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 09:59:53 am »

Chị nhận thấy cần phải gặp mẹ thằng bé, không phải để ngăn chặn ý muốn trả thù mù quáng của hai đứa trẻ mà thực lòng, chị muốn giúp chị ta thoát khỏi sự cô độc đang phải nhận một cách vô lý, cũng như giải tỏa giúp chị ta những khó khăn đang gặp phải về kinh tế. Nếu cần, chị cũng không giấu giếm chị ta về quá khứ của mình. Cái quá khứ tàn khốc mà chị sẽ còn phải gánh chịu trong suốt những năm sống còn lại của cuộc đời.
Chương ba
1.
Nhưng đã hơn nửa tháng trôi qua, chị vẫn chưa trở lại ngôi nhà ấy phần vì công việc ở hội quá bận rộn, phần vì bị lời nói về trả thù của đứa bé ám ảnh.
Thời gian này, huyện chị đang có cuộc vận động quyên góp tiền, gạo, đồ dùng giúp những người dân vùng đông bắc Cam-pu-chia vừa mới thoát khỏi họa diệt chủng, sau biến cố ngày 7 tháng giêng năm 1979. Anh Cường, chủ tịch huyện giao cho hội liên hiệp phụ nữ huyện phụ trách công việc này và chị được phân công chịu trách nhiệm chính.
Một buổi tối, chị đạp xe tới dự cuộc họp của chị em phụ nữ thôn 4, xã Hoài Hương, nơi có phong trào quyên góp ủng hộ nhân dân Cam-pu-chia khá nhất huyện. Do phải ráng giải quyết nốt một số công việc còn lại trong ngày, nên khi chị đến, cuộc họp đã bắt đầu được nửa giờ. Chị hội trưởng phụ nữ thôn đang báo cáo lại chuyến đi áp tải hàng mới đây của chị sang vùng đông bắc Cam-pu-chia.
Chị đến, lặng lẽ ngồi xuống cạnh mấy bà má. Đêm đó trăng mười sáu sáng vằng vặc. Ánh trăng làm ngọn đèn bão để trên chiếc bàn, nơi chị hội trưởng đang đứng đỏ quạnh, lẻ loi. Những người dự họp ngồi rải rác thành từng cụm, rì rầm nói chuyện.
Phía sau chiếc bàn gỗ, chị hội trưởng vẫn đang say sưa kể về những nỗi khổ của người dân nước bạn và sự bức thiết phải có sự giúp đỡ về mọi mặt của nhân dân trong toàn xã.
Khi chị hội trưởng vừa dừng lại thì một bà má đứng lên. Ánh trăng như đọng lại trên mái tóc gợn sóng bạc trắng của bà cụ.
- Thôi cô Ba ơi, giờ ta bàn cách giúp bà con bên đó cách sao đi. Chớ cứ nói hoài nói hủy về tội ác của bọn Pôn Pốt thì đến khi nào cho hết.
Xung quanh mọi người cười rộ. Lác đác có tiếng hưởng ứng.
Chị hội trưởng hình như hơi bị hẫng. Chị bối rối đẩy cây đèn ra một góc bàn, khuôn mặt đanh lại, vẻ khó chịu.
- Vậy chị em bàn đi. Ai phát biểu trước?
- Tôi thấy không nên quy định. Đã quyên góp thì ai có gì ủng hộ nấy – Một người đứng dậy nói nhanh, vẻ sốt ruột – Mà có riêng xã ta, thôn ta ủng hộ đâu, cả nước xúm vào thì cái chi cũng có hết.
Tiếng cười lại rộ lên, ở góc sân, một người rụt rè đứng dậy:
- Tôi xin phát biểu, - Chị nói nhỏ nhẹ – Tôi thấy các bà con bên đó cần nhất là hạt giống. Ta nên giúp họ lúa giống, cả gà, lợn giống nữa. Phải giúp họ cái làm ra của cải chớ mình lấy đâu mà giúp mãi được.
Chị hội trưởng như bị bất ngờ và khó chịu bởi ý kiến này. Không kịp chờ cho người phát biểu ngồi xuống, chị đã nói, giọng hơi sỗ:
-Giúp mãi! Chưa chi chị đã sợ phải giúp mãi! Người ta giúp xương, giúp máu còn không tiếc huống chi dăm ba cái hạt giống nhà chị. Tôi nói để chị biết. Chị khỏi lo, chưa chắc chúng tôi đã nhận phần ủng hộ của chị đâu, còn lúa giống giờ chưa phải vụ gieo cấy của họ. Gà, lợn, chị tưởng vận chuyển dễ lắm sao? Ba bốn ngày đường làm sao nuôi nổi chúng? Chị tính giùm coi.
-Thì vậy mới cần bàn. Mà tôi hỏi, tại sao không nhận phần ủng hộ của tôi? Tại sao các người đối xử ác với tôi như vậy? – Giọng người thiếu phụ bỗng cao lên, uất ức – Cái gì các người cũng xử tệ với tôi. Tôi hỏi, ba mẹ con tôi có tội gì mà phải chịu cảnh hiếp đáp như vậy?
Chị hội trưởng cười nhạt:
- Chị nên hỏi cái vong linh khốn nạn của thằng chồng phản bội nhà chị. Trồng cây nào phải ăn trái cây ấy. Không ai thèm hiếp đáp nhà chị.
Chị giật mình, chết rồi. Tại sao chị hội trưởng lại nói với hội viên của mình như vậy. Xung quanh, mọi người đang ồn ào bỗng im phắc. Tất cả đều cúi xuống ngượng nghịu, tránh nhìn hai người đang đối thoại. Chị vừa định đứng dậy để sửa chữa sai lầm của chị hội trưởng thì người thiếu phụ đã kêu nấc lên một tiếng rồi vụt bỏ đi như chạy khỏi cuộc họp.
- Chị ấy nói đúng đó, sao lại nói vậy, chị Ba? Kêu chị ấy lại!
Chị kêu lên và vội vã đuổi theo người thiếu phụ. Sau lưng chị mọi người cũng lên tiếng phản dối. Chị còn kịp nghe được những lời trách móc gay gắt của bà má khi nãy. Chị vừa đuổi theo người thiếu phụ vừa gọi, nhưng chị ta không dừng lại mà càng đi nhanh hơn. Chị thấy giận chị hội trưởng ghê gớm, mặc dù biết chồng chị ấy trước đây đã bị chết thê thảm vì một tên phản bội nhưng không thể cố chấp như vậy. Người nào có tội người đó phải gánh chịu. Mắc chi lại bắt họ gánh chịu một cách vô lý tội ác của chồng con họ?
- Nè, chị ơi, quay lại họp đi, chị nói đúng đó. Tôi là cán bộ phụ nữ huyện về họp mà. Quay lại đi, chị Hai!
Chị gọi, cảm thấy đau thắt nơi ngực. Hình như ở đời, có bao nhiêu nỗi khổ, nỗi bất công thì người phụ nữ phải hứng chịu hết cả.
Trước mặt chị, người thiếu phụ vẫn chạy, như đang chạy trốn một cái gì đó. Mảnh áo trắng chị ta đang mặc nhập nhòa dưới bóng cây, rồi đột ngột biến vào một lối rẽ. Chị cũng không từ bỏ ý định. Cần phải gặp chị ta, nói để chị ta hiểu. Dường như chị sẽ bứt rứt suốt đêm nếu không thông cảm được với người thiếu phụ ấy.
Nhưng chị chợt đứng sững trước một ngôi miếu cổ. Không có lẽ lại như vậy. Chị đi thêm vài bước nữa. Một khu nghĩa địa hiện ra với một dãy nhà mồ nhấp nhô, và chiếc trụ sắt dựng bên đường, mười năm qua vẫn sừng sững đứng đó. Chị hấp tấp quay trở lại như sợ người thiếu phụ kia đuổi theo. Mồ hôi chị đổ ra ướt đẫm lưng áo. “Dũng ơi!”. Chị thầm gọi và cái ngày thật bi thảm lại vụt đến với chị. Không có lý do nào vợ của Hai Đích lại chính là người thiếu phụ đó!
 
2.
Sau ngày được cứu thoát khỏi nhà giam của hội đồng xã, sức khỏe của chị dần dần hồi phục. Nhưng chị trở nên đờ đẫn, thích ngồi một mình và xa lánh tất cả mọi người. Mỗi lần nhớ đến buổi chiều ở nhà giam hội đồng xã, chị lại rùng mình, khắp người sởn gai ốc, chân tay run lên cầm cập. Có lẽ những cơn co giật sau này thỉnh thoảng tái phát, hành hạ chị bắt đầu có từ ngày ấy.
Một buổi sớm, sau bữa ăn, anh Cường ngồi lại với chị. Anh ngồi rất lâu trên tấm ván kê sát vách hầm. Khi đôi bàn tay chị bỗng nhiên run lên, anh đã nắm lấy cả hai bàn tay bé nhỏ của chị. Đôi mắt anh như sẫm lại và anh đã nói với chị những lời thật dịu dàng. Không hiểu hơi ấm từ bàn tay hay vì những lời an ủi, xoa dịu của anh mà chị lấy lại trạng thái cân bằng trong cơ thể rất nhanh. Chị còn nhớ rất rõ buổi sáng ngày hôm ấy, một buổi sáng thật thuần khiết và yên tĩnh. Ngoài kia, cách chỗ chị ngồi không xa là mặt biển xanh biếc, vắng lặng như đang bị chìm trong quên lãng.
- Có lẽ em phải đi lên cứ nghỉ ngơi ít bữa – Anh nói – Phải tĩnh dưỡng cho thật khỏe. Anh sẽ đề nghị trên cho em ra miền Bắc …
Chị chợt ngẩng lên nhìn anh, như người đột ngột dứt ra khỏi cơn mê sảng. Một nỗi lo sợ, tủi hổ tràn ngập trong người chị.
- Sao lại thế? – Chị nói giọng đầy nước mắt – Em không đi đâu hết. Em chưa làm được gì ở đây. Em làm khổ anh, khổ mọi người nhiều lắm rồi phải không? Anh muốn tống khứ em đi cho khuất mắt anh phải không?
Nói đến đây chị bật khóc òa lên. Anh Cường nhè nhẹ xoa lên mái tóc cắt ngắn của chị. Anh càng dỗ dành, chị càng khóc to hơn và phải đến khi anh Cường hứa sẽ để chị ở lại với anh, với đội “Chim Én”, chị không cần phải đi đâu cũng sẽ hết bệnh, chị mới thôi khóc.
Đó là lần đầu tiên anh Cường nói với chị điều đó. Về sau không khi nào thấy anh nhắc với chị chuyện đưa chị ra Bắc chữa bệnh nữa. Phần vì sức khỏe của chị đã hồi phục hẳn, phần vì đường đi quá khó khăn và bản thân anh, hình như cũng không muốn xa chị.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #19 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 10:00:21 am »

Giai đoạn này, tình hình trên quê hương chị vẫn không khá hơn. Địch đóng thêm nhiều chốt điểm trên các trục đường giao thông, nhất là đường số 1. Vì thế, đường dây liên lạc giữa anh Cường và huyện gặp nhiều trở ngại. Có những lúc chị thấy anh ngồi lặng đi, hàm râu đâm ra tua tủa như bàn chải giặt. Anh ngồi lầm lì hàng giờ, khuôn mặt cau có rất dễ sợ. Cũng có những đêm anh trở về thật vui. Anh qua hầm đánh thức mọi người dậy, chia quà cho từng đứa nói rằng, sắp tới sư đoàn Sao Vàng sẽ bám xuống đồng bằng hoạt động và tình hình sẽ dễ thở hơn.
Nhưng cả anh Cường, cả chị và mọi người cứ thấp thỏm chờ đợi mà vẫn không thấy sư đoàn Sao Vàng trở về. Trong khi đó, những đợt lùng sục, càn quét, bắt bớ vẫn diễn ra liên miên ở khắp nơi trên quê hương chị. Thằng giám Tuân vẫn tác oai, tác quái. Sau lần bị chị bắn hụt, nó rất ít khi về nàh mà ở lì trên quận. Mỗi khi nó ra ngoài, thường có một tiểu đội lính đi kèm. Bản thân nó cũng luôn thay đổi hình dạng, khi mặc đồ lính dù, khi mặc thường phục nhằm đánh lạc hướng sự theo dõi của các đội viên đội “Chim Én”.
Một đêm cuối tháng năm, anh Cường trở về với bộ đồ lính biệt động vào quãng hai giờ sáng. Lúc đó chị đã thức giấc và đang nằm trăn trở trên võng. Trong ngách hầm, thằng Dũng nằm co quắp trên tấm ván, còn Thêm thì ngủ li bì bên cạnh chị. Nó mới lên cơn sốt từ hồi sáng.
Nghe tiếng chân người bước xuống hầm, chị choàng tỉnh . sau đó là thằng Dũng, rồi Thêm cũng lật người khỏi võng. Đôi mắt mở sáng long lanh trong bóng tối
Anh Cường bỏ mũ, ngay lối cửa ra vào. Chị biết những lúc như thế, anh sắp nói một điều gì đó hệ trọng, hoặc giao nhiệm vụ, hoặc báo động chuyển địa điểm vì có kẻ đã phản bội. Và chị đã đoán không lầm.
- Có một thằng làm việc ở văn phòng huyện ủy mới ra chiêu hồi mấy bữa nay – Anh nói giọng trầm trầm – Nó tên Đích, nhà ở xóm 4, Hoài Hương. Sớm nay nó chỉ điểm khui một căn hầm làm chết hai cán bộ xã. Cơ quan huyện đã phải di chuyển. Cần phải diệt ngay nó. Trên tín nhiệm giao cho đội “Chim Én” … - Anh dừng lại, như để chờ xem phản ứng của mọi người ra sao rồi nói tiếp:
-Việc này anh tính giao cho Dũng và Quy. Thế nào, được chớ? – Anh hỏi theo thói quen.
- Còn em thì sao, anh Cường – Thêm hỏi hốt hoảng.
- Em đang bệnh, khỏi sẽ có việc khác. Trận này anh để Quy đi vì dưới đó, chưa ai biết Quy cả. Ở xã nhà, bọn dân vệ và thằng Tuân tường mặt Quy rồi, Dũng sẽ thi hành bản án, còn Quy đứng hỗ trợ. Việc gấp không được trinh sát rồi mới đánh như mọi khi. Dũng và Quy tính sao?
Chị giật mình trước câu hỏi của anh Cường. Người chị thoắt rét run, vừa ơn ớn, vừa háo hức, chị chưa kịp đáp thì Dũng đã nhanh nhảu:
- Đường xuống xóm 4 em biết. Dễ ợt mà. Quy chưa khỏe để em đi một mình.
- Em đi được, - Chị vội nói – Nếu Dũng không ưng đi với tôi thì để tôi đi một mình. Tôi cũng biết đường xuống xóm 4. – Chị nói liều.
Anh Cường cười:
- Không thể đi một mình được. Cứ vậy nghe, thôi ngủ tiếp đi. Lát anh sẽ bàn cụ thể với Quy và Dũng.
 
3.
Nắng sớm trải dài trên con đường đất đỏ chạy sát ven biển. Rải rác hai bên đường là những nghĩa địa cổ. Người dân vùng biển quê chị thường xây mộ bằng đá ong, hình con thuyền. Mũi thuyền luôn hướng về phía biển.
Buổi sáng hôm ấy, chị và Dũng đóng vai hai anh em xuống quê ngoại ở Hoài Hương ăn giỗ. Trong chiếc giỏ xách của chị lỏng chỏng vài bó trầu, chục cau và hai thẻ nhang Dũng mua ở quán bà Năm dưới chân đồi Mồng Gà. Trước khi đi cả hai được anh Cường cho coi hình Hai Đích. Đó là một trung niên trạc tứ tuần, tóc  chải lật, rẻ đường ngôi giữa trán. Đôi mắt Hai Đích hơi lồi, lòng trắng nhiều, coi đùng đục. Điều đáng nhớ là một mụn cơm to bằng đầu đũa ở giữa cằm. Cái, mụn cơm đó thì không trộn lẫn với ai được.
Theo kế hoạch, đến xóm 4, Dũng sẽ hỏi nhà Hai Đích. Anh Cường nói nhà Hai Đích ở rất gần khu nghĩa địa. Sau đấy Dũng vào nhà, còn chị đứng ở ngoài cổng chờ. Nếu Hai Đích không có nhà. Dũng sẽ trở ra cùng ngồi chờ với chị ở khu nghĩa địa, giả đò cắm nhang ở một ngôi mộ nào đó. Đánh xong, cả hai phải tìm đường xuyên xuống mé biển.
Từ chân đồi Mồng Gà, hai người đi tắt qua mấy vạt ruộng đến trục lộ chính, trộn lẫn vào những người dân đi chợ cá Hoài Hương. Khẩu K.54 của chị để dưới đám lá trầu. Vì công việc gấp, Dũng không kịp rẽ qua nhà, qua nghĩa địa thăm mộ bố mẹ như thói thường Dũng vẫn làm. Nó có vẻ bồn chồn và đăm chiêu. Riêng chị, chị thấy lo và sốt ruột. Chị gia nhập đội “Chim Én” đã lâu nhưng vẫn chưa làm được công việc gì và điều day dứt, bức thiết nhất với chị hồi đó là diệt thằng giám Tuân, trả thù cho cha, cho anh Dương, cho chị Hảo, và cho chính bản thân mình thì cho đến giờ chị vẫn chưa làm được. Thêm vào đó, chị còn gấy ra bao nhiêu phiền nhiễu cho anh Cường, cho đội. Nghĩ đến điều này chị càng cảm thấy tủi thân và hổ thẹn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM