Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:09:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận đánh cầu Rạch Chiếc-chiến dịch Hồ Chí Minh-1975!  (Đọc 30034 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
littlelove
Thành viên
*
Bài viết: 12


« vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 11:58:12 am »

theo em được biết năm 1975.Trong chiến dịch Hồ Chí Minh,có 1 trận đành vô cùng ác liệt giữa đặc công của ta với quân Ngụy SG trên cầu Rạch Chiếc.Nghe đâu trận này đánh nhau dữ lắm.Đặc công mình hy sinh cũng khá nhiều.Mong các bác cho em được biết thêm thông tin về trận đánh này!
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #1 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 12:04:30 pm »

Chuyện ghi bên Cầu Rạch Chiếc

Cửa ngõ Thành phố trước giờ khải hoàn

Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4 năm 1975) đánh tan cửa phòng thủ Xuân Lộc (Đồng Nai) để quân ta tiến về cửa ngõ Sài Gòn vào Dinh Độc Lập - trung tâm đầu não của chế độ ngụy quyền - thì Bộ chỉ huy của ta xác định có ba cây cầu quan trọng nằm trên Quốc lộ 1 cần phải được bảo vệ tuyệt đối: Đó là cầu Đồng Nai (bắc từ TP. Biên Hòa qua sông Đồng Nai), cầu Rạch Chiếc (bắcqua vàm Rạch Chiếc nối Thủ Đức với Sài Gòn) và cầu Sài Gòn - cửa ngõ vào nội đô.

Ba đơn vị của lữ Đặc công 316, gồm Tiểu đoàn 81, Z22 và Z23 nhận lệnh bảo vệ an toàn cho cầu Rạch Chiếc. Bên ta xác định, quân ngụy quyền sẽ quyết tử thủ, và nếu không xong thì chúng sẽ cho phá tan cây cầu, nhằm ngăn cản bước quân thần tốc của ta. Ngược lại bên ngụy quyền cũng xác định tầm quan trọng của cây cầu Rạch Chiếc, nên chúng đã tăng cường ba tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một chi đội xe tăng, hàng chục khẩu pháo 105 ly, hàng ngàn quân lính cùng với hàng rào công sự quan trọng khác để “tử thủ” và sẵn sàng nổ bom phá cầu.

Trước trận đánh cân não này, quân ta đã bí mật đưa bộ đội đặc công vượt sông và vòng ra phía sau để đánh vào mạn sườn của địch. Bằng mọi cách phải chiếm chân cầu phía Nam, phải phá bằng được lô cốt kiên cố của địch dưới chân cầu để khống chế, không cho chúng kích nổ bom phá cầu.

Sau khi kế hoạch vạch ra và chính cú đánh bất ngờ đi vào lịch sử này mà đêm ngày 27 rạng 28 tháng 4, hơn 200 chiến sĩ đặc công của ta với vũ khí cầm tay và được trang bị hơn 60 khẩu B40-B41… đã đánh chiếm được cầu Rạch Chiếc một cách ngoạn mục. Thế nhưng sau đó, khoảng 5 giờ sáng ngày 28 tháng 4, địch phản kích dữ dội và đến 12 giờ trưa cùng ngày, địch đã chiếm lại được cầu. Đến khoảng 21 giờ tối ngày 28 tháng 4, quân ta đã phản kích như vũ bão và đã chiếm lại được cầu…

Và liên tục trong những ngày 29 rạng sáng 30 tháng 4 năm 1975, địch đã cho phản công hàng chục đợt được hỗ trợ bằng xe tăng, máy bay, pháo binh và ca-nô chiến đấu điên cuồng bắn phá. Hơn 200 chiến sĩ đặc công của ta phải đương đầu với hơn 2.000 lính ngụy. Nhưng trước lòng quả cảm của quân ta, bọn chúng đã tháo chạy..., cầu Rạch Chiếc được bảo vệ an toàn. Đúng 9 giờ 30 phút sáng ngày 30 tháng 4, xe tăng của Lữ đoàn 203 Quân giải phóng chạy qua cầu, tiến thẳng về Dinh Độc Lập. Và để có được chiến công lịch sử này, 52 cán bộ, chiến sĩ đặc công của ta đã vĩnh viễn nằm lại nơi này.

http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/GhiChepVietNam/2009/4/BB64441C7EFDC442/
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Chín, 2010, 12:11:35 pm gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 12:08:22 pm »

Hướng tới 35 năm ngày thống nhất đất nước (1975 - 2010):

Trận đánh cầu Rạch Chiếc: Người trông xe và phát B40 mở màn

GiadinhNet - "Những ngày này, cầu Rạch Chiếc vang ầm tiếng máy công cụ để gấp rút hoàn thành chiếc cầu mới to đẹp hơn.Những ngày này 35 năm về trước, cầu Rạch Chiếc cũng vang ầm tiếng động, nhưng là tiếng nổ của những phát B40, thủ pháo, lựu đạn"

Người đàn ông trung niên nói giọng Thanh Hóa, đang giữ xe cho UBND phường nhè nhẹ buông giọng.

Bắn tiếp Thọ ơi!


Ông Nguyễn Đức Thọ sinh năm 1955 tại Thanh Hóa, tình nguyện nhập ngũ bằng huyết thư năm 17 tuổi, tham gia trận đánh cầu Rạch Chiếc năm 20 tuổi. Năm 1982 ra quân với hàm trung uý. Hiện trú tại phường 4 (Quận 8, TPHCM), là người trông xe của UBND phường 4 với mức thù lao 600.000đ/tháng.

Ít ai biết ông Nguyễn Đức Thọ - người trông xe của UBND phường 4 (quận 8, TPHCM) là một cựu chiến binh mang hàm trung uý. Còn ít người hơn nữa biết được cách đây 35 năm, chiến sĩ Nguyễn Đức Thọ đã bắn phát B40 mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc của Lữ đoàn đặc công- biệt động 316, mở đường cho đại quân tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn. Trưa 27/4, chúng tôi đến UBND phường 4 theo lời hẹn qua điện thoại với ông Nguyễn Đức Thọ. Hôm nay, ông tề chỉnh trong bộ quân phục nhưng vẫn ngồi trong bãi giữ xe, cạnh xe nước mía của vợ. Ông Thọ ghé tai tôi nói nhỏ: "Mình vừa ở trên quận về. Thôi anh em vào nhà cho đỡ ồn ào". Vòng vèo qua những con đường chằng chịt khu chợ Phạm Thế Hiển, chúng tôi đến nhà cựu trung úy Nguyễn Đức Thọ.

Nhấp một ly nước lọc cho giảm nhiệt vì nắng nóng lại cúp điện, người trinh sát kiêm liên lạc C1-Z23 Lữ đoàn đặc công- biệt động 316 hắng giọng: "Lẽ ra đơn vị chúng tôi được huấn luyện (đặc công Hải quân) để đánh chiếm Bộ tư lệnh hải quân ngụy. Nhưng đến giờ chót, ngày 25/4/1975 lại được lệnh huỷ bỏ, tập trung toàn bộ lực lượng cùng với Z22, D81 (đều thuộc Lữ đoàn 316) đánh chiếm giữ cầu Rạch Chiếc đón đại quân vào. Lập tức đồng chí Đỗ Hồng Quang và đồng chí Tư Thinh (Z phó, tham mưu trưởng đơn vị) lên đường trinh sát cầu Rạch Chiếc".


"Ngay tối 26/4, đơn vị bàn bạc thống nhất chọn phương án đánh cường tập dùng B40-B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ yếu của địch. Toàn bộ lực lượng áp sát mục tiêu đồng loạt dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào lô cốt, công sự địch. Tôi còn nhớ rõ sáng 27/4, mỗi người sau khi được trang bị vũ khí tự gói cho mình 16 quả thủ pháo (mỗi quả khoảng 3 lạng thuốc nổ dẻo C4 được kích nổ bằng kíp trong thời gian 3 giây) kèm theo 2 trái lựu đạn. Lúc đó tôi được trang bị một khẩu B40 và 10 trái đạn, một số đồng chí khác được trang bị AK. Mỗi người được mang theo 2 nắm cơm vắt. Đúng 17h ngày 27/4, đồng chí Tư Thinh hạ mệnh lệnh chiến đấu. D81 được phân đánh chiếm giữ đầu cầu phía Nam (hướng Sài Gòn ra), Z22-Z23 thì đánh đầu cầu phía Bắc (hướng Thủ Đức vào). Thiếu uý Nguyễn Đình Trương-Đại đội trưởng chỉ huy tổ 1 được phân chốt giữa ngã 3 đường đất đỏ đánh địch phản kích chi viện".

Nói đến đây, ông Thọ dừng lại như không muốn quên sót một chi tiết nào: "Riêng tôi được phân công bắn phát đạn đầu tiên tiêu diệt tháp canh cao. Tháp bằng khung sắt, tầng trên cùng đắp bao cát, có trang bị đại liên, đèn pha, điện thoại, trên nóc cắm lá cờ 3 sọc, phía dưới là lô cốt nửa chìm nửa nổi. Giờ G là 3h15 sáng 28/4/1975, nhưng đến 23h ngày 27/4 chúng tôi đã tiếp cận hết các mục tiêu. Đến giờ G, tôi nổ quả B40 đầu tiên nhưng lại hụt mục tiêu bởi đứng dưới sình lầy, phía trước là hàng rào kẽm gai, tôi sợ vướng đạn nên nâng cao nòng súng. Địch liền nhả đạn liên hồi. Vừa lúc đó, thượng sĩ Trần Đình Lạc (quê Nghệ An) đứng bên cạnh hô lên "Bắn tiếp Thọ ơi". Tôi liền đứng thẳng dậy nổ phát thứ 2. Lần này trúng ngay góc làm tháp canh sạt đổ. Cột cờ ngã nghiêng. Khẩu đại liên nhả đạn khi nãy im bặt. Tiếng thủ pháo nổ dồn dập".

Chỗ nào nhá lửa thì táp một trái Thọ ơi!

Câu chuyện đang đến hồi gay cấn thì ông Thọ im lặng, ực một ngụm nước lọc. Chợt ông la lớn: "Chỗ nào nhá lửa thì táp cho tao một trái Thọ ơi!” Đó là chiến sĩ Lê Xuân Nguyệt (quê Thanh Hóa) hét lên với tôi. Chỗ nhá lửa tức là công sự địch còn bắn, trong đêm mình chỉ thấy nó nhá lửa liên hồi. Vừa đạp rào xông vào trong, tôi phát hiện một lô cốt chìm. Lúc này có anh Quang (quê Hải Hưng) đi bên cạnh tống một quả thủ pháo vào trong lô cốt. Bị bất ngờ, địch bỏ công sự nhảy cả ra ngoài, riêng công sự này ta bắt sống được 7 tên, nhưng trên đường giải về tuyến sau, chúng lợi dùng địa hình phức tạp tẩu thoát mất 3 tên".

"Trận đánh diễn ra nhanh và thuận lợi nên chúng tôi làm chủ trận địa mà không bị thương vong. Nhưng ngay sau đó, địch dùng đại pháo từ căn cứ Thủ Đức, Cát Lái và từ tàu chiến bắn liên tục đến sáng. Đến khoảng 8h sáng 28/4, địch dùng trực thăng đổ quân kết hợp với bộ binh, xe tăng, tàu chiến phản kích quyết liệt. Nhờ công sự lô cốt, chúng tôi đánh trả dữ dội. Mỗi lần công không thành, địch lại lùi ra dùng pháo bắn phá các chốt giữ của chúng tôi nhưng không thành công vì đây là vùng sình lầy, đạn pháo không phát huy tác dụng. Địch cũng phát hiện điều này nên chuyển sang đạn pháo chụp. Đây là loại đạn nổ trên không, mảnh đạn chụp xuống".

Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 12:10:29 pm »

Bản hùng ca cầu Rạch Chiếc

Giọng ông Thọ như lạc hẳn: "Tình hình lúc này hết sức khốc liệt, anh Chiến-quyền C phó, anh Hiểu, anh Thảo đều hy sinh. Anh Thành quyền đại đội trưởng Z22 gãy một chân. Đúng lúc đó địch dùng ca nô lao thẳng vào trận địa. Tôi và các anh em dùng thủ pháo, lụu đạn ném xuống hất tung đám lính và cướp được 2 chiếc ca nô. Chúng tôi đề nghị dùng ca nô đưa anh Thành ra ngoài theo đường sông nhưng anh kiên quyết ở lại chiến đấu cùng anh em. Địch dùng pháo chụp, anh Thành lại gãy luôn chân còn lại. Chúng tôi nhờ Nguyễn Bá Lương cõng anh Thành ra chỗ y tá Mừng và anh Quang. Anh Quang thấy anh Thành oằn người vì đau đớn, không nhịn được bật thành tiếng "anh Thành yên tâm, còn chúng tôi đây", nói rồi dùng B41 bắn thẳng vào đội hình địch. Không ngờ nỗi xúc động của anh Quang khiến địch phát hiện và tập trung hỏa lực bắn vào vị trí khiến cả 3 anh đều hy sinh".


Ông Nguyễn Đức Thọ (ngoài cùng bên trái) và các đồng đội lữ đoàn 316.

Người trông xe nhắm nghiền mắt, nén xúc động: "Lúc này nhiều anh em đã hy sinh, vũ khí lại cạn kiệt, đúng lúc đó chúng tôi nhận được lệnh rút lui ra rừng dừa nước. Trên đường rút, địch cắt đội hình nên nhóm anh Trương, Liễu, Nên, Sơn, Lương, Hạnh, Minh (cùng quê Quảng Xương, Thanh Hóa) bị địch vây đã chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng. Các anh đều bị địch bắt.

Trước khi bắn, địch còn dùng báng súng đập nát 2 hàm răng các anh. Anh Thất quả cảm chốt chặn để anh em rút lui chiến đấu đến hết đạn bị chúng bắt và chặt làm 2 khúc. Anh Tầm, anh Việt cũng ngoan cường chiến đấu và hy sinh trong đợt này".

"Đến sáng 29/4, chúng tôi mới tập trung lại được. Cả hai đơn vị Z22 và Z23 chỉ còn lại 29 người, kể cả những người bị thương nhẹ nhưng chúng tôi lại nhận lệnh tiếp tục nổ súng để địch không phá cầu Rạch Chiếc. Đúng 5h sáng 30/4/1975, chúng tôi lại nổ súng. Lúc này địch tập trung rất đông tại cầu nhưng chủ yếu là số quân vừa thất trận ở Xuân Lộc, Long Thành nên tinh thần rất hoang mang. Vừa nghe tiếng súng chúng đã hoảng sợ, chống trả yếu ớt. Đến 7h sáng 30/4, lực lượng đi đầu quân đoàn 2 tới cầu Rạch Chiếc. Chúng tôi phấn khởi, mừng không bút nào tả xiết".

Dứt lời kể, ông Thọ ngồi thừ người. Để chiếm giữ cầu Rạch Chiếc, đồng đội của ông ở đơn vị Z22, Z23 đã hy sinh 14 người nhưng chỉ có 9 người được tìm thấy xác và chôn tại trận địa (hiện chỉ có các liệt sĩ Nguyễn Văn Thất, Lê Trọng Việt được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Thủ Đức). Sáng 28/4 này, cựu trung uý Nguyễn Đức Thọ lại nhờ vợ trông xe, còn ông chuẩn bị nhang đèn đến cầu Rạch Chiếc tưởng nhớ đồng đội. Ở đó ông lại đọc cho đồng đội thân yêu những câu thơ mà ông dành tặng họ hàng năm:

" …Với cây cầu, anh vẹn toàn sau trước
Không, anh không thể là chiến sĩ vô danh
Vẫn những cái tên anh Chiến, anh Thành;
Nào là Thất, là Minh, là Nho, là Quang, là Mừng, là Tầm, là Việt…
Những cái tên với bao điều muốn biết
Những cái tên biết mấy yêu thương
Ba mươi lăm năm hoa lửa chiến trường
Giữa cửa ngõ thành đô trước ngày giải phóng…".

http://giadinh.net.vn/20100428081124982p0c1000/tran-danh-cau-rach-chiec-nguoi-trong-xe-va-phat-b40-mo-man.htm
Logged
littlelove
Thành viên
*
Bài viết: 12


« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 05:06:05 pm »

Hình ảnh trong clip này có phải là cầu Rạch Chiếc không các bác!
http://www.youtube.com/watch?v=Yk-WBJCbiW0&has_verified=1
Logged
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 05:24:54 pm »

Hình ảnh trong clip này có phải là cầu Rạch Chiếc không các bác!
http://www.youtube.com/watch?v=Yk-WBJCbiW0&has_verified=1
Đây là trận đánh trên cầu SG, newport là Tân Cảng. Cầu Rạch Chiếc nhỏ hơn nhiều và không có độ cong lớn như cầu SG.
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
littlelove
Thành viên
*
Bài viết: 12


« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 11:12:11 pm »

vậy trận trên cây cầu này chắc cũng ác liệt không kém!em có thấy cái clip bộ đội chạy qua cây cầu này!nên tưởng đây là cầu Rạch Chiếc!
Logged
cháu cụ Hùng
Thành viên
*
Bài viết: 12


« Trả lời #7 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 12:11:20 am »

vậy trận trên cây cầu này chắc cũng ác liệt không kém!em có thấy cái clip bộ đội chạy qua cây cầu này!nên tưởng đây là cầu Rạch Chiếc!
Trận cầu Rạch Chiếc trong chiến dịch H C M lịch sử mà bác nói, là trận cuối cùng, theo em nghĩ là đẫm máu nhất, khoảng 200 chiến sĩ đặc công tuyển chọn xuất sắc hi sinh gần hết bám trụ để chờ hộ công tới, mục đích theo em hiểu không phải là chiếm cầu mà ngăn không cho phía bên kia dùng bộc phá để phá hủy cầu RC. Theo em nghĩ thì trận Rạch Chiếc này là chìa khóa mở ra cánh cổng vào S G trong chiến dịch
Logged
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #8 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 12:31:48 am »

vậy trận trên cây cầu này chắc cũng ác liệt không kém!em có thấy cái clip bộ đội chạy qua cây cầu này!nên tưởng đây là cầu Rạch Chiếc!
Trận cầu Rạch Chiếc trong chiến dịch H C M lịch sử mà bác nói, là trận cuối cùng, theo em nghĩ là đẫm máu nhất, khoảng 200 chiến sĩ đặc công tuyển chọn xuất sắc hi sinh gần hết bám trụ để chờ hộ công tới, mục đích theo em hiểu không phải là chiếm cầu mà ngăn không cho phía bên kia dùng bộc phá để phá hủy cầu RC. Theo em nghĩ thì trận Rạch Chiếc này là chìa khóa mở ra cánh cổng vào S G trong chiến dịch
Ta hi sinh có 52 LS thôi, chưa tính thương binh(Nếu xét về tương quan lực lượng; vũ khí; cách đánh công kiên và chiếm giữ, tổ chức đội hình chốt chặn, đánh phản kích để giữ vững vị trí đã chiếm vài ngày là một nhiệm vụ hoàn toàn mới đối với bộ đội đặc công; thì trận này xứng đáng là bản thiên hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng). Tuy nhiên đây không phải là tổn thất lớn nhất của ta từ 26/4->30/4: các trận Nước Trong, Long Thành ta thương vong rất nhiều.
Về ý nghĩa của trận đánh này, bạn đã nói quá lên(ngoài cánh đông còn 4 cánh quân khác), tuy nhiên không phủ nhận ý nghĩa to lớn của trận đánh này.
Trích từ nghiên cứu của các tác giả HÀ MINH HỒNG - NGUYỄN THANH HẢI - QUYỀN HỒNG (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh):

"Chiến thắng Rạch Chiếc góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

17 giờ ngày 26/4/1975, cánh đông và Đông Nam của chiến dịch Hồ Chí Minh đồng loạt nổ súng. Ngày 27/4/1975 một loạt căn cứ địch ở Nước Trong, Long Thành, Biên Hoà, Đức Trạch, Bà Rịa, Đất Đỏ đã bị tiêu diệt hoặc bị vây hãm. Ngày 29/4 các mũi tấn công của ta nổ súng vào các căn cứ địch ở vùng ven đô. Ngày 28 và 29 /4/1975, hàng ngàn binh lính ngụy từ mặt trận vòng ngoài ở Đồng Nai, Bà Rịa đã bỏ chạy về thành phố. Tại cầu Rạch Chiếc, đội hình tháo chạy của địch bị ùn lại ở bắc cầu. Có 125 xe zép của  quan ngụy bị chặn lại tại ngã ba lộ đỏ Thương phế binh, cùng hàng chục xe quân sự khác. Địch cố sức phản kích chiếm lại cầu Rạch Chiếc để mở đường tháo chạy về Sài gòn "tử thủ", nhưng chúng đã thất bại. Từ ngày 29/4 đến 30/4, hàng ngàn lính ngụy từ khu Liên trường Thủ Đức và các nơi khác đổ ra xa lộ tìm cách vượt qua cầu chạy về Sài Gòn. Lính của sư đoàn 18 ngụy từ Xuân Lộc, Biên Hòa rút chạy về Sài Gòn đều bị chặn đứng ở cầu Rạch Chiếc. Hàng ngàn binh lính và  quan ngụy phải bỏ súng, cởi đồ, tháo chạy và tan rã tại chỗ.

Rạch Chiếc đã chặn đứng âm mưu co cụm về Sài gòn "cố thủ" của địch, bảo đảm cho lữ đoàn 203 và trung đoàn bộ binh 66 của ta thọc sâu vào Sài Gòn mà không bị sự kháng cự nào đáng kể của địch. Rạch Chiếc trở thành pháo đài chặn đứng cuộc tháo chạy của quân ngụy ở hướng Đông và buộc chúng tan rã tại chỗ, góp phần vào thắng lợi nhanh chóng và trọn vẹn của chiến dịch "Hồ Chí Minh" lịch sử.

Trong tác phẩm "Đại thắng mùa xuân", Đại tướng Văn Tiến Dũng khi trình bày về cách đánh của chiến dịch đã viết: phải "chặn giữ quân địch lại, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ, không cho địch lẩn vào khu dân cư để phòng ngự, làm chết lây đồng bào"  . Các cán bộ, chiến  chốt chặn cầu Rạch Chiếc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của bộ chỉ huy chiến dịch, góp phần giữ nguyên vẹn thành phố khi được giải phóng. Điều đó có tác dụng to lớn cho công cuộc khôi phục và xây dựng thành phố sau này..."
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Chín, 2010, 11:08:05 pm gửi bởi napoleon » Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #9 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 05:07:35 pm »

Ký ức Mùa Xuân Đại thắng: Tiến công làm chủ cầu Rạch Chiếc trước bình minh toàn thắng
Ngày 18 tháng 04 năm 2005

Ở hướng đông và đông bắc của đội hình chiến dịch Hồ Chí Minh trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn, đại quân ta phải lần lượt qua các cầu Đồng Nai, Rạch Chiếc và Tân Cảng. Tảng sáng ngày 27-4-1975, đoàn 316 đặc công-biệt động được lệnh khẩn trương đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, sau đó phải bảo vệ cầu an toàn tuyệt đối. Từ cán bộ đến chiến sĩ, ai cũng biết đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nếu đến bước đường cùng địch phá hỏng cây cầu này thì cuộc hành tiến của bộ binh cơ giới, xe tăng, trọng pháo ta lập tức bị chặn lại, địch có thời gian từ các nơi dồn về co cụm ở Sài Gòn để thực hiện ý đồ tử thủ. Mà lại phải đánh chiếm cầu thật khẩn trương để kịp phối hợp với bước tiến thần tốc của đại quân ta, trong điều kiện biên chế quân số và trang bị vũ khí gọn nhẹ của binh chủng đặc công-biệt động. Đây là lần đầu tiên đơn vị được phân công đánh địch đang chốt giữ mục tiêu. Nhưng khó khăn gắn liền với vinh dự lớn, mọi cán bộ, chiến sĩ đều thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực vào chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu, chiến dịch mang lại thắng lợi hoàn toàn cho cuộc chống Mỹ, cứu nước. Đoàn 316 phân công cụ thể:

Mũi 1 gồm tiểu đoàn 81 (223 đồng chí) do đồng chí Tư Lê chỉ huy, đánh chiếm phía nam cầu.

Mũi 2 gồm Z22 và Z23 (khoảng 100 đồng chí) do đồng chí Tư Thịnh chỉ huy, đánh chiếm phía bắc cầu.

Ngày 27-4-1975, bộ phận điều nghiên bám sát địch, biết được lực lượng địch thường trực có 1 tiểu đoàn chủ lực khoảng 400 tên ở trong dãy nhà trệt và nhà một lầu, trang bị nhiều loại vũ khí gồm súng chống tăng, súng phóng lựu, M.72, M.79, cối 60 ly. Hai bên đầu cầu có 4 lô cốt bê tông, dưới mép sông còn 2 lô cốt khác. Đó là vòng trong, còn vòng ngoài là 4 bót gác có các bao cát và thùng phuy đất che chở, trang bị 4 đại liên và một số trung liên, súng trường. Đài quan sát của chúng đặt trên căn nhà lầu, có ống nhòm, pháo đội kích, kính hồng ngoại tuyến để có thể phát hiện ta từ xa trong mọi thời tiết ngày đêm, mưa nắng. Ngoài cùng còn có 5 lớp rào kẽm gai kết hợp với bãi mìn và khoảng đất trống vì bị phát quang. Từ đầu hôm đến rạng sáng, hệ thống đèn pha cực mạnh kết hợp với bộ binh tuần tiễu dưới đất, trên không máy bay lên thẳng trinh sát liên tục. Đúng là kẻ địch đã rất coi trọng hệ thống các cây cầu trên trục lộ lớn này, biến chúng thành những chốt chặn lợi hại.

Công tác chuẩn bị của ta rất khẩn trương, 17 giờ ngày 27-4 bắt đầu xuất kích. Tất cả đều ngụy trang bằng cách đi chân đất, ở trần, bôi bùn đất vào người. Ta khai hỏa, súng địch bắn trả dữ dội gấp nhiều lần. Nhưng chúng bị đánh phủ đầu và bị bất ngờ nên chống đỡ không hiệu quả. Đến 3 giờ 45 phút ngày 28-4 ta làm chủ hoàn toàn cầu Rạch Chiếc và khu căn cứ của địch.

Cuộc chiến đấu tiếp theo ác liệt hơn nhiều khi trời bắt đầu sáng, địch kéo đến phản kích. Từ xa, pháo ở các trận địa trường sĩ quan Thủ Đức, Nhơn Trạch, Sóng Thần bắn đến không ngớt. Trên không, máy bay lên thẳng từng tốp 3 chiếc, 6 chiếc phóng rốc-két xuống. Trên mặt sông, tàu địch vừa bắn vừa tiến vào gần. Theo xa lộ, xe tăng và xe thiết giáp địch dẫn bộ binh nhằm hướng cầu tiến tới. Ta dùng 4 khẩu đại liên thu được trong 4 lô cốt bắn quét sát mặt đường, diệt nhiều địch. Nhưng quân chúng đông và có hỏa lực mạnh nên tràn được vào, giáp mặt với quân ta ở khoảng cách rất gần. Mặt khác đạn dược của ta đang cạn dần, số hy sinh lên tới 40 đồng chí. Do đó cả hai mũi được lệnh của chỉ huy đoàn vừa chiến đấu vừa rút dần về vị trí xuất phát.

Từng tổ, từng tiểu đội và từng mũi rút kinh nghiệm, được bổ sung vũ khí và biên chế lại. Ngay đêm đó ta tiến công chiếm lại cầu Rạch Chiếc. Tận dụng màn đêm, ta bí mật tiếp cận rồi dùng B40 và B41 diệt phần lớn xe tăng địch án ngữ hai đầu cầu, buộc số ít còn lại tháo chạy ra xa. Lẹ làng, tiếng tổ xé lẻ, chia cắt địch và diệt gọn bằng tiểu liên AK, thủ pháo, lựu đạn. Quyền làm chủ lại thuộc về ta khi trời chưa sáng.

Trong ngày 29-4, do đã có kinh nghiệm, ta bố trí tổ thủy lôi chặn tàu địch dưới sông, sử dụng các lô cốt và công sự có sẵn của địch tạo thành lưới hỏa lực ngăn chúng từ xa. Do đó cả ngày hôm đó chúng phản kích 7 đợt, bị ta đánh lui cả 7 lần. Thêm 12 đồng chí ta hy sinh, nhưng cây cầu vẫn do ta làm chủ, được bảo vệ an toàn.

Từ sáng sớm ngày 29-4, lệnh tổng công kích của Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã truyền đến từng người trên các mặt trận, các mũi tiến công. Các chiến sĩ giữ cầu Rạch Chiếc được truyền thêm ý chí quyết tâm, càng quán triệt sâu sắc nhiệm vụ của mình trong thời điểm lịch sử trọng đại này. Ban chỉ huy đoàn 316 điện nhắc anh em tăng cường cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, nhiều đơn vị địch đang tan rã nên có thể binh lính liều mạng chạy tràn qua cầu để thoát về Sài Gòn!

Cho đến 9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, bỗng có tiếng động cơ xe tăng từ phía bắc vọng vào, càng lúc càng rõ. Căng mắt quan sát, kìa, cả một đoàn xe tăng đang hùng dũng tiến vào, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng phấp phới trên chiếc đi đầu. 9 giờ 35 phút, đồng chí Tư Thịnh báo cáo lên trên: lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đang lần lượt qua cầu, không hề có sự chống trả của tàn quân địch. Mọi cán bộ, chiến sĩ cũng đã được phép rời khỏi công sự, reo mừng vẫy chào đơn vị bạn trong niềm vui dào dạt, vui tột độ, có cả nỗi buồn sâu lắng vì mới một ngày và hơn một ngày trước, có tất cả 52 đồng đội thân yêu đã ngã xuống nơi này. Hầu hết anh em đều còn rất trẻ, ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Sự hy sinh cao cả của anh em góp phần rất xứng đáng vào chiến công chung. Chỉ hai giờ đồng hồ sau, đoàn xe tăng qua cầu Rạch Chiếc đã húc đổ cánh cửa sắt, tiến vào dinh Độc Lập và buộc toàn bộ nội các ngụy quyền đầu hàng vô điều kiện. Toàn thắng đã về ta.

TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ
Logged
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM