Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:01:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày ở Cánh Đồng Chum  (Đọc 49627 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2016, 06:40:46 pm »

Để chuyển cách đánh đã bàn, tôi đi cùng cán bộ tác chiến Bun-thìn, Bun-lom pháo binh và Bun-thọm thông tin xem xét thay lối bố trí dàn mỏng sang đội hình có chiều sâu. Tấy ta rút bỏ một số điểm, binh đoàn 13 tưởng dễ ăn, vội vàng chui sâu vào định làm trò vu hồi cũ đố với các điểm tiền tiêu của ta. Thế là pháo binh ta “giã gạo”, bộ binh tuyến trước đánh trở lại, bộ binh tuyến sau đánh lên. Bị mấy trận như vậy, binh đoàn 13 co vòi. Thế là ta đã thắng về chỉ đạo chiến thuật. Cùng lúc đó đồng chí Nu-hắc thay mặt Trung ương gửi thư động viên bộ đội và nhân dân ở mặt trận thị xã Xiêng Khoảng: “Tất cả để bảo vệ thị xã Xiêng Khoảng. Trung ương và Quân khu sẽ tìm mọi cách huy động sức người, sức của cho mặt trận…”.

Một loạt tập thể có công được thưởng huân chương, bằng khăn. Một đoàn phụ nữ từ cơ quan quanh Khăng Khay mang quà bánh, khăn tiêu và nhiều vật phẩn khác đến úy lạo các chiến sĩ mặt trận. Sức tiến công của binh đoàn 13 và các tiểu đoàn phỉ xem ra đã kiệt. Vài khẩu pháo trên hai điểm cao chỉ còn ùng oàng bắn vào trâu, bò và người qua lại để cốt nuôi không khí chiến tranh. Nghe tin anh Xa-mán và một số chuyên gia trong sở chỉ huy bị bệnh kiệt lỵ, mẹ Phúc, bác Khởi, mẹ Vân và vợ chồng bác Phơn cùng bà con tổ chức các cháu Việt kiều mang rau tươi, cam quýt, trứng gà, lá mơ vào cho các chú làm thuốc.

Sau hai tuần lễ đi xem xét trận địa, phân tích địch ta, đồng chí Xa-mán và tôi trở về Quân khu báo cáo tình hình, nội dung nêu rõ: thế địch ở cả hướng Cánh Đồng Chum cũng như thị xã Xiêng Khoảng đều dừng lại phòng ngự. Thời cơ để ta tập trung lực lượng phản công đánh gẫy từng mũi giành lại từng khu vực đã xuất hiện. Mặt trận thị xã Xiêng Khoảng nên là mục tiêu phản công đầu tiên để diệt địch, tạo thế cô lập và tiến tới giải phóng Cánh Đồng Chum.

Cân nhắc so sánh tình hình trong cả nước và Quân khu, anh Phun báo cáo quyết tâm này lên Trung ương và được chuẩn y hoàn toàn.

Kế hoạch chiến dịch phản công giải phóng thị xã có mấy điểm quan trọng:

1. Về địch, binh đoàn 13 có ba tiểu đoàn chủ lực, bốn đến năm tiểu đoàn phỉ. Về ta, có hai tiểu đoàn cơ động và hai tiểu đoàn phòng ngự cộng với Đại đội 128 của tỉnh. Tổng cộng địch bảy ta bốn, nhưng nếu biết cắt địch ra mà đánh thì vẫn có thể tạo ra ưu thế từng trận để tiêu diệt và đánh tan từng điểm, giành thắng lợi cho chiến dịch.

2. Phải quyết tâm dùng lối đánh mật tập và chiến thuật vu hồi chia cắt địch để phát huy thế mạnh của ta, đánh đúng vào chỗ yếu của địch. Phải dùng mưu mẹo kiềm chế nghi binh, giam địch trong thế giở tiến công, giở phòng ngự như hiện nay, buộc địch phải dàn mỏng, tê liệt ngay từ đầu và trong diễn biến chiến dịch.

3. Tập trung giải quyết cụm đông, đông bắc và binh đoàn 13 trước, bước hai cánh cụm Phu Khe.

Tóm lại vì cán bộ, chiến sĩ chưa quen đánh tiến công lớn kiểu chiến dịch, lại không có được ưu thế tuyệt đối về lực lượng để bủa vây toàn bộ từ đầu, Bộ Tư lệnh quân khu và đội ngũ chuyên gia đã vắt óc tìm nhiều cách đánh, nhiều mưu kế để chiến thắng. Khi được báo cáo về ý định giúp bạn mở chiến dịch phản công, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam triệu tập tôi về Hà Nội để trao đổi tình hình chung và bàn những bước dự kiến hiệp đồng chiến trường.

Một ngày cuối năm 1963, tôi về tới Vinh, ghé lại thăm gia đình một đêm để sáng hôm sau ra Hà Nội làm việc. con gái tôi lúc này vừa bước qua tuổi tháng thứ mười bốn. Sau một phút do dự, bé ôm riết tôi như không bao giờ muốn thả. Soát kỹ trong cái ba lô lép kẹp của tôi, bé tìm được một gói đường và đòi thìa xúc ăn ngay. Có lẽ đã lâu con bé chẳng được hạt đường nào!

Sáng hôm sau, tôi chia tay hai mẹ con đi sớm; 15 giờ đến Hà Nội. Vào cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, tôi báo cáo ngay về tình hình và trận phản công sắp tới với Thượng tướng Văn Tiến Dũng. Nghe tôi báo cáo xong, anh Văn Tiến Dũng nói:

- Kế hoạch của bạn thế là hay, rất hợp với tình hình chung. Ở nhà đang chuẩn bị giúp bạn mở chiến dịch 74 (ở địa bàn đường số 7 và đường số 4) và chiến dịch 128 (đánh cụm quân dù đang càn ra đường số 12 và đường số 8) để tạo thế hỗ trợ cho Cánh Đồng Chum. Các đồng chí phải theo dõi tình hình chung. Sẽ có cách tạo thế hỗ trợ cho Cánh đồng Chum… Kết thúc buổi làm việc, anh dặn tôi: Cần thêm việc gì, cậu sang bàn với Cục Tác chiến và chúc bạn chiến thắng.

Chiến trường đang đợi! Tôi phải đi ngay trong đêm cho kịp ngày nổ súng.

Lặn lội gian khổ chín tháng phòng ngự đã dọn đường cho mùa xuân này, mùa hái chiến công.

Thời cơ đang vẫy gọi!
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2016, 07:31:47 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 09:06:52 pm »

III. PHẢN CÔNG GIẢI PHÓNG KHU VỰC THỊ XÃ XIÊNG KHOẢNG

Xe tôi suốt đêm ngày để đến Khăng Khay cho kịp triển khai kế hoạch. Hai bên đường đang trải rộng một cảnh sắc rất xuân. Hoa đào rừng thắm đỏ các bờ ruộng, bìa rừng xen với mai trắng trong các bản. Thế là sắp thêm một cái tết chiến đấu ở Lào.

Tại Khăng Khay, sau khi báo cáo lại những chủ trương của Hà Nội để hỗ trợ Cánh Đồng Chum, các anh trong Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Quân khu đều phấn khởi tin chắc vào thắng lợi của chiến dịch. Anh Xa-mán cho biết Tiểu đoàn 701 đang điều tra hai mỏm Phu Hin (Mục tiêu đột phá chủ yếu), sẽ cắt đôi đội hình của binh đoàn 13 để mở đường thọc vào Bản Thạc, kết hợp với cánh vu hồi của Tiểu đoàn 2 thọc sâu từ Noỏng Hét quét lên Mường Phàn đánh vào hậu phương binh đoàn 13. Cần tập trung diệt gọn cho được Phu Xiết nữa là địch sẽ vỡ.

Tiểu đoàn 2 phải hành quân bí mật bằng xe tải đến Noọng Hét, tiếp đó đi bộ theo đường mòn vào Mường Phàn, rồi từ đó đánh lên tạo thế bao vây tiến công từ phía sau. Đây là đòn táo bạo làm cho binh đoàn 13 dù còn quân cũng không xoay kịp, chỉ có cách kéo nhau mà chạy. Chính ủy Xa-mán sẽ đi chỉ huy cánh này, vì còn phải giải quyết nhiều vấn đề cơ sở và giác ngộ dân bản do địch khống chế, tìm hiểu tình hình địch và tổ chức hậu cần tại chỗ.

Tư lệnh Phun thường trực ở Quân khu, anh Xing-ka-pô và Lê Văn lo việc kìm chân quân Coong-le và binh đoàn 17 ở Cánh Đồng Chum, đồng thời thúc đẩy mạnh mặt trận binh vận chuẩn bị cho bước sau. Trương Đình Toàn đi theo mũi vu hồi, Châm-niên lo tổ chức mũi đột phá từ thị xã ra. Tôi đi với cánh quân này.

Chia tay nhau tại cuộc họp, các anh đi ngay vào thị xã, hỏi ngày mai anh Xa-mán và Tiểu đoàn 2 lên xe là cánh quân thị xã chỉ còn tám ngày để làm tất cả việc này. Ngày thứ tám cũng ngày Tiểu đoàn 2 sẽ đến Mường Phàn và cánh quân thị xã đã chiếm xong Phu Hin, tiêu diệt để mở rộng cửa đột phá.

Theo kế hoạch, rạng ngày 1 tháng 2 năm 1964, Tiểu đoàn 701 diệt gọn hai điểm Phu Hin do một đại đội của BI21 chiếm giữ. Việc tiến công Phu Xiết của Tiểu đoàn 24 chưa hoàn thành. Mặt trận phải họp cả ngày để bàn cách giải quyết Phu Xiết. Đầu tiên bàn cãi trên sa bàn. Sa bàn cũng phải chữa đi chữa lại theo đúng ý những người đã lăn lộn mấy tháng trời ở điểm quyết liệt này. Đến nỗi họ nói ở đoạn tiếp xúc này không kể ngày đêm hễ rung cành lá là súng bắn, lựu đạn nổ. Có người bàn: vậy thì ta cho rung lá liền mấy ngày xem nó có đủ bạn bắn không? Mọi người cười tán thưởng, song đó chưa phải là biện pháp để chiếm ngay được Phu Xiết. Vấn đề là phải đánh và phải chiếm nhanh.

Châm-niên thấy cay mắt phải dở kính ra lau. Anh bị hỏng một mắt phải mang mắt giả, nước mắt cứ chảy ra liên tục. Vi-xiên nghiến răng, đồ chừng ngẫm nghĩ lao lung lắm, nhưng cũng chưa đề ra được biện pháp gì. Ký là chính trị viên Tiểu đoàn 24, đơn vị có nhiệm vụ tham gia giải quyết Phu Xiết. Nước da Ký vốn đã đen lúc này mồ hôi chảy càng làm trán anh thêm bóng, ánh mắt anh thêm quyết liệt. Ký gọi Thưởng và Khăm-òn đại đội trưởng Đại đội 3 gặp riêng để cùng tìm “biện pháp kỹ thuật giá trị”. Khăm-òn khẳng định không thể xung phong từ xa. Bọn này phải đánh gần. Tôi hỏi đất đào có dễ không. Khăm-òn trả lời chỉ có đá nhỏ nên đào được. Tôi gợi ý phương án cứ đào hầm vào sát chiến hào địch rồi từ đó bộ đội nhảy lên xung phong.

Nghe thế, Ký vụt nhổm lên và nói:

- Đúng rồi, 30 mét đào nhanh thôi mà! Khăm-òn tổ chức ra ba, bốn tổ ba người cứ hai đào, một kéo đất ra, đào suốt đêm ngày.

Châm-niên thêm vào:

- Điện Biên Phủ, Việt Nam cũng đã đào như vậy.

Ý kiến này được nêu trong hội nghị quân sự và toàn thể thống nhất. Coi như biện pháp chiến thuật có giá trị. Cán bộ ra về, ai nấy đều tin tưởng. Châm-niên và tôi chỉ còn nợ Tiểu đoàn 24 một trận pháo, làm sao cho sở chỉ huy BI13 phải tan tác để bộ binh xung phong.

Sáng hôm sau, chúng tôi chống gậy trèo lên đỉnh Khăng Hồng để từ sở chỉ huy dự bị này quan sát đội hình địch trên đỉnh Phu Xiết. Đứng ở Khăng Hồng nhìn đúng vào sườn và cả một phần sau Phu Xiết. Bun-lon, tiểu đoàn phó cùng chuyên gia Mai Hoàng và Tưởng sĩ quan tác chiến được gọi cùng đi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 09:08:01 pm »

Đường chim bay thì gần mà trèo núi dốc dựng quanh co, đoàn cán bộ người nào cũng thở hổn hển, phải hơn 11 giờ trưa mới tới. Nghỉ ăn xôi, uống nước chờ Châm-niên gọi điện về cho Vi-xiên và Thưởng dùng pháo và bộ binh đánh thử để quan sát cho rõ cách bố phòng của địch. Chỉ mấy phút sau, đồi Phu Xiết đã trùm kín khói pháo ta. Khi bộ binh xả súng cối và trung liên thì hỏa lực địch mới lộ rõ. Từ trên cao nhìn chếch xuống thấy chớp lửa của một khẩu đại liên và hai khẩu trung liên nổ giòn. Tiếp đến là dây lửa phụt dài của khẩu ĐKZ. Nó nằm dưới một gốc cây phi lao cao vút trông rất rõ. Một khẩu cối 60 và một khẩu cối 81 đặt chếch sau cây phi lao độ 50 mét. Nhìn vào ống nhòm của pháo thấy hiện rõ một lô cốt nửa gỗ nửa đất giữa mỏm đồi. Chúng tôi xác định: sở chỉ huy và hỏa lực của BI13 đều chụm quanh đỉnh Phu Xiết mà ngọn phi lao cao kia là vật chuẩn số một. Vừa đi vừa trao đổi, trên đường về chúng tôi kết luận: trận hỏa pháo này cùng mũi chọc từ dưới hầm ngầm lên sẽ đánh chiếm được Phu Xiết.

Tôi thầm nghĩ: “Vậy là xong cửa mở Phu Hin, Phu Xiết. Bây giờ chỉ còn tím việc giam chân BI22 và sở chỉ huy binh đoàn 13 cùng trận địa pháo Phu Huột nữa là ta nhất định thắng”.

Sáng hôm sau là ngày hành quân thứ bảy của Tiểu đoàn 2 và là ngày 26 Tết rồi. Bệnh kiết lị đã hành hạ nhưng không còn thì gờ để ốm, tôi bàn với Tưởng, sĩ quan tác chiến ở nhà cùng Mai Hoàng giúp Châm-niên làm kế hoạch tập kích bằng pháo, tính kỹ cơ số đạn làm sao trong năm phút tất cả các trận địa pháo 85, 105, cối 120 cùng tất cả ĐKZ 75, 8 và cối 28 của hai Tiểu đoàn 701 và 24 bắn được đồng loạt. Với 13 nòng pháo, cối, ĐKZ đó đủ sức đánh sập lùm cây và các công sự trên đỉnh chỏm Phu Xiết. Và như vậy có thể diệt gọn sở chỉ huy BI13 được. Chỉ cần găm tất cả đầu đạo vào quanh gốc phi lao thôi.

Ăn trưa xong, vừa bước ra khỏi hang, chúng tôi đã phải vừa chạy vừa nằm vì loạt đạn úp nơm của pháo Phu Khe. Lẩn vào đám cây xanh bên đường cái dẫn qua thị xã, từng đôi trai gái Lào có Việt có đang dắt díu nhau đi. Các cô gái Việt kiều quần trắng, áo dài voan sặc sỡ nhiều màu. Họ cười nói nhởn nhơ chả kém gì cảnh diện Tết ở Hà Nội và trông cứ như họ chả liên quan gì tới cuộc chiến đang xảy ra ở chính xứ sở này.

Đáng ra chỉ đi ba giờ thôi nhưng vì người cứ ớn sốt nên đi được một ki-lô-mét là tôi phải nghỉ, uống nước. Phúc gầy, Nhã và Bạo đã lên đỉnh trước nấu cơm. 20 giờ tôi mới lên đến đỉnh. Tuy rất mệt, nhưng tôi vẫn mời anh em cán bộ làm nhiệm vụ phòng ngự đến hỏi để tìm chỗ đưa quân vào đánh Phu Huột và tìm chỗ đặt súng ĐKZ bắn vào sở chỉ huy binh đoàn 13. Trọng tâm cuộc đi chỉ có thế! Gợi đến việc phân đội phòng ngự của các đồng chí vào tập kích trận địa pháo hoặc sở chỉ huy binh đoàn thì các đồng chí lắc đầu. Hỏi tìm đặt trận địa pháo thì họ vui vẻ. Trong tôi lóe lên niềm hy vọng.

Bốn giờ sáng tôi dậy ngồi bên bếp lửa hỏi chuyện chiến sĩ anh nuôi. Thấy chuyên gia mệt, anh nuôi chạy vào hầm riêng lấy hai quả trứng gà khoe là gà nuôi của trận địa. Trứng được cho vào ăng-gô luộc luôn. Anh buộc tôi phải ăn và nói: “Hạnh phúc nhất của những người lính ở nơi gió rét heo hút này là được cấp trên đến thăm”. Tôi lấy tấm ảnh Bác Hồ xếp cẩn thận trong quyển lịch bỏ túi kỷ niệm lại đồng chí. Cơm sáng trên trận địa phòng ngự phải ăn xong lúc 5 giờ để sẵn sàng chiến đấu. Sương sáng trên đỉnh cao mờ mịt chưa kịp tan thì đoàn khảo sát trận địa đã rời mỏm thứ nhất xuống mỏm thứ hai thấp hơn vài chục mét nhưng vẫn cao hơn Phu Huột và sườn của nó lại nhô ra gần Phu Huột hơn. Điểm cần chọn đây rồi!

Bạo nhận nhiệm vụ giúp đại đội này xây dựng một trận địa ĐKZ75 có ba hầm gần với một đường giao thông hào sâu để dễ dàng kéo súng di chuyển. Làm đến đâu ngụy trang kín đáo đến đó. ĐKZ75 của Mỹ bắn tà âm trong tầm bắn hiệu quả rất chính xác.

Đêm đó chúng tôi về bàn tiếp kế hoạch đánh. Hai anh Ký và Hiệp được giao phụ trách cánh nghi binh kiềm chế. Lời dặn cuối cuộc họp của bộ phận này là: phải giỏi phát huy vai trò “gián điệp” của tà xẻng Thuổm. Tên này đã dẫn đường cho địch trong trận Xê Pha. Lần này phải bắt nó “lập công” trả nợ.

Sáng hôm sau bộ phận đào hầm ngầm Phu Xiết xác định đã vào sát nách địch. Lệnh ngừng đào, pháo binh chuẩn bị bắn. Rậm rịch mãi 10 giờ trưa mới xong. Châm-niên nhắc lại: “Vật chuẩn cây phi lao giữa đỉnh Phu Xiết, tất cả kiềm tra, báo cáo”. Tiếng hô bắn chưa dứt thì tiếng nổ dồn dập, khói trùm kín đen; điểm chạm nổ của 13 nòng pháo cối chụm vào một điểm. Cây phi lao không còn, chiến trường đột nhiên im bặt. Sau đạn con nổ xổi xả mỗi lúc một dày hơn. Đúng là bộ binh ta từ đường ngầm lao lên. Nhìn qua ống kính chỉ thấy lác đác một vài tên địch, đứa chạy, đứa bò tháo lui. Khăm-òn xông lên cắm cờ lên đỉnh Phu Xiết.

Cửa chiến dịch đã mở toang. Chỉ huy trưởng binh đoàn 13 quá tin vào BI13 ở Phu Xiết đang tính chuyện điều quân giành lại Phu Xiết để bịt ửa mở của ta thì ngay đêm đó một chiếc xe quân sự cắm kín lá ngụy trang chạy vào, chặn ngang trước cửa nhà tà xẻng bản Thuổm. Bố con nhà này đang ngơ ngác ra cửa nhìn ngó thì một người ý chừng cũng là “nai có cỡ” miệng sặc mùi rượu, tay trái huơ huơ cái can, tay phải lăm lăm khẩu súng ngắn, dáng bộ cũng không kém gì các ông lớn ở trên đồi xuống xe bước vào. Lão tà xẻng đang lo lắng chờ đợi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 09:08:36 pm »

Người lạ hỏi với giọng cộc lốc, nặng gắt:

- Tà xẻng? Tiểu đoàn vừa qua đây rẽ vào đường nào?

- Chưa thấy tiểu đoàn nào qua đây cả! – tà xẻng trả lời thành thực.

- Bộ cha con sợ bọn này vào đánh Phu Huột hay sao?

Lão không ngờ “ông nai” này nóng quá mà hắn nói cái gì Phu Huột đấy? Khẩu súng ngắn cứ huơ huơ trước mặt tà xẻng và chú liên lạc:

- Hai người có thèm đạn không? Mới ghé vào làm chai rượu thế mà đứt liên lạc!

“Nai” hỏi tà xẻng:

- Từ đây vào Phu Huột có mấy đường?

- Chỉ có đường này là tiện nhất thôi! – Tà Xẻng thốt ra một cách tự nhiên không kịp nghĩ tới điều “mình đã chỉ đường cho Pa-thét Lào vào đánh Phu Huột”.

“Nai” ra hiệu cho xe quay về và quát:

- Thôi. Ra dò đường mà đuổi cho kịp đơn vị, nếu không chúng mày chết.

Xe về, “nai” đi rồi! tà xẻng hoang mang suy tính: Phu Hin, Phu Xiết rồi bây giờ đã đến lượt Phu Hột, lão tự nguyện rủa: Tại sao ta lại chỉ đường Phu Huột như thế? Thôi, phải đi báo tin cho binh đoàn trưởng. Biết đâu ta lại còn được khen! Nghĩ vậy, cha con lão đeo súng, cầm dao đi ngay. Đường này có tối nhưng cha con lão thuộc như lòng bàn tay, con cầy con cáo còn chưa thạo bằng cha con lão. Trời vừa sáng tỏ, chỉ huy binh đoàn 13 đã gặp cha con tà xẻng. Như có linh tính báo trước, nhận được báo cáo không cần suy nghĩ tên chỉ huy binh đoàn 13 ra lệnh rút một đại đội BI13 về bảo vệ sở chỉ huy. Còn BI22 thì phái ngay một đại đội đi sục sạo kiểm tra kỹ con đường chính, cả các đường tắt có thể bị đối phương từ dưới ruộng đánh lên Phu Huột.

Lệnh chưa dứt thì một tiếng nổ như trời giáng kèm theo tiếng đạn rít qua đầu, rồi một quả đạn nổ inh tai chỉ cách chỗ y đứng 300 mét. Chưa kịp hoàn hồn thì bị tiếp ngay phát thứ hai. Ngài chỉ huy nhảy tót vào hầm và hét to:

- Thôi chết rồi! tà xẻng nói đúng. Thế là sắp có một trận đánh vào đây rồi. Y ra liền ệnh thứ hai cho pháo binh:

- Phải săn và diệt cho được trận địa pháo trên đỉnh Phu Ca Bó.

Cả một góc trời ở sở chỉ huy tiểu đoàn BI22 đang yên lặng bỗng trở nên rối loạn, hoảng hốt vì cái trận địa pháo “mất dạy” và cái tin “chó chết” của tà xẻng. Không giữ được bình tĩnh, y thấy bực bội với tất cả mọi người.

Trong phút chốc Phu Xiết như bị lãng quên và tiểu đoàn BI21 khốn khổn đang dở sống dở chết trên mỏm Khăng Hồng. Xin viện trợ chẳng có! Xin rút chẳng trả lời! Thế là thế nào? – Tiểu đoàn trưởng BI21 hoang mang tột độ.

Gọi pháo chi viện thì lại chỉ thấy bắn về Phu Ca Bó. Đang cơn hoang mang, hai đồi cao mà BI21 đang cố bám giữ bỗng chốc bị đạn nổ trên không trùm kín. Đạn nổ thấp quá, cứ sát sạt chiến hào. Đúng là trời giáng rồi, ai còn chạy được là chạy không thì bò. Binh lính cứ như một đàn bò không chủ đạp nhau mà chạy. Chỉ một chốc trận địa địch trở thành bãi chiến trường, lính chết, lính bị thương, súng đạn, đồ đạc ngổn ngang không còn ai thu dọn.

Trong khi viện chỉ huy binh đoàn 13 đang thất vọng, ngồi nốc rượu chờ tin đội tuần tiễn thì tiếng súng con, súng lớn nổ rộ lên một hồi, rồi im bặt.

- Chắc quân ta đánh quân địch. Y ngà ngà hy vọng như vậy, song 15 phút sau có mấy tên chạy về báo cáo: “Trung đội tuần tra bị tiến công”… Số là đêm qua ra khỏi nhà tà xẻng, ông “nai say rượu” đã dẫn tiểu đội của mình đi vòng từ ruộng qua đường cái thì gặp bóng cha con tà xẻng đi lên núi. Tiểu đội bí mật phục kích lại dọc đường và trưa nay lập công luôn.

Chỉ một khẩu ĐKZ75 với một tiểu đội bộ binh mà đã nghi binh kiềm chế cả sở chỉ huy, trận địa pháo và hơn một tiểu đoàn bộ binh của binh đoàn 13. Nghi binh đã vượt quá yêu cầu. Ở chiến trường rừng núi, khi trình độ kỹ thuật còn đơn giản, nếu ta biết nghi binh khéo lừa địch, cũng dễ biến hóa tạo nên một thế trận mạnh và giành chiến thắng. Trưa 29 Tết, hai cánh quân ta gặp nhau ở Bản Thạc. Mừng vui khôn xiết, chỉ có điều không thỏa mãn là đài vô tuyến điện không liên lạc được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 09:10:26 pm »

Châm-niên đề nghị anh Xa-mán:

- Bọn em tiếp tục đuổi địch. Đề nghị anh ở lại thị xã kiểm tra chiến trường và củng cố Tiểu đoàn 701 chuẩn bị cho bước 2 đánh Phu Khe.

Anh Xa-mán nhất trí và dặn nhớ tìm cán bộ, bàn với Khăm-tả việc củng cố cơ sở.

Lính binh đoàn 13 tụ lại quanh Phu Huột. Bản Piàng bị Tiểu đoàn 2 bồi thêm hai trận. Sở chỉ huy chiến dịch bám đội hình đuổi địch. Giải quyết xong sở chỉ huy và trận địa pháo của địch, quân ta tiến ra một bãi đầy sỏi đá, một bãi đất trơ mà người H’mông gieo cải và thuốc phiện không lên nổi, 22 giờ, bố trí xong việc canh phòng, Châm-niên tuyên bố:

- Chuẩn bị chỗ ngủ. Chuẩn bị đón giao thừa!

Ồ đúng! Cả ngày phải bám theo địch không nhớ, bây giờ hai chữ “giao thừa” phát ra từ đồng chí Lào thật cảm động là sao! Châm-niên đưa cho tôi chiếc đài bán dẫn nhỏ để dò tìm sóng đài Hà Nội.

Nhớt Tết năm 1954, vào dúng giao thừa, tôi cùng Xa-mán và Châm-niên truy kích địch qua thị xã A Tô Pơ. Chúng tôi chỉ được ngửi hương hoa. Đúng mười năm, mười năm từ thằng Pháp sang đánh Mỹ, cũng ba người ban này, cũng trên đường chiến dịch truy kích địch. Một sự trùng hợp thật lý thú. Chiếc đài bán dẫn đặt bên cạnh, trải tấm ni lông ra bãi cỏ. Với vẻ mặt hoan hỉ, câu ta xướng to cho mọi người nghe:

- Một bánh… Hai bánh… hai giò lụa. Những cặp mặt ngạc nhiên nhìn vào, một giọng hỏi khẽ:

- Ở đâu ra, tài thế?

- Và đây bánh ngọt. – Đồng chí đặt tiếp một hộp vuông, sơn rất đẹp và rao tiếp:

- Chè Long Tỉnh! Ai có ca, có bát xin mang đến.

Bun-thìn, trưởng ban tác chiến Quân khu, dáng hỏm hỉnh với mái tóc đen nhánh, quăn tự nhiên, nhếch mép cười, rồi rút từ trong ba lô ra vừa lên giọng:

- Uýt-ki chính hiệu Huê Kỳ do GM13 để lại, đã được kiểm tra, để chúng ta đón giao thừa.

Mọi người vỗ tay, chân nhún nhảy theo điệu lăm vông tiếng lại quanh chiếc đài có giọng nữ ca sĩ Việt Nam đang hát.

Chờ mọi người đến đủ, Châm-niên chọn một miếng bánh tét khá dày và rót trao tôi một ly rượu. Mọi người đều rót rượu lần lượt theo chiều quay của kim đồng hồ. Đây là tục chia rượu bình đẳng thân mật của người Lào. Một cuộc đón xuân nhẹ nhàng ấm cúng trên đường đuổi địch đã được gia đình Châm-niên chuẩn bị và gửi ra mặt trận để động viên chuyên gia. Trời trên đỉnh Phu Huột vào mùa này rét lắm nhưng có tý rượu vào, có tình nghĩa anh em chả ai thấy lạnh. Lâu lâu lại có người nhắc: “Sắp đến giờ Bác nói chưa?”. Ở những giờ phút ấm cũng và thiêng liêng này ai trong chúng tôi cũng hướng về Tổ quốc, về Bác Hồ. Nếu Bác Hồ được chứng kiến cảnh sum vầy Lào – Việt của các chiến sĩ ở mặt trận thế này hẳn là Bác sẽ vui sướng lắm!

Chuyện kể giòn giã. Số cán bộ ở đây nhiều anh em đã được một hai lần ăn Tết Việt Nam ở Hà Nội nên ai cũng muốn góp với bạn bè những kỷ niệm của mình. Trong đài, pháo Tết Hà Nội đua nhau nổ. Mọi người xúc động nghe Bác Hồ chúc Tết…

Trời mờ sáng, sương trắng phủ khắp núi đồi. Thuốc phiện bắt đầu nở hoa, hoa tím, hoa đỏ, hoa trắng xen với màu hoa đậu Hòa Lan và xu xu; ở cửa rừng là màu đỏ tươi của hoa đào. Chúng tôi rẽ xuống dốc đi vào một nhà rẫy của người H’mông đang “hạ trại” an toàn và đua nhau đi hái rau nhặt củi thì chiến sĩ liên lạc chạy vòa mời chúng tôi ra xem. Anh xuýt xoa: thật là may!

Mọi người trở lại cổng, chiến sĩ liên lạc chỉ vào một sợi dây dủ rất thoáng căng dọc giữa hai cây nứa dẫn tới một quả mìn MK2. May quá chứng! Mười mấy người bước qua mà không vướng dây. Đúng mồng một Tết mà quả mìn này nổ thì tổ chỉ huy sẽ ra sao? Nghĩ đến đó anh em thấy ớn cả người. Bất giác một anh thốt lên:

- Thế là năm nay nhiều cái may, ta sẽ càng thắng to! Mọi người tán thưởng:

- Đúng là chúng ta đã bước qua cái chết để tiếp tục giành thắng lợi. Mìn được gỡ an toàn. Từ đó trở đi mọi người có cẩn thận hơn, cảnh giác hơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 09:10:46 pm »

Từ trong rừng thấp thoáng có bóng người đi ra. Đồng chí người Lào Lự, cán bộ dân tộc của tiểu đoàn hỏi họ đi đâu. Họ nói xin gặp cán bộ. Một bảo vệ cùng cán bộ người Lào Lự đến gặp dân. Lúc đầu nghe hai bên chất vấn nhau. Về sau thì dân im, còn cán bộ Lào Lự thì giải thích. Sau đó, chúng tôi nghe thấy họ cùng cười.

Mười lăm phút sau cán bộ Lào Lự về cho biết: Lúc đầu họ cũng sợ. Khi nghe giải thích là bộ đội vào đây đánh GM13 giải phóng cho dân, GM13 chạy rồi, dân gọi nhau về thu thuốc phiện. Ai có nhận súng của địch thì tạm giữ và báo cáo chính quyền. Ai có gài quả mìn nào thì về gỡ, đứng để gây nổ sát thương người và súc vật. Họ cười có vẻ tin, chắc chiều nay họ sẽ gọi nhau về bản”.

Kiểm tra trận địa xong, đoàn đến bản Mường Tằn, nơi chôn rau cắt rốn của Tỉnh đội trưởng Khăm-tả. Cánh đồng rộng nhưng chỉ còn được mấy con trâu cày có cọc giữ. Bản gồm một trăm nóc nhà nằm giữa một bên là rừng, một bên là ruộng. Chùa làng chỉ còn một nếp nhà con đủ cho sư cả và hai chú tiểu sinh hoạt, tụng niệm. vì vậy dân làng phải đi đón khách vào nhà nai bản. Khăm-tả vào trước theo Tiểu đoàn 2 đã về bản nắm dân chuẩn bị cơ sở, ra đón bộ đội. Anh chưa đầy 30 tuổi, thái độ nhã nhặn cởi mở. Anh hòa vàn dân làng đứng giới thiệu khách, chủ. Anh họ của Khăm-tả vẫn còn làm nai bản (địch chưa kịp thay) may mà còn giữ được nếp nhà sàn của ông bà. Nhà khá to, sàn và vách đều ghép ván sạch sẽ đủ chỗ cho ngót một trăm người họp. Châm-niên chỉ để mấy cán bộ vào họp, còn anh em khác đều tản ra hai nhà bên cạnh vừa nhường chỗ cho dân, vừa sẵn sàng bảo vệ. Bộ đội được các cụ ông, cụ bàn, rồi thanh niên vào bắt tay chào đón. Mở đầu, nai bản thưa:

- Đúng lệ làng thì hôm nay phải có rượu cần, nhưng địch vét hết. Dân làng chỉ xin mời bộ đội ăn cơm nhạt với dân để chan hòa nỗi mừng vui ngày giải phóng.

Nai bản vừa dứt lời, các cụ, các mẹ đua nhau nói lên nỗi vui mừng được gặp lại bộ đội. Nai bàn cầm chai rượu, hai cô gái mặc áo váy đẹp theo sau, một bưng đĩa thịt trâu khô nướng, một bưng địa đựng ly rượu. Khách trước chủ sau trong càng hồ hởi. Châm-niên nói mấy lời cảm ơn và chúc rượu nai bản, Khăm-tả và dân bản. Sau chén rượu, các mẹ các cụ giãn ra, nhường cho các bà, các chị xách cơm vào. Hai dãy mân đan trải ra. Nhà nào cũng có típ xôi, cái đầy cái vơi mang đến. Xôi dành sẵn làm phúc theo lệ nhà Phật. Người bát chẻo, dưa chua; người canh măng nấu nhái, trứng kho, người thịt trâu nướng… Bếp nai bản có mấy chị cặm cụi nấu nướng, một lúc thấy bưng ra hai đĩa trứng rán đặt vào giữa mâm. Có lẽ cũng phải góp tới mấy nhà mới đủ hai đĩa trứng vì mỗi nhà chỉ giấu được một hai con vịt đẻ. Cuối cùng là món rau rừng gồm phắc lót, nức lác và các loại lá non có màu thoảng hồng, ăn vào có cả vị chát, vị ngọt, vị chua. Lính Lào và quân tình nguyện mà ăn bữa ăn thiếu món rau này là chưa ngon miệng.

Đây là bữa ăn tổng hợp, phong phú mà bộ đội qua làng ở Lào thường được hưởng. Bà con ngắm anh em ăn cơm có vẻ mãn nguyện. Sau đó, không ai bảo ai họ rút dần để cho cán bộ làm việc.

Khăm-tả cho biết cơ sở Mường Ngàn, Mường Phàn, Keo Xẹt, Tha Thươm, Tha Viêng, Bản Cang đều còn nguyên. Dân làng mong ngày được giải phóng. Chúng tôi cân nhắc, tính toán lực lượng địch ở khu vực các tiểu đoàn (BV), đặc biệt (VS, SGU, AC), dân vệ…; bàn chuyện hướng dẫn cho các gia đình có con đi lính ngụy gọi người nhà về, vấn đề chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị làm mùa, dự kiến cả việc làm đường ôtô, kế hoạch vận chuyển tiếp tế vá chuẩn bị hàng dân dụng cho cuộc sống sau ngày giải phóng.

Bước một chiến dịch kết thúc, phải đua với thời gian để không kéo dài bước hai. Theo đúng kế hoạch chuẩn bị, Tiểu đoàn 701, Tiểu đoàn 24 và Tiểu đoàn dù 1 đã đi điều tra địch. Giao thông tỉnh đã tổ chức một đoàn công nhân đi sửa đường, bắc cầu đường 4A đi Xan Luông.

Ngày 22 tháng 2, cán bộ trinh sát về báo cáo, địch không có gì thay đổi, chỉ sợ đánh chậm nó rút mất pháo. Chiều ngày 22, tổ chỉ huy bí mật đi bộ xuống Xen Luông và tối đó hai xe chở đồ dự trữ tiếp tế đến. Sáng ngày 24, Tiểu đoàn 701 có mặt ở Xen Luông. Mỗi người nhận 6 bánh tét và lĩnh thêm một số trang bị cần thiết khác. Tiểu đoàn theo đường rừng đi lên đỉnh Phu Khe từ hướng đông nam. Khi chia tay tiểu đoàn, tôi có hỏi Bun-thon. Anh xác định hoàn toàn yên tâm.

Ba giờ sáng ngày 25 tháng 2, trận địa sơn pháo Phu Khe BI21 ở Tia Tao bị diệt. Tiểu đoàn 24 và Tiểu đoàn dù 1 từ chính diện đánh lên. Chỉ riêng Tiểu đoàn 1 chậm chân vồ trượt trận địa pháo. Quân Coong-le chạy mất.

Đêm đêm đỉnh Phu Khe quá rét. Tôi cố nuốt bát cháo muối rồi chui vào hầm của địch đốt củi sưởi cho đỡ mệt vì viêm họng. Người mệt, nhưng ngày hôm sau tôi vẫn cùng Châm-niên chống gậy đi xem xét cả bốn năm mỏm của Phu Khe vì “đất này còn phải nhiều phen giành giật”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 09:11:05 pm »

Chiều ngày 26, đoàn cán bộ xuống núi theo đường về Bản Kinh đã được Thiệp và Nhả cho dò mìn. Vào đồn Bản Kinh do ta chiếm giữ, mặt trời đã trốn xuống núi chỉ còn vài tia sáng rọi lên thi thoảng. Một cảnh rộn ràng khó hiểu làm mọi người phải chú ý. Từ dưới hầm sâu nghe vọng lên tiếng đàn ông gọi. “Nhanh lên! Nhanh lên!” Tôi tưởng như bắt được con gì, hay được tên tù binh quan trọng mà lính ông Thiệp định trình với chỉ huy họ. Tò mò nhìn xuống thì thấy họ dìu ra một phụ nữ. Ai cũng nghĩ sao lại có phụ nữ ở đây? Một phụ nữ trẻ nhưng bụng to kinh khủng, đang rên rỉ.

Thiệp cho biết đây là một Việt kiều, vợ đại đội trưởng phòng ngự hướng Bản Kinh. Tình yêu đã kéo cô bạn này đến ở luôn với chồng. Lúc này cô ta đang trở dạ. Xưa có câu “phúc bất trùng lai”, nhưng anh cán bộ này lại được cả đôi đường: vừa giải phóng quê hương vừa sắp có con đầu lòng. Anh chạy lại xin mượn xe anh Thiệp để đưa vợ lên bệnh viện mặt trận.

Tôi động viên Thiệp:

- Nhanh lên! Đứa bé này nấp mãi trong hầm, nay đang muốn thoát ra khỏi bụng mẹ để chào mừng ngày giải phóng. Đầy tháng phải buộc chỉ cổ tay nhiều để chúc chú bé chóng lớn kịp thay cha bảo vệ quê hương.

- Mọi người cười vui vẻ, còn chị chàng thì vừa ôm bụng nhắn nhớ và cười to hơn. Có lẽ do cười nên chuyển dạ mạnh. Châm-niên an ủi:

- Không sao. Cười nhiều càng dễ đẻ…

Thế là chiến dịch đã kết thúc trong vòng một tháng. Tuy bước đầu chỉ với quy mô nhỏ, nhưng ai cũng thấy hay khi hình dung lại bài bản, mưu mẹo để tạo nên thế trận và làm nên chiến thắng. So với thực lực chủ quan của Quân khu lúc bấy giờ là vừa sức và ăn chắc. Hơn nữa, ý nghĩa của chiến dịch này còn tạo thế cho chiến dịch tổng hợp tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum tiếp sau đó lớn hơn. Nó đánh dấu một bước phát triển trong quá trình chiến đấu và trưởng thành của bộ đội Quân khu Cánh Đồng Chum.

Thị xã Xiêng Khoảng được giải phóng, lòng mọi người được thư giãn. Song mấy chữ “giải phóng Cánh Đồng Chum” vẫn thôi thúc họ phải tính đến nhiều cân hỏi: bao giờ chiến dịch 74 bắt đầu? Sẽ giải quyết Cánh Đồng Chum theo tình huống nào? Theo hình thức chiến dịch nào? Ngòi nổ binh vận có không? Và từ đâu? Lê Văn cùng tôi và cơ quan tham mưu chuyên gia đem bàn đồ ra vạch vạch, tính tính:

Ta hơn một trung đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo, cơ giới chỉ được sáu AM và một PT76 thủng đít (số là khi Coong-le phản bội, địch đưa xe tăng đánh vào Khăng Khay. Pháo ta bắn hỏng hai chiếc; may mà chiếc này đạn vọt ra ngoài mới nổ, xe thủng đít không lội nước được song chữa lại, nó trở thành một lô cốt di động rất lợi hại, 40 chiếc xe tăng Coong-le không làm ta sợ, nhưng 1 chiếc thủng đít của ta cứ vùng vẫy đông tây, xuất quỷ nhập thần, đến chỗ nào là lính Coong-le hoảng hồn chỗ đó). Ngồi tính đi tính lại anh em cứ phân vân. Với thực lực này nếu kiếm đâu được một hai trung đoàn nữa thì chắc tay. Thế nhưng Thượng tướng Văn Tiến Dũng đã dặn rồi: “Lúc này quân tình nguyện Việt Nam chưa nên làm gì để Mỹ có cớ gây chuyện lớn ở Lào, ảnh hưởng đến khả năng tập trung lực lượng cho chiến trường chính miền Nam!”. Tất cả đều nhất trí là phải đẩy mạnh binh vận.

Điểm lại lúc này phía Trung lập yêu nước, ông Đươn đã có Tiểu đoàn 15, Tiểu đoàn 16, Tiểu đoàn 1, một đơn vị pháo và cao xạ, một đơn vị dù BI4 + 5 mới ở Trung Lào về.

Quân khu đã lập một trại học tập cho tù hàng binh ở thị xã. Tù hàng binh được học mấy buổi về sự khác nhau giữa chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng; thấy rõ mục đích cách mạng dân tộc dân chủ mà Neo Lào Hắc Xạt đang lãnh đạo toàn dân thực hiện, dành một buổi cho họ tự kể lại tội ác mà Mỹ và tay sai đã làm hại dân hại nước. Cho họ tự liên hệ những việc mình đã làm hại dân trong quá trình ở trong hàng ngũ địch, để có thời cơ ăn năn, xin xá tội và tự nguyện lập công. Trại đã mời nhà sư đến cầu siêu xá tội cho họ rồi buộc chỉ cố tay chúc họ đi theo quân đội cách mạng được nhiều phúc đức, lập được công trạng.

Mỗi lần lễ đều có các bà, các mẹ, các đại biểu thanh niên, học sinh nam nữ dự và thế nào cũng có một bữa cơm đoàn kết và múa lăm vông. Nhiều anh em trẻ, con em ở vùng du kích bị vét lính đưa lên Cánh Đồng Chum đã nhanh chóng liên lạc với người thân và trốn ra theo cách mạng. Có những tù binh chỉ 15, 16 tuổi, mới vào lính vài ba tháng, nay được giáo dục, quản lý tốt đã sớm lập công. Quân khu hy vọng tìm lực lượng bổ sung cho mình từ hàng ngũ địch nhất là đội ngũ trung lập Coong-le. Ngoài truyền đơn và kêu gọi trên đài, nhiều tù, hàng binh được chọn lựa bồi dưỡng rồi cho về đơn vị cũ tổ chức lôi kéo hàng ngũ hàng loạt. Sau chiến dịch 128 và sau khi ta giải phóng thị xã Xiêng Khoảng, trên chiến trường Lào, nhất là Cánh Đồng Chum có biến động mạnh.

Trong lực lượng Coong-le, việc liên hệ xin hiệp thương với Pa-thét Lào đã loang khắp. trên tuyến Phu Lạt Tây (đơn vì dù 5, 8BI), Bản Kéo, Bản Kho (4 BI) rồi Bản Thẳm, Bản Tôn, Bản Sao (dù 4, dù 6) đều có điểm hiệp thương không đánh nhau. Cuối cùng đến Xu-lê-đệt con bài dự bị thay Coong-le nắm xe tăng cũng cử đại diện ra liên lạc xin không đánh nhau.

Thời cơ đang xích gần. Chuyên gia và cán bộ chỉ huy bạn say sưa hoạt động trong không khí rung chuyển của Cánh Đồng Chum.

Đâu tháng 3, Bộ Tư lệnh chiến dịch 74 của liên quân Lào – Việt do Thiếu tướng Bằng Giang, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc dẫn đầu sang trình diện, báo cáo với Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum về ý đồ chiến dịch.

Binh đoàn 13 bị tan vỡ đầu tháng 2, nay nhận lệnh hành quân ra Phu Noọng cùng cụm phỉ ở nam – bắc đường số 7 cắt đường, phá kế hoạch tiếp tế mùa khô của ta và phòng trước cuộc tiến công lớn.

Phong trào chống Mỹ leo thang chiến tranh đang lên mạnh ở thủ đô Viêng Chăn và các thành phố khác.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 09:11:40 pm »

IV. GIẢI PHÓNG MƯỜNG NGÀN, MƯỜNG PHẢN,
HỖ TRỢ CHIẾN DỊCH 74 CỦA QUÂN TÌNH NGUYỆN

Phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam trong chiến dịch 74 đánh binh đoàn 13 và những cụm phỉ ở nam – bắc đường số 7, đường số 4, Quân khu Cánh Đồng Chum quyết định mở một đợt tiến công giải phóng Mường Phà Mường Ngàn, Keo Xẹt để cắt đường rút chạy của binh đoàn 13 khi chúng bị tiến công ở đường số 7.

Đầu tháng 4, binh đoàn 13 vất vả kéo quân ra Phu Noọng.

Chính ủy Xa-mán, anh Xing-ka-pô, tôi cùng Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 500 và một bộ phận Tiểu đoàn 24 đi vào phía đông nam Xiêng Khoảng. Đường bỏ đã 2 năm, xe không chạy. Rời thị xã Xiêng Khoảng, mỗi người kể cả chỉ huy phải cuốc bộ mang vũ khí, trang bị và một bao muối thay gạo (dân trong vùng địch thiếu muối, thừa gạo). Anh Chum, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 đã dẫn cán bộ đi trước chuẩn bị chiến trường.

Ngày thứ nhất đường bằng, tổ điện đài còn bám sát đội hình, nhưng ngày thứ hai bắt đầu lên dốc, tổ điện đài cứ chậm dần. Tôi nóng ruột giục anh em với thái đột bắt đầu gắt, liền bị Xứng nhân viên trong tổ cự lại:

- Thôi thủ trưởng nhẹ cứ đi trước. Bọn em nặng đi chậm về tối cũng được.

Nghe Xứng nói vậy, tôi bảo Xứng mang bao muối, để tôi mang máy thông tin.

Nói xong, tôi bỏ bao muối mười cân xuống cho Xứng và xách cái máy 17 cân quàng lên vai. Hơi bối rối một tý, nhưng vì mệt quá, Xứng đành chấp nhận quyết định của tôi.

Trong đời lính, chia sẻ với chiến sĩ gánh đạn, khiêng bom, gánh gạo muối vượt Trường Sơn là chuyện thường. Song lần này thực quá mệt vì vượt núi Keo Xẹt để vào với đồng bào H’mông trốn giặc trong rừng đâu có dễ, nhất là mang vác trèo núi, lại là thương binh bị thương đứt mạch máu chân trái, lại còn là bệnh binh lao thũng một thùy bên phổi trái, tôi đã chấp nhận một thử thách quá cao. Tôi thất bắt đầu đói. Ăn no vác nặng không lo, nhưng bụng đã đói là chân lăm đá chân chiêu ngay. Chật vật mãi 10 giờ rưỡi tối mới đến. Đoàn đi qua Xóm Lào Kang của Keo Xẹt tiến vào trung tâm. Đường vào đã dễ bước. Tổ chỉ huy được một bà mẹ H’mông cầm đuốc gỗ thông đón từ ngoài làng dẫn vào nhà, mẹ nói tiếng Lào Lùm phát âm đôi chỗ còn ngọng. Chính ủy Xa-mán giới thiệu đây là mẹ Nàng Xây, cán bộ mặt trận huyện Mường Khum, phụ trách khu địch hậu Keo Xét, Mường Ngàn, Tha Mu Lầu, Thông Phăn. Chồng bà là một tộc trưởng đã chạy vào Long Chẹng theo Vàng Pao. Bà chống lại quan điểm của chồng, ở lại nuôi em và hoạt động cách mạng. Đây là một phụ nữ ở độ tuổi 45, khỏe mạnh, lanh lợi và rất chủ động trong giao thiệp. Người phụ nữ thứ hai đang giã gạo, đốt bếp đun nước cho khác và chuẩn bị cơm. Chị vừa làm việc vừa cõng trên lưng một đứa bé. Đây là nàng dâu cả, vợ liệt sĩ. Khi con trai cả của bà hy sinh, chị tự nguyện ở lại làm vợ người con trai thứ hai (theo phong tục người H’mông). Một chốc anh chồng cũng độ 20 tuổi vừa đi xếp chỗ ngủ cho bộ đội về, bế đứa con trên lưng vợ và giúp làm bếp. Mẹ Nàng Xây động viên chúng tôi nằm nghỉ một lát, có nước nóng sẽ rửa mặt, ngâm chân, kẻo rét. Mẹ bảo chúng tôi rằng ở đây rét quanh năm.

Bộ đội đã được du kích và chị em phụ nữ xếp chỗ ngủ và chuẩn bị cơm. Đêm nay cho bộ đội ngủ một đêm không cần gác, bởi đã có dân quân.

30 phút sau, anh con trai bưng xoong nước nóng ra pha cho mỗi người một chậu. mẹ Nàng Xây dặng chúng tôi rửa xong phải ngâm và bóp chân nước ấm, mai mới hoạt động được. Ngoài đường phụ nữ ríu rít đi lại bổ sung gạo và thức ăn cho các gia đình theo số lượng khách.

Đây là lần đầu tiên tôi xem người H’mông nấu cơm. Trước hết thấy nồi đáy sôi nước thì chị bếp đổ ngay gạo vào nồi đáy chứ không phải đổ vào chõ xôi. Khi gạo vừa sôi chị lại đổ tất cả ra. Gạo cho vào chõ xôi, còn nước gạo thì cất vào cái ca to (đó là nước làm canh). Thong thường người H’mông ăn cơm, gia đình nghèo thì có một món ăn gì đó như thịt nướng, thịt kho hoặc rau luộc, còn thì cốt có đĩa muối, bát nước luộc gạo. Cứ thế người ăn xúc một thìa cơm bỏ miệt lại nhấp một tý muối trắng và húp một thìa nước. Hôm đó chúng tôi được ăn cơm với thịt gà kho và canh rau cải. Cơm là cơm gạo tẻ trắng, hạt to và thơm giống hạt gạo tám thơm, gạo nàng hương ở Việt Nam. Cách nấu thế này thì thơm nhưng không dẻo. Ăn được nhiều, trèo núi lo lâu.

Buổi ăn nghỉ đầu tiên ở Keo Xẹt giống hệt cảnh “bộ đội về làng” ở Việt Nam. Đây là cơ sở ổn định, giữ được phong trào cách mạng suốt từ những ngày chống sưu thuế thời Pháp cho đến phong trào du kích chống Mỹ hôm nay. Sáng hôm sau, khi chúng tôi đang đi xem địa thế và thăm hỏi dân thì anh Chum về cho biết đã làm việc với cơ sở, điều tra được trận địa của BI29. Kế hoạch đánh là tập kích vào sở chỉ huy tiểu đoàn và đơn vị bảo vệ đồi Phu Viêng. Các điểm khác chỉ kiềm chế và đón lõng. Kế hoạch được thông qua. Người bám địch, người dẫn đường, người cảnh giới, tất cả đều do du kích bí mật đảm nhiệm. Tiếp tế cơm nước sau khi nổ súng đều do dân lo liệu.

Trưa hôm sau ăn uống xong mỗi người một nắm xôi to cột vào lưng và xuống núi. Đường từ Keo Xẹt xuống Dốc Quế kín đáo nên chúng tôi đi ban ngày. Nói “Dốc Quế” vì đây là một triền rừng già còn lưu lại mấy chục cây quế già nối Keo Xẹt với Mường Ngàn. Hành quân qua đây, lính ta hay đẽo gọt kiếm ít vỏ và lá quế ngậm cho ấm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 09:12:02 pm »

Khu rừng già này được bảo vệ từ lâu có cả một thảm lá cài theo rễ non bồng bềnh. Trước khi đi xuống đồng ruộng Mường Ngàn, đoàn quân dừng lại nghỉ trong rừng kín. Ngồi đây, anh Chum chỉ mục tiêu, xác định vị trí và đường tiến quân cho các mũi. Trời hôm nay nắng dịu, ánh chiều chiếu xuống cánh đồng đang cấy của Mường Ngàn rất rõ. Tiểu đoàn 2 còn lại gần hai tiếng đồng hồ để các phân đội xem xét địa hình, bàn bạc nhiệm vụ và ăn cơm tối trước khi vào trận.

Chập choạng tối, bộ đội ra khỏi rừng và bắt đầu tiếp cận địch. Vì có địch nên Mường Ngàn rất kín lửa, chỉ có đồn Phu Viêng là có đèn măng xông. Bộ đội ta khỏi lo lạc đường. Cảnh vật càng khuya càng im ắng. Trời bắt đầu lạnh. Trên đồi, chúng tôi cứ phải đứng lên ngồi xuống cho đỡ rét.

Đến 24 giờ, trời đảo mây, đã có đôi hạt mưa lắc rắc. Mọi người đang lấy ni lông che mưa thì bất thần mấy ánh chớp léo lên. Ba bốn tiếng nổ B40 nối tiếp nhau. Đèn măng xông tắt. Xuyên vào cảnh tối tăm của Phu Viêng là các đường đạn sáng của súng AK, trung liên rồi thủ pháo. Tất cả đường đạn bay về một hướng, cá biệt mới có một viên bay ngược chiều. Như vậy là ta đã làm chủ hoàn toàn. Phía đồi Na Đi có vài viên đạn nổ. Súng cối của ta bắn trả vào Na Đi. Địch bắn tiếp vài băng ga răng nhưng khi trung liên ta nổ nhiều thì địch im. Chắc bọn này đã chạy.

Điện thoại Tiểu đoàn 2 báo cáo về: “Đã chiếm xong Phu Viêng”… Ba phát pháo hiệu đỏ vút lên. Thế là xóm làng đỏ lửa. Dân Mường Ngàn thông minh, nhạy cảm, họ biết chắc thắng lợi. Gà gáy, chó sủa, bếp dỏ. Mường Ngàn như chuyển sang năm mới. Nhưng trời lại đổ mưa. Có lẽ mưa đã đẩy đi những rác rưởi mà địch đã để lại cho Mường Ngàn. Một trận mưa rào làm cho mọi người vừa rét, vừa ướt.

Thường lệ khi ngóng chờ thì không buồn ngủ. Chiến trường im lặng là giấc ngủ kéo đến. Mưa cũng không tạnh, chiến sĩ dựa vào nhau ngủ ngồi giữa cỏ. Trời sáng. hết mưa, mặt trời rọi lên rất đẹp. Cả Mường Ngàn như tươi tỉnh. Các mẹ mặc áo hoa đưa xôi lên chùa. Nhiều đoàn thiếu nữ xách cơm, gánh quà ra tìm bộ đội., thể hiện sự chờ đợi sẵn sàng đón ngày giải phóng của dân Mường Ngàn.

Nhìn ra cánh đồng Mường Ngàn, bà con đã cấy được một phần ba. ở đây cấy sớm hơn Mường Pẹch một tháng nhưng do trời lạnh nên cũng chỉ gặt cùng lúc với Mường Pẹch vào tháng 10, tháng 11.

Xong Mường Ngàn, việc củng cố cơ sở, hồi phục du kích, chuẩn bị giải phóng Tha Thơm giao lại cho Tiểu đoàn 2 và địa phương. Chúng tôi phải quay về Mường Phàn để chỉ huy Tiểu đoàn 50 và Tiểu đoàn 24 giải quyết Boóc Ôn, Đọc Mạy.

Đài chỉ huy đặt ở bìa rừng bản chính Mường Phàn. Hầm lán chỉ đào sâu năm tấc rải lá thông khô nằm cho ấm. Hai ngày 16 và 17, quân ta đã giải quyết xong Boóc Ôn, Đọc Mạy.

Mặt trận chuẩn bị họp. Trong khi chưa họp chúng tôi được nghe chuyện chị Bun-ma đi dân công mặt trận.

Trước đây tôi đã được nghe điệu lăm phuôn của chị em xã Khăng hát ghẹo động viên thanh niên tòng quân:

Làm trai mà chẳng xứng trai,
Thà đổi mặc váy, đưa quần dài cho chúng em đi thay…


Hôm nay ở Mường Phàn tôi lại nhe kể về chuyện chị Bun-ma đi dân công. Chị Bun-ma vốn là vợ liệt sĩ. Chồng chị đã bị giặc Boóc Ôn giết. Mối thù nhà nợ nước đã âm ỷ trong lòng chị mấy năm. Việc nhà, việc xã hội chị đều hăng hái. Để chuẩn bị đợt tiến công này, xã phải huy động dân công tải đạn lót sẵn cho bộ đội. 40 người cả thanh niên nam nữ và học sinh của xã giao cho chị Bun-ma chỉ huy. Chị thu xếp việc nhà, cho bốn con chăm sóc, bảo ban nhau để mẹ đi tải đạn. Vì đường núi dốc cao, mỗi em học sinh mang một hai quả đạn ĐKZ 82 cả vỏ nặng tám cân. Người lớn mang hai quả. Mấy anh chàng mày râu kênh kiệu nhưng chỉ chịu vác một quả thôi. Động viên mãi không nghe, chị Bun-ma lên tiếng dứt khoát:

- Chị em chúng tôi thường bị các anh cho là yếu ớt cũng vác được hai quả. Tôi 40 tuổi rồi còn cõng được ba, thế mà các anh chỉ vác được một quả như các em bé, không xấu hổ sao? Thôi, đã vậy các anh cới quần dài đổi lấy váy chị em đây mà quấn vào rồi mang một quả đi theo các cháu học sinh cho đẹp mặt!

Cả đoàn cười. Lời nói của chị Bun-ma không ngờ lại có tác dụng. Các chàng đành chịu nhận hai quả và còn xung phong vượt lên dẫn đầu đoàn để khỏi bị chị em phụ nữ trêu chọc.

Sau mười ngày chuẩn bị, đồn địch bị diệt, quê hương Bun-ma được giải phóng, chị hăng hái động viên chị em bổ túc văn hóa, thanh toán nạn mù chữ, rồi thu thóc cứu nước, luyện tập dân quân bảo vệ dân làng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 09:54:35 pm »

V. CÁNH ĐỒNG CHUM – NHỮNG NGÀY BÃO TÁP

Dự kiến 20 tháng 4 năm 1964 rút kinh nghiệm đợt chiến đấu và hướng dẫn nhiệm vụ làm cơ sở thì 20 giờ ngày 19 tháng 4, đài đưa tin “Viên Chăn đảo chính”. Chiến trường Lào bắt đầu có biến động lớn. Anh Xa-mán, anh Chum và tôi vừa chụm đầu nghe đài vừa bàn bạc.

Cu-pra-xít, Phủi-xa Na-ni-con làm đảo chính chống Chính phủ Liên hiệp. Đó thực tế là việc đế quốc Mỹ phá Hiệp định Giơ-ne-vơ.

- Phái hữu chống chính phủ Liên hiệp, cầm giữ Thủ tướng Phu-ma, lực lượng Coong-le dao động. Thời cơ giải phóng Cánh Đồng Chum đang đến! Chúng ta phải về Quân khu ngay để đón nhận chỉ thị của Trung ương.

Chúng tôi thống nhất quyết định chuẩn bị cơm gói cho ngày hôm sau và ngủ sớm. Bốn giờ sáng hai anh đi trước. Phái liên lạc đi mời cán bộ ba tiểu đoàn cùng huyện Mường Khum sáng sớm họp mặt. Anh Xa-mán để thư lại. Tôi sẽ giao thư đồng thời bàn cụ thể thêm với cán bộ huyện và hai Tiểu đoàn 24 và 500 về nhiệm vụ củng cố cơ sở và sẵn sàng đón đánh tàn quân địch khi chiến dịch 74 nổ ra. Riêng Chum và Tiểu đoàn 2 chiều ngày 24 tháng 4 phải có mặt ở Khăng Khay để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

10 giờ sáng ngày 20, làm việc với anh em xong, tôi theo tổ cán bộ thường H’mông Keo Xẹt đi Quân khu. Đuổi theo số anh em này vất vả thật nhưng đi nhanh. Trưa hôm sau chúng tôi đã đến Khăng Khay.

Từ Sầm Nưa, đồng chí Viêng-xay (bí danh của Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản) đã hai lần đưa chỉ thị cho Cánh Đồng Chum bám sát tình hình chủ động tạo thời cơ giải phóng Cánh Đồng Chum. Tổng bí thư cũng thông báo có đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon xuống tham gia chỉ đạo việc này. Về đến nhà, ăn một bát cơm thì các anh Quang, Toàn, Hoa Thành đã đến. Nhà báo Hoa Thành vốn là người có trình độ, lại khá năng động, anh đã góp cho “bộ tham mưu” nhiều ý kiến tốt. Nhờ khá tiếng Pháp, khi cần tìm hiểu ý kiến những người anh em sĩ quan và công chức Trung lập, anh cũng giúp được đắc lực.

Găp tôi, các anh rất mừng khi nghe tin thắng trận ở phía nam, nhưng tin vui nhất là trong thời điểm khẩn trương này mà “Bộ tham mưu” các anh tập họp được để bàn bạc là quý lắm. Trong tập thể này, tôi thấy mình có chỗ dựa chắc chắn và yên tâm. Tôi và Toàn là cán bộ quân sự lúc nào cũng muốn thỏa cái máu tả xung hữu đột. Anh Quang và Lê Văn thì thận trọng hòa nhã. Anh Quang chỉ gợi ý, lắng nghe và động viên khích lệ làm cho ai thấy tự tin và mạnh bạo hơn. Các anh không làm cho cán bộ quân sự cảm thấy bị “vướng chân”, trái lại còn bổ sung đắc lực giúp cán bộ quân sự tháo gỡ khó khăn khi cần thiết. Đây là những ngày hoạt động gian khổ, vất vả nhưng tràn đầy hạnh phúc, đáng ghi nhớ trong đời lính chuyên gia.

Suy tính cẩn thận, “Bộ tham mưu” khẳng định dù có dàn xếp gì thì mâu thuẫn giữa phái Hữu và Coong-le, giữa Coong-le với sĩ quan và binh lính tiến bộ yêu nước là khó hòa hợp nổi. Việc GM17 ở lại chiếm giữ Cánh Đồng chum lại càng trở nên nghịch cảnh! Đặc biệt lại có sự tác động của các mạng về tâm lý, chính trị và sức ép quân sự thì trước sau cũng sẽ bùng nổ. Phải làm bằng được! Đó chính là cái nút để tạo thời cơ! Trung tâm vấn đề là ở thời điểm này là làm thất bại kế hoạch can thiệp của đế quốc Mỹ, là đánh bại tư tưởng sợ Mỹ và theo Mỹ, bảo vệ Chính phủ Ba phái của Lào. Diệt con người trong khi Lào đang ít dân, ít lính thì chẳng hay gì.

Tôi báo cáo những nhận định này của nhóm chuyên gia lên đồng chí Nu-hắc và mạnh bạo đưa ra đề nghị với Quân khu nội trong ba ngày phải chuẩn bị cho bộ đội sẵn sàng đón thời cơ. Có lệnh là đánh được. Xe Quân khu đi đón cán bộ tiểu đoàn cùng chuyên gia các đơn vị về họp nhận chỉ thị này.

Mục tiêu chính lúc này là phải thuyết phục quân Coong-le đuổi GM17 ra khỏi Cánh Đồng Chum để giải quyết việc hiệp thương hòa hợp với Coong-le. Đồng thời cũng dự phòng trường hợp thời cơ cho phép ta giải quyết GM17 bằng đòn tiến công quân sự với lực lượng của Quân khu, không chờ quân tình nguyện Việt Nam.

Sang ngày 25 tháng 4, trong khi cuộc hội báo của Quân khu đang diễn ra thì tướng Xing-ka-pô đi hiệp thương với Coong-le về.

Vừa về tới nơi, anh nói luôn: Phu-ma được thả là thái độ của Công-le đối với ta thay đổi rõ. Nhắc lại chuyện giải quyết GM17 nó vừa nói vừa cười: “Anh Pô khỏi lo, đánh GM17 em đã có cách”. Cách khỉ khô gì thằng con nít này! Chắc Mỹ lại gạ cho nó cái trò xỏ lá gì đây để kéo dài độc chiếm Cánh Đồng Chum không cho ta giải quyết thôi. Anh kết thúc: Diệt quách nó đi là xong hết! Thái độ của anh chứng tỏ suốt trên đường về anh đang tức.

Anh Phum khêu gợi nên xem “cách” mà Coong-le nói là các gì? GM17 sẽ làm gì? Đi đâu?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM