Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:25:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Saburo Sakai - Những trận không chiến dữ dội nhất lịch sử Thái Bình Dương  (Đọc 54586 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #70 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 05:15:32 pm »

“Anh đã được chỉ định vào nhiệm vụ chiến đấu trở lại,” tôi viết. “Từ đây trở về sau, Nhật Bản sẽ phải chống chọi lại với một kẻ thù vượt trội mọi mặt. Hôm nay, anh vừa nghe tin người bạn rất thân của anh, Hiroyoshi Nishizawa, đã bị thiệt mạng ở Philippine. Nishizawa là phi công vĩ đại nhứt của xứ sở chúng ta. Anh cảm thấy nếu một người như vậy mà không thể sống sót được thì đối với anh, bất lợi về mất một mắt, chắc chắn anh sẽ nối bước theo hắn không lâu.

“Có lẽ đây là bức thơ cuối cùng anh viết cho em. Thật là ngại ngùng, Hatsuyo, nhưng mà anh không thể nào chờ đợi lâu hơn nữa để bày tỏ những gì mà anh muốn nói từ lâu."

“Lần nói chuyện cuối cùng vừa rồi, em đã nói rằng anh không hiểu trái tim của một người đàn bà. Em đã sai lầm, Hatsuyo. Sai lầm quá đỗi."

“Em có nhớ lại những ngày thơ ấu của chúng ta không ? Những ngày huyền diệu, tràn ngập tiếng cười đùa ấy ? Anh và em đã sống như tình ruột thịt, và ngay cả thời gian sau nầy chúng ta vẫn còn cảm thấy như vậy."

“Những gì mà anh muốn nói với em từ lâu, Hatsuyo, là trong tim anh, em chính là người anh yêu mến nhứt trên quả đất nầy. Bây giờ, anh biết, anh đã coi em như một người mà anh đặt tình yêu duy nhứt vào đó. Có lẽ nói như vậy thật bậy, có lẽ điều nầy anh nói ra không phải lối nhưng anh tin rằng hình ảnh của em không lúc nào vắng bóng trong tim anh. Trước đây anh không biết, nhưng anh đã biết điều đó trong những tháng cuối cùng nầy."

“Anh đã yêu em từ lâu, Hatsuyo, và yêu em sâu đậm. Lúc ấy anh đã chôn giấu tình cảm thật sự của anh. Anh yêu em! Anh đã chờ đợi để thốt ra những lời nầy từ lâu lắm rồi. Chiến tranh đã dựng lên một hàng rào vĩ đại ngăn cách chúng ta. Anh ý thức rằng tình cảm của anh không bao giờ bày tỏ được, rằng tình yêu nầy sẽ chôn kín mãi mãi trong lòng."

“Hơn tất cả, chúng ta là anh em bà con. Có lẽ đó là điều tốt nhứt để đặt cuộc hôn nhân nằm phía bên kia tầm tay của chúng ta. Nhưng bây giờ, anh đã nói ra những gì cần nói. Và bây giờ, tình yêu của anh, đó là vật duy nhứt mà anh dành cho sự cầu nguyện. Mong em sống dài lâu, mong hạnh phúc sẽ thuộc về em mãi mãi.”



Sáng hôm sau công việc huấn luyện chiến đấu của chúng tôi bắt đầu phấn khởi. Các phi công la hét ồn ào, khi họ nhìn thấy hàng mấy chục chiến đấu cơ loại mới bóng mượt đáp xuống phi trường. Shiden. Loại chiến đấu cơ mà tôi đã từng bay thử không lâu trước đây. Bọn phi công mừng quýnh khi đưa các chiến đấu cơ mới nầy rời khỏi mặt đất. Tốc lực cao! Bốn đại bác! Bọc sắt! Lướt lên dữ dội! Chúi xuống như chớp!

Tinh thần của mọi người lên cao trở lại. Đa số các phi công trong tân không đoàn đã từng tham dự nhiều trận đánh và nhiều người đã hạ trên mười phi cơ địch. Chúng tôi là thành phần ưu tú của toàn thể các đơn vị không quận thuộc hải quân Hoàng Gia, điều nầy đã giải thích tại sao chúng tôi được cung cấp những phi cơ mới. Mặc dù rất cần những người tình nguyện trong các đơn vị Thần Phong, các phi công của không đoàn mới nầy hợp lại được xem là vũ khí trên không mạnh mẽ nhứt của Nhật Bản từ trước đến nay, và trung tá Nakajima đã bác bỏ tất cả những lời thỉnh cầu chuyển sang các đơn vị Thần Phong.

Hơn mười ngày trôi qua, bức thơ tôi gởi cho Hatsuyo không thấy hồi âm. Tôi không hiểu tại sao nàng không trả lời tôi. Nhưng tôi không thể để cho tình cảm chi phối nhiệm vụ, nhứt là ở hiện tại. Vào ngày thứ mười hai sau khi tôi gởi bức thơ, lúc tôi rời khỏi lớp học mà tôi vừa giảng dạy về các kỹ thuật không chiến, một liên lạc viên chạy đến báo cho tôi biết có hai người khách đang chờ đợi tôi. Tôi ra phòng khách ngay lập tức.

Tôi nhận thấy Hatsuyo và thím tôi đang chờ. Ngay khi tôi bước vô phòng, Hatsuyo đứng bật dậy. “Em đến đây, Saburo,” nàng dịu dàng nói. “Em đến đây để bàn về cuộc hôn nhân của chúng ta.”

Tôi đứng bất động, không nói nên lời. “Nếu anh chuẩn bị để chết, Saburo, em cũng sẽ chuẩn bị như anh. Nếu chúng ta chỉ được một đôi ngày hoặc một đôi tuần bên nhau, ít ra chúng ta cũng sẽ có khoảng thời gian ấy trong tay khi chết. Đó là ý muốn của Thượng Đế dành cho chúng ta.”

“Hatsuyo!” Tôi kêu lên. Chuyện nầy khó thể tin là sự thật. Tất cả hoàn toàn kỳ diệu đối với tôi.

Thím tôi cũng góp lời để tác hợp chúng tôi.

Tôi sung sướng đến phát điên lên. Nhưng trước khi chúng tôi bàn xa hơn về hôn lễ, tôi cần phải viết thơ cho má tôi để yêu cầu người ưng thuận. Trong thơ hồi đáp, má tôi cho biết bà rất tán thành nhưng không thể tham dự hôn lễ. Đường hỏa xa Kyushu hoàn toàn gián đoạn. Bà yêu cầu thím tôi lo liệu mọi chi tiết cần thiết.

Hatsuyo và tôi kết hôn vào buổi chiều ngày 11 tháng hai năm 1945, ngày Quốc Khánh của Nhật Bản. Hôn lễ cử hành đơn giản. Không một phi công nào tham dự, vì xế trưa hôm đó có báo động không tập.

Tuần trăng mật dĩ nhiên bị gạt ra ngoài vì hoàn cảnh hiện tại. Chủ Nhật kế đó, chúng tôi mời 50 phi công của không đoàn tham dự một bữa tiệc để đền bù sự vắng mặt của họ vào đêm hôn lễ của chúng tôi. Buổi tiệc kéo dài quá nửa đêm. Đó là những giờ phút sung sướng nhứt mà tôi chưa từng biết trước đây. Tất cả những hạnh phúc của quá khứ như bị hạnh phúc của hiện tại che mờ hết.

Mắt tôi không lúc nào rời khỏi Hatsuyo. Nàng là một giấc mơ có thật, một nữ hoàng trong những câu chuyện thần tiên, xinh đẹp, rực rỡ. Nàng là vợ tôi.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #71 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 05:16:28 pm »

Chương XXII


Vào tháng ba năm 1945, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhứt trong lịch sử của hải quân Nhật, hai phi công chiến đấu hải quân được tuyên dương công trạng đặc biệt. Bộ Tham Mưu của Hoàng Gia đã đưa ra hành động như vậy có lẽ do ảnh hưởng tình hình quân sự khủng hoảng. Tuyên dương công trạng cho tôi và trung sỹ Shoichi Sugita, cả hai đều thuộc không đoàn Matsuyama, với ý định thúc đẩy tinh thần suy nhược của đa số phi công lúc bấy giờ.

Sugita, hai mươi bốn tuổi, phi công sáng chói. Hầu hết các hoạt động chiến đấu của hắn đều ở Truk và Philippine, Sugita đã hạ tất cả 120 phi cơ địch.

Tuy nhiên, con số đó chủ có tính cách phỏng định. Riêng tôi, tôi tin tưởng tổng số phi cơ mà Sugita bắn hạ khoảng 80 chiếc. Sugita công nhận có nhiều chiến thắng đáng ngờ vực và không được xác định, bởi lẽ có những hoàn cảnh chiến đấu khó thể đưa ra sự kiểm soát đúng mức. Hầu hết các cuộc không chiến xảy ra gần đây, Sugita đều không có thời giờ để nhìn một chiếc phi cơ bốc cháy, tan vỡ hoặc phi công có nhảy dù ra ngoài hay không. Thật sự, chiến đấu cơ của chúng tôi không được trang bị máy chụp hình nên khó thể lấy đó làm căn cứ để xác nhận mục tiêu bị hủy diệt.

Khi một quốc gia đang thắng thế, mọi chiến công đều được soát lại một cách cẩn thận, như chúng tôi đã từng làm trong các cuộc không chiến dễ dàng của chúng tôi ở Moresby. Nhưng khi tình hình trở nên tồi tệ, qua một loạt chiến đấu trong thế thủ chống lại một đối phương vượt trội, sự chính xác không còn được lưu ý nữa. Tuy nhiên, không ai có thể hồ nghi tài ba trên không của Sugita. Sau khi quan sát lúc Sugita chiến đấu, tôi cảm thấy hắn không thua gì Nishizawa.

Sugita đã chứng tỏ tài ba siêu việt của hắn vào ngày 19 tháng ba khi không đoàn Matsuyama nghênh chiến những phi cơ phát xuất từ các hàng không mẫu hạm địch tấn công căn cứ hải quân Kure. Mọi người trên mặt đất đã la hét vang dội khi nhìn Sugita hạ hết chiếc Hellcat nầy đến chiếc Hellcat khác. Lúc ấy tôi đứng trên đài kiểm soát để theo dõi trận không chiến ngoạn mục nầy. Đó là lần đầu tiên chiến đấu cơ mới Shiden xuất trận. Hiển nhiên loại phi cơ nầy trên chân Hellcat về tốc độ vượt lên, cũng như về hoả lực.

Một giờ sau Sugita đáp xuống. Hắn không ngớt lời ca ngợi chiếc phi cơ của hắn. Hắn ghi thêm bốn điểm được xác nhận bởi các phi công khác và có lẽ thêm ba điểm nữa, nhưng không được xác nhận. Sugita cho biết chỉ vì hết đạn nên phải quay về.

Cả ngày đó chỉ có Không Đoàn Matsuyama nhóm lên được một tia lửa hi vọng. Khắp nơi trên lãnh thổ Nhật Bản, các phi công của chúng tôi không đạt được một chiến thắng nào. Thật vậy, các chiếc Hellcat đã dập tắt tất cả những nơi chống đối khác, và chiến thắng của chúng tôi có vẻ như là sự thiệt hại duy nhứt của đối phương. Sau nầy chúng tôi có nhận được các báo cáo không chiến của người Mỹ, trong đó cho thấy họ đã tỏ ra kinh ngạc về khả năng cao độ của chiến đấu cơ Shiden. Phi công Hoa Kỳ đã xao xuyến trước khả năng chịu đựng đạn đại liên của loại chiến đấu cơ mới nầy.

Tuy nhiên, trong vòng một tháng, thảm hoạ giáng xuống không đoàn của chúng tôi. Phi công vĩ đại nhứt vẫn còn sống sót ở Nhật Bản, Soichi Sugita, bị thiệt mạng. Không đoàn Matsuyama được chuyển đến Kanoya, ở miền nam Kyushu, để chống lại phi công Hoa Kỳ không yểm cho cuộc đổ bộ Okinawa. Vào ngày 7 tháng tư, không có dấu hiệu nào báo trước, một khối lượng chiến đấu cơ đông đảo của địch quân ào xuống phi trường của chúng tôi. Chúng tôi chỉ liếc thấy phi cơ địch ở cao độ 12.000 bộ khi chúng gầm thét bổ nhào xuống. Chúng tôi bị chôn chân trên mặt đất. Nhóm phi cơ địch chắc chắn xuất phát từ các hàng không mẫu hạm hoạt động ở trong hải phận Okinawa. Chúng tôi không có rada ở Kanoya, và khi còi báo động hụ thì chiến đấu cơ địch đã xuống tới nơi rồi.

Trên phi trường, lá cờ chỉ huy chiến đấu phất: “Đi và đánh”. Nhiều phi công chạy ra phi cơ của họ. Nhưng đại tá Genda thét chúng tôi dừng lại và chạy vô các hầm trú ẩn. Hiển nhiên là quá muộn, không thể nào cất cánh được nữa. Nhưng Sugita, Shoji Matsumara và một phi công khác không nghe tiếng Genda. Ba người nầy đã nhìn thấy chiến đấu cơ trước khi có còi báo động nên đã chạy ra phi cơ của họ rồi. Ngay lúc các chiếc Corsair và Hellcat sà thấp trên phi trường, Sugita và phi công bên cánh của hắn, với Matsumara phía sau, đang chạy đến vị trí cất cánh. Hai chiến đấu cơ địch chúi xuống từ bên phải và từ phía sau. Viên phi công bên cánh của Sugita cất cánh đầu tiên. Khi các bánh xe của chiếc chiến đấu cơ Saiden vừa rời khỏi mặt đất, một chiếc Corsair thổi ngay một loạt đạn. Dưới hoả lực của sáu khẩu đại liên, chiếc Shiden lảo đảo dữ dội, lộn nhào liên hồi, và đâm đầu xuống đất với một tiếng nổ khủng khiếp.

Mấy phút sau, một phi công địch khác lướt xuống với các họng súng rực lửa. Tôi khủng khiếp nhìn những viên đạn tung bụi dọc phi đạo và rót vô chiếc chiến đấu cơ còn đang di chuyển của Sugita. Sugita không thể nào tránh né nổi vì phi cơ của hắn vẫn còn ở trên mặt đất.

Đạn trúng vào các bình chứa xăng của chiếc Shiden khiến nó phát nổ và biến thành một trái cầu lửa. Lửa và khói cuồn cuộn tuôn về phía sau chiếc phi cơ vẫn còn chạy trên phi đạo. Không có chuyển động nào bên trong phòng lái. Tôi không thể tin vào mắt của mình. Viên phi công vĩ đại nhứt của Nhật Bản đã chết trước mắt tôi.

Sự hủy diệt chiếc phi cơ của Sugita đã cứu mạng sống của Matsumara. Những cuộn khói dày đặc của chiếc phi cơ bốc cháy đã bao che cho phi cơ của Matsumara, khiến chiến đấu cơ địch không nhìn thấy. (Sau chiến tranh Shoji Matsumara là một phi công phản lực cơ F.86 Sabre trong tân không lực Nhật Bản. Hắn chấm dứt các phi vụ thời chiến với việc bắn hạ 6 chiếc Hellcat và Corsair trong những ngày chiến đấu cuối cùng)
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #72 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 05:17:23 pm »

Đây là những ngày khủng khiếp. Các phi công đại tài nhứt của Nhật Bản lần lượt ra đi dưới hoả lực của đối phương. Hai tháng sau cái chết của Sugita, Kinsuke Muto, người đã chiến đấu với tôi ở Iwo Jima, cũng đã thiệt mạng với hơn 35 điểm chiến thắng.

Chúng tôi không thể giữ sự xúc động trước cái chết của Muto lâu dài, khi xảy ra cái chết của một trong những “Ace” vĩ đại nhứt của chúng tôi, một cái chết khiến tất cả các phi công sững sờ. Đại úy Naoshi Kanno, thuộc không đoàn Kanoya, đối diện định mạng gần Yaku Shima trong một chiến đấu cơ cuộn tròn lửa đỏ. Kanno nổi danh nhờ vào các thành quả chưa từng thấy trong việc chống lại loại oanh tạc cơ B.17 ở Nam Thái Bình Dương, với ít nhất 12 chiếc loại nầy bị bắn hạ trong tổng số 52 chiến thắng được xác nhận của ông. Ông là phi công đầu tiên tấn công trực diện bằng cách vừa lăn tròn vừa chúi xuống các pháo đài bay. Sau đó không lực Đức mới khám phá lối tấn công của ông và mang ra áp dụng.

Do đó, hiện thời bảng danh sách bao gồm các tên: Sasai, Ota, Nishizawa và những người khác được ghi thêm những tên tuổi lớn, Kanno, Muto và Sugita.

Bấy giờ tôi không được phép thực hiện các phi vụ chiến đấu trong thời gian ở Matsumara, là một “Ace” còn sống sót dẫn đầu tất cả các phi công khác. Những lời thỉnh cầu được lâm chiến với chiến đấu cơ Shiden của tôi luôn luôn bị đại tá Genda từ chối để rồi, cuối cùng ông ra lịnh cho tôi và Hatsuyo trở về Yokosuka. Vào tháng tư, với sự chán nản vì mệnh lệnh đặt tôi ra ngoài không trung, tôi trở về căn cứ mà tôi đã từng phục vụ trước đây.

Trở về Yokosuka, chúng tôi trải qua bốn mươi giờ mệt mỏi và mất ngủ trên xe lửa. Chúng tôi phải ngừng lại hơn hai mươi lần để đổi xe, bên ngoài các đô thị lúc ấy đang nhận sự trừng phạt nặng nề của oanh tạc cơ và chiến đấu cơ địch. Chúng tôi lướt qua những khung cảnh hoang tàn, đổ nát, dọc theo thiết lộ.

Nhưng chúng tôi đã kinh ngạc khi nhìn thấy thành phố hải quân to lớn Yokosukua vẫn còn nguyên vẹn. Thật lạ lùng, người Mỹ đã tránh né Yokosuka, trong khi hơn 100 thành phố khác bị họ thiêu rụi và san bằng, nhiều nơi không có giá trị chiến lược nếu được so với thành phố được xem là pháo đài hải quân nầy. Có lẽ Yokosuka không còn một chiến hạm hoặc hàng không mẫu hạm nào để làm mục tiêu cho phi cơ địch dội bom. Tôi chỉ thấy loại ca nô nhỏ chạy ngang chạy dọc trong hải cảng vĩ đại để diễn tập. Đây là những chiếc ca nô giống như loại phi cơ Kamikaze. Mỗi chiếc đều chất đầy chất nổ với nhiệm vụ đâm đầu vô chiến hạm địch để cùng hủy diệt. Một lần nữa Nhật Bản phải trả một cái giá rất đắt. Nhưng có bao nhiêu người Nhật lái loại ca nô nhỏ bé nầy ?

Hải quân cấp cho chúng tôi một căn nhà ba phòng gần phi trường Oppama, ở phía bắc Yokosuka. Đời sống của chúng tôi thiếu thốn mọi bề. Hatsuyo đã xoay sở hết cách trên số thực phẩm yếu kém của chúng tôi. Thức ăn dành cho sĩ quan và binh sĩ không khác gì nhau. Tất cả hợp tác xã và các trung tâm trao đổi độc lập khác trống rỗng hàng hoá từ lâu. Hầu hết các tiệm buôn trong thành phố đều đóng cửa. Mặc dù thoát khỏi các cuộc không tập nghiền nát như đã xảy ra ở các thành phố khác, Yokosuka cũng ảm đảm và suy nhược. Nhiều người có vẻ đói ăn bước nặng nhọc trên đường phố.

Oanh tạc cơ B.29 vẫn tiếp tục đến xứ sở chúng tôi, số lượng đông đảo hơn, mang bom nhiều hơn.

Khắp nước Nhật rúng động bởi các cuộc không tập Đông Kinh đã xảy ra vào đêm 10 tháng ba. Hơn 19 dặm vuông của thành phố bị san bằng. Theo tin tức, có hơn 130.000 người thiệt mạng.

Nguyên thủy, Lục Quân lãnh trách nhiệm nhăn chặn các oanh tạc cơ địch, nhưng không bao giờ hoàn tất nhiệm vụ. Hiện tại, trách nhiệm bảo vệ quê hương nằm hoàn toàn trong tay hải quân. Mỗi ngày chiến đấu cơ của chúng tôi đều đụng độ với oanh tạc cơ B.29, và mỗi ngày hiệu năng mỗi giảm đi. Phi công chúng tôi đã tận lực, nhưng tận lực chưa đủ để chống các siêu pháo đài bay. Từ Atsugi gần Yokosuka, các chiến đấu cơ Raiden cất cánh thực hiện nhiều phi vụ nghinh chiến pháo đài bay B.29 với vài kết quả khả quan trong một giai đoạn ngắn. Sau đó, địch quân tung chiến đấu cơ Mustang đông đảo trong các cuộc không kích vào ban ngày. Chiến đấu cơ Raiden bó tay trước những chiếc Mustang vượt trội nhiều mặt. Hầu như mỗi ngày đều có chiến đấu cơ mới của chúng tôi bị cháy, cánh đứt lìa, phi công thiệt mạng.

Trong cuộc tàn sát khủng khiếp nầy, một phi công sáng chói xuất hiện, một người có khả năng bay siêu việt. Trung úy Teimei Akamatsu, một phi công khác biệt hẳn với các đồng đội, khác biệt có thể nói như đêm với ngày. Một phi công chiến đấu không cần sách vở, một loại anh hùng rơm, ồn ào và luôn luôn vui vẻ. Akamatsu gia nhập hải quân trước tôi gần mười năm, nhưng thăng cấp chậm chạp nếu so với những phi công khác có cùng một thời gian phục vụ. Thật ra, hắn bị giáng cấp nhiều lần, và bị đe doạ cho giải ngũ vì lý do hạnh kiểm. Hắn ta vẫn không cải hoá, nhưng phải công nhận đó là một thiên tài trên không, và do đó, hải quân phải miễn cưỡng xử dụng hắn.

Hạnh kiểm của Akamatsu đã làm cho các sĩ quan thượng cấp của hắn muốn chết giấc. Trong các phi vụ, thay vì chờ đợi và nghe thuyết trình như những người khác, hắn nằm lì trong nhà điếm với một hệ thống thông báo riêng, và thường chạy như giông như gió ra sân bay trong một chiếc xe hơi cũ kỹ, một tay cầm lái, một tay cầm chai rượu. Trên không trung, hắn cũng làm loạn như ở dưới mặt đất, và đó là phi công duy nhứt đạt chiến thắng khi đụng độ với cả hai loại chiến đấu cơ Mustang và Hellcat. Với chiến đấu cơ Raiden trong tay, Akamatsu đã bắn rơi có hơn 10 chiếc cả hai loại phi cơ địch được coi là tuyệt hảo nầy, một chiến công khác khó thể với tới.

Akamatsu chiến đấu liên tục hơn sáu năm ở Trung Hoa, rồi sau đó chiến đấu khắp nơi trong khu vực Thái Bình Dương, và thường thường trở về căn cứ với chiếc phi cơ bị bắn tả tơi, vừa cười vừa la hét vang dội.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #73 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 05:18:02 pm »

Chính Akamatsu cũng không biết hắn đã bắn hạ được bao nhiêu phi cơ tất cả. Khi nhậu say, hắn đấm tay lên bàn và rống lớn rằng mình đã thổi bay xuống đất ít nhứt 350 phi cơ Đồng Minh. Hắn không bao giờ khoe khoang như thế khi còn tỉnh táo. Nhiều phi công khác từng chiến đấu với hắn và còn sống sót sau cuộc chiến đã điều chỉnh con số nầy xuống khoảng 50.

Tôi thường thấy Akamatsu đáp xuống Oppama vì thiếu xăng, không bay về tới Atsugi. Mọi người trên mặt đất lấy làm phấn khởi khi nhìn thấy hắn bước xuống phi cơ, dí mũi của hắn vô mấy lỗ đạn, và luôn luôn nhe răng cười. Thấy tôi hắn thét và chĩa nhiều ngón tay lên, cho biết con số phi cơ mà hắn đã hạ trong ngày hôm đó.

Đã hơn một lần Akamatsu cất cánh thực hiện một phi vụ gồm từ năm đến tám chiến đấu cơ, và hắn là phi công duy nhứt còn sống sót sau các trận đánh. Các chiến đấu cơ Mustang là những con mồi mà hắn khoái nhứt, và hắn tỏ ra kính nể chiến đấu cơ Hoa Kỳ thật lòng.

Akamatsu sống sót sau chiến tranh, hiện thời hắn làm chủ một nhà ăn nhỏ ở Kochi, thành phố sinh quán của hắn trên đảo Shikoku (lúc nầy là năm 1956, vài năm sau Akamatsu chết vì bệnh ung thư gan).

Căn cứ không quân Oppama là một phi trường thử phi cơ chính. Tôi không có cơ hội để chiến đấu trở lại, vì vị chỉ huy trưởng căn cứ cho rằng kinh nghiệm lâu năm của tôi có ích lợi trong việc thử nghiệm các loại phi cơ mới hơn. Tuy nhiên, tôi biết rằng chiến đấu nữa chỉ là vấn đề của thời gian. Bất kì ai có thể bay được, bất kì phi cơ nào cất cánh được đều sẽ quăng ra để chống lại hạm đội đổ bộ của địch quân.

Vào tháng sáu, tôi được lịnh trình diện căn cứ Nagoya để bay thử loại chiến đấu cơ mới. Đó là chiến đấu cơ Reppu, có tốc lực mau hơn bất kì loại phi cơ nào mà tôi đã từng bay thử trước đây. Với một động cơ cực mạnh và nhiều phương diện khác, có thể nói Reppu vượt xa mọi loại phi cơ của Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ, và theo các kỹ sư chế tạo, nó sẽ chiến đấu hữu hiệu dầu ở cao độ 40.000 bộ.

Tuy nhiên, các cơ xưởng Mitsubishi, sản xuất chiến đấu cơ Reppu, biến thành đống gạch vụn trước khi công việc sản xuất xúc tiến mạnh. Chỉ hoàn tất được 7 chiếc. Sau chiến tranh, phi công Hoa Kỳ có bay thử loại phi cơ nầy và họ đã tỏ vẻ kinh ngạc với sự nhanh nhẹn của nó.

Trước khi đi Nagoya, Hatsuyo khăng khăng bắt tôi phải hứa mua cho nàng một lưỡi dao găm nhỏ. Thành phố nầy nổi tiếng là nhờ có dao găm và kiếm tốt. Khi tôi trở về Hatsuyo lặng lẽ ngắm nghía lưỡi dao mà tôi vừa trao, rờ rẫm bề lưỡi một cách cẩn thận. “Saburo, nó không bén.” Nàng nhìn tôi. “Ngày mai, anh có thể đem con dao đi Oppama mài cho bén hơn không ?"

Thái độ trang nghiêm của nàng khiến tôi giựt mình. Tôi hỏi: “Em muốn dùng con dao nầy để làm gì ?”

Nàng nắm lấy tay tôi và nhìn thẳng vô mắt tôi. “Anh là đời sống của em, Saburo” nàng dịu dàng nói. “Đối với em, anh là mọi thứ trên quả đất nầy. Chỉ một việc duy nhứt mà em sẽ làm một khi anh chết…”

Nàng không nói thêm nữa, và tôi đã hiểu nàng muốn nói gì. Ngày hôm sau tôi mài lưỡi dao trên một cục đá bùn cho đến khi nó sắc như một lưỡi dao cạo. Đêm đó, Hatsuyo thử lưỡi dao bằng cách cắt nhè nhẹ trên giấy lụa. “Tốt lắm rồi,” nàng phê bình, rồi nhét dướt giây lưng kimono của nàng. Chúng tôi không bao giờ bàn lại vấn đề nầy.

Khắp cả nước Nhật chịu đựng nỗi thống khổ còn hơn sự đau đớn và khủng khiếp của các trận oanh tạc. Quốc gia đã phân tán, các đô thị nằm suy nhược, hoi hóp như một bị một bàn chân khổng lồ dẫm lên. Ngày cuối cùng sắp xảy ra, không ai hồ nghi điều nầy, và cuộc chiến đấu sắp di chuyển đến đất nước của chúng tôi. Không thể nào có chuyện đầu hàng. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến người cuối cùng.

Vào ngày 6 tháng tám, các tin tức về một trái bom vĩ đại và khủng khiếp được thả xuống Hiroshima, sau nầy mới được biết đó là một trái bom nguyên tử, đã khiến cho tất cả các phi công ở Oppama sững sờ.

Rồi đến quả đấm của Nga Sô qua cuộc đổ bộ ở Mãn Châu, hầu như liền tiếp ngay sau trái bom nguyên tử.

Kế nữa là trái bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki. Đầu óc của tôi mờ mịt trước sự tàn phá không tưởng do người Mỹ gây ra. Tất cả đã vượt quá giới hạn của niềm tin. Tất cả không thể là sự thật, nhưng đó là sự thật.

Lúc 3 giờ trưa ngày 13 tháng tám, tất cả sĩ quan ở căn cứ Oppama được triệu tập vội vã đến tham dự một buổi họp mật trong văn phòng của Chỉ Huy Trưởng. Vị sĩ quan chỉ huy trưởng của chúng tôi có vẻ xanh xao và xúc động. Ông hầu như không thể đứng được nên phải dựa vào bàn giấy. Ông cất tiếng một cách yếu ớt, giọng nói ngập ngừng.

“Những gì tôi muốn nói với các bạn có tầm mức quan trọng tột cùng,” ông bắt đầu, “và tuyệt đối giữ bí mật. Tôi tin cậy vào sự ngay thẳng của các bạn, với tư cách là những sĩ quan của Hải Quân Hoàng Gia, trong việc giữ kín tin tức nầy một cách nghiêm ngặt.”

“Nhật Bản,” tới đây giọng ông xúc động, “đã quyết định chấp nhận các điều kiện của kẻ thù. Chúng ta sẽ tuân theo tuyên ngôn Postdam.”

Ông nhìn chúng tôi với đôi mắt trống rỗng. “Lịnh đầu hàng có thể được công bố bất cứ lúc nào. Tôi muốn tất cả sĩ quan tận lực hợp tác với tôi. Trật tự phải được duy trì tại căn cứ nầy. Có thể, những người nóng tánh sẽ từ chối chấp nhận quyết định đầu hàng. Chúng ta không thể nào để cho binh sỹ của chúng ta vi phạm bất cứ tình trạng nào mà quốc gia chúng ta đã chấp nhận. Hãy nhớ, và không bao giờ được quên, rằng mệnh lệnh của Thiên Hoàng là tối thượng.”
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #74 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 05:18:54 pm »

Giống như một trái bom nổ giữa chúng tôi, và không một người nào động đậy. Chúng tôi đứng như trời trồng, không thể tin nổi. Chúng tôi biết ngày cuối cùng sẽ đến, nhưng chúng tôi không ngờ nó sẽ đến như thế nầy. Nhiều người bước chậm chạp trong căn phòng, sửng sốt, nhiều người nhìn phía trước hoặc nhìn xuống sàn nhà, ngờ nghệch. Một số la hét, một số khác nguyền rủa.

Tôi không đủ sức suy nghĩ hoặc thốt nên lời. Tôi bước ra ngoài, trong sương mù, băng ngang qua sân bay, mắt nhìn thẳng. Tôi muốn được gần chiếc phi cơ của tôi, và tôi đứng dựa vô chiếc Zero một cách suy nhược.

Một người bạn thân của tôi, thiếu úy Jiro Kawachi, bước đến bên tôi. Trong nhiều phút, chúng tôi đứng lặng yên.

Đã vượt qua rồi.

Chúng tôi đã thua.

Nhật Bản sắp “đầu hàng”.

“Saburo”. Tôi nhìn lên. “Saburo, việc nầy… việc nầy đúng là kết thúc rồi,” Kawachi nói. “Chúng ta còn ít thời giờ. Chúng ta nên chiến đấu với nhau một lần nữa. Một cuộc chiến đấu cuối cùng.”

Hắn đưa chân đã phớt trên mặt đất. “Chúng ta không thể nào buông tay như vậy. Chúng ta phải gắng sức, một lần nữa.”

Tôi gật đầu. Hắn nói đúng. Chúng tôi ra lịnh cho nhân viên bảo trì chuyển hai chiếc Zero ra ngoài phi đạo, chuẩn bị cất cánh. Chúng tôi biết các pháo đài bay sẽ đến oanh tạc đêm nay. Thời tiết có vẻ đầy hứa hẹn.

Kawachi và tôi giữ kín kế hoạch, không nói cho phi công nào khác biết. Sau khi kiểm soát hai chiến đấu cơ , chúng tôi đi vô đài kiểm soát và ngồi chờ. Nhiều giờ trôi qua, chúng tôi không nói một tiếng nào. Chúng tôi đang nghĩ ngợi, hình ảnh những năm dài dằng dặc ở Trung Hoa lần lượt hiện đến.

Buổi chiều trôi qua, và chúng tôi vẫn ngồi chờ, hầu như xóa nhoà trong bóng tối. Gần nửa đêm, chiếc loa trên đài kiểm soát vang tiếng: “Báo động! Báo động! Một chiếc B.29 hiện đang bay về phía khu vực Yokosuka – Đông Kinh.”

Chúng tôi nhảy tưng lên, và chạy băng qua phi đạo đến phi cơ. Căn cứ bao trùm trong bóng đêm, không một ánh đèn. Những vì sao lấp lánh trên bầu trời đủ soi đường cho chúng tôi. Chúng tôi bước đến hai chiếc Zero, nhận thấy không phải chúng tôi là hai phi công duy nhứt thực hiện phi vụ cuối cùng. Ít nhứt cũng có tám chiến đấu cơ khác được xếp thành hàng bên cạnh phi đạo, xăng nhớt và võ trang đầy đủ.

Ngại với một con mắt sẽ không nhìn rõ trong đêm, tôi yêu cầu Kawachi hướng dẫn tôi rời khỏi mặt đất. Chúng tôi cất cánh lập tức, không nói với nhau một tiếng nào nữa. Chúng tôi biết nếu chần chờ, vị chỉ huy trưởng có thể cản trở chúng tôi. Ngay khi đã lên không, tôi bay sát phi cơ của Kawachi. Tám chiến đấu cơ Zero khác cũng đã cất cánh, bay thành hai hàng phía sau chúng tôi. Chúng tôi vượt thẳng lên, rồi lượn vòng ở cao độ 10.000 bộ trên vịnh Đông Kinh.

Trong nhiều phút, chúng tôi không nhìn thấy phi cơ nào khác trên bầu trời. Bỗng nhiên, súng đại bác của Kawachi lên tiếng, và tôi nhìn ra chiếc oanh tạc cơ to lớn đang bay ở phía Bắc. Tôi vượt lên song song với Kawachi và khai hỏa. Mỗi chúng tôi hiện thời có bốn khẩu đại bác và chúng tôi cần tập trung để chống lại chiếc phi cơ kinh khiếp nầy. Tôi chưa từng thấy chiếc oanh tạc cơ nào khổng lồ như vậy. Khi vừa xoay vừa bắn đủ một vòng, tôi thấy tám chiến đấu cơ khác ồ ạt xông tới chiếc siêu pháo đài bay. Chúng tôi giống như mấy con muỗi bu quanh một con bò mộng. Làm sao chúng tôi có thể hy vọng hạ được một chiếc phi cơ có kích thước quá sức tưởng tượng như vậy ?

Tôi lại lướt đến, và vừa vượt lên vừa rót đạn dưới hông của chiếc B.29. Hỏa lực đáp trả thật khủng khiếp. Những dòng đạn rót từ các pháo tháp to lớn trên chiếc B.29 và tôi cảm thấy chiếc chiến đấu cơ rùng mình nhiều lần khi các xạ thủ địch nhắm trúng. Bỗng nhiên chiếc siêu pháo đài bay quay đầu bay về phía Nam. Hiển nhiên, chúng tôi đã gây thương tích cho đối thủ. Hai chúng tôi gia tăng tốc độ khẩn cấp, mở cuộc truy đuổi, bỏ hẳn tám chiến đấu cơ khác lại phía sau.

Kawachi hơi chúi xuống, cắt thẳng vào vòng xoay rộng lớn của chiếc B.29, với tôi bay phía sau. Lần nầy mục tiêu đã rõ rệt, cả tôi lẫn Kawachi đều ấn cò súng và nhìn theo những vệt đạn soi thủng vô cửa kiếng dọc theo mũi của chiếc oanh tạc cơ. Bỗng nhiên tốc độ của phi cơ địch khựng lại và chúi xuống. Chúng tôi xoay lại và rót đạn đại bác theo chiếc phi cơ què quặt.

Chiếc oanh tạc cơ khổng lồ chúi xuống thật mau nhưng không nhìn thấy khói và lửa bốc ra. Nó không có vẻ gì bị hư hạ, nhưng vẫn tiếp tục mất độ cao một cách nhanh chóng, mũi hướng xuống mặt biển. Tôi cứ bay chúi theo sau đối thủ. Đảo Oshima thình lình xuất hiện thình lình xuất hiện trong đêm tối. Chúng tôi đang ở cách phía nam Yokosuka 50 dặm.

Chúng tôi lấy thăng bằng và vượt lên cao độ 1.500 bộ. Một ngọn núi lửa trên hòn đảo nổi khỏi mặt nước 1.000 bộ. Chúng tôi không dám liều lĩnh thêm vì ngại đụng chạm trong đêm tối, nhưng tôi có thể nhìn thấy chiếc oanh tạc cơ rơi xuống khá rõ ràng. Một cột nước trắng xoá nổi bật trên mặt biển, cách bờ biển phía nam Oshima nhiều dặm. Không đầy một phút, chiếc B.29 biến mất.

Trở về phi trường, chúng tôi đối diện với cơn thịnh nộ của vị chỉ huy trưởng, nhưng sau đó ông đã dằn xuống. “Tôi không trách các anh được,” ông nói “nhưng chúng ta không thể để cho những gì xảy ra đêm nay tái diễn nữa. Từ bây giờ về sau, tất cả phi cơ đều phải ở trên mặt đất.”

Ông cho tôi biết ở phi trường Atsugi đang xảy ra những vụ bạo động dữ dội, gần như là một cuộc nổi loạn. Đó là căn cứ chiến đấu cơ Raiden, đơn vị của trung úy Akamatsu. Nhóm phi công ở đây không chấp nhận ý kiến đầu hàng, và họ định đưa tất cả phi cơ của họ lên không. Họ mất trí, bất chấp các sĩ quan, nhứt quyết không đầu hàng và sẽ chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Lực lượng tăng viện được đưa đến để dập tắt cuộc nổi loạn, và trật tự chỉ được vãn hồi sau khi cuộc đầu hàng được công bố nhiều ngày.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #75 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 05:19:33 pm »

Sự hủy diệt của chiếc oanh tạc cơ địch được giữ bí mật nhiều năm, và không có hồ sơ nào ghi lại chuyến bay đêm đó của chúng tôi. Và dĩ nhiên, không có phi công nào tự nhận đã hạ được chiếc B.29. Đây là tiết lộ đầu tiên của tôi liên quan đến trận không chiến cuối cùng nầy. Chúng tôi không mảy may cảm thấy vui mừng lúc hạ được chiếc oanh tạc cơ ghê gớm đó. Lúc ấy không có việc gì đáng lưu tâm ngoại trừ việc chúng tôi sắp sửa giao nộp xứ sở, dân chúng tôi cho kẻ thù.

Nhiều binh sĩ khác đã lộ vẻ sửng sốt, nếu không nói là xúc động, khi buổi bình minh lịch sử của ngày 15 tháng tám năm 1945 hiện đến. Chiến tranh đã kết thúc. Trong mọi văn phòng, các sĩ quan cao cấp thiêu hủy hồ sơ và tài liệu. Binh sĩ đi vòng quanh, ngồi trên nền nhà hoặc trên mặt đất phía bên ngoài, như ngây như dại.

Đúng trưa hôm đó, chúng tôi nghe Thiên Hoàng đích thân ban lịnh đầu hàng xuống các lực lượng võ trang Nhật Bản. Hai ngàn quân dân các cấp ở căn cứ Oppama đứng nghiêm chỉnh trên phi trường. Hầu hết chúng tôi chưa bao giờ được nghe tiếng nói của Thiên Hoàng. Nhiều người đã bật khóc.

Bỗng nhiên tôi nhớ đến Hatsuyo! Nàng sẽ nghĩ gì ? Nếu nàng nghe được tiếng nói được truyền thanh của Thiên Hoàng, nàng sẽ nghĩ rằng tôi đã chết và…
Tôi không nghe thêm nữa, tôi chạy khỏi chỗ đứng. Không có một chiếc xe hơi nào. Tôi chụp ngay một chiếc xe đạp và đạp như giông như gió về ngôi nhà nhỏ bé của tôi. Chỉ trong một vài phút tôi về đến nơi. Tôi nhảy khỏi xe đạp ngay trước khi nó ngừng lại. Tôi tung cửa la gọi Hatsuyo. Nàng chạy ra khỏi phòng và nhào vô đôi tay tôi. Chúng tôi ghì chặt nhau trong nhiều phút, không thể thốt nên lời.

Cuối cùng, nàng ngước đầu lên. “Có phải đúng là anh không, Saburo ?” Nàng thì thầm. Tôi gật đầu.

“Ô! Anh yêu,” nàng kêu lên. “Khi em nghe, em đã khóc như một đứa trẻ. Có thật chấm dứt rồi không ? Đánh nhau… những trận bom, tất cả không còn nữa ?”

Tôi gật đầu nhè nhẹ.

“Em không cần biết cái gì đã xảy ra, Saburo. Em không chú ý! Anh yêu, anh đã thắng tất cả các trận đánh của anh, cho dù Nhật Bản đã thua”.

Một ánh sáng bừng lên trong đôi mắt của nàng khi nàng nhìn tôi. “Anh, anh sẽ không bao giờ chiến đấu lại nữa!” nàng thì thầm. “Hiện thời tất cả đã vượt qua hết rồi! Không bao giờ, không bao giờ!”

Bỗng nhiên nàng lùi lại và rút con dao găm dưới giây lưng.

“Em sẽ không bao giờ cần tới thứ nầy nữa!” nàng vừa kêu lên vừa liệng con dao xuống nền nhà.

Con dao găm lăn long lốc ngang qua nền phòng và ngừng lại trong một góc.

Cuộc đời của viên phi công đại tài của Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ II đã kết thúc một cách bình thãn vào ngày 21 tháng Chín năm 2000, do một cơn đau tim trong một buổi trò chuyện với một sỹ quan cao cấp của Hải Quân Mỹ, ông thọ 84 tuổi. Đám tang của ông được cử hành long trọng ở căn cứ hải quân Atsugi.

HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM