Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:59:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104945 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #150 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2010, 02:20:22 pm »

 Phải nhận rằng trong những ngày tháng tư. Na-va đã cố tìm mọi cách để quân Pháp trong tập đoàn cứ điểm tránh khỏi nguy cơ bị tiêu diệt. Nhưng mọi thủ đoạn đã bị thất bại, kể cả trên tuyến tiếp tế vận tải của ta và cả trong lòng chảo Mường Thanh. Thất bại của kế hoạch làm “mưa nhân tạo” cũng là thất bại cuối cùng của âm mưu dùng kỹ thuật hòng cản bước chân chiến sĩ dân công và vòng quay của bánh xe vận tải cơ giới.

 Còn nhiều chuyện xảy ra đối với địch trong tháng tư, cũng nằm trong mưu đồ cứu nguy cho tập đoàn cứ điểm của Na-va. Ở đây, chỉ xin kể thêm với các bạn câu chuyện thăng cấp cho các sĩ quan chỉ huy tập đoàn cứ điểm, thăng đồng loạt, từ Đờ Cát, Lăng-gle đến Bi-gia và dưới nữa.

 Trong quân đội nào cũng vậy, việc thăng cấp là chuyện bình thường. Nhưng riêng với Đờ Cát, việc hắn ta được đề bạt thiếu tướng đã làm nẩy sinh khá nhiều giai thoại.

 Sau khi hạ quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành lập đoàn cứ điểm để “chấp nhận giao chiến” với chủ lực ta, vấn đề đặt ra với Na-va là phải chọn một tay chỉ huy có tài. Tướng Gin hết hạn nằng nặc đòi về. Suy nghĩ và trao đổi với Cô-nhi, cuối cùng Na-va chọn Đờ Cát.

 Nếu có ai đặt vấn đề: tại sao tổng chỉ huy không chỉ định một sĩ quan cấp tướng đứng mũi chịu sào ở mảnh đất Điện Biên này thì quả thật người đó chưa đánh giá đúng “tài” của đại tá. Đờ Cát, một người có cái tên quý tộc dài dằng dặc (Christian Marie Ferdinad de la Croix de Castries), xuất thân từ một dòng họ đã từng vang bóng một thời với một lô trung tướng, đô đốc, thống chế, bộ trưởng…

 Năm 1953, khi lên nhận chức chỉ huy tập đoàn cứ điểm, viên sĩ quan “con nhà nòi binh nghiệp" ấy mới 51 tuổi. Hắn thạo nghề lính cũng như thạo nghề ăn chơi. Mê đua ngựa, mê đánh bạc và mê gái. Về binh nghiệp, hắn đã tham gia thế chiến 2 ở châu Âu. Khi Na-va chỉ huy trung đoàn kỵ binh thứ 3 ở Châu Phi thì Đờ Cát là đại úy trong trung đoàn này. Biết nghề xe tăng là sở trường của Đờ Cát, mà lòng chảo Điện Biên mệnh mông lại là đất dụng võ của xe tăng nên càng thêm lý do để Na-va chọn Đờ Cát đưa lên đây. Về “thâm niên Đông Dương”, viên đại tá đã có một quá khứ gắn bó với bán đảo này. Không phải ngẫu nhiên mà những vị tổng chỉ huy trước Na-va đã đưa hắn sang chiến trường này vào những thời điểm quan trọng: 1946, khi mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, 1951 sau đòn Biên Giới và 1953, khi quân viễn chinh đang lao sâu vào ngõ cụt.

 Dưới thời Đờ-Lát đờ Tát-xi-nhi, để góp phần chữa cháy trên chiến trường Trung du, binh đoàn Ta-bo do hắn chỉ huy được điều từ Lục Nam lên Vĩnh Yên. G.M.I này vấp phải mìn và viên đại tá què cẳng (cái chân tập tễnh theo hắn lên Điện Biên từ 7 tháng 12 năm ngoái).
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #151 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2010, 02:23:56 pm »

 Không những Đờ Cát được bọn chỉ huy quân viễn chinh Pháp “cưng” mà hắn đã từng lọt qua mắt xanh của phó tổng thống Huê Kỳ Nich-xơn. Đó là vào ngày 4 tháng 11, trong chiến dịch “Hải Âu”. Ngày đó nhân một cuộc sang “thăm” Đông Dương, ngài phó tổng có ra Tây nam Ninh Bình để chứng kiến đô la và súng Mỹ đã giúp cho viên tổng chỉ huy mới của quân viễn chinh “chủ động tiến công” như thế nào. Bỗng trong ống nhòm của Ních-xơn xuất hiện một viên sĩ quan mang lon đại tá, đầu đội ca-lô đỏ, cổ quàng chiếc khăn sặc sỡ, tay cầm can bịt bạc, chân tập tễnh nhưng tỏ ra rất xông xáo. Hỏi ra mới biết chính là Đờ-Cát. Tác phong ngang tàng của viên đại tá đã được ngài phó tổng thống Nich-xơn ca ngợi.

 Đó là đường binh nghiệp.

 Còn con đường phong tình, Đờ Cát cũng chẳng kém ai.

 Chỉ riêng những ngày ở Điện Biên cũng đủ chứng minh điều đó.

 Trước tháng ba, tức là trong những ngày máy bay lên xuống sân bay Mường Thanh còn chưa khó khăn lắm, cứ tuần hai lần, mụ nhân ngãi của hắn lại lên thăm. Ngay tại hầm chỉ huy Ê-pec-vi-ê, cô thư ký riêng, xinh đẹp, hay son phấn, luôn sực mùi nước hoa, là nguồn vui cho ngài đại tá trong những ngày căng thẳng khiến mụ tình nhân không dám bén mảng lên Mường Thanh nữa. Vài ngày sau khi ta nổ súng, đến lượt cô thứ ký Pôn-lơ Buốc-giát cũng phải chia tay vì không chịu nổi không khí chiến trận. Ít ngày sau, Đờ Cát đề nghị với Cô-nhi, trong số quân dù tăng viên, nên thả xuống một nữ y tá. Sự có mặt của một lính gái trên cánh đồng Mường Thanh đang như cái lòng chảo bị rang nóng này là “một tượng trưng cho lòng dũng cảm của quân viễn chinh; nơi đầu sóng ngọn gió. Cô-nhi “thông cảm” với cấp dưới. Và ít ngày sau một phụ nữ cũng có cái tên “quý tộc họ Đờ” (Giơ-nơ-vi-e-vơ Đờ Ga-la) xuất hiện trong sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.


 Với con người mang đủ đặc tính sĩ quan thực dân chính hiệu như vậy, cả về quá khứ và hiện tại, cả về gia đình và bản thân, cấp trên của hắn chọn để giao trọng trách trấn giữ cái lòn chảo Điện Biên này cũng là phải lẽ trong đạo lý viễn chinh.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #152 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2010, 02:26:28 pm »

 Bây giờ xin trở lại chuyện cấp bậc.

 Ở Đông Dương hồi chín năm, tướng Pháp không nhiều lắm. Nhất là những viên tướng đã từng được đề cao lên tận mây xanh như Gin ở Nà Sản năm trước lại càng không nhiều. Nhưng đó chỉ là một lẽ. Với cách nhìn con người qua đôi mắt tình báo, Na-va đi đến đánh giá Đờ Cát là một đại tá có tài. Mà như vậy thì thua gì một viên tướng bất lực. Na-va được Cô-nhi đồng tình. Tổng chỉ huy đã khéo chọn mặt gửi vàng. Thế là cái mũ đỏ Xpa-hi xuất hiện trên cánh đồng Mường Thanh. Chặt hết cây, phá hết nhà dân để xây công sự. Tập đoàn cứ điểm  phình ra càng nhanh, lời khen càng nhiều. Khen “có nội dung” hẳn hoi. Ví dụ trường hợp bộ trưởng quốc phòng Plê-ven. Ngày 19 tháng hai, ngài bộ trưởng kinh lý Điện Biên. Đứng trước quang cảnh “con nhím” đã xù lông hết cỡ, ngài bộ trưởng đã hỏi viên chỉ huy tập đoàn cứ điểm: “Liệu đại tá có biết rằng cả nước Pháp đang chăm chú chiêm ngưỡng ngài không?” Và quay lại nói nhỏ với Na-va đứng cạnh – nói nhỏ nhưng cố tình cho “đương sự” nghe thấy: “Đã đến lúc cần có cái gì mới trên vai người hùng của chúng ta”.
 
 Đúng một tháng sau, tức là vào thời điểm mà “người hùng” vừa nướng ba tiểu đoàn ở mấy cứ điểm vòng ngoài, khi Ê-ly sang cầu viện Oa-xinh-tơn, đã có lúc viên tướng Pháp này không tin ở tai mình nữa, khi đột nhiên nghe thấy tổng thống Mỹ vâng chính ngài Ai-xen-hao chứ không phải cấp thấp nào khác – hỏi: “Tại sao một người chỉ huy lỗi lạc như Đờ - Cát mà lại chưa được thăng lên cấp tướng nhỉ?” Hôm sau, trong một cuộc họp báo, tổng thống Hoa Kỳ không úp mở, tuyên bố thẳng thừng: “Nếu là quyền hạn của tôi, tôi đã thăng cấp thiếu tướng cho Đờ Cát lâu rồi”.

 Đang lúc cần tiền cần súng để cứu nguy cho quân viễn chinh ở Điện Biên Phủ nên tổng tham mưu trưởng Ê-ly không hề nghĩ rằng đồng đô la đã để cho những kẻ ngồi trong Nhà Trắng có những lời can thiệp trắng trợn quá cụ thể vào quân đội Pháp. Hắn chỉ thấy đây là một sự “gợi ý quan trọng”, nghe theo chỉ có lợi cho kế hoạch Na-va, có lợi cho tập đoàn cứ điểm. Hắn thấy  Ai-xen-hao đã nói đúng những gì mà trong một cuộc họp của nội các Pháp không ít người đã bàn tới: “nếu cho Đờ-Cát mấy ngôi sao (cấp tướng) hẳn ông ta sẽ bảo vệ Điện Biên Phủ có hiệu quả hơn”.

 Trước sinh mạng của hàng vạn lính đang bị quây chặt trong lòng chảo Mường Thanh, Pa-ri hẹp hòi gì mấy ngôi sao bạc? Nhất là việc này đã được người cầm đầu nước Mỹ nói toạc móng heo trước dư luận. Điều đắn đo là ở chỗ: đưa “củ cà rốt thiếu tướng” ra nhử Đờ Cát (nói theo luận điệu bất mãn của vợ hắn) để rồi tập đoàn cứ điểm cứ bị tan tành và trong trại tù binh của đối phương có một ngài sĩ quan cấp tướng thì ôi thôi, còn đâu là uy danh của quân đội Cộng hòa Đại Pháp?
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #153 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2010, 02:28:00 pm »

 Thế rồi vào trung tuần tháng tư, tình thế đã chín muồi. Người Mỹ đã gợi ý. Na-va đã đồng tình. Vợ Đờ Cát đã bất mãn nói ra miệng. Riêng Đờ Cát ngày đêm hy vọng. Và nhất là tập đoàn cứ điểm đã lâm vào thế “thập tử nhất sinh”. Đã đến lúc Pa-ri quyết định.

 Ngày 14, Na-va báo cho Đờ Cát tin vui. Hôm sau, tin vui lại được Cô-nhi nhắc lại, kèm theo lời chúc mừng và lời yêu cầu: giữ cho tập đoàn cứ điểm đứng vững. Lăng-gle, La-lăng, Bi-gia và vân vân, đều được lên một cấp. Lon tướng của Đờ Cát đã được gửi lên cùng với 200 chai rượu cô nhắc. Cố đón dù thả xuống. Hơn 50 nhà báo đang có mặt ở Hà Nội để tường thuật về sự kiện quan trọng này. Hãy gửi tin về…

 Vậy mà, sau khi những chiếc dù sặc sỡ được ném tung tóe xuống cánh đồng Mường Thanh. Đờ Cát xô quân ra lượm về được một số, nhưng rồi lục tìm hết kiện này kiện khác, chẳng thấy sao cấp tướng và các loại mề đay, cũng chẳng thấy rượu cô-nhắc.

 Phải vượt lên cái số phận hẩm hiu này. Lính thợ được giao nhiệm vụ lấy mấy mảnh thiếc trắng tự tạo cho ngài tân thiếu tướng mấy ngôi sao. Bạc hay thiếc cũng đều là kim loại trắng cả. Không cố cô nhắc thì thay bằng rượu vang. Nhạt hoét, nhưng cũng còn có cái gì đổ vào cốc để “chén chú chén anh” trong cái ngày Tháng tư đáng ghi nhớ này.

 Đèn bão treo lên, pháo nổ lẹt đẹt. Nâng cốc, chúc tụng. Mọi người hỉ hả. Chỉ căm một điều là những cái dù “đáng giá” nhất đối với buổi liên hoan lại rơi vào khu vực đối phương.

 Vào lúc đang chén tạc chén thù này họ không hề nghĩ rằng chặng đường từ đại tá lên thiếu tướng của Đờ Cát chỉ ít ngày sau thôi, được kế tiếp bằng chặng đường từ hầm chỉ huy Ê-pec-vi-ê đến trại tù binh.

 Chặng đường hắn không bao giờ muốn nhưng không sao cưỡng nổi.

 Những nỗ lực phi thường của quân ta trong những ngày cuối tháng tư đã chuẩn bị đầy đủ yếu tố kết liễu số phận của tập đoàn cứ điểm.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #154 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2010, 02:30:56 pm »

19. KHÔNG CHO CHÚNG NÓ THOÁT


 Một tháng chờ đợi và hy vọng vào “kế hoạch Diều Hâu” đối với các giới quân sự và dân sự, cả ở Pa-ri và Sài –Gòn, thật quá dài. Nó càng dài đối với bọn chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Nhưng rồi đến cuối tháng tư, mối hy vọng đó đã trở thành tuyệt vọng.

 Nhân cuộc họp nội các Anh ngày 25, Mỹ đã giật dây Pháp đốc đại sứ của mình tại Lơn-đơn gạn hỏi ý kiến của Anh về việc Mỹ định dùng máy bay can thiệp vào Điện Biên Phủ. Lập trường của Lơn-đơn không thay đổi. Sau cuộc họp, ngoại trưởng Anh Lơn-đơn lên đường đi Giơ-ne-vơ dự hội nghị các nước lớn khai mạc vào hôm sau, 26 tháng tư.

 Sau thất bại bất ngờ trong mưu đồ kéo người Anh vào “hành động thống nhất”, ngày 29 tổng thống Ai-xen-hao buồn bã tuyên bố trước Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ: “Chúng ta không thể có biện pháp gì giúp người Pháp ở Đông Dương khi chưa biết kết quả của hội nghị Giơ-ne-vơ”.

 “Kế hoạch Diều Hâu” bất thành, lại thêm lời tuyên bố trên đây của người cầm đầu nước Mỹ khiến Na-va càng lo ngại cho số phận của tập đoàn cứ điểm. Sự bế tắc về giải pháp cứu đồng bọn ở Điện Biên Phủ càng khoét sâu mâu thuẫn đã quá gay gắt giữa Na-va và Cô-nhi từ cuối tháng ba, khi cuộc tiến công của ta sắp bước vào đợt hai.

 Sự việc xảy ra bắt nguồn từ việc khủng hoảng máy bay, con chủ bài và chỗ dựa của bộ thống soái Pháp hòng cứu nguy cho tập đoàn cứ điểm.
Chằng là hồi đó, khi nghe ta sắp mở đợt tiến công mới, Cô-nhi bấn lên, vội điện cho Na-va xin thêm máy bay để chi viện cho Điện Biên Phủ. Bức điện dọa rằng nếu hắn không được tăng cường không quân, thì số phận tập đoàn cứ điểm khó tránh khỏi bị đối phương địch đoạt. Na-va đã quá ngán về chuyện này. Hắn đã dồn cho Cô-nhi hơn 400 máy bay để yểm trợ cho Điện Biên Phủ. Tính ra hàng tháng đã có tới 6.000 lần chiếc xuất kích lên Tây Bắc để ném bom, bắn phá, thả dù tiếp tế và tăng viện. Hai trăm lần chiếc/ngày, một con số quá lớn. Kho dù đã cạn. Máy bay không được Mỹ cho thêm. Lính nhảy dù cũng không còn. Vậy mà vừa nghe tin đối phương sắp mở đợt tiến công mới, Cô-nhi lại đòi máy bay! Lấy đâu ra? Vét sạch túi rồi.

 Nhận được điện, Na-va tức tốc bay ra Hà Nội để xem sự thể thế nào.

 Ngồi trên máy bay, viên tổng chỉ huy hồi tưởng lại lời của Xa-lăng hôm bàn giao tháng 5 năm trước: Cô-nhi có tham vọng lớn là trở thành nhân vật số 1 ở Bắc Việt, lại có thói quen không chấp hành mệnh lệnh và thường làm nảy sinh nhiều chuyện lủng củng. “Tướng quân có thể sử dụng ông ta, nhưng phải cẩn thận, phải quản lý chặt…”.

 Từ khi được giao quyền chỉ huy ở Bắc kỳ và sau đó lại được thêm một sao, “con ngựa bất kham” nay càng tỏ ra coi thường Na-va, thường hay nhấn mạnh là tổng chỉ huy thiếu kinh nghiệm Đông Dương. Biết bao chuyện đã xảy ra, từ thu vén quân cho đồng bằng sông Hồng đến phản đối kế hoạch Át-lăng…
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #155 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2010, 02:33:27 pm »

 Và lần này cũng vậy…

 Một giờ sáng 31 tháng 3, máy bay chờ Na-va hạ cánh xuống Gia Lâm. Cô-nhi lánh mặt không ra đón. Đó là một biểu hiện khác thường, nói lên quan hệ không hay ho gì. Na-va nén giận, lặng lẽ về bộ tham mưu nghe báo cáo tình hình quân Pháp ở Điện Biên Phủ đối phó ra sao. Cho gọi Cô-nhi đến, nhưng mãi gần 8 giờ sáng, “con gà trống tốt mã” mới dẫn cái xác đồ sộ vào phòng. Tổng chỉ huy vất vả đêm hôm như thế, còn hắn thì đã qua một giấc ngủ no nê!

 Nghe Cô-nhi báo cáo tình hình nát bét ở Điện Biên Phủ, Na-va trút mọi nỗ bực dọc lên đầu cấp dưới. Được trao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo Đờ Cát giữ cho được tập đoàn cứ điểm, vậy mà Cô-nhi chỉ bo bo bám lấy đồng bằng. Còn đối với Điện Biên Phủ, hắn để tâm gì ngoài những lời tuyên bố huênh hoang rỗng tuếch cho nên mới nên nông nỗi này. Thật là cục bộ, thiển cận, thiếu nhãn quan chiến lược toàn cục…

 Càng nghĩ, Na-va càng thấy mọi chuyện đều do Cô-nhi mà ra.

 Thế là một cuộc đấu khẩu quyết liệt nổ ra ngày 31 và kéo dài đến tận hôm sau.

 Đỏ mặt, đập bàn. Cuối cùng Cô-nhi xin từ chức. Lập tức Na-va hạ một câu: “Ông ra đi cũng phải vì không đủ khả năng ở cái đất Bắc kỳ đầu sóng ngọn gió này”.

 Nếu lời sau này Cô-nhi kể lại là có thật thì lúc đó, sự tức giận dâng lên tận cổ, hắn thét lên: “Nếu ngài không hơn tôi một sao thì tôi đã cho ngài một cái tát”.

 Chao ôi! Đến nông nỗi này thì còn đâu là trên dưới, còn đâu là mặt mũi ngài tổng chỉ huy thay mặt nước Đại Pháp cầm quân trên mảnh đất này nữa?

 Vốn có thói quen của con nhà tình báo, trong hoàn cảnh phải bơi ngược dòng ấy, Na-va đã biết trấn tĩnh, làm chủ được mình. Mặt tái đi, nhưng rồi hắn tỉnh khô, khẽ nói với đối thủ: “Thôi, tôi mong rằng chuyện vừa qua, chỉ riêng hai chúng ta biết. Trước mắt chúng ta là “con nhím” đang hấp hối trên đất Điện Biên Phủ…”.

 Thấy cấp trên lùi bước Cô-nhi cũng dừng lại ở đó. Hắn dập gót “đốp” một cái, người ngay như chết đứng: “Thưa tướng quân, tôi coi việc giữ kín chuyện đó là bổn phận hàng đầu của tôi…”.

 Và từ ấy, giáp mặt nhau là điều bắt buộc.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #156 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2010, 02:36:12 pm »

 Mỗi khi Na-va ra Hà Nội, mặc dù buồng làm việc của hai người không xa nhau lắm, nhưng cần trao đổi gì, hai viên tướng chỉ dùng điện thoại, những mẩu giấy hoặc qua sĩ quan liên lạc. Chỉ đôi lần gặp phái viên của Pa-ri hay của Oa-xinh-tơn là hai người có vẻ cố quên chuyện cũ. Những lúc ấy Diều hâu chi phối toàn bộ suy nghĩ của họ.

 Nhưng giờ đây, “kế hoạch Diều Hâu” chỉ còn là tờ giấy trong hồ sơ lưu trữ trong Lầu Năm Góc và ba quân đang ngoắc ngoải trên cánh đồng Mường Thanh. Mọi thủ đoạn không cho phép cứu vãn được tình thế. Việc tàn sát trên 400 người trong trại tập trung ở bản Long Nhai không những không làm đối phương nao núng mà chỉ khơi thêm chí căm thù của họ khiến họ càng quyết tâm san phẳng tập đoàn cứ điểm. Việc thăng cấp hàng loạt cho các cấp chỉ huy tập đoàn cứ điểm xem ra cũng khó xốc được tinh thần đã quá nao núng của binh lính. Đối phương cứ diệt dần từng cứ điểm. Những “vòi bạch tuộc chiến hào” ngày càng bám chặt lấy các vị trí. Cuộc tranh chấp trên các đồi Ê-li-an 2 và Ê-li-an 1 (A1 và C1) đang diễn ra hàng ngày trong điều kiện đối phương có quân thay thế còn quân đồn trú thì đã qua 48 ngày kiệt sức.

 Làm thế nào đây.

 Suy đi tính lại, cuối cùng Na-va nhận thấy chỉ còn một cách cho quân rút chạy khỏi lòng chảo Điện Biên. Không phải đến lúc này vấn đề tháo chạy mới được nêu lên. Ngay từ khi quân ta bắt đầu bao vây Điện Biên Phủ, một kế hoạch mang tên “Xô nô phôn” đã được vạch ra. Để chuẩn bị cho việc thực hiện kế hoạch này đại tá Cre-vơ-Cơ đã rải quân dọc sông Nậm Hu làm cái cầu nối liền Điện Biên Phủ với Luang Pha bang. Khi cần thiết, quân đồn trú có thể bỏ tập đoàn cứ điểm chạy sang Thượng Lào.

 Nhưng giờ đây tình hình đã khác. Phòng tuyến sông Nậm Hu đã bị quét sạch. Quân ở Điện Biên Phủ chỉ còn chừng 5.000 tên đủ sức cầm súng. Số còn lại đã kiệt sức. Nhưng tình thế không cho phép ở lại. Cứu được mấy ngàn người này – dù bằng giá đắt – còn hơn để họ bị bắt hoặc đầu hàng. Không thể để cho thiếu tướng Đờ Cát chui vào trại tù binh đối phương được. Hãy vì “uy danh’ quân đội Đại Pháp và dòng họ binh nghiệp “nhà nòi” của Đờ Cát mà cứu lấy những người sống sót, cứu lấy viên thiếu tướng.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #157 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2010, 02:37:48 pm »

 Thế rồi một kế hoạch khác, mang tên Chim ưng ra đời từ giữa tháng tư. Đờ Cát được thông báo: chuẩn bị sẵn sàng thực hiện kế hoạch này nếu vì lý do nào đó Mỹ không dùng không quân can thiệp.

 Theo kế hoạch Chim Ưng, 6 tiểu đoàn bộ binh từ Thượng Lào sẽ vượt biên giới lên hướng Điện Biên, phối hợp với 3 tiểu đoàn quân dù nhảy xuống Mường Nha, cùng kéo lên giải vây cho tập đoàn cứ điểm. Nhưng kế hoạch không thực hiện được. Lý do: thiếu máy bay để chở quân dù và Cô-nhi trừ trừ do dự không muốn vét quân ở đồng bằng đi khi mà chiến tranh du kích đang làm cho lực lượng ở đồng bằng phải chia năm xẻ bảy đi đối phó khắp nơi. Như sau này người Pháp tiết lộ, lý do chủ yếu khiến Chim Ưng bị thối từ trong trứng vì Đờ-cát cho biết: tập đoàn cứ điểm đã ở vào thế “trong không ra được, ngoài không vào được”.

 Chim Ưng không cất cánh được, trong khi tin tức dồn dập bay về cho biết hội nghị Giơ-ne-vơ sắp họp trong bối cảnh quân Pháp đang ở vào thế bất lợi trên chiến trường.

 Na-va suy nghĩ đến một nước cờ khác. Vừa phải tiếp tục tìm cách cứu tập đoàn cứ điểm, hắn vừa nghĩ đến một cuộc chiến tranh khác. Hội nghị Giơ-ne-vơ không thể kết thúc một sớm một chiều. Phải xây dựng gấp một quả đấm chiến lược mới, với trang bị mới do Mỹ viện trợ với một số đơn vị do Pa-ri tăng viện. Dù số phận tập đoàn cứ điểm thế nào, Việt Minh chắc chắn phải qua một thời gian nghỉ ngơi, củng cố. Phía Pháp sẽ ra tay trước vào mùa thu tới để xoay chuyển tình thế bằng những đòn chiến lược mới, Người Mỹ chắc chấp thuận chủ trương “làm lại từ đầu” này.

 Cuối tháng tư, Na-va báo cáo chính phủ Pháp về dự kiến của mình và đề đạt phương hướng giải quyết quân tăng viện và viện trợ. Hắn không hề nghĩ rằng lúc này ở Pa-ri, trừ một số nhân vật hiếu chiến nhất, cỡ La-ni-en, Bi-đôn, còn số đông, rất đông, đã quá mệt mỏi và chán ngán. Người ta đang dồn mắt sang Giơ-ne-vơ. Cuộc chiến tranh sẽ được giải quyết bên hồ Lê-man ở Thụy Sĩ chứ không phải trên chiến trường.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #158 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2010, 02:39:33 pm »

 Sau khi gửi thư về Pa-ri, Na-va đang chìm đắm trong những ý nghĩ về mưu đồ mới, lòng đầy hy vọng, cũng là lúc được tin đối phương bắt đầu đợt tiến công mới.

 Để tiến tới đợt tiến công có ý nghĩa quyết định cuối cùng vào đầu tháng 5, quân ta đã trải qua những ngày nỗ lực phi thường.

 Sau hội nghị cán bộ ngày 8 tháng 4, đợt giáo dục chính trị tư tưởng đã góp phần quyết định nâng cao quyết tâm của bộ đội. Qua những cuộc đấu tranh thân tình nhưng thẳng thắn, cán bộ và chiến sĩ đã giúp nhau phân tích những biểu hiện ngại thương vong, mệt mỏi, nhất là những hiện tượng thiếu trách nhiệm trong cán bộ.

 Một luồng gió mới tràn đến các đơn vị, mang theo một khí thế lập công mới. Tiếp đến cuộc hội nghị do Tổng quân ủy triệu tập, gồm các đồng chí bí thư Đảng ủy các đại đoàn và các đồng chí chủ trì các cơ quan mặt trận nhằm khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, đã đặt nền tảng vững chắc loại trừ “một số hiện tượng không bình thường xuất hiện trong việc chấp hành nhiệm vụ chiến đấu của cán bộ”.

 Các đơn vị đã dựa vào báo cáo kết luận của Tổng quân ủy triển khai một đợt giáo dục sâu rộng cho toàn thể bộ đội, từ cấp ủy đến đảng viên, từ cán bộ đến chiến sĩ để mọi người nhận rõ tình hình, nâng cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Một khí thế mới dâng lên khắp nơi sau đợt học tập này. Như sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét trong Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, “đấy là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta”.

 Về mặt chiến thuật, nói lên trong việc chuẩn bị chiến đấu của bộ đội trên các điểm cao phía Đông là nhằm thực hiện bàng được chủ trương tiêu diệt cứ điểm A1, một “cái đinh” mà địch ngoan cố chốt chặt và ta quyết tâm nhổ đi.

 Đã một tháng nay, cuộc giành giật giữa ta và địch trên điểm cao này diễn ra hàng ngày. Chúng vẫn giữ được phần lớn cứ điểm, ta chỉ giữ được một mỏm nhô ra, bằng một phần ba diện tích quả đồi. Địch đã bao lần thất bại trong ý đồ phản kích hòng đánh bật quân ta khỏi cứ điểm. Cuối cùng, địch không còn sức phản kích nữa mà quân ta cũng chưa có cách gì giải quyết được ụ súng trên hầm ngầm đỉnh điểm cao. Hai bên mặt đối mặt.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #159 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2010, 02:42:28 pm »

 Vào trung tuần tháng tư, một buổi sớm, đại đoàn trưởng 316 Lê Quảng Ba đến Đồi Cháy22 để trực tiếp quan sát lên hướng A1. Điều khiến đồng chí suy nghĩ mấy tuần qua là làm sao đánh sập được cái hầm ngầm của địch, mở đường cho bộ đội tiến vào nhổ cái đinh A1.

 Quan sát đỉnh điểm cao, tìm hiểu tình hình chiến đấu của quân ta trong suốt tháng tư, liên hệ suy nghĩ về những chiến hào của ta từ nhiều hướng đâm thẳng vào từng cứ điểm địch, trong đầu óc đồng chí vấn vương một câu hỏi: tại sao ta không vận dụng cách đào hào hiện nay, đào một giao thông hào ngầm dưới đất xuyên thẳng vào lòn A1 đến tận dưới hầm ngầm của chúng?

 Hình ảnh chiếc giao thông hào đó cứ theo dòng suy nghĩ của đồng chí ngay trong lúc ngồi ăn cơm với bộ đội. Trong bữa ăn, trước mặt đại đoàn trưởng là Trần Văn Hảo, một chiến sĩ trẻ măng, du kích Bắc Ninh mới nhập ngũ. Qua câu chuyện được biết người chiến sĩ quê hương quan họ này đã từng tham gia đào hào ngầm, xuyên cánh đồng, luồn qua hàng rào thép gai đặt mìn phá sập lô cốt địch, tiêu diệt một bốt giặc đã bị ta bao vây hai tháng ròng mà không chịu hàng. Anh em gọi đó là cách đánh độn thổ.

 Anh em nghe Hào kể như nghe bất kỳ chuyện chiến đấu mưu mẹo nào khác của du kích địch hậu. Nhưng đối với đại đoàn trưởng, trên đường từ Đồi Cháy trở về, một quyết tâm, một kế hoạch đã hình thành rõ rệt.

 Bàn bạc và được sự đồng tình của chính ủy Chu Huy Mân, kế hoạch hình thành và được báo cáo lên trên: Đào một đường hầm sâu trong lòng đồi A1, phía dưới hầm ngầm của địch, bí mật đưa một lượng bộc phá lớn vào đánh sập lô cốt cố thủ của địch.

 Kế hoạch được Bộ chỉ huy chiến dịch chấp nhận.
------------------------
 22. Một ngọn đồi Đông Nam A1, chừng 100 mét, địch gọi là đồi Hói, ta gọi là đồi Cháy. Trên điểm cao nàykhông còn một gốc cây ngọn cỏ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM