Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:28:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày ở Cánh Đồng Chum  (Đọc 49629 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 09:54:57 pm »

Để có quyết định dứt khoát, chuẩn xác, anh Xing-kca-pô nhắc lại cả lời nói và điệu bộ của Coong-le:

- Thế này! – Anh Pô nói là huơ tay: - Tôi bảo nó nếu cứ để GM17 ở đây thì việc khôi phục lại hòa hợp giữa hai lực lượng ta vẫn bị trở ngại. Nó đứng đó là bất hợp pháp, chi bằng… Tôi nói đến đó là nó xua tay ra điều nhẹ nhàng thoải mái: “Anh Pô khỏi lo, đánh GM17 em đã có cách”. Tôi linh cảm thấy chúng nó đã bàn bạc xong xuôi rồi.

Đồng chí Nu-hắc chắc cũng sốt ruột, từ bên kia suối qua thăm sở chỉ huy Quân khu, thấy bàn bạc cũng ngồi dự. Sau một lúc suy nghĩ tôi phát biểu:

- Tôi nghĩ linh cảm của anh Pô là đúng. Kiểu này nó phải rút GM17 về làm dự bị để tránh cú đấm của ta, đẩy một đơn vị của Coong-le lên thay để làm con mồi kéo dài thương lượng, tiếp tục giữ bàn đạp cho Mỹ bán Cánh Đồng Chum. Thái độ Coong-le với cái cười có vẻ thỏa mãn định che giấu một ý đồ nào đó là đúng. Có thể nó cho là đã chắc ăn để chơi ta một cú bất ngờ đây! Nhất định là thay quân và coi chừng ngày kia (ngày 27) nó sẽ thay thật. Ta không nhanh sẽ bị động! Ta phải chớp thời cơ đúng vào lúc nó thay quân. Quân chúng có mạnh cũng sẽ trở thành yếu. Phải dùng lực lượng tại chỗ của Quân khu thôi! Diệt là diệt tư tưởng sợ Mỹ, chạy theo Mỹ. Đánh quân phái Hữu để kéo quân Conog-le.

Lê Văn đồng tình với tôi nhưng không nói thêm mà chỉ gật đầu đưa mắt tỏ rõ sự ủng hộ. Đây là cá tính của anh. Anh cho rằng làm chính trị đâu phải là nói nhiều mà cốt là biết phát hiện và ủng hộ cái đúng đắn của cán bộ quân sự và phải biết tiết kiệm thời gian họp hành.

Đồng chí Nu-hắc và các anh trong Bộ Chỉ huy Quân khu trao đổi và thống nhất: phải chuẩn bị nhanh, nói ngày 27 nó thay quân, đưa GM17 về sau là có lý. Lại gần anh Phun, đồng chí Nu-hắc dặn dò đôi điều về chuẩn bị kế hoạch để sáng ngày mai (ngày 26) báo cáo Trung ương. Đồng chí vừa đi vừa động viên: Gấp rút, vất vả nhưng đây là thời cơ!

Đêm đó, chúng tôi chụm đầu vào nhau, kẻ ngồi người nằm, làm việc và nghỉ ngơi tại phòng giao ban Quân khu.

Sáng hôm sau, Lê Văn về nhà thông báo dự định quyết tâm của Quân khu cho chuyên gia cơ quan và các tiểu đoàn liên quan. Các sĩ quan chỉ huy đơn vị có mặt để tiếp nhận giúp kế hoạch này gồm: Đăng pháo binh, Tưởng tác chiến, Võ trinh sát, Khuyên công binh, Khởi thông tin, Xăm Lan và Công Trung lập, Tả Đảo hậu cần. Phía đơn vị có Tình và Mai Tiểu đoàn 1, Tín và Danh Tiểu đoàn 2, Đàm và Đồng Tiểu đoàn 13, Mai Hoàng và Ngãi đơn vị pháo, Xoang cao xạ. Tất cả chuyên gia đều chung niềm tin, nhất trí cao và đều thấy bạn hạ quyết tâm là có cơ sở chính xác, là sự nhạy bén cần thiết trong chỉ đạo.

Đi họp, tôi mang theo tấm sơ đồ phác thảo chiến dịch mà trước đây anh Nguyễn Hữu An và tôi đã chuẩn bị, có bổ sung phần GM17 ở tuyến Phu Xản, Phu Tung, Phu Xoong, đã vẽ rõ quyết tâm trận này. Cuộc họp mặt các đồng chí Nu-hắc, Phu-mi Vông-vi-chít, Tư lệnh Phu, Chính ủy Xa-mán, và tướng Xing-ka-pô.

Tư lệnh Phun trình bày diễn biến tình hình chung, nói rõ những cơ sở dẫn đến hạ quyết tâm của Quân khu xin đánh GM17 vào ngày 27 này, nếu địch thay quân đúng như dự kiến.

Sang phần kế hoạch tác chiến, tôi tóm tắt: lực lượng địch ở Cánh Đồng Chum lúc này có 10 tiểu đoàn bộ binh Coong-le và ba tiểu đoàn của GM17. Ta có thể tập trung được 4 tiểu đoàn Pa-thét và 2 tiểu đoàn Trung lập để đánh quân GM17 và 1 tiểu đoàn Coong-le trên đoạn Phu Xản, Phu Xoong. Về pháo binh, ta có thể sử dụng 12 khẩu pháo lớn. Điều quan trọng là úc này quân Coong-le chỉ có bọn chỉ huy phản động là ngoan cố, còn binh lính đều muốn hòa. Quân GM17 đang muốn thay nhanh để khỏi chạm súng với Neo Lào Hắc Xạt. Tóm lại tay súng của địch đều đang lỏng. Ta chọn đánh vào lúc địch thay quân, binh lính đã mất tinh thần lại nhốn nháo. Nổ súng đánh vào lúc này chính là chọn đúng thời điểm lúng túng, bạc nhược tột độ của binh lính địch. Lúc bấy giờ quân ta ít cũng thành đông, địch đông nhưng chỉ xô nhau mà chạy thoát thân thì càng trở nên yếu.

Đồng chí Phu-mi nói chậm từng tiếng một như khích lệ:

- Đánh là đúng, lý lẽ chính trị để bảo vệ trận đánh thắng, tôi sẽ liệu. Chỉ cần hỏi người làm kế hoạch là có chắc thắng không? Vì chỉ có cái lý hay nhất là phải đánh thắng.

Được anh Phun nhường lời, tôi tóm tắt quân sự mà chớp được thời cơ chính trị dọn đường cho thì lực nhỏ vẫn có thể làm nên thắng lớn. Địch mất tinh thần, địch đang chờ thay quân. Địch lại sợ pháo. Ta đánh vào lúc này pháo binh Coong-le không tham gia, trái lại ta thì sẽ tập trung hết cả hai tiểu đoàn pháo mà đánh vì vậy chắc chắn đánh bất ngờ dồn dập là chạy hết. Thắng lợi là chắc chắn!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 09:55:20 pm »

Phó thủ tướng Xu-pha-nu-vông nói với thái độ dứt khoát:

- Tôi tán thành kế hoạch này! Thắng trận này sẽ tạo thế giải phóng Cánh Đồng Chum.

Đồng chí Nu-hắc kết luận gọn và dặn anh Phum chuẩn bị để mời đại tá Đươn đến họp thống nhất giữa hai lực lượng về kế hoạch hiệp đồng.

Sau khi họp về đang phấn chấn thì tôi được tin anh Lê Trọng Tấn lên kiểm tra việc chuẩn bị chiến dịch 74 của liên quân Lào – Việt. Không chờ gọi, tôi chạy xuống gặp anh Tấn ở nhà anh Bằng Giang. Sau khi nghe báo cáo quyết định của bạn về việc chuẩn bị đánh GM17, anh Lê Trọng Tấn dặn:

- Tình hình chính trị ở Lào đang có chuyển biến mau lẹ. Bạn chớp thời cơ ra quyết định thế là có cơ sở. Chuyên gia phải cố giúp bạn thực hiện cho được. Lúc này tạo thời cơ và đón thời cơ là quan trọng. Bộ chỉ huy chiến dịch 74 phải cố hết sứ đánh sớm để hiệp đồng đúng thời cơ của bạn.

Cũng có ý kiến cân nhắc đánh có hợp với đường lối sách lược giữa mặt trận liên minh với Phu-ma không? Không đủ sức tiêu diệt thì đã nên đánh chưa? Hay chờ quân tình nguyện Việt Nam!

Để khỏi bàn cãi không lợi, anh Tấn cho tạm nghỉ và kéo tôi ra ngoài hỏi:

- Bình hiểu bạn. Mình chưa rõ lắm. Có chắc bộ đội bạn đánh được không? – Ngừng một khắc, anh lại nói như tâm sự:

- Mình thấy đánh lúc này là đúng quá rồi. Tính toán lắm chỉ mất thời cơ, nhưng cái lo của mình là các anh có tập họp kịp bộ đội không?

Tôi báo cáo với anh Tấn rằng: bộ đội Quân khu Cánh Đồng chum được lệnh từ ba hôm nay, đã sẵn sàng. Có lệnh là đánh được ngay! Chúng tôi dự tính 18 giờ hôm nay pháo ra chiếm lĩnh trận địa. Phần tử bắn đã có sẵn trong kế hoạch phòng ngự. Nếu bảy giờ sáng ngày mai địch thay quân mà bộ đội ta không vào kịp thì cứ cho bắn pháo làm rối loạn đội hình địch. Bộ binh ai vào trước đánh trước. Pháo đánh dứt điểm cả ban ngày cũng được.

Anh Tấn lại hỏi tôi phương án xử trí khi địch chưa thay quân.

Tôi trả lời: hiện nay địch và ta đang ở trạng thái trực tiếp tiếp xúc do quá trình phòng ngự tạo nên. Địch chưa thay, ta cứ nằm chờ không sợ lộ. Nhưng chúng tôi khẳng định: thế nào nó cũng thay GM17. Có thể ngày mai, nhưng cũng có thể ngày kia. Nó thay lúc nào ta tiến công lúc đó. Giờ địch thay quân là giờ “G”, giờ tiến công của ta.

Anh vỗ vai tôi một cách trìu mến và nói:

- Thế là mình đã hiểu ý định của bạn và các cậu. Mình sẽ sang chào và chúc bạn đánh thắng. Anh nắm chặt tay tôi. Quả là những phút hạnh phúc nhất trong đời lính trước giờ ra trận. Lòng tự tin trong tôi tăng lên gấp bội.

Cuộc họp hiệp đồng với đại tá Đươn chiều hôm đó cũng diễn ra tốt đẹp, thoải mái. Ai nấy đều phấn chấn. 20 giờ ngày 26, bên Quân khu có đủ Tư lệnh Phun, chính ủy Xa-mán, tướng Xing-ka-pô, Xin-phon, Châm-niên, Bun-niên. Bên trung lập có đại tá Đươn, trung tá Thiệp, Phôn-xay tham mưu. Đồng chí Nu-hắc trực tiếp chủ trì cuộc họp hiệp đồng. Đồng chí tóm tắt tình hình địch, ta và nói rõ đồng chí Quân khu trưởng Phun đề nghị đánh binh đoàn 17 trước khi chúng thay quân để tạo thời cơ giải phóng Cánh Đồng Chum. Tiếp đó đồng chí giới thiệu tôi sẽ trình bày kế hoạch tác chiến để hai bộ chỉ huy bàn bạc.

Đầu tiên, tôi phân tích giá trị tuyến điểm cao Phu Hạt, Phu Tung, Phu Xán đối với thế phòng ngự của địch. Đó là lá chắn cho cả phía Mường Phàn và Mường Khừng. Địch còn giữ được tuyến này thì Coong-le còn có thể ngoan cố kéo dài thương thuyết. Ta đánh chiếm tuyến này, đứng trên đầu Coong-le thì luận bàn hòa hợp hay đánh nhau đều rất có lợi. Nếu ta để cho địch rút GM17 về sau và đưa quân Coong-le lên chiếm là ta mất thờ cơ, mất cá lợi thế. Thời có để diệt quân phái Hữu tạo thế có lợi thúc đẩy kéo quân Coong-le theo cách mạng là ở đây. Để GM17 rút về Mường Phàn hoặc Mường Xủi thì ta mất đối tượng, mất thời cơ tiến công.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 09:55:49 pm »

Sau khi trình bày kế hoạch sử dụng lực lượng và tổ chức đội hình chiến đấu, tôi nhấn mạnh:

- Quân GM17 vào đứng chân ở Cánh Đồng Chum là bất hợp pháp, là phá Hiệp định Giơ-ne-vơ. Ta có quyền phải đánh đuổi, phải tranh thủ đánh đúng vào lúc thay quân. Địch sẽ rơi vào ba điều bất lợi phải thua là vì:

Một, quân Coong-le và GM17 đang mất tinh thần chiến đấu, sẽ càng sa sút.

Hai là, lực lượng này đang thay quân lẫn lộn mà bị đánh sẽ dẫm đạp nhau, càng chóng tan.

Ba, binh lính thoát ly công sự mà binh pháo binh bất ngờ đánh mạnh thì chỉ có bỏ chạy.

Đại tá Đươn, vốn tính hăng hái nghe đến đây không kìm được nữa vùng đứng dậy hỏi lớn:

- Không biết anh Phun thế nào chứ tôi thì tin là chắc thắng.

Anh Phun đỡ lời:

- Tập trung dứt điểm Phu Xản là đúng. Điểm này đứng ngay trước mặt Mường Phàn. Đánh vào đây vừa trừng trị GM17, vừa cảnh cáo Coong-le. Để chỉ huy trận đánh, anh Đươn cùng tôi, Xa-mán và Lê Văn theo dõi chung. Anh Pô và Xi-pon đi cánh Tiểu đoàn 13. Anh Thiệp, Châm-niên và Phôn-xay đi cánh Phu Xản. Đề nghị anh Bình giúp cho cánh này.

Đồng chí Nu-hắc kết luận:

- Thời gian chỉ còn mấy tiếng đồng hồ, mọi việc chuẩn bị và hành quân phải tiến hành dứt điểm trong đêm. Các đồng chí về triển khai chuẩn bị. Xa-mán và Lê Văn ở đây cùng tôi thảo ngay khẩu hiệu địch vận, cho in và rải ngay vào trận địa lính Coong-le để sáng may ta đánh, họ khỏi bỡ ngỡ.

Hội nghị hiệp đồng xong, tướng Pô và Xi-phon lên xe trước mang theo một số đạn dược, quần áo và lương khô mà Bun-niên đã cho chuẩn bị phóng về hướng Lạt Buộc. Qua Bản Son họ còn rẽ vào truyền lệnh cho Tiểu đoàn 2 lên gặp Châm-niên nhận lệnh tiến công. Châm-niên phóng xe đi hạ lệnh hành quân chiến đấu cho Tiểu đoàn 1. Phôn-xay xuống hạ lệnh cho Tiểu đoàn 15 tiến công Phu Bạ, Tiểu đoàn 16 tiến công Phu Tung.

Bun-niên huy động toàn bộ khu gia đình bộ đội và cơ quan Trung ương nhận gạo thổi xôi đặt ở ngã ba đường Khăng Khay – Phôn Xa Vẳn để một giờ sau bộ đội chạy qua là được lãnh mỗi người một nắm. Lệnh ban ra: trên đường ra mặt trận bộ đội cần thêm giày dép, đạn dược…, hậu cần cứ đón mà cấp, miễn sao kịp giờ chiến đấu.

Vùng Khăng Khay – Phôn Xa Vẳn lúc này nhà nào cũng đỏ đèn, đỏ lửa, tấp nập, rộn ràng. Người đi lại như mắc cửi. Chúng tôi gọ đó là “hội mùa tiến công”. Người được đi thì mở cờ trong bụng, người ốm nặng thì buồn.

Mọi việc phía sau coi như xong. Pháo binh đã chiếm lĩnh trận địa. Đạn dược, phần tử bắn đều chuẩn bị sẵn sàng. Tôi gọi điện thoại qua văn phòng anh Bằng Giang, báo cáo việc mình bắt đầu lên sở chỉ huy Quân khu để bên quân tình nguyện biết và hiệp đồng.

Không còn xe dự trữ, tôi và chiến sĩ liên lạc chạy bộ, vượt suối băng đồi đi qua Bản Len. Vào sở chỉ huy Tiểu đoàn 15 thì Bun-xu đã chỉ huy đơn vị tiếp cận. Đang vội vã xuống đồi, tôi bất ngờ gặp Châm-niên. Anh phàn nàn: “Ba giờ sáng rồi, tôi lo đơn vị vào không kịp. Hay ta đề nghị Quân khu cho lùi lại ngày mai đánh!”.

Tôi choáng váng trước tình thế rắc rối này. Không do dự, tôi trao đổi với Châm-niên: thời gian là do việc thay quân của địch quyết định. Còn bên ta thì phải anh Phun! Ta thì tranh đua với địch từng phút, chậm trễ sẽ bị động. Anh có thể quay lại gặp anh Phun, để tôi lên đài chỉ huy giúp anh em, kiểm tra sẵn sàng, lỡ anh có lên chậm tôi còn giúp anh em quyết định được.

Châm-niên đồng ý. Anh nhờ tôi lên trước giúp và tức tốc đi gặp anh Phun.

Trong thâm tâm, tôi vẫn tin là địch thay quân hôm nay. Chỉ lo thông tin và pháo binh không nắm được quân, còn với Châm-niên nếu tranh cãi hay bàn luận đả thông nhiều là khó, nhưng có thể biết chắc là Châm-niên không dám gặp anh Phun vì biết anh Phun và đồng chí Nu-hắc khó thay đổi quyết tâm. Tôi đang leo dốc lên đài chỉ huy thì nghe tiếng bước chân phía sau và Châm-niên vừa thở vừa nói theo:

- Thôi, về nhà cũng khó tìm ngay được các cụ, trời lại sắp sáng rồi. Đề nghị chỉ thêm dại…

Tôi an ủi Châm-niên:

- Nghĩ như anh là phải. Cần giành thời gian với địch và cố đón cho được thời cơ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 09:56:22 pm »

Thấy chúng tôi lên, Phôn-xay, Thiệp, Phô-ma-chắc, Hoàng, Đăng (pháo) và Bun-thọm thông tin báo cáo công tác chuẩn bị. Phô-ma-bắc và Đăng cho biết đã chuẩn bị sẵn một nghìn viên đạn gồm ba loại 105 ly, 85 ly và cối 120 ly. Các anh hứa sẽ đánh tan đội hình GM17, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong.

Sáng sớm hôm sau, nhìn trời, tôi thầm nghĩ trời phù hộ chúng tôi. Sáng sớm ngày hè mà vẫn còn một lớp sương trắng mênh mông phủ kín các đồi thông, đồng cỏ. Tiểu đoàn 13 phải chạy bộ hơn 10 ki-lô-mét nhưng đã chiếm lĩnh sớm nhất. Có tiểu đoàn phải hơn 80 giờ mới tiếp cận, nhưng địch vẫn không biết, vì lính ta cứ bám các góc thông mà vào.

8 giờ 15 phút, từ sở chỉ huy tiền phương quân khu nhìn lên Phu Xản, quan sát viên báo cáo: “Địch đeo ba lô, kẻ đi người lại nhốn nháo. Đúng là địch đang thay quân!”. Lập tức pháo, súng cối được lệnh bắn. Phu Xản bị phủ kín khói đạn. Hướng Phu Tung, Phu Xoong đạn các loại cũng nổ vang. Trận chiến đấu diễn ra giòn giã, ăn khớp như một cuộc diễn tập thực binh thật đẹp mắt.

Vì đang thay quân nên mấy phút đầu địch không nổ súng, cốt tranh nhau chạy thoát thân. Một lúc lâu bọn phía sau nổ súng lẻ tẻ. Mũi tiến quân của Tiểu đoàn 2 trước mặt Phu Xản là Đại đội 16 do đại đội trưởng Van-na chỉ huy. Chiến sĩ ta bám các gốc thông vừa tiến vừa dò phá mìn. Van-na người Bô Lô Ven da ngăm đen, mắt sáng lanh lợi. Tôi đã đi với đội hình từ trận Lạt Buộc đến trận Đông Đàn. Hôm nay Van-na cứ gọi tên từng tiểu đội trưởng dẫn tiểu đội mình tiến lên đều đặn. Khi đơn vị bám đến vách đá đứng của Phu Xản, sở chỉ huy đang hồi hộp theo dõi bộ đội qua ống nhòm thì nhận một choáng váng: đại đội trưởng Van-na bị thương nặng. Chính trị viên đại đội tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh chiếm Phu Xản. Tiểu đoàn 1 cũng luồn rừng thông vu hồi sâu vào yên ngựa chia cắt giữa Phu Xản với Phu Bạ. Còn Phu Bạ thì đã bị Tiểu đoàn 15 chiếm. Hơn 30 tù binh bắt được ở Phu Xản, lẫn lộn có quân GM17 phái Hữu và quân dù 2 Coong-le. Chum tiểu đoàn trưởng và Nhưm chính trị viên Tiểu đoàn 2 cùng Mai-xinh tiểu đoàn trưởng và Xin-thôn chính trị viên Tiểu đoàn 1 đang điều quân để tiến ra chiếm lĩnh tuyến Phiên Luông – Cầu Sắt. Trên đường tháo lui, quân địch còn kháo nhau: “Chạy thoát được là may mắn lắm rồi!”.

Từ trên cao nhìn xuống thấy rõ đội hình tan tác của đám hỗn quân Coong-le và phái Hữu đang chạy trốn về Mường Phàn. Chạy ngược với đám tàn quân đó là chiếc xe Jép; cắm cờ xanh của Xỉng-coọc lao ra chân Phu Bạ chuyển thư của Coong-le yêu cầu ngừng tiến công để hai bên thương lượng.

Với chủ trương tiếp tục phân hóa thêm một bước lực lượng Phu-ma – Coong-le, Quân khu ra lệnh tạm dừng ở tuyến Phu Xản, Phu Bạ và chỉ định Phôn-xay, cán bộ tham mưu giúp đại tá Đươn, con người tháo vát mưu mẹo lại hiểu sâu nội tình quân Coong-le gặp Xỉng-coọc!

Phôn-xay cầm một tập danh sách tù binh có đủ sĩ quan Coong-le, quân phái hữu đọc cho Xỉng-coọc nghe và buộc Xỉng-coọc giải thích:

- Vì sao đã báo trước là chúng tôi đánh GM17 mà bây giờ lại có quân anh ở đây? Thế này là Coong-le đã phản bội chúng tôi trong cuộc họp hai bên với tướng Xing-ka-pô!

Xỉng-coọc cứng họng đành xin lỗi rối rít. Cảm tưởng về trận đánh, Xi-phon ca ngợi, nhất là ý chí chiến đấu của Tiểu đoàn 13. Anh nói:

- Thấy xe Quân khu xuống khuya (lúc đó cũng độ hai – ba giờ sáng) thế là lính tráng gọi nhau thức dậy chờ đợi. Trong đêm tối không đèn không lửa, nhưng vào nhà nào thì chủ nhân cũng đã súng đạn, lương khô, thứ thì giắt lưng, thứ thì cầm tay. Rọi đèn pin vào mặt anh nào cũng tươi rói như kiểu họ vừa họp xong một cuộc họp hiệp đồng đầy hứng khởi chứ không phải là mới ngủ dậy. Lệnh tuyền ra là họ nhảy múa nhưng vì bí mật không dám reo ca. Chưa thể có một đoạn văn hay hoặc một cảnh phim nào tả nổi chí khí ra quân răm rắp như trận này.

Anh Pô lại kể:

- Trước đây, tôi cũng đã được dự nhiều trận đánh nhưng chưa bao giờ chứng kiến được một trận đánh ba ngày hiệp đồng bộ binh và pháo binh đàng hoàng như trận này. Cũng có lúc nguy hiểm, có khi giật thót cả tim nhưng trận này đẹp quá, chả khác gì những khi được xem diễn tập bắn đạn thật của trung đoàn, sư đoàn. Quân địch của Phu Xoong hoang mang, có đứa cứ cắm đầu chạy, bị lính ta đuổi như cảnh bắt gà. Có những đoạn chiến hào tranh nhau căng thẳng hồi hộp. Hai chiến sĩ ta lăm lăm AK đang lao lên đối mặt với quân địch. Cũng có cảnh lính địch ở thế cao đang xốc lưỡi lê định đưa vào sườn của đồng chí ta. Ôi, tôi toát cả mồ hôi, may được một loạt AK bất ngờ của đồng đội lướt tới. Đồng chí ta thoát chết; còn tên địch thì đổ nghiêng xuống, lăm một vòng rồi lại chồng đứng lưỡi lê lên trời tưởng cứ như là anh ta còn sẵn sàng lao thêm nhát nữa. Càng khoái hơn là thấy quân ta thì cứ xông lên đuổi, quân Coong-le có cả xe tăng yểm trợ nhưng lại không dám chống cự. Cuối cùng, xe tăng Coong-le trở lại thành binh chủng dẫn đường cho bộ binh rút chạy về Bản Leo…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 09:56:54 pm »

Làm chủ xong tuyến Phu Xản, Phu Tung, Phu Xoong, anh Phun cho xe xuống đón tôi về bàn kế hoạch tiếp. Xong việc, tôi xin dùng điện thoại tác chiến của Quân khu gọi sang mặt trận 74. Các anh Lê Trọng Tấn và Bằng Giang đã nóng lòng chờ sẵn ở đây. Tôi vừa quay máy chưa kịp gọi đã nghe tiếng anh Tấn ở đầu dây:

- Bình phải không? Cậu chuyển lợi bọn tớ hoan nghênh chiến thắng của bạn. Bạn làm ăn khá lắm. Khả năng bạn đuổi GM17 khỏi Cánh Đồng Chum là chắc rồi!

Tôi báo cáo anh Tấn rằng anh em đánh tốt lắm. Trên dưới cùng chung quyết tâm. Trận đánh diễn ra rất đẹp. Phát hiện chúng thay quân là chúng tôi cho pháo nã ngay.

Anh tấn ngắt lời tôi: Nắm thời cơ trúng quá. Bên hướng chiến dịch 74 trận mở màn tập kích diệt đại đội địch ở Pa Kha. Lính tình nguyện của anh Bằng Giang đánh cũng khá lắm. À này, đạn pháo bắn có nhiều quá không?

Tôi trả lời rằng chúng tôi bắt hết 800 quả. Còn để dành được 200 quả.

Anh Tấn nói tiếp: Thôi được! Đây là một bước trưởng thành lớn của bộ đội Cánh Đồng Chum cả về chiến đấu và chiến dịch. Nhớ giữ sức khỏe để giúp bạn nhá! Anh kéo dài tiếng “nhá” làm tôi đọc được cái bằng lòng của anh, bằng lòng khi cấp dưới không phụ lòng tin của anh.

Tôi vừa bỏ máy xuống thì đại tá Đươn nhảy vào nắm chặt tay tôi giật giật liên hồi:

- Đồng chí Bình, đồng chí Bình. Hoan hô kế hoạch của đồng chí. Bây giờ tôi hoàn toàn tin đồng chí.

Tôi hiểu, nói “bây giờ tôi hoàn toàn tin đồng chí” có nghĩa là trước đây anh chưa tin. Tôi không trách, không tự ái mà thật lòng cảm ơn anh Đươn, cảm ơn lòng thành thật, sự cởi mở đáng mừng của người bạn chiến đấu. Thật đúng như vậy. Suốt gần mười năm sau, hai người sống với nhau rất chân tình. Những lúc gặp khó Đươn lại mờ tôi đến. Mà hễ anh gọi là tôi đến ngay, dù phải trèo đèo lội suối cũng không quản. Có lúc trong nội bộ Trung lập, từ việc tập thể đến việc cá nhân, gia đình, anh đều tâm sự và lắng nghe những gợi ý của tôi, kể cả việc “ông tư lệnh dám đứng ra tự phê bình” để tiếp thu ý kiến cấp dưới và sử lý nghiêm túc nhiều việc sai đối với tập thể của em út mình, không bao giờ bao che hoặc thù vặt… Trước đây (1961-1962), anh Đươn là Tham mưu trưởng trung lập, anh Hòa sẹo mới là Tham mưu trưởng A10, ngang hàng với anh Đươn, tôi chỉ là phó… Bây giờ tôi giữ chức đoàn trưởng chuyên gia, anh Đươn có quyền được xem xét, thử nghiệm vai trò của trưởng chuyên gia. Thắng được trận này, thực tế đã tạo được lòng tin của bạn đối với chuyên gia. Tôi sợ nhất là mình không làm được việc mà cứ ôm lấy cái danh hão như người Lào hay gọi là “xiều kin “ (bạn đánh chén) thì thật là khổ. Để ca ngợi tình bạn quý trọng, người Lào thường có câu: “Xiều kin bá ngái, xiều tán há nhạc” (Bạn đánh chén dễ kiếm, bạn cùng sống chết khó kiếm).

Tối ngày 27 tháng 4 năm 1964, quân GM17 về nằm rải rác ở sân bay Mường Phàn để sáng ngày 28 hai chiếc C130 lần lượt chở chúng về Viên Chăn. Cũng rạng sáng ngày 28, những trận đánh lớn của chiến dịch 74 từ Pa Kha, Phu Noọng, Xen Chồ, Nậm Khiên bắt đầu rộ lên. Trong khi Quân khu đang bàn kế hoạch tạo thế để chuyển vào đượt hai giải phóng Cánh Đồng Chum thì Tổng tư lệnh Khăm-tày xuống trực tiếp chỉ đạo mặt trận, có đại tá Hòa (biệt danh Hòa sẹo) theo giúp. Chuyên gia Quân khu kiểm tra lại các đầu mối binh vận. Lực lượng BI4 từ đường số 12 và BI8 từ đường số 9 lên, sau khi ra hàng được nhập thành BI48 do đại úy On-kẹo chỉ huy, nâng tổng số quân Trung lập yêu nước của đại tá Đươn lên bốn tiểu đoàn bộ binh còn các tiểu đoàn bảo vệ Coong-le đóng ở vùng Bản Thẳm, dù 3 đóng ở Phu Keng, Phu Bạ; đại đội xe tăng đóng ở Bản Leo đều đã cử người liên lạc với Pa-thét Lào, mong có ngày trở về hợp tác với Neo Lào Hắc Xạt. Trung tâm liên hệ chặt chẽ nhất của binh vận là đường dây điện thoại từ sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 ở bản Gion vào tiểu đoàn dù 4 ở Bản Sao, rồi từ Bản Sao vào sở chỉ huy ông Chẹng ở bắc Bản Tôn.

Lực lượng phái Hữu ở Cánh Đồng Chum đang trong thế lao đao. GM17 bị diệt, bị đuổi. GM13 bị đánh đau đang cùng phỉ Phu Noọng, Xen Chồ, Pha Kha, Đọc Mạy, Nâm Khiên chạy vòng về hướng Nậm Xoong, Nậm Mộ vì đường Mường Ngàn – Keo Xẹt bị cắt.

Đồng chí Chăn-đi, Phó tham mưu trưởng Quân khu, Tư lệnh chiến trường cũ thông minh, tháo vát nổi tiếng ở vùng này được cử xuống Tha Thơm chấp nhận đơn vị xin hòa hợp của đại đội trưởng dù 4 Khăm-phay. Chăn-đi vừa giải quyết việc quân sự vừa thay mặt Quân khu và tỉnh giao trách nhiệm, ổn định tổ chức chính quyền và lực lượng du kích cũ ở Tha Thơm và Ta Viêng. Ở đây, Chăn-đi may mắn được gặp lại Xao-yến, người yêu cũ và gia đình của cô nguyên là cơ sở cách mạng tại Tha Thơm, chỗ dựa của Tiểu đoàn 13 của anh khi đơn vị dặc trách phòng ngự bảo vệ mặt trận Tha Thơm trước đơn vị dù 4 của ông Chẹng.

Toàn bộ khu vực đông nam Xiêng Khoảng được giải phóng đã làm tăng thêm sự đảo lộn thế trận vùng Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Đứng trước nguy cơ một cuộc binh biến sắp nổ ra ở Cánh Đồng Chum trong lực lượng Coong-le, ngày 14 tháng 5, Mỹ buộc phải cho rút sở chỉ huy E-tam khỏi Cánh Đồng Chum để tránh đòn, đồng thời bày ra trò “cải cách” giả hiệu, thực chất là dùng thuật khen thưởng, thăng cấp hòng xoa dịu mâu thuẫn nội bộ, đồng thời điều chỉnh một số cán bộ không ngoài âm mưu kiềm chế, gạt dần những người tích cực. Dù sao nó cũng làm đảo lộn kế hoạch của Chẹng, Khảo.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 09:57:37 pm »

Đêm 13 tháng 5 năm 1964, đại úy Khảo báo cáo ra Quân khu: “Ngày 14 tháng 5 một cuộc họp lớn ở Mường Phàn, có đại biểu Chính phủ từ Viên Chăn ra chủ trì, trung tá Chẹng yêu cầu Quân khu sẵn sàng chi viện lớn khi cần thiết”.

Theo lệnh đồng chí Khăm-tày, Quân khu cho tiểu đoàn pháo mặt đất chuẩn bị; Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 15 và Tiểu đoàn 16 sẵn sàng tiếp ứng khi Chẹng, Khảo yêu cầu.

Sáng ngày 14 tháng 5 năm 1964, ở khu vực này có máy bay C130 và trực thăng từ Viêng Chăn bay tới, xe cộ đi lại nhiều. Đúng là có cuộc họp. Các chiến sĩ ta “ngứa ngáy” lắm rồi nhưng chẳng thấy tin tức gì. Trưa ngày 14, đại úy Khảo rời cuộc họp về báo tin: ông Chẹng yêu cầu chờ đợi!

Khảo tỏ ra bực tức. Bộ đội lại tranh thủ ngủ. Cán bộ tỏ vẻ sốt ruột. Điện của tổng bí thư từ Sầm Nưa gửi xuống lại nhắc việc “tạo thời cơ”. Tình hình lúc này buộc tướng Xing-ka-pô phải kiên trì gặp lại Coong-le để thăm dò thái độ hướng về cuộc thương lượng hòa hợp ra sao? Trên dường về Mường Phàn, anh báo trước để Chẹng tổ chức bảo vệ, đồng thời kiểm tra cả thái độ Chẹng. Dự kiến có thể Chẹng nổi dậy lãnh đạo trung đoàn mình làm binh biến ép buộc Coong-le phải đưa quân về nhận sự khoan hồng của cách mạng. Khả năng này xem chừng khó cả đối với Chẹng, vì không “dám quyết đoán” và cả đối với Coong-le khi không có một sức ép thật gay gắt.

Khả năng thứ hai là trước quyết tâm của binh lính, Chẹng chỉ nổi dậy tuyên bố ly khai khỏi lực lượng Coong-le, bắt tay với cách mạng xin lực lượng ta tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum.

Sáng ngày 15 tháng 5, tướng Xing-ka-pô gặp Coong-le thì thấy đúng là nội bộ Coong-le có cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các phe phái. Coong-le hoang mang nhăn nhó, chẳng có thái độ gì rõ ràng, dứt khoát. Xu-lê-đệt xe tăng, trung tá Phong pháo binh và trung tá Xỉng-coọc dù 2 ngoan cố đòi tính toán và dứt khoát không đầu hàng. Trung tá Chẹng xin tính toán chờ đợi! Trái lại đại úy Khảo cương quyết phải đánh. Chờ đợi là mất thời cơ! Phần lớn cán bộ dự cuộc họp Quân khu đều xin Tổng tư lệnh Khăm-tày và Trung ương cho giải quyết. cuộc họp tạm dừng để thăm dò riêng thái độ Chẹng, Khảo và khả năng hành động của trung đoàn này.

Ăn trưa xong, nhân lúc nghỉ, tôi trao đổi với anh Hoàn thêm về nhân vật Chẹng. Anh ta vốn từ một học sinh trưởng thành trong một gia đình sùng đạo Phật ở Trung Lào, được nhà vợ giúp để học hành rồi đi lính. Lên quan, nhiều lúc bộc lộ thái độ, có chí khí, chống bất công và áp bức, thương người nghèo, thương kẻ yếu, nhưng nhiều lúc cũng nể nang hay tính toán đắn đo nên có khi cũng dễ mất thời cơ. Trái lại đại úy Khảo, trung đoàn phó của Chẹng, một sĩ quan “ít chữ”, người dân tộc La Ve, dòng dõi họ Com-ma-đam rất dứt khoát, quyết đoán. Chính Khảo là đại đội trưởng đầu tiên của dù 4 đã dũng cảm dẫn đại đội mình đánh trận mật tập thắng lợi đầu tiên của lực lượng Trung lập ở Mường Phàn năm 1962. Ngòi nổ binh vận đầu tiên mà chúng tôi tin tưởng nhất chính là Khảo. Tôi lo rằng trước sự tính toán của trung tá Chẹng, đại úy Khảo đã bất mãn, một mình nắm dù 4 tuyên bố ly khai chống Coong-le thoát ra theo cách mạng sẽ làm mất ngòi nổ từ trong lòng địch. Cảm thấy thực tế diễn ra nghiêng về khả năng đó, tôi tung chăn vùng dậy nói lại tất cả tính toán của mình với đoàn phó Hòa và khẳng định: Tình hình hiện tại là không ổn. Phải xuống bàn với anh Bằng Giang cho mượn xe chiến dịch chở tiểu đoàn cơ động số 924 lên sẵn ở Phôn Xa Vẳn, phòng sáng mai, có sự biến thì ta sẵn có lực lượng dự bị trong tay để tăng cường cho bạn.

Đoàn phó Hòa lúc này vẫn còn muốn ngủ, nhưng nghe lời bàn có lý của tôi, đành gọi xe đưa tôi cùng đi xuống cánh quân của chiến dịch 74 đã giải quyết xong tuyến Ta Viêng – Tha Thơm nhưng chưa kịp thu quân. Anh Bằng Giang ủng hộ ý kiến chuyên gia chúng tôi, lệnh ngay cho mượn 19 xe. Anh bắt tay khuyến khích tôi và hứa sẽ cố thu xếp về một, hai tiểu đoàn dự phòng để giúp bạn khi việc giải quyết của bạn gặp khó khăn. Những tháng ngày làm việc cùng anh Bằng Giang, tôi càng hiểu anh là người hết lòng vì bạn trong mọi lúc, mọi việc. Đối với cán bộ chuyên gia, anh luôn luôn là một thủ trưởng biết thương yêu, biết tôn trọng, hết lòng giúp đỡ. Có hôm lặn lội cùng liên lạc tát được một mẻ cá, anh chọn ngay hai con chép to đánh xe đến tận nhà cho chuyên gia. Tình anh em đồng chí thật là đẹp. Trên đường về hai anh em bàn bạc phải giải quyết bằng cách kết hợp binh vận với tiến công quân sự nếu cần. Không thể chỉ chờ đợi ông Chẹng mà phải chủ động đón thời cơ ở ngòi nổ đại úy Khảo. Không còn hy vọng vào một cơ hội nào tốt hơn nữa. Cùng kết luận như vậy, hai người tự phân đoàn phó Hòa về gặp anh Khăm-tày và Quân khu, Tôi và Lê Văn lo họp cơ quan chuyên gia tính toán lại kế hoạch để kiến nghị với bạn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 09:58:26 pm »

Tấm bàn đồ tác chiến lại được Tưởng trải ra. Chúng tôi cân nhắc lại các ý kiến đã được bạn xem xét. Nhìn vào bản đồ cờ chỉ huy của Coong-le cắm giữa Mường Phàn. Cánh đông nam (Bản Tôn) là cờ bộ binh trung đoàn Chẹng có dù 4 và dù 6. Cạnh cờ Coong-le có cờ trung đoàn xe tăng và cờ trung đoàn pháo. Cánh tây bắc sân bay Bản Áng có cờ trung đoàn Xỉng-coọc với dù 2, dù 3 và dù 5. Ở Song Hạc – Mường Khừng có một đại đội pháo, một đại đội xe tăng và hai tiểu đoàn bộ binh. Sau đợt một chiến dịch, Phu Xản, Phu Bạ đã thành khu chia cắt Coong-le với Mường Khừng. Hai cánh quân này cơ bản đã bị tách đôi. Đó là thế có lợi mà đợt 1 đã tạo nên cho đợt 2. Theo đúng dự án của Quân khu, trọng tâm của kế hoạch là tập trung giải quyết cụm Mường Phàn – Cánh Đồng Chun, Mường Khừng, Song Hạc. Nghệ thuật vận dụng là nghệ thuật chiến dịch tiến công tổng hợp vừa tiến hành binh vận nổi dậy kết hợp với tiến công quân sự, pháp lý. Đòn chủ yếu của binh vận là thúc đẩy cuộc nổi đậy của trung đoàn Chẹng và Khảo, trong đó tiểu đoàn dù 4 do đại úy Khảo trực tiếp chỉ huy là điểm châm ngòi. Còn đòn quân sự chủ yếu nhằm vào hai trung đoàn xe tăng và pháo binh cùng trung đoàn Xỉng-coọc. Hướng Mường Khừng – Song Hạc, chỉ dùng tiểu đoàn 13 cùng du kích các xã Khăng Khai, Piàng, Phạt, Thại, Xếng kiềm chế tiến công từng bước.

Đúng như dự kiến, 18 giờ ngày 15 tháng 5 năm 1964, mặc dù trung tá Chẹng chưa biểu lộ quyết tâm, đại úy Khảo vẫn báo cáo xin Trung ương cho nổi dậy. Cuộc họp tại sở chỉ huy Quân khu đã quyết định kế hoạch bước 2 chiến dịch diễn ra cũng không kém phần sôi nổi, căng thẳng. Tối ngày 15, Tổng tư lệnh Khăm-tày và Trung ương Cục đã thông qua kế hoạch.

Đồng chí Xi-phon chỉ huy cánh bắc gồm Tiểu đoàn 1 Pa-thét Lào, tiểu đoàn 16 Trung lập yêu nước, đại đội bảo vệ của đồng chí Bằng Giang, tiểu đoàn pháo binh Trung lập. Nhiệm vụ cánh này là chặn cắt đường Mường Phàn về Mường Khừng, giải quyết cụm quân Xỉng-coọc và các lực lượng ở hướng tây bắc.

Anh Xing-ka-pô chỉ huy cánh nam có Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào, Tiểu đoàn 15 Trung lập, tiểu đoàn pháo Quân khu được tiểu đoàn cơ động 924 làm dự bị. Nhiệm vụ cánh này là tạo áp lực giúp ngòi nổ của đại úy Khảo nổi dậy, thu phục bằng được trung đoàn của Chẹng. Bao vây tiến công sở chỉ huy Coong-le và các lực lượng xe tăng, pháo binh, bộ binh còn lại. Phương châm hành động là “vừa binh vận vừa tiến công quân sự”. Kiên quyết và linh hoạt, giải quyết chiến trường càng nhanh càng tốt, không để cho Mỹ có thời gian can thiệp.

Lê Văn đi với cánh quân Xi-phon, tôi đi với cánh quân anh Xing-ka-pô.

20 giờ ngày 15 tháng 5 năm 1964, lệnh phát xuống từng đơn vị. Đêm tối không trăng, trời lại mưa lâm thâm làm đường thêm trơn; có đôi đoạn lầy lội làm lính ta trượt ngã. Ba giờ sáng ngày 16, sở chỉ huy cánh nam triển khai ở đồi Pa Lăn. Một tổ cán bộ binh vận được cử vào gặp đại úy Khảo ở Bản Sao. Tiểu đoàn 15 đều đã chờ đợi ở ngã ba Lạt Thuổng.

Cuộc liên lạc giữa tướng Xing-ka-pô và đại úy Khảo bằng điện thoại bắt đầu. Đại úy Khảo báo cáo:

- Trung tá Chẹng chưa thuyết phục nổi Coong-le, làm gấp thế này sợ hỏng công việc. Ông bảo tôi chờ!

- Không chờ mà phải hành động. Trong tay anh có bao nhiêu quân? – Anh Xing-ka-pô hỏi.

Khảo báo cáo:

- Quân tiểu đoàn em chỉ còn hơn hai đại đội vì một bộ phận đang đi theo ông Chẹng nằm ở Mường Phàn chưa về. Khó là tên đại đội trưởng giữ đồi Phu The Neng không chịu theo về ta.

Anh Xing-ka-pô nói:

- Tôi cho anh một đại đội tăng cường của Tiểu đoàn 15 để bao vây đồn Phu The Neng. Nói cho tên đại đội trưởng biết phải nằm im tại chỗ. Hễ bắn lại quân ta hoặc tìm đường rút chạy sẽ bị tiêu diệt ngay. Bây giờ anh cử người dẫn đường cho quân ta vào chiến khu Bản Tôn.

Khảo dạ một tiếng thật to trong máy.

Bun-cơn tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 và Bun-xu tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 15 chờ sẵn để nhận lệnh dẫn đơn vị mình lách qua đội hình dù 4 tiến vào Bản Tôn. Hai cán bộ tiểu đoàn nghe xong đều thắc mắc.

- Chúng tôi thấy đánh đá kiểu gì lạ quá. Lướt qua đội hình địch mà đi lại còn cầm cả cờ xanh, cờ trắng mà vừa đi vừa kêu gọi. Ta có đầu hàng đâu mà cầm cở trắng.

Anh Xing-ka-pô khẳng định: không có gì lạ. Đây là làm địch vận, không đủ xanh thì dùng trắng. Xanh trắng là màu hòa hợp, hòa bình tránh đánh nhau thôi. Nhân lúc địch còn ngỡ ngàng ta hành động thế để đỡ xương máu. Phải vừa đi vừa kêu gọi. Có bộ phận nào nổ súng thì tạm dừng và kêu gọi. Cố hạn chế nổ súng. Bọn nào ngoan cố sẽ có pháo của Quân khu trừng trị. Phải mạnh dạn hành động ngay, đừng dự mất thời cơ.

Bun-cơn và Bun-xu trả lời “rõ” rồi vội vã chạy vè dẫn đầu đơn vị tiến quân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 09:59:22 pm »

Trời rạng sáng, vừa trông thấy rõ mặt người, hai tiểu đoàn ta đã luồn vào sườn Phu The Neng nhằm hướng Bản Tôn mà tiến. Hành động này càng gây nên sự cãi cọ giữa trung tá Chẹng và đại úy Khảo. Đại úy Khảo đề nghị “anh Pô làm thẳng với trung tá Chẹng”. Nghe được tiếng tướng Xing-ka-pô, Chẹng nói ngay:

- Làm thế này em làm sao bàn kịp với Coong-le.

Anh Pô trả lời: - Không cần, đối với Coong-le lúc này không bàn được nữa. Chỉ có hàng hoặc đánh. Riêng với trung đoàn em lúc này chỉ cần ra lệnh không được nổ súng và tránh đường cho quân anh vào. Nghe vậy, trung tá Chẹng kêu lên:

- Anh ơi, thế này thì đánh nhau to.

- Em không phải lo, cứ tránh đường ra, đánh nhau là trách nhiệm của anh.

- Anh Pô ơi! Em vỡ óc mất! Em không biết anh sẽ giải quyết thế nào?

Anh Xing-ka-pô trở lời: Đơn giản thôi! Quân khu đã chờ đợi, thuyết phục, Coong-le đã hứa nhiều lần. Anh đi ra đi vào bao nhiều lần em biết cả rồi. Coong-le không thể lừa các anh được. Tổng tư lệnh Khăm-tày đã ra lệnh hành động. Những ai theo Mỹ, phản bội mặt trận kháng chiến sẽ bị trừng trị. Neo Lào Hắc Xạt chỉ khoan hồng với những ai biết nghe lẽ phải, biết quay về với nhân dân.

Chẹng kêu lên trong máy:

- Em đã ra lệnh cho trung đoàn không bắn. Anh chờ em chạy về sở chỉ huy Bản Tôn.

Thực hiện “giương cờ hòa hợp mà tiến”, quân ta cứ từ từ theo cánh phải tiến vào Bản Thơng. Bộ đội đang lách dưới rừng không may một hòn đá lăn làm nổ một quả mìn. Tiểu đoàn 2 bị một cú hoảng hồn nhưng không ai sây sát. Địch ở hướng Lạt Thẳm bắn qua sau lưng Tiểu đoàn 2 mấy loạt trung liên; quân ta ẩn nấp không bắn lại. Do phản ứng dây chuyền, đại đội xe của địch ở hướng Na Ngưa đã nã mấy loạt đạn pháo vào đồi Pa Lăn. Áo quần anh nào cũng trùm cát bụi nhưng sở chỉ huy vẫn an toàn. Tướng Xing-ka-pô tức giận gào to:

- Bọn này láo! Phải cảnh cáo chứ! Tôi trao đổi với anh bằng cặp mắt đồng tình. Xe tăng lại nã thêm hai loạt nữa.

Tướng Pô ra lệnh:

- Pháo trị ngay 20 quả!

Chỉ chờ có vậy, lập tức khẩu pháo 105 tranh thủ thời cơ nện luôn 40 quả. Từ đó xe tăng địch câm như hến.

13 giờ trưa, Tiểu đoàn 15, Tiểu đoàn 2 được quân ông Chẹng nhường đường đã vượt qua Bản Thơng, Bản Tôn, chuẩn bị bàn đạp tiến đánh Mường Phàn. Xe tăng địch ở Mường Phàn phát hiện được quân ta liền cho một trung đội ra chặn đánh.

Ở cánh bắc, tình hình phát triển thuận lợi hơn. Sáng 16 tháng 5, quân ta tiến vào bao vây các đồn ở chân dãy Phu Keng của dù 3. Lúc đầu bàn cãi chúng không chịu hòa hợp nhưng cũng không dám nổ súng chống lại ta. Tiểu đoàn 1 bàn thuyết phục dù 3 hãy nhớ kỷ niệm trận Đông Đàn và khuyên dù 3 nên trở lại làm bạn lợi hơn là đánh nhau. Nếu để Tiểu đoàn phải nổ súng bức hàng thì tình hình sẽ không vui vẻ lắm. Thực tình ai cũng tưởng ít nhiều phải nổ súng mới kéo được dù 3, nhưng cuối cùng đến 9 giờ cả ba đồn đều xuống giọng. Tiếng gọi hòa hợp đã khuất phục được dù 3. Thế là việc cắt đường Mường Phàn đi Mường Khừng đã hoàn toàn bảo đảm.

Trên hướng nam cũng diễn ra chuyện khá vui. Trong khi trung tá Chẹng trung đoàn trưởng và đại úy Xôm-vẳng tiểu đoàn trưởng dù 6 còn chần chừ vì nghĩ rằng mình chưa làm nên một công tích gì xứng đáng đóng góp cho cách mạng, mà làm gì thì cũng chưa dám làm. Về được với cách mạng cũng là tốt đối với bản thân và đơn vị, song chưa có công tích oanh liệt, ông lại sợ bị bàn bè coi thường.

Bà vợ Xôm-vẳng là một y tá được đào tạo ở bệnh viện Phôn Xa Vẳn do bác sĩ Việt Nam dạy. Bà Chẹng trước đó bị chứng đẻ non. Năm 1962 rước khi đưa tiểu đoàn xuống bảo vệ mặt trận Tha Thơm thay cho Chăn-đi, Chẹng tâm sự lo cái thai 5 tháng trong bụng vợ chưa biết sẽ ra sao? Tôi đã giúp Chẹng đưa vợ nhờ bác sĩ Trương Công Cán và nữ hộ sĩ Việt Nam ở Phôn Xa Vẳn giúp thuốc giữ cho mẹ tròn con vuông. Được cậu con trai đầu lòng, Chẹng quý hơn vàng. Nhớ đến những công ơn đó, hai bà đã tích cực khuyên hai ông chồng đưa quân về với cách mạng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 10:00:01 pm »

Chẹng gọi điện xin ra gặp anh Pô. Nửa giờ sau, Chẹng, Khảo và đoàn tùy tùng bì bõm vượt đồng ruộng Lạt Thuổng. Lúc này, tôi còn phải ẩn kín. Anh Xing-ka-pô ra đón. Gặp nhau từ cuộc đối thoại trên đường dây, giờ được gặp trực tiếp, hai người không khỏi cảm động. Theo điện của anh Xing-ka-pô, xe ô tô Quân khu đã chờ sẵn đón Chẹng, Khảo về gặp Trung ương và Tổng tư lệnh Khăm-tày.

Ngồi trong hầm chỉ huy quan sát người bạn chiến đấu năm xua, tôi nhớ lại cuộc hẹn hò năm 1962. Lúc đó đi cùng vợ chồng Thiệp đến dự bữa cơm chia tay với vợ chồng Chẹng để về tập kết. Trong khi tâm tình, vui chén, ba người có hứa với nhau là nếu kẻ thù có phản bội, “hễ gặp đại bất trắc” thì hai bạn và gia đình “cứ bám chặt Neo Lào Hắc Xạt hướng về phía đông (Việt Nam), tôi và các bạn Việt Nam sẽ có mặt”. Lời hứa chân tình đã thành sự thật. Bạn không cần về hướng đông mà từ hướng đông, theo yêu cầu của Đảng Lào, những người lính chuyên gia chúng tôi đã có mặt lặn lội với phong trào ngay từ đầu Coong-le gây hấn và đã đóng góp vào chiến thắng hôm nay. Chẹng thường tâm sự với bạn bè Việt Nam: “Anh Bình là người đã góp công giúp tôi xây lại cuộc đời”.

Lợi dụng đường dây cũ của dù 4, sở chỉ huy tướng Xing-ka-pô đã chữa lại điện thoại để chỉ huy mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 15. Tiểu đoàn cơ động 924 đã có mặt ở Phôn Xa Vẳn lúc 10 giờ sang, đang nhận lệnh theo đường chiến hào từ Bản Gion tiếp cận vào bám sát tiểu đoàn bảo vệ của Coong-le ở Lạt Thẩm.

Mặt trận cử người dung loa phát thanh kêu gọi đơn vị này hãy trở về với cách mạng. Đến 14 giờ, chúng không những chẳng nghe mà còn dám trả lời bằng nhiều loạt sung máy

Nghe tiếng súng của địch, anh Xing-ka-pô lẩm bẩm: Không được rồi! Muốn cứu nó mà nó chẳng nghe. Lập tức anh ra lệnh cho Phô-ma-chắc, Tư lệnh pháo binh Quân khu cho pháo của ta ở Phôn Xa Vẳn cấp tập hai loạt.

Pháo bắt đầu nổ. Tiểu đoàn 924 dưới sự chỉ huy của đại úy Côn chia hai mũi tiến lên. Ánh nắng chiều soi rõ hai cánh quân bên chạy bên đuổi. Bọn địch xô nhau lách qua hang Bản Thẳm, luồn quanh các chum đá rồi tìm đường chạy về Mường Phàn.

Cùng lúc đó lại được tin dù 6 của địch rút quân chay về Bản Hây. Việc làm này tô hơi lạ về thái độ của Xôm-vẳng. Về sau, mới được biết té ra trong đội hình của trung đoàn Chẹng còn có đại úy Xa-vàng là một sĩ quan CIA được cài vào ban tham mưu trung đoàn, khi thì xưng là tham mưu trung đoàn, khi thì xuống nắm dù 6. Chính do tay này đã lợi dụng được sự rộng lượng thương người của ông Chẹng để làm hại ông Chẹng và trung đoàn. Về sau ra vùng giải phóng qua bao lần vừa đe dọa, vừa mua chuộc, anh ta đã lôi kéo được hàng trăm binh sĩ trốn trở lại với Coong-le nên bị binh sĩ tố cáo và một tòa án quân sự trung đoàn được mở ra dưới sự chủ tọa của đại úy Xôm-vẳng đã xử tên này.

Thấy tình hình khẩn trương, tôi đã đề nghị anh Xing-ka-pô:

- Đánh một người cứu trăm người. Tốt nhất nên bắn vào sở chỉ huy dù 6 mấy loạt pháo, không cho dù 6 tổ chức rút chạy, tạo điều kiện cho binh sĩ nhân đà đó trốn ra với cách mạng.

Trận địa pháo 105 được lệnh bắn 3 loạt. Bà trung tá Chẹng gọi điện thoại cho Xôm-vẳng:

- Ông Chẹng đang ra gặp cách mạng mà anh lại để người ta kéo dù 6 chạy theo Coong-le là phản lại ông Chẹng. Anh phải gọi ngay điện thoại xin tướng Xing-ka-pô ngừng pháo. Nếu để gây thiệt hại đến tiểu đoàn, tôi sẽ kêu gọi binh lính trừng trị ngay (thực ra thì do Xa-vàng mà Xôm-vẳng bị oan).

Lời cảnh cáo của bà trung tá có hiệu lực ngay. Đại úy Xôm-vẳng gọi điện xin tướng Xing-ka-pô ngừng pháo để cho khối gia đình ra trước, binh lính sẽ lần lượt ra theo không cần chờ ông Chẹng. Tình huống lúc này quả thật là căng thẳng, nhưng chuyển biến cũng thật nhanh. Chỉ nửa giờ sau, khi được anh Pô chuẩn y, “đạo quân gia đình” đã lấp ló vượt suối Bản Sao. Nhìn qua ống nhòm, chúng tôi nhận ra người cầm ô màu đi đầu là bà Chẹng. Đoàn người này đa số là phụ nữ, trẻ con bống bế nhau, thi thoảng có xen một vài người đàn ông.

Hết gia đình đến đơn vị, lần lượt đạo quân này theo nhau về tập kết cả phố, cả chùa, cả làng từ Phôn Xa Vẳn về đến Khăng Khay. Ngay tối hôm đó hậu cần Quân khu đã đăng ký một danh sách xin tiếp tế gần hai nghìn người.

Kết thúc ngày 16 tháng 5, ta đã thu phục được trung đoàn của Chẹng cùng dù 3 của Thẵu, một đại đội pháo, một đại đội tăng. Cánh bắc chốt chặn tuyến Phu Bạ - Phu Keng – Bản Hồi, chặn đường đi Mường Khừng. Cánh nam, quân ta áp sát đồn Mường Phàn, hình thành thế bao vây ba mặt. Loa địch vận từ ba hướng kêu gọi sĩ quan và binh lính Coong-le về hòa hợp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 10:00:30 pm »

Sáng ngày 17 tháng 5, pháo của ta từ hai hướng bắn vào Mường Phàn. Tại khu hầm chỉ huy của Coong-le lại tiếp diễn cuộc đấu tranh gay go “đầu hàng hay rút chạy”.

Coong-le, Xỉng-coọc, Khăm-bù thì dao động, hoang mang. Xu-li-đệt, con bài được Mỹ bồi dưỡng chuẩn bị thay thế Coong-le dứt khoát không đầu hàng. Chẳng ai chịu ai, cho đến khi hai cánh quân phía đông nam của ta tiến sát khu trung tâm, tiếng đạn cối, đạn ĐKZ nổ rải rác thúc giục, Xu-li-đệt tập hợp quân xe tăng mở đường máu chạy về Mường Khừng.

Ở sườn phụ Phu Bạ, nơi Xin-phon, Lê Văn đặt vị rí chỉ huy phút chốc bị pháo dạn hai bên trùm kín. Núi đồi, cây cỏ nghiêng ngả đảo điên. Chiến sự trở nên ác liệt giữa một vùng cát bụi. Pháo địch bắn mở đường, pháo ta bắn chặn. Xe tăng địch gầm rút xả đạn xông lên ở thế thấp lại phải qua đồng lầy Nậm Khô nên đội hình xe tăng của chúng thưa dần. Phần lớn bị quân ta từ trên cao chặn đầu bắn cháy, một phần do xe bị sa lầy chiếc trước chặn đường chiếc sau. Giữa cảnh sôi động của chiến trường, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 16, phân đội tình nguyện không ai chịu chậm lại. Trung liên, B40 phối hợp diệt từng chiếc một.

Trong cảnh khói lửa và cát bụi mịt mù đó có một chiếc nổi bật làm cho mọi người phải chú ý vì tốc độ và tiếng gầm rút điên cuồng đang lao từ phía sau lên. Nó hy vọng chỉ còn một đoạn đường ngắn ngủi nữa là sẽ vượt lên nghiền nát tất cả rồi băng băng về Mường Khừng! Nhưng như số kiếp đã định, nó vừa ló đầu khỏi chiếc xe cháy dở chưa vượt một thân xe thì B40, ĐKZ, ba bốn phát chụm vào, viên chạm trên tháp, viên nổ đứt xích. Chiếc xe nằm chết gí, đầu gối lên mô cỏ, đít lún xuống rãnh bùn. Lúc kiểm tra chiến trường, Xin-phon xác định đúng là Xu-li-đệt thân xác to bự lăn kềnh ra giữa lòng xe.

Tuyến chặn đường Phu Bạ đã phát huy tốt đẹp, là đòn quyết định tiêu diệt lực lượng xe tăng của Coong-le. Phía Mường Phàn, ba tiểu đoàn của ta khép vào khu sở chỉ huy, các khu trại pháo và kho. Chỉ còn rải rác một số lính ẩn lại để ra hàng, còn các sĩ quan quân Công-le đã bí mật rút xuống các rãnh khe cạn có rừng phi lao che kín. Đại đội phục kích đón lóng của Tiểu đoàn 2 gặp địch đúng chỗ Bản Khổng nhưng sợ địch không dám đánh, chỉ dám nổ súng vào đám cuối khi địch đã lọt phần lớn ra khỏi Bản Khổng chạy về Na Pi.

Cánh Mường Khừng, Tiểu đoàn 13 và du kích cũng thừa thắng bám đánh, đuổi quân Coong-le chạy tán loạn. Quân địch đứa đầu hàng, đứa về Mường Xủi, đứa theo xe chạy qua Bản Pên, bò lên chân dãy Phu Xủng rồi bỏ xe chạy về Mường Xủi.

Từ Viên Chăn ra, chiếc máy bay L19 vòng lượn kiểm tra gọi không được Coong-le. Hai chiếc T28 không tìm được mục tiêu đành ném vu vơ mấy quả bom xuống dãy điểm cao Mường Phàn. Chúng bị lính ta tháo vát chiếm lĩnh trận địa cao xạ 37 của Coong-le bắn lên mấy điểm xa, cả T28 và L19 đều chuồn thẳng. Quầng sáng ánh trăng lưỡi liềm vừa lóe lên cùng ánh lửa lập lòe của đạn pháo cao xạ soi rõ chiến trường như chào mừng thắng lợi vẻ vang giải phóng Cánh Đồng Chum lần thứ hai.

Đúng 18 giờ 38 phút ngày 17 tháng 5 năm 1964, bước 2 chiến dịch đã kết thúc tốt đẹp. Bản báo cáo cuối cùng của chiến dịch được chuyển về Tổng tư lệnh Khăm-tày đúng 19 giờ cùng ngày. Giữa lúc đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh dặc biệt ở Lào bằng các chiến dịch đánh Trung Lào, Xiêng Khoảng để phối hợp với bước leo thang chiến tranh ở miền Nam Việ Nam, việc quân dân Lào giành thắng lợi giải phóng Cánh Đồng Chum là một sự hiệp đồng chiến trường, liên minh chiến lược và liên minh chiến đấu hết sức tốt đẹp giữa hai dân tộc, hai quân đội Lào – Việt anh em trên chiến trường Đông Dương.

Cách đây một năm, đoàn chuyên gia Việt Nam ở Quân khu Cánh Đồng Chum được lệnh cấp trên trở lại chiến trường: “Giúp bạn giữ vững địa bàn còn lại, tiêu hao, tiêu diệt địch, tạo thế tạo thời cơ giải phóng lại Cánh Đồng Chum…”. Thực tế đó bạn bước vào cuộc chiến đấu không cân sức (ta 6 tiểu đoàn, địch 10 binh đoàn tức 30 tiểu đoàn, chưa tính lực lượng phỉ Vàng Pao). Do đó, choán đầy trong tôi là tâm trạng băn khoăn, lo lắng và chưa dám hy vọng thời gian thực hiện có thể chuyển nhanh thế này. Chỉ một năm lăn lộn cùng quân dân cách mạng Lào, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, của Bộ chỉ huy tối cao Quân giải phóng Lào và được sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè, nhất là Việt Nam, quân dân Xiêng Khoảng đã giành và giải phóng lại Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.

Giải phóng Cánh Đồng Chum lần này là kết quả sau một năm vừa chiến đấu vừa xây dựng của các đơn vị chủ lực Quân khu Cánh Đồng Chum. Thắng lợi đó tạo thế mới cho những tiến bộ toàn diện của phong trào chiến tranh nhân dân ở Xiêng Khoảng: nó cung cấp nhiều kinh nghiệm mới cả về mặt chiến đấu, chiến dịch, nhất là công tác binh vận cho bộ đội Cánh Đồng Chum.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM