Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:56:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Căn cứ quân sự Cam Ranh  (Đọc 531049 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #300 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2011, 05:28:45 pm »

Những trang chưa biết trong biên niên sử của hạm đội Thái Bình Dương


V.A.Karev trong thời gian kiểm tra phân đội trinh sát tại Cam Ranh (1987).


Ảnh: Chuẩn đô đốc về hưu V.A.Karev hiện nay.

(Bài của chuẩn đô đốc Karev V.A. đăng trong báo "Tôi phục vụ Tổ quốc" №9(33) tháng 10-11 năm 2010 xuất bản tại Vladivostok. Khi đăng lại trên báo điện tử có chỉnh sửa nhỏ.)

Nguồn: nhatnam.ru

Karev Vladimir Anisimovitch, sinh ngày 9.3.1945 tại thành phố Vladivostok, chuẩn đô đốc hồi hưu, Phó chủ tịch thứ nhất Hội CCB trinh sát hạm đội Thái Bình Dương "Dozor" («Дозор» - "Tuần tra"), thành viên Hội hữu nghị với Việt Nam vùng Primorskii, thành viên Tổ chức xã hội liên vùng các CCB trong chiến tranh Việt Nam MOOVVV (Межрегиональная общественная организация ветеранов войны во Вьетнаме- МООВВВ).
Trong thời kỳ 1969-1973, chỉ huy đội trinh sát vô tuyến thuộc nhóm đặc nhiệm OSNAZ (ОСНАЗ) -  thượng úy Karev V.A. trên các tàu chiến của Lữ đoàn tàu trinh sát đặc nhiệm độc lập: các MRZK (МРЗК - Mалый разведывательный корабль, tàu trinh sát cỡ nhỏ) như "Aneroid", "Izmerichel", các SRZK (СРЗК - Средний разведывательный корабль, tàu trinh sát cỡ vừa) như "Gavriil Sarytchev", MZRK "Kursograf" tham gia vào các chiến dịch hành quân trinh sát trong khu vực tác chiến của Không quân và Hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương (khu vực đảo Guam - căn cứ không quân của lực lượng Không quân chiến lược Mỹ), trong biển "Nam Trung Hoa", vịnh Bắc Bộ, thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt cảnh báo sớm cho lực lượng Phòng không nước Việt Nam DCCH về các phi vụ không kích của máy bay Mỹ.

"Trong bộ phim quen thuộc thời xô viết "Thanh kiếm và lá chắn" một viên tướng, khi nói về tình báo viên (đó là Iohan Vais), đã nói như sau: "Đó là những anh hùng mà người ta không cho phép nói đến". Và thực sự số phận của rất nhiều tình báo viên chúng ta chỉ biết được sau nhiều thập kỷ. Có lẽ chúng ta cũng sẽ không biết về Richard Sorghe nếu như ở nước ngoài đầu những năm 196x người ta không ra một bộ phim về ông ấy.
Biên niên sử hạm đội Thái Bình Dương của chúng ta bây giờ cũng đã được soi sáng tương đối đầy đủ. Nhưng vẫn còn những khoảng trống thời kỳ "chiến tranh lạnh", khi hạm đội Hải quân Xô Viết trở thành hạm đội tên lửa - hạt nhân và có mặt trên không gian các đại dương của thế giới...."

........
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2011, 11:27:19 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #301 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2011, 08:59:53 pm »

(tiếp)


Sơ đồ "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ".

"...Và chúng ta còn ít biết về hoạt động trinh sát của hạm đội TBD, thời gian đó đang thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu không phải là tác chiến trực tiếp nhưng có tính chất chiến lược. Và còn rất nhiều những trinh sát viên khiêm tốn, những người mà vợ họ cũng không biết chồng mình thực sự làm gì thời gian ấy.
Tôi không đặt nhiệm vụ kể lại chi tiết về hoạt động trinh sát này. Nó đã được mô tả hoàn toàn đấy đủ trong cuốn sách của cựu Chủ nhiệm Trinh sát Hải quân Xô Viết phó đô đốc V.M.Fedorov "Trinh sát hải quân: lịch sử và thời đại hiện nay". Đây đơn giản chỉ là câu chuyện về một trong những thời kỳ hoạt động trinh sát của hạm đội TBD, được viết trên cơ sở các tin tức, lấy từ các nguồn chính thức, hồi ức của các bạn chiến đấu của tôi và hồi ức cá nhân của tôi. Chúng ta đang nói về hoạt động trinh sát của các tàu hạm đội TBD trong khu vực chiến sự tại Việt Nam và biển "Nam Trung Hoa" giai đoạn từ tháng 4 năm 1964 đến 31 tháng 12 năm 1974. Hơn 10 năm - cũng bằng cả thời gian cuộc chiến tranh Afganistan của chúng ta. Nhưng đây là chiến tranh Việt Nam. Là cuộc xâm lược của Mỹ chống lại Bắc Việt Nam (khi ấy là VNDCCH).
Xin những người bạn chiến đấu của tôi hãy tha thứ cho tôi, họ cũng có những hồi ức của họ về cuộc chiến tranh này. Có thể một số chi tiết và sự kiện tôi sẽ không miêu tả. Nhưng điều quan trọng - tất cả chúng ta cùng một dòng máu. Chúng ta đều đã vượt qua lò lửa chiến tranh Việt Nam và đã không làm hoen ố lá cờ của hải quân chúng ta.
1. Tất cả bắt đầu từ chỗ nào.
Tháng 1 năm 2010 - đã là 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Việt Nam, nghĩa là từ 1950. Trải qua 5 năm kể từ khi Egorov và Kantaria cắm Lá Cờ Chiến Thắng trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức, còn trên boong tàu tuần dương hạm Mỹ "Missuri" văn kiện đầu hàng của nước Nhật được ký. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã không chỉ là ngày kết thúc Thế chiến II, mà còn là ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà . Kể từ đó, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước được củng cố và phát triển mạnh. Đó là một tình hữu nghị được củng cố bởi mồ hôi và máu. Như vậy "tình cảm quốc tế vô sản" đối với chúng tôi không phải là một cụm từ trống rỗng. Năm 1954, toàn bộ đất nước của chúng ta đã vui mừng được tin về kết quả của hiệp định Geneva, chấm dứt cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp của nhân dân Việt Nam (1945-1954).
Sau đó, hơn mười lăm năm Liên Xô đã đảm bảo sự giúp đỡ mọi mặt cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống xâm lược Mỹ và chế độ bù nhìn Sài Gòn. Đó là một cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước Việt Nam.
Sự can thệp trực tiếp của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh đứng về phía chế độ Sài Gòn ở Nam Việt Nam đánh dấu sự khởi đầu của cái gọi là chính sách "hòa dịu". Toàn thế giới đã chấn động bởi sự "hòa dịu" này. Mọi người đều biết về những "con đường rải thảm" (việc ném bom các khu vực rộng lớn bởi máy bay B-52) đã làm cho các khu vực này thành một sa mạc không sự sống.
Các sáng chế mới của Mỹ (như bây giờ chúng ta gọi là "công nghệ mới") - napalm, đốt cháy toàn bộ các thành phố và làng mạc, chất làm rụng lá, phá huỷ và gây ô nhiễm các khu rừng rậm nhiệt đới, và cùng với các cánh rừng là những "Việt Cộng". Người Mỹ vẫn gọi các chiến sỹ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam như vậy, và chất làm rụng lá được họ gọi một cách bóng bẩy bằng từ "chất da cam". Các phương tiện truyền thông trên Thế giới đã lảng tránh những tấm ảnh lính Mỹ và Thủy quân lục chiến trên nền những người kháng chiến bị chặt đầu và bị xử bắn, những người già và trẻ em bị treo cổ trong các đợt hành quân càn quét.
Làng Mỹ Lai, tỉnh Quảng Ngãi, Miền Nam Việt Nam, bị hủy diệt bởi quân viễn chinh Mỹ, tại đây đã có hơn 500 người bị bắn chết, ngôi làng đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của thảm kịch của nước Việt Nam. Trung úy Calley, chỉ huy đại đội "C" lữ đoàn số 11 thuộc Sư đoàn bộ binh America quân đội Mỹ, người ra lệnh tiêu diệt dân làng Mỹ Lai, trở thành biểu tượng tàn ác của tất cả những người "Yankee" đã đến đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, việc đàn áp cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam Việt Nam đã thất bại. Quân đội giải phóng ngày càng mở nhiều cuôc tấn công, phá vỡ các chiến dịch càn quét của các lực lượng quân đội Mỹ-Sài Gòn. "Đường mòn Hồ Chí Minh" nổi tiếng trở thành huyết mạch cho việc cung cấp quân sự từ miền Bắc Việt Nam. Các lực lượng yêu nước miền Nam Việt Nam trong nửa cuối năm 1964, đang trên đà tấn công giải phóng? lãnh thổ họ kiểm soát có hơn một nửa dân số đất nước sinh sống. Như vậy đã nảy sinh mối đe dọa trực tiếp đến cuộc xâm lược của Mỹ chống lại VNDCCH.
2. Việc đó đã xảy ra thế nào
Liên Xô, như hồi đó người ta nói, trung thành với "nghĩa vụ quốc tế vô sản" của mình, đã cung cấp viện trợ to lớn cho VNDCCH. Mỗi tuần, các tàu của công ty vận tải biển Viễn Đông chất đầy vũ khí, trang thiết bị quân sự và hàng hóa khác rời cầu cảng Vladivostok đến cảng Hải Phòng. Việt Nam nhận được từ Liên Xô các máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không gồm tên lửa, pháo phòng không. Các chuyên gia quân sự Xô viết về không quân và phòng không không chỉ đào tạo phi công Việt Nam và các pháo thủ phòng không, mà họ còn tham gia vào chiến đấu trực tiếp và cũng chịu thiệt hại. Nhưng hồi đó người ta không được phép nói. Bởi lẽ Liên bang Xô viết không chính thức tham gia chiến tranh và các tàu dân sự của chúng ta không được trang bị vũ khí chống máy bay, sự bảo vệ duy nhất của họ là lá cờ lớn màu đỏ in hình búa liềm, sơn trên boong. Các phi công Mỹ phải nhìn thấy nó.
Đương nhiên, toàn bộ hệ thống trinh sát và tình báo quân sự Liên Xô đã tham gia trong những điều kiện như vậy, và trước hết, là Hạm đội Thái Bình Dương. Ngay trước khi xảy ra cuộc xâm lược của Mỹ chống lại VNDCCH, toàn bộ hệ thống tình báo vô tuyến trên tàu biển và trên bờ, khi giải quyết các vấn đề chung của việc trinh sát tình hình tại Thái Bình Dương, trọng tâm chính là phát hiện kịp thời những dấu hiệu tình báo về việc Mỹ chuẩn bị chiến tranh chống lại VNDCCH. Dựa trên phân tích về tình hình hiện tại, Bộ chỉ huy Liên Xô quyết định triển khai trước trong khu vực Vịnh Bắc Bộ các tàu trinh sát của hạm đội Thái Bình Dương, sau này đóng một vai trò rất lớn trong việc xác định các tình huống thực sự của cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ"..."

.......
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tư, 2011, 12:38:14 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #302 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2011, 10:47:42 pm »

(tiếp)


Các tàu trinh sát cỡ nhỏ MRZK của lữ đoàn tàu trinh sát số 38 hạm đội TBD tại bến số 37 cảng Vladivostok.


Thủy thủ đoàn "Ampermetr" tháng 6-1968.


SH-3 Sea King chụp từ tàu trinh sát "Ampermetr" 1966-1968.


Tàu sân bay Mỹ chụp từ tàu trinh sát "Ampermetr" 1966-1968.


Máy bay B-52 cất cánh từ Guam, chụp từ tàu trinh sát "Ampermetr" 1966-1968.

"... Trong thời gian đó các tàu trinh sát nằm trong thành phần tiểu đoàn tàu đặc nhiệm độc lập số 169 và có căn cứ đặt tại bến số 37 cảng Vladivostok, cạnh đài tưởng niệm Nevelskii. Tiểu đoàn trưởng trung tá hải quân A.I.Protsenko, và sau đó là trung tá hải quân Plotkin. Đó là những tàu đánh bắt cá cỡ vừa và nhỏ được chuyển đổi, trang bị lại các thiết bị vô tuyến điện tử. Tiến hành trinh sát trực tiếp trên tàu, là các toán trinh sát vô tuyến thuộc đội kỹ thuật vô tuyến hàng hải độc lập số 19  (OMRTO - 19-го отдельного морского радиотехнического отряда). Các toán trưởng tự hào gọi mình là "các ẩn sĩ". Toán (đến 20 người) có khả năng chặn bắt thông tin vô tuyến của gần như tất cả các loại thông tin liên lạc, định vị chúng, tiến hành công tác trinh sát kỹ thuật vô tuyến bằng các trạm định vị vô tuyến. Các trinh sát viên được yêu cầu phải phân biệt trực quan được các mục tiêu trên không và trên mặt nước theo hình dạng của chúng. Khi hoạt động chiến đấu, các tàu này treo cờ tàu chuyên ngành thủy hải văn của Hải quân Liên Xô, các nhân viên mặc thường phục. Truyền thuyết chính là ở chỗ đó. Các chuyến ra khơi của các tàu từ căn cứ được thực hiện bí mật, chủ yếu là vào ban đêm. Các con tàu đó lặng lẽ đứng ở bến tàu số 37, nhỏ bé mong manh, không gợi nên cho ai sự nghi ngờ.
Những năm đầu tiên Mỹ xâm lược chống lại Việt Nam đã cho thấy hiệu quả cao của trinh sát điện tử hàng hải. Xét về tính toàn vẹn đầy đủ và giá trị của thông tin khai thác được thì nó vượt xa tất cả các loại trinh sát khác. Và nó sở hữu một đặc tính chất lượng không thể thiếu - tính kịp thời. Hầu như trong thời gian thực Bộ tham mưu Hạm đội Thái Bình Dương, Tổng cục trinh sát (tình báo) luôn nhận được báo cáo tình báo hàng ngày từ nơi có chiến sự. Giống như ngày hôm nay ta xem chương trình truyền hình "Thời sự". Nhờ có năng lực như thể không vơi cạn của Chủ nhiệm Trinh sát mới được bổ nhiệm của Hạm đội Thái Bình Dương - đại tá hải quân N.P.Sotnikov (sau này là chuẩn đô đốc), người đã làm việc một cách xuất sắc để nâng cao tính tích cực trong hoạt động của trinh sát hải quân, và cũng còn vì tính tất yếu khách quan, tất cả đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo quân sự của đất nước ta ra quyết định thành lập, lần đầu tiên trong biên chế Hải quân Liên Xô, các đơn vị tàu trinh sát.

Ngày 1 tháng 10 năm 1969 trên cơ sở đội trinh sát kỹ thuật vô tuyến hàng hải độc lập số 19 và sát nhập thêm tiểu đoàn tàu đặc nhiệm số 169 OSNAZ, đã thành lập nên lữ đoàn tàu đặc nhiệm OSNAZ độc lập của hạm đội Thái Bình Dương bao gồm: 15 tàu trinh sát, đội trinh sát vô tuyến và trinh sát kỹ thuật vô tuyến hàng hảisố 19 với 10 toán đặc nhiệm cơ động OSNAZ và căn cứ trên bờ số 2003. Trong thành phần của lữ đoàn độc lập có: các tàu trinh sát cỡ trung RZK "Gavriil Sarytchev","Hải đồ","Phương vị", các tàu trinh sát cỡ nhỏ "Thủy văn","Aneroid","Kursograf","Izmerichel","Protraktor","Ampermetr","Barograph","Ghidrofon","Deflektor", "Kirby", "Ungo", "Usatch". Đánh giá theo tên gọi, không hơn không kém, cũng chỉ là một lữ đoàn tàu thủy văn. Chỉ huy lữ đoàn đầu tiên được bổ nhiệm là đại tá hải quân Dimitri Timofeevitch Lucas, một cựu chiến binh của Thế chiến II. Nhờ những nỗ lực của ông, lữ đoàn đã trở thành trường học thực sự của các chủ nhiệm trinh sát tương lai của hạm đội và Hải quân Liên Xô, các lữ đoàn trưởng mới, các chỉ huy mới của các tàu và các bộ phận trinh sát Hạm đội Thái Bình Dương. Nhiều người trong số họ đã vượt qua lò lửa của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trong thời gian từ tháng 4 năm 1964 đến 31 tháng 12 năm 1974 lữ đoàn tàu trinh sát căn bản thường trú trong biển "Nam Trung Hoa", Vịnh Bắc Bộ và đảo Guam tại các vị trí cơ động, ngoài việc giải quyết vấn đề đặc biệt của mình, còn thực hiện đảm bảo chiến đấu (trinh sát) cho hoạt động tác chiến của các phân đội phòng không Liên Xô tại lãnh thổ Việt Nam và trợ giúp quốc tế cho những người anh em Việt Nam. Họ thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Trực tiếp theo dõi các nhóm tàu sân bay xung kích và chống ngầm, xác định các khu vực cơ động của chúng;
- Cảnh báo sớm cho Bộ chỉ huy Hải quân Liên Xô và Hạm đội Thái Bình Dương về các máy bay trên boong đang chuẩn bị xuất kích, và các chuyến xuất kích của chúng vào Việt Nam - xác định chiến thuật sử dụng máy bay trên tàu sân bay và hoạt động của tàu chiến Mỹ phong tỏa bờ biển Việt Nam.

Ngoài ra, một chiếc tàu trinh sát, hoạt động ở vị trí ba dặm cách vịnh Apra (đảo Guam), nơi người Mỹ đặt căn cứ cho hải đoàn tàu ngầm hạt nhân số 15 trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo "Polaris Poseidon", ngoài công việc chính (phát hiện hoạt động của các SSBN của Mỹ), còn phát hiện các chuyến bay của các máy bay ném bom chiến lược B-52 từ căn cứ không quân Andersen và theo dõi tiếp tục chuyến bay của chúng cho đến các mục tiêu trong lãnh thổ Việt Nam. Độ dài thời gian của chuyến bay là khoảng 6 giờ, nhưng tới thời gian ấy hệ thống phòng không Việt Nam đã được cảnh báo bởi đường truyền tin cực nhanh từ con tàu thông qua Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô và sau đó đển các đơn vị phòng không tại Việt Nam...."



Căn cứ KQ Andersen.


Cảng Apra - Guam.
...........
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tư, 2011, 11:06:31 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #303 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2011, 12:36:57 am »

(tiếp)


Karev V.A. toán trưởng OSNAZ tàu trinh sát "Aneroid" (1969).

"... Trong giai đoạn 1964-1974 trong khu vực chiến sự tại Việt Nam đã có tất cả 17 tàu trinh sát của đơn vị tham gia hoạt động, thực hiện 94 cuộc hành quân mà độ dài mỗi chiến dịch như vậy là từ 3-4 tháng.

Sự xuất trận đầu tiên của các tàu của chúng tôi diễn ra ngày 2 tháng 8 năm 1964 trong cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ". Khi đó, trong Vịnh Bắc Bộ đã có bảy tàu chiến của hạm đội 7 Mỹ xâm nhập lãnh hải VNDCCH với mục đích khiêu khích, nhằm đánh lừa dư luận xã hội và truyền bá sự xâm lăng lãnh thổ VNDCCH. Để biện minh cho cuộc xâm lược, Mỹ đưa ra tuyên bố cáo buộc rằng Bắc Việt Nam đã tấn công bằng tàu phóng ngư lôi vào tàu khu trục Maddox của Mỹ. Chính phủ VNDCCH kịch liệt bác bỏ cáo buộc này. Tham mưu trưởng liên quân và Tư lệnh Hải quân Mỹ đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính xác thực của sự kiện này. Khi đó, từ tàu MRZK "Protraktor" của chúng ta (thuyền trưởng thiếu tá hải quân, N.P.Fadeev, chỉ huy toán đặc nhiệm OSNAZ đại úy hải quân Levushkin V.I.) đã có báo cáo tình báo về Bộ tham mưu Hạm đội Thái Bình Dương rằng, thực sự, tàu khu trục Maddox đang tiến hành hoạt động trinh sát và đã xâm phạm lãnh hải VNDCCH. Mặc dù vậy, máy bay Mỹ ngày 5 tháng 8 năm 1964 đã ném bom lãnh thổ VNDCCH. Ngày 10 tháng 8 Quốc hội Mỹ thông qua cái gọi là "Nghị quyết vịnh Bắc Bộ", cho phép các lực lượng vũ trang Mỹ hành động như vậy. Nghị quyết đó đã cho Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson quyền sử dụng lực lượng quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á. Cuộc xâm lược của Mỹ chống lại Bắc Việt Nam đã bắt đầu như thế. Tuy nhiên, chính phủ Xô viết, dựa trên thông tin tình báo đáng tin cậy, đủ điều kiện coi những hành động này là cuộc xâm lược trực tiếp.

Ghi chú: Đại tá hải quân về hưu Viktor Levushkin, đang tiếp tục làm việc trong bộ phận trinh sát của Hạm đội Thái Bình Dương, đã cố gắng để hợp pháp hóa tình trạng của mình như là một cựu chiến binh của cuộc xung đột vũ trang tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ Bộ Quốc phòng LB Nga và Bộ chỉ huy quân sự khu Primorye chỉ có câu trả lời: "Không được phép!" và cũng như vậy là các câu trả lời mà hàng trăm thành viên thủy thủ đoàn tàu trinh sát của Hạm đội Thái Bình Dương có mặt trong vùng chiến sự Vịnh Bắc Bộ đã nhận được.

Từ thời điểm này các tàu trinh sát của chúng ta bắt đầu nhiệm vụ chiến đấu ở Vịnh Bắc Bộ về cơ bản là thường xuyên liên tục trong suốt thời kỳ xâm lược của Mỹ chống lại Bắc Việt Nam. Khu vực trinh sát chủ yếu - khu vực trung tâm hoạt động của đội hình đơn vị tác chiến số 77 (đơn vị tàu sân bay xung kích hạm đội 7 Mỹ), hay như người ta hay gọi là "Yankee Station" Việc thay phiên tàu chúng tôi diễn ra trực tiếp trong khu vực. Việc này đã trở nên quen thuộc với người Mỹ đến nỗi họ coi rằng các tàu trinh sát của chúng tôi như là một thuộc tính không đổi đối với biên chế đơn vị của họ. Nhiệm vụ chính của các tàu trinh sát vẫn là cảnh báo kịp thời cho lực lượng phòng không Việt Nam về vô số các phi vụ của các máy bay cất cánh từ boong tàu sân bay, chặn bắt vô tuyến điện. Trong từng khoảng thời gian riêng biệt tại khu vực có đến tám tàu sân bay, còn nếu xét tất cả thì có đến 150 tàu chiến và tàu đảm bảo hậu cần-kỹ thuật...."

........
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #304 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2011, 02:33:15 am »

(tiếp)


Tài liệu nhận dạng phương tiện chiến tranh hải quân Mỹ của quân đội Xô viết thời kỳ chiến tranh Việt Nam.


Các thiết bị trinh sát kỹ thuật vô tuyến trên tàu trinh sát sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.


Tàu trinh sát "Ghidrograf".

"... Với việc hiện diện ngày càng tăng của lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam,  phạm vi của các nhiệm vụ càng mở rộng và được các tàu trinh sát chúng tôi giải quyết. Các hải cảng Nam Việt Nam như Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang trở thành các căn cứ và cơ sở trung chuyển lớn, thông qua đó diễn ra việc triển khai bộ binh và thủy quân lục chiến Mỹ trên lãnh thổ Nam Việt Nam. Vì vậy, các tàu trinh sát đã theo dõi quá trình các đơn vị đó triển khai và thực hành chiến đấu. Tháng Hai năm 1968, tại Việt Nam có 543.000 quân Mỹ (hơn 30% biên chế chiến đấu của quân đội Mỹ, khoảng 40% số máy bay chiến thuật, khoảng 70% biên chế chiến đấu của Thủy quân lục chiến, vv.). Tính đến lực lượng của Hạm đội 7 (35 nghìn người.) và máy bay có căn cứ tại Thái Lan và trên đảo Guam (45 nghìn người.), tổng số lính Mỹ ở Đông Nam Á đã vượt trên 600.000 quân. Ngoài ra, theo yêu cầu của Mỹ để tham gia vào chiến sự tại Nam Việt Nam còn kéo theo các đội quân nhỏ của các đồng minh của Mỹ (Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin, Australia và New Zealand).
 
Công tác đạt hiệu quả cao của các tàu trinh sát trong vịnh Bắc Bộ có một hệ quả quan trọng đối với các trinh sát viên - thủy thủ. Ngày 28 tháng 2 năm 1965 trong chuyến thăm của Chủ tịch HĐBT Liên Xô A.N.Kosyghin tại Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam đã bày tỏ sự cám ơn đặc biệt với Liên Xô vì sự cảnh báo đều đặn và kịp thời từ Moskva về các phi vụ không kích sắp tới từ các tàu sân bay và không quân chiến lược Mỹ. Sự thông báo sớm đã cho phép phía Việt Nam chuẩn bị trước cho việc phản ứng lại các cuộc tấn công đường không đó. Điều đó đã thực sự làm giảm bớt tổn thất của mình và gây ra những tổn thất đáng kể cho các máy bay Mỹ. Tại Vladivostok, khi A.N.Kosyghin quan tâm đến việc bằng cách nào chúng tôi đã có thể trợ giúp đáng kể cho phía nước bạn anh em, chủ nhiệm trinh sát hạm đội TBD chuẩn đô đốc N.P.Sotnikov đã báo cáo về kết quả phục vụ chiến đấu của các tàu trinh sát trong vịnh Bắc Bộ và ở gần đảo Guam. Tại đây, về kết quả chuyến hành quân của tàu trinh sát cỡ nhỏ "Ghidrofon" (toán trưởng OSNAZ là thượng úy V.Danilov), khi trở về căn cứ ngày 28 tháng 2 năm 1965, Kosyghin đã được nghe báo cáo từ chỉ huy tàu đại úy hải quân A.A.Plotnikov. Sau khi nghe báo cáo và tìm hiểu điều kiện sống các thủy thủ trong thời gian các chuyến hành quân dài ngày, Kosyghin đã ra chỉ thị chuẩn bị Nghị quyết của HĐBT Liên Xô về áp dụng chế độ khẩu phần đặc biệt cho các tàu trinh sát trong thời gian ở trên biển. Đó là những phân đoạn riêng và rực rỡ nhất trong hoạt động chiến đấu của các chiến sỹ trinh sát hải quân.

Ngày 2 tháng 6 năm 1967 tàu thủy Liên Xô "Turkestan" của công ty vận tải biển Viễn Đông (ДВМП), đang dỡ hàng tại cảng Cẩm Phả Bắc Việt Nam, đã bị bắn phá bởi máy bay cường kích trên boong tàu sân bay Mỹ. Thợ cơ điện Nicholai Rybachuk bị giết, 6 người bị thương. Một vụ bê bối quốc tế lớn đã chín muồi, bởi người Mỹ đã bác bỏ sự tham gia của họ vào vụ tấn công con tàu. Nhưng, như người ta đã hát trong một bài hát nổi tiếng: "nhưng người tình báo đã báo cáo chính xác". Toán trinh sát kỹ thuật vô tuyến của chúng tôi từ tàu trinh sát cỡ nhỏ GS-34 (toán trưởng - đại úy hải quân B.M.Mozzhukhin) chặn được cuộc trao đổi qua liên lạc vô tuyến của các máy bay cường kích Mỹ trên tàu sân bay và đã trình bày những thông tin không thể phủ nhận trên về các số hiệu của các máy bay thuộc phi đoàn trên tàu USS Midway, cả thời gian và địa điểm của cuộc không kích. Phía Mỹ đã buộc phải xin lỗi về vụ việc. Chỉ huy toán trinh sát vô tuyến, B.M.Mozzhukhin được trao huân chương "Sao Đỏ"...."

.........
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tư, 2011, 02:02:05 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #305 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2011, 01:17:48 pm »

(tiếp)
Ghi chú: Một số hình ảnh chiến dịch "EndSweep" của lực lượng đặc nhiệm 78 từ phía Mỹ (http://102msos.8m.net/operationendsweep.html).

As Operation End Sweep begins, following the Vietnam cease-fire in January, 1973, USS Fortify leads MINEFLOTONE out of Subic Bay on the way to waters off Haiphong, North Vietnam


Một trang báo Mỹ thời đó.


A towed Mark 105 sled detonates a sea mine off Haiphong on 9 March, 1973. This event, recorded by a Swept Mine Locator Camera, which each helicopter has installed in its tail, was the only time a Task Force 78 sweep caused ordnance to explode. Most mines self-sterilized or self-destructed.

"... Từ tháng năm 1972, người Mỹ bắt đầu chiến dịch thả thủy lôi ồ ạt phong tỏa các đường thủy dẫn vào các cảng Bắc Việt. Thực hiện thả thủy lôi là các máy bay trên tàu sân bay. Bắt đầu với các máy bay A-6 "Intruder" và A-7 "Corsair" từ các tàu sân bay "Kitty Hawk" và "Coral Sea", chỉ trong 8 tháng tiếp theo đã có hơn 11.000 trái thủy lôi Mk-36 và MK-52-2 được thả xuống. Chiến dịch thả thủy lôi có cường độ lớn nhất đã diễn ra tháng tám năm 1972, khi các máy bay trên boong 6 tàu sân bay Mỹ, bí mật thả các loại thủy lôi có hệ thống thủy âm mới và các thủy lôi từ tính trên các lối vào cảng Hải Phòng và ngay cả trên các luồng sông. Tại Hải Phòng, hàng chục tàu bị mắc kẹt. Chiến dịch này bị các chiến sỹ trinh sát vô tuyến tàu trinh sát cỡ nhỏ "Deflektor" (thuyền trưởng thiếu tá hải quân O.L. Kuchin, chỉ huy toán OSNAZ K.P.Chudin) khi đó đang ở trong Vịnh Bắc Bộ, phát hiện một cách kịp thời. Thông tin cũng đã được kịp thời báo về Bộ tham mưu Hạm đội Thái Bình Dương và Công ty vận tải biển Viễn Đông. Điều đó cho phép phòng chống sự phá hoại bằng thủy lôi các con tàu của chúng ta.

Tháng 12 năm 1972. Tại Paris, cuộc đàm phán giữa chính quyền Mỹ với chính phủ VNDCCH về chấm dứt ném bom và bắn phá lãnh thổ VNDCCH đang diễn ra. Cuộc hội đàm tiến hành trong bối cảnh tổn thất nặng nề của quân đội Mỹ và những đợt tấn công rộng khắp của các lực lượng vũ trang Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại VNDCCH đã tiếp nhận mẫu mới tổ hợp tên lửa phòng không của Liên Xô, cho phép bắn hạ trên độ cao lớn máy bay ném bom chiến lược B-52 và cũng có hiệu quả với các mục tiêu bay thấp.
Các phương tiện truyền thông thế giới đưa ra hình ảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi và phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Tại cuộc hội đàm Paris, các quan chức Mỹ đang tìm kiếm những điều kiện tốt nhất để rút quân danh dự ra khỏi Việt Nam. Đại bản doanh (Mỹ) muốn làm cho bộ chính trị hoảng sợ. Ngày 25 Tháng 12 năm 1972, bộ chỉ huy Mỹ bắt đầu đợt tấn công lớn nhất và quy mô nhất trong suốt chiến dịch tấn công đường không chống các thành phố VNDCCH là Hà Nội, Hải Phòng và các căn cứ quân sự của quân đội Việt Nam. Đại bản doanh định làm một cú bất ngờ. Khởi đầu chiến dịch được tiến hành trước giờ Giáng sinh, mà theo lệ thường thì người Mỹ không đánh nhau trong thời gian đó. Tham gia vào chiến dịch là tất cả các lực lượng máy bay Mỹ có tại khu vực Đông Nam Á.
Chỉ trong ngày đầu tiên các phi vụ xuất kích của các máy bay trên 7 tàu sân bay đã lên đến con số 1500. Tuy vậy lãnh đạo quân sự Xô viết và Việt Nam đã được thông báo kịp thời về các chuyến bay quy mô lớn từ tất cả các tàu sân bay. Nguồn thông tin - tàu trinh sát cỡ nhỏ "Kursograf" (thuyền trưởng O.D.Tulchinskii, toán trưởng OSNAZ đại úy hải quân V.G.Kozlov, thượng úy V.A.Karev). Con tàu nằm tại khu vực trung tâm vùng hoạt động của lực lượng tác chiến đặc nhiệm 77 hạm đội 7. Điều này cho phép chuyển toàn bộ lực lượng phòng không VNDCCH sang cấp sẵn sàng chiến đấu cao một cách kịp thời. Sau 12 ngày đêm, đã có 100 nghìn tấn bom được thả xuống các thành phố của Bắc Việt Nam. Đến lượt mình lực lượng phòng không VNDCCH đã bắn hạ 80 máy bay Mỹ trong đó có 23 máy bay B-52. Dưới áp lực dư luận xã hội và cũng vì tổn thất nghiêm trọng trong chiến tranh chính quyền Mỹ ngày 27 tháng 1 năm 1973 đã buộc phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và rút hoàn toàn quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Tháng 2-4 năm 1973. Người Mỹ sau khi kết thúc chiến tranh chống VNDCCH đã chuyển các hoạt động quân sự về khu vực Nam Việt Nam, rút tất cả các tàu sân bay về phía đó. Theo Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973, Hạm đội 7 Mỹ tiến hành rà phá bom mìn các luồng sông và lối vào cảng Hải Phòng. Chiến dịch này có tên gọi là "End Sweep". Trong thành phấn đơn vị quét mìn có tàu chở máy bay trực thăng "Okinawa" (kỳ hạm), các tàu đổ bộ có máy bay trực thăng - tàu dock với các máy bay trực thăng làm nhiệm vụ quét mìn, tàu đổ bộ, tàu quét mìn không nhiễm từ, tàu hộ tống và tàu hỗ trợ.
Tổng số các đơn vị hợp thành tham gia chiến dịch lên đến gần 50 tàu. Lực lượng chính giải quyết nhiệm vụ quân sự quét mìn - các máy bay trực thăng của TQLC "Sea Stallion" (CH-53) được trang bị máy quét mìn bằng từ trường và thủy âm, tàu quét mìn không từ tính (phi kim loại). Đồng thời đã triển khai hệ thống dẫn đường theo tọa độ 3 chiều có độ chính xác cao "Radist". Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tất cả các hạm đội trên thế giới có một chiến dịch quét mìn bằng máy bay trực thăng trên biển..."

...........
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tư, 2011, 01:56:20 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #306 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2011, 03:36:03 pm »

(tiếp)


USS "Bon Homme Richard" CV-31 trong vịnh Bắc Bộ ngày 2 tháng 11 năm 1964 (en.wiki).

"... Theo mệnh lệnh của Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô và Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương trên vùng biển "Nam Trung Hoa" và vịnh Bắc Bộ tại các khu vực bị rải thủy lôi của Hải Phòng, đã thành lập một đơn vị tác chiến đặt dưới quyền chỉ huy của Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tàu trinh sát số 38 Hạm đội Thái Bình Dương, đại tá hải quân D.T. Lukas, trong đó có các MRZK "Aneroid" (kỳ hạm), "Protraktor", "Kursograf", "Barograf", "Ghidrofon", tàu quét mìn trên biển MT-4 và MT-5 với sự đảm bảo bởi tàu chở dầu "Vladimir Kolechitsky". Mục tiêu chính của đơn vị này là:
- Theo dõi, phát hiện hoạt động của đơn vị quét mìn quân đội Mỹ, chiến thuật quét mìn, việc sử dụng các lực lượng và phương tiện quét mìn mới, khả năng tác chiến và đặc tính kỹ chiến thuật của các phương tiện rải mìn;
- Đánh giá kết quả rà phá và thông báo kịp thời cho các tàu Nga về mối đe dọa thủy lôi.
Bất chấp mối đe dọa thủy lôi - mìn rất nghiêm trọng, đơn vị đã thực hiện thành công những mục tiêu trên. Khi kết thúc chiến dịch "End Sweep" ban lãnh đạo quân sự Liên Xô và Việt Nam đã có dữ liệu đầy đủ về kết quả chiến dịch.
Vào giữa tháng ba năm 1973 tàu "Pioneer Marat Kazei" là tàu dân sự đầu tiên của Liên Xô rời khỏi Hải Phòng và trên đường ra khơi đã gặp MRZK "Kursograf". Việc đầu tiên mà các thủy thủ Liên Xô tàu dân sự trao cho các chiến sỹ trinh sát, đó là bản đồ bãi mìn, các luồng an toàn và các mảnh xác máy bay B-52 bị bắn rơi.
Ngày 31 tháng 12 năm 1974 tàu trinh sát cuối cùng (MRZK "Kursograf") rời Vịnh Bắc Bộ trở về căn cứ. Thiên sử thi "Việt Nam" của lữ đoàn đã kết thúc vẻ vang như vậy đấy. Và ngày 1 tháng 5 năm 1975 các thủy thủ - trinh sát viên đã vui mừng theo dõi trên truyền hình sự kiện giải phóng Sài Gòn, sự sụp đổ của chính quyền bù nhìn miền Nam Việt Nam và sự tháo chạy của người Mỹ bằng trực thăng từ các mái nhà của Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.

Trong các trận không chiến tại Việt Nam suốt thời kỳ chiến tranh, các máy bay trên tàu sân bay Mỹ đã bắn rơi 62 máy bay Việt Nam. Kỷ lục thuộc về tàu sân bay CVA-64 "Constellation" - 15 chiến thắng trên không. Vị trí thứ hai và ba - các tàu sân bay thế hệ thứ nhất: các máy bay tiêm kích từ tàu "Bon Homme Richard" (CV-31) bắn rơi 12 máy bay (2 Mig-21 và 10 Mig-17), từ "Midway" - 8 (2 Mig-19 và 6 Mig-17). Các phi công trên "Coral Sea" được ghi nhận thành tích hạ 5 Mig-17, từ tàu sân bay "Hancok" - 3, từ "Ticonderoga" - 1. Các biên đội trên các tàu "Oriskany" và "Intrepid" bắn rơi được một máy bay Mig-21 và một Mig-17. Tổn thất của các máy bay trên tàu sân bay Mỹ gồm có 526 máy bay cánh cố định và 13 trực thăng, chưa tính 193 máy bay cánh cố định và 270 máy bay trực thăng của lực lượng TQLC. 591 phi công Mỹ bị bắt làm tù binh (Các số liệu trên lấy từ ấn phẩm chính thức của Trung tâm lịch sử Hải quân thuộc lực lượng Hàng không Hải quân Mỹ «United States Naval Aviation 1910-1995» - Washington, 1997)..."

.........
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tư, 2011, 06:59:17 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #307 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2011, 04:58:09 pm »

(tiếp)


Một toán trinh sát vô tuyến tại bến số 37 cảng Vladivostok.


Karev và các đồng đội trên boong tàu "Kursograf" năm 1973.

"...Các thủy thủ trinh sát viên có gặp nguy hiểm trong vùng chiến sự không? Đương nhiên. Người Mỹ biết rõ tàu của chúng tôi, nhưng họ đã không đụng đến, bởi vì tàu của chúng tôi hoạt động trong vùng biển đặc quyền. Ngoài ra, có một quy tắc song phương bất thành văn: không đụng đến tàu trinh sát. Tuy nhiên, vẫn có những hành động khiêu khích đối với các tàu của chúng tôi như sau:
- Tháng 9 năm 1967, ở biển "Nam Trung Hoa", tàu trinh sát Hoa Kỳ "Bonner" đã thực hiện khiêu khích cố ý với MRZK "Anemometr" ("Kirby"). Trong trường hợp này cả hai con tàu đều không bị hư hại nghiêm trọng. MRZK "Kirby" bị cong tấm chắn sóng boong mũi của tàu;
- Năm 1968 tàu trinh sát Hoa Kỳ "Bonner" khiêu khích cố ý MRZK "Izmerichel" trong biển "Nam Trung Hoa" để ép nó ra khỏi khu vực trinh sát;
- 03 Tháng 10 năm 1969 MRZK "Ghidrofon" bị các tàu cao tốc tuần tra của quân đội Nam Việt Nam bắn trong vùng trinh sát ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam, gây ra một đám cháy trên tàu, một phần các thiết bị hư hại, nhưng không có thiệt hại về người. Toàn bộ thủy thủ đoàn đã thể hiện tấm gương về lòng can đảm và chủ nghĩa anh hùng trong hoàn cảnh đầy thách thức này, còn những người ưu tú nhất được trao huy chương "Chiến công";
- Tháng 12 năm 1969 MRZK "Protraktor" bị pháo kích bởi các tàu tuần tra Nam Việt Nam gần lãnh hải Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Cuộc tấn công đã làm bị thương vào chân thủy thủ A.N Lebedev. Con tàu đã bị 16 vết đạn trên mạn khô, và vẫn đi được ra biển, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ;
- Tháng Tư năm 1970. Khi cố gắng đuổi RZK "Phương vị" ra khỏi khu vực nó đang theo dõi các tàu sân bay, máy bay cường kích A-4 "Skyhawk" trên tàu sân bay đã thực hiện phóng bom vào hướng di chuyển của tàu ở phía mũi và đuôi tàu tại khoảng cách tới tàu là 1-2 kaben. RZK không bị trúng bom trực tiếp và không thiệt hại gì;
- Tháng 4 năm 1973 trong thời gian trinh sát việc quét mìn trong chiến dịch "End Sweep" một tàu kéo biển Mỹ đã mô phỏng động tác "taran" (đâm thẳng) vào RZK "Aneroid", lúc đó đang neo trên luồng biển tại khu vực có mìn với đèn báo hiệu neo đang bật. Tàu kéo lao tới chỉ cách mũi tàu của chúng tôi một vài mét, chạm vào cánh trục vít neo của RZK. Nhưng "đang chiến tranh, thì hãy như trong chiến tranh". Có một trường hợp là các thủy thủ của chúng tôi trên RZK 'Kursograf" đã kéo lên boong một thủy thủ Mỹ trên tàu tham mưu - chỉ huy "Blue Ridge" của hạm đội 7 vô tình rơi xuống biển. Vì việc này, họ nhận được một lá thư cảm ơn và quà tặng nhân danh tư lệnh hạm đội  7 của Mỹ. Có cả những trường hợp cứu nạn không được phép trong vùng biển "Nam Trung Hoa" những người tị nạn miền Nam Việt Nam. Nhiều việc đã xảy ra. Và mỗi người tham gia các sự kiện này có thể nói rất nhiều. Nhưng quan trọng hơn là sau hơn 35 năm từ các sự kiện ấy, cần hiểu được nó kết thúc thế nào

3. Tất cả đã kết thúc bằng cách nào.
Khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô đã ban hành bộ sách năm tập rất lớn "Cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam 1964-1975", trong đó hơn 70% dữ liệu đã được khai thác từ tin tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương. Trong công trình này có một tư tưởng chính như sợi chỉ đỏ xuyên suốt: không có bất cứ sức mạnh quân sự nào cho dù là của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới có thể bẻ gẫy ý chí của một dân tộc đấu tranh cho tự do, chủ quyền và độc lập của mình.
Thật không may, các nhà lãnh đạo Liên Xô hồi đó không hoàn toàn nhận thức rõ sự thật này. Hoặc họ đọc phải các báo cáo tình báo tồi. Nếu không, họ sẽ không lặp lại sai lầm của Mỹ, đưa cái gọi là "đạo quân có quân số hạn chế của quân đội Xô viết" vào Afghanistan bốn năm sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Cái giá của sai lầm này - sự mất mát vô tận và vô nghĩa về cả mặt này và  mặt kia, và mất đi cả một thế hệ quân nhân - chiến sỹ quốc tế. Không có cuộc thao diễn địa chính trị nào đáng giá nếu trong đó những đồng bào của chúng ta bị giết. Không có cuộc chiến tranh xâm lược nào dẫn đến chiến thắng của kẻ xâm lược.
Hơn 20 năm, nước Mỹ trải qua "hội chứng Việt Nam", bệnh tật, đuổi kịp và giết chết nhiều người Mỹ sống sót sau cuộc chiến, nhưng trở về nhà với một tinh thần đã đổ vỡ, hội chứng cũng xâm nhập vào nhiều gia đình người Mỹ bị mất con trong cuộc chiến này. Nhưng rồi tiếp tục đến các chính sách mới, không biết đến những bài học của Việt Nam, nhưng tin tưởng vào ưu thế toàn cầu của Mỹ trên thế giới. Và chính sách ấy đã bổ sung các ngôi mộ mới của những người lính chết ở Iraq và Afghanistan vào nghĩa trang Arlington tại Washington. Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan và Iraq sẽ kết thúc thế nào không phải là khó dự đoán.
Từ năm 1985, Liên Xô và sau đó là Nga, đã bước vào thời kỳ như thường gọi là cải cách quân sự, vẫn đang tiếp tục cho đến ngày nay. Binh đoàn tác chiến chiến dịch - chiến thuật của Hạm đội Thái Bình Dương được thành lập không lâu sau chiến tranh tại Việt Nam, đóng căn cứ tại Cam Ranh, đã chấm dứt sự tồn tại trong những năm 90 tồi tệ dưới thời ban lãnh đạo mới của nước Nga. Lữ đoàn tàu trinh sát 38 quang vinh - đã chuyển thành một tiểu đoàn với số tàu thậm chí còn ít hơn so với năm 1969....."

...............
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tư, 2011, 06:59:49 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #308 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2011, 12:22:43 am »

(tiếp)


Các sỹ quan đội trinh sát kỹ thuật vô tuyến hàng hải độc lập số 19 (chỉ huy trưởng, thiếu tá hải quân Surov A.V.), ảnh chụp năm 1974.

"...
Vâng, thế còn những gì xảy ra với những người tham gia trực tiếp vào chiến tranh tại Việt Nam?
Luật Liên bang "Về cựu chiến binh" ngày 12/10/1995 № 5-F3 Điều 3 "Cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu" có một phụ lục kèm theo danh sách các quốc gia, các thành phố, lãnh thổ và thời kỳ chiến tranh có sự tham gia của công dân Liên bang Nga, để xác định đủ điều kiện là cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu. Trong phụ lục này cho biết: "Hoạt động quân sự tại Việt Nam: từ tháng Giêng năm 1961 đến tháng 12 năm 1974, trong đó kể cả các thành viên các tàu trinh sát của Hạm đội Thái Bình Dương, thực hiện nhiệm vụ quân sự trong vùng biển Nam Trung Hoa".
Vậy thực sự là gì? Trả lời cho tất cả các câu hỏi gửi đến Bộ Quốc phòng LB Nga từ lâu người ta đã chuẩn bị sẵn câu trả lời tiêu chuẩn. Tôi không thể không đưa ra đầy đủ:
"Đơn trình bày và các tài liệu đã được xem xét. Như đã biết, theo Luật Liên bang Chương 3 "Về cựu chiến binh" (cụ thể Điều 3) thì phạm trù các cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu được đề cập đến, nói một cách đặc biệt, là các quân nhân được các cơ quan công quyền Liên Xô gửi đến các quốc gia khác và tham gia vào các hoạt động chiến đấu trong khi thi hành công vụ trong những quốc gia đó.

Ghi chú của tác giả: Có lẽ nào các cơ quan công quyền Liên Xô lúc đó lại đi tuyên bố chính thức là gửi các chiến sỹ trinh sát của họ đi đâu.

Về vấn đề này trong mục số III thuộc danh mục các quốc gia, thành phố, vùng lãnh thổ và thời kỳ diễn ra chiến sự có sự tham gia của công dân LB Nga đã tính trước (gạch đầu dòng cuối cùng mục đó), rằng những người đã tham gia vào hoạt động chiến đấu tại các quốc gia (các vùng lãnh thổ) đã quy định tại mục III, được áp dụng theo Điều 3 Chương 3 "Về cựu chiến binh" của Luật Liên bang. Hơn nữa, theo thủ tục đã đề ra (điểm 2.11 Hướng dẫn, khẳng định Nghị định của Bộ Lao động Nga, ngày 11 tháng 10 năm 2000 № 69) thì sự chứng nhận các quyền lợi dành cho cựu chiến binh, phải được ban hành trên cơ sở tài liệu của cơ quan lưu trữ và các tài liệu khác, xác nhận sự tham gia chiến đấu trong khi thi hành công vụ trên lãnh thổ các quốc gia khác. Trong danh sách đã đệ trình của các tàu trinh sát Hạm đội Thái Bình Dương, khi thực hiện nhiệm vụ quân sự tại biển "Nam Trung Hoa" không có những dữ liệu như vậy.

Ghi chú của tác giả: Hãy nhớ đến chỉ thị của Tổng tư lệnh Hải quân ngày 19 tháng 9 năm 2005 № 730/1/1845 "Về sự khẳng định Danh sách các tàu trinh sát Hạm đội Thái Bình Dương, thi hành nhiệm vụ chiến đấu trong khu vực chiến sự tại Việt Nam, biển "Nam Trung Hoa" và thực hiện công tác đảm bảo cho hoạt động chiến đấu của các phân đội tên lửa phòng không Xô viết trên lãnh thổ Việt Nam". Những tài liệu lưu trữ về hoạt động của các tàu trinh sát là không có, bởi lẽ tất cả các nhiệm vụ trên đều là bí mật.

Cần lưu ý rằng thuật ngữ "phục vụ chiến đấu" và "hoạt động chiến đấu" là không giống nhau. Theo Điều 21 của Điều lệnh chiến đấu của Hải quân thì hoạt động chiến đấu bao gồm tham gia trực tiếp các trận đánh, trận chiến đấu, tập kích, tấn công, diễn ra trong tiến trình chiến dịch hoạt động của hạm đội. Đánh giá theo danh mục quy định trên, tàu "Kursograf" đã không tham gia vào hoạt động chiến đấu. Con tàu chỉ ở trong vùng lãnh hải của một quốc gia khác mà không tham gia thực sự vào hoạt động chiến đấu thì không thể là cơ sở để xếp các thành viên trên tàu vào hàng ngũ cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu và được hưởng những phúc lợi phù hợp".
Các cựu chiến binh của lữ đoàn đã nhận được trả lời như vậy từ Cục đảm bảo chính sách xã hội Tổng cục kinh tế - tài chính, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.
Không có cái tát vào mặt nào lớn hơn thế nữa. Theo lập luận của anh chàng thông minh kia ở Bộ Quốc phòng, cần phải thừa nhận rằng tất cả các trinh sát viên đã tiến hành trinh sát kẻ thù trong Chiến tranhVệ quốc Vĩ đại, bắt sống những cái "lưỡi" mà không cần bắn một phát súng, các điệp viên của chúng ta, làm việc trong các bộ tham mưu Đức cũng không phải là các cựu chiến binh tham gia chiến đấu. Thật là hay ho. Toàn thể nhân dân Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của các trinh sát viên của chúng ta vào chiến thắng chung cuộc của họ, thừa nhận họ là các cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Việt Nam, còn một anh thư ký nào đó thuộc Tổng cục kinh tế - tài chính của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga lại không thừa nhận họ. Và cũng dễ hiểu tại sao. Họ sẽ đòi hỏi các quyền lợi. Nhưng anh ta không hiểu rằng các cựu chiến binh không phải cần bấy nhiêu quyền lợi, họ chỉ cần sự công nhận chính thức công lao của họ với quốc gia và nhân dân mà họ phục vụ. Và, tất nhiên, những lời nói rằng con tàu của chúng tôi ở trong "vùng lãnh hải của một quốc gia khác" là màn kết thúc huy hoàng cho câu trả lời lấy lệ đó. Nếu điều này lại xảy ra ở trong vùng chiến sự, con tàu sẽ bị đánh chìm ngay lập tức, và sẽ bùng nổ một vụ bê bối quốc tế, với những hậu quả khó lường.
Không muốn tin rằng sự việc sẽ vẫn tồn tại trong một thời gian dài nữa. Và giờ đây, các sự kiện chưa được biết tới như vậy từ lịch sử của Hạm đội Thái Bình Dương vẫn sẽ là chưa biết. Nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, dù lịch sử của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển ra sao, chúng tôi những cựu chiến binh sẽ luôn luôn tuân theo lời căn dặn của vị đô đốc lừng danh Makarov Stepan Osipovich của chúng ta: "Hãy nhớ lấy cuộc chiến tranh này!"


Cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại Việt Nam, chuẩn đô đốc hồi hưu Vladimir Karev
Thành phố Vladivostok, tháng 10 năm 2010.


Karev V.A. Chủ nhiệm trinh sát Hạm đội TBD, chuẩn đô đốc hồi hưu (năm 2000).
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tư, 2011, 04:28:03 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #309 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2011, 01:32:13 am »

Một số chi tiết vụ tai nạn Yak-38 trên tàu sân bay “Minsk” năm 1980

(tiếp theo trang 19)

Ngày 08/09/1980, trong biển “Nam Trung Hoa”, tại vị trí có tọa độ: 8 độ vĩ Bắc, 108 độ kinh Đông (tọa độ này nằm về phía Đông Nam đảo Côn Sơn) trong khi thực hiện cất hạ cánh đường băng ngắn thường lệ từ boong tàu sân bay “Minsk”, máy bay Yak-38 do phi công O. Kononenko lái bị hạ độ cao đột ngột, bánh xe càng máy bay đập vào dầm lan can chắn bảo vệ mặt boong và máy bay rơi xuống biển, một phút sau đã mất hút trong dải bọt sóng phun lên mù mịt theo vệt rẽ nước phía đuôi tàu sân bay "Minsk" và chìm xuống độ sâu 100 mét. Oleg Kononenko -  phi công thử nghiệm có đủ thời gian để bật ghế phóng nhảy dù. Tuy nhiên, đến phút cuối cùng, phi công vẫn cố gắng lấy lại độ cao và cứu máy bay (do đó đã hy sinh).

TAVKR “Minsk”, cũng như các tàu đang làm nhiệm vụ quân sự tại Biển “Nam Trung Hoa”, và đang trên đường đi đến khu vực binh đoàn tác chiến chiến dịch – chiến thuật số 8, tàu cần cẩu cứu hộ "Kilektor -23”, tất cả được tập trung về vùng biển tại nơi Yak-38 bị nạn. Bão đã ngăn cản việc tiến hành công tác cứu hộ và các tàu phải thả neo một số ngày. Chính vì vậy, các hoạt động tìm kiếm và trục vớt chiếc máy bay rơi đã bị kéo dài cho đến cuối tháng Mười Một năm 1980. Chẳng bao lâu sau, từ Vladivostok, tàu ngầm cứu hộ " Lenok “ (đề án 940, mang danh hiệu  "Komsomolets Uzbekistan” – “Người đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản Uzbekistan”) tới nơi cùng các quả cầu đo sâu và thiết bị lặn biển sâu mang theo trên tàu, bắt đầu ngay lập tức việc tìm kiếm dưới nước. Việc tìm kiếm xác chiếc máy bay bị chìm được tiến hành với sự trợ giúp của các thiết bị thủy âm trên các tàu tham gia cứu nạn, và đặc biệt  là trạm thủy âm của tàu quét thủy lôi trên biển. Từ tín hiệu nhận được của tàu quét thủy lôi biển, người ta đã thả các thợ lặn xuống, họ tìm thấy lúc thì xác các con tàu nhỏ bị chìm, lúc thì các phế liệu kim loại không rõ nguồn gốc. Một lần người ta còn tìm thấy cả một thân máy bay đã bị vặn cong queo của một chiếc tiêm kích F-4 "Phantom" trên tàu sân bay Mỹ bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh mới đây.
      
Trích từ hồi ức của S. Sakhonchuk - thuyền viên tàu cần cẩu cứu hộ "Kilektor - 23":



Ảnh, từ trên xuống dưới: 1/Tàu ngầm cứu hộ đề án 940 (NATO phân lớp India) trên biển.
2/Tàu ngầm cứu hộ đề án 940 BS-486 – tàu đã tham gia cứu hộ chiếc Yak-38 rơi khỏi boong tàu sân bay “Minsk” ngày 8.9.1980 trên vùng biển Đông phía đông nam Côn Đảo trong khi luyện tập. Trong ảnh tàu BS-486 đang đậu trong vịnh Sừng Vàng (bìa phải), bên trái cầu tàu là tàu ngầm diezen đề án 690, những năm 1987-1989.
     


Sơ đồ cắt dọc tàu ngầm cứu nạn đề án 940

Tóm tắt thông số kỹ/chiến thuật tàu ngầm đề án 940:
- Độ choán nước (nổi/ngầm), tấn:     3900/4800
- Dài, Rộng, Mớn nước (m):               106x9,8x7
- Só lượng và công suất động cơ
(diezen/điện), mã lực:                         2x4000/2x6000
- Vận tốc hành trình
(nổi/ngầm), hải lý:                                 15x10

Ghi chú cho sơ đồ:
1. Anten đài định vị thủy âm "Krilon" (quét cạnh và quét vòng); 2. Anten đài thủy âm "Gamma-P" (đài thủy âm liên lạc); 3. Anten đài thủy âm "Plutoni" (dò thủy lôi); 4. Thiết bị di chuyển mạn đằng mũi tàu (để đảm bảo di chuyển mạn và quay tàu ngầm cứu hộ tại chỗ trong cả tư thế nổi và tư thế lặn - tổ hợp dẫn động gồm có trục vít chân vịt trong ống, đằng mũi và đằng đuôi tàu); 5. Buồng thiết bị liên hợp; 6. Buồng thiết bị thủy âm; 7. Khoang số 1 (khoang mũi tàu); 8. Cabin thuyền trưởng và cabin tập thể sỹ quan trên tàu; 9. Các bình chứa hệ thống khí nén áp suất cao; 10. Phao cấp cứu đằng mũi; 11. Nhóm ắc quy  đằng mũi; 12. Đài chỉ huy hành trình; 13. Bộ lặp của la bàn con quay; 14. Buồng kín; 15. Kính tiềm vọng; 16. Cột điều khiển thiết bị hệ thống làm việc của động cơ diezen dưới nước (работа дизеля под водой - РДП); 17. Cột điều khiển (nâng hạ trong ống - Подъемно-мачтовое устройство (ПМУ)) anten của tổ hợp các thiết bị thông tin liên lạc; 18. Cột điều khiển anten đài định vị vô tuyến "Kaskad"; 19. Cột điều khiển radar định hướng (máy tầm phương vô tuyến) "Zaves"; 20. Khoang số 2; 21. Buồng (vị trí) trung tâm; 22. Buồng truyền tin và radar; 23. Khoang số ba; 24. Cụm ắc quy đằng lái (đuôi tàu); 25. Khoang số 4 (khoang lặn); 26. Cabin thợ lặn; 27. Tổ hợp thiết bị lặn chuyên biệt (buồng khử áp thường xuyên, khoang ở dài ngày, buồng kín ra-vào có van điều tiết kiểu âu thuyền, các bình hơi hỗn hợp, máy nén heli-oxygen, trạm (vị trí) điều khiển công tác của thợ lặn cũng như tổ hợp các thiết bị lặn và v.v..); 28. Buồng con quay hồi chuyển; 29. Khoang số 5 (khoang ở); 30. Buồng thủy thủ; 31. Buồng ăn và khu bếp của thủy thủ đoàn; 32. Thiết bị lặn sâu cứu hộ chuyên dụng (СПА), trên tàu ngầm đề án 940 là thiết bị lặn sâu (đến 1000 m) đề án 1855 "Priz" từ 1980, hoặc đề án 18270 "Bester" hoặc đề án 1837 trước 1980; 33. Khoang số 5 (khoang diezen); 34. Máy diezen chính; 35. Khoang số 7 (khoang truyền động điện); 36. Động cơ điện (tạo sức đẩy - quay chân vịt) chính (ГГЭД- главный гребной электродвигатель); 37. Khoang số 8 (khoang y tế hay là khoang đuôi); 38. Phao cấp cứu bố trí ở đuôi tàu; 39. Blok y tế; 40. Động cơ (điện) đẩy của chế độ hành trình tiết kiệm; 41. Bộ dẫn động bánh lái đuôi; 42. Thiết bị di chuyển mạn phía đuôi tàu.




Thiết bị lặn sâu cứu hộ dưới nước đề án 1837 (trên) và đề án 1839 (dưới).


Buồng làm việc dưới nước (buồng lặn) kiểu RK-680
..........
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Năm, 2011, 12:58:29 am gửi bởi qtdc » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM