Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:22:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc tháo chạy tán loạn  (Đọc 78655 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #130 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2010, 10:26:05 am »

Cuộc phiêu lưu Việt Nam của tôi chấm dứt vào một buổi chiều thứ sáu cuối năm 1977 trước mặt Martin. Ông bảo tôi đến nói chuyện với ông ở lầu thượng bộ ngoại giao. Một con ma đón tôi ở cửa. Martin chỉ còn là cái bóng của bộ ngoại giao ba hoa sôi động mùa Hè 1973. Mệt mỏi, mặt nhăn nheo già cỗi, ông mời tôi ngồi xuống một ghế trước bàn làm việc. Ông nói: Hôm nay là ngày cuối cùng ông ở bộ ngoại giao, ông muốn biết rõ tôi có thật chắc chắn về những việc tôi viết trong sách không. Ông nhắc lại những sự kiện chúng tôi đã nói với nhau trong những buổi gặp trước. Như thường lệ, ông cố giải thích cho những việc và quyết định trước của ông. Ông nói hơn một giờ rưỡi. Tôi ghi mỏi tay: Sau bốn năm làm việc với người này, tôi thuộc lòng những lý lẽ của ông. Ông đứng dậy, đưa tôi ra cửa. Cái nhìn mỏi mệt đượm vẻ buồn vô tận. Ông nói: "Anh biết chứ, tôi rời nơi đây cũng gần như khi tôi mới đến đây. Cách đây 40 năm, lúc tôi mới vào nghề, tôi chỉ tuyên thệ trước một mục sư già ở nông thôn. Ngày nay, tôi không có nghi lễ gì cả. Tôi làm việc ở bộ ngoại giao bao nhiêu năm thế mà khi về hưu, đồng nghiệp tôi không có lấy một bữa ăn sáng vĩnh biệt”.
Tôi nhìn ông một lúc. Nên mỉm cười hay tỏ lòng thương hại? Có nên đóng kịch không? Mặt đanh lại, tôi bắt tay ông và đi về. Đi đến cầu thang máy, tôi nhớ lại lời một đồng nghiệp nói về Martin: “Những ý kiến vừa như là một con cáo già ở đầm lầy, thông minh và khôn ngoan, có thể làm thay đồi mọi việc để đạt mục đích. Nhưng tất cả cái ông đạt được chỉ là đốm lửa trong đầm lầy, một ánh lửa sáng và mơ hồ chẳng thay đổi gì cốt lõi sự việc". Nhiều người cho rằng Việt Nam mà người Mỹ nuôi dưỡng và ủng hộ chỉ có thể kết thúc như Martin đã làm. Ngay từ đầu,  chính sách của chúng ta quá tồi, không rõ ràng, chính sách ấy chỉ có thể đưa đến chiến thắng của cộng sản.
Tôi không thể bảo vệ được chính sách ấy nhưng tôi đem hết lương tâm ra chống lại lập luận trên. Là một nhân viên tình báo cũ, tôi chắc chắn rằng, (có lẽ hơi ngây thơ) những quyết định tốt, đúng lúc và dựa trên một nguồn tin chắc chắn có thể thay đổi được sự kết thúc, có khi tránh được cả sự kết thúc ấy. Một nhà lý luận già của họ chẳng đã nói: nếu nói đến xu hướng thì không thể nói đến quyết định trước. Những người biết rõ lực lượng tham chiến có thể thay đổi được quá trình sự việc xảy ra.
Kissinger chắc chắn là người Mỹ trực tiếp cân nhắc lực lượng tham chiến ở Việt Nam sau khi ngừng bắn. Chính ông đã thương lượng "hòa bình" và sau đó, điều khiển chính sách Hoa Kỳ. Trong cả hai trường hợp, ông đều làm hỏng và phá công lao của mình. Dân chúng Mỹ muốn rút nhanh ra khỏi Việt Nam với bất cứ giá nào. Kissinger muốn tuân theo ý chí của quần chúng nhưng lại thừa hưởng những sai lầm của các chính quyền Kennedy và Johnson. Sau khi ngừng bắn, ông lại lầm, quá tin vào sự hợp tác của Liên Xô và Trung Quốc và quá tin vào hiệu quả viện trợ không ngừng cho chế độ Sài Gòn. Nhưng ông không biết lúc bấy giờ, vụ bê bối Watergate đã ngậm nhấm chính sách của ông.
Trong những sai lầm ông phạm phải, chỉ có hai cái ông hoàn toàn chịu trách nhiệm. Một là cái cách ông điều khiển công việc, ông thích trò chơi trội, thích làm lấy, không giao bớt trách nhiệm cho cộng tác viên. Khi ông quá bận về vấn đề Trung Đông, Hoa Thịnh Đốn đã bỏ quên vấn đề quan trọng hơn là vấn đề Việt Nam. Khi cuộc khủng hoảng lên đến cao độ, ông chỉ giao cho một người, Graham Martin! Lại còn thói thích bí mật. Chưa bao giờ Kissinger báo cáo với  quốc hội, với dân chúng Mỹ, ông đã dựa thật sự vào cái gì để bảo vệ nền hòa bình nửa vời.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #131 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2010, 10:27:39 am »

Một hôm, Martin nói với tôi: Thật là buồn, hiệp định Paris không được đặt ra quốc hội chuẩn y. Nếu việc đó xảy ra, ít nhất quốc hội cũng biết cái gì thiếu sót ở Việt Nam và sau vụ bê bối Watergate, quốc hội sẽ giảm quyền của tổng thống trong trường hợp có chiến tranh.
Ngay sau Kissinger, chắc chắn là Martin phải chịu trách nhiệm lớn về thảm bại cuối cùng. Ông được cử đến Sài Gòn lúc ngừng bắn để duy trì một nền hoà bình do Kissinger đem lại, không dẫn đến việc cộng sản nắm chính quyền. Sự "lầm lẫn" của ông là ở chỗ, ông làm việc quá tốt và quá lâu. Đứng về phe cứng rắn - cùng với Nixon - ông củng cố sự không khoan nhượng của người Việt Nam và sự phụ thuộc của họ vào Hoa Kỳ. Cuối cùng, khi chấm dứt ném bom và khi Nixon là nạn nhân quá đáng của mình, thì không ai, kể cả những người được che chở lẫn đại sứ, có thể thay đổi chính sách đúng lúc. Trái lại Martin vẫn cố gây ảo tưởng là Hoa Thịnh Đốn tiếp tục ủng hộ Thiệu. Kết quả là đẩy Thiệu vào chỗ bướng bỉnh và nhận xét sai lệch. Chắc chắn Martin đã lầm. Có thể trách ông không? Nếu ông cố nhào nặn sự thật theo hình ảnh ông tưởng đó là vì Kissinger, thậm chí cả Ford nữa, đều quá ngả theo ảo tưởng của ông, thậm chí chia sẻ những ảo tưởng ấy.
Nhiều người khác cũng phải chịu trách nhiệm về thảm bại của Sài Gòn. Đầu tiên là dân chúng Mỹ. Thật ra, sự bất bình trong nước cuối những năm 60 và đầu những năm 70 đã dẫn đến việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam và chấm dứt sự can thiệp dã man của Hoa Kỳ. Nhưng khi một lính Mỹ đã về nước thì tư tưởng "cuốn theo chiều gió" đã có trong các giới đối ngoại cũng lan tràn trong dân chúng. Vấn đề Việt Nam không còn ở trong lòng nước Mỹ nữa.
Điều đó cho phép một số nhân vật có thế lực tiếp tục một chính sách hợp lý. Đây có thể là một điều cảnh cáo. Vì việc quân  của tướng Dũng vào Sài Gòn tháng 4 năm 1975 chỉ là kết quả sự nhắc lại những sai lầm và thiếu sót đã làm cho chúng ta tham gia chiến tranh. Hai tổng thống Hoa Kỳ đã đánh lừa dân chúng. Đại sứ đã thổi phồng hy vọng thắng lợi. Người ta bỏ mặc những kẻ chờ chúng ta che chở ở Sài Gòn, thực hiện một chính sách thất bại. Mọi việc diễn ra như trong giới cao cấp của chính quyền, người ta vội quên những bài học của quá khứ. Mong rằng với thời gian và khi những vết thương chiến tranh Việt Nam đã lành, có thể trả lại vai trò cho lịch sử. Nghĩa là đánh giá lại từ đầu, một cách khách quan, toàn bộ chủ trương, chính sách, sự việc xảy ra, kể cả những gì làm cho nhiều người trong chúng ta mù mắt, không thể nhìn rõ diễn biến thật sự của tình hình Việt Nam. Đừng bỏ lỡ dịp. Thôi, đừng coi vấn đề Việt Nam là một ảo ảnh, dễ quên hơn là dễ nhớ lại. Nhất là trong cơn hấp hối của nó. Nếu không, chúng ta không thể thoát ra khỏi các thế lực trên lĩnh vực tình báo cũng như trong địa hạt chính trị, đã thay đổi "khoảng cách chịu được” của Sài Gòn thành một kết thúc thảm hại của tấm thảm kịch Mỹ.

HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM