Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:17:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tạp văn QĐND  (Đọc 28465 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 10:43:28 pm »


QUÁ KHỨ CÓ ĐƯỜNG VỀ

Mẹ Teresa (1910-1997), một trong những nữ tu bình dị vĩ đại nhất của mọi thời đại, người đã dành cả cuộc đời để chăm sóc an ủi những kẻ bần cùng tuyệt lộ, có một lần đến thăm một tay tướng cướp trẻ đang nằm viện. Gã cướp hung bạo với hai bản án tử hình này đang bị cảnh sát tạm giam do bất thần trắc ẩn xả thân cứu mạng ba đứa nhỏ. Xúc động trước sự tận tâm của vị nữ thánh, người vừa được giải Nô-ben hòa bình 1979, gã nức nở với mẹ rằng liệu mình còn có cơ hội để trở thành người lương thiện. Mẹ Teresa điềm đạm từ bi trả lời: “Nếu con biết chân thành yêu thương thì mọi thứ đều có thể. Bởi tất cả các thánh nhân, ai ai cũng có quá khứ”.

Ở cuộc đời con người ta, trừ bọn nhóc đang ngồi bô độc quyền sở hữu chiều thuận của tương lai thì tất tật đều nặng nề mang vác một quá khứ có không ít sai lầm. Nguyên nhân đến từ những ngu dại non nớt chủ quan hoặc những khắc nghiệt bạc bẽo khách quan. Có thể hôm nay đang là triệu phú, ngày ngày chăm chỉ tô tượng đúc chuông xây chùa, thế nhưng thuở xa xưa lúc đang còn lận đận trên hoạn lộ thì không ít lần bị báo chí coi là trắng trợn tham nhũng. Lại có thể bây giờ đang là một sáng ngời phu nhân nhất phẩm, sáng sáng cao giọng răn dạy đạo đức ngăn nắp cho con dâu, cháu dâu, tuy nhiên hồi còn bồng bột thiếu phụ đã không dưới vài lần hoang mang ngoại tình rồi thỉnh thoảng nổi hứng đanh đá cãi nhau cả với mẹ chồng. Có lẽ vì vậy mà vô số nhiều người, đặc biệt là những đàn bà vừa xinh vừa thông minh thường hay day dứt nuối tiếc, thậm chí xót xa ân hận muốn làm lại những việc mình trót làm hoặc đáng ra mình đã không làm. Vương Thúy Kiều trong kiệt tác “Đoạn trường tân thanh” của đại thi hào đa đoan Nguyễn Du là điển hình ví dụ. Ở cái buổi trong veo đang yêu Kin Trọng, đôi khi do quá yêu chàng Kim có gạ gẫm đói “chuyện ấy”. Mặc dầu chẳng bao giờ tham gia diễn đàn “Sống thử trong giới trẻ, một hiện tượng cần cảnh báo”, thế nhưng Thúy Kiều vẫn để hẳn ra một tối cắt nghĩa cho chàng Kim về cái lợi của việc “gìn vàng giữ ngọc”. Và khi biết mình phải chắc chắn kết hôn với thằng Mã Giám Sinh hành nghề doanh nhân “Khác mầu kẻ quý người thanh. Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn” thì nàng đau đớn vật vã ân hận “Hoài công nắng giữ mưa gìn… Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”. Tiếc thay, con người ta không thể tắm nước cùng một dòng sông được hai lần (Heraclitus) nên sự trinh bạch của Thúy Kiều bị dòng đời phũ phàng đẩy tới chỗ ngầu đục ngay sdats chân lầu Ngưng Bích. Đám thiếu nữ 8X, 9X đương đại hình như coi đây là bài học kinh nghiệm, bọn họ liền hấp tấp quan niệm khác hẳn về cái việc “bẻ nhị”. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, số lượng nữ sinh trót mang bầu ở ta lúc nào cũng nằm trong tốp ba thế giới.

Rất nhiều học giả có vẻ đạo đức cho rằng, lối sống phóng túng của giới trẻ hôm nay chịu hệ lụy từ những trò chơi game trên net. Phần lớn các trò này có mã lệnh láu cá “undo”, khi người chơi nhỡ trượt chân sa ngã, chỉ cần khẽ click vào đây lập tức mọi sự chợt nhiên hoàn hảo trở lại. Từ xưa tới nay, việc sửa chữa sai lầm vốn là việc thiên niên vạn nan, thế mà bỗng dễ như vậy thì trên đời chẳng có việc quái gì là khó. Có phải thế chăng mà tivi hào hứng đều đặn phát các chương trình kiểu như bỗng dưng thành triệu phú rồi làm giàu quá dễ. Thậm chí cái nón vốn là vật dụng mưu sinh tầm thường chỉ nên dành cho những người già cả ốm đau mưu sinh thì cũng mỹ miều thêm vào hai chữ “kỳ diệu”. Đương nhiên, trò chơi là một phần của trò đời, và nó hiển nhiên phản ánh một phần tâm thức của thời đại. Người xưa xếp bốn trò “Cầm, Kỳ, Thi, Họa” vào bậc “tứ đại thanh cao” là bởi sâu xa ở đấy nó dung dưỡng những tố chất giúp cho con người ta bớt đi sự sai lầm. Chơi cờ chẳng hạn, quy định đầu tiên phải tuân theo là “hạ thủ bất hoàn”, đã để tay đẩy quân đi thì thuyệt đối không được phép hoãn. Điều này giống hệt như đời thực, sống một ngày là phải chịu trách nhiệm với một ngày, vì thế hãy yêu thương nâng niu tôn trọng tối đa nó. Cô bé tuyệt vời vị tha trong tiểu thuyết khét tiếng “Chuyện tình” của Erick Segal cũng đưa ra thông điệp tương tự “yêu nghĩa là không bao giờ để mình phải nói lời ân hận”.

Quá khứ của một bình thường con người, hầu hết đều được đan dệt bằng những sai lầm. Muốn vượt thoát khỏi nó, duy nhất chỉ có một phương cách là chân thành sám hối (Ksamayati). Sám là ăn năn tội trước, hối là chừa phạm lỗi sau. Đây cũng chính là con đường độc đạo để người ta quay về thanh thản tự tin sống cùng quá khứ. Bể khổ mênh mông quay đầu là thấy bến (Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn).

Hơn bốn nghìn năm trước, Đức Phật đã từ bi rao giảng lý thuyết về “undo” một cách giản dị như vậy.

Trần Khôi Việt
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2009, 10:18:31 pm »


NHANH ĐỂ ĐẾN ĐÂU THẾ?


Tốc độ, thế kỷ hai mươi mốt này tôn thờ tốc độ. Tốc độ càng nhanh càng tốt. Thế giới đang phi như một chú ngựa, hơn cả ngựa, phi như chiếc xe đua công thức Một. Ai cũng muốn đến đâu đó thật nhanh. Anh này thì muốn cái giàu nó đến thật nhanh để đỡ phải cặm cụi nhặt từng đồng còm cõi. Chị kia thì muốn chồng từ đại úy lên tướng thật nhanh để đỡ phải đi chợ bằng xe máy mà đi bằng ô tô. Học sinh vừa khai giảng hôm trước, hôm sau đeo cặp sách nặng như cái cùm trên lưng lòng dạ đã muốn “ve ve ve hè về” thật nhanh. Người già tuồng như cũng bị cuốn vào vòng mê hoặc của tốc độ, mới nhúc nhắc cầm xẻng trồng cây na, gốc chưa lấp kín đã muốn chỉ nửa năm là quả đậu trĩu trịt. Các cậu các cô có “gien” phong tình, đa đoan thì bỏ cái công nghệ cưa cẩm đẩy qua đẩy lại lề dề, mà vác cưa máy đến với nhau, xòe xẹt trong nửa ngày là cả hai cùng đổ luôn. Những cậu chàng đeo kính cận dày như kính lúp, thuộc diện “trên đời chỉ biết mỗi gêm” thì ngay cả trong giấc ngủ cũng luôn ngỏ sẵn cửa với hy vọng Bụt hay Bin-ghết lạc bước vào, để có cơ hội cầu xin cho ra lò loại vi tính có tốc độ nhanh siêu phàm, nhanh đến kinh hoàng thì càng tốt. Đại khái thế, thời này cái gì người ta cũng muốn nhanh, chỉ có tuổi già và cái chết là ai ai cũng muốn nó đến thật chậm, không đến thì còn tốt nữa. Con người là vậy, con người thời này ấy. Vì muốn nhanh mà người ta bắt đầu rút bớt các công đoạn ở mọi lĩnh vực. Học cũng rút ngắn công đoạn và hậu quả là có bằng cấp nhưng không có học vấn thực. Đến cả ăn cũng rút ngắn công đoạn nhai cho nên bệnh đau dạ dày ngày càng phổ biến. Ngày trước, người ít tuổi đưa hay nhận bất cứ cái gì từ người lớn tuổi hơn đều phải dùng hai tay, giờ để cho nhanh thì đưa và nhận cũng chỉ có một tay. Ngày trước đi xe đạp thong dong, hai tay nắm ghi đông, giờ để tiết kiệm công đoạn và sức lực thì lúc đi xe máy một tay, tay kia còn “sờ nắn” điện thoại. Trước tố độ vừa vừa phai phải, muốn ga xe máy cũng phải qua mấy chặng, nay thì rút gọn công đoạn lại, chỉ cần vít nhoàng một cái là đang từ tốc độ 30km vọt tiến thẳng lên thời kỳ tốc độ 90km, bỏ qua giai đoạn quá độ 45km. Cái sự rút gọn này để đến nhanh cái đích nào thì chưa biết chứ đến bệnh viện hoặc đến nghĩa trang Văn Điển nhanh là cái chắc.

Về công nghệ rút gọn thì thiên hạ vẫn lưu truyền câu chuyện nổi tiếng sau: Có kẻ kể rằng: Một người nước Sở đánh mất cây cung, tìm mãi rối người nước Sở ấy cũng thấy lại cây cung. Cụ Khổng Tử nghe thấy giọng xem ra con cà con kê quá mới rút gọn câu chuyện lại thành: Người Sở mất cung, người Sở lại tìm thấy cung. Tưởng rút đến thế thì các biên tập viên khắp cả thiên hạ phải chịu rồi, ấy vậy mà đến cụ Lão Tử thì cụ đúc còn “oanh liệt” hơn, “tàn bạo” hơn nữa, chỉ còn có 5 chữ: Mất cung, lại thấy cung. Phía sau câu chuyện mang tính biểu trưng này dĩ nhiên là vấn đề có liên quan đến triết lý.. Thời trước, người trẻ gặp người già, thường lễ phép và “dài dòng” hỏi: Dạ thưa bác, bác đi đâu đấy ạ? Nay thì đã học theo cách rút gọn của cụ Khổng Tử, câu hỏi lễ phép “dài dòng” ấy ngắn lại thế này: Bác đi đâu đấy? Vậy là còn tàm tạm chấp nhận được, chứ sợ rồi dấn thêm tý nữa học theo cụ Lão Đam, trẻ gặp già lại xếch ngược mắt lên hỏi: Đâu đấy? thì chả biết bình luận thế nào. Nên nhớ nhiều thứ có thể rút ngắn công đoạn để đạt đến “nhanh”. Nhưng cũng có nhiều thứ không thể “nhanh” được. Anh nhanh trong thăng tiến thì phụ nữ tấm tắc thán phục, nhưng có những thứ mà anh “nhanh” quá thì họ lại bĩu môi khinh khỉnh với câu hỏi xách mé: Có tí thế thôi à?

Người phàm tục quan niệm đơn giản: Tiền trong túi, tiêu nhanh thì hết nhanh. Nhà Phật quan niệm: Sống chậm là đến với cái chết chậm.

Nguyễn Tân Phương
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 05:33:41 pm »


NGỤY QUÂN TỬ

Ở tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, ngoài những tình tiết phiêu lưu ly kỳ, những chiêu thức đánh nhau ngoạn mục, thì có một điều làm văn ông hồi hộp khác hẳn những cây bút viết “chưởng” khác, đó là việc tiên sinh dần dần từng tí kiên nhẫn vạch trần những đàn ông mang vẻ cao đạo. Độc giả thót tim nhẹ nhõm thở phào khi thấy lần lượt các mặt nạ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của mấy tay đạo đức giả từ từ tụt xuống, đặc biệt có kẻ còn lộ nguyên hình là thằng mặt người dạ thú. Để có được bút lực gai sắc thâm hậu ấy, người đọc lương thiện đồ rằng, cuộc đời của tiên sinh chắc phải thăng trầm đa đoan lắm. Bởi từ xưa đến nay, để nhìn cho thấu chân diện của một ngụy quân tử là việc thiên nan vạn nan kinh khủng khó.

Đàn ông đạo đức thật vốn dĩ đã không hề đơn giản, do trót có tài năng có phẩm hạnh, họ thường bị đun đẩy kẹt giữa những đỉnh cao ngóc ngách của các mối quan hệ xã hội. Hành trình hướng Chân Thiện Mỹ của họ liên tục đứt đoạn lổn nhổn đúng sai đa tầng đa nghĩa, và thật nông nổi hời hợt khi vội vàng xét đoán thành kiến đánh giá. Thế nhưng độ phức tạp ở họ vẫn chưa là gì nếu phải so với những đàn ông đang tha hóa trở thành đạo đức giả. Và mọi sự càng chồng chất phức tạp hơn khi đám đạo đức giả ấy tiếp tục dùng trí thông minh tự xây cho mình những giá trị nhang nhác giống hệt như đạo đức. Nôm na có thể nói, ngụy quân tử chính là những kẻ có đạo đức giả hai lần.

Chưởng môn phái Hoa sơn Nhạc Bất Quần là điển hình lỗi lạc cho đám ngụy quân tử. Cái tham vọng mụ mị điên cuồng muốn làm thiên hạ đệ nhất cao thủ được tỉnh táo khôn khéo che giấu dưới cái vỏ bọc chí công vô tư không thèm danh lợi. Giống như nhan nhản đàn ông cao đạo thời nay, mồm thì nói không cần nhưng âm thầm phấn đấu. Những đàn ông đó thích ra vẻ dè bỉu đám đông nhưng trong sâu thẳm luôn bị ám ảnh dằn vặt bởi cái hư danh do vẫn cái đám đông ấy lẫn lộn phong tặng. “Bất quần” theo nghĩa đen là chẳng thiết số nhiều, vì thế khi đám ngụy quân tử xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, tất thảy trông đều rưng rưng cô đơn đẫm đầy cô độc. Bọn họ phẫn nộ nói về các hiện tượng đang tự đánh bóng tên tuổi, rồi chua chát thở dài là phong khí học thuật bây giờ nhố nhăng quá. Sau một hồi nhiệt huyết diễn thuyết, bọn họ rút môbai gọi về cho vợ hiền, con ngoan là tối nay vẫn bận họp, rồi ủ dột đi theo vài ba Mạnh Thường Quân dung tục thẳng tiến ra bãi biển Đồ Sơn. Trong bữa nhậu ê hề hải sản, họ bật khóc khi tivi đang chiếu cảnh bão lũ miền Trung và họ thành thật tự thú rằng miếng tôm hùm hôm nay đắng ngắt như miếng nhút. Lúc vào phòng karaoke hoặc mát-xa, họ trân trọng gọi các nữ tiếp viên là con gái, giở ví cho xem đứa út cũng ngang tuổi các “con” đang du học ở Mỹ. Tối muộn quay về phòng riêng, họ cau mặt khi thấy trong phòng xuất hiện một thiếu nữ trẻ. Sau một hồi cằn nhằn lương tâm, họ tặc lưỡi là đêm nay sẽ mất kiềm chế vì buổi chiều chót uống quá nhiều. Tất nhiên, do có đạo đức dày gấp hai lần người bình thường, họ cẩn thận đòi xem chứng minh thư. Bất hạnh thay, cô bé vẫn đang ở tuổi vị thành niên, họ đau đớn lên án bọn tú ông tú bà buôn người, vật vã nuốt lệ cho phép gái trẻ ngồi lên lòng mình rồi không làm gì, sang sảng kể cho thiếu nữ nghe về tấm gương của ông Liễu Hạ Huệ ở bên Tầu. Bình minh lên, dưới ánh mặt trời rạng rỡ, họ thanh thản tự hào, không hiểu sao mà mình lại vĩ đại nhân văn đến thế.

Ở từ vựng của Nho giáo, khái niệm “quân tử” là một khái niệm thanh sạch cốt để chỉ một đàn ông có phẩm hạnh trong trắng, có nhân cách thành thực hoàn thiện. Thuở ban sơ thời Thương-Chu (khoảng một nghìn năm tr.CN) khái niệm quân tử mặc định chỉ người có vị thế tôn quý, đối lập với tiểu nhân là đám thảo dân không có địa vị gì. Phải đến thời Khổng Tử khái niệm này mới vượt thoát khỏi thông tục. Khổng Tử cho rằng, dẫu bần cùng khổ sở, quân tử vẫn là cao thượng quân tử, còn tiểu nhân tuy có quyền chức sang trọng vẫn là hèn hạ tiểu nhân. Người quân tử đại loại là “Tâm tính thanh minh, biết điều gì thì càng ngày càng tinh thâm thuần thục. Họ dốc lòng làm việc nghĩa không để ý đến nhỏ nhen danh lợi. Cái bụng người quân tử tự nhiên thành thực, hòa với mọi người nhưng không về hùa với người. Lúc khốn cùng thì cứ lấy nghĩa mệnh mà tự yên chứ không như tiểu nhân, thế nào cũng làm điều bậy bạ. Với trời đất họ thận trọng kính cẩn, với người họ nhân hậu từ ái”. (Nho Giáo – Trần Trọng Kim). Đương nhiên những người như thế thì thiên hạ (tất nhiên có phụ nữ) yêu thương kính trọng lắm. Chính vì vậy mà vô số đàn ông cứ mở mồm là nói đạo đức đều ra sức phấn đấu để mong được người đời coi mình là quân tử. Và khi phải cố đạt điều gì, người ta thường giả dối với chính mình. Ngụy quân tử ra đời.

Thành ngữ chuyện “chưởng” cay đắng cảm thán “chân tiểu nhân còn hơn ngụy quân tử”. Ở xã hội đương đại đang tươi đẹp của chúng ta, nhỡ có đông đông tiểu nhân một tí thì cũng đừng nên bi quan xem đấy là tai họa.

Trần Khôi Việt
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 02:56:03 pm »


THƯƠNG


Ở nhiều buổi đấu giá các tác phẩm nghệ thuật với mục đích từ thiện được truyền hình trực tiếp, người ta hay gặp những thiếu phụ đôi khi có thể là thiếu nữ beo béo một tí, ăn mặc tương đối khó tả, thường trả giá rất cao cho một bức tranh hay một tập thơ nào đó. Lúc ban tổ chức xướng tên kèm chức danh, hầu hết khán giả đều không thấy bất ngờ lắm bởi thiếu phụ hoặc thiếu nữ đấy chắc chắn phải là một nữ doanh nghiệp. Thời xa xưa chưa có nền kinh tế thị trường mang vẻ tri thức, thì những doanh nhân nữ thạo buôn thạo bán này, thỉnh thoảng bị người đời suồng sã gọi là “thương nữ”. Thương nữ hoàn toàn không phải là một phụ nữ đáng thương mà đại loại là những đàn bà do đặc thù công việc cả dối trá lừa gạt vào đảm đang tần tảo. Bọn họ thường hoạt bát đi đông đi tây, một vốn bốn lời hành nghề thương mại. Tuy nhiên, thuở còn chế độ phong kiến hủ bại chỉ biết trọng chữ chứ chưa biết trọng tiền thì thương nhân nói chung bị đánh giá thấp, xếp dưới cùng theo thứ tự vị thế Sĩ, Nông, Công, Thương. Nam thương nhân lẫy lừng cỡ như Lã Bất Vi biết buôn cả vua mà còn chẳng là cái đinh gì, huống nữa đấy lại là thương nữ.

Có lẽ với thành kiến như vậy, một giáo sư giỏi tiếng Hán không bao giờ đi hát “ka-ra-ô-kê ôm” đã nhỡ dịch hai câu kết ở bài tứ tuyệt khét tiếng “Bạc Tần Hoài” của nhà thơ lớn người Tầu Đỗ Mục (803-852) “Thương nữ bất tri vong quốc hận. Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa” nhầm lẫn thành “Gái buôn không biết hờn mất nước. Bên sông vui hát khúc dâm ca”. Thực ra, Hậu Đình Hoa (bông hoa ở sau đình) là tên một điệu khúc nịnh đầm không xếchxi, vừa sáo vừa sến lâm ly giống hệt như nhiều ca khúc của các nhạc sĩ trẻ đương đại. Chỉ có điều đặc biệt, người sáng tác ra nó là một vị vua có tên Trần Thúc Bảo, ông này nghiện hát đến mức vong quốc. Thường thì người ta hoặc uống rượu hoặc mê đàn bà rồi lú lẫn mất nước, chứ yêu ca nhạc như Trần Hậu Chủ thì chắc lịch sử chỉ có một. Không phải ngẫu nhiên mà ở nền ca khúc hôm nay người ta hay tặng cho nhạc sĩ và ca sĩ một giải thưởng mang âm hưởng tuẫn tiết, giải “Cống Hiến”. Còn “thương nữ” theo đúng mặt chữ nghĩa đen là cô gái trẻ tóc vẫn còn xanh, thành ngữ đau đớn đa đoan “thương hải tang điền” (biển xanh hóa nương dâu) là ví dụ. Vì thế có bậc túc nho đã thoát dịch “thương nữ” là “con hát” (Thơ Đường – NXB Văn Học, trang 263), nôm na là cave. Cách dịch này vừa hay vừa chính xác bởi thi hào họ Đỗ vốn là một tay chơi sành điệu, ông có hơn mười năm lăn lóc trong các quán rượu đông kỹ nữ ở Dương Châu. Thơ tự thuật của ông chân thành giễu cợt tự thú “Thập niên nhất giác Dương Châu mộng. Doanh đắc thanh lâu bạc hạnh danh”. Nói cho cùng, chữ nghĩa gốc gác thì là vậy, nhưng dân gian vẫn hồn nhiên, họ chỉ thích hiểu “thương nữ” là chữ viết tắt của “nữ thương gia”.

Hồi ở ta con bao cấp, nền kinh tế có rất ít tư hữu, thương nữ bị xếch mé gọi là “con phe”. Nhiều học giả biết rộng uyên bác giải thích, đó là do xuất xứ từ chữ affair ở tiếng Tây. “Con phe” điển hình đương nhiên phải là đàn bà, tuổi khoảng hăm nhăm đến bốn nhăm, ăn mặc lành lặn nhưng lam lũ. Và do suốt ngày vất vả bêu nắng, da họ ngăm ngăm đen còn tóc hơi hoe hoe vàng. Bọn họ mỏi mệt thường đứng trước các cửa hàng mậu dịch quốc doanh có bán lương thực, thực phẩm hoặc rạp chiếu phim hay rạp hát, mua đi bán lại tem phiếu tích kê mong chênh lệch kiếm chút lời còm cõi. Thân phận của họ nhang nhác như lời bài thơ “thương vợ” của Tú Xương, “quanh năm buôn bán ở mom sông” rồi “lặn lội thân cò” cốt chỉ để “nuôi đủ năm con với một chồng”. Tuy vẻ bên ngoài gân guốc đanh đá nhưng sâu thẳm bên trong “con phe” ướt đẫm nhân hậu vị tha. Họ thường xuyên nhịn bữa sáng, tối sẩm về nhếu nháo nhai cơm nguội, dành dụm tiết kiệm tiền lo lắng cho sự nghiệp của chồng, ăn học của con. Tới thời nước ta mở cửa đổi mới, rất nhiều đàn ông may mắn trở thành những trí thức ngay thẳng tử tế, phần lớn nhờ vào có mẹ là tần tảo “con phe”. Chao ôi, lịch sử đau thương của nhân loại nhiều bi tráng này, có không ít trang được rực rỡ là nhờ từ cặm cụi nước mắt của những hiền mẫu vốn xuất thân thương nữ.

Xã hội đương đại của ta càng ngày càng văn minh tươi đẹp, người dân được minh bạch khuyến khích làm giàu, việc thương nữ đông đảo xuất hiện là chuyện hiển nhiên. Trên sàn chứng khoán, sàn giao dịch vàng nườm nượp toàn những là nhà đầu tư nữ. Và cứ ra đường là nhan nhản bị gặp các giám đốc gái. Thương nữ bây giờ nếu đang manh nha làm ăn chưa thành công thì đi “ma tít”, còn nếu đã trôi chảy đắc thời thì họ ngồi “le xợt”. Tóc họ vẫn hoe hoe vàng nhưng không phải do bêu nắng, và ngoài chuyện đảm đang nuôi con thì đôi lúc một vài thương nữ có vị tha nuôi bồ. Họ dư dật ăn sáng ăn trưa ăn chiều, tối sẩm nhếu nháo đi dưỡng sinh luyện thiền cho thon bụng mỡ. Giống như cô gái ở thơ Đỗ Mục, họ vô cùng yêu ca hát. Có điều lạ là khi chọn bài, họ thường thích những bài tan tình hoặc vỡ tình bảng lảng buồn của các nhạc sĩ trong họ tên có chữ “Bảo”.

Có phải như thế chăng mà nhiều nam thi sĩ lạc quan cho rằng, tâm hồn của những thương nữ đương đại, so với ngày xưa thì sâu hơn hẳn.

Trần Khôi Việt
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2009, 07:27:53 pm »


MỒM CỦA ĐÀN ÔNG


Với một số đàn ông phi thường thì mồm là một bộ phận rất đáng kể. Và cái đáng kể nhất trong mồm của bọn họ thì hình như là lưỡi. “Sử ký Tư Mã Thiên” trận trọng chép chuyện Trương Nghi, một thuyết khách lỗi lạc thời Chiến Quốc (478 - 221 tr CN). Trương Nghi do nói quá hay và quá nhiều nên bị mấy gã không biết nói lôi ra đánh đòn, khắp mình thâm tím đa chấn thương đại loại giống như danh thủ Denilson người Braxin mà câu lạc bộ bóng đá Xi măng Hải Phòng trót mua hớ. Trương Nghi lê lết trở về nhà, cô vợ hả hê mỉa mai: “Hừ, nếu ông không đọc sách đi du thuyết thì sao đến nỗi phải cái nhục này. Trương Nghi chìa mồm ra bảo vợ: nhìn xem lưỡi ta còn không. Vợ cười, lưỡi còn. Nghi nói, được rồi”. (Sách đã dẫn – NXB Văn Học – Tập 2, trang 34). Quả nhiên về sau nhờ cái mồm lành lặn, Trương Nghi tiếp tục đi du thuyết làm tới thừa tướng nước Tần rồi tướng quốc nước Ngụy, vừa sang vừa giàu không những làm cả họ nhà vợ vừa sợ vừa thẹn mà còn làm vô số những đàn ông khác cũng có mồm khát khao thèm thuồng đến mức sùi bọt mép. Danh nho tài tử ở ta là ông Nguyễn Công Trứ nghiêm túc khen rằng, trừ đi vài phần gian trá giảo hoạt thì đấy là một kiểu đàn ông “lập ngôn” rất đáng được tôn trọng. Ông Trứ lúc bần bạch, bất đắc dĩ phải mưu sinh làm thầy đồ nghêu ngao dùng mồm dạy chữ cho đám trẻ quê, long đong vất vả vô chừng nên có chua chát đùa cái nghề giáo là nghề “Dĩ thiệt canh độ nhật” nôm na là dùng lưỡi để cầy bừa qua ngày. Hỡi ơi, cách ví von sao mà xót xa xác đáng. Ở Sài Gòn dăm bảy năm trước cũng có một nhóm nam thi sĩ tài cao lấy tên là “mở miệng”. Cái tên hơi sái, báo hiệu đám nhà thơ này sẽ chắc chắn bần hàn. Ngày xưa các cụ đã dạy, muốn ăn tiền thì phải ngậm miệng. Theo “Ma Y tướng pháp” thì miệng còn gọi là “Xuất nạp quan, thuộc hành Thủy. Cửa ngoài của Tâm mà cũng là biên ải của thị phi phải trái”. Nó quan trọng vô cùng, hoặc đóng hoặc mở nên cẩn thận tùy theo thời.

Tuy nhiên cuốn “Từ điển tiếng Việt phổ thông” của Viện Ngôn ngữ học lại tầm thường định nghĩa. “Mồm: miệng của con người, thường được coi là biểu tượng cho việc nói năng không hay, không đúng lúc. Ví dụ, lắm mồm. Chõ mồm vào việc của người khác”. Sau đấy còn kê cứu dẫn thêm các thành ngữ: mồm loa mép giải, mồm miệng đỡ chân tay… Có lẽ, ban biên soạn cuốn từ điển này lúc đang khai triển công việc chắc cũng bị nhiều tay “chõ mồm vào” góp ý nên các tác giả có đôi chút bực mình. Định nghĩa về mồm đã nêu tuy hơi tiêu cực nhưng sâu xa phản ánh đúng cái thời “A còng” “anh tơ nét”, một thời mà đám đàn ông nói năng lẫn lộn đến mức, ông thì nhang nhác ti tiện giống thằng, còn thằng thì huênh hoang hợm hĩnh giống như ông.

Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại đàn ông lại lắm mồm như ở thời đương đại bây giờ Tô Tần, Trương Nghi là cái đinh. Vì nói cho cùng, lời của hai biện sĩ này tuy cao đàm khoát luận nhưng sâu xa thiết thực gần giống như đạo lý, lập luận có minh có bạch hướng tới người nghe. Đàn ông hôm nay khi nói đa phần đều rỗng tuếch, nếu có chút hào hùng khẩu khí thì lại sặc sụa mùi lợi danh. Còn không thì ngô nghê ra vẻ khoe khôn, cốt chỉ thỏa mãn cái tôi nông nổi. Hoặc hóng hớt đơm đặt, hoặc xếch mé xỏ xiên, lê la buôn chuyện, đám đàn bà phải coi là sư phụ. Có những anh trẻ, câu cú viết không thành, nửa đêm tự giận mình đâm mất ngủ bèn chui hết từ “oép” này sang “bờ lốc” kia, nặc danh ẩn danh comment dung tục, gọi nữ văn sĩ là con, gọi nam đạo diễn là thằng. Lại có những ông mặt dày hơn, quanh năm suốt tháng hiện hình lên tivi nói như hai với hai là bốn, rồi bốn với bốn là mười sáu, người nghe hoang mang ù tai chỉ thấy lấp lánh những là cách tân, những là hậu hiện đại. Nhà thơ kiêm phê bình gia T.S. Eliot (1888 – 1965) khi bàn về truyền thông đã cảm thán “Minh triết mất thì còn lại tri thức, minh triết ấy đâu rồi. Tri thức mất thì còn lại thông tin, tri thức ấy đâu rồi”. Kinh hãi thay, qua những mồm đàn ông hình như thông tin cũng mất nốt, vậy cái còn sẽ là cái gì.

Cho dù hay bị liên hệ đến chỗ này chỗ nọ, thế nhưng nói chung mồm của đàn ông vẫn luôn được coi là bộ phận cao quý. Kẻ viết bài này cũng thường bị những người có vẻ đứng đắn có vẻ đạo đức chế là hạng tán nhảm lắm mồm. May mà phúc nhà to hơn Trương Nghi, không những lấy được vợ cực kỳ đa ngôn cằn nhằn suốt ngày mà khi giao du với bằng hữu cũng hạnh phúc toàn gặp được những người nói lắm. Phải vậy chăng mà từ khi trưởng thành đến lúc đã già, chưa từng bao giờ bị ăn đòn.

Trần Khôi Việt
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2009, 01:17:31 pm »


TIỀN ĐÈ ĐÀN ÔNG


Đàn ông cũng như đàn bà thường bị nhiều thứ đè. Có thứ cứ tưởng là to ví như công danh, sự nghiệp, lại có thứ cứ nghĩ là nhỏ ví như miếng cơm manh áo. Trong tiếng Việt, nghĩa của chữ “đè” nôm na là, bị một cái gì đó dùng sức nặng áp đặt lên. Khi bị đè người ta thường ú ớ nửa tỉnh nửa mê, vừa vô thức muốn vùng thoát ra, vừa ý thức khoan khoái muốn đắm chìm vào. Đàn ông ở trong trạng thái đấy lúc đang chập chờn ngủ thì dân gian gọi là “bóng đè”. Còn nếu trúng chứng khoán hay bất động sản thì các thiếu nữ kính trọng gọi là “tiền đè”. Thực ra nguyên văn của câu thành ngữ đương đại này là “Anh ấy (hoặc sỗ hơn là lão ấy) tiền đè chết người”. Đây là một câu cảm thán tích cực hàm ý chân thành chan chứa nể phục, được vô số các thiếu nữ tuổi teen đang mon men tính toán bước vào hôn nhân rất hay dùng. Những teen nữ khác đứng xung quanh hồi hộp lắng nghe rưng rưng thèm khát, rồi nồng nhiệt đố kỵ chúc mừng bạn mình gặp số đỏ. Trước đấy chừng chục năm, để mô tả một đại gia lắm của thì các quý bà và quý cô cũng hay sử dụng một thành ngữ tương đương “tiền nhiều như quân Nguyên”. Tất nhiên, trong đám quân xâm lược hung hãn đã vào nước ta thì quân Nguyên không phải là nhiều nhất, nhưng cái tỉ lệ kẻ thù mà một chiến binh Đại Việt từng phải dũng cảm đương đầu thì hình như quân Nguyên vẫn là đông nhất. Đem chuyện thừa mứa dư dật ra ví với tàn bạo quân Nguyên, quả thật các nàng đã vừa hóm lại vừa chính xác.

Đàn ông được tiền đè nói chung có xuất xứ không quá phức tạp, phần lớn bọn họ đều minh bạch thừa tự từ sự chăm chỉ tích góp của bố, của mẹ, của ông, của bà. Do không phải vất vả rồi lại đột ngột thừa hưởng một cục tiền quá lớn, bọn họ ngông nghênh vung tay nửa thiện nửa tà hoang phí. Điển hình cho loại này ở ta chính là nhị vị công tử, Hắc (cậu ba Qui) và Bạch (Tư Phước Georges) khét tiếng người Bạc Liêu. Những cố sự “phá gia chi tử” của hai đại thiếu gia này đã thành truyền kỳ, học giả Vương Hồng Sến sơ lược có kể “Tư Phước ngọt với em út bao nhiêu thì cậu Ba cũng ngọt với bồ bịch bấy nhiêu, duy “chiến lược” mỗi chàng một khác. Phước chuộng người phải cho đẹp, cậu Ba chọn người phải cho “ngon”. Cậu Tư cho tiền không bao giờ lấy lại. Cậu Ba lúc gặp buổi đầu gái lựa mua gì cậu cũng không từ chối. Nhưng khi cậu chán chê thì giở ngón đểu, giả đò thua me, mượn cầm đỡ vào tiệm mà không bao giờ chuộc lại. Và cậu lánh mặt luôn với chiếc xe chạy ngày mấy trăm cây số ngàn, có giỏi lội bộ theo mà “bắt” (Sài Gòn tạp pín lù – NXB Hội Nhà văn, trang 135). Hắc và Bạch công tử là đại diện xuất sắc cho kiểu đàn ông tiền đè chết người khác.

Tuy nhiên nói cho cùng, lấy tiền của chính bố mẹ mình đem tiêu cũng vẫn là chuyện thường tình, đàn ông được tiền đè mà nguồn tiền ấy lại từ vợ mới đáng kể quái chiêu, Thúc Sinh là trường hợp đáng kể. Theo “Kim Vân Kiều truyện” thì thư sinh họ Thúc vốn tài cao học giỏi nên chọn được nhà vợ rất giàu, vừa mừng vừa sợ âm thầm ăn chơi phóng túng “Trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Đàn ông đến lầu xanh mà mê cave thì thiên hạ có đầy, cứ đọc các báo lá cải của thời nay là thấy nhan nhản. Nhưng dám rút tiền của vợ để yêu rồi lấy cave thì xưa nay tuyệt hiếm. Tên tự của Thúc Sinh là Kỳ Tâm, quả xứng đáng, tâm hồn của anh chàng này đương nhiên có chỗ kỳ lạ khác hẳn đám đàn ông bình thường. Về sau Thúc Sinh bị vợ phát hiện nên gặp nhiều chuyện phiền muộn cay đắng lắm, suýt nữa tha hóa trở thành thằng nát rượu. “Sinh càng như dại như ngây. Giọt dài, giọt ngắn chén đầy chén vơi”. Nói chung họ Thúc là điển hình cho kiểu đàn ông tiền đè chết mình.

Thế nhưng đàn ông theo đúng nghĩa bị tiền đè thì phải kể đến lão hà tiện Fêlix Grăngđê, một tay người Pháp có xuất thân phó thùng trong kiệt tác “Tấn trò đời” của Đại văn hào Balzac. Gã này tàn bạo, độc đoán, chuyên nhìn người qua lỗ đồng xu. Hoặc bóc lột bọn người ở hoặc lợi dụng đám cầu hôn. Không những nhẫn tâm với cháu mà còn phá hoại hạnh phúc của con gái, biến vợ thành nô tỳ rồi giày vò bà này cho đến chết. Tính keo kiệt của lão ta đến mức quái đản “cái gì cũng muốn dè sẻn, cho đến cả cử động”. Khi lạnh lẽo hấp hối gã chỉ còn đòi nhìn vàng vì nó làm gã “trong người ấm lại”. May thay, xã hội hôm nay bỗng tuyệt hiếm những người giàu có bẩn thỉu như Grăngđê. Bởi gã này bủn xỉn là do vật lộn kiếm tiền từ chắt chiu mồ hôi nước mắt. Còn đám đàn ông thừa mứa bây giờ biết nhai tôm hùm biết nuôi bồ nhí, đa phần đều do liều lĩnh chộp giật, hoặc thảm hơn, may mắn hớt trộm mót nhặt được của rơi của vãi.

Đàn ông có tiền đôi khi vẫn có những người có tài có đức. Đồng tiền luôn mang bộ mặt của người cầm nó. Ở người tiêu xài phóng khoáng thì đồng tiền rộng rãi cao thượng. Ở người bần tiện tính toán thì đồng tiền nhơ nhớp chật chội. Tuy nhiên, cao hơn cả vẫn là những đàn ông mang khuôn mặt mà bất cứ kiểu tiền nào cũng không thể bắt chước.

Đại loại, đấy là những người chẳng bao giờ bị tiền đè.


Trần Khôi Việt
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2009, 12:16:18 am »


ANH EM RỂ


Từ xưa đến nay ở phương Đông, trong bất cứ một xã hội có cơ cấu chính trị tôn giáo kiểu nào thì gia đình vẫn là một hạt nhân quan trọng nhất. Trong gia đình thường là có ông bà, có bố mẹ, có các anh chị em, có các con, các cháu thương yêu chịu đựng lẫn nhau theo nguyên tắc kính trên nhường dưới. Gia đình bền vững là nhờ sự biết nuôi dưỡng đầm ấm những mối quan hệ trong gia tộc và trong các mối chằng chịt ấy thì mối quan hệ của nhóm “các anh chị em” đáng kể là phức tạp. Tục ngữ người Việt có câu “Yêu nhau chị em gái. Rái nhau chị em dâu.Đánh nhau vỡ đầu là anh em rể”. Chuyện chị em dâu ghét sợ nhau (rái hoặc dái là từ Việt cổ) đương nhiên là chuyện dễ hiểu, nhưng anh em rể lại choảng nhau đến vỡ đầu mới thật là chuyện lạ. Bởi sâu xa bọn họ đều bất hạnh, đều có một “đối tác” chung đầy khó chịu là nhà vợ. Thành ngữ bảo “con rể như khách” hàm ý cho rằng, “thằng rể” dù được yêu hay bị ghét thì mọi cư xử của nhạc phụ, nhạc mẫu vẫn chỉ là nhan nhát ngọt nhạt xã giao đưa đẩy. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại cay đắng gọi đám đàn ông có chung bố mẹ vợ là anh em đồng hao. Nếu không bị thiệt thòi hao hụt mà còn phát tài phát lộc phát vinh hoa, chắc hẳn hoi sẽ được gọi là anh em đồng phát. (Để khách quan học thuật, xin đưa thêm một luận giải của vài học giả chỉ có toàn con gái. “Đồng hao” là tên của loại rau tần ô, ở ta kêu là cải cúc, một thứ rau dại mọc nông, khe quơ là bật rễ. Quan hệ giữa anh em rể đại loại như vậy, chính vì thế nó còn được gọi là anh em cọc (cột) chèo. Thường đã là mối buộc thì phải chắc chắn, nhưng mối buộc ở cọc chèo lại rất lỏng lẻo, cốt để cho mái chèo còn khua khoắng. Có người cẩn thận chú, mái chèo ở đây là mấy nàng vợ).

Ở nước ta, khắp mọi xó xỉnh, chỗ nào cũng lầm than có nhan nhản đám anh em rể. Theo kết quả cuộc điều tra dân số mới đây thì tỷ lệ đàn bà tuy ít hơn đàn ông nhưng nhà có đông chị em gái vẫn rất nhiều. Đây là một tiềm năng phong phú cho hiện tượng đàn ông sẽ bị vỡ đầu. Ở những nhà này, thường thì “con chị đi, con dì lớn” lần lượt thứ tự xếp hàng hớn hở vào hôn nhân, nhưng thỉnh thoảng cũng hay gặp cái cảnh “còi to cho vượt”. Cô chị cả đang “chổng mông mà gào” thì cô em út bỗng dưng phởn chí lên xe hoa. Rồi phải mất vài năm nỗ lực phấn đấu, mấy cô chị mới kiếm được chồng. Ở trường hợp này đám anh em rể xung khắc lắm. Cái thằng rể út đáng nhẽ non nớt ít phải chịu đựng chuyện gì, bỗng đâm ra thành thạo thâm niên bất hạnh nhất. Tuy nó không dám cằn nhằn nhưng lại hoàn toàn không biết bao dung chia sẻ. Ngày giỗ ngày chạp, anh em đồng hao bùi ngùi ngồi uống với nhau, cái giọng của nó tự nhiên phảng phất như có cạnh có khóe. Đã thế bố mẹ vợ từ xa ngồi nhìn, ngấm ngầm như khuyến khích, hiển nhiên có vài chai Vodka đập vào đầu nó cũng là chuyện vô cùng dễ hiểu.

Cố nhiên, không phải cứ anh em cọc chèo thì phải đánh nhau, đôi khi vẫn nhiều cặp anh em rể nồng ấm thân thiết. Cuốn tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn thiết tha yêu vợ Vũ Trọng Phụng có đưa ví dụ. Thằng nhân vật chính Xuân Tóc Đỏ được giời ỉa vào đầu nên may mắn lấy được cô Tuyết, một thiếu nữ nhà giàu teen ơi là teen. Tuyết có cô chị ruột đã hôn nhân nhưng vẫn dửng mỡ hồn nhiên ngoại tình. Ông chồng làm ở bưu chính viễn thông hiền lành chịu đựng và sâu xa tràn đầy phẫn uất. Ông này nhờ thằng Xuân, cứ trước đông đảo quan khách thì trỏ thẳng mặt ông ta mà nói: “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng”. Thù lao thỏa thuận sẽ là 5 đồng (theo thời giá bây giờ xấp xỉ một cái xe máy Tầu). Thằng Xuân xuất xứ hạ lưu vốn vụ lợi nên nhận lời ngay và xuất sắc thực hiện. Đương nhiên nhà vợ bẽ mặt lắm, còn ông Phán hả hê biết ơn thằng em rể. Qua đây thì thấy, anh em cọc chèo vẫn có thể yêu mến lẫn nhau, với điều kiện cả hai phải có chung một địch thủ, đấy là nhà vợ.

Tuy nhiên, những nhà có đông con gái chưa chắc đã có hiện tượng “đồng hao”, trường hợp của Kim Trọng trong tác phẩm kinh điển Truyện Kiều là điển hình. Thư sinh họ Kim vốn người thanh sạch không có thói “hoa thơm đánh cả cụm”, việc chàng vĩnh viễn không có em rể là do hoàn cảnh nghiệt ngã xô đẩy. Gần đây người ta đồn rằng trên khu phổ cổ Hoàn Kiếm cũng có một chàng hao hao giống chàng Kim. Chàng này yêu vợ kinh khủng và không may vợ gặp bạo bệnh đột ngột mất. Sau một thời gian đau xót, chàng tái hôn với chính cô em vợ, rất giống chị. Nhiều người nghe chuyện cảm động lắm, tin rằng chàng chung tình, muốn lưu nhớ hình ảnh người vợ cũ, tò mò tìm đến hỏi kỹ. Chàng rưng rưng trả lời: “Vì ba con còn nhỏ nên miễn cưỡng đành tục huyền. Bất đắc dĩ phải làm thế bởi quá sợ có thêm bố mẹ vợ”.


Trần Khôi Việt
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Chín, 2009, 12:17:17 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2010, 07:23:24 pm »

NHẬN QUÀ

Quà tặng là thứ đẹp nhất mà con người ta nghĩ ra để bày tỏ tình cảm với nhau. Khởi đầu quà tặng nào cũng trong vắt như pha lê, sau dần, qua thời gian, qua quan niệm, qua sự “tiến hóa” của chủ nghĩa thực dụng, quà tặng cứ đục dần đi. Đôi lúc quà tặng không còn là tình cảm nữa, nó trở thành nhân viên ngoại giao siêu đẳng, cũng đôi lúc nó còn nhảy hẳn sang cả lĩnh vực “nội gián”. Từ chối quà tặng không phải dễ vì các món quà bao giờ cũng có ma lực cám dỗ rất ghê gớm.

Những món quà trong sáng thì giá trị trọng tâm nằm ở tình cảm người tặng, còn những món quà được biến tướng đi, trở thành vật trao qua đổi lại, trở thành vật “lót tay”, thành công cụ “mở đường” hay “kết thúc” thì giá trị bản thân món quà mới là thứ trọng tâm. Nhưng xét cho tận cùng của sự việc thì quà tặng nào cũng hàm chứa một sợi dây. Một người lúc nào cũng chìa tay ra nhận quà tặng thì cùng đồng nghĩa người đó đưa tay ra nhận lấy những sợi dây chằng vào mình. Có thể người tặng không có ý định cài sợi dây vào nhưng bản thân quà tặng đã là sợi dây. Có thể người nhận không ý thức được về sợi dây đó nhưng rõ ràng là sợi dây chả vì thế mà mất đi, nếu nó có mất đi thì cũng mất đi tạm thời thôi. Tôi tặng anh một món quà vì tôi quý anh, tôi không có chút vụ lợi, gửi gắm nào trong đó. Anh nhận quà của tôi thì anh xúc động, vì xúc động cho nên chả quên được mặc dù tôi không đề nghị anh phải nhớ. Bản thân anh không quên được cho nên cứ canh cánh ởchox nào đó trong vô thức, rồi có dịp là anh phải “đền đáp” lại tôi, ở khía cạnh khác, thể loại khác, tức là tôi có thể ưu tiên nghĩ về anh những điều tốt đẹp, có thể ưu tiên cho anh lên trước hay lên sau một trật tự nào đó mà tôi có quyền quyết định. Thế là không còn trong sáng nữa rồi. Khi nhận quà thì phần lớn là chúng ta mất khả năng vô tư. Vì vậy hãy hạn chế nhận quà. Hơn thế, phải xét tới vị trí của mình khi nhận quà. Những tòa báo lớn của Mỹ còn in hẳn một mẫu thư từ chối quà tặng để phát cho các nhân viên của mình. Làm như thế vì họ rất ý thức được vấn đề quà tặng. Có những món quà thoạt đầu tưởng như không có gì, nhưng khi nhận rồi mới thấy nó không phải “không có gì” mà có rất nhiều là đằng khác. Có những món quà tạo ra mê cung, nó dẫn cho con người ta đi xa khỏi sự vô tư và lạc vào một thế trận nào đó. Người hay nhận quà là người sẽ không có những quyết định sáng suốt. Một thủ trưởng hay nhận quà của cấp dưới thì thủ trưởng đó khó điều hành cơ quan cho công bằng, chính trực. Những cô gái dễ dàng nhận quà từ tay các chàng trai thì thường hay bị lùng nhùng trong khu rừng tình cảm. Đến như các nguyên thủ quốc gia, khi nhận quà tặng của nước này, nước kia hay cá nhân này, cá nhân kia, cũng phải có cả một cơ quan phân tích đánh giá hết mọi tình huống sau trước rồi mới nhận hay không nhận, chứ đâu phải ai đưa cho cái gì cũng hồ hởi chìa tay đón cái đó.

Từ chối quà tặng rất khó, nhưng không phải là không từ chối được. Còn nhận quà tặng thì rất dễ nhưng sau đó ta lại thấy vô cùng khó.

NGUYỄN TÂN PHƯƠNG
.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 11:14:43 pm »


DU XUÂN

Mùa xuân là mùa yêu, là mùa thăng hoa của những xuân nữ khát khao rạo rực. Trong tiết Xuân, dương khí manh nha khởi sinh, mọi vật đều như muốn nẩy nở động đậy. Đường phố bỗng có đông các thiếu nữ ăn nhiều hơn, ngủ ít hơn, ồn ào xô đẩy nhau loanh quanh đi lại. Tại các đô thị lớn, ở những siêu thị trung tâm, ngồn ngộn các quý bà quý cô dư dật tranh giành mua sắm. Vì là cuối năm, hàng đạo đức giả khuyến mãi sẵn, nên người đã có nồi thì mua thêm nồi, người đã có quần thì mua thêm quần, ai nầy đều bừng bừng muốn chứng tỏ rằng mình đang cố qua cái đoạn no đủ để thời thượng vươn tới cái giá trị mang vẻ cao sang, ngon và đẹp. Những cậu ấm cô chiêu con cái đám quan chức thương gia mới phát thì kênh kiệu đài các hơn, bọn họ tội nghiệp nhìn đám người đang háo hức mua bán. Với họ, sành điệu là vác xe hơi nhà đi lên núi hoặc kiếm vé phi cơ xuyên lục địa tung tăng ra nước ngoài. Rất nhiều thiếu nữ ngày nay ngây thơ nghĩ rằng, du xuân đại loại phải là như vậy.

Thực ra, “du xuân” đang là khái niệm bị rêu phong, ở thuở xa xưa nó được hiểu một cách khác lắm. Chính vì mùa Xuân đậm đà tươi mới nên vô số người sâu sắc có tử tế thường bồi hồi nhớ về những thiêng liêng cũ. Họ rưng rưng nhớ những anh hùng liệt nữ đã tuẫn tiết hy sinh cho nước cho dân được Trời Đất cảm động phong thành thần muôn đời tế tự. Hoặc gần gũi hơn là tổ tiên ông bà, những người chỉ biết tần tảo vất vả đã khuất để hôm nay cháu con được đê mê dồi dào sống trong an nhàn vật chất. Do vậy, với thiếu nữ ở các nhà gia giáo thì tháng Chạp là một tháng bận rộn. Cùng với sắc hồng của hoa đào, họ cũng đi ra ngoài nhưng đa phần là theo bố mẹ tới các đình đền miếu để cầu cúng. Ngoài việc xin anh linh tiền thân phù hộ độ trì cầu phúc cầu đức cho gia đình bằng an, họ còn âm thầm cầu riêng cho mình một tấm chồng hoành tráng mà bét nhất cũng phải là cơ Kim Trọng. Đó là một thứ hôn phu lý tưởng, tuổi vừa trẻ lại vừa có tiềm năng ẩn chứa phát xuất tràn trề ra danh ra lợi. Đến ngoài Tết, ở những có đông con gái thì mấy chị em lễ phép xin bố mẹ cho mình lang thang du xuân. Hoặc giữ gìn trân trọng quá khứ thì bọn họ đi lễ “tảo mộ”. Hoặc cồn cào kiếm tìm tương lai thì đi dự hội “đạp thanh”. (Nghĩa nômna của từ này là dẫm lên cỏ xanh mà đám trẻ đương đại gọi là đánh bóng vỉa hè). Trong lúc loay hoay thưởng tết có định hướng như thế, nếu số đỏ thì thỉnh thoảng chị em cũng vớ được “gà”. Thường đấy là một thư sinh tre trẻ “Đề huề lưng túi gió trăng. Sau chân theo một vài thằng con con”, vừa có ngựa cưỡi vừa có người hầu, đại loại bây giờ là một thứ sinh viên hay dở dang thạc sĩ con ông cháu cha du học tự túc đang tự lái xế hộp. Tất nhiên, a dua theo người xưa nên mông đít anh ta phải giắt một chai “Giôn” còn nách thì kẹp một cuốn “quản trị kinh doanh” bằng tiếng “inh gờ lích”. Vừa nhác thấy chàng, mặc dầu sóng lòng cuồn cuộn “tình trong như đã” nhưng ngay lập tức chị em giở chiêu bẽn lẽn “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Đương nhiên là chàng mắc mưu, mùa Xuân hay làm đàn ông trở nên lẫn lộn, thế là số môbai, thế là địa chỉ email chân thành đưa tuốt. Lúc về già cứ mỗi dịp Tết đến, những chàng bị rơi vào hôn nhân theo kiểu này thường ôm mặt nức nở khóc ân hận lắm. Truyền thống các thiếu nữ du xuân săn tình đến nay bỗng dưng bị đứt, lác đác chỉ còn thấy trong phim truyền hình của ông đạo diễn cực “sến” chuyên phục vụ tuổi teen Vũ Ngọc Đãng.

Tuy nhiên, du xuân thích nhất là ở tâm trạng đang chơi vơi yêu. “Chơi vơi yêu” đôi khi vẫn phảng phất có trong hôn nhân nhưng cái chữ trong veo siêu hình này thường chỉ hằn đậm ở những cặp đang mộng mơ trong trắng chưa kịp “thăng đường”. Du xuân mà đi với bồ nhí thì làm sao có sự lâng lâng thanh thản. Tết nhất, đường phố bỗng thưa vắng một cách huyền hoặc, đi tới đâu cũng chỉ gặp người quen. Chuyện lén lút giấu giếm kiêng khem quanh năm, thì vừa tới năm mới đã giông bởi tiếng gầm của “Hà Đông sư tử”,ái tình biết bao công phu nâng niu thoắt trở thành nát bét.

Vì thế, tuyệt vời nhất vẫn là du xuân với người yêu sắp cưới, không những nó trinh bạch giữ được vẻ nguyên sơ thiết tha mà còn làm cho xã hội có thêm phần an toàn. Không phải ngẫu nhiên, từ điển Hán Việt lại giảng “trai gái yêu nhau thì gọi là Xuân”. Bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời của một thiếu nữ là trót loay hoay tính toán rồi để rơi mất xuân thì. Thi sĩ đàn bà khét tiếng Đỗ Thu Nương có bài thơ “Kim lũ y”, từng được tuyển vào Đường Thi tam bách thủ đã nghẹn ngào cảnh báo “Hoa vừa lúc bẻ thì bẻ. Chớ để hoa rơi chỉ bẻ cành”. (Hoa khai kham chiết trực tu chiết. Mạc đãi vô hoa không chiết chi).

Mùa Xuân đang chín, các thiếu nữ chưa yêu thì nên yêu đi. Và cách tốt nhất để có được tình yêu là mang vẻ ngây thơ đi “ru” Xuân.

TRẦN KHÔI VIỆT
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2010, 05:11:35 pm »


VÀ MỘT NGÀY DÀI HƠN THẾ KỶ

Ở cấp tiểu học, các bé trai và các bé gái được các cô giáo vào tuổi đang yêu dạy rằng, một năm thì có 365 ngày và một thế kỷ thì có 100 năm. Rồi các bé trai sau khi uống sữa không có melamine và có đủ đạm cao tử tế lớn lên trở thành một đàn ông sắp sửa yêu, bỗng hoang mang nhận thấy cái kiến thức nền đấy hình như là ấu trĩ. Bởi đều đặn hàng năm, vào lưng lửng đầu tháng ba, luôn có một ngày thăm thẳm dài hơn thế kỷ. Ngày đó chính danh gọi là  Ngày Quốc tế phụ nữ, hoặc nôm na hơn thì gọi là ngày của đàn bà.

Theo Kinh Thánh (Cựu Ước) thì tội lỗi đầu tiên được khởi nguyên từ một người nữ, bà này có tên là Eva sống nhàn rỗi ở vườn Địa Đàng, vừa có chồng lại vừa ham ăn quà vặt. “Trong tất cả các loài dã thú mà Đức Chúa Trời đã tạo ra, Rắn là xảo quyệt hơn cả. Nó nói với người nữ “Có phải Đức Chúa Trời cấm bà là không được phép ăn bất cứ thứ quả nào trong vườn không” (Sách Sáng Thế 3; 1). Thật là một câu hỏi cực kỳ quyến rũ và người đàn bà đương nhiên nghe theo nó xui. Ăn no táo xong, người nữ cầm một quả về cho chồng. Tuy nhiên vốn là đàn ông, nên khi đứng trước bất cứ sự sa ngã nào cũng đều có ngập ngừng, quả táo nghẹn ngào dừng lại giữa cổ. Nói chung từ xưa tới nay, đàn bà thì luôn giấu được tội còn ở đàn ông thì vô cùng dễ lộ. Giáo lý dân gian cho rằng đấy là nguyên nhân tại sao đàn ông lại lộ yết hầu và đàn bà thì không có. Vì cái tội a dua ăn táo, đàn ông bị Chúa phạt oan ức đi theo đàn bà xuống làm lụng vất vả ở dưới Trái Đất. Có lẽ do thế mà Thiên Chúa mặc định với đàn bà “Mày sẽ đau đớn khi sinh nở. Mày phải đon đả với chồng và chồng mày sẽ thống trị mày” (Sáng Thế 3; 16). Tất nhiên đàn ông hớn hở tuân theo lời Chúa. Rồi cùng thời gian, do văn minh nhân loại phát triển, đàn ông ý thức thêm về sự bình đẳng, họ galăng dành ra một ngày để đàn bà chút ít được quyền thống trị. Tương truyền, đây hình như là một trong vài xuất xứ để có ngày mồng tám tháng ba.

Khi đang vò đầu nhằm hoàn thiện thuyết Tương Đối, qua quan sát đàn bà, thiên tài vật lý Albert Einstein, người từng sở hữu một hôn nhân tan vỡ nhận thấy rằng, bản chất của thời gian là linh tinh giãn nở. Ông ví dụ: Khi ta ngồi vào lòng một mỹ nhân, thì cả cái ngày ấy chỉ dài bằng một phút. Nhưng vẫn cái mông đấy, nếu ta ngồi lên một lò lửa thì một phút lại dài quá một ngày. Cổ thi phương Đông cũng có ý tương tự “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”. Nguyễn Du day dứt chuyển thành lục bát “Sầu đong càng lắc càng đầy. Ba thu dồn lại một ngày dài ghê”. Với nhiều đàn ông vừa có vợ lại vừa có người tình, thì ngày 8-3 quả là một ngày liên tục ngồi trên lò lửa. Ngay từ sáng sớm, giá hoa đã điêu toa tăng và trời chưa kịp chiều giá váy cũng giả dối tăng. Vừa mới bảnh mắt, vợ đã lê thê buôn điện thoại xa xỉ rủ rê mẹ vợ đi siêu thị. Rón rén mở tin nhắn, kinh hoàng thấy một dòng chữ có đủ dấu, ngữ điệu tuyệt vời dịu dàng “Anh không có quà cho em à? Tối mai vẫn chỗ hẹn cũ nhé”. Bật tivi thì thấy tràn ngập các nữ sĩ đọc thơ và nhỡ tay mở báo thì dày đặc những bộc bạch của bao nhiêu chân dài người mẫu. Bình nhật, thơ của giới nữ 8X, 9X đều thiên về bí hiểm phức tạp, chủ đề là vỡ tình, nợ tình, thỉnh thoảng có loạn tình. Riêng hôm nay bỗng đơn giản trữ tình, tâm thế nồng nàn thủy chung của người tình trăm năm, của người vợ hiền thảo. Tâm sự của các nữ người mẫu thì chân thành xúc động, họ rưng rưng khi nói về những cuộc tình đã nát, vị tha khi nhắc tới chồng cũ, tin tưởng khi nói đến bạn trai mới. “Phụ nữ chúng em là những người thiết tha nhớ lâu và vô tư hay quên. Vì thế mẫu đàn ông lý tưởng là phải từng trải điềm đạm. Từng trải là phải thành công trong thương mại. Còn điềm đạm nghĩa là, khi chúng em trót sa ngã thì phải bình tĩnh chia sẻ, nâng đỡ”. Trong không gian lâng lâng toàn những lời có cánh, đàn ông, kể cả những tay bần tiện nhất cũng thẫn thờ, liêu xiêu đi về hướng có máy rút tiền tự động. Lúc ấy ngoài đường, tấp nập thiếu nữ đoan trang phong phanh, tự tin, cởi mở, tung tăng đi lại. Nhà thơ dân gian Bảo Sinh ham luyện thiền hành nghề nuôi chó, vốn là người trân trọng am hiểu phụ nữ, nhân một ngày 8-3 hoang mang cảm thán “Hôm nay quần trễ rốn lồi. Khổ tôi, khổ cả bố tôi đang thiền”.

“Và một ngày dài hơn thế kỷ” là tên tiểu thuyết của nhà văn Aimatov (1928-2008), người dân tộc Kyrghyzstan, từng được coi là một trong vài kiệt tác ở nền văn học Xô Viết. Nó đã được dịch ra Việt ngữ và có giá bìa không quá đắt. Nhiều sinh viên đang yêu hay mua nó làm sang trọng quà tặng cho bạn gái vào dịp ngày Quốc tế phụ nữ.

Người ta nói rằng, những mối tình mang quà tặng trong trắng như thế, thường thủy chung kéo dài khoảng một thế kỷ.

Trần Khôi Việt
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Ba, 2010, 05:41:37 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM