Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:34:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đông Dương hấp hối  (Đọc 67719 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2010, 10:04:48 pm »


Một tình trạng cân bằng mong manh được giữ vững cho đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ chấm dứt. Đây là kết quả đạt được bằng một sự trả giá đắt và sự thiệt hại nghiêm trọng của ta.

Các yêu cầu tăng viện cho vùng châu thổ được tướng Cogny liên tục gửi đến tôi suốt trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Rất khó thỏa mãn hết những yêu cầu trên mà không làm suy yếu các chiến tuyến khác, nơi mà tình hình cũng rất căng thẳng. Những yêu cầu này cũng không có cơ sở vì vị Tư lệnh ở Hà Nội vẫn chưa sử dụng hết lực lượng của chính ông. Thực ra trong chỉ thị quy định nhiệm vụ bảo vệ vùng châu thổ có ghi rõ như sau: “Trong trường hợp xảy ra các mối hiểm họa nghiêm trọng, những cứ điểm nào không đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ các căn cứ, các đường huyết mạch giao thông hoặc các ổ kháng cự, có thể được cho sơ tán để tránh tạo cho địch có cơ hội làm nên chiến thắng vang dội. Những phương tiện thu hồi sẽ được sử dụng vào việc củng cố các cứ điểm chủ yếu và các đơn vị cơ động”. Quyền hạn hành động này có thể tạo điều kiện cho tướng Cogny huy động được phương tiện cần thiết, nếu không dùng để đánh sau lưng các lực lượng của Việt Minh tại Điện Biên Phủ thì ít nhất cũng có thể đối phó với tình hình chuyển biến tại vùng châu thổ mà không cần sự chi viện từ bên ngoài1. Nhưng tướng Cogny không bao giờ sử dụng đến quyền hạn này.

Dù thế nào đi nữa, các hoạt động chính trị - quân sự của Việt Minh được tăng cường rất mạnh và không bị đối phó một cách có hiệu quả, một phần vì lực lượng của chúng ta, do phải đối phó với các cuộc tiến công liên tục đã không còn làm tốt nhiệm vụ trên các mặt trận, nhưng phần khác là do sự thiếu trách nhiệm của nhà cầm quyền Việt Nam. Từ đó, tình hình ở vùng châu thổ đã xấu đi một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong các vùng kế cận trục đường bộ và đường sắt Hải Phòng - Hà Nội.

Nói tóm lại là cuộc tổng tiến công của Việt Minh diễn ra trên các chiến trường phụ, trong đó có vùng châu thổ với hoạt động nhằm kìm chế lực lượng trên bộ của ta, làm suy yếu sức mạnh không quân, khiến nó không thể tập trung vào sự chi viện cho Điện Biên Phủ. Để làm việc này, họ đã cho thực hiện nhiều phương cách: tấn công các đường giao thông chủ yếu của ta (Hải Phòng - Hà Nội, Sài Gòn - Seno) để hạn chế lưu lượng tiếp tế, buộc chúng ta phải sử dụng các “cầu hàng không”; tấn công các sân bay để phá huỷ máy bay, cô lập đồn bót, buộc chúng ta phải tiếp tế bằng đường hàng không.

Về mục đích làm suy yếu sức mạnh không lực của ta, họ chỉ đạt được kết quả rất hạn chế. Sự can thiệp bằng không quân để yểm trợ cho Điện Biên Phủ chỉ giảm sút rất ít.

Nhưng bù lại đối phương đạt được kết quả không thể tranh cãi trong việc cầm chân các lực lượng trên bộ của ta. Họ đã buộc chúng ta phải giữ chân tại chỗ một số lượng rất lớn quân lính để bảo vệ các tuyến giao lộ và sân bay, cũng như để giải vây đồn bót bị vây hãm. Những lực lượng này không thể tham dự vào một cuộc hành quân giải cứu Điện Biên Phủ.
_______________________________________
1. Suy nghĩ sâu xa hơn có thể dẫn đến phương cách cầm chân đối phương một cách kinh tế hơn trong vùng châu thổ. Mục đích của họ là giữ tối đa các lực lượng của chúng ta bằng một lực lượng tối thiểu của họ. Một sĩ quan trong Ủy ban Đình chiến Việt Minh đã bày tỏ sự ngạc nhiên của ông với sĩ quan bên ta khi thấy những cuộc hành quân của ta được tiến hành nhiều lần theo một phương cách hoàn toàn giống nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2010, 10:06:33 pm »


CHƯƠNG VII
CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ


TẠI SAO LẠI ĐIỆN BIÊN PHỦ?

Chúng ta đến cái “chỗ trũng” heo hút trên vùng cao Bắc bộ này để làm gì? Câu hỏi này không biết đã bao nhiêu lần được đặt ra.

Để có thể hiểu được các lý do khiến tôi quyết định chiếm giữ cứ điểm Điện Biên Phủ và chấp nhận trận đánh tại đây, ta phải quay trở lại tình hình vào cuối tháng 10 năm 1953, khi Việt Minh từ bỏ kế hoạch đánh vào vùng châu thổ và chuyển các nỗ lực của họ về phía vùng cao Bắc Bộ và Bắc Lào.

Vào cuối tháng 10, chúng ta liên tiếp nhận được tin là lực lượng du kích của ta ở xứ Thái bị hai trung đoàn chính quy tiến công và sư đoàn 316 đã rời vùng ranh giới của miền châu thổ để tiến về Lai Châu.

Đầu tháng 11, có các dấu hiệu cho thấy một sự di chuyển về vùng phía núi của các đơn vị quan trọng chưa được xác định của các sư đoàn 304, 308 và 312 theo sau sư đoàn 316.

Dần dần, qua các nguồn tin rất chính xác, chúng ta nắm được kế hoạch của Việt Minh. Tại vùng Tây Bắc Đông Dương, họ nhằm mục đích tiêu diệt lực lượng du kích của ta ở vùng xứ Thái, các căn cứ phòng thủ tại Lai Châu, và bành trướng sức mạnh của họ trên toàn bộ lãnh thổ Bắc Lào (Phong Saly – Nậm Bạc - Luang Prabang), kiểm soát hoàn toàn biên giới Trung Quốc - Lào, áp sát vùng biên giới nước Xiêm. Chỗ dựa để tung ra những cuộc hành quân nói trên là Điện Biên Phủ.

Đứng trước tình hình rất rõ như vậy, ngay trong giai đoạn cuối của mười ngày đầu tiên tháng 11, vấn đề đòi hỏi là phải có ngay một quyết định, nếu không thì sẽ bị đối phương qua mặt. Có nên bảo vệ nước Lào hay không? Nên lắm chứ, nhưng phải làm như thế nào?

***

Việc bảo vệ nước Lào luôn là một trong những việc làm thường xuyên bắt buộc của Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương. Nhưng giai đoạn chiến tranh 1952-1953 là thời kỳ mà gần như toàn bộ các lực lượng dự trữ đã được huy động để đảm bảo chiến đấu, cho thấy tình trạng hết súc khó khăn của ta.

Ở phần trên tôi có nói đến câu hỏi được đặt ra tại Ủy ban Quốc phòng Quốc gia vào tháng 7 năm 1953 (Xem chương 3) là liệu có nên loại bỏ việc bảo vệ nước Lào khỏi nhiệm vụ của Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương hay không? Nhưng đã không có một quyết định nào được đưa ra. Do đó sứ mạng này, mặc dù không được gia hạn, nhưng vẫn tồn tại.

Nhiệm vụ này còn có ý nghĩa lớn lao và có tính bắt buộc hơn khi, vào ngày 28 tháng 10, một hiệp ước đã được ký ở Paris với Chính phủ Pháp, qua đó chính phủ Lào gia nhập khối Liên hiệp Pháp và nước Pháp cam kết có trách nhiệm bảo vệ nước Lào.

Hiệp ước đó được giới ngoại giao của chúng ta xem như một mẫu mực để về sau sẽ thực hiện với Việt Nam và Campuchia1. Không tôn trọng lời cam kết này 15 ngày sau khi đặt bút ký, đồng nghĩa với sự phá sản chắc chắn của chính sách này.

Khi được tôi hỏi ý kiến vào đầu tháng 11, ông Tổng ủy đã trả lời rằng không thể bỏ rơi nước Lào được. Ông Marc Jacquet, Tổng trưởng Bộ Quan hệ với các Quốc gia Liên kết khi đến Đông Dương vào giữa tháng 11 đã phát biểu với tôi một quan điểm tương tự. Ông thẳng thắn cho rằng nếu Việt Minh chiếm được vùng Luang Prabang và áp sát sông Mêkông thì nó sẽ tạo ra một cú sốc với dư luận nước Pháp và sẽ không thể nào tiếp tục cuộc chiến tranh được.

Việc phòng thủ nước Lào được nhất trí nhưng tiến hành nó như thế nào? Phải trực tiếp bảo vệ nước Lào hay phòng thủ nó một cách gián tiếp bằng cách tung lực lượng từ vùng châu thổ, buộc Binh đoàn Tác chiến Việt Minh, hoặc ít nhất là một phần lực lượng của nó phải ra mặt đối đầu với ta? Vấn đề này nằm trong chiến lược chung cho chiến trường Đông Dương mà chúng ta đã có nghiên cứu ở phần trước (Xem chương 6). Chúng ta còn nhớ do thiếu thốn về phương tiện nên cho dù tôi có muốn làm khác đi như thế nào, tôi vẫn phải quyết định phương án phòng thủ một cách trực tiếp nước Lào.
_______________________________________
1. Nói chuyện với Hiệp hội người Pháp ở Đông Dương, ông Paul Reynaud - một người đóng vai trò chủ yếu trong chính phủ, đã nói: “Hiệp ước với nước Lào tạo điều kiện có giải pháp đi đến sự chuyển biến cần thiết cho khối Liên hiệp Pháp”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2010, 10:09:26 pm »


Việc phòng thủ này sẽ dựa vào khu vực nào?

Từ xứ Thái, nơi tập kết của Việt Minh, các con đường dẫn qua Lào được tập trung thành hai nhánh. Cả hai đều hướng về vùng Mêkông Thượng. Con đường phía đông đi qua Sầm Nưa và cao nguyên Tra Ninh, về phía Paksane, Luang Prabang và Vien Tiane. Nó được kiểm soát bởi một cứ điểm trong vùng cánh đồng Chum, do tướng Salan lập ra từ năm trước. Con đường đi về phía tây, tốt hơn rất nhiều, xuất phát từ Tuần Giáo, đi qua Điện Biên Phủ và thung lũng Nậm U, có đường sông có thể di chuyển được, hướng về Luang Prabang, sau đó đến Vien Tiane.

Nhưng theo những nguồn tin chắc chắn chúng ta nhận được, thì chính con đường thứ hai này sẽ được các lực lượng Việt Minh sử dụng. Việc tính toán sơ bộ cho thấy Binh đoàn Tác chiến của Việt Minh có thể sẽ có mặt tại Điện Biên Phủ ngày 1 tháng 12 và đến Luang Prabang vào khoảng ngày 1 tháng giêng 1954. Chúng ta dự kiến trong các tuần lễ đầu của năm 1954, ít nhất là những đơn vị nhẹ đầu tiên của Việt Minh sẽ đến được vùng Vien Tiane, tiến đến bờ sông Mêkông dọc theo biên giới nước Xiêm.

Việc phòng thủ nước Lào không thể được đảm bảo bằng chiến tranh cơ động. Trong chương trước tôi có nói đến các lý do: tính đặc thù của địa hình và việc không thể thích ứng được của các lực lượng phía chúng ta.

Do đó ta phải tìm một phương pháp đánh khác, theo cách gọi cổ điển là “chiến tranh chiến lũy” hoặc theo cách gọi hiện đại là hệ thống những “con nhím” hay hệ thống “cụm cứ điểm”. Phương pháp này có thể cho một giải pháp không tốt lắm, nhưng suy cho cùng đây là giải pháp duy nhất có thể có được. Nó sẽ không ngăn chặn các đơn vị nhẹ của địch tiến đánh các vị trí nhỏ lẻ trên đất Lào nhưng do ta trấn giữ được những điểm trọng yếu nên sẽ ngăn chặn được đối phương xâm chiếm nước này. Đây chính là phương cách tướng Salan đã sử dụng vào năm ngoái.

Nhưng vấn đề là đặt các chiến lũy, con nhím, cụm cứ điểm đó ở đâu?

Dù là cân nhắc tình hình một cách sơ đẳng nhất, không ai có thể chấp nhận phòng thủ nước Lào chỉ tại Luang Prabang hay Vien Tiane.

Về mặt chính trị, cũng giống như chúng ta phòng thủ nước Pháp ngay tại Paris hoặc Orléans. Trên thực tế, Luang Prabang có tầm quan trọng về mặt chính trị rất lớn, trong khi Vien Tiane chỉ là thủ đô hành chính, không có một tầm quan trọng nào cả. Vì vậy, chiến đấu để bảo vệ Luang Prabang có thể mang lại nhiều lợi ích lớn, trong khi phòng thủ bảo vệ Vien Tiane thì không có một ích lợi nào cả. Chẳng thà sơ tán khỏi tất cả vùng Bắc Lào còn có lợi hơn.

Đứng về mặt quân sự, thì cả hai thành phố này đều không thể được phòng thủ trong những điều kiện tốt, cả trên mặt đất lẫn từ trên không. Luang Prabang nằm gọn trong một cái lỗ bị đồi núi vây chặt từ mọi phía. Vào bất cứ thời điểm nào trong năm, việc tiến đến gần bằng máy bay cũng đều rất khó khăn. Việc phòng thủ Vien Tiane trên bộ sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta phát hoang được vùng rừng rậm chung quanh. Hơn nữa cả hai sân bay của hai thành phố này đều không nằm trong cự ly thuận lợi để có thể gom chung trong một cứ điểm phòng thủ duy nhất, trừ khi phải đầu tư vào đấy những phương tiện rất lớn. Cuối cùng cự ly của chúng với các sân bay ở vùng châu thổ là quá xa.

Cho dù bằng cách chấp nhận sử dụng số lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ1, chúng ta có thể giữ được Luang Prabang và Vien Tiane trong một thời gian đủ để buộc đối phương từ bỏ những cuộc tấn công trực diện vào hai thành phố này, nhưng quân đội ta sẽ bị địch nhanh chóng bao vây. Sự phòng thủ của hai thành phố sẽ không ngăn chặn được Việt Minh chiếm đóng các vùng chung quanh và tiến sát về vùng biên giới nước Xiêm. Đây là mục tiêu chính trị của họ.

Nếu không bị bắt buộc phải giao tranh trên chiến trường, địch quân vẫn có thể đạt được mục tiêu đó mà không phải đưa vào vòng chiến cả Binh đoàn Tác chiến của họ. Một phần đáng kể của Binh đoàn này vẫn có thể được sử dụng hoặc ở vùng châu thổ, hoặc để tăng cường các lực lượng khác của họ ở vùng miền Trung Đông Dương. Như vậy, giai đoạn chiến tranh năm 1954 sẽ chứng kiến sự thất thủ chắc chắn của vùng Bắc Lào, kèm theo hoặc có thể là một trận đánh lớn vào châu thổ với một sự thất lợi lớn về mặt quân số của chúng ta và khả năng chuyển biến xấu nghiêm trọng cho ta2, hoặc có thể là một cuộc Nam Tiến của Việt Minh ngang qua vùng Trung Lào.

Để ngăn cản khả năng của Việt Minh vừa tiến sát đến bờ sông Mêkông mà không cần phải giao tranh, vừa giữ được các lực lượng cần thiết để có thể uy hiếp được ta ở các nơi khác, ta chỉ có một giải pháp duy nhất: chặn ngay con đường họ sẽ đi qua bằng một cứ điểm. Căn cứ này sẽ được thiết lập theo cách nào đó khiến Việt Minh nếu muốn đi vòng qua đó thì phải tìm cách ngụy trang một lực lượng rất quan trọng, hoặc phải tiến công nó trước khi vượt qua đấy.
____________________________________
1. Số lượng các phương tiện này lớn hơn rất nhiều so với số lượng cần thiết để phòng thủ Điện Biên Phủ.
2. Trận đánh trên vùng châu thổ đã diễn ra rất ác liệt (xem chương VI) Đã nhiều lần tướng Cogny cho thấy những lo lắng rất nghiêm trọng trong cách giải quyết các vấn đề, thậm chí ông dự kiến phải bỏ luôn Hà Nội. Trận đánh ở vùng Trung Lào cũng không dễ hơn. Nếu một trong hai trận đánh nói trên được tiến hành với một tỷ lệ quân số bất lợi hơn nữa (bên Việt Minh có quân số vượt trội từ 15 đến 20 tiểu đoàn), chắc chắn là chúng ta sẽ thất trận. Nhờ vậy Việt Minh sẽ tìm được một thắng lợi vang dội ở nơi khác Điện Biên Phủ, theo yêu cầu của hội nghị Genève đối với họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2010, 10:11:08 pm »


Vậy thì phải đặt căn cứ này ở đâu?

Lai Châu là kinh đô của xứ Thái và là căn cứ duy nhất của lực lượng trên bộ có sân bay duy nhất mà chúng ta có thể có được tại vùng cao. Nó ở quá xa trục lộ chúng ta muốn ngăn chặn. Hơn nữa, nếu nó bị đặt trước một sự uy hiếp nghiêm trọng, thì chúng ta không thể phòng thủ được cứ điểm này. Sân bay tại đây nằm khuất trong một thung lũng rất hẹp. Cho dù thời tiết có tốt, khi muốn hạ cánh, máy bay phải lượn như làm xiếc. Thế nhưng, thời tiết ở đây lại thường rất xấu.

Cứ điểm duy nhất có thể lập được một căn cứ cho lục quân và không quân nằm cách Lai Châu 90 km về phía nam: Điện Biên Phủ.

Giá trị chiến lược của Điện Biên Phủ đã được xác lập từ lâu. Đây là nơi mà rất lâu, những kẻ xâm lược từ phương Bắc đã đi qua để tràn vào vùng Mêkông Thượng. Chúng ta luôn giữ ở đâu một lực lượng đồn trú, trước khi phải rút đi vì sức ép của Việt Minh.

Trước khi mãn nhiệm kỳ công tác, tướng Salan đã đề nghị chiếm lại Điện Biên Phủ. Trong một bản nghiên cứu đề ngày 25 tháng 5 năm 1953, khi nói về công tác phòng thủ nước Lào, tướng Salan viết: “Phải củng cố các lực lượng hiện tại bằng cách tổ chức một tung tâm kháng cự mới tại Điện Biên Phủ. Tôi đã ra lệnh tái chiếm khu vực này ngay từ đầu tháng giêng năm 1953, khi tôi nhận định nó rất cần thiết cho sự an toàn của kinh đô Luang Prabang. Các sự kiện xảy ra vào tháng tư và tháng năm đã chứng minh tính cấp bách của một cuộc hành quân như vậy. Chỉ vì thiếu phương tiện vận chuyển đường không nên ta không thể thực hiện được cuộc hành quân trước khi Việt Minh mở cuộc tiến công vừa qua”.

Các nhà lãnh đạo Lào, những người biết rất rõ đất nước họ, nhận định rằng chừng nào ta chưa chiếm lại được Điện Biên Phủ, thì con đường của Việt Minh tiến vào Luang Prabang vẫn còn được rộng mở, vì từ Điện Biên Phủ đến Luang Prabang không có một nơi nào khác có thể tổ chức phòng thủ được.

Và cuối cùng, chúng ta biết là Việt Minh cũng đánh giá Điện Biên Phủ có một giá trị cốt yếu1.
________________________________________
1. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra, tướng Giáp trả lời cuộc phỏng vấn của một nhà báo Cộng sản Ý như sau: “Khi chiếm Điện Biên Phủ địch thủ không những có mục tiêu trước mắt là hình thành một cứ điểm tiến công chống lại nước Việt Nam từ vùng Tây Bắc, mà còn có một mục đích sâu xa khác, mục đích này được Bộ Tham mưu Mỹ rất quan tâm là, biến nó thành một trong những căn cứ không quân quan trọng ở vùng Đông Nam châu Á”. Và ông đã chỉ cho nhà báo này xem vị trí của Điện Biên Phủ, là tâm của một vòng tròn có bán kính kéo dài đến tận miền Nam Trung Quốc, Miến Điện và Thái Lan. Sau đó, trong cuộc phỏng vấn của một tuần báo Cộng sản Pháp, ông đã nói: “Điện Biên Phủ là một điểm chiến lược rất quan trọng... Quân đội Viễn chinh Pháp đã đến đây đề phòng thủ đất Lào và tái chiếm vùng Tây Bắc Việt Nam. Nếu hoàn tất kế hoạch này, địch quân sẽ có một căn cứ không quân và lục quân đè nặng sức ép lên phía sau lưng chúng tôi, buộc chúng tôi phải tản ra trong vùng giữa châu thổ và Điện Biên Phủ”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2010, 10:14:16 pm »


Trên thực tế, tính cách quan trọng của Điện Biên Phủ là không thể chối cãi được, cả trong cuộc chiến ta đang theo đuổi lẫn khi phải mở rộng chiến tranh. Đây là bản lề của các trục đường nối liền các vùng biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Tránh đi qua địa điểm này là cực kỳ khó khăn vì chỉ có những đường mòn dọc núi. Những cánh đồng ở Điện Biên Phủ là những cánh đồng đông dân cư và giàu có nhất vùng thượng du. Sản lượng gạo ở đây rất cao, đủ đảm bảo lương thực trong nhiều tháng cho từ 20.000 đến 25.000 người. Sân bay có khả năng được nới rộng ra một cách dễ dàng từ hai đến ba lần1.

Tuy vậy Điện Biên Phủ cũng có một hạn chế rất lớn về mặt sử dụng không quân, đó là cự ly giữa nó với các sân bay vùng châu thổ, nơi đồn trú lực lượng không quân của chúng ta. Nhưng ta phải chấp nhận, vì không có một giải pháp thay thế nào khác. Việc chi viện bằng không quân cho một trận đánh ở Điện Biên Phủ dù vậy vẫn dễ dàng hơn chi viện cho một trận đánh ở Luang Prabang hay Vien Tiane.

Hơn nữa nếu vấn đề cự ly gây cho chúng ta những khó khăn về mặt không quân, thì nó cũng tạo ra cho Việt Minh những khó khăn về mặt hậu cần. Điện Biên Phủ cách vùng châu thổ 200 km, cách biên giới Trung Quốc 300 km2. Các con đường nối liền Điện Biên với biên giới Trung Quốc hoặc không có, hoặc bị phá hủy. Mặt khác để tiến công vào Điện Biên Phủ, Binh đoàn Tác chiến Việt Minh chỉ có thể được tiếp tế bằng các đoàn dân công. Do đó, sức mạnh của họ bị hạn chế. Trong một bản nghiên cứu vào tháng 5 năm 1953 về các cuộc hành quân ở các vùng thượng du, tướng Salan cho biết quan điểm của ông là Việt Minh không thể nào sử dụng vũ khí nặng với một số lượng lớn được. Nhưng cường độ chi viện lớn của Trung Quốc làm cho nhận định này hoàn toàn sai.

Đứng về mặt chiến thuật, điều kiện phòng thủ của Điện Biên Phủ cũng tương tự như mọi cứ điểm được thiết lập trên các vùng núi, được bố trí chung quanh một sân bay. Vị trí của nó nằm trên một chỗ trũng. Không thể nào làm khác hơn, vì chúng ta chưa tìm được phương pháp xây dựng sân bay trên các ngọn núi. Tuy nhiên lòng chảo Điện Biên Phủ rộng nhất so với mọi nơi khác ở vùng thượng du. Đáy của lòng chảo là một cánh đồng thật rộng lớn với kích thước 16km chiều dài và 9km chiều ngang, bằng phẳng, thoáng, tạo điều kiện tuyệt vời cho việc sử dụng thiết giáp3.

Các ngọn núi cao nằm cách sân bay từ 10 đến 12km. Sân bay được các cứ điểm bọc quanh. Cự ly này dài gấp đôi cự ly hữu dụng của pháo binh địch. Các đơn vị pháo binh đối phương chỉ có thể bắn đi từ những triền núi đổ về phía lòng chảo. Lực lượng phòng không cũng phải tác xạ như thế nếu họ muốn khống chế vùng trời phía trên sân bay. Theo ý kiến của tất cả các chuyên gia pháo binh, thì không thể đặt pháo ở vị trí như vậy và trận địa pháo sẽ bị các đài quan sát đặt trong lòng chảo phát hiện, lúc họ đang chuẩn bị hoặc lúc họ khai hỏa. Chúng sẽ bị không quân và pháo binh của chúng ta bịt miệng ngay. Tuy nhiên phương cách Việt Minh sử dụng pháo binh hoàn toàn bác bỏ lý luận mang nặng tính lý thuyết nói trên. Tôi sẽ nói rõ hơn về những phương cách này ở phần sau.

Cho dù có các mặt hạn chế không thể tránh khỏi của các cứ điểm đặt trên vùng thượng du, nói chung vị trí của cứ điểm Điện Biên Phủ có thể được đánh giá là tốt. Thực tế là vị trí của nó tốt hơn nhiều so với Nà Sản, Lai Châu và Luang Prabang. Nó có thể được đánh giá tương đương với cánh đồng Chum. Trên đây là những lý do đã thúc đẩy chúng ta phải chiếm đóng và chấp nhận giao tranh tại Điện Biên Phủ. Giải pháp này không phải là tốt nhất, nhưng có thể chấp nhận được để chống lại một đối thủ mà ta dự tính sẽ phải đối đầu. Giải pháp này đã bộc lộ rõ những điểm yếu chỉ sau sự gia tăng sức mạnh một cách hết sức bất ngờ và không thể dự kiến được của đối phương. Dù thế đi nữa, cũng không có giải pháp nào khác hơn4
_______________________________________
1. Từ đây những máy bay hiện đại có thể bay đến gần như tất cả các nơi ở vùng Đông Nam châu Á. Người Nhật xây dựng một căn cứ quan trọng ở đây nhằm vào mục đích này.
2. Đây là khoảng cách những điểm tập kết hàng chi viện của Trung Quốc trong vùng biên giới.
3. Một dân biểu được xem như là một chuyên gia về Đông Dương đã tuyên bố với Quốc hội rằng điều kiện để chiến đấu trong vùng cánh đồng của Luang Prabang tốt hơn ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Nhưng “cánh đồng” Luang Prabang dễ bị tấn công và nhỏ hơn lòng chảo Điện Biên Phủ từ bốn đến năm lần.
4. Trong một cuộc phỏng vấn tướng Giáp dành cho ông Merry Bromberger, được đăng tải trên tờ Paris Presse vào đẩu tháng 6 năm 1956, người ta đã ghi nhận những nhận xét sau đây của ông về kế hoạch hành quân đến Điện Biên Phủ: “Người ta cho rằng đây là một cuộc hành quân ngu ngốc. Thật ra nó đã được nghiên cứu rất kỹ”. “Hoả lực pháo binh và không quân của các ông có thể đánh vào tất cả mọi ngõ ngách và sườn núi”. “Chúng tôi phải đình chỉ cuộc tiến công vào đất Lào”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2010, 10:16:09 pm »


***

Sau khi cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, quyết định tiến hành cuộc chiến tại Điện Biên Phủ gây ra nhiều lời nhận xét, phê bình, nhưng hầu hết đều sai sự thật.

Có người nói rằng việc đánh chiếm Điện Biên Phủ là một sự áp đặt của chính phủ đối với tôi. Hoàn toàn không đúng! Chính phủ phải chịu trách nhiệm khi không quy định rõ ràng nhiệm vụ của tôi và không cung cấp đủ phương tiện để tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ nói trên. Nhưng trách nhiệm của chính phủ dừng lại ở đây. Chính phủ đã không can thiệp vào việc điều hành các cuộc hành quân. Ngay sau khi cứ điểm thất thủ, trong một cuộc họp báo, để trả lời câu hỏi của một nhà báo tôi nhận hết trách nhiệm về các quyết định dẫn đến chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngược lại với ý kiến vừa nói, cũng có dư luận cho rằng quyết định giao tranh tại Điện Biên Phủ là đi ngược lại với ý kiến của một số thành viên của chính phủ, nhất là ý kiến của các vị chỉ huy quân sự trong đó có các thuộc cấp của tôi. Tất cả những dư luận này cũng sai hoàn toàn. Chưa bao giờ chính phủ phát biểu một quan điểm dè dặt nào trước khi chiều hướng của trận đánh xoay chuyển một cách bất lợi. Hơn nữa, ta sẽ thấy rõ hơn ở phần sau, chính phủ còn cho tôi là có tư tưởng bi quan khi tôi thổ lộ các nỗi lo ngại của riêng mình.

Cũng chưa bao giờ có một viên chỉ huy quân sự nào có ý kiến chống lại cuộc hành quân tại Điện Biên Phủ1. Cuộc hành quân này được thông qua một cách chính thức bằng một báo cáo của tướng Ely - Tổng tham mưu trưởng và là Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Hỗn hợp.

Và cuối cùng, cũng chưa bao giờ một thuộc cấp của tôi trong không quân hay lục quân cũng như tất cả những người khác có liên hệ sâu xa đến cuộc hành quân có ý kiến phản bác.

Chỉ sau khi tinh hình chiến sự bắt đầu chuyển biến xấu và nhất là từ khi cứ điểm bị thất thủ thì mới bắt đầu có sự lên tiếng trong giới quân sự cao cấp và nhất là trong giới chính trị với những luận điệu: “Tôi đã nói rồi mà” 2.

Người ta còn nói rằng cứ điểm Điện Biên Phủ được lập ra để “tiêu diệt Việt Minh”. Những diễn giải ở các phần trước về lý do tại sao tôi buộc phải đi đến quyết định đó đủ để phản bác một sự giải thích quá đơn giản như vậy. Nhưng nếu sự thật có đúng vậy, thì tôi cũng không lấy gì làm xấu hổ. Và cho dù có đáng tiếc như thế nào về mặt quan điểm nhân đạo, thì việc tiêu diệt đối phương cũng là một trong những việc làm chính đáng của tất cả mọi người chỉ huy trong chiến tranh. Đây cũng chính là nhiệm vụ chính mà tướng Giáp giao cho quân lính của ông.

Ngoài việc phải chấp nhận chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi có còn một cách nào khác để bảo vệ Lào không?

Chiến lược không phải là một khoa học chính xác. Các vấn đề nó đặt ra bao gồm nhiều giải pháp, và người chỉ huy có trách nhiệm phải chọn một. Tuy nhiên cũng có những trường hợp - và nhất là trong những trường hợp khó khăn chỉ có thể có được một hướng giải quyết duy nhất, dù không được tốt lắm. Với những phương tiện ta có được chỉ như vậy nó là giải pháp duy nhất có thể giúp ta hoàn tất được nhiệm vụ.

Và đây chính là trường hợp của tôi. Chiếm đóng Điện Biên Phủ và chấp nhận giao tranh ở đây là giải pháp duy nhất có thể giúp tôi cứu được nước Lào trong điều kiện tôi đang có trong tay phương tiện.

Như tôi đã nói ở phần trước, trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, không có bất cứ ai đề nghị với tôi một giải Pháp thay thế nào khác. Tuy nhiên, khi sự việc là “những sự việc đã rồi”, thì không bao giờ thiếu các ý kiến: “lẽ ra phải làm như thế này, phải làm như thế kia”. Và không hề có một sự cố vấn nào khả dĩ có thể mang đến một giải pháp cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ và phương tiện tôi có trong tay. Sự đánh giá này đã củng cố thêm nhận định của tôi rằng không thể làm gì khác hơn ngoài những gì tôi đã làm.
_______________________________________
1. Sự phản bác duy nhất đối với việc lựa chọn chiến trường Điện Biên Phủ là của tướng Fay, Tham mưu trưởng Không quân, khi ông tới thăm cụm cứ điểm tháng 2 năm 1954. Sự phản bác này không có tính chất chiến thuật hay chiến lược. Tướng Fay chỉ lo ngại sân bay sẽ không sử dụng được vào mùa mưa. Một cuộc điều tra cho thấy trong quá khứ, chưa một lần nào đường băng bị đóng cửa nhiều hơn hai hay ba ngày. Thế nhưng, sự nâng cấp (làm kênh thoát nước) đã làm giảm sự rủi ro. Những diễn biến về sau chứng minh sự lo lắng của tướng Fay là không có cơ sở, vì các máy bay đã đáp xuống được Điện Biên Phủ một cách không khó khăn để di tản thương binh đến tận cuối tháng 5.
2. Trong một diễn văn đọc tại Caen ngày 25 tháng 6 năm 1955, ông J. Laniel cho rằng Điện Biên Phủ đã “làm cho chính phủ phải lo lắng”. Nhưng tôi không hề được biết chút gì về “sự lo lắng” của ông ta. Trong lời khai nhận vụ án “rò rỉ thông tin”, ông Jacquet cũng tuyên bố ông ta đã cảm thấy “lo sợ”. Thật khó hiểu, là Bộ trưởng phụ trách xây dựng nền quốc phòng nhưng ông không nói gì với tôi về nỗi “lo sợ” ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2010, 10:17:58 pm »


VIỆC CHIẾM GIỮ ĐIỆN BIÊN PHỦ

Tôi có quyết định vào thượng tuần tháng 11 phải chiếm giữ Điện Biên Phủ và xây dựng ở đó một căn cứ Lục - Không quân để bảo vệ Lào.

Cuộc hành quân này không phải là một sự ngẫu hứng vì kế hoạch thực hiện đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Tôi còn nhớ rất rõ vào mùa hè, khi ta cho sơ tán các đơn vị ra khỏi Nà Sản, nơi mà tướng Cogny đánh giá là một địa điểm không thích hợp về mặt chiến lược, về mặt chiến thuật, nó là một vực thẳm cho các tiểu đoàn, của chúng ta, vị tướng này đã nhiều lần đề nghị tôi nên đánh chiếm Điện Biên Phủ, nơi ông cho là có nhiều thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực1. Vào lúc ấy, vì chưa có đủ các lực lượng dự bị, tôi đã cho hoãn lại cuộc hành quân. Dự kiến nó sẽ được tiến hành vào tháng 12 hoặc tháng giêng qua một sự hợp đồng tác chiến. Một mũi tiến từ Lào. Một mũi tiến từ Lai Châu, trong khi một lượng nhảy dù sẽ nhảy bổ xuống mục tiêu.

Một thời gian sau đó không lâu, tướng Cogny lại nhấn mạnh: “Một cuộc hành quân xuống Điện Biên Phủ đánh dấu sự nắm lại quyền chủ động một cách dứt khoát của ta tại vùng Bắc Bộ”.

Lúc này, vấn đề là phải ra tay nhanh chóng để kịp đến nơi trước Binh đoàn Tác chiến của Việt Minh. Lực lượng từ Lào chưa nằm trong cự ly để có thể can thiệp, lực lượng đóng tại Lai Châu thì không đủ để triển khai. Chỉ còn cách đổ quân bằng đường không. Ta chọn ngày 20 tháng 11 để hành động vì đây là thời điểm chót còn đủ thời gian triển khai lực lượng một cách vững chắc trước khi Binh đoàn Tác chiến Việt Minh tràn đến. Một lực lượng nhảy dù gồm sáu tiểu đoàn và một đơn vị pháo binh (súng không giật 75 ly) đổ quân chiếm Điện Biên Phủ trong lúc các đơn vị ở Lai Châu cầm chân tối đa các lực lượng đối phương trong vùng Tuần Giáo. Ngay sau khi đường băng được phục hồi, ba tiểu đoàn nhảy dù sẽ được thay thế bằng một lực lượng cơ động đường không rút từ vùng châu thổ2. Lực lượng đóng tại Lai Châu sẽ được rút về Điện Biên Phủ khi có nguy cơ chắc chắn sẽ bị tấn công.

Ngày 20 tháng 11, đúng theo dự kiến, một lực lượng gồm ba tiểu đoàn dù nhảy xuống Điện Biên Phủ, chiếm cứ điểm, đè bẹp một cuộc kháng cự quyết liệt của một tiểu đoàn địa phương Việt Minh, hoàn toàn bị bất ngờ. Đến ngày 21 - 22.11, lực lượng này được sự chi viện của ba tiểu đoàn dù khác cùng với một đơn vị pháo binh. Ngày 22.11, họ đã bắt được liên lạc với Lai Châu. Ngày 24 sân bay được mở trở lại. Cuộc hành quân được tướng Gilles chuẩn bị và thực hiện một cách tuyệt vời.
______________________________________
1. Vào tháng 6, tướng Cogny viết cho tôi: “...Ngay khi ngài nhận chức chỉ huy, tôi đã đề nghị sơ tán khỏi Nà Sản... Tôi cũng thông báo cho ngài biết quan điểm của tôi: căn cứ Không - Lục quân tại Điên Biên Phủ hơn hẳn tại Nà Sản. Do tình hình biến đổi tại vùng xứ Thái và sau khi đã suy nghĩ kỹ, tôi thấy phải nhắc lại đề nghị này dưới một hình thức hoàn chỉnh hơn...” và trong một đoạn sau đó, tướng Cogny đánh giá Điện Biên Phủ là “chiếc chìa khóa của vùng Bắc Lào”.
2. Theo đề nghị của tướng Gilles, Tư lệnh các lực lượng không vận phụ trách cuộc hành quân này, tôi đã quyết định để lại Điện Biên Phủ ba tiểu đoàn nhảy dù, để dự trữ cho các cuộc phản công. Nhiệm vụ này chỉ có thể được giao cho những đơn vị bộ binh tinh nhuệ - các tiểu đoàn dù có thể đảm trách nó một cách rất tốt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2010, 10:18:22 pm »


TỔ CHỨC CÔNG TÁC CHỈ HUY

Trận đánh diễn ra tại Điện Biên Phủ có ảnh hưởng lên toàn bộ chiến trường Đông Dương, vì nó có mục đích vừa phòng thủ nước Lào, vừa cầm chân quân địch tạo thuận lợi cho việc bảo vệ vùng châu thổ và vùng trung tâm Đông Dương. Đứng về mặt lý thuyết, nó có thể được giao cho một Ban chỉ huy trực thuộc trực tiếp vị Tổng tư lệnh quận đội Pháp tại Đông Dương.

Nhưng trên thực tế, mọi việc đều diễn ra ngược lại. Điện Biên Phủ tọa lạc trên lãnh thổ Bắc Bộ. Các con đường liên lạc tiếp tế của đối phương nằm chi chít trên vùng lãnh thổ này. Về không quân và hậu cần, chiến trường Điện Biên Phủ phụ thuộc vào vùng châu thổ, nơi có những căn cứ đủ sức đảm nhận việc chi viện. Chỉ có các Bộ Tham mưu của các lực lượng trên bộ và trên không tại Hà Nội mới có khả năng chỉ huy trận đánh vì chỉ họ mới có phương tiện vật chất, sụ hiểu biết về địa hình và cả về đối phương.

Do đó việc chỉ huy được giao cho một Bộ Chỉ huy “tay đôi” gồm tướng Cogny, Tư lệnh các lực lượng trên bộ tại Bắc Bộ và tướng Dechaux, Tư lệnh Tập đoàn không quân chiến thuật phía Bắc. Cơ cấu tổ chức này phù hợp với các điều lệnh quy định ở cấp dưới của chỉ huy chiến trường các lực lượng trên bộ và trên không, phối hợp tác chiến mà không bên nào trực thuộc bên nào.

Trên thực tế, trong cơ cấu chỉ huy “tay đôi” Cogny - Dechaux, phần của tướng Cogny vượt trội hơn nhiều. Ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những trận đánh trên bộ và hướng dẫn không quân thực hiện nhiệm vụ chi viện trực tiếp, gián tiếp cho các lực lượng trên bộ. Và những nhiệm vụ nói trên gần như là toàn bộ các hoạt động của lực lượng không quân.

Tuy nhiên, do tính cách quan trọng của trận đánh đối với toàn bộ chiến trường Đông Dương, và để tránh sự khác biệt về quan điểm rất phiền phức giữa các vị chỉ huy trên bộ và trên không, tôi cử người phụ tá cho tôi, tướng không quân Bodet trực thường xuyên tại Hà Nội, thay mặt tôi để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của tôi. Cuối cùng đích thân tôi cũng đến Hà Nội nhiều lần, trước và trong khi trận đánh diễn ra, và luôn có mặt ở đấy những lúc khủng hoảng.

Các quyết định liên quan trực tiếp đến trận đánh thường do tướng Cogny duyệt, hoặc do một mình ông quyết hoặc có sự thống nhất của tướng Dechaux, nếu đó là quyết định liên quan đến việc hợp đồng tác chiến giữa lục và không quân. Còn quyết định ở cấp Tổng chỉ huy thì do tướng Bodet hoặc chính tôi quyết nếu tôi có mặt - trên cơ sở đề xuất của tướng Cogny và tướng Dechaux.

Không bao giờ có một sự thiếu liên hệ hoặc không đồng bộ giữa hoạt động của các Bộ Tham mưu ở Sài Gòn và Hà Nội, như báo chí suy đoán. Trái ngược với những gì đã nhiều lần được khẳng định, không bao giờ có sự khác biệt quan điểm về các vấn đề do trận đánh tạo ra giữa tướng Cogny và tôi trừ một trường hợp ngoại lệ, tôi sẽ nói đến ở phần sau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2010, 10:19:51 pm »


GIAI ĐOẠN MỞ ĐẦU TRẬN ĐÁNH

Vào đầu tháng 12, các đơn vị đi đầu của sư đoàn 316 được ghi nhận trong vùng Lai Châu. Ý đồ trước kia của tướng Cogny được sự thống nhất của tôi là giữ Lai Châu, chơi trò “giằng co trên trục cứ điểm Lai Châu - Điện Biên” càng lâu càng tốt. Nhưng vào lúc này, ông quyết định rút khỏi Lai Châu ngay lập tức. Ông nhận định là nên tập trung về một nơi cố thủ duy nhất là Điện Biên Phủ thì tốt hơn.

Lực lượng đồn trú chính quy tại Lai Châu đã được rút về Điện Biên Phủ bằng đường không ngày 8 tháng 12. Các lực lượng hỗ trợ được rút về một phần bằng đường bộ. Số còn lại đi về bằng đường rừng.

Từ nơi cố thủ tại Điện Biên Phủ, tướng Cogny hi vọng sẽ có thể mở những cuộc tiến công mạnh làm chậm sự chuẩn bị của đối phương. Nhưng trên thực tế, hoạt động này chỉ được giới hạn ở các cuộc tuần tiễu và trinh sát ở cự ly ngắn. Thực vậy, chúng ta sớm nhận thấy những hoạt động quan trọng và sâu hơn là không thích hợp, vì chúng đòi hỏi có sự tập trung lực lượng đông đảo trong khi việc tập trung quân để xây dựng trận địa tại cứ điểm Điện Biên Phủ lại rất cần thiết để đối phó với các cuộc tiến công của đối phương có thể sẽ diễn ra bất cứ lúc nào1. Hơn nữa những cuộc đụng độ giữa các đơn vị trinh sát của ta với đối phương cho thấy các đơn vị chiến đấu của chúng ta khó có khả năng thích ứng với những cuộc chiến đấu trong rừng rậm.

Vào ngày 8 tháng 12, tướng Gilles được đại tá De Castries thay thế trong nhiệm vụ chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ. Tôi thấy cần thiết trình bày ở đây lý do thật sự của sự thay đổi người chỉ huy này, một sự việc gây ra nhiều lời bình luận không đúng hoặc có đụng ý.
______________________________________
. Tướng Cogny có thể có đủ quân số cần thiết bằng cách nhanh chóng gửi lên Điện Biên Phủ các tiểu đoàn đã dự kiến nhằm đưa quân số ở đây lên mức tôi đã dự tính. Nhưng vì bận tâm với việc phòng thủ ở vùng châu thổ, tướng Cogny đã không làm như vậy. Ông cũng có thể tăng cường nhân lực cần thiết để xây cứ điểm phòng thủ Điện Biên Phủ bằng cách gửi đến đó những đội tù binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2010, 10:20:41 pm »


Bình thường thì tướng Gilles chỉ huy toàn bộ các đơn vị nhảy dù tại Đông Dương. Do phải chịu trách nhiệm việc huấn luyện và hình thành các đơn vị được dự kiến theo kế hoạch, tướng Gilles không thể nào làm việc xa Bộ Chỉ huy của ông trong một thời gian dài.

Theo đề nghị của tướng Cogny, tôi chỉ định đại tá De Castries. Về sau, sự lựa chọn này là một chủ đề cho nhiều sự chỉ trích.

Người ta nói tại sao lại lựa chọn một người lính kỵ binh trong khi việc chỉ huy một cứ điểm thường do một người lính bộ binh? Vì cả tôi lẫn tướng Cogny đều không có “đầu óc chuộng hình thức” và đại tá De Castries đối với chúng tôi là con người tốt nhất để bảo vệ Điện Biên Phủ. Chúng tôi chỉ định ông ấy không phải vì “ông là lính kỵ binh” hoặc là “mặc dù ông ấy là lính kỵ binh”.

Người ta hỏi tại sao lại giao cho một đại tá chỉ huy một cứ điểm mà lẽ ra phải giao cho một vị tướng? Là vì ở Đông Dương thiếu rất nhiều sĩ quan cấp tướng (Xem Chương 5), cho nên là chuyện bình thường khi đại tá phải làm nhiệm vụ chỉ huy của một vị tướng - và cũng vì tướng Cogny và tôi đều không có “tư tưởng hình thức”, tinh thần sùng bái sao và vạch.

Dù thế nào đi nữa, tôi luôn giữ quan điểm: cho dù bất cứ ai khác mà tôi có thể chỉ định - dù người đó là tướng và thuộc binh chủng bộ binh - cũng không thể làm tốt hơn đại tá De Castries.

Để tạo điều kiện giúp vị chỉ huy cứ điểm hoàn thành nhiệm vụ phòng thủ, một Bộ Tham mưu cấp sư đoàn được thành lập và đặt dưới quyền chỉ huy của ông. Một bộ phận liên lạc với không quân cũng được hoạt động bên cạnh Bộ Tham mưu này.

Tin tức tình báo dần dần cho biết mức độ quan trọng của các phương tiện đối phương đang di chuyển về phía vùng Thượng du và nỗ lực của Việt Minh về mặt hậu cần đạt đến mức độ chưa bao giờ có.

Ba sư đoàn rưỡi (316-308-312 và một phần của sư 304) đang tiến về phía Tây Bắc. Có các dấu hiệu cho thấy có sự tham gia của sư đoàn nặng 351.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM