Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:07:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chúng tôi!.."Lính Lục Kè"  (Đọc 312777 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Brest
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 841



« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 08:11:37 pm »

Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung đoàn 174 - Đoàn Cao Bắc Lạng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh tổ chức đúng ngày thành lập trung đoàn 19-8 . Đó là một buổi họp mặt không hoành tráng, nhưng ấm áp tình đồng đội. Ra đời trên chiến khu Việt Bắc từ những năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 phần lớn là con em của đồng bào các dân tộc 3 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Phiên hiệu 174 cũng là số hiệu của 3 tiểu đoàn 72 (Cao Bằng), 74 (Bắc Kạn) và 28 (Lạng Sơn) cộng lại. Vì thế, Bác Hồ và Trung ương đã đặt cho trung đoàn mật danh là Đoàn Cao Bắc Lạng. 60 năm qua đã có hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước tham gia chiến đấu và xây dựng trung đoàn. Và, mỗi giai đoạn lịch sử, những người lính - bộ đội Cụ Hồ ấy, bằng máu xương của mình đã viết lên truyền thống của trung đoàn 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân này. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc (5 Phúc), nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 thời sau chiến tranh chống Mỹ là một người như thế. Tập kết ra Bắc sau 1954 được đào tạo cơ bản về pháo binh, Nguyễn Hồng Phúc trở lại chiến trường miền Nam từ 1961. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đang làm Trưởng ban tác chiến sư đoàn ông được điều về nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174. Ấy là lúc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đang nổ ra. Tôi gặp ông trong một lần đi kiểm tra bộ đội huấn luyện dưới chân núi Thị Vải. Vị thủ trưởng trung đoàn mới về có dáng cao cao, mái tóc hoa râm, nhanh nhẹn với lời lẽ khúc chiết, dứt khoát đã cuốn hút tôi. Là sĩ quan cấp dưới, sau này là người ghi chép các sự kiện lịch sử của trung đoàn, tôi đã hiểu được phần nào tình thế của trung đoàn lúc ấy. Đúng là trong những bước đường xây dựng và phát triển của trung đoàn, giai đoạn ông Năm Phúc về làm trung đoàn trưởng là một trong những giai đoạn khó khăn, thách thức nhất. Đất nước thống nhất, theo chủ trương của trên, những người lính trận như Thanh và Ẩm được rời quân ngũ trở về địa phương. Quân đội chỉ giữ lại một số ít lực lượng và khung thường trực (KTT) làm nhiệm vụ huấn luyện quân dự bị sẵn sàng chiến đấu. Đùng một cái, biên giới có sự lộn xộn. Kẻ thù không ai xa lạ, là những người vốn là đồng chí. Họ gây ra thảm họa ở Ba Chúc, Xa Mát - Thiện Ngôn. Cấp trên ra lệnh cho ông điều lực lượng ra biên giới. Trung đoàn lúc ấy chỉ còn vài trăm lính chiến, số còn lại toàn là lính mới “tò te” vừa nhập ngũ theo chế độ nghĩa vụ quân sự. Không biết giải quyết ra sao, từ Thị Vải ông dẫn theo một sĩ quan tác chiến phóng xe lên Gia Tân - Gia Kiệm, nơi Tiểu đoàn 5 đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Gặp tiểu đoàn trưởng Bùi Đức Trần ( Năm 80 là Trung đoàn trưởng), ông chỉ thị: “Nhanh chóng tổ chức cho đơn vị ra chiến đấu ở biên giới”. Tiểu đoàn trưởng Trần bối rối: “Báo cáo trung đoàn trưởng hết quân rồi. Chỉ còn hơn 100 đồng chí đã nhận giấy giải ngũ. Ngày mai anh em lên đường ra Bắc”. Không còn cách nào khác, ông nói: “Thôi đành vậy, động viên anh em ở lại. Biên giới có giặc hãy gác việc nhà, ra trận”. Hơn 100 con người đã cầm sẵn quyết định giải ngũ về với cha mẹ, vợ con lại khoác ba lô ra trận. Và, trong số họ, hàng chục người đã không bao giờ trở về. Lại thêm một lần nữa, họ dấn thân và hy sinh vì đất nước. Có phải thế không, mà hôm nay, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống trung đoàn, tướng Phúc nói về đồng đội mà như ông đang khóc. Ông bảo, lúc ấy chiến sĩ mới hầu hết là học sinh, thanh niên mới lớn vào bộ đội, chưa kịp huấn luyện gì đã phải ra trận. Và, như các đồng chí biết đấy làm sao tránh khỏi tổn thất. Họ đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân. Lại thêm một lần nữa, tôi không sao cầm được nước mắt khi nghe tướng Phúc nhắc lại kỷ niệm thời chiến tranh. Cũng chính vì sự hy sinh của những người lính gắn với những chiến công của họ mà 3 năm sau, năm 1979, trung đoàn được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Phía sau những tấm huân chương là máu xương của biết bao những người con ưu tú - những đồng đội thân yêu của chúng tôi.

link của bài viết:http://www.baomoi.com/Info/Ky-uc-trung-doan/121/3114254.epi

Thêm một bài nữa về Trung đoàn 174 www.cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2010/9/136380.cand

Ngày 19/8/1945, Trung đoàn 174 được thành lập cùng với Đại đoàn 308 và Trung đoàn 209, đây là những đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội ta ra đời đi tiên phong trên con đường vận động chiến. Trung đoàn 174 được hình thành từ 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 72 (Bắc Kạn), Trung đoàn 74 (Cao Bằng) và Trung đoàn 28 (Lạng Sơn) do Chu Huy Mân làm Chính ủy - Bí thư Trung đoàn ủy.

Chiến công đầu của Trung đoàn 174 ngay sau khi được thành lập là trận đánh phục kích địch trên con đường số 4 đã làm tê liệt, cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của địch từ xuôi lên Việt Bắc. Diệt 200 tên lính Âu - Phi, bắt sống 60 tên, phá hủy trên 50 xe. Có 16 xe tăng và trên 300 tên địch bị thương. Chiến công đầu của Trung đoàn điều quan trọng là cán bộ, chiến sĩ được giáo dục, quán triệt, xây dựng quyết tâm, chuẩn bị chu đáo trước trận đánh, mở đầu truyền thống "đã đánh là thắng, thắng ngay trận đầu".

Đầu năm 1950, Trung đoàn phát huy truyền thống "Đánh thắng trận đầu", tổ chức trận đánh lớn diệt khoảng 5.000 quân Tưởng thuộc quân đoàn do tướng Bạch Sùng Hy chỉ huy, số còn lại tháo chạy, bị quân ta truy kích, bắt liên lạc với giải phóng quân Trung Quốc, hai bên phối hợp chiến đấu thắng lợi diệt khoảng 1.000 tên, bắt đầu hàng trên 4.000 tên địch. Sau trận chiến đấu oanh liệt này, Trung đoàn 174 trở về Nước Hai - Cao Bằng đón xuân mừng chiến thắng làm lễ ra mắt tại bản Nà Niên, Đức Long, Hòa An, Cao Bằng.

Một sự kiện đáng ghi nhớ, vinh dự, tự hào là Trung đoàn 174 được Đảng, tổ chức tin yêu giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ đi Trung Quốc, Liên Xô (cũ) qua biên giới Cao Bằng; vinh dự được làm nhiệm vụ bảo vệ các đoàn nước ngoài đến Việt Nam qua biên giới Cao Bằng. Tháng 6/1950, Trung đoàn 174 có vinh dự cùng với Đại đoàn 308, 4 Tiểu đoàn 209, 426, 428 và 888 - đây là những đơn vị chủ lực của Bộ tham gia chiến dịch Biên giới; thực hiện tư tưởng của Bác Hồ: Đánh tiêu diệt Đông Khê, Thất Khê; đánh địch ứng cứu lên Đông Khê rồi đánh vào Thất Khê, đánh địch ở Cao Bằng.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Chín, 2010, 08:23:52 pm gửi bởi Brest » Logged

Bài ca tôi không quên, tôi không quên đất rừng xứ lạ..
Bài ca tôi không quên, tôi không quên những người đã ngã..
VietPo`Lut´
Thành viên
*
Bài viết: 397


Bé bé bồng bông


« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 07:10:50 am »

Các bác các chú cho phép cháu thay mặt ông nội ké vào 1 chút. Ông cháu trước cũng ở E174 thời đánh Pháp. Lúc đánh ĐBP thì ông là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Quân Y. Sau này cháu hay nghe ông kể chuyện đánh ĐBP, lúc mình đánh được đồi A1 và bắt sống tướng Đờ Cát thì ông ở dưới hầm phẫu lên, nhìn thấy tù binh bị bắt đi kín các con đường trong lòng chảo Điện Biên. Ông cũng hay nhắc tới trận Đông Khê, Thất Khê, trận tiêu diệt tiểu đoàn (trung đoàn) Lơ Pa - Sác Tông vì ông trực tiếp chăm sóc tù (thương) binh tại trận đó. Sau này ông có theo F316 sang Lào 1 thời gian ( cháu không nhớ được chính xác là lúc này ông còn ở 316 hay không ) và làm viện trưởng viện Na Vít ( Đa Vít ) chuyên chăm sóc cho mấy ông Cốp Lào ở Sầm Nưa , Xiêng Khoảng. Nay cháu mong các chú kể thật nhiều về E174 để cháu có thể hiểu rõ hơn về truyền thống của Trung Đoàn 2 lần AH mà ông đã có thời gian dài phục vụ. Chúc các chú sức khỏe và viết đều tay cho lớp trẻ bọn cháu hiểu rõ thêm về truyền thống cũng như sự gian khổ vất vả mà thế hệ ông cha đã trải qua
Logged

Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi thuộc về Viêt Nam                  Paracel Island and Spratly Island is belong to Viet Nam                 Paracel Inseln und Spratly Inseln gehoeren zu Viet Nam
sapaco
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 847


« Trả lời #12 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 07:22:15 am »

topic lính lục Kè đã lên trang là phải khác chứ, hôm nay cũng đã góp mặt những cựu binh thời thành lập, rồi những trận đánh mang tầm lịch sử đã thể hiện, rồi tiếp có thêm 174 của F 316, những trang sử vẽ vang của E anh hùng sẽ được thể hiện trên topic này, hãy nổ súng lên trên đều các mặt của những người lính hiện tại và những kinh nghiệm san sẽ của những lớp cựu cựu chiến binh anh hùng. hãy tiếp đạn nhanh và nổ dồn dập hơn các đ/c ơi.
Logged
nguyenminhson356
Thành viên
*
Bài viết: 228



« Trả lời #13 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 07:43:40 am »


@Nguyenminhson356:
- E174/f316 chắc là đv mới được thành lập sau này. Còn E 174 bọn em thời BGTN thuộc đội hình f5/qk7.
Tiền thân nó là Trung đoàn Cao Bắc Lạng, một trong những trung đoàn đỏ( được thành lập ở chiến khu Việt Bắc) đầu tiên của QDNDVN. Trung đoàn đã được phong danh hiệu Anh Hùng 2 lần. Sau đợt rút quân 89, Trung đoàn tách khỏi đội hình f5, về trực thuộc tỉnh Đội Tây Ninh nằm trấn giử biên giới.
---------------------------------------------------------------------------------------
     Vâng em nhầm với E174 của F316, QK2 thì ra các bác ở tận QK7 cơ à? Mà không biết đơn vị nào được thành lập trước các bác nhỉ, đơn vị thành lập sau thấy tên phiên hiệu của đơn vị trước đẹp quá cũng đặt theo luôn... Huh
Logged

Một ba lô, cây súng trên vai.
Người chiến sĩ quen với gian lao...
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 08:59:51 am »

Xét theo phả hệ thì  e 174/f5 là con của e 174 /f316
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
dksaigon
Thành viên
*
Bài viết: 1027


« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 09:55:11 am »

Theo các đàn anh chống Mỹ và các cụ từng ở 174, 88... ( QK7 ) và theo các tài liệu, thì 174 chủ lực miền là 174(A) vì bê nguyên vào nam ( đọc sử các E này giờ thấy đứt cái mắt xích giai đoạn vào nam các năm 6x...! ).

Mà chuyện tái lập một đơn vị truyền thống thì quá đúng thôi nhưng bản thân đơn vị đó cũng có anh, em cùng một tên giờ ở 1 sư khác của 1 QK, QĐ khác do hoàn cảnh lịch sử của quân đội ta thì cũng đâu thấy gì có lấn cấn, các bác nhỉ?! Cheesy ( nhưng người chép sử của các E đó có lẽ là người đời sau, người cũ đương chức nào còn ai, nên hình như cũng có soạn theo cảm tính và vì một lý do gì đó biết... chết liền?!  Cheesy  Cũng như giờ nghe trên TV vừa rồi nói về sư 9 nhắc đi nhắc lại về truyền thống Bình Giả, Đồng Xoài... nhưng chỉ đến 1975 là chấm hết, giờ thì huấn luyện tốt, sẵn sàng chiến đấu, chống diễn biến hòa bình tốt...! đoạn BGTN, chiến trường K thì người đời sau nghe như không có!  Shocked )
Cũng có đơn vị như F303 đoàn Phước Long ra bắc 79 rồi ở ngoài đó luôn nhưng người chép sử của sư vẫn nói đầy đủ gốc gác miền đông, truyền thống của mình ( có lẽ vì những người cũ vẫn còn?! Grin )

Quân đội ta là một, ấy vậy nhưng vẫn... đơn vị tao, sư tao... " ngon " hơn đơn vị mày nhiều ! Grin
Logged
sapaco
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 847


« Trả lời #16 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 11:22:21 am »

cái gì đi chăng nữa, Quân đội ta từ nhân dân mà ra, sẵn sàng hy sinh vượt bao gian khổ, chiến đấu vì sự Độc lập tự do cho dân tộc, cái để truyền đạt lại cho những lớp đi sau là kinh nghiệm, là bản lĩnh của những ngày còn trong quân ngũ, E 174 có một hay 2,3 E 174 đi chăng nữa, thì có những lối đánh phù hợp với từng đội hình của F đó. E 174 của F 5 khi đánh BGTN là E có lối đánh khó chịu nhất mà pốt kính nể và e dè khi đụng 174, vì lẻ đó E 174 đón nhận Danh hiệu Anh Hùng LLVT lần 2 vào năm 1979 tại K, vậy E 174 nào nhận lần 1 và vào năm nào tại đâu ? cái lối đánh thọc sâu vu hồi và chốt chặn đòi mỗi một cán bộ chiến sĩ E phải có một sức khỏe thật tốt, tinh thần thép... vì thế khi còn là một học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 ban toán lý, sau khi huấn luyện và được bổ sung cho D 4, e 174, f 5 ngày 01/10/1978. ae nào về E cùng đợt xin hảy lên tiếng và cùng nhau mạn đàm về E anh hùng của mình, hãy nổ sún lên các đ/c ơi.
Logged
poipet1979
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 724


« Trả lời #17 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 03:03:36 pm »

    Đây là vài tư liệu của E trích ra từ sử F316:(không hiểu copy như vậy có phạm luật không có gì thông cảm nhé)  Bài viết của thành viên : kien098
Trung đoàn 174 còn gọi là trung đoàn Cao - Bắc - Lạng ra đời đúng vào ngày toàn dân tưng bừng kỷ niệm lần thứ tư ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19-8- 1949) tại xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, một địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Từ sau chiến thắng Việt Bắc năm 1947, trên thực tế, trung đoàn đã bước đầu được hình thành về mặt tổ chức, song do hoàn cảnh chiến liên tục nên mãi tới tháng 8 năm 1949 mới có điều kiện tập trung đoàn đơn vị để làm lễ chính thức thành lập.

Trung đoàn với con số 174 không phải chi là con số cộng giản đơn các phiên hiệu 74 + 72 + 28 của 3 trung đoàn sinh ra trên 3 tỉnh Cao Bàng, Bắc Cạn, Lạng Sơn mà là sự chung đúc, tổng hợp về tinh hoa và truyền thống, sự chan hòa về tình nặng nghĩa sâu mà nhân dân 3 tỉnh gửi gắm cho Đảng và quân đội qua những con em ruột thịt của mình.

Trung đoàn 174 được thành lập trên cơ sớ hợp nhất lực lượng của 3 trung đoàn thuộc 3 tỉnh(1), tiểu đoàn 73 trung đoàn 74 (Cao Bằng), tiểu đoàn 55 trung đoàn 72 (Bắc Cạn), tiểu đoàn 386 trung đoàn 28 (Lạng Sơn). Sự ra đời của trung đoàn 174 có ý nghĩa quan trọng và là một thắng lợi trong việc xây dựng bộ đội chủ lực của Đảng ta lúc bấy giờ. Ngay sau khi thành lập, trung đoàn được đặt dưới sự chi huy trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh.

Để đánh giá ý nghĩa thắng lợi của bước phát triển mới này, ngày 25 tháng 8 năm 1949, trong thư gửi trung đoàn, Bộ Tổng tư lệnh chỉ rõ : "... Đó là một bước tiến bộ của bộ dội đang trưởng thành, một vinh dự cho Cao - Bắc - Lạng" (2).

Để đánh lạc hướng theo dõi của địch, theo quyết định  của trên, các tiểu đoàn đều thay đổi phiên hiệu. Tiểu đoàn 73 đổi thành tiểu đoàn 251, tiểu đoàn 55 đổi thành. tiểu đoàn 255, tiểu đoàn 385 đổi thành tiểu đoàn 249. Ngoài 3 tiểu đoàn trên, trung đoàn còn có 1 đại đội pháo điều từ Liên khu 1 về), 1 đại đội cao xạ 12,7 (lấy từ trung đoàn 74), 1 đại đội thông tin liên lạc (lấy từ trung đoàn 28) và các trung đội công binh, trinh sát, cảnh vệ. Các ban tham mưu, chính trị, cung cấp, quân y... đều rút từ số cán bộ có năng lực của 2 trung đoàn 74 và 28 để tổ chức thành. Tổng số quân toàn trung đoàn có gần 5000 người. Đồng chí Chu Huy Mân nguyên là trung đoàn trưởng trung đoàn 74 dược Bộ và Tổng Quân ủy chỉ định làm chính trị ủy viên và là bí thư đảng ủy trung đoàn Đồng chí Đặng Văn Việt làm trung đoàn trưởng.
 
Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 174 hầu hết đều là con em các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Cao Lan... vùng rừng núi Cao - Bắc - Lạng, gan góc, dũng cảm và thông thạo chiến đấu ở địa hình rừng núi. Số anh em người Kinh cũng nhanh chóng hòa mình với nếp sống chung của đơn vị. Tất cả đều đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau như anh em một nhà. Đó là những cơ sở vững chắc bảo đảm cho trung đoàn ngay từ khi vừa ra đời đã luôn luôn đoàn kết nhất trí trong nội bộ, gắn bó với nhân dân.
 
Các tiểu đoàn trong trung đoàn hầu hết đều là những đơn vị đã dược rèn luyện, thử thách ngay từ những ngày đầu của cách mạng và đã liên tiếp lập nhiều chiến công trong cuộc đấu tranh anh dũng chống thù trong, giặc ngoài(3).

« Sửa lần cuối: 07 Tháng Chín, 2010, 03:54:08 pm gửi bởi poipet1979 » Logged
poipet1979
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 724


« Trả lời #18 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 03:56:48 pm »

  (tt)
   Hoạt động trên một địa bàn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân vun xới phong trào cách mạng ngay từ những ngày đầu còn trứng nước, tiếp bước trên những nẻo đường vinh quang mà dấu chân của đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân còn in sâu trong tâm trí của nhân dân Cao - Bắc - Lạng, trung đoàn 174 ngay sau khi ra đời chưa được nửa tháng đã tổ chức liên tục nhiều trận đánh và qua chiến đấu đã trưởng thành nhanh chóng.

Trận ra quân oanh liệt đầu tiên của trung đoàn là trận phục kích đoàn xe cơ giới địch trên đoạn đèo đường số 4 Bông Lau - Lũng Phầy (bắc Thất Khê) ngày 3 tháng 9 năm 1949 với mục đích lập thành tích thiết thực kỷ niệm lần thứ 4 ngày Quốc khánh 2-9, cổ vũ lòng tin tưởng, tự hào của toàn thể cán bộ, chiến sĩ ngay từ bước đầu, nâng cao niềm phấn khởi của nhân dân. Trận này, trung đoàn đã tiêu diệt toàn bộ đoàn xe địch 97 chiếc, trong đó có 1 đại đội xe tăng và 1 tiểu đoàn hộ tống.

Hàng trăm tên địch bị bắt sống, trong đó có tên quan tư chỉ huy Đuy-mê-gli-ô. Sau trận đánh, bọn quân xâm lược Pháp đã phải khiếp sợ và đặt tên cho con đường số 4, nhất là đoạn đèo Bông Lau - Lũng Phầy là "Con đường đẫm máu", "Con đường chết"," Con đường vĩnh biệt". Trung đoàn bộ binh Ma-rốc (RICM) bị tổn thất nặng nề trong trận đánh được chúng mệnh danh là "trung đoàn của những kẻ vô tội bị đem đi tử hình"(1).

Bông Lau - Lũng Phầy là trận phục kích tiêu biểu, là chiến công đầu đáng tự hào của trung đoàn 174. Với chiến thắng Bông Lau -- Lũng Phầy, trung đoàn 174 đã tạo được đà thắng lợi ngay từ trận đầu, kế tục vẻ vang truyền thống chiến đấu anh dũng của các đơn vị Cao - Bắc - Lạng, đặt nền móng cho truyền thống "đã đánh là thắng, đánh thắng trận đầu". Lũng Phầy đã trở thành tên gọi truyền thống của tiểu đoàn 251.

Mặc dù bị đòn đau ở Bông Lau - Lũng Phầy, giặc Pháp không còn cách nào khác vẫn phải dùng con đường huyết mạch số 4 để tiếp tế cho mặt trận phía bắc, song chúng rất cảnh giác và thận trọng trong bố trí đội hình hành quân và tổ chức bảo vệ. Ngày 2 tháng 10 năm 1949, địch lại tổ chức một đoàn xe hành quân tiếp tế.

Nắm được ý đồ của địch, ta quyết tâm trừng trị chúng những đòn đau hơn nữa, từng bước phá kế hoạch phong tỏa biên giới của giặc Pháp, trước mắt, tiêu diệt các đoàn xe tiếp tế và cắt đứt hẳn đường vận chuyển bộ, tiến tới khống chế toàn bộ đường số 4.

Trung đoàn 174 được lệnh phục kích đánh cơ giới địch hành quân ở đoạn Bố Củng - Lũng Vài và đã chiến thắng giòn giã. Trung đoàn 174 một lần nữa giáng một đòn quyết định làm suy sụp tinh thần binh lính địch trên đường số 4, tiêu diệt bọn phản động ở địa phương, tạo điều kiện phát động chiến tranh du kích ở chiến trường biên giới.

Từ đây, ta hoàn toàn làm chủ đường số 4, cắt đứt hẳn đường vận chuyển bộ của địch, buộc chúng phải tiếp tế bằng máy bay rất tốn kém. Về mặt quân sự, ta đã chặt đứt thế liên hoàn của địch giữa các vùng, chia cắt vùng biên giới với vùng duyên hải. Số phận bọn địch ở Cao Bằng, Lạng Sơn bị uy hiếp nghiêm trọng. Với trận đánh thắng này, trung đoàn Cao Bắc - Lạng tiếp tục xây dựng truyền thống "đã ra quân là chiến thắng" của mình.

Cuối năm 1949, một bộ phận tàn quân Tưởng khoảng 20.000 tên từ phía bắc chạy xuống sát biên giới nước ta, âm mưu câu kết với thực dân Pháp chống phá cách mạng hai nước Việt - Trung. Trung đoàn 174 được lệnh đánh địch ở Sóc Giang, Nà Ràng và đuổi đánh chúng sang tận Nam Ninh (Trung Quốc). Trong không khí tưng bừng của Nam Ninh vừa được giải phóng, nhân dân Quảng Tây (Trung Quốc) làm lễ trao tặng trung đoàn 174 bức trướng đỏ thêu dòng chữ vàng "Chiến thắng quân Tưởng" để ghi nhớ công ơn bộ đội Việt Nam đã không quản hi sinh xương máu, không ngại gian nan, vất vả hành quân hàng trăm ki-lô-mét đường rừng sang góp phần giải phóng một bộ phận nhân dân Trung Quốc thoát ách bạo tàn của bè lũ phản động Quốc dân đảng. Chiến công của trung đoàn biểu hiện sinh động tinh thần quốc tế vô sản cao cả giữa bộ đội Việt Nam và nhân dân cách mạng Trung Quốc.

Giặc Pháp tuy ngày càng thua đau nhưng chúng rất ngoan cố, chưa cam chịu thất bại, mặc dù bị đánh mạnh ở Việt Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, chúng vẫn ra sức khóa chặt biên giới phía Bắc nước ta hòng cô lập cách mạng Việt Nam. Để tạo điều kiện cho cách mạng phát triển và tranh thủ sự giúp đỡ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa anh em, ta chủ trương khai thông biên giới phía Bắc, phá vỡ thế bao vây của giặc Pháp. Tháng 2 năm 1950, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Lê Hồng Phong 1 ở mặt trận Tây Bắc.

Phối hợp với mặt trận Tây Bắc, quân và dân Việt Bắc đẩy mạnh hoạt động kiềm chế địch ở phía Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngày 25 tháng 5 năm 1950, trung đoàn 174 tiến công tiêu diệt cứ điểm Đông Khê, một vị trí quan trọng trên đường số 4, yết hầu giao thông của thị xã Cao Bằng.

Đông Khê là một cứ điểm mạnh của địch do 2 đại đội da đen và 1 đại đội ngụy đóng thành 14 vị trí liên hoàn trong thị trấn. Nắm vững thời cơ lúc địch chủ quan, sơ hở, ta nổ súng tiến công. Trận đánh kéo dài hết ngày qua đêm. Trước sức chống trả quyết liệt của địch, các chiến sĩ ta bền bỉ, dẻo dai đánh chiếm từng ụ súng, từng chiến hào, tiêu diệt toàn bộ quân địch. Trận tiêu diệt cứ điểm Đông Khê là trận đánh công sự vững chắc lớn đầu  tiên có hiệp đồng binh chủng của trung đoàn 174, đồng thời là một trong những trận tiêu diệt xuất sắc của bộ đội ta lúc bây giờ.

Thắng lợi Đông Khê tạo ra bước phát triển nhảy vọt về chất đối với trung đoàn, mở ra khả năng đánh tiêu diệt tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc, đồng thời là bước rèn luyện để trung đoàn có thể đánh thắng những trận lớn hơn. Ngày 30 tháng 5 năm 1950, được tin thắng lợi, Bộ Tổng tư lệnh gửi điện khen : "Trận Đông Khê là trận tiêu diệt chiến lớn nhất từ đầu năm 1950 đến giờ. Nó chứng tỏ một lần nữa tinh thần anh dũng của cán bộ,  chiến sĩ dường số 4...".

Sau thất bại liên tiếp trên các mặt trận cũng như ở Đông Khê, địch vô cùng hoang mang. Ở hướng Việt Bắc, chúng điều thêm binh lực cố chiếm lại cứ điểm quan trọng Đông Khê, đồng thời tăng quân ở Cao Bằng, điều thêm quân ứng chiến tăng cường cho các cứ điểm phía bắc Lạng Sơn, tiến hành càn quét, nhất là vùng xung quanh Cao Bằng để phá đường viện trợ quốc tế của ta, củng cố lại các cứ điểm, làm bàn đạp tiến công vào khu căn cứ kháng chiến.

Trước âm mưu của địch, Bộ quyết định mở chiến dịch Biên Giới lấy tên Lê Hồng Phong 2, nhằm giải phóng một phần biên giới từ Cao Bằng đến Thất Khê, mở thông đường giao thông quốc tế, phá thế địch bao vây, cô lập cách mạng nước ta, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Đây là một chiến dịch có tầm quan trọng chiến lược làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta phát triển lên một bước mới. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm hầu hết các đơn vị cơ động mạnh của Bộ, trong đó có trung đoàn 174.

Trong chiến dịch lịch sử này, phối hợp cùng các đơn vị bạn, trung đoàn 174 được Bộ tăng cường hỏa lực pháo vinh dự nhận nhiệm vụ chủ yếu trong trận tiêu diệt cứ điểm Đông Khê lần thứ hai ngày 16 tháng 9 năm 1950, mở màn cho toàn chiến địch. Trận đánh thắng lợi giòn giã. Cứ điểm Đông Khê bị san bằng. Chiến thắng Đông Khê đã tạo tiền đề thắng lợi cho cả chiến dịch. Phòng tuyến biên giới của địch trên đường số 4 đoạn từ Thất Khê lên Cao Bằng bị chặt đứt. Các vị trí khác của địch dọc con đường chiến lược này bị uy hiếp nghiêm trọng.

Mất Đông Khê, địch như con rắn bị gãy xương sống chúng buộc phải rút chạy khỏi Cao Bằng, tạo điều kiện cho ta bố trí lực lượng tiêu diệt hai cánh quân rút lui và ứng cứu của Lơ Pa-giơ và Sác-tông gồm phần lớn các lực lượng cơ động mạnh của địch ở mặt trận này.

Trong trận tiến công vào Đông Khê, trung đoàn 174 đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng, biểu hiện rực rỡ chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống bất khuất của quê hương Cao - Bắc - Lạng: Chiến sĩ bộc phá La Văn Cầu, Lý Văn Mưu trong tình huống chiến đấu hết sức khẩn trương quyết liệt, đã không chần chừ, tính toán, nhanh chóng quyết định những hành động rất mực anh hùng, mưu trí, sáng tạo, quên thân  mình vì nhiệm vụ, vì đồng đội.

Với tinh thần cảm tử để giành thắng lợi cho trận đánh, Lý Văn Mưu đã nghĩ ra cách đánh bộc phá hết sức táo bạo. Anh giật nụ xoè ngay từ tuyến xuất phát rồi mới ôm bộc phá lao lên. Anh đã tính, nếu có bị thương vong thì bộc phá vẫn nổ phá tan lô cốt giặc. Bị một viên đạn địch trúng bụng lúc lao lên, anh ráng hết sức chồm lên áp sát người và khối bộc phá vào thành lô cốt. Bộc phá nổ, lô cốt giặc đổ sụp và anh đã hy sinh anh dũng.

La Văn Cầu tay phải bị trúng đạn giập nát, lủng lẳng khó ôm bộc phá, anh nhờ tiểu đội trưởng chặt giúp rồi ôm bộc phá bằng tay trái lao lên xông thẳng vào đánh. tan lô cốt địch.

Hành động của Lý Văn Mưu, La Văn Cầu có sức thôi thúc, cổ vũ đồng đội đạp bằng mọi hy sinh, ác liệt, xông lên chiến đấu góp phần quyết định vào thắng lợi của trận đánh. Từ hành động anh hùng đó, La Văn Cầu vinh dự được Bộ Tổng tư lệnh tuyên dương là lá cờ đầu trong phong trào thi đua giết giặc lập công của toàn quân, tô thắm thêm truyền thống của trung đoàn.
Logged
poipet1979
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 724


« Trả lời #19 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 04:07:00 pm »

(tt)
   Tháng 4 năm 1966, trung đoàn 174 do thiếu tá Đàm Văn Ngụy, trung đoàn trưởng, thiếu tá Hoàng Danh Trà, chính ủy chỉ huy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Sầm Nưa về, được kiện toàn, bổ sung quân số đầy đủ, tách khỏi sư đoàn về Hòa Bình huấn luyện, chuẩn bị lên đường. Tháng 3 năm 1967, trung đoàn 174 mang truyền thống trung đoàn Cao - Bắc - Lạng, vượt Trưởng Sơn vào hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên với các trận đánh nổi tiếng ở Đắc Pét, Đắc Siêng, Đắc Tô, Plây Cần, đường 14…
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM