Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:04:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày ở Cánh Đồng Chum  (Đọc 49626 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 10:01:35 pm »

Thắng lợi càng lớn lao thì nỗi lo về công việc càng dồn dập, nặng nề. Việc trước tiên là làm sao thu dọn chiến trường cho nhanh gọn để cất giấu, bảo quản và sử dụng phát huy hết hiệu quả của một khối lượng lớn chiến lợi phẩm. Bộ Tư lệnh Quân khu phân tích thấy khả năng của mình không đủ phương tiện kỹ thuật để làm tốt việc này; vì vậy, được phép Tổng Tư lệnh Khăm-tày, Tư lệnh Phun-xi-pa-xớt đã cùng với tôi nhờ anh Bằng Giang giúp đỡ. Hai đồng chí Tư lệnh đã thống nhất lập một bộ chỉ huy thu dọn chiến trường bằng cả lực lượng và phương tiện của Bun-niên, Chủ nhiệm hậu cần Quân khu và đại tá Thường, Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch 74.

Xe, pháo, nhất là xe tăng, cơ giới phải vừa được sửa chữa, vừa kéo đi cất giấu. Đạn thì có nhưng kho rất lớn, chứa hàng mấy trăm tấn đạn Mỹ như đạn 105 ly, sơn pháo 75 ly, ĐZ75, đạn các-bin, đạn súng ga-răng là loại ta đang rất thiếu.

Nhờ cách tổ chức này, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và lực lượng vận tải cơ giới của chiến dịch 74 đã đóng góp cho Quân khu Cánh Đồng Chum nhiều công sức, nên việc thu dọn chiến trường được nhanh, gọn. Có thể nói đây là một trong những chiến dịch thu được nhiều chiến lợi phẩm nhất ở Lào và được thu dọn chặt chẽ, gọn gàng và nhanh chóng nhất. Nó đã phục vụ đắc lực cho cuộc chiến đấu bảo vệ Cánh Đồng Chum trong suốt những năm sau.

Với số chiến lợi phẩm đồ sộ này, mùa mưa năm 1964, Bộ chỉ huy Quân khu Cánh Đồng Chum đã gửi tặng Quân khu 4 một số vũ khí, đạn dược gồm 70 khẩu ba-zô-ca Mỹ và ba trăm viện đạn để chi viện cho cuộc chiến đấu của lực lượng địa phương ở Trị - Thiên.

Đồng thời với việc thu dọn chiến trường, Quân khu điều chỉnh bố trí lại mạng lưới phòng không có trọng điểm chặt chẽ. Nhờ vậy, chỉ một tháng sau, vào cuối tháng 6 năm 1964, khi máy bay Mỹ khởi đầu đánh phá Cánh Đồng Chum, ta chỉ mất một vài cây cầu trên đường số 7, còn kho tàng chưa mất gì đáng kể. Trong khi đó, máy bay Mỹ bị bắn rơi hai chiếc xuống trung tâm Cánh Đồng Chum.

Điều suy nghĩ của những người chỉ huy và chuyên gia ở Cánh Đồng Chum lúc này là: vùng giải phóng rộng thêm mấy nghìn ki-lô-mét vuông, chiếm gần hết địa bàn tỉnh Xiêng Khoảng. Song ở đây địch còn duy trì được nhiều cụm phỉ nguy hiểm như Kẹo Bon, Xen Chồ, Huôi Xa Ang, Buôm Lọng, Phu Xao, Mường Mộc. Nếu quân tình nguyện rút hết thì lấy quân đâu mà giữ. Điểm lại thực lực Quân khu, ta có 6 tiểu đoàn Pa-thét và 4 tiểu đoàn ông Đươn (quân ông Chẹng và khối tù hàng binh chưa được học tập, tổ chức lại).

Chúng tôi đang còn suy tính thì nhận được điện của Thượng tướng Văn Tiến Dũng: “Hai Bộ Tổng Tham mưu nhất trí để 2 tiểu đoàn tình nguyện ở lại giúp bạn. Tiểu đoàn 51 chốt và làm công tác cơ sở ở vùng nam đường số 7. Tiểu đoàn 924 đứng ở vùng Bản Ban làm dự bị cơ động cho Quân khu Cánh Đồng Chum. Bộ chỉ huy và cơ quan chiến dịch 74 rút gọn, nhanh và an toàn”.

Sau khi nhận được bức điện trên, Quân khu Cánh Đồng Chum cùng Bộ chỉ hủy chiến dịch 74 bàn bạc và đi đến kết luận:

Một là, trải qua cuộc đấu tranh thực tế, quân dân Xiêng Khoảng mà trọng điểm là hai huyện trung tâm Cánh Đồng Chum, Mường Pẹch và Mường Khun đã bị giành giật, giằng co, chà đi xát lại cả về chính trị, quân sự, đã chứng kiến âm mưu xảo quyệt, bao tội ác của địch, đã phân biệt rõ địch – ta, thiết tha được giải phóng. Trong niềm vui chiến thắng, nhân dân có nguyện vọng muốn được tổ chức, trang bị để chiến đấu bảo vệ làng bản. Đây là thời cơ tốt nhất để chúng ta phát động nhân dân tổ chức lực lượng vũ trang địa phương cùng bộ đội tỉnh và Quân khu chiến dấu bảo vệ khu vực, bảo vệ vùng giải phóng. Khó khăn này là khó khăn trong thắng lợi, khó khăn trong quá trình trưởng thành và tiến lên của phong trào. Đây là một thử thách mơi để đưa phong trào đạt được những bước tiến mới, những thắng lợi mới. Do dự là kìm hãm phong trào.

Hai là, quân tình nguyện của đồng chí Bằng Giang vẫn phải rút về theo hướng số 4 qua Tha Thơm, Ta Viêng về thị xã Xiêng Khoảng, Lạt Thuổng, Phôn Xa Vẳn, Khăng Khay đến đường số 7, Bản Ban, Noỏng Hét đều là những điểm có gián điệp của địch, thậm chí còn có cả một số điện đài của chúng bí mật liên lạc với phòng nhì ở Long Chẹng, Viên Chăn. Ta phải có kế hoạch nghi binh giữ bí mật, khôn khéo lừa địch; nếu không, quân chưa ra khỏi biên giới, địch chạy theo quấy rối, Quân khu khó điều chỉnh thế trận.

Kế hoạch được tính toán kỹ và bộ đội được tổ chức hành quân một cách chặt chẽ. Cụ thể, quân tình nguyện có 6 tiểu đoàn, cấn rút thì Quân khu phải có 6 phân đội theo xe đi vào thay. Tiểu đoàn 2 được chọn là đơn vị thay cho 6 tiểu đoàn rút quân. Để tránh bọn gián diệp mặt đất theo dõi, vào khoảng 19 giờ tối ngày rút quân, một đoàn xe ngụy trang kín mít, chỉ để bố hở phía trước cho người quan sát, kín đáo chở quân Tiểu đoàn 2 đi vào. Người chỉ huy ngồi trên ca bin đầu đội mũ bông, mặc áo bông dài Trung Quốc, loại trang bị rất lạ mắt. Qua thị xã Xiêng khoảng đoàn dừng lại mấy phút cho lính xuống uống nước, các vị chỉ huy khoác áo bông dài đi mua thuốc lá. Trên một số xe, bộ đội còn ca hát biểu lộ khí thế ra quân hùng tráng của bộ đội Pa-thét Lào. Cho đến khuya, thậm chí đến tới một, hai giờ sáng xe quay ra lặng lẽ, vẫn mui khung ngụy trang, nhưng chỉ còn một lái. Chẳng ai nghĩ đoàn xe đã chở gọn một tiểu đoàn tình nguyện rút quân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 10:02:08 pm »

Những người tò mò còn để ý đến việc các đoàn cán bộ đi chơi và tham quan bằng xe con qua thị xã Phôn Xa Vẳn, Khăng Khay rồi thị xã Xiêng Khoảng. Những đoàn cán bộ này ăn mặc cũng mới lạ, mặt mày cũng mới lạ. Mũ bông, áo bông dài Trung Quốc hơn một trăm bộ mới toanh vừa được hậu cần xuất ra để dùng vào việc nghi binh này. Tiếng nói thì nửa Lào, nửa Việt, nửa Tày hoặc Quan Hỏa. Tàn thuốc và bao thuốc lá viết ra toàn Đại Tiền Môn hoặc Den Sâm. Điện dài gián diệp chỉ biết điện về phòng nhì Viên Chăn và Long Chẹng: “Neo Lào Hắc Xạt đang có một cuộc điểu chỉnh tăng quân lớn ở Cánh Đồng Chum”.

Chiến dịch vận chuyển để rút quân này được phối hợp chặt chẽ với chiến dịch “vận động tuyên truyền ca mừng chiến thắng giải phóng Cánh Đồng Chum”, cổ động phong trào bảo vệ làng bản và chuẩn bị cày cấy làm mùa đã thu hút bà con các bản làng nên kẻ địch cũng dễ mất phương hướng. Nhờ khéo nghi binh nên việc rút quân tình nguyện về nước sau chiến dịch 74 đảm bảo nhanh gọn, bí mật, an toàn

Tháng 6 năm 1964 ở Cánh Đồng Chum bắt đầu có những trận mưa lớn, kéo dài. Tàn quân của Coong-le rời rạc kéo nhau về cụm lại ở Mường Xủi. Coong-le nằm liệt ở bản Na Pi được trực thăng đến chở về Mường Xủi để đôn đốc việc xây dựng căn cứ mới ở đó theo lệnh của Mỹ. Thật nhọc nhằn và mỉa mai thay cho thân phận kẻ làm tay sai đánh thuê cho đế quốc Mỹ! Quân ta tổ chức những cuộc tiến công vượt sông Nậm Ngừm cũng chỉ chiếm được tuyến Phu Cút rồi phải dừng lại vì mưa to, nước ngập lớn. Một giai đoạn chiến đấu và xây dựng mới bắt đầu. Đó là thời kỳ chiến đấu phòng ngự tuyến Phu Cút, bảo vệ Cánh Đồng Chum, phát triển phong trào chiến tranh nhân dân Xiêng Khoảng lên một cao trào mới.

Để chuẩn bị cho chuyên gia có trình độ đáp ứng những yêu cầu phải giúp bạn trong giai đoạn mới, ngoài những cẩm nang phải thủ sẵn như lý luận về chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân, về công tác quân sự địa phương, xây dựng làng bản chiến đấu, xây dựng hậu cần tại chỗ, tôi chủ động hiệp đồng với Cục Dân quân tự vệ và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, yêu cầu anh Diến, Cục trưởng cứ hàng tháng khi nhận được báo cáo chiến đấu làng xã ở miền Nam gửi ra thì sao gửi cho Đoàn 5 một bản. Nhờ đó từ năm 1965 đến năm 1969 Đoàn chuyên gia đã nhận được hơn năm chục bản tổng kết, chất gần nửa hòm súng AK dành cho chuyên gia, nhất là chuyên gia tiểu đoàn, tỉnh đội, huyện đội và đại đội độc lập nghiên cứu vận dụng. Các cơ quan Bộ Tổng tham mưu đã hết sức ủng hộ chuyên gia khi có những yêu cầu thiết thực trong công tác giúp bạn. Đó là sự đóng góp thiết thực, giúp chuyên gia hoàn thành nhiệm vụ.

Hơn năm trăm ngày đã qua tính từ cái “đêm đen Viên Chăn” mà đế quốc Mỹ với mưu đồn tàn bạo cho bọn tay sai ám hại ông Kin-nim Phôn-xe-na, trắng trợn mở đầu những hành động phá hoại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Lào, phá Chính phủ Liên hiệp ba phái, kéo nước Lào trở lại cảnh “nồi da xáo thịt”. Sáu binh đoàn cơ động phái Hữu nhảy vào Cánh Đồng Chum cùng lực lượng phản bội Coong-le, phỉ Vàng Pao định làm cú chớp nhoáng tiêu diệt và đẩy lực lượng Neo Lào Hắc Xạt và những người yêu nước bật khỏi Cánh Đồng Chum. Song chiến tranh nhân dân khắp nước Lào cùng khối chủ lực tiến công địch mạnh mẽ ở Cánh Đồng Chum đã làm cho chiến dịch này của địch thất bại. Rồi cuộc đảo chính phản cách mạng của Cu-pra-xít ngày 19 tháng 4 năm 1964 cũng không phá được Chính phủ Liên hiệp.

Năm trăm ngày đêm, tiêu tốn không biết bao nhiêu bom đạn, xương máu, cuối cùng đến tháng 6 năm 1964, họ cũng phải cuốn chạy, để lại vùng giải phóng cũ Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng cho Neo Lào Hắc Xạt và những người yêu nước. Họ hỏi tạo sao? Họ cố tìm câu giải đáp nhưng với bản chất kiêu ngạo và đầu óc chủ quan cố hữu, ỷ vào sức mạnh đô la và vũ khí Mỹ, họ không thể chấp nhận bài học mà nhân dân cách mạng Lào đã dạy cho họ. Bài học ấy là:

Neo Lào Hắc Xạt lanh đạo đúng đắn, tài ba. Bạn bè khắp thế giới ủng hộ, đặc biệt là Việt Nam. Song quyết định nhất vẫn là nhân dân Lào anh hùng đoàn kết một lòng cùng lực lượng vũ trang anh dũng của mình kiên cường dám đánh và đánh giỏi. Mặ khác, do những âm mưu, thủ đoạn tàn ác dã man của đế quốc Mỹ và tay sai đã thúc đẩy lòng căm thù của quân dân Lào ngày một cao. Chính lòng căm thù đã biến thành sức mạnh quật ngã chúng.

Đế quốc Mỹ và những kẻ ôm chân Mỹ phản bội lại dân tộc không hiểu nổi sức mạnh của tình đoàn kết “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” của hai dân tộc Lào – Việt anh em. Họ càng không hình dung nổi sức mạnh chiến thắng của “Đông Dương là một chiến trường” của ba dân tộc Lào, Việt Nam và Cam-pu-chia.

Leo thang sập ngã lại leo thang, thất bại nổi liền thấp bại. Nậm Thành, Cánh Đồng Chum, Trung Lào rồi Nậm Bạc cho đến O.D.N, Mường Xủi, Cù Kiệt, Ka Xỉ vẫn chưa làm họ sáng mắt ra.

Họ không sao hiểu, không chịu hiểu và chịu tin rằng một dân tộc khi được Đảng Vô sản giác ngộ, đã hiểu được sứ mạng tự giải phóng của mình thì càng có lòng tự trọng cao; càng khó khăn, gian khổ càng bền gan, vững chí; càng đánh càng thông minh, tài giỏi.

Tuy vậy, con đường giành độc lập, tự do cho Tổ quốc của lực lượng cách mạng Lào vẫn còn nhiều chông gai. Đánh thắng đế quốc Mỹ và bọn phản động tay sai không phải dễ dàng, nhưng quân và dân Lào tin tưởng cuộc kháng chiến chính nghĩa của các bộ tộc Lào nhất định thắng lợi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 05:58:45 pm »

VI. PHU CÚT – “NÚI THÉP, NÚI KIM CƯƠNG”

Đầu tháng 7 năm 1964, tôi được lệnh và Hà Nội báo cáo kết quả giúp bạn giải phóng thị xã Xiêng Khoảng, hỗ trợ chiến dịch 74 và chiến dịch tiến công tổng hợp giải phóng Cánh Đồng Chum.

Thượng tướng Văn Tiến Dũng – Tổng Tham mưu trưởng chủ trì cuộc họp có các đồng chí Trần Quý Hai, Lê Đức Anh (Bộ Tổng Tham mưu), Lê Quang Hòa (Tổng cục Chính trị), Lương Nhân (Tổng cục Hậu cần). Phòng C có đồng chí Kiệt, chuyên gia có tôi và Trương Đình Toàn.

Mở đầu cuộc họp Tổng Tham mưu trưởng hỏi chúng tôi rằng bạn dùng phép gì mà giải phóng Cánh Đồng Chum nhanh thế! Tôi lần lượt trình bày thứ tự diễn biến các giai đoạn chiến dịch. Các thủ trưởng rất phấn khởi khi tôi kể về các thủ đoạn nghi binh đánh bại binh đoàn 13. Đến việc giải phóng Cánh Đồng Chum, các anh đánh giá cao sự quyết đoán của bạn đánh binh đoàn 17 để phân hóa quân Coong-le, đặc biệt là ý chí quyết thắng của bộ đội Lào cơ động nhanh, đánh giỏi, đánh đúng thời cơ địch thay quân, và tiến hành công tác binh vận giỏi, sáng tạo.

Anh Lê Quang Hòa nhận xét: đây là sự kết hợp tài giỏi sức mạnh tổng hợp để đạt tới chân lý trong hòa hợp dân tộc.

Tổng Tham mưu trưởng nói:

- Nhờ nghệ thuật tạo thời cơ và chớp thời cơ giỏi nên chỉ một năm bạn đã giành được Cánh Đồng Chum. Đây là chiến thắng to lớn có ý nghĩa chiến lược. Bạn tiếp tục đánh bại thêm một bước đối với kế hoạch leo thang chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ ở Lào. Nó tạo điều kiện tranh thủ hòa bình, duy trì Chính phủ Liên hiệp ở Lào, tạo cho cách mạng Lào có thời gian để củng cố lực lượng, xây dựng vùng giải phóng, phát triển chiến tranh nhân dân lên một bước mới. Thắng lợi đó còn là sự hiệp đồng và hỗ trợ tốt đẹp đối với cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Các đại biểu dự họp rất phấn khởi khi biết bộ đội bạn đã độc lập tổ chức tác chiến và vận dụng thành công nghệ thuật chiến dịch tiến công tổng hợp rất thực tế, sáng tạo; kết hợp tiến công chính trị, quân sự, binh vận và pháp lý rất đồng bộ kịp thời, nhanh gọn, khiến địch không kịp trở tay. Hội nghị đã đi tới một nhận định quan trọng là từ chiến dịch này bạn sẽ tổng kết được nhiều bài học quý, không những chỉ bộ đội Lào mà còn cho tất cả các cán bộ chỉ huy cấp chiến lược, chiến dịch của quân đội anh em trên bán đảo Đông Dương.

Phát biểu tại hội nghị, anh Văn Tiến Dũng đánh giá cao vai trò của đoàn chuyên gia giúp bạn. Anh nói: Bạn đánh giỏi tức là có sự đóng góp của đoàn chuyên gia. Trong hội nghị này tôi biểu dương các đồng chí chuyên gia và xin nêu một câu hỏi: Cánh Đồng Chum giải phóng rồi vậy chuyên gia định giúp bạn những gì nữa để bảo vệ vùng giải phóng? Có động viên tuyển quân không? Nếu không bổ sung thì lấy quân đâu mà giữ?

Đã có dự kiến về những vấn đề trên, tôi báo cáo:

- Giải phóng Cánh Đồng Chum lần này bạn mới thực sự có đủ điều kiện thực hiện một cuộc chiến tranh nhân dân, phát động và phát triển rộng rãi phong trào du kích. Đây là cơ sở chuẩn bị tuyển quân mới trên một quy mô lớn. Qua điều tra bước đầu, thanh niên trong vùng đã bị lực lượng phái Hữu, Vàng Pao, Coong-le vét hết. Có thể nói thanh niên từ 14 tuổi trở lên còn rất ít. Số 18 đến 20 tuổi phần lớn còn lại thuộc diện tàn tật hoặc lấy vợ, sớm có con để trốn bắt lính. Vì vậy việc bổ sung quân trong 2 năm 1964-1965 chủ yếu tập trung tổ chức dân quân du kích bảo vệ làng bản, còn quân bổ sung cho chủ lực căn cứ tình hịnh cụ thể, có thể tuyển lựa trong số lớn tù hàng binh phái Hữu, Coong-le, sau khi đã giáo dục, cải tạo. Chúng tôi đã tính toán, có thể đặt số quân từ 500 đến 700 người. Ngoài ra bạn còn khoảng 1.500 quân của phái Trung lập đã về với Pa-thét Lào thì bổ sung cho lực lượng của đại tá Đươn. Số tân binh từ Trung ương đưa về được 100 sẽ bố trí vào lực lượng của Quân khu. Bạn đã cùng chúng tôi đề ra biện pháp trước mắt là soạn ngay một chương trình giáo dục lòng yêu nước và nghĩa vụ bảo vệ làng bản, đưa vào các lớp văn hóa đêm các trường phổ thông kèm theo các bài viết về anh hùng, dũng sĩ trong chiến đấu ở Cánh Đồng Chum. Chuẩn bị tốt tìi 2 năm 1966-1967, việc tuyển quân sẽ đạt hiệu quả vững chắc hơn.

Anh Dũng hỏi ý kiến hội nghị.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 05:59:17 pm »

Anh Lê Đức Anh, lúc đó là Phó Tổng tham mưu trưởng chuyên trách về xây dựng lực lượng, phát biểu:

- Phát triển du kích và tuyển quân, tất nhiên rồi phải làm. Ở đây cũng vậy thôi! Song tính toán nhiều mặt, cân đối quân số với dân số, cần thiết chiếu cố đến vùng dân tộc rẻo cao, tuổi tác sao cho hợp với bạn. Sự tính toán như anh Bình nói là có thực tế, là tích cực, làm rồi dần dần điều chỉnh.

Báo cáo với hội nghị xong tôi được phép về Vinh thăm gia đình. Quân khu 4 dành cho gia đình tôi một suất nghỉ ở Cửa Lò. Lần đầu tiên được ra biển, bé Hà Lương mới 18 tháng tuổi, chạy chưa vững nhưng cũng đòi đi theo ba mẹ xuống nước, không cho ai dắt. Vừa được ba buổi tắm thì tôi nhận được điện của Bộ gọi ra Hà Nội họp.

Đến Thủ đô, tôi vào thẳng nhà anh Trần Quý Hai hỏi tin về cuộc họp thì được biết đây là cuộc hội đàm đột xuất với lãnh đạo của bạn để thống nhất chương trình hoạt động kế tiếp, sau khi giải phóng Cánh Đồng Chum và bảo vệ Xiêng Khoảng.

Dự cuộc hội đàm, phía Lào có Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tư lệnh Phun-xi-pa-xớt, đồng chí Khăm-phải Bu-pha, đại diện thường trực của Neo Lào Hắc Xạt ở Hà Nội. Phía Việt Nam có Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó Tổng tham mưu trưởng Trần Quý Hai, đồng chí Đặng Kinh – Cục phó Cục Tác chiến và tôi đại diện cho đoàn chuyên gia giúp bạn tại Xiêng Khoảng.

Mở đầu cuộc hội đàm, đồng chí Cay-xỏn vui mừng xác định ý nghĩa to lớn mà hai dân tộc, hai quân đội đã giúp nhau giành được nhiều thắng lợi để duy trì hòa bình, đánh bại một bước quan trọng kế hoạch leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai ở Lào, đặc biệt là thắng lợi giải phóng Cánh Đồng Chum lần này. Phía Việt Nam hết sức ca ngợi sự trưởng thành của bộ đội Lào, nhất là khối chủ lực ở Cánh Đồng Chum. Hội nghị đã xác định trong khi Mỹ đẩy mạnh leo thang chiến tranh cục bộ ở chiến trường Việt Nam thì ở Lào, Cánh Đồng Chum vẫn là một trọng điểm mà Mỹ sẽ đánh phá giành giậ nhiều nhất. Phỉ Vàng Pao sẽ tăng cường giành dân, quấy phá cơ sở. Máy bay Mỹ sẽ ném bom các bản làng, cắt phá giao thông vận chuyển trên đường số 7. Cánh Đồng Chum sẽ bị tiến công ác liệt từ nhiều hướng, nhất là mặt trận Phu Cút.

Vấn đề được bàn nhiều là phát động nhân dân, tổ chức phòng ngự những trận địa trọng điểm, kết hợp chặt chẽ với việc tổ chức tốt các đội du kích ở bản làng, bảo vệ trung tâm Cánh Đồng Chum. Phát triển một cách có hệ thống các trận địa phòng không, bảo đảm giao thông, bảo vệ kho tàng, làng bản, hạn chế thiệt hại về người và của do pháo địch gây ra.

Cùng với phát triển mạnh du kích, cố gắng bổ sung quân, xây dựng khối chủ lực Quân khu, giúp đỡ xây dựng khối chủ lực Trung lập của đại tá Đươn và trung tá Thiệp ngày một vững mạnh cả về chính trị lẫn quân sự.

Hai bên nhất trí tăng thêm chuyên gia huấn luyện, chuyên gia cơ sở địa phương và chuyên gia cho lực lượng quân sự của khối Trung lập.

Cuối buổi hội đàm, đồng chí Cay-xỏn căn dặn anh Phum và tôi về Quân khu phải kịp thời rút kinh nghiệm hai chiến dịch giải phóng thị xã Xiêng Khoảng và Cánh Đồng Chum cho cán bộ học tập. Đồng chí hoan nghênh ý kiến đề nghị của tôi về nghiên cứu chỉ đạo các phương thức hoạt động mới cho khối chủ lực và du kích Viên Chăn, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu khi địch tổ chức càn quét, phá các cơ sở vùng Văng Viêng, Xa La Phu Khun của ta, nhằm xây dựng vững hậu phương liên hoàn cho quân Coong-le từ Văng Viêng về Mường Xủi.

Sau hội đàm, trước khi trở lại Cánh Đồng Chum, tôi được nghỉ thêm năm ngày phép về đưa vợ con về Quảng Bình thăm bố mẹ. Làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn mà có dịp về thăm vợ con, bố mẹ là một hạnh phúc lớn đối với tôi lúc này. Tôi không ngờ lần về thăm này là lần cuối cùng được gặp bố đẻ của mình. Sau nhiều năm phải nằm hầm tránh bom Mỹ, sức khỏe cụ suy yếu và mất năm 1966, không được gặp các con trai (vì năm anh em chúng tôi lúc đó đều đang chiến đấu trên các chiến trường).

Trên đường trở lại Cánh Đồng Chum, tôi được tin địch đã mở chiến dịch “Xam Xoọc” đánh phá khu địch hậu Văng Viêng, Xa La Phu Khun và cổ động quân Coong-le tổ chức tiến công vào tuyến phòng ngự Phu Cút. May bay Mỹ - Thái đã tham gia đánh phá vào Cánh Đồng Chum, đường số 7.

Thế là bắt đầu một thời kỳ tác chiến mới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:00:07 pm »

Đi rên đường số 7, tôi gặp một số đoàn công binh, các đội thanh niên xung phong Nghệ - Tĩnh đang xây dựng các đập tràn, đường ránh, cầu phao. Các ban chỉ huy giao thông đang chọn địa hình bố trí các trận địa pháo phòng không, các tổ cảnh giới ở các mỏm núi hai bên đường để bắn máy bay bay thấp. Đến Khăng Khay, khu nhà ở của chuyên gia cũn đã được dỡ bớt chuyển vào chân Phu He.

Nắm lại tình hình chung, chỉ sau một ngày, tôi lên ngay mặt trận Phu Cút. Tiểu đoàn 1 của Mai-xỉnh và Xi-thỏn đang phòng ngự Phu Cút đánh trả lại ba tiểu đoàn còn lại của Coong-le. Mỗi ngày trung bình có 30 lần chiếc T28 của phái Hữu Viên Chăn và máy bay AD6 của Thái Lan lao vào đánh bom phối hợp với hỏa lực của hai đại đội pháo 105 nhằm đánh bật bộ đội ta ra khỏi Phu Cút.

Điểm cao Phu Cút (1.463 mét) nguyên là một đồi cây lâu năm, phần lớn là thông ba lá nằm sát bờ tây sông Nậm Ngừm vốn là nơi trú ngụ lý tưởng của cọn, gấu, nai, hoẵng… Chiến tranh, bom đạn buộc các loại thú này phải rủ nhau “sơ tán” hết. Khi dừng lại phòng ngự tuyến Phu Cút, lúc đầu Tiểu đoàn 1 bố trí một đại đội giữ mỏm 1 là đỉnh to và cao nhất, một trung đội giữ mỏm 2 và 3, bảo vệ sườn cho mỏm 1. Hai đại đội (thiếu) cùng phân đội trợ chiến làm lực lượng cơ động. Một trung độ gồm hai khẩu trung liên 12,8 bố trí đánh máy bay khi nó lao vào trận địa mỏm 1. Một đại đội cao xạ 37, một đại đội pháo 85 và một đại đội súng cối 120 ly bố trí sau trận địa Phu Cút chi viện trực tiếp cho Tiểu đoàn 1 phòng ngự.

Những ngày đầu, khi máy bay đến lượn chuẩn bị đánh là anh em sơ tán lui về phía sau. Bộ binh địch lợi dụng để tiếp cận, và một lần đã chiếm được trận địa cảnh giới, ta phải đánh lại. Lần sau lợi dụng bộ độ ta ngủ trưa, địch lọt vào chiếm được chiến hào 1 và đánh thẳng lên chiến hào 2. Một đội đội tình nguyện kịp thời tăng cường cho tiểu đoàn 1 phản kích giành lại trận địa.

Tôi trực tiếp cùng tổ chuyên gia của đại úy Nhất và đại úy Mai theo dõi chiến sự diễn ra trong hai ngày, thì tổ tùy viên của Đặng Côn Sơn ở cơ quan đại diện Trung Quốc đến Khăng Khay cùng thăm Phu Cút để rút kinh nghiệm về phòng ngự dưới điều kiện phi pháo của địch.

Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 lúc đó rất thiếu thốn. Bữa ăn chỉ có gạo tẻ viện trợ, ít có nếp. Thức ăn thì mỗi mâm một bát muối trắng, một bát ớt tươi và ai giỏi thì kiếm thêm một nắm rau rừng. Thức ăn sang nhất là nồi ốc nứa luộc nhỏ bằng ngón tay được mò ở sông Nậm Ngừm. Cứ vài thìa cơm muối ớt lại mút một con ốc. Thực hiện “ba cùng” với chiến sĩ, chuyên gia Việt Nam và khách Trung Quốc đề thân mật dùng cơm hòa với lính. Anh em Việt Nam mỗi người ăn ngon lành ba bát sắt tráng men cơm, cùng nhai ớt tươi rất giòn và mút ốc chùn chụt. Anh nuôi tiểu đoàn khoái chí khi thấy món ăn của mình vẫn hợp khẩu vị chuyên gia. Anh em Trung Quốc mỗi người phải cố hết sức mới nốt được một bát cơm. Đặng Côn Sơn tâm tình tỏ lòng phục anh em Việt Nam về khắc phục khó khăn trong sinh hoạt.

Liên tục nửa tháng trời, địch lợi dụng lúc quân ta bị lóa mắt vì ánh sáng mặt trời, khoảng tám, chín giờ sáng, địch cho máy bay vào ném bom từ hướng đông. Lúc đầu ta chỉ cho trọng liên 12,8 và cao xạ 37 bắn, nhưng đạn ít, phải bắn hạn chế. Bộ binh dùng ngay súng trường, trung liên, đại liên bắn chặn khi máy bay địch vừa lao xuống, buộc máy bay phải bay vọt lên và cắt bom ngay ở tầm cao, nên thường bị trượt quá mục tiêu công kích, bom sa xuống khe. Bộ đội đã rút ra kết luận: muốn hạn chế thiệt hại, không để đánh trúng mục tiêu, phải phát huy cả súng bộ binh lẫn hỏa lực phòng không, chủ động đánh hất bay bay địch lên cao.

Để chuyên gia Trung Quốc về trước, tôi ở lại ba hôm, thống nhất cách đánh giữa chuyên gia với Mai-xỉnh, sau đó đi một vòng từ Bản Khổng đến Bảo Leo, Mường Xếnh, xác định lại địa hình, dân cư để có cơ sở lường trước thế trận du kích hiệp đông với mặt trận Phu Cút. Về tới cơ quan, dành trọn tám ngày đêm để hoàn thành bản báo cáo Tổng kết 2 năm 1963-1964 và đề cương kế hoạch phòng thủ xây dựng phong trào chiến tranh nhân dân ở Xiêng Khoảng. Sau đó, chúng tôi tổ chức hội nghị quân sự, tập trung bàn bạc lấy ý kiến rộng rãi. Dự hội nghị quân sự của đoàn có Tư lệnh Phun, Chính ủy Xa-mán.

Sau bốn ngày tranh luận ai cũng công nhận vấn đề đặt ra là mới và khó, nên buộc mọi người phải suy nghĩ tìm tòi. Bài học đánh trả máy bay của Tiểu đoàn 1 được công nhận là hay cần được phổ biến rộng rãi. Còn làm sao để có phong trào du kích mạnh, hội nghị rút ra một kết luận rất cơ bản:

Nếu phong trào du kích không lên mạnh, không hoạt động thay cho quân chủ lực, để quân chủ lực có thời gian xây dựng củng cố thì chủ lực dù có được chuyên gia giúp nhiều, vẫn cứ phải một mình đánh nam dẹp bắc, bị tiêu hao, mệt mỏi, cuối cùng sức mạnh kháng chiến sẽ yếu dần. Trái lại, nếu tập trung đại bộ phận chuyên gia chủ lực đi giúp phát triển du kích, phong trào du kích lên thì chủ lực được hỗ trợ, dần dần được bổ sung. Phong trào từ đó sẽ tiến lên vững chắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:00:26 pm »

Kết luận này đưa đến giải pháp là sau hội nghị tất cả chuyên gia kỹ thuật ở các tiểu đoàn chủ lực đều được tạm chuyển sang giúp tổ chức du kích tại các bản trong một thời gian dài. Các xã thuộc huyện Mường Pẹch đều có chuyên gia đến giúp phát động phong trào tổ chức du kích. Thế là suốt trong hai tháng 7 và 8, dân Mường Pẹch già trẻ, gái trai không phân biệt, cứ sáng chiều cày cấy, trưa tập quân sự, tối học chính trị, múa hát vui chơi. Hàng ngày cứ đến khoảng độ 20 giờ, cơm nước xong, trống lăm vông nổi lên là dân từng xã tề tựu đến bãi họp. Mưa thì họ che ô mà đi

Một hôm đoàn của tôi và Chăn-đi từ Lạt Buộc lên Song Hạc, nửa đường trời tối, phía trước mặt có ngọn lửa lập lòe, đến gần thì tháy một cô bé độ 13 tuổi cầm bó đuốc soi đường dắt một bà lão che ô. Trời mưa lâm thâm. Tôi hỏi bà cháu đi đâu buổi tối thì bà vui vẻ khoe là bà cháu đi học chính trị! Chúng tôi xin được phép đi cùng tới lớp học. Cụ vui vẻ nói:

- Cán bộ Pa-thét Lào họ nói hay lắm. Họ hỏi chúng tôi: “Lính phái Hữu, lính Vàng Pao, lính Coong-le có đứa nào về đây phá dân không?”. Thế là dân chúng tôi nói và một anh cán bộ khác giúp nai bản ghi: bọn chúng không đứa nào không phá! Nào chặt tre, hái quả, nào trộm trứng, mua chịu gà, lợn, bắn trộm trâu bò, bắt giam thanh niên. Gái đẹp mà không trốn được là nó tóm lên đồn, bắt nai bản đứng ra làm lẽ cưới nhưng tiền bạc không trả cho bố mẹ đồng xu nào! Riêng bản mẹ nho nhỏ cũng mất dăm sáu cô bị cướp cưới như vậy! May mà bộ đội đuổi nó về Mường Xủi, cứu thoát cho bản được mấy cô.

Tôi nỏi lại: cả buổi tối cứ học mãi thế mà cũng chịu được sao? Cụ trả lời: không phải đâu! Một tý nữa là đến sân các con sẽ thấy. Học rồi lại nghỉ để cho các cô các cậu còn lăm vông chứ. Phải múa mới vui, múa rồi lại học. Người Lào chúng tôi nghe trống lăm vông bập bùng là máu trong người cứ như sôi lên, đứng ngồi không yên, không đi không đến là không chịu được. Mẹ đây thời con gái đã đành, bây giờ bảy mươi tuổi, mắt mẹ lòa nhưng cứ phải đi. Đến bãi cháu múa, bà nghiêng tai nghe nhịp trống. Có khi vỗ tay theo nhịp trống để cổ vũ con cháu. Đúng là bản làng giải phóng sung sướng thật!

Tôi hỏi tiếp: giải phóng thì sung sường thật. Nhưng rồi lính Coong-le đến, lính Vàng Pao đến thì bản làm gì?

Mẹ trả lời: Ôi! Sợ gì! Các mẹ đi đây là để nghe, để hiểu rồi yêu cầu cấp trên phát súng cho thanh niên làm du kích đánh địch. Bản mình mình phải giữ. Phải giữ để đất mình mình cày cấy, lúa mình mình gặt, mình ăn, mình nuôi bộ đội mình. Ở nhà các mẹ đã bàn bạc hết cả rồi. Các con hỏi thế cũng phải, nhưng bây giờ dân thấy rồi. Các con không thấy bao nhiêu cái lạ sao? Nhà mẹ hết trâu thì bộ đội tập giúp cho bò kéo cày. Cháu gái mẹ, chị con này này, nó dám vác cày ra ruộng bắt bò kéo cài. Nó cày ruộng thay cho bố mẹ đi du kich đấy! Mẹ nghe nói bản nào cũng có con gái đi cày, cũng có bò kéo cày. Nghe nói ở Việt Nam có nhà thiếu, còn cho cả bò cái kéo cày thì sao! Trước đây thì dừng hòng. Phải đàn ông và phải có trâu đực mới cày được ruộng Mẹ say sưa kể tiếp: Nghe cán bộ nói vài hôm nữa xong chính trị là bắt đầu học chữ. Ôi tiếc quá, mẹ đã già lại lòa nữa, làm sao học được!

Tôi động viên an ủi mẹ cứ cổ động con cháu thế này cũng phúc cho làng bản lắm rồi! Khi chúng tôi tới chỗ hội họp, mọi người ai cũng như nở hoa trên nét mặt. Cán bộ địa phương và đội công tác vui vẻ đón đoàn cán bộ Quân khu. Các cụ già được mời ngồi vào dãy ghế khép kín cả bốn phía sân. Một cái sân rất rộng. Bếp lửa được bỏ thêm củi. Tiếng trống bập bùng càng thôi thúc hơn, rồi đột ngột im bặt. Nai bản long trọng tuyên bố cuộc sinh hoạt chính trị bắt đầu. Một đoàn thiếu nữ văn nghệ của bản ra mở đầu một vòng lăm vông chào mừng đoàn cán bộ Quân khu. Mấy cụ già phấn khởi đứng dậy vỗ tay hoan hô và dắt tay con cháu đi mời khách. Tôi không thạo tập tục ở đây lắm nhưng cũng phải nhập đoàn. Tưởng một vòng, không ngờ người lĩnh xướng bài ca đã kéo đoàn múa đi liền ba rồi đến vòng mới chịu thôi. Tôi lúng túng, toát mồ hôi. Không khí bỗng chốc rộn vang và bắt đầu cuộc sinh hoạt chính trị với câu hỏi: giải phóng rồi phải làm gì để bảo vệ làng bản?

Chăn-đi, Phó Tham mưu trưởng Quân khu cùng tôi đi suốt cuộc hành trình này. Bàn trước nội dung với nhau thì Chăn-đi nắm chắc vấn đề rồi, anh trực tiếp làm việc với cán bộ bản, tà xẻng và đọi công tác. Tôi đặc biệt yêu cầu Chăn-đi phải dẫn đầu các đoàn lăm vông khi họ mời Quân khu để tôi đi theo sau học múa cho đỡ sai, đỡ ngượng.

Suốt tuần lễ của cuộc hành trình theo dân, tuy ăn ngủ thất thường nhưng không thấy mệt. Đúng là ngày “hội du kích của Mường Pẹch vùng lên”, không bao giờ phai mờ trong ký ức tôi.

Chỉ một tháng vừa học tập, vừa cày cấy, vừa tuyển chọn và trang bị, huấn luyện. Chăn-đi đã cùng địa phương xây dựng được mạng lưới du kích trên một nghìn người dọc tuyến Bản Le, Mường Xếnh về Song Hạc, Bản Pen đến Phiên Luông, Bản Na, Bản Khổng để hỗ trợ cho tuyến phòng ngự Phu Cút, nơi anh phải đảm nhiệm Tư lệnh mặt trận phòng ngự này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:01:13 pm »

Phong trào đã có đà, cứ thế phát triển. Phía Mường Khum, Mường Ngân, Mường Phàn, du kích cũng lần lượt được trao súng. Riêng Bản Ban và hai xã Xiêng, Nhuộm vì là lực lượng Trung lập phản động và gián điệp Vàng Pao nằm vùng lén lút vào phá hội nên Quân khu phải tổ chức lại lực lượng để bảo vệ làng bản (danh từ của địch là còm lăng poòng căn bản). Đối với ta đây là một tổ chức nửa chính trị nửa quân sự, chưa được Quân khu trang bị súng, theo đúng nguyên tắc có gì dùng nấy, buộc mọi thanh niên trong các bản phải tham gia canh gác, tuần tiễu, báo tin, vận động đánh địch khi có lệnh của xã hội. Đây là một quá trình thử thách chọn lọc để tìm người tốt tổ chức thành đội du kích.

Phong trào đang phát triển tốt thì có tin bí mật báo cho Quân khu: có ba tà xẻng phải cảnh giác là tà xẻng Bản Nhôn, tà xẻng Bản Hay và tà xẻng Mường Khừng. Ba người này có nhiều hoạt động xúi giục, gây tâm lý chiến tranh, cần theo dõi.

Cách đây một năm, đoàn chuyên gia đã chịu cái tang đồng chí Phúc, chuyên gia kỹ thuật Tiểu đòn 1 và chiến thuật mật tập. Hôm nay, vì phong trào du kích Mường Pẹch, trung úy Hạnh, người Quân khu 5 đã lăn lộn và rất được dân Bản Hày tín nhiệm lại bị bắn lén, hy sinh cạnh nhà khi phong trào xã bắt đầu hoạt động có nền nếp. Việc này phải sau một năm công an huyện mới tìm được thủ phạm. Người ra tự thú về tội tổ chức xúi giục tay chân bắn chết đồng chí Hành chính là tà xẻng Bản Hày. Phong trào phải đổi bằng xương máu. Địch chả chịu để yên cho ta phát triển. Phải chiến đấu và giành giật.

Cũng trong mùa mưa năm 1964 đồng chí Hu-hắc giao nhiệm vụ cho tướng Xing-ka-pô và tôi tổ chức tiếp đoàn tướng lĩnh, sĩ quan Quân khu Côn Minh do tướng Tần Cơ Vĩ – Phó tư lệnh dẫn đầu sang nghiên cứu địa hình và những trận đánh giải phóng Cánh Đồng Chum năm 1964.

Sau hai ngày khảo sát thực địa và nghe giới thiệu cụ thể, trưởng đoàn Tần Cơ Vĩ cảm ơn và khái quát bài học cho các đoàn viên nghiên cứu. Bài học chiến thắng của quân đội và nhân dân Lào là: Địch như thế nào, ta đánh như thế đó. Địch đổi ta đổi. Hàng trăm trận, mỗi trận đánh một cách, kết hợp chính trị, quân sự, binh vận với pháp lý là tiến công làm cho địch luôn luôn bị động, thất bại.

Xây dựng xong tuyến phòng ngự Phu Cút và tổ chức được mạng lưới du kích bảo vệ hướng Cánh Đồng Chum, tôi lại cùng Xin-phon và Chum cuốc bộ xuống Mường phàn hướng dẫn tổ chức thế trận phóng thủ đông nam Xiêng Khoảng theo phương châm tác chiến khác hướng Phu Cút, không phải là “đánh phòng ngự trận địa kết hợp với đánh vận động tiến công và đánh du kích” mà là “đánh vận động tiến công kết hợp với cụm chốt phòng ngự có trọng điểm và phát triển đánh du kích khắp mọi nơi”. Như vậy là cùng trên một chiến trường Xiêng Khoảng, nhưng mỗi hướng phòng thủ vận dụng một cách đánh khác. Phải căn cứ vào trừng hoàn cảnh cụ thể và tùy theo điều kiện từng địa hình, tình hình địch và lực lượng ta tại đó để có cách đánh thích hợp.

Dọc đường từ thị xã Xiêng Khoảng xuống Mường Phàn, Xi-phon, Chum cùng tôi và Tưởng bàn bạc, cuối cùng chọn Phu Pha Pheo, coi đây là cửa ngõ mà chủ lực địch muốn tiến qua Phu Huột vào Xiêng Khoảng phải qua cổng chốt này. Hai đồng chí Chum và Danh nhận trách nhiệm xây dựng chốt và kế hoạch phòng ngự vận động, tiêu diệt địch khi chúng vận động lên đánh Xiêng Khoảng.

Du kích các vùng Mường Ngàn, Keo Xẹt, Thong Phăn, Mường Phàn đều nhận kế hoạch phòng thủ, chuẩn bị chông mìn và sẵn sàng phối hợp với các Tiểu đoàn 500, 24, Tiểu đoàn 2 trong kế hoạch đánh địch, khi chúng tiến công hướng đông nam.

Hướng đường số 4, Phu Khe, Bản Mai, Bản Pha vẫn là một tuyến phòng thủ quan trọng không để địch chia cắt thị xã với Cánh Đồng Chum, Phu Cút.

Quay trở lại Khăng Khay giữa mùa mưa, sau khi đã thống nhất lấy Bản Khai làm chỗ đặt trạm hậu phương cho chuyên gia, chúng tôi thống nhất là phải mạnh dạn đầu tư thêm bằng cách cử chuyên gia cơ quan xuống giúp cơ sở. Cơ quan chia thành hai bộ phận: Lê Văn ở nhà thường trực với một nửa số sĩ quan, chiến sĩ đã liên hệ hằng ngày với Quân khu. Nửa còn lại đem theo điện dài liên lạc, trực tiếp xuống bản vừa đổi lúa trong dân vừa tự xay giã. Tiêu chuẩn gạo cũng phải giảm xuống còn sáu lạng một ngày. Sáu lạng mà ăn nếp là đói. Thức ăn thì chủ yếu là muối và mắm tôm, ngoài ra chỉ còn cách hái các thứ rau dại ăn được, bắt cua nấu canh với lá chua.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:01:45 pm »

Bộ phận đi cơ sở phải đạt hai mục đích: một là giúp bạn tuyên truyền đường lối, chính sách và giúp chuyên gia huyện xem xét đánh giá phong trào. Hai là rèn luyện cán bộ, tìm hiểu địa hình, tình hình dân chúng và học tiếng Lào. Sau đợt công tác về sẽ kiểm tra nhận thức về tên làng, tên bản, về dân tộc, dân số, về cơ sở, cốt cán và du kích. Sát hạch theo lối đối đáp thẳng bằng tiếng Lào. Để tránh khỏi bị phát hiện, kỷ luật hoạt động buộc mỗi bản chỉ ở một tuần. Phần lớn là di chuyển ban đêm. Đến bản nào mà được ngủ trong dân thì nhất thiết phải đào hầm tránh máy bay. Nơi đầu tiên đoàn đến nghiên cứu là Bản Phạt. Ở đây Thít Khăn-ty làm nai bản, Chăn-bua-pha làm chủ tịch mặt trận bản. Thít Khăn-ty yêu cầu trưởng đoàn ở nhà anh để tiện trao đổi công việc hàng ngày. Anh nói: “Dân ở đây có nhiều điểm muốn học hỏi nên họ đặt ra nhiều thắc mắt bắt cán bộ phải giải đáp”.

Đang mùa cấy, nên đoàn chia nhau đi cấy giúp các nhà. Hai chiến sĩ cơ yếu và thông tin liên lạc nhận đi cấy cho gia đình Thít Khăn-ty. Anh ta sướng quá giới thiệu với vợ: “Hôm nay nhà ta có hai chú bộ đội cấy giúp, nên chỉ mình em đi cấy là đủ, cho anh ở nhà làm việc”. Cô vợ đồng ý ngay vì được thêm hai chú “thợ cấy” nữa thì chị chả lo.

Khăn-ty kéo tôi vào ngồi cạnh bếp và vào đề ngay:

- Cán bộ huyện về đây có bồi dưỡng về nhiệm vụ cách mạng, về mục tiên lên chủ nghĩa xã hội, nhưng tôi hỏi so sánh giữa mục đích nhà Phật với mục đích chủ nghĩa xã hội thì giống nhau hay khác nhau? Họ giải thích nghe không rõ, vì vậy họ kéo tôi làm đơn vào Đảng, tôi chưa làm. Hôm nay anh Bình nói rõ cho nghe vấn đề này đi!

Tôi giải thích để Khăn-ty hiểu: nếu lấy mục tiêu làm cho dân đủ cơm ăn, áo mặc, có học chữ và không bị áp bức bóc lột thì nhà Phật và chủ nghĩa xã hội đều mong muốn như nhau. Nếu khác chăng là cách làm thế nào để đi đến mục tiêu đó.

Nghe tôi nói vậy, Khăm-ty phấn khởi tiếp lời: đúng, đúng! Tôi đã vào ở chùa bảy năm, học đến chỗ nói bốn mục tiêu của đức Thích Ca mong ước cho dân thì sướng quá nhưng lại thắc mắc: nếu mình cứ nằm ăn mãi trong chùa thì làm sao đưa được bốn mục tiêu đó về cho dân? Suy nghĩ mãi cuối cùng tôi quyết định xin ra chùa.

Tôi giải thích rõ hơn để anh hiểu:

- Mác – Ăng-ghen và Lê-nin cũng nghiên cứu Thích Ca và Giê-su nhưng lại tính con đường là phải làm cách mạng lật đổ phong kiến và tư bản, rồi xây dựng chủ nghĩa xã hội để xóa bỏ bóc lột, áp bức mới giành được bốn mục tiêu trên cho dân. Thêm một bước nữa là phải xây dựng Đảng, phải có Đảng của người lao động giác ngộ nhất, những người tha hiết muốn giải phóng nhân dân, đưa lại hạnh phúc cho mọi người đứng ra lãnh đạo tổ chức đấu tranh, tổ chức sản xuất, xây dựng đất nước. Chính chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã học được chủ nghĩa Mác, đã làm theo Lê-nin nên mới cùng những người cách mạng Đông Dương lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương để lãnh đạo nhân dân ba làm cách mạng giải phóng dân tộc, mưu cầu giành được bốn mục tiêu “cơm no, áo ấm, học chữ và độc lập tự do, không bị áp bức bóc lột”.

Khăn-ty ồ lên:

- Nếu vậy thì Hồ Chí Minh là Phật đây rồi chứ còn phải tìm ở đâu nữa. Mác, Ăng-ghen, Lê-nin cũng là Phật! Phật và Cộng sản chung một mục tiêu! Nếu sung sướng tỏa lên trên nét mặt của tín đồ Phật giáo ở cấp “thít”, một con người có suy nghĩ và có nhiều hứa hẹn sẽ tích cực hành động.

Khăn-ty hỏi tiếp:

- Hình như trong sách Phật có nói đến “Thế giới đại đồng”. Anh Bình có nhớ họi nói mấy năm không?

Tôi trả lời ngập ngừng:

- Trong sách Niết Bàn hình như có nói đến một vạn năm hay mười vạn năm gì đó. Đọc lâu rồi quên mất!

Khăn-ty nói tiếp: đúng! Tôi cũng nhớ khoảng đó. Nhưng mà tôi nghĩ phải làm gì chứ cứ tụng kinh trong chùa thì một vạn, chứ một trăm vạn năm cũng chẳng được gì!...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:02:18 pm »

Chiều hôm đó Khăn-ty mời Bua-pha đến, thế là nai bản và neo bản (chính quyền và mặt trận thôn) hỏi tôi rất nhiều điều. Nào là Hà Nội xây dựng thế nào? Tổ chức đánh máy bay Mỹ thế nào? Tổ đổi công hoạt động ra sao? Nhà trẻ tổ chức thế nào? Hai người tranh nhau hỏi rồi chăm chú nghe tôi trình bày, chốc chốc lại gật đầu khoái chí. Cuối cùng họ quyết định yêu cầu tôi thăm dân và giới thiệu một buổi tối những vấn đề này vì dân muốn hiểu biết lắm.

Một buổi chiều rảnh, Khăn-ty dẫn tôi đến thăm gia đình một Việt kiều. Đi vào một thung lũng ruộng bậc thang có hai người đàn ông đang cày ruộng nước. Trước sân nhà sàn, một cụ già áo cánh hoa, quần cộc đến ngồi chẻ lạt, hai đứa bé gái một độ mười hai, một độ tám tuổi chơi bên cạnh. Chủ nhà định mời lên nhà nhưng chúng tôi chủ động vơ một nắm cỏ khô trải ngồi bệt xuống đất nói chuyện, để khỏi gián đoạn việc chẻ lạt của cụ. Khăn-ty giới hiệu tôi với chủ nhà.

Qua trò chuyện tôi biết chủ nhà là cụ Viêng. Cụ đã xấp xỉ tuổi tám mươi, song rất minh mẫn. Cụ chỉ ra mảnh ruộng trước nhà bảo hai người cày ruộng là con trai và con rể cụ. Anh cả xấp xỉ tuổi sáu mươi, con rể cũng gần năm mươi. Khi tôi hỏi hai đứa bé quanh quẩn bên cụ thì được cụ trả lời không phải là cháu mà là con riêng vợ mới cụ Viêng. Cụ nói thêm: chẳng giấu gì hai anh, bà vợ tôi chết lâu rồi. Tôi còn trâu, còn ruộng mà bà này lại chết chồng, không nơi nương tựa nuôi con. Con cái họ hàng hai bên bàn đón mẹ con bà ấy về đây ở chung với tôi, sớm hôm có bàn tay đàn bà cơm nước, tôi cũng được dưỡng tuổi già, mà mẹ con bà ấy cũng có chỗ nương thân. Đấy, ruộng thì con nó cày cho. Hôm nay tôi chẻ lạt là để mẹ con bà ấy chuẩn bị nhổ mạ cấy.

Bà chủ cũng độ hơn năm mươi. Nhìn da dẻ dáng người còn lao động được.

Trong không khí ấm áp nghĩa tình gốc gác quê hương, tôi gợi chuyện và cụ Viêng đã kể lại quá trình lưu lạc sang đất Lào:

- Có gì đâu, năm đó tôi mới mười bảy, mười tám, chỉ biết là vua Lào và vua An Nam có ký giúp nhau xây dựng kinh đô Mường Luống (Luông Pra Băng). Chúng tôi là đoàn thợ vùng Cổng Chốt thành phố Vinh hơn hai trăm người cả thợ mộc cả nề lên xây. Xây xong cung vua và một ngôi chùa thì đoàn được các tà xẻng của Mường Lống và Mường Phuôn đón về xây các chùa địa phương. Đoàn chia ra nhiều đội nhỏ, dừng đâu là nung vôi, đốt gạch ngói, làm chùa theo mẫu của địa phương. Vừa làm vừa đi dần về hướng Nghệ An. Chẳng biết mấy năm, khi đến xây chùa ở đây, tôi hay ra chợ Lạt Buộc, thế rồi duyên số thế nào tôi gặp cô nàng ở đây. Hai đứa phải lòng nhau và được bố mẹ cho phép, chúng tôi cưới nhau. Phần lớn bạn bè về quê, tôi nhắn về với bố mẹ xin ở lại đây. Thấy chỗ này còn một lũng rừng rộng có đất, vợ chồng tôi khai khẩn dần dần thành xóm Viêng được gần chục mẫu đất. Cũng muốn có dịp nào đất nước hai bên yên ổn thì cha con xin về thăm quê một chuyến, không biết còn được không hay lại chết mất.

Nghe cụ Viêng kể, tôi không khỏi ngậm ngùi xúc động. “Lá rụng về cội” là đây. Một con người cả một thời trai trẻ lưu lạc, nay tám mươi tuổi rồi mà vẫn mơ mộng được về thăm quê hương. Ôi một ước mơ đơn giản, vì Xiêng Khoảng và Nghệ An là hai tỉnh kết nghĩa. Chỉ hai ngày đêm ô tô là đến Vinh rồi. Cổng Chốt là ở Vinh. Nhưng hai nước còn chiến tranh.

Cụ Viêng hỏi tôi:

- Tôi nghe anh em nói bên ta làm nhà trẻ. Không biết tổ chức ra sao hay chỉ đưa các bà mẹ đi lao động mà mình đem nhốt các cháu chung vào một nhà. Nào ruồi bọ, rồi đứa này đái đứa kia vọc, đứa này ỉa đứa kia hốt cho vào mồm. Nhà trẻ thế thì khiếp cho trẻ con quá!

Tôi giải thích để cụ hiểu nhà trẻ phải kết hợp cả hai yêu cầu, vừa trông con cho các bà mẹ yên tâm làm việc, vừa nuôi dưỡng giáo dục các cháu từ bé để đào tạo lớp người mới tương lại cho chủ nghĩa xã hội. Nhà phải là nhà cao ráo sạch sẽ mát mẻ nhất bản, cô giáo là người trẻ, không bệnh tật lại được học hành về cách nuôi dạy trẻ. Các cháu thường được học cách xưng hô, học hát, học múa. Bữa ăn của các chúa ngoài mẹ đưa đến sẽ được nhà nước hoặc cơ quan cấp thêm. Còn nhà trẻ cụ nói thì ngày mùa cũng có thể có một vài chỗ nào đó, nhưng đã như thế thì chính quyền sẽ cấm và các bà mẹ chẳng ai dại mà đưa con đến.

Nghe tôi nói vậy, cụ Viêng mới cảm thấy yên lòng…

Cứ thế, mỗi xã một tuần, đoàn chúng tôi chuyển từ bản này qua bản khác. Trước khi rời Bản Phạt, Khăn-ty lưu luyến tiễn chúng tôi và hứa anh ta sẽ làm đơn xin vào Đảng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:02:40 pm »

*
*   *

Cuối mùa mưa năm 1964, Tiểu đoàn 13 sau mấy tháng củng cố bổ sung đủ bốn đại đội, được chuyển lên thay Tiểu đoàn 1 rút ra làm nhiệm vụ cơ động cho mặt trận Phu Cút. Phòng ngự bảo vệ sườn phải của Phu Cút gồm các chốt Phu Pe, Phu Xưa, Phu Xủng do Tiểu đoàn 16 trung lập đảm nhiệm, có Lả và Đài làm chuyên gia.

Bảo vệ sườn trái (cánh nam) ở Phu Keng có Tiểu đoàn 15 do Von tiểu đoàn trưởng thay Bun-xu. Cổn và Quyền làm chuyên gia. Tiểu đoàn 46 của Khăn-sổ và Cù-la-căn do Lộc làm chuyên gia chốt Phu Thoong.

Sau mùa mưa 1964, quân Coong-le củng cố lại được năm tiểu đoàn. Ta đoán thế nào mùa khô tới chung cũng đánh một trận lớn để giành lại khí thế. Trận địa của tiểu đoàn Phu Cút, trên chốt mỏm một có hầm sâu năm mét được ken gỗ để tránh pháo và bom nhỏ.

Phán đoán và quyết tâm của Quân khu là nếu ta giữ chặt mặt chính Phu Cút thì sau một hai lần đột phá không được, Coong-le sẽ cho thọc mũi vu hồi và hướng Bản Pen, Song Hạc. Hai khẩu pháo 85, hai khẩu pháo 105, hai khẩu cối 120 và hai xe tăng, hai xe bọc thép hai nòng 14,5 được lệnh đào hầm dự bị bí mật từ sườn Phu Xủng về Song Hạc. Kế hoạch chỉ phổ biến đến cán bộ tiểu đoàn.

Đầu tháng 12 năm 1964, sau một thời gian củng cố, bổ sung lực lượng, Coong-le dùng năm tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo được máy bay Mỹ - Thái chi viện mở cuộc tiến công vào Phu Cút. Ngày đầu chúng dùng pháo và máy bay bắn phá. Ngày thứ hai một mũi đánh vào chính diện Phu Cút, một mũi đánh Phu Xưa. Sau hai đợt đọ sức với Tiểu đoàn 13, địch cho pháo bắn cầm canh, bộ binh tạm ngừng, cho máy bay trinh sát vào sâu hướng Lạt Buộc, bắn hỏa tiễn thăm dò nhiều nơi, đặc biệt là sân bay Mường Khừng. Những hoạt động này Chăn-đi đều báo cáo về Quân khu. Tin từ cơ sở ta ở Mường Xủi báo ra cho biết Coong-le đã lệnh ho hai tiểu đoàn còn lại chuẩn bị tiến công sau khi làm xong tuần cầu Phật ở chùa hang Xiêng Hạ. Không biết từ bao giờ, Coong-le có lẽ quen hễ làm kế hoạch tiến công, thì phải có một tuần ăn chay niệm Phật, mặc áo cà sa trắng vào ngủ ở chùa hang Xiêng Hạ để cầu Phật phù hộ thắng trận. Bao giờ Phật cho được bùa may thì lúc đó mới cởi bỏ cà sa để ra lệnh đánh.

Đợi mãi đến cuối tháng 12, đợt tiến công thứ ba của địch mới bắt đầu. Phu Cút bị một tiểu đoàn địch kiềm chế. Ba tiểu đoàn khác tập trung hùng hổ tiến vào sườn bắc Phu Cút và Phu Pen. Tháp Phu Pen là mục tiêu bị bom và đạn pháo đánh sứt sẹo, nhưng trung đội phòng ngự chốt ở đây của Tiểu đoàn 16 vẫn cố giữ. Đến ngày thứ ba, Quân khu ra lệnh thả lòng Phu Pen cho địch vào, song Chăn-đi không làm sao truyền được lệnh rút quân cho cán bộ đại đội ở đây. Vì anh em chỉ nhận lệnh giữ, bây giờ lại bảo rút là nghĩa lý làm sao? Cho đến cuối ngày thứ năm, khi phái viện mặt trận đến hướng dẫn, cho gài mìn xuống chiến hào rồi rút quân lên sườn Phu Xủng, các chiến sĩ Tiểu đoàn 16 mới chịu vừa rút lui vừa bắn trả lẻ tẻ cho lộ đội hình rút của quân ta.

Giằng co bốn năm ngày vất vả, thấy Pa-thét Lào “rút chạy” thế là quân Coong-le vừa báo cáo thắng trận, vừa leo lên đồi Bản Pen, sắp đến chiến hào thì quân rút lui lại bắn lên mấy phát súng cối. Thế là “kẻ thắng trận” hốt hoảng lao nhanh tìm chiến hào ẩn núp. Một loạt mình, đạn cối nổ, quân Coong-le phơi xác. Cuối cùng, chúng cũng chiếm được Phu Pen rồi tiến vào tận Bản Pen cố sống cố chết đào hầm, vì lâu lâu đạn cối của ta vẫn nổ. Đó chính là biện pháp kìm chân địch để cho pháo binh và Tiểu đoàn 1 cùng xe tăng, cơ giới vào chiếm lĩnh trận địa.

Đoàn phó Hồ Đệ và hai trợ thủ pháo là Chỉ và Du, cùng trưởng phòng chuyên gia tác chiến Lưu Đức Tài và Trần Bá Xảo chuyên gia xe tăng được phân công trực tiếp giúp Tư lệnh mặt trận Chăn-đi đánh trận này.

Ba tiểu đoàn Coong-le đã lọt gọn vào thung lũng Bản Pen, kẹp giữa Phu Xủng và Phu Cút.

Lính ta thấp thỏm chờ suốt đêm. Sáu giờ sáng sương chưa tan hết, pháo ta bắt đầu nổ. Lính Coong-le vừa ngủ dậy chưa nhận rõ sự thể, thì từ bên kia suối cạn xe tăng, xe bọc thép của ta vừa bắn vừa lao ra. Lính địch mạnh ai nấy chạy. Có tên vất cả súng chạy tháo thân nhưng cũng chẳng biết chạy đi đâu. Từ sườn Phu Xủng, Phu Xưa, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 16 đồng loạt lao ra, súng nổ giòn giã. Địch chạy lui về hướng đông thì đã có một mũi của Tiểu đoàn 13 bắn ra, cả trước mặt cả sau lưng chạy hướng nào cũng không thoát. Hơn 150 tên phơi thây và bị bắt.

Ba tiểu đoàn đột kích của Coong-le tơi tả, rời rạc kéo nhau về tận Mường Xủi. Hai tiểu đoàn còn lại cũng rút về đứng ở tuyến phòng ngự cũ và từ đó cho đến hết mùa mưa 1965 không dám động tĩnh.

Chuyên gia hết sức vui sướng vì cái điều suy ngẫm của lớp tập huấn sư đoàn phòng ngự là làm sao kiếm được một trận “dụ địch vào bẫy mà tiêu diệt” nay đã thành hiện thực.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM