Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:00:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười ngày rung chuyển thế giới  (Đọc 62465 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #140 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:26:37 pm »

Buổi họp thứ nhất họp ở phòng A-lếch-xăng của Viện Đu-ma. Cuộc bỏ phiếu thứ nhất chỉ rõ rằng quá nửa đại biểu thuộc nhóm xã hội cách mạng cánh tả; nhóm bôn-sê-vích chiếm một phần năm và nhóm xã hội cách mạng cánh hữu một phần tư; còn lại bao nhiêu thì chỉ đoàn kết trên lập trường chống lại Ủy ban chấp hành cũ, đứng đầu là Áp-xen-ti-ép, Trai-cốp-xki và Pi-ê-sê-khô-nốp.

Phòng họp đầy ắp và vang động tiếng hò hét. Các đại biểu chia thành từng nhóm đối lập nhau một cách sâu sắc. Phía hữu thấy lấp lánh những ngù vai sĩ quan và những bộ râu sum suê, đạo mạo của những nông dân già khá giả; ở giữa có một ít nông dân, những hạ sĩ quan và một ít binh lính; về phía tả thì hầu hết đại biểu đều mặc quân phục của binh lính thường: đó là thế hệ trẻ đã ở trong quân đội…Các khán đài chật ních công nhân: ở Nga, công nhân luôn luôn nhớ tới nguồn gốc nông dân của mình.

Trái với Ủy ban Trung ương Xô-viết toàn Nga cũ, Ủy ban chấp hành khi khai mạc không công nhận cho Đại hội một tính chất chính thức; Đại hội chính thức sẽ khai mạc ngày 13 tháng 12. Giữa một trận bão hoan nghênh và phản đối, người phát ngôn của Ủy ban chấp hành tuyên bố rằng hội nghị này chỉ là một "hội nghị bất thường". Nhưng "hội nghị bất thường" tỏ ngay thái độ với ban Chấp hành bằng cách bầu Ma-ri-a Xpi-ri-đô-nô-va, lãnh tụ xã hội cách mạng cánh tả, lên ghế chủ tịch.

Gần trọn một ngày đầu chỉ bàn cãi rất hăng về vấn đề: có công nhận các đại biểu hàng tổng hay không, hay chỉ công nhận các đại biểu tỉnh? Cũng như ở Đại hội công nhân và binh lính, tuyệt đại đa số đòi hỏi phải có một sự đại diện càng rộng rãi càng tốt, và thế là Ủy ban chấp hành cũ rời bỏ phòng họp…

Hầu như ngay từ đầu, đã rõ ràng là đại bộ phận các đại biểu chống lại chính phủ các ủy viên nhân dân. Di-nô-vi-ép định nhân danh nhóm bôn-sê-vích phát biểu, nhưng bị la ó. Và khi ông ta rời diễn đàn thì giữa những tiếng cười có tiếng người kêu to: "Thế là một vị ủy viên nhân dân bị sa lầy!"

Na-da-rép, một đại biểu tỉnh, nói:

- Chúng tôi, những người xã hội cách mạng cánh tả, chúng tôi từ chối không công nhận cái chính phủ tự xưng là công nông này chừng nào mà nông dân còn chưa được đại diện trong đó. Hiện giờ thì chỉ có nền chuyên chính của công nhân... Chúng tôi đòi phải thành lập một chính phủ mới, đại diện cho toàn thể nền dân chủ.

Bọn đại biểu phản động khéo léo khai thác ngay những tình cảm ấy và, giữa tiếng phản đối của nhóm bôn-sê-vích, tuyên bố là Hội đồng các ủy viên nhân dân có ý định bắt Đại hội phải tuân theo ý muốn của mình, nếu không sẽ dùng võ lực giải tán. Lời tuyên bố này gây ra những la thét căm phẫn của nông dân.

Ngày thứ ba, thình lình Lê-nin xuất hiện ở diễn đàn: trong mười phút, hình như hội nghị lên cơn điên. Tiếng la thét: "Đả đảo! Chúng tôi không nghe các ủy viên nhân dân của các anh! Chúng tôi không công nhận chính phủ của các anh!"
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #141 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:27:24 pm »

Lê-nin rất bình tĩnh, hai tay nắm chặt lấy rìa diễn đàn, đôi mắt nhỏ chăm chú nhận xét đám ồn ào bên dưới. Sau cùng, hội nghị êm dần, trừ về phía hữu. Lê-nin nói, thỉnh thoảng lại dừng lời cho tiếng ồn ào êm đi:

- Tôi đứng đây không phải với tư cách ủy viên trong Hội đồng ủy viên nhân dân, nhưng với tư cách đảng viên Đảng bôn-sê-vích, được ủy nhiệm hợp pháp đi họp Đại hội này.

Và ông giơ ủy nhiệm thư cho mọi người nom thấy. Ông lên tiếng rắn rỏi tiếp tục:

- Nhưng không ai chối cãi rằng chính phủ Nga hiện tại được thành lập do Đảng bôn-sê-vích (ông lại phải im lặng một lúc) cho nên, đứng về phương diện thực tế mà nói, cũng cùng là một việc thôi.

Nghe thấy câu đó, phía hữu la ó ầm ỹ, nhưng phía giữa và phía tả muốn biết thêm nữa nên đòi phải im lặng. Lê-nin lý luận rất giản dị:

- “Các đồng chí nông dân, chúng tôi đã trao đất của đại địa chủ cho các đồng chí. Bây giờ các đồng chí hãy nói thật cho tôi rõ, có phải các đồng chí định ngăn trở không cho công nhân kiểm sát công nghiệp không? Đây là một cuộc đấu tranh giai cấp. Lẽ tất nhiên là địa chủ chống lại nông dân, và bọn chủ công nghiệp chống lại công nhân. Các đồng chí có định để hàng ngũ vô sản chia rẽ không? Các đồng chí đứng về phe nào?

Chúng tôi, những người bôn-sê-vích, chúng tôi là đảng của vô sản, của vô sản nông thông cũng như của vô sản công nghiệp. Chúng tôi, những người bôn-sê-vích, chúng tôi là những người bảo vệ các Xô-viết, Xô-viết nông dân cũng như Xô-viết công nhân và binh lính. Chính phủ hiện tại là một chính phủ của các Xô-viết. Không những chúng tôi đã mời các Xô-viết nông dân tham gia chính phủ, mà chúng tôi cũng đã mời đại diện xã hội cách mạng cánh tả tham gia Hội đồng ủy viên nhân dân.

Các Xô-viết là đại diện hoàn toàn nhất của nhân dân, của công nhân xưởng máy và hầm mỏ, của những người lao động ngoài đồng ruộng. Kẻ nào định phá các Xô-viết, kẻ đó phạm một hành động phản dân chủ và phản cách mạng, và tôi nói trước để các đồng chí xã hội cách mạng cánh hữu cũng như các ông K.D. biết rằng nếu Hội nghị lập hiến định phá các Xô-viết thì chúng tôi không để yên cho mà làm đâu”.

Buổi chiều ngày 25 tháng 11, Tréc-nốp được Ủy ban chấp hành triệu tập, vội vã từ Mô-hi-lép tới. Mới hai tháng trước, y được coi là một nhà cách mạng cực đoan và rất được nông dân ưa thích nhưng bây giờ thì người ta phải gọi đến y để ngăn không cho Đại hội nghiêng về cánh tả nữa. Khi tới, Tréc-nốp bị bắt và giải tới Xmon-ni, nhưng sau một cuộc nói chuyện ngắn, lại được tha.

Việc đầu tiên của y là trách các ủy viên Ủy ban chấp hành sao lại bỏ Đại hội. Họ đồng ý cùng y quay trở lại phòng họp. Và Tréc-nốp bước vào phòng họp giữa tiếng hoan nghênh của đa số và tiếng la ó chế giễu của nhóm bôn-sê-vích. Y nói:

- Các đồng chí, tôi đã đi vắng. Tôi đi dự Hội nghị của quân đoàn 12 để triệu tập một đại hội các đại biểu nông dân của các bộ đội mặt trận miền Tây. Do đó tôi không rõ lắm về cuộc khởi nghĩa đã xảy ra ở đây...
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #142 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:27:51 pm »

Di-nô-vi-ép chồm dậy nói:

- Phải, anh đi vắng ... mất vài phút! (Ồn ào, ầm ỹ. Có tiếng kêu: Đả đảo bọn bôn-sê-vích!)

Tréc-nốp lại tiếp:

- Lời buộc cho tôi là tham gia vào việc dẫn một đạo quân về Pê-tơ-rô-gơ-rát là vô căn cứ: lời buộc tội đó hoàn toàn sai. Ở đâu ra lời buộc tội đó? Cho tôi xem nguồn tin của các anh!

Di-nô-vi-ép:

- Báo Tin tức và báo Sự nghiệp nhân dân tờ báo của chính các anh, đó, nguồn tin đó.

Bộ mặt to của Tréc-nốp với đôi mắt bé, bộ tóc bù xù và bộ râu lốm đốm hoa râm, đỏ dừ vì tức giận, nhưng y cố nhịn và tiếp tục:

- Tôi nhắc lại là tôi hầu như không biết gì về những việc đã xảy ra ở đây, và tôi đã không dẫn đầu một đạo quân nào khác hơn là đạo quân này (y chỉ tay vào những đại biểu nông dân), đạo quân này có mặt ở đây là công của tôi (Tiếng cười và tiếng hoan hô). Khi tôi trở về, tôi đã đi tới Xmon-ni. Ở đấy, người ta không buộc tội cho tôi như thế... Sau một cuộc nói chuyện ngắn, tôi lại ra đi và sự việc chỉ có thế. Bây giờ, thử có ai lên đây nhắc lại lời buộc tội đó xem nào?

Một trận ồn ào ghê gớm bùng ra. Nhóm bôn-sê-vích và một số xã hội cách mạng cánh tả đứng dậy và vung tay gầm thét; trong lúc đó thì phần còn lại của hội nghị cố thét to hơn họ. Tréc-nốp kêu to:
- Thật là xấu hổ, đây không phải là một buổi họp!

Và rời phòng họp. Buổi họp phải hoãn lại vì ầm ỹ và mất trật tự quá.

Trong lúc đó, vấn đề vị trí pháp lý của Ủy ban chấp hành khiến mọi người băn khoăn. Khi tuyên bố là Đại hội chỉ là một “hội nghị bất thường”, người ta định ngăn trở việc bầu lại Ủy ban chấp hành, nhưng việc này lại là một con dao hai lưỡi. Thực vậy, nhóm xã hội cách mạng cánh tả tuyên bố là nếu Đại hội không có quyền lực gì đối với Ủy ban chấp hành thì Ủy ban chấp hành cũng không có quyền gì đối với Đại hội. Ngày 25 tháng 11, hội nghị quyết định rằng quyền lực của Ủy ban chấp hành sẽ do hội nghị bất thường nắm giữ, và chỉ những ủy viên nào trong ban chấp hành đã được ủy nhiệm hợp pháp làm đại biểu mới được tham gia biểu quyết.

Hôm sau, mặc dầu nhóm bôn-sê-vích cực lực phản đối, quyết nghị đó được thay đổi: tất cả các ủy viên trong ban chấp hành, dù là đại biểu hay không, cũng được biểu quyết trong hội nghị.

Ngày 27, cuộc thảo luận về vấn đề ruộng đất vạch ra những sự cách biệt giữa chương trình ruộng đất của nhóm bôn-sê-vích và của nhóm xã hội cách mạng cánh tả.

Nhân danh nhóm xã hội cách mạng cánh tả, Cát-trin-xki nêu lại lịch sử của vấn đề ruộng đất trong quá trình cách mạng. Ông ta nói rằng Đại hội thứ nhất các Xô-viết nông dân đã thông qua một quyết nghị đòi giao ngay những tài sản ruộng đất lớn cho các Ủy ban ruộng đất. Nhưng những lãnh tụ cách mạng và bọn tư sản trong chính phủ đã chống lại không cho vấn đề được giải quyết trước khi họp Hội nghị lập hiến... Giai đoạn thứ hai của cách mạng, giai đoạn “thỏa hiệp” đã được đánh dấu bởi việc Tréc-nốp tham gia chính phủ. Nông dân tin tưởng rằng vấn đề ruộng đất sắp được giải quyết trong thực tế; nhưng mặc dầu quyết nghị rõ ràng của Đại hội nông dân thứ nhất, bọn phản động và bọn “thỏa hiệp” trong Ủy ban chấp hành đã ngăn trở mọi hành động. Chính sách này gây ra ở nông thôn những sự hỗn loạn chứng tỏ rằng những nguyện vọng của nông dân bị bóp nghẹt và nông dân đã mất kiên nhẫn rồi. Nông dân hiểu rõ đường lối đúng của cách mạng, họ muốn từ lời nói bước sang việc làm... Diễn giả nói:

- Những sự việc gần đây không phải là một cuộc nổi loạn giản đơn, một cuộc “phiêu lưu” bôn-sê-vích, nhưng là một cuộc khởi nghĩa nhân dân, được cả nước ủng hộ...
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #143 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:28:13 pm »

“Nói chung thì nhóm bôn-sê-vích đã có thái độ đúng đắn về vấn đề ruộng đất; nhưng khi họ khuyến khích nông dân dùng võ lực chiếm đất, họ đã phạm sai lầm lớn... Ngay từ những ngày đầu, họ đã tuyên bố rằng nông dân phải chiếm lấy ruộng đất bằng “hành động cách mạng quần chúng”. Thế là gây hỗn loạn; nhẽ ra việc chuyển giao ruộng đất có thể thực hiện trong trật tự... Đối với những người bôn-sê-vich thì những vấn đề cách mạng phải giải quyết càng nhanh càng tốt, nhưng họ không chú ý đến vấn đề phải giải quyết như thế nào...

“Sắc lệnh ruộng đất của Đại hội các Xô-viết cũng có nội dung y hệt những quyết định của Đại hội nông dân thứ nhất. Thế tại sao chính phủ mới lại không theo sách lược đã được Đại hội này vạch rõ? Đó là vì Hội đồng ủy viên nhân dân muốn giải quyết nhanh vấn đề để Hội nghị lập hiến khỏi mó đến nữa...

"Chính phủ hẳn đã hiểu rằng cần phải có những biện pháp thực tế. Nhưng chính phủ không suy nghĩ sâu hơn mà đã chấp nhận ngay điều lệ về các Ủy ban ruộng đất, và do đó đã tạo ra một tình thế lạ lùng: vì rằng Hội đồng ủy viên nhân dân thì xóa bỏ quyền tư hữu, trong khi đó thì các điều lệ đặt ra cho các Ủy ban ruộng đất lại đặt cơ sở trên quyền tư hữu. Tuy vậy, điều đó cũng không gây tai hại gì, vì các Ủy ban ruộng đất cũng chẳng chú ý gì đến các sắc lệnh xô-viết, mà chỉ áp dụng biện pháp của riêng họ, những biện pháp dựa trên cơ sở ý chí của đại đa số nông dân...

"Những Ủy ban ruộng đất đó không định tìm ra cho vấn đề một giải pháp pháp lý: đó là công việc của Hội nghị lập hiến... Nhưng Hội nghị lập hiến có ý định thỏa mãn nguyện vọng của nông dân Nga không? Điều đó chúng tôi không khẳng định được... Điều mà chúng tôi chắc chắn là ý chí cách mạng đã thức tỉnh trong nông dân và Hội nghị lập hiến sẽ bắt buộc phải giải quyết vấn đề ruộng đất theo ý nguyện của nông dân... Hội nghị lập hiến sẽ không dám coi thường ý chí của nhân dân ..."

Sau Cát-trin-xki, Lê-nin lê diễn đàn, và lần này được nghe rất chăm chú.

- Giờ đây, chúng ta định giải quyết không những vấn đề ruộng đất mà cả toàn bộ vấn đề cách mạng xã hội, và không chỉ trong nước Nga, mà trên toàn thế giới. Vấn đề ruộng đất không thể giải quyết tách rời khỏi những vấn đề khác của cuộc cách mạng xã hội. Thí dụ việc tịch thu ruộng đất sẽ gây ra sự chống đối không những của địa chủ Nga mà cả của tư bản ngoại quốc vì nó có liên quan tới các tài sản ruộng đất lớn thông qua các ngân hàng...

"Chế độ chiếm hữu ruộng đất ở Nga đã dẫn đến một sự bóc lột khủng khiếp, và việc nông dân tịch thu ruộng đất là một trong những việc quan trọng nhất của cuộc cách mạng của chúng ta. Nhưng hành động này không thể tách rời những hành động cách mạng khác, như những giai đoạn mà cách mạng đã trải qua đã vạch rõ. Sự sai lầm của những người xã hội cách mạng cánh tả là lúc đó đã không chống lại chính sách thỏa hiệp, viện cớ rằng ý thức quần chúng chưa phát triển đầy đủ.

"Nếu chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thực hiện khi tất cả mọi người không trừ một ai đều đã tới một trình độ phát triển đầy đủ thì có lẽ phải năm trăm năm nữa chúng ta mới thấy chủ nghĩa xã hội. Chính đảng xã hội chủ nghĩa là tiền phong của giai cấp công nhân: chính đảng đó không được để trình độ thấp kém của quần chúng kìm nó lại, trái lại, nó phải lôi kéo quần chúng bằng cách dùng những Xô-viết như những lợi khí của sự chủ động cách mạng của mình... Nhưng muốn lãnh đạo được những người chần chừ thì bản thân những đồng chí xã hội cách mạng cánh tả cũng phải thôi chần chừ mới được.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #144 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:28:34 pm »

"Ngay từ tháng 7 trước, đã có những chỗ rạn nứt trong sự quan hệ giữa quần chúng nhân dân và những kẻ "thỏa hiệp"; vậy mà nagfy nay, tháng 11, cánh tả xã hội cách mạng hãy còn chìa tay cho Áp-xen-ti-ép là kẻ lừa dối quần chúng. Nếu sự thỏa hiệp không chấm dứt thì cách mạng sẽ không còn. Đối với giai cấp tư sản, không thể nào thỏa hiệp được mà phải vĩnh viễn tiêu diệt lực lượng của nó ...

"Chúng tôi, những người bôn-sê-vích, chúng tôi không thay đổi chương trình ruộng đất của chúng tôi. Chúng tôi đã không từ bỏ việc xóa bỏ quyền tư hữu ruộng đất, và hiện nay chúng tôi không định từ bỏ việc xóa bỏ quyền đó. Chúng tôi đã chấp nhận điều lệ về các Ủy ban ruộng đất, điều lệ này hoàn toàn không phải căn cứ trên quyền sở hữu ruộng đất, vì chúng tôi cố gắng thi hành ý chí của nhân dân theo đúng sở nguyện của chính nhân dân, đặng thắt chặt hơn nữa sự đoàn kết giữa mọi phần tử đang đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa.

"Chúng tôi mời những người xã hội cách mạng cánh tả tham gia liên minh này, nhưng chúng tôi nhất quyết đề nghị họ thôi đừng nhìn về phía sau nữa và phải đoạn tuyệt với những kẻ "thỏa hiệp" ngay trong đảng của họ.

"Còn về Hội nghị lâoj hiến thì đúng như diễn giả trước đã nói, kết quả công việc của nó tùy thuộc ở quyết tâm cách mạng của quần chúng. Tôi xin nói thêm: Các bạn cứ tin tưởng ở quyết tâm cách mạng ấy đi, nhưng đồng thời phải nắm chắc tay súng!"

Rồi Lê-nin đọc dự thảo bản nghị quyết bôn-sê-vích:

Toàn thể Đại hội nông dân nhất trí tán thành Sắc lệnh ruộng đất ngày 8 tháng 11 năm 1917, đã được Đại hội toàn Nga các đại biểu công nhân và binh lính thông qua, và đã được Hội đồng ủy viên nhân dân với tư cách Chính phủ lâm thời công nông của nước Cộng hòa Nga ban hành.

Đại hội nông dân bày tỏ quyết tâm vững chắc và không gì lay chuyển nổi là sẽ mang hết sức lực ủng hộ sự thi hành sắc lệnh này; Đại hội đề nghị nông dân nhất trí ủng hộ sắc lệnh đó và tự mình đứng ra thi hành ngay; Đại hội cũng đề nghị nông dân chỉ bầu lên những chức vụ quan trọng những người nào đã chứng tỏ, không phải bằng lời nói nhưng bằng việc làm, sự trung thành tuyệt đối của họ với quyền lợi của nông dân lao động bị bóc lột, ý chí và khả năng của họ bảo vệ những quyền lợi đó chống lại mọi sự kháng cự của bọn đại địa chủ, bọn tư bản và phe lũ cùng đồng lõa của chúng.

Đồng thời Đại hội nông dân tuyên bố tin chắc rằng sự thực hiện hoàn toàn những biện pháp cấu thành Sắc lệnh ruộng đất chỉ có thể có được do sự thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa công nhân bắt đầu ngày 7 tháng 11; thật vậy, chỉ có cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa mới có thể đảm bảo việc chuyển giao vĩnh viễn ruộng đất cho nông dân lao động, việc tịch thu những máy móc nông nghiệp, việc bảo vệ mọi quyền lợi của các công nhân nông nghiệp bằng cách xóa bỏ ngay lập tức và vĩnh viễn toàn thể chế độ nông nô tư bản chủ nghĩa, bằng sự phân phối đều đặn và hợp lý những sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp giữa các miền và trong dân chúng, việc tịch thu các nhà băng (không có việc tịch thu này thì sự chiếm hữu ruộng đất của nhân dân không thể có được) và việc Nhà nước giúp đỡ những người lao động và những người bị bóc lột, vv... Vì tất cả những lẽ đó, Đại hội nông dân – đã nhất trí ủng hộ cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày 7 tháng 11- bày tỏ quyết tâm không gì lay chuyển nổi là sẽ thực hiện từng bước nhưng không chần chừ, những biện pháp cần thiết để cải tạo xã hội chủ nghĩa nước Cộng hòa Nga.

Điều kiện cần yếu cho sự thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà chỉ có nó mới có thể đảm bảo thắng lợi lâu dài và sự thi hành toàn diện của Sắc lệnh ruộng đất, là sự đoàn kết chặt chẽ giữa những người lao động bị bóc lột ở nông thôn và giai cấp công nhân cùng vô sản tất cả các nước tiên tiến. Từ nay trở đi, ở nước Cộng hòa Nga, tổ chức của Nhà nước từ trên chí dưới sẽ phải dựa trên sự đoàn kết ấy. Chỉ có sự đoàn kết như vậy – bằng cách tiêu diệt mọi âm mưu trực tiếp hay gián tiếp, trắng trợn hay che đậy, nhằm quay lại một sự cộng tác đã bị thực tế đời sống lên án với giai cấp tư sản và những kẻ lãnh đạo chính sách của nó – mới có thể đảm bảo sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #145 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:28:54 pm »

Bọn phản động trong Ủy ban chấp hành không dám thò mặt ra công khai nữa. Tuy vậy, Tréc-nốp nhiều lần phát biểu với một vẻ vô tư nhũn nhặn và gây được cảm tình. Y được mời lên ghế chủ tịch đoàn ... Phiên họp đêm thứ hai của Đại hội, viên chủ tịch nhận được một mảnh giấy không ký tên đề nghị đưa Tréc nốp lên ghế chủ tịch danh dự. Ut-xti-nốp đọc to mảnh giấy, nhưng lập tức Di-nô-vi-ép chồm lên thét to rằng đây là một cái bẫy của Ủy ban chấp hành cũ nhằm giành quyền lãnh đạo Đại hội; trong phút chốc cả hai bên phòng họp chỉ còn là một cái biển gầm thét đầy những cánh tay vung lên và những bộ mặt giận dữ... Tuy vậy Tréc-nốp vẫn được ưa chuộng lắm.

Trong những cuộc thảo luận giông bão về vấn đề ruộng đất và nghị quyết của Lê-nin, đã hai lần nhóm bôn-sê-vích định bỏ hội nghị ra về, nhưng các lãnh tụ của họ giữ họ lại... Tôi có cảm tưởng là Đại hội ở một tình trạng không có lối thoát.

Nhưng chẳng một ai trong chúng tôi biết rằng đang có những cuộc thương thuyết bí mật ở Xmon-ni giữa cánh tả xã hội cách mạng và nhóm bôn-sê-vích. Thoạt đầu, nhóm xã hội cách mạng cánh tả đòi thành lập một chính phủ gồm mọi đảng phái xã hội, dù họ có đại diện hay không trong các Xô-viết, chính phủ này chịu trách nhiệm trước một Hội đồng nhân dân gồm một số bằng nhau những đại biểu các tổ chức công nhân và binh lính và các tổ chức nông dân, và được bổ sung bằng các đại biểu các Đu-ma thành phố và các dem-xtơ-vô. Họ đòi loại Lê-nin và Tơ-rốt-xki ra ngoài và giải tán Ủy ban quân sự cách mạng cùng mọi cơ quan đàn áp khác.

Sáng thứ tư 28 tháng 11, sau một cuộc đấu tranh gay go kéo dài suốt đêm, một sự thỏa thuận được ký kết. Ủy ban chấp hành trung ương toàn Nga các Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính, gồm 108 người, được tăng thêm 108 người do Đại hội nông dân bầu ra bằng phương pháp đầu phiếu tỷ lệ, 100 đại biểu do lục quân và hải quân bầu ra bằng phương pháp đầu phiếu trực tiếp và 50 đại biểu các công đoàn (35 đại biểu các công đoàn toàn Nga, 10 đại biểu đường sắt và 5 đại biểu bưu điện). Không nói đến các Đu-ma và dem-xtơ-vô nữa. Lê-nin và Tơ-rốt-xki vẫn ở trong chính phủ, và Ủy ban quân sự cách mạng vẫn tiếp tục hoạt động.

Trong khi đó thì Đại hội chuyển sang họp ở Trường Luật, số 6 phố Phông-tan-ca, trụ sở của Ủy ban chấp hành các Xô-viết nông dân. Buổi chiều thứ tư, các đại biểu họp ở đại giảng đường. Ủy ban chấp hành cũ đã rút lui và cùng lúc đó triệu tập ở một phòng khác một phiên họp ngoài lề, với sự tham gia của những đại biểu bất mãn và những đại biểu của các Ủy ban quân đội.

Tréc-nốp đi lại từ phòng nọ sang phòng kia, chú ý theo dõi cuộc thảo luận ở cả hai hội nghị. Y biết rằng đang có những sự thương lượng với nhóm bôn-sê-vích, nhưng chưa biết rằng đã có ký kết thỏa thuận. Y nói với hội nghị ngoài lề như sau:

- Bây giờ thì ai nấy đều muốn một chính phủ thuần là xã hội, nhưng nhiều người quên rằng chính phủ đầu tiên không phải là một chính phủ liên hiệp và chỉ có một người xã hội là Kê-ren-xki: hồi đó chính phủ này được hoan nghênh lắm. Bây giờ người ta buộc tội Kê-ren-xki và quên rằng đưa ông ta lên nắm chính quyền không những là chỉ do các Xô-viết mà còn do quần chúng nhân dân nữa.

“Tại sao dư luận quần chúng lại thay đổi đối với Kê-ren-xki? Bọn man mọi khi có điều gì cầu xin thì thờ thần cúng thánh nhưng khi cầu không được thì lại trừng phạt cả thần thánh... Chuyện đang xảy ra hiện giờ cũng y hệt. Hôm qua là Kê-ren-xki, bây giờ thì Lê-nin và Tơ-rốt-xki, mai kia thì lại một kẻ khác...
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #146 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:29:24 pm »

“Chúng ta đã đề nghị cả Kê-ren-xki và nhóm bôn-sê-vích phải từ bỏ chính quyền. Kê-ren-xki đã nhận lời; từ nơi ẩn trú của ông ta, ông ta đã cho biết là ông từ chức thủ tướng. Còn nhóm bôn-sê-vích thì cứ khư khư giữ lấy chính quyền, mặc dù không biết sử dụng ra làm sao...

Dù nhóm bôn-sê-vích thành công hay thất bại, số mệnh nước Nga cũng chẳng vì thế mà thay đổi. Các làng xã Nga đều biết rõ mình muốn gì; họ đang tự họ thi hành những biện pháp của chính họ... Rút cục lại, chính nông thôn sẽ cứu chúng ta...”


Trong khi đó, trong đại giảng đường, Út-xti-nốp đã báo cáo về sự thỏa thuận giữa Đại hội nông dân và Xmon-ni: các đại biểu đều vui mừng khôn xiết. Bỗng chốc Tréc-nốp xuất hiện và đòi phát biểu:

- Tôi vừa được biết là một sự thỏa thuận sắp được ký kết giữa Đại hội nông dân và Xmon-ni. Sự thỏa thuận ấy là bất hợp pháp, vì Đại hội các Xô-viết nông dân chính thức chỉ tuần sau mới họp... Vả chăng, tôi muốn nói trước cho các ông biết rằng bọn bôn-sê-vích chẳng đời nào chấp nhận những yêu sách của các ông đâu...

Y bị ngắt lời bởi một chuỗi cười rộ. Hiểu biết tình thế, y dời diễn đàn và phòng họp, sự ưa thích của quần chúng đối với y cũng theo y mà đi mất ....


Xế chiều hôm thứ năm 29 tháng 11, Đại hội họp phiên bất thường. Không khí vui như hội, mọi người đều tươi cười... Những việc đang làm dở được thanh toán nhanh chóng, rồi vị lão thành Na-tan-xông với bộ râu bạc thuộc cánh tả xã hội cách mạng đọc “bản giá thú” giữa các Xô-viết nông dân và các Xô-viết công nhân và binh lính.

Xế chiều hôm thứ năm 29 tháng 11, Đại hội họp phiên bất thường. Không khí vui như hội, mọi người đều tươi cười... Những việc đang làm dở được thanh toán nhanh chóng, rồi vị lão thành Na-tan-xông với bộ râu bạc thuộc cánh tả xã hội cách mạng đọc “bản giá thú” giữa các Xô-viết nông dân và các Xô-viết công nhân và binh lính. Giọng ông run run, mắt ông ướt lệ. Mỗi khi đọc đến chữ "đoàn kết" lại có tiếng hoan hô vang dậy... Về cuối phiên, Út-xti-nốp báo tin có một đoàn đại biểu từ Xmon-ni đến, cùng đi theo có các đại diện của Hồng quân. Tiếng hoan hô phấn khởi đón chào tin đó. Lần lượt, một công nhân, một người lính và một thủy thủ lên diễn đàn chào mừng Đại hội.

Rồi đến Bô-rít Rai-stai-nơ (Boris Reinstein), đại biểu Đảng công nhân xã hội Mỹ, phát biểu:
- Ngày đoàn kết giữa Đại hội nông dân và các Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính là một ngày hội lớn của cách mạng. Sự đoàn kết này sẽ có tiếng vang trên khắp thế giới, từ Pa-ri, Luân-đôn sang bên kia đại dương, tới Niu Oóc. Sự đoàn kết này sẽ là một nguồn vui sướng cho hết thảy những người lao động. "Một lý tưởng lớn đã chiến thắng. Phương Tây và châu Mỹ chờ đợi ở nước Nga, ở vô sản Nga, một cái gì vĩ đại... Vô sản thế giới nhìn về cách mạng Nga và chờ đợi sự nghiệp vĩ đại mà cách mạng Nga đang thực hiện..."

Xvéc-lốp, chủ tịch Ủy ban chấp hành các Xô-viết toàn Nga, cũng tới chào mừng Đại hội, sau đó, giữa tiếng reo: "Nội chiến kết thúc muôn năm! Nền dân chủ đoàn kết muôn năm!" nông dân rời nơi họp.

Trời đã tối mịt, ánh trăng sao lấp lánh trên tuyết đã đóng băng. Trên bờ sông đào, trung đoàn Páp-lốp đứng dàn hàng, ban quân nhạc của trung đoàn bắt đầu nổi bài Mác-xây-e (la Marseillaise). Giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của binh lính, nông dân đứng vào hàng ngũ diễu hành và nêu cao biểu ngữ của Ủy ban chấp hành Xô-viết nông dân toàn Nga, bằng vải đỏ thêu chữ vàng: "Tình đoàn kết giữa quần chúng lao động cách mạng muôn năm".

Tiếp sau là nhiều biểu ngữ khác của các Xô-viết khu, của xưởng Pu-ti-lốp, trên có mấy hàng chứ: "Chúng tôi nghiêng mình trước lá cờ này, để xây dựng tình huynh đệ giữa tất cả các dân tộc!".
Những bó đuốc được thắp lên, ánh lửa màu da cam rọi trên băng tuyết phá toang màn đêm, những làn khói bay trên đám người biểu tình vừa tiến bước vừa ca hát vang lừng dọc sông đào Phông-tan-ca, giữa những người xem ngạc nhiên và im lặng.

"Quân đội cách mạng muôn năm! Đội xích vệ muôn năm! Nông dân muôn năm!"
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #147 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:30:00 pm »

Đoàn biểu tình vĩ đại đi khắp thành phố, mỗi lúc một to, mỗi lúc một thêm biểu ngữ đỏ chữ vàng. Hai lão nông, lưng còng vì một đời người lao động, khoác tay nhau cùng đi, nét mặt vui sướng như trẻ con. Một cụ nói:

- Nào, chúng có giỏi cứ lấy lại ruộng đất thử coi!

Gần Viện Xmon-ni, xích vệ đứng dàn hai bên đường, niềm vui sướng tràn ngập. Lão nông kia bảo bạn:

- Tôi chẳng mệt tí nào, hình như suốt đoạn đường này tôi đã bay trên không.

Trên bậc bước lên Viện Xmon-ni, khoảng một trăm đại biểu công nhân và binh lính cầm cờ đứng in bóng trên nền ánh sáng từ trong tỏa ra. Như một làn sóng, họ chạy xổ xuống đón các nông dân, ôm chầm lấy họ mà hôn, rồi cả đoàn người qua cổng lớn, trèo lên bậc thềm giữa tiếng hoan hô như sấm dậy...

Trong phòng họp lớn màu trắng, Ủy ban chấp hành Xô-viết toàn Nga đang đợi, cùng với toàn thể Xô-viết Pê-tơ-rô-gơ-rát và khoảng một ngàn khán giả, trong bầu không khí nghiêm trang của những giờ phút lớn của lịch sử.

Giữa tiếng hoan hô, Di-nô-vi-ép báo cáo về sự thỏa thuận với Đại hội nông dân. Tiếng hoan hô lại càng nổi lên như bão tố khi tiếng quân nhạc vang trong hành lang và đoạn đầu của đoàn biểu tình bước vào phòng họp. Chủ tịch đoàn đứng dậy để lấy chỗ cho Chủ tịch đoàn Đại hội nông dân, và hai bên ôm nhau hôn. Đằng sau họ, hai lá cờ được đặt chéo nhau trên tường trắng, trên cái khung ảnh đã bị lột mất chân dung Nga hoàng...

Rồi phiên họp thắng lợi bắt đầu. Sau vài lời chào mừng của Xvéc-lốp, Ma-ri-a Xpi-ri-đô-nô-va lên diễn đàn, người bé nhỏ xanh xao, đeo kính và tóc chải mượt như một bà giáo của xứ Tân Anh-cát-lợi, người đàn bà được yêu mến nhất và có quyền uy nhất nước Nga:

- Ngày nay, trước công nhân Nga đã mở rộng những chân trời mới chưa từng có trong lịch sử... Trong quá khứ, mọi phong trào công nhân đều kết thúc bằng thất bại. Phong trào ngày nay là một phong trào quốc tế, và vì thế nó không thể nào thất bại. Không một lực lượng nào trên thế giới có thể dập tắt ngọn lửa cách mạng. Thế giới cũ sụp đổ, thế giới mới ra đời...

Sau đó, Tơ-rốt-xki phát biểu đầy nhiệt tình:

- Các đồng chí nông dân, tôi xin chào mừng các đồng chí! Ở đây các đồng chí không phải là khách mà là chủ của cái tòa nhà này trong đó đập con tim của cách mạng. Ý chí của hàng triệu công nhân tập trung trong phòng này. Từ nay trở đi, trên đất Nga chỉ có một chủ, đó là sự đoàn kết vĩ đại của công nông binh...
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #148 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 08:31:05 pm »

Rồi bằng một giọng chế giễu cay độc, ông ta nói tới các nhà ngoại giao đồng minh cho tới nay vẫn không đếm xỉa đến đề nghị đình chiến của nước Nga, đề nghị mà các cường quốc Trung Âu đã chấp nhận.

- Ngày nay một nhân loại mới đã ra đời. Trong phòng này, chúng ta thề với công nhân toàn thế giới là chúng ta nhất quyết giữ vững vị trí cách mạng. Nếu chúng ta có ngã chăng nữa thì là ngã trong lúc bảo vệ lá cờ của chúng ta...

Cơ-ri-len-cơ báo cáo về tình hình mặt trận, ở đó Đu-khô-nin đang chuẩn bị chống lại Hội đồng ủy viên nhân dân.

- Đu-khô-nin và đồng lõa nên biết rằng chúng ta sẽ thẳng tay đối với kẻ nào ngăn trở chúng ta tiến tới hòa bình.

Nhân danh hải quân, Đi-ben-cô chào mừng hội nghị, và Cơ-ru-trin-xki, ủy viên Ủy ban trung ương toàn Nga công đoàn các công nhân đường sắt, tuyên bố:

- Giờ đây sự đoàn kết của các người xã hội chủ nghĩa chân chính đã được thực hiện, toàn thể đạo quân của các công nhân đường sắt sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh của nền dân chủ cách mạng.

Rồi đến Lu-nát-sác-xki, rưng rưng nước mắt, rồi đến Pơ-rô-tri-an phát biểu nhân danh cánh tả xã hội cách mạng, rồi sau cùng đến Xa-kha-rát-svi-li tuyên bố nhân danh nhóm quốc tế chủ nghĩa thống nhất, gồm những người thuộc nhóm của Mác-tốp và Goóc-ki.

- Trước đây chúng tôi đã rời bỏ Ủy ban trung ương Xô-viết toàn Nga vì chính sách không nhân nhượng của nhóm bôn-sê-vích và để buộc nhóm này phải chịu những sự nhượng bộ cần thiết để thực hiện sự đoàn kết trong tất cả nền dân chủ cách mạng. Giờ đây sự đoàn kết đó đã được thực hiện nên chúng tôi tự coi như có nhiệm vụ thiêng liêng phải quay trở về chỗ cũ của chúng tôi trong Ủy ban trung ương Xô-viết toàn Nga... Chúng tôi tuyên bố rằng tất cả những ai đã rời bỏ Ủy ban này đều phải quay trở lại.

Stác-cốp, một lão nông cao tuổi, ủy viên Chủ tịch đoàn Đại hội nông dân, nghiêng mình chào mọi phía trong phòng và nói:

- Xin chúc mừng tất cả các bạn nhân dịp đời sống mới và nền tự do mới của nước Nga bắt đầu.

Gơ-rông-xki, nhân danh những người xã hội dân chủ Ba-lan, Xcơ-ríp-ních, nhân danh các Ủy ban xí nghiệp,
Ti-phô-nốp, nhân danh bộ đội Nga ở Xa-lô-ních, và nhiều người nữa, kế tiếp nhau lên diễn đàn, nói tất cả những điều ấp ủ trong tim với sự hùng hồn vui sướng của những nguyện vọng đã được thỏa mãn...
Đêm khuya, hội nghị nhất trí thông qua bản nghị quyết sau đây:

Ủy ban chấp hành trung ương toàn Nga các Xô-viết công nhân binh lính, Xô viết Pê-tơ-rô-gơ-rát và Đại hội nông dân bất thường toàn Nga thông qua Sắc lệnh ruộng đất và Sắc lệnh hòa bình đã được thông qua tại Đại hội lần thứ hai các Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính, và Sắc lệnh về quyền kiểm soát của công nhân đã được Ủy ban chấp hành trung ương Xô-viết toàn Nga thông qua.

Các hội nghị hợp nhất của Ủy ban trung ương Xô-viết toàn Nga và của Đại hội nông dân toàn Nga tin tưởng vững chắc rằng sự đoàn kết của công nông binh, sự đoàn kết huynh đệ ấy của tất cả những người lao động và những người bị bóc lột, sẽ củng cố chính quyền đã chiếm được và sẽ thi hành mọi biện pháp cách mạng cần thiết để công nhân các nước mau chóng chiếm được chính quyền, và như vậy đảm bảo một thắng lợi lâu dài cho sự nghiệp hòa bình chính nghĩa và chủ nghĩa xã hội.


HẾT
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM