Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 12:47:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tàn đen đốm đỏ  (Đọc 47853 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 08:45:05 pm »

Lời tác giả:

Tôi viết cuốn tiểu thuyết này năm 1994. Thời điểm đó vấn đề MIA với các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam đã tạm ổn. Phía Việt Nam nỗ lực trong công việc tìm kiếm trao trả các hài cốt binh lính Mỹ tìm đươc.

Một ngày, tôi chợt nhớ đến con số mấy chục vạn người Việt mất tích trong chiến tranh. Hài cốt họ ở đâu? Hồn phách họ thế nào? Những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người con mất cha…Tất cả đều mong mỏi một ngày nào đó họ tìm ra được manh mối người thân và đưa được hài cốt về quê hương bản quán.

Trong trí tưởng của tôi lúc ấy hiện lên rành rẽ một thế giới của những vong hồn.

Vong hồn tức là hồn chết.

Trong đời sống con người chúng ta đã hình thành hai thế giới. Thế giới Dương là thế giới chúng ta đang hiện hữu. Thế giới Âm là thế giới con người khi chết đi quy tụ lại. Trần sao, âm vậy là quan niệm đã được hình thành từ ngàn đời và đang tồn tại trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Nhưng thế giới của những vong hồn trong tiểu thuyết này là một thế giới khác do tôi tưởng tượng ra để dành cho những vong hồn. Đó là một thế giới kẹt giữa trần thế và âm cung. Thế giới của những con người vô danh không tên không tuổi, không mồ, không mả, không hương, không khói, không được  thờ cúng, thừa nhận…

Tàn đen đốm đỏ được in lần đầu năm 1994 và tái bản nhiều lần. Bản mới nhất do NXB Văn học ấn hành năm 2008.

Tàn đen đốm đỏ là câu chuyện của chính bản thân tôi, bạn bè tôi và thế hệ tôi. Văn chương của tôi đơn giản, mộc dễ hiểu nhưng với một vấn đề thuộc về tâm linh nên trong tiểu thuyết này  tôi sử dụng thủ pháp đa tuyến đồng hiện với nhiều ngôi kể nên tương đối khó đọc và nếu ai không thích sẽ khó nắm bắt hết nội dung. Post lên blog như tiêu chí của tôi là lưu giữ bản thảo song cũng có mong muốn chia sẻ với bạn đọc một vấn đề tồn tại nhức nhối, hậu quả của cuộc chiến tranh đẫm máu không thể khắc phục. Theo tôi, đây là sự mất mát lớn nhất của cuộc chiến tranh Việt – Mỹ mà dân tộc chúng ta phải gánh chịu không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn kéo dài nhiều năm nữa trong tương lai.

Cảm ơn những ai đã đọc, sẽ đọc và chia sẻ. Mong được lượng thứ.

PNT


1.

Đường quanh co và nham nhở. Mới vạc vỡ nên đá sỏi lổn nhổn, bụi đồi đỏ quạch cuộn như lốc. Không vì thế mà chiếc Toyota mười hai chỗ đời mới nhất bớt hùng hổ. Nó lao như một gã cuồng bị tống thêm chất kích thích. Chiếc xe rẹt thẳng vào khu nhà nghỉ. Nó khự lại trong sự bực tức của nhân viên bảo vệ và đám khách nghỉ nhàn tản đang dạo trong sân. Trần sì có sáu gã. Trạc trung niên cả. Nhìn cũng biết là hạng người thành đạt. Ngữ này cậy tiền dửng mỡ đây. Lạ, họ toàn người cùng giống. Khu nghỉ Sơn Đại mới mở được dăm tháng. Khách du lịch phần nhiều cặp đôi. Đa số chán cảnh cuồng nhiệt đô thị, tìm đến nơi rừng quạnh, nước hoang này để đảo, xới hương tình. Hoặc để tận hưởng những cảm xúc mới lạ. Thế, nên đám ngổ ngáo kia có phần lạ lẫm trước mắt mọi người. Bọn họ cần gì nhỉ? Không nhẽ lại quẳng tiền chỉ để lấy một chỗ thù tạc. Đấy, nhìn kìa, hộp lớn, hộp nhỏ, toàn đồ uống ngon lành. Nhân viên bảo vệ nhà nghỉ xăm xắm bước đến:

- Các ông cần gì?

Cả sáu gã đều cười. Lại cười to mới ớn. Mãi sau, chính gã cầm lái, người to như hộ pháp, béo nẫn, trả lời rất hách. Thứ giọng chỉ có ở người quen dùng quyền chức:

- Cần một phòng có máy lạnh để đựng đồ!

Dường như quá quen với chức phận của mình, người nhân viên điềm đạm:

- Mời ông vào thường trực.

Năm gã còn lại tụ ngay dưới gốc thông già. Tức thì đồ uống bật bôm bốp. Ồn ã một góc sân nhà nghỉ. Bỗ bã lắm. Nghe cũng biết ngay không phải đẳng của họ. Toàn người sang trọng thế kia. Nhưng thôi kệ xác, vài đôi nhún vai lặng lẽ rời sân. Đang giữa một buổi sáng bình yên. Mặt trời hè chả nghĩa lí gì so với rừng thông tán rậm. Họa hoằn một vài đám nắng loang lổ mới đáp xuống được mặt đất đầy sỏi và lá rụng. Gió – gió đầu nguồn thong thả buông mình. Tiếng gió thở nhè nhẹ, quấn quýt. Thoảng nhặt vài chiếc lá khô, may mắn chộp được xoáy gió, cất mình lên cao, tưởng chừng có thể trở về được với cây mẹ.

- Nhìn kìa! – Một gã trong bọn khoái trá hét lên. – Những chiếc lá của số phận đang vùng vẫy để trở về chỗ đậu quy luật.

- Im mồm đi. – Tiếng của ai đó. – Lạ cho bọn nhà văn chúng mày. Sung sướng gì trong những điều nhảm nhí ấy. Quy luật cái con tườu. Lá già ắt phải rụng. Lá rụng ắt phải mục.

- Không hẳn thế. Có những chiếc lá rụng lúc còn xanh.

- Thôi, – một tiếng ồm ồm cắt vào, – xin các bố. Buổi sáng đẹp thế này, đừng làm hỏng. Nhìn ra hồ mà
xem
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Ba, 2021, 01:11:20 pm gửi bởi ptlinh » Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 08:46:56 pm »

Cả bọn ngước mắt. Có tiếng thở dài. Một vùng hồ lặng phắc, ngút ngát trải kín tầm mắt. Xa lăng lắc, dãy núi xám mờ hiện lên trong nắng lấp loá.

Vẫn tiếng ồm ồm:

- Đấy là chỗ hành quân đến. Rồi không còn sức mà cãi vã.

Không khí đột ngột tắc nghẹn. Chỉ còn mỗi tiếng bia óc ách réo.

Bây giờ, cả bọn đang bập bềnh trên hồ. Chiếc thuyền gỗ vỏ mùng mục, có vẻ quá tải, uể oải trôi chầm chậm. Gió nhẹ nhưng mặt hồ vật vã quặn sóng. Sáng nay, cả bọn phải vất vả lắm mới tìm được con thuyền này. Khỉ gió thế, nhà nghỉ nhà ngheo mà không sắm nổi cái ca nô cho du khách. Cũng là nhờ sự giúp đỡ của tay bảo vệ. Sau khó chịu ban đầu, tay kia hồ hởi hoà đồng ngay. Thì ra, toàn cánh lính cả. Mẹ kiếp, ưu điểm số một của chiến tranh có lẽ ở chỗ tạo ra sự thông cảm tuyệt đối giữa những người từng tham gia trận mạc. Kể cũng lạ, biết ý định rồ dại của đám ngổ ngáo muốn hạ trại trong núi, bên kia hồ, tay bảo vệ sốt sắng một cách rất vô tư, đạp xe hẳn chục cây số đường núi để thuê thuyền hộ. Vùng này chưa có du khách nào làm chuyện điên rồ ấy.

Thực ra, ý định này đã manh nha từ lâu lắm, nhưng phải đến gần hai mươi năm sau chiến tranh, họ mới thực hiện được. Cũng là vì hoàn cảnh. Mỗi người có phận đời riêng để bươn chải. Muốn bứt ra, tụ với nhau nơi rừng rú, dù chỉ một vài ngày, sống lại thời chiến trận, không phải dễ, chuyến đi này gần như một sự câu thúc không cắt nghĩa nổi.

Sáu người, phần còn lại của một tiểu đội trinh sát, phiên chế trong một trung đoàn hỗn hợp, thành lập trước chiến dịch 1972, gồm cả pháo phòng không, mặt đất và bộ binh của mặt trận B2. Mười một người cả thảy. Ba người chết có phần mộ, được phong tặng liệt sĩ tại chỗ. Hai người mất tích, phải cầy cục nhiều năm mới được công nhận. Đành là thế, nhưng vẫn có cái gì bứt rứt không yên. Nhiều năm qua, bạn bè đã cất công tìm kiếm. Đủ mọi cách vẫn biệt vô âm tín. Mới đây, đám lính liên tục tìm kiếm trên các phương tiện truyền thông. Vẫn biết mò kim đáy bể nhưng dù sao còn có một tẻo teo hi vọng để bù lấp vào khoản bứt rứt kia.

Con thuyền lừ lừ rẽ nước. Chẳng ai nói một câu. Hình như mỗi người đang đuổi theo một miền riêng nào đó. Cả con bé lái thuyền cũng vậy. Nó lầm lì đáng sợ. Mặt kia, chắc cũng đã tuổi thiếu nữ nhưng người quắt quặt như một gốc thông khô. Vẻ lam lũ không giấu được trên da thịt, áo quần. Nó bặm môi, cặm cụi đạp chèo. Trời đang về chiều. Nắng nhưng nước hồ xanh thẫm màu lá. Cái hồ thiên tạo này mới được ngành du lịch phát hiện. Phía con thuyền đang hướng đến thuộc về dãy Tam Đảo. Vẫn còn rơi rớt những cánh rừng hoang sơ. Dân cư thưa thớt. Cả bọn mang đi toàn đồ trận. Hoá ra thằng nào cũng thế, đều giữ lại được những kỉ vật cuối cùng của chiến trận. Long tẩu, chính gã hộ pháp lái xe, đứng ra tổ chức chuyến đi này. Gã đang đương nhiệm chức vụ giám đốc một doanh nghiệp lớn. Gã hỏi con bé:

- Nhà cháu ở đâu?

Không nói, nó hất hàm về phía một doi đất nổi gần sát bờ. Núi đã sừng sững trước mặt. Rừng hiện ra. Gần như rừng khộp ở miền Đông. Cây không cao lắm nhưng thẳng. Cả bọn xuýt xoa, vẻ nôn nóng hiện hết ra mặt. Không đợi mũi thuyền cập hẳn bờ, tất cả túa xuống. Nước bắn tung toé, thuyền chòng chành suýt lật. Mắt con bé long lên tức giận song miệng nó vẫn mím chặt. Bình, sĩ quan không quân, chuyển ngành làm đội trưởng đội vệ binh sân bay dân dụng, cuồng lên như một đứa trẻ. Lạ, bốn mươi rồi trẻ trung gì nữa. Bình hát rống lên. Đúng hơn là hét: “Rừng ơi, ta đã về đây…”. Trên đã kể đến Long tẩu. Biệt danh này đeo theo gã ròng rã đến tận bây giờ. Có gì đâu, ngày còn tân binh ở Thanh Hoá, sểnh tí là gã chuồn. Chuồn rất tài. Bốn tháng huấn luyện, gã phới về Hà Nội trót lọt đến ba lần. Cũng tại vì yêu sớm. Cô người yêu, sau chiến tranh thành vợ, có hai mặt con. Cuộc sống yên ổn, không còn gì để phàn nàn.

Sáu thằng đàn ông hối hả khuân đồ nghề lên bờ. Bờ là một bãi thoải. Sát mép nước, cát vàng trải óng. Thắng vịt kêu lên:

- Đẹp quá. Giá thu hẹp lòng hồ lại thành sông thì chỗ này không chượi vào đâu được, đích thị là dốc Ba ba của dòng Đa quýt.

Dốc Ba ba, có đến già cũng không quên được. Ngày ấy A trinh sát còn đủ mười một thằng. Thằng Vịnh, một trong hai đứa mất tích, nhà ở ngoại thành, nhìn tăm sủi dưới sông, đoán đúng hướng đi của một con ba ba lớn, bèn ném bộc phá chặn đầu. To lắm, phải hai thằng khiêng ì ạch. Dễ đến hơn hai chục kí lô lận. Loay hoay dao thớt, cả tiểu đội đánh chén một bữa thịt ba ba ngon chưa từng có. Hôm đó, hình như bù lại đêm trước bị giam trong mây, trăng sáng khác thường. Trăng rượi sánh cả một triền dốc. Mười một thằng lính nhồm nhoàm, bốc bải. Tất cả quây tròn vào khay thịt chất ngồn ngộn, trắng ngần. Thịt ba ba chần chấm muối nhắm với trăng suông cũng tuyệt chán. Cả bọn khật khừ như say thật. Bữa ăn chưa kết thúc thì Ngọc khợp ôm bụng. Đau quặn muốn lòi cả mắt. Nó là thằng tợn ăn nhất. Lương khô loại 701, khợp gọn bốn phong kèm theo vài ca nước suối, mặt vẫn rười rượi buồn. Thành nhà văn rồi vẫn chưa bỏ được cái nết ăn thùng bất chi thình kia. Cũng may, Ngọc khợp sinh ra không bị xếp vào loại người bị đói. Cái mồm còn chứa đầy thịt của nó ư ử, không nghe rõ lời rên. Chắc đau lắm nên mặt Ngọc khợp xanh còn hơn đít nhái ở ẩn. Bỗng nó vùng chạy. Mới chỉ được dăm mét nó ngã sõng soài. Kìa, Ngọc khợp cuống cuồng cởi quần. Kinh quá, còn hơn cả trung liên xổ băng. Hầu như tất cả nhăn mặt. Cái thằng đểu quá trời. Thế này thì còn ăn uống gì nữa. Quân khốn nạn. Song chưa ai kịp phản ứng thì một người, rồi lần lượt tất cả ôm bụng. Không ai tránh khỏi động tác bất nhã của Ngọc khợp. Hoá ra nó là thằng chạy được xa nhất. Lì như Cường choắt thành khốn khổ. Nó bĩnh tại chỗ không kịp cởi quần. Đêm ấy cả tiểu đội bị Tào Tháo hiển thánh quần cho một trận thấy ông bà, ông vải. Đầu tiên còn chồm hỗm thành nhóm, chuyện trò cười nói rinh rích. Sau mệt quá, đứa nào cũng dật dờ như cô hồn gặp thầy pháp. Hoá ra, vì sức ép bộc phá nên ba ba vỡ ruột. Giống ấy độc tận cùng, ứng nghiệm tức thì. Cũng may đêm đó yên bình, không chuyện gì xảy ra cả. Thật hú vía. Nói dại, có lệnh chiến đấu thì cầm chắc cả bọn đi tong.

Câu gợi của Thắng vịt vừa khẩu vị khiến cả bọn như hăng lên. Gọi Thắng vịt vì người nó tròn ung ủng, đi đứng lạch bạch như vịt bầu tìm chỗ đẻ. Sau bảy nhăm, nó miết một lèo ở nước ngoài. Lấy vợ cùng đội xuất khẩu. Vốn cũng kha khá. Mới về nước được vài năm, tậu nhà mặt phố, mở cửa hiệu buôn bán nhì nhằng để giết thời giờ hơn là sinh lãi.

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 08:49:04 pm »

Chừng một tiếng sau, cả bọn đã yên vị trong chiếc lều bạt dã chiến. Loại lều dân dụng, Long tẩu mượn ở kho của xí nghiệp. Tuy thế, cảm giác chiến trận không hề suy giảm. Lều được dựng dưới tán một cây mỡ cành lá xòe rộng. Rừng ở đây thưa, rặt loại cây gì cao ngồng, thân sùi. Đốt thử vài cành khô thấy khói sè mắt. Dù sao cũng còn chỗ mắc võng được. Thôi, gọi là có tẹo rừng.

Bữa tiệc lại rừng được chuẩn bị rất nhanh. Một không khí trang nghiêm, bất chợt ùa đến. Sáu thằng đàn ông quây tròn. Long tẩu trịnh trọng:

- Các bạn, ta nâng cốc tưởng nhớ một thời đã qua.

Sáu lon bia chạm vào nhau nhè nhẹ.

- Mới đó đã mấy chục năm. – Chợt Ngọc khợp thảng thốt. – Khoan! Hãy bầy phần tiệc của những người không về được cuộc gặp hôm nay.

Năm lon bia nữa được bật nắp, xếp thành hàng liền nhau. Cường choắt lẩm bẩm:

- Quên mẹ nó mất. Giá có thẻ hương thì tốt.

Biên mu-gích chêm vào:

- Cần gì. Châm cho chúng nó mỗi thằng điếu thuốc là được. Ngày chúng nó đi cũng có hương khói gì đâu.

Cường choắt châm thuốc đặt lên các lon bia. Người Cường nhỏ quắt nên gọi thế. Tuy nhỏ nhưng nó là đứa lanh lẹ nhất bọn. Duy nhất Cường choắt còn tại ngũ, hàm thiếu tá, chỉ huy một trung đoàn phòng không ở biên giới phía Bắc. Còn Biên, một kĩ sư điện vừa đi đường dây 500KV về. Biên từ ngày trẻ đã tất bật, tả tươm như một nông dân thực thụ.

Ắng đi một lát. Khói từ những điếu thuốc cúng bay thành những vệt thẳng dài. Những đốm lửa hồng xíu rực lên như những con mắt đỏ tọc. Cả bọn lạnh ngắt. Long tẩu bảo:

- Thằng Ngọc. Mày khấn khứa vài lời. Gọi chúng nó về cùng vui với anh em.

Mắt cả bọn nhoè nhoè. Ngọc khợp theo nghề viết. Hiện là biên tập văn nghệ của một tờ báo. Giọng nó nhão ra, ướt nhoẹt:

- Chúng mày ơi. Về đi. Về đây với anh em tao. Còn sáu đứa Long, Bình, Thắng, Cường, Ngọc, Biên. Mỗi đứa chúng tao một nghề. Có đứa khấm khá. Có đứa gian nan. Nhưng không đứa nào quên được những ngày ấy. Sống linh chết thiêng, chúng mày về. Hơn hai mươi năm rồi.

Cả bọn lần lượt vái vào những lon bia thờ. Đây là thằng Đinh A trưởng, lớn nhất bọn, quê ở Nam Hà. Đây là thằng Lệ, nhà ở nội thành Hà Nội, vào bộ đội cùng một ngày với Long tẩu. Còn đây nữa, thằng Quang, quê nội nó ở Sài Gòn. Bố đi tập kết. Nó đẻ ở Hà Nội. Cả ba đứa bị pháo dập trúng hầm chết ở Chơn Thành. Hai lon bia cuối cùng của thằng Vịnh, thằng Phương. Thằng Vịnh quê ngoại thành. Thằng Phương nhà ngay sát Hồ Gươm. Hai thằng mất tích chỉ một năm trước hoà bình.

Uống, uống đi. Men của bia rượu sao đượm bằng chất men nồng của thời gian. Khuôn mặt của sáu đứa hồng lên, xám lại, xanh ngắt rồi lại hồng lên. Vòng quay ngắn ngủi của sắc mầu liệu có tương ứng với vòng quay chao đảo của thời gian. Không, làm gì có sự so sánh khập khiễng ấy. Thời gian, giản đơn chỉ là một chuỗi ngày và tháng nối nhau. Phần kí ức cứ tươi nguyên, tươi mãi. Kí ức về một thời đã qua, chưa xa. Và phần đời bươn chải…

Sáu thằng đàn ông lầm lụi uống. Khoang lều bạt đủ sáng nhưng vẫn nhờ nhịt thứ mờ ảo ma quái. Cõi hồn riêng của từng người đắm đi mê man. Càng mê khi từ những lon bia cúng san cho mỗi thằng, đậm thứ men đắng chát. Vị chát của lá xanh. Những chiếc lá xanh rụng ngang đời, ứ đầy mật nhựa. Bỗng Thắng vịt rên lên:

- Thôi chết, bọn mày ơi. Thuốc của thằng Vịnh, thằng Phương không cháy.

Quả có thế thật. Nãy giờ mới uống đến bia của ba thằng chết trận. Thuốc của chúng nó cháy đều đến tận sợi cuối cùng. Không đứa nào để ý đến phần thuốc của hai thằng mất tích. Tắt ngúm từ bao giờ, để lại giữa điếu cục than nhỏ, ngòm đen nhức mắt. Quái lạ, hai thằng này lúc còn ở tiểu đội nghiện nhất hạng. Lúc ấy, thuốc men nào có nhiều nhặn. Vớ được điếu thuốc, mắt sáng còn hơn kẻ háo sắc nhìn thấy gái đẹp. Mấy đứa chuyền tay nhau bập đến bỏng môi, cớ gì bây giờ chúng nó lại chê. Không thể vô lí thế được. Vẫn Thắng vịt rên rỉ:

- Đáng ngờ lắm. Tao có một ông anh họ ở B3. Chết hẳn hoi, đủ cả xương cốt. Mỗi tội giấy báo tử đề sai ngày đi. Vậy mà ông mò về. Nhất định không chịu nhận hương khói. Ngày giỗ, nén nào thắp lên ngúm đi nén ấy. Cực quá, bác tao khấn: “ Con ơi có oan khuất gì cũng cho mẹ xin. Mẹ già rồi không giúp được gì cho con nữa. Con thương mẹ, đừng thế này. Tội nghiệp cả mẹ lẫn con.”.

Cũng chỉ được non nửa tuần. Hương cứ bật bẹo, leo lét rồi lại ngúm. Xem kĩ thấy nén hương nào cũng toát nước ẩm xì. Hãi lắm!

Bình ních sốt ruột. Cái tên “ních” gắn với thằng Bình vì một lí do đặc biệt. Chuyện ấy nói sau.

- Gì, mà mày cứ vòng vo tam quốc mãi. Nói tuột đi cho xong, tấp ta tấp tửng đúng giọng con buôn.

- Bịt cái mõm “ních” của mày lại. Nghe đây này. Cả nhà sợ quá. Bác tao rộc đi. Đến nước ấy phải cậy thầy pháp đến trị. Mẹ mấy thằng mù dở. Mình, mắt sáng lành lặn còn chả ăn ai. Đằng này, mắt mũi lèm nhèm đã đành, lại chưa một ngày ngửi cứt khói, đến cầm cái cát tút còn run cầy sấy mà dám phán láo. Chuyện nhiêu khê lắm. Đận ấy tao về phép sang chơi, vớ được một lão thầy đang lập đàn, hô hoán gọi tên, bấm giờ loạn xị. Thấy cảnh thế, điên máu tao thộp ngực lão thầy pháp, tế cho một trận. Đoạn tao đốt đùng đùng cả một bó hương tướng, cắm lên bàn thờ: “Này ông – tao đấu mặt với tấm ảnh trên ban – tôi cứ nói thật không gân cốt gì cả. Ông mồ yên, mả đẹp, sung sướng chán vạn còn đòi hỏi nỗi gì. Vật mình, vật mẩy, trước thì ông được chết, bây giờ thì ông đáng chết – chết lần nữa!”. Lạ thế, bát hương bốc hoả luôn. Từ đấy êm hẳn. Chỉ thỉnh thoảng mới về hờn dỗi bác tao một tí. Trẻ mà, lúc chết mới mười chín tuổi, dằn dỗi in ít cũng chấp nhận được. Trẻ con đứa nào chả thế.

Bình ních nóng nảy:

- Quên cái chuyện họ hàng nhà mày đi. Liên quan gì đến thằng Vịnh, thằng Phương.

- Ngu. Im mồm! Sao lại không liên quan. Tao ngẫm rồi. Hình như hồn kiếp con người ta có thật. Hôm nay đông đủ, bọn chúng nó về báo đấy. Tao ngờ lắm sự mất tích của hai đứa. Hẳn có điều gì ẩn khuất ở đây. – Giọng Thắng vịt trầm xuống. – Nghĩ cũng buồn, tụi mình bây giờ sung sướng cả. Vậy mà chẳng đứa nào giúp được gì chúng nó.

- Nhưng biết giúp cái gì – Biên mu-gích đỡ lời bằng thứ giọng còn não nề hơn. – Đến tìm kiếm nhắn tin là hết. Dù sao hai thằng cũng được công nhận liệt sĩ. Đành an ủi vậy chứ biết làm sao, tao đi đường “năm trăm”. Dọc tuyến đào được vô khối cốt. Nhìn đồ nghề chôn theo, biết là cùng trang với bọn mình. Biết, mà không làm gì được. Đành gói ghém đưa về quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ, thành mộ vô danh. Nói phải tội, chết là hết, vong hồn, vong hiếc gì. Tao không tin. Nếu có, ắt chúng nó phải tự chỉ chỗ.

Bình ních:

- Chúng mày đều có lí cả. Ngờ vực là đúng. Có ngờ, gần một năm nay mới nhắn tin ròng rã chứ. Còn nói chuyện giúp hay không làm gì. Chúng nó chết là phận của chúng nó. Mình tìm kiếm là việc của mình. Suy cho cùng chết rồi thì cần gì. Cốt là cốt ở người sống. Tìm cho người sống đỡ phải áy náy, dằn vặt…

Ngọc khợp cắt ngang:

- Gớm, hôm nay bố nào nói cũng hay thế. Tao đồng ý tiếp tục tìm kiếm chúng nó. Sang tháng, tao có chuyến đi thực tế phía Nam. Tao sẽ kiếm lão An cùng đảo về vùng cũ. Bây giờ Thắng vịt châm tiếp cho hai thằng tuần thuốc nữa. Chả mấy khi có được dịp thế này. ở dưới kia, chắc tụi nó cũng mừng, không nỡ ngăn cản đâu. Nào dô đi, trăm phần trăm nhé!

Cả bọn lại nâng lon, song không còn thấy hào hứng nữa. Mắt đứa nào cũng dè chừng nhìn vào hai điếu thuốc thờ. Cháy ngon lành. Đầu thuốc đỏ ngời. Khói tuôn rành rẽ, thẳng tắp. Bẵng một tẹo, lại chính Thắng vịt:

- Trời ạ, hệt như ban nãy.

Tắt lịm giữa chừng. Quằn queo vệt tàn đen móc lên như dấu hỏi. Mắt cả bọn trợn ngược. Khoang lều ngột đi. Ánh sáng nhợt hẳn. Mờ mờ như âm cung. Mặt đứa nào cũng bợt bạt. Im lặng rất lâu. Chắc chắn cả bọn sẽ mê mụ, nếu như con bé lái đò không đột nhiên xuất hiện trước cửa lều. Nó chăm chắm nhìn vào. Mặt lạnh lùng, vẫn không nói một tiếng.

Nó cần gì?

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 08:50:44 pm »

Chỉ thấy nhoằng một lằn chớp xanh lét, khóm lồ ô ken sít dầy đặc đã bị phát gọn ghẽ tầng trên. Cả ba người bị sức ép dúi sạt xuống đất. Chết rồi, pháo giàn cực nhanh 175 li từ Phước Long bắn tọa độ. Không nghe thấy tiếng đề pa. Mặt đất rung bần bật. Thoáng chốc cả vạt rừng mịt mù chìm trong khói. Pháo đã chuyển làn ra xa. Vịnh cụng cựa mình. Hoàn toàn yên ắng. Tay Vịnh quờ quạng, khẩu AK 47 vẫn còn. Cổ nghẹn tắc, Vịnh gượng gọi:

- Phương đâu. Phương đâu?

Có tiếng rên khe khẽ đứt đoạn. Vịnh vùng dậy. Bất ngờ, Vịnh vấp phải khối thịt mềm nhũn. Vịnh ngã sõng sượt. Nghe rõ tiếng lầm rầm run rẩy:

- Giê su ma, lạy chúa!

Vịnh gầm lên:

- Câm ngay, đồ chó!

Cái khối thịt kia đã xon xón bò dậy. Vẫn lầm rầm:

- Chúa lòng lành vô cùng!

Vịnh hét lạc cả giọng:

- Đấy, đấy, chúa của mày sắp ban phước lành ngay bây giờ…

Chưa ngứt lời, những lằn chớp lại nhay nháy xoẹt xuống. Đất rung còn hơn đưa võng. Vịnh ngất đi.

Gió thổi mạnh. Những đụn khói cuối cùng vật vờ rồi tan hẳn để lộ một cảnh tượng hết sức hoang tàn. Vạt rừng lồ ô tươi tốt lúc trước, giờ bị băm vằm nham nhở. Những hố pháo bằng cái nong lớn hoăm hoẳm sít vào nhau. Không biết bao lâu Vịnh mới tỉnh hẳn. Người ê ẩm. Vịnh sờ nắn khắp lượt, nguyên vẹn cả, may thế. Dính vào pháo cực nhanh, chẳng biết đằng nào mà tránh. Giống “vua chiến trường” ác hiểm bắn chà đi, xát lại, đã đụng ít khi toàn vẹn. Vịnh lết trên mặt đất còn khét nóng đến chỗ Phương. Phương bị đất vùi gần kín người. Vịnh bới đất thật nhanh. Đất đỏ loè, Phương lại bị thêm mảnh pháo găm vào đùi. Vịnh xé toạc cuộn băng, ga rô chặt vùng đùi. Mặt Phương nhợt nhạt như giấy bản ngâm nước. Mắt Phương trừng trừng. Mồ hôi vã ra, Phương bấu chặt tay Vịnh:

- Đau quá. Không thoát được đâu. Cho tao nằm ở đây đi.

Vịnh gạt mạnh tay Phương:

- Im! Đừng nói gở. Sắp về đến cứ rồi.

Phương như muốn lắc đầu. Bất thần mi mắt Phương ngược cứng, người nảy lên. Cứ thế từng nhịp đều đặn. Phương đã chìm vào trong cơn co giật toàn thân. Vịnh ôm chặt lấy bạn. Mày chết mất Phương ơi! Có tiếng soạt khẽ. Vịnh quay ngoắt. A thằng chó. Nãy giờ Vịnh quên béng mất nó. Thằng tù binh đã chồm hỗm ngồi đấy từ bao giờ. Quỷ tha, ma bắt sao mảnh pháo ác nghiệt lại không nhằm vào nó. Lạ thật, cả cây thịt phì nộn qua mấy lần pháo dập vẫn chẳng hề hấn gì. Không một sây xước nhỏ. Nhìn mặt nó kìa, bềnh bệch, bềnh bệch. Mắt nó nhắm nghiền. Có tiếng Phương hét cực lớn. Rất lạ, như không phải tiếng người. Hú dài, âm chói rít, sợ lắm. Vịnh giật thót, toàn thân cứng lạnh. Từ miệng Phương phùi ra những bọt bóng mầu. Mắt mở hết cỡ, đồng tử giãn to, lác xệch. Lại một tiếng hú dài. Vịnh sợ hãi chụp lấy khẩu AK lên đạn. Thằng tù bịnh ngã bật ngửa ra phía sau, miệng ú ớ:

- Đừng, đừng. Lạy chúa!

Máu Vịnh sôi lên: “Chúa này”. Chính lúc ấy Vịnh thấy ống quần hắn ướt đầm. Vịnh ném khẩu súng xuống đất:

- Đứng lên!

Nó vẫn nằm bệt, miệng ú ớ gì đấy.

- Đứng lên!

Vịnh quát lớn. Lần này nó lật bật đứng dậy được. Vẫn run. Vịnh vớ một hòn đất ném vào người nó: “Lại đây, nhanh lên”. Thằng tù binh dặt dẹo bước đến. Tay của nó bị Vịnh cột quặt về phía sau lưng nên người chúi về một phía, nom rất tức cười. Không phải lúc cười, Vịnh phóng tia mắt sắc lạnh vào thằng giặc. Nó biết phận cúi gằm gặm. Giọng Vịnh nhẹ không ngờ:

- Nào tiếp tục. Từ giờ tới chiều, phải đi cật lực mới may kịp. Mày định giở trò gì thì cầu chúa ngay từ bây giờ đi. Tao sẽ thay mặt chúa ban phước cho mày ngay.

Vừa nói, Vịnh vừa vỗ vỗ vào cái báng đen bóng của khẩu súng AK. Tên tù binh lí nhí vâng, dạ. Nó biết tình thế của mình. Nó len lén nhìn Vịnh. Chỉ cần một bột phát nhỏ là mạng sống của nó có thể đi tong. Thằng ngụy không còn ý định chạy trốn. Mà trốn làm sao được. Sức nó đã kiệt. Đã mấy ngày nay, cùng hành trình với hai người lính phía bên kia, nó đã nếm trải đầy đủ mọi cực nhọc. Những trận pháo tơi bời, đói, khát. Đằng nào cũng thế, nó không dám oán thán số phận, buộc nó rơi vào tay hai người lính này. Biết đâu đó lại chẳng là cơ may. Thì đấy, tiểu đoàn dù của hắn chẳng bị đánh tan tác ở Bù Đam, Bù Lăng đấy sao. Còn một nhúm tàn quân, sống chết men theo sông Bé chạy về Phước Long. Đã yên đâu, dọc đường còn bị đánh lên, đánh xuống. Ở lại, có thể mạng nó đã tiêu rồi. Còn ở đây, nó biết với một người bị thương phải nằm cáng, nó còn hữu ích cho họ. Nó thừa khôn ngoan để hiểu rằng, chừng nào chưa đến căn cứ, mạng sống của nó còn được đảm bảo. Tòng teng một đầu cáng võng suốt ba ngày, nó cầu mong cho chóng đến đích. Lạy chúa. Nó sẽ được tống vào một trại tù binh. Chắc chắn thế. Giờ đây hắn tin ở chúa. Chúa đỏng đảnh và cao vời nhưng chúa đã nghe thấy lời thỉnh nguyện của hắn
Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 08:51:58 pm »

Đến ven một khúc suối, Vịnh cho dừng chân nghỉ. Vịnh đặt Phương nằm dưới một gốc bằng lăng lớn. Đang mùa hoa. Cả khúc suối tím sặc. Vịnh xách súng lội xuống suối. Mát quá, nước trong vắt. Vịnh khoát tay. Thằng tù binh mắt sáng lấp lánh. Hắn vục hẳn đầu xuống nước. Vịnh đến bên Phương. Máu bết cứng hai bên thành võng. Phương vẫn đang co giật. Vịnh không dám nhìn lâu vào mắt bạn. Vịnh lấy khăn ướt lau cho Phương. Thằng tù binh cũng men đến. Nó bảo:

- Ông để tôi làm đỡ.

Thương Phương quá, Vịnh liền cởi trói cho nó. Cả hai loay hoay một lúc lâu. Thằng ngụy rửa vết thương rất kĩ. Nó chép miệng.

- Vết thương không nặng nhưng mất máu nhiều, không điều trị kịp chắc nguy.

- Mày biết à?

- Dạ, trước khi vô quân dịch tôi là sinh viên Y khoa.

Vịnh nhìn kĩ. Đã tiếp xúc với nhiều tù binh nhưng thằng này có thể tạm tin được. Lòng Vịnh dịu lại, Vịnh ném cho hắn nửa phong lương khô cuối cùng:

- Cố ăn, lấy sức mà đi.

Cả hai trệu trạo nhai nuốt. Cổ họng Vịnh nghẹn đắng. Không thể nuốt nổi. Hình như có cả vị tanh tưởi của máu. Vịnh tu ực một ngụm nước tướng, cố đẩy đám bột sệt quánh trôi vào bụng. Mắt hoa lên, Vịnh thấy gai gai. Bỏ mẹ, bây giờ mà sốt là chết cả nút. Vịnh gác khẩu súng lên đùi:

- Cho mày nghỉ tại chỗ.

Thằng tù binh ngủ ngay lập tức. Khuôn mặt trắng trẻo trẻ trai không gợn một chút gì của tình thế hắn bị lâm vào. Chiến tranh dường như không hiện diện trong giấc ngủ kia. Vịnh thở dài. Mắt Vịnh đậu lại trên mặt thằng tù binh. Nó trẻ quá. Mặt đấy, ai bảo là giặc. Hơn thế, lại là thứ lính dù dữ dằn. Lẽ ra nó đã tiêu rồi. Vịnh và Phương tóm được nó trong một tình huống rất ngẫu nhiên. Hôm ấy Vịnh và Phương vừa bị đánh bật ra khỏi đài quan sát. Không may trong lúc luồn rừng thoát vây, Phương bị thương vào chân. Tuy chỉ phần mềm nhưng vết thương sưng tấy khiến hai người phải khá vất vả trên đường tìm về căn cứ. Vịnh buộc phải vứt đi gần như toàn bộ trang bị cá nhân của hai người để cõng Phương. Suốt một ngày, họ chỉ lết được vài cây số đường rừng. Chiến sự đang lan rộng. Với tốc độ rùa bò này không thể nói trước được điều gì. Đến ngày thứ hai, đang loay hoay định hướng giữa một vạt rừng thưa, chợt hai người chạm trán một tên lính đang đào bới gì đấy bên một khóm dây leo rậm rịt. Khoảng cách khá gần khiến cả hai bên đều bất ngờ, hầu như không kịp phản ứng. Thằng ngụy đứng như trời trồng, mắt lồi ra dưới cặp kính cận nhẹ. Vịnh kịp định thần gạt Phương ngã xuống. Lẽ ra Vịnh đã bóp cò nhưng cặp mắt ngơ ngác của nó đã níu lại ngón tay Vịnh trong vòng cò. Vịnh nhảy chồm đến dí hẳn nòng súng vào giữa trán nó. Thằng giặc không một chút kháng cự. Nó ngoan ngoãn chịu trói. Vịnh đã quyết định đúng. Nếu nổ súng chắc chắn cả hai người sẽ không tránh được cuộc chạm súng chênh lệch. Đơn vị của tên béo nằm ngay sát rìa sông. May hơn cả là nhờ một đầu cáng của nó, họ thoát nhanh ra khỏi vùng tranh chấp nguy hiểm. Căn cứ của đơn vị Vịnh cách đó chỉ hơn hai chục cây số đường rừng nhưng mất đến ba ngày nữa, cả nhóm vẫn chưa tìm về được. Lần mò từng chặng. Đường tắc liên tục, chỗ nào cũng có dấu vết của bọn dù. Chúng đang cố gắng phản kích giành giật lấy hành lang sông Bé. Mỗi giờ khắc lúc này hết sức quý giá. Tính mạng Phương đang ngàn cân treo sợi tóc. Vết thương thối rữa hành hạ, đã khiến Phương chỉ còn là một cái xác thoi thóp. Những cơn co giật kia có thể mang mạng sống của Phương đi bất cứ lúc nào. Nhưng điều lo lắng nhất Vịnh phải đối phó là kiểm soát thằng tù binh. Nhìn hắn, không thấy vẻ hung hãn như ở những tên ngụy khác. Nhưng biết đâu, chỉ một sơ sểnh nhỏ hắn có thể cướp được súng. Và mọi chuyện chắc chắn sẽ được giải quyết chóng vánh. Thần kinh Vịnh căng lên như dây đàn. Lắm lúc quá mệt mỏi, Vịnh thoáng có ý nghĩ giải quyết tên giặc. Thả hoặc bắn hạ nó. Thả thì không thể, với gánh nặng Phương, Vịnh không thể cởi bỏ để thoát được. Còn tiêu diệt? Đơn giản lắm, chỉ một động tác nháy cò súng. Nhưng có một cái gì đó ngăn giữ. Không cắt nghĩa được, rất mơ hồ, tràn ngập trong cơ thể mệt mỏi của Vịnh nỗi xót xa. Xót xa điều gì không lí giải nổi. Vịnh chỉ có thể biết được mỗi điều. Anh không nỡ. Không nỡ ngay cả trong ý nghĩ, khi đối mặt với thằng giặc. Nó trẻ quá và khờ khạo quá. Thậm chí có lúc ý nghĩ dại dột này ùa vào đầu Vịnh. Anh bắt gặp thời trẻ của mình trên khuôn mặt thằng ngụy. Không, không thể, dù Vịnh cũng có một thời sinh viên. Lập tức Vịnh quyết liệt xua đuổi thứ tình cảm uỷ mị vừa nhen nhúm. Nhưng cũng nhiều bận, tính mạng tên giặc bị đe doạ. ấy là vào những lúc Phương lên cơn co giật mạnh. Chạy vòng quanh, không biết làm gì để giúp bạn, máu Vịnh như sôi lên. Bộ dù loang lổ của tên địch như tiếp lửa làm bùng lên cơn giận vô cớ của Vịnh. Những lúc ấy, Vịnh muốn làm một cái gì đó để xả bớt giận dữ. Chẳng hạn, lia lên trời hẳn một băng đạn. Dường như đoán biết được những giằng kéo của Vịnh, tên ngụy cẩn trọng trong từng động tác. Trừ những lúc ngủ, còn thì hắn tỏ ra hết sức biết điều. Hắn lầm lũi bước, không rên rít, oán thán, không một ý định chống cự.

Vịnh đã kiệt sức. Sáng nay, may mắn Vịnh kịp phát hiện, nếu không, Phương và anh đã bị cái chốt dù dã chiến tiêu diệt gọn. Tức thế, cách đơn vị không còn bao xa, chỉ vài thôi rừng. Buộc lòng Vịnh phải đưa Phương vào ẩn trong một hang đá. Trong hang, dơi bám đen đặc. Vịnh trói chặt hai tay tên ngụy. Phương được đặt nằm trên một phiến đá bằng phẳng trong ngách sâu. Phương vẫn co giật mạnh. Ánh sáng trong hang nhờ nhờ càng làm bi đát thêm tình thế nguy ngập của cả bọn. Giữa những cơn co giật, Phương vẫn tỉnh. Giọng phều phào của người sắp đứt hơi nghe rất tội. Thường là những đòi hỏi tối thiểu:

- Nước … nước… Vịnh ơi… nước.

Song cũng có khi là những nài nỉ.

- Vịnh ơi. Thương tao với. Đau quá…

Vịnh im lặng. Cũng chẳng còn hơi sức đâu mà trả lời. Đã hai ngày nay, chẳng có cái gì ra hồn nhét vào bụng. Mà lạ, Vịnh cũng không còn cảm giác đói. Chỉ thấy bụng cồn cào và khát. Vịnh sai thằng ngụy sục vào các ngách hang tìm nước. Đào đâu ra, hang khô khốc. Đến mầm rêu, bói cũng không ra. Tên tù binh cũng đã lả đi. Mất nước, người hắn quắt nhanh chóng. Vịnh rũ ra như chiếc chiếu rách. Không dám nằm, người gai gai lạnh, Vịnh biết cơn sốt mang án tử hình của thần chết đang từ từ bò đến. Phải gắng gượng chống lại đến phút cuối cùng. Vịnh lần mò ra cửa hang. Địch lố nhố vạt rừng phía trước. Không nhẽ chịu chết. Thiếu chút nữa, Vịnh đã điên máu gầm lên, nhào ra khỏi hang và xả súng vào lũ giặc. Giá không nghĩ đến Phương, chắc Vịnh đã làm thế. Dù biết làm thế chắc chết mười mươi nhưng còn hơn ngồi đợi cái chết gậm nhấm dần dần. Không nhẽ chịu chết? Câu hỏi ấy cứ xoay đi, trở lại. Còn có cách nào? Để Phương nằm lại cùng tên tù binh chắc cơ may thoát sẽ có. Địa hình vùng này Vịnh quá thông thạo. Nhưng làm sao Vịnh dám bỏ Phương ở lại. Đầu óc rối bời Vịnh nghiến răng vận hết sức lực để chống lại ý nghĩ trốn chạy. Chống lại cả cơn sốt đã bấu vào lạnh buốt hai chân. Khát quá. Môi Vịnh nứt toác. Vịnh ngồi sát bên Phương. Vịnh đã quên hẳn tên ngụy. Bây giờ nó cũng đang vật vã và tuyệt vọng. Vịnh vuốt tóc bạn. Cứng cộm. Cả đầu Phương cũng bết máu. Thế là hết, Phương ơi. Tao với mày đã đi với nhau mấy mùa chiến dịch. A trinh sát, giờ thêm hai đứa mình thành năm. Năm thằng trai lực lưỡng. Hết rồi, đành chịu chết trong hang này. Người Vịnh hầm hập nóng. Cơn sốt đã khai hoả. Còn có cách nào khác. Chẳng nhẽ tao bỏ mày ở lại. Vẫn biết đằng nào mày cũng chết. Vịnh cắn chặt răng. Không giữ nổi, răng lập cập đánh vào nhau. Hang tối ngòm ngòm. Khát, khát quá và lạnh. Từ xương cốt, hơi lạnh ngùn ngụt toả ra bò vào từng kẽ máu li ti. Cái hang tối này sẽ là chiếc áo quan dành cho cả ba người. Vịnh lại đặt tay lên mặt bạn. Không hiểu sao lúc ấy, Vịnh chợt loé một ý nghĩ. Chừng nào Phương còn sống thì khả năng chết của cả nhóm vẫn còn.

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 08:52:53 pm »

 Khát… Khát… nước … nước.

Phương lại tỉnh và phều phào đòi nước uống. Khát quá, lấy đâu ra nước bây giờ. Cổ họng Vịnh nghẹt lại, đông sệt. Chết mất. Chợt có tiếng choeng choéc. Vịnh giật bắn mình. Một con chuột núi to phải bằng bắp vế nhảy phon phót. Nó vồ rất tài. Con dơi núi bám chặt thế ở vách đá, không kịp giãy giụa. Nó nghiến rau ráu con dơi to mập. Vịnh rùng mình khi thấy một vệt máu nâu sậm chảy ra từ xác con dơi. Máu. Dòng nước đậm đặc vô tình kia làm bùng lên, cháy thành ngọn cơn khát đã đông thành khối trong cơ thể. Không kịp nghĩ ngợi, Vịnh nhảy lên chộp. Con dơi to, chật cả bàn tay. Rất nhanh, Vịnh rút dao. Động tác chính xác lạ thường. Từ cái cổ hêu hếu rịn ra những giọt máu nhỏ lấp lánh. Vịnh đút ngay cái vòi nước có một không hai vào miệng Phương.

- Nước… nước… ngọt quá.

Phương mút chùn chụt. Thêm một con nữa, con nữa, cái hốc miệng ngòm ngòm dường như đã thoả thuê. Từ kẽ răng, khoé miệng, máu thừa thãi tứa ra đỏ loè. Bụng Vịnh thốc lên cơn đau quặn. Anh nhắm mắt đưa con dơi đã chặt cổ lên miệng. Mặn, ngọt, tanh, vị giác hoà lẫn vào nhau không phân biệt nổi. Khối đặc ở cổ, ở mọi chỗ trong cơ thể tan dần. Nhưng bắt đầu những luồng phụt mạnh. Bụng tiếp tục quặn. Hơi cuộn thành xoáy, thốc lên phào qua họng. Vịnh ngã sấp xuống. Trận nôn hơi chưa từng biết, vật Vịnh muốn chết ngất. óc lộng ra, long chân lăn phào phạo trong đầu. Cả người Vịnh tựa hồ như cái vỏ thùng rỗng dần lăn đi, lăn đi…

Nãy giờ thằng tù binh chứng kiến tất cả. Mặt nó xám ngoét. Thì, còn máu đâu mà hồng đỏ. Nó hực lên như người bị chọc tiết. Nó đứng giữa cơn khát điên cuồng và cảm giác kinh sợ tột độ. Khát quá, nó vồ đại lấy một con, lặp động tác của Vịnh. Hú, nó hú. Không hiểu sức ở đâu vét ra để nó hú hét được như vậy. Nó vẫn gọi chúa. Hình phạt chúa bầy ra cho con người thưởng ngoạn hết mực nhân từ. Ôi, thật báng bổ đức tin của nó. Thằng ngụy xông đến. Dây trói đã bị tuột hết. Vịnh choàng tỉnh. Khẩu AK lăm lăm trên tay. Mắt thằng lính đờ dại.

Nó quỳ thụp trước Vịnh:

- Giải thoát cho tôi. Hãy thả tôi hoặc cho tôi một viên đạn. Lạy chúa. Đừng bắt tôi phải chịu cực hình nhận cái chết từ từ thế này.

- Im ngay, đồ chó.

- Bắn đi. Bắn đi. Bắn tao đi!

Tuyệt vọng bao giờ cũng tạo nên những sức mạnh điên dại. Tên ngụy hoảng loạn chồm tới. Vịnh quật mạnh khẩu súng. Nó ngã vật ra giãy đành đạch. Vịnh gầm gào:

- Thích chết, cho mày chết.

Nhưng không, chỉ phút sau, Vịnh lại nghe thấy tiếng rên rỉ của nó:

- Chúa ơi, ông ơi, cho con được giải thoát.

Vịnh giương súng. Người Vịnh, thịt da chuyển rần rật. Mắt Vịnh hoa lên. Đầu óc như sắp vỡ tung. Vịnh cho tay vào vòng cò. Cứng ngắc. Tên địch đã ngất xỉu. Bỗng Vịnh nghe tiếng Phương gọi rõ lắm:

- Vịnh, Vịnh đâu rồi.

Vịnh ghé sát xuống mặt bạn, thấy mắt Phương đang ngoi ngóp hiện những đợt sáng tàn vét.

- Vịnh ơi. Người tao khác lắm. Sung sướng quá. Mày sẽ đến nhà tao chứ. Hứa đi…

Vịnh gật đầu. Phương nấc nhẹ, người giật khẽ, hơi phào ra. Vịnh chụp tay vào mắt bạn. Vĩnh biệt Phương. Có tiếng lao xao phía cửa hang. Vịnh rạp ngay người xuống.

- Ê, có cái hang, mày.

- Đù mẹ, chịu thôi. Bớ rớ ăn mìn thiệt mạng. Mà cũng chẳng đào đâu ra nước.

- Ừa, có lệnh rút quân rồi. Ráng chịu.

Tên ngụy đang ngất xỉu, nhạy thế nhỏm ngay dậy. Vịnh ấn hẳn nòng súng vào giữa mặt nó. Đã qua cơn hoảng loạn, mặt nó bây giờ phìu ra, ngây độn. Phía ngoài hang mấy thằng lính đã bỏ đi. Vịnh dằn từng tiếng:

- Lẽ ra tao phải giết mày. Bạn tao vừa tắt thở. Thôi để mày sống.

Vịnh cúi xuống bên Phương. Bỗng Vịnh giật nảy mình. Phương vẫn thoi thóp thở. Toàn thân Phương giật nhè nhẹ, nhè nhẹ. Miệng mấp máy gì đó. Phương chưa chết. Vịnh lảo đảo khuỵu xuống. Trái tim vỡ ra. Thoáng chốc Vịnh thấy cả cái hang rực lên một mầu lửa đỏ. Nóng rát. Lửa bén vào da thịt nóng ngụt, Vịnh chụp lấy khẩu súng chĩa vào tên ngụy.

- Đi. Cút đi. Nhanh lên. Cút đi, đồ chó. Cút. Cút!

Tên ngụy lùi dần. Họng súng ngòm ngòm vẫn hướng thẳng vào ngực nó. Vừa lùi, nó vừa lắp bắp:

- Lạy chúa…

Nó cực độ hoảng hốt khi thấy mắt người lính sáng quắc. Sáng lắm. Mắt như có lửa ủ bên trong. Như tất cả tinh lực của cơ thể đều dồn tụ vào đôi mắt ấy.

- Cút nhanh. Tao nổ súng ngay bây giờ đây này.

Ranh giới mỏng manh giữa sống và chết. Thằng lính xấu số quên hết cả mọi sự cùng kiệt. Bản năng sống khiến nó lùi nhanh với tốc độ không ngờ. Nó hẫng chân vượt khỏi miệng hang. Mấy vòng lăn, thân thể bầm dập, đau điếng đánh thức lí trí nó. Tên ngụy bật dậy vùng chạy. Sống rồi. Bỗng nó thấy một tiếng hét khủng khiếp từ trong hang vọng ra. Cả tràng đạn AK chát chúa. Nó dừng phắt lại. Hay là ông ấy tự sát. Yên lặng. Tên ngụy ngẫm nghĩ. Có lẽ thế thật. Nó ngần ngừ định quay lại. Chả gì, người lính ấy cũng là ân nhân của nó. Lại một loạt đạn nữa. Thôi chết, không phải. Nó vùng chạy. Đã cách thật xa cái hang, nó vẫn nghe thấy tiếng súng vang động. Nó ngã nhào vào một vạt le lúp xúp. Lạy chúa. Đủ rồi, đau khổ – thiên đường của Người.

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 08:54:27 pm »

Phạch. Tiếng nổ rất nhẹ. Cả mấy con chim bay túa lên.

- Bắn như cứt. Để đấy tao.

Một con trong đàn chao chao, cánh xòe, liệng dần xuống.

- Trúng đấy chứ. Có điều, súng hơi sáu cân không đủ hạ nó.

- Nói phét. Bắn trúng chân, đến chim sâu cũng bay thoát.

Con chim lông đen, mỏ vàng rơi xuống đất thật. Nó nhảy lò cò lủi nhanh vào bụi. Bình ních và Thắng vịt giành nhau khẩu súng. Hai thằng quần nát bụi cây vẫn không thấy tăm hơi con chim bị thương.

Bình ních bảo:

- Tiếc quá là tiếc. Con chim sáo đấy. ít cũng phải được nửa suất mồi.

- Thế mà cũng đòi. Sáo đâu mà sáo. Nó là con chim hét. Giống này hôi xít. Chó cũng còn chê.

- Này giữ mồm, giữ miệng đấy nhé.

Bỗng choét choét, tiếng chim kêu đau đớn. Xồ ra từ bụi cây bên cạnh một con chó nhỏ. Giống chó đồi mặt choắt, tai vểnh. Con chim đen giãy giụa trong miệng nó. Con chó phốc về phía doi đất. Hai thằng cuồng chân đuổi theo. Nhưng không kịp, con chó chạy rất nhanh. Thắng vịt vấp phải cái rễ cây, đổ đến oạch:

- Thôi, con mồi nhỏ. Giành nhau làm gì. Cùng giống…

- Mẹ thằng đểu…

Bình ních chửi nhưng lại ngoác cái miệng ra cười hết cỡ. Chợt con bé lái đò hiện ra ở đầu doi đất. Tay nó xách con chim bết máu. Con chim vẫn sống, cánh choãii ra đập khẽ.

- Cho cháu đấy!

Con bé bặm môi. Nó thả rớt con chim xuống đất. Đoạn, nó quay trở lại. Từ chiều đến giờ, nó chưa mở miệng một tiếng gọi là. Kể cả ban nãy, lúc trả tiền đò. Hỏi, nó nhất định không nói.

- Không phải, – Bình ních khẳng định chắc nịch, – mắt người câm không lanh lợi được như mắt nó. Mà kể cũng lạ, tao để ý thấy mặt con bé rất quen.

Thắng vịt cười phì phì như trăn thở:

- Mày rải con khắp nơi. Hỏi lại xem. Biết đâu…

- Không, lạ lắm. Tao thấy có cái gì đó… không cắt nghĩa nổi. À, nhà nó ở đâu nhỉ?

- Bố ai biết được. Có lẽ ở sau doi đất.

Phía ấy, quả có một nếp nhà nhỏ thật, lút giữa những tán cây ăn quả bời bời.

- Sáng mai, tao sẽ mò đến đấy xem sao. Kìa, có con chim gì chỗ bụi dây leo. Ôi, bìm bịp. Mày bắn đi.

Con bìm bịp, lông xòe to như cái quạt nan, vắt vẻo lưng chừng bụi mù u rậm roà. Mặt trời ngả núi, hắt nắng vét đỏ lòa. Con bìm bịp bắt nắng hồng rực.

- Bắn đi.

Mũi súng run run. Con mồi ngon lành quá khiến Thắng vịt mất bình tĩnh. “Phạch”. Toé ra mấy cái lông. Con chim lủi ngay vào bụi cây.

- Rõ hoài của. Bìm bịp ngâm thuốc tốt nhất hạng.

- Mấy chục năm không sờ đến súng. Run tay lắm.

- Gớm, cứ quan trọng hóa. Thứ súng hơi phành phạch này, trẻ con chơi chả bõ. Mắt mù thì có.

Hai thằng dắt nhau về lều. Cả bọn đã đợi sẵn. Chúng nó nhóm một đống lửa từ bao giờ. Bữa ăn tối cũng đã chuẩn bị xong. Có cả cá nướng. Ngọc khợp đang xuýt xoa vần một con trôi tổ bố trên lửa. Nó nói, dểu cả nước miếng:

- Cá của nhà con bé lái đò. Bố nó câu được. Cá hồ, chắc ngon phải biết.

- Thế à? Thằng cha trông thế nào? – Bình hỏi hốt hoảng.

- Có bố giời cũng đếch biết. Thằng cha khinh người. Thấy chúng tao nó vào nhà nằm khểnh ngay. Cho con ra bán. Cách bán cũng lạ. Cứ lấy, thích trả bao nhiêu, tuỳ.

Long tẩu vỗ tay bộp bộp:

- Thôi. Tao tuyên bố thế này. Võng thằng nào, thằng ấy mắc. Lát say, cấm nằm lung tung.

Cường choắt lanh chanh:

- Quá cẩn thận. ở đây có mỗi thằng Ngọc lười. Suốt thời làm lính, không ngày nào nó không ngủ chực.

- Ngủ chực đã khá. – Biên ít nói nhất bọn đế theo, – cái khoản quần áo mới hãi. Nó nhằng hết lượt. Cũng phải thôi, quân trang B dài, vào tới Vĩnh Linh, nó đã đổi đồ ăn trụi lủi.

Thằng Ngọc không vì thế mà ngơi tay xoay cá. Lửa liếm xèo xèo, mỡ cá chảy thành giọt, thơm lừng.

Sáu thằng lại quây tròn. Lạ, ngần ấy năm nhưng cả bọn nhìn nhau chả thấy già đi bao nhiêu. Ngọc khợp dắng dẻ:

- Có bầy phần của năm thằng kia không nhỉ?

Thắng vịt gạt đi:

- Thôi, đâm nghĩ ngợi ra. Dù sao, hôm nay cũng là ngày vui. Nhớ đến chúng nó là được rồi.

Ấy là cu cậu ngại vố tắt hương. Ngại chứ. Không nói ra nhưng lòng đứa nào cũng canh cánh. Trời đã sập tối. Lửa nhập nhoạng, bập bùng trên mặt từng đứa. Mặt hồ thẫm đen. Nhận được, phải nhờ vào tiếng nước vỗ. Phía núi còn nhìn thấy. Cả khối đen choán gần hết trời. Đêm tối quá, sao biến tăm hơi đâu hết cả. Đột nhiên Long tẩu vuột ra:

- Hôm tao nhập ngũ, đêm trước cũng tối kịt thế này. Không trăng, không sao. Thành phố đêm ấy tập báo động, đèn đuốc tắt cả. Tao với Hạnh…

- Bẫm quá còn gì. – Thằng Bình hinh hích cắt ngang.

- Rỡ dơ. Cứ gái là cười tít mắt. Chết mấy vố chưa kinh. Cái đận…

- Thôi, thôi. Sợ chúng mày không đủ sức vỗ vã hết đêm nay. Để thằng Long kể tiếp. Chả gì, trong sáu thằng, mỗi mình nó có người yêu trước khi đi.

- “Dễ tao vạch áo cho chúng mày xem chắc. Đừng hòng. Là tao muốn nhắc đến thằng Lệ. Tối ấy nó mò đến. Nghiêm trang lắm. Thấy tao bịn rịn với Hạnh, nó có vẻ ngần ngừ. Nhác thấy thế, tao chủ động:

- Có chuyện gì, Lệ?

Chả là, tao với Lệ học với nhau suốt ba năm cấp ba. Thân nhau còn hơn cả vợ chồng chấy. Nó đắn đo nhìn Hạnh rồi thở dài bảo:

- Thôi, tao về!

Sau này vào trong kia rồi, về cùng A trinh sát, cu cậu mới phòi ra chuyện đêm ấy. Lúc chôn nó, bao nhiêu kỉ niệm giữa tao và nó bay đâu hết, chỉ còn độc mỗi chuyện kia. Cứ ám mãi, thú thực đến bây giờ, tao vẫn chưa biết buồn hay mừng cho nó”.

- Nói tuột bố cho xong, cứ dằng dưa rau muống mãi. Sốt ruột.

Lối kể nhâm nhi ấy làm cho cả bọn sốt ruột thật. Long tẩu vẫn thủng thẳng. Tính nó thế.

- “Nhà thằng Lệ chúng mày biết rồi. Bố chết ở Điện Biên. Còn ba mẹ con. Chị gái nó không tính. Lấy chồng cùng thành phố. Phận gái, hiếm lắm tuần cũng chỉ đảo về vài ba bận.

Nó cương quyết đòi nhập ngũ. Mẹ nó không cản. Mấy hôm sau cùng, chỉ thấy bà thở dài, mặt buồn bã. Thằng Lệ biết ý, cố gồng lên tươi tỉnh. Thì, chúng mày bảo, có nhiều nhặn gì, mỗi đứa con rứt ruột, sắp đi vào nơi hòn tên, mũi đạn, mẹ nào chả buốt. Thằng Lệ nhầm. Hôm sau cùng, có một đoàn ở quê ra. Dẫn đầu là ông bác ruột đằng bố. Họ hàng thì quen cả. Ác nỗi, có một đứa con gái lạ đi kèm. Nom cũng được. Đấy là thằng Lệ kể thế. Con bé kia, suốt buổi chiều mặt không hết đỏ, cứ phừng phừng như tẩm rượu. Đến bữa cơm tối, quật xong chén rượu quýt, ông bác cao giọng:

- Thằng Lệ. Tao đã bàn với mẹ mày. Mày đi. Phận trai thời chiến thế là được. Nhưng mẹ mày già rồi. Chị mày có nghĩa vụ đằng chồng. Bom đạn thì không phải ngày một, ngày hai. Để mẹ mày có bầu, có bạn, chúng tao định tổ chức cho mày. Con bé Na đây, nhà cùng xóm với tao. Nết ăn, nết ở được cả. Mọi việc chúng tao đã lo xong, chỉ cần mày gật là ổn.

Bất ngờ quá, thằng Lệ hoảng hồn, quay sang cầu cứu mẹ. Mẹ nó quay mặt, thấy đuôi mắt đã rân rấn. Chúng mày bảo, nguy không. Hồi ấy hết lớp 10, thanh niên thật rồi, cũng đã biết quái gì đâu, không bằng đứa mười lăm tuổi bây giờ. Lí thì thuận quá. Thương mẹ, con nào chả thương. Nhưng xét về tình … cu cậu bí rì rì, bèn tính đến kế hoãn binh.

- Nhưng, xin phép cho cháu được nghĩ đã. Vả lại, mẹ cháu…

Ông bác tấn luốn:

- Mẹ mày hả? Mẹ mày thuận rồi. Kìa, cô nói lên một tiếng.

Mẹ thằng Lệ, miệng méo xệch không nói được, chỉ khẽ gật. Nghĩa là mẹ nó đồng ý. Ông bác được đà tiếp tục:

- Nội nhật hôm nay mày phải quyết. Mai, cứ yên tâm đi. ở nhà, mọi việc đâu sẽ vào đấy. Cưới xin, nghỉ phép làm sau cũng được.

Bỏ dở bữa cơm, thằng Lệ phóc sang nhà tao. Chưa biết theo bề nào, cu cậu định lôi tao vào cuộc. Thấy Hạnh và tao quấn quýt, nó bỏ ngay ý định ấy. Lang thang chán mới mò về. Cả nhà vẫn đợi. Con bé kia có vẻ ngượng, tránh mặt. Nhìn nó, thằng Lệ cũng thấy tội tội, thương thương. Ông bác hỏi:

- Thế nào, quyết chứ?

Bao nhiêu lời lẽ chuẩn bị trong đầu tuột đi hết cả. Thằng Lệ chỉ buông được một tiếng cụt lủn:

- Không!

Ông bác cố gặng:

- Thế nào?

- Không!

Ông bác đứng ngay đơ. Mặt phát đầy nộ khí. Rất từ từ, ông trỏ tay vào mặt nó, dằn từng tiếng:

- Đồ bất hiếu!

Đoạn, ông đùng đùng dẫn bàu đoàn thê tử ra ga đáp tàu về quê ngay tắp lự. Mẹ thằng Lệ cố níu nhưng không được, khóc oà lên. Bà ôm lấy nó:

- Con đừng giận bác. Đấy là bác thương mẹ con mình.”.

Cả bọn ngừng ăn uống, hút vào chuyện thằng Lệ. Đêm tĩnh quá. Có tiếng con gì “Cờ rúc, cờ rúc” nghe rất não. Thằng Bình bảo:

- Ừ, thảo nào nó cứ buồn buồn. Tao lại đồ rằng, nó nợ buồn từ kiếp trước. Đấy, ngay tên nó cũng ẻo quá.

- Hôm tao mang di vật đến nhà, – Long tẩu kể tiếp, mẹ nó bầy hết lên bàn thờ. Không thấy khóc. Mắt khô, mặt khô, cả người cũng như cái cây khô quắt. Chỉ bảo: “Giá ngày ấy thằng Lệ chấp thuận thì con nó đi học được rồi.”. Sau đó vài năm mẹ nó mất. Hôm rồi, ngang qua phố, thấy nhà cũ đã bị đập. Chị gái và anh rể nó phá đi xây khách sạn mini. Không tiện hỏi, chẳng biết ảnh nó giờ thờ ở đâu.

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 08:55:18 pm »

Ngọc khợp phán:

- Thế thì buồn là buồn cho mẹ nó. Còn nó phải gọi là mừng. Cu cậu quyết định đúng. Thân nó thế nào xong thôi. Để vợ con tang tóc, bơ vơ, đấy cũng là cái tội.

- Văn veo gì mà ngu, – Bình bộp chộp. – Mày ngu, thằng Lệ cũng ngu. Coi đấy là cái tội thì trai tráng cả nước này có tội hết. Phải tao á, muốn đến đâu thì đến, tao gật phắt.

- Mày, gái thì bao giờ chả gật…

Bỗng có tiếng loạt soạt phía bụi cây, chỗ cả bọn mắc võng. Cường choắt, tác phong quân sự, nhẩy bật rất nhanh. Nó bấm đèn. Thấy hai đốm sọc. Hoá ra con chó lúc chiều đang rình rập. Cường choắt xuỵt đuổi nó. Cả bọn bắt đầu ngả ngốn. Tiếng Long tẩu đã khê khê:

- “Trời tối kinh. Trở lại cái hôm trước nhập ngũ. Thành phố tập báo động phòng không. Thằng Lệ về rồi, tao dắt Hạnh lên gác thượng. Đêm đen như hũ nút. Mò mẫm mãi mới hết cầu thang. Không biết nói chuyện gì, cứ ngòm ngòm, kinh bỏ bố. Tao đánh bài liều, hôn. Chả có gì nói được nhiều bằng thứ ấy. Chúng mày biết không, đúng lúc ấy thì còi hú. Còi Nhà hát lớn ấy mà. Còi, tao đã nghe nhầu tai, không lạ. Nhưng lúc ấy rợn lắm. Chúng tao đang trong vòng tay nhau. Môi hai đứa gần gũi. Gần như cả hai phản ứng bằng cách ôm nhau chặt hơn. Đứa nọ muốn nép vào đứa kia. Quái, đây là báo động giả có gì mà rợn. Tập để cho quen đi thôi. Mà cũng quen rồi, cả đợt còi mấy năm chiến tranh trước, ít ỏi gì đâu. Nghĩ thế, nhưng người cứ liệt dần trong tiếng còi u u. Tiếng u u xoáy bên tai, khoan vào óc, rin rít châm vào da thịt. Hạnh vợ tao, chúng mày biết là người cứng rắn, vậy mà lúc ấy, tao có cảm giác người nàng nhũn tan ra, nước mắt đầm đìa. Tao chắc cũng thế. Càng nép vào nhau, tiếng còi càng vây đuổi riết ráo. Hoảng hồn, tao xô mạnh, văng Hạnh ra. Trời ạ, trước mắt tao ngờm ngợp một màu đen. Bầu trời đen, thành phố đen, cả Hạnh cũng đen. Màu đen thấu vào đến tận đáy mắt tao. Không cắt nghĩa được cảm giác ngập tràn lúc ấy, may thay tiếng còi ủ chấm dứt. Đèn thành phố bật sáng. Tiếng u u dứt dần trong máu. Tao ôm lấy Hạnh. Ánh sáng đèn nhợt nhạt. Khuôn mặt Hạnh còn nhợt nhạt hơn thế. Hạnh lắp bắp:

- Em sợ!

- Đừng sợ. Đây mới chỉ là báo động giả thôi. – Tao gắng gượng an ủi Hạnh.

- Vâng. Nhưng mai anh đi thật rồi.

Tao vội vàng dìu Hạnh xuống nhà. Lúc ấy, tao biết chắc chắn rằng, với tao cuộc chiến tranh bắt đầu từ đấy. Sau này, cảm giác trên sân thượng hôm nào trở lại với tao vào chính đêm chôn bọn thằng Lệ. Bóng đêm, đúng bóng đêm, ngay cả bây giờ nữa…”.

- Thằng này say rồi. – Cường choắt kêu lên.

- Đúng là say, nhưng nó nói thật hay. – Ngọc khợp tiếp. – Tao sẽ xin phép vợ mày đưa đoạn này vào tiểu thuyết.

Bất giác tất cả bọn đều quay nhìn. Đống lửa nhen đã tắt lịm. Tất cả quánh vào bóng đêm. Thằng nào đó bật lửa châm thuốc. Ánh ga nhoáng cuống cuồng, liếm nhoà ngần ấy khuôn mặt.

Kìn kịt một màn đêm nặng trĩu.

Đêm hôm ấy tất cả đều nhớ. Cho quên cũng không thể quên được. Mỗi cuộc đời lính cần phải giữ một điều nhớ cho riêng mình, thì tất cả tiểu đội trinh sát đều lấy cái đêm hôm ấy.

Bấy giờ vào cuối năm 1972. Chiến sự ác liệt trên toàn miền. Tiểu đội trinh sát, quân số của đại đội trợ chiến, trực thuộc trung đoàn bộ. Nhiệm vụ của mười một chiến sĩ chủ yếu là lập đài quan sát, chỉ dẫn mục tiêu cho hai tiểu đoàn cao xạ 37 li. Thi thoảng, cũng kiêm nhiệm vụ ấy cho một tiểu đoàn cối 81 li và ĐKZ. Hai tiểu đoàn cao xạ lần đầu tiên có điều kiện chiến đấu tập trung. Vùng giải phóng suốt một dải từ Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Na đến T10 nối với đường mòn chiến lược. Trước đấy, phần lớn các đại đội xé lẻ tác chiến độc lập, bảo vệ hành lang đường mòn. Trong mười một người, chỉ có thằng Đinh A trưởng, thằng Vịnh, thằng Quang là lính cũ. Gọi là cũ cho oai, chứ thực ra cả bọn cùng sàn sàn tuổi và vào chiến trường trước tổng tiến công 72. Nghĩa là hơn nhau độ mươi tháng thâm niên.

Đại đội trợ chiến thực chất là một đơn vị bộ binh tăng cường, có nhiệm vụ tác chiến bảo vệ mặt đất cho các đơn vị trong trung đoàn. Tiểu đội trinh sát, trừ ba thằng Đinh, Vịnh, Quang, số còn lại đều là lính nhập ngũ 71, 72, nhà quanh quẩn nội ngoại thành Hà Nội. C trưởng trợ chiến tên là An, quê ở Long An, theo cha tập kết, học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi khoá đầu, từng sống nhiều năm ở Hà Nội, nhập ngũ năm 68, nhiều lần An cười hề hề:

- Đù mẹ. Tụi bây vô đơn vị khác là tiêu rồi. Phải tay qua mới được trọn vẹn. Qua biết rõ lính đất thánh, vừa “cậu” vừa “quậy”. Gom tụi bây một chỗ để bớt quậy. Ráng đừng phụ lòng qua.

Đấy là An nói thật lòng. Lớp lính mới Hà Nội nào vào chiến trường cũng bị xé lẻ. Đánh đấm như nhau cả thôi. Có điều lính thành phố, chỉ huy nào cũng ngán. Vào trận, đánh thổi trời, nhưng chơi, trời cũng động luôn. Lính A trinh sát coi như cùng lứa. Hơn kém nhau dăm bẩy tháng nhập ngũ, nhằm nhè gì. Duy nhất A trưởng Đinh khác quê đi từ Nam Hà. Dân vùng chiêm trũng, phát âm giọng lẫn lộn e lờ, en nờ nên đeo theo biệt danh Đinh nờ. Thằng Quang đẻ ở Hà Nội, cũng coi như người Hà Nội, dù nó phát âm lối Nam Bộ. Quản được mười thằng Hà Nội, phải công nhận Đinh nờ là thằng khá.

Hôm ấy, A trinh sát chốt trên điểm cao 517, cách Lộc Ninh một tầm pháo cực nhanh 175 li. Từ chốt nhìn rõ đường 13, khúc kẹp giữa Chơn Thành và Nhơn ái. Từ các điểm cao khác, suốt một tuần, tiểu đoàn phòng không liên tục kiểm soát khoảng không, yểm trợ cho bộ binh tấn công Chơn Thành. Đài quan sát 517 được trang bị máy vô tuyến sóng ngắn dùng dải ăng ten Lam đa và các phương tiện đo xa. Kíp chốt gồm ba người Đinh, Lệ, Quang. Tám thằng còn lại cùng C trợ chiến ém quân bảo vệ các đại đội cao xạ. Không quân địch liên tục đánh phá. Chủ yếu là lực lượng của không lực Sài Gòn. Không lực Mỹ đang dồn sức đánh phá miền Bắc trong các chiến dịch cuối cùng trước hiệp định.

Sáng ấy, trời trong đáng ngờ. Đã gần trưa vẫn yên ắng. Tịnh không có một tiếng động cơ. Dấu hiệu yên ắng bất thường này đã được trung đoàn cảnh báo. Cũng lúc này, các đơn vị bộ binh của công trường 5 đang làm chủ Nhơn ái, tiếp tục bao vây chặt Chơn Thành. Chắc chắn địch sẽ phản kích lớn.

Không phải đợi lâu, từ chân trời đã hiện ra những chấm đen. Nhiều quá, toàn A37 bay bằng. Bọn này đánh tọa độ đây. A trưởng Đinh hét to vào bộ đàm:

- Hướng 14, 8A37, độ cao 5.000, cự li…

Phút chốc, cả một vùng rung chuyển tiếng bom. Lại tiếp một đợt tám chiếc nữa. Lần này bom đánh sát sạt mỏm 517. Khói bom phủ kín cao điểm. Đạn cao xạ nổ lục bục. Đúng vào lúc Đinh báo cáo chiếc A37 của đợt tọa độ thứ hai bị trúng đạn, bốc cháy thì một bầy không đếm được toàn HU1A bay thấp, là sát ngọn rừng phía Tây, phành phạch đổ quân xuống chân 517. Lốc nhốc bọn lính dù lẫn trong khói bom đen kịt. Một tốp trực thăng nữa quần đảo ngay sát đỉnh, nã vô hồi rốc két và đạn 20 li xuống. Cả ba chúi sát ngách hầm để tránh đạn. Còn may, bộ đàm vẫn hoạt động được. Tiếng Đinh gào khản đặc:

- Lính dù đổ bộ chiếm 517. Không xác định được số lượng.

Tình huống quá bất ngờ. Đã thấy bọn địch lổm ngổm kín đồi. Đinh cuống cuồng:

- Chuẩn bị chiến đấu.

Lệ, Quang xách AK choài ra đầu hầm. Súng bộ binh địch đã rộ lên. Đạn chiu chíu trên đầu ba người. Vừa bắn, Quang vừa hào hển:

- Đông lắm, chúng nó đông lắm. Gọi pháo dập thẳng đi.

Lệ cũng giục:

- Gọi ngay đi để huỷ điện đài.

Tiếng của Đinh ngập ngừng, lạc giọng:

- Đề nghị cho bắn thẳng vào 517. Bắn đi. Bắn!

Phát AK Lệ ốt vào máy bộ đàm vừa vang đanh thì lập tức không trung toác ra. Bầu trời vụn thành nhiều mảnh. Mây khói quyện vào nhau. Cả quả đồi 517 rung bần bật. Đạn nổ pình pình từng chuỗi. Cả tiểu đoàn 37 li hạ nòng bắn thẳng vào cao điểm 517. Xen vào chuỗi nổ cao xạ là tiếng nổ đanh chắc của ĐKZ và cối. Đám lính dù loang lổ bị hất ngược từng đám. Trước khi xỉu đi, những người lính trinh sát kịp nghe tiếng bọn ngụy la hét. Chúng hoảng hồn vì thứ vũ khí mới mẻ này.

Tất cả những điều trên, Lệ đã kịp kể lại khi đại đội trợ chiến tràn lên, chiếm lại điểm cao, trước lúc tắt thở.

Tối hôm ấy, trời không trăng, không sao, gió cũng ngừng thổi. Tám người còn lại của A trinh sát lặng lẽ chôn cất ba người bạn của mình trên đỉnh 517.

Biển đêm ngút ngàn nuốt gọn tám phát súng cô đơn nối nhau tiễn biệt.

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 08:57:13 pm »

Gã là người đầu tiên của đại đội trợ chiến ào lên đỉnh cao điểm 517. Đạn cày xới hoang tàn. Dấu vết nóng hổi của chiến trận gợi cho gã một cảm xúc khác thường. Đừng nghĩ gã là người yếu đuối. Không, mới chỉ hơn năm ở miền Đông và cũng mới sơ sơ vài ba chục lần chạm súng, gã đã tỏ ra là một người lính chiến thực thụ. Bản lĩnh của gã không thể hiện ở độ dày từng trải mà ở sức bền bỉ chịu đựng. Ưu điểm này giúp gã chế ngự được mọi trạng thái tình cảm. Có một lần, hồi mới vào chiến trường được ba tháng, gã đi gùi gạo, bị thám báo phục. Gã thoát chết nhưng bị đẩy vào một tình thế khốn đốn. Kẹt trong một hốc đá không có đường thoát. Phía ngoài là bãi phục của khoảng một trung đội biệt kích áo đen. Nguy quá, đã ba ngày đêm bọn áo đen vẫn lì lợm, bám dai như đỉa, chưa chịu rút. Chết mất, khát thì còn liếm láp chút rong rêu ở kẽ đá. Nhưng đói thì chịu. Nếu gặm đá khoả được cái rỗng của dạ dày, hẳn gã chẳng thương tiếc gì bộ răng để không gặm. Bụng réo òng ọc. Tỉnh còn khá, cứ thiếp đi lúc nào là lập tức gã mơ được mời mọc đánh chén. Mắt mục kích hẳn hoi những món ăn bầy gọn ghẽ. Song chỉ chạm vào là lập tức gã bị đánh thức. Khi thì một tiếng cười của bọn biệt kích. Khi thì một con dế nhóc con phốc qua mặt. Lần nào cũng vậy, gã toàn bị ăn hụt. Sau giấc mơ ngắn ngủi, hình như cái dạ dày  càng hành hạ gã dữ hơn. Gã không phải loại phàm ăn nhưng vào dạo ấy, lính miền Đông ít khi bị thả đói. Sức trai bị giã những ba ngày, làm gì chả khốn. Ngày thứ tư, cơn đói đẩy gã đến chỗ tuyệt vọng. Giá lúc bị tấn công không văng mất khẩu súng, hẳn bây giờ gã đã liều mạng nhào ra để chấm dứt tình trạng này. Bố mày chết ít cũng đổi được vài mạng. Lãi thế, cũng có thể sánh ngang với một bữa tiệc thịnh soạn. Song tay không thì chịu. Lọ mọ ra, quá chui đầu vào rọ. Có sống cũng tù đầy nhục nhã. Thà chết đói còn hơn. Nhờ ý nghĩ ấy, gã dằn xuống được cơn tuyệt vọng. Ráng mà chịu. Chẳng nhẽ bọn kia đủ sức trụ mãi. Ngày thứ năm. Gã lại mơ được ăn. Lần này thức ăn rất quái đản. Một rổ khoai luộc vừa vớt, hơi đang còn ngùn ngụt. Khoai cũng tốt chán. Gã nhẹ nhàng sờ tay, sợ rổ khoai kia lại biến mất như những lần trước. Cẩn thận vẫn chẳng hơn gì. Bất thần, rổ khoai biến thành một con rắn khoanh tròn. Gã rụt phắt tay, hoảng hốt. Mắt mở trừng trừng, rắn thật, không phải mơ. Con rắn cạp màu lá mục, loại rắn giống rắn ráo ở đồng bằng nhưng rất độc, to bằng tầm điếu cày, khoanh tú hụ như cái rế, đầu ngóc dựng đứng. Không biết nó từ đâu lọt vào và vào từ bao giờ. Có lẽ con rắn tưởng gã là xác chết nên không bận tâm. May thế, nếu không, chỉ cần một phát mổ, hồn gã sẽ lìa khỏi xác, chết thế thật uổng phí một đời trai. Thoạt đầu, sợ hết hồn, gã co dúm người, cố tránh không cử động để bảo toàn tính mạng. Nhưng được một lúc người gã bắt đầu chùng ra. Cơ bắp ngọ nguậy. Đang đói liệt người, lại phải gồng gánh thế, bố ai chịu được. Phải giết nó trước khi nó giết mình. Nhưng giết bằng cách nào thì gã chưa nghĩ ra. Giống rắn, gã không lạ. Nó nhanh lắm, vả lại gã đang yếu. Nếu chụp được cổ nó thì khỏi bàn. Thần kinh gã căng như dây đàn, tưởng chừng có thể đứt phựt được. Rất lâu, con rắn vẫn ngồng cao cổ. Có lúc, đầu nó hướng về phía gã. Bây giờ gã mới thấm thía thế nào là mắt rắn. Nhỏ và dài như hạt thóc tám chiêm. Mắt gã bập vào mắt của nó. Gã thấy mắt mình mọng lên, mờ đi, bởi những tia sáng lành lạnh sắc lẹm phát ra từ hạt thóc bé xíu kia. Mẹ mày, máu gã sôi dần bốc thành câu chửi thầm. Đúng vào lúc gã sắp sửa kết thúc sự chịu đựng, bằng động tác vồ lấy cổ nó, thì có tiếng lá rừng loạt soạt. Một thằng biệt kích đứng trân tráo ngay trước hốc đá. Trong rắn, ngoài giặc, họa đến thế là cùng. Chưa kịp phản ứng sao thì con rắn quăng đến phách một cái. Đuôi rắn chạm cả vào mặt gã lạnh buốt. Thằng biệt kích kịp ngả người tránh được. Con rắn ngoằng ngoằng quăng tiếp. Thằng người ù té chạy. Một tràng AR15 rộ lên. Lát sau gã thấy bọn biệt kích cuốn xéo. Thoát rồi. May thế, không biết có phải vì con rắn không. Chắc ăn, đến sâm sẩm tối gã mới mò ra. Vị cứu tinh của gã nằm oải sát mép vực. Máu loang thành vũng đã khô, tanh nồng. Chào nhé, đêm ấy, gã cuốc một mạch về đơn vị an toàn. Gã kể lại chuyện này. Cũng có người không tin, cho gã bịa chuyện hài hước. Song từ đấy gã có biệt danh Vịnh lì.

Nhưng lần này gã không bình tĩnh được. Cảm xúc rất lạ. Người gã ngập tràn một thứ gì đó mang mang. Lạ nhỉ, tất cả vẫn lặp y nguyên dấu tích của những trận chiến trước. Chả có gì khác. Vẫn mùi thuốc súng khét lẹt. Vẫn ngần ấy thứ ngổn ngang. Và cái chết. Dẫu rằng cảm giác này không thể trơ lì nhưng nó quá đỗi bình thường. Cái bình thường tất yếu của quy luật. Gã chạy đến hầm chốt đầu tiên. Đập vào mắt gã là hình hài tơi tả của Lệ. Giá đôi mắt không còn sinh khí chứng tỏ sự sống, chắc chắn gã đã không nhận ra đấy là Lệ. Máu bết cứng toàn thân. Thịt da không chỗ nào còn nguyên vẹn. Tóc sém sụi. Mắt Lệ không một chút đau đớn, trong vắt. Giọng nói, không thể tin được phát ra từ cái thân thể kia:

- Vịnh ơi, chúng nó…

Vịnh hiểu. Cùng với đồng đội vừa đến, gã đào bới góc hầm bị sập. Cảm giác mang mang ban nãy càng tăng. Lúc tiểu đội trinh sát lôi ra được thi thể còn ấm nóng tươi nguyên của thằng Đinh và Quang thì bất thần gã oà lên khóc. Gã nhào đến. Đồng đội gạt gã ra. Gã vẫn sấn vào bằng sức mạnh của cảm giác kia. Cảm giác không bao giờ gã có thể cắt nghĩa được. Tiếng của ai đó quất vào mặt gã:

- Dễ chỉ mình mày đau đớn chắc!

Mặc kệ, nước mắt gã rỏ giọt vào thi thể bạn bè. Gã khóc rất to, vừa thương xót, vừa tức tưởi. Rồi gã quay lại bên Lệ. Lệ vẫn chưa chết. Đúng hơn, chỉ đôi mắt và tiếng nói Lệ còn sống. Gã ngạc nhiên lắm. Có một điều phi thường tiềm ẩn mới duy trì nổi sự sống của Lệ. Suốt đời không bao giờ gã có thể quên những gì Lệ nói lúc ấy. Rành mạch, tỉnh táo, da diết. Tiếng nói không phải của cõi sống và tuyệt nhiên không thể của sự chết.

Logged
HUY_AK_47
Thành viên
*
Bài viết: 200



« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 08:58:07 pm »

Khi ba ngôi mộ được đắp điếm cẩn thận trên đỉnh ngọn 517 thì trời sập tối. Tám người lính của tiểu đội trinh sát dàn hàng ngang trước mộ. Không hương khói, không nước mắt, không một lời tiễn biệt. Cả gã nữa, nước mắt đã cạn kiệt nhưng cảm giác kia vẫn vẹn nguyên. Khi những phát súng nối nhau vang lên vĩnh biệt những người nằm lại thì gã khuỵ xuống. Gã hoàn toàn kiệt sức. Gã thấy mình bay đi. Cùng bay với gã là cả đỉnh ngọn 517. Gã chấp chới tan dần trong màn đen của đêm. Một màn đêm không mùi vị, quánh vào, tan ra. Màn đêm sau này giam giữ gã suốt một quãng đời.

Đạn găm vào vách đá toé lửa. Mảnh đá sắc văng cả vào mặt gã. Gã vuốt mặt. Vệt máu đỏ tươi loang trên tay. Hình như màu đỏ của máu làm gã điên thêm lên. Gã vừa bắn, vừa chạy, vừa hét. Cũng có lần gã ngoái nhìn. Lửa ngụt ra từ trong hang dơi. Lửa vẫn đùng đùng giật trên người gã. Nóng quá. Chợt gã thấy một khúc nước xâm xấp. Gã hốt hoảng vọt đến như sợ nó biến mất. Như con trâu ngày nực, gã đằm mình rất lâu. Rồi gã leo lên một phiến đá bằng, xoải chân nằm. Gã ngủ mê mệt như chưa bao giờ được ngủ. Ngày rồi đêm qua, gã tỉnh dậy lúc mặt trời là qua ngọn rừng, rót nắng vào mặt gã. Gã bật dậy ngơ ngác trước một khúc sông mùa cạn vàng rờ rỡ. Những mỏm đá lạnh lùng. Nước cạn nhưng vẫn thành dòng chảy lấp loáng. Rìa sông, cánh rừng khộp khô khốc, nửa trên chết vàng, nửa dưới mầm xanh đang nảy. Hai bên bờ, rậm rì những vệt rau tàu bay xanh um. Tai gã nghe rõ cả tiếng chim lảnh lót. Gã giật mình, đây là đâu? Gã nhìn xuống, quần áo rách bươm, khẩu AK lăn lóc gần đấy. Đầu gã ong ong. Đây là đâu? Bồng bềnh như một giấc mơ diễn lại. Gã giật tóc mai định thần. Tất cả lộn xộn, chắp nối. Chợt gã thấy è è tiếng của thằng L19. Gã xách súng đi vào vạt rừng. Nắng vẫn nhảy nhót. Người đau như dần. Mặt cồm cộm. Gã bóc ra được những mảnh máu khô. Gã lại lần xuống nước. Gã soi mình. Một thằng người lạ hoắc. Mặt vẹo vọ, biến dạng. Tóc bết bệt. Đây là thằng Vịnh lì ư? Thì còn thằng chó nào khác nữa. Chính mày đấy Vịnh ạ. Hồi dần những gì vừa xảy ra. Thôi chết, thằng Phương? Thằng Phương nằm trong hang dơi. Nó vẫn sống. Mày đã bỏ nó. Vịnh. Chính mày đã bỏ nó, chạy lấy thân. Gã lắc mạnh đầu. Có tiếng nói khác: “Không phải, nó chết rồi!” – “Nó vẫn sống. Mày đã bỏ nó!”. Đầu gã muốn nứt toác. Gã chụp lấy khẩu súng. Tạch – súng đã hết đạn. Gã trợn mắt phang khẩu súng vào kè đá. Tay gã rùng mạnh như bị điện giật, tê dại. Nó vẫn sống, thằng Phương vẫn sống. Gã băm bổ phi theo lòng sông cạn.

Gã không còn khái niệm thời gian. Như con người thuở hồng hoang đi về phía bầy đàn. Gã bươn bả hết ngày này, ngày khác. Gã đang đi trên con đường mòn. Con đường rất rộng vẫn không đủ cho bàn chân gã lấn lướt. Cây lá kết thành vòm. Có những vệt sáng mảnh, dài chăng chăng. Gã dừng lại. Bàn tay run rẩy của gã chìa ra. Vệt nắng hào phóng tụ thành giọt nhỏ đậu vào tay gã. Này một, này hai, ngày nhỏ dù là con trai, gã vẫn rất thích chơi chuyền nắng. Ấy là những tia đọt vào từ kẽ cửa đóng kín. Này ba, này bốn, giọt nắng nhảy múa lung linh. Trong căn nhà của gã ngày đó, chơi chán gã bèn nằm ngửa, há miệng để đọt nắng chui vào. Gã tưởng tượng, mình là con khỉ Tề thiên đại thánh, đang hớp lấy những phép thần mầu nhiệm của cõi nhân gian. Bất chợt mẹ gã vào. Bà bảo:

- Thằng Vịnh, con làm sao thế?

Miệng gã vẫn hóng như cá đớp bọt.

- Thôi chết, con tôi làm sao thật rồi.

Bà hoảng hốt vồ lấy gã. Sự hoảng hốt có lí và rất chính đáng. Gã được sinh ra trong một gia đình con đàn, nếp, tẻ đủ cả. Song từ nhỏ, thiên hướng của gã đã vượt trội cả cái đàn nếp, tẻ kia. Thậm chí trên tầm cộng đồng làng quê – Một vùng rất trù phú và giàu có ở ngoại thành. Gã học rất giỏi. Những ông giáo làng, luôn hãnh diện về tri thức của mình, không giấu giếm nổi sự thán phục về sức học của gã. Vèo vèo một lèo hết cấp ba, gã xênh xang bước vào cổng trường đại học kinh tế. Hết năm thứ nhất, gã trúng tuyển vào bộ đội. Gã xếp bút nghiên nhẹ nhàng. Chiến tranh mà. Gã vô tư về sự hiện diện của mình trong cuộc chiến.

Bất chợt, gã cười khinh khích. Ngày nhỏ nghịch nắng, gã cũng cười hệt như thế khi mẹ gã hoảng hốt. Gã chụm tay vốc nắng. Thích quá, được những một vốc đầy. Chơi chán gã lại đi. Đến một khúc rừng thưa, rặt loại săng lẻ cao vút. Những thân cây mầu ngà mốc meo, nham nhở vệt chém, chặt. Gã trân mắt nhìn, miệng lẩm nhẩm đọc. Những kí hiệu chồng chéo. Cả những dòng tên khắc nguệch ngoạc. Gã nhớ rồi, đây là bãi đáp cuối đường giao liên. Song giờ đây, chiến trường đã lấn sâu, nên bãi bị bỏ phế. Gã lẩn mẩn nhặt những hòn đá nám khói. Gã lượm những vỏ đồ hộp hoen gỉ chất thành đống. Chính tại bãi đáp này, tiểu đoàn tân binh của gã bị xé lẻ đi về các hướng mặt trận. Lẽ ra gã thuộc quân số một tiểu đoàn tên lửa vác, đất đối không. Thứ lính cậu nhàn nhã nhất của miền Đông. Nhưng số phận xếp đặt cho gã một tay chỉ huy trung đội chẳng ra gì. Tay kia tên là Tánh – chuẩn uý Tánh. Tánh người lùn, độ một mét năm nhăm. Người lùn bao giờ cũng được trời bù cho thêm cân nặng. Thứ bù trừ này thành ra báo hại. Nom Tánh lù lù như đụn rạ mùa. Hình thể chẳng nên nói làm gì nhiều. Bởi, cũng chẳng quan trọng mấy. Đáng nói là tính tình Tánh. Lão thuộc loại thâm trầm, hay cười mỉm, rất kiệm lời, tai bao giờ cũng vểnh lên nghe ngóng. Nghe được những gì, lão nạp hết. Khổ chính ở chỗ đấy. Giá cương vị của lão kha khá, hẳn những gì lão tiếp nhận sẽ có cơ được phát tiết. Chết nỗi, lão chỉ quản có ba chục thằng tân binh choai choai. Lão lại là loại cán bộ khung chuyên nghiệp, đưa quân vào, đón quân ra nên rất nhiều kinh nghiệm. Nghe đồn, lão có quyển sổ công tác ghi chép tỉ mỉ từng đợt huấn luyện. Chuyện này thì không đồn. Tánh phân chiến sĩ trong trung đội thành ba loại thứ tự. Loại một, theo đánh giá của Tánh, là loại có phẩm chất, được ưu tiên. Loại hai trung bình và loại sau cùng gồm những chiến sĩ cá biệt. Đợt gã vào chiến trường có rất nhiều sinh viên. Càng tốt chứ sao. Đừng đùa, bởi Tánh văn hoá thấp, rất dị ứng với đám sinh viên cậy chữ ngông nghênh. Quả nhiên gã trúng đạn của Tánh. Nội chỉ mỗi chuyện thế này. Ngay từ đầu khoá huấn luyện, đám lính mới gọi giấu mặt B trưởng của mình bằng cái tên “Xéc-văng-téc.”. Của đáng tội, cái tên nghe cũng được. Nhưng được ở đâu không biết, Tánh chỉ thấy nó ù ù, cạc cạc thế nào ấy. Vì không hiểu. Sau, Tánh mọ mẫm dò hỏi, mới mang máng biết được rằng, “Xéc-văng-téc” na ná giống tên một lão nhà văn xứ Tây. Cái lão nhà văn xỏ lá ấy có dựng một nhân vật rất nổi tiếng. Song khó chịu ở chỗ, nhân vật ấy có chiều cao quá khiêm tốn. Không biết đích xác bao nhiêu nhưng ở xứ Tây cũng như xứ ta ngữ ấy gọi là lùn. Ừ thì lùn đấy, gọi mẹ nó Tánh lùn cho xong. Từ ngày lớn, cái tên kèm đấy của lão nào có oan thác gì. Đằng này lại đánh đố văn veo, chữ nghĩa. Lão cú, để bụng tìm ra thủ phạm. Dò mãi không ra. Trong đám lính sinh viên, có mỗi gã ham hố đọc sách nhất. Tánh nhủ thầm, đích thị là thằng Vịnh rồi. Nó đọc nhiều nên mới thâm nho. Được, mẹ mày, thích “téc” ông cho “téc”.

Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM