Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:45:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nội chiến Hoa Kỳ  (Đọc 64097 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2010, 08:42:58 pm »


Sự có mặt của một lực lượng người da đen đông đảo thất nghiệp tại các khu vực lân cận các doanh trại quân đội tạo ra một khung cảnh khiến cho các tướng chỉ huy, vì sự cần thiết của sức mạnh quân sự, nếu không nói là từ lòng trắc ẩn, ra lệnh cho những sĩ quan đặc biệt theo dõi. Tháng 12 năm 1862, tướng Grant chỉ định một tuyên uý trong quân đội ở Ohio, đại tá John Eaton kiểm soát người da đen trong toàn bộ khu vực hành chính Tây Tennessee và Mississippi. Hành động này tạo một tiền lệ để sau này các đơn vị quân sự khác của Liên bang tại miền Nam làm theo. Điều này dẫn tới việc vào tháng 3 năm 1865, Liên bang thành lập một ban quản lý thời chiến chuyên phụ trách giám sát người tị nạn da đen tự do và tại các vùng đất bị quân Liên minh bỏ lại. Người ta thường gọi phòng ban này với cái tên Ban Quản lý nô lệ được giải phóng.

Qua nhiều nỗ lực của những sĩ quan như Eaton và nhân viên dưới quyền ông ta, quân đội Liên bang mang đến cho người da đen khẩu phần ăn, sự chăm sóc y tế và những kiến thức cơ sở của nền giáo dục đương thời. Người da đen được chào đón với lòng nhiệt tâm tại các lớp dạy học. Rất nhiều trẻ em và một vài người lớn đi những bước chập chững vào nền giáo dục chính quy trong những hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời quân đội cũng đưa người da đen vào các khu vực thuộc địa để làm việc trong những đồn điền được sung công hoặc bị bỏ hoang, để có thể tự nuôi sống bản thân. Thường họ trở thành nhân công được trả lương của các doanh nhân miền Bắc. Những doanh nhân này thuê đất hoặc được cấp đất ở miền Nam.

Như vậy trong khi cuộc chiến tranh vẫn còn ác liệt ở các chiến trường xung quanh, người nô lệ được trả tự do ở miền Nam đã bước những bước đầu tiên trong hành trình dài và gian khổ để trở thành công dân Mỹ với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Một vài người còn có cơ hội trở thành chủ đất. Những người khác tham gia vào những cuộc thử nghiệm đồng áng tập thể. Có người trở thành lao động theo hợp đồng tại những vùng đất rộng lớn của chủ đất da trắng và họ được trả công bằng tiền mặt hay hàng hóa. Có người làm việc trong những khu đất của các cá nhân được chia để tăng gia. Đây là một hình thức khởi đầu của phong trào lĩnh canh sau này.

Người da đen bắt đầu được hưởng sự tự do xứng đáng với mình. Họ nâng niu cuộc sống giờ đây đã được thoát khỏi bị giám hộ hoặc thống trị của người da trắng. Thậm chí khi họ định cư trong vòng những phòng tuyến của Liên bang, họ vẫn thường xuyên tổ chức những cuộc hội họp tôn giáo lớn bằng cách nhóm lửa trại. Tại đây họ được nghe những bài thuyết giảng hùng hồn của các nhà hùng biện ủng hộ người da đen. Họ nhiệt thành cảm ơn Chúa Giêsu, Đấng tối cao và “Ngài Linkum”, người đã giải phóng họ khỏi cảnh đời nô lệ. Nhiều trường hợp nô lệ xây dựng những khu vực cố định để hành lễ. Trong đó có việc xây dựng những nhà thờ chỉ dành riêng cho người da đen miền Nam độc lập và chúng đã đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện của tộc người này sau chiến tranh.

Quân đội Liên bang bảo vệ người da đen, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho cuộc sống của họ dễ chịu hơn. Tuy nhiên, lính Liên bang không thể ngăn cản được cảnh cơ cực giáng xuống đầu họ. Điều này giống như trường hợp quân Liên minh tái chiếm những vùng đất thuộc về họ trước đây. Tháng 12 năm 1862, những cuộc tấn công của hai tướng Van Dorn và Forrest của tướng Grant phải bỏ một vài vùng đất nhất định tại miền Tây Tennessee. Người da đen ở đây kinh hoàng khi bị bỏ lại đằng sau. Họ leo lên những toa xe chở hàng và hành khách trên các con tàu chở binh lính, bám vào bất cứ chỗ nào có thể, thậm chí nằm rạp trên nóc các toa xe lửa. Xe lửa chạy rất chậm với sự thận trọng tối đa. Nhưng thậm chí trong hoàn cảnh như vậy, đại tá Eaton viết “cảnh cực khổ của những con người này trong cái giá rét của mùa đông là không bút nào tả xiết”. Nỗi lo sợ của họ là xác đáng vì ai cũng biết rằng: lính Liên minh thường xuyên hành hình người da đen, nhất là những người theo báo cáo là mắc tội chống đối bằng vũ lực hay cướp bóc, hoặc dám tự ý bỏ chủ của mình mà đi.

Bị lôi kéo rời đồn điền và phải chịu cảnh cơ cực thiếu thốn, số đông người da đen đã chết vì phải sống cảnh màn trời chiếu đất giữa thời tiết khắc nghiệt, vì đói ăn và vì bệnh tật. Thêm vào đó họ thường xuyên bị lính Liên bang bóc lột. Nhiều người lính đã tìm kiếm phụ nữ da đen để thỏa mãn sắc dục. Một chủ đồn điền ở Louisiana viết trong sự phẫn nộ và tiếc thương: “Những người chiếm giữ các trại dành cho người da đen bỏ trốn dọc con sông Mississippi từ New Orleans đã sống trong nỗi đau buồn cùng cực nhất trong sự đê hèn và ô trọc... Trong lối sống và các hành động đáng ghê tởm, cách hành xử thật đáng sợ với đủ các tính chất đồi bại...”. Ông nói nô lệ bị chết có đến hàng trăm. Lính miền Bắc chỉ bị khiển trách. Những cảnh như vậy khiến vài người tiên đoán về một kết cục cho toàn bộ tộc người da đen ở miền Nam. Ông James McPherson ước tính tỉ lệ tử vong của người da đen ở miền Nam là 25%. Đó là cái giá nhất định phải trả để có được tự do.

Điều đáng nói nhất về hành vi của ngươi da đen là họ từ chối không viện đến hành động khởi nghĩa hoặc bạo lực trên diện rộng. Ông Thomas Jefferson, một người chỉ trích mạnh mẽ chế độ chiếm hữu nô lệ, tuyên đoán rằng: việc giải phóng nô lệ sẽ mang tới cho nước Mỹ một cuộc tắm máu nếu nô lệ được trả tự do không bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Thế là người miền Nam sống trong nỗi sợ hãi chờ đợi lời tiên đoán của ông trở thành sự thật. Lo sợ bởi lời đe dọa trên, giới cầm quyền miền Nam đã xiết chặt các điều khoản cấm đoán trong luật nô lệ. Họ đi tuần thường xuyên vào ban đêm và tổ chức các đoàn thể có vũ trang bảo vệ cho các hộ gia đình, sẵn sàng đàn áp các cuộc nổi dậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2010, 08:43:38 pm »


Nhiều quan sát viên miền Bắc tin rằng toàn bộ nô lệ đều hay kích động và dễ dàng nổi loạn. Người bài nô luôn chờ đợi một cuộc nổi dậy. Rõ ràng nhiều người trong số họ hi vọng có một cuộc nổi dậy như vậy. Ông Joshua Giddings của bang Ohio, một chính trị gia nổi tiếng trong phong trào bài nô tin rằng sự xuất hiện, dù chỉ một đội quân nhỏ, của đám nô lệ được giải phóng ở miền Nam sẽ châm ngòi cho một cuộc biến động vô cùng lớn do người da đen tổ chức. Nhiều người khác cũng có quan điểm tương tự. Mùa xuân năm 1861, ông Ulysses S. Grant viết là mối nguy hiểm to lớn theo sau sự sụp đổ của chức quyền Liên minh chính là một cuộc nổi loạn của nô lệ. Ông bảo cuộc nổi loạn ấy có thể sẽ được quân đội miền Bắc dập tắt. Ông David M. Potter gọi cuộc nổi loạn này là “ảo tưởng Spartacus”. Spartacus là lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nô lệ thời kỳ La Mã cổ đại.

Người da đen ở miền Nam không thụ động hưởng nền tự do được trao vào tay họ. Ngoài việc nổi loạn “bằng đôi chân” là bỏ các đồn điền và nơi làm việc, họ còn tham gia rất nhiều vào việc duy trì sự tự do và giải phóng cho chính mình. Ngoài 134 ngàn người da đen khoác áo lính Liên bang. có lẽ có khoảng 200 ngàn người trợ giúp cho các lực lượng miền Bắc xâm chiếm miền Nam. Họ làm các nghề như công nhân, đầu bếp, lái xe và những nghề nghiệp tương tự. Nhiều người da đen độc lập còn phá hoại ngầm lực lượng Liên minh hay chống lại chủ của họ. Một vụ nổi tiếng nhất là vụ Robert Smalls ở Charleston. Ông này là hoa tiêu cho một chủ tàu miền Nam. Ông ta đã đưa con tàu vào tay những đơn vị giám sát phong tỏa của Liên bang. Sau cuộc chiến, ông Smalls trở thành một hạ nghị sĩ đại diện cho bang của ông.

Nhiều khi người da đen phía sau phòng tuyến của Liên minh công khai tỏ thái độ thù nghịch đối với chủ. Có nhiều trường hợp họ sử dụng cả bạo lực. Bà Chesnut có ghi lại một vụ giết người có nô lệ là thủ phạm tại một đồn điền ở miền Nam Carolina. Đây đó xảy ra những vụ cưỡng hiếp do người da đen chủ mưu. Người da đen thông thường cướp phá nhà có chủ da trắng đã bỏ trốn. Lác đác có những nỗ lực không thành trong việc gây dựng và tổ chức khởi nghĩa.

Tuy nhiên không có chuyện nô lệ nổi dậy. Lý do chính xác tại sao không có việc nô lệ nổi dậy cho tới nay vẫn khó có thể quả quyết. Nô lệ da đen tại Saint-Domingue (hiện này là Haiti) và ở những nơi khác cho thấy họ hoàn toàn có khả năng xây dựng và tổ chức nổi dậy thành công. Nô lệ miền Nam nói chung không dám mạo hiểm hoặc, chính xác hơn, họ cho rằng mạo hiểm là không cần thiết. Một nô lệ nói tôi thấy việc chuốc họa vào thân là vô nghĩa. Nếu muốn tự do chúng ta đã có nó... Chúng tôi nghĩ ở lại trong các đồn điền tốt hơn. Như vậy chúng tôi có đồ ăn và quần áo mặc. Muốn tự do là điều tất nhiên! Nhưng nếu bỏ trốn chúng tôi biết đi về đâu?”

Sự có mặt của các nhà chức trách quân sự cũng như dân sự miền Bắc tại miền Nam đã góp phần can ngăn nô lệ không bạo lực. Một khi lực lượng quân sự Liên bang đã vững chân ở một vị trí nhất định rồi, họ sẽ áp đặt một trật tự với dân nô lệ trong vùng cũng như với dân da trắng địa phương. Lời tuyên bố giải phóng nô lệ của Tổng thống Lincoln hướng dẫn những người nô lệ hãy cứ hòa bình cho tới khi được giải phóng, ngoại trừ phải dùng bạo lực khi tự vệ.

Rõ ràng thái độ của rất nhiều nô lệ tạo được tình cảm từ những ông chủ tốt. Mối giao hảo và tình cảm thường xuyên được trao đổi, không kể tới những rào cản về sắc tộc và cảnh sống chủ tớ. Lòng trung thành của nô lệ đã trở thành huyền thoại ở miền Nam thời tiền chiến. Bà Chesnut viết rằng tính chân thực của người da đen là chủ đề chính trong các cuộc đàm thoại của dân da trắng miền Nam Carolina sau khi chiến tranh kết thúc.

Cả ông Henry W. Grady (phát ngôn viên chính của người da trắng miền Nam thời hậu chiến) và ông Booker T. Washington (phát ngôn chính của người miền Nam da đen thời hậu chiến) đều phát biểu đầy cảm xúc về thái độ hiền hòa của nô lệ trong thời chiến.

Những lời tuyên bố về lòng trung thành của nô lệ thời chiến cũng cường điệu không kém những lời tiên đoán về chuyện nô lệ nổi dậy của những người bài nô trước chiến tranh. Tuy nhiên nô lệ không hề lợi dụng cơ hội của mình để nổi loạn và báo thù. Có lẽ ông Bell Wiley có lời tóm tắt đầy đủ nhất về lý do tại sao họ không nổi dậy: “Nếu nô lệ sống trong nhà không vùng lên chống lại chủ mình, họ sẽ không nổi dậy bởi thiếu phương tiện để liên lạc nhanh chóng và hành động phối hợp. Đồng thời có một tình cảm của hầu hết những nô lệ thông minh đối với thành viên gia đình của chủ kèm với nỗi sợ hãi sẽ bị hành quyết nếu có âm mưu nổi dậy bị phát giác. Thêm vào đó là những lợi ích to lớn mà người da trắng mang tới cho họ về mọi mặt. Vì những lý do đó, họ đã không động thủ”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2010, 08:44:40 pm »


Phụ nữ miền Nam đóng vai trò đặc biệt trong tấn kịch Liên minh. Hầu hết họ đều ủng hộ li khai với sự hăng hái cao độ. Ủng hộ tính đúng đắn của sự nghiệp Liên minh. Họ thúc giục đàn ông tham gia quân đội và xấu hổ vì có chồng hoặc con lưỡng lự cầm súng. Đôi khi, những trang nam tử ấy nhận được vài món đồ lót phụ nữ như là những biểu hiện khinh miệt của các quý bà, quý cô. Phụ nữ đã từng bàn tới việc tham gia quân đội Liên minh. Tất nhiên là khi nào cần. Có những người quá hăng hái đã giả trai để tham gia quân đội. Du khách châu Âu và lính miền Bắc tại miền Nam đều đồng tình rằng phụ nữ là những người hiếu chiến nhất trong số dân lãnh địa do Liên minh cai quản. Tướng Nathaniel P. Banks chỉ huy khu vực bị chiếm đóng ở Louisiana nói rằng: phụ nữ miền Nam chính là nguyên nhân của cuộc chiến và là lực lượng chính duy trì chiến tranh. Nhà thơ Timrod thán phục lòng nhiệt huyết của phụ nữ miền Nam với những vần thơ sau:

“Phải chăng có người nao núng? Hãy để ông ta soi mình trong mắt những cô gái dũng cảm.
Thấy được ngọn lửa thánh hiện bùng cháy.
trong những đôi mắt xanh thẳm như bầu trời nơi trần thế kia.
Ồ! Liệu bạn có cảm xúc như những phụ nữ đang sục sôi ý chí,
Sẽ có một ngày bạn sẽ thấy được sắt thép này đây.
dưới lớp vữa đá của cổng khải hoàn môn mừng chiến thắng”.


Đóng góp gây ấn tượng mạnh nhất của phụ nữ với Liên minh chính là sự đảm nhận công việc của hàng trăm ngàn nam giới buộc phải rời xa nông trại, cửa hàng và nhà máy. Đối với hầu hết phụ nữ miền Nam, việc bù đắp này bao gồm quản lý đồn điền hoặc tham gia việc đồng áng. Nhưng hàng ngàn người khác có nhiều hoạt động đặc biệt hơn: may quân phục, sản xuất đạn pháo hoặc làm nhân viên trong các phòng ban của chính phủ. Nhiều người trong số họ giảng dạy tại trường học, may quần áo, nướng bánh mì và tham gia mọi công việc trước đây do nam giới đảm nhận. Có lẽ những người vợ ở vùng nông thôn phải chịu cực khổ nhiều nhất: chăm lo gia đình, trông nom và nuôi dạy con cái, cày cuốc trên đồng, nấu ăn, thuộc da, se chỉ, dệt vải, may quần áo, chăm sóc người ốm và trở thành cô giáo tại nhà cho con cái họ bởi trường học không còn.

Nhiều phụ nữ trở thành gián điệp giỏi của Liên minh. Nối tiếng nhất trong số họ là cô gái người Virginia tên là Belle Boyd. Cô này nhiều lần đưa thông tin quân sự quan trọng, vượt qua phòng tuyến của Liên bang báo cho quân đội Liên minh. Bà Rose Ohio’Neal Greenhow, một người có vai vế trong xã hội ở Washington, được biết đến với công việc cung cấp cho các tướng tá Liên minh thông tin tình báo giúp họ thắng trận Bull Run đầu tiên. Có lần bị giam giữ tạm thời vì làm gián điệp bà Greenhow sau đó đã bị trục xuất tới Richmond. Cuối cùng bà ta chết đuối tại bờ biển Nam Carolina trong nỗ lực chạy khỏi vòng phong tỏa để thực hiện một sứ mệnh do Liên minh giao phó.

Hầu hết các nữ anh hùng nổi bật của quân Liên minh đều là phụ nữ làm y tá và điều dưỡng viên chăm sóc binh lính bị thương. Ngay từ đầu, trước khi bệnh viện quân sự được xây dựng, nhiều phụ nữ miền Nam đã tình nguyện chăm sóc cho số lượng đông đảo binh sĩ bị thương. Họ phải mạo hiểm và can đảm mới có thể chăm sóc cho binh lính ngoài chiến trường. Một tấm gương nhiều người biết đến về lòng dũng cảm của nữ giới chính là bà Arthur F. Hopkins người Virginia, đã từng phục vụ chiến trường Virginia và Alabama. Bà hai lần bị thương khi làm nhiệm vụ. Tướng Joseph E. Johnston đã gọi bà là “thiên thần của miền Nam”.

Phụ nữ tự tạo những bệnh viện hậu cứ đầu tiên bằng cách đưa lính bị thương về nhà họ để chăm sóc được lâu hơn. Nhiều người biết đến công việc của bà Sally L. Tompkins. Bà thuê một căn nhà tại Richmond và thiết kế trong ngôi nhà này một bệnh xá 22 giường cho các quân nhân. Tổng thống Jefferson Davis phong chức đại uý cho bà. Đây là cấp bậc cao nhất dành cho phụ nữ trong nội chiến. Phụ nữ còn đóng vai trò là các nữ y tá trưởng trong rất nhiều các bệnh viện được xây dựng sau này nhờ nỗ lực của chính quyền Liên minh.

Bà Ella Kinh Newsom của Arkansas nổi tiếng là “Con họa mi Florence của quân đội miền Nam”. Bà gây dựng nhiều bệnh viện và trạm điều dưỡng trên lãnh thổ Liên minh. Trong số các nữ y tá trưởng nổi tiếng có bà Kate Cumming của vùng Mobile, bà Phoebe Pemper, một phụ nữ Do Thái quyến rũ năng động phục vụ trong bệnh viện lớn Chimborazo ở Richmond, bà Louisa Susanna McCord người Nam Carolina. Một phụ nữ người Anh trong quân đội Liên minh đã viết những dòng sâu sắc sau đây: “Chỉ có trời mới biết lính Liên minh sẽ làm được những gì nếu không có nỗ lực của những người phụ nữ miền Nam”.

Không phải phụ nữ miền Nam nào cũng là nữ anh hùng. Hành động của một số người trong họ phản ánh sự suy đồi chung của những chuẩn mực đạo đức do chiến tranh gây ra. Nhiều người trong số họ có quan hệ tình dục lén lút chỉ vì phấn kích và phiêu lưu. Trong nhiều trường hợp, họ thực sự cần tiền và thực phẩm nên phải bán mình. Tệ mại dâm lan tràn, đặc biệt là những vùng lân cận của các doanh trại quân đội. Giai đoạn sau của cuộc chiến, thị trưởng thành phố Richmond viết rằng: “Gái điếm nghênh ngang đi lại giữa ban ngày tới những khu vực lân cận thủ đô. Nhiều phụ nữ miền Nam còn đi quá xa đến độ họ bán thân xác cho binh lính Liên bang. Một số phụ nữ đã có chồng vẫn đi lại với lính Liên bang để có thực phẩm mang về nhà”. Những trường hợp tương tự xảy ra khắp miền Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:37:27 pm »


Có lẽ ta cũng không thể biết có bao nhiêu phụ nữ miền Nam thực sự cảm thông với chế độ nô lệ. Bà Anne Firor Scott nhận thấy rằng: hầu hết phụ nữ miền Nam, theo ghi chép họ để lại đều bày tỏ quan điểm chống đối chế độ chiếm hữu nô lệ và vui mừng khi thấy nó bị xóa bỏ. Một cô chủ ở đồn điền viết rằng: trong thâm tâm, mọi phụ nữ miền Nam đều là những người bài nô. Trong xã hội phụ hệ miền Nam xưa, dù phụ nữ được lý tưởng hóa và được tôn trọng về mặt xã hội, họ vẫn phải chia sẻ, ở một mức độ nhất định, vị trí phụ thuộc giống như những nô lệ vậy. Bà Chesnut bày tỏ khái quát rằng: mọi phụ nữ miền Nam đều là nô lệ. Dường như có một mối liên hệ tình cảm giữa các bà chủ đồn điền với các cô hầu gái trong nhà hơn là các mối quan hệ giữa các ông chủ đồn điền với các nô lệ nam của mình. Có lẽ mối quan hệ này nuôi dưỡng trong lòng phụ nữ miền Nam sự cảm thông mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn với nô lệ chứ không hời hợt như cánh nam giới miền Nam. Chiến tranh và những nỗi cơ cực của nó khuyến khích nhiều phụ nữ xem xét lại tư tưởng của mình. Điều này khiến họ tỏ ra không thích chế độ chiếm hữu nô lệ. Động cơ của họ tùy thuộc vào từng cá nhân. Có người chỉ trích thể chế này là vô cảm đối với nô lệ và là điều đáng ghê sợ về mặt đạo đức. Một phụ nữ Louisiana viết rằng: những kỷ niệm hồi còn thơ bé của bà chính là tình cảm lòng thương hại đối với nô lệ trong gia đình bà. Bà nói bà luôn cảm giác tội lỗi về việc sở hữu nô lệ và cho rằng chủ nô không thể lên được thiên đường. Những phụ nữ khác mừng vui khi thấy chế độ nô lệ suy vong bởi họ coi chiếm hữu nô lệ là một lời nguyền của thượng đế đối với miền Nam và là một gánh nặng phiền hà cho chính những chủ nô.

Nhiều phụ nữ miền Nam chống đối sở hữu nô lệ bởi vì họ thường gây ra những mối quan hệ tình dục giữa chồng họ và nô lệ gái. Bà Chesnut, mặc dù không coi đám da đen ra gì, vẫn căm thù chế độ chiếm hữu nô lệ bởi bà coi đó là một hệ thống quái gở. Bà bảo: “Nó chẳng khác nào một xã hội gia trưởng trong đó những người chồng người cha sống cùng một nhà với vợ cả vợ lẽ đầy đàn. Sự ghê tởm của tôi đối với chế độ nô lệ này có đôi khi không thể kiềm chế nổi”.

Cuối cùng lòng yêu nước mãnh liệt tồn tại trong phụ nữ miền Nam đã tan tành bởi những thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến. Choáng váng trước đa số phụ nữ ở giai đoạn cuối cuộc chiến khẩn nài đòi lại chồng, con đang tham chiến, một công chức ủy ban chiến tranh ghi lại như sau: “trong tâm tưởng của xã hội miền Nam, chất thép đã không còn”. Những lá thư từ những người vợ quẫn trí tràn ngập quân đội Liên minh và trở thành một nguyên nhân chính khiến quân nhân đào ngũ. Chỉ người nào mang trái tim bằng đá mới có thể kiên định với lập trường. Sự suy sụp tinh thần của phụ nữ là nguyên nhân chính dẫn đến kết cục cuối cùng: Liên minh sụp đổ.

Kết quả lâu dài từ các hoạt động thời chiến của phụ nữ miền Nam không thể đánh giá chính xác. Dù không còn là những con người bất lực và yếu đuối, đôi khi họ tự vẽ nên bức tranh thời chiến và trao cho mình những vai trò trước đây chưa từng gánh vác thành những cá nhân nỗ lực tham gia các công việc vì lợi ích xã hội. Một trong những tổ chức quyết đoán nhất của miền Nam là “Những người con gái đoàn kết của Liên minh”, được hình thành bởi những phụ nữ miền Nam với mục đích tưởng niệm lòng dũng cảm và những phẩm chất của chế độ cộng hòa miền Nam chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Bà Mary Elizabeth Massey được phụ nữ miền Nam cũng như miền Bắc biết đến khi bà bày tỏ suy nghĩ rằng: cuộc nội chiến đã giúp phụ nữ Mỹ vĩnh viễn đặt chân trên những lãnh địa trước đây chỉ dành riêng cho nam giới.

Cảm xúc miền Nam lên và xuống với ngọn triều dâng của chiến thắng và thất bại nơi trận tiền. Những thành công sớm nở tối tàn được đổi bằng sự hy sinh xương máu của những người chồng, người con, mang tới một làn sóng buồn vui lẫn lộn. Sự thiệt hại của cuộc chiến kéo dài và viễn cảnh sẽ phải thất bại hoàn toàn dìm người miền Nam trong nỗi thất vọng vô biên. Một chủ đồn điền Louisiana bộc lộ những cảm xúc chung của dân chúng thời kỳ này như sau: “Những ngày (đặc biệt là những ngày ảm đạm và u tối) nối nhau qua đi, chẳng mang lại gì hơn ngoài sự chán nản về tương lai trước mắt... Cầu Chúa cứu giúp chúng con. Ôi chiến tranh mới đáng sợ làm sao, một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn muôn vàn đau đớn”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:39:39 pm »


XIII
Chiến thắng của Liên bang
---------X---------


Trong lần thất bại của quân đội tướng Hood và Atlanta thất thủ, tướng Sherman không thể thực hiện sứ mệnh của tướng Grant đã giao cho ông: hủy diệt quân đội Liên minh tại Georgia. Tướng Hood tránh cho thành phố Atlanta bị phá hủy bằng cách bỏ trống nó, giờ đây đang quay trở lại miền Bắc tấn công đường tiếp viện của tướng Sherman ở đường sắt đến từ Chattanooga. Khi tướng Sherman đến được chiến trường từ Atlanta để bảo vệ phòng tuyến này, tướng Hood ra lệnh hành quân trở về Tennessee với hy vọng đánh lạc hướng quân Liên bang ra khỏi miền đất phía dưới của phương Nam và có lẽ sẽ tái chiếm lại thành phố Nashville, một địa thế quan trọng trong suốt một thời gian dài là căn cứ chính của quân Liên bang.

Kế hoạch của tướng Hood được tướng Beauregard chuẩn y. Lúc này, tướng Hood chỉ huy quân đội phía tây được thành lập trong vòng tối mật. Tổng thống Jefferson Davis cũng chuẩn y kế hoạch của tướng Hood. Davis gặp tướng Hood tại thị trấn Palmetto, Georgia và bàn chi tiết về chiến dịch. Chỉ để đơn vị kỵ binh của tướng Wheeler bảo vệ toàn bộ khu vực miền Đông Nam sâu phía dưới. Ngày 19 tháng 11 tướng Hood băng qua sông Tennessee ở tại vùng Tuscumbia, bang Alabama với 38 ngàn quân, trong đó có cả đội kỵ binh của tướng Forrest đến từ Mississippi để hy vọng đảo ngược thế cờ ở Tennessee.

Tướng Grant tin rằng tướng Sherman sẽ truy sát và tiêu diệt đội quân của tướng Hood. Nhưng tướng Sherman giờ đây đề nghị một kế hoạch hoàn toàn khác. Những chiến dịch nằm trong kế hoạch này sẽ thêm vào một khía cạnh mới và quan trọng trong toàn bộ chiến thuật của Liên bang. Ông đề nghị rằng quân đội của Liên bang tại Tennessee phải được chỉnh đốn để phòng thủ tại bang này. Tướng Thomas chỉ huy hai quân đoàn của đội quân Cumberland. Đây cũng là cánh quân chủ lực. Nhưng thực ra đội hình chính của lính dưới quyền ông sẽ bỏ khu vực này, đuổi theo tướng Hood và hành quân từ Atlanta tới Savannah theo đường biển, vừa đi vừa cướp bóc để lấy lương ăn. Ngày 11 tháng 10, sau khi trao đổi thư từ trong đó tướng Sherman giải thích và thúc giục thực hiện kế hoạch của mình, tướng Grant đã đồng ý.

Mục tiêu của tướng Sherman nhiều hơn là chỉ cướp lấy một thành phố hoặc một vùng đất nhất định. Ông mơ tới việc phá hủy con đường tiếp tế của Liên minh, hủy diệt những nhà máy và mọi nguồn lực quân sự khác và điều quan trọng nhất: Đè bẹp tinh thần và nhiệt huyết của quân đội cũng như nhân dân miền Nam, hủy diệt ý chí của miền Nam khiến cho miền Nam không thể tiếp tục kéo dài cuộc chiến. Ý tưởng này được ông cân nhắc rất kĩ và bây giờ đã đến lúc thực hiện. Đầu cuộc chiến, tướng Sherman từng viết: “Chúng ta nhất định phải chinh phục vùng đất ấy. Như chúng ta đã từng làm với dân da đỏ vậy”. Ý nghĩa của ông trong câu nói này chưa thực sự rõ ràng nhưng có lẽ đây là những chiến thuật hiệu quả nhất đã từng áp dụng chống lại người da đỏ, từng tàn phá làng mạc và nguồn cung cấp lương thực của họ, sẽ được tướng Sherman áp dụng vào thời kỳ cuối của cuộc nội chiến nhằm dành được những kết quả tương đồng.

Thực tế giờ đây cuộc chiến đã không còn theo những nguyên tắc chiến tranh nữa. Nó cũng không còn những phép lịch sự và dè dặt từng xuất hiện ở giai đoạn đầu tiên. Năm trước, tướng Sherman đã diễn tập các phương pháp khủng bố dân miền Nam tại vùng lãnh thổ Mississippi. Lực lượng quân Liên bang Louisiana cũng đã có chương trình luyện tập tương tự. Lữ đoàn kỵ binh Liên minh của tướng Early đánh giá cao những phương pháp như phóng hỏa Chambersburg, Pennsylvania, trong một cuộc tấn công về Washington và vơ vét chiến lợi phẩm từ những thị trấn khác dọc theo con đường họ đi. Tướng Grant cũng đã áp dụng biện pháp chiến tranh của tướng Sherman tại Virginia.

Tướng Sherman nói rõ ý nghĩ của ông trong một bức thư rằng: “Chúng ta không chỉ đang chiến đấu chống lại một quân đội thù nghịch mà cả một dân tộc thù nghịch. Chúng ta không thể thay đổi được tâm tư suy nghĩ của người miền Nam, nhưng chúng ta có thể khiến cho cuộc chiến này trở nên vô cùng kinh khiếp… Nhiều thế hệ sau này cũng còn phải khiếp sợ cuộc chiến này”. Trong một câu nói thể hiện kiến thức thực sự của nhà triết học quân sự Clausewitz về bản chất của cuộc chiến tranh: “Chiến tranh là một màn diễn chính trị rộng lớn hơn và cũng là nơi vũ lực lên đến đỉnh điểm”. Tướng Sherman nói: “Nếu chúng ta có thể hành quân như một quân đội được trang bị đầy đủ xuyên qua vùng đất phía dưới của miền Nam, thì đó sẽ là một cuộc biểu dương lực lượng đối với cả thế giới, cả trong và ngoài nước, rằng chúng ta có một sức mạnh mà Tổng thống Davis không thể chống đỡ nổi. Đó không phải là chiến tranh mà còn hơn thế: là sự phô diễn tài năng của nhà chính trị”. Ông tin tưởng chắc chắn rằng chiến dịch của ông là khả thi. Ông giải thích “... việc hủy diệt hoàn toàn những con đường, nhà cửa và cả người dân Georgia sẽ hủy hoại nguồn lực quân sự của Liên minh... Tôi có thể thắng trận này và sẽ hân hoan mừng chiến thắng tại Georgia”.

Tổng thống Davis coi động thái của tướng Sherman là một cơ hội cho Liên minh không chỉ để chiếm lại Tennessee mà còn tái chiếm cả Kentucky, đồng thời bao vây luôn quân của tướng Sherman. Trước khi trở về Richmond sau cuộc họp với tướngHood, Tổng thống Davis đã viếng thăm hàng loạt các thành phố miền Nam, trong đó có cả Macon và Augusta, Georgia, Montgomery, Alabama và Columbia, Nam Carolina. Ông đọc diễn văn trước đám đông dân chúng ở các thành phố này. Trước đó, ông đã ý thức về tầm quan trọng trong việc diễn thuyết trực tiếp trước dân chúng. Hoặc có lẽ ông cảm giác mình có nghĩa vụ phải ủy lạo tinh thần cho quân dân miền Nam. Lúc này ông đã có thể tuyên bố hùng hồn và tự tin trước dân chúng: “Sự nghiệp chúng ta không phải đã mất. Tướng Sherman không thể có được lượng đồ tiếp tế kịp thời và sẽ phải lui quân dù sớm dù muộn. Khi ngày tháng nối nhau qua đi, cái định mệnh đã giáng xuống quân đoàn của đế chế Pháp khi nó phải rút khỏi Maxcova sẽ lại xuất hiện tại nơi đây”; “Đã tới lúc cần phải hỏi rằng: luật pháp đòi hỏi gì ở các bạn...? Phải chăng đã đến lúc từng người dân bồng súng trong tay và nói: quốc gia cần tôi phụng sự và tôi sẽ nghe theo”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:40:16 pm »


Tướng Sherman nói ông ta sẽ hành quân tới Georgia và ông đã làm như vậy. Ngày 15 tháng 11, 60 ngàn lính kỳ cựu của ông hành quân trên đống tro tàn của Atlanta miệng không ngớt ca vang “thi thể Johnston Brown mục ruỗng trong mồ... nhưng linh hồn của anh vẫn mãi hành quân”. Di chuyển thành đội quân hàng dọc với bốn cánh quân song song, quân tướng Sherman đi hết 60 dặm mà không hề gặp sự chống cự về quân sự nào gọi là to lớn. Rời khỏi vùng đất ấy, quân Liên bang mang nỗi kinh hoàng và sức tàn phá đến với dân cư miền Nam. Tướng Sherman phải ra lệnh chỉ được cướp lương ăn và cấm phá hoại của cải và đất đai của người dân, nhưng tướng chỉ huy các quân đoàn và binh lính dưới quyền ông chỉ làm ra vẻ nghe lời mà thôi.

Thái độ muốn báo thù của viên tướng này đã lây lan trên toàn quân đội. Sĩ quan mọi cấp bậc, mọi chức vụ làm ngơ cho lính cướp bóc. Sau chiến tranh tướng Sherman giải thích: “Bọn nổi loạn muốn chúng ta phái lữ đoàn đến nơi đây, quân đoàn chúng tới nơi kia. Chúng muốn bảo toàn gia đình và của cải trong lúc vẫn tham gia chiến đấu chống lại chúng ta... Đây là cuộc chiến chỉ có một kẻ thắng, một trò chơi một chiều và chúng ta... nhân hậu, công bằng và cao thượng... Không còn cãi vã nội bộ về những việc nhỏ nhặt như vậy. Cứ tiếp tục đánh bại kẻ thù, những trò cướp phá nho nhỏ đó kẻ nổi loạn đáng phải chịu. Chúng đã buộc chúng ta phải tham chiến và chúng đáng phải chịu những gì ta ban cho chúng và cả những thứ còn tồi tệ hơn”. Chỉ thị cụ thể của ông cho một cấp dưới trong việc đối phó với những tay bắn tỉa, được ban bố trong những ngày đầu của chiến dịch Georgia, thậm chí còn quá khích như sau: “Sao anh không phái quân đội viễn chinh đến tận Faimouth hoặc Adaisville, đốt mười hoặc mười hai ngôi nhà của những kẻ chủ trương li khai mà ai cũng biết tiếng, giết vài tên tùy hứng và để cho chúng biết mỗi khi có tàu của ta phải hứng đạn của chúng, nói cho chúng biết chuyện như vậy sẽ còn lặp lại nhiều...”

Vô số người da đen hân hoan trong tự do cất bước theo quân đội Liên bang. Quân nhân không theo kịp đơn vị và đào ngũ tràn ngập khắp miền quê. Tất cả các nhóm này cùng chung tay cướp phá với quân đội miền Bắc. Một tiểu đoàn quân Liên minh trong nỗ lực “tiêu thổ” theo lệnh của cấp trên tại Richmond cũng tham gia việc đốt phá. Georgia quằn quại dưới làn roi của chiến tranh.

Khi tướng Sherman hành quân xuống phía Nam, tướng Hood hành quân lên phương Bắc. Ông hi vọng sẽ đè bẹp những đội quân kháng cự rải rác tại Tennessee trước khi tướng Thomas có thể tập trung quân bao vây Nasville. Tại Spring Hill đêm ngày 29 tháng 11, tướng Hood bao vây hai quân đoàn của Liên bang (khoảng 34 ngàn người), nhưng không hiểu sao tướng Hood lại để mặc cho họ bỏ đi mà không tấn công. Ngày kế tiếp ông lại đụng cánh quân này tại Franklin. Tại đây quân Liên bang triển khai trên một địa hình phòng thủ vững chắc. Tức giận và nôn nóng, ông ra lệnh khai hỏa cho cuộc tấn công được lên kế hoạch vội vàng tựa như một hành động tự sát. Cuộc tấn công này kéo dài từ cuối giờ chiều cho tới tận khuya. Con số thương vong của ông ta leo thang tới mức chóng mặt: trên 6 ngàn người. Quân Liên bang thương vong gấp ba lần. 6 tướng Liên minh, trong đó có cả tướng Cleburne, chết vì bị thương quá nặng. Ngày hôm ấy thi thể của bốn viên tướng xếp thành hàng ngay lối ra vào đại sảnh Carton House, tại vị trí của quân Liên minh.

Khi rút quân về Nashville, tướng Hood theo sau tướng Schofield. Khi ông này tới nơi liền kết hợp với quân tiếp viện từ Missouri, khiến cho lực lượng của tướng Thomas lên tới 50 ngàn người. Trong nỗ lực lừa Thomas khiến ông này phải tấn công và chịu thương vong lớn, tướng Hood cố thủ tại một vị trí ở Nashville, đối diện với tướng Thomas qua con đường sắt chạy xuống miền Nam. Như thế ông ta sẽ chặn đường tiếp viện giữa tướng Thomas và Sherman. Nhưng tướng Hood thiếu sáng suốt khi để cánh quân mình bị yếu đi vì đã điều tướng Forrest cùng với hầu hết hai lữ đoàn kị binh tấn công một biệt đội của quân Liên bang vẫn còn cố thủ ở Murfreeboro cách đó 30 dặm về phía đông nam. Với số lượng quân ít hơn một nửa đối phương, tướng Hood buộc phải rải mỏng quân khiến phòng tuyến của ông ta cực kỳ mỏng. Ông định tránh việc bị bao vây và bị đánh bật ra khỏi vị trí cố thủ.

Trong lúc đó, tướng Grant chọc tức vẻ ngoài khoan thai của tướng Thomas, hai lần đánh điện trực tiếp ra lệnh phải tấn công. Nhưng tướng Thomas vẫn chần chừ vì lúc ấy có một cơn bão mùa đông dữ dội ập xuống chiến trường. Tướng Grant ra lệnh cho tướng John Logan tới Nashville để tước quyền chỉ huy của tướng Thomas. Cuối cùng, ngày 15 tháng 12, tướng Grant khởi hành từ Fredericksburg tới Nashville để chỉ huy quân đội ở đây. Nhưng tin tức từ Washington khiến ông phải dừng bước: tướng Thomas đã đánh bại được tướng Hood và giành được chiến thắng huy hoàng.

Vào ngày tướng Grant rời Fredericksburg, tướng Thomas giữ chân quân Liên minh bằng một cuộc tấn công dai dẳng vào bên sườn phải, đồng thời khai hỏa cuộc tấn công trên quy mô rộng lớn vào cánh quân bên trái đang rất sơ hở của Liên minh. Phòng thủ Liên minh xé nhỏ thành từng mảnh, bị đánh bật ra khỏi vị trí cố thủ. Ngày kế tiếp ông tiếp tục chiến thuật này đẩy lùi quân Liên minh ra khỏi vị trí ngừng nghỉ chưa ấm chân. Một đội kỵ binh dưới quyền chỉ huy của tướng Forrest kháng cự dai dẳng ở phía sau giờ đây không thể hoàn thành sứ mệnh. Họ trở về Murfreeboro. Tướng Hood đưa quân đội của mình băng ngược trở lại bờ bên kia sông Tennessee tiến tới Bắc Alabama và cuối cùng là tới Tupelo, Mississippi. Nhưng đó là một đoàn quân thất trận với quân số chỉ còn 15 ngàn người. Đây là những gì còn lại của đội quân Tennessee lẫy lừng một thời. Về mặt chiến thuật cuộc chiến tại Nashville là một trong những trận đánh quyết định của nội chiến. Sự táo bạo dũng cảm tiến tới Tennessee đã kết thúc bằng thảm họa của quân Liên minh.

Tướng Hood, trong mắt mọi người, giờ đã khác xưa, ông là hiện thân của sự thất bại. Từ Tupelo, ngày 13 tháng 1 năm 1865, ông đánh điện về Richmond: “Tôi kính cẩn đề nghị được thôi nắm quyền chỉ huy quân đội này”. Lời đề nghị của ông đã được chấp thuận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:40:55 pm »


Kết quả chiến thắng quân Liên minh ở Tennessee làm tướng Sherman bỏ dở cuộc hành quân lớn của mình. Có thể nói chắc rằng thất bại của tướng Hood ở Tennessee đã khẳng định thêm thắng lợi tướng Sherman. Ngày 13 tháng 12, hai ngày trước khi tướng Jefferson mở cuộc tấn công vào Nashville, đội quân của tướng Sherman chiếm pháo đài McAlister tại sông Ogeechee, thiết lập đường liên lạc với hạm đội của Liên bang, và chào đón các con tàu chở đồ tiếp viện đến cho mình. Khi quân đội đến gần thành phố này, lực lượng quân cố thủ Liên minh khoảng 15000 người dưới quyền chỉ huy của tướng Hardee, hành quân lên phía Bắc để tránh bị đón lõng. Ngày hôm đó tướng Sherman đánh điện về cho Tổng thống Lincoln: “Tôi kính cấn tặng ngài món quà giáng sinh: thành phố Savannah!”.

Đi về hướng bắc, từ Savannah tiến tới bang đầu tiên chủ trương li khai: Nam Carolina. Để mô tả tâm trạng của binh lính mình, tướng Sherman viết: “Toàn quân đội hừng hực sức chiến đấu, họ chỉ muốn ăn tươi nuốt sống vùng Nam Carolina để trả thù. Tôi gần như run sợ trước số phận không thể tránh khỏi của thành phố này nhưng tôi cảm giác rằng nó phải hứng chịu tất cả thứ gì người ta nhất định trút vào nó”. Với những màn nghi binh tài tình từ hướng Charleston cho tới hướng đông vùng này và cả Augusta, Georgia cho tới miền tây, tướng Sherman đã chia nhỏ và làm rối loạn toán quân kháng cự của miền Nam. Hầu hết đám lính này đều là dân quân. Ông tiến sâu vào vùng đất miền Nam nhằm chiếm Columbia, thủ phủ của bang này. Columbia thất thủ ngày 17 tháng 2.

Nam Carolina phải chịu đựng nhiều không sao kể xiết kiểu mà tướng Sherman gọi là những sự cướp bóc nho nhỏ. Một người lính Pennsylvania viết rằng: “Sau khi đơn vị của anh ta tràn ngập bang này, viên sĩ quan chỉ huy quân đoàn cưỡi ngựa dọc theo dãy hàng ngũ chỉnh tề và nói: Này các chàng trai, giờ đã đến Nam Carolina rồi, đã vơ vét đầy túi chưa đấy?” Người lính ấy viết: “Cuối cuộc hành quân xuyên qua bang này, chúng tôi đốt từng căn nhà, kho chứa, nhà máy trên con đường chúng tôi đi qua...”

Cái đêm Columbia thất thủ, cả thành phố chìm trong biển lửa. Tướng Liên minh Wade Hampton đốt vô số thùng bông để chúng không rơi vào tay kẻ thù. Lính Liên bang say rượu gây náo loạn trong thành phố. Cả hai quân đội Liên minh và Liên bang như kết hợp với nhau để hủy hoại thành phố này. Rất nhiều khu vực thuộc các thị trấn miền Nam Carolina phải chịu hậu quả tương tự. Nhiều tòa nhà lộng lẫy trong các đồn điền rộng lớn nhất của bang đã bị hủy hoại. Nói về biển lửa tại Columbia, một binh lính người Ohio viết thư về nhà như sau: “Lính tráng chúng tôi oán hận thành phố này và chúng tôi thề nếu đến được nơi đây sẽ dìm nó trong biển lửa. Và giờ đây chúng tôi đã thực hiện được lời thề của mình”. Một người lính Wisconsin viết: “Lửa và quân đội mặc sức hoành hành, càn quét lùng sục khắp mọi nơi và giành giật của cải với nhau bằng bạo lực. Chưa bao giờ trong thời văn minh này, những người lính lại có kiểu giải trí man rợ như vậy”. Những lời nhận xét này có thể đã được cường điệu để mua vui cho người thân của họ nơi quê nhà. Nhưng dù đúng dù sai, cuộc hành quân của tướng Sherman đã gây ra một cuộc phá hoại vô cùng bừa bãi để bia miệng đến muôn đời.

Chiến dịch lớn của Liên bang giờ đây đã lên tới cực điểm khi những đội quân hùng hậu tiếp tục hủy hoại các vùng lãnh thổ và nguồn lực nhằm làm quân Liên minh suy yếu và giáng cho Liên minh những đòn chí tử. Điểm yếu của quân Liên minh ngày càng trầm trọng bởi hoạt động của hải quân Liên bang. Ngay từ đầu, hải quân Liên bang có 42 thuyền thực hiện nhiệm vụ phong tỏa.

Lúc trước Bộ trưởng Bộ hải quân Liên minh ông Stephen Mallory đối mặt với một nhiệm vụ bất khả thi trong việc khiêu chiến với hải quân Liên bang. Trong tay ông ta lực lượng hải quân thực sự không có. Ông chỉ có một lượng nguyên liệu sơ sài không đủ để tự đóng một con tàu. Năm 1860, các bang miền Nam hợp nhất dưới cờ Liên minh nhưng chỉ đủ đóng một lượng tàu bằng một phần mười số tàu thuyền được Liên bang sản xuất. Tướng Mallory giải quyết vấn đề này một cách hăng hái và với trí tưởng tượng phong phú, mặc dù dường như ông chưa bao giờ nhận thức đầy đủ về một nhu cầu cần có một hạm đội tàu chạy trên sông hoạt động hiệu quả. Ông và đối phương không cân sức về số lượng tàu. Như đã trình bày trước đây, ông thiết lập mối quan hệ thương mại với Anh quốc và dự định sẽ mua tàu chiến bọc thép của Anh. Ông cũng thuê nước ngoài sản xuất ngư lôi và thậm chí cả tàu ngầm.

Cuối cùng kế hoạch của ông Mallory không thể chặn được bước tiến của hải quân Liên bang hoặc phá vỡ vòng vây trên diện rộng. Nhưng cũng có nhiều nỗ lực đáng tuyên dương là Liên minh đã có một số tàu bọc thép và tàu ngầm thay thế cho những con tàu nhỏ cũ, mặc dù tàu chiến tự tạo hoạt động quá kém cỏi. Sức hoạt động của máy không cao nên chúng chủ yếu được sử dụng như những pháo hạm để bảo vệ cho các cảng và các con sông ở miền Nam. Hải quân Liên minh đã có thể rất hùng mạnh nếu như có những con tàu bọc thép đóng ở nước Anh dưới sự chỉ đạo của thuyền trưởng Bulloch. Hầu hết những tàu ngầm thì đều ở dạng thử nghiệm, mặc dù một trong những tàu ngầm ấy, tàu C. S. S. Hunley, tháng 2 năm 1864 đã đánh đắm một tàu chiến của Liên bang ngoài địa phận cảng Charleston. Đây là một sự kiện nổi bật trong các cuộc chiến trên biển. Phần thành công nhất trong kế hoạch của ông Mallory là vượt qua vòng phong tỏa bằng thuyền dân sự, tấn công và gây thiệt hại lớn cho những con tàu buôn của Liên bang. Hầu hết các chủ tàu ấy đều giao hàng cho tàu Anh quốc ở ngoài khơi.

Dù Liên minh có nỗ lực đến đâu, vòng vây phong tỏa của Liên bang càng lúc càng tỏ ra hiệu quả trong suốt cuộc chiến. Tháng 12 năm 1864, hải quân Liên bang có 671 tàu thuyền. Quân Liên minh cố thủ nhưng chỉ ở một cảng Wilmington, Bắc Carolina. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, cảng này cũng rơi vào tay Liên bang sau một cuộc tấn công của lính thủy đánh bộ. Một nửa các cuộc phá vòng vây đều dẫn tới hậu quả là bị bắt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:41:36 pm »


Liên minh còn thiệt hại nhiều hơn nữa trong việc mất những tàu dám phá vòng vây tại phần lớn các cảng chuyên chở hàng hóa tại miền Nam. Những cảng này trong chiến tranh luôn hoạt động. Một nhà nghiên cứu cuộc chiến đã viết: “Đánh giá tính hiệu quả của vòng vây phong tỏa... không ở những con số thuyền bị bắt mà ở những chuyến hàng nhu yếu phẩm thối rữa trên cầu cảng Liverpool và số lớn những tàu Anh không bao giờ có thể thực hiện được mục đích của mình (buôn bán với Liên minh). Chủ tàu thông thường lên hàng tại Carolina. Và thế là họ đã bị nản chí bởi cơn ác mộng sẽ bị bắt giữ...” Như vậy, dù cho Liên minh có nói phải nói trái thế nào về vòng vây phong toả, có rêu rao rằng nó không hiệu quả, thì thật ra nó đã bóp nghẹt nền kinh tế của toàn miền Nam.

Giữa tháng 1, một cuộc tấn công kết hợp giữa hải quân và bộ binh Liên bang đã chiếm được pháo đài Fisher canh giữ cảng Wilmington, Bắc Carolina. Năm ngày sau, cuộc chiến thành phố Columbia miền Nam Carolina của tướng Sherman, tướng Schofield và lính của ông đi bằng các phương tiện như xe lửa và tàu biển rời Nashville tấn công áp đảo lực lượng quân của tướng Bragg và đã chiếm được Wilmington. Chiến thắng này đã đóng lại cánh cửa cuối cùng của Liên minh với thế giới bên ngoài.

Từ thành phố Columbia, tướng Sherman di chuyển theo hướng bắc tới trung tâm Bắc Carolina. Tiến trình của ông đã được đánh dấu bằng một cuộn khói cao ngút trời từ những khu rừng thông của bang bị quân lính ông phóng hoả. Ông đến được Fayetteville ngày 11 tháng 3 và dẫn quân tới thẳng Goldsboro trên tuyến đường sắt Weldon. Đây vẫn là con đường tiếp tế quan trọng của Liên minh cho vùng lãnh thổ Bắc Carolina. Theo lời tướng Sherman, cuộc tiến quân của ông là “một cuộc tấn công vào quân đội của tướng Lee khi mở chiến dịch ở vùng đất trong tầm có thể nghe được âm thanh từ đạn pháo của ông ta”. Đây là đánh giá rất chính xác. Cuộc hành quân này đã khiến hàng vạn quân bổ sung của Liên minh phải đào ngũ. Họ quyết định trở về bên gia đình đang cơ cực ở hậu phương. Có người ước tính con số đào ngũ của Liên minh vào mùa xuân năm 1865 có thể lên tới 40% toàn bộ quân số quân Liên minh có lúc bấy giờ.

Tướng Grant dự tính sử dụng Mobile như một bàn đạp cho những cuộc tấn công khác vào lãnh thổ Liên minh phía dưới. Tháng 1, ông ra lệnh cho tướng Edward Canby, lúc này chỉ huy khu vực vùng vịnh đánh chiếm thành phố Mobile từ New Orleans. Ông Canby di chuyển chậm nhưng đầu tháng 4 ông đã đưa được đội quân 45 ngàn người đến vịnh Mobile, đánh bật 10 ngàn quân cố thủ ở thành phố này dưới quyền chỉ huy của tướng Richard Taylor và chiếm Mobile.

Khi các sự kiện theo nhau diễn ra, một cuộc viễn chinh mà tướng Grant mong đợi nhằm hủy hoại đường tiếp tế từ các nhà máy và nơi sản xuất hàng hóa của Liên minh. Theo lệnh tướng Thomas, ngày 18 tháng 3 thiếu tướng James H. Wilson qua sông Tennessee tiến vào Bắc Alabama với lực lượng 14 ngàn quân kỵ binh và tấn công về hướng nam chiếm Selma một trung tâm quan trọng trong lãnh vực sản xuất đạn dược và vũ khí Liên minh.

Đối thủ của tướng Wilson là một lãnh đạo quân kị binh hàng đầu của Liên minh, tướng Nathan B. Forrest. Nhưng thậm chí cả tài năng và tinh thần bất khuất của ông này giờ đây cũng không mang lại tác dụng gì. Lính Liên bang nhiều hơn gấp bội, hầu hết được trang bị bằng súng Carbine. Còn lính của ông Forrest đang đói khát và mệt mỏi. Họ thoái chí bởi biết rõ rằng có chiến đấu hết mình thì sự nghiệp của Liên minh cũng sẽ không còn. Tướng Forrest lần đầu tiên bị đại bại thê thảm. Ngày 2 tháng 4, tướng Wilson chiếm Selma sau đó đổ quân về phía đông tới Montgomery và tiến vào Georgia. Ông không chịu kém “tài” các đồng nghiệp kỳ cựu và nổi tiếng của mình là tướng Sherman và tướng Seridan: ông đã tiêu hủy toàn bộ các nguồn lực của Liên minh.

Những cuộc tranh giành thời chiến thể hiện trong các sự kiện trên chiến trường. Việc tái đắc cử của Tổng thống Lincoln cho thấy sự mâu thuẫn sâu sắc giữa tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm ngày càng cao của quân dân miền Bắc với những mối bất đồng và sự chán nản ngày càng tăng tại miền Nam. Nếu vào mùa thu năm 1864, một cuộc bầu cử Tổng thống được tổ chức ở vùng đất của Liên minh, chắc chắn Tổng thống Davis sẽ thất bại thảm hại.

Tổng thống Lincoln với nội các được củng cố sau động thái từ chức của ông Chase, giờ đây lấy lại thế cân bằng khi ông Montgomery Blair lên giữ chức vụ của ông Chase trước kia. Tổng thống cũng giành được sự ủy thác của phần đông dân chúng chuẩn y những biện pháp do chính quyền của ông đưa ra. Lúc này quyền binh đều nằm gọn trong tay Tổng thống Lincoln. Nhưng ông không tỏ ra hả hê. Danh sách những con số thương vong tưởng chừng như vô tận là một nỗi đau như lưỡi dao khoét sâu vào tâm can ông. Ngoài ra, ông còn phải chịu thêm nỗi đau đớn không nguôi sau cái chết của con trai ông là Willie vào năm 1862. Vẻ mặt của Lincoln, bình thường đã hốc hác, và sự xuất hiện trước công chúng của ông thông thường là rất nghiêm nghị, giờ càng thêm đau đớn.

Việc Tổng thống Lincoln giải quyết những lời đề xuất hòa bình phản ánh sự chuyển đổi của làn gió mới bằng việc ông tái đắc cử sau những thắng lợi quân sự liên tiếp của Liên bang. Ngày 3 tháng 2 năm 1865, Tổng thống Lincoln và ông Seward thảo luận với Phó tổng thống Liên minh, ông Stephens. Tổng thống Lincoln bày tỏ niềm hi vọng về tinh thần tự do thực sự trong việc giải quyết vấn đề của các bang li khai, thậm chí ông còn bày tỏ (theo lời của ông Stephens) mong muốn đền bù cho các chủ nô khi nô lệ của họ được giải phóng. Nhưng về vấn đề giải phóng nô lệ cũng như việc tuân phục Liên bang, Tổng thống Lincoln vẫn kiên định hơn bao giờ hết. Những điều khoản này chẳng khác nào những lời nguyền rủa đối với Tổng thống Davis. Và có lẽ là đối với phần đông dân chúng miền Nam. Thế nên chiến tranh cứ vẫn tiếp diễn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:42:10 pm »


Tối ngày 6 tháng 2, trước cuộc mít tinh đông đảo tại nhà thờ African ở Richmond, Tổng thống Davis phản ứng với sự thất bại của hội nghị hòa bình nói trên bằng một lời kêu gọi hòa bình. Ông hô hào dân chúng miền Nam hãy xả thân và tiếp tục hi sinh, nỗ lực hơn nữa. Ông tỏ ý lấy làm tiếc rằng bài diễn văn của ông không phải lời chúc mừng chiến thắng, ông nói rất biết ơn những công dân sẵn sàng xả thân để tôn vinh tổ quốc của mình. Ông nói Tổng thống Lincoln có đưa ra lời đề nghị hòa bình nhưng lại bác bỏ mọi đàm phán đáng được tôn trọng. Thế nên chiến tranh nhất định còn kéo dài. Ông Davis tuyên bố nếu những quân nhân đang vắng mặt quay về với các quân đoàn của mình, miền Nam sẽ được tự do trong vòng một năm nữa. “Hãy để chúng ta xiết chặt tay nhau bằng tâm hồn đồng điệu. Hãy cùng nhau cố thủ và ta có thể tin rằng trước mùa hạ năm sau, chính kẻ thù sẽ phải đề nghị ta tổ chức hội nghị hòa bình và phải làm theo những yêu cầu của ta”.

 Đó là một bài diễn văn hùng hồn nhất trong suốt sự nghiệp Tổng thống của ông Davis. Lời lẽ của ông đi thẳng vào tâm can người dân. Những lời nói ấy thẳng thắn và chân thành khiến cho những người thường xuyên chỉ trích ông nhất cũng phải thán phục. Ông Pollard của tờ Người điều tra Richmond viết rằng: “Nói về nghe diễn văn, chưa bao giờ ông cảm động như lúc nghe bài diễn văn của ông Davis”. Ông Alexander Stephens nói bài diễn văn này “là dũng cảm và ngoan cường. Mang đến cho người nghe những cảm xúc cao cả... Nó có một lực hấp dẫn tuyệt vời trong lời nói của Tổng thống...”. Ông so sánh nó với những lời hô hào của những nhà hùng biện lớn trong lịch sử như Rienzi và Demosthenes.

Chẳng bao lâu sau, Tổng thống Lincoln cũng đọc những bài diễn văn tuyệt vời không kém. Ngày 4 tháng 3, ông xuất hiện trước tòa nhà quốc hội. Mái vòm lớn của tòa nhà này đã hoàn tất nhờ Tống thống Lincoln không ngừng thúc giục phải xây cho xong. Lần này Tổng thống Lincoln đọc bài diễn văn nhậm chức thứ hai. Nó biểu đạt sự hào phóng và sự ăn năn (chiến tranh được ông khắc họa như một đòn trừng phạt của đấng tối cao giáng xuống cả miền Bắc lẫn miền Nam vì tội lỗi của sự chiếm hữu nô lệ). Những lời lẽ mạnh mẽ mang màu sắc tôn giáo “tai ương đến với thế giới, các lực lượng siêu nhiên đã tấn công ta” và bằng những lời lẽ thương cảm “tôi không hề ác ý với ai và khoan dung với tất cả mọi người”. Bài diễn văn của Tổng thống biểu đạt lời thề quyết tâm tiếp tục cuộc chiến, nếu như chúa trời đã sẵn lòng “cho tới khi từng giọt máu nhỏ xuống trong cơn binh lửa đều bị đáp trả bằng một hành động rút gươm khỏi vỏ” và cho tới khi quốc gia này được thanh lọc và phục hưng. Tất cả những lời lẽ ấy kết hợp với nhau hình thành một bài diễn văn trịnh trọng. Bài diễn văn này có thể sánh với lời đề tặng trên tấm bia dựng ở nghĩa trang Gettysburg về năng lực gây nguồn cảm hứng và những lời tuyên bố về mục đích tối cao của quốc gia.

Tổng thống Lincoln có thể đã nói lên tấm lòng của mình và tấm lòng của hàng triệu người dân chiếm đa số dân cư miền Bắc. Nhưng ông không nói lên được tiếng nói đồng lòng của từng cá nhân trong đảng của ông. Sự hỗ trợ cho ông thật ít ỏi trong việc ông thông qua điều luật bổ sung thứ 13 của hiến pháp bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ ông bày tỏ sự hài lòng với niềm hi vọng rằng nó sẽ được chuẩn y ở tất cả các bang. Nhưng ông vẫn phải đau lòng bởi những người cực đoan tiếp tục công kích kế hoạch cơ bản về quá trình tái thiết. Họ đã thành công khi nhiều đại biểu được bầu vào hạ viện phản đối kế hoạch tái thiết của ông. Họ nói rằng hiến pháp mới của bang Louisiana dù cho còn nhiều thiếu sót “vẫn còn tốt hơn cho người da đen là hiến pháp đang có ở Ilinois”. Cuộc nội chiến kết thúc mà không có được giải pháp cho vấn đề này.

Hai biện pháp tuyệt vọng được Liên minh chuẩn y trong những tuần lễ đình hoãn cuộc chiến đã được đánh dấu bằng sự thù nghịch giữa Tổng thống Davis và Hạ viện của Liên minh. Hai biện pháp này đồng thuận cho nô lệ được tham gia vào quân đội Liên minh và việc chỉ định tướng tổng tư lệnh cho quân đội Liên minh. Động thái trang bị vũ khí cho nô lệ là một trong những hành động mang tính cách mạng nhất của Liên minh với nỗ lực kéo dài cuộc chiến. Ý tưởng này đã được nhen nhóm từ đầu cuộc chiến và do tướng Cleburne đề xuất nhưng nó bị Tổng thống Davis bác bỏ bởi vì ông sợ sẽ làm nản lòng quân nhân da trắng và khuấy động mối bất đồng quan điểm trong dân chúng miền Nam. Thất bại đang treo lơ lửng trên đầu khiến ông phải cân nhắc lại vấn đề. Thống đốc William Smith của bang Virginia đưa ra sáng kiến bằng cách đề nghị luật pháp cho phép bang của ông trang bị vũ khí cho nô lệ. Tháng 1 năm 1865, để hồi âm bức thư của nhà lập pháp Virginia, tướng Lee đã viết những dòng thúc giục việc tuyển mộ dân da đen vào quân đội, đồng thời giải phóng họ lập tức khỏi những điều kiện về chiếm hữu nô lệ trước đây. Cùng lúc ông đệ trình một kế hoạch dần dần giải phóng toàn bộ nô lệ tại miền Nam.

Sự mỉa mai lớn cho động thái Liên minh này đối với việc giải phóng nô lệ là quá rõ ràng, thể hiện qua một quan điểm của một triết gia quân sự, ông Clausewitz, rằng: chiến tranh tự nó tạo ra sự năng động và nguồn lực cho mình. Nói rằng miền Nam mong muốn độc lập chỉ để bảo toàn chế độ chiếm hữu nô lệ là không thực tế. Nhưng ngay từ đầu không ai dám mơ một ngày nào đó liên minh lại cân nhắc tới việc bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ như là một cái giá cho nền độc lập của mình. Sự trớ trêu này càng sâu sắc hơn bởi ý kiến cho rằng: vào mùa hè năm 1864, trước khi có những chiến thắng quân sự quyết định của Liên bang, đa số dân chúng của cả hai miền Bắc và Nam có lẽ cũng sẽ chấp thuận việc tái thống nhất mà không có việc bãi bỏ nô lệ như là một điều kiện của hòa bình.

Tổng thống Davis ủng hộ cho một điều luật trang bị vũ khí cho nô lệ và giải phóng họ. Cuối tháng 2 ông viết: “Giờ đây những người biết suy nghĩ đều thấy rõ rằng chúng ta buộc phải chọn cách làm này dù cho những nô lệ kia có chiến đấu vì chúng ta hay chiến đấu chống lại chúng ta. Mọi lời bàn tán về những lợi ích hoặc bất lợi trong việc tuyển dụng họ sẽ không còn là vấn đề nữa”. Ý lời tuyên bố này là: nó không ngăn chặn những ý kiến trái ngược về vấn đề giải phòng nô lệ nữa. Hai tướng Foote và Wigfall chủ trương chống lại điều luật này và tạo ra một cuộc xung đột gay gắt tại Hạ viện. Tờ báo Charleston Mercury chỉ trích điều luật là không công bằng thậm chí còn chỉ trích tướng Lee vì đã gợi ý “kế hoạch ủng hộ tuyển mộ lính da đen và giải phóng nô lệ”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:42:57 pm »


Đầu tháng 3, Hạ viện đã cho phép tuyển mộ 300 ngàn nô lệ vào quân đội Liên minh. Nhưng việc giải phóng họ tùy từng bang quyết định. Một số ít nhóm da đen đăng lính và theo nhau mặc quân phục diễu hành khắp Richmond. Không ai ra chiến trường cả. Phái viên Duncan Kenner của Louisiana, đã được cử tới châu Âu với hi vọng đáng thương rằng: lời hứa giải phóng nô lệ của Liên minh có thể khiến cho nước ngoài chú ý. Nhưng hi vọng đó sớm bị dập tắt trong những cuộc tiếp kiến với các ông Mason, Palmerston, Slidell và Napoleon III.

Thất bại ngoài chiến trường và sự nản chí ở hậu phương giờ đây nhóm lên một nhu cầu: Tổng thống Davis phải bị hạ bệ. Và tướng Lee chẳng khác nào tên độc tài thời La Mã cổ đại. Ngược lại, Hạ viện thông qua một thỏa hiệp nhằm tạo ra một vị trí tổng tư lệnh, tin tưởng rằng tướng Lee sẽ được chỉ định vào vị trí này. Hiểu điều luật này như một lời chỉ trích tài lãnh đạo của chính mình, Tổng thống Davis cay đắng và đã định bác bỏ nó. Bà Davis nói “nếu tôi là ông ấy, tôi chỉ muốn chết đi hoặc treo cổ trước khi phải khuất phục sự sỉ nhục như vậy”. Cuối cùng, Tổng thống Davis đã kí phê chuẩn điều luật này. Ngày 6 tháng 2 khi tướng Grant xiết chặt vòng vây trên tuyến phòng thủ dưới Petersburg, khi tướng Sheridan theo đuổi sứ mệnh của mình tại vùng đất bỏ hoang Shenandoah Valley và khi các đội quân của tướng Sherman lũ lượt kéo về thành Columbia bất hạnh, Tổng thống Davis chỉ định tướng Lee là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên minh.

Tướng Lee là một viên tổng tư lệnh hay do dự. Vì biết trước về những lời phản đối của Tổng thống Davis, ông đã kháng cự lại những lời đề nghị trước đây của Tổng thống Davis rằng: ông có thể giữ vị trí chỉ huy mọi chiến dịch của quân đội. Giờ đây tướng Lee mềm lòng khi giáng đòn chí tử vào lòng tự hào của Tổng thống Davis bằng cách nói rằng: “bản thân tôi nợ và biết ơn sự nhân hậu của ngài Tổng thống vì đã dành cho tôi vị trí cao cả và đầy khó khăn này”.

Khi tướng Grant quyết định ra trận với đội quân Potomac, tướng Lee quyết định vẫn chỉ huy đội quân Bắc Virginia. Lý do ông ta làm như vậy được tướng Joseph E. Johnston trình bày cho một người bạn “Đừng kỳ vọng nhiều ở tướng Lee trên vị trí tổng tư lệnh. Ông ta không thể từ bỏ quyền chỉ huy quân đoàn Bắc Virginia chỉ để trở thành một viên chức quèn”. Lời nhận xét của tướng Jonhston rõ ràng xuất phát của sự oán hận đối với Tổng thống Davis. Nó tất nhiên cường điệu khả năng Tổng thống Davis sẽ can thiệp vào công việc của tướng Lee nếu tướng Lee chọn tổng hành dinh của mình là Richmond. Nhưng lời tuyên bố của tướng Jonhston cũng chính xác chỉ ra sự ép buộc của Tổng thống Davis để cho thấy rằng ông ta vẫn đóng vai trò chủ động trong chỉ huy quân đội.

Tướng Lee chẳng thể làm gì để thay đổi tình thế lúc này. Ông bắt đầu suy tính đến một động thái mang tính chiến thuật cực đoan: bỏ trống các thành phố của Liên minh và kết hợp mọi đội quân bị đánh tơi tả của miền Nam để tấn công một đòn mạnh mẽ và phối hợp. Bước đầu tiên thực hiện dự án này là thúc giục Tổng thống Davis kết thúc kỳ nghỉ ngơi lâu dài của tướng Johnston, điều ông này chỉ huy các cánh quân chống lại tướng Sherman tại các mặt trận thuộc Carolina. Tổng thống Davis làm theo. Ông giải thích mình làm như vậy với niềm hy vọng rằng những khiếm khuyết ông đã nhận thấy ở tướng Johnston khi ở cương vị một chỉ huy độc lập sẽ được bù đắp và cải thiện dưới quyền kiểm soát của tướng Lee. Trong nỗ lực cản trở bước tiến của tướng Sherman, tướng Lee lệnh cho tướng Johnston tập hợp mọi binh lính Liên minh hiện có tại phía đông sông Mississippi ngoại trừ quân nhân thuộc quân đoàn Bắc Virginia. Hành động của tướng Johnston (trong việc di chuyển binh lính và đồ tiếp tế) thực sự gây ấn tượng. Trong vòng một tháng, ông đã tập hợp được khoảng 45 ngàn lính trong đó có cả những người dưới quyền chỉ huy của tướng Hardee từ Charleston và những gì còn lại của đội quân Tennessee hùng hậu xưa kia. Đó là một chuyến đi đầy khó khăn bằng đường sắt và cả đi bộ suốt chặng đường từ Bắc Mississippi đến điểm tập kết. Tìm kiếm cách cản trở sự tập hợp của hai đội quân thuộc quyền chỉ huy của tướng Sherman và tướng Schofield tại Goldsboro, tướng Johnston để một đội quân nhỏ trì hoãn bước đi của tướng Schofield và tập trung khoảng 27 ngàn quân giáng một đòn mạnh mẽ vào cánh quân bên trái của tướng Sherman. Đội quân ấy dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng Henry W. Slocum. Và vị trí tấn công là thị trấn Bentonville. Cuộc tấn công của Liên minh vào ngày 19 tháng 3 lúc đầu thắng lợi. Nhưng khi tướng Sherman nhanh chóng chỉnh đốn lại đội quân chủ lực, tướng Johnston buộc phải rút lui. Bốn ngày sau, tướng Sherman và Schofield gặp nhau tại Goldsboro. Nơi đây tướng Sherman để quân lính của mình nghỉ ngơi trong ba tuần nhằm chuẩn bị cho cuộc hành quân cuối cùng kết hợp với tướng Grant và siết chặt vòng vây quân đội của tướng Lee.

Dù các sự kiện thi nhau diễn ra dồn dập, cuộc hành quân của tướng Shernman khép chặt vòng vây đã không được thực hiện. Thực ra không cần thiết phải có cuộc hành quân này. Tướng Grant muốn đánh bại quân đội Bắc Virginia chỉ với đội quân Potomac mà thôi. Binh lính của quân đội phía Tây không có dịp được thực hiện nhiệm vụ này. Sự yếu kém của quân đội Liên minh đã trở nên quá rõ ràng, khi tướng Lee bắt dầu các chiến dịch thoát khỏi vòng vây Petersburg. Ngày 25 tháng 3, ông ta mở cuộc tấn công phối hợp vào pháo đài Stedman tại trung tâm phòng tuyến Petersburg dưới quyền chỉ huy của ông John B. Gordon, lúc này đã là thiếu tướng (bởi tướng Hill bị bệnh và tướng Longstreet đang hồi phục sau những vết thương nặng). Mục tiêu trước mắt là tiến sâu và nhanh buộc tướng Grant di chuyển quân đội tới đây đồng thời làm yếu đi vòng vây của ông này tại miền cực Tây trên vòng tuyến của ông ta. Như vậy sẽ khiến cho tướng Lee có thể giải thoát được đội quân chủ lực của mình.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM