Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:53:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chim én bay  (Đọc 42512 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #40 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 10:10:26 am »

Thằng giám Tuân kêu thét lên một tiếng. Nó chồm dậy khi chị siết tay vào vòng cò. Viên đạn trúng chóp đầu nó. Nó gục ngay xuống bàn.
- Viên đạn này cho chị tao, viên đạn này cho cha tao, viên đạn này cho tao…
Chị nói và bóp cò liên tiếp. Lúc bọn dân vệ kịp chạy xô vào thì chị vẫn đứng ở nơi cửa, đờ đẫn. Trước mặt chị, thằng giám Tuân nằm gục trên bàn. Máu đổ ra như xối trên đống giấy tờ nó đang đọc dở. Khu nhà nhốn nháo tiếng chân chạy, tiếng quát tháo. Một vật gì đó giáng rất mạnh vào đầu chị. Chị ngã vật xuống, bất tỉnh. Cảm giác đầu tiên của chị lúc tỉnh dậy là cảm giác lãng đãng như đang trôi trên một vật gì thật mềm mại. Chị cứ trôi mãi, trôi mãi cho tới khi thấy mình nằm trơ trọi trong căn phòng mà chị từng nằm hơn một năm về trước.
 
6.
 
Anh Cường nói với chị:
- Chị vợ thằng giám Tuân uống thuốc độc tự sát. Nghe nói thằng con thứ của chị ta không hiểu sao cũng bị xe cán chết trên quốc lộ 1. Người ta bảo hình như nó cố ý lao vào xe chứ không phải bị xe cán. Chị ta đang hấp hối bên bệnh viện. Cô thư ký văn phòng vừa qua bển, nhói chị ta muốn gặp em. Em nên qua với chị ta một chút!
Chị nhìn anh Cường, như không hiểu anh nói gì. Thế là không kịp rồi. Chị vội thu dọn giấy tờ, quên cả khóa cửa phòng chạy nhào sang bệnh viện.
Mấy bữa trước, sau lần gặp chú Tư Nhơn, chị đã bàn với nhiều về việc khắc phục những ấn tượng và quan niệm thiếu nhân đạo đối với vợ con những tên ác ôn đã bị giết chết. Đó là những cuộc nói chuyện căng thẳng nhưng cần thiết. Có người ủng hộ chị. Có người phản đối. Chị đã nói quyết liệt rằng, trong giai đoạn này, huyện ủy chủ trương những ai làm tốt nghĩa vụ công dân, dù xuất thân từ thành phần nào, có quá khứ thế nào đều đáng được khen ngợi. Riêng trẻ em, phải để chúng được bình đẳng như nhau, bởi chúng không hề tham dự vào tội ác của cha mẹ chúng và đừng đẩy chúng về phía tội ác mà lẽ ra chúng có thể xa lánh được …
Riêng trường hợp chị vợ thằng giám Tuân, ban chủ nhiệm hợp tác xã đồng ý chia lại ruộng khoán, nhận chị ta vào tổ hợp làm mè xửng, cho chịu tiếp số lúa còn nợ và cho vay thêm một khoản tiền, gạo khác để cứu đói.
- Em không biết vì sao người ta vẫn xa lánh những đứa trẻ. - Sau những cuộc tiếp xúc mệt mỏi ấy, chị nói với anh Cường - Ai dám bảo đảm rằng, những đứa trẻ kia lớn lên sẽ thua kém con em chúng ta nếu như chúng được học hành đến nơi đến chốn. Tại sao gần một chục năm rồi, nhiều người có năng lực ở huyện ta vẫn chưa được giao việc xứng đáng chỉ vì họ phải gánh chịu một quá khứ nặng nề của cha mẹ họ. Tại sao ta lại phân loại, thành kiến, thậm chí còn xa lánh họ?
Anh Cường thở dài:
- Phá vỡ định kiến của một tập thể khó hơn nhiều việc phá vỡ định kiến của một vài người. Nhưng Tư coi, trong nghị quyết của huyện ủy đâu có khác những điều em vừa nói. Đừng vội phê phán. Mỗi giai đoạn có đặc điểm riêng, có những việc cần làm của nó. Cái gì mình chưa làm được ở giai đoạn trước, giai đoạn này đã có thể làm. Đừng vì một hoàn cảnh cụ thể mà dẫn tới những suy diễn không chính xác…
- Trời ơi, anh không hiểu em - Chị kêu lên bực bội - Tôi vô Đảng ở trong tù, tôi hiểu mình phải bảo vệ cái gì, sống chết vì cái gì. Tôi không ưng cái cách biện hộ lỗi thời của anh. Lúc nào anh cũng kêu đổi mới. Nếu vẫn suy nghĩ vậy, tôi tin anh không đổi mới được cái chi hết!
Rất ít khi chị và anh Cường tranh cãi gay gắt như vậy. Thường thì chị nghe anh. Còn anh bao giờ cũng nghe chị với một thái độ bao dung và độ lượng. Đôi lúc nghĩ lại, chị thấy anh có lý. Chỉ vì mẹ con người đàn bà ấy, chị đã nổi sùng lên với anh, đã cáu bẳn, giận dỗi. Suốt ngày qua, chị đã làm mọi việc có thể làm để cứu giúp chị ta nhưng vẫn không kịp. Chị ta đã lăn xuống vực và giờ đây, chị đang đứng bất lực trên bờ vực đó.
- Tụi tôi đã rửa ruột cho chị ấy - Người bác sĩ trực nói với chị - Nhưng vì được đưa tới bệnh viện quá trễ nên chất độc đã ngấm qua thành ruột nhiễm vào máu …
Chị hấp tấp bước vào phòng cấp cứu. Trên giường bệnh, người đàn bà nằm rũ rượu, khuôn mặt gầy võ, xám đen. Chị ta nằm bất động, nhỏ bé như một đứa trẻ. Vừa nghe tiếng chân chị, người đàn bà quay lại. Cái nhìn yếu ớt đọng rất lâu trên khuôn mặt chị. Chị bước tới bên chiếc giường sắt. “Chị Năm!”. Chị gọi khẽ, tiếng gọi làm cho đôi mắt đang lờ đờ của người đàn bà sáng vụt lên.
- Cô ngồi xuống đi cô Tư. - Người đàn bà cất tiếng nói nhỏ, đứt quãng - Trước khi chết, tôi muốn gặp cô … để nói một vài lời. Tôi biết cô không hề ghê tởm tôi như những người khác mặc dù cô có quyền ghê tởm tôi hơn ai hết… Cô đã thương tôi … thương sắp nhỏ. Tôi biết … Chị ta dừng lại, nuốt nước miếng một cách nặng nhọc. Đôi mắt cuống cuồng tìm một vật gì đó ở xung quanh rồi lại đờ đẫn dừng trên khuôn mặt mặt chị - Cô đừng nghĩ tôi là người … Tôi tỉnh táo lắm. Thằng con lớn của tôi đã vượt biên sang Thái… Mới đây nó gởi thơ về, nói sẽ tìm mọi cách để báo thù… Tôi lo sợ quá… Cô nên giữ mình… Tôi hiểu những việc cô làm trước đây… Và bây giờ… Tôi xin cô giúp đỡ thằng nhỏ… nó…
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2008, 04:44:40 pm gửi bởi trachvandung » Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #41 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 10:11:38 am »

Người đàn bà chợt khóc nấc lên. Tiếng nấc khô khan, nghẹt đứt nơi cổ họng.
- Đừng nói nhảm, chị Năm - Chị nói luống cuống như cố níu kéo một cái gì đó - Mọi việc khác lắm rồi. Ráng điều trị cho khỏe. Chị phải thông cảm cho em mới đúng. Em đến quá trễ. Đừng nghĩ ngợi chi hết. Chị giả điên để làm gì. Bình tĩnh lại đi, chị Năm…
Khuôn mặt xám đen của người đàn bà hơi rạng lên. Một chút màu hồng trở lại nhợt nhạt trên đôi gò má. Chị ta nằm yên với một dáng vẻ thật thanh thản. Nhưng chỉ được một lát, chị ta lại co gập người, giẫy đạp, quằn quại, mép sùi ra những đám bọt màu sẫm. “Chị Năm, chị Năm”. Chị nghẹn ngào gọi. Nhưng người đàn bà như không nghe tiếng. Bàn tay chị ta quờ quạng tìm kiếm. Chị vội nắm lấy bàn tay giá lạnh ấy. Trong hai hố mắt người bệnh ứa ra hai giọt nước đùng đục. Chị ta lại nằm yên rồi cứ thế lịm đi, bàn tay đặt hờ hững trong bàn tay chị.
Buổi chiều, đám tang người đàn bà được thu xếp ngay tại bệnh viện. Một đám tang thật vắng lặng và nghèo nàn. Đi phía sau quan tài chỉ có dăm bảy người bà con xóm giềng. Họ đi vẫn với một thái độ chiếu lệ, ruồng bỏ. Chị ngạc nhiên vì không thấy thằng nhỏ chị gặp bữa trước đâu. Có người nói hình như chị ta đã gởi nó đi một nơi nào đó.
Thế là kết thúc một cuộc đời. Một cuộc đời chắc chắn đầy cay đắng, tủi cực. Chị đã đưa người đàn bà đơn độc ấy đến khu nghĩa địa ở đầu thị trấn với một tâm trạng vừa buồn rầu, vừa lo sợ. Chị luôn thầm hỏi rằng, liệu những gì sẽ xảy ra, sắp xảy ra đối với cuộc sống đơn chiếc, quá ư mỏng manh của mỗi một con người?

Chương kết thúc
(Tiếp theo và hết)

1.
Chiếc tàu thủy sơn màu đỏ úa của hải quân Mỹ chở những người tù chính trị hú lên một hồi còi ngắn rồi từ từ cập vào bến cảng. Những người tù còn khỏe mạnh leo hết lên boong tàu, hò hét đến khản giọng. Cầu tàu vừa hạ xuống, họ đã cố kiềm chế để khỏi chen lấn xô đẩy nhau bước lên bờ. Rồi tên từng người được đọc lên và họ chạy như bứt về phía những người dân, những chiến sĩ đang dang tay chờ đón họ.
Có lẽ đấy là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời chị. Chị đi như trong mộng. Năm năm nằm lê lết trong các nhà tù từ Quy Nhơn, Chí Hòa đến Côn Đảo đã biến chị thành một cô gái bệnh tật để giờ đây, những căn bệnh tưởng đã nằm im vĩnh viễn đâu đó trong cơ thể đang ngóc dậy hành hạ chị.
Chị nhớ rằng, hồi ở Côn Đảo, chị đã gặp những cơn đau quặn thắt như vậy, nhưng ở một chỗ khác. Nhiều chị em cùng khám khi vào rừng lấy củi đã hái nắm lá từng nắm lá cây mang về vò lấy nước cho chị uống. Hồi đó, tuổi trẻ thật kỳ diệu. Hầu như không một đòn tra tấn nào, một căn bệnh nào có thể quật ngã được chị.
Chị cố giấu những cơn đau, nhưng anh Cường vẫn biết. Anh đọc được sự nhịn nhục, kìm nén trên khuôn mặt chị. Những cuộc tiếp dân thưa dần. Những chuyến đi cơ sở cũng mỗi ngày một ít, cả những cuộc họp quan trọng của ủy ban, huyện ủy chị cũng vắng mặt hoặc chỉ dự nửa chừng. Nhưng nếu ai nhắc đến sức khỏe, đến bệnh tật, chị rất dễ nổi sùng và sau đó cố tìm cách để chứng minh chị không hề đau ốm gì cả.
Cho tới một buổi sáng, mọi người đều đã đến cơ quan làm việc từ lâu mà căn phòng của chị vẫn đóng im ỉm. Thoạt đầu mọi người tưởng chị thức nên sáng ra ngủ trễ. Và cả cơ quan đã cố giảm tiếng ồn để cho giấc ngủ của chị được yên tĩnh.
Nhưng chỉ lát sau, mọi người đều nhận thấy không khi nào chị dậy trễ như vậy. Họ lập tức đập cửa, tiếng đập cửa xác nhận sự lo lắng của họ. Một người chạy đi tìm con rựa ra sức phá ổ khóa. Cánh cửa vừa bật ra, mọi người trong cùng một lúc đều ùa vào căn phòng của chị.
Trên chiếc giường cá nhân kê sát cửa sổ tường hậu, chị nằm nhợt nhạt, không buông màn. Chiếc chăn dạ lót lưng làm đệm xô lệch và nhàu nát.
- Tim chị ấy còn đập - Một người kêu lên mừng rỡ. Họ hối hả tìm phương tiện đưa chị sang bệnh viện. "Qua kêu bác sĩ, lẹ lên!". Tiếng anh Cường. Anh vất chiếc xe đạp ngoài hiên chạy bổ vào trong phòng, luôn miệng quát tháo ẫm ĩ. Nhìn khuôn mặt đẫm mồ hôi, thảng thốt của anh, không ai giận anh. Tự nhiên, họ thấy mình có lỗi vì đã không quan tâm tới những thay đổi gần đây của chị.
Buổi chiều, chị được chuyển ngay vào bệnh viện tỉnh. Tiếp đó là những cuộc hồi sức, hội chẩn, xét nghiệm… Một tháng sau sức khỏe của chị dần dần hồi phục và thêm nửa tháng nữa thì hồi phục hẳn. Song, chị cảm thấy có điều gì khác biệt trong cách cư xử của mọi người đối với mình, gần như có một sự biệt đãi nào đấy. Dĩ nhiên, không phải vì chị là đại biểu quốc hội, là Anh hùng lực lượng vũ trang mà vì một nguyên do nào khác. Điều này chị chỉ mơ hồ nhận thấy, nhất là khi nhìn sâu vào mắt của các bác sĩ, y tá trong bệnh viện. Những lúc như thế, họ thường bối rối tránh nhìn qua chỗ khác, hoặc ngừng nói chuyện lúc chị đi về phía họ.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2008, 04:44:23 pm gửi bởi trachvandung » Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #42 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 10:12:11 am »

Vào một buổi sáng, chị đang ngồi thư thái trên chiếc ghế đá ở sân bệnh viện thì người bác sĩ chủ nhiệm khoa, với dáng vẻ băn khoăn đến ngồi xuống bên cạnh chị.
- Chị Tư! - Anh ngập ngừng nói - Chị cần gì cứ nói với chúng tôi. Về thuốc men, chế độ, nhất là ăn uống. Chị em phục vụ chưa biết hết sở thích của chị.
- Tại sao anh hỏi tôi kỳ vậy? - Chị quay ngoắt lại ngạc nhiên - Mọi người ở đây đều hưởng theo chế độ của Nhà nước.
Câu trả lời có phần khiếm nhã của chị làm anh bác sĩ lúng túng. Một thoáng do dự hiện ra trên khuôn mặt đăm chiêu của anh. Anh khẽ thở dài, cặp mắt lảng tránh cái nhìn căng thẳng của chị.
- Chúng tôi đã cân nhắc suốt cả tuần nay không biết có nên nói thật với chị không? Tôi nghĩ, chị là người mà chúng tôi không nên giấu giếm điều gì, cả những điều cấm kỵ mà chuyên môn không cho phép. Chúng tôi phát hiện thấy một khối u trong tử cung của chị … có thể do hậu quả…
Anh bác sĩ dừng lại lau mồ hôi trán. Chị ngồi lặng đi. Tất cả như tối sầm, đổ sụp xuống trước mặt chị.
- Thời gian ủ bệnh có người kéo dài tới chục năm, tụi tôi tính thu xếp để chị đi nghỉ hoặc an dưỡng, địa điểm tùy theo sự lựa chọn của chị - Anh bác sĩ nói tiếp, nhưng chị không còn nghe nữa.
Rất lâu chị mới ngẩng lên nhìn anh bác sĩ:
- Anh cho tôi về. Tôi muốn làm nốt một số việc - Chị nói, cũng không hiểu mình nói gì và vì sao chưa đổ gục xuống - Tôi nhờ anh điện thoại cho anh Cường, chủ tịch huyện.
Anh bác sĩ nặng nề đứng dậy. "Chị nên đi nghỉ đi". Anh nói. Chị không trả lời. Hình ảnh đầu tiên vụt đến với chị là ngôi mộ côi cút của người đàn bà bất hạnh mà chị mới đưa tiễn tháng trước. Chị bỗng thấy căm ghét anh bác sĩ, tưởng chừng chính anh ta vừa đang tâm cướp đi một cái gì đó của chị.
Sớm hôm sau, anh Cường đưa xe vào tận bệnh viện đón chị. "Tư!". Anh gọi rồi cứ đứng ngây ra nhìn chị như nhìn một người đã chết. Còn chị thì mỉm cười, dường như không hề có câu chuyện giữa chị và anh bác sĩ ngày hôm qua. Dường như chị đang rất vội để trở về với công việc. Nhưng khi chiếc U-oát lao qua những cánh đồng, những vườn dừa thân thiết trên quê hương chị, chị bỗng ôm lấy mặt khóc nức nở. Không có lý nào chị sắp phải vĩnh biệt cuộc sống, một cuộc sống dù khó khăn, đơn độc những vẫn đáng yêu, đáng sống biết bao.
2.
Cái ý nghĩ mình sắp chết, chết bất kể lúc nào và đang chết dần, chết mòn luôn giày vò, ám ảnh chị. Nhiều đêm chị nằm mê thấy mình đã chết. Chị lang thang đi trên những con đường dài hun hút và điều khiến chị sợ hãi là dưới địa ngục, cuộc chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Những thằng ác ôn như thằng giám Tuân, quận phó cảnh sát Thưởng… vẫn tác oai tác quái. Anh Dương, chị Hảo vẫn còn bị bắt giam ở những khu chuồng cọp. Chị đi qua một dòng sông nước đen thẫm. Con thuyền bằng giấy cứ bập bềnh, chao đảo. Quanh thuyền nổi lên những con cá sấu lớn với hai hàm răng nhọn hoắt. Người chở đò cho chị cứ loay hoay với cây sào ở giữa sông. Anh ta lấy sào chọc chọc vào miệng những con cá sấu. Chúng lặn xuống, lại ngoi lên. Cứ thế, cuộc vật lộn giống như một trò đùa nhưng hết sức nguy hiểm. Khi thuyền cập vào bờ bên kia, người đầu tiên chị gặp là thằng giám Tuân. Nó cười khẩy, đứng nhịp nhịp chân chờ chị. Chị cuống cuồng tìm cây K.54, song tìm miết, tìm miết vẫn không thấy cây súng đâu…
Lần khác, chị thấy mình leo lên một ngọn núi nơi cha chị đang đứng gọi chị. Chị không nghe tiếng cha nhưng biết rằng ông đang gọi. Chị ráng leo, leo miết nhưng cứ gần đến đỉnh núi lại bị tụt xuống. Chị lại vất vả leo lên, lại tụt xuống. Cuối cùng, chị thấy mình nằm trơ trọi trong phòng giam của hội đồng xã. Hai thằng ác ôn đầu có sừng, hai bàn tay móng nhọn hoắt đầy lông lá xông thẳng vào chị…
Những cơn mê sảng khủng khiếp như vậy cứ lặp đi lặp lại, kéo dài đến nỗi chị sợ, không dám ngủ nữa. Suốt đêm chị để đèn, ngồi chép lại những báo cáo, chỉ thị đã đánh máy không biết bao nhiêu lần, chép rồi lại vò nát ném vào bồ rác, rồi lại chép lại một cách máy móc. Nhiều lúc mệt quá, chị thiếp đi trên bàn và những giấc mơ quái đản lại kéo đến …
Ngay từ bữa ngồi trên xe từ Quy Nhơn về huyện, chị đã giao hẹn với anh Cường, không được để mọi người biết bệnh tình của chị, kể cả bí thơ huyện ủy. Chị đề nghị anh vẫn phải để chị làm việc bình thường, bởi nếu không có công việc, chị sẽ không chịu đựng nổi một ngày. Anh Cường hứa. Tuy thế, mọi người vẫn biết. Không ai nói, hỏi về việc này nhưng nhìn cặp mắt họ chị biết họ thương chị, ái ngại và đôi người như còn hơi sờ sợ khi gần chị. Để giúp đỡ chị, huyện cử một cô bé mười tám tuổi tới ở cơm nước và săn sóc chị. Song hầu như cô gái chỉ đến ở với chị cho vui chớ mọi việc chị vẫn tự làm lấy. Đôi bận còn có thể giặc giũ luôn quần áo cho cả cô gái.
Điều lạ lùng là mặc dù mất ngủ liên miên, ăn uống thất thường, chị lại có phần mập ra và cơn đau như cũng chỉ còn mơ hồ trong cảm giác. Chị bắt đầu hy vọng. Người ta nói việc xác định u lành, u ác có thể rất dễ lầm lẫn. Dĩ nhiên điều này người ta nói cốt để an ủi chị, nhưng lúc này chị đã tin hoặc cố tin vào nó.
Một bữa anh Cường đến, trông anh hoạt bát hơn mọi ngày. Anh ào vào căn phòng của chị như một cơn lốc. Từ bữa chị đi viện về, không ngày nào anh không tạt đến với chị. Nhiều bữa ở lại ăn cơm. Anh thường ồn ào một cách cố ý như thể nếu không ồn ào, nói giỡn anh không còn biết làm gì khác. Những lúc ấy, chị lại thấy thương anh. Chị cũng cười, hưởng ứng những câu bông đùa của anh để lúc anh về, chị lại thấy trống rỗng và càng thêm chua chát.
Nhưng hôm nay anh vui, một niềm vui thật sự trong nụ cười, khóe mắt, trong từng cử chỉ. Vừa cởi chiếc áo khoác vắt lên lưng ghế dựa, anh vừa kể chuyện anh mới xuống đập nước sông Lại - thời điểm này, quê chị đang dồn sức tập trung cho công trình thủy lợi sông Lại, một công trình có tầm cỡ quốc gia, được thiết kế, thi công trong điều kiện hoàn toàn tự lực, không có sự tài trợ của tỉnh.
- Cái tay nhà báo đi với bọn anh thật kỳ - Anh kể - Chỗ nào anh ta cũng xía vô, vặn vẹo đủ thứ chuyện. Anh ta bảo một công trình lớn như đập sông Lại không thể không đưa lên tuyên truyền trên đài, báo.
Anh dừng lại nhìn chị. Chị biết, câu chuyện của anh không nhằm đích đó.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2008, 04:44:00 pm gửi bởi trachvandung » Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #43 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 10:12:40 am »

- Mười mấy năm trước, anh ta cũng mắc y sì căn bệnh của em. "Bây giờ thì vào chuyện rồi đấy". Chị mỉm cười nghĩ - cơ quan cho anh ta nghỉ việc để đi điều dưỡng, nhưng anh ta từ chối và xin vào chiến trường. Anh ta muốn nếu có chết, thì cũng chết trên chiến trường. Thế là suốt năm năm liền, anh ta lăn lộn ở Trường Sơn. Rốt cuộc, cho đến giờ anh ta vẫn khỏe như vâm. Nghe anh bảo em đang rầu, anh ta cười ầm lên, nói đừng có tin gì ở các xét nghiệm…
Giá như mọi lần, chị đã nghĩ anh nói thế cốt để an ủi chị, để gieo cho chị một niềm hy vọng. Nhưng lúc này nghe anh nói, nhìn nét mặt anh, chị tin anh đang nghĩ như vậy và hẳn đã có trường hợp như vậy. Trong một khoảnh khắc, cuộc sống tưởng đã đi vào ngõ cụt lại đột ngột mở ra, càng thêm tha thiết đối với chị.
Không chỉ anh Cường, mà tất cả mọi người trong cơ quan, mỗi người một cách đều muốn chị yên lòng. Họ không tiếc lời để hạ thấp khả năng của các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh. Cả ông Tư Nhơn cũng vậy. Ngay buổi chiều ở bệnh viện về, ông đã làm ầm lên trong căn phòng của chị:
- Tầm bậy, chúng nó nói tầm bậy. Bác sĩ gì chúng nó, chỉ được cái nói bậy, nói bạ. Con đừng tin chi hết. Mặc xác chúng. Lành với ác - Giọng ông bỗng thấp hẳn xuống gần như van vỉ - Con đừng tin gì chúng, nghe Tư!
Khi nói, mặt ông đỏ lên gay gắt nhưng lại biểu lộ một sự mềm yếu và bất lực không thể che giấu. Người bí thơ đảng già ấy vốn rất điềm tĩnh, nhưng bữa đó, ông đã tỏ ra hết sức bối rối trước mặt chị.
- Thôi, về ở với chú, con. Chú già rồi, muốn có người ở bên cạnh để đỡ đần. Nhiều đêm ốm, không có ai chú cứ nơm nớp lo sợ. Công việc thì ngập đầu ngập cổ…
Ông nhỏ to, dỗ dành chị như đối với một đứa trẻ, làm như ông đang rất cần chị, chớ không phải chị về để ông săn sóc, lo cho những ngày cuối cùng của chị. Chị biết ơn ông, nhưng không thể chấp nhận. Chị sợ đem đến cho ông nỗi vất vả. Chị muốn như anh nhà báo nọ, nếu phải chết, một cái chết định trước thì phải chết ở chỗ nào có ích nhất, đỡ phiền phức cho người khác nhiều nhất.
Chị nói với ông:
- Con nhiều bệnh. Ở đây gần bệnh viện có chi còn cấp cứu kịp. Lên với chú, đêm hôm con sợ trễ. Vả lại con không thể không đi làm. Mà đạp xe từ trển xuống, con không còn hơi sức để làm nổi việc chi hết.
Lý lẽ này của chị đã đánh gục mọi lý lẽ của ông. Lúc ông đứng lên để về, nhìn đôi vai gầy guộc của ông, nước mắt chị chỉ chực trào ra vì thương ông, thương mình, vì nghĩ rằng, cuộc đời đáng sống biết bao. Tại sao nỗi cô đơn, cái chết chỉ luôn luôn rình rập đối với những con người tốt? Tại sao lại là chị chứ không phải ai khác phải chờ đợi cái cực hình thật khủng khiếp và tàn nhẫn? Ý nghĩ chọn một cái chết tức thời như chị Năm vụt đến với chị. Nhưng chị hiểu ngay rằng, chị không đủ can đảm làm công việc ấy cũng bởi chị còn hy vọng. Niềm hy vọng dù mong manh, nhỏ bé đến đâu thì đó vẫn là niềm hy vọng. Con người không thể chết khi niềm hy vọng sống vẫn le lói, thắp sáng trong cơ thể họ.
3.
Rốt cuộc, hạnh phúc rồi cũng tìm đến với chị, dù chỉ trong chốc lát, dù rất nhanh sau đấy, nó trở thành nỗi bất hạnh không sao khỏa lấp được. Nếu mấy tháng trước, chị mong nhận được thơ anh bao nhiêu thì giờ đây, chị sợ hãi khi nhận nó bấy nhiêu. Nhưng cũng không thể chối cãi rằng, thoạt đầu nó đã đem đến cho chị một niềm vui lớn. Nước mắt chị nhòa đi khi đọc những dòng đầu tiên của lá thơ: "Quy thương yêu, anh rất xúc động trước tấm lòng của Quy…". Lần đầu tiên trong đời, đã có một người đàn ông gọi chị bằng cái tên tha thiết như thế. Thì ra, cái nguyên cớ khiến bốn năm tháng ròng chị không nhận được thơ anh, bởi sau ngày gặp chị ít lâu, trung đoàn anh nhận lệnh hành quân lên mặt trận Vị Xuyên. Trong một trận đánh, anh đã bị thương nặng. Anh nói rằng, thời gian nằm điều trị ở bệnh viện 108 là thời gian dài nhất để anh có thể bình tĩnh nhìn lại cuộc đời mình, một cuộc đời đầy gian truân và nó đã được chị bù đắp…
Anh còn hẹn sang tháng giêng, anh sẽ xin đi phép vào thăm chị, thăm bà con cô bác, nơi anh từng sống và chiến đấu. Anh cũng nói con cái là hạnh phúc không thể thiếu của đời sống vợ chồng, nhưng tuyệt nhiên nó không phải là tất cả…
Chị đọc đi đọc lại, đến nhàu nát lá thơ ấy. Đêm ngủ chị ấp lá thơ trên ngực. Tự nhiên, những giấc mơ quái dị biến mất. Lòng chị tràn ngập hạnh phúc, mặc dù niềm hạnh phúc đó chỉ đến với chị trong chốc lát. Chị xót xa thương anh. Chị muốn kêu thét lên khi nghĩ, liệu mình có đủ thời gian để chờ đợi cho đến sang giêng như lời anh đã hẹn trong thơ viết cho chị hay không?
4.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đã để lại trên quê hương chị những hậu quả tinh thần thật nặng nề. Những hậu quả mà chị đinh ninh rằng, thế hệ của chị, thế hệ đã trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc ấy không dễ gì có thể khắc phục hết được.
Một lần, sau cái chết của chị Năm ít lâu, anh Cường nói với chị:
- Thường vụ vừa quyết định lập một quỹ phúc lợi nhằm trợ giúp những người đang gặp khó khăn về kinh tế, bất kể họ thuộc thành phần nào. Tư yên tâm đi, đừng nghĩ ngợi nhiều về chuyện này nữa.
Chị nhìn anh biết ơn. Sao anh hiểu chị quá vậy. Bao giờ anh cũng hiểu chị, đón bắt được những ý nghĩ của chị. Với chị, anh luôn là một chỗ dựa tin cậy, dù rằng anh đã không đủ can đảm để chia sẻ những mất mát của cuộc đời chị.
- Em chỉ băn khoăn về thằng nhỏ - Chị thở dài - Nó là một đứa trẻ thông minh. Lẽ ra… Nếu em còn được sống, em sẽ bỏ hẳn ra một tuần, một tháng để đi tìm nó.
- Đừng nói nhảm vậy Tư. Mắc chi em không được sống - Anh vội nói át đi - Nhất định mình sẽ tìm thấy nó. Chắc chị ta đem gửi nó đâu đó thôi!
Chị im lặng, không nói gì thêm. Suốt thời gian sau ngày chị Năm uống thuốc chuột tự tử, chị ra sức dò tìm tung tích thằng bé nhưng không thể biết được nó đang ở đâu. Có người bảo chị ta đã gởi nó lên cao nguyên, nhờ một người bà con nào đó nuôi giúp. Chị ta muốn thay đổi lý lịch thằng bé. Những người độc mồm độc miệng thì bảo, chị ta đã dẫn nó vào tận Phù Cát, mua cho nó một tô mì, gạt nó ăn rồi bỏ trốn, khiến thằng bé trở nên bơ vơ, rốt cuộc phải lang thang đi xin ăn ở các tiệm ăn trong chợ. Cũng có người quả quyết rằng, một ông lão đi xoi cá đêm đã thấy thằng bé nằm chết trên bờ sông Kim Sơn. Nó nằm co quắp, bàn tay còn cầm một trái bắp non chưa kịp lột vỏ, khắp người bu đầy kiến lửa…
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2008, 04:43:40 pm gửi bởi trachvandung » Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #44 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 10:13:00 am »

Chị không tin tất cả những lời đồn đại ấy, bởi trước khi chết, chị Năm còn gởi gắm nó ở chị. Và bởi thằng bé đã khôn lớn, làm sao nó không thể tự tìm đường về quê vì từ huyện chị vào Phù Cát chỉ vẻn vẹn có dăm chục cây số. Tuy vậy, chị vẫn cứ bứt rứt, lo lắng. Chị thấy mình phải có trách nhiệm trước cuộc đời của thằng bé. Một trách nhiệm không hề có sự ràng buộc nào nhưng chính vì thế, nó càng trở nên bức xúc đối với chị.
Và cuối cùng chị đã tìm thấy nó trong một bữa ăn cúng cháo ở Hoài Hảo. Ở quê chị vẫn có tục cúng cháo. Trước đây nó vốn là một cái lễ nghèo nàn cúng những vong hồn lang thang, vô thừa nhận. Đến một ngày giờ nào đấy, người ta bày một mâm cháo ra sân, thắp nhang làm lễ, chờ nhang tàn rồi mang cháo vô nhà. Về sau, tục cúng cháo trở thành ngày giỗ đối với những chiến sĩ chết không có tên tuổi, bia mộ. Mà ở quê chị những người chết như vậy vẫn chưa được đưa hết vào nghĩa trang, bởi nó quá nhiều và bởi cho tới giờ, vẫn không ai xác định được lai lịch của họ.
Hôm đó, sau khi dự buổi tổng kết phong trào phụ nữ xung kích của xã, chị Bảy rủ chị tới nhà má Huỳnh ăn cúng cháo. Má Huỳnh là một bà già ngoài bảy mươi, sống độc thân. Người con gái duy nhất của má đi hoạt động bị du kích xã bên bắn lầm, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. "Tao cần chi cái tấm bằng đó. Nó sống sao, chết sao cả xã, cả huyện này đều biết. Vậy là đủ cho tao rồi". Má thường bực bõ nói mát vậy, mỗi lần gặp cán bộ huyện, tỉnh có công chuyện về xã. Tuy ngoài bảy mươi nhưng má vẫn còn khỏe. Mọi việc trong nhà từ cơm nước đến cấy hái ngoài đồng, má đều tự làm mà không cậy nhờ ai. "Chừng nào không làm được thì tao chết. Cũng không cần mấy chả chôn cất. Tạo tự đào lỗ lấy". Trong các cuộc đấu tranh chính trị trước đây, má thường là người đi đầu, đôi lần bị địch bắt và như má vẫn nói: "Nó càng đánh, tao càng mập ú ra. Đừng hòng moi được gì ở tao hết!".
Sau bữa ăn, chị nằm thiếp đi một lát trên bộ ghế ngựa. Lúc tỉnh, thấy một thằng nhỏ, gầy gò đen như cột nhà cháy nằm bên cạnh, chị day mặt qua hỏi chị Bảy:
- Đứa nhỏ nào vậy chị?
- Ủa, nó là con mụ Năm, cô Tư không biết sao?
- Năm nào?
- Năm vợ thằng giám Tuân đó.
Chị ngồi nhỏm dậy, theo một phản xạ không tự chủ được, chị vội nhích xa khỏi thằng bé.
- Tại sao nó ở đây, chị? Nãy giờ đâu có thấy nó?
Tiếng má Huỳnh ở gian bên:
- Con Năm là cháu họ tao. Một bữa tao thấy nó dẫn thằng nhỏ tới, nói gởi ít bữa để đi cao nguyên thăm thằng anh nó đang ngồi tù. Nó nói đi ít ngày rồi về nhưng coi bịn rịn với thằng nhỏ quá. Nó cứ khóc hoài. Tao đã ngờ ngợ. Ai dè nó đi tuốt luốt. Thiệt tội. Nãy giờ thằng nhỏ đi mở bò về trễ. Nhỏ vậy mà lanh dữ Tư à. Tao chỉ lo tao bệnh, chết. Lúc đó nó còn biết trông cậy ai?
- Nó học hành cách sao má? - Chị hỏi.
- Học để làm gì, Tư? Đến như con Hoài giờ còn sạch trơn nữa là cái ngữ nó. Vậy mà nó thèm học mới cực. Có hôm đến bữa không thấy nó về, tao đi kiếm, thấy nó ngồi trộm trong lớp học.
Chị ngồi hẳn dậy, bới lại mái tóc.
- Để con qua bển nói cho nó đi học. Nhà anh hiệu trưởng chỗ nào, chị Bảy?
- Thì cứ nghỉ đã. Ảnh ở tại trường. Sống độc thân. Cũng dân Sao Vàng ngày trước chớ bộ!
Chị hấp tấp dắt xe ra cổng. Gần đây làm việc gì, chị cũng hấp tấp, vội vã như sợ rằng, nếu không làm nhanh, chị sẽ bỏ dở và không bao giờ còn có thể làm tiếp được. Chị nhớ lần tới nhà thằng bé. Quyển vở đầy bụi với những điểm chín, điểm mười của nó. Rồi những lời trăn trối cuối cùng của chị Năm. Cái gì khiến người đàn bà bất hạnh ấy tin cậy chị, gởi gắm thằng bé nơi chị, dù chính chị ta đã giết chết cha nó thì đến giờ, chị vẫn chưa hiểu hết.
Chị đến trường phổ thông cơ sở xã vào đúng giờ nghỉ trưa. Sân trường vắng lặng. Chị tìm đến căn phòng của anh hiệu trưởng. Một căn phòng tồi tàn, mái lá dột nát. Hiên nhà dựng bừa bộn cuốc xẻng và một vài thứ nông cụ khác.
Chị nôn nóng gõ cửa. Có tiếng trở mình, tiếng dép lê mệt mỏi trên nền đất. Cánh cửa mở. Một khuôn mặt hốc hác hiện ra. Chị sững người. Không dè anh hiệu trưởng chính là anh giáo viên ở thị trấn ngày nào đến tha thiết đề nghị chị tới nói chuyện với các em học sinh về thành tích diệt ác của đội "Chim Én". Anh hiệu trưởng mở rộng cánh cửa mời chị vào, không tỏ ra ngạc nhiên trước cuộc đến thăm hơi bất nhã của chị. Trong lúc anh pha nước uống, chị nói ngay tới công việc và đề nghị anh giúp đỡ.
- Sức khỏe của chị hồi này thế nào, chị Tư - Anh không đáp mà hỏi chị, vẫn với một vẻ dè dặt, khuôn mặt ửng lên từng mảng đỏ.
- Cũng bình thường thôi anh - Chị mỉm cười chua chát - Còn sống ngày nào tôi ráng làm việc ngày ấy.
- Chuyện thằng nhỏ coi như xong. Tôi vẫn thấy nó lảng vảng gần cửa sổ các lớp học. Tôi chỉ thấy kỳ kỳ khi đích thân chị tới xin học cho nó.
- Cũng có vẻ kỳ thật nếu nghĩ theo cách nghĩ của anh. Thực lòng, tôi muốn bù đắp cho thằng nhỏ.
- Hình như chị ân hận vì đã giết chết cha nó?
- Anh không nên suy diễn như vậy - Nét mặt chị đanh lại khiến anh hiệu trưởng bối rối - Tôi không nhìn nó dưới khía cạnh là con một thằng ác ôn đáng giết chết một trăm lần, mà nhìn dưới khía cạnh của mẹ nó.
- Khi thấy nó lảng vảng quanh cửa sổ các lớp học, tôi cũng có ý định nói với má Huỳnh cho nó đi học - Anh hiệu trưởng vội vàng xoa dịu - Ở đây nó sẽ không bị các em học sinh ruồng bỏ. Nhưng liệu cuộc đời có dành sẵn cho nó một chỗ đứng sau này hay không, chị Tư?
Lúc chị từ trường về nhà má Huỳnh thì thằng bé đã thức dậy. Nó ngồi ủ rũ ở đầu nhà, bàn tay cầm cây gậy chọc chọc xuống nền cát. Thoáng thấy bóng chị, cặp mắt nó vụt sáng lên. Nó định nhổm dậy lao về phía chị, nhưng lại cố kiềm chế ngồi nguyên ở tư thế cũ. Chị lại cảm thấy yên tâm vì không nhận ra nét hao hao nào của thằng giám Tuân trên khuôn mặt đen đủi của nó.
- Thầy hiệu trưởng có nhận con vào học không cô? - Nó run run hỏi chị khi đến gần nó. Chắc má Huỳnh đã nói đến việc chị đến trường phổ thông xin học cho nó, lúc nó vừa ngủ dậy.
- Ngày mai cô sẽ gửi sách vở cho cháu. Phải ráng học cho giỏi, nghe!
Chị nói đoạn bước vô nhà. Chị vẫn thấy thật khó nếu như cứ đứng nói chuyện thêm với thằng bé. Hình như vẫn còn một cái gì đấy ngăn trở chị có thể nhích lại gần hơn với nó, mặc dù chị đã cố gắng xóa đi.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2008, 04:43:17 pm gửi bởi trachvandung » Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #45 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 10:13:47 am »

5.
Nhưng chị chưa kịp gửi sách cho thằng bé thì một cơn đau dội đến đột ngột đúng vào lúc chị đang kéo nước bên thành giếng. Chiếc gầu vừa mới kéo lên dở chừng đã rơi thẳng xuống giếng, kéo theo cả sợi dây dài hàng chục mét.
Cô bé giúp việc vội nhào từ nhà bếp ra, cuống cuồng dìu chị vào trong nhà rồi kêu toáng lên. Nhưng rất lâu không có ai chạy đến, bởi lúc đó đã bảy giờ tối. Mọi người đã về nhà từ lâu và cơ quan trở nên hoang vắng nghe rõ tiếng sóng biển từ rất xa dội đến.
Nửa giờ sau mọi người mới kịp chở chị tới bệnh viện. Lần này chị đau nhưng hết sức tỉnh táo. Chị biết, cái gì không thể không đến đã đang đến với chị, và chị bình tĩnh chờ đợi nó. Các bác sĩ bệnh viện huyện đề nghị đưa chị đi Quy Nhơn gấp nhưng chị từ chối. Chị muốn chết ngay trên mảnh đất quê hương chị. Biết rằng có đưa chị đi bệnh viện cũng vô ích, người ta đành để chị nằm ở phòng cấp cứu, trên chiếc giường mà chị Năm, vợ thằng giám Tuân nằm bữa trước.
Bắt đầu từ đêm hôm đó, chị nằm liệt trên giường bệnh. Chị cảm thấy rất rõ cái chết đang dần dần đến với mình. Một cái chết chậm chạp và thật tàn nhẫn. So với cái chết, cuộc sống của một đời người sao quá ư ngắn ngủi. Nó càng ngắn ngủi khi chị mới chỉ sống được một phần cuộc đời mà lẽ ra chị có thể được sống.
Chị biết mình sắp sửa chấm dứt những ngày tháng hoạt động sôi nổi, căng thẳng, chấm dứt những giày vò và cả tình yêu mà anh vừa đem đến cho chị. Chị khao khát được gặp anh, để nói rằng chị rất mãn nguyện. Niềm hạnh phúc đến với chị thật muộn màng nhưng đã bù được tất cả những gì mà chị từng mất mát…
Cũng trong thời gian áp chót ấy, chị nhận ra một cách thật rõ rệt từng người thân của mình. Người nào đau xót cuống cuồng và bất lực trước những cơn đau co thắt của chị, người nào thầm mong cái giờ kết thúc đến với chị thật nhanh để tránh những phiền phức họ đang phải chịu đựng, người nào đến với chị chỉ vì không thể không đến…
Vào ngày cuối cùng, ngay từ sớm, các bác sĩ đã tìm mọi cách để kéo dài cuộc sống cho chị nhưng vô hiệu. Những ý nghĩ của chị bắt đầu trở nên rời rạc, và cơn co giật tưởng đã chết từ lâu đột ngột trở lại hành hạ chị. Trước mắt chị lại thấy hiện lên hai thằng dân vệ trần truồng ở phòng giam của hội đồng xã. Chúng xông vào chị, xé tan quần áo của chị. Chị kêu thét lên, oằn oại, thấy đau nhức nhối ở phần bụng dưới. Chị khóc nức nở. Rồi thằng cai ngục có khuôn mặt sần sùi mụn cóc ở nhà lao Quy Nhơn hiện ra. Nó nhịp nhịp cây roi điện, nhìn thân hình co rúm của chị: "Bây giờ mày khai ai chỉ huy mày, đội của mày có bao nhiêu người, ở đâu, tao sẽ thả mày ngay tức khắc!". Nó dỗ dành. Chị nín thinh rồi bất thần nhổ một bãi nước bọt vào mặt nó: "Mày giết tao thì giết đi". Chị thét lên. "Dìm đầu nó vào bể nước". Thằng cai ngục ra lệnh. Lập tức hai thằng lính xông tới túm lấy cẳng chân chị dốc ngược. Chị nghẹt thở, giãy đạp quằn quại. "Anh Cường". Chị gọi. "Thằng Cường là thằng nào?". "Là chồng tao, là người yêu của tao!". Chị trả lời kêu hãnh. Tiếp đến, dãy chuồng cọp ở nhà tù Côn Đảo hiện lên. Trên đầu chị là tấm lưới sắt. Một thằng lính gác đi đi lại lại trên đó. Thỉnh thoảng nó lại lấy chân tạt đống vôi bột  xuống người chị. Chị ho sùng sục. Nước mắt, nước mũi và bọt mép sùi ra. "Nóng quá! Nóng quá! Mẹ ơi!". Chị kêu lên, người cong gập lại. Một lát sau, chị nằm im và bỗng cất tiếng ca bài chòi lanh lảnh: "Ở quê tôi có người em gái, tuổi trăng tròn…"
Những cơn co giật như vậy giống như một cuốn băng ghi âm lần sau lặp lại y sì lần trước. Những người có mặt khi chị lên cơn phải chia nhau giữ thật chặt chân tay chị. Khi cơn co giật chấm dứt, mọi người đều mệt lả. Không ai hiểu chị lấy sức lực ở đâu để có thể la hét, giãy đạp ghê gớm đến như vậy.
Lần này chị giãy đạp ít hơn, la hét cũng nhỏ hơn. Tỉnh dậy, chị thấy lờ mờ rất đông người đứng xung quanh chị. Rồi cửa phòng bật mở. Anh Cường chạy lao vào, đầu va phải khung cửa bật lên một tiếng kêu khô khốc. Anh đứng sững trước giường chị, bàng hoàng khi biết không gì còn có thể níu kéo chị sống thêm được nữa.
- Em có dặn lại gì anh không hả Tư?
Giọng anh méo mó, lạc đi. Anh ngồi xuống bên chị ngực se thắt vì một sự mất mát mà giờ đây anh mới ý thức được hết về nó. Còn chị thì vẫn im lặng nhìn anh. Ý nghĩ đầu tiên trở lại với chị sau cơn co giật là ý nghĩ về  lời hứa với thằng nhỏ, con chị Năm bữa trước.
- Em còn một ít tiền ở ngân hàng… - Chị nói đứt quãng- Anh gởi cho má Huỳnh… Sang giêng…
Chị dừng lại, đầu ngật về một bên. Từ đôi cánh mũi vàng vọt hắt ra một hơi thở ngắn. Căn phòng lạnh ngắt. Mọi người quay đi, tránh không nhìn những cử chỉ cuống cuồng, gần như vô nghĩa của anh chủ tịch huyện.
- Kìa, Tư, tỉnh lại đi… Không, không thể như thế được!
Anh lay gọi, lắp bắp. Nhưng chị không còn nghe anh nữa. Dường như chị đã thoát ra khỏi căn phòng chật hẹp của bệnh viện và đang bay lang thang như những đám mây màu trắng tinh khiết. Những đám mây báo trước những điềm lành, điềm dữ trên quê hương chị. Dường như chị đang hòa nhập vào bầy chim én không biết từ đâu bỗng ùa ra đen đặc trên bầu trời. Và tháng giêng, cái tháng giêng mà chị từng mong đợi dường như cũng đang trở về…
Buổi chiều hôm đó, tang lễ chị được tổ chức trọng thể tại hội trường huyện ủy, có điếu văn và hàng trăm vòng hoa. Nhiều cơ quan, trường học trong huyện đã nghỉ việc để đến hội trường đưa tiễn chị.
Nhưng thực ra, sự ra đi của chị cũng được bắt đầu một cách thật giản dị và cay đắng tại căn phòng ấy, căn phòng mà chị Năm bữa trước đã ra đi…
                                                                         
Đồ Sơn 10-1987
[/b]
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2008, 04:42:55 pm gửi bởi trachvandung » Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #46 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 10:14:11 am »

Phụ lục
Chim én bay: Một cuốn tiểu thuyết thành công
Sau tổng tấn công mùa xuân năm Mậu Thân, lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền Nam lâm vào những trang đen tối nhất. Đấy là thời kỳ mà những cuộc càn quét dai dẳng, tàn khốc của kẻ thù đã vùi thôn xóm miền Nam vào biển máu. Những tên ác ôn, những tên phản bội thẳng tay bắn giết những người dân vô tội. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta buộc phải thay đổi sách lược. Những sư đoàn chủ lực quân giải phóng buộc phải tạm thời rút lui về tận rừng sâu. Đối mặt với quân thù lúc này chỉ còn là những em nhỏ được tập hợp trong các đội diệt ác ôn. Cuộc chiến đấu đặc thù ấy đã để lại những chiến công vang dội, đồng thời mãi mãi để lại những "hậu quả tinh thần" nặng nề, nghiệt ngã trong tâm khảm mỗi con người. Đó là câu chuyện được kể trong cuốn tiểu thuyết mới Chim én bay của Nguyễn Trí Huân.
Với câu chuyện được kể lại trong cuốn tiểu thuyết này, phải ghi thêm vào những trang tội ác của đế quốc Mỹ, đó là cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu của chúng ta đã biến trẻ em trên đất nước ta phải trở thành người lớn quá sớm. Số phận bị đe dọa nghiêm trọng; sự bất ổn căng thẳng, oán thù mỗi ngày mỗi nặng nề buộc các em nhỏ bức bối và liều lĩnh đến quyết liệt trong hành động, dữ dằn đến khác thường trong ý chí, thuần thục đến kinh ngạc trong việc sử dụng súng đạn. Phải tạc vào bia đá ý chí quật cường của dân tộc qua những chiến công của các em nhỏ trong chiến tranh chống Mỹ, song lại phải khắc xương ghi cốt những mất mát tinh thần không gì bù đắp nổi của cả một thế hệ tuổi nhỏ trong họa bị xâm lược. Khi cả dân tộc phải gồng mình lên để vượt qua cái chết thì sự gồng mình của các em nhỏ, hành vi tự bảo mạng ở các em nhỏ, sự rửa hận từ phía các em nhỏ bao giờ cũng mang ý nghĩa bi hùng, bởi nó dị thường, ngặt nghèo, tàn nhẫn, bởi sự trớ trêu của cái hữu hạn của sức lực của con người trước cái vô hạn của hoàn cảnh bắt buộc họ phải vượt qua. Tất cả điều này hiển hiện, ám ảnh trong ý nghĩ người đọc mỗi lần gấp cuốn sách lại.
Câu chuyện được bắt đầu ở "thì hiện tại" bằng một tâm trạng hoàn toàn có thật của người nữ anh hùng, đó là sự khắc khoải không dứt về một ý định "tìm lại nhà những tên ác ôn mình đã giết hơn mười năm về trước xem vợ con chúng hiện sống ra sao". Không phải là sự phản tỉnh, hối hận, tự vấn lương tâm, bởi vì quá khứ vốn hết sức rạch ròi trong chị và nếu phải làm lại, chị vẫn không thể làm khác, lại càng không phải là lòng thương hại hoặc sự tò mò. Cái khắc khoải rất khó gọi tên, đến mức những bạn bè, người thân, đồng đội vốn quen tính, quen nết của chị cũng không hiểu được. Liệu điều đó có quá đặc biệt, quá xa lạ với tình cảm con người? Hoặc nói một cách khắt khe có phần thô thiển hơn, liệu điều đó có dễ bị lẫn lộn, với những đường viền khá mập mờ của khái niệm "nhân tính chung chung" không? Lường hết sự nguy hiểm có thể có trong suy diễn của người đọc, lại phải tuân thủ nguyên tắc khách quan của tính chân thực nghệ thuật, tác giả tỏ ra thận trọng và chặt chẽ trong lô gích tâm lý nhân vật để chuyển tải điều ta vừa nói. Mười mấy năm về trước, Quy - nhân vật chính của tiểu thuyết - là một bé gái mười bốn tuổi, bị chiến tranh dồn đến chân tường, sống trơ trọi một mình sau ba cái chết của cha, anh và chị của em, ba cái chết khủng khiếp liên tiếp do chính một tên ác ôn gây ra. Oán thù như một mũi giùi nung đỏ, mỗi lúc một khoan sâu vào tâm can em bé gái vốn mảnh mai, vốn nhút nhát, vốn yếu đuối, vốn đầy trắc ẩn và khao khát tình thương. Nó là sự thiêu đốt thường trực của con người ý thức trong một cơ thể chớm vào tuổi trưởng thành còn đầy bản năng của em bé gái. Căn phòng tối của bản năng mỗi lúc một sáng lên sau mũi khoan đỏ của ý thức, cắt nghĩa hành động vì sao cô gái không bắn chết tên ác ôn khi lần thứ nhất đứng đối mặt với nó. Cô gái không thể làm khác vì đứa nhỏ tên ác ôn bế trên tay hoàn toàn là đứa bé vô tội, cô không muốn nó phải chết khi cha nó phải chết. Tình huống bỗng trở nên bất ngờ và nghiệt ngã, làm cô gái lâm vào lúng túng và đứng trước mối hiểm họa. Đúng vào lúc đó, vợ tên ác ôn, chị Năm đã giải thoát cứu sống cô gái.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2008, 04:42:37 pm gửi bởi trachvandung » Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #47 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 10:14:36 am »

Đây là tình huống quan trọng nhất đối với toàn bộ sự phát triển không ngờ của các biến cố sau đó đưa toàn bộ câu chuyện vượt khỏi một cuộc trả thù thuần túy, tạo ra sự phong phú của tâm lý trong các mối quan hệ của nhân vật chính, tạo ra lô gích nghệ thuật trong loại hình tiểu thuyết tâm lý. Ta sẽ thấy tác giả trở đi trở lại cách xử thế của cô gái trong cái buổi sáng nghiệt ngã ấy, với hình ảnh người đàn bà, vợ tên ác ôn - chị Năm đứng bên cánh cửa giục cô gái "chạy đi" để bảo toàn sự sống cho cô. Ta sẽ thấy niềm khắc khoải không dứt trong tâm khảm người nữ anh hùng "tìm lại những tên ác ôn mình đã giết"…. vừa rạch ròi, bức xúc, lại vừa khó cắt nghĩa, dễ lẫn lộn nếu chỉ cần thiếu đi một sự tinh tế cần thiết nào đó trong muôn vàng biểu hiện thế giới tinh thần của mỗi người.
Chính đó là một trong những lối rất hẹp hệt như sợi dây căng giữa hai đầu vực, mà tác giả quả quyết đi qua.
Từ sau tình huống bất ngờ của buổi sáng nghiệt ngã ấy, cuốn tiểu thuyết thật sự đi vào hai dòng chảy chính của nó kéo từ quá khứ đến hiện tại: các biến cố chung quanh mối quan hệ tiếp tục giữa Quy và tên ác ôn Giám Tuân, sau này là với vợ con nó và mối quan hệ giữa Quy và Cường, bên cạnh, là với Dũng, Thêm…. Hành động trở thành anh hùng của Quy không có gì bất ngờ, song hoàn toàn không có một sự "chuẩn bị", một sự "tự ý thức" (để trở thành anh hùng) nào cả. Không bất ngờ ở chỗ, mối hận thù ngùn ngụt trong ý chí của cô gái mỗi ngày một hòa chung vào mục tiêu mà cuộc chiến đấu của đội "Chim Én" đặt ra, tất yếu sẽ dẫn đến một chung cục quyết liệt  không thể khác, mà dù có ngặt nghèo đến đâu, nhọc nhằn đến đâu, chiến thắng nhất định thuộc về phía họ. Buổi sáng sau bao nhiêu thất bại cay đắng, sau bao nhiêu tổn thất nặng nề của đội du kích do những tên phản bội gây ra, một sự liều lĩnh khác thường và biết chắc chiến thắng sẽ trở nên vô cùng mong manh, hoặc phải trả giá khắc nghiệt, đây là lần thứ ba "Quy một mình vào tận công sở để bắt tên ác ôn giám Tuân đền tội". Lúc ấy trong tâm trạng Quy không chỉ là sự trả thù cho những người thân trong gia đình cô nữa. Mối thù nặng hơn nhiều, bởi có thêm cái chết thảm khốc của Dũng và đồng đội, bởi có thêm sự gửi gắm của bà con cô bác đã cưu mang cô qua những phút hiểm nghèo, bởi có thêm nỗi thương cảm xé lòng khi phải tạm chia tay với Dũng con, có thêm niềm co thắt về Cường mà cô đã dành những nhịp đập sâu nặng mà rụt rè đầu tiên của trái tim mình cho anh…. Lòng quả cảm, mối hận thù, và lý tưởng hòa nhập biện chứng trong hành động của cô gái. Tính hợp lý chặt chẽ cả về lô gích tính cách, cả về lô gích hành động để thực hiện lẽ sống ở đời của nhân vật được tác giả chuẩn bị kỹ lưỡng, kín đáo và những gì xảy ra hầu như không thể khác.
Nhưng cái phút khi người cha dẫn cô gia nhập tổ "Chim Én" không ai có thể biết trước những gì sẽ đến với cô gái nhỏ bé và bất hạnh ấy. Một cô bé chưa đến tuổi trưởng thành, trơ trọi một mình sau những cái chết của tất cả người thân, mong manh như chiếc lá cỏ giữa những "năm của những trận pháo bầy, của B52 rải thảm, của hàng trăm chiếc trực thăng cất cánh cùng một lúc. Năm mà một chiếc tàu rọ có thể neo cứng trên đầu mọi người giữa đồng trống, bắt vén áo quần lên xem có dây lưng, có súng hay không. Khắp nơi trên quê chị, đồn bốt mọc dày như nấm" (tr.15). Và thật kỳ diệu là cuộc chiến đấu của những người tưởng như hết sức nhỏ nhoi ấy. Cùng với mối thù mỗi ngày một nặng, năm tháng dưới hầm sâu, trong lòng đất ẩm, bên cạnh những người du kích, không rõ tự bao giờ cô gái đã bước sang tuổi trưởng thành và tình yêu đến với cô từ sự mơ hồ đến rõ rệt, từ hồi hộp đến lo thắt, rồi sung sướng, đớn đau… như một niềm khao khát mãnh liệt nhất cho đến cuối đời. Vậy là cuộc chiến đấu không chỉ là những mối thù phải trả, mà còn để bảo vệ những gì thiêng liêng nhất. Con người bản năng với những tổn thất mỗi ngày một nhỏ đi trước con người ý thức. Oán thù như những tảng đá đè nặng xuống hai vai, tình yêu lại như đôi cánh giúp chị vượt qua tất cả.
Những trang viết về tình yêu của Quy và Cường là những trang khó viết. Bởi vì, biểu hiện của tình yêu ở một cô gái mới trưởng thành, cũng như ở Cường nhiều khi mơ hồ, lẫn lộn với nhiều thứ tình cảm vốn hết sức tinh vi khác, mà nếu không kỹ lưỡng, trang viết sẽ trở nên đơn điệu. Ngòi bút của Nguyễn Trí Huân nắm bắt khá tinh tế những biểu hiện của tâm lý lứa tuổi, khá đằm thắm và biết dừng lại những chỗ cho sự liên tưởng của người đọc. Đó cũng là một trong những thành công của cuốn sách.
Tất cả những điều chúng ta vừa nói ở trên đều thuộc về dĩ vãng, cả chiến công và tình yêu. Lúc này, sau khi chiến tranh đã kết thúc mười mấy năm. Cô gái đã là một nữ anh hùng, một đại biểu Quốc hội. Cuộc sống hòa bình ở quê hương với muôn nỗi ngổn ngang, quá khứ tưởng như mỗi lúc một lùi xa vào tâm trí, nhưng với chị, quá khứ luôn luôn có mặt trong những việc làm của hiện tại, liền mạch với hiện tại.
 Chẳng hạn, cái tâm trạng khắc khoải "tìm lại nhà những tên ác ôn mình đã giết hơn mười năm về trước…" và hình ảnh những đàn bà, vợ tên ác ôn - chị Năm - đứng bên cánh cửa giải thoát cho chị vẫn trở đi trở lại trong ý nghĩ của chị. Bao nhiêu lần chị một mình đến nhà chị Năm, vợ giám Tuân, mang gạo đến cho mấy đứa nhỏ; bao nhiêu lần chị đấu tranh bênh vực cho chị Năm khi thấy bà con, cô bác và các cháu nhỏ với những hiềm khích riêng trong quá khứ, đang cô lập chị Năm. Quá khứ vẫn rạch ròi trong Quy "chị đã giết những tên ác ôn khét tiếng nhất… Bây giờ nếu như phải làm lại, chị cũng sẽ làm không một chút phân vân do dự…" (tr.126). Nhưng hiện tại, chiến tranh tàn khốc đã qua rồi, oán thù nên cởi không nên buộc, sinh mệnh của mấy đứa nhỏ và nỗi khổ nhục đến mức phải giả điên của chị Năm, rồi những đứa bé mất cha mất mẹ khác lớn lên, cả về phía ta lẫn phía ngụy hồi trước, cũng đang nuôi những mầm hận thù. Chiến tranh đã để lại những vết thương sâu thẳm không dễ gì hàn gắn - tất cả đã dằn vặt trái tim chị. "Có một cái gì đó ngoài lý trí bắt chị phải suy nghĩ, trăn trở…" "Hình như nó ở đâu đó trong con người chị, trong mọi con người hàng ngày chị hằng tiếp xúc. Hình như nó ở trong đất, trong nước…" (tr.126). Cho đến ngày chị Năm đội mưa gió đến nhà Quy gởi lại đứa con út của mình, rồi người đàn bà bất hạnh ấy vì không chịu nổi sự ghẻ lạnh của những người xung quanh, sau đó đã uống thuốc tự tử, để lại những đứa con và muôn nỗi thương tâm, thì mọi cố gắng của Quy "một cách vội vã, hối hả, như thể sợ chậm trễ một chuyến đi nào đó" (tr.126) đã trở nên không còn ý nghĩa. Chị Năm bất hạnh - người nữ du kích cũ nhu nhược mà lòng vẫn trong trẻo, vợ một tên ác ôn đầy nợ máu, đi vào lòng đất ẩm, mang theo cả một vết thương nhức buốt của chiến tranh…
Với tình yêu, quá khứ không những không một phút xa rời hiện tại của Quy, quá khứ với những ngày bị tra tấn, tù đày đã cướp đi vĩnh viễn những gì quý giá nhất trong tình yêu của chị, cướp đi khả năng làm vợ, làm mẹ ở chị. Sau chiến tranh, chị đã gặp lại Cường, người mà chị coi như một chỗ dựa tinh thần vững chắc để vượt qua mọi gian khổ, người mà những ngày ở hầm chị đã gửi gắm biết bao ước mơ, dự định, người mà khi bị địch tra tấn tàn khốc, chị đã nhận là chồng… Và lúc này, khi biết không còn cách nào khác, chị đã đau khổ chủ động chấm dứt tình yêu để giải thoát cho anh. Quy làm việc đó không dễ dàng vì biết là mình đang tự đánh mất những gì quý giá nhất, và đã choáng váng, hốt hoảng khi điều đó trở thành sự thật. Nhưng một lần nữa, chị lại không thể làm khác.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2008, 04:42:10 pm gửi bởi trachvandung » Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #48 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 10:14:58 am »

Chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết tập trung nói về cái chết của Quy - cũng là cái chết có nguyên nhân trong quá khứ, cái chết mang ý nghĩa tố cáo chiến tranh. Quy ra đi khi tình yêu mới đã đến với chị dù chỉ là một lời hẹn. Chị đã cống hiến hết sức mình cho cuộc sống chung, hy sinh cho hạnh phúc người khác, còn chị, tất cả những gì là của riêng đang đợi chờ trong lời hẹn ấy. Nhưng chị đã không kịp, và không thể nói là chị đã ra đi mãn nguyện, bởi vì cuộc sống trên quê hương chị, những vấn đề của quá khứ và hiện tại ngổn ngang, chị mang theo cả cái ngổn ngang ấy bay vào cuộc trường sinh. "Thoát khỏi căn phòng chật hẹp của bệnh viện và đang bay lang thang như những đám mây màu trắng tinh khiết. Những đám mây báo trước những điềm lành dữ trên quê hương chị. Dường như chị đang hòa nhập vào bầy chim én không biết từ đâu bỗng ùa ra đen đặc trên bầu trời" (tr.166).
Bức thiết nhất trong cuốn tiểu thuyết là vấn đề giải quyết những tồn tại về mặt tinh thần sau chiến tranh. Đời sống kinh tế ai cũng biết còn hết sức vất vả, thiếu thốn, nhưng vài năm gần đây công cuộc đổi mới đang mở ra những triển vọng rất đáng tin cậy. Còn đời sống tinh thần, nhất là những tình cảm riêng tư, những mối quan hệ riêng tư, khát vọng riêng tư, không phải là những vật chất cụ thể mà tiền bạc có thể trao đổi. Chúng ta đang phấn đấu cho một xã hội phong phú, lành mạnh về mặt tinh thần, từ đó để mỗi cá nhân tự hoàn thiện đời sống tinh thần riêng tư của mình - một xã hội xây dựng trên cơ sở tình thân ái xóa bỏ những hiềm khích, ngăn ngừa những điều ác, loại trừ sự thờ ơ lãnh đạm giữa những con người. Chim én bay lấy đề từ lời của bài hát "sống để yêu thương" là muốn nhằm vào điều đó.
Lý tưởng về một xã hội như vậy đã quyết định cách nhìn xuyên suốt của nhà văn qua tập sách. Cái quyết liệt của những trận đánh cũng là vì niềm tiếc thương người đã mất, cũng là vì tình cảm thân thiết của quê hương, bà con cô bác, đồng đội gửi gắm, cũng là vì bảo vệ tình yêu, nỗi khắc khoải tâm can ở Quy về vợ con giám Tuân, cũng là vì lòng trắc ẩn, lòng thương xót có thật của chị, dứt bỏ tình yêu của mình cũng là vì tình yêu cho người…
Mặt khác, cách nhìn xuyên suốt đó tạo nên "giọng kể" khá thống nhất và phù hợp qua các trang sách. Quá khứ đậm nhạt luôn luôn có mặt trong hiện tại, thời gian luôn luôn thay đổi, chuyển động theo dòng hồi ức, lúc thì hiện tại như mờ đi trước hình ảnh quá khứ, lúc quá khứ chỉ còn là cái nền để tác giả làm chỗ dựa cho hành động và tâm lý hiện tại của nhân vật. Cuốn sách như một chỉnh thể khá cân đối và chặt chẽ.
Chúng ta đã nhắc qua đến lối hẹp, đến sợi dây căng giữa hai bờ vực mà tác giả đã quả quyết đi qua của khái niệm dễ lẫn lộn mà ngay cả nhân vật chính cũng cảm thấy nằm "ngoài lý trí", đó là ý định "tìm lại nhà những tên ác ôn mình đã giết…". Những "lối hẹp" như vậy đây đó có rải rác trong cuốn sách. Chẳng hạn, những cuộc "báo thù" mang tính chất biệt động của đội Chim Én nếu không được lý giải đầy đủ, rất dễ rơi vào những manh động ngoài ý thức, chẳng hạn sự kết thúc của số phận các nhân vật nếu không được đảm bảo bằng lô gích nghệ thuật chắc chắn rất dễ bị suy diễn… Rất may là, như lường hết những nguy hiểm có thể có trong suy diễn của người đọc, tác giả đã tỏ ra kỹ lưỡng và thận trọng mỗi lần đi qua các "lối hẹp" này.
Chim én bay là cuốn tiểu thuyết thành công của Nguyễn Trí Huân, cuốn tiểu thuyết đáng chú ý trong số sách viết về chiến tranh chống xâm lược mấy năm gần đây của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, nó góp phần làm phong phú dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng của ta đang mỗi ngày một đi vào chiều sâu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
                                                          Ngày 5 tháng 10 năm 1989
                                                                   Lê Thành Nghị
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2008, 04:41:09 pm gửi bởi trachvandung » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM