Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:01:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày ở Cánh Đồng Chum  (Đọc 49625 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 08:12:42 am »


Những ngày ở Cánh Đồng Chum
Tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân.
Năm xuất bản: 1997
Số hóa: macbupda.

LỜI GIỚI THIỆU

Cùng chung hiểm họa mất nước, vì mục tiêu giành độc lập tự do cho Tổ quốc mình, suốt mấy thập kỷ qua, hai dân tộc Việt Nam, Lào đoàn kết, gắn bó cùng chung chiến hành đánh Mĩ hết sức anh dũng, gian khổ và đã giành được thắng lợi vẻ vang.

Tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai quân đội, hai dân tộc Lào - Việt là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi. Đây là tài sản quý báu mà chúng ta phải giữ gìn và phát huy.

Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn với biệt danh là “Bình”, nguyên là một chiến sĩ tình nguyện đã gắn bó gần hết cuộc đời chiến đấu của mình với chiến trường Lào từ đánh Pháp đến dánh Mĩ. Ở cương vị chuyên gia Tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trong những năm đánh Mĩ, tác giả đã trận trọng ghi lại những hồi ức, những tìm cảm của mình bằng nhiều chuyện kể về những trận đánh, những tấm gương hi sinh chiến đấu và công tác của các tập thể và cá nhân anh hùng đã chung sức làm nên chiến thắng và vun đắp cho mối tình hữu nghị Lào - Việt.

Chuyện kể chưa đầy đủ và chắc chắn còn thiếu sót, song nó là bản hồi ức tự viết của một cán bộ cao cấp đã sẵn sàng hi sinh thân mình cho phong trào chiến tranh nhân dân Xiêng Khoảng - Cánh Đồng Chum. Đọc cuốn hồi ức, chúng ta được nhìn lại giai đoạn đấu tranh giành chiến thắng với bao nhiêu hy sinh, gian khổ, đầy oanh liệt, vẻ vang của nhân dân Xiêng Khoảng - Cánh Đồng Chum và quân tình nguyện Việt Nam. Ngoài ra còn phải nói đến một đặc điểm là sự liên minh chiến đấu giữa Pa-thét Lào của Neo Lào Hắc Xạt với lực lượng Trung lập yêu nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Bộ Chỉ huy tối cao mà trực tiếp là Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Tập hồi ức còn dành nhiều tình cảm để ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Lào và quân tình nguyện Việt Nam suốt 5 năm phòng ngự Phu Cút, liên tục đánh bại mội cuộc tiến công của các binh đoàn phái Hữu, lực lượng Coong-le và quân đặc biệt Vàng Pao được bộ binh Thái Lan và không quân, pháo binh, hậu cần Mĩ, Thái chi viện. Tập hồi ức đã đưa lại cho người đọc những tình cảm mến mộ sâu sắc đối với cuộc chiến đấu trên chiến trường Chánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tập hồi ức cùng bạn đọc và mong cán bộ, chiến sĩ Lào - Việt Nam tham gia viết tiếp, bổ sung, làm nổi bật những trang sử chiến đấu và chiến thắng hào hùng trên đất Xiêng Khoảng được cả nước hiệp đồng chi viện, được sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất của đồng chí, bạn bè, anh em trên khắp năm châu.


Viên Chăn, ngày 22 tháng 1 năm 1992
XING-KA-PÔ XI-KHỐT CHUM-MA-LY
Nguyên tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum,
Nguyên Chủ tịch tổ chức Ô-lim-píc Lào,
Chủ tịch Hồi đồng Hòa bình đoàn kết hữu nghị các dân tộc Lào.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:45:54 am gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 08:13:34 am »

MỞ ĐẦU

Cánh Đồng Chum - Cao nguyên trung tâm của tỉnh Xiêng Khoảng nằm ở Bắc Lào với độ cao 1.200 mét, chưa kể những núi cao nổi tiếng như Phu Xăn (2.218), Phe Xeo (2.305), Phu Bia (2.919). Trước khi đến Xiêng Khoảng, tôi chỉ được đọc bản đồ địa lý do người Pháp in “Plaine des Jarress” và được nghe câu truyền miệng rằng: “Ai chiếm được Cánh Đồng Chum thì như người cưỡi lên được bành voi, và sẽ làm chủ được nước Lào” (Lan Xạng, đất nước Triệu voi).

Cánh Đồng Chum đã trở thành một điểm mốc luôn gợi tính tò mò thời niên thiếu của tôi. Tôi hằng mơ được đến đó, và rồi chiến tranh đã kéo tôi đến Cánh Đồng Chum. Ở đây, dân địa phương dùng cái tên rất hình ảnh “Khăng má đen” (Đồng cỏ ngựa phi) để đặt cho Cánh Đồng Chum. Đúng là đồng cỏ mà ngựa phi cho khắp thì phải đến đứt hơi. Đây là cả một cao nguyên bao la, đồi thông xen kẽ đồng cỏ và ruộng bậc thang tương đối phẳng, ngang dọc từ 40 tới 60 ki-lô-mét. Quả là một vùng đất rất có thể về mặt quân sự. Chum lưu truyền từ thượng cổ ở đây có bốn cụm. Cụm trung tâm là Lạt Thẳm, nằm về phía đông sân bay Bản Áng 400 mét. Ở đây có một hang đá hình bát úp với một nửa lộ thiên và một cửa mở ra trước mặt núi. Đường kính của hang cao và rộng chừng bốn mét. Đây có thể là hang thiêu người, hoặc cũng có thể là nơi ở của tù trưởng, với dấu vết nửa thiên nhiên, nửa nhân tạo. Chum nằm ngang ngửa quanh cửa hang giữa một bãi núi ngang dọc hơn 600 mét. Hàng trăm chum nhỏ cao độ một mét, một mét hai, rộng gần một mét. Trên sườn núi hơi cao có đá lớn là một bãi chum lớn. Lòng chum đục sâu vào các tảng đá, miệng rộng từ một mét hai đến một mét rưỡi. Chiều sâu có chum từ một mét rưỡi đến hai mét. Không may rơi vào chum, tay không một mình khó lên nổi; đáy chum còn ăn sâu vào lòng núi. Lạt Thẳm có thể là thủ đô của một bộ lạc xưa. Có ngời nói là vùng đất của bộ lạc Chậu Chương. Ngoài cụm trung tâm còn có ba cụm chum, mỗi cụm gồm năm, sáu chiếc đặt ở ngã ba đường rừng từ Bản Ban đi Cánh Đồng Chum; một cụm trên đồi ở vùng núi Bảy Hay, chặn đường vào Xảm Thông - Long Chẹng; một cụm nữa ở trên chỏm Phụ Thing, đường đi Viên Chăn. Chúng tôi nghĩ đây có thể là các điểm tiền tiêu bảo vệ bộ lạc vì đều cách trung tâm từ 50 đến 70 ki-lô-mét.

Có nhiều thuyết nói về chum như là chum ủ rượu làm ma chay, chum rượu khao quân… có lẽ chum đựng rượu, đựng nước thời bộ lạc Chậu Chương là có lí.

“Thuốc phiện Phu Khe, nước chè Phu Xản”. Đây là hai đặc sản của Xiêng Khoảng đã đi vào cuộc sống và thi ca của địa phương. Phu Khe nằm gần thị xã của Xiêng Khoảng, đất tốt, thuốc ngon đến mức người H’mông từ Keo Xẹt cách gần hai ngày đường mà hàng năm vẫn dắt ngựa, cõng con đến Phu Khe hạ trại, xin một đám đất núi trồng thuốc phiện. Còn chè Phu Xản, thời thuộc Pháp, nhiều nhà kinh doanh đã chiết giống chè tuyết ở đây đem trồng ở nông trường Noọng Pết, Noọng Nậm. Trong những năm đánh Mĩ, trèo lên đỉnh Phu Xao (2.305) quanh năm sương mờ mờ, mây phủ, tôi đã được uống loại chè tuyết do các chiến sĩ tình nguyện chế biến còn ngon hơn hương vị chè Phu Xản. Uống xong lưỡi còn vương mãi vị ngọt. Từ đó lính ta đã bổ sung cho Xiêng Khoảng là “thuốc Phe Khe, chè Phu Xản - Phu Xao”.

Xiêng Khoảng có mỏ sắt lớn, có ngọc, có bạc, có đồng. Nhân dân địa phương có nghề luyện thép giỏi, có nghề trồng dâu nuổi tằm, làm giấy gió, làm ô giấy, nuôi cá nước ngọt. Gần đây đã phát hiện và bắt đầu khai thác một số mỏ than để nung vôi, gạch ngói và phục vụ cho các nghề thủ công khác. Đặc biệt Xiêng Khoảng còn nhiều nguồn nước có thác mạnh sẽ là nguồn thủy điện phong phú.

Những đồng cỏ bao la của các huyện Noỏng Hét, Mường Mộc, Mường Khun, Mường Khăm, Mường Pẹch, Mười Xủi, nếu được tổ chức chăn nuôi trâu, bò đúng kĩ thuật mới, lại được chế biến tốt thì sẽ tạo được một nguồn thịt xuất khẩu lớn, một mũi nhọn kinh tế của một tỉnh miền núi.

Trung tâm văn hóa Mường Phuôn là đây. Còn với dân tộc H’mông, đế quốc Mĩ nuôi hi vọng lợi dụng đặc tính giỏi đánh rừng để lập vương quốc Mẹo, xây dựng lực lượng nòng cốt cho “đội quân đặc biệt Hi Mã Lạp Sơn” của vùng Đông Nam Á, phục vụ cho âm mưu nô dịch lâu dài và các dân tộc trong vùng.

Xiêng Khoảng là một tỉnh đa phần dân tộc ít người. Theo điều tra năm 1985, toàn tỉnh có hơn 16 vạn dân với 30 bộ tộc, gồm người Lào chiếm sáu vạn rưỡi, người H’mông hơn năm vạn rưỡi, người Thay hơn hai vạn và Kha Mú một vạn rưỡi, cùng một số bộ lạc khác.

Khi Mĩ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở Lào, người H’mông bị chết chóc, hao tổn vì bom đạn, vì bệnh tật, đói khát nhiều nhất. Thật là đau đớn khi phải nhìn cảnh vì bị đế quốc nhồi nhét lòng tị hiềm dân tộc, mà người một nước lại bắn giết nhau vì đồng tiền đánh thuê của Mĩ. Bao giờ sự thật được vạch ra, bao giờ các dân tộc Lào nghe theo lời của Đảng(1) mà chấm dứt cảnh nồi da xáo thịt này?

Nhớ về những năm tháng đánh Mĩ ở Cánh Đồng Chum, tôi muốn kể lại một số sự kiện và những con người đã xông pha lặn lọi bao khúc sông, ngọn suối, leo qua bao núi cao, rừng hiểm - những con người mà chiến công của họ đáng được trân trọng, mến yêu, Lào cũng như Việt đã gắn bó với bản làng, với đất nước, những người mà mồ hôi và xương máu đã đổ xuống, những người đã trở về và cả những người không bao giờ về để tô thắm thêm tình hữu nghị chiến đấu của hai dân tộc, hai quân đội Việt- Lào nghĩa nặng tình sâu. Ước muốn thì nhiều nhưng khả năng, trí nhớ của bản thân có hạn, trong khi những sự kiện, nhân chứng đề cập ở đây đã lùi xa. Hơn thế, đây cũng chỉ là những điều ghi nhớ và phát biểu đầu tiên, mong được các đồng chí và đông đảo bạn đọc bổ sung, sửa chữa. Tấm gương chiến đấu của những anh hùng, dũng sĩ, sự nghiệp đất tranh của hai dân tộc Lào - Việt là vĩnh viễn không thể phai mờ và phải được con cháu đời đời tô thắm.


(1) Đảng Nhân dân cách mạng Lào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 08:14:13 am »

I. VÀO CUỘC

Mùa đông năm 1961, chiếc máy bay thuộc phi đoàn vận tải Liên Xô giúp Lào đổ tôi xuống sân bay Bảng Áng (Cánh Đồng Chum), nơi số phận cột chặt tôi suốt cuộc kháng chiến chống Mĩ của hai dân tộc Việt - Lào. Vào sở chỉ huy A10 (tên mật của cơ quan chuyên môn quân sự Việt Nam tại Lào), gặp các đồng chí Lê Chưởng và Hoàng Sâm, tôi được giao nhiệm vụ Phó tham mưu trưởng A10, giúp Chính phủ Liên hiệp kháng chiến của hai pháo Neo Lào Hắc Xạt và Trung lập Phu-ma. Gặp hai thủ trưởng vốn đã quen biết, tôi tự nhủ: hai vị “Lão tướng” này tuy có nóng tính, nhưng đã dạn dày hoạt động cách mạng và rất độ lượng. Mình sẽ học được ở hai cụ nhiều điều, tận tuy công tác, xông xáo, nhưng chớ hấp tấp chủ quan. Đồng chí Năng, người bàn giao công tác cho tôi còn dặn lại: chớ bảo thủ; cãi cọ nhiều với các cụ, sẽ mệt đấy!

Thời cuộc ở Lào lúc đó đang nửa hòa nửa chiến. Tuy đã buộc phải ký Hiệp nghị Na Mon, nhưng đế quốc Mĩ và tay sai vẫn còn tiếc rẻ nên lửa chiến tranh chưa tắt hẳn. Ở Trung Lào, chúng giành giật, lấn ra đường số 9, đường số 12. Trên đất Xiêng Khoảng, địch tiến công Pha Thơm, Pa Đông, Tom Tiêng; nơi cướp gạo, cướp trâu, nơi giành dân, bắt lính, ra sức phát triển lực lượng đặc biệt Vàng Pao quanh địa bàn đường số 7, số 6, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa.

Ở Bắc Lào, địch tập trung giành giật vùng Na Tơi, Na Mỏ, Nậm Thà. Chính nơi đây quân dân Lào được lực lượng Việt Nam hỗ trợ, Trung Quốc, Liên Xô tiếp tế, làm nên chiến thắng Nậm Thà lịch sử (1962). Chiến thắng Nậm Thà là thất bại mở đầu trong âm mưu xâm lược Lào của đế quốc Mĩ. Nền độc lập trung lập của Lào được Hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ năm 1962 công nhận và một Chính phủ Liên hiệp ba phái do Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma làm Thủ tướng được thành lập.

Chấp hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, ngày 25 tháng 9 năm 1962, theo lệnh của trên, tôi dẫn đầu đoàn cán bộ tình nguyện và chuyên gia Việt Nam cuối cùng rút khỏi Cánh Đồng Chum.

Về đến Hà Nội, anh Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng giao cho tôi thành lập Phòng 962 trực thuộc Bộ để theo dõi tình hình Lào, giúp Bộ nghiên cứu giải quyết những vấn đề cấp thiết mà bạn Lào yêu cầu và theo sát những âm mưu, hành động mới của đế quốc Mĩ đối với Lào. Anh Tấn nói: “Ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, nhưng đế quốc Mĩ trước thất bại cay đắng này chúng chưa cam chịu và đã bắt đầu phá. Cuộc leo thang chiến tranh của Mĩ ở miền Nam nước ta chắc chắn sẽ kéo theo tình hình Lào… Cậu bàn với Cục Cán bộ rút mộ số chuyên gia và tình nguyện cũ, lập lại bộ phận nhẹ 10 đến 15 người, có thể gọi tắt là “phòng C” của Bộ, xây dựng chức trách, nền nếp cho anh em. Cậu là người đã quen phải giúp cho mình việc này đã!”.

Sau một tháng, ổn định xong tổ chức, tôi cùng Lê Văn là chuyên gia chính trị Tây Bắc, có gửi hơn 200 chuyên gia dự trữ đi học trường văn hóa Lạng Sơn, đưa một số để bổ túc chính trị, quân sự và tiếp nhận số cán bộ của lực lượng Neo Lào Hắc Xạt và Trung lập đi học các trường quân sự của Việt Nam.

Tôi nhớ mãi cuộc nói chuyện với anh Tiến - Chính ủy trường Sĩ quan Pháo binh về khối học sinh Trung lập ở trường này. Anh nói: được nhận nhiệm vụ quan trọng này, chúng tôi đã hứa với Bộ sẽ giúp bạn học thật tốt. Riêng việc ăn uống của anh em, cúng tôi đã tận tâm phục vụ. Ăn ngày hai bữa xôi, một bữa cơm mà lo cho đủ nếp ngon đã là khó! Xôi vò, xôi lạc, xôi đỗ xanh, đỗ đen, xôi gấc…, xôi gì anh em cũng chê. Thậm chí có anh nói với “Việt Nam xã hội chủ nghĩa gì mã cứ bắt ăn độn mãi!”.

Nghe anh Tiến nói vậy, tôi bật cười và giải thích người Lào thích và quen ăn xôi trắng. Các loại xôi vò, xôi đỗ của ta họ không quen nên cho là độn. Tốt nhất từ nay cứ cho ăn xôi trắng là vui vẻ cả. Cần để phiên địch giải thích cho anh em.

Nghe vậy, anh Tiến cười rũ ra.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 08:15:15 am »

Đoàn đại biểu Nhà nước Lào do vua Xi-xa-vang Vat-tha-na và Thủ tướng Phu-ma dẫn đầu đi thăm các nước có tham gia kí Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào vừa đến Viên Chăn thì ngay đêm chiêu đãi đầu tiên, lực lượng tay say Mĩ đã đón đường ám sát ông Ki-nim Phôn-xê-na khi vừa xuống xe bước vào nhà. Ông Ki-nim Phôn-xê-na là lãnh tụ phái Trung lập yêu nước, một dòng họ có tên tuổi, người thực sự tài năng và có uy tín lớn, có quan hệ mật thiết với Neo Lào Hắc Xạt. Giết ông Ki-nim, Mĩ hòng đe dọa, lôi kéo ông Phu-ma và lực lượng Trung lập ngả theo phái Hữu, hòng “dùng hai đánh một”, phá Hiệp định Giơ-ne-vơ, phá Chính phủ Liên hiệp, chống lại Neo Lào Hắc Xạt và những người yêu nước khác. Hành động trắng trợn của đế quốc Mĩ và tay sai buộc mọi người phải cảnh giác, phải bảo vệ các đại biểu của Neo Lào Hắc Xạt có chân trong Chính phủ Liên hiệp, nhất là Phó thủ tướng Hoàng thân Xu-pha-nu-vông.

Phối hợp với việc tăng cường chiến tranh leo thang ở miền Nam Việt Nam, Mĩ gấp rút đưa thêm sĩ quan phản động xen vào, chia rẽ, khủng bố những người yêu nước trong lực lượng Coong-le, chuyển dần một lực lượng quân phái Hữu đến Xiêng Khoảng chuẩn bị một cuộc tiến công bất ngờ đẩy lực lượng Neo Lào Hắc Xạt ra khỏi Cánh Đồng Chum trong mùa mưa năm 1963. Tình hình ngày càng xấu. Sau này qua một vài cán bộ của bạn, tôi được biết: sau khi tính toán kĩ, Thủ tướng Phu-ma đã tổ chức một chuyến bay cùng Hoàng thân Xu-pha-nu-vông ra giải quyết công việc ở Cánh Đồng Chum. Xong công việc, để đề phòng mọi bất trắc, Hoàng thân anh trở về Viên Chăn, Hoàng thân em ở lại Khăng Khay.

Khi nói về đảng phái thì chưa phải đã hết gay cấn, song chuyển sang tình anh em thì phải biết tận dụng hết lợi thế này. Đây là cái hay, cái riêng mà Đảng Lào đã khéo vận dụng một cách tài tình.

Lúc này, tình hình chính trị, quân sự ở chiến trường miền Nam Việt Nam rất sôi động. Tôi lại nhớ về những kỉ niệm cũ của chiến trường Trị - Thiên. Xa cách đã 10 năm, mảnh đất thân thương và những con người đã nuôi mình, đào luyện giúp mình trở thành một cán bộ chỉ huy. Tôi ước ao có được ngày về cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu trên chiến trường xưa, góp chút sức mình giải phóng quê hương yêu dấu.

Tháng 9 năm 1963, tôi được lệnh bàn giao Phòng 963 cho Lê Văn để về trường bổ túc văn hóa Quân khu 4. Khi đến chào anh Lê Trọng Tấn, anh dặn: “Về đấy học văn hóa hay giúp việc gì là tùy Quân khu phân công, nhưng thu xếp sẵn sàng đề khi chuẩn bị chiến trường miền Nam, mình sẽ đem cậu đi cùng…”. Sung sướng quá, càm được quyết định là tôi đi ngay chuyến xe lửa trong đêm.

Đến Quân khu, ra mắt Tư lệnh Quân khu - Nam Long và Chính ủy Hoàng Văn Thái, tôi được giao quyền Tham mưu trưởng Quân khu, thay anh Bùi Sinh đi học. Nhận công tác, tôi lao vào việc huấn luyện và trang bị cho một tiểu đoàn chuẩn bị đi Nam với hi vọng được trở lại chiến trường cùng đơn vị này.

Đầu tháng tư, sau một buổi giao ban, Tư lệnh Quân khu Nam Long đưa tôi xem bức điện ngắn của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng gửi Quân kihu: “Cho đồng chí Bình Sơn bàn giao công tác ngay. Sẽ có phái viên của Bộ vào truyền đạt nhiệm vụ đi công tác xa”. Đọc bức điện, tôi thấy băn khoăn, nửa mừng nửa lo. Mong là chắc chắn được ra mặt trận, nhưng lo là có thể không được đi theo anh Lê Trọng Tấn. Cái ước vọng vào Nam trực tiếp đánh Mĩ e không đạt!

Chiều hôm sau, đoàn của Lê Văn đến. Trông thấy Lê Văn, tôi biết ngay là đi Lào rồi. Không phải chờ đọc quyết định, tôi tự an ủi: thế là số phận đã quyết!

Thực lòng, tôi muốn được vào Nam đánh Mĩ; nguy nan gian khổ, chia ngọt sẽ bùi quen rồi. Nay sang đất bạn lại làm chuyên gia, mọi cái đều phải nghiên cứu, nhiều chuyện phải làm lại từ đầu: chiến tranh nhân dân trên đất bạn, giúp công tác mặt trận liên minh quân sự giữa hai lực lượng vũ trang Neo Lào Hắc Xạt và Trung lập yêu nước, vấn đề giải quyết phỉ vùng dân tộc…

Thế là “vào cuộc” từ đây, ở một lĩnh vực công tác khác. Cũng đánh Mĩ nhưng mà làm chuyên gia quân sự giúp bạn.

Đoàn chuyên gia được thành lập. Tôi được chỉ định là đoàn trưởng, Lê Văn làm chính ủy. Giúp hậu cần có Tả Đảo. Điện đài có Thành đài trưởng và Nhự cơ yếu đã có kinh nghiệm độc lập, thái độ công tác khá kiên nhẫn. Chuyên gia đơn vị có Danh và Tín giúp Tiểu đoàn 2. Chuyên gia Tiểu đoàn 1 có Tình và Mai (với biệt hiệu Mai đen). Chuyên gia Tiểu đoàn 24 là Phúc và Thưởng, Tiểu đoàn 13 có Ngoại. Giúp Tiểu đoàn 500 có Trà, giúp Pa Chay có Nhất và Tứ; giúp pháo binh lúc đầu chỉ có Nghĩa (tức Nghĩa lé). Đến Khăng Khay sẽ có thêm Trương Đình Toàn tham tán quân sự, Hoa Thành tuyên truyền báo chí, Thanh chuyên gia xe. Tổ chuyên gia tỉnh đội có Tăng, Mão và Nhai đài trưởng thông tin.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 08:15:50 am »

Sắp xếp cho anh em xong đâu vào đó, tôi về nhà tạm biết gia đình để lên đường.

Phải chia xa gia đình, cũng như bao người tôi không dễ gì gạt bỏ được tâm trạng lưu luyến bịn rịn. Bé Hà Lương - con gái đầu lòng không muốn rời tay tôi. Sau khi động viên vợ vài câu như một chút bản năng, tôi vột vã chia tay người thân. Đoàn phải đi gấp theo đường số 7, để đuổi kịp Quân khu trưởng - tướng Phun-xi-pa-xớt và Tiểu đoàn 2 anh hùng từ Sầm Nưa được tăng cường cho Cánh Đồng Chum. Hành quân càng về trưa, nắng càng gắt, đường thêm nhiều gió, cát. Đến Khe Choang huyện Con Cuông, chúng tôi ghé vào khu doanh trại cũ của Tiểu đoàn 925 thăm Tiểu đoàn 2, thăm hỏi sức khỏe của của anh em, thăm đồng chí Nhưm chính trị viên tiểu đoàn và tiểu đoàn phó Xiêng-tao, thăm Tín, Danh, Quyên. Được tin đồng chí Phu-xi-pa-xớt đã đi thẳng lên biên giới, đoàn phải đi luôn. Chiều hôm sau, xe đến Nậm Cắn. Chúng tôi gặp đồng chí Phun-xi-pa-xớt ở doanh trại đơn vị biên phòng Nậm Cắn. Anh Phun dáng người tầm thước khỏe mạnh. Bộ râu rậm cạo nhẵn làm khuôn mặt anh khiêm nhường dễ mến. Tôi chưa làm việc nhiều nhưng đã được gặp anh trong các cuộc đón tiếp, hội họp ở Cánh Đồng Chum năm 1963. Gặp anh, tôi nhận ra ngay phong độ của một con người luôn trầm tĩnh, thận trọng, một nhà quân sự đánh Pháp từ Hạ Lào, một nhà ngoại giao chặt chẽ và sắc sảo mà các sĩ quan Trung lập và phái Hữu đều phải nể bởi sự nhạy cảm và cẩn thận trong tiếp xúc.

Chúng tôi trao đổi qua về chương trình hoạt động trong mấy ngày đi đường và phải đợi thêm một ngày nữa cho đoàn xe vận tải quân sự chở Tiểu đoàn 2 và gạo, đạn.

Đồn biên phòng Nậm Cắn đặt giáp đường biên giới giữa hai vùng khí hậu khác nhau. Bên Việt Nam là nắng hanh, cát bụi, lúc nào cũng hầm hập nóng. Ai qua suối cũng đều muốn nhảy xuống tắm. Trái lại, bên đất Lào ban ngày nổi giông, chiều tối đổ mưa.

Cùng dựa vào Trường Sơn nhưng Nghệ - Tĩnh thì bước vào nắng hạ, ngược lại Xiêng Khoảng - Cánh Đồng Chum lại bắt đầu mùa mưa.Đây là bài học đầu tiên mà người chỉ huy quân sự phải biết để tính toán trang bị và kế hoạch hoạt động cho thích hợp.

Ngày đoàn xe vận tải đến Nậm Cắn thì trời quang mây tạnh. Chúng tôi tiến hành đổi xe. Tổ xe con quay về Hà Nội. Đoàn chuyển sang hai chiếc xe tải. Đường số 7 lúc này quang đãng, sạch sẽ. Mặt đường bằng phẳng dễ đi vì vừa được hơn nghìn công nhân Việt Nam khởi chữa từ tháng 7 năm 1962 và hoàn thành vào tháng 2 năm 1963; chỉ có điều khi công nhân rút, thiếu người bảo vệ nên phỉ lại ra hoạt động.

Vượt biên lúc 16 giờ trên đoạn đường chỉ hơn 25 ki-lô-mét mà 20 giờ xe mới vượt đèo Đỉnh Đàm đi qua thị xã Noỏng Hét. Phố xá nhà tranh vách đất xen kẽ phên gỗ, thưa thớt, chỉ có bóng dáng một vài chiến sĩ Pa-thét và một số thanh niên người H’mông đi chơi đêm. Tiếng khèn, tiếng đàn mỗi lúc dồn dập, lúc réo rắt, nỉ non. Dù sao giữa rừng heo hút mà được thế cũng ấm lòng chiến sĩ đôi chút. Xe từ từ vượt đèo Khăng Pha Niên, Dốc Chuối lên Pha Khe. Phỉ hay qua lại vùng này nên qua đoạn Pha Khe - Hội Xuổng có đại đội Pa Chay chốt và tuần phòng. Trăng sáng, ngồi trên xe nhìn xuống vách đèo thăm thẳm, lòng hơi rờn rợn. Vô phúc xe mà đổ thì không biết nó sẽ dừng lại ở điểm nào và ở vòng thứ mấy.

Đến Huội Xuổng, vì cán bộ đi liên lạc với đại đội Pa Chay chưa về nên đoàn tạm dừng. Lúc đó đã là 2 giờ sáng. Sương xuống hơi dày, đỉnh đèo cằng giá rét đậm. Tôi xuống xe đi kiểm tra từ đầu đoàn xe, đến điểm cảnh giới tiền tiêu, nơi nào cũng nghe khò khè tiếng ngáy. Lính ta hành quân cơ giới bốn - năm ngày rồi nên anh nào cũng rã rời lưng, gối. Tôi đánh thức tổ cảnh giới dậy, lấy thuốc lá cho anh em hút và động viên vài câu nửa Lào nửa Việt cốt quấy cho anh em chóng tỉnh ngủ. Anh em Pa Chay đề nghị cho đoàn ngủ tại chỗ đến sáng lại đi vì đường lên Đèo Đất, Nậm Tiên chưa liên hệ được với bộ đội tỉnh ở Bản Ban.

Trở lại xe, tôi suy nghĩ mái về câu hỏi “Vì sao Coong-le phản lại mặt trận liên minh nhanh thế?”.

Tôi nhớ lại trước đây, khi bàn bạc giữa đại tá Đươn và trung tá Koong-xỉ chuẩn bị cuộc họp tryền thống của Ủy ban đảo chính tiểu đoàn dù 2, đề cập tới “con người của Coong-le”, các thành viên Ủy ban đều ôn lại nguyên nhân nổi dậy là nhờ phong trào nhân dân và đường lối đấu tranh bảo vệ hòa bình, đòi dân sinh, dân chủ cho đất nước, chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ, bảo vệ hai tỉnh tập kết của Neo Lào Hắc Xạt.

Được sự cổ vũ, đồng thời cả áp lực của sĩ quan và binh sĩ tiểu đoàn dù 2, sau một thời gian do dự, Coong-le nhận chức Chủ tịch Ủy ban đảo chinh, nhưng cái quyết tâm cao của Coong-le còn phải nhờ một giấc mơ đặc biệt; Coong-le nằm mơ thấy mình đang lái chiếc xe Jép đi chơi giữa đồng cỏ đồng cháy. Lửa bao vây xe buộc Coong-le phải phóng ngược theo đường lên dốc núi. Anh ta hốt hoảng tưởng không thoát được, song lạ thay xe lao lên dốc băng băng vượt qua được bãi cháy. Thế là ngày hôm sau Coong-le tin là có trời phật phù hộ mình nên hăng hái tin cuộc đảo chính sẽ thành công. Nói hăng hái nhưng đến giờ phút sắp nổ súng thì Coong-le vẫn chưa về, đến nõi Ủy ban đảo chính một mặt vẫn giao cho tiểu đoàn phó Đươn với chân Phó chủ tịch sẵn sàng chỉ huy thay Coong-le. Mặt khác phái người đi tìm và gần 24 giờ mới kéo được Coong-le từ xóm gái điếm về để kịp giờ nổ súng.

Tôi còn nhớ một chuyện: vào tháng 8 năm 1962, Đại sứ của Tiệp Khắc ở Khăng Khay được quân tình nguyện Việt Nam kéo giúp chiếc Von-ga đen từ Hà Nội lên theo đướng số 7. Tuy có va quệt sứt sẹo đôi chút do đướng xấu, xong rửa xạch lau bóng thì chiếc Von-ga của ông ta vẫn thành “hoa hậu làng xe” của thành phố kháng chiến Khăng Khay. Thế là Đại sứ bèn thuê một đêm nhà hát Khăng Khay, mời bằng được ông tham mưu cơ quan A10 và trung đội hộ tống xe ra xem cuốn phim giới thiệu các công trình kiến trúc cổ kính của Pra-ha, gọi là “để cho Đại sứ được cảm tạ tấm lòng nhiệt thành, vất vả của anh em”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 08:16:26 am »

Trong khi ngài Đại sứ đang say sưa giới thiệu cho khách thì đám thiếu niên ngoài phố tràn vào cửa nách nhà hát chiếm chỗ ngồi. Lúc đầu thì ngồi phía sau, dần dần các chú nhóc lên gần sát dãy ghế của Đại sứ. Thấy lộn xộn quá, tôi quay lại nhận ra trong đám nhóc có một anh chàng hơi kì cục. Anh ta mặc một bộ đồ dệt kim đông xuân màu xanh đã phai vàng (hàng viện trợ Trung Quốc phát làm đồ lót mùa đông chiến sĩ), đầu đội một cái mũ phở lính ngụy đã nhàu, mặt mũi đầy râu ria, đây chính là Coong-le. Ngay lúc đó ngài Đại sứ cũng thấy và ông vội hỏi “Có phải Coong-le không?”. Tôi trả lời đúng. Ngài đại sứ vội vàng đứng dậy mới Coong-le và nhờ tôi đả thông anh em nhường một chỗ ngồi cho Coong-le. Thế là sau một hai phút hơi lộn xộn ở dãy ghế đầu, bộ phim tiếp tục chiếu.

Ở trung tâm dãy ghế đầu, biên trái là ngại đại sứ to cao, trang phục đứng dắn, bên phải là tôi cũng trang phục nghiêm chỉnh. Còn Coong-le ngồi giữa, trang phục nhom nhem (trang phục ngài hay dùng để chuồn đến thăm các em ở làng điếm phố chợ). Bỏ mũ ra thấy trơ quá, ngài đành phải chụp lại chiếc mũ phở vào đầu. Lúc đó tôi đánh phải ngồi im, dán mắt ào màn ảnh để tỏ thái độ tôn trọng buổi chiêu đãi phim của ông Đại sứ; lâu lâu liếc qua thấy ngài Coong-le nhoẻn nụ cười nhăn nhó.Không hiểu ngài cười chữa thẹn hay cười vì xấu hổ!

Nhớ lại cảnh này, tôi cứ nghĩ nếu có một nhà quan sát với con mắt hài hước một tí, họ sẽ cho là “Ông đại sứ và khách của ông đã rộng rãi nhường cho chú hề ngồi giữa, quả là một kiểu ăn chơi quá sang!”.

Do quen biết và tiếp xúc với nhau một năm rồi nên Coong-le tâm sự với tôi để thông cảm: “Ở Lào phái người cũ như chúng tôi chơi và mắc bệnh gái… thì từ các nhân viên trong chính phủ cũ cho đến cả thủ tướng đều như vậy hết!”. Thấy người nghe không phản đối Coong-le lại khoe là “nhờ trời phật ủng hộ nên ở địa vị nào tôi đi đâu đều được trọng vọng. Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô và cả các nước tư bản ai cũng tin tôi. Còn cái chân Thủ tướng của ông Phu-ma chẳng qua vì lúc đảo chính xong tôi chỉ quen “việc lính” còn “chủ nghĩa” và “rồi pháp luật, rồi nhà nước” chưa quen nên tôi nhường cho ông Phu-ma, thế mà ông ta không biết điều. Nhiều lúc ông Phu-ma còn dám mắng mỏ khinh nhờn chúng tôi, song ông ấy làm Thủ tướng dở lắm. Nếu để tôi làm thì chắc chắn giỏi hơn!”. Nghe thế tôi nghĩ ông này hóa ra cũng kiêu căng cũng rất rất ngây thơ, nhưng những ảo tướng này có khi lại nguy hiểm chứ không đơn giản.

Tôi nhớ hai ý kiến phát biểu rất hay của đồng chí Lê Chưởng với chuyên gia đoàn A10 lúc khi tập kết về nước. Đồng chí nói: Theo tôi chuyên gia chúng ta phải thấy rõ điều kiện lịch sử cách mạng đòi hỏi mà Neo Lào Hắc Xạt lại chưa đủ cán bộ nên ta phải đến giúp bạn làm công tác vận động quần chúng trong lực lượng Trung lập một thời gian. Đây là thực hiện công tác mặt trận (vận động và cải tạo quần chúng) thực hiện linh minh quân sự giữa hai lực lượng: Pa-thét Lào và Trung lập. Trung Quốc có chuyện “Quốc - Cộng hợp tác” đã phức tạp song chỉ phức tạp giữa hai phái người Trung Quốc. Còn ở đây ngoài hai phái chính là người Lào, chuyên gia chúng ta vào đây là người Việt nên phức tạp khó khăn còn cao hơn. Làm được là vinh quang, song gian khổ sẽ không phải là ít.

Ý kiến thứ hai của đồng chí là: Chưa biết đã nên phát biểu vội chưa, nhưng với những con người trong nhóm hẩu với Coong-le thì phải coi chừng. Có khi chính trị nhiều lại thua chính trị ít, ngoại giao ít lại hơn ngoại giao nhiều.

Thấy anh em tỏ ra chưa hiểu, đồng chí nói thêm: vì sau lưng Trung lập Coong-le có Mĩ, có CIA…

Sự kiện xảy ra hiện nay chính là do bàn tay của Mĩ đã nắm “bản chất lính tẩy” không cải tạo được của Coong-le mà dùng tiền, dùng gái và dùng số phản động vây quanh Coong-le như trung tá Su-lê-đệt sĩ quan xe tăng gian hùng, trung tá Xĩng tiểu đoàn dù số 2, chuyên đánh bốc và cờ bạc, trung tá Phỏng một lính pháo cờ bạc, trai gái và rượu chè… CIA đã kéo được con người không bản lính là Coong-le chạy theo bọn phái Hữu, gây lại cuộc chiến tranh huy đệ tương tàn này.

Tuy vậy, ta còn có những người nòng cốt quan trọng của Ủy ban đảo chính cũ như đại tá Đươn và trung tá Coong-xỉ. Đại tá Đươn nguyên là trung úy đại đội trưởng mũi nhọn của tiểu đoàn dù 2, lúc đảo chính là tiểu đoàn phó, Phó chủ tịch Ủy ban đảo chính. Đại tá Đươn người ở đồng bằng Viên Chăn, khỏe mạnh, tháo vát và gan dạ, được anh em tín nhiệm. Từ năm 1957, sau một hai lần bị chính phủ phản động theo Mĩ điều đi ngăn cản một vài cuộc biểu tình đòi dân sinh, dân chủ của nhân dân, anh đã thấy được bộ mặt thật của bọn xâm lược Mĩ là rất nguy hại. Về nhà, được gia đình, nhất là chị vợ, người có quan hệ tốt với cán bộ cách mạng Lào nhác nhở khêu gọi nên khi được anh em ủng hộ là đại tá Đươn rất hăng hái. Chính đại tá Đươn là người đã cưỡi chiếc máy bay nhỏ bay liều sang Việt Nam (chưa xin phép trước) hạ xuống sân bay Bạch Mai xin viện trợ của Việt Nam. Cùng với đại tá Đươn là trung tá Coong-xỉ người thanh nhỏ, nhanh nhẹn, nguyên là trung úy hậu cần, anh có quan hệ rộng rãi trong nhân dân, nhất là tầng lớp buôn bán và thợ thủ công, được tiếp xúc với cán bộ Neo Lào Hắc Xạt. Có thể nói anh là ngọn cờ chính trị của tiểu đoàn, là đầu mối liên hệ chặt chẽ với Neo Lào Hắc Xạt và kiên quyết chống bọn phải Hữu, đoàn kết được đơn vị. Bọn phái Hữu thấy thế cố bắt và ám hại anh, nhưng do thiếu chứng cớ và bị dư luận phản đối, chúng buộc phải thả. Sau khi được thả về, tham gia trong Bộ chỉ huy Trung lập yêu nước, anh là Phó tư lệnh chính trị cũng còn hai Phó tư lệnh đắc lực, một giúp về hành chính, dân sự và huấn luyện là đại tá Thẩu, dong dỏng cao, hiền lành, nhưng quan điểm rõ ràng, thái độ khiêm tốn, để đoàn kết và trung tá Thiệp mà sau này sẽ nói nhiều trong chiến đấu.

Giữa cánh vắng lặng của đêm khuya trên đèo, tôi thấy nhớ anh Chưởng, ước gì lúc này được tâm sự với anh!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 08:17:34 am »

Trưa hôm sau, xe đến Nậm Tiền. Đồng chí U-đôm lúc đó đang làm đại đội trưởng Đại đội 123 của tỉnh ra đón đồng chí Phun-xi-pa-xớt báo cáo tình hình.

Đường qua Bản Ban yên tĩnh, nhưng trong phố, trong các bản như Nhọt Cưa, Hương Nùa, Hương Tộ, bọn “bảo vệ quyền lợi quốc gia” và quân trung lập phản động, phản tuyên truyền chia rẽ, phá phách. Còn ở Phu Nốc Cố, một đại đội phỉ có súng cối 81 đang bao vây tiến công đại đội Pa Chay của tiểu đoàn Pa Xợt. Chiều hôm qua chúng còn dùng súng cối bắn chặn đường ô tô. Nếu xe đi thì cũng tối mới lên đèo. Vì vậy trong cán bộ có người muốn đi ngay, có người lại đề nghị để sáng mai đi, qua đèo giữa ban ngày đáng hoàng hơn. Xét thấy nằm lại sẽ mất tính bất ngờ, phỉ biết lại chặn đường, đặt mìn quấy phá phức tạp, đồng chí Phun-xi-pa-xớt thống nhất với chuyên gia bố trí vượt đèo trong đêm. Cụ thể là đưa hai khẩu cối 82 của tiểu đoàn lên bố trí ở chân đồn Pa Chay, tính toán đạn dược và phần tử, mục tiêu sẵn có, do anh em Pa Chay hướng dẫn. Nếu phỉ dùng cối chặn đường thì cối ta tập trung kiềm chế. Xe ta cứ nối nhau mà lên. Mệnh lệnh được phổ biến đến từng xe. Súng cối và trung đội bảo vệ được điều lên bố trí.

20 giờ, đoàn xe bắt đầu chuyển bánh. Ai cũng có vẻ hồi hộp, căng thẳng, nhưng đêm đó chẳng xảy ra việc gì. Tám giờ sáng ngày 9 tháng 4, đoàn xe đã đến ngã ba Noỏng Pết. Bộ đội được lệnh sơ tán vào hai bên đường tìm chỗ kín giấu xe và nghỉ lại. Xe anh Phun về thẳng Khăng Khay. Hướng Cánh Đồng Chum rải rác đã nghe tiếng pháo ùng oàng. Chiến trường đã đến gần. Bộ đội nấu cơm ăn, tranh thủ tắm giặt và ngủ. Đến 15 giờ có xe con của Quân khu chạy đến. Nhìn chiếc Gát mui trần là thấy rõ mùi chiến trận. Tư trên xe nhảy xuống, tôi nhận ra anh Xa-mán, anh Xing-ka-pô. Hai anh chạy đến ôm hôn chuyên gia, người nào cũng ứa lệ. Anh Xa-mán trong bộ đồ vải Trung Quốc may cho chiến sĩ, chân dép lốp, nét mặt sung sướng cảm động không nói lên lời. Anh Xing-ka-pô với nét mặt cởi mở, gọn gàng trong bộ ga-ba-đin cũ đã vài nét mạng sau vai mà tôi thấy anh thường mặc khi đi ngoại giao với hầm cấp dưỡng, cũng không dằn được giọt nước mắt cảm động. Chuyện râm ra bắt đầu, anh Pô kể:

- Nào có gì đâu! “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Ta thì cố kiên trì bảo vệ Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, nhưng theo lệnh quan thầy Mĩ, lực lượng Coong-le cứ khiêu khích. Đầu tiên là liên tục chặn đường bắn xe tiếp tế vào cho quân ông Thiệp và bộ đội, công chức của tỉnh ở thị xã Xiêng Khoảng, nhằm bức hàng, đến tiêu diệt lực lượng ông Thiệp và những người yêu nước ở thị xã. Nói nhiều lần không được, ta phải trị hơn chục đứa. Tiếp đến là chúng đón đường ra sân bay bắt ông Thẩu, ông Coong-xỉ về bỏ tù ở Viêng Chăn. May xe ông Đươn chạy thoát được. Chúng còn định vây bắt cả đội bảo vệ sân bay của ta và đội công tác của đồng chí Lê Quang Đông đang giúp hàng không Lào bảo vệ và sử dụng sân bay Bản Áng. Chúng còn khủng bố tiểu đoàn pháo binh thanh niên Châu A Nu, mà độc ác nhất là việc xẻo thịt, moi gan đại úy tiểu đoàn trưởng Phóng… Nhưng chuyện nổ ra to nhất là “cuộc chiến tranh con dê”.

Nghe lạ tai, mọi người trố mắt mgạc nhiên làm cả hai anh phá lên cười.

Anh Pô tiếp:

- Giữa tiểu đoàn hậu cần của ông Coong-xỉ với đơn vị phòng nhì của thiếu tá Lường thường xảy ra nhiền lần va chạm gầm ghè nhau. Trước đó lính của Lưởng ra uy hiếp hai chú lính chăn dề (mới mười hai, mười ta buổi) định cướp bài con dê về chén. Hai chú lính nhỏ của hậu cần lại to gan bắn vào lính phòng nhì sướt qua mang tai mấy phát rồi giành dê lại. Phòng nhì tức tối làm mấy loạt tiểu liên xuyên vào nhà của hậu cần. Vốn sẵn thù địch từ lâu, cả tiểu đoàn hậu cần dưới sự chỉ huy của đại úy Lun (tức Lun-ma-la) vùng lên nổ súng ồ ạt xông vào đội phòng nhì. Từ chủ quan đến bất ngờ, thiếu tá Lưởng xách quần chạy trước, binh lính hoảng theo sau cứ vừa chạy vừa bắt, la lối om sòm. Lính cảnh sát, lính Quân khu 2 của Két-xa-nạ ở Phôn Xa Vẳn chả biết đầu đuôi cũng hoảng hốt kéo chạy; song với tập quán lính tẩy, họ cũng không quên cứ tay này nổ súng bóp cờ, thì tay kia cướp hàng hóa đồ đạc của dân phố…

Trên hướng ra Cánh Đồng Chum, bọn loạn quân băng qua Nâm Tôn, tràn qua doanh trại học viên quân sự của Coong-le làm cho số này đang ngủ trưa chẳng hiểu đầu đuôi, hoảng hốt vùng dậy, dìu vợ cõng con bỏ nhà bỏ cửa chạy tháo thân. Gà. Chó, lợn, dê, bò, ngan ngỗng dẫm đạp nhau kêu la inh ỏi như bị ma đuổi, gió cuốn.

Nghe đến đây cả đoàn lăn ra cười, cười đến trào cả nước mắt.

Đang phấn chấn, anh Xa-mán kể thêm:

- Thế là “cuộc chiến tranh con dê” đã thúc đẩy nhanh việc phân tranh giữa hai phe rõ rệt: ta giữ tuyến Đông Đàn - Lạt Thuổng - Bản Gion - Phôn Xa Vẳn - Bản Ngô - Bản Len - Bản Phạt - Lạt Buộc - Phu Xản. Quân Coong-le về giữ tuyến Bản Leo - Phu Tung - Phu Hạt - Bản Bùa - Cánh Đồng Chum - Lạt Thẳm - Phu The Neng - Bản Tôn.

Trong khó khăn chúng tôi chẳng kể gì trai hay gái, ai cũng ra cầm súng. Lớp học sinh y tá được huy động ra chốt Phu Tha Ny để bảo vệ Khăng Khay. Nay có Tiểu đoàn 2 lại có cả chuyên gia Việt Nam nữa. Thế là anh em ta sẽ vững vàng đánh bại bọn Coong-le thôi.

Tất cả lên xe cùng hai anh đi về Quân khu, dọc đường anh Pô sực nhớ lại, giật tay tôi bảo:

- Còn cái này nữa, cuộc bàn bạc của ta trước khi anh về tập kết đã thành kết quả rồi. Xe tăng, xe AM của Coong-le định lao vào tập kích Khăng Khay đã bị B40 của đại đội bảo vệ Trung ương bắn cháy một chiếc.

Số là tháng 8 năm 1962, sau khi Liên Xô giao cho Coong-le 42 chiếc xe tăng PT76 thuộc khoản viện trợ tiểu đoàn xe lội nước mà Chính phủ Liên Xô kí cho Chính phủ kháng chiến, Pa-thét Lào đòi chia, Phu-ma không chịu. Trước khi chuyên gia Việt Nam rút, anh Xi-xa-vát, anh Xing-ka-pô cùng tôi tính toán: Coong-le có 42 xe tăng mới và 35 xe bọc thép. Pa-thét Lào chỉ được một chục xe bọc thép 14/5. Lúc đó bội đội Pa-thét Lào chưa được viện trợ B40 và AK. Tôi phải xin bổ sung cho Quân khu Cánh Đồng Chum 20 khẩu B40 và 100 tiểu liên AK (điều ở Quân khu 4) để trang bị cho đơn vị bảo vệ. Đại đội bảo vệ diệt được xe tăng đầu tiên là nhờ số trang bị này.

Xe đưa đoàn về doanh trại cũ của đơn vị A10 ở chân Phu He, cạnh khu vực cơ quan Trung ương bạn.

Một giai đoạn chiến đấu mới đã bắt đầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 08:19:13 am »


Đồng chí Phun-xi-pa-xớt, Tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum giai đoạn đầu (người đứng giữa, hàng trước)
và một số cán bộ đoàn chuyên gia. Bên phải đồng chí Phun-xi-pa-xớt là
Đoàn trưởng chuyên gia Nguyễn Bình Sơn.


Đồng chí Xi-phon, Tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum giai đoạn sau (người đứng thứ tư từ trái sang)
dự hội nghị tổng kết công tác chuyên gia năm 1971, chụp hình kỉ niệm cùng đoàn chuyên gia.


Đoàn trưởng chuyên gia thăm đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân khu Cánh Đồng Chum.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Mười, 2010, 08:24:45 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 08:19:49 am »

II. CUỘC CHIẾN ĐẤU GIỮ VỮNG ĐỊA BÀN,
TẠO THẾ, TẠO THỜI CƠ

Trong cuộc ra mắt nhận nhiệm vụ trước Trung ương Cục ngày 12 tháng 4 năm 1963, tôi và Lê Văn được gặp đồng chí Nu-hác Phôm-xa-vẳn, Xu-pha-nu-vông, Phu-mi Vông-vi-chít, Phun-xi-pa-xớt. Bên Quân khu có thêm các đồng chí Xa-mán, Vi-nha-kệt, Chính ủy Quân khu; Xing-ka-pô Chum-ma-ly, Phó tư lệnh Quân khu; Xi-phon Pa-li-khăn, Chủ nhiệm chính trị; Chăm-niêm, Tham mưu trưởng, Bun-niên, Chủ nhiệm hậu cần Phía Việt Nam còn thêm anh Quang vốn là Ủy viên Ban cán sự giúp Lào làm đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa bên cạnh Chính phủ kháng chiến Lào. Anh vốn có biệt danh là Quang lé. Anh nói thông, viết thạo tiếng Lào vì đã có một thời gian dài làm thợ ở Thái Lan, ở Lào và gia nhập Đảng tại Xứ ủy Ai Lao của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tôi học tập ở anh tính kiên nhẫn, khiêm nhường trong quan hệ Lào cũng như Việt. Anh biết tôn trọng ý kiến anh em, chân tình bày vẽ những điều hay, những kinh nghiệm công tác trên đất bạn để dìu dắt lớp trẻ, lớp mới.

Đồng chí Nu-hắc Phôm-xa-vẳn thay mặt Trung ương bạn ở Mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng nói chuyện với chuyên gia. Đồng chí nói:

- Chúng ta kiên trì hòa bình, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vư, bảo vệ Chính phủ Liên hiệp, nhưng đối phương do Mĩ giật dây đã trắng trợn phá hoại hòa bình, ngăn cản thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, khủng bố những người yêu nước trong lực lượng Trung lập, chia rẽ khối đoàn kết giữa Neo Lào Hắc Xạt với lực lượng Trung lập. Coong-le đã theo Mĩ tách khỏi chúng ta, lập ra khu chỉ huy riêng, rước bọn tay chân CIA là tướng E-tam cùng vào đặt trụ sở ở Mường Phàn. Thế là Coong-le đã phản bội chúng ta, chống lại những người Trung lập yêu nước, bắt tay với bọn phái Hữu, thi hành mệnh lệnh của Mĩ, kéo đất nước trở lại cảnh nồi da xáo thịt.

Sự kiên nhẫn đã đến giới hạn. Chống lại kế hoạch leo thang chiến tranh của Mĩ ở Lào, trừng trị bọn phản động và phản bội, Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đã phát động chiến tranh nhân dân trong cả nước để chia lửa với Cánh Đồng Chum.

Nhiệm vụ của chúng ta lúc này là phải nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, tiêu hao, tiêu diệt nhiều địch, đẩy mạnh binh vận, phân hóa làm tẫn lực lượng Coong-le, bổ sung cho lực lượng Trung lập yêu nước do đại tá Đươn và trung tá Thiệp chỉ huy, chuẩn bị điều kiện để giành lại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng… Mĩ đang dồn các binh đoàn cơ động (GM) quân phái Hữu giúp Coong-le đánh chiếm Cánh Đồng Chum, đẩy chúng ta ra khỏi địa bàn này trước mùa mưa. Chúng ta có khó khăn nhiều mặt như quân ít, trang bị vũ khí kém, chưa đổi được súng, trận địa chưa làm. Đặc biệt do mới tập trung nên các tiểu đoàn giỏi đánh nhỏ, nhưng đánh phòng ngự, đánh tuyên truyền cơ động lớn là điêu mới mẻ. Điều này phải nhờ chuyên gia nhiều. Phải dìu dắt cho các đơn vị vừa đánh vừa học, trưởng thành nhanh chóng cả chính trị, quân sự, cả tổ chức, đời sống, giải quyết tốt hậu cần trong chiến đấu. Phải làm cho mọi người tin tưởng vào sức mạnh chính nghĩa của ta, vào đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, tin vào sự trợ lực của quân dân toàn quốc, chi viện quốc tế…

Những ý kiến sắc sảo kèm theo thái độ dứt khoát, khích lệ của đồng chí Nu-hắc làm tôi thấy ấm lòng, càng tin vào sự tất thắng của cuộc thử thách.

Đồng chí Phu-mi Vông-vi-chít với vẻ bình tĩnh, thanh thản vốn có, miệng cười chúm chím nhìn sang anh Phun rồi nhìn tôi nói:

- Các nhà quân sự đánh giỏi vào, bắt chúng phải thấm đòn quân sự để chúng tôi có dịp tốt, có thể lợi vạch mặt bọn phi nghĩa, dồn cho chúng nhiều đòn pháp lí, ngoại giao.

Hoàng thân Xu-pha-nu-vông phát biểu nhấn mạnh thêm về công tác binh vận:

- Chán chiến tranh, chống chiến tranh, đó là tâm lí phổ biến trong binh lính lúc này! Người Lào vốn trung thực, sự trung thực chủa những người sùng đạo Phật. Coong-le bắt họ làm cái việc “lừa thầy phản bạn” làm ngược đạo lí nhà Phật. Họ đã gắn bó với Pa-thét Lào 4 năm. Cũng là con em lao động bị bắt đi lính, họ đã được chúng ta chăm sóc chỉ dẫn nhiều điều. Cuôc sống dân chủ ít nhiều đã thấm vào lòng người. Đánh lại Pa-thét là trái đạo lí, họ sợ chết lắm! Ta phải nhân lúc họ bị ép buộc, đang do dự giữa ngã ba đường mà thức tỉnh họ, giúp họ chống lại bọn chỉ huy phản động hoặc kéo họ chạy về với cách mạng.

Quân phái Hữu mà bị đẩy lên dánh nhau ở Xiêng Khoảng họ càng sợ. lính đồng bằng không được rừng núi. Họ dễ chống bệnh, dễ đào ngũ. Đài Khăng Khay sẽ có bài giải thích, kêu gọi liên tục. Chỉ huy các đơn vị không nên thành kiến, xua đuổi họ chạy theo Coong-le.

Cuộc họp kết thúc nhanh và giao lại cho Bộ Tư lệnh Quân khu gấp rút quyết định các biện pháp điều chỉnh lực lượng, chuẩn bị đánh địch. Tướng Phun-xi-pa-xớt thay mặt Quân khu hứa với trung ương sẽ tổ chức và động viên bộ đội quyết đánh bại quân phái Hữu khi chúng vừa đặt chân vào Cánh Đồng Chum.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2016, 06:36:38 pm »

Được tin địch đang bắt tiểu đoàn 4 (đơn vị của trung tác Chẹng) từ Tha Thơm cùng binh đoàn cơ động 13 lên chuẩn bị đánh chiếm thị xã Xiêng Khoảng, Quân khu quyết định điều Tiểu đoàn bộ binh 24 của đồng chí Ký và đồng chí Vi-xiên đang phòng ngự vùng Bản Len lên tăng cường cho tiểu đoàn dù 1 của ông Thiệp và đại đội 128 của tỉnh. Tiểu đoàn 24 là chủ lực của mặt trận phòng ngự thị xã Xiêng Khoảng. Vì đơn vị của ông Thiệp thực chất chỉ còn hai đại đội (một bộ binh, một hỏa lực). Đại đội 2 chủ công thì rút về Khăng Khay để bổ sung xây dựng thành Tiểu đoàn 16. Còn đại đội 1 thì đại đội trưởng đã phản ông Thiệp, chạy về Mường Phà theo đại đội xe tăng của Xiêng Lạ.

Chỉ huy mặt trận thị xã Xiêng Khoảng là một ban chỉ huy chung do đồng chí Nao-tu, Tỉnh đội trưởng chủ trì và đồng chí Ký, chính trị viên; Vi-xiên, tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 24 cùng thiếu tá Thiệp và Tỉnh trưởng Xôm-vẳng.

Tôi còn nhớ khi Đại đội 2 của trung tá Ình vừa hành quân từ thị xã Xiêng Khoảng về đến Khăng Khay chưa kịp bổ sung thì được tin một đại đội quân Coong-le đang hành quân lên chiếm Phu Khôm, điểm cao bảo vệ tà xẻng Phạt. Một mặt Châm-niên đánh xe xuống trực tiếp hạ lệnh cho đại đội pháo 85 ở Phôn Xa Vẳn bắn chặn địch trước đồi Phu Khổm. Mặt khác trung úy Ỉnh nhận lệnh lên chiếm đồi Phu Khổm trước khi địch đến. May sao nhờ “đạn pháo có mắt” - nói theo câu nói đùa của lính, pháo không rơi xuống Phu Khổm mà lạc khỏi Phu Khổm khoảng một ki-lô-mét. Đại đội lính Coong-le đang nằm ngủ chờ cơm gần sân chùa Bản Ca bất ngờ bị pháo dập. Đạn nổ, bếp tan, cơm đổ; lính đứa chết, đứa bị thưởng, số còn lại tháo chạy tan tác. Chiều tối, lính địch xơ xác bò lên Phu Khổm thì bất ngờ bị ngay một trận hỏa lực của đơn vị Ỉnh. Thế là Tiểu đoàn 16 đã gặp một lần may trong chiến tranh. Đánh tan đại đội địch, chiếm giữ được Phu Khổm khi đơn vị chưa kịp bổ sung chấn chỉnh.

Trên hướng phòng ngự chủ yếu của mặt trận Phon Xa Vẳng - Khăng Khay, Tiểu đoàn 1 Pa-thét dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Mai-xinh và chính trị viên Xi-thôn chiếm lĩnh phòng ngự một tuyến dài hơn sáu ki-lô-mét từ Đông Đản đến Lạt Thuổng - Bản Ngỗi, tiếp giáp với tiểu đoàn 15 ở Ban Len.

Tiểu đoàn 1 được tăng cường hai khẩu cối 120 và được một đại đội pháo 105, một đại đội pháo 85 nòng dài của Quân khu chi viện trực tiếp. Đa số cán bộ, chiến sĩ ở đây đều là người dân tộc ở các tỉnh Hạ Lào, ở Luông Pra Băng, quen dầm mưa dãi nắng, chặt cây, làm hầm rất khỏe. Chỉ một tuần là đủ hố bắn. Hầm ngủ của tiểu đội có nắp ken gỗ dày hai lớp đất, đủ che đạn pháo 105. Tổ chuyên gia của Đại úy Tình quân sự, đại úy Mai chính trị và thiếu úy Phúc kỹ thuật đã tận tình hướng dẫn giúp tiểu đoàn chuẩn bị chiến đấu, huấn luyện kỹ thuật và triển khai binh vận có kết quả.

Tiếp giáp bên phải Tiểu đoàn 1 có Tiểu đoàn 15 Trung lập yêu nước mới được tập trung xây dựng từ ngày ly khai khỏi Coong-le. Đây toàn là những cán bộ, chiến sĩ sớm giác ngộ về độc lập dân tộc, gồm cả thanh niên Lào, Việt Kiều và Hoa kiều hăng hái của thành phố Viên Chăn. Họ vào lĩnh không phải để đánh thuê cho ai mà là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ gia đình. Nếp sinh hoạt dân chủ của những người Trung lập yêu nước đã thu hút ý chí họ. Cho nên áp bức, khủng bố và chống Neo Lào Hắc Xạt là những điều họ dứt khoát không chịu. Họ đã ly khai và lên án tội phản bội của Coong-le và đồng bọn. Chính họ đã trừng trị tên Két-xa-nạ, đại tá quân khu trưởng của Coong-le ở Phôn Xa Vẳn vì tội ức hiếp, đánh đập, giam cầm và bắn giết nhiều người yêu nước và chống Neo Lào Hắc Xạt.[36]

Thoát ra, họ lại cùng Bun-xu, một đại úy trẻ của bộ đội Hoàng gia cũ được Mỹ cho đi học các trường bộ binh, tình báo, quản lý dân vệ… ở Thái Lan, Úc, Phi-líp-pin… và sau đảo chính lại được Coong-le gửi qua Việt Nam học trường Pháo binh ở Sơn Tây. Người sĩ quan chưa đến 30 tuổi này có tri thức, dũng cảm, tháo vát lại có bản lĩnh chính trị rõ ràng dứt khoát nên không được lòng Coong-le, nhất là những lúc đấu tranh lên án phái cực Hữu trong lực lượng Trung lập. Anh có tham gia Đảng Trung lập nhưng là “Trung lập yêu nước” của lãnh tụ Ki-nim Phôn-xê-na và Trung tướng Hươn. Còn lúc này lãnh tụ Ki-nim mất rồi, anh chỉ tin tưởng vào Neo Lào Hắc Xạt là đúng đắn nhất.

Cuộc họp ban lãnh đạo lực lượng trung lập yêu nước lúc mới ly khai gồm đại tá Đươn, trung tá Thiệp, trung tá Phon-xay, đại úy Bun-xun. Ban lãnh đạo đã phân công Bun-xu trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 15. Cùng với những đồng sự nòng cốt như Xi-von, Đương-đi, Xi-phôm, Khăm-phẳng, Xi-khay, Phủ-bua-kệt, anh đã xin sự giúp đỡ của Phòng Chính trị Quân khu để tổ chức, xây dựng lực lượng và nền nếp tiểu đoàn anh như dạng tiểu đoàn Pa-thét. Nhờ cán bộ, chiến sĩ đồng lòng, đồng sức nên thời kỳ Bụ-xun chỉ huy, Tiểu đoàn 15 đã chiến đấu dũng cảm lập công xuất sắc, nhất là trong các hoạt động địch vận, đơn vị đã phát huy hết thế mạnh, kêu gọi được nhiều bạn bè cũ.

Giải phóng xong Cánh Đồng Chum, do yêu cầu mở rộng ảnh hưởng của đường lối hòa bình trung lập, Bun-xun là người có trình độ nhận thức lý luận và có thể viết bài nên anh được điều về làm việc ở ban phát đồng quần chúng, rồi dần dần qua các cơ quan tuyên truyền, báo chí, phát thanh của Trung ương, Quân khu, theo dõi sát cuộc tiến công khởi đầu của quân Coong-le vào hướng phòng ngự chủ yếu của ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM