Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:02:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Căn cứ quân sự Cam Ranh  (Đọc 531499 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #390 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2011, 02:22:34 am »

(tiếp)

Ảnh: Trên sân bay căn cứ quân sự Cam Ranh, một cảnh tạm biệt của các thành viên trung tâm truyền tin số 5 (ZUS 5): người ở lại mặc quân phục, người hết hạn công tác thì mặc thường phục leo lên máy bay và "biến".


"..Sau khi đổ bộ cùng với các thiết bị kỹ thuật lên bãi biển, nơi gần như trống rỗng, trong điều kiện cái nóng 35-45 độ C, và ngoài nắng lên đến 50 độ, độ ẩm cao, các thành viên trung tâm thông tin liên lạc bằng hai bàn tay của họ, không cần đến sự giúp đỡ của các nhà xây dựng, đã tự mình xây dựng và lắp đặt trang thiết bị cho trung tâm truyền tin.

Kế hoạch ban đầu là trung tâm truyền tin số 5 được đặt tách biệt với tất cả các tòa nhà và công trình hiện có trên bán đảo. Các thành viên dự kiến ở trong lều dã chiến, còn thiết bị liên lạc - dưới các mái che. Nhưng khi tiến hành trinh sát thì phát hiện ở cuối đường băng sân bay một nhà kho đổ nát mà người Mỹ để lại, trước đây được sử dụng để cất giữ trang bị kỹ thuật. Và vì thế đã có quyết định tạm thời đặt các thiết bị kỹ thuật thông tin liên lạc tại đó.
 
Trong tương lai sau này, khi bố trí trung tâm thu tin vô tuyến, trung tâm liên lạc bí mật, thì nhà kho này đã được tu sửa và trang bị kỹ thuật lại. Bên cạnh nó, với sự trợ giúp của các nhà xây dựng quân sự thuộc đoàn xây dựng công trình quân sự theo phương thức tự làm của hạm đội, đã dựng lên một ngôi nhà hai tầng, trong đó lắp đặt trang bị cho phòng trực ban theo các bộ phận, phòng để vũ khí, phòng ở cho sỹ quan, hạ sỹ quan và các thành viên.
    
Trung tâm phát tin vô tuyến, đài liên lạc vệ tinh và trung tâm trinh sát vô tuyến được đặt riêng rẽ với vị trí chính của Trung tâm truyền tin và được xây dựng ngay từ đầu như là các công trình tạm thời mà chủ yếu dưới dạng các mái che dã chiến, dưới đó bố trí các thiết bị kỹ thuật thông tin liên lạc.
    
Vạn sự khởi đầu nan, ngay cả trong những điều kiện bình thường, còn ở đây, tại vùng nhiệt đới, ngoài cái nóng không thể chịu nổi lại còn nạn ruồi muỗi truyền bệnh sốt rét, mà mỗi khi bị muỗi đốt, nếu bạn không phát bệnh, vết thương sẽ chỉ lành sau hàng tuần lễ, và chất lượng nước rất tồi, vấn đề này cần phải nói ở một mục riêng - rất không có lợi (nó làm mất canxi trong cơ thể), và còn cả các cuộc tập bắn ban đêm. Tất nhiên, lúc đầu, không có điều hòa không khí, quạt gió - đó là giới hạn của những giấc mơ, nhưng nhờ có tầm nhìn xa và kinh nghiệm của người chỉ huy đơn vị, Đại tá Lyubimov A.I.,  Trung tâm thông tin liên lạc ở Vladivostok đã bổ sung cho mọi thứ cần thiết: quần áo lót, quân phục vùng nhiệt đới, xà phòng, vật liệu xây dựng, điều hòa không khí, vật tư cần thiết cho việc sửa chữa trang thiết bị thông tin liên lạc, phụ tùng thay thế đồng bộ (ZIP) và như vậy có thể tự lực dễ dàng thực hiện nhiệm vụ trong vài tháng. Điều đó giúp giảm bớt thời gian triển khai trung tâm truyền tin, tạo điều kiện tốt nhằm thực hiện các nhiệm vụ đề ra cho đội ngũ thành viên.

Cùng với công tác xây dựng cơ bản, mà nói chính xác hơn là công tác xây dựng sơ khởi ban đầu, đã đồng thời tiến hành huấn luyện và làm công tác chuẩn bị nhằm thiết lập liên lạc với bộ tham mưu Hạm đội Thái Bình Dương. Tất cả mọi người đều nhận thức được rằng họ đến Việt Nam để giải quyết nhiệm vụ chính - đảm bảo liên lạc ổn định và bền vững giữa Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương với các tàu chiến trên Ấn Độ Dương.
 
Vấn đề đảm bảo thông tin liên lạc với tàu thuyền trên biển luôn luôn được bộ tham mưu hạm đội coi là nhiệm vụ cơ bản và chính yếu trong công tác chỉ huy quản lý. Nếu không có thông tin liên lạc thì sẽ không có chỉ huy. Khu vực Ấn Độ Dương đối với Trung tâm truyền tin số 140 của Hạm đội Thái Bình Dương luôn là một khu vực liên lạc vô tuyến không ổn định, đặc biệt là khu vực eo biển Malacca. Và để giải quyết vấn đề này phải có ZUS № 5. Một việc không kém phần quan trọng là duy trì công tác trinh sát vô tuyến tai trung tâm khu vực Ấn Độ Dương.

Các buổi phát sóng liên lạc đầu tiên của trung tâm truyền tin diễn ra chỉ sau một vài ngày đổ bộ lên bờ, ngay sau khi triển khai các thiết bị liên lạc và máy phát diezel. Nhưng đó chỉ là những phiên thử nghiệm liên lạc trên các kênh radio nghe được. Điều cần thiết là phải có hệ thóng liên lạc thường xuyên và ổn định, bằng cả liên lạc điện thoại, điện báo truyền chữ, được mã hóa, đảm bảo bí mật trong công tác chỉ huy quản lý. Tất cả những điều này đã trở thành khả thi khi hệ thống các hạng mục cơ bản tạo các kênh liên lạc cho trung tâm truyền tin đi vào hoạt động: trung tâm truyền tin vô tuyến có các cấu trúc ăng ten phức hợp (người chỉ huy trung tâm - thiếu tá hải quân Tregubov), đài thông tin vệ tinh (trưởng đài - thượng úy Parfenov V.V.).
    
Các thành viên của đài thông tin vệ tinh, chỉ 5 ngày sau khi đến nơi đã có cuộc liên lạc thử nghiệm với Bộ tham mưu Hạm đội Thái Bình Dương và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Các phiên liên lạc đầu tiên, diễn ra đầu tháng Chín năm 1980, với các tàu đang ở Ấn Độ Dương, cho thấy một lợi thế rất lớn trong chất lượng và sự ổn định của hệ thống thông tin liên lạc do có ZUS №  5 và sự có mặt các công trình ăng-ten trên bờ của trung tâm truyền tin vô tuyến. Đài thông tin vệ tinh đảm bảo kênh liên lạc thường xuyên và đáng tin cậy với Bộ tham mưu Hạm đội Thái Bình Dương, còn việc chuyển tiếp các kênh liên lạc vô tuyến với các tàu mặt nước qua các kênh truyền tin vệ tinh đã làm cho việc chỉ huy các tàu mặt nước đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trở nên vững chắc và kịp thời. Chẳng bao lâu sau trung tâm trinh sát vô tuyến điện tử cũng bước vào hoạt động dưới sự lãnh đạo của đại úy hải quân Storozhenko L.
      
Sáu tháng sau, để thay cho đại tá hải quân Chudovsky bị bệnh và được gửi theo tàu về Vladivostok, người chỉ huy  ZUS №  5, đại tá A.I. Lyubimov được bổ nhiệm, đầu tiên là tạm quyền chỉ huy căn cứ 922, rồi sau đó là trao quyền chỉ huy chính thức căn cứ, trở thành người sỹ quan hải quân chỉ huy cao cấp tại đây. Ông đảm nhiệm cương vị này cho đến năm 1984.
        
Lao động và sự đóng góp vào việc hình thành, phát triển ZUS №5 và căn cứ 922 PMTO của ông được đánh giá cao bởi Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng Liên Xô. Đại tá A.I. Lyubimov đã được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ, do đích thân nguyên soái Nikolai Vasilevitch Ogarkov - Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên Xô trao tận tay,  trong một chuyến công tác tới CHXHCN Việt Nam.
 
  
Trong điều kiện thời tiết nhiệt đới không quen thuộc với tất cả chúng ta, các nhân viên, hạ sỹ quan và sỹ quan thường than phiền về chứng đau đầu trầm trọng và hiện tượng chảy máu cam. Các nguyên nhân gây ra ngất xỉu, nhức đầu và chảy máu cam là do kiệt sức vì nhiệt, do các trận bão thường xuyên và do đó chỉ làm việc tại những nơi đủ tiện nghi vào những giờ ban ngày từ 12,00 đến 15.00 giờ. Về sau này mới có cái gọi là "giờ nhiệt đới" và việc tạm ngừng làm việc nghỉ ăn trưa không bắt đầu lúc 13h 00 mà là từ 12h 00. Trong những giờ đó - giờ cao điểm nhất chịu tác động của mặt trời, mọi người nghỉ ngơi và làm các công việc nội vụ. Tuy nhiên, ngày làm việc bắt đầu không phải lúc 8h 00 sáng, mà là từ 7h 00 sáng.

Song song với việc lắp đặt trang thiết bị là các công việc thường ngày nhằm cải tạo điều kiện sống. Một trong những công trình đầu tiên được xây dựng là nhà tắm kiểu Nga với phòng tắm hơi và bể bơi - niềm ghen tị đối với PMTO và niềm tự hào của các thành viên trung tâm truyền tin số 5. Tại đó bạn có thể thư giãn cả cơ thể và tâm hồn mình. "


Năm 1989, các nhân viên của ZUS №  5 cùng với toàn bộ trang thiết bị được chuyển đến cơ sở mới ở gần trụ sở căn cứ 922 PMTO, được xây dựng bởi Tổ hợp xây lắp Xô Viết theo một đồ án đặc biệt có tính đến điều kiện làm việc của các thiết bị kỹ thuật cũng như con người ở vùng nhiệt đới.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Bảy, 2011, 05:16:56 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #391 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2011, 12:48:12 am »

(clubadmiral.ru)

Trước khi tiếp tục:

Lời tựa của đô đốc Kuroedov cho mục Cam Ranh trên trang clubadmiral.ru trước khi được xuất bản thành sách




Các cựu chiến binh hải quân kính mến!
Các độc giả kính mến!

Bản tổng quan lịch sử về binh đoàn tàu chiến số 17 Hạm đội Thái Bình Dương "23 năm Hải quân Xô Viết và Hải quân Nga có mặt tại biển "Nam Trung Hoa" (1979-2002)"  sau khi xuất bản sách "Binh đoàn tàu chiến số 8 của Hải quân" đã tiếp tục loạt sách về lịch sử các binh đoàn tàu chiến tác chiến cấp chiến dịch - chiến thuật và các phân hạm đội Hải quân Liên Xô và LB Nga.

Binh đoàn tàu chiến số 5 (khu vực Địa Trung Hải) của Hải quân Xô Viết (năm 1967), binh đoàn tàu chiến số 7 (khu vực Đại Tây Dương) của Hạm đội Biển Bắc (năm 1968), binh đoàn tàu chiến số 8 (khu vực Ấn Độ Dương) của Hải quân Xô Viết (năm 1974), binh đoàn tàu chiến số 10 của Hạm đội Thái Bình Dương (năm 1968), binh đoàn tàu chiến số 17 của Hạm đội Thái Bình Dương trong biển "Nam Trung Hoa" (năm 1982), các điểm căn cứ đảm bảo hậu cần - kỹ thuật (PMTO) nằm ngoài xa biên giới Liên Xô - là biện pháp phản ứng đáp trả  trong chuỗi sự kiện của một thời kỳ lịch sử phức tạp với "chiến tranh lạnh" và tình trạng đối đầu căng thẳng giữa khối liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO và Tổ chức hiệp ước Varshava (OVD), giữa Hải quân Xô Viết và Hải quân Mỹ, và thế quân bằng đạt được giữa các Hạm đội Hải quân Liên Xô và Mỹ.

Trong cơ cấu tổ chức ngày hôm nay của Hạm đội Hải quân LB Nga không có các phân hạm đội tàu ngầm nguyên tử và các binh đoàn tàu chiến tác chiến cấp chiến dịch - chiến thuật theo khu vực (các binh đoàn số 5, 7, 8, 10, 17). Chúng đã bị giải tán trong thời kỳ chuyển tiếp Các Lực lượng Vũ trang sang "hình thái mới". Tuy nhiên những con người từng phục vụ trong các binh đoàn và phân hạm đội vẫn còn lại đây. Nhiệm vụ của các cựu chiến binh hạm đội hôm nay - hồi tưởng lại với đầy đủ sự phức tạp và đa dạng, toàn bộ quá trình hình thành, hoạt động chiến đấu của các đơn vị và liên đơn vị binh chủng hợp thành kể trên của Hạm đội Hải quân, mà tại đó người ta đã phục vụ một cách trung thực, theo đúng lương tâm và danh dự, không kể gì đến hoàn cảnh cá nhân riêng của mỗi người, và ngày nay đó chính là "thế kỷ vĩnh cửu" trước mắt mọi người. Đó là nhiệm vụ, trách nhiệm và bổn phận của chính chúng ta.

Hồ sơ lưu trữ của Hạm đội Hải quân thì có nhưng không phải mỗi người đều có quyền tham khảo. Ngày nay, điều quan trọng là không làm lộ các bí mật quốc gia, nhưng vẫn truyền đạt được đến toàn thể xã hội, đến tất cả những người còn sống và người thân của những người đã mất, toàn bộ các thông tin đầy đủ và xác thực về các sự kiện xảy ra trong những năm "chiến tranh lạnh".

Thế nào là "nhiệm vụ phục vụ chiến đấu", mục đích của nó là gì và nó được thực hiện tại những khu vực nào trên các Đại dương của Thế giới, xã hội và những người xa lạ với nhiệm vụ phục vụ chiến đấu của Hải quân sẽ không thể hiểu được. Khoảng trống đó trong lịch sử mới gần đây của Hạm đội Hải quân cần phải được nhớ lại với sự giúp sức của các cựu chiến binh - các thủy thủ và thủy thủ trưởng, các trung sỹ, chuẩn úy, hạ sỹ quan đã về hưu, các sỹ quan, đô đốc và tướng lĩnh (không quân hải quân,  binh chủng pháo binh-tên lửa bảo vệ bờ biển (БРАВ- Береговые ракетно-артиллерийские войска), và lính thủy đánh bộ (МП- морские пехоты) đã từng thi hành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại các Đại dương Thế giới. Hạm đội Hải quân Nga đã có viễn cảnh phát triển trong tương lai bởi vì như Tổng tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Nga, Tổng thống Liên bang Nga D.A.Medvedev đã nói, "không có Hạm đội Hải quân thì Nước Nga sẽ không có tương lai dù với tư cách cường quốc biển hay tư cách một quốc gia".
 
Nguyên Tổng tư lệnh Hải quân LB Nga (1997-2005).
Chủ tịch "Câu lạc bộ các đô đốc"
Đô đốc hạm đội V.I.Kuroedov


Lời nói đầu của người chủ biên


Các cựu chiến binh Cam Ranh kính mến!
Các độc giả kính mến!

Tháng 2 năm 2010, hội cựu chiến binh Cam Ranh đã ủy nhiệm cho tôi viết lịch sử đặt căn cứ trú đóng cho các tàu chiến Xô viết và Nga và không quân của hạm đội thời kỳ từ tháng 5 năm 1979 tới tháng 5 năm 2002 tại vịnh Cam Ranh và bán đảo Cam Ranh thuộc nước CHXHCN Việt Nam trên cơ sở hiệp định liên chính phủ đã ký giữa Liên Xô và CHXHCN Việt Nam. 23 năm chúng ta có mặt ở biển "Nam Trung Hoa", trong đó có 9 năm trú đóng của một binh đoàn tàu chiến với lực lượng của bản thân cùng sự hợp đồng của trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập số 169. Thời hạn biên soạn đã ấn định. Do không sẵn có các bản thảo độc lập có đầy đủ đặc tính của tài liệu lịch sử quân sự từ các tác giả khác nhau, nên bản Tổng quan Lịch sử của chúng tôi chỉ có thể  đưa vào kế hoạch xuất bản khoảng giữa năm 2011.  

Việc thu thập các tư liệu lịch sử đáng tin cậy trong thời hạn ngắn như vậy là cực kỳ phức tạp. Bởi thế chúng ta chỉ có thể có bản Tổng quan Lịch sử: khiêm tốn hơn nhưng khách quan và đáng tin cậy hơn. Do thiếu các tài liệu lưu trữ, một số đề tài riêng biệt và một số tập thể đơn vị quân đội trong căn cứ Cam Ranh chưa được công khai đầy đủ và một số thì hoàn toàn chưa được công khai. Trước hết đó là các đơn vị như sau : Đoàn xây dựng công trình quân sự (ВСО – военно-строительный отряд), là đơn vị đã hoàn thành một khối lượng và phạm vi công việc lớn ở giai đoạn ban đầu xây dựng căn cứ hải quân, khởi đầu cho việc trú đóng các tàu chiến trong vịnh Cam Ranh, xây dựng các mô-đun ở tạm thời trong khu doanh trại của Đoàn xây dựng công trình quân sự, Đội đổ bộ đường biển, Trung tâm Truyền tin, căn cứ không quân và thị trấn nhà ở cho các gia đình quân nhân; Đội biệt kích và phương tiện lặn ngầm (отряд ПДСС - морской спецназ  подводных диверсионных сил и средств, đơn vị đặc nhiệm hải quân với lực lượng biệt kích hoạt động dưới nước và phương tiện lặn ngầm) - một tập thể quân nhân có mức độ trang bị kỹ thuật cao, đồng bộ và chuyên môn hóa tốt nhằm thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt; Viện kiểm sát Quân sự và Tòa án Quân sự (Военная прокуратура и Военный трибунал) - những đơn vị nhỏ nhưng có hoạt động tích cực và thường xuyên hàng ngày, không kể cả thời gian cá nhân, nỗ lực ngăn ngừa và phòng chống việc vi phạm kỷ luật, củng cố và nâng cao kỷ luật quân đội trong toàn thể các đơn vị và các bộ phận trực thuộc của căn cứ; Chi nhánh thương mại quân sự (отделение военторга), đảm bảo cung cấp cho các quân nhân trong biên chế thường trực cũng như gia đình của họ tất cả các loại nhu yếu phẩm và lương thực cần thiết cho đến cả các sản phẩm vệ sinh và y tế cho cá nhân; Công việc của đội ngũ phiên dịch. Đó là thiếu sót cá nhân của tôi, nỗi buồn của tôi và tôi xin chân thành cáo lỗi trước tất cả những ai đã từng phục vụ tại các đơn vị nêu trên.

Đồng thời trong thời gian trên, (thông tin về) các tập thể quân đội chủ yếu và quen thuộc - binh đoàn tác chiến số 17 Hạm đội Thái Bình Dương và tất cả các đơn vị cơ sở của nó (sư đoàn tàu ngầm số 38, lữ đoàn tàu mặt nước số 119, tiểu đoàn tàu tuần tra bảo vệ lãnh hải số 300, tiểu đoàn tàu đảm bảo hậu cần - kỹ thuật số 255), căn cứ đảm bảo kỹ thuật - hậu cần số 922 từ tháng 5 năm 1979 dến tháng 5 năm 2002, trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập số 169 (OsAp), Tổ hợp xây lắp Xô Viết (SovSMO), lịch sử xây dựng các binh đoàn tác chiến thuộc Hạm đội Hải quân Liên Xô và các tài liệu lịch sử về Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản đã được công khai khá đủ và chính xác. Tuy vậy ý kiến đó cũng có thể còn chủ quan. Các độc giả, các cựu chiến binh Cam Ranh xin hãy đánh giá và cho nhận xét.

Nếu sách hữu ích và cần thiết, hội cựu chiến binh Cam Ranh sẽ đặt cho mình quyền tiếp tục công việc vốn đã dự định biên soạn thành 2 tập Tổng quan Lịch sử. Có thể, các nhà nghiên cứu khác sẽ tham gia đề tài phức tạp này -  đó là những người đam mê lịch sử. Khi đó bản Tổng quan Lịch sử (hoặc Lịch sử) sẽ được bổ sung các tư liệu lưu trữ mới, các hồi ức cá nhân thú vị của những người tham gia trực tiếp vào các sự kiện với tất cả những nhận xét có tính phê phán. Chúc Các Bạn thành công!    

Ủy viên Ủy ban CCB chi hội thành phố Moskva thuộc Tổ chức Xã hội toàn nước Nga các CCB Lực lượng vũ trang Liên bang Nga,
Phó chủ tịch tiểu ban lịch sử - chính trị Tổ chức xã hội theo khu vực của các đô đốc và tướng lĩnh Hải quân "Câu lạc bộ các đô đốc".

Thành viên Hội CCB Cam Ranh
Chuẩn đô đốc về hưu  N.Matioushin (nguyên chủ nhiệm chính trị binh đoàn 17 thời kỳ 1987-1991)
.....
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Bảy, 2011, 01:33:56 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #392 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2011, 12:00:06 am »

(tiếp theo: clubadmiral.ru)

Giai đoạn kết thúc 23 năm có mặt của Hải quân Xô Viết và Hải quân Nga
trên bán đảo Cam Ranh


Binh đoàn 17 giải thể
 
Trong những năm 80 của thế kỷ trước, ".. Hải quân Liên Xô đã đạt đến đỉnh cao sức mạnh của mình, nhưng với một loạt các vấn đề gây ra bởi hiện tượng khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng trong nền kinh tế kế hoạch hóa và trong đời sống xã hội Xô Viết. Mặc dù vậy, ban lãnh đạo chính trị và quân sự tối cao và bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang vẫn vững tin nhìn về tương lai mà cho rằng sự đối đầu với Hoa Kỳ là không có gì thay thế được" (Bộ Tổng tham mưu Hải quân.Lịch sử và hiện tại.1696 - 1997. Moskva. Nhà xuất bản Khoa học.1998  trang.158).

Vào cuối những năm 80, ngày càng có những tiếng nói  thường xuyên hơn và tiếng vang lớn hơn tại các cuộc họp, các cuộc mit tinh, trên báo chí công khai, trên truyền hình, chỉ trích chi tiêu quân sự quá nhiều tại Liên Xô. Đất nước chúng ta đã rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang vô vọng. Thật vậy, sự quân bằng chiến lược về quân sự giữa Liên Xô và Mỹ đã đạt được, nhưng sự cân bằng về kinh tế giữa hai nước, giữa các nước thuộc Hiệp ước Warsaw với các nước NATO đã không đạt được. Về các chỉ số kinh tế cơ bản, các nước Hiệp ước Warsaw thua các nước NATO là 2,6 lần, còn các nước NATO so với Nhật Bản - đến 3,2 lần. Cuộc chạy đua vũ trang này đã dẫn đến một số biến dạng trong nền kinh tế Liên Xô. Rõ ràng, ngân sách quốc gia Liên Xô cần tái phân bổ kinh phí theo hướng ngày càng tăng cho các ngành công nghiệp dân sự.

Ngày 21 tháng 3 năm 1989, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô đã thông qua Nghị quyết "Về việc cắt giảm lực lượng vũ trang Liên Xô và cắt giảm chi tiêu quốc phòng cho giai đoạn 1989 - 1990", đã xác định giảm quân số lực lượng vũ trang đi 500 nghìn người. buộc phải rút quân đội Liên Xô khỏi châu Âu và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Thực chất đó là giảm đáng kể chi phí quốc phòng trong dự toán ngân sách quốc gia.        

Ngày 19 tháng một năm 1990, báo "Pravda" trên trang 5 có đăng một tin ngắn "Họp báo tại Trung tâm báo chí Bộ Ngoai giao Liên Xô":

"Tại cuộc họp báo ở trung tâm báo chí của Bộ Ngoại giao Liên Xô ngày 18 tháng 1, người đại diện Bộ Ngoại giao đã tuyên bố như sau:
Trong khuôn khổ các biện pháp đã công bố trước đó nhằm cắt giảm số lượng các lực lượng vũ trang Liên Xô ở phần phía đông đất nước, chuyển dịch sang các cấu trúc thuần túy phòng thủ cả trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Liên bang Xô Viết đã nhất trí với phía Việt Nam bắt đầu giảm sự hiện diện của mình tại cảng Cam Ranh. Đến cuối năm 1989, sẽ thực hiện việc rút khỏi đây toàn bộ các máy bay MiG-23 và Tu-16.
      
Hiện nay, sân bay Cam Ranh chỉ còn một phi đội luân phiên trực chiến (6 - 10 chiếc).
          
Phía Liên Xô hy vọng rằng những hành động này sẽ góp phần làm giảm bớt căng thẳng tình hình chính trị - quân sự, củng cố bầu không khí tin cậy lẫn nhau trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. "
 

Ngắn gọn, rõ ràng. Nhưng không hoàn toàn đầy đủ: ai đã ra một quyết định quan trọng như vậy, ở cấp độ nào? Không có một cái tên nào, không có một trường hợp nào, lại đưa ra quyết định bỏ lại một căn cứ hải quân đã xây dựng. Không phải là khó đoán, khó biết người đứng đầu Bộ Ngoại giao Liên Xô thời đó, cũng như cấp độ mà quyết định được chấp nhận. Một cái gì đó không phù hợp trong tất cả các khái niệm cải tổ và công khai. Người Mỹ đã không đi khỏi các căn cứ của họ tại Nhật Bản và Hàn Quốc, và không hề có biểu hiện cho thấy 20 năm qua kể từ ngày đó họ đã bị mất "sự tín nhiệm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương."           
.......
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Bảy, 2011, 12:34:58 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #393 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2011, 01:39:09 am »

(tiếp)


Bộ chỉ huy binh đoàn 17 "thế hệ thứ 3": cũng là giai đoạn cuối cùng của binh đoàn.Từ trái sang: phó đô đốc N.N.Beregovoy-tư lệnh, chuẩn đô đốc N.F.Matyushin-chủ nhiệm chính trị, đại tá hải quân V.N.Nikonov-tham mưu trưởng, trung tá hải quân V.A.Davydochkin-phó tư lệnh phụ trách cơ điện hàng hải.

Ngày 1 tháng 11 năm 1991 binh đoàn tàu chiến số 17 Hạm đội Thái Bình Dương đã bị giải thể
      
Trong đêm từ ngày 30 sang ngày 1 tháng 11 năm 1991 nhóm sỹ quan đầu tiên cùng với gia đình đã về tới thành phố Vladivostok bằng máy bay, đó là các sỹ quan thuộc bộ tham mưu đã giải tán, thuộc cơ quan chính trị và các đơn vị của binh đoàn. Phần còn lại các sỹ quan, hạ sỹ quan về tới Vladivostok vào đầu tháng mười một trên tàu bệnh viện "Ob". Các tàu mặt nước và tàu ngầm đi khỏi vịnh Cam Ranh về nơi đóng quân của đơn vị mình phù hợp với kế hoạch giải thể binh đoàn. Những bất tiện lớn nhất gây ra bởi cuộc di tản các con tàu có lượng choán nước nhỏ: các MPK, MRK, các thuyền cao tốc phóng lôi, các tàu pháo, tàu quét mìn, tàu cứu hỏa, tàu kho nổi. Từ tháng 11 năm 1991 đến tháng 12 năm 1991 tại vịnh Cam Ranh đã tái triển khai binh đoàn tàu chiến số 8 thuộc  Hạm đội Hải quân Liên Xô chuyển từ Ấn Độ Dương về, nhưng đến tháng Giêng năm 1992, cũng chuyển về cảng Vladivostok.
    
Từ tháng Giêng năm 1992 đến tháng 10 năm 1993 đóng quân tại Cam Ranh là Lữ đoàn tàu thuyền hỗn hợp độc lập số 119.

Từ tháng 10 năm 1993, khi lữ đoàn được rút gọn, các đơn vị và bộ phận còn lại được chuyển thuộc quyền chỉ huy của tư lệnh căn cứ đảm bảo hậu cần - kỹ thuật số 922.
    
Phần lớn các công trình quân sự (cầu bến, các công trình cảng, kho tàng, cơ sở lưu trữ, và các cơ sở hạ tầng quân sự khác) trong thời kỳ này đã được chuyển giao cho Việt Nam theo kế hoạch để sử dụng vĩnh viễn.

Tháng Giêng năm 1995, phù hợp với chỉ thị của Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Hải quân, đã tiến hành tuần tự cắt giảm quân số lực lượng Hải quân chúng ta đang hiện diện tại bán đảo Cam Ranh.
......
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tám, 2011, 04:03:16 pm gửi bởi daibangden » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #394 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2011, 09:38:41 pm »

(tiếp)

 Căn cứ 922 chuyển sang thời kỳ mới và có các đơn vị trực thuộc như sau:

- Cơ quan quản lý căn cứ 922;

- Phòng tài chính;

- Phòng quân lương;

- Phòng quản lý kho và hiện vật;

- Trung tâm truyền tin khu vực (ZUS "Klubochek");

- Kho nhiên liệu và dầu mỡ bôi trơn;

- Kho tổng hợp;

- Trung đội xe vận tải;

- Tổ hợp nhà tắm - giặt là-khử trùng;

- Ban chỉ huy quân quản;

- Ban quân quản căn cứ không quân;

- Chi nhánh phòng Kỹ thuật Hàng hải;

- Đại đội cảnh vệ độc lập;

- Chi nhánh trung tâm vệ sinh dịch tễ;

- Phân đội chữa cháy;

- Các bộ phận và phân đội trực thuộc Chỉ huy trưởng căn cứ 922 theo điều lệ căn cứ:

                  - Phòng đại diện Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga;

                  - Văn phòng Công tố viên quân sự;

                  - Phòng đặc nhiệm;

                  - Bệnh viện Hải quân;

                  - Trường trung học phổ thông № - 183.

 
Ngày 5 Tháng Hai năm 1996 Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc I.N.Khmelnov đến Cam Ranh để điều tra tai nạn máy bay (phi đội "Tráng sỹ Nga" Su-27) tại bán đảo và kiểm tra tình hình công việc của căn cứ 922. Sắp đến năm 2004 - năm hết hạn của Hiệp định liên Chính phủ giữa Liên Xô và Việt Nam về việc sử dụng Vịnh Cam Ranh và bán đảo Cam Ranh phục vụ lợi ích của hạm đội Nga. Đề xuất về việc sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh đã được báo cáo lên Tổng tư lệnh Hải quân Nga-Đô đốc Hạm đội Gromov F.N.

Trong cùng năm, để soạn thảo đề xuất cho ban lãnh đạo tối cao chính trị và quân sự của đất nước ra quyết định về việc tiếp tục sử dụng các cơ sở hạ tầng quân sự do Tổ hợp xây lắp Xô Viết (SovSMO) xây dựng, một đoàn đại biểu quân sự Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Nga đã tới Cam Ranh, dẫn đầu là Thứ trưởng Quốc phòng Đại tướng V.M.Toporov, đi kèm có cố vấn Tư lệnh Hải quân Thượng tướng Anikanov O.K.
                

1996 căn cứ Cam Ranh.   Đại tướng  Тоporov V.M. – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng LB Nga và thượng tướng  Аnikanov О.К. -  сố vấn Tổng tư lệnh Hải quân Nga cùng với ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng CHXHCN Việt Nam thảo luận các vấn đề về khả năng trú đóng tiếp tục của Hạm đội Hải quân Nga tại căn cứ Cam Ranh.

Năm 1998 Hà Nội đã nhắc nhở Moskva về thời hạn thuê mượn căn cứ Cam Ranh sẽ chấm dứt vào năm 2004 và đề nghị kéo dài nó với giá thuê mỗi năm là 300 triệu đô la.
..........
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Bảy, 2011, 11:52:30 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #395 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2011, 10:45:46 pm »

(tiếp)


Cảnh xây dựng nhộn nhịp cuối những năm 198x khi SovSMO tăng tốc.

Theo hiện trạng sử dụng tháng 3 năm 2001 căn cứ 922 có các hạng mục sau:


Khu khách sạn - canteen trong căn cứ không quân quãng những năm cuối 199x-đầu 2000.

1. Khu thị tứ căn cứ Không quân
- Nhà ở - 48 căn hộ. - 6 tòa nhà; trong đó: 4 tòa.– không người ở (nhà trống); Toàn bộ các tòa nhà hiện do căn cứ 922 quản lý.
- Nhà ở - 42 căn hộ. - 5 tòa nhà; Toàn bộ các tòa nhà hiện do căn cứ 922 quản lý.
- Trạm biến thế số 7, 8, 9 (ba trạm).


1991. Ban tham mưu trung đoàn không quân và căn cứ không quân.


1991.Doanh trại trung đoàn không quân.

 2. Khu thị tứ căn cứ 922
- Nhà ở - 17 căn hộ. - 4 tòa nhà;
- Nhà ở - 22 căn hộ. - 5 tòa nhà.


1991.Doanh trại PMTO.

Các hạng mục của căn cứ 922
1. Khu vực sản xuất và sinh hoạt hàng ngày:
- Xưởng bánh mì
- Cửa hàng bách hóa và cà phê cho sỹ quan
- Rạp chiếu phim kiêm nhà hát 400 chỗ
- Nhà ăn thủy thủ 250 chỗ ngồi
- Tổ hợp tắm, giặt là và khử trùng
- Trạm phân phối điện trung tâm số 4 với các trạm biến thế thứ cấp
- Trạm biến thế số 2
- Trạm biến thế số 5
2. Khu vực doanh trại - hành chính căn cứ 922:
- Doanh trại 100 người và bộ phận quản lý
- Trường trung học số 183
- Doanh trại Trung tâm truyền tin 150 người
3. Khu vực kho tàng tự quản của căn cứ 922:
- Kho lạnh tầng thượng số 1 và kho bảo quản rau quả
- Kho lạnh tầng dưới số 2 công suất 150 tấn với tháp làm lạnh và các bông chứa 500 m3
- Kho dụng cụ kỹ thuật kiểu SRM-10,8 tấn - 4 đơn vị
- Kho dụng cụ kỹ thuật kiểu SRM-5,4 tấn - 2 đơn vị
- Trạm biến thế số 3
- Kho dụng cụ, phụ tùng 100 tấn
- Kho dụng cụ, phụ tùng 300 tấn
- Kho kỹ thuật 1700 tấn
- Tòa nhà Tổng đài tự động hóa
- Trạm kiểm soát số 2
4. Tổ hợp gara ô tô:
- Xưởng sửa chữa bảo trì xe máy
- Gara có mái che 12 chỗ
- Trạm nạp nhiên liệu
- Sân bê tông đỗ xe ô tô
- Trạm phát điện diesel kiểu ASDA - 60KW


1991.Trạm nạp nhiên liệu cho xe ô tô.

5. Kho nhiên liệu lỏng:
- Bể chứa diesel 1000 m3: 8 đơn vị
- Bể chứa xăng máy bay 1000 m3: 5 đơn vị
- Bể chứa diesel 100 m3: 7 đơn vị
- Bể chứa xăng 100 m3: 8 đơn vị
- Trạm bơm
- Kho chứa thiết bị phụ tùng kỹ thuật
- Kho dầu mỡ bôi trơn
- Mái che khu chứa các thùng rỗng
- Bể chứa nước 100 m3 - 6 đơn vị
- Tòa nhà dịch vụ
- Mái che chống cháy
- Trạm tiếp liệu
- Trạm biến thế ZTP số 1
6. Khu kỹ thuật Trung tâm Truyền tin:
- Ụ có mái che : 493m2, 3 đơn vị
- Sân bê tông khu kỹ thuật 14.517 m2
-  Nhà trực ban của trạm trưởng trạm truyền tin và kho kỹ thuật; nhà tắm, 2 nhà
- Đường xe chạy, mương thoát nước
- Trạm biến áp
7. Bệnh viện hải quân:
- Trạm cấp cứu
- Khoa truyền nhiễm
- Kho sản phẩm và dụng cụ y tế
- Khoa vệ sinh phòng dịch
- Blok thực phẩm có tủ lạnh chứa được 50 suất ăn
- Kho dụng cụ dã ngoại
- Giàn che kỹ thuật
- Trạm biến áp số 6
.......
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Bảy, 2011, 12:08:00 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #396 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2011, 02:13:54 pm »

(tiếp)

Các hạng mục của khu chi nhánh kỹ thuật hàng hải
(Отделения морской инженерной службы - ОМИС)
1. Trạm bơm 2 guồng với bể clorat (bể số 3):
- Tòa nhà trạm bơm
- Bể chứa nước 250 m3: 2 đơn vị
2. Trạm làm sạch nước bằng phương pháp sinh học SBO (Станция биологической очистки сточных вод -СБО):
- Các bể tự hoại với khu lọc sơ bộ, sân phơi bùn - 4 đơn vị
- Tòa nhà SBO
- Bể chứa chất thải rắn
- Trạm bơm bùn
3. Công trình lấy nước số 1:
- Tòa nhà trạm bơm - 2 guồng
- Bể chứa nước dự trữ 500 m3: 2 đơn vị
- Trạm bơm trên giếng khoan - 6 đơn vị
4. Công trình lấy nước số 2:
- Tòa nhà trạm bơm - 2 guồng
- Bể chứa nước dự trữ 500 m3: 2 đơn vị
- Trạm bơm trên giếng phun
5. Mạng cấp nước và truyền dẫn:
- Đường ống cấp chủ: 22,37 km
- Mạng tiêu thụ: 15,7 km
- Mạng kênh hóa (ống đi trong mương kín): 5,2 km

Hệ thống trạm phát điện diesel trung tâm
6. Trạm phát diesel trung tâm:
- Tòa nhà trung tâm với 6 máy phát DG-64
- Máy bơm dầu diesel
- Bể chứa diesel 100 m3: 4 đơn vị
- Kho chứa bơm dầu diesel
- Trạm kiểm soát
- Bể tự hoại
- Khung có mái che chứa thiết bị tổng thành: 2 đơn vị
7. Công trình lấy nước biển:
- Nhà trạm bơm
- Trạm biến áp

Lưới điện trong khu vực
8. Trạm phân phối điện trung tâm số 1:
- Nhà trung tâm số 1
- Đường cáp 10 kV
9. Trạm phân phối điện số 3:
- Tòa nhà phân phối điện trung tâm số 3
10. Công trình bến cảng:
- Blok năng lượng có trung tâm phân phối điện số 2
- Trạm biến áp số 11
- Tường bến cảng từ móng neo của cầu cảng nổi số 5, qua móng neo cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 2 kiểu "De Long"

11. Công trình khu quân quản hàng không:
- Đường cất hạ cánh
- Trạm điều hành không lưu
- Hệ thống đài định vị vô tuyến chỉ huy cất hạ cánh
- Đài dẫn đường xa
- Khu đỗ xe và tiếp nhiên liệu






Một số cảnh khu sân bay quay năm 1999.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Bảy, 2011, 02:20:40 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #397 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2011, 06:24:00 pm »

(tiếp)

Giải tán căn cứ bảo đảm hậu cần-kỹ thuật số 922   

Năm 2001, ban lãnh đạo chính trị - quân sự tối cao của Nước Nga đã quyết định không gia hạn hiệp ước với Việt Nam và sẽ triệt thoái trước thời hạn các đơn vị tàu thuyền cũng như các đơn vị trên bờ của Hạm đội Hải quân Nga (tức căn cứ 922).


Tháng 4 năm 2002. Một trong những cuộc họp cuối cùng với Bộ chỉ huy Vùng 4 Hải quân nhân dân Việt Nam trước khi ký thỏa thuận về việc chuyển giao tất cả các công trình cho phía Việt Nam. Thứ 4 từ bên trái sang: Phó Tổng tư lệnh Hải quân phụ trách hậu cần-chủ nhiệm hậu cần Hải quân LB Nga phó đô đốc Mikhailov Yuri Gheorghievitch (đứng giữa và có ria mép); Thứ 2 từ bên phải sang-chỉ huy trưởng căn cứ 922 đại tá hải quân Eryomin Yuri Prokopievitch.


Ngày 2 tháng 5 năm 2002. Cảng Cam Ranh. Sau khi ký biên bản thỏa thuận tiếp nhận-chuyển giao các hạng mục công trình tại Cam Ranh.


 Ngày 3 tháng 5 năm 2002 trên sân bay Cam Ranh. Chuyến máy bay vận tải quân sự IL-76 cuối cùng "chở" các chuyên gia còn lại và các quân nhân Nga cùng với chủ tịch ủy ban thanh lý chuẩn đô đốc Ivliev A.N. Trên hình là cơ trưởng IL-76. phi công hạng nhất đại tá Kruze Valery Andreevitch.


 Ngày 4 tháng 5 năm 2002 trên quân cảng Cam Ranh. Các quân nhân Hải quân Vùng 4 xếp đội hình trên bến tiễn đưa những quân nhân Nga cuối cùng của căn cứ 922 rời khỏi Việt Nam. Đứng giữa hình chắp tay sau lưng là đại tá hải quân Eryomin Yuri Prokopievitch, chỉ huy trưởng cuối cùng căn cứ 922.

PS: post đến đây lại nhớ ở đơn vị hồi xưa có câu đại loại mỗi lần sát nhập là một lần mất cắp, mỗi lần giải tán là một lần cháy nhà.
........
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Bảy, 2011, 07:26:20 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #398 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2011, 06:51:43 pm »

(tiếp)



Đại tá hải quân Eryomin Yu.P., chỉ huy trưởng cuối cùng căn cứ 922 trong phòng làm việc của mình tại Cam Ranh.

Đại tá hải quân Eryomin Yu.P. là người đã chấm dứt thời kỳ 23 năm hải quân Xô viết và hải quân Nga hiện diện tại lãnh thổ Việt Nam, người cuối cùng rời khỏi bán đảo Cam Ranh, người cuối cùng trèo lên boong phà "Sakhalin-09". Ngày hôm nay chuẩn đô đốc Eryomin Yuri Prokopievitch buồn rầu nhớ lại:
" Trong  ba năm cuối cùng đồn trú tại bán đảo Cam Ranh của tôi, tôi đã thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ và thân thiết với các tổ chức Nga hiện đóng trên lãnh thổ Việt Nam, đó là:
- Tổng lãnh sự Nga tại thành phố Hồ Chí Minh
- Xí nghiệp liên doanh Việt-Xô "Vietsovpetro" ở thành phố Vũng Tàu
- Đại diện tổ hợp "Zarubezneft" ở thành phố Vũng Tàu
- Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga tại thành phố Nha Trang

"Vietsovpetro", ngoài việc hỗ trợ tinh thần cho các đồng hương quân nhân, còn trợ giúp tài chính đáng kể cho các kiều dân và thủy thủ quân sự sống và đóng quân tại Cam Ranh. Bằng mọi phương tiện, liên doanh đã mua và giao đến bán đảo các loại vật chất cũng như các vật phẩm văn hóa và vật dụng hàng ngày khác nhau, tổ chức các chuyến đi tham quan trên khắp đất nước.
    
Thực hiện công việc chung với các tổ chức Nga nói trên, tiếp xúc gần gũi giữa các nhân viên quân sự và chuyên gia dân sự đã có ảnh hưởng tốt đẹp đến trạng thái tinh thần và tâm lý trong các tập thể quân nhân, cải thiện vị trí xã hội thường nhật của họ.
Ngay trước khi đóng cửa căn cứ, tại Cam Ranh có khoảng 600 người phục vụ và làm việc. Do khung thời gian hạn chế, chúng tôi đã phải làm việc trong chế độ khẩn , trong điều kiện nhiệt độ 50 ° C, thời gian làm việc 14-16 giờ mỗi ngày. Cũng do các cắt giảm biên chế thường trực, quân nhân và các nhân viên phục vụ không được thay phiên canh gác, trực ban, không được đi khỏi vị trí làm việc của mình từ 3-5 ngày đêm liên tiếp. Trong tiến trình công việc này, mà không có bất kỳ yêu sách nào, phía Việt Nam đã được chuyển giao 57 tòa nhà và công trình căn cứ, 85 km đường dây truyền tải điện, 62 km đường cáp điện, 25 km đường giao thông ngầm dưới lòng đất, 250 m mặt bến cảng, sân bay, kho thiết bị đầu cuối. Các phương tiện vận chuyển đường không và đường biển đã chở đi 588 người, 810 tấn hàng hóa, trong đó có 50 đơn vị kỹ thuật đặc biệt và xe ô tô, 190 tấn nhiên liệu diesel và 133 tấn các loại dầu khác nhau, vũ khí và đạn dược, các hồ sơ lưu trữ và tài liệu mật. Mọi người đã làm việc tận tụy, tự giác và rất có tổ chức. Đặc biệt tôi muốn đề cập đến những người sau: đại tá hải quân Matviyets A.M., các trung tá Bachurin V.V, Yatskiv M.B., Bortnikov A.N., Vorotnikov V.F., thiếu tá hải quân Pereshitkin S.N., thiếu tá Zaretsky A.V., đại úy Moroz A.R., đại úy hải quân Blagodyrev V.V, các chuẩn úy hải quân Fomin A.I, Guliak A.M., các nhân viên phục vụ Schetinkin V.N., Bugolov A.Ya., Golub O., Bredikhina V.I., Frolovskiy S., các thủy thủ Maltsev A., Peskov A.

Ngày 2 tháng 5 năm 2002 trong khung cảnh trang trọng, các văn bản về việc tiếp nhận -  chuyển giao các công trình và hạng mục trong căn cứ đã được các bên cùng nhau ký kết: về phía Nga là Chuẩn Đô đốc Ivliev A.N., vê phía Việt Nam có Tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Hiến.
Sau lễ ký thỏa thuận về việc chuyển giao các công trình căn cứ cho phía Việt Nam, các thủy binh hạm đội Thái Bình Dương đã hạ lá cờ Nga và cờ thánh Andreev trên bán đảo Cam Ranh xuống. Căn cứ hải quân Nga tại bán đảo Cam Ranh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kể từ đây không còn tồn tại nữa.
      
Buổi chiều ngày 03 tháng 5, từ sân bay Cam Ranh chuyến bay cuối cùng của máy bay vận tải IL-76 đã cất cánh, mang đi những chuyên gia và những quân nhân còn lại, cùng với Chủ tịch ủy ban thanh lý quốc gia, Chuẩn Đô đốc Ivliev A.N.
Ngày 4 tháng 5 năm 2002 - ngày cuối cùng cho sự hiện diện quân sự của nước Nga tại Việt Nam biến thành một ngày lễ trọng thể. Người Việt Nam cảm ơn quá trình phục vụ của các thủy thủ Nga,  tặng quà cho họ. Đội ngũ cuối cùng các nhà kỹ thuật rời khỏi các công trình của PMTO trên các xe ô tô có cắm cờ Nga và cờ thánh Andreev trong tiếng hát vang bài ca "Các sỹ quan". Để tiễn đưa người Nga, các quân nhân trên các tàu chiến của Vùng 4 Hải quân Việt Nam đã xếp thành đội ngũ nghêm trang trên cầu cảng. Một lần nữa lại là  hoa, quà tặng, những lời cảm ơn và lời chúc thuận buồm xuôi gió. Chúng tôi nói lời tạm biệt với các thủy thủ và những người dân chất phác của Cam Ranh cũng như thị trấn Mỹ Ca gần đó.
Trên boong "Sakhalin-09" có mặt 74 quân nhân, chuyên gia dân sự Nga, dẫn đầu là đại tá hải quân Eryomin Yu.P. và phó chỉ huy căn cứ phụ trách công tác giáo dục đại tá hải quân Matviets A.M. Chỉ huy trưởng căn cứ là người cuối cùng từ biệt bờ biển Việt Nam.
Chuyến đi của "Sakhalin-09" về Nga mất 12 ngày. Ngày 14 tháng 5 năm 2002, mọi người cập bến Vladivostok. Ngày 1 tháng 6 năm 2002, căn cứ 922 - đơn vị quân đội số 31350 chấm dứt sự tồn tại của mình trong thành phần Các lực lượng Vũ trang LB Nga.

Có thể đánh giá theo nhiều cách khác nhau quyết định của ban lãnh đạo chính trị và quân sự nước Nga năm 2001 về sự hiện diện của chúng tôi tại Cam Ranh. Tuy nhiên, những chuyến hành quân xa gần đây của các tàu chiến Nga, việc nối lại các chuyến bay của không quân chiến lược, các biên đội tàu chiến tham gia các chiến dịch chống khủng bố quốc tế mà không có hệ thống cơ sở trú đóng, đảm bảo hậu cần và kỹ thuật đáng tin cậy trong các khu vực khác nhau trên các đại dương thế giới, kinh nghiệm lịch sử, tình hình quốc tế hiện nay - tất cả điều này thể hiện rõ sự cần thiết của nước Nga phải có điểm căn cứ ở nước ngoài cho Hải quân và Không quân. Vấn đề về việc thành lập các căn cứ như vậy ở các nước thân thiện trên các nguyên tắc của sự hợp tác kỹ thuật- quân sự cùng có lợi ngày nay là rất quan trọng và rất thực tế. Hơn 20 năm lịch sử của căn cứ Cam Ranh là một ví dụ rất rõ ràng. "

.........
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tám, 2011, 08:06:28 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #399 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2011, 11:34:27 pm »

(tiếp)

Nước Nga đã rút quân đồn trú của mình khỏi căn cứ Cam Ranh và chính thức chuyển giao căn cứ cho phía Việt Nam tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước.
Bây giờ chúng tôi sẽ chuyển sang các tài liệu chính thức của thời kỳ giải tán căn cứ đảm bảo hậu cần-kỹ thuật số 922 tại bán đảo Cam Ranh, tài liệu được cung cấp bởi người chỉ huy trưởng cuối cùng của căn cứ 922, đại tá hải quân - hiện nay là Chuẩn Đô đốc Eryomin Yu.P.
...
MỆNH LỆNH

CHỦ NHIỆM HẬU CẦN - PHÓ TƯ LỆNH HẠM ĐỘI THÁI BÌNH DƯƠNG
PHỤ TRÁCH HẬU CẦN

№   7


"22" tháng Giêng 2002                                                                             Thành phố Vladivostok


Về việc tiến hành các biện pháp biên chế - tổ chức để giải thể
căn cứ đảm bảo hậu cần - kỹ thuật số 922


Nhằm thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu Hải quân ngày 17 tháng 12 năm 2001 № 730/1/0859 và chỉ thị của Bộ Tham mưu Hạm đội ngày 8 tháng Giêng năm 2002 № 13/1/05,



TÔI RA LỆNH:

1. Đại tá hải quân Eryomin Yu.P. có nhiệm vụ trước ngày 01 tháng Sáu năm 2002 giải thể xong căn cứ đảm bảo hậu cần-kỹ thuật số 922 và phân đội cảnh vệ số 2016

Trong đó:

- vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và phương tiện vật chất theo đúng thời hạn trên biểu đồ kế hoạch đề ra phù hợp với mệnh lệnh của các cơ quan hậu cần, được chuyển khỏi cảng Cam Ranh về cảng Vladivostok phải được giao lại cho căn cứ và các kho của hạm đội;

- trang bị quân sự phải có thống kê ghi chép và phải theo đúng điều lệnh quy định;

- doanh trại, nhà ở, kho tàng, cơ sở bảo quản, công viên và công trình công cộng, công trình bảo đảm năng lượng và đảm bảo an toàn bay của sân bay, cũng như khu vực đất đai và công trình kỹ thuật ngành nước được bàn giao cho đại diện Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo trình tự quy định;

- duy trì việc quản lý quân số, chấm dứt các hoạt động văn phòng bí mật và không bí mật, chuẩn bị tất cả các tài liệu cần thiết để mang theo, chuyển tài liệu về và giao nộp cho cơ quan lưu trữ theo điều lệnh quy định;

- Đối với những quân nhân đã hết tuổi phục vụ quân đội, làm hồ sơ cho họ về hưu;


- Đối với nhân viên dân sự thông báo trước bằng văn bản ít nhất ba tháng về ngày cho thôi việc;

- Đối với sĩ quan, hạ sỹ, trung sỹ, chuẩn úy hải quân và thủy thủ phục vụ theo hợp đồng, tình nguyện thôi việc thì làm hố sơ cho họ về nghỉ hưu;

- Các trung sĩ và thủy thủ phục vụ theo lệnh gọi thi hành nghĩa vụ quân sự, gửi họ đến các bộ phận và đơn vị hậu cần khác của hạm đội để hoàn thành nốt thời hạn nghĩa vụ quân sự;

- Để hoàn thành nốt các hoạt động thanh lý cho phép thành lập một đơn vị thanh lý không quá 75 người gồm các sỹ quan, các chuẩn úy hải quân, trung sỹ hải quân và thủy thủ đang phục vụ quân đội theo hợp đồng và theo lệnh goi thi hành  nghĩa vụ quân sự;

- Đưa toàn bộ quân số từ cảng Cam Ranh về cảng Vladivostok theo đúng thời hạn trong biểu đồ kế hoạch đã đề ra;

 - Hủy con dấu và các loại tem dấu niêm phong theo điều lệnh quy định, dấu hình quốc huy và dấu đóng giáp lai niêm phong phải nộp lại toàn vẹn cho bộ phận bảo mật thuộc bộ tham mưu hậu cần hạm đội;

- Báo cáo cuối cùng về công việc trình tới các cơ quan hữu quan trước ngày 25 tháng 5 năm 2002;

- Báo cáo tổng kết dưới hình thức .....trình về bộ tham mưu hậu cần hạm đội trước ngày 01 Tháng Sáu 2002.  

2. Tham mưu trưởng ngành hậu cần hạm đội trong thời hạn trước 01 tháng 6 năm 2002 phải chuẩn bị xong dự thảo mệnh lệnh về giải thể căn cứ đảm bảo kỹ thuật-hậu cần số 922.

3. Trưởng phòng cán bộ bộ tham mưu hạm đội có trách nhiệm thiết lập sự giám sát thường trực tiến trình giải quyế cho về hưu, cho thôi việc, chuyển vị trí làm việc của đội ngũ sỹ quan, hạ sỹ quan, nhân viên dân sự thuộc căn cứ 922 PMTO.

4. Trưởng phòng tổ chức-động viên bộ tham mưu hậu cần hạm đội thiết lập sự giám sát thường trực quá trình giải ngũ và chuyển vị trí phục vụ cho các trung sỹ và thủy thủ phục vụ quân đội theo hợp đồng và lệnh gọi thi hành nghĩa vụ quân sự.

5. Trưởng phòng kế hoạch và vận chuyển có trách nhiệm thiết lập sự giám sát thường trực cho công tác chuyển về, kiểm kê và giao trả các thiết bị kỹ thuật quân sự, vũ khí và trang thiết bị dụng cụ khác về căn cứ và các kho của hạm đội.
6. Thủ trưởng các phòng , ban ngành hậu cần hạm đội trước ngày 01 Tháng Hai 2002 phải ban hành xong các hướng dẫn cho Thủ trưởng các phòng ban có liên quan của căn cứ 922 PMTO biện pháp thống kê, chuyên chở và bàn giao các thiết bị quân sự, vũ khí và trang thiết bị dụng cụ khác về các kho và các đơn vị khác của hạm đội.

7. Trưởng phòng giao thông quân sự của hạm đội trước ngày 25 tháng tư năm 2002 phải thực hiện xong việc vận chuyển thiết bị quân sự, vũ khí, trang thiết bị dụng cụ khác, đội ngũ nhân viên căn cứ 922 PMTO và đồ dùng cá nhân của họ rời khỏi cảng Cam Ranh về cảng Vladivostok.

8. Mệnh lệnh này thông báo đến đội ngũ sỹ quan các bộ phận có liên quan.



CHỦ NHIỆM HẬU CẦN - PHÓ TƯ LỆNH HẠM ĐỘI THÁI BÌNH DƯƠNG PHỤ TRÁCH HẬU CẦN
Phó đô đốc                                                                                                
                                                                                                                 E. Rassolov
 
THAM MƯU TRƯỞNG HẬU CẦN HẠM ĐỘI THÁI BÌNH DƯƠNG
Chuẩn đô đốc                                                                                                
                                                                                                                 A. Ivliev

....
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tám, 2011, 05:16:45 pm gửi bởi qtdc » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM