Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:27:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử phát triển và giới thiệu các dòng xe tăng chủ lực (MBT)  (Đọc 268308 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Trung tá
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #390 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2013, 02:07:15 am »

Lịch sử chiến đấu T-62

Ngay sau khi xuất hiện trong Quân đội Liên Xô, các xe tăng T-62 đã thu hút được sự chú ý của các chuyên gia phương Tây. Tuy nhiên, trong thời gian dà, trong tay họ thậm chí còn không có ảnh xe chiến đấu bí mật mới. Hình ảnh của xe tăng chỉ được công bộ rộng rãi một cách chính thức vào năm 1967: trong cuộc duyệt binh truyền thống mùng 7 tháng 11 ở Quảng trường Đỏ với 20 xe tăng T-62 thuộc Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 Kantemirov. Một năm sau, đêm 21 tháng 8 năm 1968, chiến dịch “Dunai” bắt đầu – quân đội khối Hiệp ước Vác sa va tiến vào Tiệp Khắc. Trong biên chế nhiều đơn vị xe tăng Liên Xô tham gia chiến dịch này, có các xe tăng T-62. Quân đội Tiệp Khắc không chống cự, vì thế không xảy ra tổn thất lớn.

Các xe tăng T-62 của quân đội Liên Xô trên đường phố Praha năm 1968

Các xe tăng T-62 tham chiến thật sự vào nửa năm sau, nhưng ở khu vực khác. Đêm mùng 2 tháng 3 năm 1969, khoảng 300 lính Trung Quốc đã chiếm quần đảm Damansky trên sông Ussuri và dựng các trận địa hỏa lực ở đó. Nỗ lực của bộ đội Biên phòng Liên Xô dưới sự chỉ huy của Thượng úy Ivan Strelnikov – chỉ huy đồn biên phòng Hạ Mikhailov (Nhiznimikhailov) đẩy lùi sự xâm phạm lãnh thổ Liên Xô đã kết thúc bi thảm – lực lượng biên phòng bị lính Trung Quốc bắn trực diện vào chốt. Trận chiến đầu tiên với sự hỗ trợ của lực lượng dự bị thuộc bộ đội biên phòng trên quần đảo đã bị đánh trả và bị đặt vào tư thế phòng thủ. Do sự tăng cường lấn chiếm quần đảo của Trung Quốc vẫn tiếp tục, ngày 12 tháng 3, ở vùng chiến, đã xuất hiện các đơn vị thuộc S đoàn bộ binh cơ giới Cờ đỏ Thái Bình Dương số 135, Quân khu Viễn Đông: các trung đoàn bộ binh cơ giới và pháo binh, tiểu đoàn xe tăng độc lập và tiểu đoàn pháo phản lực BM-21 “Grad”. Mặc dù vậy, lực lượng biên phòng Liên Xô chỉ trụ được trên các chốt phòng thủ thêm 2 ngày, theo mệnh lệnh bất ngờ: “Rút khỏi Damasky!” (Bỏ Damansky). Quân Trung Quốc một lần nữa chiếm đảo. Chưa hết ngày, mệnh lệnh mới “Giành lại Damansky!” đã được đưa ra. Sáng 15 tháng 3, quân Trung Quốc được pháo binh và xe tăng yểm trợ lại tiếp tục tấn công. Trong khi đó, lực lượng biên phòng Liên Xô thực tế không có pháo binh yểm trợ bởi vì bị cấm bắn sang bờ phía Trung Quốc mà ở đó, rõ ràng có pháo của Trung Quốc bắn vào quần đảo. Lúc này, tư lệnh Quân khu Viễn Đông đã yêu cầu Moskva cho phép bắn sang bờ phía Trung Quốc. Chỉ huy lực lượng biên phòng – Đại tá D.Leonov đã quyết định tấn công vào hậu phương quân địch bằng lực lượng có sự yểm trợ của trung đội xe tăng T-62 (theo nguồn khác – thực hiện trinh sát). Ba xe tăng T-62 đã di chuyển trên vùng băng đá Ussuri và gần quần đảo Damansky đã triển khai bên sườn gần bờ phía Trung Quốc. Tận dụng tình hình này, lính Trung Quốc đã bắn cháy xe tăng bằng súng phóng lựu RPG-7. Kíp xe, gồm cả đại tá Leonov đã hy sinh.

T-62 của quân đội Liên Xô bị Trung Quốc lấy được năm 1969

Hai xe tăng khác và lực lượng biên phòng buộc phải rút lui. Chỉ đến chiều mới nhận được mệnh lệnh từ Moskva, cho phép bắn sang bờ phía Trung Quốc. Sáng 17 tháng 3, trung đoàn lựu pháo 122mm và tiểu đoàn “Grad” đã bắn mạnh vào quần đảo và sâu 7 kilomet vào lãnh thổ Trung Quốc. Sau đó, tiểu đoàn 2, trung đoàn bộ binh cơ giới Verkhneudinsk số 199 với sự yểm trợ của đại đội xe tăng T-62 đã mở đợt tấn công và kết quả sau trận đánh ác liệt, quân thù đã bị quét sạch khỏi quần đảo. Tuy nhiên, xe tăng bị bắn hỏng vẫn để lại trên lớp băng Ussuri giữa quần đảo Damansky và bờ bên Trung Quốc. Mặc dù đã có nhiễu nỗ lực cứu kéo, nhưng đều không thành công. Để Trung Quốc không chiếm được xe tăng, phía Liên Xô đã tiến hành bắn pháo thường xuyên vào khu vực này. Cuối cùng, lớp băng dày hàng mét cũng không giữ lại được và xe tăng bị chìm. Các biện pháp mang tính hình thức để giữ bí mật đã được sử dụng. Sự thật, các chỉ huy quân đội Liên Xô khi đó không biết được rằng, lính trinh sát Trung Quốc đã đột nhập vào xe tăng bị bắn cháy từ đêm đầu tiên, tháo khỏi xe thước ngắm TSh2B-41 và mang đi một số đạn, trong đó có đạn xuyên giáp dưới cỡ. Tháng 5, sau khi băng tan, Trung Quốc đã kéo xe tăng về phía bờ của họ. Sau đó, nó được trưng bày trong khu vực tham quan ở Bảo tàng Quân đội – cách mạng tại Bắc Kinh và ở đó cho đến nay.
Logged
daibangden
Trung tá
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #391 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2013, 02:12:27 am »

Lần tham chiến tiếp theo của T-62 là sau đó 10 năm - ở Afganistan. Các đơn vị xe tăng thuộc Tập đoàn quân số 40 là các trung đoàn xe tăng thuộc ba sư đoàn bộ binh cơ giới vào Afganistan – trung đoàn xe tăng Cận vệ 24 thuộc sư đoàn cơ giới Cận vệ số 5, trung đoàn xe tăng 285, sư đoàn cơ giới 108 và trung đoàn xe tăng 234, sư đoàn cơ giới 201. Đồng thời, các tiểu đoàn xe tăng thuộc các trung đoàn và lữ đoàn trang bị chủ yếu xe tăng T-62, trung đoàn 283 đã tiến vào Afganistan cùng các đơn vị và chi đội khác của sư đoàn cơ giới 108 đã qua sông Amu-Dari – cách thành phố Termez (Uzbekistan) không xa, bằng cầu phao. Trung đoàn tăng 24 vượt biên giới trên bộ gần Kuska, còn trung đoàn 234 qua Pamir theo đường núi hẹp phủ đầy tuyết. Vì “hành lang Suvorov” này, trung đoàn trưởng đã được khen thưởng.

Xe tăng T-62M trong công sự chiến đấu, tập đoàn quân 40, Afganistan, năm 1988

Lính tăng ở Afganistan đã chiến đấu ở những khu vực hoàn toàn không thuận lợi để sử dụng xe tăng và thực hiện các nhiệm vụ mà họ không bao giờ được huấn luyện (chuẩn bị). Các xe tăng, thực tế, được sử dụng trong vai trò các hỏa điểm cơ động trên các công sự. Ngoài ra, chúng còn nhận nhiệm vụ hộ tống các đoàn xe vận tải (hành quân). Khi đó, 1-2 xe tăng trang bị lưới quét mìn hoạt động trong biên chế đội mở đường, các xe khác được phân bố đều theo đoàn vận tải. Khi tấn công địch, các xe chiến đấu dạt sang bên đường và yểm trợ hỏa lực cho các xe vận tải – vượt khỏi khu vực nguy hiểm bằng tốc độ cao. Các xe tăng cũng được sử dụng khi bao vây và càn quét, lùng sục. Chúng che chắn cho bộ binh cơ giới và lính dù bằng giáp cũng như tiêu diệt địch bằng hỏa lực và bằng xích các mục tiêu quan trọng. Ví dụ, tháng 5 năm 1984, khi càn quét khu vực ở tỉnh Helmand, đại đội xe tăng đã yểm trợ một tiểu đoàn dù. T-62 dẫn đầu, công binh được lính dù ngồi trên xe tăng yểm trợ, tiến theo sau. Phát hiện địch, tiêu diệt chúng bằng hỏa lực pháo tăng và súng máy, lính dù tiến hành truy quét liên tục giữa các xe chiến đấu. Trong ba ngày đêm, quân mujahideen đã bị quét hoàn toàn khỏi khu vực và chiến được nhiều vũ khí, đạn được. Cuộc truy quét không có tổn thất về người và vũ khí mặc dù chỉ riêng bắn vào các xe tăng, đã có tới 40 phát súng phóng lựu RPG.

Khi tính toán lực lượng mujahideen, đặc biệt trong giai đoạn đầu, không có khí tài quan sát ban đêm, xe tăng được sử dụng để đánh đêm, tấn công bất ngờ vào các mục tiêu quan trọng. Như tháng 12 năm 1982, đại đội xe tăng trong một đêm đã hành quân và tấn công mạnh vào tuyến phòng ngự của địch ở đầu cầu, vượt sông Panjshir để tiến vào khe núi Panjshir. Trận chiến diễn ra cùng việc sử dụng khí tài nhìn đêm. Các mujahideen, trong đêm tối, không biết được lực lượng tấn công, đã bỏ chạy. Đại đội đã chiếm được đầu cầu và đảm bảo cho các chi đội cơ giới hành quân vào khe núi.

Trong quá trình chiến đấu, T-62, về tổng thể, đã khẳng định được chất lượng chiến đấu cao. Trong khi đó, đã xuất hiện các nhược điểm, liên quan tới đặc điểm khí hậu và địa lý của Afganistan. Cụ thể, góc tầm hạn chế của pháo tăng và súng máy đồng trục không cho phép tiêu diệt mọi mục tiêu một cách hiệu quả. Khả năng chống chịu kém trước các loại mìn. Xuất hiện vấn đề hoạt động của động cơ, bộ truyền động, bộ phận chuyển động trong các điều kiện núi cao và nhiều bụi.

T-62 lắm thiết bị phóng rốc két trên tháp pháo

Các xe chiến đấu hiện đại hơn không được đưa tới Afganistan. Bộ tư lệnh quân đội Liên Xô đã tính toán rất chính xác rằng khi quân địch không có khí tài thiết giáp, T-62 là quá đủ. Ngoài ra, rất vô lý khi xuất hiện ở đâu số lượng lớn xe tăng. Và vào năm 1986, một bộ phận các trung đoàn xe tăng đã trở về Liên Xô. Tuy nhiên, một số T-62 vẫn tiếp tục được tập đoàn quân 40 sử dụng cho tới năm 1989. Đáng chú ý rằng, trong quá trình chiến tranh ở Afganistan, các xe tăng có tổn thật tương đối thấp trong chiến đấu. Tổng cộng, tỷ lệ loại biên khí tài kỹ thuật trong tập đoàn quân 40 theo nguyên nhân kỹ thuật và tổn thất trong chiến đấu là 20/1. Xe bị tổn thất trong chiến đấu chủ yếu do nổ mìn và đạn. Trong khi đó hơn 50% xe tăng bị thương cần đại tu hoặc gần như không thể phục hồi.

Vào thời điểm quân đội Liên Xô rút khỏi Afganistan, các cuộc đàm phán ở Viên ký Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở Châu Âu (DOVSE) đã kết thúc. Theo thông tin được Liên Xô công bố vào tháng 11 năm 1990, Liên bang Xô Viết ở Châu Âu có 2021 xe tăng T-62 trong mọi biến thể. Theo thông tin của ủy ban, sau khi tuân thủy quy định của Hiệp ước, có thể theo dõi quá trình giảm số lượng xe tăng T-62 trong những năm 90 bắt đầu ở phần Châu Âu của Liên Xô, sau đó là Nga. Như năm 1990 và 1991, số lượng T-62 không đổi (2021 xe tăng), năm 1992 đã giảm xuống 948 xe (số lượng xe tăng ngoài biên giới Nga - ở Ucraina, Belarus và Moldavia). Năm 1993, số lượng xe tăng không giảm, nhưng năm 1994 đã giảm nhanh xuống còn 688 xe tăng. Năm 1995, số lượng xe tăng T-62 ở phần Châu Âu còn tăng lên 761 do chuyển một số đơn vị từ quân khu Siberi tới Bắc Kavkaz. Tuy nhiên, tới năm 1997, chỉ còn tổng cộng 97 T-62. Thông tin về T-62 trong biên chế quân đội Nga hiện nay cũng như các khu vực khác không được nhắc đến, nhưng có thể dự đoán rằng ở Ural, chúng thuộc lực lượng dự bị, nằm trong các kho niêm cất khí tài tăng thiết giáp.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Bảy, 2013, 12:12:11 am gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Trung tá
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #392 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2013, 12:11:48 am »

Trong biên chế Bộ Nội vụ, T-62 vẫn được giữ lại. Các xe tăng xuất hiện trong biên chế Bộ Nội vụ không phải ngẫu hiện. Thực tế, chúng tương tự như ở Phương Tây (hiến binh Pháp, quân đoàn súng cacbin Italia và cận vệ dân sự Tây Ban Nha), không nằm trong DOVSE. Vì thế, việc chuyển các đơn vị cũng như lữ đoàn cơ giới và xe tăng từ quân đội Liên Xô sang biên chế Bộ Nội vụ được xem là “xoay vòng”. Kết quả là Bộ Nội vụ đầu những năm 1990 đã có 29 sư đoàn trang bị đầy đủ (sung sức). Trong biên chế Bộ Nội vụ, các xe tăng T-62 đã tham gia các chiến dịch quân sự ở Chesnhia lần thứ nhất và thứ hai. Tuy nhiên, T-62 tham chiến ở Bắc Kavkaz có phần sớm hơn.

Từ mùa hè năm 1994, lực lượng đối lập với chế độ Dudaev đã nhận từ Nga 10 T-62 và 10 xe bọc thép vận tải BTR-60PB. Phía Chesnhia không đồng tình với quà tặng này. Theo quan điểm của họ, các khí tài này từ lâu đã trở thành sắt vụn. Mặc dù vậy, mùa thu năm 1994, chúng được sử dụng tích cực trong các trận chiến với lực lượng Dudaev.

Tháng 8 năm 2000, phiến quân Basaev đã tấn công Dagestan. Các xe tăng T-62 trung đoàn cơ giới số 10, sư đoàn Bộ Nội vụ số 100 đóng vai trò chính trong việc bảo vệ nước cộng hòa. Trong biên chế đơn vị này có khoảng 60 xe chiến đấu. Chúng rất dễ bị tổn thương trước hỏa lực súng phóng lựu cầm tay và vì thế, kíp xe cố gắng bảo vệ khí tài khi treo trên tháp pháo các mắt xích và thùng chứa cát, còn thân xe – các thùng và gỗ tròn.

Mùng 5 tháng 9, chi đội được xe tăng dưới sự chỉ huy của trung úy Alecsei Kozin yểm trợ đã chiến đấu ở khu vực Novolak (Dagestan). Gần làng Duchi, đơn vị đã bị bắn trả và tham chiến. Các chiến binh đã chuẩn bị thế trận săn T-62. Nhưng kíp xe đã thay đổi trận địa hỏa lực liên tục và bắn phá mạnh vào quân địch. Cuối cùng, phiên quân đã bắn cháy xe tăng và tiếp tục tấn công lính tăng. Khi đánh giá tình hình, trung úy Kozin đã ra lệnh cho thuộc cấp rút về hậu phương, còn tự mình rút sau cùng, để yểm trợ. Hỏa lực từ súng máy phòng không đã ngăn chặn các phiến quân tìm cách chiếm đoạt xe tăng, còn sau đó, bắn đạn (pháo) và tìm cách rút lui. Nhưng Kozin đã hy sinh vì đạn bắn tỉa. Nhóm quân với xe vận tải bọc thép đã được huy động đến cứu lính xe tăng. Họ đã cứu được những người bị thương, nhưng do hỏa lực dồn dập của địch nên không thể tiếp cận được xe tăng. Các chiến binh không thể chiếm được xe tăng với trung úy hy sinh, đạn bắt đầu nổ trong xe tăng. Trong thời gian vài ngày, đồng đội đã cố gắng đưa thi thể sỹ quan hy sinh và chỉ thành công vào ngày 15 tháng 9, sau khi quân phiến loạn bị đánh bật khỏi điểm cao gần làng Duchi.

T-62M thuộc lực lượng Bộ Nội vụ Nga. Có thể nhìn thấy rất rõ đằng trước tháp pháo và đầu xe được tăng cường giáp

Trong chiến tranh Chesnhia lần thứ hai, khí tài kỹ thuật một lần nữa được đưa tới nước cộng hòa nổi loạn. Bao nhiêu trong số 370 xe tăng T-62 và T-62M ở Chesnhia, rất khó nói. Nổi tiếng hơn cả là đơn vị bộ đội trang bị T-62M – trung đoàn tăng Cận vệ số 160 từ quân khu Siberi. Yểm trợ các chi đội bộ binh cơ giới, đơn vị xe tăng đã tiêu diệt các hỏa điểm của phiến quân. Khi vượt qua dãy núi Terek, các trận chiến nặng nề hơn bắt đầu – gần Kerlayurt, các xe tăng đã phải chịu những quả đạn tên lửa chống tăng đầu tiên. Ở Achkhoi-Martan, các chiến binh đã bắn vào đội hình hành quân bằng tên lửa điều khiển – kết quả là 1 BMP-1 bị cháy, 1 T-62M bị cháy. Ở Starưi Achkhoe, các chiến binh đã đuổi người dân, biến nhà của họ thành hỏa điểm. Các xe tăng khi còn cách Starưi Achkhoe 3 kilomet, đã bị bắn bằng tên lửa chống tăng, trong đó có từ tầm rất xa – 3900 mét. Trên khí tài quang học đã xác định: trên đường, xe “Niva” đang đỗ, cách đó gần 100 mét – giá chống, trên đó phiến quân lắp tên lửa chống tăng đầu tiên. Tên lửa chống tăng và “Niva” đã bị phát hiện sau phát bắn thứ hai.

Sau đó là cuộc tấn công Urus-Martan, thời gian ngừng bắn ngắn – lại bắt đầu chiến tranh. Ba tuần, với đối với trung đoàn Siberi, quả thật là kiên cường. Các xe tăng T-62 và ZSU-23-4 “Shilka” đã tiêu diệt phiến quân của Gelaev tại làng Komsomol. Ở đây, các chiến binh đã bắn hỏng 3 xe tăng bằng súng phóng lựu cầm tay. Nhưng toàn bộ số xe tăng đều hoạt động được. Ở Komsomol khi đó đang có các xe tăng T-62 của trung đoàn cơ giới 93 thuộc Bộ Nội vụ đang chiến đấu. Trước đó, các xe chiến đấu của đơn vị tăng này đã chiến đấu ở khu vực Starolpromưslov thuộc thủ đô Chesnhia.

Vào thời điểm này, T-62 và T-62M đang có trong biên chế sư đoàn cơ giới Cận vệ số 42, đóng thường trực ở Cộng hòa Chesnhia. Trên thực tế, nhiệm vụ chiến đấu của T-62 trong quân đội Liên Xô và Nga lúc này, đã kết thúc. (Năm 2008, T-62 và T-62M còn tham gia chiến tranh 5 ngày với Gruzia – ĐBĐ).
Logged
daibangden
Trung tá
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #393 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2013, 12:17:02 am »

Số lượng lớn xe tăng T-62 còn được sử dụng trong các cuộc xung đột quân sự ngoài lãnh thổ Liên Xô.

T-62 được bán ra ngoài Liên Xô đầu những năm 1970, chủ yếu là các nước Trung Đông. Năm 1971-1972, theo thông tin phương Tây, Ai Cập đã nhận được khoảng 200 T-62. Khi đó, không phải không có điểm bất thường. Việc bán xe tăng được thực hiện từ Bộ quốc phòng. Theo mệnh lệnh Hội đồng Bộ trưởng, về vấn đề này, được quyết định một cách rất vội vàng, không có sự tham gia của Ủy ban Công nghiệp quốc phòng. Khi các cán bộ Ủy ban Nhà nước về kinh tế đối ngoại dẫn tài liệu cho bộ đội xe tăng, chứng minh rằng ở nước ngoài đã xuất hiện xe tăng mà theo nguyên tắc, có vũ khí mới cùng đạn xuyên giáp dưới cỡ hoàn toàn bí mật. Tuy nhiên, vấn đề về xe tăng không được thảo luận, bởi vì trong đã đạt được thỏa thuận ở cấp cao hơn – giữa Breznhev và Naser. Khi đó, quân đội đã yêu cầu loại khỏi cơ số đạn các phát bắn đạn xuyên giáp dưới cỡ. Ủy ban kinh tế đối ngoại, không thảo luận trước, đã tính toán yêu cầu của quân đội và thành lập toàn bộ các tài liệu. Ở các cảng biển Đen, xe tăng được đưa lên tàu và vận chuyển tới Ai Cập. Khi đó, lính xe tăng Ai Cập, phần lớn trong số đó học tập ở Liên Xô đã làm quen với xe tăng T-62 được mang đến. Sự chú ý đầu tiên của họ hướng vào thước ngắm với vạch thang chia độ cho ba loại đạn, còn cơ số đạn chỉ có 2. Họ đã báo cáo cho Naser. Naser gửi chất vấn tương ứng tới Breznhev. Scandal nổ ra, phía Liên Xô đã đề xuất hướng giải quyết bằng cách gửi các phát bắn với đạn xuyên giáp dưới cỡ. Năm 1972, chính phủ Liên Xô đã quyết định bán xe tăng T-62 cho Libi, Siry và Iraq.

Chủ lực lực lượng xe tăng Ai Cập và Siry trong chiến tranh sáu ngày là các xe tăng T-54 và T-55. Xe tăng T-62 số lượng ít hơn đáng kể và kíp lái xe tồi hơn nên không quá ảnh hưởng trên chiến trường. Dẫn chứng việc này là cuộc tấn công của lữ đoàn tăng 25 quân Ai Cập (96 xe tăng T-62) với mục đích phá hủy căn cứ quân sự bị quân đội Israel chiếm ngày 16 tháng 10 năm 1973 ở bờ tây hồ Gorki Lớn. Đây không phải là giải pháp tối ưu nhất: thứ nhất, bởi vì, xe tăng Israel nhiều hơn; thứ hai, lữ đoàn Ai Cập chưa trải qua thực tế chiến đấu đã tấn công lính tăng dày dạn kinh nghiệm thuộc lữ đoàn 217 của Israel. Các xe tăng T-62 của Ai Cập đã rơi vào thước ngắm hỏa lực của M-48 “Patton” và tên lửa chống tăng điều khiển tự hành (trên BTR và xe Jeep). Trong thống kê chính thức về trận đánh này:

“Lữ đoàn xe tăng số 25 đã tiến hành tấn công vào hướng bắc, để hợp nhất với tập đoàn quân số 2. Tiểu đoàn xe tăng của lữ đoàn này hoạt động ở tuyến đầu bất ngờ bị đặt trong tầm hỏa lực trực xạ cũng như bên sườn từ tên lửa chống tăng Israel và bị tiêu diệt hoàn toàn. Các thiết bị tên lửa chống tăng điều khiển được ngụy trang khéo léo đến nỗi không thể nhìn thấy chúng trong toàn bộ trận chiến. Lính tăng chỉ bắn hú họa.

Tổng cộng, 86 T-62 bị bắn hỏng, còn Israel chỉ mất tổng cộng 4 xe chiến đấu.

Đáng chú ý rằng sau khi đình chiến, số lượng đáng kể các xe tăng T-62 trên mặt trận Ai Cập cũng như Siry đã được Isarel cứu kéo thành công, sửa chữa và đưa vào biên chế các đơn vị xe tăng Quân đội phòng thủ Israel.

Xe tăng T-62 của Siry ở ngoại vi Beirut, Liban, năm 1982

Trong những năm sau, các nước tham gia xung đột ở Trung Đông tiếp tục tăng cường tiềm lực quân sự của mình. Và nếu bất đồng với Liên Xô, Ai Cập đã nhận được hỗ trợ từ Mỹ, thì Siry nhận được vũ khí và khí tài từ Liên Xô. Đầu cuộc chiến ở Liban, tháng 6 năm 1982, trong biên chế quân đội Siry, riêng T-62, có khoảng 1100 chiếc. Những cuộc đụng độ đầu tiên giữa Israel và Siry chỉ diễn ra mùng 8 tháng 6 trong trận chiến giành giật Jezzine, bởi vì tổng thống Siry Asad đã cấm quân đội của mình tham chiến trước khi Israel tiến tới tỉnh Zahrani. Jezzine được chi là địa điểm quan trọng chiến lược. Trong trường hợp chiếm được thành phố, quân Israel sẽ cắt đứt các đội quân thuộc Tổ chức giải phóng Palestin (PLO) trên duyên hải khỏi lực lượng Palestin ở Siry và thung lũng Bekaa. Ngoài ra, từ đó, sẽ mở con đường ngắn nhất tới tuyến đường nhựa Beirut – Damacus. Thành phố bị xe tăng lữ đoàn 460 tấn công. Lực lượng phòng thủ có tiểu đoàn bộ binh Siry số 424, đêm mùng 8 tháng 6, lực lượng này được tăng cường bằng các tiểu đoàn từ lữ đoàn xe tăng số 1, quân đội Siry. Trinh sát Israel có thể phát hiện cuộc hành quân của xe tăng Siry, nhưng thông tin này, không rõ nguyên nhân, đã không tới được chỉ huy lữ đoàn 460. Ở vùng ven thành phố, các xe tăng “Senturion” bất ngờ lọt vào tầm hỏa lực tập trung của T-62 và tên lửa chống tăng điều khiển. Trận đánh ác liệt kéo dài tới ban đêm. Bằng tổn thất không nhỏ, Israel đã đẩy lùi quân Siry khỏi thành phố. Khi đó, tổn thất của Israel là 10 “Senturion”, Siry mất tổng cộng 3 T-62. Sau đó, các xe tăng T-62 của Siry với mức độ thành công khác nhau, đã tham chiến với các xe tăng Israel ở thung lũng Bekaa cũng như trên tuyến đường nhựa Beirut – Damacus.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Hai, 2014, 02:53:11 pm gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Trung tá
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #394 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2013, 12:17:29 am »

Quân đội Iraq sử dụng T-62 tương đối thành công trong thời gian chiến tranh Iraq-Iran giai đoạn 1980-1988. Trận chiến nổi tiếng hơn cả với sự tham gia của T-62 đã diễn ra ở thung lùng Harhi, gần thành phố Susengred. Tháng 1 năm 1981, sư đoàn xe tăng Iran số 16 được tăng cường (khoảng 300 xe tăng “Chieftain” và M-60), yểm trợ lữ đoàn dù số 55 có nhiệm vụ giải tỏa con đường tới Ahbaz và giải vây thành phố Abadan đang bị Iraq phong tỏa. Do bắt đầu vào mùa mưa, quãng đường hành quân của quân đội Iran là biển bùn, cơ động rất khó khăn. Trinh sát Iraq trong thời giand dó đã phát hiện sự di chuyển của đối phương. Trong hướng tấn công của Iraq đã tập trung sư đoàn xe tăng – 300 T-62 – xe chiến đấu hiện đại nhất trong quân đội Iraq khi đó. Mùng 6 tháng 1, các xe tăng Iran đã tiến tới các trận địa tiền duyên của Iraq. Khi cho rằng trước mặt họ chỉ là các chướng ngại vật nhỏ, các xe tăng Iran đã tấn công trong hành tiến. Các đơn vị Iraq bám chặt trận địa (không rút lui, không bị đánh bật). Kết quả là lữ đoàn xe tăng tiên phong (đi đầu) của Iran đã lọt vào “túi” hỏa lực chuẩn bị sẵn, bị tấn công từ hai bên sườn và bị tiêu diệt hoàn toàn. Hai lữ đoàn khác, hoạt động đơn lẻ, bị mất liên lạc và không được bộ binh yểm trợ, sau đó cũng lọt vào bẫy trong mùng 7 và 8 tháng 1. Vào thời điểm đó, chiến trường đã trở thành đầm lầy dày đặc, hai bên không thể tiếp cận đối phương bằng không quân. Cả hai lữ đoàn của Iran đều bị tiêu diệt.

Iran tuyên bố rằng tiêu diệt và chiếm 214 xe tăng Iraq và chỉ tổn thất 88 xe chiến đấu.

Tổn thất của Iraq được cho vào khoảng 100 xe tăng, nhưng chỉ có một số xe tăng bị bỏ lại trên chiến trường, số xe tăng bị thương còn lại, Iraq có thể sửa chữa. Trong quá trình chiến đấu, quân Iran nhận thấy rằng đạn xuyên giáp dưới cỡ 115mm có thể xuyên thủng giáp trước “Chieftain” dễ dàng nên cố gắng né tránh các trận chiến trực diện không có lợi. Các xe tăng T-62 tiếp tục được sử dụng đến cuối chiến tranh Iraq-Iran. Sau đó, chúng đã tham gia trong các đơn vị Iraq tấn công Cô oét tháng 8 năm 1990 và trong các trận chiến với các lực lượng liên quân chống Iraq tháng 2 năm 1991. Ngoài ra, trong thời gian chiến dịch “Bão táp sa mạc”, các xe tăng T-62 cũng có mặt trong biên chế lực lượng liên quân như sư đoàn xe tăng số 9, quân đội Siry. Các sự kiện T-62 tham chiến sau cùng ở Trung Đông là trong cuộc xâm lược của Mỹ và đồng minh vào Iraq mùa xuân năm 2003.

Những trường hợp tham chiến của T-62 ở nước ngoài khác không lớn và diễn ra ở châu Phi. Trong nửa sau năm 1985, ở Angola, khu vực thành phố Cuito-Cuenavale đã diễn ra trận đánh giữa các lực lượng chính phủ với các quân thuộc Lực lượng đoàn kết quốc gia vì độc lập của Angola (UNITA). Quân chính phủ được quân tình nguyện Cuba hỗ trợ, phía UNITA – quân đội Nam Phi. Đầu tháng 10, cuộc tấn công của quân chính phủ đã bế tắc. Lực lượng UNITA đẩy lùi quân chính phủ tới sông Lomba. Yếu tố quyết định thành công của UNITA là hỏa lực pháo binh Nam Phi. Lần đầu tiên trên chiến trường có sự tham gia của xe tăng Nam Phi “Elefant” và các xe bọc thép trang bị pháo “Ratel-90”. Quân chính phủ đã chặn đứng được đà tiến công của đối phương trên bờ sông Chambing, chính xác hơn – là UNITA bị chặn lại bởi lực lượng quân đội Cuba. Để hỗ trợ Angola, Cuba đã đưa tới sư đoàn 50 – đơn vị tinh nhuệ của quân đội cách mạng Cuba, trang bị xe tăng T-62. Trước đó, sư đoàn này đã chiếm giữ trận địa quanh căn cứ quân sự Mỹ Goantanamo. Đến 16 tháng 11, quân đội Angola và các đơn vị Cuba đã chặn lực lượng UNITA cách Cuito-Cuenavale với tổn thất 33 xe tăng.

Các xe tăng T-62 được quân đội Libia sử dụng trong thời gian tấn công cộng hòa Sad (Sát) tháng 11 năm 1986. Cuộc tấn công của Liba được tiến hành rất thành công và chỉ bị chặn đứng khi có sự can thiệp trực tiếp từ quân đoàn Lê dương Pháp. Theo các thông tin được chính phủ Sad công bố, trong các trận chiến đấu, Libia tổn thất 12 xe tăng T-62.

Trong thời gian 40 gần đây, ngoài Liên Xô, T-62 chỉ có mặt trong biên chế quân đội một nước thuộc khối Hiệp ước Vác sa va – Bulgaria (theo thông tin của phương Tây, có khoảng 80 xe tăng). Ngoài ra, chúng đã được bán, đã hoặc đang có mặt trong biên chế quân đội Algieri (334 – năm 2003), Angola, Afganistan, Việt Nam (70 – 2003), Ai Cập (580-1995), Israel (khoảng 100 – chiến lợi phẩm từ Ai Cập và Siri), Iraq (1500 – đầu chiến tranh Iraq-Iran), Iran (chiến lợi phẩm từ Iraq), Yemen (250-2003), Cuba (400 – 1995), Libia (350 – 2003), Mông Cổ, Triều Tiên, Siry (1000 – 2003), Somali, Sudan, Tanzania, Etiopia.
Logged
daibangden
Trung tá
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #395 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2014, 02:50:06 pm »

T-90SM



Những điểm khác với T-90S

+ Đạn chứa trong khoang riêng, tách biệt với kíp xe

+ Lắp hệ thống kiểm soát vũ khí mới “Kalina” thay cho hệ thống của Pháp trên Lecrerc

+ Lắp giáp phản ứng nổ “Relikt” thay cho giáp “Kontak-V”

+ Bổ sung cho hệ thống áp chế quang điện “Shtora-1” lắp tổ hợp phòng thủ chủ động “Arena” (các quả đạn chống tăng bị tiêu diệt khi chưa bay tới xe tăng)

+ Công suất động cơ tăng lên 1130 sức ngựa

+ Lắp hộ số tự động thay cho hộp số cơ

+ Súng phòng không mới (đang trang cãi, có thể là 7,62mm thay cho 12,7mm nhưng dễ điều khiển hơn)

+ Xe tăng được lắp nhiều máy vi tính hơn

+ Máy điều hòa tự động kiểm soát nhiệt độ trong xe tăng

+ Khoang chứa – tiếp đạn bố trí đằng sau.

Động cơ xe tăng tăng lên 130 sức ngựa, thiết kế nòng pháo thay đổi hoàn toàn (bộ phận hút khói). Trên xe tăng mới lắp hệ thống súng máy mới hoàn toàn cũng như tăng khả năng bảo vệ cho nó. Việc nâng cấp cũng hướng vào hộp số và hệ thống nạp đạn tự động. Ngoài ra, T-90SM có máy quan sát toàn cảnh và nâng cấp mạnh các tổ hợp kỹ thuật – lập trình trên xe tăng.

Khối lượng xe tăng mới tăng lên 1,5 tấn so với phiên bản gốc (T-90AM) – 48 tấn. T-90SM sử dụng động cơ công suất mạnh và tuổi thọ cao hơn. Hệ thống lái (điều khiển) có thay đổi: xuất hiện hệ thống chuyển truyền động (sang số) tự động với khả năng chuyển bằng tay, cho phép giảm tải cho lái xe về mặt vật lý, giảm tiêu thụ nhiên liệu và tăng tầm hoạt động cho xe tăng. Các tay lái truyền thống được thay bằng vô lăng – lần đầu tiên trong lịch sử chế tạo xe tăng của Nga - thuận tiện hơn cho lái xe.

Xe tăng được trang bị pháo 125mm - 2A46M-5 – tăng cường độ chính xác. Tổng cơ số đạn – hơn 40 phát bắn, sẵn sàng chiến đấu – 22 phát bắn. Nòng pháo được mạ crôm, tuổi thọ tăng gấp 1,7 lần, đảm bảo ổn định sơ tốc đầu nòng và chụm đạn.


“Viện nghiên cứu khoa học về thép” góp phần trong buổi trình diễn xe tăng T-90S mới và đã giới thiệu toàn bộ tổ hợp các thiết kế thế hệ mới.

“Viện nghiên cứu khoa học về thép” đã trang bị cho xe tăng tổ hợp giáp phòng thủ đa năng (giáp phản ứng nổ/giáp nổ) dạng modul “Relikt”.

“T-90S(M) có thể sẽ là xe tăng có hệ thống phòng thủ tốt nhất thế giới được thiết kế bởi Viện nghiên cứu khoa học về thép ở Moskva. Hệ thống phòng thủ mạnh quanh xe tăng không chỉ chống các loại đạn xuyên lõm và cả đạn xuyên giáp dưới cỡ. Các kỹ sư Nga đã chế tạo thành công giáp nổ có khả năng bẻ gãy lõi (thanh xuyên) các loại đạn dưới cỡ mà trước đó, chỉ có cách tăng cường giáp phòng thủ cho xe tăng. Có vẻ là kỳ lạ, nhưng T-90 hiện nay được nâng cấp thiết kế phần đầu để không loại vũ khí chống tăng nào đang có mặt trên thế giới hiện nay có thể chọc thủng được”.

Các thông số kỹ thuật chính

Phân loại: xe tăng chủ lực

Bố cục: kiểu cũ (điển hình)

Khối lượng: 48 tấn

Kíp xe: 3 người

Chiều dài (thân xe/pháo chính), mm: 6860/9530

Chiều cao, mm: 2230/2856

Chiều rộng, mm: 3460

Kiểu hệ thống treo: xoắn, độc lập

Kiểu hộp số: tự động

Kiểu động cơ: V-93

Kiểu động cơ: diesel, đa nhiên liệu

Thể tích động cơ: 38 880 cm3

Công suất: 1130 sức ngựa

Số xilanh: 12

Tầm hoạt động, km: 550/700

Tốc độ tối đa (đường đất.bơi/đường bằng), km/h: 45/5/60
 
Tiêu thụ nhiên liệu tối đa/km: 2,5/4,5

Khả năng vượt hố sâu, mét: 2,8

Khả năng vượt tường cao, mét: 0,85

Khả năng vượt hố rộng, mét: 1,2/1,8/5 mét

Kiểu giáp: thép, kết hợp, chống đạn

Kiểu giáp nổ: Relikt

Kiểu giáp chủ động: hệ thống áp chế quang điện “Shtora-1”, phòng thủ chủ động “Arena”

Độ dày giáp (tương đương, giáp thân/giáp trước): 800-1000/1300-1600

Kiểu pháo: 2A46M-5

Cỡ nòng: 125mm

Kiểu nòng: nòng trơn – thiết bị phóng

Tên lửa chống tăng điều khiển: Refleks-M

Kiểu đạn: đạn nổ phá - mảnh, đạn dưới cỡ, đạn dưới cỡ có cánh đuôi, tên lửa chống tăng điều khiển

Cơ số đạn: 40 phát bắn (có 5-6 tên lửa chống tăng)

Tốc độ nạp đạn tự động: 7 giây

Tầm bắn: 10 kilomet

Vũ khí phụ: 12 súng bắn lựu đạn khói “Tucha” 60mm và 2 súng máy PKT 7,62mm.

Nguồn: arms-expo.ru.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Hai, 2014, 10:00:18 am gửi bởi daibangden » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM