Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:10:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đông Dương hấp hối  (Đọc 67726 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2010, 11:41:46 pm »


Chỉ vài ngày trước khi hội nghị Genève kết thúc, chúng ta đã tặng cho đối phương một chiến thắng hoàn toàn miễn phí.

Việc rút ra khỏi vùng phía nam của châu thổ Bắc Bộ, một việc đã bị cả tướng Cogny và tôi chống đối, được thực hiện từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 7, dưới một cái tên là cuộc hành quân “Auvergne” sau khi tôi rời nhiệm sở. Theo sự kể lại của những người thân cận của tướng Cogny - ông ta đã phản kháng mãnh liệt chống lại lệnh này trong một tuần lễ, cuộc hành quân này sau đó đã được tiếp nối bằng các cuộc hành quân khác cũng loại này, nhưng nhỏ hơn trên khắp các vùng lãnh thổ còn lại trong vùng châu thổ, và được kết thúc bằng sự rút quân toàn bộ của chúng ta về vùng Hải Phòng và Hà Nội.

Tất cả các cuộc hành quân nói trên đều được tiến hành một cách thuận lợi nhưng đã tạo ra sự tan rã của rất nhiều đơn vị Việt Nam và một sự di tản trong những điều kiện khủng khiếp nhất của các nhóm dân cư theo đạo Thiên Chúa từ các xứ đạo trong vùng nam châu thổ. Đối phương không thực hiện một hành động nào quan trọng để ngăn trở các cuộc rút quân và trong các trận đánh cho thấy một sự yếu kém rõ ràng so với các đơn vị của chúng ta1. Các trận đánh duy nhất có thể tạo cho chúng ta những khó khăn là trong vùng Phủ Lý. Còn ở tất cả những nơi khác, địch quân đã tiến theo sau các cuộc rút quân của chúng ta nhưng không giao tranh một cách quyết liệt. Điều này cho thấy họ đã hoàn toàn không sẵn sàng cho một cuộc tấn công có thể gây nguy hiểm cho chúng ta trong vùng châu thổ - nhất là ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ.

Trên tất cả những phần lãnh thổ còn lại của Đông Dương, không có một cuộc hành quân lớn nào được thực hiện và những cuộc hành quân diễn ra (nhất là ở Trung và Nam Lào) đều thuận lợi cho chúng ta.

Trên đây là sự tóm tắt ngắn gọn về những diễn biến quân sự, xảy ra trong khoảng thời gian giữa thời điểm tôi ra đi và ngày ký hiệp định đình chiến.

Để biện minh cho sự rút quân này, một dư luận trong giới chính trị cho là do tinh thần của các sĩ quan chỉ huy của binh đoàn Viễn chinh đã bị thiệt hại nghiêm trọng sau sự thất thủ của Điện Biên Phủ tất yếu đã dẫn đến sự rút quân kể trên.

Tôi đã phản ứng mạnh mẽ chống lại những luận cứ này. Tinh thần của các sĩ quan Pháp ở Đông Dương chưa bao giờ được phấn khởi (làm sao họ có thể phấn khởi được khi ta chưa nói cho họ rõ tại sao họ lại phải đi đánh nhau!), nhưng nó lại rất vững. Sau sự thất thủ Điện Biên Phủ, không có một cái gì chứng tỏ là có sự suy sụp tinh thần trầm trọng. Đi khắp Đông Dương vào tháng 5, tôi không thấy ở bất cứ nơi nào có những dấu hiệu đáng báo động, không có một phản ứng nào của bất cứ cấp chỉ huy nào với tôi. Tướng Ely, người đã tiếp xúc nhiều trong thời gian của chuyến công tác từ ngày 18 đến 23 tháng 5, cũng không thấy có một cái gì khác. Chính ông đã phát biểu như vậy.

Trên thực tế cũng có những tiếng râm ran tiếp theo những lá thư của một vài sĩ quan, hạ sĩ quan - và tất cả quân đội đều biết rõ người hay gửi bức thư loại này đến các ngài bộ trưởng hoặc nghị sĩ đều không phải là những cá nhân ưu tú trong quân đội.

Chỉ qua một vài lá thư của kẻ chủ bại mà đánh giá toàn bộ sĩ quan, thì thật là một sự xúc phạm đến họ.
_________________________________________
1. Nhiều bản báo cáo cho thấy sự mệt mỏi của những đơn vị Việt Minh, gồm phần lớn những thương binh mới vừa phục hồi và bộ đội mới vừa được tuyển mộ, huấn luyện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2010, 11:42:21 pm »


***

Có thể người ta sẽ ngạc nhiên khi nghe tôi đánh giá những sự kiện diễn ra sau khi tôi rời nhiệm sở.

Tôi tự cảm thấy được làm như vậy vì những sự kiện nói trên là hậu quả trực tiếp của các quyết định mà tôi đã có ý kiến chính thức chống lại, không chỉ trước khi tôi rời cương vị chỉ huy, mà ngay cả sau khi tôi trở về Pháp, trong những cuộc trao đổi không chính thức - chỉ trong cuộc trao đổi không chính thức, vì tôi không được ai mời làm việc một cách chính thức với những vị chỉ huy quân đội và một số ít chính trị gia đã tiếp tôi.

Tôi đã phát biểu quan điểm của tôi với ngài Tổng thống; với thống chế Juin; với tướng Keonig, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; với ông Jacques Chevalier, Tổng trưởng Bộ Chiến tranh và ông Guy La Chambre, Tổng trưởng phụ trách các Quốc gia Liên kết, để giải thích tại sao người ta không chính thức hỏi ý kiến của tôi, một nhân vật chính trị đã đưa lý lẽ cho thấy quan niệm hết sức lạ lùng của những người nắm quyền trong chính phủ. Lý do như sau: “Việc phải có sự lựa chọn giữa ý kiến của vị chỉ huy mới và cũ là một điều rất là phiền”. Làm trọng tài để phán quyết trong trường hợp này không phải là việc của chính phủ sao?

Nếu như từ ngày 15 tháng 6 năm 1954, tôi không còn được cung cấp các nguồn tin chính thức nữa, thì những “âm vang” đến từ Đông Dương cũng quá đủ đề cho phép tôi có được sự đánh giá tình hình một cách đầy đủ.

Từ những “âm vang” trên, tôi đã loại bỏ tất cả những gì có tính cách thái quá, như một thông tin (đến từ một nguồn được phép hẳn hoi) qua đó cho biết các lực lượng Việt Minh do đã quá mệt mỏi sau chiến dịch Điện Biên Phủ, nên sẽ “không thể đứng vững” trước một cuộc tiến công rộng lớn Pháp - Việt; hoặc một vài tuyên bố của tướng Cogny khẳng định ông có thể tiếp tục được cuộc chiến ở Bắc Bộ “và đi đến chiến thắng”.

Tôi cũng không nói tới quan điểm của nhiều sĩ quan, mà tôi cho là rất nghiêm túc, về khả năng của chúng ta có thể gây cho Việt Minh một trận thảm bại vào tháng 10, trước khi họ có thể xây dựng lại Binh đoàn Tác chiến của họ.

Tôi chỉ bàn đến những nguồn tin chắc chắn, chỉ liệt kê những tin chính.

Trong một chuyến công tác đến Bắc Bộ vào mùa thu năm 1954, ông Guy la Chambre, Tổng trưởng phụ trách các Quốc gia Liên kết đã chất vấn nhiều vị chỉ huy trưởng các binh đội cơ động và khu vực. Gần như tất cả đều phát biểu quan điểm là chúng ta vẫn có thể hoàn toàn tiếp tục bảo vệ tất cả vùng châu thổ.

Trong một bản báo cáo về những cuộc hành quân trong vùng châu thổ, từ khi thất thủ Điện Biên Phủ cho đến khi ngưng bắn, tướng Cogny đã xác nhận quân đội ta thường tinh nhuệ hơn lực lượng Việt Minh và ít nhất là có thể giữ được Bắc Bộ cho đến mùa thu.

Nhiều vị tư lệnh các binh đội cơ động và các khu vực ở Bắc Bộ đã viết thư cho tôi và cho biết, từ khi Điện Biên Phủ thất thủ cho đến khi cuộc chiến kết thúc, họ đã nhận thấy có sự đuối sức của các lực lượng Việt Minh ở khắp nơi và gần như các lực lượng này bị đánh bại trong tất cả các trận giao tranh.

Chúng ta còn nắm được là từ khi Điện Biên Phủ thất thủ đến khi ký hiệp định Genève, Việt Minh đã rút ra khỏi vùng châu thổ số quân nhiều hơn là số họ đã đưa vào để tạo điều kiện cho quân lính của họ được nghỉ ngơi. Đây là một dấu hiệu cho thấy họ không có ý đồ tấn công.

Mặt khác, qua những tài liệu đáng tin cậy, tôi cũng được biết là “các sư đoàn của Việt Minh đã bị suy yếu rất nhiều sau chiến dịch Điện Biên Phủ, không có khả năng tấn công”, “Bộ Chỉ huy Việt Minh không có kế hoạch khai thác ngay lập tức chiến thắng Điện Biên Phủ”, (lý do là phải có thời gian để Binh đoàn Tác chiến trở lại vị trí chiến đấu và sự mệt mỏi của bộ đội); “một chiến dịch lớn chỉ được dự kiến vào mùa thu năm 1954, trong trường hợp hội nghị Genève thất bại”.

Cuối cùng, thông qua nhiều nguồn tin chắc chắn, tôi được biết những thành viên quan trọng của Bộ Chỉ huy tối cao Việt Minh đã tuyên bố với các sĩ quan của Ủy ban Đình chiến là họ không có dự kiến mở bất cứ một cuộc tiến công nào vào mùa hè năm 1954.

Dựa trên nguồn thông tin trên đây, phù hợp hoàn toàn với những gì tôi đã biết về tình hình và những khả năng của Việt Minh vào thời điểm tôi rời Đông Dương, tôi cho là tôi có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Quan điểm này như sau: Khác với những sự khẳng định của bộ máy tuyên truyền chính thức, binh đoàn Viễn chinh Pháp không hề ở trong tình trạng hiểm nghèo từ sau trận Điện Biên Phủ. Tuyệt đối không có gì bắt buộc phải tiến hành những cuộc rút lui vội vã như ta đã làm. Ngay khi hội nghị Genève đang họp, dù chẳng có lý do chính đáng nào, chúng ta đã bỏ đi phần quan trọng nhất những con ách chủ bài quân sự mà ta đang có trong tay. Lịch sử của chúng ta hiếm khi phải chứng kiến một trường hợp sụt giảm ý chí tới mức đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2010, 11:59:48 pm »


CHƯƠNG IX
CUỘC NGỪNG BẮN


Trước khi chủ nghĩa Cộng sản tràn đến biên giới Đông Dương, ta chỉ nghĩ rằng cuộc chiến sẽ được kết thúc bằng một sự quy hàng của “bọn phản loạn”.

Chúng ta đã phải dần dần xét lại quan điểm này. Việt Minh, với sự giúp đỡ của Trung Quốc trở thành một đối thủ ngày càng khủng khiếp, mà ta ngày càng cảm thấy phải nhượng bộ. Mặt khác, việc ta trao trả dần độc lập cho các Quốc gia Liên kết đã tạo điều kiện cho họ cũng có tiếng nói trong vấn đề này, thế nhưng quan điểm của họ về hòa bình khác với chúng ta. Và cuối cùng từ khi nước Mỹ bắt đầu cung cấp viện trợ cho ta thì họ giành quyền phải được tham khảo. Việc tái lập hòa bình trở thành một vấn đề phức tạp với nhiều phương án. Nó đã không được nghiên cứu một cách tường tận.

Vì thế, khi tôi nắm quyền chỉ huy quân đội tại Đông Dương vào đầu mùa hè năm 1953, nước Pháp vẫn không có một ý niệm nào về cách kết thúc cuộc chiến tranh cũng như họ đã không có kế hoạch cho cuộc chiến này.

Về phía đối phương thì tình hình hoàn toàn khác.

Đối với Việt Minh, mục tiêu của họ là một chiến thắng toàn diện, mang lại một nền độc lập hoàn toàn cho nước Việt Nam và sự đánh đuổi người Pháp với tư cách là những kẻ thống trị ra khỏi Đông Dương. Nhưng do ý thức được khó khăn nếu tồn tại trong cô lập, và lo ngại nếu chỉ có chỗ dựa duy nhất là Trung Quốc mà đầu óc bành trướng khiến họ lo sợ. Việt Minh cũng không loại bỏ việc tồn tại, ít nhất một thời gian trong khối Liên hiệp Pháp, nhưng chỉ với các mối liên hệ lỏng lẻo về kinh tế và văn hóa.

Trung thành với học thuyết của Chủ nghĩa Cộng sản, theo đó chiến tranh là một cuộc vận động tổng lực bao gồm sự kết hợp chặt chẽ giữa đường lối chính trị và chiến lược quân sự song song với việc tìm kiếm thắng lợi bằng vũ lực, Việt Minh luôn để ý và tranh thủ bất cứ một cơ hội chính trị nào có thể tạo điều kiện cho họ đạt được mục đích.

Trước mùa hè năm 1953, Việt Minh dự kiến sẽ đạt được thắng lợi trong cuộc chiến trước 1955 hoặc 1956. Về mặt quân sự họ dự kiến sẽ cần thêm một hai năm để Binh đoàn Tác chiến của họ, với sự giúp đỡ của Trung Quốc theo một nhịp độ như những năm vừa qua, có thể tung ra một cuộc tấn công đủ mạnh đẩy các lực lượng của chúng ta vào chỗ nguy hiểm nghiêm trọng. Về mặt chính trị, các điều kiện cũng chưa cho phép họ có hy vọng đạt được thành quả tức thì. Dư luận nước ta ngày càng có vẻ mệt mỏi vì cuộc chiến này, nhưng chưa tỏ ra chín mùi cho một nền hòa bình buông xuôi.

Bất ngờ, vào mùa thu năm 1953, có các dấu hiệu cho thấy có một sự điều chỉnh sâu sắc trong quan điểm của chính Phủ Việt Minh. Việc thay đổi kế hoạch các cuộc hành quân (xem Chương 6) là dấu hiệu của sự điều chỉnh này. Nó xuất hiện vào đầu tháng 11. Vài ngày sau đó, tờ báo Thụy Điển Expressen cho đăng những lời tuyên bố gây nhiều tiếng vang của ông Hồ Chí Minh. Qua cơ hội này, ông Hồ Chí Minh đã xuất hiện trở lại công khai sau một thời gian rút vào bí mật, và có một lập trường hoàn toàn mới: ông tỏ ra ủng hộ việc đạt đến một nền hòa bình qua thương lượng trực tiếp với nước Pháp. Trong những tuần lễ tiếp theo, sự chuyển hướng này càng được thể hiện rõ hơn qua các buổi phát thanh của đài Việt Minh. Một số buổi phát thanh của các đài Mátxcơva và Bắc Kinh cũng cho thấy lập trường này được sự thống nhất của Trung Quốc và Liên Xô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 12:03:13 am »


***

Lý do nào khiến cho các nhà lãnh đạo Việt Minh tin tưởng là họ có thể đạt được hoà bình trong một thời gian ngắn thông qua những cuộc thương lượng mà họ đã chủ động khởi xướng?

Có một số lý do mang tính cách quân sự. Việc thực hiện “Kế hoạch Navarre”, một kế hoạch mà báo chí Pháp và Mỹ quảng cáo một cách rầm rộ tạo ra một sự lo ngại sâu sắc về phía đối phương. Sự lo ngại này được thể hiện qua các buổi phát thanh của đài Việt Minh, cũng như qua thông tin tình báo ta nắm được. Việc nắm lại thế chủ động của chúng ta trong nhiều cuộc hành quân mùa hè năm 1953, nhất là trong vùng Lạng Sơn, sức bật mới của các lực lượng Quân đội Liên hiệp; việc hình thành binh đoàn tác chiến của chúng ta, nhất là cảm nghĩ của đối phương cho rằng chúng ta từ nay điều hành chiến tranh theo một kế hoạch chặt chẽ làm cho các nhà lãnh đạo Việt Minh cảm thấy ưu thế quân sự mà họ đang có sẽ sớm bị đuổi kịp và chiến thắng có thể vuột khỏi tầm tay họ.

Chắc chắn là qua rất nhiều sự rò rỉ tin tức mà họ nắm được họ đi đến kết luận là cuộc chiến vào giai đoạn 1953-1954 sẽ tạo ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn, nhưng nếu chúng ta vượt qua được giai đoạn nguy hiểm đó, thì khả năng của chúng ta trong giai đoạn kế tiếp sẽ gia tăng một cách mạnh mẽ.

Họ có thể nhận định rằng, đứng về quan điểm quân sự, họ sẽ có được nhiều thuận lợi nếu thực hiện đòn quyết định ngay trong năm này.

Cho dù lý do quân sự rất là quan trọng, nhưng lý do quyết định lại là lý do về mặt chính trị.

Lý do chính và chắc chắn là Việt Minh trong mùa hè năm 1953 biết ro được mức độ chống đối của dư luận quần chúng và quan trọng hơn nữa là sự chống đối của Quốc hội Pháp đối với cuộc chiến tranh Đông Dương (xem Chương 4).

Một lý do chính yếu khác là các nhà lãnh đạo Việt Minh nắm được những điều kiện do “tuyên bố ngày 3 tháng bảy” quy định cho các cuộc trao đổi giữa Pháp và các Quốc gia Liên kết về việc thực hiện sự trao trả độc lập đã được thống nhất trên nguyên tắc cho các nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Chắc chắn là một giai đoạn tế nhị sẽ diễn ra trong mối liên hệ giữa Pháp và ba quốc gia kể trên. Dự kiến sẽ có rất nhiều mâu thuẫn giữa luận điểm của người Pháp muốn giữ lại - ít nhất là trong thời gian còn chiến tranh - một phần quan trọng các sự ràng buộc đối với nền độc lập và luận điểm của các Quốc gia Liên kết muốn có một nền độc lập hoàn toàn và ngay lập tức. Sự căng thẳng nghiêm trọng xuất hiện vào mùa hè năm 1953, trong các mối quan hệ giữa Pháp và Campuchia là một ấn tượng ban đầu mà chúng ta có thể chờ đợi sẽ diễn ra với các quốc gia khác, đặc biệt là ở Việt Nam. Các biểu thị chống Pháp tại Quốc hội Việt Nam vào giữa tháng 10 cũng là một dấu hiệu báo trước cho những khó khăn nói trên1.

Do đó, Việt Minh có thể hy vọng rằng một tình hình rối ren kéo dài trong nhiều tháng ở Đông Dương, sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực chiến tranh của các Quốc gia Liên kết. Mặt khác, chắc họ cũng phải nghĩ rằng một khi vượt qua cuộc khủng hoảng đó, các quốc gia này - và nhất là Việt Nam - sẽ tìm được trong ý thức về nền độc lập vừa đạt được, một sức mạnh để tiến hành một cách nghiêm túc cuộc chiến tranh.
_______________________________________
1. Ta có thể nhớ lại vào các ngày 15 và 16 tháng 10 năm 1953, “Quốc hội Việt Nam” họp tại Sài Gòn đã thông qua kiến nghị khẳng định ý muốn của Việt Nam không gia nhập khối Liên hiệp Pháp trong khuôn khổ quy định của bản Hiến pháp chúng ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 12:09:30 am »


Tất cả diễn biến của tình hình cho thấy là vào cuối năm 1953, và trong quý 1 năm 1954, phía chúng ta gặp nhiều khó khăn - trên cả hai lĩnh vực chính trị và quân sự, nhưng một khi sự khủng hoảng đó được vượt qua, thì tình hình sẽ được củng cố.

Hơn nữa các nhà lãnh đạo Việt Minh nhận thấy việc kéo dài cuộc chiến tranh sẽ làm cho sự can dự của Trung Quốc ngày càng sâu hơn vào Việt Nam, vì họ phải yêu cầu một sự viện trợ rất lớn, lâu dài hơn và sự bác bỏ hoàn toàn sự hiện diện của nước Pháp có nguy cơ đặt nước Việt Nam dưới sự bảo hộ của một ngoại bang khác nặng nề hơn chúng ta rất nhiều.

Từ tất cả những yếu tố chính trị và quân sự trên đây, Việt Minh đi đến quyết định tìm kiếm ngay từ năm 1954 một giải pháp cho cuộc đối đầu thông qua các cuộc thương thuyết. Lợi ích sâu xa của họ là chấm dứt cuộc xung đột, và do ý thức được các điều kiện họ đang có là hoàn toàn thuận lợi hơn chúng ta về mặt tuyên truyền và hoạt động chính trị, nên họ có nhiều lý do để tin tưởng sẽ chiến thắng trong các cuộc thương lượng để đạt tới hòa bình1.

Một cơ hội đã xuất hiện. Phải tranh thủ nó một cách tối đa. Sự thay đổi kế hoạch quân sự và những lời tuyên bố của ông Hồ Chí Minh với tờ báo Expressen đã đánh dấu một bước đầu cho hướng đi này.

Phản ứng chính thức của Chính phủ Pháp là một sự từ chối, được che đậy dưới một sự đồng ý trên nguyên tắc bao gồm những điều kiện không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên chẳng có ai không biết điều “bí mật” này: các thành viên chính phủ không thống nhất với nhau về các điều kiện bắt đầu các cuộc thương lượng, và có một số bộ trưởng nghiêng về phương án tiếp xúc nhanh chóng với đối phương. Trong những người có quan điểm nói trên, có ông Paul Reynaud, Phó thủ tướng và ông Marc Jacquet, Tổng trưởng phụ trách các Quốc gia Liên kết. Quan điểm của các vị này đối lập hoàn toàn với quan điểm của ông Georges Bidault, Bộ trưởng Ngoại giao.

Phản ứng của dư luận và phản ứng của giới chính trị là khẳng định rằng việc tái lập hòa bình là một điều có thể làm được đúng y như những gì Việt Minh đã nói.

Một sự lo lắng lớn được nhận thấy trong giới lãnh đạo các Quốc gia Liên kết. Họ đang lo sợ về một sự “bỏ rơi” của nước Pháp.

Chính trong không khí như vậy mà Việt Minh phát động một kế hoạch hành động về mặt chính trị và quân sự, với sự chủ động hết sức xuất sắc.

Về mặt quân sự, kế hoạch hành động này nhằm mục đích đặt chúng ta vào một tình thế khó khăn nhất mà họ biết rất rõ: việc phòng thủ nước Lào. Họ chỉ cho chúng ta có hai sự lựa chọn, mà cả hai đều hết sức nguy hiểm: hoặc chúng ta bảo vệ cho đồng minh Lào và chấp nhận một sự phiêu lưu đầy nguy hiểm, hoặc là bỏ mặc đồng minh này và chấp nhận cái chết ngay từ trong trứng nước của khối Liên hiệp Pháp.

Trên mặt trận chính trị, kế hoạch hành động của Việt Minh được xây dựng trên cơ sở tuyên truyền nhằm hủy hoại tinh thần của nước Pháp và các Quốc gia Liên kết.

Đối với dư luận Pháp, chương trình hành động này được tiến hành thông qua các tổ chức Cộng sản hoặc có cảm tình với Cộng sản với những khẩu hiệu quen thuộc như: sự vô ích của chiến tranh, sự mất mát về mặt tiền bạc và mạng sống của con người, những sự hy sinh vô ích hay là “chỉ có lợi cho người Mỹ”... Mặt khác, người ta cũng cho rằng một nền hòa bình có được vẫn cho phép người Pháp duy trì sự có mặt của mình ở Đông Dương về mặt văn hóa, kinh tế và có thể về cả chính trị nữa: quyền lợi của Pháp vẫn được bảo tồn, tại sao lại phải tiếp tục cuộc chiến? Chiến dịch hành động này đã có một tác động mạnh mẽ vì lý lẽ họ đưa ra không hoàn toàn là sai. Chiến dịch còn được sự đồng tình của nhiều giới chính trị, sẵn sàng lên nắm quyền lực trả giá bằng một nền hòa bình đạt được bằng sự từ bỏ cuộc chiến.

Đối với các Quốc gia Liên kết, Việt Minh muốn chứng minh cho thấy là hòa bình sẽ mang lại nền độc lập hoàn toàn cùng với sự ra đi của người Pháp, vả lại dù sao thì người Pháp cũng đang chuẩn bị bỏ cuộc và thương thuyết với Việt Minh. Quân đội Việt Nam là mục tiêu chính của sự tuyên truyền này.

Chiến dịch này càng được nhiều thuận lợi hơn vì Việt Minh biết rất rõ về những lá bài của chúng ta, trong khi ta không biết gì về các lá bài của họ.
______________________________________
1. Trong một lá thư đề ngày 1 thánh giêng năm 1954, tôi đã báo cáo với Chính phủ suy nghĩ của tôi là Việt Minh đang tìm kiếm “một nền hòa bình qua thương thuyết” và để đạt được mục đích này, họ muốn có “một lá bài quân sự thuận lợi cho họ, bằng cách dự kiến cắt Đông Dương ra làm hai tại vĩ tuyến thứ 16 hay thứ 17. Đây một giải pháp tạm thời trong khi chờ đợi một giải pháp thuận lợi hơn cho vấn đề Đông Dương”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 12:10:09 am »


***

Để đối phó với một cuộc chơi được tính toán rất kỹ như vậy của Việt Minh, chính sách của chúng ta tỏ ra hết sức ngập ngừng. Các nhà lãnh đạo rất sợ các cuộc thương thuyết, nhưng lại cảm thấy bắt buộc phải tham dự vào một ngày nào đó, vì dư luận quần chúng sẽ không bao giờ chịu chấp nhận một sự bác bỏ các đề nghị của Việt Minh mà không có những cuộc thương lượng.

Chúng ta phải làm thế nào để bắt đầu những cuộc thương lượng này mà không có quá nhiều nguy hiểm? Có nên chăng nói chuyện trực tiếp với đối phương, hoặc là nên giải quyết vấn đề Đông Dương trong khuôn khổ của một sự thương lượng rộng lớn về các vấn đề của vùng Viễn Đông?

Phương pháp thứ nhất chắc chắn có những điểm thuận lợi.

Chắc chắn là không có chuyện nước Pháp thương lượng trực tiếp với Việt Minh mà không có sự đồng ý và tham dự của Chính phủ Quốc gia Việt Nam, một chính phủ mà nước Pháp đã hỗ trợ và không thể phản bội được. Nếu có thể đưa được Chính phủ này vào quá trình thương thuyết, chắc chắn đây là giải pháp tốt nhất vừa cho Pháp, vừa cho Việt Nam.

Đối với Việt Nam, đây là phương cách chắc chắn nhất để củng cố lại sự thống nhất của họ.

Còn đối với nước Pháp, chúng ta có thể lấy lại được uy tín bằng cách thủ vai trọng tài giữa hai phe kình địch nhau. Chúng ta cũng có thể lấy lại được một ảnh hưởng để có thể giữ được sự hiện diện của nước Pháp trong một nước Việt Nam thống nhất mà chắc chắn sẽ cần đến chúng ta.

Một trong những ưu điểm rất lớn của các cuộc thương thuyết trực tiếp là khả năng chúng được tiến hành với một sự kín đáo tương đối, nghĩa là chỉ có một khả năng tối thiểu tác động đến tinh thần của dân chúng và nhất là của quân đội.

Đối mặt với nhưng thuận lợi nói trên, việc thương thuyết trực tiếp cũng có khó khăn rất rõ ràng.

Khó khăn đầu tiên có tính cách tinh thần và pháp lý. Khi nói chuyện với Việt Minh, nước Pháp đã rời bỏ vị thế không biết bao lần được khẳng định từ đầu cuộc chiến: chúng ta sẽ không bao giờ thương thuyết với một “kẻ phản loạn”. Nhưng “kẻ phản loạn” đó không còn chiến đấu chống lại chúng ta, vì chúng ta đã nhìn nhận nền độc lập của nước Việt Nam. Bây giờ, họ chỉ chống lại Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Vì vậy chính phủ này mới là người thương thuyết với Việt Minh. Nhưng Việt Minh từ chối thương thuyết với chế độ Bảo Đại, vì họ không thừa nhận tính cách hợp pháp của chế độ này và họ cho là họ mới là người đại diện hợp pháp của nước Việt Nam. Còn chính phủ Việt Nam thì không muốn đi vào con đường có thể xét lại tính cách hợp pháp của họ.

Tuy nhiên đây không phải là trở ngại chính. Trở ngại chính đến từ người Mỹ. Đối với người Mỹ, cuộc chiến tranh Đông Dương chỉ là một mặt của cuộc chiến toàn diện chống lại Chủ nghĩa Cộng sản. Nếu chúng ta ngừng cuộc chiến này lại bằng những cuộc thương thuyết với Việt Minh, mà không có Mỹ tham dự thì ta sẽ bị tố cáo là kẻ đào ngũ khỏi khối phương Tây và chạy về với đối phương. Nếu chúng ta không đạt được thắng lợi hoàn toàn - vì họ không đòi hỏi ta làm chuyện mà họ cũng không làm được trong trận chiến Triều Tiên tuy có phương tiện hơn hẳn chúng ta - giải pháp duy nhất có thể làm vừa lòng họ là một sự “chia cắt” theo kiểu “Triều Tiên”, để lại cho họ ở phía nam Đông Dương một vùng giúp họ duy trì được những căn cứ cần thiết cho chiến lược vùng Viễn Đông của họ. Chắc chắn không thể có một giải pháp theo kiểu này trong một hiệp định ký trực tiếp với Việt Minh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 12:10:28 am »


Để có thể tiến tới những cuộc thương lượng trực tiếp, chúng ta phải có một chính sách ngoại giao đối phó với người Mỹ, để cho họ hiểu rằng nước Pháp không sẵn sàng đóng vai con bài của Mỹ và chịu thiệt thòi trên khắp thế giới. Khốn nỗi, nền ngoại giao của chúng ta lại không theo hướng đó mà cho rằng ta chẳng có cách nào khác hơn là “bám chặt” vào đường lối chính trị của Mỹ, ở bất cứ đâu.

Do đó, ngay lập tức chúng ta bắt buộc phải chấp nhận một hội nghị quốc tế, nơi ta sẽ được “sự hỗ trợ” - đúng hơn là một sự dám sát chặt chẽ - của các nhà ngoại giao Mỹ.

Những điểm bất lợi của một hội nghị như vậy có thể được nhận thấy ngay.

Chắc chắn là cuộc thương thuyết sẽ gây ấn tượng rất mạnh, không thuận lợi cho việc theo đuổi chiến tranh, vì nó sẽ tạo ra một ảnh hưởng không tốt đối với tinh thần binh sĩ của ta, khuyến khích Việt Minh tìm kiếm một “lá bài” quân sự thuận lợi cho họ, và tạo cơ hội cho họ đẩy mạnh việc tuyên truyền lên mức tối đa.

Chúng ta sẽ không có một sự tự do nào để hành động, và phải quan tâm đến ý muốn của người Mỹ nhiều hơn là quyền lợi của chính chúng ta. Trong trường hợp ta có những quan điểm khác biệt với Chính phủ Quốc gia Việt Nam, thì họ sẽ dựa vào người Mỹ để chống lại ta. Bên cạnh ảnh hưởng của người Mỹ - mà ta có thể được lý giải được trong một phạm vi nào đó, vì họ thật sự có giúp đỡ chúng ta - chúng ta cũng phải quan tâm đến ảnh hưởng của nước Anh, tuy nước này không đóng góp gì cho cuộc chiến. Và cuối cùng sau lưng Việt Minh là Trung Quốc và Liên Xô, có thể tạo ra những sức ép không thuận lợi cho Việt Minh thỏa hiệp với ta.

Nhưng các nhà ngoại giao của chúng ta chỉ thấy có thuận lợi - hoặc những cái họ cho là thuận lợi.

Các nhà ngoại giao của ta cho rằng sự hỗ trợ của Anh và Mỹ sẽ giúp chúng ta vượt qua được các trở ngại, mà Nga và Trung Quốc có thể dựng lên trong các cuộc đàm phán.

Họ nghĩ có khả năng thuyết phục được Trung Quốc bỏ rơi Việt Minh, để đổi lấy một số nhượng bộ từ khối chúng ta. Đây là “ý tưởng” lớn của Bộ Ngoại giao, nơi nói rất nhiều đến vụ Tito bỏ rơi người Hi Lạp nổi loạn. Nhưng họ quên rằng điều kiện rất khác xa. Tito bỏ rơi Marcos vì chính ông ta đã bị phe Xô Viết khai trừ.

Không có một sự tương tự nào như vậy đối với Trung Quốc. Đối với những sự thuận lợi mà phương Tây có thể trao cho Trung Quốc - như là việc công nhận chính quyền của họ, bỏ đi các hạn chế về trao đổi thương mại - tùy thuộc nhiều vào nước Anh và nhất là nước Mỹ, lúc này chưa quan tâm lắm đến việc đi vào con đường này.

Trên thực tế, điểm thuận lợi cơ bản mà nền ngoại giao của chúng ta có được khi dự một hội nghị quốc tế là ta không đụng chạm đến nước Mỹ và vẫn nằm trong cái rờ-moọc của họ.

Nói tóm lại là ngay sau những đề nghị của ông Hồ Chí Minh, lập trường của chính phủ Pháp, hay ít ra cũng là thái độ duy nhất mà chính phủ có thể có trong tình trạng các thành viên đang hục hoặc với nhau, là làm thế nào lẩn tránh tối đa các cuộc thương thuyết, và trong trường hợp không thể né tránh được nữa, thì chỉ nên chấp nhận một hội nghị quốc tế. Thế nhưng thái độ này không phải là thái độ của một bộ phận dư luận ngày càng đông hơn, đòi hỏi phải có những cuộc đối thoại trực tiếp và ngay lập tức đối với những đề nghị của ông Hồ Chí Minh.

Thế là, để đối lại với một đối thủ có chương trình hành động rõ ràng, vừa cùng một lúc nhắm đến những chiến thắng quân sự vang dội, vừa tạo một sức ép về mặt chính trị buộc chúng ta phải thương thuyết, chúng ta lại rơi vào tình thế chênh vênh nguy hiểm, cả về mặt quân sự - chúng ta đang vướng vào một thế trận rất khó khăn - lẫn về mặt chính trị khi mà thái độ chúng ta thiếu sự rõ ràng và không được ủng hộ của một bộ phận quan trọng của dư luận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #137 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 12:10:56 am »


***

Sách lược chính trị - quân sự của Việt Minh được triển khai vào các tháng 11, 12 và tháng giêng. Chúng ta đã biết là chiến dịch quân sự của Việt Minh gần như đã bị chặn lại vào khoảng 15 tháng 2. Sau những thành công ban đầu, cuộc tấn công của họ vào miền Trung Lào bị chặn lại tại ngưỡng cửa Séno, thậm chí phải rút lui. Còn hướng tấn công chính vào vùng Thượng Lào bị chặn lại tại Luang Prabang, Mường Sài và Điện Biên Phủ.

Chúng ta có thể mong đợi là sau cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ, vì các lý do về “danh dự”, địch quân sẽ không dừng lại ở đấy. Nhưng chúng ta biết là phương tiện của họ sẽ không cho phép họ tiến hành ý định này, và do mùa mưa sắp đến, họ phải chậm lại rồi ngừng hẳn các cuộc hành quân. Như thế là chúng ta cầm chân được đối phương trên chiến trường, đó cũng là mục đích của cuộc chiến 1953-1954. Việc này sẽ tạo điều kiện cho chúng ta tổ chức lại các lực lượng trong mùa hè cho cuộc chiến vào năm sau.

Sách lược về mặt chính trị của Việt Minh ngược lại đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Ở Pháp, xu hướng chấp nhận việc thương thuyết đạt được các bước đi dài và chính phủ ngày càng cảm thấy dư luận quần chúng bắt buộc họ “phải làm một cái gì đó”.

Tình trạng này tạo ra một hậu quả xấu ở Đông Dương. Các Chính phủ Liên hiệp trở nên lo lắng hơn - nhất là ở Việt Nam - họ tự hỏi không biết chúng ta có bỏ rơi họ không. Sự lo lắng này tạo cớ cho họ né tránh các nỗ lực chiến tranh. Nhưng cuộc thảo luận để thực hiện tuyên bố ngày 3 tháng 7 diễn trong một không khí hoàn toàn bị đầu độc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #138 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 12:12:05 am »


***

Vào giữa tháng 2, hội nghị Berlin được mở ra và trong dịp này, nền ngoại giao của ta có một sáng kiến hết sức thảm hại, tạo điều kiện cho Việt Minh đạt đến chiến thắng.

Vì nhận thấy là không thể cứ tiếp tục né tránh thương lượng, và lúc nào cũng muốn tránh những cuộc thương thuyết trực tiếp, ngành ngoại giao chúng ta chấp nhận các cuộc thương thuyết diễn ra trong một khuôn khổ quốc tế theo sự lựa chọn của ta.

Thông qua ông Pléven vào lúc ấy đang có mặt ở Việt Nam, tôi biết rằng Chính phủ quyết định chấp nhận nguyên tắc của một hội nghị về vùng Viễn Đông, trong có bàn vấn đề Đông Dương.

Ai sẽ tham dự hội nghị này? Hình như ông Pléven không nghĩ là sự có mặt của Việt Minh sẽ được đề cập. Ông cho rằng cùng lắm là có mặt của Trung Quốc.

Và thời gian hội nghị sẽ kéo dài bao lâu? Ông có vẻ như cũng không biết và tôi có cảm tưởng như ông cho là hội nghị chỉ kéo dài vài ngày thôi, với một phạm vi không rộng lắm. Chúng ta đến đó tham dự để chỉ làm vui lòng dư luận quần chúng và chứng tỏ họ thấy là không thể có được một nền hòa bình trong danh dự vào lúc này.

Chuyện này có phù hợp với thực tế không? Một hội nghị như hội nghị Genève diễn ra sau đó, được giới thẩm quyền ngoại giao của ta dự kiến hay do giới ngoại giao của chúng ta vì muốn có một hội nghị ngắn và hạn chế đã bị đối phương gài thế và lôi cuốn vào một hội nghị có một tầm cỡ rộng lớn? Hình như là ông Bidault, khi đến hội nghị Berlin đã quyết định chỉ chấp nhận một hội nghị hạn chế, không có mặt của Trung Quốc và nhất là không có mặt của Việt Minh, nhưng do sức ép của chính phủ đang chịu ảnh hưởng của Paul Reynaud trong thời gian ông vắng mặt. Do đó, ông Bidault đã bất đắc dĩ đi theo một con đường tai hại dẫn đến hội nghị Genève. Đã thế, người ta còn coi đây là một thắng lợi của ngành ngoại giao nước ta và các đảng phái chính trị đã tranh nhau vinh dự “gầy dựng” được hội nghị này. Vô ý thức đến thế là cùng!

Tôi không hề được biết một chút gì. Không khi nào, người ta hỏi ý kiến tôi về các hậu quả có thể có trên lĩnh vực quân sự cũng như các phương cách để đối phó.

Chỉ vào tháng 3 tôi mới biết - tôi không nghĩ là ông Tổng ủy có thể biết được trước tôi - một cách chính xác về hội nghị Genève: sự có mặt của Việt Minh, phạm vi và tính cách rộng lớn của hội nghị, và cuối cùng là thời gian kéo dài của các cuộc thương thuyết. Những sự phản đối quyết liệt của tôi1 đã là quá trễ để có thể có tác dụng.

Ngược lại Việt Minh đã nắm được rất chính xác các tin tức về một sự kiện hoàn toàn theo ý muốn của họ. Họ đã đạt mục đích của họ. Hòa bình chỉ còn tuỳ thuộc vào họ. Thật vậy chúng ta biết rõ là khi đã tham dự một hội nghị đông đảo như vậy với sự có mặt của hàng chục nhà ngoại giao cùng với hàng trăm nhà báo, thì không một chính phủ Pháp nào không thể chấp nhận những “giải pháp hòa bình” được đề nghị - nhất là những đề nghị này lại được đưa cùng lúc một quả đấm quân sự gây nên thất bại đầy ấn tượng của chúng ta trên chiến trường, làm tan vỡ cả tinh thần của người Pháp.

Còn về phía chúng ta, sự ngây ngô kỳ lạ của ta đã được thể hiện trong bài diễn văn ông Bidault đọc vào ngày 9 tháng 5, qua đó ông nhấn mạnh là chiến dịch Điện Biên Phủ đã được bắt đầu sau khi hai bên có quyết định họp hội nghị ở Genève, ông còn nói thêm: “Theo lẽ bình thường, đáng lý triển vọng này đã làm im tiếng súng”. Nhưng than ôi nó đã làm cho súng nổ thêm. Chúng ta đã cúi đầu lủi vào cái bẫy.
_________________________________________
1. Trong một bức điện tín, tôi đã đánh giá quyết định tổ chức một hội nghị tầm cỡ như vậy vào giữa lúc chiến cuộc đang diễn ra là một quyết định “thảm hại”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #139 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 12:13:11 am »


***

Thời kỳ giữa cuối hội nghị Berlin (18 tháng 2) và sự bắt đầu của hội nghị Genève (26 tháng 4) ta chứng kiến các nỗ lực to lớn của Việt Minh trên mọi lĩnh vực.

Ngày 20 tháng 2, Bộ Chỉ huy tối cao Việt Minh đã làm mọi khả năng có được để đưa chiến tranh lên đỉnh điểm: một cuộc tổng tiến công trên tất cả các mặt trận bắt đầu từ ngày 15 tháng 3, với nỗ lực chính dồn về Điện Biên Phủ; chấp nhận thiệt hại nặng nề và các biện pháp khắc nghiệt để đối phó; chuẩn bị tư thế cho một cuộc chiến kéo dài thậm chí qua mùa mưa; đặt các yêu cầu cho sự chi viện ồ ạt từ phía Trung Quốc - tất cả những nỗ lực này được Bộ Chỉ huy Việt Minh thể hiện trong các văn bản lệnh của họ là “nhằm mục đích gây sức ép lên hội nghị”.

Nỗ lực của Việt Minh về mặt chính trị cũng không kém phần mạnh mẽ.

Ở Pháp, tất cả các khả năng của sự tuyên truyền và phản bội đã được sử dụng để tạo ra trong dư luận một suy nghĩ rằng hội nghị Genève sẽ bắt buộc phải đem lại hòa bình, một nền hòa bình bằng mọi giá. Một chiến dịch của chủ bại, bắt đầu từ giới báo chí ở Hà Nội, với cường độ được tăng thêm với sự xấu đi của tình hình tại Điện Biên Phủ, phối hợp các tác động có tính cách hủy hoại của nó với sự tuyên truyền của Việt Minh. Các cuộc tiếp xúc sơ bộ đã bắt đầu diễn ra tại Paris và Thụy Sĩ, giữa các sứ giả của Việt Minh và những người Pháp đòi hỏi hoà bình bằng mọi giá, qua đó người ta chuẩn bị một cách hăng say việc nắm quyền hành.

Ở Việt Nam, một “sự nhồi sọ” với cường độ ngày càng tăng được nhắm vào dân chúng và quân đội. Sự tuyên truyền này nhằm mục đích chỉ rõ thắng lợi chắc chắn của Việt Minh, nước Pháp sẽ bỏ rơi đất nước này, những việc làm tốt đẹp của chính quyền nhân dân, cùng với sự “trả thù” chắc chắn chống lại những ai trở về với họ. Các nỗ lực này chủ yếu được nhắm vào quân đội Việt Nam, vừa nhắm vào các cá nhân, và nhất là các sĩ quan được khuyến khích đào ngũ và trở về với lực lượng của Việt Minh, vừa nhắm vào các đơn vị. Họ được hứa sẽ được sáp nhập vào Quân đội Nhân dân, nếu họ rời bỏ hàng loạt Quân đội Quốc gia. Những lời hứa này cũng được kèm theo những lời đe dọa nặng nề, trong trường hợp binh lính quốc gia không nghe theo. Tôi đã có nói qua về những sự tác hại của các chiến dịch vận động như thế này.

Về phía ta, chúng ta đi đến hội nghị mà không có một sự chuẩn bị nào.

Quyết định đầu tiên cần có là xác định lập trường của chúng ta về cách thức mà ta mong muốn chấm dứt cuộc xung đột.

Có hai phương cách. Phương cách đầu tiên là tìm kiếm một cuộc ngưng bắn ngay lập tức khi hội nghị mở ra, hoặc từ đề nghị của một trong các đồng minh của Việt Minh (Liên Xô hoặc Trung Quốc), và điều này cũng rất có khả năng, hoặc từ một phái đoàn trung lập (Ấn Độ chẳng hạn, đã từng khai mạc các hội nghị theo cách này), hoặc từ chính chúng ta đề nghị, hoặc nhờ một trong các đồng minh của ta đề nghị. Phương cách thứ hai là vừa thương thuyết vừa đánh, và các cuộc xung đột chỉ được ngưng lại chỉ khi nào đạt được các đảm bảo về mặt lý thuyết theo thông lệ một cuộc ngừng bắn.

Khi được Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp hỏi ý kiến về vấn đề này, sau khi suy nghĩ rất cặn kẽ, tôi ủng hộ hướng thứ nhất.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM