Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:58:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận đánh cầu Rạch Chiếc-chiến dịch Hồ Chí Minh-1975!  (Đọc 30036 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 05:09:29 pm »

52 anh em đã nằm lại ở cầu Rạch Chiếc

Ông Nguyễn Văn Thuật, (nguyên tham mưu trưởng Tiểu đoàn 81, đơn vị chủ công đánh chiếm cầu Rạch Chiếc) bồi hối nhớ lại. Trận đánh khốc liệt để giữ được cây cầu dài chỉ vài trăm mét, mở đường vào cửa ngõ thành phố đã ghi lại những dấu ấn không bao giờ quên?

Với tôi, mọi việc như mới xảy ra ngày hôm qua. Tiểu đoàn của chúng tôi cùng với cụm bịệt động Z22, Z23 của Lữ đoàn đặc công biệt động 316 được lệnh đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc đêm 27-4.

Chiều 27, ba đơn vị tập kết ở trong rừng dừa nước. Tất cả các em đều rất háo hức được tham gia giải phóng Sài Gòn, ai cũng được ao ước được đến Sài Gòn. Đi đánh lần này, ban chỉ huy chúng tôi biết là trận cuối, rất yên tâm và không thấy lạnh lưng như hồi Mậu Thân. Nhưng đã ra trận là phải dự liệu chuyện hy sinh, tỷ lệ thấp nhất là 20%, không biết sẽ rơi vào ai, nhưng anh em ai cũng dự tính là mình có thể đi không về. Vừa nhai lương khô, mấy em vừa vui vẻ chỉ chỏ nhường phần vào Sài Gòn cho bạn.

Một lần nhìn xuống dòng sông, nhìn xuống dạ cầu, tôi như thấy lại các em đặc công thủy của Z22, Z23. Ai cũng còn rất trẻ, rất đẹp trai và rất giỏi, vừa được đưa từ ngoài Bắc vào, chưa bao giờ đi điều nghiên, đi thực tế ở khu vực cầu Rạch Chiếc. Lữ đoàn mới nhận quân, chưa kịp thống kê, bổ xung danh sách thì đã nhận nhiệm vụ quan trọng, ngay trong anh em cũng chưa kịp thuộc tên nhau. Khẩu hiệu của chúng tôi lúc đó là: Khẩn trương. Vừa chạy vừa xếp hàng. Vừa xếp hàng vừa tiến công.

Z23, Z23 lãnh nhiệm vụ chiếm phía bắc cầu, phải vác súng đạn rất nặng lội chéo qua sông. Do không thuộc địa hình, các em bị lún vào 1 bãi lầy, lại ngay trong tầm đạn của địch. Ở bên này sông, chúng tôi bất lực. Chỉ trong vòng 10 phút, 46 người đã hy sinh.

Tiểu đoàn của chúng tôi nhận đầu cầu phía nam, thần tốc và bất ngờ nên chỉ vài chục phút đã chiếm được căn cứ.

Sáng 28, Đỗ Ngọc Long đang ôm khẩu B40 ngắm bắn thì bị trúng 1 quả đạn M79. Đến trưa, Nguyễn Văn lênh đang xả súng vào toán quân tiếp viện của địch từ Sài Gòn xuống thì bị trúng đạn. Tôi chỉ nghe em gọi: "Anh ơi, em chết rồi".

Chiều 28, Quyết bị trúng đạn từ máy bay bắn xuống khi đang ở trong chốt chỉ huy của địch.

Thế trận giằng co như vậy giữa 1 bên là người, 1 bên là xe tăng, máy bay. Trong khi dùng máy kỹ thuật bắt sóng chỉ huy của địch, tôi phát hiện: địch xác định vị trí quân ta ở những chỗ không có lá cờ 3 sọc và chỉ điểm xả rocket xuống. Ngay lập tức tôi ra lệnh cho anh em không bắn hạ cờ mà còn kéo cờ lên trong những chốt mình đã chiếm được, trong những chỗ đang giao tranh giáp lá cà. Nhờ vậy mà hạn chế được thương vong.

Đến đêm 29 rạng sáng 30 chúng tôi mới chiếm trọn được 2 đầu cầu. Tiểu đoàn 81 mất thêm 2 chiến sỹ nữa khi chiếc máy bay cuối cùng của địch đến xả đạn. Sang được đầu cầu phía bắc, chúng tôi thừa thắng chiếm luôn nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, nhà nghỉ mát của Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi lấy lại được thi hài của em Tầm, 1 chiến sỹ của Z22. Em bị địch bắt từ đêm 27, cương quyết không khai chiến lược của quân mình nên bị chúng chặt đầu cắm ở đầu cầu.

10 giờ sáng 30-4 tôi nghe tiếng xe tăng đến. Anh em đã chuẩn bi ngắm bắn thì chợt trông thấy ngôi sao vàng trên lá cờ. Chúng tôi vui mừng quá nhưng vẫn rất căng thẳng, vẫn sẵn sàng tư thế chiến đấu. Đến chiều chúng tôi mới vào Sài Gòn bằng xe lấy được của địch, mới lấy quân phục ra mặc.

52 anh em đã mãi mãi nằm lại nơi cửa ngõ thành phố, đã không được thấy Sài Gòn.

Mỗi năm, vào sáng 28-4, chúng tôi lại làm lễ tưởng niệm tại đây, lại thả hoa xuống lòng sông Rạch Chiếc.

Chỗ các em đã hy sinh nay là 1 sân golf, nhưng công việc tìm kiếm hài cốt vẫn đang tiếp tục.

Những thi hài tìm được đưa vào nghĩ trang đều được mang 1 cái tên chung: Liệt sỹ vô danh.
---------------

Lưu ý: trong 2 bài viết có sự khác nhau trong thông tin về các liệt sỹ hy sinh trong trận này?
Logged
littlelove
Thành viên
*
Bài viết: 12


« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 11:18:13 am »

Em cũng nhận thấy vậy.Trước nói là khi đánh trận này mình có hơn 200 chiến sỹ.Bị địch phản kích mình rút vào rừng,sau tập hợp lại còn 29 người đánh và giữ được cầu cho đến khi cánh quân chính đánh vào.Cuối trận hy sinh 52 người,vậy số còn lại hơn 100 chiến sỹ kia đã ở đâu.Em là hậu sinh,mong các bác giải thích cho em hiểu với!
Logged
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #12 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 11:30:06 am »

Em cũng nhận thấy vậy.Trước nói là khi đánh trận này mình có hơn 200 chiến sỹ.Bị địch phản kích mình rút vào rừng,sau tập hợp lại còn 29 người đánh và giữ được cầu cho đến khi cánh quân chính đánh vào.Cuối trận hy sinh 52 người,vậy số còn lại hơn 100 chiến sỹ kia đã ở đâu.Em là hậu sinh,mong các bác giải thích cho em hiểu với!
52 LS, hơn 100 CS là thương binh. Thông thường để thống kê thiệt hại trong 1 trận đánh thường dùng tỉ lệ thương vong(bao gồm LS, thương binh).
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
trucngon
Thành viên
*
Bài viết: 1776



« Trả lời #13 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 03:43:48 pm »

Thêm một dòng hồi ức!

Những ngày cuối tháng 4 trên các đường phố tràn ngập niềm vui chào mừng 35 năm giải phóng Miền nam thống nhất đất nước, chúng tôi gặp lại Ông Nguyễn Văn Tàu, còn có bí danh là Tư Cang - Chính ủy Lữ đoàn 316 , Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Gặp lại vị chính ủy năm xưa trong căn nhà đơn sơ, mặc dù đã bước sang tuổi 82 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn và nhớ rất rõ về những ngày cuối cùng của chế độ Mỹ - Ngụy , những ký ức ra đi chiến đấu giải phóng đất nước bổng chốc tràn về trong ông. Đã 35 năm, nhưng Ông thấy mọi chuyện hiện về rõ mồn một với bao cảm xúc:

Lữ đoàn của ông được chỉ thị của cấp trên, trước giờ xuất phát, các cánh quân đồng loạt tiến công Sài Gòn, Lữ đoàn 316 đặc công biệt động phải đánh chiếm và giữ cho được những cây cầu xung quanh Sài Gòn bảo đảm cho đại quân cùng xe, pháo tiến qua. Đó là cầu Đồng Nai (bắc từ TP. Biên Hòa qua sông Đồng Nai), cầu Rạch Chiếc (nối Thủ Đức với Sài Gòn) và cầu Sài Gòn - cửa ngõ vào nội đô. Đánh chiếm cầu và giữ cầu đó là một trong những nhiệm vụ do đơn vị Z23, Z22 và tiểu đoàn 81 thuộc Lữ đoàn 316 thực hiện. Nhiệm vụ mà ông kề nhiều nhất là đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

So với địch, lực lượng đặc công biệt động của ta rất chênh lệch về quân số và trang bị vũ khí, bởi lẽ chính quyền ngụy cũng xác định tầm quan trọng của cây cầu Rạch Chiếc, nên chúng đã cho tăng cường ba tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một chi đội xe tăng, hàng chục khẩu pháo 105 ly, hàng ngàn quân lính cùng với hàng rào công sự quan trọng khác để “tử thủ” và sẵn sàng nổ bom phá cầu. Tuy nhiên với tinh thần cảm tử truyền thống biệt động đặc công, cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng. Nổ súng lúc 3 giờ khuya 27 tháng 4, sau một tiếng đã chiếm được cầu và trụ lại đánh phản kích quyết thực hiện cho được nhiệm vụ cấp trên giao là giữ cầu chờ xe tăng của đại quân tiến qua.

Cuộc chiến đánh chiếm cầu Rạch Chiếc một lần nữa trở nên ác liệt. Điều này chắc chắn sẽ diễn ra vì đó là nơi chỉ cách trung tâm Sài Gòn có 5 cây số. Quân địch sẽ nhanh chóng tổ chức phản công. Vì vậy, qua 1 ngày, đến 15 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1975 địch tăng cường lực lượng mỗi lúc một đông. Địch đã cho phản công hàng chục đợt được hỗ trợ bằng xe tăng, máy bay, pháo binh và ca-nô chiến đấu điên cuồng bắn phá. Các đơn vị đặc công biệt động tạm thời rút ra cách cầu vài trăm mét trên các bờ rạch. Địch càng tăng cường ác liệt bao nhiêu thì cán bộ và chiến sĩ đặc công biệt động càng ngoan cường bấy nhiêu. Đêm 29 /4, cán bộ và chiến sĩ đặc công biệt động tổ chức đánh chiếm cầu trở lại. Trước lòng quả cảm quyết tâm cao của quân ta, quân địch đã tháo chạy..., cầu Rạch Chiếc được bảo vệ an toàn. Đúng 9 giờ 30 phút sáng ngày 30 tháng 4, xe tăng của Lữ đoàn 203 Binh đoàn Hương Giang qua cầu, tiến thẳng về Dinh Độc Lập . Và để có được chiến công lịch sử này, 52 cán bộ, chiến sĩ đặc công của ta đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Kể cuộc chiến đấu ác liệt giữ vững cầu Rạch Chiếc cho đại quân tiên về giải phóng Sài Gòn, Chính ủy Lữ đoàn 316 Nguyễn Văn Tàu , Anh hùng LLVT đã nhớ lại:

Sau giây phút chiến thắng, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cầu cho đoàn quân tiến về, đó là niềm vinh quang, tự hào, hạnh phúc, sung sướng và cả bùi ngùi thương nhớ đồng đội hy sinh chưa kịp nhìn ngày non sông toàn vẹn thống nhất. 35 năm trôi qua, nhìn đất nước ngày càng phồn vinh tươi đẹp. Chiếc cầu Rạch Chiếc ghi dấu chiến công oanh liệt của các anh hùng liệt sĩ đã được mở rộng ra to lớn hơn mà hàng ngày vẫn đang chở bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc của mỗi người qua đây. Ông Chính ủy Lữ đoàn 316 Nguyễn Văn Tàu chỉ mơ ước thật nhỏ nhoi mộc mạc trong hồi ký cúa mình: Ngày nay với trách nhiệm người chính ủy cũ của anh em biệt động đặc công, tôi chỉ mong muốn nhỏ là cán bộ, công nhân, ngày nghỉ phép hay chủ nhật, từ thành phố Hồ Chí Minh ra Vũng Tàu nghỉ mát, hãy nhớ nơi đây, những ngày gần thắng lợi lớn của dân tộc đã diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng dù biết rằng thắng lợi cuối cùng- ngày giải phóng Sài gòn hang ổ cuối cùng của chế độ cũ - giải phóng hoàn toàn miền Nam đang ở rất gần kề .

Người Chính ủy năm xưa đang nhắc nhở cho đời sau: Đó là sự hy sinh, là niềm tin tất thắng của các bậc cha anh và lòng biết ơn cúa chúng ta những người đang sống một cuộc sống yên bình hạnh phúc của ngày hôm nay.
http://www.baomoi.com/Info/Ban-anh-hung-ca-tren-cau-Rach-Chiec/121/4195569.epi
Logged
littlelove
Thành viên
*
Bài viết: 12


« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 10:01:39 pm »

Các bác ai có hình ảnh hay sơ đồ về trận đánh năm xưa tại cầu RC xin cho em với!
Mà phải nói là đặc công VN mình hay thật.Luôn tạo cho địch sự bất ngờ.Dù trong hoàn cảnh đánh không phải là sở trường vẫn khiến cho địch khiếp vía!
Logged
fddinh
Thành viên
*
Bài viết: 324


Mít sờ tơ Khù văn Khoằm


WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 10:33:50 pm »

Ngày 29/4 các mũi tấn công của địch nổ súng vào các căn cứ địch ở vùng ven đô.
Logged

Mít sờ tơ Khù văn Khoằm
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 10:51:14 pm »

Bài này thì không phải về cầu Rạch Chiếc, nhưng có thể đọc để biết thêm bối cảnh lúc đó: http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=30823&ChannelID=89


Những người lính đặc công tại cửa ngõ Sài Gòn


Xuồng đưa hai chiến sĩ đặc công thủy đi đánh tàu vận tải quân sự một vạn tấn trên sông Rạch Lá - Ảnh: Tư liệu

TT - Đại tá Tống Viết Dương (nguyên tư lệnh cánh đông chiến dịch Hồ Chí Minh), trung tá Võ Tấn Sĩ (nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn đặc công biệt động 116) bảo từ bao năm nay, cứ đến ngày 30-4 câu chuyện về những ngày chiếm giữ các cầu, mở đường cho quân chủ lực vào thành phố đã được các ông kể đi kể lại không biết bao lần. Thế nhưng đến tận hôm nay, câu chuyện ấy vẫn sống động như 29 năm về trước...

Lính đặc công học đánh ban ngày

“Giữa tháng tư, trung đoàn đặc công biệt động 116 đang tập trung ở vùng bưng sáu xã chuẩn bị cho trận đánh liên trường quân sự Thủ Đức thì được lệnh rút về tập trung cho chiến dịch. Chúng tôi quay về Bình Sơn, Long Thành nhận nhiệm vụ mới: chiếm và giữ các cây cầu dẫn vào thành phố....”.

Võ Tấn Sĩ khi ấy là thiếu tá, trung đoàn trưởng. Dẫn anh em đặc công cắt đồng về căn cứ, từ thủ trưởng đến lính ai cũng mệt mỏi nhưng khi biết nhiệm vụ mới có thể sẽ là những trận đánh cuối cùng để giải phóng đất nước, “một luồng sinh khí mới bỗng bừng dậy”. Tất cả háo hức chuẩn bị cho ngày tiến về Sài Gòn, mục tiêu đầu tiên chính là cầu Đồng Nai.

“15-4, đội điều nghiên đầu tiên được phái đến khảo sát cầu. Tàu hải quân địch tuần tiễu gắt quá nên anh em bị lộ. Những loạt đạn bắn rát khiến toàn đội phải lui về. Một anh bị thương, bất tỉnh bên hàng rào kẽm gai và bị địch bắt sống...”.

Đến hôm nay ông Sĩ vẫn còn nhớ người chiến sĩ ấy tên Hà, quê ở Nghệ An. Anh bị thương vào cổ, đứt cuống họng. Sau ngày giải phóng, đồng đội đã tìm được anh ở Bệnh viện Cộng Hòa (nay là Bệnh viện 115), anh ra dấu mượn một cây bút: “Nếu tôi còn nói được, xin cho tiếp tục phục vụ quân đội”.

“Nhóm trinh sát thứ hai đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi thống nhất giờ G, đêm 26-4, 250 chiến sĩ đặc công thủy, đặc công khô cắt hàng rào tiến vào trận địa. Rạng sáng,  súng lệnh nổ. Loạt thủ pháo đầu tiên đã diệt gọn lực lượng địch đang ngủ trong khu trại. Đặc công khô cùng đặc công thủy phối hợp đánh chìm cùng lúc bốn chiếc hải thuyền. Các công sự hai đầu cầu cũng nhanh chóng bị các chiến sĩ của ta chiếm giữ”.

Nhanh gọn vậy nhưng những gì khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước. Ngay sáng hôm sau, các lực lượng tiếp viện của địch từ Biên Hòa, Long Bình, Thủ Đức đã ùn ùn kéo tới, pháo bắn dày đặc các ngả, máy bay lượn sát trên đầu...

Ông Sĩ kể rằng ở cương vị một người chỉ huy, ông chưa bao giờ phải đương đầu với nhiều khó khăn như ba ngày 27, 28 và 29 ấy. Không chỉ phải trực tiếp chỉ đạo chiến lược, chiến thuật, bổ sung quân, bổ sung vũ khí, lương thảo, tìm cách giải quyết thương binh... mà khó khăn nhất lại là động viên tinh thần anh em.

Ai cũng ra trận với tinh thần quyết tử nhưng những sở trường của lính đặc công là đột nhập ban đêm, đánh bất ngờ, đánh nhanh thắng nhanh đều đã được vận dụng hết. Phải chiến đấu giữa ban ngày, không vật che khuất, che đỡ, phải bám trụ, chiếm giữ thời gian lâu là điều mà lính đặc công không sẵn sàng chuẩn bị.

Nằm trong một lò gạch cách cầu Đồng Nai mấy trăm mét, điện đài của trung đoàn trưởng vang lên liên hồi: “Thủ trưởng ơi, địch đến đông quá”, “Báo cáo: hết đạn”, “Báo cáo: xe tăng địch đến”... Trong cả ngàn thông tin dồn dập và phải xử lý tức thời như thế, trung tá Võ Tấn Sĩ bảo có một tin làm ông lặng đi mất mấy phút “Cầu Rạch Chiếc đây. Báo cáo: đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng anh em hi sinh nhiều quá...”.

Mấy phút trong thời điểm đó đã là nhiều lắm, bởi lệnh thì chỉ có một “Bám trụ giữ cầu, đợi quân chủ lực”. Không biết bao giờ quân chủ lực mới đến nhưng Võ Tấn Sĩ quyết không để lực lượng bị hao hụt thêm. Trưa 29, ông trực tiếp dẫn một tiểu đoàn đặc công đánh vào tổng kho Long Bình, khuân súng chống tăng, đạn pháo, lương thực ra cầu tiếp tế...

Mật hiệu: “Hồ Chí Minh” - Đáp: “Muôn năm”


Trung tá Võ Tấn Sĩ - Ảnh: Phạm Vũ

Đêm 29 lại có tiếng xích xe tăng nghiến trên đường, trinh sát báo có một đoàn xe tăng vừa đi vừa nhằm các lô cốt mà bắn. Mấy ngày đợi chờ đã quá sốt ruột nên từ tư lệnh Tống Viết Dương đến các anh lính ai cũng mong đó là xe tăng quân chủ lực. Trinh sát quát hỏi mật hiệu “Hồ Chí Minh”, bên kia đáp “19 tháng 5”.

Không đúng rồi, mọi người thất vọng, một anh lính bực bội bắn một phát B41. Trong ánh đạn sáng lòa bay qua tháp pháo, mọi người nhìn thấy lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận dân tộc giải phóng. “Quân mình, quân mình...”, ai nấy reo ầm lên, mấy anh lính xe tăng sau một giây ngỡ ngàng cũng kịp thời nhớ ra câu mật hiệu của chiến dịch Hồ Chí Minh, hô vang: “Muôn năm”.

Chưa ai quen ai nhưng gặp nhau ai cũng mừng như chưa bao giờ mừng thế. Lữ đoàn xe tăng 203 cho biết nhiệm vụ của họ là tiến thẳng vào dinh Độc Lập nhưng bộ binh lại chưa theo kịp. Tư lệnh Tống Viết Dương liền trổ tài “quảng cáo” về các khả năng của lực lượng đặc công biệt động và cuối cùng đã thỏa thuận được với lữ đoàn xe tăng về kế hoạch biến lính đặc công thành lính bộ binh để vào Sài Gòn kịp ngày 30-4.

Lần đầu tiên được ngồi lên xe tăng, lại là xe tăng tiến về Sài Gòn, anh nào cũng hào hứng, tranh nhau lên trước. Nhưng rồi vẫn cứ phải nhường nhau. Một tiểu đoàn đặc công thủy phải ở lại giữ cầu. Lúc đi qua cầu Rạch Chiếc, thấy anh em mình hi sinh nằm rải rác trong những đám lá dừa nước, một tiểu đội nữa lại nhảy xuống lo phần chôn cất. Thế nhưng vẫn chưa hết những người phải nằm lại.

Qua ngã tư Thủ Đức, pháo trong trường quân sự của địch bắn ra khiến một chiếc xe tăng của ta bốc cháy, bảy chiến sĩ hi sinh. Một phát đạn M72 nữa của lính ngụy chạy loạn làm cháy chiếc xe tăng dẫn đầu ngay khi vừa chớm lăn lên cầu Sài Gòn, bốn chiến sĩ nữa trở thành liệt sĩ. Chiếc xe đi thứ hai thì bị sa lầy xuống con kênh dưới cầu Đen. Những chiếc xe tăng, các anh em đi sau đã trở thành những chứng nhân lịch sử.

Từ ngày ấy đến nay đã 29 năm, trung đoàn 116 (367 cũ) đã bao lần họp mặt nhưng lần họp mặt nào xen giữa những tiếng cười cũng có người rưng rưng nước mắt. Từ khi trung đoàn thành lập (1970) cho đến ngày giải phóng, có hơn 1.000 chiến sĩ đã hi sinh.

Ông Sĩ, ông Dương cứ kể mãi không hết về những anh lính đặc công rất tinh nhuệ nhưng lại phải lót lá dừa ngay trên những bụp dừa được phạt ngang để ngủ; những ngày lội bưng vào trận, các anh đeo trên mình trần đầy thủ pháo, lựu đạn, còn lương khô thì không có.

Những anh đặc công ấy đã là một trong những người đầu tiên vào giải phóng Sài Gòn, cũng là một trong những người cuối cùng ngã xuống trước ngưỡng cửa hòa bình. Thế mà “ngày ở trong rừng, mơ đến ngày giải phóng, đứa nào cũng chỉ ước: hòa bình được về nhà, được ngủ, được cắm một cái cần câu...”.

PHẠM VŨ
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM