Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:49:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nội chiến Hoa Kỳ  (Đọc 64118 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:23:11 pm »


Lên nắm quyền rồi, Tổng thống Lincoln mới biết đơn vị đồn trú ở pháo đài Sumter đã hết lương thực dự trữ. Anderson buộc phải đầu hàng nếu lương thực không được tiếp cứu ngay. Lincoln tự thấy mình bị bao vây bởi những thông điệp đến từ khắp miền Bắc, thúc giục ông phải có hành động mạnh mẽ. Đồng thời, ông cũng nhận được đủ loại chỉ trích vì đã không có được một kế hoạch nào ngõ hầu giải quyết cơn khủng hoảng này. Nhưng sĩ quan quân đội hàng đầu của nước Mỹ, viên tướng kỳ cựu Winfield Scott, anh hùng trong chiến tranh Mehico, nói rằng pháo đài này sẽ không thể giữ được và không thể tiếp viện. Ông còn gợi ý rằng: cả hai pháo đài (Sumter và Pickens) sẽ phải đầu hàng để lấy lòng những bang có thể chế nô lệ ở vùng đất phía trên của miền Nam, nhằm ngăn chặn họ không li khai khỏi Liên bang. Tổng thống Lincoln muốn giao pháo đài Sumter cho người miền Nam, nếu làm như vậy ông có thể ngăn ngừa được tiến trình li khai của bang Virginia. Người ta nói rằng ông từng đưa ra nhận xét: lấy một pháo đài đổi lấy một bang cũng không phải là một cuộc trao đổi tồi. Nội các mới được bổ nhiệm của ông đã chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.

Nội các này gồm đại diện của mọi miền đất nước (tất nhiên là những bang vẫn trung thành với Liên bang). Nó cũng bao gồm vài cựu đảng viên đảng Dân chủ cũng như những người đã cùng giữ nhiều vị trí quan trọng trong đảng Cộng hòa. Ông William H. Seward là bộ trưởng bộ nội vụ. Ông này là cựu thống đốc bang New York, đang là thượng nghị sĩ đại diện cho bang này, cũng từng là một đối thủ sừng sỏ của đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử Tổng thống vừa qua. Với nhiều cư dân ở hai miền Nam Bắc, ông Seward là “Ông Cộng hòa”. Ông Salmon P. Chase của bang Ohio, từng khao khát chiếc ghế Tổng thống, một nhân vật bài nô nhiệt tình, giữ chân bộ trưởng bộ tài chính. Ông Simon Cameron đại diện của bang Pennsylvania, người đứng đầu đảng Cộng hòa tại bang này, là bộ trưởng bộ chiến tranh. Ông Gideon Welles của bang Connecticut, một người theo đảng Bảo thủ, rất kín kẽ, luôn chỉn chu với bộ tóc giả và bộ râu quai nón thời thượng, người chăm chỉ viết nhật ký (đã cung cấp rất nhiều dữ liệu cho các nhà sử học tương lai về những gì họ biết về chính quyền và những công việc nội bộ dưới thời Tổng thống Lincoln) giữ chức vụ bộ trưởng bộ hải quân. Ông Caleb Smith thuộc bang Indiana - bộ trưởng bộ nội vụ. Ông Edward Bates đại diện bang Missouri là chánh án tối cao pháp viện. Và ông Montgomery Blair, trước đây đại diện cho bang Missouri lúc này đại diện cho bang Maryland, là bộ trưởng bộ bưu chính.

Ông Seward tham gia một trò chơi khó với vụ việc thành Sumter. Với tinh thần cao thượng và khiêm tốn, ông tự nhận về mình vai trò quân sư cho một Lincoln có vẻ như ngây thơ và vụng về. Sau lưng Tổng thống, Seward đã trao cho các đại sứ của Liên minh miền Nam tại Washington thứ mà họ hiểu là sự đảm bảo thành Sumter sẽ đầu hàng. Ngày 01 tháng 04, ông gởi một bản ghi nhớ đến cho Tổng thống Lincoln, có đoạn: “Chúng ta đang ở vào thời điểm cuối tháng đầu tiên sau sự ra đời của chính quyền mới. Thế nhưng ta vẫn chưa có một chính sách nào để đối phó với các vấn đề trong nước cũng như nước ngoài”.

Ông Seward ủng hộ việc giao thành Sumter cho người miền Nam nhưng lại kiên quyết tăng cường sức mạnh cho thành Pickens. Đồng thời ông cũng đưa ra một lời khuyên khiến cho Lincoln phải sững sờ. Ông Seward gợi ý một kế hoạch tái thống nhất nước Mỹ bằng cách đưa ra tối hậu thư nhằm mở màn một cuộc chiến giữa Mỹ và nhiều quốc gia hàng đầu tại châu Âu. Ông tin rằng lòng yêu nước của người dân Mỹ sẽ được kích hoạt bởi một cuộc chiến tranh với nước ngoài. Cuộc chiến này sẽ đưa những bang miền Nam đã mắc sai lầm trở lại với Liên bang. Ông muốn chung vai gánh vác trọng trách với Tổng thống bằng cách đề nghị gánh lấy trách nhiệm đề ra một chính sách ghê gớm như vậy. Tổng thống Lincoln bác bỏ lời khuyên này. Đồng thời Tống thống lặng lẽ nhưng rành rọt khiển trách Seward là người đưa ra quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Với sự ủng hộ của hầu hết các thành viên trong nội các, cuối cùng Tổng thống Lincoln quyết định nỗ lực chi viện lương thực cho pháo dài Sumter. Đồng thời, ông cử một đội tàu chiến nhỏ cùng với một đội viễn chinh giải vây trong trường hợp các bang li khai chống lại động thái này. Ông hướng dẫn nên làm thế nào trong chiến dịch này. Nhưng trong lúc truyền tin đi, Tổng thống đã ký nhiều lệnh mâu thuẫn nhau khi điều con tàu vững mạnh nhất của đám chiến thuyền thực hiện nhiệm vụ này là tàu Powhatan. Kết quả là, nó giăng buồm đến Pensacola. Như vậy, sứ mạng cứu viện cho thành Sumter không thể thực hiện. Đồng thời, Tổng thống Lincoln thông báo cho thống đốc bang Nam Carolina về những nỗ lực sắp tới và hứa rằng sẽ không có lính tráng, vũ trang, hoặc đạn dược nào được gởi tới thành trì này nếu như nỗ lực giải vây không hoàn thành.

Tin từ cuộc viễn chinh đã đẩy những nhà chức trách Liên minh miền Nam tới một quyết định quan trọng. Từ trước tới nay việc bảo vệ pháo đài Sumter có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ đảm bảo đường vào cho cảng Charleston. Nó còn là một biểu tượng quan trọng của chính nền độc lập của Liên minh miền Nam. Phải chiếm thành trước khi đơn vị đồn trú vững mạnh trở lại bởi bất cứ hình thức giải vây nào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:25:27 pm »


Ngày 09 tháng 04, Tổng thống Davis tập hợp nội các và nhận được một lời đề nghị mang tính nhất trí cao: hãy ủng hộ hành dộng khiêu chiến. Một người phản đối (mà trong nội các thấy bất ngờ vì ít có khả năng ông này lại phản đối) chính là ông Toombs. Ông ta đã quá hấp tấp khi tuyên bố như sau: “Làm như thế là tự sát, là giết người, và ta sẽ mất hết bạn bè nơi miền Bắc. Các người làm thế là cố tình chọc phá tổ kiến lửa. Quân đội của họ trải dài từ khắp các miền núi non tới các vùng đại dương. Những “tổ kiến” đông hàng ngàn vạn, giờ đang yên lặng, sẽ tức tối nhào vào và đốt ta cho tới chết... Làm thế là không cần thiết. Nó sẽ khiến ta trở thành kẻ sai trái. Làm thế là tự diệt vong”. Dù ai nói đông, nói tây, Tổng thống Davis vẫn quyết định hành động. Ông yêu cầu bộ trưởng bộ chiến tranh gởi cho tổng tư lệnh quân đội ở Charleston, tướng P. G. T. Beauregard, buộc thành Sumter phải đầu hàng và tấn công nếu như lời yêu cầu ấy bị chối từ.

Rạng sáng ngày 12 tháng 04, sau khi nhận được lời phúc đáp không thỏa mãn cho yêu cầu đầu hàng, ông Beauregard khai hỏa cuộc tấn công thành Sumter. Một nhân vật quá khích kỳ cựu của bang Virginia, ông Edmund Ruffin, bấy giờ là thành viên của một đơn vị quân đội miền Nam Carolina, có vinh dự khai hỏa cho khẩu đại bác. Ít nhất đây cũng được coi là một phát đạn lịch sử. Cuộc oanh tạc diễn ra trong suốt gần 40 tiếng đồng hồ. Trong lúc ấy, các công dân của Charleston (nhiều người trong số họ đứng trên nóc nhà dọc theo bến tàu) chứng kiến cảnh giao chiến trong sự phấn khích và sợ hãi. Đội viễn chinh cứu viện của Liên bang đã quá mệt mỏi đành đứng ngoài cảng vô vọng nhìn vào. Họ không nỗ lực hỗ trợ cho thành Sumter được nữa. Ông Anderson và đơn vị đồn trú nhỏ bé của ông gan dạ bắn trả nhưng vô vọng. Cuối cùng cả thành trì chỉ còn là đống gạch vụn. Nhưng kỳ diệu thay, không có con số thương vong về người sau cuộc oanh tạc của Liên minh miền Nam. Ông Anderson kéo cờ trắng đầu hàng.

Các học giả từng tranh cãi rất nhiều về việc: ai là người chịu trách nhiệm về sự việc xảy ra cuộc chiến này. Phải chăng Tổng thống Lincoln đã cố tình khiêu khích Liên bang miền Nam nổ súng trước, bắt họ phải gánh trách nhiệm khiêu chiến, đồng thời liên kết dân chúng miền Bắc ủng hộ cho một chính quyền có thể coi là yếu kém ngày đó? Phải chăng ông Davis đã tính toán kỹ càng trước khi khơi mào cuộc chiến với một động thái nhằm nhóm lên tinh thần yêu nước của Liên minh miền Nam? Có như vậy mới hỗ trợ được một chính quyền còn non trẻ và đồng thời nỗ lực thuyết phục những bang còn tồn tại chế độ nô lệ hiện vẫn gắn bó với Liên bang lập tức li khai và tham gia vào Liên minh? Thực tế có nhiều bằng chứng cho cách trả lời đúng của hai câu hỏi trên.

Tổng thống miền Nam Davis rõ ràng có nhắc tới ý tưởng khiêu khích, bắt một kẻ thù đang hung hăng phải hành động, liên quan tới một nỗ lực để miền Bắc không nhòm ngó tới Pensacola. Ngày 03 tháng 04, ông viết một bức thư cho tướng chỉ huy quân đội của Liên minh miền Nam ở pháo đài này (thiếu tướng BBraxton Bragg): “Có thể đối với chúng ta việc đổ trách nhiệm khơi mào cuộc chiến lên người miền Bắc là cần thiết. Nhưng khi chúng ta đã tự mình nhận lấy trách nhiệm ấy, nhằm lấy lại quyền thực thi pháp lý và đất đai của chúng ta dưới hình thức một đơn vị đồn trú, lợi thế ấy còn quan trọng hơn bất cứ cân nhắc nào”. Những cân nhắc được nói tới ở đây đã được chuẩn y: chiếm cứ thành Pickens bằng vũ lực. Ông Davis ra lệnh rằng: việc này cần phải nỗ lực hoàn thành nếu như yếu tố mạo hiểm không quá lớn. Chỉ sau khi được thông báo yếu tố mạo hiểm là rất cao, ông mới bỏ qua kế hoạch này.

Ngược lại sau cuộc oanh tạc pháo đài Sumter, Tổng thống Lincoln tỏ ra hài lòng với kết quả. Ông nói với viên chỉ huy của quân cứu viện chưa hoàn thành nhiệm vụ “... Cả anh và tôi đều tiên đoán rằng: sự nghiệp của quốc gia sẽ phải thực hiện gấp hơn nỗ lực cứu viện cho thành Sumter, nếu thành này có thể thất thủ. Rõ ràng lời tiên đoán của chúng ta đã được chứng minh bởi kết quả vừa rồi”. Chỉ vài tuần sau đó, Tổng thống Lincoln tâm sự với một người bạn cùng bang Illinois, là Orville H. Browning: “Kế hoạch cứu viện đã thành công. Họ tấn công Sumter. Thành này thất thủ và như vậy ý nghĩa của nó còn lớn hơn cả khi khả năng ngược lại biến thành hiện thực”. Tờ New York Times cho rằng cuộc phái quân cứu viện đơn giản là trò nghi binh. Họ còn nói thêm mục đích của nó là nhằm đổ trách nhiệm khai mào cuộc chiến cho Liên minh miền Nam.

Chắc chắn cả Tổng thống Lincoln và Tổng thống Davis đều suy nghĩ rất rốt ráo về những lợi hại của người bắn phát súng đầu tiên. Cũng thật dễ hiểu, cả hai đều muốn có quyền sở hữu pháo đài này mà không muốn buộc phải chiến đấu, dù để giữ nó hoặc giành lại nó. Nhưng cả hai đều sẵn lòng giao chiến nếu cần để có thể sở hữu pháo đài này. Đồng thời cả hai đều hy vọng phía bên kia sẽ khai hỏa trước nếu chuyện xung đột bằng vũ trang là không thể tránh khỏi. Tổng thống Davis đã nhận lấy sự bất lợi là khai hỏa trước để có thể đạt được mục đích của mình. Với Tổng thống Lincoln, nếu thành không bị tấn công, ông có nó mãi mãi, chỉ cần thỉnh thoảng cung cấp quân lương để lính Liên bang duy trì nó. Nhưng nếu thành bị tấn công, ông sẽ là một người tham chiến vì tự vệ chứ không khiêu chiến. Dựa vào thái độ của hai ông, cả hai đều cho rằng giả thuyết của mình là đúng. Và như thế, chuyện chiến sự xảy ra là không thể tránh khỏi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:26:33 pm »


Ý định và động cơ hướng tới pháo đài Sumter vẫn còn là vấn đề tranh cãi, nhưng hậu quả đã vượt ra ngoài mọi thắc mắc. Lời cảnh báo của ông Toombs, đã được chứng minh. Tại miền Bắc, cuộc tấn công nói trên đã làm dấy lên một phong trào yêu nước và manh động trả thù cho hành động của Liên minh miền Nam và muốn trừng phạt những thủ phạm cuộc tấn công đó. Một tờ báo miền Bắc lên tiếng: “Đây là một hành động khiêu chiến táo bạo và đầy xúc phạm đối với các nhà chức trách thuộc chính thể Cộng hòa. Không có lý do gì có thể biện hộ. Một tờ báo khác hiểu sự kiện này như là “một kích thích rõ ràng... do đấng thượng đế nhân từ gởi xuống cho người dân Mỹ để kích hoạt tinh thần yêu nước tiềm tàng của dân tộc”.

Một ngày sau sự đầu hàng của pháo đài Sumter, Tổng thống Lincoln đưa ra lời cảnh báo. Ông chỉ rõ cuộc tấn công kia là một hành động nổi loạn và kêu gọi các bang tập hợp lực lượng quân sự của họ với con số lên tới 75 ngàn quân. Ông cũng triệu tập hạ viện nhóm họp một cuộc họp đặc biệt vào ngày 04 tháng 07. Bốn ngày sau, ông tuyên bố phong tỏa các cảng của các bang li khai.

Phản ứng của miền Bắc không chỉ giới hạn các thành viên đảng Cộng hòa. Các thành viên đảng Dân chủ miền Bắc cũng đứng về phía ông Lincoln, hỗ trợ cho quyết định của ông là dập tắt cuộc nổi dậy của quân phiến loạn. Trong một hành động chứng tỏ tinh thần cá nhân và tình đoàn kết quốc gia, một thành viên đảng Dân chủ hàng đầu của miền Bắc Mỹ, ông Douglas, nâng chiếc nón của Tổng thống Lincoln trong lúc Tổng thống đọc bài diễn văn nhậm chức. Trước khi Tổng thống Lincoln ban bố lời hiệu triệu tòng quân, ông Douglas gặp Tổng thống và trịnh trọng cam kết sẽ phục vụ sự nghiệp bảo toàn Liên bang. Trước khi đón nhận cái chết đến vài tháng sau đó, ông Douglas tuyên bố: “Không thể có kẻ mang thái độ trung lập trong chiến tranh. Chỉ có người yêu nước hoặc kẻ phản bội”.

Phản ứng của miền Nam đối với sự kiện pháo đài Sumter, đặc biệt là với lời công bố của Tổng thống Lincoln, cũng mãnh liệt không kém. Nó đến từ cơn bùng phát cảm xúc và quyết tâm chống lại sự áp bức của miền Bắc. Thống đốc Francis Pickens của bang Nam Carolina nói với dân chúng của ông rằng: “Cảm ơn Chúa trời khiến chiến tranh bùng nổ... Chúng ta, hoặc sẽ chinh phục kẻ thù hoặc sẽ hy sinh anh dũng”. Ông Rhett chào mừng làn sóng thù nghịch dâng cao, coi đó là sự thôi thúc người dân miền Nam đoàn kết và tận hiến vì tổ quốc. Ông Davis, trong bài diễn văn nhậm chức của mình trên cương vị Tổng thống lâm thời, đã bày tỏ niềm hy vọng về những mối liên hệ thân tình bè bạn giữa Liên minh miền Nam và Liên bang miền Bắc. “Nhưng nếu thiện ý của chúng ta bị coi thường và chối từ, quyền hạn về lập pháp và lãnh thổ của chúng ta bị vi phạm, chúng ta sẽ kiên định cầu viện tới vũ trang và cầu khẩn chúa trời ban phước lành cho sự nghiệp chính nghĩa này”. Lúc này đây, ông nhắc lại lời tuyên bố của 'Tổng thống Lincoln theo giọng văn của ông, kêu gọi các bang thuộc Liên minh miền Nam triệu tập một trăm ngàn quân và mời gọi những chủ thuyền lớn thành lập những hiệp hội sẵn sàng nhận nhiệm vụ của chính phủ giao để thành lập một “đội quân của biển cả”.

Buộc phải quyết định giữa việc tham chiến để trấn áp những bang li khai hoặc rút lui khỏi Liên bang và gia nhập những bang li khai này, bốn bang thuộc miền đất phía trên của miền Nam tham gia vào Liên minh. Những mối ràng buộc huyết thống và văn hóa với miền Nam đã cho thấy rằng chúng có sức mạnh hơn những mối ràng buộc về chính trị của những bang này với Liên bang miền Bắc. Xét về nhiều khía cạnh, quyết định của bang Virginia là một trong những quyết định tàn nhẫn và chua xót nhất. Người Virginia có tinh thần dân tộc sâu sắc, họ tự hào vì bản thân là hậu duệ của chính những người sáng lập ra nền cộng hòa Mỹ. Ngay từ đầu họ đã lạnh nhạt với ý tưởng li khai. Thống đốc John Letcher chỉ trích gay gắt hành động hấp tấp của bang Nam Carolina. Mặc dù hệ thống lập pháp của Virginia được chỉ định bởi một đại hội đặc biệt cân nhắc con đường sắp tới của bang giữa cuộc khủng hoảng chính trị Hoa Kỳ, thể chế này đòi hỏi phải tuân thủ quyết định: muốn li khai hay không phải được người dân chấp thuận. Ngày 04 tháng 04, bang Virginia đã bác bỏ ý định li khai với số phiếu 85/45. Họ bắt buộc phải tìm kiếm các phương cách kiến tạo một bản hòa ước nhằm cứu lấy Liên bang Hoa Kỳ đang đứng trên bờ vực chia rẽ.

Tuyên bố của Tổng thống Lincoln đã thay đổi toàn bức tranh chính trị Virginia. Thống đốc Letcher chối từ lời kêu gọi thành lập quân đội Virginia. Vào 17 tháng 04 một đại hội được tổ chức. Họ vẫn chờ nghe kết quả của cuộc tấn công pháo đài Sumter. Lúc này số phiếu ủng hộ cho li khai đã là 88/55 phiếu. Ngày 23 tháng 05 là ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Đến thời điểm này bang Virginia chính thức rút khỏi Liên bang, chuẩn y hiến pháp của Liên minh miền Nam, chấp nhận Liên minh các bang miền Nam, tiếp nhận các quân đoàn của quân đội Liên minh miền Nam. Rõ ràng đa số dân chúng đã nghiêng về một thực tế rõ ràng: li khai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:27:47 pm »


Hành động li khai của bang Virginia khỏi Liên bang đã phát động một phong trào li khai trong chính bang Virginia. Các hạt Allegheny và các hạt ở miền Tây nơi có chế độ sở hữu nô lệ và nền nông nghiệp dựa vào các đồn điền, đã phản đối việc li khai của bang này. Khi hành động li khai thành một việc đã rồi, các đại diện của hạt này có một động thái phản đối cực đoan là thành lập một bang mới mang tên Tây Virginia. Năm 1863, bang này đã được chấp thuận là một bang thuộc Liên bang Hoa Kỳ. Đây chính là một nghịch lý trong lòng một nghịch lý: một bang Virginia theo phe Liên minh, sản phẩm của phong trào li khai, lại bị chính các hạt miền Tây của bang ấy chỉ trích gay gắt. Trong lúc chính phủ Liên bang thề sẽ không đội trời chung với những kẻ li khai, lại hoan nghênh và tiếp tay cho nó trong giới hạn của một bang. Cũng như Virginia, các bang khác thuộc lãnh địa phía trên miền Nam lúc đầu cũng lưỡng lự trước động thái li khai, sau đó đã tuân thủ nó. Tất cả các bang này đều phản đối lời hiệu triệu tòng quân của Lincoln. Thống đốc Henry M. Rector thuộc bang Arkansas tuyên bố rằng người của bang ông sẽ bảo vệ bang mình chống lại sự tiếm quyền và xuyên tạc của miền Bắc. Ngày 06 tháng 05 một cuộc họp của bang đã diễn ra nhằm biểu quyết việc li khai. Thống đốc bang Bắc Carolina, John M. Ellis, tuyên bố: bang này sẽ không tham chiến vì tự do của những người đã được tự do rồi. Bang này sẽ chiếm cứ những tài sản của Liên bang tại Bắc Carolina và bắt đầu kêu gọi quân tình nguyện chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ của bang. Ngày 01 tháng 05 đại hội của bang đã nhất trí chấp thuận li khai.

Thống đốc bang Tennessee, Isham G. Harris, tuyên bố: bang của ông sẽ có 50 ngàn quân, không phải để hỗ trợ Tổng thống Lincoln mà để chiến đấu vì quyền tự vệ của bang Tennessee và những bang miền Nam khác. Đầu tháng 05 ông Harris và bộ máy chính quyền đã tham gia vào Liên minh các bang miền Nam. Ông tuyên bố Tennessee độc lập và phê chuẩn hiến pháp của Liên minh. Những hành động đó đều bộc phát dựa trên sự chuẩn y của cuộc trưng cầu dân ý ngày mùng 08 tháng 06. Trong cuộc trưng cầu dân ý ở Tennessee, cũng giống như cuộc trưng cầu dân ý ở Virginia trước đó, đều thiên vị với chuyện đã rồi: li khai khỏi Liên bang Mỹ.

Bằng việc giành được bốn bang thuộc vùng lãnh thổ phía trên miền Nam, Liên minh đã có thêm sức mạnh đủ để nỗ lực tiến đến thành công trong cuộc chiến vì độc lập. Vùng này còn có thêm một số cư dân da trắng ủng hộ nền cộng hòa miền Nam. Tương đương với số dân này là 80% sản lượng công nghiệp. Bang Virginia là một trong những bang quan trọng nhất tham gia vào Liên minh miền Nam, không phải chỉ vì nó có số dân đông và có khả năng sản xuất công nghiệp vững vàng mà còn bởi uy tín và hình ảnh chính trị khá nổi bật trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhà chức trách Liên minh miền Nam tôn trọng quyền thống trị của Virginia và thống nhất rằng: Richmond sẽ là thủ phủ chính thức của Liên minh miền Nam.

Những bang có sở hữu nô lệ ở vùng biên giới phải chịu số phận không được li khai dù hầu hết người dân trong những bang này nuôi dưỡng tình cảm sâu sắc với Liên minh miền Nam. Việc chối từ của hệ thống lập pháp Delaware đối với việc thành lập một đại hội là một vấn đề nổi cộm ở đây. Bang Maryland cũng chia rẽ sâu sắc. Thống đốc Thomas H. Hicks tìm kiếm trong vô vọng đường lối trung lập cho bang này: Hệ thống lập pháp (dù có nhiều thành viên ủng hộ li khai) đã chối từ hiệu triệu một đại hội đặc biệt. Về mặt địa lý, bang này đóng vai trò trọng yếu. Việc rút chân ra khỏi Liên bang sẽ làm cô lập Washington khỏi Liên bang. Hậu quả đã quá rõ ràng. Ngày 09 tháng 04 ban thành lập quân đội Massachusetts hưởng ứng lời hiệu triệu của ông Lincoln đã bị tấn công trên đường phố Baltimore bởi một đám đông ủng hộ dân miền Nam. Tổng thống Lincoln nhanh chóng đình chỉ lệnh đình quyền giam giữ và cho phép các nhà chức trách quân đội bắt giữ rất nhiều người có tình cảm sâu nặng với miền Nam, trong số họ có cả những nhà lập pháp. Đồng thời ông ra lệnh chiếm hữu rất nhiều vị trí trọng yếu về mặt chiến lược của bang này. Nhờ vậy, Tổng thống Lincoln đã chặn trước nỗ lực chính thức dẫn đến hành động li khai của bang này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:28:16 pm »


Nỗ lực mang tính quyết định để có thể li khai đã xuất hiện ở cả hai bang Kentucky và Missouri. Thống đốc bang Kentucky, Beriah Magoffin, và Thống đốc Missouri, Claiborne F. Jackson, là những người chủ trương li khai. Họ bác bỏ lời kêu gọi tổng động viên của ông Lincoln. Nhưng cả hai hệ thống lập pháp của bang này đều từ chối thiết lập đại hội nhằm đưa ra quyết định ly khai. Bang Kentucky đã có lúc nỗ lực giữ quan điểm trung lập nhưng chẳng bao lâu sau bang này đã bị quân đội Liên minh lẫn quân đội Liên bang chiếm giữ. Bang Missouri nhanh chóng chứng kiến cảnh xung đột nội bộ giữa những người theo phe Liên bang và người ủng hộ li khai. Cuối cùng, các hành động li khai đã được chấp thuận và chính phủ Liên minh thành lập nhiều hội nghị ở cả hai bang này. Cả hai bang đã được chấp nhận vào Liên minh. Cả hai bang đều cử đại diện của mình góp mặt trọng hạ viện của Liên minh. Cả hai bang đều treo cờ Liên minh. Nhưng các chính phủ Liên minh của Kentucky và Missouri chỉ đại diện cho ý chí của thiểu số. Và những sự kiện quân sự không lâu sau đó đã khiến cho chính phủ các bang này trở thành “chính phủ lưu vong”.

Bằng cách kiên trì giữ lại những bang có sở hữu nô lệ nhưng nằm ở vùng ranh giới, Liên bang miền Bắc đã giữ được thế cân bằng về lực lượng quyết định kết quả của cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”. Số dân của vùng này, kể cả dân Tây Virginia đã chiếm hơn 40% dân số của Liên minh. Vị trí chiến lược của vùng này có giá trị to lớn. Người ta kể rằng Tổng thống Lincoln đã nhận xét và tuyên bố: dù Chúa trời không ủng hộ cho Liên bang, Liên bang nhất định phải có được bang Kentucky. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ nếu mất bang Kentucky thì cũng gần như ta thua toàn bộ trận chiến. Mất Kentucky, ta không thể giữ nổi bang Missouri hoặc theo tôi cả bang Mayland. Nếu tất cả những bang này chống lại chúng ta... nhiệm vụ đặt lên vai ta sẽ là quá sức. Nếu thế ta sẽ ưng thuận chia rẽ ngôi nhà nước Mỹ ngay lập tức bao gồm cả việc chấp nhận thủ đô thất thủ”.

Liên minh cũng nuôi dưỡng một tham vọng đã có từ rất lâu: bành trướng ra miền Tây Nam nước Mỹ. Những thỏa ước Liên minh với năm quốc gia của người da đỏ đã được “văn minh hoá” của vùng lãnh thổ thuộc người da đỏ được cử đến hạ viện Liên minh và hứa hẹn chính thức chấp nhận những bang da đỏ trong tương lai. Nhiều đơn vị quân đội của người da đỏ phục vụ cho quân đội Liên minh nhưng với một ngoại lệ có một không hai là các hoạt động của cánh quân da đỏ trong Liên minh đều hạn chế ở vùng lãnh thổ của người da đỏ. Những người ủng hộ Liên minh tại khu vực miền Nam vùng lãnh thổ New Mexico đã tự thành lập một vùng lãnh thổ thuộc Liên minh của bang Arizona. Họ cử một đại biểu đến hạ viện của Liên minh và đã nhận được văn bản công nhận chính thức lãnh thổ này. Những lần chiến bại của quân đội vào thời kỳ đầu của cuộc chiến đã phá tan niềm hi vọng của Liên minh tại vùng đất này.

Mùa hè năm 1860, li khai hầu như đã là một sự thật không thể chối cãi. Cả miền Bắc và miền Nam đều thật sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể sẽ kéo dài rất lâu. Khi Tổng thống Liên minh Jefferson Davis tuyên bố ngày 13 tháng 6 là ngày cầu nguyện cho chiến thắng, một đốc công làm việc cho đồn điền ở Louisiana chỉ mới biết đọc và biết viết đã nguệch ngoạc trong nhật kí của ông lời nguyền rủa đáng sợ sau đây: “... Con chân thành cầu nguyện Trúa trời rằng: mỗi kẻ trong chính thể Cộng hòa hắt ám sẽ bị bệnh dịch hạch cả đàn. Đàn ông, đàn bà, trẻ con nào chống đối lại chế độ chiếm hữu nô lệ da đen đã tồn tại tại Liên minh miền Nam sẽ bị rắc rối với thảm họa đủ noại, sẽ phải sống hèn hạ thiếu thốn đồ ăn thức uống, khiến cho hồn không thể đi liền với sác, và con cầu xin Trúa trời dẫn đường cho làn đạn nhắm trúng tim mỗi tên lính miền Bắc đã sâm chiếm đất đai miền Nam, con tin rằng bất cứ đàn ông đàn bà trẻ con nào hỗ trợ cho những kẻ bài lô đều xứng đáng bị đày xuống địa ngục. Cũng như con cầu xin người giúp đỡ cho Liên minh miền lam được đứng vững và chống đối lại ý chí thâm độc đã thể hiện quá rõ ràng. Amen!”.

Còn một bài xã luận của New York Daily Tribune - một tờ báo danh tiếng - viết với những dòng chữ hoa mĩ hơn nhưng ít độc địa hơn: “... Chúng ta phải chinh phục, không chỉ để đánh bại mà còn để chinh phục, nô dịch hóa chúng. Đó là lòng nhân từ cao cả nhất ta dành cho chúng và ta sẽ thực hiện việc này thật sốt sắng. Khi những kẻ phản bội nổi loạn tràn ngập mảnh đất này, chúng sẽ tan rã tựa như lá vàng mùa thu trước cơn gió cuồng phong, vùng đất này sẽ không còn trở lại là mái ấm yên bình và dễ chịu nữa. Chúng nhất định sẽ phải chịu cảnh nghèo đói bên bếp lò nguội lạnh và chịu cảnh thiếu thốn, với những người mẹ phải chua xót nhìn đám con rách rưới”. Chiếc bóng đáng sợ của thần chiến tranh đã hiện ra lù lù ngay phía chân trời!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:29:42 pm »


III
Lệnh tổng động viên và các chiến dịch mở màn
---------------X---------------


Kết quả của cuộc chiến phụ thuộc vào nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần của các bang tham chiến. Nói về số lượng và nguồn lực con người, Liên bang mạnh hơn Liên minh nhiều. Hai mươi ba bang của Liên bang có số dân khoảng 23 triệu. Mười một bang miền Nam chỉ nhỉnh hơn con số chín triệu. 3,5 triệu nô lệ và 132.760 người da đen tự do không được coi là phần của lực lượng vũ trang. Như vậy dân số da trắng xấp xỉ 5,5 triệu. Liên minh chỉ tiếp nhận người da trắng vào quân đội. Theo thống kê, miền Bắc lợi thế về số quân nhân tham chiến với tỉ lệ so với miền Nam là 4 chọi 1.

Những con số này chắc chắn góp phần làm rõ việc đánh giá lợi hại thật sự của cả hai bên. Những bang có sở hữu nô lệ thuộc miền Bắc và những vùng lãnh thổ có người miền Nam định cư như những bang Ohio, Indiana và Illinois cung cấp cho Liên minh miền Nam hàng ngàn binh sĩ. Nhưng những vùng lãnh thổ không trung thành với Liên minh ngay trong lòng miền Nam cũng ủng hộ cho Liên bang con số nhiều không kém. Vùng đông Tennessee ủng hộ Liên bang đặc biệt trao vào tay chính phủ Liên bang sự hỗ trợ về dân sự quan trọng nhất ngay trong lòng biên giới Liên minh. Và rất nhiều “hòn đảo” khác trên khắp miền Nam góp tình cảm sâu nặng với Liên bang đã làm tăng thêm lợi thế này.

Về mặt lao động, người đa đen ở miền Nam đã hỗ trợ to lớn cho Liên minh, đồng thời giúp hàng trăm ngàn người đa trắng rảnh tay yên tâm chiến đấu. Theo tính toán thống kê cả hai bên tham chiến, một số lớn tương đương với số lượng nô lệ và người da đen tự do trong số dân cư miền Bắc đăng lính. Đối chọi với lượng nhân công này nhất định là con số 134 ngàn cựu nô lệ miền Nam cuối cùng đã gia nhập miền Bắc, cộng với số lớn những cựu nô lệ đóng vai trò là công nhân khi họ buộc phải sống trong vùng lãnh thổ sâu trong vùng Liên minh quản lí. Cuối cùng miền Bắc có thể tuyển dụng rất nhiều quân nhân trong số những người di cư đến từ châu Âu trong thời gian xảy ra cuộc chiến. Còn Liên minh miền Nam chỉ thành lập thêm được vài quân đoàn từ nguồn nhân lực này.

Những con số đa dạng trên đây rõ ràng khiến ta không thể đưa ra một tỉ lệ chính xác về sức mạnh thuộc số lượng giữa miền Bắc và miền Nam. Nhưng ta có thể đưa ra một tỉ lệ khá chính xác về mặt lý thuyết để tiên đoán thành công trong cuộc chiến. Lấy cuộc chiến tranh Napoleon làm kim chỉ nam, nhà triết học quân sự người Đức thế kỷ XIX, Karl von Clausewitz, đã viết: “Nếu các mặt khác là cân bằng, số lượng sẽ quyết định chiến thắng trong cuộc chiến... Trong những trường hợp bình thường, nếu có những con số quan trọng vượt trội hơn đối phương, không cần phải quá tỉ lệ hai chọi một cũng đã đủ cầm chắc chiến thắng. Tuy nhiên ở những trường hợp khác không có được tỉ lệ nói trên, việc bất lợi là có thể xảy ra”. Ông cho rằng: Với sự vượt trội về số lượng với tỉ lệ 2,5 đối chọi 1, Liên minh Tây Âu đã có thể đánh thắng người Pháp.

Những lời mở đầu của triết gia Clausewitz được trích dẫn ở trên “mọi mặt khác là cân bằng” đã chỉ ra vô số những cân nhắc khác nữa. Không bao giờ trong chiến tranh mọi mặt khác ngoài quân số lại là cân bằng. Còn trong cuộc nội chiến Mỹ, mọi mặt lại đặc biệt bất cân bằng. Sự mất cân bằng lớn nhất trong khả năng chiến đấu của quân nhân miền Bắc và miền Nam nằm trong số những yếu tố bị triết gia Clausewitz gần như bỏ qua là mặt vật chất nhằm phục vụ cho cuộc chiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:30:30 pm »


Cuộc nội chiến Hoa Kỳ là dấu hiệu báo trước cho nhiều cuộc chiến tranh sẽ xảy ra trong thế kỷ XX. Trong những cuộc chiến ấy ta thấy được cuộc đọ sức giữa các nền công nghiệp, kinh tế và quân đội hai bên. Sự chênh lệch đáng kể nhất về nguồn lực chính là sự vượt trội về nền công nghiệp của Liên bang miền Bắc. Năm 1860, các nhà máy ở miền Bắc sản xuất lượng hàng hóa chiếm 90% hàng hóa xuất xưởng trên toàn nước Mỹ. Chỉ nói riêng về sản phẩm quan trọng cho sức mạnh quân đội thì sự mất cân bằng còn lớn hơn nhiều. Ví dụ, miền Bắc sản xuất lượng vải len và bông gấp 17 lần, giày các loại gấp 30 lần, 20 lần thép làm đường ray, thép tấm và thép xây dựng gấp 13 lần, đầu máy xe lửa gấp 24 lần, vũ khí súng đạn gấp 23 lần, tàu thuyền gấp 11 lần khu vực miền Nam. Liên minh không có nhà máy sản xuất đạn dược, sắt thép, lốp xe hơi hoặc máy may. Và nó không hề có nền công nghiệp nặng, không có các công cụ máy móc để sản xuất máy cho nền công nghiệp nhẹ và các phương tiện chiến tranh. Sau cuộc chiến, những nhà thống kê tại Mỹ đã viết rất sâu sắc như sau: “Chủ yếu do thiếu thốn về nguồn lực và không có sự can đảm, kỹ năng chiến đấu và ý chí sắt thép nên quân nổi dậy đã thất bại”.

Nhận ra điểm yếu về công nghiệp trong vùng, các lãnh đạo miền Nam dựa dẫm chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp để cung cấp vũ khí nuôi chiến tranh. Nhưng nền kinh tế thời bình của miền Nam hoàn toàn dựa vào việc bán các sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là sợi bông cung cấp cho các nhà máy tại châu Âu và miền New England. Trong chiến tranh, thương mại với người châu Âu chính là mục tiêu phong tỏa của miền Bắc và thị trường New England cũng bị đóng cửa. Thực tế, vai trò quan trọng trong thời chiến của nền nông nghiệp đa dạng miền Bắc đối với Liên bang chẳng kém gì khi so với nền nông nghiệp của miền Nam đóng góp cho Liên minh. Các nhà sản xuất thực phẩm dưới dạng ngũ cốc, rau tươi, trái cây, gia súc gia cầm, các nông trại miền Bắc kết hợp với các nhà máy ở miền Bắc cung cấp cho chính quyền Liên bang một nền kinh tế phát huy hiệu quả và cân bằng làm tăng thêm sức mạnh thời chiến của khu vực miền Bắc.

Xét về mặt giao thông, miền Bắc cũng vượt trội. Đầu cuộc nội chiến được coi là cuộc chiến về đường sắt. Một nghiên cứu về cuộc chiến này mang tựa đề rất hấp dẫn: Chiến Thắng Dọc Theo Đường Ray (Victory Rode The Rails). Năm 1860, tổng chiều dài đường sắt tại miền Bắc xấp xỉ 20 ngàn dặm. Chiều dài đường sắt miền Nam tương dương một nửa con số này. Đường sắt miền Bắc hoạt động hiệu quả hơn miền Nam, có kết hợp chặt chẽ giữa các hệ thống đường sắt chính chạy dọc ngang khắp vùng. Người miền Bắc sở hữu đa phần tàu bè của toàn quốc gia. Miền Bắc cũng có nguồn cung cấp xe hàng, sức kéo gia súc và đường bộ tốt hơn. Chiến tranh càng kéo dài, những lợi thế của miền Bắc càng nổi trội.

Lập luận trên đã cho thấy rõ: kết quả cuộc nội chiến là tất yếu nếu nó chỉ dựa hoàn toàn vào quân số và nguồn lực vật chất. Nhưng rõ ràng có một điều còn quan trọng không kém những yếu tố nói trên. Đó là lòng tin vào chiến thắng. Lúc đầu những lãnh đạo Liên minh và hầu hết dân miền Nam đều tin rằng Liên minh miền Nam có viễn cảnh thành công khá chắc chắn. Nhiều học giả ngày nay cũng tán thành quan điểm này. Quân số, vũ khí, thiết bị, nguồn cung cấp và điều kiện vận chuyển chỉ đóng một vai trò nhất định trong bài toán giành chiến thắng. Những lợi thế vô hình của cuộc chiến, như bản chất của mục tiêu gây chiến, tinh thần của dân chúng và các quân nhân, lòng dũng cảm, sức sáng tạo, kỹ năng chiến đấu và khả năng truyền cảm hứng của những lãnh đạo dân sự và quân sự cũng đóng góp phần không thể thiếu vào kết quả. Lúc mới đầu, đây là yếu tố Liên minh miền Nam chiếm ưu thế.

Mục tiêu chiến tranh của Liên minh, nhằm kiến tạo nền độc lập cho miền Nam, dễ dàng mang lại ý thức cho quân nhân miền Nam hơn là mục tiêu chiến tranh miền Bắc. Mục tiêu của miền Bắc là ngăn cản miền Nam độc lập. Liên minh miền Nam có mục tiêu đơn giản: tự bảo vệ sự tồn tại của mình là đủ. Miền Bắc có thể đạt được mục tiêu chỉ bằng cách hủy hoại ý chí của dân chúng miền Nam thông qua xâm lấn và chinh phục. Mục tiêu của Liên minh miền Nam cụ thể hơn, rõ ràng hơn là khơi lên ý thức bảo vệ miếng cơm manh áo thiết thực của từng người dân. Điều này hấp dẫn đại đa số người da trắng miền Nam không cần họ thuộc tầng lớp nào, điều kiện sống ra sao hoặc quan điểm của họ về li khai hoặc vấn đề nô lệ như thế nào. Mục tiêu của Liên bang miền Bắc trừu tượng. Nó đòi hỏi phải có nỗ lực to lớn, sự hy sinh và chịu đựng gian khổ. Đồng thời không thể ngay lập tức giành được kết quả trông thấy mà chỉ có thể đảm nhận được mục tiêu ấy nếu có tinh thần yêu nước. Chỉ có thế mới bảo toàn được Liên bang.

Về mặt chiến lược, chiến thuật, ít nhất là về lý thuyết, bản chất của mục tiêu chiến tranh khiến dân chúng sẽ ủng hộ miền Nam. Để tổ chức các cuộc tấn công, Liên bang sẽ phải cần nhiều lính, vũ khí, và quân trang quân dụng hơn là những hoạt động tự vệ của Liên minh miền Nam. Khi quân lực của Liên bang tiến sâu vào miền Nam, con đường họ phải đi rõ ràng dài hơn khó khăn hơn, dễ bị phản công hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:31:05 pm »


Khi cân nhắc về một cuộc chiến tranh tự vệ, Liên minh miền Nam được lợi thế “đá bóng trên sân nhà”. Như vậy đường đi ngắn hơn. Thông thường, lợi thế này giúp lực lượng quân đội chiến đấu dễ dàng hơn ở những địa điểm có xảy ra giao chiến. Loại súng hỏa mai ngày càng phổ biến và độ chính xác ngày càng cao, tăng thêm sức mạnh tự vệ ở địa điểm cố định và gia tăng thiệt hại trong các cuộc tấn công. Người ta kể rằng Tướng Liên minh P. G. T. Beauregard, khi trình bày ý kiến của riêng mình về cách Liên minh phải chiến đấu thế nào trong chiến tranh đã nói: Không có dân tộc nào trên thế giới từng nổi dậy giành độc lập lại có những lợi thế lớn hơn miền Nam khi ấy.

Vào thời điểm chiến tranh chỉ còn là chuyện một sớm một chiều, chính phủ Liên bang và Liên minh đã có được lực lượng quân đội hùng hậu, huấn luyện kỹ càng, trang bị đầy đủ và quân số gia tăng để phục vụ cho mục tiêu của họ. Cả hai chính phủ đều làm như vậy theo một cách tương đồng. Nhưng vẫn có những khác biệt nổi trội khi chiến tranh bùng nổ, quân đội thường trực của Liên bang Mỹ phần chính yếu đã được phân công tản mát bảo vệ biên giới phía Tây, chỉ còn 16.402 binh lính thuộc mọi cấp bậc. Hầu hết những quân nhân này quyết định ở lại phục vụ chính quyền miền Bắc. Nhưng 313 sĩ quan trong số ấy, gần 1/3 tổng số sĩ quan quân đội, đã từ bỏ sứ mệnh được Liên bang Mỹ giao cho và gia nhập quân Liên minh. Nhóm này bao gồm một số đông những sĩ quan tài năng, cấp cao nhất của một quân đội đã từng lừng lẫy trong quá khứ. Nói chung, Liên bang chỉ còn giữ lại vài đơn vị trong số các quân nhân thường trực. Các sĩ quan đã bắt tay với Liên minh miền Nam, được Liên minh giải ra khắp quân đội nhằm hình thành một lực lượng nòng cốt, nhờ đó, vực toàn bộ quân nhân thuộc Liên minh miền Nam chiến đấu hiệu quả hơn.

Lời kêu gọi nhập ngũ đầu tiên của Tổng thống Lincoln nói rõ thời gian phục vụ quân ngũ chỉ kéo dài ba tháng. Nhưng khi hạ viện nhóm họp trong một buổi đặc biệt vào ngày 04 tháng 07. Hạ viện đã cho ông quyền kêu gọi và động viên 500 ngàn quân nhân phục vụ trong thời hạn ba năm. Các bang đều được giao nhiệm vụ cụ thể về quân số tính theo tỉ lệ mật độ dân cư. Cần thành lập các quân đoàn tình nguyện cùng làm nhiệm vụ của các bang. Phương pháp thông thường là tìm một công dân xuất chúng để tổ chức một quân đoàn và kêu gọi người tình nguyện. Những người tình nguyện này sẽ bầu ra sĩ quan chỉ huy họ ở cấp đại đội (trung úy và đại úy). Những sĩ quan ấy lại bầu ra sĩ quan cấp cao hơn (thiếu tá, trung tá và đại tá). Tổng thống sẽ chỉ định những sĩ quan cấp tướng mặc dù các thống đốc bang thông thường gây tác động lớn đến những quyết định bổ nhiệm này. Sau một thời gian ngắn tập luyện cơ bản, quân đoàn ấy sẽ được tham gia vào đội quân chính thức của Liên bang.

Liên minh miền Nam gây dựng quân đội cũng với cách giống hệt như vậy. Một sự khác biệt đáng chú ý nhất là: 100 ngàn quân lúc đầu được Tổng thống Davis huy động chỉ gia nhập quân đội với thời hạn 12 tháng. Vào tháng 05, hạ viện Liên minh được trao quyền tuyển mộ thêm 400 ngàn lính nữa. Các bang nhận lời kêu gọi gây dựng và trang bị cho đội ngũ dân quân và các quân đoàn tình nguyện. Sau khi được trang bị và huấn luyện, họ sẽ tham gia vào quân đội chính thức của Liên minh. Cá nhân người tình nguyện được quân đội Liên minh chấp nhận trực tiếp vào đội quân chính thức của mình, mặc dù sau đó họ sẽ được cử về các đơn vị của từng bang. Một loạt những điều luật của hạ viện gây hoang mang khiến cho thời gian phục vụ quân ngũ cũng khác nhau. Tùy theo các bang dự đoán chiến tranh sẽ kéo dài bao lâu để định ra thời gian quân nhân phục vụ trong quân ngũ. Có thể là ba năm, một năm, sáu tháng hoặc một thời gian dài không hạn định. Mãi đến tháng 01 năm 1862, thời hạn phục vụ quân ngũ của mọi quân nhân hay người tình nguyện của các bang mới được định đoạt là ba năm; hoặc chiến tranh kéo dài bao lâu phải phục vụ bấy lâu. Quân nhân của Liên minh không chỉ bầu ra các sĩ quan đại đội. Họ cũng có quyền được bầu nhiều sĩ quan cấp cao khác.

Trong nỗ lực khẩn trương trang bị vũ khí và quân trang quân dụng cho hàng ngàn binh lính sắp gia nhập quân đội, hai chính phủ đã đặt hàng cho những doanh nghiệp tư nhân đồng thời cử đại diện ra nước ngoài mua vũ khí, khí tài. Liên bang đặt một số lượng hàng lớn chưa từng thấy cho những xưởng đúc vũ khí. Một trong những cơ sở quan trọng ấy là xưởng đúc Springfield thuộc bang Massachusetts. Xưởng này đã cung cấp 1 triệu 600 ngàn súng hỏa mai trong suốt cuộc nội chiến. Lúc đầu, Liên minh (không hề có nhà máy sản xuất đạn dược tư nhân nào) buộc phải dựa dẫm khá nhiều vào các hợp đồng mua bán nước ngoài và vào số vũ khí chiếm được tại các kho đạn dược của Liên bang trên lãnh thổ miền Nam. Người tình nguyện của Liên minh đôi khi buộc phải tự đi kiếm vũ khí cho mình. Vì thế rắc rối đã nảy sinh: đủ loại vũ khí không đồng bộ xuất hiện trên khắp các quân đoàn. Đồng thời, kỵ binh và pháo binh của quân đội Liên minh cũng phải tự sắm ngựa cho riêng mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:32:18 pm »


Đầu mùa hè năm 1861, Tổng thống Lincoln quyết định mở một cuộc tấn công Liên minh. Khi viên tướng đã có tuổi, Winfield Scott, người có vốn hiểu biết sâu sắc về chiến lược chiến thuật, đề nghị tổ chức một cuộc xâm lấn trên rất nhiều mặt trận với số quân lên tới 300 ngàn người cùng với kế hoạch phong tỏa đường biển lâu dài, ông đã bị chỉ trích gay gắt. Kế hoạch của ông được đặt cho cái tên lóng “kế hoạch rắn cuộn mồi”. Một kế hoạch bóp nghẹt chính quyền Liên minh cho tới khi không thể trụ nổi như một con trăn cuộn chặt lấy con mồi.

Lincoln bác bỏ kế hoạch của Scott coi đó là nặng nề và chậm chạp, đặc biệt là khi so sánh với thời gian mãn hạn của những người tình nguyện ra quân đội. Chỉ vì tướng Scott sáng suốt và tính toán chuẩn xác hơn bất cứ ai ở thời điểm đó nên Tổng thống Lincoln có lẽ đã không còn nghe theo ai ngoài dân chúng tại miền Bắc đòi hỏi phải có một chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh với ít thương vong nhất.

Tổng thống Davis bác bỏ mọi đề nghị xâm chiếm nhanh chóng miền Bắc. Thay vào đó ông quyết định thực hiện cuộc chiến tranh tự vệ. Ông gọi nội chiến là cuộc chiến vừa tấn công vừa phòng thủ. Theo ông, chiến lược chung của Liên minh sẽ là phòng thủ, và đẩy lùi cuộc tấn công của các lực lượng miền Bắc. Đồng thời phản công khi nào có thể. Với quyết định đó, ông đã bị rất nhiều người trong chính phủ Liên minh, toàn những nhân vật xuất chúng, chỉ trích gay gắt. Trong số họ có thống đốc bang Virginia, Henry A. Wise, và ông Robert Barnwell Rhett. Họ đã chỉ trích vì ông đã không thể biến chiến tranh thành một đòn mạnh làm kẻ thù khốn đốn.

Ngày nay, nhiều người nghiên cứu cuộc chiến này đã tán thành lời chỉ trích chiến lược phòng thủ của Liên minh. Họ lập luận rằng: một cuộc chiến tranh lâu dài sẽ khiến các nguồn nội lực miền Nam cạn kiệt và miền Nam sẽ thất bại. Ông T. Harry Williams cũng giữ quan điểm này. Ông E. Merton Coulter viết rằng: chiến tranh phòng thủ “là thảm họa và tiêu diệt nhuệ khí” của dân chúng. Nhưng các học giả nghiên cứu về quân sự đồng tâm nhất trí ủng hộ quyết định của Tổng thống Davis. Ông Clausewitz từng nói: “phòng thủ là hình thức tham chiến mạnh hơn”. Ngày nay một nhà phê bình xuất sắc người Anh, tướng J. F. C. Fuller, khi bàn về tài lãnh đạo của Liên minh miền Nam, thú nhận rằng: phòng thủ là chiến lược vững bền nhất khả thi nhất đối với Liên minh.

Lúc đầu Tổng thống Davis chấp nhận một chính sách bảo vệ lãnh thổ bằng cách chia Liên minh thành tám phần. Mỗi phần có quân đội riêng và đều phòng thủ chống lại sự xâm lăng của miền Bắc. Không nhân nhượng với kẻ thù từng tấc đất. Chiến lược này đã mở ra một làn sóng chỉ trích mới bởi nó làm phân tán lực lượng quân sự của Liên minh. Như vậy đã vi phạm những nguyên tắc về chiến lược thiêng liêng trong việc thống nhất về mệnh lệnh và tập trung nguồn lực thời chiến. Tổng thống Davis biết rõ những nguyên tắc này, Nhưng ông cũng biết rõ bản chất tư tưởng người miền Nam đều đòi hỏi phải có sự bảo vệ từng địa phương. Ông lập luận rằng: một chính sách quân sự tập trung (mặc dù thông thường là điều nên làm) không thích hợp với những hoàn cảnh cá biệt mà Liên minh đang phải đối mặt.

Tổng thống Davis buộc phải đổi chính sách chiến lược của ông khi chiến sự ngày càng trở nên ác liệt. Tháng 02 năm 1862, ông lập luận thất bại của quân Liên minh tại các pháo đài Henry và Donelson ở Tennessee và đảo Roanoke trên bờ Đại Tây Dương như là hậu quả của nỗ lực bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của Liên minh. Dần dần ông chuyển dần sang một chính sách tập trung phần lớn quân đội của Liên minh với các cánh quân chủ lực nhưng ông vẫn giữ tổ chức quản trị theo phòng ban. Không bao giờ ông hoàn toàn tuân theo nguyên tắc phòng thủ các vùng lãnh thổ.

Cả hai phía đều phụ thuộc chủ yếu vào lý thuyết chiến lược chiến thuật học được từ học viện quân sự Hoa Kỳ và bài học thực tế từ chiến tranh Mehico mới xảy ra. Các sĩ quan cấp cao của cả hai phía đều tốt nghiệp học viện này và đều là cựu chiến binh của cuộc chiến với Mehico. Họ đều áp dụng chiến lược West Point, và sau này áp dụng những chiến lược của Baron Antoine Henri Jomini, một trong những tướng tài của vua Napoléon.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:33:07 pm »


Mặc dù rõ ràng không có sĩ quan nào trong cuộc chiến này là học trò trực tiếp của Clausewitz. Ngày nay người ta coi ông là một trong những nhà tư tưởng sâu sắc nhất về bản chất của chiến tranh. Những ghi chép của ông vẫn được sử dụng đánh giá chiến lược chiến thuật trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn tại Mỹ. Clausewitz chống lại Napoléon nhưng lại rút ra nhiều ý tưởng từ sự suy ngẫm về các chiến dịch do Napoléon tiến hành. Ông Clausewitz định nghĩa chiến tranh tức là làm chính trị bởi một phương tiện khác: quân đội. Ông nói chìa khóa đến với chiến thắng nằm trong việc tấn công vào chính trung tâm nguồn lực của kẻ thù. Ta có thể làm theo nhiều cách, bao gồm cách chiếm cứ trụ sở của bang, hoặc thành phố thủ đô, hoặc các vùng lãnh thổ có vị trí trọng yếu, hoặc làm tiêu hao nguồn lực về người và về của, khiến đối phương không thể chịu đựng được. Tuy nhiên phương tiện tối thượng để đạt đến thành công là thông qua hủy diệt quân đội chủ lực của kẻ thù.

Ông Clausewitz đã giảm thiểu nét độc đáo các nguyên tắc của ông Jomini, đồng thời nhấn mạnh đến bạo lực, tính phi lý, cơ hội gây hoang mang và tình trạng khó kiểm soát (bất hòa) trong chiến tranh. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự sáng suốt, dũng cảm, cầu tiến, ý chí, chủ động và tính cách của nhà lãnh đạo. Ông viết: “việc thiên tài làm nhất định phải là thực hiện tốt nhất mọi luật lệ, và lý thuyết không thể sánh được cách thực hiện và lý do hành động”. Cuộc nội chiến đã cho ta những minh chứng sống động cụ thể về các nguyên tắc được ông Clausewitz và Jomini đề ra. Cuộc chiến này cũng phát triển một hệ thống các quy tắc về chiến lược chiến thuật của riêng nó.

Khi các hoạt động chuẩn bị cho chiến tranh vẫn đang tiếp tục, Liên minh cũng đồng thời tự hoàn thiện thể chế chính trị chính thức của mình. Hiến pháp chính thức đã được chuẩn y vào tháng ba năm 1861 trong đại hội Montgomery và ngay lập tức được phê chuẩn bởi các bang ly khai. Các cuộc bầu cử xảy ra vào tháng 11 để bầu ra thành viên quốc hội và Tổng thống cùng phó tổng thống. Thiếu vắng các đảng phái chính trị và các ứng cử viên Tổng thống đối lập, ông Davis và Stephens đã được nhất trí bầu làm thủ tướng chính thức với thời hạn sáu năm. Lúc đó để đề cao một minh chứng nhằm thúc giục bang Virginia li khai, tháng 07 chính phủ Liên minh đã chuyển thủ đô từ Montgomery tới Richmond.

Những đặc điểm chính của chính sách Liên minh đã dần hình thành ngay cả khi chính phủ Liên minh vẫn chỉ là chính phủ lâm thời. Mặc dù ông Davis và các thành viên của đại hội đều là những người ủng hộ quyền các bang, dù trước chiến tranh họ chỉ là đại diện chính trị cho miền Nam, giờ đây họ sùng bái chủ nghĩa dân tộc miền Nam. Họ muốn tạo thành một cái cớ để bảo vệ cho Liên minh. Sở dĩ ông Davis và các nhân vật quan trọng khác làm vậy vì họ đều xuất thân từ miền Tây Nam mới được mở mang. Ở đây tinh thần đoàn kết cục bộ được coi trọng hơn lòng trung thành đối với tổ quốc. Hoặc có thể nó là kết quả (theo lời gợi ý của các giáo sư Herman Hattaway và Archer Jones) của kinh nghiệm chiến đấu trước kia của ông Davis với quân đội Hoa Kỳ.

Tổng thống Davis sáng suốt nhận ra rằng: ý thức dân tộc của người miền Nam là mới hình thành và chưa được thấm sâu trong dân chúng. Nhất định tinh thần này sẽ được phát triển trong chiến tranh. Ông đã từng phát biểu trong một bài diễn văn trước đây: “Sau khi hồi tưởng lại cuộc chiến vĩ đại, với những truyền thống vinh quang, với hy sinh và đổ máu, sẽ là sự kết nối hòa hợp, làm sâu sắc thêm tình cảm giữa đồng bào, làm tăng thêm tình đoàn kết khi đưa ra các kế sách, làm sâu sắc thêm tình huynh đệ và nỗ lực trong chiến tranh”. Ông đã kết hợp tinh thần dân tộc miền Nam với quyền các bang bằng cách bác bỏ quyền ép buộc, áp đặt cho một bang của chính phủ Liên minh. Ông nói, mối liên kết miền Nam phải được nuôi dưỡng từ “những cảm xúc, chính sách và mối quan tâm”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM