Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 10:50:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc tháo chạy tán loạn  (Đọc 78842 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #100 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:07:11 pm »

Ở Hoa Thịnh Đốn, vì múi giờ khác, nên lúc ấy mới sáng sớm. Kissinger báo cho tổng thống Ford biết việc ném bom và nói rằng Martin bảo đảm cầu hàng không bằng máy bay thường vẫn duy trì được. Tổng thống không bằng lòng, ông vẫn chưa hiểu cái gì đã đưa người Nam Việt Nam đến thảm họa ngõ cụt không lối thoát ấy. Ông cũng không thấy cần để Martin một mình đưa ra những quyết định quan trọng. Vấn đề đàm phán đặc biệt làm ông suy nghĩ. Schlesinger cho là không có hy vọng gì. Còn Kissinger ngày càng nghi ngờ. Chỉ có một mình Martin nghĩ là có thể lợi dụng thời cơ! Thái độ Colby là sự thỏa hiệp giữa thái độ Schlesinger và thái độ Martin. Ngày 28 tháng 4, Colby nói: "Biên Hòa và sân bay có thể mất trong mấy giờ nữa. Quân Bắc Việt Nam tiếp tục uy hiếp mạnh. Cuộc kháng cự ở Long Bình (một căn cứ quân sự gần Biên Hòa) chắc không được lâu nữa. Tây Ninh và Long An sắp rơi vào tay cộng sản. Tóm lại quân Bắc Việt Nam đang uy hiếp Sài Gòn. Đối với Minh, thử xem ông ta có thể thương lượng được một cuộc đầu hàng cho phép những người cộng sản giữ một vị trí trong chính phủ Sài Gòn? Không còn nhiều thì giờ để đi đến kết quả ấy, từ một đến ba ngày là cùng”.
Cuối cùng, sau khi thố lộ với Kissinger những điều băn khoăn của mình, tổng thống Ford quyết định thỏa hiệp. Đành cho Martin quyết định thời gian đưa người Mỹ đi, trao quyền cho Kissinger nói chuyện với Hà Nội. Khoảng 20 giờ, giờ Sài Gòn, tướng Smith cho phép hai máy bay C.130 đỗ xuống sân bay Tân Sơn Nhất chở 360 người đi, không xảy ra chuyện gì. Trong lúc đó, từ Honolulu, đô đốc Gayler gọi dây nói cho Smith phổ biến quyết định mới nhất của Hoa Thịnh Đốn: Đình chỉ ngay tất cả các chuyến bay C.141, để 24 giờ tới, có thể có được 60 chuyến bay C.130. Như vậy sẽ tản cư được mười nghìn người, trong đó có nhân viên phái bộ quân sự.
Tất cả các viên chức dưới quyền sứ quán đều được báo cho biết  kế hoạch ấy. Và tất cả những người phụ trách các bộ phận đều được lệnh báo cho các nhân viên và tập hợp các cộng tác viên mà họ muốn đưa đi. Đại sứ ước tính phải mất ít nhất hai ngày, đến ngày 30 tháng 4, mới di tản hết các viên chức cao cấp Việt Nam. Trước khi đi ngủ, tôi sang phòng Joe Kingsley, uống một ly rượu và nói chuyện. Đài radio đeo dưới thắt lưng tôi, chỉ phát ra tiếng kêu đều đều. Lúc Joe mở cửa cho tôi thì anh đã uống ly Martin thứ ba. Anh ấp úng: "Cho quên những việc xảy ra ban ngày!". Một anh lính mũ nồi xanh, bạn cũ của Joe đang say túy lúy, đến chỗ tôi. Thuyền gặp gió. Anh chàng ba hoa: “trời, mình ở lại Sài Gòn, mình muốn đánh đắm tàu”. Joe cho anh uống một viên thuốc giã rượu. Ba chúng tôi ngồi nghiên cứu kế hoạch di tản từ trên mái nhà và thỏa thuận với nhau, có việc quan trọng xảy ra ban đêm thì người này phải gọi hai người kia.
Tôi trở về phòng. Trước khi đi ngủ, tôi xếp mũ sắt, áo giáp, khẩu M.16 xuống đất, bên cạnh bàn ngay đầu giường để trong đêm tối có thể dễ dàng tìm thấy.
Ảnh: Người di tản Việt nam lên CH-53 ở bãi đáp Lz39
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #101 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:08:29 pm »

BUỔI SÁNG

Buổi họp được tổ chức nửa đêm trong hội trường của sứ quán. Có khoảng 20 người mệt mỏi và mất tinh thần tới dự lúc George Jacobson đến chỗ ngồi của đại sứ để làm chủ tọa cuộc họp thay đại sứ. Một viên chức lặng lẽ cầu khẩn buổi họp xong sớm. Nhưng anh đã thất vọng. Buổi họp kéo dài hơn một giờ, người nào cũng tưởng mình là chuyên gia về di tản nên đều đứng lên phát biểu ý kiến. Jacobson mở đầu. Anh nói: "Đại sứ tin rằng quân Bắc Việt Nam còn 48 giờ nữa mới mở cuộc tiến công cuối cùng. Sứ quán còn  thi giờ để di tản mười nghìn người như dự kiến. Nhưng có một vấn đề là chất lượng. Đã dành quá chỗ đi cho bồi bếp. Đại sứ buộc mười nghìn người di tản còn lại phải là những người mà "tính mạng bị uy hiếp”. Jacobson quay lại phía Shep Lowman đã làm một danh sách cho sứ quán và nói:” Anh thử xem có đủ rèn hai nghìn người Việt Nam đáng được di tản không?”. Lowman ngạc nhiên. Lần đầu tiên anh thấy người ta định chi tiêu.
Sau đó lại thảo luận về đường đi của xe buýt, nơi đón, và khoảng một trăm chi tiết kỹ thuật khác. Cuối cùng, Lucy Wright giơ tay và hỏi: "Có ai có kế hoạch làm cho chúng tôi thoát khỏi nạn không? Nếu có thì nói đi". Jacobson mím cười và nói điều gì không ai nghe rõ. Lúc kết thúc buổi họp, Lowman hỏi Alan Carter bản danh sách mới những người được anh chọn đi trước. Carter kêu lên: "Tôi đưa mấy ngày nay rồi". - Tôi biết, nhưng để lẫn mất rồi. Phải làm lại tất cả. Lowman chỉ tập hợp được mấy đồng nghiệp làm thành một nhóm hôm sau xung phong đi đón và đưa người tị nạn. Rồi cùng với Dan Brewsler, anh gọi dây nói cho những người Việt Nam đứng đầu danh sách.
Người phát ngôn của Hà Nội không im tiếng. Gần một giờ sau đài Giải Phóng tuyên bố: "Nhân dân ta hoàn toàn tin tưởng về lực lượng chính trị và quân sự của mình và chắc chắn sẽ chiến thắng hoàn toàn, giải phóng miền Nam, đất nước của cha ông”. Trong một buổi khác, đài này gọi chính phủ Minh là "ngụy quyền gian dối, một bộ máy chiến tranh trong đó lực lượng thứ ba là nạn nhân". Hà Nội cũng lên án Hoa Kỳ hết sức nặng nề: "Đề nghị đơn giản của Hoa Kỳ là để lại sứ quán với một nhóm nhỏ nhân viên không thể được coi là chấm dứt sự can thiệp của Mỹ. Vấn đề cần thiết là sứ quán ấy được quyền làm gì và tại sao tất cả nhân viên không rút đi ngay, không có một hạn định (không có sự phân biệt giữa  cố vấn với những người khác)... đế quốc Mỹ có chịu bồi thường và hàn gắn vết thương sâu và nặng họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam không? "Tóm lại, nếu người Mỹ muốn có mặt một cách chính thức nào đó ở Việt Nam, họ phải bỏ tiền ra và nhận tội”.
Những đòi hỏi ấy loại trừ hẳn việc duy trì một phái đoàn ngoại giao bình thường. Không còn vấn đề để lại một sứ quán Mỹ nhỏ nữa. Nhưng phải mất nhiều thì giờ Nhà Trắng mới nhận rõ vấn đề ấy.
 Đến 2 giờ 30 phút sáng, giờ Sài Gòn, ngày 28 tháng 4, khoảng hai nghìn người Việt Nam ăn cơm ở nhà phụ của phái đoàn quân sự. Cầu hàng không tạm ngừng vì bốc hàng từ ba máy bay C.130 xuống. Hơn một giờ sau, hai chiếc sẵn sàng chở người đi. Don Hays, người phụ trách việc phân loại mệt quá, không đếm được người đi. Hai chiếc máy bay bốc lên, chiếc thứ ba lăn bánh tới. Hays liếc nhìn đồng hồ: đã bốn giờ sáng.
Một vài giây sau, trái rốc két đầu tiên nổ vang. Nó làm rung chuyển phòng tôi. Tôi lăn khỏi thường trong đêm tối, mò cái mũ, chiếc áo giáp và khẩu súng, bò tới cửa sổ, thầm tính khoảng cách từ đây đến những nơi có tiếng nổ nhỏ tiếp theo: chỉ độ vài kilômét, chắc là ở sân bay Tân Sơn Nhất. Trên các ngọn cây, tôi trông thấy những khối lửa tròn bay trong bầu trời tối mịt. Chân trời vang lên tiếng súng pháo binh. Một tiếng kêu phát ra từ đài vô tuyến nhận tin đặt trên bàn giấy. Ai đó thét lên: "Tân Sơn Nhất bị rốc két và đạn 130 ty bắn phá!". Tôi vội mặc quần, đi giầy và chạy ra hành lang. Ngoài phố, cảnh sát Việt Nam sợ hãi nằm dưới đất, ló đầu khỏi mấy xe hơi đỗ bên hè hoặc khỏi mấy bao cát. Tôi cúi người, chạy ven tường đến phòng Joe Kingsley, xem anh đã thức chưa. Đúng lúc anh dậy. Anh vừa nói: "Lần này thế là hết", vừa mặc áo giáp, chúng tôi theo cầu thang bên ngoài, đi lên nóc nhà. Một trái rốc két nổ gần máy bay C.130 đang đỗ trên đường băng, máy bay bị hư hại nặng, một phần biến thành một tờ giấy nhôm. Hai trái nổ gần trạm gác Moorefield vừa cho đặt cách đây mấy giờ. Người coi  Mc. Mahon và anh lính binh nhất chết ngay. Một trái nổ trên sân quần vợt của phái bộ quân sự. 1.500 người Việt Nam ngồi gần bể bơi bị hơi đạn nổ đánh bạt đi như những ngọn lúa bị gió to lay động. Hays thét, họ nằm xuống và anh bị đè bên trên. Mấy giây sau, một trái nữa nổ ở góc phòng thể dục, làm sụt mái nhà và chết một phụ nữ. Ba, bốn trăm người tị nạn ở trong khu nhà định phá tường sắt chạy ra ngoài. Cách đó mấy trăm mét, một trái nữa nổ, hất tướng Smith và Marbod từ giường xuống đất. Trên lầu thượng, một máy điều hòa không khí gắn vào tường bị ném xuống chân một giường có người ngủ. Anh này hoảng sợ vội vớ lấy khẩu M.16 chạy ra ngoài và nhảy xuống một  cái hố. Sau anh mới biết là chưa mặc quần !
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #102 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:09:17 pm »

Cách độ năm kilômét, đứng trên mái nhà, chúng tôi tính thời gian từ lúc bắn đến lúc đạn nổ: khoảng năm giây. Joe nói với vẻ thán phục: "Chắc là đại bác 130 milimét. Không có đạn rốc két nào có thể gây thiệt hại lớn như thế!  Rìa sân bay Tân Sơn Nhất, một kho nhiên liệu trúng đạn, bốc cháy ngay bắt đầu đỏ lửa ra chung quanh. Một đám khói đen cuồn cuộn lên bầu trời. Mấy giây sau, một trái nữa nổ vào đám cháy.
Joe, chỉ khu vực Hoa kiều ở Chợ Lớn kêu lên: “Đằng kia cũng bị!". Anh nói đúng. Bầu trời Chợ Lớn đỏ rực, gió biến thành một cơn bão lửa. Từ lúc trái rốc két đầu tiên nổ, tướng Dũng đã theo dõi được tiến triển của cuộc bắn phá nhờ có hàng loạt báo cáo do đặc công nằm ở phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất gửi về. Đến 5 giờ, có tiếng dây nói gọi ông. Ông viết trong hồi ký: "5 giờ sáng ngày 29 tháng 4, khi các cánh quân ta đồng loạt nổ súng tiến công thì chúng tôi nhận được điện của Bộ Chính trị gửi lời kêu gọi và những chỉ thị sau đây:  Nhiệt liệt khen ngợi toàn thể các đơn vị đã lập được chiến công lớn trong những ngày qua, kêu gọi toàn thể các cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, với quyết tâm lớn nhất, hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh của một quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sức đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại!".
Sau khi phổ biến chỉ thị của Bộ Chính trị cho các cán bộ có mặt ở bộ chỉ huy, tướng Dũng và cộng tác viên của ông còn gửi một lệnh động viên cho tất cả mọi người. Lệnh đó ông Phạm Hùng thông qua, đã quyết định số phận của Sài Gòn. Hà Nội còn cho tướng Dũng biết một số đông người Mỹ và người Việt Nam sẽ rời Sài Gòn bằng máy bay trong mấy giờ tới, trong đó có cố vấn quân sự Mỹ còn lại. Quân đội tiếp tục siết chặt gọng kìm chung quanh thành phố, nhưng đừng động đến cầu hàng không... Quá 5 giờ, tướng Smith mặc binh phục, đeo khẩu Coi.45 bên hông chạy qua sân quần vợt đến sở chỉ huy của phái bộ quân sự. Ông chưa hết mệt thì một sĩ quan mời ông đến nghe dây nói. Đại sứ Martin muốn nói chuyện với ông. Ông báo cáo: "Vâng, chúng ta tiếp tục bị rốc két bắn. Một máy bay C.130 đang cháy".
Rồi ông nhớ lại chi tiết đáng buồn: hai lính thủy Mỹ bị chết bên hàng rào. Im lặng bên kia đầu dây. Có lẽ Martin chưa nghe rõ. Smith nhắc lại. Đại sứ cắt ngay: "Tôi rõ rồi", tiếng khàn khàn, có vẻ ông bị viêm họng. Đại sứ lại nhấn mạnh: Việc đầu tiên là tất cả các nhân viên phái bộ quân sự phải rời Sài Gòn trong 12 giờ tới dù có bị bắn phá hay không. Cầu hàng không C.130 phải bắt đầu ngay. Cái gì ngăn cản? Smith bình tĩnh trả lời: Đường băng không chắc có còn sử dụng được.
Trở về nhà, tôi đi tắm. Bình tĩnh cạo râu,  mặc một quần cũ, một áo sơ mi và một áo ngoài thể thao. Đội mũ sắt lên đầu, đeo vào thắt lưng hai khẩu P.38. Cài khuy áo giáp xong, tôi buồn rầu nhìn lại lần cuối căn phòng tôi ở. mấy cái quần áo bỏ đi, đài thu thanh, tất cả gia tài của một "thực dân" Mỹ trước giờ ra đi.
Tôi đến cầu thang máy. Lính gác Nùng ở ngoài cửa, dưới nhà, chào tôi, đi theo tôi trong một buổi sáng ảm đạm. Lính Nùng được coi là nhân viên an ninh trong các trụ sở chính thức của CIA, họ rất được tin cậy vì tinh thần chống cộng. Phần lớn họ tị nạn, từ Bắc Việt Nam vào. Đã hứa với họ có chỗ trên máy bay di tản nên họ đang chờ. Một người là chồng chị sen của tôi, giúp tôi đưa chiếc bạc đà vào xe Ford Pinto. Anh mở cửa xe cho tôi, chào tôi một lần nữa và ấp úng nói bằng thứ tiếng Anh giả cầy: "Đừng quên tôi". Lần cuối cùng, tôi gặp anh. Anh và các bạn đồng ngũ với anh đều bị bỏ rơi! Từ nhà tôi đến sứ quán chỉ mất ba phút đi xe hơi. Tôi phóng nhanh, trên những đường phố vắng người, nhưng có cảm tưởng là không bao giờ tới được. Sau cùng tôi dừng được xe ở sau sân chơi. Một lính thủy gác ở đây chỉ cho tôi chỗ đỗ xe ở ngoài phố. Đeo bạc đà lên vai, khóa xe, tôi đi về phía cổng sau ngôi nhà. Một lính thủy mở cửa đủ cho tôi len vào. Đi qua sân, tôi đã thấy một bóng người cao trước căn tin. Đó là George Mc Arthur, một trong nhưng nhà báo tôi đã tiếp xúc trong bữa ăn tối của Carter 15 ngày trước và đã không tán thành luận điểm của tôi. - Chào bạn, Mc Arthur nói bằng giọng kéo dài của người miền Nam nước Mỹ, có người cho biết, các bạn còn chỗ. Mấy phút trước đó, Mc Arthur được Eva Kim cho hay cầu hàng không hoạt động gấp và anh không muốn bị bỏ lại.
Ảnh: Lính thủy đánh bộ Mỹ bảo vệ bãi đáp trong khu DAO
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Chín, 2010, 11:36:02 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #103 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:09:57 pm »

Tôi sẽ gật đầu và tiếp tục đi. Polgar chưa có ở phòng làm việc. Viên chức thường trực đưa cho tôi khoảng 20 bức điện và tin vô tuyến điện, trong đó có những tuyên bố mới nhất của Hà Nội và một bản sao nhận định  của Hoa Thịnh Đốn. Tôi ngồi vào bàn, thảo hai nhận định cho Hoa Thịnh Đốn. Kết luận, tôi nói rõ không còn nghi ngờ gì về chủ trương của Hà Nội đối với Sài Gòn: Không có thương lượng. Đó là bản phân tích về chính trị, quân sự... cuối cùng đánh đi từ sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.
Mệt mỏi vì phải quan sát, Kenneth Moorefield rời mái nhà về phòng, xin một xe hơi. Sau này anh kể lại: "Tôi muốn đến sứ quán để nói chuyện với nhân viên an ninh. Nhưng sau lại thôi. Garrett và cộng tác viên của anh không hề biết gì về cầu hàng không. Thấy thế, tôi bảo họ: Mặc kệ, tôi cứ đi. Rồi tôi đề nghị Garrett cho lính hộ vệ tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất. Đi cũng dễ. Ngoài đường có ít người. Nhưng khi chúng tôi đến cửa chính sân bay thì vấp phải ngay một chuyện: Lính gác không cho chúng tôi vào. Họ cho là tôi là nhà báo nên quá cáu kỉnh. Không thể trách họ được. Đạn rốc két nổ khắp nơi. Máy bay Việt Nam định cất cánh và dưới đất, mọi người đều bắn tứ tung. Tôi tưởng không thể nào vào được. Nhưng đúng lúc chúng tôi định quay về thì trái đạn rốc két nổ cách chỗ chúng tôi mấy trăm mét, chúng tôi vội nhảy vào một cái hốc. Lúc chúng tôi đứng dậy thì những người lính gác quá sợ hãi, mặc chúng tôi muốn đi đâu thì đi.
Đến 6 giờ, đoàn ngoại giao đến sứ quán. Đi trước họ là Polgar. Ông vào đại sứ báo cáo tình hình sân bay. Ông hỏi, rồi gợi ý: "Đã đến lúc phải di tản bằng máy bay lên thẳng chưa? ít nhất, phải cho cưa cây me ngoài sân đi". Đại sứ không buồn nói chuyện nữa. Đối với ông, cầu hàng không bằng máy bay C.170 là quá đủ. Thế là chấm dứt. Tức giận, Polgar gọi Jacobson ra nói riêng: "Dù thế nào cũng phải cưa cái cây để bảo đảm an toàn".
Cùng lúc ấy ở Hoa Thịnh Đốn là buổi chiều, tổng thống Ford họp hội nghị năng lượng ở Nhà Trắng. Một chuyên gia đang nói về khả năng người A rập cấm chở dầu lửa thì tướng Brent Scowcroft,  phó thứ nhất của Kissinger, dón chân đi vào phòng và đưa cho tổng thống một tin “Tân Sơn Nhất bị bắn phá, hai lính thủy chết. Di tản tạm ngừng". Ford hằn giọng, suy nghĩ một lát rồi ra lệnh cho Scowcroft triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia trong một giờ. Tại bộ tổng tư lệnh Honolulu, đô đốc Gayler đi bách bộ. Ông muốn cấp tốc thực hiện phương án di tản, nhưng Martin tiếp tục không nghe. Ông đã gọi dây nói thẳng đến sứ quán mấy phút trước nhưng khi được trả lời là đại sứ bận!
Đến 6 giờ 30 phút, tướng Smith ra lệnh mới cho cộng tác viên: Tất cả nhân viên phái bộ quân sự sẵn sàng ra đi, đúng lúc cầu hàng không C.130 lập lại. Tức thì đại tá Wable, tùy viên quân sự gửi qua vô tuyến điện và dây nói một điện, báo động cho các địa điểm tập họp ở trung tâm thành phố. Đại tá giao cho đại úy Tony Woods tổ chức đoàn xe Ô tô buýt và nói: Chính thức ra chỉ có nhân viên phái bộ quân sự đi thôi nhưng nếu có người Mỹ khác xin đi thì cứ để họ đi. Trước 7 giờ, một sĩ quan hải quân đứng ở đường băng vội chạy đến báo cáo tình hình với tướng Smith. Anh nói: ở đây rất xấu, rất xấu. Máy bay Việt Nam đậu trên đường băng như chim bị thương. Dầu, bom, và nhiều vật liệu chiến tranh rải rác khắp nơi. Một máy bay phản lực F.5 máy còn chạy đã bỏ lại. Smith vừa nghe, vừa lắc đầu: Như thế thì máy bay C.130 hạ cánh thế nào được? Nghe vừa xong, ông gọi ngay cho Polgar ở Honolulu và đề nghị có một phi đội máy bay tiêm kích đi bảo vệ máy bay vận tải. Cách sở chỉ huy của tướng Smith mấy trăm mét, Moorefield vừa đột nhập nơi phân loại người di tản của phái bộ quân sự. Anh thuật lại: "Hoàn toàn như một trại người điên. Đánh nhau khắp nơi. Không có cơ quan an ninh kiểm tra. Không có gì hết. Trước đây, có Woods, một sĩ quan hải quân giúp vào việc di tản, tôi đi tìm anh ta định xin một vài lính thủy ra trông coi nơi phân loại. Nhưng khi thấy anh ta thì rõ ra là không lợi ích gì. Trời ơi, chính anh ấy  đề nghị tôi giúp. Anh vừa được lệnh tập hợp các chuyến xe nhưng lại không biết rõ địa điểm ở đâu. Tôi biết nên phải giúp anh". Đến 19 giờ 23 phút, giờ Hoa Thịnh Đốn, Hội đồng an ninh quốc gia họp khẩn cấp đặc biệt ở Nhà Trắng. Tất cả cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng, cơ quan tình báo đều tham gia. Ford ngồi đầu bàn, Kissinger ngồi bên phải. Bên kia theo thứ tự là bộ trưởng, quốc vụ khanh Ingersoll, giám đốc CIA Colby, Schlesinger và phó của ông là Clements, tướng George Brown, tham mưu trưởng liên quân, và một số nhân vật ít nổi tiếng khác. Kissinger bắt đầu trình bày: Không lập ngay cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng vì máy bay thường còn có thể cất cánh được ở sân bay Tân Sơn Nhất. Schlesinger và Brown không đồng ý, cho rằng đã đến lúc phải thực hiện phương án IV. Cuối cùng Brown đề nghị một thỏa hiệp: Trước hết bảy máy bay C.130, từ Philippines và Thái Lan bay đi Sài Gòn, nếu chúng đỗ được xuống thì thì tiếp tục cầu hàng không, trái lại phải dùng máy bay lên thẳng. Brown cũng đề nghị với đô đốc Gayler cho một phi đội máy bay tiêm kích hộ tống. Nhưng Kissinger phản đối, theo ý ông, cuộc biểu dương lực lượng lúc này có thể làm Hà Nội hiểu lầm.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #104 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:10:47 pm »

Sau đó Hội đồng an ninh quốc gia bàn về số phận bản thân sứ quán. Hà Nội có vẻ bác bỏ mọi sự có mặt của người Mỹ ở Sài Gòn, nhưng Martin hình như vẫn chưa tin như thế. Một người nào đó nói rằng Martin đã lầm, người Bắc Việt Nam nói có lý. Kissinger cau mày. Ford mỉm cười và cắt đứt câu chuyện. Cuối cùng, lại đến một thỏa hiệp thứ hai: Nhân viên sứ quán rút xuống còn một nhóm xung kích gồm 150 người. Những người khác phải di tản ngay trong ngày, cùng với đồng nghiệp ở phái bộ quân sự. Sau buổi họp, Kissinger gọi dây nói cho Martin. Còn tổng thống Ford cho rằng bộ tham mưu đã nắm vững tình hình cuộc khủng hoảng nên đi tìm vợ ở lầu hai Nhà Trắng để cùng nhau uống một ly Martin trước khi ăn tối.
Ở Sài Gòn, Alan Carter đến sứ quán vào 7 giơ 30 phút. Phần lớn đồng nghiệp anh đã đến họp ở phòng làm việc đại sứ. Anh vừa vào, vừa hỏi: tôi dự họp được không?". Đại sứ chỉ cho anh một chỗ trên ghế dài. Polgar vừa trình bày xong bản nhận định của tôi và tuyên bố mới nhất của Hà Nội. Ông nói tiếp: “Những người của tôi ở sân bay Tân Sơn Nhất nói rằng đường băng không còn dùng được nữa. Có lẽ chúng ta phải sử dụng máy bay lên thẳng". Pittman, phó của ông, ngồi không yên, vẻ ngượng nghịu. Anh đã dự kiến như thế. Mặt Martin bỗng căng ra như tờ giấy cũ. Ông rên rỉ: "Làm sao anh biết rằng đường băng không dùng được nữa? Anh chỉ nghe người dưới quyền nói qua điện thoại thôi chứ gì?". Polgar định trả lời nhưng đại sứ đã thay đổi câu chuyện: "Dù sao tôi vẫn nghĩ rằng Hà Nội có ý đồ thương lượng". 
Lúc ấy, cuối phòng, có một cánh tay giơ lên. Joe Bennett, cố vấn chính trị, bằng một giọng khiêu khích, đứng lên hỏi: "Cái gì làm cho ngài tin như vậy?". Hai ba đồng nghiệp nhìn nhau, lạ lùng. Joe Bennett vốn rất trung thành với Martin và kịch liệt chống cộng, không phải thuộc hạng người lên án sự suy xét của đại sứ. Martin không thèm trả lời thẳng. Ông nói: Trước khi có quyết định, tôi muốn đến Tân Sơn Nhất xem tình hình thế nào? Carter há hốc mồm. Nhiều tiếng xì xào phản đối. Nhưng trước khi có người đứng dậy phản đối rõ rệt thì Martin phải đi nghe dây nói của Kissinger gọi sang. Mấy phút sau, ông trở lại thì mặt ông mất cả vẻ nghiêm nghị. Ông nói nhỏ: Tổng thống đồng ý lúc này tiếp tục cầu hàng không nhưng muốn chúng ta giảm số nhân viên sứ quán xuống còn 150 người, nghĩa là một ê kíp xung kích. 
Bất ngờ, mọi người đều nhao nhao lên. Polgar bắt đầu nói cái gì đó nhưng sau cho rằng, dù sao cũng nên im lặng nên ông dựa vào ghế và lắc đầu. Hoa Thịnh Đốn muốn giải quyết cuộc khủng  hoảng như thế đấy. Một nhóm xung kích! Việc đó có nghĩa là ở đây phải dành nhiều giờ để làm lại bảng phân công. Nói một cách khác, làm những việc vớ vẩn trong khi thành Rome đang bị cháy!  Đó là ý nghĩa của tất cả việc đó. Khi buổi họp tan, Jim Devine đến gần Lowman: “Thế còn những nhân vật Việt Nam thì sao?”. Lowman cho anh biết đã tiếp xúc với tất cả những người quan trọng. Nhưng vẫn còn vấn đề chưa biết giải quyết thế nào: Nếu máy bay C.130 không xuống được thì sao? Không có một cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng nào có thể chở hết đám người di tản. Devine suy nghĩ. Anh gợi ý: “Còn có sà lan, tàu thuyền. Còn thì giờ đi huy động chúng”.
Mười phút sau, Lacy Wright và những người thuộc nhóm lực lượng bảo vệ nhỏ bé của Lowman, lấy máy điện thoại, gọi cho hàng trăm người Việt Nam đã được báo trước, nói cho họ biết cầu hàng không đang gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể thay bằng biện pháp khác, tuy có phần nguy hiểm (không ai nói đến sà lan, tàu thuyền cả). Ai sẽ đi? Ai nhận đi thì bất chấp thiết quân luật, mau mau tới một trong những biệt thự được chọn làm nơi đón tiếp.
 Một viên chức sứ quán sẽ đến đón họ và nói rõ thêm. Wight đã gọi cho người Việt Nam thứ hai mươi hay thứ ba mươi gì đó thì bỗng anh nghi ngờ. Anh nói với một đồng nghiệp: "Ta gọi nhiều người quá đấy. Không chở hết đâu”. Anh nói có lý, khổ thay.
Rời phòng làm việc của đại sứ, Polgar đến báo cho tôi, tôi thuộc nhóm người xung kích nhỏ 50 người của chi nhánh CIA. Giọng ngắt quãng, ông nói thêm: Có thể có mất mát. Anh đã sẵn sàng chịu đựng chưa? Tôi gật đầu. Lúc ấy, tôi rất mệt và rất quen với những tấn bi kịch xảy ra chung quanh. Tôi tưởng như mình tránh được hết đạn.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #105 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:11:23 pm »

Giữa lúc đó, George Jacobson tìm một máy bay lên thẳng đưa Martin đến phái bộ quân sự. Anh gọi cơ quan không quân Mỹ ở  Tân Sơn Nhất nhưng người kiểm soát không quân trả lời: Anh ta mệt quá không thể nào cho một máy bay đi dược. Nghe thấy thế, Martin tức giận mặc áo ngoài, đi ra thang máy, nói ồm ồm: "Trời ơi Tôi đi bằng xe hơi vậy.
 Lúc 7 giờ 30 phút, phó tùy viên không quân và mấy sĩ quan chạy vòng quanh nơi máy bay đổ sang bên kia xa lộ, trước trụ sở phái bộ quân sự. Sau này tướng Smith cho biết: Theo ý họ, lúc ấy, không thể tiếp tục cuộc di tản bằng máy bay thường. Tin lời họ, Smith ra lệnh cho nhân viên phái bộ quân sự chuẩn bị đi bằng máy bay lên thẳng, từ những sân quần vợt. Smith gọi sứ quán báo cho Martin. Nhưng Eva Kim cho biết đại sứ bận. Ông đã đi sân bay để kiểm tra đường băng. Nghe thấy thế, đương nhiên Smith cắm chân trong phòng làm việc.
Một bất ngờ khó chịu khác lại đến với ông tướng khốn khổ ấy! Không báo trước, năm hay sáu sĩ quan cao cấp không quân Việt Nam đến xin trú ẩn và đề nghị phái bộ quân sự giúp họ di tản. Smith lạnh lùng tiếp họ, lột vũ khí rồi đẩy họ vào một phòng rỗng. Sẵn sàng từ chối không chiến đấu? Không phải hẳn như thế. Họ còn có thể giúp ích được. Smith ra lệnh nhốt họ cho đến khi phái bộ quân sự hoàn thành cuộc di tản. Làm như vậy, Smith chắc chắn sẽ nhận được sự hợp tác của những người lính Việt Nam khác. Moorefield, trong đời, chưa bao giờ lái xe hơi. Anh cùng đại úy Woods phải lần mò vào nơi để xe của phái bộ quân sự. Mặc dù đã có lệnh, không một xe Ô tô buýt nào dành đón người tị nạn vì không có xăng! Trạm bơm cũng đóng cửa, lái xe người Việt Nam và nhân viên phục vụ đều trốn hết. Điều đáng sợ nữa là hai người ở giữa nơi bị bắn phá. Moorefild kể lại: "Đạn rốc két nổ khắp chung quanh chúng tôi, một trái nổ chỉ cách 40 mét. Việt cộng bắt chúng tôi làm miếng xăn-uých. Vừa chạy trong cỏ cao, tôi vừa nghĩ chắc hôm nay không có chuyện di tản. Chúng giết chúng ta  mất.
 Bên cạnh tôi, trong bùn, có một người Việt Nam đang run sợ Tôi gọi ông ta hỏi có biết lái xe không? Ông ta sợ quá chỉ nói được một từ: Biết. Tôi dựng ông ta dậy, đẩy ông ta đến một chiếc xe và bảo: Thử xem nào? Woods cũng làm như tôi khi gặp mấy người Việt Nam khác. Rồi chúng tôi nhảy vào xe Jeep và một xe thường đi Sài Gòn, đằng sau có bốn hay năm xe Ô tô buýt. Đến 8 giờ 15 phút, giai đoạn đầu cuộc di tản cuối cùng bắt đầu ở nơi phân loại người di tản, Don Hays, một tay bế một con nhỏ Việt Nam đang khóc, tay kia xách hai vali, anh nhìn đám đông, cố tìm chủ nhân. Qua làn khói và sương mù phủ lên máy bay, anh thấy một máy bay nhỏ bị bắn, đang rơi như sao sa chảy. Một lát sau, một đại tá không quân đi đến chỗ anh và nói: "Chúng tôi nhận được lệnh tất cả người Mỹ phải rời ngay nơi này và tập hợp ở sân bay hộ tống chỉ huy". Hays đánh rơi vali, trả lời: “Sao lại thế, ở đây còn ba nghìn người Việt Nam không thể bỏ rơi họ đơn giản như vậy! Viên đại tá nhìn vào mặt Hays làu bàu: "Tôi không nhận lệnh của binh lính! Đi! Chấp hành ngay!". Hays trước đây cũng là lính bộ binh, có kinh nghiệm là tranh luận với một viên đại tá thường vô ích nên anh đưa đứa bé cho viên sĩ quan và chạy tới trạm điện thoại. Anh gọi được cho Jaxynka ở sứ quán, Jaxynka trả lời anh: "Đừng thắc mắc. Đại sứ đến xem đấy, ông sẽ biết cần phải làm gì". Hays quay lại chỗ viên đại tá, thở dài và nói: "Tôi cộng tác với ông nhưng ông phải cho tôi biết tình hình. Viên đại tá nhún vai, trả anh đứa trẻ và bỏ đi, hững hờ, Hyas báo cho khoảng 50 người Mỹ đứng rải rác trong đám đông đi về phía cửa sau, ở đấy có nhân viên CIA mở cửa cho họ ra.
Ở trung tâm thành phố, tướng Timmes đi xe của sứ quán đến dinh tổng thống. Một người phục vụ đi trước dẫn ông vào phòng làm việc của Minh. Ông rất lạ là không có sĩ quan, lính gác gì cả. Tổng thống mới mặc đơn giản một áo ngoài, niềm nở tiếp  ông. Timmes xin lỗi vì làm phiền Minh. Ông chỉ đến hỏi xem người Mỹ có thể giúp gì thêm. Minh cau mày, lắc đầu. ông nói: "Sáng kiến này thuộc về người Pháp. Mấy phút nữa, đại sứ Mérillon sẽ đến nói chuyện với tôi. Ông cảm thấy vẫn còn chút hy vọng đến nói chuyện với tôi. Ông cảm thấy vẫn còn chút hy vọng đến một thỏa hiệp.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #106 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:12:08 pm »

Tướng Timmes hỏi: "Vì sao người Pháp lại nghĩ thế?” Tướng Minh trả lời: Trước hết, người Pháp biết rằng Trung Quốc phản đối việc Bắc Việt Nam chiếm toàn bộ nước này. Bắc Kinh sẽ dùng ảnh hưởng của mình để làm cho cộng sản không chiến thắng hoàn toàn. Sau nữa, Hà Nội không có đủ cán bộ để cai trị đất nước, có thể họ chấp nhận một chế độ giao thời. Quan trọng hơn nữa là Chính phủ Cách mạng lâm thời không muốn Bắc Việt Nam đô hộ!". Timmes khẽ thở dài. Có phải đó vẫn là những luận điểm cũ mà người Pháp cố thực hiện một cách vô ích từ một tháng nay không? Thảo luận bây giờ cũng chẳng có lợi gì.
Tướng Timmes nghĩ thế rồi bảo Minh, ông sẽ báo cáo với Martin.
20 giờ 30 phút, giờ Hoa Thịnh Đốn, Nancy Kissinger mặc lễ phục đến Nhà Trắng. Cùng với bộ trưởng ngoại giao, bà sẽ tham dự một buổi biểu diễn bi kịch của Noel Coward, vở Presont Laughter, rồi đi chơi thủ đô. Nhưng Kissinger báo cho bà biết phải bỏ buổi xem kịch thôi vì Việt Nam đang hấp hối.
Mấy phút sau, lúc tổng thống và phu nhân ngồi vào bàn ăn thì Kissinger và tướng Scowaft đi qua thảm cỏ của Nhà Trắng, về phòng làm việc. Một nhà báo hỏi: "Có tin gì thế”? Kissinger mỉm cười không trả lời.
Bên kia sông Potomac, bộ trưởng Schlesinger và tướng Brown vừa ăn tôm hùm trong bữa tiệc của Lầu Năm Góc. Họ đến phòng tác chiến ở lầu hai. Lúc họ vào, loa phát thanh treo trên tường nheo nhéo phát tin của lực lượng can thiệp 76 ở Thái Lan và phái bộ quân sự Sài Gòn.
20 giờ 47 phút, nhận được lời nói của Gayler, máy bay C.130 đi Sài Gòn không thể có máy bay tiêm kích hộ vệ. Brown giằng lấy micro báo cho đô đốc biết: Tổng thống cấm dùng lực lượng vũ trang. Im lặng ở đầu dây bên kia.
Trong những điều kiện bình thường, đi xe từ Tân Sơn Nhất về Sài Gòn chỉ mất khoảng 15 phút. Nhưng Moorefield, đại úy Woods và đoàn xe Ô tô buýt của họ phải mất hơn một giờ. Dân chúng không còn tôn trọng lệnh thiết quân luật nữa và đều ra phố để mong chạy thoát. Xe cộ chạy khắp ngả đường. Sau tay lái có bà già mù và sĩ quan quân đội hoảng sợ. Ở các trạm kiểm soát, cảnh sát bắn chỉ thiên để nhắc nhở người đi lại.
Giữa đường, đoàn xe nhận được điện của phái bộ quân sự: Về ngay nhà đại sứ. Woods suýt đâm vào cây khi nghe tin ấy. Không ai bảo anh rằng ở nhà đại sứ có người phải đón. Anh cũng chẳng biết nhà đại sứ ở đâu. Moorefield biết, bảo Woods cho xe đến, không gặp khó khăn gì. Họ hiểu rõ ngay lý do phải quay trở lại: phải di tản những người giúp việc và gia đình họ. Woods tức giận vì thấy mất bao nhiêu thì giờ quí báu. Nhưng thực tế, việc quay trở lại cũng tốt. Đến nhà đại sứ, thì thấy nhân viên giữ nhiên liệu đã bơm đầy xăng vào các xe Ô tô buýt. Đại sứ không có nhà. Bà Martin có lẽ có nhưng không ra ngoài. Một lính gác bảo Woods và Moorefield đưa tất cả nhân viên ra cảng. Moorefield kêu lên: "Ra cảng à! Tôi không hiểu anh nói gì Người lính nói. Đi sà lan. Cả Woods và Moorefield đều không biết tí gì về sà lan tàu thuyền và cũng không biết chúng đậu ở chỗ nào. Lại phải quay lại đón người di tản càng chậm thêm.
Moorefield quyết định gọi sứ quán để hỏi rõ chuyện. Jim Devine nghe dây nói cho biết: Đó là lệnh cửa đại sứ, không được  thảo luận. Anh cũng không nói sà lan ở đâu. May quá, những người lính gác cho biết mấy chỉ tiết. Moorefield và Woods nhất trí để hai xe chở người giúp việc đại sứ ra cảng, có một lính gác bảo vệ, còn những xe khác đi đón người tị nạn ở các nơi tập kết. Quá 9 giờ, chiếc xe Chevrolet bọc thép của đại sứ đỗ trước phái bộ quân sự ở Tân Sơn Nhất. Tướng Smith vội vàng dẫn Martin vào hầm, ở đây có mấy sĩ quan Mỹ và Việt Nam. Đại tá Lương, trưởng phòng tình báo Nam Việt Nam báo cáo vắn tắt tình hình: Về mặt quân sự không còn hy vọng, quân đội đã suy sụp, đặc công Bắc Việt Nam đã tiến đến chung quanh sân bay. Legro và Mc Curdy nhấn mạnh: Đường băng đã hỏng. Martin hỏi: Có quân đội bảo vệ đường băng không? Legro trả lời: Thưa không. Lương nói đúng, quân đội đã tan rã. Đại sứ nhún vai, gọi Smith sang một bàn giấy gần đấy và ra lệnh: Cố di tản càng được nhiều người Việt Nam càng tốt. Cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng không chở hết. Phải làm thế nào để máy bay C.130 có thể đỗ xuống được.
Ảnh: Kissinger ngày 29-4-1975
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Chín, 2010, 11:48:53 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #107 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:19:42 pm »

Smith muốn trình bày nhưng đại sứ đã quay người, gọi dây nói thẳng cho Hoa Thịnh Đốn. Scowcroft hiểu rõ việc đó. Ông nói: Lúc này Hội đồng an ninh quốc gia ủng hộ giải pháp ấy. Cầu hàng không bằng máy bay C.130 tiếp tục càng lâu càng tốt. Trước khi ngừng nói điện thoại, Martin ghi mấy tên trên và đọc to lên, muốn Smith hiểu. Rồi ông trở ra phòng tác chiến.
Erich Marbod ngồi ở bàn làm việc, trong một góc. Anh đang uống cà phê. Mặc quần Ka ki, vai đeo khẩu liên thanh K.63 của Thụy Điển, anh giống như một du kích hơn là thứ trưởng quốc phòng. Martin quần áo chỉnh tề, đi qua trước mặt anh, nhìn anh không bằng lòng. Sắp ra khỏi phòng thì ông quay lại, đến bên cạnh Marbod. Bất ngờ, mặt ông dịu lại, vừa mỉm cười, ông vừa hỏi Marbod:  "Này Erich, sáng nay, khỏe không? Rồi ông để tay lên vai Marbod: "Tôi tự hỏi không biết anh có thể giúp tôi việc này không, đó là việc đưa vợ tôi, bà Dottie đi. Anh có thể thu xếp một chuyến bay đặc biệt để đưa bà ra khỏi nước này không? Anh có nhiều bạn ở bộ tư lệnh lực lượng không quân thứ bảy ở Thái Lan. Anh làm ơn nói với họ cho một chuyến máy bay đặc biệt để chở bà nhà tôi đi. Von Marbod nhìn vào mặt đại sứ trả lời: "Trời ơi, ông Martin, ông không rõ tình hình sao? Đường băng hỏng rồi. Không còn cầu hàng không bình thường nữa. Máy bay nào đậu ở đường băng quá mười phút là bị quân Bắc Việt Nam bắn ngay. Cách duy nhất đưa bà Dottie đi là bằng máy bay lên thẳng”.
 Mắt Martin mệt mỏi như mắt người sắp chết: "Thế mà tôi vừa nói với tổng thống rằng chúng tôi tiếp tục duy trì cầu hàng không bình thường". Nói xong, Martin quay ra. Von Marbod vội cầm tay áo, giữ ông lại: "Tại sao ông không cùng tôi ra xem đường băng?". Martin lắc đầu và cố đi ra. Lúc ấy, một tiếng nổ dữ dội làm rung chuyển ngôi nhà. Von Marbod thấy tay đại sứ run lên, hỏi đại sứ: "Thế ông vẫn muốn tổ chức một cầu hàng không bình thường à?". Martin nhìn Marbod, môi mấp máy nhưng không nói gì. Ông quay gót đi ra cửa. Sau này Marbod nói với bạn: “Chắc đúng lúc ấy, Martin đã thay đổi ý kiến.”
Nhưng Smith không cho là như thế. Sau khi đưa Martin ra xe Chevrolet và cho một đội hộ vệ vũ trang đi theo đại sứ, ông gọi dây nói cho Polgar ở Honolulu. Ở Hoa Thịnh Đốn, cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều theo dõi cuộc nói chuyện của họ. Khi Smith nói xong quan điểm của đại sứ, Gayler hắng giọng và trả lời rằng mọi việc này tùy thuộc vào những máy bay C.130 đang bay về Sài Gòn. Nếu chúng hạ cánh được thì có cầu hàng không.
Mấy phút sau, một sĩ quan thủy quân, đội mũ sắt, mặc áo  giáp chạy đến trước Smith báo cáo: Máy bay C.130 không thể hạ cánh được. Đường băng đầy mảnh vụn. Tai hại nữa là quân đội Bắc Việt Nam lại vừa bắn và phá hủy chỗ đỗ chính. Smith vội kêu lên: “Trời ơi! Cho mọi người ra khỏi chỗ ấy, hành khách, lính thủy, mọi người ra tất”. Ông vớ lấy micro ra lệnh cho máy bay C.130 đang bay đến, bay chậm lại để chờ.
Ở Hoa Thịnh Đốn, Schlesinger gọi dây nói cho Nhà Trắng: "Vì chúa, đề nghị cho sử dụng máy bay lên thẳng ông hét như vậy với Scowcroft. Lần đầu tiên, người phó của Kissinger có vẻ đồng ý.
10 giờ 25 phút, Smith lại gọi Gayler: Đã đến lúc phải dùng máy bay lên thẳng. Đô đốc thở dài thật lớn ở đầu đằng này, Ở Sài Gòn, cũng nghe rõ. Ông hứa sẽ chuyển ngay đề nghị ấy cho Lầu Năm Góc.
Smith gọi cho Martin đã trở về sứ quán. Không còn hy vọng gì về cầu hàng không bằng máy bay C.130 nữa. Hay là phương án IV hoặc là không có gì. Đại sứ trả lời: Đồng ý. Giọng ông khản đặc vì viêm họng. Ông đã nghe Smith: Dùng máy bay lên thẳng.
Giữa lúc ấy Kissinger gọi cho Ford, báo cáo nhất thiết phải sử dụng máy bay lên thẳng. Nhưng Ford chưa đồng ý. Có quá nhiều tin tức, ông không hiểu dựa vào tin nào, để ông hỏi lại Martin đã rồi mới quyết định.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #108 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:21:02 pm »

23 giờ 43 phút, Kissinger gọi cho Martin theo một đường dây riêng. Ông nói rõ quan điểm của ông và chờ ý kiến của đại sứ. Suy nghĩ một lúc, Martin nói đơn giản: "Dùng phương án IV thôi". Kissinger lẩm bẩm: ông đồng ý và một giờ nữa sẽ cho máy bay lên thẳng tới. Được Martin tán thành, Kissinger báo cáo lại với Ford. Tổng thống ra lệnh cho Schlesinger huy động ngay máy bay lên thẳng.
22 giờ 51 phút, giờ Hoa Thịnh Đốn, lệnh tiến hành chiến dịch  “Gió lớn" được ban ra, đó là tên một cuộc di tản bằng máy bay lên thẳng ở Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975.
Ở Sài Gòn, lúc ấy, đài phát thanh Mỹ cho phát một bán nhạc cũ: Tôi mơ một đêm Noel trắng. Trước khi đi sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên đài mở liên tiếp điệu hành quân của Sousa.
Martin ra lệnh đốt hai triệu đôla. Sau đó ông hối hận. Ông có thể cần dùng đến số tiền ấy nếu có thỏa hiệp với Bắc Việt Nam. Trong những người di tản đầu tiên được tướng Smith gửi đến hạm đội của đô đốc Whitmire có vợ ông và hai sĩ quan cao cấp hải quân, các đô đốc Hugh Penton và Owen Oberg được bổ sang phái bộ quân sự từ đầu tháng 4. Sự khôn ngoan sơ đẳng nhất là cho bà Smith đi ngay. Còn hai sĩ quan kia thì đô đốc Gayler đã giải thích cho Smith rõ: Không một sĩ quan cao cấp nào được ở lại Sài Gòn trong trường hợp tình hình trở nên thất vọng.
Erich Von Marbod cũng có mặt trong nhóm người di tản ấy, theo đề nghị của ông. Từ sáng sớm, ông đã sốt ruột ngỏ ý muốn ra hạm đội để tổ chức cuộc di tản của những người còn lại của không quân Nam Việt Nam.
Máy bay lên thẳng vừa hạ xuống cầu tàu USS Bluebridge, tàu chỉ huy của đô đốc Whitmire thì Von Marbod đã vội chạy tới phòng thông tin để nói chuyện với Schlesinger ở Hoa Thịnh đốn. Ông nói vừa rời Sài Gòn bằng chiếc máy bay lên thẳng di tản đầu tiên. Ông xin phép được sử dụng một tàu sân bay của đô đốc Whitmire để tổ chức việc nghiên cứu người tị nạn, việc mà Schlesinger giao cho ông làm tuần trước. Bộ trưởng quốc phòng đồng ý và giao cho Marbod tàu sân bay USS Dubuque. Đô đốc Whimire rất bất bình vì thấy một người thường lại nắm quyền chỉ huy một tàu hải quân. Nhưng ông ta không phản đối được vì đã có lệnh của Schlesinger. Von Marbod cảm ơn Whitmire về sự hiểu biết của ông và lấy máy bay lên thẳng đi đến tàu USS Dubuque. Rồi tàu này chạy tới  đảo An Thới, quần đảo Phú Quốc, ở ngoài khơi đồng bằng. Von Marbod định đặt ở đây một hệ thống thông tin để hướng dẫn máy bay Việt Nam bay đi Thái Lan.
Người giúp việc Marbod là Rich Armitage đã bay đến một tàu khác của Whitmire và cho tàu này chạy về đảo Côn Sơn. Anh đã hẹn các đơn vị hải quân Nam Việt Nam rời Sài Gòn chạy ra đó. Khoảng mười giờ, đoàn xe Ô tô buýt của Moorefield mới trở lại phái bộ quân sự chở chuyến đầu tiên người tị nạn. Anh thuật lại: Khi chúng tôi đi ngang qua phía bưu điện thì đạn rốc két bắt đầu nổ trên đầu như pháo nổ trong dịp Quốc khánh 4 tháng 7. Chắc chắn, quân đội Bắc Việt Nam có người đứng gác để báo tin có đoàn xe đi qua. Đạn nổ, người ngồi trên xe cuống cuồng, kêu la sợ hãi, ẩn núp dưới ghế hoặc nhảy ra khỏi xe. Cùng với một người Mỹ nữa, tôi vội vàng mở cửa xe cho họ chạy trốn vào trong nhà bưu điện. Nhiều người không đi được nữa, nhất là trẻ con và phụ nữ có tuổi. Chúng tôi phải bế họ, chân thì đẩy hành lý. Lại còn bọn khốn kiếp phóng viên nhiếp ảnh nữa: Họ mắc kẹt vì máy móc, đèn. Tôi thét lên: Vứt đấy! Trời ơi, vứt đấy! Nhưng không có người nào bỏ đồ nghề của họ để giúp chúng tôi một tay. Khi mọi người đã ở trong nhà bưu điện, tôi nhìn ra mới biết người lái xe đã bỏ đi. Lại phải tìm người khác. Tôi hứa sẽ giúp gia đình anh này di tản, anh mới nhận lái nhưng sau này, anh đi mất, tôi không thực hiện được lời hứa.
Khi Joe Kingsley vừa đi vào phòng chân khập khiễng thì đã 10 giờ. Anh trông như một người vừa bị một máy bay phản lực F.5 bay sát đầu: sơ mi rách hết, bám đầy mỡ, mặt đỏ gay. Anh để lựu đạn và súng tiểu liên xuống bàn, như muốn trút mọi gánh nặng trên đời. Ba giờ qua, anh vừa giúp những người Mỹ và người Việt Nam ở trong ngôi nhà, đi đến sứ quán. Anh nói: "Có thể còn có người trong ngôi nhà, một lần nữa tôi đưa được một người ra thì  lại có một kẻ khác lén vào. Người Việt Nam cho rằng một Boing 747 sẽ đỗ trên mái nhà để đưa họ đi! Tôi giải thích, nhưng...". Tiếng gọi liên lạc cắt lời anh: đây, Pittman đây . Joe vội nói: "Để tôi”, rồi anh đi ra. Pittman định giao cho anh nhiệm vụ mới, cũng khó như nhiệm vụ trước. Pittman nói: Xuống tìm Jacobson. Cố dẫn một ít người Việt Nam ra sà lan đang đậu ở Tân Cảng". Joe kêu lên: "Cầu Tân Cảng, trời ơi, cầu ấy đã bị chiếm từ hôm qua rồi. Việt cộng ở đấy. Không thể đưa người đến đó được Nhưng Fittman không nghe và Joe, là một người lính tốt, phải tuân lệnh. Anh đến phòng làm việc Jacobson, ở lầu ba để nhận lệnh. Jacobson cũng sợ. Ngay cả đường phía bên này cũng không còn đi được. Carmody, tùy viên hải quân đã ra lệnh cho mấy tàu lúc trước đã đỗ ở đây chạy đi Khánh Hội, ở giữa thành phố, nơi mà Chatman và Bob Lanigan đã neo mấy tàu của họ.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #109 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:21:47 pm »

Trong khi Joe tìm cách dàn xếp ý kiến của một số người ở lầu sáu sứ quán, tôi tiếp tục suy nghĩ một cách chẳng lợi ích gì. Đã mấy giờ liền, tôi tìm hiểu ý nghĩa của những tin mới nhận được. Thường mỗi khi có điện hoặc tin vô tuyến, tôi đọc rất nhanh, nhớ kỹ những điều hiểu được rồi vứt vào thùng "để đốt". Tin mới đều khẳng định kết luận tôi rút ra từ mấy tuần nay: Cộng sản định chiếm thành phố trong thời hạn ngắn nhất. Tôi cũng đã bắt đầu hủy những bản đồ ghi tình hình những hồ sơ mật. Mặc dù tôi được tham gia vào nhóm xung kích của CIA, tôi cũng không muốn chút nào đứng trước quân đội Bắc Việt Nam với một ngăn kéo đầy tin tức có giá trị. Phần lớn những bản đồ của tôi đều bồi bìa dày, chỉ có một cách phá hủy tiện lợi là lấy lưỡi lê đâm nát ra.
Tin tức ghi trong hai năm qua, biết bao nhiêu công phu. Thế mà đến trưa, phòng làm việc của tôi đã đầy những đống bìa như là nơi đổ rác. Mọi bộ phận trong sứ quán đều làm thế, phá hủy hồ sơ. Một  cô thư ký ném một máy chữ giá năm tràm đôla vào gầm cầu thang. Phía sau nhà, người ta đã đốt liên tục giấy tờ, hai lò lửa kêu át cả tiếng đạn nổ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Bên ngoài ven tường sứ quán, lính thủy đứng gác, đi bách bộ. Biết bao nhiêu cánh tay bám vào cửa ra vào. Hàng trăm người Việt Nam, trong đó có nhiều người giơ những mảnh giấy trắng lên vẫy, chắc là giấy thông hành, - van nài xin vào sứ quán. Bên trong, nhiều đồng bào họ, may mắn hơn - phần lớn là bồi bếp - đến sứ quán từ sáng sớm với ông chủ làm việc ở đấy, đang đợi xe ô tô buýt đi Tân Sơn Nhất. Ngoài sân chơi, gần một nghìn người Việt Nam đứng hết sức lộn xộn. Một số người đã lặng lẽ nậy cửa gian hàng tạp phẩm. Nhiều đồng nghiệp tôi thuộc chi nhánh CIA đến, lấy lại, đem về phòng Polgar rượu, pho mát.
Trước 11 giờ, tôi đi thang máy xuống dưới nhà. Chật ních gia đình người Mỹ và người Việt Nam. Như trên cầu tàu hạng ba của một con tàu chở người hạng nhì. Có những người quay phim vô tuyến truyền hình, sắc trên lưng, đi đi lại lại; viên chức CIA cố tránh để khỏi bị quay. Hai phóng viên báo New York ngồi trên một hòm lớn đặt trong góc nhà trông thấy tôi và gọi nhưng tôi quay lưng đi, tảng lờ như không nghe thấy. Họ làm tôi nhớ tới những con chó rừng khi chúng ngửi thấy mùi thịt thối. Tôi không còn muốn làm vừa lòng sự tò mò của nhà báo nữa. Còn thủ trưởng kiên cường của tôi, ông Polgar, bắt đầu tỏ ra mệt mỏi. Không phải vì sợ, vì căng thẳng mà ông không còn giữ lại được vẻ bình thường, mà là vì ông quá tin vào luận điểm hòa bình thương lượng mà ông luôn giữ trong mấy tuần qua, nay rõ ràng đã thất bại.
Polgar là một trong những ủy viên hiếm có của đoàn ngoại giao đã được Việt Nam hóa trong nhiệm kỳ của tôi. Ông có quan hệ với người Việt Nam thuộc đủ loại, thân thiết riêng với nhiều người mà nghề nghiệp ông đòi hỏi. Trong lúc buổi sáng sắp qua, trật tự cũ đã đảo lộn chung quanh ông. Polgar thấy lòng  mình bị dày vò, xé nát vì sự gắn bó, cảm tình đã mất cũng như những kỷ niệm về một lỗi lầm. Từng giờ một, tôi thấy ông sút hẳn. Con người nhỏ bé cứng rắn mà tôi quen biết nay trở thành một người không thể nhận ra được. Tôi rất xúc động, muốn giúp đỡ ông nhưng tôi biết làm việc đó không ích lợi gì.
Sau này, Polgar bảo tôi, lúc ấy, ông rơi vào một cơn mê kinh khủng. Mọi ý nghĩ của ông đều tập trung vào khoảng ba chục người bạn quen biết cũ, ông định giúp ra đi. Họ họp thành một nhóm người Việt Nam kỳ lạ và rất khác nhau: nhà chính trị, cảnh sát, nhất là bộ trưởng nội vụ mà ông rất kính trọng. Đêm trước, ông đã gọi cho họ bảo đến tập trung ở nhà ông vào 11 giờ hôm nay. Giờ hẹn sắp đến, Polgar định đi đón thì thấy mình đang bị nhốt trong sứ quán.  Khi người lái xe đánh xe đến cổng sau sứ quán thì cửa đã hạ xuống. Mọi việc xảy ra rất nhanh. Ngoài đường, kẻ nào vừa ném một quả lựu đạn. Không do dự, lính gác khóa luôn cửa lại và cấm mọi xe ra vào.
Khi Polgar hiểu rõ sự tình đến xin phép người cai đi ra, thì anh này từ chối và nói: "Tôi đếch cần biết anh là ai. Polgar trở thành tù binh trong sứ quán đúng lúc bạn bè Việt Nam chờ ông, cách đó khoảng mười ngôi nhà. Polgar đứng bên hàng rào, bất lực; ông đang nhìn biển người trước mặt, chợt một tiếng quen thuộc gọi ông, gọi to và giật giọng. Đó là nguyên cố vấn an ninh của Thiệu, tướng Đặng Văn Quang vừa đến và len tới sát hàng rào. ông mặc một chiếc áo đi mưa dài, đeo kính đen, xách hai cặp rất nặng. Polgar nói dõng dạc với người cai: "Cho người này vào". Nhưng cũng phải tranh luận, người cai mới đồng ý hé cửa để Quang lách cái thân già, béo phệ của ông ta vào!
Những giờ sau, Quang đi đi lại lại trong phòng làm việc của Polgar trên lầu sáu. Ông mặc bộ quần áo màu xanh nước biển, đeo nhiều nhẫn kim cương. Quang gọi dây nói khá lâu vì trong lúc sợ hãi và vội vàng vào sứ quán, ông đã quên con cháu đang đứng bên  ngoài. Quang cố cầu cứu mấy người bạn khác. Phần lớn chúng tôi ghét Quang. Thấy ông ta ngồi trong phòng, chúng tôi ra ngay. CIA đã trả ông ta nhiều tiền và đề cao ông ta nhiều năm, CIA cũng đưa ông ta lên ngồi cạnh Thiệu nhưng ông ta đã phản bội chúng tôi, không cho chúng tôi biết chiến lược của Thiệu rút khỏi Tây Nguyên, đưa quân về cố thủ.
Trong những giờ cuối cùng ở Sài Gòn này, mặc xác ông ta xoay sở. Buổi chiều, khi máy bay lên thẳng chở Quang đi, không có con ông ta, không người nào không nói: "Đáng kiếp.
 Khi Polgar đi từ sân lên phòng làm việc, ông có vẻ già thêm mười tuổi. Vừa đi bách bộ, ông vừa nói: Làm gì bây giờ? Tôi hứa với những người Việt Nam ấy, đón họ ở nhà tôi. Tôi không thể để họ ở đấy. Pittman cầm tay ông, đề nghị cho máy bay lên thẳng đến đón họ. Tôi trả lời: "Không được, các cơ quan an ninh đều nói súng nổ bốn bề chung quanh ngôi nhà Polgar. Không một máy bay lên thẳng, một xe ô tô buýt nào đến được đấy vào lúc này". Tôi chợt nhớ tới ngôi nhà số 6 Quảng trường Chiến sĩ, nhà tôi ở, cách không xa biệt thự của Polgar. Tôi đề nghị cho máy bay lên thẳng đến đấy. Giải pháp đúng, Polgar gật đầu kêu lên: "Đúng, đúng. Để tôi gọi Út đưa họ đến. Tốt quá". Mấy phút sau, người lái xe của Polgar, cao 1,64 mét, lách ra khỏi sứ quán, mang theo một máy vô tuyến điện.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM