Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:49:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng  (Đọc 113152 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #90 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2010, 03:20:02 pm »

Sáu Ngọc mày mò máy tàu hồi lâu, không điều khiển được vì anh chuyên lái ca-nô, nay gặp phải tàu lớn, không biết đâu mà rờ. Mười Thôi nhờ hai Hoa kiều thuyết phục thợ máy không được, họ thuyết phục thợ điện. Anh này người Indonésia có cảm tình với Việt Nam. Anh này nhỏ to với máy trưởng. Máy trưởng cho biết máy không nổ vì chân vịt bị quấn. Mười Thôi ra lệnh:

- Nhảy xuống chặt dây đỏi đi.(dây buộc thuyền).

Nghe máy trưởng nói, Nuôi, anh thanh niên Quảng Ngãi cởi áo xách dao nhảy xuống biển. Ai nấy đều lo sợ cho anh. Nhưng vài phút sau, anh leo lên tàu và đưa ra một khúc đỏi. Chặt đỏi rồi, máy nổ nhưng tàu không ra khỏi đảo. Xem lại thì hai tay Nắng với Ghế chỉ lái canô chưa biết điều khiển tàu. Mãi đến 11 giờ trưa mới đi được.

Ba giờ chiều hôm sau lại bị bão. Tàu lắc 45 độ. Đài VTĐ ngã lăn hỏng máy không dùng được. Phải chạy rối sóng. Anh em trên tàu đều nôn mửa. Buồn cười là thuyền trưởng Ban là người mửa trước tiên. Mười Thôi lo lắng điểm quân. Chỉ có năm người không nôn mửa. Là tay quân sự, anh biết đây là lúc thuận lợi cho thủy thủ ra tay cướp tàu lại. Kế Nắng cũng mửa. Mười Thôi bảo nhỏ Nuôi:

- Thủ kỹ cây tôm-xong không cho bất cứ tay nào tới gần.

Trên tàu lúc đó ngoài Mười Thôi ra chỉ có hai người không mửa, đó là Nuôi và Ghế.

Đúng như anh nghĩ, máy trưởng lấy cớ đổ nước tới gần Nuôi định cướp súng nhưng Nuôi đã được cảnh giác nên ghìm súng nhìn máy trưởng lom lom. Cứ cắn răng chịu bão đêm. Đó là một đêm dễ sợ nhất vì thủy thủ Thái có thể ra tay bất cứ lúc nào. Sáng hôm sau, thuyền trưởng già nói:

Đi đâu thì cho tôi biết, chớ chạy vầy đâu được.

Nhìn mặt biển, Mười Thôi mới biết vì sao tay này xuống nước. Lão ta chuyên chạy sát bờ, nhìn núi mà đoán tọa độ. Còn bây giờ trời nước mênh mông, dù có thả cũng không biết đường về. Đêm thứ hai , Ban gọi Thôi lên phòng hoa tiêu, chỉ ánh sáng từ xa hỏi:

- Tàu hàng hay tàu binh?

Theo cách đốt đèn, Mười Thôi biết tàu trước mặt là tàu quân sự. Anh ra lệnh tăng tốc độ. Nhưng Nắng lắc đầu:

- Không được! Tàu mình tốc độ chậm. Không thể vượt qua đầu nó. Nên chạy vòng sau đít nó. Nếu tăng tốc độ, lửa sẽ bừng lên, địch dễ thấy.

Mười Thôi gật:

- Anh nói đúng. Nếu có sự cố mình sẽ ăn thua đủ.

Thuyền trưởng và máy chính thấy tàu nhà binh sợ xanh mặt. Nhưng Mười Thôi trấn an họ:

- Có gì mà sợ. Tụi tôi chấp. Súng ống cả tàu mà sợ nó sao?

Nhưng tàu nhà binh chạy qua không chú ý tới chiếc Darathip. Thế rồi bỗng nhiên, tàu chạy chệch hướng. Mười Thôi chạy lên phòng hoa tiêu thì thấy Ban ngủ gục vì quá mệt. Anh xem hải đồ, chỉnh lại. Tới đây, thợ máy giở trò hù dọa:

- Coi chừng hết dầu.

Nhưng Ban bảo đảm với Thôi là còn 180 phuy dầu.

Đến ngày thứ ba, lúc 13 giờ tàu tới một hòn đảo. Anh em mừng rỡ tưởng Hòn Khoai nhưng không phải. 16 giờ tới Hòn Chuối, Mười Thôi quyết định vô cửa Ông Trang. Không báo trước nên Mười Thôi ra lệnh kéo cờ đỏ sao vàng cho anh em du kích trên bờ biết đây là tàu của mình. Nhưng trời tối treo cờ cũng như không. Tàu lại mắc cạn. Làm sao? Sợ sáng máy bay lên, Mười Thôi và Sáu Ngọc thả canô vô bờ, đụng xóm Gò Công (dân Gò Công tới đây lập nghiệp nên gọi là xóm Gò Công) té ra đây là Bảy Háp chớ không phải Ông Trang. Hai anh đi tìm xã trưởng nhờ cho dân quân giúp chuyển súng đạn lên bờ, sợ máy bay bắn sáng hôm sau. Tới trạm gác, chờ tới nửa đêm không thấy xã trưởng. Hai dân quân lên tàu thấy súng nhiều quá, vui vẻ đưa hai anh qua cửa Ông Trang tìm cách đưa tàu vô, nhưng Ông Trang cũng cạn nước, lại trở về Bảy Háp.

Bốn người đang đi thì bỗng có tiếng hỏi:

- Ai?

Đó là trạm gác đốt đèn leo lét. Hai dân quân vội vàng rút lui. Mười Thôi trình giấy có chữ ký của Phan Trọng Tuệ, chính ủy Khu 9. Anh yên chí lớn với chữ ký của anh Bảy Tuệ với cái mộc đỏ thật to, nhưng trưởng trạm gác lạnh lùng nói:

- Giấy tờ cũng khó tin.

Im lặng một lúc, ông ta hô to:

- Xung phong!

Lập tức bốn dân quân nhào tới, hai người bắt một người trói lại, Mười Thôi kêu lên:

- Tại sao bắt trói?

- Anh đưa súng ra.

- Đây súng tôi đây, lấy súng tôi đi chớ đừng trói. Tôi nói trước là ngày mai, máy bay lên bắn chìm tàu súng đạn thì các anh đứt đầu đó. Tốt hơn là các anh cho tôi gặp chỉ huy của các anh.

Tới đây, một người cao lớn xăm xăm bước vô, mấy anh dân quân đồng thanh kêu:

- Anh Hai!

Chính anh này là xã đội trưởng, chưa nghe báo cáo gì hết, xã đội trưởng nói:

- Không nói chuyện gì hết. Giải về trụ sở.

Hai anh được đưa xuống xuồng. Mười Thôi ngồi mũi, vài phút sau thì xuồng ghe từ trong tuôn ra. Trên tam bản đi đầu có một người bộ vó quen quen, Mười Thôi chưa nhận ra thì người đó kêu to lên:

- Ê mình sao?

Thì ra đó là quân sự Điệp, chủ tịch xã Tân An. Nghe tin có tàu địch, anh dẫn đại đội ra đánh. Bấy giờ giám đốc thủy xưởng Nam Bộ là Thanh Ba chế được Bazoka nên khí thế rất hăng. Chừng đó xã đội trưởng mới biết Mười Thôi là ai. Ông tình nguyện dẫn Mười Thôi về Dây Chão gặp Thanh Sơn. Trên đường đi, anh Hai xã đội trưởng xuống nước:

- Anh thương tôi. Đừng báo cáo với anh Sáu, chắc tôi đứt đầu !

Ngay trong đêm đó, chiếc Darathip được trục vô cửa Bảy Háp và giấu kỹ trong rạch.

Anh Mười Thôi kết thúc câu chuyện đời xưa bằng một nụ cười thật tươi:

- Trong chín năm chống Pháp, tôi làm được nhiều việc nhưng vụ cướp tàu Darathip là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời tôi.



Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM