Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:16:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 23 tháng Mười Một năm 1940  (Đọc 94761 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2010, 05:32:55 pm »

Trong hàng loạt vụ án Pháp đưa ra xét xử trong thời gian này, đáng chú ý nhất là phiên xử ngày 27-8-1940 tại tòa tiểu hình Sài Gòn, sau đó một tuần ngày 3-9-1940 mới kết án 17 người, trong đó có một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản.

- Đồng chí Nguyễn Văn Cừ: 5 năm tù, 10 năm quản thúc.

- Hà Huy Tập: 5 năm tù, 10 năm quản thúc.

- Lê Hồng Phong (Lê Huy Doãn): 5 năm tù, 10 năm quản thúc.

- Lê Văn Duẩn (Lê Duẩn): 5 năm tù, 10 năm quản thúc.

Nhiêu đồng chí lãnh đạo cấp Xứ (Trình Ân, Nguyễn Văn Nghi Thường vụ xứ ủy, Bùi Văn Thủ Xứ ủy viên...) cấp liên tỉnh, cấp tỉnh… bị chúng bắt, bị đưa ra xử và ném vào nhà tù.

Các nhà tù đều quá tải. Như Khám Lớn Sài Gòn xây dựng để đủ chứa 700 đến 800 người tù, đến ngày 28-6-1940 theo viên Thanh tra chính trị hành chính BRASEY đã giam tới 1.167(1). Và đến ngày 30-9-1940 là 1.525 người tù(2).

Bị giam trong tù, những người cách mạng không ngừng đấu tranh. Tại Khám lớn, chiều ngày 27-8-1940, trong số 255 người bị tòa án binh kết tội, 17 đã bị biệt giam vào các phòng nhỏ, 7 phụ nữa đưa đi nhà tù Phú Mỹ, một số ốm đi nhà thương, còn lại 197 người vin cớ để nước mưa vào cơm, đã bãi thực, bỏ về phòng. Bọn coi ngục ban đầu còn đe dọa, nhưng rồi viên giám đốc Khám lớn đến giải thích. Tất cả vẫn phản đối bằng cách hô khẩu hiệu chống đối xử tàn bạo đối với những người tù. Chúng phải huy động xe vòi rồng đến trấn áp(3).

Phát xít Pháp dùng mọi biện pháp để dẹp tắt mọi phong trào, cá nhân chống đối chúng, nhất là từ khi chúng bắt được những tín hiệu. Đảng cộng sản đã và đang khẩn trương chuẩn bị phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Chúng tung mật thám đi lùng sục, tìm cách cài người vào hàng ngũ những người hoạt động, sử dụng những người trước đây có hoạt động cách mạng, nhưng sau khi bị chúng bắt, không chịu nổi đòn tra tấn và bị chúng mua chuộc, cìa lại trong tổ chức để lấy tin cho chúng.

Đồng thời, chúng luôn luông thông tin cho các cấp dưới những hoạt động của cách mạng, nhắc nhở phải đề phòng cảnh giác sự nổi dậy chống đối của nhân dân ta.

Trong những thông báo cho các chủ tỉnh, thống đốc Nam kỳ đều nhắc đến những tài liệu mà chúng đã bắt được ngày 30-7 ở Chợ Lớn (vụ bắt các đồng chí Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Thị Minh Khai) và ngày 26-9 ở Long Hồ Vĩnh Long (vụ bắt Trần Văn Bảy, bí thư Vĩnh Long). Những tài liệu này đôn đốc các cấp dưới của đảng cộng sản phải tổ chức tự vệ, du kích, vận động binh lính lấy súng, tổ chức làm vũ khí, chuẩn bị đánh chiếm những nơi quan trọng, nhất là chợn thời điểm khởi nghĩa làm cho địch (Pháp) bất ngờ.

Ngày 16-1-1040, tức là trước khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra hơn một tháng. VEBER Thống đốc Nam kỳ giử thông tri mật nhắc các chủ tỉnh phải kiểm tra các biện pháp an ninh, lưu ý đề phòng việc lấy cắp vũ khí, đạn dược, thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Đồng thời bản sao thông tri này cũng được gửi tới phòng lục sự của Tổng chưởng lý, đô đốc tư lệnh Hải quân và tướng tư lệnh sư đoàn trưởng sư đoàn Nam Kỳ - Cao Miên.

Ngày 11-11, VEBER lại báo cáo khẩn lên cấp trên, đồng thời thông tin cho cả cấp dưới, y vừa bắt được ở Vĩnh Long một bản viết tay phân tích thời cơ thuận lợi để phát động khởi nghĩa. Trong tài liệu này có nhắc các tổ chức cộng sản hiên có trong binh lính phải nhằm sẵn các kho vũ khí, đạn được và chuẩn bị đánh chiếm khi thời cơ đến. Việc ăn cắp súng riêng cũng được nhắc nhở(4).

Như vậy, rõ ràng đế quốc Pháp một mặt lùng bắt những người cách mạng để chặn không cho cuộc khởi nghĩa có thể xảy ra, mặt khác cũng chuẩn bị đề phòng nếu cuộc khởi nghĩa có nổ ra thì chúng sẵn sàng dập tắt.


(1) Báo cáo của BRASEY ngày 28-6-40 số 442 gửi Thống đốc Nam kỳ về tình trạng Khám lớn, HS. IIA.45/322(1) TT.LT2. TP.HCM.
(2) Thông báo của Thống đốc Nam kỳ VEBER cho các chủ tỉnh về tình hình nhà giam. HS. Như trên.
(3) Hồ sơ về tình trạng Khám lớn Sài Gòn. Ký hiệu: Như trên.
(4) Xem trong Báo cáo chính trị tháng 10-1940, số 2293c/API ngày 21-11-1940 của Thống đốc Nam kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương. Hồ sở IIA. 45/204 (2)/TTLT2. TP.HCM
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2010, 05:38:22 pm »

PHẦN THỨ BA

DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO TRỰC TIẾP CỦA XỨ ỦY,
SÀI GÒN TÍCH CỰC CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA,
NHƯNG CUỘC KHỞI NGHĨA KHÔNG NỔ RA

I. - NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG

Từ khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, nhất là từ khi Pháp thua và đầu hàng phát xít Đức, cộng thêm phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, bọn cai trị Đông dương cúi đầu chấp nhận hết đòi hỏi này đến đòi hỏi khác của Nhật, thì uy tín chính trị của đế quốc Pháp hoàn toàn suy sụp trước nhân dân ta. Mặc dù một số người nh Lê Quang Liêm, Tòa Tỳ, Hội đồng Khá… có cố gắng làm vài cuộc mít tinh rồi hô Nam Kỳ muôn năm! Nước Pháp muôn năm! Thì cũng chẳng tác động gì mấy đến nhân dân ta vốn. sẵn ghét Pháp.

Phát xít Nhật tung quân đánh biên giới Lạng Sơn và xúi dục Thái gây ra chiến tranh ở biên giới Tây Nam Đông Dương, làm cho nhiều người hoảng hốt. Người Hoa, sợ phát xít Nhật đánh nhau với Pháp ở Đông Dương, không giữ tiền, tung ra mua vàng, đá quý và tích trữ lương thực. Nhiều người Việt cũng đổ xô đến các tiệm đồ (mont de Piété) rút tiền, vàng, bạc. Không khí ở Sài Gòn và các tỉnh Sa Đéc, Cần Thơ, Châu Đốc… cũng diễn ra như thế.

Chiến tranh thế giới ngày càng mở rộng, ở chính quốc Pháp thua Đức, giao thông đường thủy khó khăn, làm cho thuộc địa Đông Dương bị cô lập. Nền kinh tế Đông Dương nói chung và Nam Kỳ nói riêng khốn đốn, vì sản xuất nội địa và xuất nhập khẩu ngưng trệ.

Về nhập khẩu, tàu vào cảng Sài Gòn giảm hẳn. Ai ai cũng thấy rõ thiếu xăng dầu nghiêm trọng, ô tô phải chạy bằng cồn thay xăng; thiếu sắt, thép và các thành phẩm công nghiệp hiện đại sản xuất; thiếu cả thuốc chữa bệnh… Thiếu mặt hàng nào là nẩy sinh tích trữ, đầu cơ nâng giá mặt hàng ấy.

Về xuất khẩu, mặt hàng gạo đóng vai trò quan trọng; trước đây trung bình hằng năm thường xuất 1.467.414 tấn

Năm 1940, chỉ còn:
Xuất sang Pháp      91.733 tấn (do giao thông khó khăn)
Xuất sang Trung Quốc   468.000 tấn (So với trước có tăng hơn trước kia trung bình xuất 355.000 tấn)
Xuất sang Nhật      479.000 tấn (tăng lên bằng 1/3 khối lượng xuất cả năm)

So sánh mặt hàng gạo xuất khẩu trung bình hàng năm, năm 1940 giảm: 428.661 tấn.

Những sản phẩm chính, trong đó kể cả gạo và sản phảm từ gạo, xuất qua cảng Sài Gòn, so sánh giữa năm 1939 và 1940 như sau:

Năm 1939:   2.250.263 tấn
Năm 1940:   1.879.065 tấn
Giảm:   353.198 tấn

Sản xuất và xuất nhập khẩu giảm sút tác động mạnh đến việc tiêu dùng của quần chúng nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động và các tầng lớp ăn lương.

Hãng vô danh gạo Đông dương (S.A.R.I Société anonyme de riz indochinois) ở Chợ Lớn, công ty Denis Prères quyết định giảm 20%. Kể từ ngày 1-8-1940 đối với cả người Âu và người Việt(2). Công ty xuất khẩu Á - Phi phải giảm một nửa công việc tức là phải cho nghỉ việc khoảng 200 công nhân và người lãnh đạo, kể từ ngày 1-10-1940(3). Xưởng cao su Labbé giảm 25% công nhân(4). 4 xưởng dệt Chợ Lớn ngưng hoạt động, 17 xưởng khác của người Hoa có từ 9 đến 12 người làm công, phải dãn một nửa(5) .


(1) Cụ thể những sản phẩm chính xuất khẩu qua cảng Sài Gòn năm 1940 so với năm 1939.
Hạt tiêu: 1940: 3.126.830kg; 1939: 4.457.669kg
Ngô: 1940: 226.001.000kg; 1939: 331.731.000 kg
Cao su: 1940: 65.554.951kg; 1939: 66.018.684kg
Cùi dừa khô: 1940: 489.767kg; 1939: 9.869.199kg
Cá khô, xông khói, mặn: 1940: 29.876.829kg; 1939: 28.902.259kg
Da và các loại da thuộc: 1940: 1.266.425kg; 1939: 1.384.148kg
Bông: 1940: 564kg; 1939: 331.689kg
Bông gòn (kapok): 880.556kg; 1939: 2.688.793kg
Cánh kiến thỏi: 1940: 164.103kg; 1939: 83.001kg
Mỡ và dầu cá: 1940: 2.568.217kg; 1939: 1.228.414kg
Quả mã tiền: 1940: 289.924kg; 1939: 688.440kg
Hàng hóa khác: 1940: 97.410.824kg; 1939: 122.018.835kg
Cộng: 1940: 429.651.000kg; 1939: 569.441.000kg
Gạo và sản phẩm từ gạo: 1940: 1.467.414.000kg; 1939: 1.680.822.000kg
Tổng cộng: 1940: 1.879.065.000 kg; 1939: 2.250.263.000kg
Giảm: 353.198 tấn
Thống đốc Nam kỳ: Rapport sur la situation de la conchinchine de Mai 1940 à Avril 1941. p.86. Ký hiệu NV.2051. TT.LT2 TP.HCM.
(2) Hồ sơ: Tình trạng tinh thần của dân chúng IIA. 45/205(1), Báo cáo số 4094s ngày 9-7-1940 của Mật thám Pháp.
(3) Hồ sơ: Như trên. BK số 6197s ngày 4-10-1940 của mật thám Pháp.
(4) Hồ sơ: Như trên. BK số 4634s ngày 31-7-1940 của mật thám Pháp.
(5) Hồ sơ: Như trên. BK số 4530s ngày 26-7-1940 của mật thám Pháp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2010, 05:44:32 pm »

Các hãng buôn lớn Descours Cabaud, Comptoirs généraux, Grand magasin Charner, Poinsnrd et Veyret và các nhà sách, nhà in Portaill… đều giảm giờ mở cửa, cho bớt thợ thôi việc. Đời sống khó khăn do giá cả sinh hoạt tăng, lại thêm mất việc đẩy người lao động và gia đình họ tới bước đường cùng. Cho nên mặc dù hoàn cảnh chiến tranh, nhiều cuộc đấu tranh vẫn nổ ra. Theo số liệu của chính quyền địch từ cuối năm 1939 sang năm 1940 công nhân và những nười lao động đã có 18 cuộc bãi công, 18 cuộc yêu sách tập thể, 136 khiếu nại cá nhân, 81 cuộc xô xát tranh chấp giữ người làm công và chủ…(1)

Cùng với công nhân, các tầng lớp khác như tiểu thương, tiểu chủ, công, tư chức… đều bị ảnh hưởng trước những chính sách kinh tế phản động của Pháp và của hoàn cảnh chiến tranh.

Do đời sống khó khăn và lo sợ chiến tranh bùng nổ, nhiều học sinh bỏ học về gia đình ở nong thôn, như trường trung học nữ sinh (collège des jeunes filles), trường thành phố (École municipale)…

Số lượng học sinh tới trường giảm sút rõ rệt.

Học sinh trung học:
- Lycée Chasseloup Laubat 1940: 170.503 học sinh; 1941; 160.693 học sinh; giảm: 9.810 học sinh
- Trường công và tư: 1940: 220.056 học sinh; 1941: 214.493 học sinh; giảm 5.562 học sinh
- Trường Pétrus Ký: 1940: 908 học sinh; 1941: 860 học sinh; giảm 48 học sinh

Collège des Jeunes filles 1940: 595 học sinh; 1941: 556 học sinh; giảm 39 học sinh

Lớp sư phạm chỉ tiêu tuyển năm 1940: 48 nam giáo sinh
Nhưng chỉ tuyển được: 33 người
Sang năm 1941 tuyển được 22 người
Còn tuyển nữ giáo sinh chỉ được 12 người cho năm 1941

Học sinh tiểu học:
Năm 1939 có 164.701 học sinh
Năm 1940 còn 154.558 học sinh
Giảm 10.143 học sinh(1)

Trong lúc các tầng lớp nhân dân đều căm ghét chế độ cai trị của bọn cầm quyền Đông Dương, thì phong trào đấu tranh chuẩn bị cho cuộc nổi dậy diễn ra ngày càng sôi nổi, khẩn trương ở khắp các tỉnh Nam Kỳ.

Trong hàng ngũ của địch, những người lính có tinh thần yêu nước, được giác ngộ, không muốn ra mặt trận chết thay cho bọn cai trị, sẵn sàng đứng lên khi đảng phất cờ khởi nghĩa. Thậm chí họ còn thúc giục, mong muốn khởi nghĩa sớm.

Nội bộ bọn Pháp ở Đông Dương cũng phân hóa. Ngoài những người vì quyền lợi, địa vị trước mắt trung thành với chế độ Pétain, ủng hộ và tuân theo lệnh của bọn cai trị Đông Dương, có những người muốn theo de Gaulle chiến đấu cho nước Pháp tự do. Ngày 6-11-1940, ba người: Trung úy Hải quân JUBELIN, Trung úy công binh ARRNOUX và Đội bộ binh DUCORPS đã lấy một máy bay của câu lạc bọ hàng không sang Mã Lai thuộc Anh(3). Tiếp sau đó ngày 25-12, 4 lính thủy của tàu LAMOTHE PICQUET lại dùng thuyền đi biển từ bãi Long Hải (Bà Rịa) ra khơi đi Mã Lai(4)

Những điều nói trên đây, tuy chưa đầy đủ, nhưng đã cho thấy, đó là những biểu hiện của cuộc khủng hoảng của chế độ cai trị thực dân pháp. Tuy nhiên, phát xít Nhật chưa đánh Pháp ngay, phát xít Nhật đang thi hành chính sách thông qua bộ máy chính trị của Pháp để nắm Đông Dương. Do đó bọn Pháp vẫn còn quân đội, bộ máy cảnh sát, tòa án… Chúng vẫn đủ sức đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta.


(1) Thống đốc Nam Kỳ: Rapport sur la situation de la cochinchine de Mai 1940 à Avril 1941. Chapitre II: Inspection du travail, P.15. KH Như trên
(2) Như trên. Chapitre V. Service de enseignemet p.35.
(3) H.Sơ IIA.45/204 (2). Báo cáo chính trị tháng 11-40 số 2448c/API của Thống đốc Nam Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương.
(4) Như trên Báo cáo chính trị tháng 11-40 số 2448c/API của Thống đốc Nam Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2010, 05:48:02 pm »

II. - THÀNH PHỐ SÀI GÒN - CHỢ LỚN TÍCH CỰC CHUẨN BỊ KHỞI NGHIÃ

Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Nam Kỳ, là nơi đóng cơ quan cai trị đầu não của Pháp, đồng thời cũng là nơi đóng trụ sở của trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ.

Sau vụ đổ bể cơ quan Trung ương ngày 17-1-1940 ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm, Trung ương chuyển về ở đồn điền cao su thuộc xã Tân Xuân (Hóc Môn - Gia Định), nhưng sau vụ Pháp bắt đồng chí Võ Văn Tần tại đó ngày 21-4-1940, hầu như Ban lãnh đạo Trung ương không còn và Xứ ủy cũng mất người lãnh đạo chủ chốt.

Tiếp đến ngày 30-7-1940, các đồng chí Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt ở Chợ Lớn, Xứ ủy mất thêm cán bộ lãnh đạo, Thành ủy mất bí thư, báo Tiến Lên cơ quan ngôn luận của Mặt trận phản đế do Trung ương Đảng chủ trương và Xứ ủy trực tiếp nắm, phải chuyển về Vĩnh Long, miền Trung Nam Kỳ.

Sau hội nghị Xứ ủy ở Tân Hương (Châu Thành, Mỹ Tho) tháng 7, đầu tháng 8 Hội nghị Thành ủy mở rộng Sài Gòn - Chợ Lớn được tiệu tập, do đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy mới được cử tại Hội nghị Tân Hương thanh đồng chí Võ Văn Tần, chủ trì, họp ở khu lao động Cầu Kho, đang họp thì bị động phải chuyển sang Xớm Mới, Tân Định.

Đồng chí Tạ Uyên truyền đạt tinh thần nghị quyết Hội nghị Tân Hương, nhận định tình hình chung, đặc biệt tình hình Sài Gòn, Chợ Lớn từ sau khi Pháp thua trận và đầu hàng phát xít Đức.

Đồng chí Nguyễn Như Hạnh báo cáo phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, nhất là công tác binh vận, một công tác được Xứ ủy rất quan tâm trong việc chuẩn bị khởi nghĩa.

Bàn về củng cố lại vai trò lãnh đạo của thành ủy, tất cả các đồng chí đều nhất trí cần có 9 đồng chí, nhưng đang có mặt tham gia hội nghị 7 đồng chí là Nguyễn Như Hạnh, Huỳnh Văn Hớn, Phan Nhung, Trần Văn Sở, Nguyễn Oanh, Trần Văn Út, Hoàng Xang (Năm Khương). Về sau, bổ sung thêm đồng chí Nguyễn phụ trách công vận của Thành ủy. Đồng chí Nguyễn Như Hạnh trước đó là phó bí thư, nay được cử làm Bí thư Thành ủy thay đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vừa bị bắt.

Như thế là Thành ủy, từ khi chiến tranh thế giới bùng nổ, sau mấy lần liên tục bị vỡ, do chính sách khủng bố gắt gao của địch, đã bước đầu được củng cố và tăng cường để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp đến.

Sau Hội nghị Xứ ủy cuối tháng 9 tại Xuân Thới Đông (Tân Xuân, Hóc Môn), ngay sát nách thành phố, phía Bắc đã có tin cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, dội vào. Thành ủy lại họp để kiểm điểm việc chấp hành các nghị quyết về chuẩn bị khởi nghĩa của Xứ ủy, lần này cuộc họp bàn kỹ lưỡng nhiều mặt.

Về Đảng, toàn thành đã có trên 50 chi bộ với ngót 300 đảng viên. Đa số các đồng chí đảng viên hoạt động tích cực, bám sát cơ sở, liên lạc chặt chẽ với quần chúng.

Các tổ chức của công nhân do Đảng lãnh đạo được mở rộng như ở Bến cảng Nhà Rồng, đề pô xe lửa Dĩ An, xưởng Ba Sơn, F.A.C.I., nhà đền Chợ Quán, hãng Brossard Mopin, các hãng dầu bên Nhà bên Nhà Bè, nhà máy điện Paul Blanchy (Hai Bà Trưng, hãng vận tải Đông dương (S.I.T.)…

Tuy bị o ép, trấn áp, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân vẫn diễn ra. Chỉ trong tháng 5-1940 đã có 6 cuộc đấu tranh:

- Ngày 1-5-1940, đúng ngày Quốc tế lao động, tại Chợ Lớn đại diện của 14 nam công nhân và 6 nữ công nhân làm ở chành lúa, Dân Hưng, phản đối lệnh dãn thợ không báo trước và đòi tiền thường. Chủ phải chấp nhận trả tiền thường 5 ngày cho mỗi công nhân.

- Ngày 4-5-1940, tại Sài Gòn chủ hãng SIMCA vin có mất phụ tùng ô tô, quyết định giữ lại của mỗi công nhân 0đ80 (Đông dương), lập tức công nhân họp bàn quyết định bãi công. Sau khi chủ chấp nhận hoàn lại đủ tiền công, ngày 6-5 công nhân lại đi làm trở lại.

- Ngày 7-5 tại Chợ Lớn 30 công nhân người làng Bình Trị Đông của hãng rượu Bình Tây đòi:

Lương công nhật 1 đồng với 0đ30 ứng trước làm tiền ăn trưa.

Ngày làm việc 8 giờ, nghỉ 15 phút uống trà.

Trả lương đúng kỳ hạn không chậm.

Bị tai nạn thì hãng phải trả tiền chữa.

Ban đầu chủ không chịu, công nhân bỏ hãng về làng. Sau đó, chủ chấp nhận công nhân trở lại làm việc tiếp.

- Ngày 13-5-1940, 30 công nhân xưởng sửa chữa tàu trên đường Phú Định (Phú Lâm), công nhân Chành Lúa Dân hưng, hãng rượu Bình Tây, xí nghiệp Lamorte, công trường Chí Hòa Bãi công chống dãn thợ, đòi tăng lương, phản đối đánh thợ…

Sang tháng 7, 8, 9, 10 vẫn liên tiếp có các cuộc đấu tranh của công nhân xưởng dệt Coppin, Bret garage Charner, hãng nạo vét bùn công trường xây dựng, xe kéo, hãng thuóc lá Cotab… phản đối trả lương chậm, giảm lương…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2010, 05:50:54 pm »

Phong trào thanh niên học sinh lên káh. Tại các trường Pétrus Ký, Đồng Nai, Huỳnh Khương Ninh, Lycesum Paul Doumer… đã thành lập được những chi bộ. Theo báo cáo của mật thám còn lưu lại, học sinh năm thứ 4D trước Pétrus Ký Trần Ngọc Điệp có liên lạc với giáo viên trường tư Nguyễn Như Hạnh, được Hạnh giao cho xây dựng chi bộ học sinh, bị đưa ra tà xử ngày 3-3-1941 và giam tại trại trừng giới Ông Yêm (Thủ Dầu Một)(1).

Ban chấp hành thanh niên thành phố gồm Võ Giới Sơn, Hồ Đắc Bật, Phan Phú, Nguyễn Văn Bình, Trần Ngọc Điệp, Nguyễn Thị Bảy (nữ sinh áo tím) và có cả giáo viên(2).

Nhiều cuộc rải truyền đơn, bảo vệ các cuộc nói chuyện do tổ chức của học sinh đảm nhiệm.

Ảnh hưởng của phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo lan tới giới viên chức các công sở và tư sở, như ở bệnh viện Chợ Rẫy, cơ cở cách mạng đã tập hợp được y tá, y sĩ (anh Tự Cao, anh Khuyến), bác sĩ Trần Vọng Kim… Cán bộ cách mạng ốm đau đưa đến đây chữa chạy được chăm sóc tận tình.

Một số trí thức có tên tuổi, Đảng cũng tranh thủ được, đã đứng về phía cách mạng như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Trần Vọng Kim, bác vật Lưu Văn Lang, Giang Văn Khánh, luật sư Trịnh Đình Thảo, giáo sư Lê Văn Huấn, kỹ sư Kha Vạng Cân, Phước George… Nhiều cuộc họp của Thường vụ Xứ ủy được bố trí họp ngay tại nhà anh Phước George. Các văn nghệ si nỏi tiếng như Năm Châu, Phùng Há, Tư Chơi, Tám Danh… tỏ thái độ tình cảm và ủng hộ cách mạng.

Hội nghị Thành ủy được nghe đồng chí Lê Văn Khương (Mười Đen) phụ trách về công tác quân sự và binh vận trong Ủy ban khởi nghĩa của Xứ ủy, trình bày về tầm quan trọng của công tác vận động binh lính địch,về tình hình quân số, vũ khí, cách bố phòng của quân Pháp ở thành phố. Hội nghị đã nhấn mạnh việc tạo cơ sở và nhân mối trong các trại lính của địch.

Về công tác này, theo đồng chí Nguyễn Như Hạnh, hồi đó cách mạng có liên hệ được cả với một số đảng viên Đảng cộng sản Pháp là sĩ quan trong quân đội pháp. Các đồng chí này giúp ta nắm tình hình chung cả nước và có giúp ta một phần về trang bị.

Đồng chí Phan Nhung là Thường vụ thành ủy được giao nhiệm vụ lo vũ khí trang bị cho tự vệ và du kích. Lúc đó, đồng chí Phan Nhung là giáo viên trường Bách Nghệ Sài Gòn(3) trực tiếp lãnh đạo phong trào của trường, đồng thời có liên lạc với các cơ sở đảng ở Ba Son, F.A.C.I. và nhiều xí nghiệp khác. Những ơ này có nhiều cán bộ kỹ thuật, đa số thường tốt nghiệp từ trường Bách Nghệ.

Đồng chí Nhung qua đồng chí Bảy (thường gọi là Thày đội Bảy) còn tạo được một số cơ sở trong cơ quan hậu cần (intendance) của địch. Đồng chí Bảy ngoài việc kiếm vũ khí thuốc nổ trang bị ho tự vệ, du kích, còn có năng lực làm công tác binh vận. Về sau việc đổ bể, Pháp đã đưa ra tòa án binh kết tội tử hình(4).

Một điều thật tiếc là Pháp đã bắt và xử rất nhiều đảng viên và quần chúng tích cực của ta trong hàng ngũ lính địch, trong đó có nhều án tử hình và chung thân, nhưng chúng để hồ sơ riêng, chưa tìm được.

Đánh giá về cơ sở ở các khu phố, Hội nghị thấy rằng ngoài những cơ sở được gây dựng từ trước, nay đã củng cố và mở rộng thêm ở một số khu lao động như Bàn Cờ, Chợ Đuỗi, Xóm Chiếu, Ngã Sáu, Xóm Mới (Tân Định) Thị Nghè, Phú Nhuận, Long Kiên…

Trong một số khu lao động, đường phố, các trường học Pétrus Ký, Hình Khương Ninh, Kỹ nghệ thực hành, trường máy (écoledes mécaniciens), trường dạy lái ô tô… đã tổ chức được những đơn vị tự vệ vũ trang đáng tin cậy.

Thành ủy cũng đã mở mấy lớp huấn luyện ngắn ngày cho đảng viên cốt cán về tình hình và nhiệm vụ cần kíp trước mắt, nhằm khẩn trương chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Xứ ủy đã nhắc nhở thành ủy hết sức cố gắng chuẩn bị và lãnh đạo khởi nghĩa trong phạm vi trách nhiệm của mình. Xứ ủy lãnh đạo toàn xứ, nhất là sẽ lãnh đạo các địa phương chung quanh phối hợp hoạt động và hỗ trợ tích cực cho thành phố.


(1) Xem hồ sơ IIA. 45/222 (2bZ). TT.LT2 tại TP. Hồ Chí Minh.
(2) Bản viết: Tư liệu góp thêm để nghiên cứu Khởi nghĩa Nam Kỳ được đồng chí Nguyễn Như Hạnh, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn lúc nổ ra khởi nghĩa, 76 trang. Lưu trong hồ sơ riêng của Giáo sư Trần Văn Giàu.
(3) Chính xác là trường Thương mại và Kỹ nghệ (École commerciale et industrielle) đồng chí Phan Nhung làm contre - maitre (đốc công có giảng dạy (T.G.).
(4) Bản viết: Tư liệu góp thêm để nghiên cứu Khởi nghĩa Nam kỳ của đ/c Nguyễn Như Hạnh. Như trên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2010, 05:52:55 pm »

III. - Ý KIẾN CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỚI CHỦ TRƯƠNG KHỞI NGHĨA CỦA XỨ ỦY NAM KỲ

Từ Nam Kỳ ra, đồng chí Phan Đăng Lưu đã bắt được liên lạc với Trung ương và tham dự Hội nghị lần thứ VII của Trung ương Đảng tại Đình Bảng (Phủ Từ Sơn, Bắc Ninh) từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940, do đồng chí Trường Chinh chủ trì.

Sau khi bàn về đường lối chung vàn hững công tác co phong trào chung của cả nwóc, vấn đề khởi nghĩa vũ trang được đặt hẳn vào chương trình nghị sự của Hội nghị.

Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã nổ ra ngày 27-9-1940 và không khí sục sôi muốn khởi nghĩa ở Nam Kỳ cho thấy dưới hai tầng áp bức bóc lột của phát xít Pháp - Nhật “một cao trào cách mạng sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”(1). Tuy nước ta “chưa đứng trước một tình thế trực tiếp cách mạng”(2), nhưng trong điều kiện thế giới và trong nước hồi bấy giờ, cuộc cách mạng của nước ta có thể nổ ra bàng những cuộc khởi nghĩa địa phương ở những nơi có điều kiện (chẳng hạn như Bắc Sơn) để tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền cả nước.

Về đề nghị khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ, sau khi nghe đồng chí Phan Đăng Lưu báo cáo tình hình Nam Kỳ, Hội nghị cân nhắc cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn vừa thất bại, ở Nam Kỳ chưa có đủ điều kiện khách quan và chủ quan bảo đảm cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi, cho nên Hội nghị quyết định hoãn việc phát động khởi nghĩa ở Nam Kỳ. Đảng bộ Nam Kỳ cần chờ tình hình phát triển ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, sẽ phát động khởi nghĩa theo kế hoạch chung của Trung ương.

Đồng chí Phan Đăng Lưu được giao trách nhiệm truyền đạt chủ trương này cho Xứ ủy Nam Kỳ.

Đồng chí Phan Đăng Lưu trên đường về còn có nhiệm vụ phổ biến Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII của Trung ương cho các cấp đảng bộ Trung Kỳ, do đó đến ngay 22-11-1940, mới về tới Sài Gòn. Trong khi đó, vì chờ đợi lâu không thấy đồng chí Phan Đăng Lưu về, Thường vụ Xứ ủy đã hạ lệnh khởi nghĩa và gửi đi khắp các tỉnh.

Như vậy, Xứ ủy Nam Kỳ không được biết và không được phổ biến chủ trương hoãn phát động khởi nghĩa của Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng.


(1) và (2) Văn kiện Đảng (Từ 25-1-1939 đến 2-9-1945). Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1963, tr.142.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2010, 05:56:20 pm »

IV. - XỨ ỦY QUYẾT ĐỊNH KHỞI NGHĨA

Ngày 15-11, theo đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Xứ ủy lại họp ở một địa điểm thuộc Hóc Môn. Đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn chưa về. Ai nấy đều sốt ruột chờ đợi.

Hội nghị nghe báo cáo công tác chuẩn bị khởi nghĩa của các địa phương, thấy rằng tuy địch tăng cường khủng bố, nhưng mọi mặt phong trào vẫn phát triển, nhất là lực lượng vũ trang của cách mạng tỏ thái độ quyết tâm nổi dậy đánh đổ chính quyền địch.

Hội nghị chăm chú nghe đồng chí Lê Văn Khương báo cáo về lực lượng quân sự và cách bố phòng của Pháp. Hiện thời tại thành Ô ma đóng một trung đoàn lính tập (tirailleurs) (R.T.A) người Việt, lính Pháp đóng ở đường NORODOM, công binh đường d’Espangne (Lê Thánh Tôn), Hải quân đường RIGAULT de GENOUILLY (Phạm Viết Chánh cạnh Rạch Thị Nghè). Ở Chợ Lớn, đòn Cây Mai, Rạch Cát mỗi noi có một đơn vị vệ binh.

Bộ Tham mưu Pháp đóng ở đường Chaseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai).

Kho súng đạn của địch để ở đường Rousseau (công viên Văn Lang, góc đường Hùng Vương và An Dương Vương). Khí giới và súng lớn có nhiều ở thành pháo thủ. Nhà Bè có súng đại bác bắn máy bay và mô bắn. Cát Lái có kho súng (Thành Tuy Hạ).

Kho trữ xe hơi tại Chợ Đũi, Đa Kao, chợ Thái Bình. Xe thiết giáp và xe súng máy để ở thành pháo thủ.

Tất cả thành Sài Gòn và Chợ Lơn có lối 20 ngàn lính đa số là người Việt.

Tỉnh Gia Định có lính thủ hộ (brigade mobile) lối 120 người, luyện tập giỏi, khó vận động.

Mỗi tỉnh có 120 lính mã tà, tập luyện khá, có thể tuyên truyền được.

Các tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long, Biên Hòa, Bà Rịa có lính người Việt, các tỉnh Sóc Trăng, Châu Đốc lính người Miên. Thủ Dầu Một có trại lính Pháp và Nam. Cấp (Vũng Tàu) có lính Pháp và lính bộ binh pháo thủ người Việt, chút ít lính thủy, Sở máy bay của địch ở Biên Hòa, Cát Lái(1).

Lính lưu hậu và lính cũ đang học ở trường đạo tạo sĩ quan (E.O.R.) và hạ sĩ quan (E.S.O.R.) và trường huấn luyện lính mới. Mới đây Pháp chuyển trường huấn luyện sĩ quan và hạ sĩ quan từ Sài Gòn đi Thủ Dầu Một, trong đó có một số nhân mói và cơ sở tốt của cách mạng, có lẽ Pháp có điều gì lo lắng, cho nên mới chuyển như vậy.

Tình trạng trong binh lính đang xôn xao mạnh từ tháng 10. Binh lính ở Nam Kỳ thì Pháp điều sang Lào, Campuchia để chuẩn bị đối phó với chiến tranh Pháp - Thái. Chúng lại điều lính Miên từ Nam Vang và lính từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ vào Nam. Đây là thủ đoạn nham hiểm của Pháp, nhằm đối phó với phong trào đang lên ở Nam Kỳ.

Cơ sở từ trong binh lính báo cáo ra, nhiều anh em binh lính muốn khởi nghĩa, chứ không đợi bị điều ra mặt trận chết thay cho đế quốc Pháp.

Trong hội nghị cũng còn ý kiến của đồng chí Phan Văn Bảy cho rằng tinh thần địch có khủng hoảng sa sút, nhưng binh lính địch còn nhiều và còn ổn đinh, mạnh hơn cách mạng, cho nên cần cân nhắc thận trọng. Ý kiến đó chỉ là thiểu số, đa số cho rằng phát động khởi nghĩa lúc này là thuận lợi. Ngoài những điều đã nêu trên, lúc này bọn cai trị Đông Dương đang ở thế khó khăn, tại chỗ chúng luôn luôn lo bị Nhật o ép, ở chính quốc đã đầu hàng Đức, không còn là hậu phương tiếp tế cho bọn thuộc địa Đông Dương nữa.

Hội nghị Xứ ủy nhất trí quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền địch giành lấy chính quyền cách mạng về tay nhân dân.


(1) Dựa vào tài liệu của ta do địch bắt được ở một chùa Gò Vấp. Lưu trữ Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tư. Ký hiệu C.IB/6.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2010, 05:57:55 pm »

Các tỉnh và thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đều đã có Ban khởi nghĩa, có nhiệm vụ lãnh đạo toàn thể nhân dân nhất tề nhổi dậy cùng lúc. Tuy nhiên, Xứ ủy chọn Sài Gòn là nơi trung tâm của cuộc khởi nghĩa, vừa là nơi phát lệnh, vừa là đón đánh quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Vì vậy, đồng chí Tạ Uyên, trưởng Ban khởi nghĩa của Xứ ủy trực tiếp làm trưởng Ban khởi nghĩa thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Các đồng chí Thường vụ, Xứ ủy viên trong Ban khởi nghĩa xứ, trực tiếp làm trưởng Ban kinh nghiệm các tỉnh chung quanh như Gia Định, Chợ Lón, Tân An, để phối hợp và hỗ trợ thành phố Sài Gòn. Xứ ủy đã bổ sung hai đồng chí trong thành ủy vào Xứ ủy là đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Huỳnh Xang (hai đồng chí này có trong Ban khởi nghĩa thành), để tăng cường vài trò lãnh đạo của Xứ ủy đối với cuộc khởi nghĩa ở thành phố(1).

Kế hoạch khởi nghĩa tại thành phố Sài Gòn đại thể như sau: các địa phương chung quanh như Đức Hòa, Trung Huyện, Cần Giuộc thuộc tỉnh Chợ Lớn; Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè thuộc tỉnh Gia Định; một số nơi thuộc Tân An, Thủ Dầu Một… do Ban khởi nghĩa lãnh đạo, bí mật đưa lực lượng trung kiên, đã được luyện tập, phần nhiều là đảng viên, quần chúng cốt cán, có vũ trang thô sơ, súng… chia thành từng tốp nhỏ thường 3 người, bằng mọi phương tiện (đi bộ, xe đò, xe điện, thổ mộ, đi thuyền…) tới những địa điểm đã được quy định, cận thành phố, khi nghe súng nổ, có liên lạc và phương tiện hướng dẫn tiến vào thành phố phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh chiếm những nơi quan trọng, trước hết là Khám Lớn, khám Chí Hòa để giải thoát tù chính trị, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng. Các đồng chí thoát tù sẽ bổ sung ngay vào lực lượng lãnh đạo; đánh Sở Cảnh sát (Đường Trần Hưng Đạo), Sở lính kín (Catinat), cơ quan hiến binh Gia Định, nhà máy đèn Chợ Quán, xưởng Ba Son, các xí nghiêp quốc phòng, sân bay; dựng chướng ngại vật ở những chỗ quy định như ở phố Général Lizé (Điện Biên Phủ quãng từ Cách mạng Tháng Tám tới Lý Thái Tổ), để chặn pháo binh, cắt giây điện, chặt cây, phá cầu cản trở giao thông…

Chi bộ bồi bếp có nhiệm vụ đầu độc những viên quan cầm quyền người Âu, những viên chỉ huy quân sự cao cấp.

Các trại lính có nội ứng phá kho lấy súng, diệt chỉ huy ngoan cố, cướp trại, chiếm đồn và tỏa đánh các nơi.

Vũ khí hiện đại cung cấp cho nghĩa quân, dựa vào binh lính nổi dậy theo cách mạng, chiếm trại, phá kho lấy ssúng. Phương tiện vận chuyển trong khởi nghĩa, đưa nghĩa quân các địa phương vào phối hợp, chuyển tù chính trị cứu được ra ngoài, đã có khoảng 10 xe vận tải được bố trí trước đêm khuya ở sở cao su Bình Hòa, phố Bà Quẹo, Chợ Quán, Chợ Lớn…

Hội nghị có nêu khởi nghĩa thắng lợi thì thành lập chính phủ lâm thời cộng hào dân chủ và trường hợp đấu tranh quân sự lâu dài sẽ dựa vào căn cứ Truông Mít ở Tây Ninh, Lộ Ninh, Biên Hòa, vùng châu thổ Cửu Long, U Minh Rạch Giá… Vì sao lấy những chỗ này và ở đó cơ sở quần chúng ra sao không nói rõ…

Hội nghị giao cho Ban thường vụ Xứ ủy quyết định ngày giờ nổ ra khởi nghĩa.

Ngày 20-11-1949, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn chưa về. Ban Thường vụ Xứ ủy họp khẩn cấp hạ lệnh cho tất cả các nơi nổi dậy vào 24 giờ đêm ngày 22-11-1940. Lệnh được phát đi từ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Vì sao chọn ngày giờ đó?

Ngày đó cuối tháng không trăng, trời tối, giờ đó địch lơ là mất cảnh giác.

Một lý khác giải thích, ngày 22-11 dương lịch trùng với ngày 23 tháng Mười âm lịch. Vào ngày đó, tháng đó, theo lịch Nga, cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới do Đảng cộng sản Bôn sê vích Nga lãnh đạo, đã thắng lợi. Mong muốn cuộc khởi nghĩa của ta cũng thắng lợi như thế!


(1) Theo đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Tài liệu đã dẫn. theo các tài liệu chính thức của Đảng từ trước đến nay thì chưa bao giờ thấy nói các đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Huỳnh Xang là Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ (T.G).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 06:48:51 am »

V. - THỨ SÁU, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 1940 TẠI SÀI GÒN

Dưới sự chỉ đạo của Ban khởi nghĩa thành, các quận, các cơ sở đều khẩn trương chuẩn bị mọi việc do cấp trên đã đề ra.

Đồng chí Tạ Uyên, bí thư Xứ ủy kiêm trưởng Ban khởi nghĩa thành, triệu tập một cuộc hội nghị mở rộng gồm Thành ủy, Ban khởi nghĩa thành đến bí thư, trưởng ban cán dsự quận và các đồng chí phụ trách các bộ phận chuyên trách của Thành ủy vào 12 giờ trưa ngày 22-11, để nghe truyền đạt mệnh lệnh khởi nghĩa và phân công kế hoạch thực hiện.

Chọn 12 giờ trưa để họp, vì vào giờ đó công nhân viên công, tư sở, xí nghiệp đi về nghỉ trưa, tránh sự chú ý của địch.

Đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Bí thư Thành ủy được phân công đi bắt liên lạc với các cơ sở trong các trại lính, trong đó  có anh em binh lính đóng ở trại Ô ma (camp aux marres) mới bị điều đi Thủ Dầu Một, đến đêm 21 rạng sáng ngày 22 mới về tới thành phố.

Sáng ngày 22, đồng chí Hạnh được đưa đến gặp đồng chí Tạ Uyên ở nhà 160 đường Dayot (Nguyễn Thái Bình)(2).

Đây là tiệm cắt tóc của tên Lợi ở Đà Nẵng vào, đồng chí Hạnh có nghe nói tên này làm chỉ điểm, cho nên ngần ngừ không muốn vào. Theo đồng chí Hạnh, đồng chí  Tạ Uyên cho gọi mấy lần đồng chí Hạnh mới vào.

Đồng chí Tạ Uyên lấy nhà này làm mơi gặp gỡ cán bộ là do tên Quới (tức Đức Huy) bố trí. Tên Quới còn có tên là Mập làm ở sở xe điện, vốn là một tên trốtkit, sau vào đảng cộng sản, làm công tác công đoàn. Quới đã được giới thiệu tham gia Thành ủy và lúc gần khởi nghĩa được cử phụ trách Ban công vận của Xứ. Khi nổ ra khởi nghĩa Quới không bị bắt. Sau Cách mạng Tháng Tám, thời kháng chiến chống Pháp, Quới đã lên tới chức Bí thư Khu ủy Miền Đông, làm trưởng ban tảo thanh Bình Xuyên của Bảy Viễn, trong lúc Bảy Viễn đang dự lễ phong chức Khu trưởng khu 7 do tướng Nguyễn Bình trao. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, ta phát hiện, y nhận hết tội lỗi…

Đồng chí Tạ Uyên phổ biến mệnh lệnh khởi nghĩa, mở bản đồ tham mưu Sài Gòn - Chợ Lớn(2), chỉ cho đồng chí Hạnh những chỗ cần đánh chiếm và làm chướng ngại vật chặn  địch, trao cho đồng chí Hạnh Lời kêu gọi khởi nghĩa dặn dò làm truyền đơn kêu gọi lính Âu, Phi. Cuối cùng hẹn cùng nhau đến chỗ họp.

Khoảng 11 giờ, làm việc xong, mỗi người đi một ngả. Đồng chí Hạnh theo đường Alssace Lorraine (Phó Đức Chính) để đế nhà đồng chí Hoành ở xí nghiệp xửa chữa ca-nô đường Quai Belgique (Chương Dương) là nơi liên lạc của Thành ủy. Nhưng vừa đi được khảng 500 mét, thì đồng chí Hạnh bị mật thám bao vây bắt. đồng chí vội la lớn “Giáo Hạnh bị bắt! Giáo Hạnh bị bắt!” cố để báo động với cơ sở, ở gần đấy.

Giải về sở lính kín Catinat, địch khám thấy đồng chí Hạnh giấu ở gấu quần một bản hiệu triệu như sau:

“Hãy tiến lên!

Hỡi tất cả đồng bào bị áp bức Đông Dương!

Hỡi tất cả những người yêu nước!

Hãy kiên quyết tiên lên!

Đánh đổ chủ nghĩa phát xít Pháp, bọn vua chúa bản xứ cũng như bọn tay sai người Việt phản bội nhân dân.

Thành lập một chính phủ cộng hòa dân chủ Đông Dương để liên hệ với Mặt trận kháng chiến ở Trung Quốc!

Đứng lên chống chủ nghĩa phát xít Nhật và quân đội Thái Lan xâm lược!

Đông Dương hoàn toàn độc lập!”(3)


(1) Theo bản viết của đồng chí Nguyễn Như Hạnh năm 1986, lưu hồ sơ của Giáo sư Trần Văn Giàu, thì nhà đó số 160 Dayot. Theo lời cung cấp của đồng chí Hạnh cho Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, ký hiệu 25 NK thì là nhà 41 Dayot. Tài liệu của mật thám Pháp nói Hạnh vừa ở nhà 41 Dayot ra thì bị bắt.
(2) Bản đồ này do người giúp việc của cố đạo Dumontier lấy và giao cho đồng chí Hạnh; đ/c Hạnh đưa cho đ/c Tạ Uyên. Lưu trữ Ban NCLSĐ. T.Ư. Ký hiện: 25.NK.
(3) Báo cáo số 7489s của Mật thám gửi Thống đốc Nam Kỳ. Lưu trữ BNCLSĐ. T.Ư.K.H.07 NK.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 06:51:03 am »

Việc Pháp bắt được đồng chí Bí thư thành ủy là do cảnh sát đặc biệt (mật thám) Sài Gòn được một tên chỉ điểm nằm ở trong nội bộ ta, báo cho chúng biết chiều nay những người cộng sản có một cuộc họp, chưa biết để làm gì. Chúng liền bủa người đi canh gác và lục soát tất cả những nơi tình nghi và do đó chúng bắt được đồng chí Hạnh. Ngoài bản kêu gọi, chúng còn thấy trong người đồng chí Hạnh địa chỉ nhà 160 phố Dayot.

Chúng liền cho bố trí bao vây, đến 16 giờ thì chúng bắt được đồng chí Tạ Uyên(1).

Trong người đồng chí Tà Uyên có một bản viết tay, nội dung như sau:

“Anh Thày,

Chúng ta hành động như chúng ta đã quyết định hôm trước. Tôi yêu cầu: 10 ô tô chở người, 2 chiếc phải đỗ ở phố Bình Hòa (sở Cao su), 3 chiếc phải đỗ ở phố Bà Quẹo, chợ Lớn ở bờ dốc không có cỏ mà anh đã biết ở bên ngoài chợ. Từ 11 giờ đến 11 giờ rưỡi phải có ở tại chỗ, 5 chiếc ô tô phải có mặt tại chỗ vào giờ nhứt định.

Về việc chướng ngại vật.

Tùy thuộc các đường quan trọng trong thành phố để dựng lên. Riêng  phố Général Lizé và ngã tư phố Verdun phải dành một chô tự do dễ dàng cho việc cứu viện cho khám lớn. Phố Verdun phải đặt chướng ngại vật quãng trên đường Général Lzé để chặn pháo binh đến. Phải tổ chức một nhóm ám sát để khử tên đại tá trại Ô ma. Phải đặt chướng ngại vât ở phố Pétrus Ký (Lê Hồng Phong), sau trại Ô ma. Phải khử tên đại tá và tên thiếu tá ở phố Verdun.

Dựng chướng ngại vạt phố Chasseloup (Nguyễn Thị Minh Khai) để chiến đấu chống những nhà người Pháp gần R.T.A bis (Trung đoàn lính tập người Việt phụ). Vũ khí đã sẵn sàng chưa?

Khẩu hiệu. Mỗi nơi phải có những nhó cứu viện, tốt nhứt lựa dùng những sinh viên biết nói tiếng Pháp. Tất cả khẩu hiệu ở thành phố tùy các đồng chí quyết định. Lực lượng của chúng ta không manh lắm. Phải thận trong và hành động có phương pháp.

Về việc thuốc độc đã có chưa? Nếu có thì có thể dùng nó để giảm quân người Pháp. Phải dùng thứ có tác dụng sau 2 hoặc 3 giờ”(2).

Bị tra khảo, đồng chí Tạ Uyên khai một nơi ở cũ đã bỏ ở Chợ Lớn. Chẳng ngờ, khi chúng khám nhà đó không thấy gì, nhưng ở cạnh đó mấy căn, đồng chí Phan Đăng Lưu vừa ở miền Bắc về, đang trú tại đó để bắt liên lạc. Thế là chúng bắt đượ đ/c Phan Đăng Lưu.

Ngay tối hôm đó Pháp còn bắt được đồng chí Phan Nhung, Thành ủy viên và gần 50 người nữa. Khám nhà Nhung, địch bắt được một máy chữ, nhiều tài liệu và 1 dao găm. Đồng chí  Tạ Uyên bị địch tra tấn chết ngay tại nơi giam giữ. Mấy ngày tiếp theo, Pháp bắt thêm một số, tất cả ở Sài Gòn - Chợ Lớn là 98 người.

Trong đợt này, chúng đã bát một lính tập tên là Qui, đã bị chúng theo dõi từ lâu, chúng cho là người cầm đầu tuyên truyền và tổ chức cộng sản ở trại Ô ma. Sau chúng đã đưa đi xử tử.

Như vậy là Pháp đã biết Xứ ủy Nam Kỳ đã ban hành lệnh khởi nghĩa vào nửa đêm nay 22-11. chúng còn biết Xứ ủy chủ trương cướp 7 xe camions nhà binh ở Chợ Quán, lúc 22 giờ và cho: - 3 chiếc chạy về Thủ Dầu Một, ngừng trước sở cao su có tín hiệu đèn pin thì xe ngừng. Người hỏi mật hiệu: Ai đó? Người trên xe trả lời: Ái quốc1 Đúng mật hiệu mọi người lên xe để đi về Sài Gòn.

- 4 chiếc nữa đi tới cầu Ông Lãnh, đậu trước chợ, cũng mật hiệu như trên. Đúng, thì cho lên xe đi về khám lớn.

- Những xe ô tô ừ nơi khác đến bao quanh khám lớn phải dành đường La Grandière (Lý Tự Trọng) cho 7 xe nói trên tới khám lớn.

- Ngoài ra các xe caminons khác cho một nhóm đậu gần trại Ô ma để chờ lệnh. Trong trại có tiếng hô và nổ súng thì bên ngoài xông ra cướp súng.

- Một đơn vị từ 4 đến 5 người chạy khắp thành phố, để diệt cảnh sát và đoạt súng.

- Kiên quyết và khẩn trương xông vào khám lớn để giải thoát tu ctỉ. Ủy ban liên lạc đã báo cho tất cả chuẩn bị, sẵn sàng khởi nghĩa.

- Sau khi cướp được khám lớn thì chia làm hai cánh:

Một cánh đi đánh sở Ba Son.

Một cánh đi đánh F.A.C.I. để đoạt vũ khí.

- Mỗi nghĩa quân có một khăn tay cột cổ, cái gút xoay về phía sau chỗ ót. Mật hiệu cho tất cả là Ái quốc.

Sau khi thành lập chính phủ lâm thời cộng hòa dân chủ, phải nêu các khẩu hiệu trên các băng treo khắp nơi.

Khi nổ súng phải tuyên truyền rộng rãi kêu gọi nhân dân tham gia đông đảo…(3)


(1) Hồ sơ, Như trên.
(2) Hồ sơ, Như trên.
(3) Xem tài liệu lưu trữ bản viết tay về Nam Kỳ Khởi nghĩa. Ký hiệu CJ/B.70. Lưu trữ Viện lịch sử Đảng Trung ương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM