Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Tư, 2024, 01:03:17 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tàn đen đốm đỏ  (Đọc 47891 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #80 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 02:16:21 pm »

Nhìn thẳng vào mặt ông kia, An dằn giọng:

- Cảm phiền ông, bà rót giùm bia ra li.

- Rót hết ạ.

- Rót hết!

- Rồi. Lấy giùm cái chậu lớn ra đi.

Chẳng hiểu đầu đũa ra sao, mụ chủ vẫn phải lật đật bê cái chậu nhựa. Những người làm ở tiệm trố hết mắt vì hai ông khách kì cục này. An phẫy tay:

- Con mụ bóc lột này, tôi dẹp sang bên. Còn ông, tôi sẽ tính sổ sòng phẳng. Làm đi. Đổ hết tất cả những thứ trên bàn này vào chậu. Còn nhẹ đó!

Ông kia ngắc ra. Hiểu rõ sự việc, tức trào bọt:

- Sức mấy tao chịu nhục. Nè, tao là cán bộ tập kết. Mới ngoải vào…

Chỉ đợi có thế, cơn giận nén từ chiều qua, bùng lên thành ngọn. An thụp ngực ông kia, dúi đầu xuống sát bàn nhậu:

- Còn dám mở mồm nói chuyện vinh nhục. Ở ngoài vào, sao hành hạ đồng chí mình? Nè, lính tráng tụi tao ít tiền thật nhưng không thiếu. Không kể công nhưng chúng tao vào sống, ra chết không phải để đổi lấy mấy thứ này đâu. – An gạt mạnh, li bát rơi xuống vỡ loảng xoảng. – Làm đi, kẻo tao bắn lủng sọ bây giờ.

Kinh quá, đến Ngọc khợp cũng toát mồ hôi. Mụ mập quỳ xuống, lạy như tế sao. Ông kia, tất nhiên không dám làm già, đành cum cúp tuân theo.

Xong xuôi, An còn chỉ mặt ông kia, bấy giờ đã xám ngoen ngoét.

- Thứ cách mạng như ông, chỉ hại dân, hại nước.

Đận ấy, An bị kỉ luật cảnh cáo, rơi mất một sao trên ve áo. Hôm nhận kỉ luật, có buồn nhưng vẫn bảo:

- Tính qua thế. Thấy bất bình không thể chịu nổi!

Sau này, C trưởng An chuyển ngành, đến cơ quan nào cũng có chuyện. Đại loại chuyện như trên cả. Người như An, ở đời cũng không phải là nhiều.

Nhắc đến C trưởng An, không khí xôm hẳn lên. Tranh cướp nhau nói. Ngọc khợp phải cắt:

- Nói đến ông cạp lửa có mà hết ngày. Tao còn biết một chuyện sốt dẻo về ông nhưng tao không nói đâu. Đang dưng lại xoay ra ngẫm ngợi sự đời. Xin các bố! Chẳng cần đến bàn luận của các bố, đời vẫn như nó vốn có. Thiếu gì chuyện. Tình, tiếc chẳng hạn. Đấy, Long tẩu…

Long tẩu chặn ngang:

- Sao không mang mối tình điên của mày ra mà phiễu. Làm đến trăm bài thơ tình, có báo đếch nào thèm in. Ngu!

Ngọc khợp im re. Chuyện làm thơ là có thật. Không in cũng có thật. Vì dở quá. Nhưng trăm bài thơ thì không đến, Long tẩu vống lên hơi quá. Chuyện xảy ra cũng đã lâu. Một chút lãng mạn trẻ con ấy mà. Nguyên, Ngọc khợp quỵ vì sốt được đưa về điều trị ở bệnh xá của đoàn. Số xui, vừa chuyển đến thì bệnh xá bị đánh bom. Sốt cao, nằm mê man, bom chứ động đất cũng không thể biết. Số thương, bệnh binh cùng lán rút kịp xuống hầm. Mới đến, lại nhốn nháo nên nhân viên bệnh xá không biết sót người. Dứt một loạt bom mới phát hiện ra. Một người sực nhớ:

- Thôi chết, lán Bốn còn một thằng sốt mới vào.

Lúc ấy máy bay đã quành lại. Tiếng động cơ rít lộng óc. Mọi người nhìn nhau. Rồi một bóng người vút ra khỏi hầm. Chớp nhoáng nhoàng. Khói đen trùm kín người cô y sĩ vừa băng ra. Lửa bén vào các dãy nhà nứa cháy rần rật. Tre nứa nổ lép bép. Thêm một, hai người nữa lao vút. Cô y sĩ nhào vào bế thốc Ngọc khợp ra. May quá, vừa xong thì lán ụp xuống. Cũng lạ, cô kia người vừa phải, chẳng to béo gì, làm sao lại mang nổi ông tướng khợp. Lúc gầy nhất, móc hàm lên, nó cùng hòm hòm nửa tạ rưỡi. Ngọc khợp nằm lịm chẳng hay biết gì. Mồm chóp chép như trẻ con thèm sữa. Đận ấy, an toàn cả. Hú vía!

Lúc tỉnh, mọi người kể lại, Ngọc khợp không ngạc nhiên lắm. Nó quả quyết:

- Tôi biết!

- Nói phét. Nằm mê man, chậm vài giây nữa thì thành chuột nướng.

- Tôi biết! – Nó vẫn nói chắc như đinh đóng cột.

Một người bảo:

- Vậy, ông chỉ đi. Đúng được người cứu ông, tôi mất cho ông cái đồng hồ. Sai, tôi chỉ xin ông kí đường.

- Xong!

Tưởng phiễu phão cho vui, nào ngờ thật. Hết ngày đầu, không thấy Ngọc khợp động tĩnh gì. Tay kia cười cười:

- Thôi, chi kí đường ra cho vui vẻ.

- Rồi ông xem. Ông xin rút tôi cũng đồng ý. Hôm ấy, quả tình bom đạn tôi không biết thật. Chỉ thấy nóng. Nóng ngột hết cả người. Khát ghê gớm tưởng chết đến nơi. Đúng lúc đó có một người đến. Không nhìn rõ mặt. Tóc rất dài, mềm và mượt. Mùi hương toả ra từ tóc mới đặc biệt. Quen lắm nhưng chịu không phân biệt được hương gì, người đang nóng thế vẫn thấy nao nao. Chợt mái tóc kia xoà vào mặt tôi. Ông biết không, như có một dòng suối mát chảy vào thân thể…

Tay kia không chịu được:

- Ông nói giỏi lắm. Nhưng phét. Nói phét. Tôi vẫn cược với ông.

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #81 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 02:16:46 pm »

Giờ cho thuốc sáng hôm sau, cô y sĩ đến. Ngọc khợp đang lim dim ngủ, chợt mở choàng mắt. Tay đồng hồ nằm ở giường bên giật thót cả người. Đúng thật, cô y sĩ có bộ tóc rất đẹp. Cô đưa cho Ngọc khợp cái đo nhiệt độ. Ngọc khợp đưa cả hai tay đón lấy bàn tay cô y sĩ. Người nó run lên. Đôi mắt đỏ kè vì sốt của nó sáng rực, nước mắt rịn ra lấp lánh. Mồm nó lắp bắp:

- Chị…

So tuổi, cô y sĩ đáng làm chị thật. Sau giây phút bất ngờ, cô y sĩ định rút tay ra nhưng nhìn vào mắt Ngọc khợp, cô không nỡ. Cô cũng hiểu đôi mắt ấy nói điều gì.

- Chị…

Một lát, cô y sĩ se sẽ áp tay vào mắt Ngọc khợp:

- Tôi cũng vì nhiệm vụ ấy mà.

Ngọc khợp vẫn giữ chặt tay cô y sĩ. Lần này nó nói được rõ ràng:

- Chị! Suốt đời em không quên được chị. Hương tóc của chị…

Cô y sĩ cảm động. Cô gỡ tay mình ra, vuốt vuốt mái tóc Ngọc khợp. Cử chỉ đầy bao dung của một người chị. Cô nói rất khẽ:

- Cảm ơn bạn!

Chỉ có thế. Tay kia chứng kiến từ đầu đến cuối. Đợi cô y sĩ đi ra, hắn vội tháo đồng hồ đưa cho Ngọc khợp:

- Chịu rồi! Tôi thua cuộc.

Ngọc khợp lắc đầu. Mặt nó đang miên man, rạng ngời.

- Ông cứ đeo. Tôi kỉ niệm ông. Ông biết không. Tôi đã tìm thấy cái quý giá nhất của đời người.

Chuyện loang về A trinh sát. Ai cũng không tin. Duy chỉ có Thắng vịt khẳng định:

- Có! Chuyện này có! Âm khí của nó mạnh nên cảm hoà được. Thằng này vượng, đường âm sau này, phát phải biết!

Chuyện rồi cũng qua. Có điều từ đấy Ngọc khợp trở chứng, nghiện làm thơ. Làm như điên. Rặt thơ tình. Nó viết về mối tình lớn của đời nó. Tội nghiệp!

*

*     *

Lần này, gà gáy rộ một chặp. Đêm đen có vẻ đã loãng ra. Bình ních xem đồng hồ:

- Bốn rưỡi rồi. Trời hè ở đây cũng lạ lùng. Nhà mình, tầm này đã sáng tửng. Các bố đừng dửng mỡ nữa. Hay hớm gì mà mang tình ra giễu. À này, dạo đó mấy năm sau, bọn thằng Vịnh, thằng Phương mới được công nhận liệt sĩ nhỉ?

- Ba năm – Ngọc khợp trả lời. – Mày hỏi làm gì?

- Thì tao vẫn canh cánh chuyện kia mà lỵ. Nghĩ lại dạo đó vất vả thật.

- Thế còn nhanh đấy. Nhiều người bây giờ mới được công nhận. Cũng do công ông cạp lửa phần nhiều. Bao nhiêu chữ kí xác nhận mới được. Thủ tục phức tạp lắm. Bây giờ vẫn còn khối.

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #82 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 02:17:21 pm »

 Tao có quyền, ai ra trận không về, phong tặng hết. – Đấy là Biên mu-gích phán.

- Thế có mà loạn. Thằng chiêu hồi, rồi dân tụt tạt, trốn nước ngoài. Đổ đồng, hoá ra công cũng bằng tội à.

- Mẹ, thiếu gì thằng trốn đi, giờ quay về trong lốt Việt kiều yêu nước. Túi rủng rỉnh đô la, lại chả công bằng mấy mình à.

- Chuyện đấy lại khác. Nói đi phải nói lại. Hoà bình lâu rồi, cũng phải quên đi chuyện cũ. Phân biệt mãi làm gì. Xúm vào xây dựng đất nước lại chả hơn.

- Phản động! Mày nên nhớ rằng đất nước này được dựng bằng máu. Hiểu không? Máu chứ không phải bằng mấy đồng tiền nhép kia đâu nhé!

- “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nói là nói mấy thằng không về ấy chứ. Chúng mày cứ quàng quạc sang chuyện khác.

- Đấy là nỗi đau lớn nhất của chiến tranh!

- Thôi thôi, xin các bố, toàn phán cụ cả – Bình ních vỗ tay bồm bộp.

Thình lình Ngọc khợp hạ một câu:

- Còn bia không?

Đám ộn ạo bặt lại. Nhất loạt phá lên cười. Thì bia, làm nốt chuyến tàu vét cho xong.

Cứ ngóng mãi thế mà đêm tan lúc nào không biết. Khoảng sáng đầu mai nhợt nhạt. Mắt như đeo kính hết lượt. Thằng nào, thằng nấy nhem nhẻm như vừa chui trong khói bom ra. Tóc tai, quần áo bám đầy tàn tro. Thắng vịt tán rất vô duyên:

- Cứ như vừa quại nhau xong ấy nhỉ?

- Chứ lại không. Một đêm này của ngàn đêm chiến tranh gộp lại. Tao tin rằng, không chỉ có sáu thằng bọn mình. Chúng nó về cả đấy. Chắc chắn thế. Chúng nó càng không quên được ngày xưa. Nào ta đi chứ? – Bình ních trịnh trọng.

- Đi đâu?

- Ơ cái thằng cả đẫn. Quên rồi à. Đến nhà con bé lái đò chứ còn đi đâu nữa. Gọi mày là con vịt không oan.

Con chó ở đâu lại chạy vụt qua. Cường choắt chồm ngay dậy, nó chưa quên món nợ hồi đêm. Chả biết đau đến mức nào mà mặt nó nhăn còn hơn cái bị rách:

- Rút cục chỉ mình tao ăn đủ.

Con bé lái đò như từ dưới đất chui lên, đứng cách lều khoảng mươi bước chân. Cạnh nó, con chó ve vẩy đuôi rất thân thiện. Cả bọn sững sờ. Lần đầu tiên con bé mở miệng:

- Các chú ơi!

Từng thằng một chui ra khỏi lều. Mát mẻ quá. Gió hồ đậm nước, lạnh mơn man da thịt.

- Các chú ơi!

Vẻ lầm lì trên khuôn mặt của nó đã biến mất. Tay nó cầm một thẻ hương rõ to. Quái quỷ, tinh mơ, mờ đất, con bé gở hay sao lại mang thứ đồ cúng tế kia đến. Vỏ bọc thẻ hương nhuộm phẩm đỏ lờn lợt khiến cả bọn rùng mình. Chưa ai kịp hiểu chuyện gì, con bé đã ào đến. Rõ ràng, nó không phải đứa trẻ con. Khuôn mặt người lớn của nó đầm đìa nước mắt:

- Các chú ơi, bố cháu…

Bình ních gần như giật lấy tờ giấy đặc chữ trên tay con bé. Vừa thoáng nét chữ, Bình ních đã giậm chân bành bạch:

- Đúng là thằng Vịnh!

Tất cả thẫn thờ. Không ai nói được một câu. Những nén nhang con bé mang đến cháy rất đượm. Khói rẽ lớp hơi sương, lừ ngừ bay. Đầu hương ngậm lửa hồng xíu. Những đốm đỏ rực lên. Cả những tàn đen vương vãi.

- Lại đây con gái. – Bình ních vẫy con bé đang tần ngần từ nãy đến giờ. – Mộ mẹ con nằm ở đâu?

Con bé chỉ tay về phía sườn đồi thoai thoải. Phía ấy, cả vạt rừng xanh rậm roà đang hồng lên. Hừng đông đã rạng.

- Nào ta đi con.

A trinh sát đi theo đội hình hàng một. Bình ních cầm trên tay những nén nhang đỏ rực, dẫn đầu hàng quân. Những sợi khói màu lam bay bay, tan vào nắng nhập nhoà.

Phía trước, mặt trời đỏ vừa nhô khỏi vạt rừng xanh.

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #83 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 02:18:24 pm »

Vĩ Thanh

Nhân vật Ngọc trong truyện là tôi – một nhà văn hạng bét. Loại nhà văn bất tài, chỉ viết được khi đã rứt ra từng mẩu hồi ức nhập vào xác chữ. Trong thập cẩm hồi ức, hồi ức chiến trận bao giờ cũng tươi ròng, mới nguyên. Có lẽ vì đó là phần đời thật nhất. Phần đời đặc biệt, để lại được trong cuộc đời này, mang sang được thế giới bên kia – thế giới sau sự sống của kiếp người. Đó là phần đời gian khổ đến cùng cực nhưng hạnh phúc lại tột cùng. Phần đời mang nỗi buồn tưởng như vô hạn nhưng niềm vui lại lớn đến vô chừng. Duy nhất, phần đời ấy có thể trao đi, đổi lại, xoá nhoà ranh giới sống, chết. Còn nhiều nữa, bởi vậy, hồi ức kia mãi mãi đeo đẳng vào số phận những người đi ra khỏi cuộc chiến tranh.

*

*     *

Hoà bình đã gần được hai mươi năm. Rút cục, thời gian cũng dần trả lại cho cuộc đời những gì nó đang cất giữ. Chúng tôi đi hàng một, tiến đến ngôi mộ của người đàn bà không biết mặt. Người đàn bà giờ đây đã trở thành người thân của chúng tôi. Một ngôi mộ sơ sài. Đất đá cằn cứng. Thằng Bình phải vất vả, mới cắm được lên mộ nắm hương đang rạc đến tàn lửa cuối cùng.

- Mẹ cháu nằm đây đã được mười năm. Lúc cháu lên mười.

Con bé mười tuổi cộng với mười năm nằm nghỉ của mẹ nó, trở thành cô gái hai mươi tuổi. Thân hình khô quắt của con bé, bây giờ, kiệt không vắt nổi một giọt nước mắt nào nữa. Khi thằng bạn tội nghiệp của tôi – thằng Vịnh – trở về thật sự bằng xương, bằng thịt thì mẹ nó – bà mẹ hằng tin rằng con mình sẽ trở về – kì lạ, cũng không thể khóc được. Điều này còn kinh ngạc hơn. ấy là hôm thằng Phương trở về nhà trong chiếc bình sứ đựng cốt, vừa hoá ở đài hoàn vũ còn nóng. Những nén hương cháy vội vã, đỏ ngời ngời. Làn khói đặc tụ lại mang hình đám mây và sắc xanh của bầu trời. Chính lúc ấy, lảnh lót vang lên tiếng hót của con chim liếu điếu. Em gái thằng Phương, giờ đã là mẹ của hai đứa con lớn, vội quỳ thụp xuống. Không khóc mà kêu lên mừng rỡ:

- Anh Phương. Đúng anh Phương! Anh Phương đã về.

Tất cả lặng người đi. Đó là sự thật!

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #84 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 02:18:50 pm »

*

*     *

Một sự thật khác. Nhân vật gã là cái cớ của câu chuyện này. Sau ngày rời khu trại của ba cô gái, cuộc đời gã đã bị loại hẳn, chỉ có thể tóm tắt trong vài dòng. Gã chui nhủi một thời gian. Nếu không có dòng địa chỉ của Lanh, hẳn mọi chuyện với gã đã kết thúc. Từ nghĩa trang làng, gã lần mò tìm về người đàn bà đã cứu gã. Gã kịp có một cuộc sống chồng vợ trong vài, bốn năm. Người đàn bà chết vì nhiễm độc da cam. Tôi không dám bình phẩm gì về đoạn đời này của gã. Thực lòng, tôi không thể biết với gã, với người đàn bà kia, cuộc sống ấy liệu có thể gọi là hạnh phúc? Gã tiếp tục sống với con gái mình. Điều này thì tôi dám quả quyết. Cái gọi là sự sống của gã kéo dài được bao nhiêu, phụ thuộc vào chính sức chịu đựng của gã. Cái đêm vô tình của đám bạn bè, đã đánh thức gã dậy, làm vợi đi chút gánh nặng của mặc cảm lỗi lầm. Gã để lại bức thư, kể hết mọi chuyện với lời hứa sẽ mang được xác bạn gã về. Điều đó đã được thực hiện. Tự tay gã phá đi ngôi mộ của mình trong nghĩa trang. Cuối cùng, gã đã được sống trở lại. Gã về ngôi nhà của mình cùng với con gái. Còn điều này, trở về cùng với bố con gã có di hài của Lanh và Phương. Phương nằm chính vào chỗ của gã. Cạnh đó là Lanh. Ai cũng vui vẻ chấp nhận hai ngôi mộ mới trong nghĩa trang liệt sĩ của làng.

Cuối cùng gã đã được sống trở lại. Đúng hơn, sau hai mươi năm chưa chết, gã đã thực sự được sống!

*

*     *

Thú thực, tôi cứ bị ám ảnh mãi về tiếng hót của con chim liếu điếu. Dạo ở chiến trường, đọc thư em gái thằng Phương gửi vào, dù cảm động thực sự, nhưng tôi không tin lắm. Làm sao một con chim chết lại có thể hót được. Nhưng đến hôm đưa thằng Phương về nhà, lúc tiếng hót lảnh lót cất lên, tôi hoang mang thực sự. Lúc ấy tôi chạy vụt ra ngoài cửa. Không có gì cả, vòm cây cơm nguội âm u. Tôi căng mắt nhìn. Có chim. Nhưng chỉ là những chú chim sâu bé nhỏ. Không thấy bóng dáng con chim cất ra tiếng hót kì lạ kia. Hình như tiếng hót cất từ vòm lá. Không phải, cao hơn cơ, chẳng nhẽ tiếng hót từ bầu trời giọt xuống. Tôi quay vào nhà. Tiếng hót vẫn lảnh lót. Tôi nhìn vào chân dung thằng Phương. Nhìn thật sâu vào mắt nó. Thời gian đã bào mòn nước ảnh nhưng cặp mắt trầm tĩnh của nó vẫn thế.

- Phương ơi…

Cạnh tôi thằng Bình đang thầm thì gọi. Mắt thằng Bình hoe hoe đỏ. Rõ ràng tiếng hót kia là có thật. Bạn tôi đã trở về.

Dù vậy tôi vẫn không thôi ám ảnh. Đến nỗi, một hôm tôi quyết định mua một con ở hàng chim cảnh. Luôn cả chiếc lồng đan bằng cật tre ngâm, đen nhức. Người bán bảo:

- Trước nó có đôi, một con mới chết!

Trước khi xách lồng chim về, tôi hỏi:

- Liệu nó có hót không đấy?

Người kia cười.

- Không hót không phải là chim liếu điếu. Xin trả lại tiền.

Tôi mang lồng chim về nhà. Con gái tôi thích lắm. Nó lấy cái que, gại gại vào mình con chim:

- Hót đi, hót đi chim.

Còn vợ tôi, một bác sĩ, người không bao giờ yêu thích một lòai vật nào, đi vòng quanh lồng chim săm soi:

- Anh mang về của nợ gì thế này? Có phải chim liếu điếu?

- Chim liếu điếu!

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #85 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 02:23:41 pm »

- Thôi chết. Anh không biết à. Đây là giống chim mang vi rút gây căn bệnh viêm não. Đang mùa dịch, chết thật! Tên khoa học của nó là…

Vợ tôi tuôn ra một tràng dài. Kết thúc là sự không chấp nhận cái con chim nguy hiểm kia. Tôi xách lồng chim ra bờ ao. Tôi quyết định thả nó. Tôi mở cửa lồng. Con chim ngước mỏ chờ đợi. Nó không nhận thấy khoảng trống tự do kia. Buộc lòng, tôi phải lôi nó ra. Nó có vẻ ngơ ngác không hiểu. Nó đập đập cánh, không bay. Có thể nó đã già quá. Hoặc giả, nó bị nhốt lâu, quên mất giống dòng mình là lòai bay được. Chưa kịp tìm hiểu thì con mèo đen nhà hàng xóm đã lướt qua nhanh như lốc. Thành thử, con liếu điếu chưa kịp hót đã gặp nạn! Lỗi chính ở những vi rút gây bệnh viêm não.

Tôi buồn mất mấy ngày vì chuyện con chim. Sáng nào tôi cũng dậy thật sớm ra bờ ao ngong ngóng. Không hề có tiếng hót nào vẳng đến. Bởi thế, nỗi ám ảnh vẫn khôn nguôi.

Rồi đây, có ai đó, khi đọc cuốn sách này, sẽ phàn nàn về cái thế giới được dựng ra cho các vong hồn trong truyện. Có cái thế giới ấy không? Hiển nhiên sẽ chẳng bao giờ có được câu trả lời. Cũng như tiếng hót của con chim liếu điếu cất lên đúng vào lúc bạn tôi trở về. Không cần thiết phải khẳng định có thật hay không có thật tiếng hót ấy. Thế giới tâm linh mãi còn bí ẩn.

Có điều này không bí ẩn chút nào. Phương, bạn tôi sau hai mươi năm bặt tin đã trở về. Lần chết này là thật sự.

*

*      *

Tự nhiên tôi nghĩ đến C trưởng An. Lần mới đây nhất tôi gặp anh trong hoàn cảnh bất ngờ: ở một bệnh viện. Anh bị thương khá nặng. Mảnh lựu đạn găm khắp người. Tôi không giấu nổi ngạc nhiên. Trước đây anh đang là phó ban điều hành một liên doanh lớn. Anh cười. Mặt nhăn nhó vì đau:

- Đù mẹ. Qua thôi rồi. Nghỉ cho khoẻ.

Chuyện khó tin. An từng chuyển nhiều cơ quan. Sau cùng là giám đốc một cơ sở sản xuất hàng dân dụng. Chính là liên doanh kia. Một hãng nước ngoài đầu tư vào cơ sở của anh. Công việc đang thuận lợi thì anh gây ra một vụ động trời. Đến vụ này, người ta không để anh yên nữa. An bị kỉ luật cách tuột mọi thứ. Anh chấp nhận với một nguyện vọng: được công tác ở rừng, việc gì cũng được. Tất nhiên đó là một yêu cầu quá dễ dàng. Nguyên do án kỉ luật kia cũng rất đơn giản. Liên doanh có rất nhiều chuyên gia nước ngoài. Đã xì xào nhiều. Giải quyết cũng lắm. Nhưng lần ấy, đang đi kiểm tra công việc, chợt An bắt gặp chuyên gia tát ngã sấp một nữ công nhân. Chưa hết, hắn còn bắt chị đứng dậy xin lỗi. An nuốt giận. ở cương vị của anh, sự điềm đạm, bình tĩnh là cần thiết. Sự việc sẽ được giải quyết ổn thoả theo một cách khác tế nhị, nếu như An không nhận ra người bị tát chính là một chiến sĩ nữ của miền Đông năm xưa.

- Đù mẹ…

Thấy An gầm lên một tiếng, nhào đến. Không ai kịp can. Cũng không ai can được. Người hắn kia dập như một quả dưa bở chín nứt, An mới dừng tay. Lúc bị cật vấn, An chỉ nói một câu:

- Cô ấy từng là chiến sĩ.

Trở về rừng, An công tác ở một đội kiểm lâm. Và lần này, bọn phá rừng đã cho anh nếm đòn chiến trận. An lãnh đủ cả một trái mỏ vịt da láng.

Đến hôm nay, tôi vẫn không khỏi bùi ngùi khi chia tay với anh. Giọng An rất buồn:

- Chắc qua tiêu mất. Chết thế này thật uổng. Giá ngày ấy nằm lại ở rừng… Đù mẹ.

Tôi ngờ rằng, con người An sinh ra, chỉ để dành cho chiến trận.

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #86 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 02:24:07 pm »

*

*      *

Hoà bình đã gần được hai mươi năm. Với chúng tôi, chiến tranh chỉ còn là hồi ức. Phần hồi ức đẫm đặc nhất trong thập cẩm hồi ức. Miền hồi ức ấy, lưu giữ tuổi trẻ của chúng tôi. Mỗi người lính đi ra khỏi cuộc chiến tranh lớn, đều để lại cuộc chiến tranh của riêng mình. Có người là một phần cuộc đời. Có người là cả cuộc đời. Có người mãi mãi không đi ra nổi.

Hành trang của hồi ức chiến tranh, chỉ là những âm hưởng vang vọng, dội vào cuộc đời những người từng đi qua nó. Với người này, đó là tất cả những gì quý giá nhất. Với người kia, đó là một gánh nặng tủi nhục, muốn rũ bỏ, không được. Muốn chạy trốn, càng khó. Hồi ức chiến tranh, một nỗi buồn mang mang song hành với niềm vui bất tận. Có người sống vì nó. Có người đánh đổi nó. Có người nhấm nháp nó. Tựu trung, tất cả, dù muốn hay không thì cuối cùng đều không thể chối bỏ phần đời thực của mình.

Mười một thằng lính A trinh sát – mười một cuộc chiến tranh riêng đã đi trọn đích. Những người chết thanh thản để thịt xương mình tan trong đất đai Tổ quốc. Những người chưa chết đã tìm được bờ bến của mình. Người đến hẳn được cõi chết, kẻ được trở lại làm người. Và cuối cùng những người sống. Vẫn biết cuộc đời còn dài lắm nhưng họ đã có quyền mỉm cười khi quay lại, nhìn về phía sau. Nghĩ về họ, không hiểu sao tôi cứ thấy hiện ra một biển đêm ngút ngàn. Không nhìn thấy gì trong màn đen ấy, bởi vậy biển đêm kia hiền lành hết mực. Chợt những đốm đỏ bừng lên, bừng lên. Những tàn đen vương xuống, vương xuống. Thoảng một mùi hương nồng nàn.

Tôi nhìn vào những đốm đỏ tọc ngời đang đốt sáng màn đêm. Những đốm đỏ. Không biết, đó có phải là con mắt của những linh hồn không bao giờ chết?

Mùi hương nồng nàn lan toả. Quen thuộc quá. Tôi vừa nhận ra, đó là hương tóc của người đàn bà năm nào.

Không thể nhầm! Hương tóc – một góc cuộc chiến tranh của tôi.

Đại Lải tháng 6 – 1994

Mai Động tháng 9 – 1994

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #87 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 02:27:46 pm »

Tiểu thuyết được số hóa từ Tàn đen đốm đỏ của nhà văn Phạm Ngọc Tiến. Nhà xuất bản văn học ấn hành năm 2008
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM