Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:38:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày ở Cánh Đồng Chum  (Đọc 49713 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 07:17:18 pm »

*
*   *

Mới được một ngày để bàn bạc với Chăn-đi và Lê Văn về kế hoạch điều chỉnh bố sung trận địa, tôi phải về ngay Quân khu để gặp Tư lệnh Phun-xi-pa-xớt theo dõi việc điều quân của phái Hữu cánh đông nam. Tin kỹ thuật báo: “GM13 đã lên hướng Phu Xao”. Tôi thông báo ngay cho Danh chuyên gia Tiểu đoàn 2; đề nghị anh Chum củng cố trận địa Phu Pha Pheo. Sẵn sàng đón đánh GM13.

Tiểu đoàn 24, Tiểu đoàn 500 đều được báo động để chặn địch ở hướng Phu Xao. Nắm chắc đơn vị phía nam, tôi báo cho Lê Văn biết việc địch sắp đánh hướng đông nam.

Lúc này du kích Mường Phàn đã nổ súng đánh Phu Xao ra Ta Khẹt. Tiểu đoàn 500 đã nổ súng vào một toán phỉ khi chúng tiến vào Thong Phăn. Chỉ một ngày sau khi nhận được điện, Tiểu đoàn 2 chưa kịp bố trí thì một đại đội của 21BI-GM13 đã lên chiếm Phu Pha Pheo. Thế trận giành giật quyết liệt diễn ra liên tục năm ngày. Ban ngày GM13 đánh chiếm thì tối Tiểu đoàn 2 lạn phản kích; cũng có ngày phải phản kích hai, ba trận. Quân khu dự kiến sau ba ngày quân dự bị của ta sẽ đến tăng cường để cùng Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 24 phản kích nhưng không kịp. Chiên đấu kéo dài, ba Đại đội 15, 16, 19 của Tiểu đoàn 2 đã thấm mệt vì mỗi đại đội phải tập kích ba, bốn trận để giành lại Phu Pha Pheo mà phi cơ địch lại đánh trụi mấy rừng thông ở hướng Mường Phàn. Trung đội AM và súng 12,8 của tiểu đoàn đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ ba.

Đánh chiếm Mường Phàn không được, viên đại tá Khăm-phết, chỉ huy trưởng GM13 cho quân chuyển lên hướng Phu Huột để vào thị xã Xiêng Khoảng nhưng không qua được chốt của Tiểu đoàn 24. Trời mấy hôm đó lại sương mù dày đặc nên quân ta đỡ bị máy bay bắn phá mà địch cũng bị trở ngại trong tiếp tế liên lạc.

Xi-phon, Phó tư lệnh Quân khu cùng đoàn phó Hồ Đệ và chuyên gia tác chiến Lưu Đức Tài đã xuống đôn đốc Tiểu đoàn 1 cùng Đại đội 2 Tiểu đoàn 51 tăng cường cho mặt trận. Nhờ trời sương mù và rét đậm nên đã 9 giờ sáng mà bọn chỉ huy GM13 đóng trên đồn Bản Piàng, vẫn nằm bó trong các chăn lông ngỗng có khóa kéo như đống xác chết. Đại đội 2 Tiểu đoàn 51, mũi chủ công vào sát 50 mét mới nhìn rõ địch. Hai tên lính gác nhìn tháy ta, định nổ súng nhưng không kịp. B40, AK và lựu đạn đồng loạt nổ chụp xuống đầu địch. Cả Khăm-phết, cả cơ quan chủ huy GM13 của anh ta bị chếp bẹp vì mắc trong chăn không kịp chui ra. Có tên bị bắt trói lúc còn nằm trong chăn. Gần sáu trăm tên bỏ mạng tại trận.

Tàn quân tiểu đoàn 21, 22BI chạy về Thông Phăn, bị Tiểu đoàn 2 truy kích và Tiểu đoàn 500 phục sẵn đón đánh, diệt và bắt hơn 30 tên. Tiểu đoàn 13BI không còn chỉ huy, bị Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 24 đuổi chạy lên Phu Xao tan tác mỗi đứa một ngả. Hai ngày liền Xi-phon dùng máy HT.1 điều trực thăng địch, bay loạn xạ; hết bay thấp định tiếp đất lại phải vụt lên bay sang chỗ khác. Những tên sống sót của GM13 tan tác trong rừng.

Nửa tháng sau, bộ tổng tham mưu địch ở Viên Chăn cử người ra Pắc San rồi Tha Thơm định thu quân khôi phục lại GM13 nhưng quân lính đã trốn về nhà, chả thu được mống nào. Thế là GM13 một thời gây bao tội ác ở đất Xiêng Khoảng đã bị xóa sổ từ tháng 12 năm 1965.

Thời gian này, chuyên qua Quân khu phải đi xuống đốc chiến, giúp việc ở nhà chỉ còn Xảo tác chiến, Hoàng trưởng ban cơ yếu mà công việc vẫn chạy đều, khẩn trương, hiệu suất như một phòng tham mưu thực thụ.

Ngồi trong sở chỉ huy, tôi thấy lòng thanh thản khi nghĩ mình đã nhiều lần hỉ huy đơn vị đánh tiêu diệt đại đội, nhưng tiểu đoàn, trung đoàn thì chỉ đánh tan, lần này mới thật chắc là xóa sổ trung đoàn. Nó thì bám Xiêng Khoảng, mình thì bám nó từ năm 1962, đã ba năm rồi, thế là xong cái nợ GM13.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 07:17:44 pm »

*
*   *

Tạm yên được hướng Phu Cút và hướng đông nam, tôi mời Lê Văn về để hội báo công việc. Lê Văn được phân công về Hà Nội báo cáo. Hồ Đệ, Cao Ngôn, Thịnh và tôi thường trực cơ quan, đặc trách hướng Phu Cút. Tôi phải quay về lên đường số 6 làm chức trách Tư lệnh tình nguyện, kiểm tra việc bố trí và hoạt động của Tiểu đoàn 924 cùng lực lượng công binh, cao xạ trên đường số 6, đường số 7. Trước khi đi chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ và nhấn mạnh phải đề phòng hướng Phu Cút. Cũng vì lo Phu Cút, Quân khu bạn chỉ đồng ý cho tôi đi một tuần. Quân Coong-le chỉ mới thương vong chưa đến 400 trong ba đợt tiến công vừa qua, chúng còn khả năng đánh nữa.

Tập thể hạ quyết tâm xong là tôi đi ngay. Xuống Bản Ban làm việc xong với trung đoàn công binh trong đêm, hôm sau đoàn cuốc bộ lên đường số 6 đến làm việc với tiểu đoàn bộ binh ở Bản Thà. Chương trình làm việc bị đứt đoạn vì bốn năm tối T28 thay nhau đến đánh hang Bản Thà. Ngày thứ hai đoàn đi tiếp lên Pa Ca, Na Tinh, Na Mon, rồi trèo lên Xoi Voi xác định điểm chủ yếu phải giữ để bảo vệ đường số 6. Ngày thứ tư, đoàn từ Xoi Voi trở lại Na Tinh theo thung lũng ruộng bậc thang. Đêm ấy, tuy sáng trăng nhưng đường đầy cỏ dại. Đã 20 giờ, bụng đói, chúng tôi cứ phải vặt lá dâu non ăn với muốn thịt đựng ống. Kiểu ăn này không phải chỉ đỡ đói mà lại còn rất ngon, một loại thuốc bổ. Đến được Na Tinh đã 21 giờ, vì mệt nên mỗi người chỉ húp vài bát cháo trắng, không thiết ăn cơm sau đó lăn ra ngủ. Tôi nằm giữa Khuyên công binh và đồng chí công vụ.

Sau một giấc ngủ dài, vì mệt mỏi, tôi mơ một giấc mơ lạ lùng và khủng khiếp. Bất thần nghe một tiếng nổ inh tai. Như một phản xạ tự nhiên, tôi vùng dậy và hét to:

- Pháo Phu Cút!

Mọi người tỉnh dậy nhận đúng là tiếng pháo Phu Cút. Thế là cuộc tiến công thứ tư của quân Coong-le đã bắt đầu. Chiến sĩ nhận lệnh nấu cho mỗi đoàn viên hai nắm cơm đủ ăn ngày hôm sau. Cán bộ họp bàn kế hoạch bảo vệ đường số 6, đường số 7 phòng cuộc chiến đấu hướng Phu Cút kéo dài và có thể xảy ra tình huống xấu.

Chưa đến năm giờ sáng, đoàn cán bộ đã lặng lẽ lên đường. Đoàn đi liên tục suốt ngày, bỏ qua Bản Thà về hang Na Long, nơi đoàn bộ đoàn công binh đang ở.

Làm việc với trung đoàn công binh, tôi dặn dò anh em cần kết hợp với du kích, Tiểu đoàn 924, cùng cao xạ đánh máy bay và đề phòng phỉ ra lấn chiếm cắt đường, phá xe tiếp tế, Khoảng 22 giờ chúng tôi lên xe về Khăn Khay. 6 giờ sáng xe tôi đến Bản Tài thì thấy Cao Viết Thịnh cùng liên lạc từ đoàn bộ cao xạ ra.

Về sở chỉ huy, chúng tôi tổ chức một cuộc hội báo chớp nhoáng để Ngôn, Tài báo cáo tình hình và bàn biện pháp bổ sung cho Phu Cút.

Tài báo cáo: sau khi điều thêm một tiểu đoàn Văng Viêng tăng cường cho ba GM bị tiêu hao các đợt trước, địch đã tiến công áp vào sườn Phu Cút, Phu Xưa. Tiểu đoàn 13 của ta bị tiêu hao ngay ngày đầu vì địch dùng súng M79 bắn tỉa. Tiểu đoàn 1 được lệnh vượt sông phản kích vào sau lưng địch ở sườn đông nam Phu Cút, nhưng đêm thứ nhất không gặp địch. Ngày thứ hai, đã vượt sông Nậm Ngừm tiến chiếm bản Na Hi, đanh vào trận địa pháo và chiếm ngã ba Phiêng Luông. Máy bay địch ném bom na-pan đốt cháy đồng cỏ làm bén cháy cả các tuyết đột và dây điện thoại.

Hỏi về ý kiến giải quyết mới, Ngôn và Tài còn đang suy nghĩ. Nhưng Thịnh đã nhanh nhảu nói: tôi thấy địch có đánh được nhưng ta phải bình tĩnh phân tích hết chỗ yếu của địch và tin vào sự dũng cảm khắc phục của bộ đội bạn để chiến thắng. Chịu không được, tôi phản ứng luôn:

- Thôi thôi, kiểu lãnh đạo chung chung của anh, hãy xếp lại Tôi cần được các anh giúp ý kiến đánh thế nào? Để địch lọt vào trận địa rồi, phải đánh thế nào đây?

Cuộc hội báo trở nên căng thẳng.

Đối phó với M79 bắn tỉa, tôi điện cho Đàm giúp bạn dùng bù nhìn thu hút cho M79 lộ mục tiêu để ta dùng trung liên và B40 tiêu diệt. Làm dúng hai lần như vậy cánh quân bám chân mỏm 1 phải rút chạy. Mỗi ngày địch cho từ 150 đến 200 lần chiếc máy bay đánh phá. Chúng thả bom phá chưa gây thương vong nhiều nhưng sức ép làm một số chiến sĩ ho ra máu. Quân số Tiểu đoàn 13 từ 250 chỉ còn không đầy 50 chiến sĩ cơ động chiến đấu.

Được tin địch tiến công, anh Hoàng Văn Thái điện sang hỏi: Vì sao địch mới đánh hai ngày mà đã tiến sâu như vậy? Mặt trận đang khó khăn gì cần Bộ giúp đỡ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 07:18:06 pm »

Tôi báo cáo: lần này máy bay địch tăng cường đến 200 lần chiếc ngày. Bom na-pan đốt cháy đồng cỏ, phá hết đường dây điện thoại. Chúng tôi chỉ còn quan sát từ xa, nghe tiếng nổ để phán đoán và nhờ đài 15W là chính. Xin bổ sung 20.000 mét dây điện thoại, 3.000 viên đạn cao xạ 37; đạn pháo 85 và đạn cối 120 mỗi loại 200 viên. Điện đi được một đêm thì trưa hôm sau, anh Hoàng Văn Thái trả lời: “Ngày mai dây điện thoại lên đường. Cho đón ở Noỏng Phết để đưa thẳng tới Phu Cút. Đạn lên sau”.

Đúng hai ngày sau, chiếc xe con chở đại tá Thế Hùng cùng 20.000 mét dây điện thoại có mặt. Đồng chí Thế Hùng nói: anh Thái Lắc đầu bảo: “Mặt trận phòng ngự hiện đại mà chỉ dùng tai đoán chừng rồi chờ 15W thì chỉ huy thế nào được! Phải giải quyết ngay dây điện thoại cho anh em trong khi bạn chưa có”.

Thế là Thế Hùng được động viên chuyển dây điện thoại và lên kiểm tra mặt trận Phu Cút. Tác phong của anh Thái là như thế đấy!

Thế Hùng và tôi đi ngay trong đêm. Trên đường đi Phu Cút, xe đi đèn gầm cứ lâu lâu lại phải dừng vì: “Anh cho em gửi giỏ trứng lên Phu Cút”. Một đoạn lại “Con cho bố gửi giỏ cam lên Phu Cút”. Đoạn sau thì “Con cho mẹ gửi giỏ rau và mấy ống chẻo lên Phu Cút”. Đoạn tiếp lại “Các anh cho hội phụ nữ Bản Leo gửi mấy thùng bánh chưng lên Phu Cút”.

Anh Thế Hùng thấy quá lạ lùng và sung sướng. Đồng chí liên lạc của đoàn phải ép mình vào một góc để đủ chỗ xếp quà.

Tôi nói nhỏ với Thế Hùng: sức mạnh giữ vững Phu Cút là ở đây đấy!

Thế Hùng tiếp: cảnh tượng trên đường này càng làm cho tôi thấy say mê những con người Cánh Đồng Chum. Lần này về kể lại, các Thủ trưởng Bộ chắc khoái lắm.

Xe lên Phu Cút, có được 20.000 mét dây điện thoại, Xa-mán, Chăn-đi và Tô Đông Bích quá đỗi sung sướng. Còn việc địch thọc nhanh, Chăn-đi nói:

- Một phần do ta xử trí tung quân phản kích vội vã mà nắm địch lại không chắc. Bây giờ địch đã thọc vào quá sâu, ta lại mất liên lạc với Tiểu đoàn 1 cơ động.

Giải đáp nỗi lo lắng của Chăn-đi, tôi nói:

- Tôi đã điều Tiểu đoàn 51 tình nguyện bám đội hình quân địch vào Xiêng Khoảng. Đề nghị các anh cho lực lượng Tiểu đoàn 13 và pháo kìm chân chúng. Chậm lắm tới ngày mai Tiểu đoàn 51 sẽ diệt cánh này.

Bàn xong, anh Thế Hùng ở lại cùng Tô Đông Bích, tôi phải quay về Quân khu để gặp Tư lệnh Phun và đại tá Đươn bàn kế hoạch lật cánh đánh phía nam và Xa-mán và Chăn-đi đã đề nghị:

Cuộc họp với tư lệnh Phun và đại tá Đươn có Hồ Đệ, Cao Ngôn cùng dự. Tôi báo cáo tình hình cụ thể hai ngày ở hướng Phu Cút rồi trình bày những ý kiến đã bàn ở Phu Cút: hiện tại lực lượng Coong-le đang tập trung chủ yếu lên hướng Phu Cút, Phu Xưa, Song Hạc. Giữ Mường Xủi chỉ còn một tiểu đoàn. Bởi vậy lúc này ta chỉ nên đnhs kiềm chế hướng bắc. Trước mắt nên tập trung diệt cánh thọc sâu Phiên Luông. Còn Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 15 nên mạnh dạn lật cánh phối hợp với pháo binh tập kích vào tung thâm Mường Xủi buộc địch phải xoay lại đội hình.

Kế hoạch được thông qua và chuyển lệnh bằng điện đến Khăm-chăn, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 cùng Xi-von, tiểu đoàn trưởng 15. Khăm-chăn dùng ĐKZ bắn vào tung thâm Mường Xủi. Tiểu đoàn 1 tập kích một đại đội của 8BI cùng hai điểm của phỉ, đánh chiếm Phu Đức, nam Mường Xủi. Tiểu đoàn 15 tập kích một điểm ở Bản Sai, nam Bản Khai, sau đó lại tập kích một điểm cao phía nam điểm cao 1.313. Coong-le hoảng phải rút thêm một tiểu đoàn bộ binh về bảo vệ Mường Xủi. Tốc độ cánh bắc có chậm lại. Tiếp đó, Tiểu đoàn 51 diệt được đại đội địch vượt sông ở bản Na Hy, Phiêng Luông, phá được cánh vu hồi uy hiếp Phu Cút.

Khuyết điểm của chỉ đạo chiến dịch phòng ngự ở đây là không mạnh dạn tập trung thêm quân về cánh nam để đánh cắt vào trận địa pháo Nậm Xoong và sở chỉ huy cùng sân bay ở quân Thái ở Bản Khai. Nếu ta đánh kiềm chế cánh bắc của địch rồi tập trung phản kích đánh tiêu diệt một bộ phận quan trọng vào phía sau cánh nam thì có thể làm vỡ đội hình của địch. Thiếu đòn hiểm nên địch cứ bám, ta phải diệt dần từng bộ phận. Coong-le cho một đại đội mò ra Phu Đức bị Tiểu đoàn 1 tiêu diệt tiếp. Tiểu đoàn 13 diệt tiếp một đại đội của GM80 ở Na Kho, GM801 mò lên sân bay trực thăng Phu xuống định từ đó đánh chiếm lại Phu Xủng, nhưng bị Tiểu đoàn 7 tình nguyện diệt và đánh tan. Bí nhất là máy bay địch tập trung quyết liệt cố giành giật mỏm 1. Công tác Đảng - công tác chính trị của tiểu đoàn 13 là chuẩn bị tư tưởng cho nhiều thê đội lần lượt thay nhau lên giữ chốt. Chiến sĩ Tiểu đoàn 13 quả quyết tuyên bố: “Lên chốt tôi có thể hy sinh nhưng nhất định Tiểu đoàn 13 không để mất Phu Cút”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 07:18:34 pm »

Hai trận địa pháo, một trận địa xe tăng lưu động được bố trí thường trực đánh chặn bộ binh địch, hỗ trợ cho bộ binh giữ chốt. Có lúc gần như là pháo binh phải gánh trách nhiệm giữ chốt thay cho bộ binh. Mặt trận được Xa-mán chỉ đạo giải quyết mọi nhu cầu thuốc men, đường sữa, trứng gà và quả tươi để lập một trạm điều dưỡng tại chỗ, có đủ hầm hào an toàn cho các chiến sĩ Phu Cút thay nhau đến nghỉ ngơi điều trị. Văn công Quân khu, văn công Trung lập, văn nghệ xã, trường cấp hai Mường Pẹch thay nhau đưa lời ca tiếng hát, đường kim mũi chỉ đến động viên, săn sóc chiến sĩ. Cứ một tuần ăn nghỉ lại sức mạnh anh em lại xin lên Phu Cút. Cảm phục tinh thần chiến đấu của chiến sĩ Phu Cút, Thanh Hải – nữ chiến sĩ đoàn dân công hỏa tuyến Nghệ - Tĩnh đã viết bài thơ: “Gửi anh chiến sĩ Phu Cút”:

Xiêng Khoảng – Phu Cút yêu quý ơi.
Chiến tranh khói lửa ngút phương trời
Mỹ gây tội ác chất thành núi.
Nậm Ngừm ánh nước bóng trăng soi.
Mênh mông thảm cỏ ngua (bò), khoại (trâu) gặm.
Chum đá hỏi ra sự tích dài.
Lăm vông vui hội bập bùng trống.
Phu Cút anh! Núi thép – Kim cương em đến rồi.


Chiến dịch kéo dài hết tháng 2 năm 1966. Quân Coong-le bị loại đến con số 800, lực lượng còn lại đành lui về tuyến cũ để củng cố. Chiến sĩ Phu Cút sau một thời gian chiến đấu căng thẳng mệt mỏi bắt đầu được nghỉ ngơi. Mặt trận vui mừng đón đoàn xiếc Trung Quốc đến biểu diễn động viên. Bộ đội tổ chức thay phiên nhau đi xem. Ngày thứ nhất yên tĩnh. Trời lúc này còn rét nhưng nắng trưa thì thật ấm. Các chiến sĩ cảnh giới thay nhau kẻ gác, người ngủ, người đi hái quả, lấy lá chua nấu canh. Chiến trường có vẻ như yên bình, chỉ có chiếc L19 vè vè một đôi vòng. 9 giờ ngày xem xiếc thứ hai, phát hiện quân ta canh gác trễ nải, địch cho một đại đội của 8BI bí mật bó lên chiếm mỏm 2, mỏm 3 Phu Cút. Từ 10 giờ trưa cho đến tối, pháo binh và phản lực Mỹ thay nhau ném bom, chung quanh điểm cao, nhất là trên tuyến Nậm Ngừm, cắt đường dây liên lạc của Phu Cút về phía sau. Sở chỉ huy mặt trận hỏi tiểu đoàn, tiểu đoàn loay hoay mãi vì điện thoại bị đứt. Chỉ có tổ bốn người trên mỏm 1 là giữ nguyên.

Từ sở chỉ huy Quân khu ở Khăng Khay, tôi đang bàn với tham mưu về kế hoạch cuối mùa khô thì nghe tiếng nổ ở hướng Phu Cút. Tôi thấy rất lạ là đạn cao xạ sắp cạn, đã có kế hoạch bắn tiết kiệm nhưng tại sao vẫn thấy nổ liên hồi. Đến chiều ở Phu Cút bom đạn vẫn nổ. Tôi gọi anh Xa-mán hẹn nhau tối đi lên Phu Cút kiểm tra tình hình, thì nhận được điện của Lê Văn: Địch đã chiếm mỏm 2, mỏm 3 Phu Cút. Mời anh lên ngay! Tôi sững sờ, bàng hoàng, không nói gì thêm. Biết Lê Văn là cán bộ quân sự cừ mà phải “cầu cứu” thế này tất phải có sự cố gì đặc biệt.

Trên đường lên Phu Cút, Xa-mán và tôi trao đổi: lúc này Tiểu đoàn 13, Tiểu đoàn 701 đều đã mệt; Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 ở xa. Trong tay Quân khu chỉ còn Tiểu đoàn 51 là sung sức. Dù sao cũng phải dùng Tiểu đoàn 7 phòng ngự hướng bắc thay Tiểu đoàn 701. Mặt trận phải nắm hai Tiểu đoàn 51 và 701 để phản kích giành lại Phu Cút ngay.

Mặt trận quyết định chuẩn bị hai ngày là phản kích. Nhờ cuộc hợp ở rãnh suối cạn Bân Ngưm, Xa-mán, Chăn-đi, Lê Văn, Bích và tôi đón Phuông Tiểu đoàn 13, cùng Đàm chuyên gia, Bu-thon, Bun-phông và Bân chuyên gia 701, Đóa và Thuận chỉ huy Tiểu đoàn 51. Nhìn anh nào cũng hốc hác, bởi chiến dịch đã kéo dài hai tháng rồi. Cán bộ và chiến sĩ lại chiến đấu trong tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng.

Cuộc họp tính kỹ việc tổ chức đánh giữ mỏm 1 vì chắc chắn địch sẽ dùng bom và pháo đánh bật bằng được ta ra khỏi mỏm 1. Cuộc hội báo riêng giữa bốn người Xa-mán, Chăn-đi, Lê Văn và tôi cân nhắc kỹ thấy cứ nằm trên chốt càng nhiều thì càng thương vong, khó giữ. Chỉ còn một cách là đưa lực lượng ra trận giữ chỗ yên ngựa giữa mỏm 1 và mỏm 2, vừa chiếm được bàn đạp của địch vừa đánh địch từ xa để kéo dài thời gian phòng ngự. Cuối cùng chúng tôi nhất trí dùng một trung đội tổ chức đánh chặn từ xa. Trung đội của Hoàng Dự được giao nhiệm vụ này. Bàn xong kế hoạch phản kích, ngày tứ ba thì trung độ trưởng Hoàng Dự tới.

Nghe Tư lệnh phổ biến nhiệm vụ, mắt Dự không rời sơ đồ. Tôi thấy mến phục con người trầm tĩnh và tự tin một cách tuyệt vời này. Cuối cùng Dự chỉ hỏi: đánh thế này là bất ngờ nên không ngại. Chỉ đề nghị Tư lệnh cho biết lúc nào chúng tôi được rút về và theo đường nào?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 07:19:16 pm »

Cả hội nghị nhìn Dự với thái độ tin yêu trìu mến, nhất là Xa-mán.

Ngày hôm sau, tiểu đoàn trưởng 51 và Đàm chuyên gia Tiểu đoàn 13 nhận trách nhiệm tổ chức người dẫn đường và theo dõi cuộc hành quân chiến đấu của trung đội Dự.

Bốn giờ sáng, Đàm báo cáo: “Dự đã từ trận địa mỏm 1 tiến xuống yên ngựa”.

Chỉ sau một giờ, đơn vị Dự đã từ thế cao bất ngờ nổ súng vào đội hình một trung đội địch đang bò lên yên ngựa định tiến công mỏm 1. Đài 2W của Dự báo cáo: Chúng tôi đã diệt trung đội địch và đã vượt qua yên ngựa, đang đào hầm, bí mật phục kích tiếp.

Địch bị đánh bất ngờ, không xác định được mục tiêu, nên cả ngày hôm đó máy bay chúng cũng chỉ bắn phía sau. Bộ binh ở mỏm 2 mò ra hai lần đều bị trung đội Dự tiêu diệt.

19 giờ hôm đó, trung đội Dự được lệnh rút về theo đường cũ. Một ngày đánh ba trận, diệt 27 tên địch mà trung đội chỉ bị thương nhẹ một người, lại tạo điều kiện cho chiên sĩ ở mỏm 1 được một ngày nghỉ ngơi.

Đúng đêm đó, đêm mà cả ta và địch đều mệt mỏi, ba tiểu đoàn bộ binh của ta tiếp cận chuẩn bị tiến công; Tiểu đoàn 13 sẽ đánh mỏm 2, Tiểu đoàn 701 đánh cắt chặng giữa, Tiểu đoàn 51 đánh mỏm 3. Dúng kế hoạch, lúc 2 giờ sáng, hai khẩu cối 120, hai khẩu pháo 105, hai khẩu 85 và bốn khẩu 37 được lệnh bắn một loạt dồn dập vào hai mỏm Phu Cút. Mỗi khẩu được bắn 10 viên. AK, B40 nổ đồng loạt; sau đó là tiếng hô xung phong vang dậy. Không đầy 20 phút, 3 phát pháo hiệu đỏ vút lên. Tôi gọi Xa-mán và Lê Văn, nhưng các anh quá mệt, không tỉnh nổi. Ngoài sân, Chăn-đi, Lưu Đức Tài la hoảng lên: chết rồi! Sao đỏ rồi lại xanh, xanh rồi lại đỏ thế này? (đó là thắng, xanh là yêu cầu chi viện).

Tài gọi xuống Du chuyên gia pháo, cho chuẩn bị chờ lệnh bắn chi viện tiếp. Thấy vậy, tôi thét to:

- Khoan! Không được bắn. Có thể các cậu mừng quá bắn nhầm pháo xanh, bây giờ sợ pháo ta bắn nên phải tung pháo hiệu đỏ liên tục. Và tôi đã đoán đúng.

Cùng lúc, Xa-mán, Lê Văn tỉnh giấc và hỏi chuyện gì vừa xảy ra.

Tôi sung sướng hét to cho mọi người nghe: chiếm được Phu Cút rồi.

Cũng vừa lúc Chăn-đi nghe Bô-khăm Tiểu đoàn 13 gọi điện về thông báo: đã chiếm xong mỏm 2 và mỏm 3!

Xa-mán và Lê Văn tỉnh hẳn, mừng rỡ lao ra sân ôm lấy tôi. Liên tục mấy tháng trèo đèo vượt suối, liên tục giúp đơn vị quần lộn với địch, đặc biệt là năm ngày đêm vừa qua, chỉ huy đơn vị đánh địch, giành lại Phu Cút, các anh gần như không được ngủ.

Những ngày ác liệt, gian khổ đã tạm qua. Giành lại được Phu Cút, bổ sung kế hoạch, tôi lại mất bốn ngày lên núi, xuống núi, ra phía trước nghiên cứu bố trí lại đội hình, điều chỉnh thêm một số hỏa điểm cạnh sườn các vị trí. Được mấy đêm ngủ yên thấy người thư giãn, thoải mái, nhớ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn lúc về họp ở Hà Nội, tôi lấy giấy viết thư báo cáo tình hình hoạt động của địch, những chiến thắng của bạn và những cố gắng của đoàn chuyên gia ở Quân khu Cánh Đồng Chum trong thời gian qua, sơ lược những đặc điểm xã hội và con người Lào cùng cách giúp của chuyên gia.

Bức thư gửi đi được mười ngày thì tôi nhận được tấm thiếp trả lời do Đại tương viết:

“Hoan hô đồng chí đã gửi thư cho tôi về những nội dung nghiên cứu rất tốt. Mong đồng chí tiếp tục giúp bạn và nghiên cứu thêm nhiều vấn đề. Chúc đồng chí khỏe, giành thêm nhiều thắng lợi.

Võ Nguyên Giáp”.

Không chỉ riêng tôi mà cả đoàn chuyên gia sau khi đọc tấm thiếp của Đại tướng, ai cũng thấy phấn chấn như được tiếp thêm nghị lực mới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 07:20:00 pm »

*
*   *

Lúc đó đã 15 giờ, được điện mời của đồng chí Phu-mi, tôi đoán chắc có việc cần thiết nên đi ngay.

Vừa thấy tôi đến, đồng chí Phu-mi nói:

- Ồ, may quá có cái việc đang buồn trong lòng. Tôi tâm sự cái này với anh để giúp tôi thông cảm với anh em tổ 35. Tôi vừa nóng với họ.

Tôi chợt nhớ năm ngoái anh Nu-hắc đã phê bình tổ 35 chuyên gia không biết thương yêu anh em Lào, không kiền trì bồi dưỡng, cứ thấy anh em có khuyết điểm gì là xin thay cán bộ, đặc biệt là bí thư tỉnh ủy.

Đồng chí Phu-mi nói tiếp:

- Sáng nay, đồng chí tổ trưởng 35 đến gặp tôi. Sau khi phản ánh công việc, đồng chí nêu lên nhiều khuyết điểm của tỉnh ủy và bí thư. Thấy cách đặt vấn đề không hay lắm, tôi có yêu cầu đồng chí ấy là khuyết, nhược điểm của anh em Lào đồng chí nói rất đúng, nhưng tôi cũng muốn đồng chí cho biết tổ chuyên gia, nhất là đồng chí tổ trưởng đã có cách gì giúp đỡ anh em tỉnh ủy chưa. Tôi sẽ chỉ thị cho anh em Lào phải khắc phục khuyết điểm, nhưng có lẽ chuyên gia cũng nên xem lại cách giúp của mình và cũng nên thấy trách nhiệm của mình khi chưa giúp được anh em Lào. Nói thật lúc đó tôi có nóng. Chắc thế nào anh em cũng thắc mắc. Họ về rồi thôi thấy hối hận. Sở dĩ tôi thắng thắn với anh em là vì chúng ta đều là đảng viên Đảng Cộng sản. Tuy vì yêu cầu mới, mỗi nước đã có một đảng, song lý tưởng vẫn là một, tình nghĩa Việt – Lào vẫn như cũ. Là đảng viên, ta phải chịu trách nhiệm chung để thực sự giúp nhau,. Đề nghị anh Bình nói giúp để anh em hiểu lòng tôi, đỡ thắc mắc.

Trước thái độ thẳng thắn, chân tình của đồng chí Phu-mi, tôi vô cùng cảm động và nói:

- Bác nói thắng thắn như thế theo tôi là tốt cho anh em. Chắc chắn họ phải suy nghĩ và bớt chủ quan trong trách nhiệm chuyên gia. Phần tôi xin hứa với bác là sẽ nói lại với anh em.

Chờ cho chúng tôi trao đổi công việc xong, bác Phu-mi gái bưng đĩa bánh ra và nói: mời hai ông ăn đĩa bánh mẹ con tôi làm theo kiểu dân Mường Luống (Mường Luống tức là Luông Pra Băng, quê bác gái).

Bánh chỉ khác vỏ gói còn ruột thì hoàn toàn giống bánh su sê của Huế. Bác Phu-mi gái lại kể chuyện hai ông bà về thăm quê Bản Khai, dân Bản Khai hết lòng ca ngợi cơ quan chuyên gia đoàn 5; nhận cán bộ, chiến sĩ đoàn 5 là con me của mình. Sau đó, bác lại đưa ra một nải chuối mật mốc đã chín rụng do dân Bản Khai biếu nói là giống chuối do anh em đoàn 5 gùi từ Việt Nam lên biếu một mầm, bây giò đã phát triển đầy một vườn.

Trên đường về, tôi cứ suy nghĩ mãi về sự việc vừa xảy ra. Làm sao tổ 35 chuyên gia lại dám phê bình đối tượng của mình bằng cách phản ánh với cấp trên của bạn. Làm thế này thì mất lòng cả dưới, cả trên, lại phạm một nguyên tắc căn bản trong nghề chuyên gia. Lầm thế này không những không được việc mà càng khó bồi dưỡng được đối tượng mà mình giúp đỡ. Trong tôi trỗi dậy một chút buồn.

Mấy tháng rồi tham mưu Sầm Nưa chỉ thị cho Canh Đồng Chum tổ chức bắn tỉa nhưng lại không cho súng. Tôi điện về đoàn phó Hòa hỏi thêm, được tin bạn đã được Liên Xô và Tiệp Khắc viện trợ súng bắn tỉa nhưng vẫn không được giải quyết. Tình cờ có bác Minh, chuyên gia kinh tế đến hợp đồng về kế hoạch xây dựng và bảo vệ xưởng dệt của tỉnh do chuyên gia Hà Đông quê lụa trực tiếp giúp. Bác Minh đề nghị đoàn 5 cho thay mấy khẩu súng trường cồng kềnh bằng súng cac-bin hoặc K50. Tôi chưa biết “súng cồng kềnh” là loại gì thì Tài xách hai khẩu đến. Xem kỹ thì đó là loại súng Nga cũ, đạn to nhưng có máy ngắm bắn xa được từ 1,2 đến 1,5 ki-lô-mét. Đúng là súng bắn tỉa.

Như bắt được vàng, tôi sung sướng bắt tay bác Minh rồi cho Tài ra báo cáo Quân khu bạn đổi luôn cả 12 khẩu súng bắn tỉa chuyển lên Phu Cút.

Rút kinh nghiệm của năm 1966, Chăn-đi, Tư lệnh mặt trận Phu Cút đã sử dụng súng cối 82, 120, ĐKZ đánh ép các điểm tựa nhỏ của địch. Song phải đến lúc này có súng bắn tỉa ta mới tổ chức được một đội hình tiến công nhỏ liên tục bán các đồn tiền tiêu của địch làm cho chúng mất ăn mất ngủ, suốt ngày không dám ló ra ngoài. Có tuần sáu tổ bắn ỉa của ta đã hạ gần 100 tên quân Coong-le. Phu Cút nhờ có các tổ bắn tỉa hoạt động phái trước nên đã thành điểm tựa phòng ngự có chiều sâu. Trái lại các điểm tiền tiêu 1313 và 1252 của địch lại trở thành những ốc đảo cô lập, luôn ở trạng thái không an toàn. Lính địch viết thư ra xin cho được sống trung lập, có nơi bỏ trốn về phía sau, có tên ra hàng ta vì sợ bắn tỉa.

Ở Tiểu đoàn 13, chiến sĩ thì luân phiên, nhưng súng vẫn trực ở phía trước. Cứ hai súng bắn tỉa có một tiểu liên AK bảo vệ. Trong tổ ba người, ba giờ sáng hàng ngày dậy nhận cơm nắm, đạn và bi đông nước lặng lẽ vào vị trí chiến đấu. Trong suốt hai năm 1966-1967, quân địch ở Mường Xủi như bị vây hãm trong mạng lưới bắn tỉa, trong các trận tiềm nhập của đặc công và pháo kích. Chúng phải lui về thế phòng ngự.

Năm 1968, quân địch ở Mường Xủi mở chiến dịch ra Cánh Đồng Chum, nhưng bị thất bại. Năm 1969, tức sau 5 năm phòng ngự, bộ đội Pa-thét Cánh Đồng Chum được một đơn vị quân tình nguyện thuộc Quân khu Tây Bắc tăng cường, đã mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Mường Xủi, kết thúc sự có mặt của bọn phản động nước thuộc lực lượng Trung lập ở Cánh Đồng Chum.

*
*   *

Trận thọc sâu của Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 24 hồi tháng 6 năm 1966, tiêu diệt hai đại đội và sở chỉ huy GM17 ở Tha Thơm đã quét sạch hết quân phái Hữu ra khỏi đất Xiêng Khoảng. GM17 chạy về bảo vệ Pắc Xan không dám mò lên Xiêng Khoảng. Những năm sau, ở cánh đông nam Xiêng Khoảng chủ yếu diễn ra cuộc giành giật giữa Neo Lào Hắc Xạt với quân đặc biệt Vàng Pao do Mỹ tăng cường tổ chức, trang bị đặc biệt mới để thí nghiệm học thuyết: “Phương tiện và hỏa lực Mỹ kết hợp sử dụng quân đặc biệt” hòng kéo dài cuộc chiến tranh, cầm cự tạo thế cho Mỹ “xuống thang trong danh dự”. Đạn pháo cao xạ 37 cạn, các lực lượng bảo vệ Phu Cút chủ yếu dùng tọng liên 12,8 trực chiến là chính, còn cao xạ 37 cho dãn ra hướng Phiêng Luông, Cầu Đền sơ tán. Mỗi khẩu chỉ có ba cặp đạn phòng vệ. Trời mưa lâm thâm mà phản lực Mỹ từng tốp ba chiếc thay nhau quần đảo. Ban chỉ huy đại đội cao xạ Bua-lay và Khăm-van thấy ngon ăn quyết định cho đại đội đánh một trận phục kích bất ngờ. Không biết lúc đó là vòng thứ mấy, ba chiếc phản lực Mỹ nối đuôi nhau sau khi từ Song Hạc lao xuống sườn bắc Phu Cút bắt đầu là thấp theo đường cái lướt qua giữa Phu Keng và Nậm Dền. Đại đội Bua-lay đã đợi sẵn từ trước, bất ngờ bắn đón đầu chúng. Đài quan sát Phu Cút và Phu Keng cùng một lúc báo cáo: “Hai chiếc bốc lửa lao xuống Na Ban và Na Pít. Một chiếc bay về hướng Viên Chăn”. Ngày hom sau tiểu đoàn cao xạ Quân khu chở một cánh F.104 về phòng triển lãm Quân khu. Tin loan đi rất nhanh. Hệ thống phòng không súng 12,8 ở các xã đều xin bắn.

Đầu tiên trung đội 12,8 từ xã Khai bố trí cạnh ngã ba Noỏng Pết đã đón tốp hai chiếc AD6 của Thái bay đi sục xe dọc đường số 7 qua đường số 4. Chị Khăm-phu đã chỉ huy trung đội mình vít cổ tên “giặc trời” rơi xuống cạnh xã nhà, giành lá cờ đầu thi đua về cho xã Khai.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2016, 05:08:25 pm »

VII. ĐẬP TAN CUỘC HÀNH QUÂN “CÙ KIỆT”,
CUỘC CHIẾN TRANH NHÂN DÂN MUÔN MÀU, MUÔN VẺ

Sau khi giành được mỏm 2, mỏm 3, quân ta chủ động chuyển sang đánh nhỏ, thực hiện bắn tỉa để bảo vệ Phu Cút. Mặt trận phía sau trở lại yên tĩnh. Các vườn rau, vườn quả, đàn gà, đàn lợn ở Phu Cút lại phát huy vai trò động viên, úy lạo chiến sĩ. Nơi vui nhất là chợ Phu Cút, cứ ba ngày một phiên. Chiến sĩ phía trước cũng được thay nhau về di chơi chợ làm cho cuộc sống chiến đấu của người lính đỡ căng thẳng. Phu Cút là lương tâm, là niềm tự hào của Mường Pẹch, Xiêng Khoảng, Cánh Đồng Chum. Một hôm mẹ Bun-my cùng con trai đến sở chỉ huy mặt trận Phu Cút gặp Tư lệnh Chăn-đi xin cho con được vào làm chiến sĩ Phu Cút.

Mẹ Bun-my (gọi theo tên con), người Bản Mon cũng như những người phụ nữ khác ở bản này vừa giỏi ruộng vườn lại biết nghề tằm tơ, tuổi mới xấp xỉ 40 nhưng hận thù và sầu muộn đã làm cho người đàn bà cương nghị tháo vát này già đi trước tuổi. Mẹ Bun-my là vợ liệt sỹ; chồng là du kích bị giặc Buôm Lọng giết từ lúc bé Bun-my chưa đầy mười tuổi. Thù giặc, mẹ bấm bụng nuôi con và luôn luôn ám ảnh bởi lời kêu cứu của chồng. Mẹ tâm sự: “Nhiều đem ngủ mê tôi như thấy anh ấy về ôm lấy tôi và kêu oan, bảo tôi phải nuôi dạy thế nào để cho Bun-my chóng lớn và đi trả thù cho cha… Năm nay nó mười ba tuổi, dứt khoát bắt mẹ phải xin cho nó được làm chiến sĩ Phu Cút”.

Mẹ tha thiết trình bày với Tư lệnh Chăn-đi cho Bun-my lên chiến đấu ở núi Phu Cút. Còn mẹ thì xin đầu quân nấu ăn phục vụ cho cơ quan ở đây, mẹ con cũng ở mặt trận gần nhau. Thế là trả được nợ nước thù nhà, lòng mẹ sẽ sung sướng vô cùng. Hương hồn anh ấy chắc sẽ thỏa lòng không về dày vò mẹ nữa.

Tư lệnh Chăn-đi chấp thuận cho hai mẹ con được vào phục vụ chiến đấu tại mặt trận Phu Cút. Hôm nay chợ phiên, Bun-my trong bộ quân phục mới có chữa lại nhưng vẫn còn rộng. Người chiến sĩ nhỏ chẳng quan tâm đến hình thức, lòng đầy tự hào, em chen chân với các chiến sĩ Phu Cút khác dạo phố. Tự hào với danh hiệu “chiến sĩ Phu Cút”, tự hào với thành tích đã được trực tiếp nổ súng vào quân thù rửa hận cho cha, Bun-my sung sướng lắng nghe tiếng reo của bà con: “hoan hô chiến sĩ Bun-my”. Có mấy chị kéo Bun-my lại hỏi: em bé thế cũng làm được chiến sĩ Phu Cút sao?

Bun-my đáp ngay: em bé nhưng là bé hạt tiêu đấy. Súng AK của Bun-my hôm qua đã trực tiếp cùng đơn vị bắn rơi máy bay Mỹ trên đỉnh Phu Cút, các chị không biết sao?

Các chị vội xin lỗi: Bun-my ơi, đừng giận! Đùa tí thôi! Các chị thương em và phục chí khí của mẹ con em lắm đấy! Chúc em lập công, đánh giặc giỏi nữa để các chị đến mừng công.

Cuối mùa mưa năm đó, Mường Ngàn lại có một chuyện vui hơn. Thít Chăn-thô vốn là một du kích giỏi. Anh đã có dịp đi dân công, được xem bộ đội Việt Nam nằm ngửa bắn cháy máy bay T28 giữa cánh đồng Tha Thơm. Anh ước ao được lập công kiểu ấy. Một hôm bản anh bị máy bay đến đánh. Sau khi cho vợ con vào hầm, Chăn-thô cầm khẩu ga-răng chạy ra ruộng. Anh nép vào một bờ ruộng bậc thang đón đầu lúc máy bay lao xuống ném bom là nhả đạn. Nắm chắc Mường Ngàn chưa có cao xạ nên máy bay địch cứ lao xuống thần, như sắp sà vào mặt ruộng. Chớp thời cơ, Chăn-thô bóp cò. Đạn trúng vào đầu chiếc máy bay địch. Anh hoảng quá tưởng như máy bay sắp đâm vào chỗ anh nằm. Chăn-thô nhắm mắt lại, nhưng sau tiếng nổ anh mở mắt nhìn về sau lưng thì thấy máy bay rơi gần Bản Diệm, máy bay cháy làm hai nóc nhà cũng cháy. Chăn-thô sợ quá, hết sợ máy bay lao trúng mình lại sợ dân Bản Diệm sẽ trị mình vì tội đánh máy bay để cháy Bản Diệm. Vừa sợ vừa mệt, anh bò lại bãi lau gần đó nấp để nghe ngóng. Giấc ngủ đã trấn an anh lúc nào không biết, chỉ biết gần chiều tối bà con kéo nhau ra xem xác máy bay ồn ào làm cho Chăn-thô thức giấc. Người qua đường rất đỗi vui mừng và hỏi ai bắn máy bay chứ không nghe nói đến việc cháy nhà. Thành tích của Chăn-thô mờ đầu phong trào dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ trong Quân khu Cánh Đồng Chum.

Sau khi đồng chí Khăm-tày quyết định cho các huyện Mường Khum, Noỏng Hét, Mường Khăm, tổ chức mỗi huyện bốn trung đội 12,8, riêng Mường Pẹch được tám trung đội thì có thể nói hai năm 1968-1969 là thời kỳ du kích Xiêng Khoảng săn được nhiều máy bay Mỹ nhất. Có tháng máy bay Mỹ hết rơi tại ngã ba Bản Ban lại rơi ở ngã ba thị xã Xiêng Khoảng (do trung đội nữ 12,8 ở Xing-nhôm bắn). Có ngày giữa đoạn ngã ba Lạt Thuổng về Bản Thẩm du kích đã bắn rơi hai chiếc. Ban trọng tài Quân khu lúc đó vô cùng phấn khởi, nhưng cũng rối lên vì việc chấm điểm cho các địa phương. Phô-nhang người bản Tôn vốn hiền lành nhưng lại có những suy nghĩ sắc sảo. Với cái tuổi 49, bác du kích này hàng ngày xong việc nhà lại mang ga-răng lên đỉnh Phu The Neng quan sát đường lượn của máy bay phản lực bay từ hướng đường số 7 lên Lạt Buộc về Lạt Thuổng theo đường ô tô. Trước khi vào khu vực thị xã Xiêng Khoảng bao giờ chúng cũng có một vòng lượn sát qua sườn Phu The Neng. Nhiều lần đồng chí đã giơ sung ngắm thử thấy ngon ăn quá, nhưng lại sợ bắn trúng nó sẽ đâm thẳng vào sườn núi, bác cũng chết luôn. Tính toán mãi cho đến khi nghe được thành tích của Chăn-thô, bác khẳng định “dứt khoát phải bắn, dựa vào gốc cây to, đường ngắm đã ổn định, khi máy bay rơi chắc chắn cây thông sẽ che chắn cho người”… Với quyết tâm đó, bác Phò-nhang tiến hành phục chờ đánh máy bay địch.

Vào một buổi sáng cũng như mọi buổi sáng khác, dân bản lại thấy bác lên núi Phu The Neng. Chọn được gốc cây thông vừa ý, bác Phò-nhang ngồi nắm nghía ngã ba con đường số 7 Lạt Thuổng đi Bản Tôn. Đợi từ sáng đến trưa bụng đã hơi đói, bác kéo típ xôi lại bắt một nắm bỏ miệng, nhưng chưa kịp nuốt thì tiếng rít của phản lực từ hướng đường số 7 dội tới. Bác xách vội súng trường dậy, ép súng vào thân cây. Đúng như mọi ngày, phản lực lượn vòng qua Lạt Buộc rồi thẳng hướng Lạt Thuổng lao tới. Bác lấy đường ngắm bám mục tiêu. Khi cái mũi đỏ của phản lực như sắp chọc thẳng vào mặt mình, Phò-nhang bắn liền hai phát rồi hoảng hốt vì mồi lửa phụt lên như sắp trùm cả vách núi nơi bác nấp. Một tiếng nổ rền trời. Chiếc máy bay sượt qua sườn Phu The Neng đâm thẳng vào giữa Bản Tôn và Bản Nua làm ba bốn nóc nhà bốc cháy. Cũng như chiếc rơi ở Mường Ngàn, phi công không kịp bấm dù. Bắn nhanh, bác Phò-nhang chưa kịp phân biệt máy bay loại gì. Nhưng sau đó, nghe dân bản nói là F.105, nên khi được mời báo cáo ở hội nghị, bác cũng nói lại là “Một trăm linh năm. Bác nói máy bay địch vào đây là để giết người Lào nên bác phải giết nó”.

Tổng kết hai năm trước khi diễn ra chiến dịch đánh bại cuộc hành quân “Cù Kiệt”, du kích Xiêng Khoảng đã hạ được 16 máy bay các loại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2016, 05:09:30 pm »

Khi nhận được báo cáo, đồng chí Cay-xỏn Phom-vi-hản khen chuyên gia Cánh Đồng Chum đã giúp Quân khu lập các đội vận tải nữ, đội pháo binh nữ và cao xạ nữ bắn được máy bay phản lực Mỹ. Ở Hà Nội, được biết những chiến công này, đồng chí Trường Chinh đã nói: “Anh em chuyên gia đã giúp bạn giải quyết được một vấn đề chiến lược trên con đường giải phóng phụ nữ ở Lào”.

Những kỷ niệm đầy nghĩa tình của cac dân tộc Lào trên chiến trường Xiêng Khoảng không sao kết hết được. Sống với đồng bào Thái Phuôn, tôi nhớ mãi mẹ Chăn ở Mường Ngàn. Cứ mỗi lần bộ đội về bản bao giờ mẹ cũng cho con ra suối tìm Pa xíu (loại cá như đầu đũa) giã ra làm chẻo để đãi bộ đội. Với tình nguyện quân Việt Nam, mẹ luôn có món dưa chua và trứng rán. Một lần bộ đội đi chiến đấu ở Tha Thơm dài ngày, khi có đoàn tiếp tế Mường Ngàn chuyển hàng xuống, xã động viên các mẹ gói bánh làm quà cho chiến sĩ. Riêng mẹ Chăn gửi ba ống chẻo boong có pa xíu cho chuyên gia. Tiếng ở lâu nhưng chúng tôi chưa phải đã biết hết phong tục. Thường ngày cứ tới bữa rửa tay chuẩn bị ăn bao giờ người đàn ông cao tuổi nhất cũng đập quả trứng luộc chia cho mỗi người một thỏi lòng đỏ để xoa tay cho xôi khỏi dính. Lúc đầu có anh không biết đã hấp tấp cho vào mồm nhấm nháp làm cả nhà bật cười. Lòng đỏ trứng gà xoa tay là biểu hiện sự quý trọng khách của người Thái Phuôn lúc ăn xôi. Thường lệ, mỗi lần người đàn ông cao tuổi nhất ngồi vào mâm và chỉ cho tôi một chiếc ghế bên cạnh là tôi nguồi xuống cùng ăn. Một hôm, có anh con rể cả đưa vợ con về thăm ông bà chủ. Cơm dọn xong, thấy ông bố ngồi vào mâm, tôi ra hiệu mời anh con rể thì thấy anh ta ngồi chồm hổm xuống cách mâm năm thước bò bằng hai tay hai chân đến chiếc ghế ngồi. Thấy thế tôi do dự đang nghĩ không biết mình không bò có sai không thì cả bố mẹ đều cười giải thích:

- Các con về đây là khách của bố mẹ, nên cứ ngồi ngay như bố mẹ, còn bố thằng cu này vợ chồng nó lấy nhau ở với bố mẹ được hai đứa con rồi nhưng chưa có tiền để giết lợn, giết trâu cúng ma trước khi về nhà chồng. Chúng nó đã khất nợ với ma nhà vợ. Về nhà chồng được 2 năm nay, vợ chồng nó kiếm được trâu định về xin giết trâu cúng ma nhà bên vợ. Nay cha cúng thì nó vẫn nợ ma nhà vợ nên phải bò. Bao giờ cúng xong, được ma nhà cho phép nó mới được vào ngồi tự nhiên như các con.

Một chuyện vui nữa là lần ấy ông cụ thần sinh ra Pa-xợt tiểu đoàn trưởng Pa Chay là người H’mông bị ốm. Tôi và Ngân mang hộp sữa, cân kẹo và cân đường đến thăm. Khi chúng tôi đang thăm hỏi cụ thì Pa-xợt vào trịnh trọng nói:

- Bố em ốm một tuần nay, may có bác sĩ đơn vị ta cho thuốc đã lành. Hai anh em tôi thịt con đế cúng để gia đình mừng sức khỏe của bố. Mời hai anh ở lại ăn cơm với bố.

Chúng tôi vui vẻ nhận lời. Trong gian nhà sơ tán tránh máy bay chật hẹp, mâm dọn ra, bố và hai khách đã an tọa, ghế còn chờ người. Tôi thấy Pa-xợt và Ninh-chư, em rể con cầm chiếu chạy vòng ra sau lưng chúng tôi. Thấy lạ nhìn theo thì thấy hai anh em Pa-xợt đang chổng mông lạy ba lạy. Lạy xong Pa-xợt nói:

- Xin nói để hai anh thông cảm, đây là tục người Lào Xủng. Bình thường trong công tác hai anh là bạn chúng em, nhưng hôm nay hai anh đến thăm lễ mừng khỏi bệnh của bố, hai anh là khách của bố. Chúng em là phận con phải lạy để trọng khách của bố cho phải đạo.

Ngân tiếp lời:

- Chúng tôi may mắn được học thêm về lễ nghĩa dân tộc Lào Xủng. Đây là tập tục rất hay, rất cần thiết trong đạo làm người. Đối với bà con H’mông mà không thạo những phong tục này là không được.

Tưởng thế là xong ngờ đâu sáng hôm sau hai cháu gái con Ninh-chư và Pa-xợt vào chào và nói:

- Mẹ các cháu cho mang một ít bánh và đưa đến tạ ơn các bác!

Mọi người đang ngơ ngác thì hai cháu đã xách hai cái gùi, đặt lên bàn hơn chục chiếc bánh nếp và gần một chục quả dưa rẫy. Chúng tôi biếu lại hai gói kẹo cho hai cháu nhưng phải nói mãi, phải nhét vào gùi chúng mới chịu. Đây là một tập quán “có ăn có trả” của người Lào Xủng, không bao giờ chịu ăn không của ai.

Để tìm hiểu sâu thêm về dân tộc H’mông, tôi giao cho Thái trưởng ban dân vận mời cán bộ thôn đến làm việc mở trường thanh toán nạn mù chữ cho địa phương. Cuộc gặp có cô Chờ, tổ trưởng phụ nữ xã và anh Nỏ-po tổ trưởng thanh niên. Cô Chờ khỏe mạnh, mới 20 tuổi, đã biết chữ nhưng đọc chưa thạo và ít có sách, báo. Anh Nô-po cũng cỡ tuổi đó, đã học xong cấp 1, song địa bàn rộng, dân thưa, thầy dạy lại ít, anh chưa biết làm thế nào để thanh toán nạn mù chữ cho xã. Sau khi thảo luận, nghe hết ý kiến của địa phương, hai bên nhất trí lập một trường học buổi tối cho thôn với sự phân công: làm trường, bàn ghế, sách báo, giấy bút, phấn học sinh, thầy giáo, do chuyên gia lo; vận động nhân dân thì do thanh niên và phụ nữ xã tổ chức lớp học. Mọi công việc chuẩn bị phải được tiến hành khẩn trương để tuần sau là khai giảng.

Cô Chờ có thêm một đề nghị mà phía bộ đội phải chấp nhận:

- Người H’mông ở đây lớn bé đều rất thích ca hát, múa, nhảy; nếu chỉ học chữ không là họ sẽ chán. Muốn giữ được lớp học thường xuyên, mỗi buổi tối học hai giờ, nhưng cứ 30 phút học lại 30 phút hát múa.

Lớp học được tổ chức nhanh chóng và rôm rả. Trường có được một bảng đen, mười bộ bàn ghế. Rước hai cửa ra vào có dãy ghế kết bằng tre, có giá phơi khăn mặt. Mỗi ghế đặt hai thau nước, bốn chiếc khăn mặt, hai miếng xà phòng thơm. Các học sinh lớp bé trước khi vào lớp đều được hướng dẫn rửa tay, rửa mặt sạch sẽ. Buổi đầy chỉ hơn hai chục em. Hôm sau rồi hôm sau nữa cả lớn, bé đến gần năm chục. Bàn ghế thiếu phải mượn hêm mấy bộ nữa. Bài hát Lào “Trường kỳ kháng chiến” do Hiến dạy. Bài hát Việt “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” do cô mẫu giáo đảm nhiệm. Múa thì đã có lăm vông dân tộc, múa đèn ông sao của nhi đồng Việt Nam. Lúc đầu tưởng chỉ có các cháu mê múa hát, hóa ra các chị hai ba con cũng hát múa rất hồn nhiên, say sưa. Thấy lớp học hay, có gia đình sơ tán của nhà đến ở gần trường để cho con đi học. Lớp học duy trì được ba tháng. Trước khi đơn vị chuyển quân, mọi người đã biết đọc, biết viết và bắt đầu học tính cộng, tính trừ. Dân tộc H’mông không chỉ ham học chữ mà còn có một nhu cầu văn hóa, văn nghệ rất lớn.

Lớp học chọn ngày 2 tháng 9 làm lễ bế giảng để đơn vị kết hợp mổ bò liên hoan Quốc khánh Việt Nam. Buổi lễ có cán bộ xã, các gia đình và thầy trò cùng liên hoan, ca múa quân dân đoàn kết, xem phim suốt cả buổi chiều cho đến tối.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2016, 05:10:19 pm »

*
*   *

Khi được tin ở mặt trận Quảng Trị ta bắt đầu phòng ngự ở thành cổ, tôi viết thư gửi đồng chí Vương Thừa Vũ, báo cáo tóm tắt về kinh nghiệm năm lần đánh bại chiến dịch tiến công của quân Coong-le và Phu Cút – Cánh Đồng Chum. Có thể nói đây là bức thư tâm tình nói về kinh nghiệm phòng ngự của người chiến sĩ nhớ về quê hương Bình – Trị - Thiên. Khi đọc bức thư 20 trang của tôi, anh Vũ đã dùng bút đỏ gạch chân những đoạn hay, đoạn cần chú ý, viết ý kiến của anh ra ngoài và giao thư ký chép lại gửi cho tôi.

Đọc đoạn quyết tâm của Quân khu Cánh Đồng Chum là “thực hành phòng ngự trận địa trong thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển cao”, anh Vũ xác định: “Đây là một quyết tâm đúng đắn, có ý nghĩa chiến dịch và chiến lược lúc đó của Quân khu bạn”.

Về nội dung bố trí lức lượng: một phần chốt mười phần cơ động và kết hợp trận địa chốt kiên cố với liên tục cơ động phản kích, phản đột kích lấy hành động chủ động phản kích, mật tập liên tục tiêu hao, tiêu diệt, đánh bại các mũi tiến công của địch, đập tan ý đồ tiến công tiến tới đánh bại chiến dịch tiến công của địch, anh khen: “Đây là tư tưởng tích cực tiến công tiêu diệt địch, là tinh thần chủ động tiến công trong phòng ngự, phá thế bị động phòng ngự, giành thế chủ động tiến công”, là vận dụng sáng tạo chiến thuật “chốt kết hợp với vận động tiến công để bảo vệ đất, vảo vệ vùng giải phóng. Lúc đó cũng có người phê phán phòng ngự, nhưng anh nói: “Chiến lược của Đảng bạn đã xác định hai vùng thì không được phủ nhận phòng ngự dù là bằng cách gì cũng thế. Phòng ngự để bảo vệ vùng giải phóng là một tất yếu khách quan của giai đoạn cuối cuộc chiến tranh mà ta không nên sợ, không nên phủ nhận”.

 Khi đọc đoạn địch tập trung tiến công vào Phu Cút – Song Hạc, thì ta kiềm chế cánh bắc của địch. Còn lực lượng cơ động của mặt trận thì lật cánh đánh vào phía nam, đánh vào bên sườn, đánh vào tung thâm Mường Xủi, anh khen: “Lật cánh, đây là một quyết tâm xử trí đúng đắn, linh hoạt đã có tác dụng đánh bại chiến dịch tiến công của địch”. Tuy vậy anh cũng góp ý: “Nếu như Quân khu khắc phục được khó khăn, có quyết tâm cao hơn nữa, tập trung mọi khả năng có thể tập trung được, đánh một đòn phản công quyết định vào trận địa pháo Nậm Xoong và sở chỉ huy viện trợ Thái ở Bản Khai thì có thể tạo được chuyển biến chiến dịch cao hơn, thậm chí có thể đánh ngã đội hình chiến dịch quân Coong-le, tạo nên thế mới đánh tan địch, chuyển từ phòng ngự sang phản kích và tiến công giành thắng lợi phòng ngự sớm hơn”.

Anh Vũ đặc biệt ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của chiến sĩ Phu Cút như đồng chí Cay-xỏn đã khen: “Núi thép, núi kim cương” và khuyên chuyên gia phải cố gắng giúp bạn tổng kết kinh nghiệm, những tấm gương dũng cảm phản kích giữ chốt, bắn máy bay bằng súng bộ binh, cùng hàng chục, hàng trăm trận phản kích của các đại đội, tiểu đoàn của bạn và quân tình nguyện đã thực hành đánh địch xung quanh tuyến phòng ngự Phu Cút. Những bút tích chữ đỏ của anh Vương Thừa Vũ đã được trân trọng giữ gìn lưu lại trong tập tài liệu lưu trữ, tổng kết của đoàn chuyên gia quân sự Cánh Đồng Chum.

Cùng thời gian này, tôi viết thư gửi anh Trần Quý Hai nói về chiến thuật đánh điểm cao ở rừng núi, đặc biệt là kỹ thuật mìn, bộc phá phóng để đánh phỉ. Anh Hai cũng viết thư động viên anh em chuyên gia và góp ý khuyến khích nghiên cứu kỹ thuật với hướng dẫn chi tiết.

Anh em chuyên gia cũng nhớ mãi anh Đinh Đức Thiện với tất cả nhiệt tình suy nghĩ tìm mọi biện pháp để giúp đỡ đơn vị chiến đấu, nhất là bộ đội Lào. Một lần Xin-phon, Bun-niên bàn với tôi tính sao cho đủ gạo để phát triển nhanh tốc độ chiến dịch. Sau khi gặp anh Minh Sơn phái viên Tổng cục Hậu cần, tôi điện về cho anh Thiện và được trả lời ngay: “Tối ngày mai 40 tấn gạo sẽ chuyển đến khu Mường Xủi theo đúng yêu cầu của đồng chí Bun-niên. Chúc các bạn đánh chiếm được Ka Xỉ”.

Và một tuần sau Ka Xỉ được giải phóng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2016, 05:11:04 pm »

*
*   *

Trong tháng 3, tháng 4 năm 1966, địch mở chiến dịch ODN hòng đánh chiếm thị xã Xiêng Khoảng và Cánh Đồng Cum nhưng thất bại. Tháng 6, bộ đội Quân khu Cánh Đồng Chum được tăng cường lực lượng mặt trận 31 của Tư lệnh Vũ Lập và Chính ủy Huỳnh Đắc Hương lại tiến công Mường Xủi, tiêu diệt tập đoàn cuối cùng của lực lượng Coong-le trên địa bàn Cánh Đồng Chum. Để bắt đầu thí điểm học thuyết Ních-xơn ở Lào, đế quốc Mỹ đã giúp Vàng Pao mở cuộc hành quân “Cù Kiệt” đánh phá Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.

Mùa mưa năm 1969, đội công tác đặc biệt do Bun-năm đội trưởng (có nhóm chuyên gia Lộc, Danh, Trọng) được cơ sở cho biết các tướng lĩnh và chỉ huy cùng quân đặc biệt Vàng Pao đã tập trung về họp với chuyên gia Mỹ, Thái bàn kế hoạch đánh chiếm Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Tin này báo cáo về Quân khu nhưng bị thất lạc.

Mở đầu chiến dịch, địch mở nhiều cuộc tập kích bằng không quân làm tan nát bản làng, “cạo trọc” đại bộ phận đồi núi ở hai bên đường số 7, đường số 4, và một đoạn đường số 6. Do sơ hở nên chỉ đạo, chỉ huy của bạn đều lúng túng. Đầu tháng 9, khi quân đặc biệt nhảy vào Cánh Đồng Chum, chỉ có du kích, cao xạ và tự vệ cơ quan đánh nhỏ. Địch tiến đến Khăng Khay, mặt trận gần như bị bỏ ngỏ. Nhiều cuộc vây ráp cướp dân bằng bàn tay bọn phản động địa phương và trực thăng vận. Nhân dân Mường Pẹch, Mường Khum bị xáo trộn. Hơn một vạn dân cụm về các xã Khai, Xếnh, Piàng, Khăn lẩn vào rừng núi để bám trụ đánh địch; phía nam thì dựa vào cụm Keo Xẹt, Phu Mừn…

Đây là cuộc thử thách vô cùng quyết liệt đối với phong trào Xiêng Khoảng. Song cũng từ trong khó khăn, gian khổ này mà tình đoàn kết quân dân, đoàn kết Lào – Việt càng khăng khít. Piàng, Khăng, Thại Xếnh, Keo Xẹt, Bản Bam, Noỏng Hét đều bám trụ kiên cường. Dân ở lại bên trong thì đùm bọc nhau trong một cuộc sống “cộng sản thời chiến”. Mỗi cụm dân được chia thành bốn bộ phận: đội thu hái lương thực, đội bảo vệ bản và cơ động chiến đấu, đội trực nấu cơm và nuôi dưỡng người già, trẻ nhỏ; đội tìm đất phát rẫy làm vườn chuẩn bị vụ mùa để đánh lâu dài.

Dân bị quét vào vùng địch thì đấu tranh kiên cường bất khuất: tổ chức chống địch bắt lính, cho thanh niên trở lại Cánh Đồng Chum bám bản làng chiến đấu. Những gia đình ở lại thì đấu tranh đòi địch bảo đảm đời sống, đòi trả về làng bản cũ Xiêng khoảng. Du kích đưa gia đình mình sang gửi bà con Nghệ An xong lại về bám đất chiến đấu, phối hợp chủ lực giải phóng Cánh Đồng Chum. Bị lủng củng, rời rạc lúc đầu là do bị động, bất ngờ, chứ người Xiêng Khoảng vẫn giữ vững lời thế chiến đấu.

Thời gian này tôi đang chữa bệnh ở Hà Nội. Lê Văn cũng đang ở Hà Nội. Trong tình huống có nhiều khó khăn, anh Xa-mán chủ trì Cánh Đồng Chum lúc đó phải điện thẳng về Bộ Quốc phòng Việt Nam: “Đề nghị cho Bình và Lê Văn trở lại Cánh Đồng Chum…”. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang qua đời. Đồng bào và chiến sĩ cả nước vô cùng đau buồn trước sự mất mất to lớn này. Tuần tang Bác được tổ chức trọng thể trong cả nước. Ngày 8 tháng 9, sau khi đi viếng Bác về, tôi được đại tá Đông ở Văn phòng Bộ cho xe đón vào cửa Tây gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng ngày này không khí toàn Hà Nội bao trùm nỗi đau thương mất mát nặng nề.

Tôi bước vào “Nhà Con rồng” gặp Đại tướng và mà nước mắt cứ ròng ròng.

Mở đầu, Đại tướng nói:

- Chiến trường đang hết sức khó khăn. Bạn có điện về Bộ xin Bình và Lê Văn trở lại. Lê Văn đã đi. Tôi biết Bình chưa khỏi bệnh nhưng là người quen bạn, quen chiến trường, trước mắt cố sang giúp bạn giữ dân, tập trung lại bộ đội, giúp cho quân tình nguyện vào triển khai chiến dịch. Đem thuốc đi theo dùng tiếp, sau chiến dịch nếu cần lại về chữa thêm.

Tôi báo cáo Đại tướng rằng: chúng tôi đã sẵn sàng, xin anh yên tâm.

Sau buổi gặp Đại tướng Tổng tư lệnh, tôi trở về chia tay gia đình và gấp rút lên đường. Đến Nậm Cắn, tôi tập hợp tất cả số cán bộ, chiến sĩ của đoàn chuyên gia lại. Tâm trạng anh em chưa hết căng thẳng với cảnh mưa bom bão đạn mang từ Cánh Đồng Chum ra. Phong thanh cũng có người đang bàn quay về Hà Nội. Động tác đầu tiên lúc ấy của tôi là tập hợp đội hình lại và tuyên bố:

- Sứ mạng lịch sử của chúng ta mà hai Đảng đã giao là “sống chết phải giúp bạn bảo vệ Cánh Đồng Chum”. Cuộc lui quân của các đồng chí về đây đã quá xa rồi. Từ giờ phút này tất cả phải chuẩn bị cùng tôi trở lại Cánh Đồng Chum. Anh em trên đó dang chờ. Hãy dẹp tất cả suy tính lại, chúng ta phải trở lại chiến trường!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM