Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:03:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Yamamoto và những trận đánh lịch sử trên Thái Bình Dương (Quyển 1 + 2)  (Đọc 109617 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
cuckoovn
Thành viên
*
Bài viết: 371


Súng không lau súng mau han rỉ


« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 05:46:53 pm »

Nhiệm vụ của tôi trên chiếc Amatsukaze cũ là nhiệm vụ ngay ở quê hương lần đầu tiên của tôi. Khu trục hạm nầy, đậu ở Kure, cách Eta Jima không xa mấy. Sau nhiều tháng lênh đênh trên mặt biển, đời sống đất liền hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Khi tôi đi dạo trên các đường phố náo nhiệt của tỉnh lỵ nầy, các thủy thủ đều chào kính tôi đúng điệu. Trên tàu hoặc tại các căn cứ hải quân, việc chào kính nầy không có gì khác thường, nhưng ở đây lại gây cho tôi một cảm giác kì quái trong bộ quân phục với mắt nhìn những người mặc thường phục.

Bảy năm sống khắc khổ dưới kỷ luật sắt và huấn luyện liên tục, tôi ít có dịp may hưởng thụ và xa hoa. Bấy giờ tôi đã 26 tuổi, và là hoa tiêu trưởng của một khu trục hạm tân tiến. Lương tháng của tôi là 75 yên thời đó là một số tiền khá lớn. Ở Kure thình lình tôi bừng tỉnh, cho nơi đây là dịp may hưởng thụ đầu tiên.

Một đêm thứ bảy, tôi và 2 trung úy khác quyết định đến một hộp đêm. Chúng tôi gọi 3 geisha, mỗi giờ phải trả mỗi cô một yên. Họ hát và nhảy với chúng tôi. Rượu sake không ngớt tràn ly cùng với những câu nói duyên dáng khiến chúng tôi mòn mỏi, và thời gian trôi qua nhanh chóng.

Mười giờ đêm, cuộc vui chấm dứt, chúng tôi phải trở về tàu. Khi chúng tôi sắp đứng dậy, một trong ba cô geisha khẻ nói với tôi: “ Trung úy, đêm mai trở lại đây một mình và gọi em. Tên em là Utamaru. Nhớ nghe không.”. Cô geisha nhỏ bé nầy trẻ nhất và đẹp nhứt trong ba cô. Tôi nhìn vào đôi mắt khẩn cầu của nàng và gật đầu.

Đêm sau tôi trở lại hộp đêm một mình và gọi nàng. Nàng hát hay và vũ giỏi, nhưng sự ngây thơ của cô geisha nầy mới là phương diện mê hoặc tôi nhiều nhứt. Nàng mới 18 tuổi và vô nghê một năm. Tôi nói: “Vào tuổi của em, anh bước chân vào Eta Jima. Em biết Eta Jima không?”

“Biết chớ anh! Em biết rõ lắm, vì quê em ở NomiJima mà.”

Nàng có một nụ cười đáng yêu. Tôi cảm thấy những gì mà nàng dành cho tôi vượt xa hơn nghề nghiệp của nàng.

Thình lình tôi nhớ lại sự ngù ngờ của tôi trong khách sạn ở Hiroshima, khi tôi đến đây để thi vào Eta Jima. Cô hầu ở khách sạn đó có vẻ quá đàn áp đối với bất kì một cậu trai 18 tuổi nào.

Hiện tại tình thế đã đổi ngược. Tôi đã nốc nhiều cốc sake và bắt đầu chếnh choáng. Tôi có 24 giờ phép và nàng kéo dài đêm đó với tôi.

Một số người ngoại quốc không hiểu rõ nghề nghiệp của một geisha. Họ không phải là một loại gái giang hồ. Công việc của họ là đem lại màu sắc và gây vui vẽ cho các buổi tiệc tùng, dạ hội… nếu họ dan díu với một người khách nào đó thì chỉ là chuyện riêng tư của họ. Hộp đêm nầy một đến tôi phải tiêu khoảng 10 yên, kể cả tiền thù lao cho mấy cô geisha.

Hai ngày sau tôi trở lại. Lần đầu tiên nếm mùi yêu đương, tôi si nặng cô gái, và chỉ trong 2 tuần tôi đã tiêu hết cả số lương hàng tháng.

Nàng biết và chận tôi: “Anh đừng nên đốt tiền như vậy. Tại sao anh không mướn một căn phòng rẽ tiền để em có thể lui tới thăm anh ở đó, như vậy có phải anh khỏi sạch túi không?”
Logged
cuckoovn
Thành viên
*
Bài viết: 371


Súng không lau súng mau han rỉ


« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 05:49:09 pm »

Tôi đã theo lời khuyên của nàng vào tháng kế, khi chiếc khu trục hạm của tôi trở lại Kure sau chuyến đi thường lệ. Sau khi mướn một căn phòng, tôi trở lại hộp đêm để tìm và báo cho nàng biết “ tôi đã thiết lập xong căn cứ trên bờ”. Tôi quá chủ quan cho rằng nàng có thể đến ở hẳn tại cứ địa của tôi.

Tôi không biết rằng Utamaru, theo thông lệ, đã nhận được trước một số tiền của người chủ hộp đêm lúc bắt đầu nhận việc, và số tiền nầy nàng đã gởi về cho người cha nghèo khổ và năm đứa em của nàng. Vì vậy, nếu muốn thôi việc nàng phải hoàn lại số tiền ứng trước, nhưng các geisha mỗi mùa đều phải mua sắm nhiều chiếc áo Kimono đắc tiền nên hiếm khi lo dành dụm được tiền để hoàn lại cho chủ.

Tôi đã kinh ngạc và vui mừng khi Utamaru đến phòng tôi ngay buổi chiều đó. Thật là thích thú khi chỉ có một mình tôi với nàng. Mọi thức đối với lúc ấy đều bỏ đi. Thật vậy, ngay cả sự hi sinh to tát của nàng đã đến đây với tôi, tôi cũng không biết đến. Tôi chỉ nghĩ nàng phải chịu thiệt thòi một buổi chiều, nên tôi trao nàng năm yên để đền bù lại, và tôi cho như vậy là khá hào phóng. Sự thật người chủ của nàng đã đòi hỏi một số tiền đặt biệt một khi nàng đến hành nghề nơi khác, vì mỗi lần như vậy khách hàng phải trả một số tiền gấp đôi, nghĩa là mỗi giờ đến hai yên. Nàng không muốn cho tôi biết việc nầy, và nàng đã lấy tiền túi trả khoảng tiền sai biệt cho người chủ. Và nàng càng tiếp tục hẹn hò với tôi, tiền dành dụm của nàng càng tiêu tán, và trở thành mang công mắc nợ.

Tôi vẫn u mê trước tình cảnh bối rối của nàng, và chính tôi cũng phải gặp sự bối rối riêng. Mỗi tháng tiền lương của tôi xài hết sạch chẳng còn lấy một đồng. Nhưng tôi còn trẻ và đang yêu, tôi chỉ biết chạy đuổi theo thú vui của đời sống, tôi chấp nhận việc nầy. Dè xẽn làm sao đối với tuổi trẻ.

Một buổi chiều, vào tháng 9 năm 1926, khi tôi sắp sửa lên bờ thì có lịnh chuyển đến cho biết vị hạm trưởng muốn gặp tôi. Tôi đến trình diện ông ngay chổ ở của ông trên tàu. Chỉ một mình ông, và ông đang đi tới đi lui một cách bồn chồn. Cái nhìn gay gắt của ông khiến tôi phát ớn.

“Trung úy Hara đó hả? Ngồi đi! Tôi có vài việc riêng muốn thảo luận với anh”

Giọng của ông rất xa lạ, và ông như đang cố kìm hãm nổi bực tức. Tôi tự hỏi không hiểu ông ta muốn thảo luận việc gì?

“Anh đã từng phục vụ đủ thời gian để biết rằng trên các khu trục hạm, không giống như những chiếc tàu lớn hơn, chúng ta sống như trong một gia đình. Với tư cách người chỉ huy của anh, tôi phải biết công việc riêng tư của anh và có bổn phận khuyên bảo anh.”

“Dạ thưa Đại tá, Đại tá nói đúng.”

“Tốt… hừ , tôi thật cũng không muốn xen vào đời sống riêng tư của anh làm gì. Anh còn trẻ, độc thân và có quyền hưởng các thú vui của tuổi trẻ. Nhưng anh có cảm giác rằng anh đã được hưởng một cách thái quá hay không?”

“Thưa…?”

“Tôi biết cô bạn anh. Tôi không phàn nàn việc anh dan díu với một geisha. Phải, đó là người tình, nhưng đã đến lúc anh phải chấm dứt sự gần gũi với cô gái nầy. Như vậy cũng quá nhiều rồi. Hiện anh bao nhiêu tuổi?”

“Trong tháng nầy tôi đúng 26 tuổi, thưa Đại Tá.”

“Tại sao anh không cưới vợ và định nơi chốn cho rồi? Anh đầy đủ mọi phương diện. Hồ sơ của anh tốt. Có cả ngàn gia đình muốn anh trở thành chàng rễ.”

“Có thể như vậy, thưa Đại Tá. Nhưng tôi nghĩ cuộc sống của một sĩ quan trẻ chưa thật sự thích nghi với việc lập gia đình. Tôi hoàn toàn chưa nghĩ đến việc lấy vợ.”

“Hmmmm…. Và vì vậy anh đang sống với một geisha?”

“Đúng như vậy, thưa Đại Tá.”

“Anh là một thằng ngu! Tôi không thể ngờ rằng anh lại suy nghĩ ngu như thế. Hải quân hoàng gia không bao giờ dung thứ cho việc một sĩ quan hải quân lại chung sống với một geisha. Anh có điên không? Anh bị loạn trí à.?”

“Thứ lỗi cho tôi, thưa Đại Tá. Nhưng tôi biết Utamaru là một geisha không có nổi tiếng. Nếu việc chung sống như vậy với cô ấy gây ra cảnh chướng tai, tôi sẽ xin được cưới cô ấy.”

“Hải Quân Hoàng Gia sẽ không bao giờ chấp nhận đâu! Anh không thấy rằng mình đang tự hủy hoại sự nghiệp ư? Tôi đang giữ một lá thơ phàn nàn từ đồng nghiệp của cô ta. Anh không nhận ra rằng cô gái của anh đã phải mắc nợ đến 2000 yên vì đến chung sống với anh sao? Thay đổi cách sống hoặc chấm dứt sự nghiệp của anh trong hải quân đi. Tôi thấy phát bực khi nói chuyện nầy với anh. Cút ra đi.”


Tôi bước ra ngay lập tức. Chán nản và tuyệt vọng, tôi lê từng bước chân nặng nhọc mò mẫm về chổ vừa đi vừa suy nghĩ cách giải quyết vấn đề nầy. Cuối cùng, tôi liều mạng viết thơ cho các anh để giúp đở và xin ý kiến. Đêm đó, tôi viết thơ cho cả hai anh tôi. Shigeru, một nhân viên của công ty đường sắt Nam Mãn Châu và Sakutaro đang làm việc ở Kobe trong một công ty vận chuyển muối.

Họ hồi âm ngay lập tức, với những lời khuyên răn và khiển trách nặng nề như hạm trưởng của tôi. Tuy nhiên, họ là những người anh tốt, họ gởi kèm theo vài trăm yên nhằm giúp tôi chi trả cho cuộc sống bợm nhậu đáng xấu hổ của tôi. Cuối thơ họ không quên răn đe tôi nếu không từ bỏ cuộc sống phóng túng nầy họ sẽ từ tôi.

Việc khó khăn nhất để kết thúc vấn đề nầy đó là lần gặp gỡ cuối cùng với Utamaru. Tuy nhiên, cô ấy rất bình tĩnh khi nghe tôi giải thích và cuối buổi hẹn nàng nói: “Em chưa bao giờ nghĩ đến thậm chí trong cả giấc mơ của mình là trở thành cô dâu bên cạnh một sĩ quan hải quân như anh cả. Em đã làm theo sự khao khát của mình, và em sẽ tự mình gánh trả những món nợ của em. Những tháng vừa qua bên cạnh anh là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời em.”

“Đừng lo lắng cho em. Gần đây em có nghe tin tức của dì em từ Hoa Kỳ. Dì đã lập gia đình với một di dân Nhật thành đạt và ngõ ý muốn đưa em sang sống chung. Em đang có kế hoạch chấp nhận sự bảo lãnh của dì.”

“Anh phải lập gia đình và trời thành một sĩ quan thành đạt. Tập trung học tập và hãy quên em đi.”
Utamaru là một cô gái tốt. Tên thật của nàng là Harako Takai. Từ đó tôi không còn nghe tin tức gì của nàng nữa. Nhưng tôi hi vọng nàng được sống hạnh phúc ở Hoa Kỳ.

Logged
cuckoovn
Thành viên
*
Bài viết: 371


Súng không lau súng mau han rỉ


« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 05:52:11 pm »

6
Ngày 1 tháng 12 năm 1926, tôi được thăng cấp Chuẩn úy và phải học thêm một khóa nâng cao ở trường đào tạo Chuyên Viên nằm ở Yokosuka. Suốt một năm theo học khóa nâng cao chuyên viên khu trục hạm ở đây. Khóa học nầy dành cho những người được tiến cử để được đào tạo thành hạm trưởng các khu trục hạm trong tương lai.


Yokosuka nằm cách Kure 300 dặm đường chim bay, khung cảnh và không khí đã làm tôi thay đổi. Ở đây, tôi có thể quên dần buổi chia tay đầy bi thảm với Utamaru. Các môn học mới mà tôi đang theo đuổi đã lấp đầy tất cả nổi phiền muộn riêng tư. Ngoài ra lúc ấy sự căng thẳng ở Trung Hoa cang lúc càng gia tăng khiến tôi bận tâm theo dõi.

Hoa Lục vào những ngày nầy đang xảy ra cuộc tranh chấp giữa hai tay chiến tướng quan trọng. Tưởng Giới Thạch ở phía Nam và Chang Tso Lin ở phía Bắc. Đầu năm 1927, lực lượng của Tưởng tỏ ra trên chân của Chang, và đã chiếm giữ Nam Kinh vào ngày 24 tháng 3. Lực lượng của Tưởng tạo một ra sai lầm quan trọng, là khi chiếm Nam Kinh đã phóng tay cướp phá, tràn cả vào các lãnh sự quán và gây khó dễ cho các quốc gia Nhựt, Anh, Mỹ và Pháp.

Ba tàu chiến Hoa Kỳ đã nã trọng pháo vào Nam Kinh. Hải quân Nhựt đổ bộ một lực lượng đặc nhiệm lên Nam Kinh để bảo vệ kiều dân Nhựt. Những sự việc nầy đã khiến Tưởng Giới Thạch phải ngỏ lời xin lỗi các quốc gia vừa nói và qui tội cho Cộng Sản.

Tháng 5 năm 1927, Nhật Bản đổ bộ các đơn vị bộ binh lên bán đảo Shantung ở Hoa Bắc nhằm ngăn chặn các biến cố khác. Tuy nhiên hành động nầy càng đẩy mạnh các phong trào bài Nhựt ở Trung Hoa.

Đối với quí vị đọc giả hiện tại chắc chắn sẽ cho rằng việc đổ bộ vừa rồi là hành động vụng về. Tuy nhiên sự thật Trung Hoa lúc ấy là một xứ sở đã rách nát bởi các cuộc nội chiến, hai chánh phủ, và không có uy quyền tối thượng. Quyền trú quân của Nhật Bản được thừa nhận từ khi cuộc chiến Nga – Nhựt năm 1904 – 1905 kết thúc. Người Nhựt vẫn thường có những hành động khiêu khích người Trung Hoa, và cả hai chánh phủ Trung Hoa đều khuyến khích các cuộc biểu tình bài Nhựt.

Vào mùa xuân năm 1927, hội nghị giải trang lần thứ hai được mở ra ở Geneva. Nhật Bản đã cứng rắn đòi hỏi tổng số trọng lượng các chiến hạm phải gia tăng cao hơn giới hạn 60% so với Anh và 70% so với Hoa Kỳ, do hội nghị lần thứ nhất đưa ra. Hai cường quốc hải quân hàng đầu bác bỏ đòi hỏi nầy, và hội nghi đổ vỡ. Năm cường quốc phải dàn xếp trên căn bản thỏa hiệp năm 1921.

Những biến cố thế giới nầy đã thúc đẩy mạnh mẽ sự cố gắng làm việc và học hỏi của tôi. Vào thời gian tôi nhận được sự bổ nhiệm mới, các khu trục hạm và tuần dương hạm được nâng lên địa vị quan trọng chưa bao giờ thấy trong thời Đệ Nhứt Thế Chiến.

Sau khi tốt nghiệp trường Chuyên Viên, tôi được chỉ định phục vụ trên tàu, với tư cách sĩ quan thủy lôi trưởng của khu trục hạm Susuki (Đồng cỏ). Tôi đã giữ nhiệm vụ nầy trên hai năm, lâu hơn bất kì nhiệm vụ nào mà tôi từng giữ trước đây. Chiếc tàu hoạt động trong hải phận Trung Hoa, hầu hết ở Hoa Bắc và đảo Đài Loan, thường buông neo ở Tsingtao, hải cảng then chốt của bán đảo Shantung, và bán đảo nầy cũng chính là mồi lửa của các cuộc xung đột Nhựt – Hoa ở hiện tại.

Khu trục hạm của tôi đến Keelung, Đài Loan vào ngày 1 tháng 4 năm 1928 vừa lúc tôi nghe tin Tưởng Giới Thạch đang bắt đầu xua quân hướng về Shantung. Tin tức nầy khiến các tàu phải trực chỉ Tsingtao. Nhưng ở đây tình hình có vẻ êm dịu, vì vậy ngày 15 tháng 4, chúng tôi quay lại Pescadore.
Logged
cuckoovn
Thành viên
*
Bài viết: 371


Súng không lau súng mau han rỉ


« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 05:52:45 pm »

Biển cố Tsinan đầy nhục nhã xảy ra hai tuần sau đó. Đạo quân miền Bắc của Chang Tso Lin, bắt đầu dở trò cướp phá ở Tsinan, thủ phủ của Shantung, nhưng đã bị thảm bại không lâu sau đó khi họ Tưởng tiến đánh và chiếm giữ thủ phủ nầy vào ngày 1 tháng 5. Nhưng quân của họ Tưởng vẫn tiếp tục cướp phá, giống như họ đã làm vào hai năm trước đây Nam Kinh. Mười bốn kiều dân Nhựt bị sát hại và hơn hai mươi người khác mất tích, và tất cả 114 ngôi nhà của người Nhựt đều bị cướp bóc và thiêu hủy hoàn toàn.

Lục Quân Nhựt được rút từ Mãn Châu và Triều Tiên để đưa đến nơi xảy ra biến cố và đã vãn hồi trật tự. Tuy nhiên chánh sách “cây roi lớn” nầy chỉ khiến cho người Trung Hoa phẩn nộ thêm, và gieo mầm móng cho cuộc xâm chiếm qui mô của Nhựt xảy ra sau nầy.

Cuối năm 1928, tôi ở Kobe và gặp người anh là Sakutano. Anh đã thúc giục tôi lập gia đình. Tôi cười to và nói: “ Em đã từng mang tiếng xấu rồi, bây giờ anh có chắc là em tu chỉnh chưa?”

Sakutano, từ trước đến nay vẫn là một người anh hiền của tôi, đáp một cách nghiêm trang: “Để anh tìm một số ứng cử viên cho em”. Tôi nói anh cứ tiến hành nhưng tôi nghĩ chắc anh chẳng có chút may mắn nào.

Khoảng một tháng sau, tôi nhận được thơ của anh kèm theo một tấm ảnh với lời ghi chú ngắn, theo đó “người trong ảnh” xứng để trở thành “phu nhân” của tôi.

Cô Chizu Asayama, 22 tuổi, là con nuôi một chủ xưởng chế tạo vật dụng bằng da lớn nhứt của Nhật Bản. Trong thơ cho biết bà mẹ nuôi của nàng muốn có một người rễ là sĩ quan hải quân, bởi lẽ bà ta muốn sống gần con, và dĩ nhiên một sĩ quan hải quân thì ít khi định cư một nơi nào.

Dưới mắt tôi người trong ảnh quả có nhan sắc. Nàng tốt nghiệp trường Nữ Cao Đẳng nổi danh Ochanomizu. Một cô con gái gia đình giàu có, anh tôi viết, tất nhiên “trâm cài lược giắt” và quan trọng hơn hết là của hồi môn, gồm có “năm căn nhàn rộng lớn đang cho mướn ở Kamakura,” một thành phố bờ biển của giới thượng lưu gần Yokosuka.

Cả câu chuyện đối với tôi đầy bất ngờ. Tại sao một cô gái đủ điều kiện như vậy lại ưng thuận làm vợ của tôi? Nàng sẽ chọn một sĩ quan ưu tú, để hi vọng trở thành “Đô Đốc phu nhân” tương lai hơn không? Gia đình nàng chắc chắn đã thuê thám tử tư điều tra quá khứ của tôi và họ đã biết tất cả. Vì vậy, tôi nghi ngờ nàng có những khuyết điểm gì đó, không thích hợp với các tay thanh niên khác.

Tôi trao thơ cho hạ sĩ quan tùy viên thân cận của tôi và hỏi ý kiến của anh ta. Viên hạ sĩ quan đã đáp một cách nghiêm trang: “ Đại úy, anh của tôi là một cảnh sát điều tra, nếu đại úy muốn, tôi sẽ nhờ anh ấy điều tra giùm cho.”

Tôi đồng ý. Một tháng sau, người anh của hắn cung cấp đầy đủ hồ sơ cho tôi, theo đó: “Cô Asayama chẳng phương diện nào đáng chê hết.”

Tôi gặp nàng lần đầu vào tháng 3 năm 1929. Cuộc gặp gỡ quan trọng nầy kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ với sự hiện diện của quyến thuộc hai bên. Ngày sau đó, tôi trả lời ưng thuận với gia đình nàng, và nàng cũng vậy. Hôn lễ được sắp xếp theo nghi thức cổ truyền của Nhật Bản. Người ở Tây phương sẽ lấy làm lạ khi thấy một vấn đề quan trọng như vậy lại được quyết định chỉ sau một cuộc gặp gỡ. Nhưng phải nói rằng cuộc các hôn nhân được sắp xếp theo lối nầy đã chứng tỏ thành công hơn những cuộc hôn nhân thường cho là có sự tìm hiểu trước ở các nước khác.
Logged
cuckoovn
Thành viên
*
Bài viết: 371


Súng không lau súng mau han rỉ


« Trả lời #14 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2010, 05:53:38 pm »

Cuộc gặp gỡ giữa những đôi trai gái thường diễn ra sau khi cả hai gia đình đã có sự thỏa thuận trước, vì vậy mà ít khi xảy ra việc từ chối cuộc hôn nhân, trừ phi một khám phá ra khuyết điểm nào đó đã bị che đậy.

Hôn lễ cử hành tại đền thờ Shinto ở Đông Kinh vào ngày 25 tháng 5 năm 1929, trong khi chiếc khu trục hạm của tôi buông neo ở Yokosuka. Tôi được cấp hai ngày phép. Ngay sau hôn lễ chúng tôi đi hưởng một ngày trăng mật ở suối nước nóng Atami cách Tây Nam Đông Kinh khoảng 50 dặm. Ngày hôm sau tôi trở về tàu một mình. Cô vợ mới của tôi xuống xe lửa ở Oiso, một thành phố bờ biển khác nằm nữa Atami và Yokosuka, nơi gia đình nàng đang sinh sống. Tôi đã sống một đời sống hôn nhân lạ lùng vì kể từ đó trong nhiều tháng tôi mới gặp gỡ vợ tôi một lần.

Sáu tháng sau đó, tôi được thuyên chuyển đến Akikaze (Thu Phong), một khu trục hạm 1.500 tấn. Lần nầy tôi vẫn giữ chức vụ cũ, sĩ quan thủy lôi trưởng, đúng một năm.

Tháng 4 năm 1930, Anh quốc và Hoa Kỳ tiến đến một thỏa hiệp giải trang mới ở Luân Đôn, đặt định giới hạn trọng lượng của các tàu hổ trợ. Các loại tàu khác vẫn duy trì giới hạn của thỏa hiệp năm 1921. Kết quả hội nghị mới nầy khiến cho các sĩ quan hải quân Nhựt nổi nóng. Như vậy, tổng số trọng lượng của tuần dương hạm hạng nặng chỉ bằng 62% so với Hoa Kỳ. Riêng tổng số trọng lượng của tiềm thủy đỉnh, theo thỏa ước, hai quốc gia đều bằng nhau.

Lúc bấy giờ khó mà giải thích tại sao các kết quả nầy đã không làm hài lòng hải quân Nhật Bản. Nhật Bản đã cố đòi hỏi gia tăng số trọng lượng các tuần dương hạm hạng nặng ít nhất 70% so với Hoa Kỳ. Nhưng sự đồng đều về tiềm thủy đỉnh theo thỏa ước đã không được giữ đúng, bởi vì lúc đó tổng số trọng lượng của loại tầu nầy của Nhật Bản đã là 77.900 tấn so với 52.700 tấn của Hoa Kỳ.

Tất cả những lời bàn tán nầy đã chứng tỏ sự ngây ngô sau đó, khi khả năng sản xuất tàu chiến của Hoa Kỳ đến mức độ đè bẹp hẳn Nhật Bản trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Nhưng vào năm 1930, các sĩ quan hải quân Nhựt đã lưu tâm về việc nầy. Họ nhấn mạnh Nhật Bản đã bị áp lực quá dễ dàng của Hoa Kỳ ở Luân Đôn. Bấy giờ họ xem Hoa Kỳ không chỉ là một kẻ thù ngấm ngầm mà còn là một kẻ thù ra mặt. Kể từ đó về sau, tất cả những cuộc động binh đều đặt trên mặt lý thuyết nhằm vào “kẻ thù giả định” là Hoa Kỳ.

Vào ngày 8 tháng 11 năm 1930, vợ tôi sanh đứa con gái đầu lòng, được đặt tên là Yoko. Bốn tuần sau đó tôi được chỉ định giữ chức vụ sĩ quan Thủy lôi trưởng trên khu trục hạm Fubuki (Bão tuyết). Suốt một năm phục vụ trên chiếc tầu nầy, tôi đã kết bạn với một người trong đời tôi không bao giờ quên được. Đó là vị chỉ huy trưởng của tôi, Đại Tá Chuichi Nagumo.

Nagumo là một huấn luyện viên của trường Chuyên Viên Yokosuka. Sau đó ông đi du học một năm ở Hoa Kỳ và vừa mới về nước. Ông là một trong những chuyên viên khu trục hạm tài ba nhứt trong Hải Quân Hoàng Gia. Kiến thức tôi được mở mang khá nhiều trong một năm gần gũi ông. Nagumo khuyến khích tôi chuyên cần học hỏi bằng cách cho tôi mượn khá nhiều sách vở ông mang về từ Hoa Kỳ. Ông rất mến tôi, và ông nói thế nào tôi cũng sẽ được theo học trường Cao Đẳng Tham Mưu.
 
Lúc đó tôi không bao giờ tưởng tượng Nagumo, sau nầy là phó Đô Đốc, sẽ chỉ huy lực lượng đặc nhiệm vĩ đại của Nhật Bản tham dự vào cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Nhưng tiếp theo đó, trận đại bại Midway xảy ra, và Nagumo trở thành đề tài của mọi loại chỉ trích. Tuy nhiên trong ký ức của tôi, ông vẫn là một sĩ quan tài ba và nhiệt tâm, và là một nhân vật vĩ đại.
Logged
cuckoovn
Thành viên
*
Bài viết: 371


Súng không lau súng mau han rỉ


« Trả lời #15 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2010, 12:41:14 pm »

7
Mặc dù hàng ngày được Nagumo khuyến khích và quan tâm đến, tôi đã rớt kì thi tuyển vào Trường Cao Đẳng Tham Mưu. Thay vào đó, vào tháng 9 năm 1932, tôi được chỉ định làm một huấn luyện viên. Nhiệm vụ nầy gây cho tôi sự bối rối, nhưng sự chỉ định như vậy ít thấy xảy ra trong Hải Quân Hoàng Gia. Tôi được chọn vào nhiệm vụ nầy có nghĩa là tôi từ bỏ hẳn hi vọng trở thành một sĩ quan tham mưu để trở thành một chuyên viên hẳn.


Trong thời gian ba năm sau khi kết hôn, tôi ráo riết theo đuổi một dự án riêng… Biết rõ dự án có vẻ liều lĩnh, tôi không hề thảo luận chi tiết với bất kì người nào. Tôi cũng hiểu nếu các đồng nghiệp của tôi biết được công tác tôi đang làm, chắc chắn tôi sẽ gặp sự chế nhạo.

Đại tá Nagumo khuyến khích tôi chuẩn bị thi vào trường Cao Đẳng Tham Mưu. Tôi đọc mọi sách giới thiệu cũng như các bài bình luận về khả năng di động tính của hải quân Hoa Kỳ do chính ông viết trong thời gian đi du học. Nhưng tâm trí tôi để đâu đâu. Tôi biết các dự án riêng của tôi có tầm quan trọng nên tôi không thể phân tâm để học hỏi những vấn đề khác. Do đó dù được ngay cả Nagumo đích thân yểm trợ, kì thi vào trường Cao Đẳng Tham Mưu vẫn vuột khỏi tay tôi.

Dự án của tôi hoàn thành vào giữa năm 1932. Dự án nầy liên quan đến hàng trăm bài toán phức tạp. Tóm lại, tôi đã sử dụng toán học để chứng minh những sai lầm của các lý thuyết về thủy lôi được Nhựt áp dụng xưa nay, và tôi đưa ra một lý thuyết chỉ nam mới.

Một lý thuyết mới thật khó xen và để tìm chổ đứng trong một tổ chức quân đội. Hầu hết các sĩ quan được huấn luyện theo các lý thuyết quân sự cũ đều bảo thủ và phản ứng không thuận lợi đối với những sáng kiến mới mẽ. Nhưng rất may là lý thuyết mới của tôi không hề gặp sự chống đối quan trọng nào, và đã trở thành lý thuyết học tập về thủy lôi chánh thức của Hải Quân Hoàng Gia. Đương nhiên lý thuyết cũ được bãi bỏ. Và kết quả, tôi được bổ nhiệm về trường Cao Đẳng Tham Mưu để giảng dạy về lý thuyết mới nầy.

Mặc dù tôi hoàn thành nhiều lý thuyết khác trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng có lẽ lý thuyết về thủy lôi là lý thuyết sở đắc nhứt của tôi. Giải thích rành mạch về lý thuyết nầy không phải dễ dàng, vì trong ấy tôi đã sử dụng nhiều bài toán liên quan đến đại số, hình học, lượng giác và vị tích để áp dụng chính xác vào thực hành. Tuy nhiên tôi có thể nói phớt qua: năm 1932, sau khi tốt nghiệp trường Chuyên Viên Yokosuka, tôi lại được bổ nhiệm phục vụ trên khu trục hạm, và giữ chức vụ thủy lôi trưởng như thường khi. Tôi đã được học hỏi và huấn luyện tỉ mỉ về vấn đề phóng thủy lôi. Có thể nói hầy hết ba năm qua quyển chỉ nam ứng dụng thủy lôi cũ của hải quân là Thánh kinh của tôi. Mỗi tuần chiếc khu trục hạm của tôi đều ra khơi để thực tập phóng thủy lôi. Để tiết kiệm, các thủy lôi diễn tập đều không có đầu đạn, và mục tiêu giả có khoảng trống phía dưới để thủy lôi chạy xuyên qua. Sau ba năm huấn luyện lí thuyết và thực hành liên tục, tôi bắt đầu nghi ngờ lý thuyết cũ, và hiếm khi tôi bắn trúng mục tiêu.
Logged
cuckoovn
Thành viên
*
Bài viết: 371


Súng không lau súng mau han rỉ


« Trả lời #16 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2010, 12:42:57 pm »

Phản ứng đầu tiên khi bắn hụt là tôi tự thóa mạ tôi, và tôi càng cố gắng học hỏi hơn nữa. Tôi luyện tập thuần thục đến nổi tôi chỉ cần liếc qua ống dòm là có thể cho biết được khoảng cách mục tiêu bao xa, và tốc độ di động của mục tiêu đó như thế nào. Sau khi kiểm chứng lại bằng các dụng cụ chuyên môn, tôi nhận thấy tôi đã xác định mục tiêu rất đúng nhưng phóng vẫn trật. Do đó, tôi bắt đầu ngờ vực lý thuyết cũ của hải quân.

Theo lý thuyết cũ, một chiếc khu trục hạm, thường có chiều dài khoảng 90 thước, chạy với tốc độ 30 hải lý hoặc hơn, tiến sát đến tàu địch, khai hỏa mọi loại súng và cuối cùng dứt điểm bằng các quả thủy lôi. Một khu trục hạm Nhựt chỉ mang 16 thủy lôi. Từ 2 ống phóng phía trước và phía sau, “8 con cá” vọt ra cách nhau mỗi con hai giây. Tám quả khác được đưa vào tái nạp vào hai ống phải mất khoảng mười phút. Các loại súng nhỏ của một khu trục hạm không có hỏa lực quyết định như những thiết giáp hạm, thành thử nếu loạt thủy lôi đầu vô hiệu, vận mạng của một khu trục hạm như cáo chung. Nó dễ dàng bị đánh chìm trong khoảng 10 phút cần thiết để nạp lại thủy lôi.

Vì đó mà trong khi thực tập, chiếc khu trục hạm của tôi kể như bị “đánh chìm” nhiều lần, giữa lúc tôi đứng bó tay và nghiến răng trên đài chỉ huy sau khi nhìn thấy các “con cá” của tôi lạc mất mục tiêu. Tôi quan sát nhận thấy tài phóng thủy lôi của các khu trục hạm khác cũng không hơn gì tôi. Tôi đi đến kết luạn là phóng thủy lôi thẳng vào mục tiêu ít có hi vọng trúng, và như vậy có nghĩa là lý thuyết cũ đã sai lầm.

Theo lý thuyết cũ, tám trái thủy lôi được phóng thẳng sẽ trãi rộng 1 góc 20 độ. Sau khi phân tách cẩn thận tất cả các yếu tố quan hệ, tôi kết luận rằng với góc 20 độ như vậy mục tiêu sẽ được phóng trúng nếu chiếc khu trục hạm của tôi chạy nhanh 30 hải lý theo một đường lượn cong, giống như một hyperbole, và thủy lôi được phóng ra ở ngay đỉng của đường lượn cong đó vào một mục tiêu cách xa 2000 thước, và sau khi phóng thủy lôi xong, chiếc tàu sẽ giảm tốc độ xuống còn 20 hải lý. Qua nhiều tuần lễ diễn tập, tôi cũng khám phá ra chiếc tàu đối nghịch đủ thời gian để lảng tránh trước khi tàu của tôi sẵn sàng để khai hỏa. Và tôi cũng khám phá nhiều yếu tố cần thiết cho việc định lại các phương thức khác, bao gồm khoảng trống 2 giây của tám trái thủy lôi được phóng ra.

Công việc nghiên cứu nầy khiến tôi mở rộng tầm mắt, và mỗi khám phá mới đều được tôi áp dụng ngay vào thực hành, và đạt được mức độ chính xác gần như cố định. Tôi nổi danh, và được như xem là sĩ quan phóng thủy lôi chính xác nhất của toàn thể binh chủng hải quân. Vào thời gian nầy tôi phục vụ dưới quyền của Đại Tá Nagumo. Có lẽ thành tích nầy đã khiến ông thích tôi, và cũng vì vậy mà lý thuyết của tôi được hải quân chấp nhận và năm 1932.

Chỉ trong vòng một năm sau khi lý thuyết của tôi được học hỏi, kỹ thuật phóng thủy lôi của quân Nhựt đã đạt đến mức độ chính xác vượt bực.

Năm 1933, Đề Đốc Kaneji Kishimoto và Đại Tá Toshihide Asakuma thuộc Học Viện thủy lôi Kure trình bày một loại thủy lôi được phóng đi bằng sức ép của Oxygen thay vì không khí. Việc phát triển nầy rất quan trọng đối với chiến pháp Thủy Lôi của Nhật. Ưu thế của loại thủy lôi mới nầy, vượt trội tất cả mọi loại thủy lôi của các quốc gia khác, qua bảng so sánh sau đây:
NHẬT BẢN (thủy lôi 61 cm), loại có tốc độ 49 hải lý: tầm xa 22 cây số, đầu đạn 500 kí lô; loại có tốc độ 36 hải lý, tầm xa 40 cây số, đầu đạn 500 kí lô.
Logged
cuckoovn
Thành viên
*
Bài viết: 371


Súng không lau súng mau han rỉ


« Trả lời #17 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2010, 12:43:38 pm »

HOA KỲ (thủy lôi 53 cm), loại có tốc độ 46 hải lý, tầm xa 4 cây số, đầu đạn 300 kí lô; loại có tốc độ 32 hải lý, tầm xa 8 cây số, đầu đạn 300 kg

ANH ( thủy lôi 53 cm) loại có tốc độ 36 hải lý, tầm xa 3 cây số, đầu đạn 320 kí lô; loại có tốc độ 30 hải lý, tầm xa 10 cây số, đầu đạn 329 kí lô.

Như vậy, thủy lôi Nhựt ngoài khả năng vừa nhanh vừa có tầm xa hơn các loại thủy lôi tốt nhứt của Hoa Kỳ và Anh Quốc, còn có thêm những tiến bộ to tát khác. Các loại thủy lôi thông thường khi phóng ra sẽ tạo thành một vệt dài màu trắng nổi trên mặt nước, khiến cho một chiếc tàu chạy nhanh cũng có thể phát hiện và lẫn tránh dễ dàng. Nhưng một trái thủy lôi đẩy bằng sức ép Oxygen khi chạy đến mục tiêu sẽ không thấy dấu vết gì trên mặt nước cả (Loại thủy lôi nầy Nhựt giữ bí mật tuyệt đối đến sau chiến tranh, hải quân Hoa Kỳ mới học hỏi được đầy đủ các đặc tính của nó).

Lý thuyết của tôi cùng với việc phát minh loại thủy lôi mới đã nâng cao tinh thần của thủy thủ khu trục hạm. Và khi khu trục hạm nhanh chóng thành trở thành “báu vật” của hạm đội Nhựt, các kiểu tàu mới đóng đều đều vào thời gian đó. Các sĩ quan khu trục hạm không mấy lưu tâm đến một số thiệt thòi của Nhựt qua thỏa hiệp giải trang cuối cùng. Họ biết khu trục hạm của Nhựt đang nắm ưu thế to tát và tiên đoán loại tàu này sẽ giữ vai trò quan trong trong cuộc chiến sắp đến.

Họ đã thiếu cân nhắc về sự phát triển kỳ diệu của các loại vũ khí điện tử và khả năng không quân vượt bức của Hoa Kỳ. Hai lãnh vực nầy là yếu tố quyết định dứt khoát kết quả của Đệ Nhị Thế Chiến.

Dù thiếu cân nhắc như vậy, nhưng không thể nói chúng tôi đã tự mãn. Hơn bao giờ hết chúng tôi cố gắng huấn luyện để gia tăng sự thành thục với loại thủy lôi mới. Nhật lịnh huấn luyện của chúng tôi là chỉ phóng loại thủy lôi có tầm xa nầy khi nào đã tiến sát vào 500 thước cách mục tiêu. Mọi sĩ quan cũng được lịnh tìm cách thâu hôi thủy lôi, cho dù trong các buổi thực tập không có gắn đầu đạn.

Chúng tôi đã thi hành triệt để sau nầy, bởi giá một thủy lôi không đầu đạn lúc đó là 5000 yên (2500 Mỹ kim). Hơn nữa, chúng tôi không thể để loại thủy lôi mới nầy rơi vào tay địch quân, vì như vậy bí mật của nó sẽ bị khám phá. Thỉnh thoảng toàn thể hạm đội phải dàn hàng ngang lướt qua một khu vực rộng lớn của đại dương trong nhiều giờ để chỉ thâu hồi một trái thủy lôi phóng lạc xa khỏi mục tiêu. Vào những ngày có bảo, chúng tôi đình chỉ tất cả các buổi diễn tập, nhưng sau nầy tôi đã đánh chìm ba khu trục hạm Hoa Kỳ bằng cách áp dụng phương pháp đó.

Trong suốt cuộc chiến, hướng tiến đến của các chiến hạm địch không thể nào định trước được. Theo lịnh, các khu trục hạm Nhựt phải tiến thẳng vào mục tiêu, khai hỏa cận và đổi hướng nhanh chóng. Nhưng một khu trục hạm có tốc độ cao không thể nào giảm tốc độ một cách mau lẹ để tranh khỏi đụng chạm và ai cũng đoán biết những đụng chạm giữa đại dương gây chết người là thường. Hơn nữa tiến sát vào địch quân trong vòng 500 thước có nghĩa là đưa đầu vào họng súng của họ.

Trong các buổi diễn tập, chúng tôi thường phóng thủy lôi cách mục tiên 2000 thước. Và khi đối đầu thực sự với tàu chiến địch, khoảng cách trung bình để phóng thủy lôi có thể từ 4000 đến 5000 thước, một khoảng cách mà các thủy lôi Hoa Kỳ vẫn còn ngoài tầm.

Tôi được thăng cấp thiếu tá vào ngày 15 tháng 11 năm 1933. Tôi đã có hai gái, và nhìn lại 12 năm đã trôi qua, kể khi tôi rời Hàn Lâm Viện hải quân, tôi cảm thấy đã trở thành một sĩ quan hải quân đầy đủ lông cánh, và là một trong những sĩ quan trẻ tuổi nhứt trong Hải Quân Hoàng Gia, vượt hẳn những bạn đồng khóa của tôi, ngay cả những người đã tốt nghiệp trường Cao Đẳng Tham Mưu.


Logged
cuckoovn
Thành viên
*
Bài viết: 371


Súng không lau súng mau han rỉ


« Trả lời #18 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2010, 12:45:03 pm »



8
Giai đoạn từ năm 1931 đến 1937, nước Nhật đã gặp phải hàng loạt xáo trộn trong nội bộ và ngoại bộ đáng lưu ý. Những xáo trộn này lúc bấy giờ được xem có hại hơn là có lợi và đưa đến hậu quả lớn nhứt là cuộc chiến Thái Bình Dương.


Trong suốt giai đoạn nầy tôi đã không đo lường đúng mức có phải những xáo trộn là bước sơ khởi gây ra chiến tranh hay không, bởi vì tôi đang bận tâm với công việc nghiên cứu riêng và nhiệm vụ trên tàu của tôi. Nhưng nhìn lại một dọc biến cố quan trọng của những năm nầy cho thấy Nhật Bản đang vội vã đi trên con đường thẳng đến chiến tranh.

Vào ngày 18 tháng 9 năm 1931, quân đội Nhựt đụng độ với quân đội của Chang Hsueh Liang gần Mukden, Mãn Châu. Ngọn lửa chiến tranh lan rộng nhanh chóng trên khắp lãnh thổ xứ nầy. Lực lượng Nhựt tiêu diệt các lực lượng đối kháng của Trung Hoa và thiết lập một đế chế bù nhìn ở đây.

Ngày 15 tháng 5 năm 1932, một nhóm sĩ quan bộ binh và hải quân Nhựt ùa vào văn phòng của Thủ Tướng Nhựt Tsuyoshi Inukai và sát hại vị thủ tướng bảo thủ nầy.

Tháng 3 năm 1933, Nhật Bản rút khỏi Liên Minh các quốc gia, sau khi tổ chức nầy lên tiếng tố cáo Nhựt xâm lăng Mãn Châu.

Tháng 12 năm 1934, Nhựt lưu ý Hoa Kỳ và Anh Quốc là Nhựt xem như thỏa hiệp giải trang hải quân không còn giá trị nữa.

Tháng 8 năm 1935, trung tá Saburo Aizawa, một tay cực hữu cuồng tín, đột nhập văn phòng Đại Tướng Tetsuzan Nagata, Giám Đốc Văn Phòng Quân Sự của Bộ Chiến Tranh Nhựt, và dùng gươm đâm chết ông nầy.

Vào ngày 26 tháng 2 năm 1936, các sĩ quan cuộc tín thuộc Đệ Nhứt Sư Đoàn âm mưu đảo chánh. Chia ra là nhiều tốp nhỏ, họ tràn vào nhàm một chánh trị gia cao cấp Nhựt và sát hại 4 người. Biến cố nầy được xem là biến cố nội bộ dẽ dội nhứt của Nhựt, nhưng chỉ gây rối loạn quốc gia một thời gian ngắn.

Với cấp bậc Thiếu Tá, lần đầu tiên tôi được bổ nhiệm vào chức Hạm Trưởng của một khu trục hạm vào ngày 1 tháng 11 năm 1934. Hai năm, 1934 và 1935, tôi còn giữ thêm một nhiệm vụ trong một tòa án quân sự hải quân với tư cách dự thẩm, do đó tôi đã thâu thập được một số kiến thức về luật pháp.

Âm mưu đảo chánh năm 1936 gây cho tôi sự xúc động mạnh mẽ. Khu trục hạm của tôi, chiếc Nagatsuki, được sáp nhập Hạm Đội Hổn Hợp, và lúc ấy hoạt động quanh phía Nam Kyushu. Thiên hoàng Hirohito ra lịnh hạm đội tiến sát vào Vịnh Đông Kinh. Một cuộc đảo chánh đang hình thành và ngày ra lịnh cho hải quân và Lục quân đập tan nhóm người âm mưu, tức các sĩ quan của Đệ Nhứt Sư Đoàn. Thật may, nhóm phản loạn đã đầu hàng trước khi chúng tôi nổ súng. Nhưng tình thế đen tối nầy đã gây cho tôi sự chán nản. Tôi không thể sống tách rời với tình thế và chuyên tâm và các công việc nghiên cứu riêng như mong muốn.

Cái gọi là “Nạn Trung Hoa” bắt đầu vào ngày 7 tháng 7 năm 1937, ở cầu Marco Polo, gần Peiping. Quân đội Nhựt đã dập tắt những rắc rối xảy ra tại các vùng phụ cận của thành phố nầy, nhưng phong trào bài Nhựt của Trung Hoa dâng cao dữ dội, gây hổn loạn tại nhiều nơi khác.

Vào ngày 23 tháng 8 cùng năm, tôi nhận lể rửa tôi theo Thần đạo trong một buổi lễ ít người tham dự nhứt từ trước đến nay. Trong tháng đó, nhiều nhóm quân vô kỷ luật thuộc lực lượng của họ Tưởng bắt đầu “tấn công” các kiều dân Nhựt ở Thượng Hải. Lực lượng phòng thủ của Nhựt ở thành phố nầy có khoảng một sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến (gồm toàn binh sỹ hải quân được huấn luyện cho các cuộc hành quân trên bộ). Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến Nhựt đã can thiệp và chống trả mạnh mẽ các nhóm quân Trung Hoa quá đông đảo nầy. Tuy nhiên quân Nhựt dần thất thế, và họ yêu cầu phái một hải đội gồm 4 chiếc khu trục hạm để đưa quân tăng viện từ Nagoya đến Thượng Hải.
Logged
cuckoovn
Thành viên
*
Bài viết: 371


Súng không lau súng mau han rỉ


« Trả lời #19 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2010, 12:50:08 pm »

Một trong bốn khu trục hạm nầy là một loại tàu mới nhứt, chiếc Amagiri (Trời Sương Mù). Và mặc dù lúc ấy tôi được thừa nhận là chuyên viên thủy lôi giỏi nhứt của Nhựt, tôi vẫn được chỉ định làm Hạm Trưởng của chiếc tàu nầy. Đó là một nhiệm vụ gây cho tôi sự thích thú và kinh ngạc to tát.

Amagiri nặng 2370 tấn, được võ trang tận răng, đã chở 300 binh sỹ Nhựt ngồi chen chút như cá mòi, cùng với ba khu trục hạm khác âm thầm rời khỏi Nagoya, một thương cảng lớn của Nhựt, vào lúc nửa đêm, vượt 1000 dậm đường biển với tốc độ 20 hải lý đến Thượng Hải hai ngày sau đó.

Nương bóng đêm, chúng tôi lẻn vào cảng Thượng Hải, và tàu của tôi lặng lẽ đến đậu dưới một chân cầu xe lửa ở Woosung. Nhanh nhẹn, binh sỹ trong tàu đổ bộ dưới dạ cầu. Nhưng bất ngờ, hàng loạt đại liên từ phía trên bắn dãi xuống chúng tôi. Sáu pháo khẩu 122 ly của Amagiri đáp trả dữ dội, nhưng chỉ có tánh cách phỏng chừng, vì chẳng thấy bóng dáng địch quân ở đâu. Cũng may là địch quân, hiển nhiên là du kích hoặc ủng hộ viên của quân đội Trung Hoa, đã nhắm không trúng mục tiêu, nên không ai trong chúng tôi bị trúng đạn. Tôi ra lịnh chiếc tàu chạy ra xa khỏi chân cầu khi thấy binh sỹ của chúng tôi đổ bộ hết lên bờ, và đang bắt đầu thi hành nhiệm vụ của họ.

Chúng tôi thất bại trong việc tạo ra yếu tố “bất ngờ”, nhưng cuộc đổ quân vẫn xem là thành công. Bốn khu trục hạm tiếp tục chở các cánh quân khác thuộc Đệ Tam Sư Đoàn ở Nagoya. Thêm hai sư đoàn bộ binh nữa được đưa chuyển từ Kyushu đến Thượng Hải. Các nổ lực nầy đã lật ngược tình thế, quân Trung Hoa bị đánh tan và bị đẩy lui ra khỏi Thượng Hải.

Nếu các lực lượng Nhựt ngừng ở đây, tai họa tiếp liền sau đó đã không xảy ra. Nhưng lúc ấy Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt đã không nắm vững quyền chỉ huy, nên các lực lượng Nhựt vẫn tiến xa hơn về phía Tây và đánh chiếm Nam Kinh vào tháng 12 năm 1937. Trái hẳn với hi vọng của các sĩ quan bộ binh, Tưởng Giới Thạch vẫn không đầu hàng khi kinh thành nầy thất thủ. Ông ta chỉ triệt binh về Hán Khẩu, kế đó là Trùng Khánh, và đề kháng liên tục hơn 8 năm.

Trong khi bộ binh Nhựt tiến về Nam Kinh, hải đội của tôi giũ nhiệm vụ phong tỏa duyên hải Trung Hoa. Công việc này tỏ ra không hợp lý, vì lúc đó các tàu chiến của chúng tôi đi lại dọc ngang trong các hải phận nầy mà không gặp sự chống đối nào. Mỗi tuần hai lần, chúng tôi chận và khám xét các tàu buôn. Nếu tìm thấy các tàu nầy mang hàng lậu, chúng tôi cho các thủy thủ rời khỏi tàu và ban một vài quả trọng pháo là xong. Như tôi đã nói, công việc nầy không làm một ai phấn khởi.

Vào tháng 11, tôi đưa chiếc Amagiri về Nhựt, và tháng kế đó, tôi được bổ nhiệm làm Hạm Trưởng chiếc Yamagumo, một khu trục hạm tối tân khác. Sau khi bàn giao, tôi và chiếc Yamagumo trở lại hải phận Trung Hoa và tiếp tục công việc phong tỏa như cũ. Trong khi chiến tranh diễn tiến liên tục trên đất liền, tôi vẫn thi hành nhiệm vụ hàng ngày một cách nhàm chán và theo dõi tình hình thế giới trong sự lo âu.

Hiệp ước Munich mở ra vào tháng 8 năm 1938. Quyền lực của Hitler đang gia tăng tại Âu Châu. Tháng 11, tôi được thăng cấp Trung Tá, nhưng nhiệm vụ nhàm chán của tôi ở Trung Hoa vẫn phải tiếp tục cho đến cuối tháng 3 năm 1939. Sau đó, tàu của tôi được lịnh đến căn cứ hải quân Nhựt ở Chinhae, Nam Triều Tiên, để tái huấn luyện.

Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ ở Âu Châu vào ngày 3 tháng 9 năm 1939. Hai tháng sau đó, tôi được chỉ định vào một nhiệm vụ trên đất liền. Tôi trình diện yếu cứ hải quân ở Maizuru, và công việc của tôi nơi đây là huấn luyện các hoạt động chiến đấu cho các thuyền trưởng thương thuyền. Công việc nầy hiển nhiên là nhằm để chuẩn bị đối phó các “biến cố bất ngờ” có thể xảy ra, và không có nghĩa Hải Quân Hoàng Gia Nhựt lúc ấy đã sẵn sàng chuẩn bị tấn công Trân Châu Cảng. Các tàu hàng được huấn luyện chẳng qua là để đáp ứng với cuộc chiến đang phát triển ở Châu Âu.

Ba nội các Nhựt đổ chỉ trong vòng năm 1939, chứng tỏ những khủng hoảng chính trị của Nhựt đến lúc trầm trọng. Vào tháng Giêng năm 1940, một nội các mới ra đời cầm đầu bởi thượng cấp cũ đáng kính trọng của tôi. Đó là Đô Đốc Mitsumasa Yonai. Đô đốc Yonai hiểu rõ Nhật Bản sẽ dấn thân vào cuộc chiến lập tức nếu liên minh với các cường quốc Trục. Ông đã cố gắng hết sức chống đổi thỏa ước Tam Phương.

Các tay quá khích thuộc Lục Quân Nhựt tin tưởng Trục sẽ chiến thắng, và chiến tranh sẽ sớm chấm dứt, lúc đó chỉ có Đức và Ý chi nhau tất cả “chiến lợi phẩm”. Khi họ nhận thấy không thể thuyết phục Yonai liên kết với phe Trục, họ quyết định quấy rối Nội Các của ông và kết quả Bộ Trưởng chiến tranh rút lui. Theo hiến pháp cũ, Bộ Trưởng chiến tranh Nhựt phải là một quân nhân Lục Quân, và khi tướng Shunroku Hata từ chức vào giữa năm 1940, không tướng lãnh nào chấp nhận tham gia Nội Các của Yonai, chẳng khác nào hòn đá ngăn chặn con đường dẫn đến cuộc chiến Thái Bình Dương đã bị dẹp sang một bên. Trùng hợp với biến cố nầy, năm đó Franklin D Roosevelt tái đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ ba. Không lâu sau, Hoa Kỳ và các cường quốc Đồng Minh khác bắt đầu gây áp lực với Nhật Bản. Những áp lực nầy nhắm vào các nhà lãnh đạo quân sự, đã điều khiển quốc gia từ khi Nội Các của Yonai sụp đổ, nhưng không có hiệu quả.

Nội Các kế đó, dưới quyền lãnh đạo của Hoàng Thân Fumimaro Konoye, ký thỏa ước Tam Phương với Đức và Ý vào tháng 9 năm 1940. Trong một năm, Konoye đã cố gắng chống chọi với các tay quân phiệt Nhựt và các áp lực kinh tế của Đồng Minh, nhưng cố gắng nầy vẫn không đi đến đâu, nên vào tháng 10 năm 1941 ông rút lui.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM