Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:21:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đông Dương hấp hối  (Đọc 67467 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #150 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:28:53 pm »


CHƯƠNG X
NHỮNG BÀI HỌC CỦA CUỘC CHIẾN TRANH ĐÔNG DUƠNG


Để rút ra được các bài học của sự thất bại này, chúng ta phải phân tích lý do thật sự của nó. Thế nhưng, rất ít thấy được một sự phân tích toàn diện hay những bản phân tích không đưa vào các chứng cứ ngụy tạo. Nhất là khi chính các nhà lãnh đạo chính trị là người có lỗi - và đây là một tính chất thường thấy những tranh chấp hiện nay - Họ thường né tránh trách nhiệm và trút lên đầu các nhà chỉ huy quân sự. Đây là phương cách né tránh trách nhiệm kinh điển của các chính phủ không biết chuẩn bị, cũng như không biết điều hành một cuộc chiến tranh.

Sự đùn đẩy trách nhiệm sẽ không có gì đáng nói, nếu nó chỉ dừng lại ở hậu quả là khoác cho giới quân sự vai trò của những con dê tế thần, tạo điều kiện cho các nhà chính trị tiếp tục múa may trên sân khấu chính trị. Việc đùn đẩy trách nhiệm có những hậu quả nghiêm trọng vì nó làm nguy hại đến tương lai đất nước, bằng cách cản trở việc rút ra từ thất bại các bài học có thể giúp tránh được các thảm họa trong tương lai.

Một chiến dịch bưng bít như vậy được thực hiện khi xảy ra sự thất bại của cuộc chiến tranh Đông Dương. Các nhà lãnh đạo chính trị, những người đã không điều hành tốt cuộc chiến cũng như đã kết thúc cuộc chiến một cách sai lầm, đã làm tất cả những gì có thể làm được để đánh lừa dư luận quần chúng, bằng cách làm cho quần chúng nghĩ rằng nguyên do chính, nếu không nói là duy nhất, của thảm họa mà nước Pháp phải chịu đựng là thất bại của quân đội.

Tôi cho rằng, tôi đã chứng minh đủ trong các chương vừa qua là thất bại trên không thể tránh được do đường lối sai lầm của nước Pháp, rồi sau đó thất bại này đã bị thổi phồng lên một cách quá đáng, và được các nhà chính trị sử dụng như một cái cớ để ngưng chiến trong những điều kiện mà tình hình quân sự trên chiến trường không đến nỗi quá tồi tệ như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #151 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:29:45 pm »


***

Khi hậu quả của thất bại Điện Biên Phủ đã được trả về đúng vị trí của nó, thì chúng ta còn gì thêm để giải thích cho thất bại của nước Pháp?

Tại Đông Dương, các vị chỉ huy quân sự nối tiếp nhau ít nhiều đã coi thường đối phương. Cụ thể là họ đã không hiểu được sự thay đổi về chất của việc thành lập lực lượng chính quy Việt Minh, có khả năng tiến hành các cuộc hành quân thách thức bộ máy quân sự của ta. Họ đã để cho đối phương qua mặt một khoảng cách mà gần như chúng ta không thể bắt kịp.

Họ không biết tạo ra một sức bật đúng lúc cần thiết để thành lập các Quân đội Liên hiệp, và đã vuột mất phương cách duy nhất có thể cung cấp đủ các lực lượng cần thiết trong việc giữ vững lãnh thổ, rút ra được một số những đơn vị cần thiết để thành lập một Binh đoàn Tác chiến hùng mạnh, đảm bảo khả năng hành động theo ý muốn.

Họ cũng không biết cách làm cho tính cách các đơn vị chúng ta thích ứng với bản chất các hoạt động của đối phương và địa hình chiến trường. Họ dựa quá nhiều vào sức mạnh của hỏa lực, mà không quan tâm đủ đến tính linh hoạt, sự cơ động, mưu mẹo và thông tin tình báo.

Cuối cùng, họ không hiểu được sự cần thiết phải có một kế hoạch tổng thể lâu dài được sự chấp thuận của chính phủ, được trang bị những phương tiện cần thiết, được thực hiện một cách có phương pháp và kiên cường.

Đây là những trách nhiệm chính có thể quy cho Bộ Chỉ huy quân đội Pháp tại Sài Gòn. Nhưng sai lầm này có thể được tha thứ bởi nhiều lý do.

Trừ trường hợp của thống chế De Lattre de Tassigny, tất cả các tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Dông Dương đều phải trực thuộc một công chức cao cấp dân sự: Toàn quyền, Cao ủy hay Tổng ủy. Vị tổng tư lệnh này không phải là một người được toàn quyền quyết định, bắt buộc phải rút ra các quyết định trong khuôn khổ của một chính sách mà người vạch ra là một người khác. Người này có một cách nhìn khác với người chỉ huy quân sự, những vấn đề quân sự đã không được xem xét đúng với những yêu cầu của chúng. Khác với Việt Minh luôn lồng chiến lược quân sự của họ vào quan điểm chính trị, chiến lược quân sự của chúng ta đã luôn luôn bị đường lối chính trị bỏ quên, thậm chí đối kháng với đường lối chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #152 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:30:12 pm »


Viện trợ của Mỹ cũng là một sự việc mà người chỉ huy phải chấp nhận không theo ý muốn của mình. Các loại trang thiết bị Mỹ tặng không cho chúng ta - được dành cho một loài chiến tranh hoàn toàn khác - tạo ra cho quân đội ta có những dấu ấn không thể tránh được: nếu chúng giúp cho chúng ta có một hỏa lực mạnh, nhưng chúng lại làm cho quân đội ta rất nặng nề. Một khi đã đi vào con đường đó, thì không thể nào thoát ra được.

Việc các Quốc gia Liên kết không có đủ khả năng hình thành các quân đội bản xứ có thực lực cũng có nguyên nhân không thể dựa vào ý chí của các vị chỉ huy quân đội. Nó giải thích sự không tin tưởng của các vị chỉ huy này khi đi vào một con đường không phải không có sự rủi ro, mà kết quả có vẻ như rất xa vời và bấp bênh.

Việc thiếu một kế hoạch quân sự có thể được giải thích ở việc thiếu một chính sách chính trị làm nền móng cho nó.

Do đó, cho dù chúng là sự thực hiển nhiên, các sai lầm về mặt quân sự ở Đông Dương không phải là những sai lầm có tính cách quyết định đến cuộc chiến, và nhất là chúng có thể được giải thích ở những nguyên do có tính chất chính trị.

Một lọại trách nhiệrn khác về mặt quân sự nằm ở Paris.

Chưa bao giờ Đông Dương là một mối bận tâm chính của các Bộ Quân lực ở Pháp. Chưa bao giờ Đông Dương được xem như một cái gì khác hơn là một trách nhiệm khó chịu, mà họ phải có đóng góp - nhưng là một đóng góp càng nhỏ càng tốt.

Cuộc chiến tranh Đông Dương luôn luôn được tiến hành với chi phí thấp và bằng phương pháp nhỏ giọt. Chi phí luôn luôn không đủ, khung chỉ huy, quân số của các đơn vị trên bộ quá ít, quân lính được huấn luyện kém, trang thiết bị hạn chế và không phù hợp, không quân không được trang bị đủ về máy bay, nhân sự và cơ sở hạ tầng.

Do đó, ta có thể cho rằng những vị tham mưu trưởng kế tiếp nhau của Bộ Quốc phòng, của các Bộ Không quân và Lục quân đều có trách nhiệm lớn.

Nhưng chúng ta cũng đừng quên họ chỉ là cấp dưới của các ngài bộ trưởng. Tuy họ chuẩn bị và thực hiện quyết định của các vị bộ trưởng, song trách nhiệm cuối cùng là ở cấp chính phủ.

Tất nhiên, các tham mưu trưởng vẫn có thể chứng tỏ được bản lĩnh của họ trong vai trò là những cố vấn quân sự cấp cao của chính phủ. Trên thực tế, họ chỉ tham mưu các giải pháp dễ dàng, và không bao giờ đề xuất các giải pháp táo bạo mà chỉ các giải pháp táo bạo này mới có thể, nếu không mang lại được những chiến thắng toàn diện, thì ít nhất cũng tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị thuận lợi cho cuộc chiến tranh. Nếu họ đã làm như thế, thì chắc chắn họ sẽ được tôn vinh, nhưng ít khả năng là tiếng nói của họ sẽ được người có trách nhiệm lắng nghe. Thậm chí, họ có thể bị mất chức nếu họ thể hiện ý muốn độc lập bất thường này, và sẽ được thay thế bởi những người dễ bảo hơn. Trong hệ thống chính trị của chúng ta, người ta thường chọn các nhà lãnh đạo lớn, cho dù đó là dân sự hay quân sự, chủ yếu dựa trên tính cách mềm mỏng của họ. Một chế độ luôn có những người phục vụ xứng đáng với nó.

Cho dù những người trách nhiệm về quân sự ở Paris có trách nhiệm rất lớn, nhưng đó vẫn là trách nhiệm có tính cách thứ yếu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #153 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:30:59 pm »


Các nguyên nhân thật sự của thất bại ở Đông Dương là các nguyên nhân có tính chất chính trị. Trong cuốn sách này, tôi đã trình bày khá đủ về sự thật này, cho nên ở đây, ta chỉ cần tóm lược lại một cách ngắn gọn.

Nguyên do thứ nhất và là nguyên do chủ yếu xuất phát điểm cho các nguyên do khác là chúng ta thiếu một đường lối chính trị: từ đầu đến cuối, các nhà lãnh đạo của chúng ta chưa bao giờ biết họ muốn gì, và nếu có biết thì họ cũng không biết khẳng định nó.

Họ không bao giờ dám nói với đất nước là có chiến tranh ở Đông Dương.

Họ cũng không biết huy động đất nước vào cuộc chiến và cũng không biết cách tìm kiếm hòa bình.

Họ không có khả năng vạch ra cách ứng xử với các Quốc gia Liên kết, để dựa vào đấy và làm chỉ kim nam hành động cho những người đại diện của nước Pháp ở Đông Dương. Họ chỉ đưa ra những quyết định có tính cách đối phó và luôn luôn không bắt kịp với sự diễn biến của tình hình. Họ không bao giờ có sự can đảm để lựa chọn giữa một bên là một giải pháp theo chế độ thuộc địa mà họ đã tuyên bố hủy bỏ nhưng họ lại tìm cách giữ những quyền lợi về kinh tế dưới một chế độ nghe xuôi tai hơn; và bên kia là một hiệp hội của những dân tộc tự do mà họ tuyên bố muốn xây dựng nhưng lại luôn trì hoãn những hành động phù hợp.

Họ cũng không có khả năng xác định lập trường của nước Pháp đối với nước Mỹ, cũng không thể thúc đẩy nước Mỹ xác định được lập trường của họ đối với chúng ta. Họ chỉ cầu xin nước Mỹ cung cấp cho ta sự viện trợ, mà nói cho cùng lại tạo cho ta nhiều sự phiền toái hơn là lợi ích và tạo điều kiện cho các đồng minh của ta theo đuổi một chính sách ích kỷ phá hoại quyền lợi của chúng ta.

Với một cuộc tranh chấp mà họ không thể đưa ra được mục đích rõ ràng, các nhà lãnh đạo đã không thể đưa lên được tầm cỡ quốc gia. Do không biết cách nào chứng minh cho đất nước thấy lý do tiến hành chiến tranh, các nhà lãnh đạo ngăn cản chúng ta yêu cầu có những sự hy sinh để có thể mang thắng lợi về cho cuộc chiến. Do đó những việc họ làm được chỉ là ru ngủ quốc gia bằng các bài diễn văn mang tính chất lạc quan. Vì lo sợ cử tri nên họ đã cho giảm đến mức tối đa việc yêu cầu đóng góp các nỗ lực của họ, làm ngơ để cho tư tưởng chủ bại hoành hành, và cuối cùng để cho quân đội nhà nghề của mình chiến đấu một cách lẻ loi, không một sự hỗ trợ về mặt tinh thần và có những phương tiện mà lẽ ra quân đội này được quyền đòi hỏi.

Tệ hơn nữa, họ còn để cho quân đội của chúng ta bị đâm sau lưng. Họ đã dung dưỡng cho sự phản bội thường xuyên của Đảng Cộng sản (Pháp) và các tổ chức trực thuộc họ ở mọi cấp. Họ đã không trừng phạt báo chí trong việc làm hại đến tinh thần chiến đấu của quân đội, phá hoại tinh thần quốc gia và làm lộ các bí mật quân sự.

Các sự thoái thác trách nhiệm, các sai phạm, những sự hèn hạ dồn dập trong vòng tám năm đã quá nhiều và liên tục nên chỉ có thể được quy trách nhiệm cho những người cầm đầu và thậm chí những chính phủ đã nối tiếp nhau cầm quyền ở Pháp.

Đó là kết quả của những gì mà chế độ đã tạo ra. Nó bắt nguồn từ bản chất của hệ thống chính trị của nước Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #154 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:32:16 pm »


Một chế độ đã làm rối bời quyền lực Nhà nước, tinh thần vì cái chung gần như đã biến mất, tạo ra một sự không ổn định trong chính phủ, thay thế những kế hoạch tổng thể lâu dài bằng một thứ chủ nghĩa thực dụng không phù hợp, mà quy luật chủ đạo là làm thế nào có ít sự cố gắng nhất. Các đảng phái chính trị không còn là những hệ tư tưởng nữa mà chỉ là sự thể hiện của ham muốn. Những mâu thuẫn do tranh giành quyền lợi, những vấn đề được đặt ra vì các cuộc tranh cử, những thủ đoạn vì quyền lợi cá nhân của những người lãnh đạo vô trách nhiệm luôn được đặt lên trên hết. Một chế độ như thế là một chế độ hoàn toàn bất lực. Chế độ này không thể nào có được một đường lối chính trị chủ đạo được. Về mặt quan hệ đối ngoại, nó chỉ có thể nhượng bộ đối phương và là cái rờ-moọc của các nước đồng minh.

Một chế độ đã hủy hoại tinh thần quốc gia, đã cô lập Quân đội ra khỏi Quốc gia, trong khi Quân đội lại chính là biểu tượng và người bảo vệ cho tinh thần Quốc gia; một chế độ đã không tạo cho Quân đội có chỗ đứng về tinh thần và những phương tiện vất chất để nó có thể tồn tại được; một chế độ đã dung dưỡng, nếu không muốn nói là khuyến khích việc quân đội của nó bị người ta khinh miệt, làm nhục và nói xấu một cách không bị trừng phạt; một chế độ đã để cho một đảng mà ai cũng biết đã hành động theo lệnh của ngoại bang, được tự do phản bội, và một bộ phận của báo chí đã trở thành một doanh nghiệp làm băng hoại tinh thần quốc gia và cung cấp thông tin cho đối phương; một chế độ như thế không thể làm gì trước một cuộc xâm lược của kẻ thù, cho dù nó ở bất cứ nơi nào của Đế quốc hoặc là ngay tại biên giới Chính quốc.

Một hệ thống chính trị mà chỉ trong vòng không tới bốn thập niên, biến đất nước từ một nước lớn, chiến thắng vào năm 1918, trở thành một kẻ bệnh hoạn của châu Âu, chỉ có thể đưa đất nước rơi vào tình trạng già yếu bất lực vĩnh viễn trong thập niên sau.

Đó là bài học lớn về cuộc chiến tranh Đông Dương, có thể rút ra bài học này trong tất cả các lĩnh vực. Bất cứ một người Pháp biết suy nghĩ và nếu không vì một mối quan hệ nào với chế độ này về quyền lợi hoặc vì lý do một sự sùng bái nào đó, sẽ cảm thấy có sự mâu thuẫn giữa việc duy trì chế độ hiện tại và việc duy trì nước Pháp hùng mạnh như một cường quốc. Rất nhiều người còn đi xa đến việc nhận định rằng, nếu kết luận này đúng với tất cả các nước phương Tây đang đối đầu với Chủ nghĩa Cộng sản và những người quốc gia đang bị chủ nghĩa này lôi kéo, thì chế độ Dân chủ phương Tây cũng sẽ bị tước khí giới như Rome và Byzance đã từng bị các đối thủ man rợ của họ tiêu diệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #155 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:32:53 pm »


***

Chúng ta không thể có một ảo tưởng nào về nước Pháp ngày nay. Nếu như chế độ vẫn tồn tại như hiện nay trong một thời gian nữa, thì chính những lý do hôm qua đã làm cho chúng ta mất Đông Dương, tất yếu ngày mai sẽ làm cho chúng ta mất Bắc Phi và tất cả những gì còn lại của Đế quốc Pháp.

Hầu hết những nguyên do đã làm cho chúng ta thất bại ở Đông Dương trên thực tế sẽ tiếp tục quay lại với một hình thức ít nhiều dữ dội hơn trong cả Đế quốc này và nhất là ở Bắc Phi.

Cũng như ở Đông Dương, chúng ta sẽ phải đối phó với những người theo chủ nghĩa quốc gia mà ta không thể nào dự kiến được khả năng vùng lên tất yếu của họ, ta không biết cách điều hòa bằng những sự cải cách kịp thời và thỏa đáng. Chúng ta để cho các phong trào này được lãnh đạo bởi một tầng lớp xuất sắc do chính chúng ta đào tạo, nhưng lại không muốn cho họ nắm giữ những vị trí có thể liên kết chặt chẽ họ với ta.

Cũng như ở Đông Dương, những chủ nghĩa quốc gia này được mài dũa sắc bén thêm bởi một tinh thần dân tộc gay gắt được nuôi dưỡng từ bên ngoài, chịu tác động bí mật của Chủ nghĩa Cộng sản và được sự khuyến khích của các chính sách của Mỹ.

Tuy nhiên vấn đề ở Bắc Phi dễ dàng hơn ở Đông Dương rất nhiều.

Cự ly ngắn hơn rất nhiều. Nó chỉ được tính bằng đơn vị trăm km chứ không phải bằng đơn vị ngàn km như ở Đông Dương.

Khoảng cách về tinh thần cũng ngắn hơn. Người Pháp cảm thấy châu Phi gần với họ hơn Đông Dương rất nhiều trên tất cả các lĩnh vực. Thời tiết không quá xa lạ và cảnh vật thì ít có sự khác biệt với những cảnh vật quen thuộc của chúng ta.

Vùng đất sỏi đá của châu Phi, cho dù có gây nhiều khó khăn cách mấy, vẫn có thể là một địa hình dễ cho không quân của ta hoạt động, cho lực lượng trên bộ mở các cuộc hành quân hơn là trên các cánh đồng và rừng già Đông Dương.

Không bao giờ các địch thủ châu Phi của ta có thể có được một nguồn dự trữ to lớn như Việt Minh dựa vào sự giúp đỡ của Trung Quốc. Không bao giờ họ có thể nhận được từ Ai Cập Lybie, hay từ Maroc thuộc Tây Ban Nha một sự giúp đỡ ồ ạt như Mao Trạch Đông đã giúp đỡ Hồ Chí Minh trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương. Không bao giờ họ có thể thành lập được những đoàn quân chính quy có thể đối đầu được với chúng ta trong các cuộc hành quân lớn. Việc này chỉ có thể xảy ra khi nào chính chúng ta giúp họ thành lập những đội quân, mà không có được sự đảm bảo cần thiết - thế nhưng hình như đây là con đường mà chúng ta đang đi.

Tỷ lệ người châu Âu so với người bản xứ ở vùng Bắc Phi cao hơn ở Đông Dương rất nhiều: một tỷ lệ đáng kể dân chúng sẽ luôn luôn đi với chứng ta, với điều kiện là ta không bỏ rơi họ.

Dân cư tại vùng Bắc Phi gần gũi chúng ta về mặt tâm lý hơn là các dân tộc ở Đông Dương. Nếu như đạo Hồi dễ tạo ra những tư tưởng cực đoan và tệ bài ngoại, nhưng mặt khác nó làm cho tín đồ của mình khó bị Chủ nghĩa Cộng sản gây ảnh hưởng hơn. Nếu một phần của tầng lớp ưu tú - hoặc là tầng lớp tương tự như thế - do ta đào tạo nhưng vì ta không biết cách buộc chặt họ với chúng ta, nên trở thành thù địch, thì đại đa số quần chúng có thể được giữ lại hoặc quay về với ta.

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là ý thức quốc gia của người Pháp, rất ít bị ru ngủ trong các vấn đề về châu Phi hơn là các vấn đề về Đông Dương; dễ chấp nhận sự hy sinh cần thiết - nếu như chúng ta thật sự có yêu cầu - để giữ châu Phi hơn là để cứu Đông Dương.

Những điều kiện về vật chất và tinh thần để bảo vệ quyền lợi của chúng ta ở châu Phi tốt hơn việc phòng thủ Đông Dương rất nhiều. Chúng sẽ còn thuận lợi hơn rất nhiều nếu chúng ta biết sử dụng những bài học mà ta nhận được với giá đắt ở Đông Dương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #156 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:35:09 pm »


***

Trên lĩnh vực quân sự, bài học đầu tiên là không được coi thường khả năng của địch quân. Chắc là sẽ không bao giờ có một “Điện Biên Phủ” ở Bắc Phi, nhưng lúc nào cũng có khả năng một cuộc chiến tranh du kích sẽ phát triển ngày càng mạnh hơn và đều khắp, được tiến hành bởi các băng nhóm ngày càng đông hơn và được trang bị tốt. Một số lượng từ 400 đến 500 tấn vũ khí và đạn dược đủ để các lực lượng Việt Minh sử dụng cho cuộc chiến tranh đến năm 1953. Những người nổi loạn Bắc Phi có thể có được một số lượng tương tự dễ dàng từ nguồn buôn lậu, nếu chúng ta không có những biện pháp ngăn ngừa.

Một bài học khác, quan trọng hơn, là không thể chiến đấu chống lại chiến tranh du kích bằng các phương pháp và phương tiện của chiến tranh hiện đại. Chỉ có chiến tranh phản du kích, tức là sự linh hoạt, cơ động và mưu mẹo được yểm trợ bởi các hoạt đông chính trị và tình báo. Những trở ngại lớn mà chúng ta cần phải tránh là sự thụ động, sự nặng nề hóa về phương tiện và tinh thần của binh lính cùng các Bộ Tham mưu.

Có số quân đông đảo cũng là một bài học cơ bản được rút ra. Để đối phó với một địch thủ chỉ có thể hoạt động được nhờ vào sự che chở của quần chúng, vấn đề cơ bản là làm sao giữ được quần chúng về phía mình, bằng công tác giám sát, trấn an và bảo vệ họ. Chỉ có sự có mặt thường xuyên của các đơn vị quân đội có quan hệ thường xuyên với người dân và được người dân tin tưởng mới có thể giúp đạt được kết quả này.

Cuối cùng, sự thống nhất chỉ huy là cần thiết ở tất cả các cấp. Người chỉ huy hành quân và người chịu trách nhiệm về công việc địa phương không thể là những nhân vật tách rời nhau. Cơ cấu tổ chức chỉ huy hành quân phải được lồng vào cơ cấu quan chức địa phương. Đây là cơ cấu duy nhất có sự hiểu biết về các vấn đề địa phương, để có thể có được các quyết định sáng suốt và thực hiện những cuộc hành quân cần thiết trong những điều kiện tốt nhất.

Các bài học thuần túy quân sự bắt đầu được nhận thức, và một nỗ lực đáng khen đã được tiến hành để ứng dụng. Sự chi viện, cho dù chỉ vài ngàn người cũng đã bị từ chối tại Đông Dương, thì nay người ta đã gởi đến Bắc Phi hàng trăm ngàn người.

Các trang thiết bị nặng và không phù hợp, từng được đẩy cho quân đội Pháp tại Đông Dương, nay may mắn được giữ lại trong kho. Người ta ý thức được rằng, chỉ có lực lượng bộ binh được trang bị nhẹ mới có thể đối đầu một cách có hiệu quả với các nhóm quân nổi loạn. Chúng ta tìm cách trang bị cho quân đội các trang thiết bị thích ứng. Các máy bay nhẹ và nhất là máy bay trực thăng - mà khi còn ở Sài Gòn, tôi đã yêu cầu chừng vài chục chiếc, nhưng đã không được thỏa mãn - nay đã được đưa đến Algérie với số lượng ngày càng quan trọng.

Không quân và hải quân đã đóng góp với số lượng lớn hơn rất nhiều so với những việc họ đã làm được trên chiến trường Đông Dương.

Cuối cùng là đã có nỗ lực mang lại cho cuộc chiến có được một tầm cỡ quốc gia bằng cách đưa lính quân dịch và các lực lượng dự bị tham gia chiến tranh.

Nỗ lực về mặt quân sự đó đã đủ chưa? Chính phủ xác nhận là đủ. Ta muốn cùng chia sẻ quan điểm này, nhưng gần như tất cả những người thừa hành lại có ý kiến tranh cãi, khi họ được tự do nói hay viết. Có một điều chắc chắn là: các hành động quân sự đã không có được tính chất ồ ạt để có thể tạo được - bằng cách giới hạn sự thiệt hại - những kết quả mau chóng và có tính cách quyết định. Cũng như ở Đông Dương, chúng ta không tránh được sự “mục ruỗng” không thể tránh được.

Các trang thiết bị, vũ khí và các khung chỉ huy có rất nhiều lỗ hổng, chỉ có thể được khỏa lấp bằng sự huy động lực lương cấp quốc gia.

Quân số - cho dù được nhận xét như thế nào ở những nơi chính thức - vẫn còn quá thiếu. Lực lượng này được tính toán không phải trên cơ sở các yêu cầu thật sự của các giới chức quân sự địa phương, mà do chính phủ dựa trên những đánh giá gây nhiều tranh cãi về chính trị và kinh tế, coi là “khả năng tối đa”. Đây là một phương pháp luôn luôn mang lại các kết quả không tốt.

Giải pháp duy nhất có thể tạo điều kiện cho phép duy trì một cách ổn định và lâu dài các lực lượng thật sự cần thiết là sự kéo dài vào thời điểm và trong thời gian cần thiết chế độ quân dịch. Giải pháp này bị gạt qua một bên vì các lý do chủ yếu là chính trị nội bộ. Chính sách này đã được thay thế bằng những biện pháp tạm thời làm hỏng cơ cấu tổ chức của quân đội chúng ta, làm cho quân đội chúng ta không thích ứng được với các nhiệm vụ khác, như là phòng thủ châu Âu, bảo vệ an ninh bên trong chính quốc, can thiệp nhanh ở nước ngoài - vụ can thiệp ở Suez đã cho thấy rõ điều này - nhưng vẫn không tạo điều kiện trang bị cho châu Phi những phương tiện cần thiết, và nhất là đã đánh lừa dư luận về cường độ và thời gian của những sự hy sinh mà chúng ta phải chấp nhận.

Cũng như ở Đông Dương, chỉ các hành động quân sự không đủ để mang lại kết quả. Hành động quân sự phải được kết hợp với hoạt động chính trị tức là cùng với các biện pháp trong tất cả các lĩnh vực - tâm lý, hành chính, kinh tế, xã hội,... hoạt động chính trị này phải thể hiện ở cấp địa phương. Vì vậy, phải yêu cầu có một sự thống nhất giữa các hành động chính trị và quân sự. Thế nhưng còn tệ hơn ở Đông Dương, chúng ta không thực hiện được nó ở Bắc Phi.

Những sự từ bỏ sớm của chúng ta ở Maroc và Tunisie đang ngày càng lan rộng khiến cho sự thống nhất hành động này không thực hiện được nếu không có sự tham gia, ngày càng khó yêu cầu hơn, của chính phủ các nước ngày nay đã có chủ quyền và mối quan hệ với nước Pháp cho tới nay vẫn là lời nói xuông.

Tại Algérie, sự ban hành “tình trạng khẩn cấp”, việc thành lập một số “ban chỉ huy dân sự và quân sự” địa phương hoặc là việc giao cho một vài cấp quân sự một số “quyền hành đặc biệt”, cho dù rất rộng rãi, chỉ là các biện pháp không đầy đủ và cục bộ nhằm mục đích né tránh vấn đề thực sự. Trước kia cũng như hiện nay, chắc chắn chỉ có thiết quân luật mới có thể giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng hỗn độn như đang xảy ra trong thực tế. Đây là giải pháp duy nhất có hiệu quả1, vì chỉ có biện pháp này mới giao quyền hạn đầy đủ cho người có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm của họ. Hơn nữa, trong khi chờ đợi các giải pháp chính trị lâu dài, còn đang được soạn thảo trong một thời gian lâu nữa, chế độ thiết quân luật có thể tạo điều kiện làm im đi những tiếng nói chính trị với ý nghĩa xấu của nó - nhưng có lẽ đây chính là một trong những lý do khiến nó bị gạt bỏ.
______________________________________
1. Chúng ta có thể nhận xét rằng ở Algérie, những kết quả tốt nhất đã đạt được ở vùng Aurès và Kabylie mà quyền lực tập trung được giao cho giới thẩm quyền quân sự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #157 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:35:37 pm »


***

Chính những sự cân nhắc về mặt chính trị đã làm khựng lại các nỗ lực về quân sự của chúng ta và đã khiến chúng ta chỉ mới chớm làm những gì đáng lẽ phải được tiến hành đến nơi đến chốn. Nếu các bài học về quân sự của cuộc chiến tranh Đông Dương đã mang lại ít nhiều kết quả, thì các bài học về mặt chính trị của nó vẫn còn nằm chết yên một chỗ. Cũng là những sự do dự, cùng nhưng sai lầm và phương cách làm việc thảm hại được tái diễn lại. Những cái xấu bẩm sinh của chế độ tạo ra khó khăn cho ta ở Đông Dương cũng được lập lại ở châu Phi, và cũng dẫn đến những kết quả tương tự.

Cũng như ở Đông Dương, chúng ta không có khả năng vạch ra một đường lối chính trị toàn diện ở châu Phi. Những giải pháp tạm thời mà ta đạt được không mỹ mãn lắm ở Tunisie và Maroc đã không giúp đạt được một kế hoạch hành động. Ở Maroc, chỉ là một giải pháp tình thế gây ấn tượng. Ở Tunisie, chúng ta bị áp đặt bởi một loạt những điều kiện mà ta không thể dự kiến cũng như không thể kiểm soát được. Những giải pháp này đã áp đặt ảnh hưởng rất nặng nề lên những gì ta có thể áp dụng ở Algérie, ở Sahara và thậm chí ở lục địa châu Phi đen.

Vẫn còn thời gian để cứu vãn tình hình. Vụ kênh đào Suez đã đến đúng lúc để thuyết phục chúng ta và những đồng minh rằng chúng ta đang phải đối phó với một chiến dịch rộng lớn nhằm mục đích không chỉ gạt nước Pháp ra khỏi Bắc Phi mà còn làm xáo trộn những vị trí của NATO ở châu Âu. Bắt đầu từ Le Caire, chiến dịch này kéo dài ngang qua Bắc Phi đi về Tây Phi và Trung Phi. Chiến dịch này do Mátxcơva điều khiển, mà công cụ là những người theo Chủ nghĩa Quốc gia Ả Rập thực hiện một cách có ý thức hoặc vô tình.

Chúng ta chỉ có thể đối phó với một kế hoạch to lớn như vậy bằng một đường lối chính trị bao quát, áp dụng cho toàn châu Phi. Chỉ trong khuôn khổ chung đó mới có thể tìm ra những giải pháp gắn bó chặt chẽ với nhau cho các nước Algérie, Maroc, Tunisie, vùng Sahara và những vùng lãnh thổ của Đế quốc chúng ta tại châu Phi.

Trao đổi về vấn đề này không nằm trong chủ đề cũng như khả năng của tôi. Cái quan trọng là một sự lựa chọn như thế nào để chấm dứt những sự lưỡng lự và những sự thoả thuận què quặt, để vạch ra rõ ràng những mục đích, những phương tiện để đạt đến, những giai đoạn và những giới hạn không thể vượt qua - và khi những sự lựa chọn này được thông qua, thì chúng phải là những giải pháp lâu dài. Địch thủ lớn nhất của chúng ta ở châu Phi, trên thực tế, cũng là địch thủ của chúng ta ở Đông Dương. Đó là sự không dứt khoát và không liên tục của những chính sách ở Paris. Với những chính phủ không ổn định và thiếu nghị lực thì, tất cả mọi chủ trương chính sách đều không tốt. Một chính phủ có ý chí kiên định và ổn định, thì hầu như bất cứ đường lối chính sách nào cũng tốt hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #158 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:36:15 pm »


***

Không hơn gì ở Đông Dương, một chính sách không thể có được sự thành công ở châu Phi nếu nó bị những sự can thiệp từ nước ngoài cản trở một cách vô tội vạ, từ những địch thủ ra mặt cho đến những nước tự cho là đồng minh. Thế nhưng, nền ngoại giao của chúng ta đã không biết ngăn chặn họ. Nó đã để sự căng thẳng giữa ta với Ai Cập và Liên minh các nước Ả Rập phát triển mà không có sự đối phó hữu hiệu. Nó giả vờ không biết trước những âm mưu của người Mỹ, hoặc nghe những lời đảm bảo mơ hồ mà thực tế đã hoàn toàn bác bỏ. Nó luôn luôn hành động chậm trễ so với diễn biến của tình hình.

Một sự hăm dọa có hành động quân sự đối với Libye đáng lẽ đã có thể, ngay lúc đầu bóp chết từ trong trứng và với giá rẻ, cuộc nổi loạn ở Tunisie, làm nản chí cuộc nổi loạn ở Algérie. Chúng ta đã đồng ý rút ra khỏi vùng Fezzan để đổi lấy những lời hứa láng giềng thân thiện một cách hết sức mơ hồ và không được giữ đúng. Đã phải mất nhiều tháng chúng ta mới quyết định liên kết những cam kết của ta với những điều kiện đã được đặt ra lúc ban đầu và đã không bao giờ được thực hiện.

Ai Cập là nơi quy tụ những hành động chống lại chúng ta. Thế nhưng đối với Le Caire, trong vòng nhiều tháng, chúng ta đã sắm vai kẻ bịp bợm, bằng lòng với những nhân nhượng nửa vời và vô hiệu, những lời ngọt ngào với một ngài bộ trưởng ngây ngô hoặc tạm thời giảm bớt những sự mắng chửi hằng ngày mà chúng ta phải chịu đựng cho đến khi vụ việc kênh đào Suez làm cho Bộ Ngoại giao bừng tỉnh. Chúng ta đã đi từ thái cực này sang thái cực khác. Những sự khoác lác những đường kiếm mà đối phương biết rõ đó chỉ là một cây kiếm bằng gỗ, một cuộc can thiệp vừa trễ vừa thiếu suy nghĩ của chúng ta, được tiếp nối bằng một sự rút lui không chút vinh quang đã làm cho ta mất “mặt” tại các nước Hồi giáo cũng như tại vùng Viễn Đông.

Tuy vậy, vụ kênh đào Suez có thể là một cơ hội để chúng ta lấy lại sức mạnh, nếu chúng ta duyệt lại các mối quan hệ của ta với các đồng minh.

Với nước Anh, chúng ta phải làm thế nào có được một sự đoàn kết lâu dài, mà họ có lúc đã thể hiện với chúng ta; chính sách của họ đối với vùng Trung Đông, Ai Cập, Lybie từ đây trở đi không được qua mặt chính sách của chúng ta.

Đối với nước Mỹ, thái độ của họ đã làm cho những người mù quáng nhất phải mở mắt ra; chúng ta phải có sự giải thích thẳng thừng, một sự giải thích lẽ ra ta phải làm trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương nhưng đã luôn luôn tìm cách né tránh nó. Thực tế, chính họ mới là người nắm chìa khóa cho mọi vấn đề ở châu Phi, cũng như ở Viễn Đông ngày trước.

Sự biến đổi cần thiết của Đế quốc thực dân cũ của chúng ta thành một hệ thống mới - mà chúng ta gọi là khối Liên hiệp Pháp hay một cái gì đó - chỉ có thể thực hiện được nếu Hoa Kỳ không có một thái độ ngăn trở nó ngay từ đầu.

Để thảo luận với người Mỹ, điều quan trọng là phải nói cho họ rõ không phải là ta không biết bộ mặt thật của họ và chúng ta không chấp nhận sự lừa phỉnh của những vẻ bề ngoài bịp bợm của họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #159 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:36:41 pm »


Chắc chắn trong cái gọi là tư tưởng chống Chủ nghĩa Thực dân của người Mỹ có một phần quan trọng của sự thành thực về tư tưởng cùng với những hào hiệp. Một số công dân của nước Mỹ ngây thơ tin vào những hiệu lực đương nhiên của nền độc lập và quyền của các dân tộc được tự quyết - ngay cả khi rõ ràng là họ không có khả năng cho việc này. Cho dù trong quá khứ, người Mỹ đã bằng lòng với những vụ thảm sát người da đỏ, đánh chiếm các vùng lãnh thổ của người da đỏ, và ngày nay họ cũng rất bằng lòng với tệ kỳ thị người da đen, nhưng họ lại rất không thiện cảm với việc khống chế về mặt chính trị của một quốc gia tiên tiến đối với những quốc gia nhược tiểu. Họ tưởng rằng khi hét chống “Chủ nghĩa Đế quốc” của các nước khác to hơn Chủ nghĩa Cộng sản, thì họ sẽ tập hợp về phía họ các lực lượng chống Cộng mà không thấy rằng việc làm của họ chủ yếu kích động đối thủ của những người cùng sắc tộc với họ. Tuy nhiên cả những ảo tưởng lẫn những quan điểm chính trị ngây thơ vẫn không ngăn cản được việc làm ăn kinh doanh và người Mỹ trước hết vẫn quan tâm đến áp-phe của họ. Có những khách hàng nào tốt hơn là những quốc gia “kém phát triển” không có khả năng tự túc về kinh tế? Kế hoạch lớn của họ là giúp những quốc gia này được giải phóng về mặt chính trị khỏi chủ nghĩa thực dân của những quốc gia khác và sau đó nhốt những nước vừa độc lập trở lại trong những tấm lưới bằng vàng, nhưng rất chắc của chủ nghĩa thực dân bằng đồng đô-la.

Do đó cái được gọi là “chống Chủ nghĩa Thực dân” của người Mỹ là một đường lối chính trị rất thực tiễn, với những động cơ phức tạp và không phải tất cả đều hoàn toàn vụ lợi, nhưng dưới vỏ bọc của một chương trình hết sức khả kính là giải phóng các dân tộc bị những dân tộc khác đô hộ, nhắm trước hết vào việc xây dựng trên sự đổ nát của các Đế quốc châu Âu, một Đế quốc Mỹ đối đầu với Đế quốc Nga.

Chúng ta không phải là những nạn nhân đầu tiên của Chủ nghĩa Đế quốc Mỹ. Là con cháu của những người di cư được giải phóng, chứ không phải như họ thường tuyên truyền hay tự cho là những người dân thuộc địa được tự do - người Mỹ đã chinh phục các vùng lãnh thổ của họ bằng vũ lực chống các sắc tộc bản xứ mà họ đánh đuổi, trấn lột và thảm sát. Lịch sử của việc chinh phục này là một trong những cuộc chinh phục thực dân lớn nhất và tàn bạo nhất - và cũng là thành công nhất, vì khi đã tiêu diệt tận gốc các sắc dân bản xứ, nó cũng đã giải quyết dứt điểm các vấn đề có thể phát sinh về sau. Sau đó, là việc sáp nhập thô bạo các lãnh địa của Mêhicô, rồi những phần còn lại của Đế quốc Tây Ban Nha. Gần đây hơn là sự đổ vỡ của Đế quốc Thực dân Hà Lan có lợi cho các quyền lợi của Mỹ.

Và bây giờ thì đến lượt Đế quốc Anh và nhất là Đế quốc của chúng ta bị người Mỹ nhắm đến - nhưng các biện pháp tiến hành đã được thay đổi. Người ta đến “giúp đỡ” các dân tộc bị “thuộc địa hóa”. Tại đây, người ta đặt các căn cứ chiến lược. Vô số phái bộ quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, tôn giáo, với các khoản ngân sách rất lớn được gửi đến. Người ta chứng tỏ cho thấy cuộc sống sẽ đẹp đẽ và to lớn hơn như thế nào - ít nhất là cũng cho những lãnh đạo bản xứ - trong một khối liên kết tự do với nước Mỹ hơn hẳn dưới sự “thống trị” của chúng ta. Người ta tranh thủ mọi thời cơ để biểu thị thiện cảm của dân tộc Hoa Kỳ với những khát vọng của những người dân sống dưới “chế độ thuộc địa”, với sự phản đối của các dân tộc đối với chúng ta. Người ta động viên một cách có hệ thống tất cả những địch thủ của ta. Khi cần thì người ta kêu gọi sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc. Và từ từ, người ta đẩy ta ra khỏi cửa. Người ta đã chiếm vị trí của chúng ta, nhưng với một hình thức gần như vô hình mà chỉ sức mạnh đồng đôla mới tạo được. Không có toàn quyền, không có khâm sứ, không có cao ủy Mỹ, nhưng có một vị Đại sứ Hoa Kỳ. Người ta sẽ không làm gì được nếu không có sự chấp thuận của ông ấy. Các dân tộc này tưởng rằng mình được tự do vì đất nước của họ được lãnh đạo bởi những người cùng chung một chủng tộc, nhưng không biết rằng những người này đã bị giữ chặt một cách hết sức tàn nhẫn bằng tiền bạc, và chỉ là những con rối của người Mỹ.

Đây là chính sách mà chúng ta đã để cho phát triển ở Đông Dương, và nó đã tống cổ chúng ta đi. Và đây là những gì đang xảy ra ở châu Phi - cho dù nó được tiến hành kín đáo hơn rất nhiều - nó cũng sẽ tống cổ ta ra khỏi đấy nếu ta không đặt ra một giới hạn cho nó. Chúng ta phải nói với người Mỹ rằng họ không thể vừa là người bạn đồng minh của chúng ta ở châu Âu vừa là người phá hoại các vị trí của chúng ta trên khắp thế giới. Chúng ta, hoặc là làm thế nào thuyết phục họ chấp nhận chính sách Đế quốc của ta và ủng hộ nó một cách trung thực, hoặc là thoả hiệp với ý thức hệ và những tham vọng của họ - nhưng phải bao gồm sự cam kết chính thức của cả hai bên. Chúng ta phải là đồng minh bình đẳng, không phải chư hầu. Nếu không thì sẽ tái diễn trò lừa phỉnh mà chúng ta đã bị áp đặt tại Đông Dương, cho đến khi nào có một sự “xét lại đau đớn” của đường lối chính trị nước ta.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM