Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:53:17 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hitler Và Những Sứ Mạng Bí Mật Của Skorzeny  (Đọc 36837 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
alonely0209
Thành viên
*
Bài viết: 86


« Trả lời #80 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2010, 12:41:20 am »

Sáng sớm, Bộ Tham mưu phải di chuyển dần về phía Tây, trong vùng Manderfeld. Tôi quyết định đến đó trước để dò đường. Đường xá bị kẹt còn hơn cả hôm qua. Một dọc xe nối đuôi nhau nhích từng bước một – từng 50 thước – 100 thước – và 50 thước nữa. Tôi mất bình tĩnh, quay trở lại và tìm các lối đi mới mở, xe chạy được. Nhưng khi vừa đến một làng khác tôi lại rơi vào tình trạng kẹt xe. Tôi phải bỏ xe để đi bộ. Đôi khi, nhờ kiên nhẫn, tôi giải tỏa được cả một đống xe dồn cục. Mỗi khi thấy một sĩ quan ngồi nghỉ mệt thong thả nơi ghế đệm trên xe, tôi yêu cầu ông ta xuống xe và thử điều khiển tình trạng lưu thông quá sức tưởng tượng này.
Trên một con đường gần Stadtkyll, một xe rờ mọc khổng lồ của Không quân đã đụng nhiều xe khác và bít luôn con lộ. Chừng 30 người cố gắng đẩy chiếc xe khổng lồ này nhưng vô ích. Khi tôi hỏi xe chở gì, tôi hết sức ngạc nhiên được biết đó là các bộ phận rời của hỏa tiễn V1 (5). Có lẽ người ta đưa thứ này thật xa về phía tiền tuyến với hy vọng rằng trong ngày đầu tiên, phòng tuyến sẽ được đẩy lui thật sâu về phía Tây, hiện tại mệnh lệnh này không còn giá trị nữa tuy nhiên tên ngu ngốc nào đó đã quên hủy lệnh cũ đi.
Thấy chiếc rờ mọc khốn nạn không muốn trở lại vị trí bình thường, tôi cho gọi tất cả những người có xe bị kẹt. Lập tức hàng trăm cánh tay làm công việc dỡ hàng, sau đó chiếc rờ mọc bị lật xuống một hồ nước bên lề đường. Trong 15 phút con đường được giải tỏa.
Buổi tối, tại Manderfeld, tôi được tham dự một thứ hội đồng chiến tranh thật sự. Đơn vị chiến xa mạn Bắc của chúng tôi chỉ có thể tiến với giá thật đắt của các trận đụng độ gay go. Hiện tại, chúng đang chiến đấu trước Stavelot, nơi đây được quân Mỹ giữ vững. Tin tức ở các khu vực khác khả quan hơn nhưng chưa phải là được như ý. Rõ rệt là địch quân bị ngạc nhiên về đợt phản công bất ngờ, nhưng họ bám chặt lấy vị trí, trong khi chúng tôi hy vọng họ bỏ chạy, và cũng không bao giờ có chuyện địch quân rút lui hấp tấp để có thể thi hành chiến dịch con Rồng một cách thành công nữa. Chúng tôi cũng không còn nghĩ đến việc quân đội Đức có thể tiến đến sông Meuse vào ngày mai hay ngày mốt. Các lực lượng trừ bị của địch đã can thiệp mạnh mẽ vào trận chiến rồi.
Trơng những điều kiện đó, tôi phải từ bỏ chiến dịch, tất cả mọi ý định làm thử đều là điên rồ. Chắc chắn là tôi không vui gì khi quyết định như vậy, nhưng sau khi suy nghĩ chín chắn, tôi thấy không thể nào làm khác hơn. Tôi báo cho Bộ Tham mưu Quân đoàn 6-Thiết kỵ biết quyết định và được chấp thuận. Mặt khác, tôi báo cho các đơn vị chiến đấu của tôi và cho lệnh phân tán mỏng tại chỗ để chờ chỉ thị khác. Sau cùng, tôi đặt Lữ đoàn thuộc quyền sử dụng của đệ nhất Thiết đoàn SS – trong đơn vị này, may ra chúng tôi còn làm được một cái gì – và yêu cầu người ta giao cho một nhiệm vụ bộ binh phù hợp với khả năng của chúng tôi.
Tuy nhiên đến ngày 18 tháng 12, cuộc tiến quân của đơn vị mà chúng tôi gia nhập đã thình lình bị dừng lại. Tại Troisponts nơi đơn vị vừa mới chiếm lúc 11 giờ sáng, các cây cầu bị giựt sập, buổi chiều, đơn vị này, may ra chúng tôi còn làm được một cái gì – và yêu cầu người ta giao cho một nhiệm vụ bộ binh phù hợp với khả năng của chúng tôi.
Tuy nhiên đến ngày 18 tháng 12, cuộc tiến quân của đơn vị mà chúng tôi gia nhập đã thình lình bị đứng lại. Tại Troisponts nơi đơn vị vừa mới chiếm lúc 11 giờ sáng, các cây cầu bị giựt sập, buổi chiều, đơn vị còn chiếm được Gleize và Staumont. Tuy nhiên tất cả điện văn từ tuyến đầu gởi về đều yêu cầu tiếp tế xăng và đạn. Vì cả hai nhu cầu đều không được thỏa mãn, đơn vị dậm chân tại chỗ. Và mặc dù cố gắng hết sức, các xe chuyên chở tiếp liệu không làm sao đến được với chúng tôi. Hiện tại không ai còn nghĩ đến tiến quân nữa.
Sáng hôm sau lại một mối lo âu mới xuất hiện. Gần như cả mạn sườn phía Bắc của hướng Tổng phản công bị bỏ ngỏ. Nhất là từ Malmédy, một giao điểm lưu thông quan trọng, địch quân cứ đổ quân trừ bị về phía Nam để cắt đứt căn cứ xuất quân của chúng tôi. Ngươi ta hỏi tôi có thể đảm trách tấn công thành phố ấy để trám chỗ hở của phòng tuyến không, nếu Malmedy lọt vào tay chúng tôi, các đợt phản công của địch sẽ không còn đáng sợ nữa.
Tất nhiên tôi nhận lời và ra lệnh cho 3 tiểu đoàn chiến đấu tập trung chung quanh làng Engelsdorf ngày 20 tháng 12. Tại đó tôi trình diện Bộ Tham mưu Sư đoàn 1 Thiết kỵ SS để hỏi tin tức và ước tính một cuộc tấn công ngay lập tức.
Vì không có trọng pháo, tôi quyết định đánh Malmédy cả hai mặt cùng một lúc vào sáng ngày 21 tháng 12. Mục tiêu là một dãy đồi phía Bắc thành phố, tại đó chúng tôi sẽ lại tập trung và đánh thẳng vào thành phố. Lúc đó hai con đường từ hướng Bắc gặp nhau ở Engelsdorf chỉ được bảo vệ bởi hai toán mỗi toán chín người – theo ý tôi hỏa lực che chở như vậy không đủ.
Ngày 20 tháng 12 một đơn vị tiền thám được phái đến Malmédy trở về báo cáo là thành phố được một lực lượng địch tương đối yếu gìn giữ. Trưởng toán tiền thám này là một Đại úy hải quân, ông ta báo cáo với tôi là đã thực hiện một cuộc vượt qua khu vực địch vừa đáng khen vừa đáng ngạc nhiên. Thật ra ông ta không có ý định đó nhưng vì đã đi lạc. Thình lình, trong khi không hề chờ đợi như thế, ông ta thấy mình đứng gần các ngôi nhà đầu tiên của thành phố. Vài người qua đường còn hỏi là quân Đức có đến không. Hiểu rằng đã lọt vào thành phố Malmédy hãy còn do quân Mỹ chiếm đóng, ông ta vội trở lui và quay về Engelsdorf.
Tóm lại chúng tôi gặp may kinh khủng, ông ta kết luận và nhăn răng cười.
Tôi suy luận từ cuộc phiêu lưu này là thành phố không được canh phòng. Có thể chúng tôi chiếm được nó mà không cần sửa soạn bằng pháo binh trước. Dầu sao tôi cũng còn mười chiến xa – những chiếc khác đã bị hư hỏng.
Trong khi chờ đợi tôi nhận được các tin tức do các toán được gửi ra hậu tuyến địch để phá rối. Trong số chín toán nhận lệnh, có sáu hay nhiều nhất là tám toán đã vượt qua được tuyến lửa. Cho đến hôm nay, tôi cũng không thể kể một con số chính xác. Tôi được biết là một vài quân nhân trẻ đã từ chối không chịu xâm nhập vào hàng ngũ Đồng minh vì thiếu can đảm. Ngược lại, hai toán đã bị bắt làm tù binh. Bốn toán khác báo cáo về rất rõ và chính xác là không thể nào làm cho quân Mỹ ngờ được. Do tính cách ly kỳ của sự kiện, tôi muốn kể vắn tắt vài mẩu chuyện lý thú:
“Ngay hôm đầu tiên, một nhóm đã thành công vượt qua kẽ hở của phòng tuyến địch và tiến cho đến Huy, gần bờ sông Meuse. Tại đó, họ lặng lẽ dừng lại trên một giao điểm lưu thông để quan sát việc chuyển quân của địch. Trưởng nhóm – team leader, nói thạo Anh ngữ, táo bạo đến nỗi dám đi dạo quanh vùng, “để nắm vững tình hình”.
Logged
alonely0209
Thành viên
*
Bài viết: 86


« Trả lời #81 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2010, 12:41:41 am »

Sau vài giờ, một Trung đoàn thiết giáp địch chạy ngang và viên chỉ huy đến hỏi thăm đường. Với tài ứng biến mau lẹ, trưởng toán liền trả lời hết sức bay bướm. Anh ta nói rằng “bầy heo Đức” vừa cắt đứt nhiều con đường. Chính anh ta cũng vừa mới nhận lệnh đưa binh sĩ đi vòng trở lại. Sung sướng vì được báo trước kịp thời, các chiến xa Mỹ quả nhiên đã chạy theo hướng mà viên sĩ quan của tôi chỉ cho.
Khi trở về, toán này lại cắt nhiều đường dây điện thoại và vứt bỏ nhiều bảng chỉ đường do quân Mỹ dựng lên. Hai mươi bốn giờ sau, họ trở lại phòng tuyến bạn, báo cáo nhiều điểm lý thú về tình trạng rối loạn sau lưng phòng tuyến địch.
Một toán cảm tử khác lại tiến được đến sông Meuse. Họ quan sát thấy rằng dường như Đồng minh không làm gì cả để giữ mấy cây cầu trong vùng. Lúc trở về, họ chặn ngang ba con đường dẫn tới tiền tuyến bằng cách treo những dây vải mầu vẫn được quân Mỹ dùng để chỉ bãi mìn. Sau đó quả nhiên chúng tôi thấy lực lượng trừ bị của địch đến tăng cường phải đi vòng qua ngõ khác.
Một toán thứ ba đã khám phá ra một kho đạn. Họ ẩn nấp cho đến tối và phá hủy kho đạn này. Sau đó họ tìm thấy một đường dây điện thoại tập trung, và họ đã cắt đường dây này ở ba nơi khác nhau.
Nhưng ly kỳ nhất phải là câu chuyện của một toán vào ngày 16 tháng 12, tự dưng bỗng thấy đối diện với một vị trí chiến đấu Mỹ. Chừng hai Đại đội G.I hình như đang bảo vệ một khu vực thật dài, đang dựng các rào chắn và đặt các đại liên. Người của tôi phải một phen quá sợ, nhất là khi một sĩ quan Mỹ đến hỏi thăm tin sau cùng về tình hình mặt trận.
Sau khi hơi tỉnh trí lại đôi chút, Trưởng toán cảm tử - mặc một bộ quân phục mới và mang lon Trung sĩ Mỹ - đã kể lại cho viên Đại úy Yankee cả một câu chuyện dựng đứng hay ho. Chắc chắn là quân Mỹ đã bắt đầu sợ vì họ đọc thấy trên nét mặt các cảm tử quân của tôi nét sợ hãi mà họ cho rằng là hậu quả của việc gặp gỡ tụi “Damned Germans”. Bởi vì, theo lời viên Trưởng toán, anh ta tin rằng tụi Đức đã vượt qua vị trí này rồi, cả bên phải lẫn bên trái, khiến cho vị trí này gần như đã bị bao vây. Rất ngạc nhiên, viên Đại úy lập tức cho lệnh rút lui.
Tổng quát, trong các trường hợp, sự thành công của cảm tử quân vượt xa điều mong ước. Vả chăng, vài ngày sau, đài phát thanh Mỹ ở Calais (6) loan tin khám phá một hệ thống gián điệp và nhân viên phá hoại đằng sau phòng tuyến Đồng minh – các hoạt động đó đặt dưới quyền Đại tá Skorzeny, người “chiếm đoạt” được Mussolini. Quân Mỹ còn tuyên bố bắt được hơn 250 người của đơn vị tôi – con số phóng đại quá. Về sau, tôi được biết rằng phản gián Đồng minh, bị khích động bởi lòng hăng say quá mức, đã bắt luôn một số binh sĩ hay sĩ quan Mỹ chính cống.
Các câu chuyện tức cười mà tôi được nghe các sĩ quan Mỹ kể lại khi chiến tranh chấm dứt, nếu đem in cũng phải cả một cuốn sách. Đại úy X. chẳng hạn, lúc đến một thành phố ở Pháp và đi vào một câu lạc bộ của Đức cũ, trông thấy một đôi giày cao cổ. Tình cờ cỡ giầy vừa với chân ông, ông ta bèn lấy mang suốt ngày. Nhưng các M.P. được tung ra để bắt gián điệp, trông thấy và suy đoán rằng Đại úy X. là một gián điệp Đức. Do đó, ông ta bị bắt và bị giải đi một cách không mấy êm ái. Ông ta bảo đảm với tôi rằng không bao giờ quên được tám ngày bị giam trong một nhà lao quân sự kém tiện nghi.
Hai Thiếu uý trẻ mới đến Pháp tháng 12 năm 1944, một hôm được viên chỉ huy một đơn vị đã từng quen với đời sống khổ nhọc tại mặt trận mời ăn. Lễ phép và dễ thương, hai sĩ quan trẻ tuổi tin rằng cần phải kín đáo ca tụng bữa ăn vốn chỉ gồm toàn đồ hộp. Lời ca ngợi và thêm vào đó là quân phục tinh khiết mới toanh làm họ bị nghi ngờ đến nỗi các M.P. được gọi đến đã lôi họ từ chiếc ghế nơi bàn ăn và đem nhốt lập tức. Nguyên nhân là vì binh sĩ Mỹ, vốn chán loại đồ hộp ăn hoài ăn mãi, không thể chấp nhận một người Mỹ chính cống lại có thể đi ca tụng một thứ thức ăn đáng buồn nôn như vậy.
Chưa hết. Tin rằng tôi có thể làm mọi chuyện kinh hồn và táo bạo nhất, phản gián Đồng minh cho là phải bắt buộc áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo vệ Bộ Tư Lệnh Tối cao Đồng minh. Do đó, Đại tướng Eisenhower bị cầm giữ nhiều ngày trong Bản doanh của ông. Ông phải ở trong một ngôi nhà được bảo vệ bằng nhiều vòng đai M.P. Đại Tướng thấy chán ngay và tìm mọi cách thoát khỏi vòng canh giữ đó. Phản gián Đồng minh bèn tìm được một người giống Đại Tướng như đúc. Đó là một sĩ quan tham mưu, và ông ta giống tướng Eisenhower quá sức tưởng tượng. Mỗi ngày ông Tư lệnh giả, mặc quân phục Đại tướng, leo lên xe của thượng cấp mình đi về Ba-lê, để lôi cuốn sự chú ý của “gián điệp Đức”.
Ngay cả Thống chế Montgomery cũng suýt bị M.P. bắt giữ và tra hỏi nhiều lần trong suốt thời gian có cuộc Tổng phản công tại Ardennes. Một người đùa cợt dễ thương tung tin đồn rằng một tên trong nhóm Skozeny đã giả dạng viên Thống chế Anh để làm gián điệp. Do đó quân M.P. quan sát thật kỹ tất cả các tướng lãnh Anh đi lại ở Bỉ.
Logged
alonely0209
Thành viên
*
Bài viết: 86


« Trả lời #82 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2010, 12:42:00 am »

Sau một lúc thoải mái, chúng ta hãy trở lại Malmédy. Chiều ngày 20 tháng 12, hai trong số ba Tiểu đoàn của tôi đã đến Engelsdorf. Tiểu đoàn thứ ba vì ở quá xa, không đến kịp được. Vì quân số quá ít, nên chúng tôi không gây trở ngại cho nhau làm chi.
Tôi quyết định khởi sự tấn công vào rạng đông ngày 21 tháng 12. Tiểu đoàn thứ nhất tấn công mặt Đông Nam, đơn vị kia do Foelkersam chỉ huy, tấn công mặt Tây Nam. Họ phải tấn công sâu vào phòng tuyến địch và tiến vào trung tâm thành phố. Trong trường hợp gặp sức kháng cự quá mạnh, chỉ cần để một ít quân số trước các vị trí quân Mỹ, lực lượng chính phải được điều động để chiếm các ngọn đồi phía Bắc Malmédy.
Đúng 5 giờ sáng, các toán quân khởi sự tấn công. Vài phút sau, một loạt đại bác nổ kinh hồn chận hằn cánh thứ nhất ngay tức khắc và toán này mất liên lạc, phải rút lui về vị trí xuất phát. Về phần cánh thứ nhì, tôi tự hỏi không biết số phận ra sao. Từ một giờ qua, tôi chẳng có tin tức gì. Ngay khi trời vừa sáng, tôi đi bộ lên tuyến lửa. Từ trên đỉnh một ngọn đồi, tôi nhìn thấy thật rõ con đường hình vòng cung phía Tây Malmédy; ngay chính cả thành phố cũng được ẩn dưới một thế đất trũng sâu. Và trên ngọn đường này, tôi dùng ống dòm và thấy sáu chiến xa Panther của tôi đang chiến đấu trong tuyệt vọng với một lực lượng Thiết giáp địch mạnh hơn gấp bội. Trời đất! – Chính các chiến xa này phải bảo vệ mạn sườn phía trái hướng tấn công của chúng tôi.
Rõ ràng là Foelkersam, hăng say và táo bạo, chưa muốn bỏ thành phố. Nhưng đã có vài binh sĩ thối lui về phía tôi. Họ cho biết là đã đụng với các pháo đài quá chắc và được bảo vệ mạnh mẽ, khó thể chiếm được nếu không có đại bác yểm trợ. Chiến xa của chúng tôi cố đánh trong tuyệt vọng để ít ra là cũng che chở được cho quân bạn rút lui. Tôi tập họp các đơn vị đằng sau đồi để hy vọng tung ra đợt tấn công khác. Tuy nhiên, hiện tại – tôi vẫn chưa thấy bóng dáng Foelkersam đâu cả.
Các xe bọc sắt của chúng tôi đã mang các thương binh cuối cùng trở về. Mối lo lắng của tôi càng tăng, liệu trong vụ ngu si này tôi có bị mất người bạn thân, người cộng sự trung thành không? Sau cùng, hắn xuất hiện kia kìa và bắt đầu vạch cỏ tiến lên đồi. Tôi chú ý thấy hắn dựa một cách nặng nề vào viên bác sĩ. Đến gần tôi, hắn ngồi xuống thật thận trọng, trên mặt đất ẩm ướt. Với một nụ cười yếu ớt, hắn giải thích là đã bị lãnh một mảnh đạn vào đúng ngay chỗ nhiều thịt nhất trong thân thể.
Dưới sự che chở của vài khẩu Bazooka chúng tôi mở một buổi họp ngắn. Viên Đại đội trưởng thiết giáp một lúc sau cũng tìm lại được chúng tôi – ai nấy tin rằng ông ta đã chết – và cho biết ông đã tiến được đến các vị trí pháo binh Mỹ và nghiền nát một khẩu, và đến khi bị phản công bởi lực lượng đông gấp hai, ông ta mới bị đẩy đến đoạn đường vòng cung. Tuy nhiên vì cố thủ ở một vị trí trống trải như thế để giúp quân bạn rút lui, ông mất tất cả các chiến xa.
Chúng tôi bị bắt buộc phải giữ bình tĩnh ít ra cũng trong lúc này. Vào buổi chiều tôi rải các đơn vị trên đỉnh các ngọn đồi đang chiếm giữ, bằng một tuyến mỏng manh kinh khủng thành một phòng tuyến dài 10 cây số. Trong lúc đó pháo binh địch gia tăng mãi cường độ hoạt động gần như là cả một sự tận diệt, làm đổ nát toàn bộ làng Engelsdorf và các con đường chung quanh.
Đến tối, tôi đến Bộ Tư Lệnh Sư đoàn để báo cáo. Sau khi trình bày tình hình của chúng tôi với Tham Mưu Trưởng, tôi đi về phía khách sạn độc nhất trong thị trấn. Còn cách lối vào chừng 30 thước, một tiếng rít mà tôi rất quen thuộc làm tôi nhảy một bước đến ngay vòm cửa chính. Một lát sau một đầu đạn khổng lồ rơi đúng vào chiếc rờ mọt dùng làm văn phòng của viên Tham mưu trưởng. Ông này gặp may mắn nhiều, khi kéo ông ra khỏi đống đổ nát chúng tôi nhận thấy ngoài một mảnh đạn ở lưng, ông ta không bị một vết trầy nào. Vì lẽ vùng này càng ngày càng bất ổn, tôi nhẩy lên xe – may thay xe tôi tránh khỏi cuộc pháo kích nhờ đậu sau khách sạn – tài xế mở máy và vọt chạy hết tốc lực. Đêm thật tối, và đèn xe của chúng tôi được che dấu cẩn thận. Chúng tôi mò mẫm tìm đường, chầm chậm. Ngay khi xe vừa qua khỏi một chiếc cầu nhỏ, ba quả đạn rơi nổ thật gần. Tôi cảm thấy trán bị chạm mạnh, do linh tính, tôi nhảy ra khỏi xe và nhào xuống một hố bên đường. Một lát sau, một chiếc xe vận tải chạy ngược chiều đụng mạnh vào xe tôi, (lúc đó đèn xe đã được tắt hết). Có cái gì nong nóng chảy trên mặt. Tôi thận trọng sờ tay lên má, mũi, bên trên mắt phải, ngón tay tôi chạm phải một mảnh thịt bầy nhầy. Tôi sợ hãi, giật nảy mình. Mắt tôi bị hỏng rồi chăng? Đó là điều tệ hại nhất có thể xảy đến cho tôi. Suốt đời, tôi thường ái ngại cho những người mù mà số phận cực kỳ ghê rợn đối với tôi. Không cần quan tâm đến cả cuộc pháo kích mà lúc này đạn rơi như mưa chung quanh, tôi khám xét nhẹ nhàng vùng nằm trên mảnh thịt bị rách. Lạy Trời! Tôi cảm thấy tròng mắt còn nguyên và nằm yên ổn trong hốc xương mắt.
Tôi tỉnh trí lại ngay, tài xế của tôi không bị thương tích gì cả, chiếc xe đã chịu được sự đụng chạm và có thể chạy lại được. Chúng tôi quay xe lui - mặc kệ nắp xe – và vài phút sau chúng tôi đã trở lại Bộ Tư lệnh Sư đoàn.
Nếu suy diễn dựa theo nét hốt hoảng của các sĩ quan, thì tôi phải được kể là gặp nhiều may mắn. Nhờ một chiếc gương soi tôi xem xét bộ mặt bằng con mắt trái. Chắc chắn là mặt tôi không đẹp đẽ gì. Khi tài xế khám phá nơi ống quần bên chân phải của tôi có bốn lỗ và tôi thấy trên da dấu vết của hai mảnh đạn xuyên qua, tính hài hước của tôi chợt ùa đến. Rõ rệt tôi là một tên gặp thời vận hên. Thời gian chờ bác sĩ rất dễ chịu nhờ một ly cô nhắc và một đĩa “goulash” (thịt bò nấu theo kiểu Hung-gia-lợi) do một xe rượu lăn đến. Đáng tiếc, tôi không thể hút thuốc được, máu làm ướt ngay điếu thuốc và tạo nên một mùi kỳ dị.
Sau cùng viên bác sĩ đến, ông ta nhiếc mắng tôi không tiếc lời – thay vì tỏ ra mừng rỡ vì tôi không việc gì, và quyết định đưa tôi đến bệnh xá lập tức. Thật thà mà nói, tôi rất bằng lòng được rời khỏi thung lũng địa ngục này - rất có thể tôi sẽ bỏ thây tại đó.
Mặc dù các bác sĩ muốn đưa tôi về hậu tuyến, tôi phát biểu ý định trở lại chỉ huy đơn vị càng sớm càng tốt. Tình hình nghiêm trọng quá không cho phép tôi nghĩ đến việc trở về Đức. Vả lại, tôi rất vững tâm, viên bác sĩ nhún vai, làm tê khu vực bị thương, gắp vài mảnh đạn và may miệng vết thương. Cuộn băng được xiết mạnh để giữ cho da nằm yên chỗ. Hôm sau, tôi trở lại vị trí chiến đấu.
Tại đó, tôi thấy vị trí của chúng tôi có nguy cơ thất thủ. Pháo binh địch hình như tỏ vẻ ưu ái thật sự đến toán quân yếu ớt của tôi. Trong ngày, một trái phá đã làm cháy tiêu một chỗ rất thích hợp cho những người suy tưởng một mình, một trái khác ngang qua cửa chuồng bò và giết con bò cái già nua đáng thương của chúng tôi. Tái ông thất mã – chúng tôi lại có thịt tươi để ăn.
Đêm kế, chúng tôi bị đánh thức bởi những tiếng động lạ tai. Trên đầu chúng tôi những hoả tiễn V.1 (7) vạch từng đạn đạo cháy sáng hướng về phía Liège. Điều ấy an ủi chúng tôi phần nào trước sự biệt tăm biệt tích của Không quân. Tuy nhiên một hai đêm sau, khi một chiếc bom bay ấy rơi xuống một ngọn đồi cách ngôi nhà chúng tôi đang chiếm đóng chừng 100 thước – may mà không nổ - chúng tôi lại tiếp tục có những cảm nghĩ không tốt đẹp đối với Không quân. Ai bảo đảm rằng chiếc V.1 kế tiếp sẽ không làm tai hại hơn? Không chừng dư luận đồn đại bấy lâu nay lại đúng sự thật: người ta nói rằng các công nhân phụ trách ngoại quốc ráp các bộ phận điều chỉnh phương hướng của bom bay V.1, càng ngày càng gia tăng phá hoại các khí cụ tinh vi ấy.
Logged
alonely0209
Thành viên
*
Bài viết: 86


« Trả lời #83 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2010, 12:42:19 am »

Ngày 23 tháng 12, tôi đi Meyrode để thúc đẩy Bộ Tham mưu Quân đoàn 6 thiết kỵ. Thật vậy, trang bị và tiếp liệu của chúng tôi rất thê thảm, nhất là vì không chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài. Vì không có được một hoả đầu vụ lưu động, việc sửa soạn một bữa ăn nóng là một vấn đề đáng lo ngại. Chúng tôi thiếu quần áo mùa đông và nhất là thiếu trọng pháo.
Cuộc hành trình rất sôi động. Thời tiết quang đãng trở lại và đã trả bầu trời lại cho không quân địch - chắc chắn không phải cho phi cơ Đức vì chẳng thấy chúng đâu cả. Chúng tôi luôn luôn bị bắt buộc phải dừng xe lại và nhảy xuống hồ. Đôi khi vì muốn tránh các giao lộ nguy hiểm, chúng tôi băng đồng và không tìm thấy chiếc hố nào sử dụng được, lúc đó chỉ còn cách nằm sát mặt đất, mũi cắm trong bùn. Trong một lần “thao diễn” ấy, đột nhiên tôi cảm thấy ớn lạnh, răng đánh bò cạp, mình mẩy ướt đẫm mồ hôi…. Chắc chắn là vì vết thương hành nên bị sốt, mặc dù được băng bó, vết thương đã phần nào bị nhiễm độc.
Trong một nông trại bỏ hoang, tôi nằm trên giường của một nông dân, uống ngấu nghiến vài viên aspirine với một ly rượu “grog” gồm có rhum và nước chanh. Tài xế và sĩ quan tuỳ viên của tôi tiếp tục đi Meyrode. Vài giờ sau, khi họ trở lại, tôi thấy đỡ hơn và cố gắng “đi về nhà”, nghĩa là về vị trí chỉ huy.
Ngày 24 tháng 12, sau cùng pháo binh bạn lâm trận, điều mà chúng tôi chờ đợi từ lâu. Lập tức, tôi chỉ cho viên sĩ quan chỉ huy pháo binh các địa điểm mà tôi đã chọn trước để đặt súng và các toạ độ phải rót đạn vào mà tôi đã chấm sẵn. Ông ta ngẩng đầu, nghe tôi mà không nói một lời. Nhưng khi tôi yêu cầu ông ta cho đặt các khẩu đại pháo ngay và thật nhanh, ông ta bảo:
- Thưa Đại Tá, tôi phải trình bày rằng tôi chỉ còn vỏn vẹn có 16 quả đạn cho mỗi khẩu đại pháo và hiện tại tôi không thể trông chờ vào một sự tiếp tế đạn dược nào cả.
Thoạt tiên, tôi lặng câm, quá sửng sốt đến nỗi không thốt ra được lời nào. Tôi tự hỏi không biết nên cười hay nên khóc. Đấy, lực lượng pháo binh được nóng lòng trông chờ bấy lâu nay – và nó đến ngay vào ngày Giáng sinh, gần như là món quà tặng - thế nhưng chúng tôi lại không có đạn. Rõ rệt là viên sĩ quan chỉ huy pháo binh không thể làm gì hơn – ông ta tỏ ra rất đau khổ - nhưng cuộc điện đàm của tôi với Bộ Tham Mưu Quân đoàn 6 lại rất sôi nổi. Tất nhiên cơn thịnh nộ của tôi không mang lại kết quả gì. Không bao giờ chúng tôi còn nhận được thêm đạn dược nữa.
Một lần nữa, tôi nghĩ đến một cuộc tiếp xúc sau cùng với Fuhrer. Theo các lời tuyên bố của Ngài, tổ chức Todt đã cho áp dụng các biện pháp thích nghi để đảm bảo việc chuyển vận nhanh chóng xăng và đạn dược cho đến tuyến đầu, đặc biệt là với các xe bồn xăng. Để đạt được kết quả, dọc hai bên đường, tổ chức Todt sẽ đặt vô số bồn đậu to lớn bằng gỗ để tiếp tế cho các xe chở xăng. Thế mà, mặc dù tôi đã di chuyển không biết bao nhiêu lần trên các con đường trong toàn vùng hỏa tuyến, chẳng bao giờ tôi thấy được một bồn dự trữ trứ danh ấy cả. Có thánh mới hiểu được...
Ngày 28 tháng 12 năm 1944, chúng tôi được một sư đoàn bộ binh thay thế. Ngày hôm sau chúng tôi tạm đóng quân trong những lều tạm trú phía Đông thành phố Saint-Vith. Chằng bao lâu sau cuộc rút lui toàn diện đã đưa chúng tôi trở về Đức.
Đối với tôi cũng như đối với toàn thể Quân lực Đức, cuộc Tổng phản công tại Ardennes đã kết thúc bằng cuộc bại tẩu.
Logged
alonely0209
Thành viên
*
Bài viết: 86


« Trả lời #84 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2010, 12:43:11 am »

Chương XXI

 Thế là hết

Ngày 30 tháng giêng 1945 một mệnh lệnh do Himmler ký đã chấm dứt vai trò lãnh đạo cảm tử quân của tôi. Thật vậy, tôi được giao phó nhiệm vụ, cùng với các "đơn vị đặc biệt" lập một đồn đầu cầu phía Đông sông Oder, gần Schwedt, và cố thủ bằng mọi giá để giúp chuẩn bị một "cuộc phản công sắp đến, sẽ phải xuất từ vùng đầu cầu này".
Sau nhiều khó khăn không tưởng tượng được, tôi tập họp thành công một số đơn vị khá dị dạng, để bố trí chặt chẽ địa điểm chỉ định, tôi cũng kiếm được một hỏa lực pháo binh tối thiểu và nhất là tái võ trang phần nào tinh thần binh sĩ. Đây chính là cả một sự sụp đổ chắc chắn, không thể cứu vãn được, không tránh được. Tất nhiên, phản công không còn là vấn đề nữa. Trở thành Tư lệnh Sư đoàn, tôi hết sức cố gắng trong vô vọng, tổ chức các cuộc tấn công hạn chế, nhưng liên tục, gây rối loạn sự sắp xếp, bố trí của các đơn vị Nga sô, chúng đang sắp sửa giáng cho chúng tôi đòn tối hậu. Chẳng bao lâu vùng đầu cầu của tôi trở thành một hòn đảo trong làn sóng hỗn độn gồm hằng triệu thường dân ty nạn và vô số đào binh. Tuy nhiên chúng tôi đứng vững cho đến ngày 28 tháng 2, ngày mà một công điện của Hitler, cho gọi tôi về Bá-linh. Lòng quặn đau, tôi giã biệt các "đơn vị đặc biệt" của tôi mà tôi không bao giờ còn được gặp lại.
Trong những tháng kế tiếp, sự tan rã của sức đề kháng quân sự của Đức đã được xác nhận. Tôi trải qua sự bối rối, chán nản, những cảnh tàn bạo xảy ra khắp nơi - đó là những kỷ niệm đau lòng mà tôi không mấy khi thích gợi lại. Ngày 10 tháng 4 năm 1945, tôi đang ở Áo, tại kinh thành Vienne, lúc đó gần như đã bị bao vây. Sáng hôm đó, đài phát thanh Đức loan báo:
- Bá-linh sẽ đứng vững mãi, Vienne sẽ được giải thoát!
Vài phút sau, quả đại bác đầu tiên của Nga sô rơi vào một công viên ngay trung tâm Bá- linh. Tại Vienne, tôi thấy rõ là tình thế đã tuyệt vọng: thành phố nơi chôn nhau cắt rốn của tôi đã bị quân Nga chiếm đóng, ngoại trừ một vài khu vực vẫn còn cầm cự như phép lạ.
Ngày 30 tháng 4 - lúc đang rút lui, cùng với một đơn vị nhỏ về phía dãy núi Alpes - tôi được tin Adolf Hitler đã chết. Thế là hết.
Ngày 6 tháng 5, Thủy sư Đô Đốc Doenitz, lãnh đạo tân Chính phủ đọc tuyên cáo chấm dứt thù nghịch. Từ hôm đó, tất cả các cuộc chuyển quân đều bị cấm chỉ. Nhưng tôi quyết định rút vào vùng núi Alpes với số binh sĩ và sĩ quan còn lại, vào vùng "Tauern". Lẽ tất nhiên, chiến khu Bavière (1) pháo đài sau cùng của những kẻ trung kiên cuối cùng không hề có, nó chỉ có trên giấy tờ mà thôi.
Và chúng tôi - Radl, Hunke, 3 binh sĩ và tôi - đang ở trong một căn nhà gỗ nhỏ bên trên thung lũng Radstalt. Chúng tôi biết một đơn vị Mỹ vừa chiếm đóng địa phương này. Vì tin rằng mình đang bị cơ quan tình báo Mỹ lùng kiếm, tôi báo cho đơn vị quân đội Mỹ biết là tôi sẽ đầu hàng tại đây trong vài ngày nữa. Hiện tại hãy tận hưởng không khí thanh bình đang tràn ngập cảnh vật. Không một tiếng trả lời . . .
Nhưng tôi không thể ở mãi trong căn lều này. Tôi lại gởi một điệp văn cho đơn vị quân đội Mỹ, yêu cầu cung cấp một chiếc xe vào ngày 15 tháng 5, lúc 10 giờ sáng để tôi có thể đi đến Salzbourg. Thật vậy, tôi có ý định đến gặp Bộ Tham mưu Sư đoàn Mỹ đóng tại thành phố ấy để nộp mình làm tù binh chiến tranh.
Trưa ngày 15 tháng 5, chúng tôi đến Salzbourg. Thoạt tiên chẳng ai thèm chú ý đến chúng tôi. Khi chúng tôi nhấn mạnh lời yêu cầu, người ta lại chuyển chúng tôi đến một địa phương kế cận, nơi đây, một Tiểu đoàn trưởng chấp nhận cho chúng tôi đầu hàng. Trước tiên, viên thông ngôn hỏi tên họ tôi. Kế đó, tôi phải nộp tất cả đồ vật trong các túi áo quần, người ta lục soát tôi...
Hiện tại, chiến tranh đã thật sự chấm dứt đối với chúng tôi. Tôi tin rằng đã làm hết bổn phận, cũng như bao nhiêu người khác, binh sĩ của tôi đã lăn xả vào các trận chiến khốc liệt, trên tất cả các trận tuyến - tất cả điều đó để rồi đi đến chỗ bại trận. Hiện tại, dù xảy ra thế nào đi nữa cũng đành chịu - Thế Chiến quốc, thế Xuân thu; gặp thời thế, thế thời phải thế! - Tôi chỉ còn là một tù nhân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM