Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:10:12 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đông Dương hấp hối  (Đọc 67461 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #160 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:37:16 pm »


***

Cũng như ở Đông Dương, chúng ta cũng sẽ không có cơ hội giành thắng lợi ở châu Phi, nếu không chấm dứt được một cách vĩnh viễn sự phản bội và đồng minh của nó: tinh thần chủ bại. Thế nhưng về mặt này, chúng ta đã không làm gì cả, và tình hình còn tệ hơn khi có chiến tranh Đông Dương. Những kẻ điên cuồng luôn lớn tiếng đòi hỏi rút ra khỏi Bắc Phi trong các phiên họp quốc hội và ngay trong những buổi họp của chính phủ. Báo chí chủ bại còn hoành hành một cách công khai hơn nữa và cũng bằng những phương pháp như vậy đã tiến hành việc làm băng hoại tinh thần của quốc gia và quân đội. Đảng Cộng sản, hiện nay đang được tham gia trở lại vào chính phủ đa số đã phản bội một cách không kiềm chế hơn nữa. Ở Algérie, họ tham gia trực tiếp vào sự nổi loạn. Trong vụ Ai Cập, họ đã cùng quan điểm với đối phương.

Không thể có một kết quả lâu dài nào cho đến khi vẫn còn những vụ việc như vậy. Một tương lai tốt đẹp của châu Phi thuộc Pháp đòi hỏi phải loại khỏi vòng chiến không những các đảng phái hay phe nhóm bị ảnh hưởng của nước ngoài, mà cả những nhân vật dù cao cấp thế nào đã cộng tác với những thế lực này một cách công khai, hoặc bí mật qua báo chí, tại quốc hội, cũng như trong chính phủ.



***

Cho dù có được trình bày vắn tắt như thế nào, sự so sánh vừa rồi giữa cuộc chiến đã qua ở Đông Dương cùng với cuộc chiến mà chúng ta đang tiến hành ở châu Phi đã cho thấy có những sự tương đồng bi thảm.

Một nhận xét nổi cộm nhất mà chúng ta có thể có là: Tuy có một vài biểu hiện trên hình thức nhưng thực ra đất nước không được huy động vào cuộc chiến ở châu Phi cũng như ở Đông Dương trước đây. Chúng ta đã tiến hành những cuộc hành quân trong không khí của thời bình. Chúng ta không muốn làm hỏng đến không khí yên bình của đất nước. Chúng ta chỉ thực hiện những biện pháp cục bộ và giới hạn về mặt thời gian, đã lùi bước trước những biện pháp thể hiện ý chí quyết thắng của ta vì những hệ quả tinh thần của chúng hơn là vì những hậu quả vật chất. Thế nhưng chúng ta sẽ không đạt được một thắng lợi nào nếu không thắng trên tất cả mọi phương diện.

Rồi sẽ mất tất cả - Tunisie, Maroc, Sahara, lục địa châu Phi đen - nếu chúng ta không thắng ở Algérie. Có thể chúng ta đạt được một kết quả tốt về mặt quân sự - cho dù không có đủ các phương tiện chiến tranh, sau thất bại tại kênh đào Suez. Nhưng nếu nó không mang lại một giải pháp chính trị thỏa đáng, thì những nỗ lực của ta là vô ích. Thắng lợi ở Algérie cũng sẽ vô nghĩa nếu thắng lợi này không chấm dứt ở Maroc và Tunisie những nhượng bộ không có sự đổi lại tương ứng. Ta giành thắng lợi ở Bắc Phi sẽ không ích gì nếu những địch thủ ở vùng Trung Đông hay bên kia bức màn sắt được tự do tiến hành những cuộc chiến tranh phá hoại của họ, nếu các đồng minh phương Tây của chúng ta tiếp tục hứa hẹn và nhất là nếu ngay nước Pháp, vẫn còn một đảng phái được điều khiển từ xa từ Mátxcơva, bất cứ lúc nào có thể đòi xét lại tất cả.

Những nỗ lực mà nước Pháp phải thực hiện là toàn diện và kéo dài. Yêu cầu của nó là phải huy động tất cả các tiềm lực quân sự, kinh tế, chính trị, và nhất là tinh thần. Nhưng không may là chúng ta còn lâu lắm mới làm được như thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #161 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:38:08 pm »


***

Nước Pháp có còn khả năng đứng dậy một cách mạnh mẽ theo yêu cầu chăng?

Nếu nghĩ về một nước Pháp “thực tại” của nó - tôi xin dùng một cách nói trước khi chiến tranh xảy ra, mà hiện nay càng có tính thời sự hơn bao giờ hết - thì quả thực là vẫn còn một sự lạc quan rất lớn. Cho dù có những chấn động tới mức đã làm rung chuyển nền tảng của nước Pháp, nhưng nó vẫn còn vững chắc một cách lạ lùng. Đất nước, cho dù có những biểu hiện bên ngoài như thế nào về bản chất vẫn hết sức lành mạnh. Nước Pháp biết rằng việc mất châu Phi sẽ là một thảm họa không thể cứu vãn được. Dù các nhà lãnh đạo Pháp đã có thái độ khoan nhượng đối với những thái độ khiêu khích, nước Pháp vẫn chấp nhận một cách bình tĩnh và kiên quyết việc gọi quân dự bị, và kéo dài chế độ quân dịch trên thực tế. Trong chiến đấu cũng như trong quan hệ với người bản xứ, các binh sĩ tại ngũ và tái ngũ lúc nào cũng chứng tỏ cho thấy chúng ta vẫn có thể tin tưởng hoàn toàn vào họ. Hành động can đảm của chúng ta chống lại Ai Cập đã được đất nước đón nhận bằng ngạc nhiên và hãnh diện. Đất nước chắc chắn sẽ chấp nhận tất cả những nỗ lực cũng như những sự hy sinh nếu chúng ta thành thực yêu cầu họ, thay vì tìm cách lừa bịp họ. Dân chúng rất có khả năng đứng dậy nếu chúng ta biết cách kêu gọi họ.

Nhưng không may là chính cái nước Pháp “Pháp lý” - với những tập đoàn cầm quyền tranh giành nhau quyền lực và những lợi lộc của chế độ ố lại là cái mà chúng ta phải dựa vào. Cái nước Pháp này không những không có khả năng khơi dậy những hành động cứu nguy trong dân chúng, mà còn ngăn cản việc hình thành và phát triển tự nhiên những hành động này.

Cho dù họ thuộc phe nhóm nào, những kẻ nắm quyền và hưởng lợi của chế độ này, cũng không phải là không có lo lắng. Họ nghĩ nó sẽ không tồn tại lâu nếu chúng ta mất châu Phi và trong tình hình bi kịch hiện nay, chế độ này phải đánh lá bài cuối cùng. Do đó họ cũng tìm cách cựa quậy để tìm kiếm các giải pháp tạm thời nhưng không làm hại đến chế độ của họ.

Có một nhà chính trị, trong năm cuối cùng của cuộc chiến tranh Đông Dương đã giữ một chức vụ mà chỉ có ông mới có khả năng đưa cuộc chiến tranh này đến một giải pháp trong danh dự - nhưng ông đã chẳng làm gì cả - nay lại đề nghị trong các bài báo cũng như diễn văn của mình những giải pháp mà nếu như ông đã làm thì đã giúp chúng ta giữ được Đông Dương.

Một nhà chính trị khác, khi còn nắm trong tay quyền lực chính phủ trong thời gian chiến tranh Đông Dương và có điều kiện tận lực chống phái chủ bại và bọn phản động, nay lại đòi “bắn sáu viên đạn” vào những kẻ mà khi có thể làm được như vậy ông lại không làm gì hết.

Một người khác, đã từng công khai phê phán cuộc chiến tranh Đông Dương là “tồi tệ và đáng kinh tởm”, đã dùng tất cả những lý lẽ mị dân để bênh vực nền hòa bình với bất cứ giá nào, lại đứng đầu một liên minh đòi cứu nguy cho Algérie và khẳng định sẽ chiến đấu chống lại tư tưởng đầu hàng dưới bất cứ hình thức nào, cho dù được trá hình dưới hình thức những cuộc thương thuyết, những sự trung gian, chia xẻ lãnh thổ hay chủ quyền.

Những đảng phái và cá nhân từng đi đầu trong việc làm lan truyền tư tưởng chủ bại trong cuộc chiến tranh Đông Dương, và trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, đã cổ vũ cho việc rút ra khỏi vùng đất này, nay lại ủng hộ thậm chí tham gia một Chính phủ tỏ ra muốn khơi lại chủ nghĩa quốc gia - muộn màng, rời rạc nhưng có thật - và yêu cầu nước Pháp phải thực hiện một nỗ lực mà nếu trước đó, chỉ cần một phần của nỗ lực này cũng đủ để giải cứu Đông Dương. Nỗ lực này cùng với tất cả các biện pháp khác - cho dù chưa đầy đủ - có lẽ là tất cả những gì mà chế độ này cho phép làm.

Những sự chuyển đổi muộn màng đó, đã cho thấy rằng ngay trong cái nước Pháp “Pháp lý” đó, đã có một sự giật mình. Sự giật mình đó có kéo dài không? Đó có phải là hồi chuông chấm dứt những tiếng kêu rên chủ bại, những điều sỉ nhục và những sự đầu hàng không? Chúng có đủ sức đánh bại hoàn toàn sự bất lực của chế độ không, sự “mất cường tráng” mà các đối thủ của chúng ta rất muốn thấy? Tất cả những cái này đã tạo điều kiện cho kẻ thù coi thường chúng ta qua câu nói của Abd el-Krim, một kẻ thù lâu dài: “Các ông không còn khả năng tự bảo vệ nữa, các ông không còn là đàn ông”. Chúng ta có quyền nghi ngờ đúng như thế thật.

Một con bệnh, để có thể phục hồi lại, có đủ các lý do để lo lắng khi không còn cách nào khác là trông trờ sự chăm sóc của những ông thầy lang băm, đã dẫn đến tình trạng hết sức tội nghiệp của anh ta hiện nay. Các liều thuốc của những vị này không tạo ra được một sự phục hồi chỉ có thể đến từ một nhà phẫu thuật giỏi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #162 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:55:56 pm »


PHỤ LỤC


Phúc đáp Ngài Thủ tướng J.Laniel

Ông J.Laniel là người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào thời điểm xảy ra thất bại Điện Biên Phủ, cho phổ biến vào tháng 11 năm 1957, một cuốn có tựa là Bi kịch Đông Dương (từ Điện Biên Phủ đến cuộc “đánh cược” Genève), qua đó ông cố gắng biện minh cho các hành động của chính phủ và cá nhân ông. Sẽ không có một vấn đề gì cả, nếu như tác giả đã viết: cuốn sách là “một tài liệu” được thúc đẩy từ “một sự quan tâm đơn giản đến sự thực”.

Nhưng không may là, hình như ngài nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ tìm cách đẩy trách nhiệm, một phần về phía các cấp chỉ huy quân đội, một phần khác về phía người kế nhiệm mình. Cuốn sách của ông đầy rẫy các thiếu sót sai lầm, mâu thuẫn, các sự luồn lách ít nhiều có tính chất dụng ý, chưa kể việc bẻ cong sự thật. Tôi chỉ muốn chỉ ra những sự xuyên tạc rõ ràng nhất.


***

Tác giả đã không ngần ngại khẳng định rằng: về những gì liên hệ tới nhiệm vụ tôi đã thực hiện ở Đông Dương, chính phủ của ông đã cho tôi “những chỉ thị chính xác nhất có thể có được cho một tư lệnh quân đội”. Chúng ta có quyền hỏi rằng, nếu đã làm như vậy, thì ông Laniel sẽ không ngần ngại phổ biến những chỉ thị đó. Thế nhưng, ông đã không làm, vì thực tế là không có một chỉ thị nào cả. Nhiệm vụ của tôi chưa bao giờ được quy định. Tôi đã phải tự quy định nó và chính phủ chỉ thông qua nó một cách ngấm ngầm, mà không tỏ rõ thái độ bằng một văn bản nào cả1.

Sự né tránh trách nhiệm đã đạt đến đỉnh cao của nó về những việc liên hệ đến việc phòng thủ vùng Thượng Lào, một vấn đề cốt lõi đã xuyên suốt đường lối chính trị và chiến lược quân sự tại Đông Dương. Ông Laniel, đã biết rõ sự nghiêm trọng của việc thiếu trách nhiệm của chính phủ trong việc này, nên trong khi bênh vực thái độ của mình ông không ngần ngại đưa ra nhưng khẳng định không chính xác và những lập luận mâu thuẫn.

Sự trình bày này có thể làm cho độc giả nghĩ rằng “Kế hoạch Navarre” là sự hoạch định của Chính phủ, hay là ít nhất nó đã được chính phủ chính thức thông qua và là mục đích của những chỉ thị đã được giao cho Tổng tư lệnh quân đội ở Đông Dương.

Ông đã nói bóng nói gió rằng Ủy ban Quốc phòng, ngày 4 tháng 7 năm 1953, đã có những chỉ thị cho tôi “về việc rút bỏ một phần việc phòng thủ nước Lào”. Nhưng để xác nhận luận điểm này, ông chỉ có thể trích được một đoạn câu rời rạc tối nghĩa, tách khỏi ngữ cảnh của nó, và hình như được trích từ biên bản của buổi họp. Thế nhưng, biên bản này - mà cho đến ngày nay tôi mới biết có sự hiện hữu của nó - không những chưa bao giờ được phổ biến đến tôi mà hình như đã được viết một cách không đúng sự thật. Không có chút gì của cái mà ông Laniel phịa ra thành kết quả của cuộc trao đổi phức tạp và hoàn toàn không có một kết luận nào được rút ra từ buổi họp này. Ngược lại, tôi còn tin chắc rằng, Chính phủ cho dù có biết những sự hiểm nguy cho việc phòng thủ nước Lào, nhưng vẫn không muốn từ bỏ nó.
_____________________________________
1. Ông Laniel đã viết: “Vấn đề còn lại là định nghĩa đường lối quân sự của chúng ta. Đường lối này đã được xác định vào cuối tháng 7 năm 1953, trong một tài liệu được biết với cái tên là kế hoạch Navarre”, và xa hơn một chút, ông đã kể ra những đoạn của tài liệu “định nghĩa” nhiệm vụ của Tư lệnh quân đội tại Đông Dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #163 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:56:43 pm »


Nhận định của tôi còn được củng cố thêm qua những cuộc trao đổi giữa tôi với ngài Tổng trưởng các Quốc gia Liên kết. Và nó đã trở thành một điều chắc chắn, khi ba tháng sau đó - ngày 28 tháng 10 - tôi đã thấy Chính phủ ký với nước Lào một hiệp định liên kết chính thức, qua đó thì nước Pháp bắt buộc phải bảo vệ nước này. Nếu một quyết định trái ngược đã được quyết cách đây ba tháng thì đó là một trọng tội thật sự đối với danh dự của nước Pháp và là một sự phản bội đối với một nước mà chính ông Laniel đã viết, như là “một mẫu mực về sự trung thành”. Có lẽ ông nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã thấy có một mâu thuẫn quá rõ ràng giữa cái gọi là quyết định của Ủy ban Quốc phòng ngày 24 tháng 7 và việc ký hiệp định ngày 28 tháng 10 sau đó, vì ông đã bỏ qua việc nhắc đến sự kiện thứ hai này.

Ông còn tự mâu thuẫn ở những chỗ khác. Ông đã tiết lộ là vào ngày 6 tháng 1 năm 1954, trong một buổi họp của Ủy ban Quốc phòng, ông René Pleven đã đặt ra “vấn đề muốn biết việc bảo vệ nước Lào có còn là một trong mục tiêu của chính sách của Chính phủ không”. Làm thế nào mà ngài Bộ trưởng Quốc phòng có thể đặt một câu hỏi như vậy, nếu sự từ bỏ bảo vệ nước Lào đã được quyết định trước đó sáu tháng?

Ông Laniel còn viết, mặt khác đúng là Chính phủ của ông “rất mong sự độc lập của nước Lào được bảo toàn” nhưng vì biết rằng rủi ro mà Binh đoàn Viễn chinh phải đối phó rất lớn, nên ông đã để cho người chỉ huy quyền quyết định. Ở đây ông đã đến gần với sự thật hơn, tuy vậy sự thật là một việc trao quyền rộng rãi cho tôi chỉ là một sự im lặng giữ kẽ của Chính phủ đối với những câu hỏi do tôi đặt ra chứ không phải là một quyết định của ông ấy. Vả lại, tôi không thể chấp nhận một quyết định như thế, vì vấn đề có bảo vệ nước Lào hay không, trước hết là một vấn đề chính trị và là trách nhiệm của Chính phủ, chứ không phải trách nhiệm của tôi.

Sự thật là ông Laniel và Chính phủ của ông đã thường xuyên né tránh trách nhiệm. Đây có phải là một sự tính toán không? Phải chăng người ta muốn để cho tôi tự mình có một quyết định, mà nếu thành công, thì sẽ ghi vào thành tích của Chính phủ, và sẽ đổ hết trách nhiệm cho tôi nếu nó thất bại? Và mọi chuyện đã diễn biến đúng như sự tính toán như vậy.

Tuy vậy, tôi không có ý tố cáo ông Laniel có ý đồ đen tối. Tôi chỉ nghĩ ông ấy đã không biết cách hoặc không muốn làm trọng tài cho những khuynh hướng mâu thuẫn nhau giữa các bộ trưởng liên quan đến vấn đề, và thẩm quyền của họ lại dẫm đạp lên nhau một cách không gỡ rối được.

Tôi chủ yếu nghĩ là ông Laniel đã không bao giờ nắm rõ được vai trò của một người cầm đầu Chính phủ trong việc điều hành chiến tranh. Những quan điểm ông đã thể hiện đối với các bản báo cáo của Chính phủ cũng như của người chỉ huy quân đội là những chứng cứ thể hiện sự không biết gì của ông ấy về vấn đề này. Có vẻ như ông đã lầm, việc điều hành các cuộc hành quân là thẩm quyền của người chỉ huy quân sự với việc điều hành cuộc chiến tranh là công việc của Chính phủ1. Việc điều hành này bao gồm việc bắt buộc phải quy định nhiệm vụ cho người chỉ huy quân sự và cung cấp những phương tiện cần thiết cho người này hoàn tất nhiệm vụ: ông Laniel lại nghĩ là việc một cấp chỉ huy quân sự xin ý kiến của Chính phủ và yêu cầu gửi các sự chi viện - đây không những là quyền hạn, mà còn là nhiệm vụ của người chỉ huy quân đội - chỉ có thể diễn ra khi nào người chỉ huy này đang trong tình trạng lo “gỡ lại một sự thất bại nào đó”. Đối với ông, một nhà chỉ huy quân sự lý tưởng phải là người biết tránh, trong bất cứ tình huống nào, đặt chính phủ trước những trách nhiệm của nó.

Việc rút lui của thống chế Joffre, trên lãnh thổ quốc gia, từ vùng biên giới đến sông Marne đã diễn ra sau khi ta thua trong một trận đánh. Việc rút lui có chủ đích này của thống chế Joffre giúp ông tạo được sức mạnh để tập hợp lại và điều chỉnh các lực lượng của ông. Ông đã thực hiện một mưu lược quân sự hết sức tuyệt vời - nhưng những quyết định mà ông đi đến, cho dù chúng nặng nề đến mức độ nào vẫn là những quyết định hoàn toàn chiến lược và thuộc thẩm quyền vị chỉ huy quân đội (điều hành những cuộc hành quân). Ngược lại, quyết định rút quân mà không giao chiến ở Lào, một quốc gia đồng minh là một quyết định chính trị, mà Chính phủ mới có quyền quyết định (điều hành cuộc chiến tranh).
_____________________________________
1. Ông Laniel đã có một sự so sánh giữa sự rút quân chiến thuật ở Marne vào năm 1914 và một sự rút lui mà lẽ ra tôi có thể làm được ở Lào. Sự so sánh này đã chứng tỏ có một lẫn lộn trong tư tưởng của ông, giữa trách nhiệm của Chính phủ và trách nhiệm của vị chỉ huy quân sự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #164 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:58:51 pm »


***

Khi bàn về vấn đề chiến lược, ông Laniel lên án quyết định của tôi chấp nhận trận Điện Biên Phủ và đánh giá đây là một sự “thiếu thận trọng”, “một quyết định tai hại”, “một hành động đáng tiếc”, “một sai lầm trí mạng”,... Lý luận của ông ấy dựa hoàn toàn vào sự khẳng định của ông là tôi đã nhận được lệnh không bảo vệ nước Lào. Vì thế khẳng định này cũng chẳng giá trị hơn những khẳng định khác của ông ta.

Chắc chắn rằng nếu tôi đã nhận được các chỉ thị như vậy cho dù là những chỉ thị ngấm ngầm - tôi sẽ không thể được tha thứ nếu đã đưa một bộ phận quan trọng của binh đoàn Viễn chinh vào một hành động mà tôi biết là nguy hiểm và không có một mục đích gì cả, vì tôi xin nhắc lại là chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ được mở ra để giải cứu nước Lào. (Ông Laniel đã không dựa trên một cơ sở nào khi gán cho quyết định này những nguyên nhân khác, như bảo vệ vùng châu thổ hoặc tiêu diệt Binh đoàn Tác chiến Việt Minh. Đây chỉ là những kết quả phụ mà chúng ta có thể rút ra được từ chiến dịch, nhưng không phải là những nguyên nhân dẫn đến việc mở chiến dịch này).

Ngược lại, nếu người ta nhìn nhận nhiệm vụ của tôi bao gồm việc bảo vệ nước Lào, thì quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ là hoàn toàn hợp lý, một phần vì không có phương cách nào khác để thực hiện nhiệm vụ này1, phần khác vì mục tiêu này đã đạt được. Về điểm này, thì ông Laniel đã không ngần ngại tự mâu thuẫn khi nhìn nhận nó bằng cách viết rằng: “Khi quyết định mở chiến dịch, Bộ Chỉ huy quân đội chúng ta đã nhắm vào 3 mục đích cùng một lúc: đưa địch quân ra khỏi vùng châu thổ, bảo vệ nước Lào đang bị uy hiếp, và tiêu diệt Binh đoàn Tác chiến của đối phương. Về hai mục tiêu đầu tiên, chúng ta đã đạt được mặc dù phải chịu đựng thất bại về mặt quân sự. Về mục tiêu thứ ba, chúng ta chỉ đạt được một phần thôi”.

Sau khi tôi viết những dòng này, một giải pháp đã được đăng trong tạp chí Perspectives ngày 9 tháng 3 năm 1957, do một nhà chiến lược vô danh nào đó viết. Theo ông này, tôi nên bảo vệ nước Lào ở Luang Prabang với một lực lượng không quân đóng tại Vien Tiane và được tiếp tế bằng tuyến đường sắt đi ngang qua nước Xiêm.

Giải pháp này thoạt đầu nghe rất là hấp dẫn. Nó cũng đã từng được nghiên cứu, nhưng bị bác bỏ vì điều kiện để chiến đấu ở đấy tồi tệ hơn là đánh nhau tại Điện Biên Phủ và gặp phải những trở ngại tuyệt đối. Việc phòng thủ trên bộ ở Luang Prabang là một việc rất khó, và là một việc không thể làm được đối với việc phòng thủ từ trên không. Và cũng không thể tổ chức trong một thời gian mong muốn một căn cứ quân sự quan trọng ở Vien Tiane. Không thể nào lập ra một tuyến đường sắt ngang qua nước Xiêm do lưu lượng đường sắt giữa Bangkok với Vien Tiane rất thấp và chủ yếu là do sự từ chối của nước Xiêm - họ ngại bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh và không muốn đặt lãnh thổ của họ dưới sự sử dụng của chúng ta để yểm trợ các cuộc hành quân.

Nhưng ông Laniel đã không giới hạn những sự chỉ trích của mình đối với Bộ Chỉ huy quân sự ở phạm vi chiến lược. Theo ông, chúng ta đã phạm nhiều sai lầm nặng nề ở tất cả các cấp (Bộ Chỉ huy cứ điểm Bộ Chỉ huy Bắc Bộ, Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương). Các sai lầm này đóng góp một phần quan trọng vào việc làm cho cứ điểm bị thất thủ, và nếu không có chúng thì chúng ta có thể thắng được trong chiến dịch này. Tôi không tranh luận về quan điểm này, vì nó không dựa trên một cơ sở đúng nào cả. Tôi chỉ giới hạn trong sự tái khẳng định là nếu đã có những sai lầm nói trên - chính tôi cũng có lên tiếng báo động về chúng - thì chúng không vượt quá những sai lầm không thể không có trong tất cả các hoạt động chiến tranh và chúng không có ảnh hưởng quyết định đối với kết cục đau buồn của chiến dịch.

Nguyên nhân quyết định sự thất bại của chiến dịch không phải là nguyên nhân quân sự mà là nguyên nhân chính trị và hoàn toàn có thể được quy về cho Chính phủ: đó là sáng kiến bất thình lình và thiếu suy nghĩ mở hội nghị về hòa bình tại Genève mà không tham khảo Bộ Chỉ huy quân đội.

Lẽ tất nhiên ông Laniel tìm cách hạ thấp tầm quan trọng và những ảnh hưởng của quyết định tai hại này. Ông cho rằng, Bộ Chỉ huy quân sự đã biết được ý đồ của Chính phủ trong việc tìm kiếm hòa bình qua thương lượng. Việc mở hội nghị Genève không phải một sáng kiến chính trị mới mẻ gì có thể làm cho cấp chỉ huy quân sự phải “bị bất ngờ”.

Đây chỉ là một trò chơi chữ. Cái đã làm cho Bộ Chỉ huy quân đội bị bất ngờ, không phải là ý muốn tìm kiếm hòa bình của Chính phủ - Bộ Chỉ huy đã biết rõ về việc này - nhưng ngay trước khi một trận đánh khó khăn diễn ra, quyết định bất thình lình họp một hội nghị quy mô trong những điều kiện như vậy chỉ làm cho binh sĩ của chúng ta bị ảnh hưởng về mặt tinh thần trầm trọng, trong khi địch quân lại rất phấn khởi để quyết định đánh một trận trí mạng, và người đồng minh Trung Quốc của họ cũng rất phấn chấn để gia tăng ồ ạt sự chi viện của họ.

Thật vậy, ông Laniel tránh không nói đến ảnh hưởng của việc mở hội nghị Genève đối với tinh thần của binh lính hai bên. Còn đối với sự gia tăng viện trợ của Trung Quốc, ông dừng lại ở chỗ tạo ra sự nghi ngờ việc này bằng những lập luận chỉ đúng về hình thức, cho dù có đủ những tài liệu chứng minh một cách không thể tranh cãi được cường độ cao của sự chi viện này, mà ông không thể không biết.
________________________________________
1. Trong cuốn cách này, tôi có nói rằng không có một giải pháp thay thế nào phù hợp với các phương tiện và nhiệm vụ của tôi đã được đề nghị trước, trong và thậm chí sau khi trận đánh đã xẩy ra.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #165 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 09:00:25 pm »


***

Đến phần cuối của cuốn sách của mình, ông Laniel chuyển qua một đối thủ khác. Ông ngừng không chỉ trích các nhà chỉ huy quân sự nữa mà xoay qua chỉ trích ông Mendès France. Lý luận của ông có thể tóm tắt như sau. Chúng ta đã trải qua một thất bại ở Điện Biên Phủ, nhưng không phải là một sự thất trận. “Một sự xem xét sáng suốt tình hình” đã cho thấy sự tổn thất của địch thủ lớn hơn chúng ta, rằng “cán cân lực lượng đã không bị bẻ gãy trong bất cứ lĩnh vực nào”, rằng “con ách chủ bài của chúng ta vẫn là lực lượng quân sự” và một nền hòa bình trong danh dự có thể đạt được ở Genève. Ông ám chỉ rằng nếu ông còn cầm quyền thì ông có thể khai thác tình hình đang vẫn còn khá thuận lợi. Thật vậy, đây đúng là tình hình thật sự sau khi cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ - nhưng đau đớn thay, đây không phải là bức tranh mà ông Laniel đã thấy được vào lúc bấy giờ. Mặc dù tôi đã cố gắng hết mức để làm cho họ thấy rõ vấn đề, Chính phủ đã để bị lôi cuốn vào những sự suy nghĩ và hành động bi quan đen tối nhất. Thông qua tướng Ely ông đã gửi cho tôi những chỉ thị chiến lược chuẩn y những kế hoạch hành động mà tôi đã xin ý kiến, nhưng với tinh thần hoàn toàn khác. Tôi đã thông báo cho Thủ tướng những đề nghị sơ tán trong vùng châu thổ trong trường hợp - tôi đánh giá là có ít khả năng xảy ra - đối phương tấn công mãnh liệt. Trong những buổi họp của Chính phủ mà tôi biết đã diễn ra trong không khí hoảng hốt, các đề nghị của tôi đã được thông qua, nhưng lại được yêu cầu phải hành động, trước khi cuộc tấn công của đối phương diễn ra. Những chỉ thị miệng mà tướng Ely đã truyền đạt cho tôi thậm chí còn đề ra một thời hạn rút lui ngắn đến nỗi có thể được xem như là một sự tháo chạy thật sự1.

Hoàn toàn trái ngược với những gì ông Laniel đã nói, những chỉ thị này không hề giúp củng cố tình hình quân sự để có thể có được một con ách chủ bài ngoại giao, chúng chỉ là lệnh tháo chạy. Việc thực hiện những lệnh này, theo cách chúng đã chỉ thị cho tôi, chỉ có thể làm sụp đổ tinh thần của binh đoàn Viễn chinh, bẻ gãy xương sườn của quân đội Việt Nam, và làm cho việc tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự là không thể có được đối với chúng ta.

Trong những điều kiện như vậy, đâu là trách nhiệm của ông Laniel, đâu là trách nhiệm của ông Mendès France trong sự đầu hàng tại Genève? Ông Laniel đã trút hết những trách nhiệm này lên ông Mendès France. Có công bằng không?

Tôi không hề che giấu những cảm nghĩ của tôi đối với tính cách độc hại của vụ “đánh cược” nổi tiếng của ông Mendès France. Tôi không rút lại một chút nào những gì tôi đã viết về đề tài này.

Nhưng sự khách quan buộc tôi phải nói rằng, vào thời điểm ông Mendès France tuyên bố về sự “đánh cược” này, ông đã bị người tiền nhiệm của mình lôi kéo vào con đường loại bỏ hẳn khả năng có được một nền hòa bình trong danh dự cho nước Pháp, trừ khi ông có được một sự vực dậy phi thường về mặt tinh thần.

Chúng ta vừa thấy là ông Laniel đã ra lệnh phải thực hiện những cuộc rút lui ở Bắc Bộ trong lúc tình hình quân sự không đòi hỏi phải làm như vậy. Ông đã để cho báo chí thông báo sự rút lui này một cách ồn ào.

Ông đã không có một phản ứng tích cực nào - trừ một vài biện pháp đáng chế giễu - để ngăn chặn sự lan truyền làn sóng chủ bại mà người kế nhiệm ông, cho dù đó là một người như thế nào cũng không thể vực tinh thần dậy được.

Ông đã không làm gì để gửi những chi viện quan trọng cần thiết đã được tôi yêu cầu. Ông cũng đã có thái độ khoan nhượng đối với sự rò rỉ tin tức tạo điều kiện cho đối phương biết được ngày dự kiến lên đường hãy còn rất xa của một lực lượng chi viện rất nhỏ mà chúng ta định gửi đi.

Và cuối cùng ở ngay tại Genève, ông là người chấp nhận nguyên tắc về việc nhượng lại Bắc Bộ cho Việt Minh.

Tuy tính chất khác nhau nhưng trách nhiệm của ông trong nền hòa bình có tính cách đầu hàng này cũng tương đương trách nhiệm của người kế nhiệm.


***

Khi viết cuốn “Đông Dương hấp hối”, tôi cố tránh cáo giác cá nhân ông Laniel vì tôn trọng một người mà tôi nhận định là đã không thể kiểm soát được các sự kiện nhưng rất mong muốn giúp tôi, và tôi không bao giờ nghi ngờ về tinh thần yêu nước của ông. Rất tiếc là hôm nay, tôi phải có những sự cải chính kiên quyết với ông. Có thể cho rằng, như chính ông đã nói, tôi đã “đơn giản chỉ vì quan tâm đến sự thật”.
________________________________________
1. Thời hạn là từ mười đến mười lăm ngày. (Một vài bộ trưởng còn yêu cầu nó phải thực hiện trong 48 tiếng đồng hồ thôi). Tướng Ely khi nắm quyền chỉ huy đã kéo dài ra thành 6 tuần. Việc rút khỏi vùng nam châu thổ đã diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 7, tuy địch quân chưa bao giờ tung ra một cuộc tấn công mạnh.



Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM